THẬP GIÁ VÀ LƯỠI GƯƠM

Linh Mục Trần Tam Tỉnh

bản điện tử của sachhiem.net (KT đánh máy)

¿ trở ra mục lục bản in

08 tháng 1, 2010

Chương I

HƯƠNG LIỆU VÀ CÁC LINH HỒN

(tiếp theo các phần trước)

3. NHỮNG VIỄN ẢNH

Sự sống của Giáo Hội vì thế đã bị xáo trộn bởi các cuộc «bách hại» là những hiện tượng không ăn khớp với bản tính hết sức bao dung của người dân Việt xét về mặt tôn giáo. Cha Marini cho đó chỉ là «những cuộc bách hại nhỏ nhoi, những con ruồi quấy rầy, những con muỗi chọc tức» thôi. Quả thật đúng thế, đã có những cuộc bách hại, nguyên do là vua chúa hồi đó phải chờ quá lâu các chuyến tàu đại bác, hoặc do những lời cáo buộc rằng Kitô hữu phạm tội bất hiếu vì không chịu thờ cúng ông bà, hơn nữa có sự ngờ vực đối với một thứ đạo do người nước ngoài điều khiển, mang vào những tập tục ngoại lai và biểu lộ một thái độ bất dung không thể nào hiểu nổi.

Sự ngờ vực này nhất định có phần cơ sở thực tế. Thái độ của hai vị giám mục đầu tiên tới Việt Nam, Giám mục Pan-luy và giám mục Lămbe đơ la Mốt, cũng như các mưu toan sau này của một số lớn các vị thừa sai, tạo cơ sở cho một ông quan tên Cương ghi lại trong Cuốn Tâm thư (XI,97), mô tả người phương Tây như «những kẻ rất lanh lợi hăng hái, chỉ nghĩ tới chuyện mỗi ngày chinh phục thêm những vùng đất mới. Tất nhiên điều đó sẽ làm cho nhà vua (chúa Nguyễn) tin chắc rằng các nhà truyền giáo phương Tây có mưu đồ nổi loạn cướp ngôi». Đó là nguyên do cuộc đàn áp năm 1750. Trước đó đã có nhiều vụ đàn áp khác, như năm 1686, 1704, 1712, 1715 trong Nam, còn dưới quyền chúa Trịnh ở hà bắc lại có các cuộc đàn áp xảy ra những năm 1721. 1723, 1737, 1745 và 1773.

Trong mỗi cuộc cấm đạo, nhà vua ra lệnh trục xuất các thừa sai nước ngoài và trừng phạt khi nặng lúc nhẹ các giáo dân «đã vì lầm lạc hoặc nhẹ dạ bị các thầy Tây lôi kéo lừa bịp».

Có một cuộc «cấm đạo» đẫm máu hơn xảy ra dưới thời Tây Sơn.

Vào nửa sau thế kỷ XVIII, chế độ thối nát của các vua chúa ở phía Bắc cũng như Nam đã gây cảnh đói kém khiến các tần lớp dân nghèo ta thán. Cuộc nổi loạn hình thành cụ thể dưới sự lãnh đạo của một nông dân đất Tây Sơn tên Nguyễn Huệ, cùng với hai anh đứng lên lật đổ chính quyền các chúa rồi thống nhất đất nước thành một cõi. Tại phía Bắc, vua Lê Chiêu Thống đi cầu viện nơi người Trung Hoa, còn ở miền Nam thì một người con dòng chúa Nguyển là Nguyễn Ánh, lại nhờ quân Thái Lan giúp giành lại vương quyền.

Nhờ áp dụng một chiến thuật chớp nhoáng, Nguyễn Huệ chỉ mất không đầy một tuần đã đập ta 20 vạn quân Thanh. Tháng giêng năm 1789, sau khi đã đánh bại 20.000 viện quân Thái Lan, Nhà Tây sơn tiến hành nhiều cuộc cải cách xã hội và chính trị và họ đã không nương tay đối với các cố thừa sai. Nhất là từ năm 1777, khi giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) giám mục thành Adran cai quản địa phận Đàng Trong, đứng vào hàng ngũ ông chúa đã bị lật đổ. Nguyễn Ánh vì muốn lấy lòng người Tây hầu giúp mình đánh lui kẻ thù, nên công khai tỏ thiện cảm với các cố thừa sai mà ai cũng cho là bạn thân của chúa. Điều này khiến anh em Tây Sơn nổi giận và căm tức, chẳng những đối với các thừa sai nước ngoài, mà cả đối với tất cả tín hữu Kitô, bị coi như hoàn toàn làm tay sai cho ngoại bang và cho chúa Nguyễn.

