"Ông Trời" Không Quen Biết "Thượng Đế"

Trần Chung Ngọc

https://sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN89.php

25 tháng 1, 2010

LTS: Là một trong những tác giả người Việt Nam viết táo bạo về những điều cấm kỵ của các tín đồ đạo Chúa (như đem Chúa và các vị thánh mà giáo hội Công Giáo đã tôn thờ ra làm đối tượng nghiên cứu, như phân tích thánh kinh theo như thánh kinh nói, vân vân…), Giáo sư Trần Chung Ngọc thường phải chịu đựng rất nhiều phản ứng theo nhiều cách thể hiện khác nhau, phẩm chất khác nhau và biên độ khác nhau từ các giai tầng trong xã hội, nhất là từ cộng đồng Thiên Chúa Giáo người Việt. Ông xem như không biết đến những việc đó ngoại trừ một vài trường hợp.

Bằng vốn liếng của một nhà giảng và dạy khoa học, khi ông nghiền ngẫm quyển «thánh kinh» của đạo Chúa, phản ảnh nó trên những cách ứng xử của những tín đồ tin Chúa, nhiều lúc ông quá thất vọng và chỉ còn cách diễn tả đối tượng một cách nôm na cái tình trạng «trống vắng» chứng cớ, vắng mặt lý luận, và thiếu thốn thông tin. «Ngu si» (ignorance) là một trong những từ mà ông buộc miệng trong những trường hợp như thế.

Mới đây, có câu hỏi của Francis Dương đã được gửi đến nhiều diễn đàn trong đó có địa chỉ tòa soạn Sách Hiếm. Tòa soạn chuyển thư của Francis Dương cho ông Trần Chung Ngọc để thông tin mà thôi, không nghĩ ông để ý, không ngờ cụ Trần Chung Ngọc lại mất công bỏ chút thì giờ để trả lời.

Người Á châu chúng tôi có thể rất thoải mái nói bừa: «Ông trời là cái quái gì?» Người ta cứ «kêu trời như bọng» mỗi lần tức giận, cầu trời chứng giám cho tình bằng hữu, hay cám ơn trời khi làm ăn khấm khá, hoặc mắng «trời không có mắt», «con tạo trớ trêu» mà chẳng hề quan tâm ông trời da trắng hay da nâu như thế nào cả. Vui thì «bái thiên địa», buồn thì «ông trời ăn ở bất công». Cũng chưa từng có người nào phải «bảo vệ» ông Trời, hay phải đánh nhau, chửi nhau chỉ vì thấy người khác không «nể» ông Trời cả. Và chúng ta có thể kêu trời bất cứ khi nào thích, không như bên đạo Chúa "Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ" vì sẽ phạm "tội chết" (Leviticus 24:16)

Lạ thật, nếu ông Chúa Ba ngôi của các ngài cũng giống như ông trời chịu chơi của người Á châu chúng tôi, thì tại sao người Việt đạo Chúa lại cứ khẩn trương và kèn cựa về sự hiện hữu hay không hiện hữu của ông trời chết tiệt đó chứ? Vậy chắc chắn các tín đồ Thiên Chúa Giáo người Việt còn mặc cảm lo sợ ông Thượng Đế còn thua kém ông Trời của chúng tôi, ít nhất là về đức độ!

Trước đây đã có vài bài viết về ông trời của người Á đông khác với ông Thượng Đế của đạo Chúa như:

- Quan niệm “Ông Trời” của người Việt của cụ Charlie Nguyễn,

- Nhân Chuyện Khám Phá Có Jehovah Trong Ca Dao Việt của Thiên Lôi

- Nhân đọc “Ông Trời trong thi ca Việt-Nam" (Sơn Dã Bần Phu)

Riêng cụ Trần Chung Ngọc sẽ có câu chuyện để gửi tặng các bạn đọc một vài phút giải trí, chắc chắn sẽ đem lại một ngày vui.


Tôi vừa nhận được từ Tòa Soạn Sách Hiếm một lá thư của Francis Dương gửi ngày 20 January, 2010 với hàng tựa “CÓ ÔNG TRỜI HAY KHÔNG CÓ ÔNG TRỜI ?”  trong đó có đưa ra một thách đố cho tôi và Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang như sau:

ÔN CỐ TRI TÂN

NHỮNG NGƯỜI NHƯ CỤ TRẦN CHUNG NGỌC, NGUYỄN MẠNH QUANG, NHÓM GIAO ĐIỂM ONLINE….CÒN DÁM TẶNG CÁC NHÀ BÁC HỌC KHOA HỌC GIA CÁC THỜI ĐẠI CÓ TÊN SAU ĐÂY LÀ NGU NGỐC HỦ LẬU KHÔNG ? VÌ HỌ ĐỀU TIN CÓ ÔNG TRỜI HAY ĐẤNG CHÍ TÔN VÔ HÌNH QUẢN CAI VŨ TRỤ,...

ÔNG TRỜI, ĐẤNG TẠO HÓA, ĐẤNG CHÍ TÔN, ALLAH, JEHOVAH, THIÊN CHÚA & VĨ NHÂN

CÁC NHÀ BÁC HỌC, KHOA HỌC TRỨ DANH TỪ THẾ KỶ 15, 16 TỚI NAY CÓ TÊN SAU ĐÂY ĐỀU LÀ HỮU THẦN = (THIÊN CHÚA GIÁO NÓI CHUNG)

...(xin xem nguyên văn lá thư >>)...

 

Nay tôi có vài lời để khai sáng cho cháu Francis Dương vì chính câu hỏi trên có thể xếp vào loại ngu si rồi.. Đọc bài “Ôn Cố Tri Tân” tôi cảm thấy tội nghiệp cho cháu Francis Dương vì cháu viết mà không hiểu mình viết cái gì. Rõ ràng cháu là một tín đồ Công giáo, dùng tài liệu của Giáo hội, trong đó có nhiều phần bịa đặt sai sự thực, không nêu rõ xuất xứ, nên phần lớn là vô giá trị. Cháu chỉ nhắc lại như con vẹt những gì Giáo hội tuyên truyền mà không nhận ra những sai trái trong đó.

