THẬP GIÁ VÀ LƯỠI GƯƠM

Linh Mục Trần Tam Tỉnh

bản điện tử của sachhiem.net (KT đánh máy)

¿ trở ra mục lục bản in

23 tháng 3, 2010

PHỤ LỤC

PHONG THÁNH

Hiện nay đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở nước ta đang đứng trước một vấn đề tế nhị và phức tạp có liên quan đến mối quan hệ giữa đời và đạo, Nhà nước và Giáo hội, Dân tộc và Tòa thánh.

Bức họa để trang hoàng trong ngày Gáo Hoàng John Paul II phong thánh cho 117 vị tử đạo - SH sưu tầm

Đó là việc Tòa thánh Vatican quyết định nâng lên hàng Hiển thánh 117 Chân phúc tử đạo tại Việt Nam, và sẽ làm lễ phong thánh tại Roma vào ngày 19-6 tới đây. (SH:Xem bài "Tiến Trình Phong Thánh" của Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, http://www.dunglac.org/)

Sự việc này không chỉ là việc nội bộ của Giáo hội, mà còn có liên quan sâu sắc đến mối quan hệ đạo và đời, giữa đạo này với đạo khác, giữa người theo đạo Thiên Chúa với ngưới không theo đạo Thiên Chúa ở nước ta.

Nó không phải chỉ là một nghi thức tôn giáo đơn thuần, mà còn đụng chạm đến những vấn đề lịch sử của dân tộc ta.

Nó không phải chỉ thuộc về thẩm quyền trong quan hệ giáo quyền đơn phương giữa Tòa thánh Vatican với Giáo hội Thiên Chúa Việt Nam và Giáo hội một số nước có giáo sĩ đến truyền giáo tại Việt Nam, mà còn đụng chạm tới chủ quyền dân tộc và uy tín quốc gia của nước ta trong các mối bang giao quốc tế giữa các nhà nước và trước những hành động của các tổ chức nước ngoài với Tổ quốc ta, Dân tộc ta.

Trong những ngày vừa qua, ý thức được trách nhiệm đối với tín ngưỡng của mình, nhiều giáo dân, giáo sĩ và nhân sĩ Thiên Chúa giáo đã có những cuộc hội họp, phát biểu ý kiến, nói lên những suy nghĩ, băn khoăn. Nhiều người đã đưa ra những giải pháp cụ thể.

Nhiều người không theo đạo Thiên Chúa, giới Sử học và các nhà khoa học khác, trong tinh thần bảo vệ khối đoàn kết dân tộc và tinh thần khoa học khách quan, bảo vệ chân lý lịch sử, cũng muốn lên tiếng tham gia.

Còn ở nước ngoài, ngay tại Rôma, các chương trình phát thanh đạo Thiên Chúa bằng tiếng Việt vẫn không ngừng loan tin và đề cao việc phong thánh sắp tới như là một sự kiện quan trọng trong hoạt động của Tòa thánh trong năm nay.

Đối với một việc hệ trọng như thế mà - Giáo hội Việt Nam từ Hội đồng Giám mục đến giáo sĩ và giáo dân đã không được bàn trước. Nhà nước ta đã không được tham khảo ý kiến. Từ cuộc họp giữa Ban Tôn giáo Chính phủ với Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục (tháng 9-87) đến nay, tình hình chưa có dấu hiệu gì để có thể yên tâm. Vì thế, Ban Tôn giáo của Chính phủ đã yêu cầu Cụ Hồng y mời các Cụ Giám mục trong các giáo phận trong cả nước về họp để các Cụ bàn bạc và cùng chúng tôi tìm cách giải quyết hợp lý hợp tình.

Việc thờ kính các Thánh trong tôn giáo là điều bình thường, việc phong thánh ở các nước xưa nay cũng là bình thường, không những không gây những xáo trộn tâm lý - xã hội lớn, mà còn đem lại niềm tự hào nỗi vui mừng và nguồn cổ vũ đối với người có đạo, được sự chấp thuận, tán thành, có khi cùng vui mừng với nhân dân cả nước.