4. GIÁM MỤC BÁ ĐA LỘC.

Nguyễn Ánh không lính, không tàu, quay nhìn sang các cường quốc phương Tây. Ông bắt đầu liên hệ với quân Bồ Đào nha tại Macao, với quân Hòa Lan tại Batavia và với quân Anh ở Ấn độ đang sẵng lòng tiếp tay giúp đỡ. Giám mục Bá Đa Lộc không để mất cơ hội này để vừa giúp đỡ chúa Nguyễn và làm lợi cho nước Pháp đang trên đà cạnh tranh quốc tế. Nguyễn Ánh phó thác đứa con đầu mới 5 tuổi, với cả ngọc ấn để chính thức nhờ ông đi cầu viện với nước Pháp. Tại triều dinh Vécxây (Versailies), giám mục trình bày với bá tước Mông-mô-ranh (Montmorin) một bản thảo lược, làm cả đám người chính trị lẫn sĩ quan chính qui, đều lấy làm tâm đắc. Ông nêu ra các lợi ích trong việc nước Pháp can thiệp vào Việt Nam:

Lợi ích thứ nhất: Giả thiết rằng phương pháp chắc ăn nhất nhằm đánh bại quân Anh tại Ấn Độ là phá hoại hoặc làm suy yếu ngành thương mại của chúng. Vào thời bình, người Pháp sẽ làm suy giảm nhiều mức lợi mà quân Anh có thể thu được nơi việc buôn bán với Trung Quốc, nếu mình tổ chức buôn bán mà nhẹ phí tổn hơn và dành cho nhiều sự dễ dàng hơn.

Lợi ích thứ hai: Trong thời chiến, sẽ dễ dàng cấm việc buôn bán đó đối với bất kỳ nước thù địch nào. Bởi vì khi mình tuần tiểu ngay đầu cửa vịnh, hoặc chắc hơn nữa ngay đầu cửa vịnh. Còn hở là lối vào cảng Quảng đông thì sẽ chận được việc ra vào cảng bất cứ tàu của ai mình muốn chận.

Lợi ích thứ ba: Mình sẽ sẽ gặp được tại Nam Kỳ các phương tiện dễ dàng và ít tốn kém cho việc sửa chữa, sơn lại tàu bè, hoặc đóng them tàu mới.

Lợi ích thứ tư: Mình sẽ gặp được tại? đây tất cả những gì cần thiết để tiếp tế cho hạm đội, hoặc cung cấp cho thuộc địa khác các thứ nhu yếu phần.

Lợi ích thứ năm: Khi cần thiết, có thể chiêu mộ tại chỗ phu phen, lính bộ, lính thủy v.v...

Lợi ích thứ sáu: Mình có thể dễ dàng chận đứng quân Anh khi chúng nó muốn tính chuyện bành tướng sang bờ biển phương Đông.

Các mối lợi ích khác có thể còn quang trọng hơn tuy còn xa xôi... đòi phải có những cách nhìn rộng lớn hơn, có lẽ lúc này Chính phủ chưa dễ dàng như thế?, thiết tưởng cứ dựa vào những lợi điểm hiển nhiên trước mắt đã và tạm gác chưa nói tới cái mối lợi về lâu về dài mới nghĩ tới được.