Mục đích của bài “Ôn Cố Tri Tân” của cháu là để “chứng minh” rằng có nhiều khoa học gia nổi tiếng và danh nhân, vĩ nhân, tin có một “Đấng Chí Tôn Vô Hình quản cai Vũ Trụ” cho nên, tất nhiên, “Đấng Chí Tôn” này phải hiện hữu. Đây vốn là mánh mưu của Công giáo, luôn luôn vơ vào mình những gì có thể dùng để đánh bóng giáo lý của Giáo hội, bất kể phải ngụy tạo, hoặc che dấu sự thật trong những điều Giáo hội đưa ra. Điều này tôi sẽ chứng minh trong một đoạn sau.

Một điều cần phải làm sáng tỏ, đó là trong danh sách Francis Dương nêu trong bài, không có một người nào tin ở “ông Trời” vì một lẽ rất đơn giản là quan niệm về Ông Trời rất xa lạ đối với các xã hội Tây phương và tất nhiên rất xa lạ đối với họ. Ngoài ra, điều mà Francis Dương không biết, là cái tin về một “Đấng Chí Tôn Vô Hình quản cai Vũ Trụ” của các khoa học gia hay danh nhân hay vĩ nhân mà Francis Dương nêu trong bài, ngày nay còn lại bao nhiêu giá trị?

Để mở đầu, câu trả lời hay nhất cho Francis Dương là của Richard Lederer, nhà ngữ học Mỹ:

Có một thời mà mọi người [ở Âu Châu] đều tin vào Thiên Chúa, và giáo hội [Công giáo] thống trị. Thời đại đó được gọi là Thời Đại Tăm Tối. [There once was a time when all people believe in God and the Church ruled. This time was called the Dark Ages.]

Thời đại này cũng còn được biết là “Thời đại của sự man rợ và đen tối trí thức” [The ages of barbarous and intellectual darkness]

E rằng cháu Francis Dương không nắm được ý trong câu trên, tôi xin khai sáng thêm một chút.

Trước hết, tôi cũng như Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang, và trong nhóm Giao Điểm chưa có ai lên tiếng “tặng” các khoa học gia có tên tuổi là ngu ngốc, hủ lậu, chỉ vì họ tin có “Đấng Chí Tôn Vô Hình quản cai vũ trụ” alias “Gót” [God] của Ki Tô Giáo cả. Họ có những bộ óc sáng suốt, có nhiều sáng kiến, và có nhiều công trình khoa học để đời cho nhân loại, nhưng về lãnh vực tín ngưỡng tôn giáo thì họ vẫn rất có thể bị liệt vào loại ngu si vô trí, nghĩa là không thể nhìn tôn giáo của họ như thực nó là như vậy (to see it as it really is: như thực tri kiến). Lý do, tôn giáo không phải là lãnh vực nghiên cứu của họ cho nên họ không đủ thông tin để phán đoán về bản chất và thực chất của tôn giáo. Như vậy mọi người chúng ta đều có thể nói là “ngu si vô trí” ở một phương diện hay lãnh vực nào đó.

Nhưng thực ra chẳng có ai biết là họ tin như thế nào. Trái lại, có nhiều bằng chứng chứng tỏ họ chẳng mấy tin vì những công trình khoa học của họ đã dứt khoát bác bỏ Thượng đế của Ki Tô Giáo như được viết trong cuốn Thánh Kinh của Ki Tô Giáo. Tôi không tin rằng những bộ óc sáng suốt của họ lại có thể tin vào một “Đấng Chí Tôn Vô Hình quản cai vũ trụ”, mà khuôn mặt của Đấng Chí Tôn này thường thấy rõ trong các cuộc Thánh Chiến, các Tòa Hình Án xử dị giáo, hay những vụ thiêu sống phù thủy. Ngày nay chúng ta cũng thấy rõ khuôn mặt của Đấng Chí Tôn trong Tsunami ở Thái Lan, bão Katrina ở New Orleans, và gần đây, trận động đất ở Haiti, khoan kể đến những em bé sơ sinh khuyết tật nằm đầy trong các nhà thương, bệnh AIDS tàn phá ở Phi Châu v…v…, một khuôn mặt mà không có mấy người có đầu óc còn có thể tin vào đó.

Nếu có một CEO nào quản lý một công ty mà để xảy ra những tệ hại trong công ty, thì CEO đó sẽ bị cho về vườn làm 7 nghề. Nếu có một “Đấng Chí Tôn Vô Hình quản cai vũ trụ” nào mà để xảy ra những chiến tranh, thiên tai bệnh tật cho nhân loại thì Đấng đó phải cho nghỉ vĩnh viễn không lương, nghĩa là tín đồ tin thờ Đấng đó không cần phải tiếp tục đóng tiền cho nhà thờ để cho mấy tên buôn thần bán thánh tiếp tục nuôi dưỡng sự mê tín, hay làm bậy, thí dụ như trên 5000 linh mục, hay “Chúa thứ hai”, can tội loạn dâm và ấu dâm, và Giáo hội đã dùng tiền của tín đồ, lên tới hơn 2 tỷ đô-la, để bồi thường cho các nạn nhân tình dục của các “Chúa thứ hai”.

Francis Dương có hiểu được điều này không?

Bây giờ, tôi xin đi vào phần trả lời sự thách đố của Francis Dương. Vấn đề là, sinh ra ở Âu Châu, cái nôi của Công giáo và từ thế kỷ 17, một phần Tin Lành, tất nhiên hầu hết mọi người đều có đạo, cha truyền con nối theo truyền thống gia đình và xã hội. Nhưng có đạo là một chuyện mà tin là có một “Đấng Chí Tôn Vô Hình quản cai vũ trụ” , alias Thượng đế của Ki Tô Giáo, lại là chuyện khác. Có một thời, không tin cũng phải làm bộ tin, vì không tin có thể mất mạng như chơi. Lịch sử Âu Châu dưới quyền thống trị của Công giáo đã chứng tỏ như vậy. Nhưng niềm tin này đã được khảo sát, phán xét, và đánh giá cẩn thận qua các thời đại, và ngày nay chúng ta thấy xuất hiện những tác phẩm như “The God Delusion” của Richard Dawkins, “God Is Not Great” của Christopher Hitchens, “The Dark Side of God” của Douglas Lockhart, “The Impossibility of God” Edited by Michael Martin and Ricki Monnier, “Critiques of God” Edited by Peter A. Angeles, “God’s Defenders: What They Believe and Why They Are Wrong” của S.T. Joshi, chỉ kể vài cuốn điển hình. Cũng như khi xưa, con người cho rằng sấm sét là những cơn thịnh nộ của Gót, rất sợ Gót và quỳ xuống van vái Gót, nhưng ngày nay sấm sét chỉ có thể làm cho chó mèo cúp tai chạy, chứ còn con người như cụ Trần thì thản nhiên ngồi trước bàn máy điện toán viết bài chống Gót và Ki Tô Giáo. Đây là sự tiến bộ trí thức của nhân loại.