Nhưng việc phong thánh lần này của Tòa thánh Vatican đối với nước ta là một việc làm không bình thường. Do nội dung và hình thức của nó, do cách tiến hành cũng như hậu quả của nó, việc làm này đã gây nên một tình hình nghiêm trọng, không lợi gì cho đạo mà gây khó xử cho giáo sĩ và giáo dân trong nước, xuyên tạc lịch sử dân tộc, xúc phạm tình cảm của những người ngoài đạo, ành hưởng xấu đến đoàn kết toàn dân, làm thương tổn mối quan hệ đang tiến triển thuận lợi giữa Nhà nước và Giáo hội, gây trở ngại cho lòng mong muốn có quan hệ thiện chí và hữu nghị giữa Việt Nam và Vatican.

Mỗi nước, mỗi dân tộc có đặc điểm và truyền thống riêng. Ở nước ta, có đặc điểm riêng của dân tộc ta. Truyền thống của nước ta là dân tộc đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau, nhất là khi có bọn ngoại xâm, là giải quyết việc gì cũng lấy nghĩa chung làm trọng. Tình dân tộc, nghĩa đồng bào thật sự đã thành thịt xương, thành máu mủ của nhân dân ta. Từ đời này qua đời khác, hàng bao thế hệ đã đổ máu xương để cho dân tộc được độc lập tự do. Truyền thống này đã thấm sâu vào nhân dân ta.

Từ thế kỳ 16, do giao lưu quốc tế phát triển trên nền phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phương Tây, đạo Thiên Chúa vào Việt Nam bằng công cuộc truyền giáo của các giáo sĩ người phương Tây. Việc du nhập này, diễn ra vào thời điểm chủ nghĩa tư bản phương Tây đã chuyển sang giai đoạn của chủ nghĩa đế quốc đi chiếm lĩnh thuộc địa, làm cho giữa lịch sử truyền giáo và quá trình xâm lược của chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam đã có những mối quan hệ gắn bó khăng khít chặt chẽ, thậm chí có lúc lẫn lộn, khó phân biệt.

Không phải các sử gia ngoài đạo, mà chính các giáo sĩ Thừa sai và sử gia Thiên Chúa giáo đã xác nhận «thanh gươm Pháp quốc» đã giúp sức cho Giáo hội đứng vững và cắm rễ tại nước ta. Cũng chính lịch sử Giáo hội và các giáo sĩ Thừa sai đã viết không biết bao nhiêu sách vở để giới thiệu và ca tụng công lao của các vị Thừa sai làm lợi cho Tổ quốc quê hương của họ trong khi đi truyền đạo. Nhiều vị Thừa sai quá hăng hái còn nói trắng ra nguyên vọng của mình là muốn biến mảnh đất Việt Nam này thành «một nước Pháp thu nhỏ lại ở vùng châu Á».

Chủ nghĩa thực dân hung hãn và xảo quyệt đã lợi dụng đạo Thiên Chúa một cách thô bạo, thắng trợn. Nhiều vị chủ chăn cũng muốn dựa vào quyền lực thực dân để truyền đạo và làm lợi cho đạo. Tình hình này đã để lại cho dân tộc ta và cho đạo Thiên Chúa ở nước ta nhiều mắc mứu lịch sử cho đến nay chúng ta vẫn còn phải giải quyết.

Điều đau buồn cho dân tộc ta là lịch sử truyền đạo Thiên Chúa vào Việt Nam đã gây ra những trang thấm máu. Hơn ai hết, nhân dân ta, lịch sử của nước ta, những người đang sống ngày hôm nay để bảo vệ và xây dựng đất nước này có quyền và có thể nói một cách xác thực vấn đề này.