Nhằm thuyết phục kỹ hơn người Pháp, vị giám mục nhấn mạnh trong tập Nhật ký về Nam kỳ rằng, biện pháp quân sự là điều thực hiện đươc dễ dàng: «Dân xứ này hiền lành, rất kỷ cương, khá dũng cảm. Nhưng bất kỳ ý kiến gì của Tây cũng làm họ sợ. Họ thừa nhận chúng tôi vượt xa họ về sức mạnh và họ rất sợ chúng ta... Tôi đã thấy (tại Ấn Độ) trong cuộc chiến vừa rồi, quân lính người Ấn rất sợ quân người da trắng và chúng không thể chịu nổi khi thấy lính da trắng tiến gần. Phương chi cái cảm giác khiếp sợ đó và sự thâm tín về sự yếu kém của họ và sự vượt trỗi của ta càng to lớn hơn biết bao, nơi một nước lần đầu tiên bị quân đội phương Tây đánh bại:

«Bọn lính ngụy (Tây Sơn) có được trang bị súng trường, gươm, lao, tầm vông vắt nhọn v.v... nhưng chỉ năm tên mới mới có một tên cầm súng; và lại họ không thành thạo gì trong việc bắn súng và súng thường là rất dở. Họ chẳng được luyện tập gì và rất rời rạc, không tập trung. Sau hết, họ chỉ có đại bác trên chiến thuyền, còn trên bộ chẳng bao giờ họ dùng đại bác. Như thế thì dễ thấy ngay rằng, chẳng cần gì lực lượng lớn lao mới đánh chiếm được cả nước này, nhưng vị trí của người Pháp trong lúc tới sẽ rất khác. Nhà vua hợp pháp (Nguyễn Ánh) cũng còn nhiều người phò theo. (...)

«Tóm lại, có quân Pháp tại Nam kỳ sẽ chắn chắn cho phép thay đổi được cán cân ảnh hưởng lớn lao của nước Anh... cho ta nắm được tất cả các mặt biển vùng Trung Hoa và các quần đảo; có thể làm chủ tình hình cả ngành thương mại trong vùng thế này này».

Nhờ Giám mục Bá Đa Lộc, một hiệp ước đã được ký kết ngày 28-11-1787 theo đó vua nước Pháp hứa viện trợ quân sự cho Nguyễn Ánh và ông này đáp lễ lại bằng việc nhượng lại cho nước Pháp Côn Đảo và cửa Hội An (Quảng Nam Đà Nẵng).

Từ lâu, người phương Tây, Anh, Hòa Lan, đã từng coi Côn Đảo là mội địa điểm thuận lợi để thiết lập một thương điểm và một căn cứ quân sự, vì từ hòn đảo này, có thể kiểm soát việc tàu bè qua lại từ Xiêm sang Trung Quốc.

Các khó khăn chính trị nội bộ đã không cho phép nước Pháp gửi lực lượng quân sự qua, như đã hứa trong hiệp hước Vécxây. Nhưng Bá Đa Lộc không nản lòng. Với tài chính của Hội Truyền giáo Pari, với sự ủng hộ tiền bạn của bạn bè và với các phương tiện của bản thân, giám mục đã mua tàu, trang bị khí giới và thuê một số sĩ quan người Pháp. Như vậy ông tính giúp được Nguyễn Ánh đè bẹp Tây Sơn sau một ít năm chinh chiến.

Được tin giám mục trở lại, có sĩ quan Pháp tháp tùng, anh em Tây Sơn rất tức giận. Người ta đọc được lời thổ lộ sau đây của một nhà viết sử truyền giáo: «Các quan Tây Sơn càng tỏ ra gay gắt với Kitô giáo từ khi giám mục thành Ađran trở lại, làm cho họ ngờ vực người Kitô giáo và nhất lá các vị thừa sai, cả hai đều ra sức hổ trợ cho nhà vua hợp pháp (Nguyễn Ánh mà các nhà thừa sai công nhận là vua hợp pháp, còn Tây Sơn thí bị gán cho tội phản loạn) được trở lại ngai vàng vua cha. Sự bách hại, vốn chưa hề dứt từ 30 năm qua, đã tái phát dữ dội hơn năm 1798».

Thực ra đây chẳng chỉ có vấn đề ngờ vực, mà là một điều chắc chắn. Vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn đã có lần chận bắt một bức thư Nguyễn Ánh gửi cho giám mục Labarlette, xin đức cha tổ chức một đạo quân gồm người tín đồ Kitô giáo tại chỗ, hầu hỗ trợ cho lực lượng quân Pháp chỉ huy đánh tứ ngoài vào.