Chúng ta hãy đọc chơi một đoạn trong cuốn “God’s Defenders: What They Believe and Why They Are Wrong” của S.T. Joshi, trang 9:

Hoặc là chỉ có một “gót”, hay nhiều “gót”, hay chẳng có “gót” nào. Hoặc là có cái gọi là linh hồn của con người hoặc là không có, và, nếu có, linh hồn đó có thể hoặc không có thể sống sót sau khi thân thể đã chết. Hoặc là Giê-su Ki Tô, nếu ông ta có thực, là con hoặc không phải con của Gót (của Ki Tô Giáo) . Hoặc Mohammed, nếu ông ta có thực, là tiên tri hoặc không phải là tiên tri của Gót.

Rằng những giáo lý cốt yếu của nhiều tôn giáo chính trên thế giới – đặc biệt là Ki Tô Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo – là vấn đề hoặc đúng hoặc sai tự nó là một sự kiện mà về nó không có một số lượng ngụy biện nào hay sự bào chữa đặc biệt nào có thể đi tới. Bất hạnh thay cho những tôn giáo này, những bằng chứng tích lũy trong ít nhất là nửa thiên niên kỷ qua (500 năm) đã thừa nhận là những giáo lý này sai. [1]

Judith Hayes cũng đặt câu hỏi: “Chúng ta tin ở Gót, nhưng mà là Gót nào?” [In God we trust, but which one?] Francis Dương có thể trả lời câu hỏi này không?

Có một điều mà Francis Dương cần phải hiểu: đó là tín ngưỡng tôn giáo và khoa học là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, với hai cách nhìn thế giới khác nhau. Tôn giáo, điển hình là Ki Tô Giáo, Do Thái Giáo, hay Hồi Giáo, không dựa trên bất cứ một bằng chứng nào ngoài những cuốn sách hiện hữu trên thế giới mà họ gọi là thánh thư, nhưng mỗi cuốn thánh thư đều có nhiều điểm khác nhau, tuy chúng có một điểm chung, đó là mọi hiện tượng trên thế giới đều là tác phẩm của Gót, và cho rằng Gót là chủ tể của nhân loại, quản cai vũ trụ, nghĩa là trách nhiệm về mọi sự xảy ra trong vũ trụ. Còn khoa học thì thu thập tích lũy hàng núi bằng chứng chứng tỏ rằng vai trò của Gót không cần thiết trong việc giải thích những hiện tượng thiên nhiên. Thí dụ, khi anh phát biểu là có một “Đấng Chí Tôn Vô Hình Quản Cai Vũ Trụ” thì đó là bày tỏ một niềm tin chứ không phải là khẳng định bản chất của một thực thể. Trong khoa học, chúng ta không cần đến Gót để giải thích là tại sao khi ta ném một viên đá lên trời thì quỹ đạo của hòn đá là một hình parabol và cuối cùng hòn đá lại rơi xuống mặt đất.

Có một điều mà Francis Dương không nghĩ tới là khi nêu lên những công trình khoa học của một số khoa học gia mà Francis Dương cho rằng họ tin là có Thượng đế, tất nhiên là Thượng đế của Ki Tô Giáo, thí dụ như Nicolas Copernicus, Isaac Newton, Johannes Kepler, Galileo Galilei Jean Baptiste Lamarck, George LeMaitre v…v… [nhưng quên mất Giordano Bruno, Charles Darwin, hay Alexander VI, Hitler v…v…], Francis Dương lại không biết rằng chính những công trình khoa học của những người này đã phá sập nền thần học của Ki Tô Giáo, nghĩa là bộ môn dùng trò chơi ngôn ngữ để chứng minh là có Thượng đế. Một Giordano Bruno, bị Giáo hội thiêu sống chỉ vì tin chắc rằng ngoài thế giới của chúng ta còn có nhiều thế giới khác. Chẳng có lẽ ông ta lại tin ở một Thượng đế ngu đần đến độ cho rằng thế giới của chúng ta là duy nhất do chính ông Thượng đế đó sáng tạo ra như được viết trong Thánh Kinh. Một Galilei có đầy đủ bằng chứng là trái đất quay xung quanh mặt trời chẳng lẽ lại tin ở một Thượng đế ngu xuẩn đến độ cho rằng trái đất phẳng, dẹt, có bốn góc, đứng yên, và mặt trời quay xung quanh trái đất như được viết trong Thánh Kinh. Charles Darwin cũng là người Công Giáo, nhưng thuyết Tiến Hóa của ông ta, và những bằng chứng khoa học về vũ trụ học, đã làm cho thuyết Thượng đế sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài của Ki Tô Giáo trở thành ngớ ngẩn, khôi hài và hoàn toàn vô giá trị. Vậy thì những khoa học gia này có những công trình vinh danh khoa học hay vinh danh Thượng đế. Francis Dương hãy trả lời câu hỏi này.

Mặt khác, Jean Baptiste Lamarck chỉ có một số tư tưởng về Tiến Hóa, còn Charles Darwin mới chính là người lập thuyết Tiến Hóa một cách khoa học. Thật ra thì, nhiều tư tưởng về tiến hóa đã có trước Darwin. Ngay từ trước thời đại thông thường ngày nay (B.C.E = Before Common Era), ở Đông phương chúng ta có thể thấy tư tưởng tiến hóa trong Áo Nghĩa Thư (800 B.C.E) của Ấn Độ, trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử và sau được phát triển bởi Trang Tử, và trong Kinh Dịch. Ở Tây phương, chúng ta có thể kể Thales, Anaximander (học trò của Thales), Xenophanes, Anaxagoras, Empedocles, Aristotle, Lucretius. Trong thời đại thông thường ngày nay (C.E = Common Era) có Plotinus (205-270 C.E.), Avicenna (980-1037), Leonardo da Vinci (1452-1519), Carolus Linnaeus (1707-1778), Georges Louis Leclearc, Comte de Buffon (1707-1788), Erasmus Darwin (1731-1802), Jean Baptiste de Lamark (1774-1829), đó là chỉ kể những tên chính.