Thư chung của Hội đồng giám mục Việt Nam 1980 đã khẳng định: «lịch sử của đạo xen lẫn ánh sáng và bóng tối». Trong bóng tối của lịch sử thời đó, chúng ta đang muốn tìm ra những lời giải đáp minh bạch trước sự thực đau lòng của qua khứ: khi đạo được tự do truyền bá thì dân tộc bị làm nô lệ, kể cả dân có đạo. Khi Giáo hội được tôn vinh là trưởng nữ của Hội thánh ở Á đông thì hai tiếng Việt Nam bị xoa tên trên bản đồ thế giới. Còn gì nhục bằng nhục mất nước. Còn gì đau khổ bằng bị nô lệ, làm thân trâu ngựa. Lúc đó Giáo hội ở đâu? Ai là người tìm vinh quang cho riêng mình, ai là người trăn trở vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào? Ai là người say mê quyền lực trần thế? ai là người lên tiếng vì Tình thương, Lẽ phải và Đạo lý chân thực?

Chúng tôi vẫn biết rằng ngay từ đầu và trong suốt lịch sử của đạo tại nước ta, đã có nhiều người theo đạo Thiên Chúa yêu nước. Sử liệu còn ghi khi Pháp tiến chiếm Nam kỳ, có những giáo dân không chạy về đồn giặc mà ở lại giúp đở nghĩa quân, có những nhân sĩ tôn giáo kể cả giáo sĩ tận tụy bày mưu giúp nước. Họ là những người đã giúp trọn vẹn tấm lòng trung trinh với tổ quốc. Rất tiếc các tài liệu chính thức của Giáo hội ít nói đến họ, chưa biểu dương họ.

Những sai lầm của những người có trách nhiệm trong qua khứ đã đặt đồng bào theo đạo Thiên Chúa lúc đó đứng trước một chọn lựa bi thảm: được đạo thì mất nước, mà mất nước thì đạo cũng không hay gì, giáo dân và giáo sĩ bản quốc cũng bị áp bức, chèn ép. Trước sự thách đố đó, nhiều người đã lầm tưởng: được nước thì mất đạo; ngược lại thậm chí có những người còn suy nghĩ sai lầm rằng: muốn giữ nước thì phải triệt đạo. Đó là điều sai lầm và bi thảm; Bế tắc trong phương hướng giải quyết trước sự tiến công hung hãn của chủ nghĩa thực dân, triều đình phong kiến đã không thống nhất được nhân tâm, không đoàn kết được toàn dân để đánh giặc, lại để xảy ra những cảnh cốt nhục tương tàn làm suy yếu sức mạnh của dân tộc, tạo cơ hội cho giặc Pháp cướp được nước ta.

Nhiều giáo sĩ và giáo dân xưa nay khi nói đến các vua chúa cấm đạo thì chỉ phê phán các vua chúa mà quên mất những âm mưu thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của chủ nghĩa thực dân, và thậm chí cả thái độ và hoạt động rất đáng phàn nàn của không ít giáo sĩ thừa sai lúc bấy giờ.

Các triều đại phong kiến Việt Nam cũng như bất cứ triều đại phong kiến nào lúc bấy giờ đã có những thiên kiến tôn giáo riêng, có những nghi lễ tôn giáo chính thức của triều đình, nhưng trước khi mất nước các vua chúa Việt Nam là người đại diện cho chủ quyền quốc gia của một đất nước độc lập. Việc cấm đạo của các vua chúa phong kiến diễn ra trong một hoàn cảnh lịch sử rất phức tạp, không thể nói hành động đó chỉ là bách hại tôn giáo mà không nhìn thấy mối đe dọa sự sống còn của dân tộc.