Sau hết, Nguyễn Ánh đã lên ngôi năm 1802, lấy tên Gia Long, lập nên nhà Nguyễn, Huế được chộn làm kinh đô. Các nhà thừa sai đang chờ đợi được Gia Long ban cho đặc ân. Nhưng triều đình Huế vẫn tảng lờ các yêu cầu của cái giám mục Pháp.

Một mặt, Gia Long và vua kế tiếp không chấp nhận cho người Việt lai đi theo một tôn giáo vốn cấm việc thờ cúng tổ tiên, song truyền bá những chuyện dị đoan ngoại lai và do những người phương Tây cai quản.

Theo số thống kê năm 1800, thì hồi ấy con số người công giáo đã lên tớn 320 ngàn, với 119 linh mục Việt Nam chịu sự cai quản của 115 thừa sai và 3 giám mục, trong đó 2 người Pháp và một Tây Ban Nha.

Đàng khác, các vua nhà Nguyễn, đã mang sẵn nỗi âu lo về chủ nghĩa đế quốc phương Tây, đang ngày càng de dọa nghiêm trọng hơn. Nước Anh củng cố quyền thống trị trên Ấn Độ, bằng cách thôn tính châu Úc và Tân Tây Lan và sắp sửa áp đặt ý muốn của họ trên Trung Quốc sau trận chiến thuốc phiện. Nước Pháp đã chiếm Angiêri và đang đi tìm căn cứ trên bờ biển Trung Quốc. Dĩ nhiên các nỗi lo âu ấy không phải là cớ chính đáng cho các cuộc bách hại thời Minh Mạng (1833 và 1838). Theo các sắp chỉ nhà vua, «đạo của bọn Hòa Lan» là một tà đạo, một đạo bất nhân, cấm đoán việc thờ cúng tổ tiên, một thứ đạo gieo hỗn loạn vào phong tục và trật tự của nước nhà. Nhà vua ra lệnh cấm không cho thừa sai xâm nhập cà xử tử những ai ngoan cố tiếp tục truyền bá Kitô giáo.

Có thể tránh được các vụ đổ máu này, nếu Kitô giáo đến Việt Nam, biết tỏ ra bao dung hơn, cởi mở hơn, biết bám rể sâu hơn và văn hóa xứ sở và khôn khéo hơn. Trong các cơn bão táp này, các cố Tây đã không khôn ngoan, đi cầu cứu với Pháp, vốn là một đế quốc đang chực sẵn cơ hội tốt hòng xâm chiếm Việt Nam, vịn cớ là để bảo vệ sự tự do tôn giáo.

Ngày 25 tháng 2 năm 1843, thiếu tá Phavanh Lơvéc (Favan-Leveque) chỉ huy chiến hạm Hêrôn được thư cố thừa sai Samedông (Chamaison) đưa tin rằng, chính quyền Việt Nam đang giam 5 thừa sai Pháp tại nhà ngục Huế, bèn đưa chiến hạm tới đòi phải thả họ ra. Hai năm sau, tư lệnh hải quân Phocniê Đaypoơla (Forniel-Dupla) thừa lệnh Đô Đốc Xêxin (Cécile) đến Turan (Tourane, tức Đà Nẵng) đòi triều đình phải thả giám mục Lơphevơrơ (Lefévre) đang bị giam với bản án tử hình. Năm 1847 thiếu tá chỉ huy tàu Lapierơ (Lapierre) lại can thiệp đòi thả giám mục Lơphevơrơ, đã bị bắt lại và bị kết án tử hình lần thứ hai. Song trong khi các cuộc thương lượng nói trên đang được tiếng hành, thì hai chiến hạm Pháp đã đánh chìm 5 tàu chiến Việt Nam. Theo thông tấn Pháp, thì tàu Việt Nam đã tấn công chiến hạm Pháp trước, nhưng điều đó khó má xảy ra, bởi vỉ tàu Việt Nam lúc đó chỉ là những chiếc ghe được trang bị bằng súng nhỏ thôi.

Vua Thiệu Thị tức giận, ra 4 sắc chỉ cấm đạo trong những tháng sau đó. Các tín hữu Việt Nam lại một lần nữa làm nạn nhân của thái độ người Pháp, mệnh danh là đem đến cho họ quyền tự do thờ cúng!