George LeMaitre cũng không phải là tác giả của thuyết Big Bang như Francis Dương viết. Lemaitre dùng những phương trình tương đối của Einstein để tính ngược tới một thời điểm mà vũ trụ được thu gọn trong một trái cầu lớn hơn mặt trời khoảng 30 lần mà ông ta gọi là "nguyên tử đầu tiên" (primeval atom), còn được biết dưới danh từ "trứng vũ trụ" (cosmic egg). Theo Lemaitre thì, vì những lý do không rõ, trái trứng vũ trụ này nổ bùng tạo thành vũ trụ của chúng ta ngày nay. Nhưng các phương trình của Einstein lại cho phép các khoa học gia đi ngược thời gian xa hơn nữa, tới một thời điểm mà tất cả vũ trụ được thu gọn trong một điểm mà danh từ khoa học gọi là "dị điểm" (singularity), một thời điểm vào khoảng 0.0001 (một phần mười ngàn) của một giây đồng hồ (10-4 sec.) sau khi dị điểm bùng nổ, khi đó nhiệt độ của dị điểm là khoảng 1,000,000,000,000 (một ngàn tỷ) độ tuyệt đối (1012 oK), nhiệt độ tuyệt đối K cao hơn nhiệt độ bách phân C là 273.16 độ, do đó 0 độ K tương đương với -273.16 độ bách phân C, và tỷ trọng của dị điểm là 100,000,000,000,000 (một trăm ngàn tỷ) gram (1014 g) cho một phân khối. Để có môt ý niệm về các con số trên, nhiệt độ ngoài biên của mặt trời chỉ vào khoảng 6000 độ, và tỷ trọng của nước chỉ là 1 gram cho một phân khối. Đây mới là thuyết Big Bang.

Để chứng minh thêm là Francis Dương viết mà không hiểu mình viết cái gì, tôi xin đưa ra hai trường hợp điển hình:

1. Francis Dương đưa tên nhà toán học Pháp Pierre Simon de Laplace vào danh sách những khoa học gia nổi tiếng mà Francis Dương cho rằng ông ta tin vào Thượng đế của Ki Tô Giáo. Nhưng Francis Dương không biết, hoặc biết mà cố tình không nhắc, đến một giai thoại về Laplace như sau:

Hoàng đế Napoléon Bonaparte, sau khi đọc cuốn “Cơ Học về Các Thiên Thể” (Celestial Mechanics), cuốn sách giải thích vũ trụ thuần túy theo những nguyên nhân tự nhiên, nhận xét rằng trong cuốn sách đó Laplace không đả động gì đến Gót cả. Laplace đã trả lời như sau: “Thưa Ngài, tôi không cần đến cái giả thuyết đó” [ Sire, I have no need to that hypothesis]. Trong khoa học, giả thuyết có ý nghĩa như thế nào, mọi người đều biết.

Laplace cũng còn phát biểu: Kính thiên văn đã quét hết vòm trời mà không thấy Thiên Chúa ở đâu. [The telescope sweeps the skies without finding god.]

2. Francis Dương cũng đưa tên Blaise Pascal vào danh sách những người tin có Thượng đế và nêu lên lý luận “đánh cuộc của Pascal” (Pascal’s Wager) như sau mà Francis Dương cho là một danh ngôn mà tới nay, ai cũng thấy hữu lý: "Giả như Thượng Đế không có, ta chẳng mất gì cả, nếu đã tin vào Ngài; nhưng nếu có Ngài, ta sẽ mất tất cả" [thiếu câu sau: nếu không tin là có Ngài. [If God does not exist, one will lose nothing by believing in him (wrong), while if he does exist, one will lose everything by not believing (wrong again)]. Francis Dương không nhận ra một đống sai lầm trong câu trên và không biết rằng câu trên phát xuất từ một sự mê tín chứ không phải là khẳng định về một thực thể. Chúng ta phải hiểu câu trên như sau: nếu tin vào Thượng đế và Thượng đế có thật thì sẽ được lên thiên đường sau khi chết, còn nếu không tin mà Thượng đế có thật thì sẽ bị đày đọa xuống hỏa ngục sau khi chết. Đó là một câu đánh cuộc vào một điều mình không biết hoặc chưa tin (là “Thương đế”), vì nếu đã biết hoặc đã tin thì còn đánh cuộc làm gì !

Thứ nhất, hàng tỷ người trên thế gian không tin có Thượng đế của Ki Tô Giáo nhưng vẫn có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc, lành mạnh, đầu óc tỉnh táo không mê mẩn vì một cái bánh vẽ trên trời (điều này chứng tỏ là chẳng làm gì có Thượng đế và cũng chẳng ai cần đến Thượng đế.) Ngay cả theo lý thuyết thần học của Ki Tô Giáo, trong trường hợp hoang tưởng là những người không tin sẽ phải bị đầy đọa xuống hỏa ngục sau khi chết thì cũng không thể nói là họ đã “mất tất cả”. Giáo hoàng John Paul II đã chính thức phủ nhận sự hiện hữu của một thiên đường hay hỏa ngục của Ki Tô Giáo, điều này đã ném các Pascal’s Wager vào “đống những đồ phế thải”. Cho nên những người hi vọng ở một đời sau hạnh phúc trên thiên đường mới là những người “mất tất cả” vì hi vọng đó không bao giờ có thể thành đạt.

Thứ nhì câu của Pascal cũng có thể áp dụng cho Do Thái Giáo hay Hồi Giáo hay Ấn Độ giáo. Hồi giáo có thể nói, tin vào Allah và nếu Allah không có thật thì cũng chẳng mất mát gì. Nếu không tin và Allah có thật thì sẽ mất tất cả. Đối với Hồi Giáo thì tất cả các tín đồ Ki Tô Giáo đều phải xuống hỏa ngục của Hồi Giáo nếu Allah có thật. Đối với nhiều tông phái Ấn Độ giáo cũng vậy, tất cả tín đồ Ki Tô giáo đều thành ma quỷ hết nếu các vị thần linh của họ có thật.

Thứ ba, sự kiện là, dù muốn dù không, đời sống của chúng ta trên trái đất là đời sống duy nhất mà chúng ta sẽ trải qua. Nếu chúng ta hi sinh đời sống này cho một Thượng đế giả tưởng thì có thể nói là chúng ta sẽ mất tất cả. Đây chính là vong thân.