117 Chân phúc sắp được biểu dương, có người Việt Nam, có giáo sĩ ngoại quốc. Trong số người Việt Nam, có những người không vi phạm tư cách công dân và là những giáo dân ngay lành, nhưng có người liên can vào những vụ án chính trị có sự tham gia của cả lương lẫn giáo và đã bị kết án về tội phản bội Tổ quốc. Trong số các giáo sĩ Thừa sai, nhiều người đã bị truy lùng, bắt giữ vì liên lạc với các tàu chiến Pháp đang dòm ngó ở ngoài khơi, đã bắn phá vào bờ biễn của Tổ quốc, hoặc đang chở người về nước mưu gây ra những vụ bạo động vũ trang chống lại triều đình. Đề cao những người này không hay gì cho đạo và làm cho những người không theo đạo Thiên Chúa khó hiểu về thái độ của người theo đạo Thiên Chúa.

Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vạch đường cho Cách mạng Việt Nam, nhân dân ta, các dân tộc, các tôn giáo đoàn kết chiến đấu hy sinh để giành lại độc lập tự do cho tổ quốc xóa được cái nhục mất nước thống nhất, xây dựng khối đoàn kết toàn dân ngày càng bền vững.

Đất nước có độc lập tự do thì Giáo hội mới được độc lập tự do.

Từ 30-4-1975 đến nay, Đảng và Nhà nước ta kiên trì thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng trước sau như một, cố gắng xây dựng khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết giữa lương và giáo, để cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhờ có đất nước thống nhất, Hội đồng Giám mục của nước được thành lập, một trang sử mới của Giáo hội đã bắt đầu.

Hội đồng Giám mục đã ra Thư Chung 1980 chọn lựa con đường gắn bó với dân tộc, sống Phúc âm trong lòng Dân tộc, kêu gọi mọi người quên đi quá khứ và nhìn về tương lai, xác định người tín hữu có hai nghĩa vụ: nghĩa vụ với Thiên Chúa và nghĩa vụ với Tổ quốc.

Vậy Vatican, bằng quyết định phong thánh, định làm gì khi muốn mở lại trang sử củ, dựng lại thời kỳ các giáo sĩ truyền giáo cùng lúc với chủ nghĩa thực dân phương Tây lăm le xâm lược nước ta: khơi lại những ký ức về một giai đoạn nhân dân ta bị mất nước?

Việc làm đó làm sao nhân dân ta hàng chục triệu người không theo đạo Thiên Chúa có thể đồng tình thông cảm. Hơn nữa suốt thời kỳ thực dân cũ và mới lợi dụng đạo Thiên Chúa để củng cố sự thống trị của chúng ở nước ta, hơn một thế kỷ qua chúng đã tạo ra ngăn cách giữa đồng bào lương giáo ngày càng sâu sắc. Chúng đã dùng tôn giáo nào chèn ép tôn giáo khác mà cho máu chảy đầu rơi, ngay cả ở nơi thờ tự của các tôn giáo khác. Từ khi các giáo sĩ phương Tây đến nước ta cùng với chủ nghĩa thực dân, đâu phải chỉ có tín đồ đạo Thiên Chúa chết vì đạo dưới các triều đại phong kiến, mà còn có biết bao nhiêu tín đồ các tôn giáo khác, cả đồng bào theo đạo Thiên Chúa bị chết vì đàn áp dưới thời thực dân Pháp và dưới chế độ Mỹ ngụy.

Thật đáng trách việc phong thánh hiện nay được bắt đầu bằng một thư thỉnh nguyện có nội dung chính trị không tốt của Hội đồng Giám mục và thư đó rơi vào kế hoạch đã chuẩn bị trước của những người ở nước ngoài. Qua đó, một số Hội đồng Giám mục và Hội đồng Quốc tế đã hiểu lệch lạc về lịch sử dân tộc và tình hình tôn giáo hiện nay ờ nước ta.