Tiếc thay, các cố Tây không rút ra được bài học từ kinh nghiệm bi thương đó. Lúc này, trong hạm đội Pháp rải khắp vùng biển Trung Quốc, quá vị thừa sai Pháp ngày càng tin chắc rằng họ phục vụ lợi ích của đất nước họ, và cũng làm lợi cho đạo, khi họ yêu cầu nước Pháp can thiệp quân sự vào Việt Nam. Quả thực, làm sao nước Pháp có thể bỏ rơi việc này? Năm mươi năm trước đó, trong những giờ đen tối của Giáo Hội Pháp, khi các tu sĩ Pháp bị trục xuất, giản tán, khi má các hội Dòng đều bị cấm đoán tại Pháp, họ hặp được những kẻ bênh vực cho công lao của họ một cách danh chính ngôn thuận. Chỉ cần đọc bản báo cáo của Poctalix (Portalia) ngày 6-11-1802 thì đủ rõ tâm tình của nước Pháp, bài giáo sĩ, tỏ ra thế nào với các cố thừa sai như sau:

«Những sự dễ dàng mà các vị thừa sai đã có được để thiết lập các thương trấn tại những miển đất xa xôi nhất, đã mở rộng cửa cho họ khuếch trương ngành thương mại của nước ta, mở ra những tuyến giao lưu mới và chuẩn bị khơi nguồn cho nhiều tài sản mới. Họ là những bị thừa sai đã mang tới mút cùng trái đất, cái tên vinh quang của nước Pháp, đã phát triển ảnh hưởng của Pháp và cho nước Pháp có được những quan hệ mới với các dân tộc mà bấy lâu thiên hạ chưa hề biết tới. Chính các vị thừa sai này đã đem lại cho chúng ta, mỗi lần họ về thăm gia đình, những hiểu biết về nghệ thuật và khoa học: Chính các vị thừa sai đã nâng lên số lượng các phương tiện sinh sống của chúng ta, bằng cách thích ứng tại nước mình các sản phẩm vốn là hoa quả của miền đất khác, thuộc khí hậu khác... Chính các nhà thừa sai Pháp, từ năm 1660 đã giúp cho nước Pháp biết được những mối lợi quan trọng có thể thu được, từ các quan hệ với các dân tộc châu Á và năm 1669 đã tạo cơ sở hầu thiết lập nên Công tu Ấn Độ đầu tiên của Pháp. Họ đã xin được vua Xiêm chấp thuận cho tàu bè Pháp khỏi đóng thuế cập bến bỏ neo và cũng chính các vị ấy đã thuyết phục nhà vua cho một cửa khẩu và một hồn đảo gần Mécghi (Merguy) trong vịnh Bănggan (Bangale) để tàu thuyền qua mùa đông, hoặc sửa chửa. Vì thế, chính sách nhà nước chớ coi thường các tổ chức (tôn giáo) có khả năng đóng góp hữu hiệu đến thế cho sự phồn vinh của quốc gia».

Bài ca ngợi đó đã được đọc lên do một nhân vật rõ ràng không thể bị ngờ vực là bợ đợ cha cố hoặc có lòng đạo đức gì lắm. Nó tỏ ra cho thấy rõ các thực tế lịch sử và những lợi lộc về kinh tế cũng như chính trị, nhờ hoặt động của các cố thừa sai.

Nhưng giữa thế kỷ XIX, nghề buôn bán đã bị vượt xa bởi nhu cầu bành tướng thuộc địa. Châu Âu kỹ nghệ hóa cần có thị trường tiêu thụ và nguyên liệu. Lợi dụng vụ tàn sát một vài vị thừa sai Pháp ở Việt Nam, cành hữu tư sản công giáo, Pháp đã làm áp lực để chính quyền đệ nhị cộng hòa khai thác các điều vụng về của nhà vua Việt Nam, hầu đánh chiếm nước này. Ơ-gen Vơi-do (Eugene Veullot) đã viết: «Quyền lợi con người mà châu Âu kitô phải bắt buộc các dân mọi rợ tôn trọng và việc quan tâm bảo vệ danh dự của chúng ta, đòi chúng ta phải trả thù cho các vụ xâm phạm đến đồng bào chúng ta tại đất Annam».

 

(xem tiếp ®)

 

Trang Tôn Giáo