Sau cùng, tôi muốn khai sáng cho Francis Dương về đoạn kết của ông ta. Francis Dương viết về “Vô Thần”:

Người vô thần là người không ý thức, bác bỏ, phủ nhận niềm tin vào Đấng Tạo Hóa, Ông Trời, Thượng Đế, Thiên Chúa, Jehovah, Allah... vì hoặc là họ cho rằng không có bằng chứng hiễn nhiên, rõ ràng, hay họ dựa vào các triết thuyết, xã hội học, lịch sử, và thiên nhiên…

Vậy con người nên theo Cộng Sản, tôn thờ Karl Marx, Lenin, Mao, Hồ, hay Ông Trời, Đấng Tạo Hóa, Đấng Chí Tôn, Thiên Chúa, Jehovah, Allah để khi lìa dương thế còn có hy vọng một đời sau hạnh phúc, và khi còn sống còn có chút lương tâm yêu thương tổ tiên cha mẹ anh chị em bà con xóm giềng cùng đồng loại. Ngược lại nếu trong xã hội loài người không ai còn tin vào sự hiện hữu của ÔNG TRỜI, ĐẤNG CHÍ TÔN vô hình chủ tể muôn loài muôn vật thì con người sẽ ăn thịt con người, cướp bóc khắp mọi nơi, mạnh được yếu thua như súc vật.

Đọc câu nầy, về mặt phương pháp luận, ta đã thấy Francis Dương bị kẹt vào thế nhị nguyên đối đãi: Không Thiên Chúa thì chỉ là Cọng sản, không Cọng sản thì chỉ phải là Thiên Chúa, chứ không còn chọn lựa nào khác ! Vậy trước khi có Cọng sản thì sao ? Đây là cái loại đầu óc bị cầm tù và bị nhồi sọ bởi ông Giáo hoàng Pio XI từ hơn 70 năm trước để chống Cọng mà mở mang nước Chúa ở Bùi Chu Phát Diệm, nay còn đọng lại mà Linh mục Trần Tam Tĩnh đã nói đến trong tác phẩm “Thập giá và Lưỡi gươm: “Ở một số địa bàn Công giáo tiêm nhiễm nội dung chống Cộng của thông điệp Divini Redemptoris của Piô XI, nên người ta phải sống trong một thứ hoang mang, thời gian để lại những hậu quả rất nghiệm trọng. Một vài lãnh tụ Công giáo đã vạch ra một đường lối xử thế, mà nhiều người rồi đây đã thấy là xảo quyệt gian manh”.

Sau đây là một bài học nhỏ cho Francis Dương về “Vô Thấn” và “Hữu Thần”.

Đoạn trên của Francis Dương là luận điệu cố hữu của Công giáo, kẻ thù không đội trời chung với Cộng sản. Tại sao Công giáo lại chống Cộng một cách điên cuồng bất kể thủ đoạn như vậy? Thật là dễ hiểu, vì lý thuyết của Marx đã vạch trần bộ mặt thật của Ki Tô Giáo, kết quả là đưa Ki Tô Giáo vào con đường suy thoái không có cách nào cứu vãn. Hiện tượng này thật là rõ rệt, không những chỉ ở Âu Châu, cái nôi của Ki Tô Giáo, mà còn ở khắp nơi trên thế giới, kể cả Bắc Mỹ. Học giả Công giáo Joseph L. Daleiden đã viết trong cuốn Sự Mê Tín Cuối Cùng (The Final Superstition, Prometheus Books, New York, 1994): “Căn nguyên sự thù ghét của giáo hội Công giáo đối với Cộng Sản là giáo hội ý thức được rằng Cộng Sản, về ảnh hưởng, là một địch thủ tôn giáo.” [2]

Francis Dương có biết là:

Trong một hội nghị đặc biệt vào năm 1999, các giám mục Âu Châu tuyên bố rằng các dân tộc trong toàn lục địa Âu Châu đã quyết định sống “như là Thiên Chúa không hề hiện hữu” (nghĩa là sống như là “vô thần”) [3]

Theo những tin tức trên báo chí trên thế giới và cả trên tờ thông tin chính thức của Vatican, tờ L’Osservatore Romano, vào những ngày 27, 28 tháng 7, 2005, thì Benedict XVI đã lên tiếng phàn nàn như sau:

“Những tôn giáo chủ đạo ở Tây Phương [Ki Tô Giáo] có vẻ đang chết dần vì các xã hội càng ngày càng trở nên thế tục và không còn cần đến Thiên Chúa nữa. [4]

Cũng theo tin hãng Reuters ở Rome thì Giáo hoàng Benedict XVI đã phải đau lòng mà chấp nhận một sự thực: “Thật là khác lạ trong thế giới Tây Phương, một thế giới mệt nhọc với chính văn hoá của mình, một thế giới mà con người càng ngày càng tỏ ra không cần đến Thiên Chúa, mà cũng chẳng cần gì đến Chúa Giêsu nữa. Những Giáo Hội gọi là 'truyền thống' xem ra như đang chết dần.” [5]

Những sự kiện trên chứng tỏ rằng niềm tin vào một “Đấng Chí Tôn Vô Hình quản cai Vũ Trụ” của các khoa học gia mà Francis Dương nêu lên để quảng cáo cho “Đấng Chí Tôn..” ngày nay chẳng còn mấy giá trị. Nó chỉ còn giá trị đối với “đám quần chúng tín đồ ngu si, và những linh mục xảo quyệt” [Robert G. Ingersoll, in 1870: The people are stupid, and the priests are cunning].

Hơn một thế kỷ sau, S.T. Joshi cũng đưa ra một nhận định tương tự: “Câu hỏi chính không phải là tại sao tôn giáo (tác giả muốn nói đến Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Ki Tô Giáo) không chết đi mà là tại sao nó còn tiếp tục tồn tại trước hàng núi những bằng chứng trái ngược [với những gì các tôn giáo trên rao truyền]. Đối với tôi, câu trả lời có thể thâu tóm trong một câu thẳng thắn: quần chúng tín đồ thì ngu si [6]

Thật ra, theo định nghĩa thì, Vô thần chỉ có nghĩa là không tin, từ chối, không chấp nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa [Atheism = Disbelief in or denial of the existence of God]. Thiên Chúa ở đây phải hiểu là Thiên Chúa của Ki Tô Giáo. Vô thần không có nghĩa là chống Thiên Chúa, vì chống một cái không hiện hữu là một chuyện vô ích. Nói cho đúng ra, Vô Thần, nếu có chống, là chống sự mê tín của con người vào một Thiên Chúa do chính con người bày đặt ra.