Tiếp theo là việc làm và những lời tuyên bố của một số quan chức ở Tòa thánh với nội dung vu khống, nói xấu dân tộc và Nhà nước ta, gây chia rẽ giáo lương, làm tổn hại đến khối đoàn kết dân tộc. Một số người có hận thù với dân tộc đã di tản ra nước ngoài, ra sức lợi dụng sự kiện này để hoạt động chiến tranh tâm lý, hòng tiếp tục tư tưởng thánh chiến chống Cộng.

Ngay trước khi quyết định phong thánh, Tòa thánh Vatican lập ra một Ủy ban đặc trách người theo đạo Thiên Chúa Việt Nam ở nước ngoài và Ủy ban này đang đảm trách chuẩn bị lễ phong thánh. Như vậy Hội đồng Giám mục Việt Nam còn có quyền đại diện cho Giáo hội Việt Nam ở ngoài nước và bên cạnh Tòa thánh Vatican không?

Chúng tôi muốn lưu ý một chi tiết là: không hiễu vô tình hay hữu ý, Tòa thánh Vatican đã chọn ngày 19-6 ngày kỷ niệm của «Quân lực Việt Nam Cộng Hòa» làm ngày lễ phong thánh. Cộng đồng người Việt Nam sẽ suy nghĩ sao về người theo đạo Thiên Chúa khi lễ phong Thánh được tổ chức vào ngày đó?

Ngày 18.9.1987, thừa lệnh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ban Tôn giáo của chính phủ đã gặp các Cụ trong Ủy ban Thường vụ Hội đồng Giám mục để nói rõ tính nghiêm trọng của sự việc và để các Cụ bàn biện pháp ứng xử. Sau cuộc họp, Ủy ban Thường vụ đã gửi thư cho các Cụ và yêu cầu các Cụ hướng dẫn cho toàn thể Linh mục và giáo dân trong các giáo phận.

Tại cuộc họp đó, Nhà nước ta với lòng chân thành mong rằng các Cụ bàn bạc và tìm ra giải pháp để cùng Vatican giải quyết sao cho nguyện vọng của đồng bào theo đạo Thiên Chúa được thực hiện trong khối đoàn kết nhân dân ta ngày càng bền vững, chủ quyền quốc gia của ta được tôn trọng, và mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội ngày càng tiến triển tốt đẹp, tạo triển vọng cho mối quan hệ giữa Vatican và Nhà nước ta.

Tiếc rằng những gì đã diễn ra sau đó chỉ là hành động nữa vời, chưa phải nhằm đi tới giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng.

Trong cuộc họp, Hội đồng Giám mục lần này chúng tôi mong các Cụ Giám mục nhận lãnh trách nhiệm trước dân tộc, trước lịch sử và trước Giáo hội của mình, bàn bạc để giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp, hợp lý, hợp tình.

Về phần mình, Ban Tôn giáo của Chính phủ sẽ hết sức giúp đở để các Cụ giải quyết sao cho được tốt đẹp đời đẹp đạo.

 

NGUYỄN QUANG HUY

Trưởng ban Tôn giáo chính phủ

(Phát biểu tại Hội nghị của Hội đồng

Giám mục Việt Nam tháng 3/1988)

෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴

 

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI

Hội Thánh của Chúa Giê-su Kitô.

Để sống trung thành với bản chất và sứ mạng của Hội thánh, chúng tôi đề ra đường hướng mục vụ sau đây: chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giê-su Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam.

Trước hết chúng ta, phải là Hội Thánh của Chúa Giê-su Kitô, nghĩa là:

1. Gắn bó với Chúa Kitô và hiệp nhất với Giáo Hội toàn cầu.

2. Gắn bó với Đức Giáo hoàng, vị đại diện của Chúa Kitô, người được Chúa trao trách nhiệm «chăn dắt đàn chiên của Người. (x. Giaon 21, 15-18)», và «làm cho anh em vững mạnh» (Lc 22, 32).

3. Gắn bó với nhau trong tình huynh đệ theo kiểu mẫu Hôi Thánh thời sơ khai «Chỉ có một tấm lòng, một linh hồn, không một người nào nói là mình có của gì riêng nhưng đối với họ mọi sự đều là của chung» (Cv 4, 32. 2, 42).

4. Trung thành với tinh thần của Cộng đồng Vatican II, là tinh thần cởi mở, đối thoại và hòa bình với cộng đồng xã hội mình đang sống.

Để đạt mục đích ấy, trước hết chúng ta phải không ngừng hoàn cải lương tâm và thay đổi cách sống của mỗi cá nhân cũng như của mỗi cộng đoàn Dân Chúa trong Hội Thánh ở Việt Nam sao cho phù hợp với Phúc âm hơn. Công việc này chúng ta thực hiện nhờ lắng nghe lời Chúa, lãnh nhận các bí tích, chuyên cần cầu nguyện và thành tâm kiểm điểm đời sống. (LBTM 15).

○ Gắn bó với dân tộc và đất nước.

Là Hội thánh trong lòng Dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng Quê hương, noi theo truyền thống Dân tộc hòa mình và cuộc sống hiện tại của Đất Nước. Công đồng dạy rằng «Hội Thánh phải đồng tiến tới toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới» (MV 4, 2). Vậy chúng ta phải đồng hành với Dân tộc mình, vì Quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, Đất Nước này là lòng Mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân, vừa là thành phần Dân Chúa.

Sự gắn bó và hòa bình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính:

1. Tích cực góp phần cùng đồng bào cả Nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

2. Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả Đức tin phù hợp hơn với truyền thống Dân tộc.

○ Cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Về nhiệm vụ thứ nhất là tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tố quốc, chúng tôi muốn khẳng định rằng: yêu Tổ quốc yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm, như Công đồng nhắc nhở: «Các người Kitô từ mọi dân tộc tụ họp trong Hội Thánh, không phân cách với những người khác về chế độ, về ngôn ngữ, cũng như về tổ chức xã hội trần gian, nên họ phải sống cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô trong nếp sống lành mạnh của dân tộc mình là công dân tốt, họ phải thực sự và tích cực vun trồng lòng yêu nước» (TG 15).

Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của Quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước, và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc.

Trong công cuộc phục vụ Quê hương, Phúc Âm cho chúng tôi ánh sáng và sức mạnh để khắc phục các khó khăn và các xu hướng cá nhân ích kỷ, nêu cao tinh thần phục vụ của bác ái phổ quát, hướng tới cảnh «Trời Mới Đất Mới» (Kh. 21,1), trong đó tất cả đều hòa hợp hạnh phúc. Và khi phải phấn đấu xóa bỏ những điều tiêu cực, chúng ta có ơn của Chúa Kitô phục sinh để mặc lấy con người mới công chính và thánh thiện.

○ Xây dựng trong Hội thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc.

Về nhiệm vụ thứ hai là xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diển ra đức tin phù hợp hơn với truyền thống Dân tộc, chúng tôi muốn thực hiện điều Công dồng Vaticam II đã tuyên bố: «Những gì trong nghi lễ văn hóa riêng của dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt, nhưng là cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người» (TL 17,1). Muốn thế, một đàng chúng ta phải đào sâu Thánh Kinh và Thần học để nắm vững những điều cốt yếu của Đức Tin, đàng khác phải đào sâu nếp sống của từng dân tộc trong nước, để khám phá ra những giá trị riêng của mỗi dân tộc. Rồi từ đó, chúng ta tận dụng những cái hay trong kho tàng văn hóa mà xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả Đức tin phù hợp hơn với truyền thống của mỗi dân tộc đang cùng chung sống trên Quê hương và trong cộng đồng Hội Thánh này.

 

(TRÍCH THƯ CHUNG CỦA HỘI ĐỒNG

GIÁM MỤC VIỆT NAM 1986)

෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴෴

 

Trang Tôn Giáo