Đối với giới “Chống Cộng Cho Chúa” [CCCC] thì hai chữ “vô thần” hầu như bao giờ cũng đi liền với hai chữ “Cộng sản” trong những bản văn chống Cộng ở hải ngoại, và ngay cả ở trong nước. Điều này chứng tỏ là những người Chống Cộng Cho Chúa chẳng hiểu gì về vô thần hay Cộng sản. Họ chỉ lập lại như những con vẹt những luận điệu chống Cộng của Công Giáo sau chiêu bài “vô thần” làm như “vô thần” là có tội với Thiên Chúa, là vô đạo đức của Thiên Chúa v…v…

Bất cứ người nào có đôi chút kiến thức cũng phải hiểu rằng: CS là một hệ thống chính trị xã hội – kinh tế [Communism is a socio-economic political system] trong khi Vô Thần là một lập trường đối với các tôn giáo (thần giáo), đặc biệt là Ki Tô Giáo [Atheism is a position taken in respect to religion, especially Western religion], và Vô Thần đã có từ trên 2000 năm nay, trong khi Cộng sản mới chỉ ra đời cách đây trên 100 năm.

Vì không hiểu rõ chủ trương vô thần của Marx cũng như bản chất của vô thần cho nên ngày nay vẫn còn có những người cuồng tín đần độn, kể cả những người gọi là trí thức Công Giáo, và cả một số trí thức Phật Giáo thiếu trí tuệ, vẫn tiếp tục kết hợp Cộng sản với Vô Thần, làm như Vô Thần là một trọng tội xấu xa cần phải diệt trừ. Họ không đủ kiến thức để hiểu rằng, khi họ kết hợp Cộng Sản với Vô Thần là họ đang thực sự tôn vinh Cộng Sản.

Thật vậy, như Voltaire đã nhận định: “Vô Thần là thói xấu của một số ít những người thông minh” [Atheism is the vice of a few intelligent people] và trên thực tế, Vô Thần là kết quả tiến bộ trí thức của con người, như Frank E. Tate đã tuyên bố như sau:

“Suốt cuộc đời tôi, tôi đã tiến bộ từ một người sùng tín đến một người theo thuyết “bất khả tri” và bây giờ là một người vô thần. Tôi dùng từ “tiến bộ” vì tôi tin rằng đó thực sự là một sự tiến bộ, tiến từ sự chấp nhận mù quáng vào một huyền thoại phi lý đã lỗi thời đến sự nghi ngờ và sau cùng đến sự từ bỏ và không còn tin nữa.

Chính cái huyền thoại đó – cuốn Thánh kinh Do Thái-Ki Tô – là một cuốn ghi chép kinh hoàng về những cuộc đổ máu, dâm dật, và cuồng tín không đếm xỉa gì đến đời sống và sự an sinh của những người nào không bày tỏ niềm tin mù quáng của mình vào những giới luật được trình bày qua những lời lẽ mâu thuẫn và không thể nào xảy ra được” [7]

Những người Công Giáo thường bị tẩy não, nhồi sọ từ nhỏ là những người không tin vào Thiên Chúa của họ là “vô thần” (trong đó có cả Phật giáo và Không giáo “ma quỷ” của Alexandre de Rhodes nữa), và vô thần có nghĩa là vô đạo đức của Ki Tô Giáo, và do đó có thể làm tất cả những điều ác vì không còn sợ Thiên Chúa của họ như Francis Dương viết ở trên. Nhưng nếu chúng ta đọc lịch sử giới hữu thần và so với giới vô thần, chúng ta sẽ thấy rằng đạo đức của giới hữu thần thực sự thua xa đạo đức của giới vô thần. Lịch sử Ki Tô Giáo đã chứng tỏ như vậy. Tại sao? Bởi vì Ki Tô Giáo tin vào cuốn Thánh Kinh của họ, và trong Thánh Kinh, những điều luân lý đạo đức chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với những phần vô đạo đức, phi luân.

Sự thực là, hững người vô thần nổi tiếng từ xưa tới nay đều là những bậc thông thái, có đạo đức, chứ không tàn bạo, ngu đần, vô đạo đức như một số giáo hoàng thờ thần trong cái tôn giáo thờ thần là Công giáo như lịch sử đã chứng minh. Và trong những xã hội Ki Tô Giáo “hữu thần”, tỷ lệ những tội ác như giết người, cướp của, loạn luân, con giết cha mẹ, cha mẹ giết con, ma túy v..v.. đã vượt trội những xã hội “vô thần”. Thí dụ:

Mỹ là một nước “hữu thần” hạng nhì (sau Phi Luật Tân) trong thế giới ngày nay, vì theo Francis Dương thì có 51.3 % theo Tin Lành và 23.9 % theo Công giáo, số người tin vào sự “thiết kế thông minh” của một ông Thiên Chúa để tạo nên nước Mỹ làm dân của Thiên Chúa (God’s people). Nhưng những tội ác như linh mục loạn dâm, đĩ điếm, cần sa, ma túy, gian manh lừa đảo, giết người, băng đảng xã hội đen v..v.. đều chiếm giải quán quân trên thế giới. Nói có sách, mách có chứng: sau đây là vài con số thống kê của Mỹ:

- Thống kê năm 2000: 14 triệu người tuổi từ 12 trở lên dùng ma túy (6.3% dân số).

- Năm 2001: 15.980 vụ giết người, 90.491 vụ hiếp dâm. Cứ 2 phút lại có một người bị hiếp (tài liệu của bộ Tư Pháp)

- Trên 1 triệu gái mãi dâm hành nghề trên đường phố, nhà tắm hơi (sauna), phòng tẩm quất (massage parlor) và qua điện thoại, trong đó có 300.000 vị thành niên. Thành phố New York tốn $43 triệu mỗi năm để kiểm soát các vấn đề liên quan đến mãi dâm.

- 14.000.000 người nghiện rượu.

- Có 2.200.000 tù nhân Mỹ đang ngồi tù. Cả thế giới có 9.000.000 người đang ngồi tù, Mỹ chiếm 22% trong khi tỷ lệ dân số của Mỹ trên thế giới chỉ có 5%.

- Ở Trung Quốc [xứ vô thần] thì cứ trong 100.000 người có 111 người ngồi tù, ở Mỹ [xứ hữu thần] là 686 người, gấp hơn 6 lần trong khi dân số Mỹ chỉ bằng 24% dân số Trung Quốc.

- 50% các cặp vợ chồng do Chúa kết hợp đi đến ly dị.

- Từ 4% đến 10% dân chúng đồng tính luyến ái.

- Tới nay đã có hơn 5000 linh mục Công Giáo bị truy tố về tội cưỡng dâm trẻ em phụ tế và nữ tín đồ, chưa kể số Mục sư Tin Lành..

Có thể những người thờ thần, hay thờ Chúa cũng vậy, muốn biết là một người vô thần có những cảm nghĩ gì? Tôi xin mượn vài tư tưởng của Robert G. Ingersoll. Ingersoll là một nhà tư tưởng tự do nổi tiếng nhất của Mỹ. Tên ông ta có trong lịch sử, trong tự điển. Những tư tưởng của ông đều có trong các thư viện lớn và trên Internet. Tượng đài tưởng niệm ghi công ông khai phóng đầu óc giới trẻ được xây ở Peoria, bang Illinois. Ingersoll phát biểu như sau về cảm nghĩ của một người vô thần. Tôi chỉ xin nêu ra vài tư tưởng trong đó:

“Khi tôi tin chắc rằng Vũ trụ là thiên nhiên – và rằng những thánh ma, thiên chúa chỉ là những huyền thoại, thì những cảm nghĩ, nhận thức, và niềm hân hoan về sự tự do, giải thoát đã xâm nhập vào đầu óc tôi, vào linh hồn tôi, và vào từng giọt máu trong người tôi. Những bức tường của cái nhà tù của tôi [Ki Tô Giáo] đã sụp đổ, ngục tù tăm tối đã được tràn ngập ánh sáng, và tất cả những then cửa, chấn song, gông cùm đã trở thành cát bụi. Tôi không còn là một tôi tớ hèn mọn, một người hầu, hay một nô lệ nữa (Xin đọc trang nhà Mucsu.net: Người Ki Tô Giáo vẫn thường tự nhận là tôi tớ hèn hạ, là người hầu việc Chúa v..v.. ) Tôi đã tự do:

- tự do suy tư, phát biểu tư tưởng

- tự do sống theo ý tưởng của tôi

- tự do tận dụng mọi khả năng, mọi giác quan của tôi

- tự do tìm hiểu

- tự do vứt bỏ mọi tín điều ngu đần và độc ác, mọi sách “mạc khải” mà những người dã man đã tạo ra chúng và mọi truyền thuyết man rợ của quá khứ

- tự do thoát khỏi những giáo hoàng và linh mục

- tự do thoát khỏi những sai lầm được thánh hóa và những lời nói láo mang tính thánh

- tự do thoát khỏi sự sợ hãi về một sự đau đớn vĩnh hằng (đày hỏa ngục)

- tự do thoát khỏi những ma, quỉ và thiên chúa.” [8]

Để khai sáng cho Francis Dương biết ai là những người “vô thần”, không tin vào cái gọi là “Ô ng Trời” hay “Đấng Chí Tôn Vô Hình quản cai Vũ Trụ” của Francia Dương, tôi xin liệt kê tên của một số nhỏ những nhân vật có tên tuổi trên thế giới mà tôi cho là quen thuộc nhất đối với chúng ta, trong số 600 nhân vật (lẽ dĩ nhiên vẫn chưa đầy đủ) trong cuốn 2000 Years of Disbelief: Famous People With The Courage To Doubt của James A. Haught, (Prometheus Books, 1996), những nhân vật có thể xếp vào trong đoàn thể của những người “vô thần”, theo thứ tự A, B, C. Chúng ta nên để ý là trong danh sách này có những tên mà Francis Dương cho vào danh sách những người “hữu thần” nhưng không hề ghi xuất xứ, những tên có gạch dưới:

Lord Acton - John Adams - Ethan Allen - Steve Allen – Aristotle - Isaac Asimov - Sir Francis Bacon - Honoré de Balzac - Charles Baudelaire - Simone de Beauvoir - Ludwig van Beethoven - Hector Berlioz - Georges Bizet - Charles Bradlaugh - Johannes Brahms - Benjamin Britten - Giordano Bruno - Pearl Buck - Albert Camus - Andrew Carnegie - Marcus Tullius Cicero - Auguste Comte – Confucius - Nicolaus Copernicus - Clarence Darrow - Charles Darwin - Claude Debussy - Daniel Defoe – Demosthenes - Charles Dickens - Denis Diderot – Diogenes - Alexandre Dumas - Will Durant - Thomas Edison - Albert Einstein - George Eliot - Albert Ellis – Empedocles – Euripides - William Faulkner - Richard P. Feynman - Gustave Flaubert - Antony Flew - George William Foote - Anatole France - Benjamin Franklin - Sigmund Freud - Galileli Galileo - Indira Gandhi - Mohandas Gandhi - Giuseppe Garibaldi - Edward Gibbon - André Gide - Johann Wolfang von Geothe - Thomas Hardy - Stephen Hawking - Joseph Haydn - George W. F. Hegel - Martin Heidegger - Fred Hoyle - Victor Hugo - David Hume - Aldous Huxley - Robert G. Ingersoll - Thomas Jefferson - James Joyce - Franz Kafka - Immanuel Kant - Johannes Kepler - Jean de la Bruyère - Pierre Simon de Laplace - William E. H. Lecky - Abraham Lincoln - John Locke - James Madison - Karl Marx - Jules Massenet - Somerset Maugham - Guy de Maupassant - Henry Louis Mencken - Michel de Montaigne - Baron de Montesquieu - Wolfang Amadeus Mozart - Jawaharlal Nehru - Friedrich Nietzsche - Madalyn Murray O’Hair - Thomas Paine - Pablo Picasso - Max Planck - Marcel Proust - Jules Renard - Eleanor Roosevelt - Theodore Roosevelt - Jean-Jacques Rousseau - Carl Sagan - George Sand - George Santayana - Jean Paul Sartre - Arthur Schlesinger - William Shakespeare - Adam Smith – Socrates - Baruch Spinoza - Richard Strauss - Leo Tolstoy - Mark Twain – Voltaire - George Washington - Daniel Webster - H. G. Wells – Zeno - Émile Zola.

Danh sách nầy được tác giả James A. Haught chọn lựa theo tiêu chuẫn là “những người thông minh, có học, có khuynh hướng phê phán [những hiện tượng] siêu nhiên và những điều gọi là sự thật được hiễn lộ của tôn giáo. Cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi tìm thấy [trong danh sách nầy] tên tuổi một số lớn những người hoài nghi và vô tín ngưỡng trong số những nhà phát minh, khoa học gia, nhà văn, nhà cải cách xã hội và những nhân vật làm đổi thay thế giới trọng đại của chúng ta - những người thường được gọi là vĩ nhân. Sự tiến bộ của văn minh Tây phương đã phần nào là một câu chuyện về chiến thắng từ từ những áp bức của tôn giáo, và những người nghi ngờ kiệt xuất nầy là những vị đàn ông cũng như phụ nữ đã không cầu nguyện, đã không quỳ trước các bàn thờ, đã không hành hương, và đã không đọc kinh nguyện. Cuốn sách nầy là một cuốn sách trích dẫn tổng hợp những lời phát biểu của các “vĩ nhân” cả Đông lẫn Tây, từ cổ đại cho đến hiện đại…” [9]

 

Chú thích:


[1] Either there is a god, multiple gods, or none. Either there is such a thing called the human soul or there isn’t, and, if there is, it either can or cannot survive the death of the body. Either Jesus Christ, if he existed, was the son of God or he wasn’t. Either Mohammed, if he existed, was God’sprophet or he wasn’t.

That the essential doctrines of many of the world’s major religions – especially Christianity, Judaism, and Islam – are matters of truth or falsity is itself a fact around which no amount of sophistry or special pleading can get. Unfortunately for them, evidence has been steady accumulated for at least the last half-millenium to suggest that these doctrine are false

[2] The root of the (Catholic) Church’s antipathy toward Communism is its realization that Communism is, in effect, a rival religion.

[3] At a special synod in 1999, the bishops of Europe declared that the peoples of the entire continent had decided to live “as though God did not exist”.

[4] ROME (Reuters, July 27, 2005) - Mainstream churches in the West appear to be dying as societies that are increasingly secular see less need for God, Pope Benedict said in comments published on Wednesday.

[5] It is different in the Western world, a world which is tired of its own culture, a world which is at the point where there’s no longer evidence for a need of God, even less of Christ," he told a meeting of clergy in the Italian Alps.

"The so-called traditional churches look like they are dying," he said, according to a text published by Vatican daily L’osservatore Romano.

[6] S.T. Joshi, God’s Defenders: What They Believe and Why They Are Wrong, Prometheus Books, New York, 2003, p. 12: The dominant question thus becomes not why religion has not died away but why it continues to persist in the face of monumental evidence to the contrary. To my mind, the answer can be summed up in one straightforward sentence: People are stupid.

[7] During my lifetime I have progressed from being a “believer,” to being an agnostic and now an atheist. I use the word “progress” because I believe it to be true progress to go from blind acceptance of an outdated illogical mythology to doubt and finally to denial and disbelief...

The myth itself – the Judeo-Christian Bible – is a shocking account of bloodshed, lust, and bigoted disregard for the lives and well-being of all peoples who do not profess a blind belief in the precepts presented in such impossible and contradictory terms.

[8] When I became convinced that the Universe is natural – that all the ghosts and gods are myths, there entered into my brain, into my soul, into every drop of my blood, the sense, the feeling, the joy of freedom. The walls of my prison crumbled and fell, the dungeon was flooded with light and all the bolts, and bars, and manacles became dust. I was no longer a servant, a serf, or a slave...I was free

- free to think, to express my thoughts

- free to live to my own ideal

- free to use all my faculties, all my senses

- free to investigate

- free to reject all ignorant and cruel creeds, all the “inspired” books that savages have produced, and all the barbarous legends of the past

- free from popes and priests

- free from sanctified mistakes and holy lies

- free from the fear of eternal pain

- free from devils, ghosts and gods

[9] Intelligent, educated people tend to be critical of the supernatural and the so-called revealed truths of religion. So it is hardly surprising to find a great number of skeptics and unbelievers among our major inventors, scientists, writers, social reformers, and other world changers - people usually termed great. The advance of Western civilization has been partly a story of the gradual victory over religious oppression, and these brilliant doubters were men and women who didn't pray, didn't kneel at altars, didn't make pilgrimages, and didn't recite creeds.

2,000 years of Disbelief is a book of quotes that brings together the words of the "greats" of both East and West, from antiquity to the present. Included in this stirring collection are such renowned skeptics as Epicurus, Voltaire, Arthur Schopenhauer, Mark Twain, and Bertrand Russell. But also represented are many whose skepticism is not so well known, and who are for this reason regarded by churchmen and others as conventional believers. Notable among these are many U.S. presidents. Thus we learn, for example, that George Washington had no belief in Christianity and that Abraham Lincoln never joined a church. 2,000 Years of Disbelief is an anthology not only of outstanding philosophers, scientists, and poets, but also of figures in the arts and entertainment as well as prominent scholars and politicians.

Arranged chronologically for ease of reference, with each chapter devoted to a particular figure or period, this witty, insightful collection reveals the extent to which the most renowned people in all areas expressed, both publicly and privately, their courage to doubt, often in the face of great personal risk. A delight to read as well a a valuable sourcebook, 2,000 Years of Disbelief provides a powerful weapon against religious conformists, dogmatists, and others who would roll back the clock on the teaching of evolution and who are working to tear down the wall of separation between church and state. Others included in this outstanding collection are: Omar Khayyam, William Shakespeare, Thomas Hobbes, Benjamin Franklin, Mary Wollstonecraft, Charles Darwin, Elizabeth Cady Stanton, Thomas Edison, Albert Einstein, W. E. B. Du Bois, Ayn Rand, Langston Hughes, Steve Allen, Elie Wiesel, Gloria Steinem, Albert Gore, and many others.

[Source: http://www.ebscobooks.com/books/... CatalogID=59093]

 


Các đề tài về Ông Trời trong sachhiem.net:

-"Ông Trời" Không Quen Biết "Thượng Đế"! (Trần Chung Ngọc)

- Quan niệm “Ông Trời” của người Việt của cụ Charlie Nguyễn,

- Nhân Chuyện Khám Phá Có Jehovah Trong Ca Dao Việt của Thiên Lôi

- Nhân đọc “Ông Trời trong thi ca Việt-Nam" (Sơn Dã Bần Phu)

- “Lập lờ đánh lận”… ông trời! (Minh Thạnh)


Các bài tôn giáo cùng tác giả

Trang Trần Chung Ngọc