Nhật Ký Biển Đông:

Rút Giàn Khoan hay Ở Lì?

Đào Văn Bình

http://sachhiem.net/DAOVB/CT/DaovBinh18.php

15-Jun-2014

Nếu Ấn Độ tiếp tục tăng cường binh sĩ tại vùng biên giới Hy Mã Lạp Sơn, tiếp tục hợp tác quốc phòng và thăm dò dầu khí với Việt Nam, cộng thêm với sự can dự mạnh mẽ của Nhật Bản thì Trung Quốc không thể tự tung tự tác ở Biển Đông. (ĐVB)

Những chuyển biến quan trọng:

Nhật Ký Biển Đông trung tuần Tháng 6 ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:

-Reuters (Hà Nội/Manila) ngày 8/6/2014:Binh sĩ Phi Luật Tân và Việt Nam đá bóng, chơi bóng chuyền và uống bia trên Đảo Song Tử Tây để bày tỏ thiện chí hòa bình, hợp tác. Phi Luật Tân và Việt Nam hiện đang có tranh chấp về một số hòn đảo thuộc Quần Đảo Trường Sa. Đảo Song Tử Đông năm 1975 do Phi Luật Tân chiếm đóng nhưng bị binh sĩ Miền Nam chiếm khi viên chỉ huy đảo này cùng binh sĩ chèo thuyền sang chơi một đảo bên cạnh cách đó vài hải lý. Theo tin từ Việt Nam, một tuần dương hạm trang bị hỏa tiễn đạn đạo của Việt Nam sẽ viếng Manila, Phi Luật Tân một ngày gần đây.

- BBC tiếng Việt ngày 9/6/2014: Phát ngôn viên Trung Quốc gọi sự kiện giao hữu thể thao giữa Việt Nam và Philippines hôm Chủ nhật 08/06 trên đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa là “hài kịch vụng về”.

- RFI tiếng Việt ngày 9/6/2014: Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Hà Nội và Bắc Kinh, nhật báo South China Morning Post số ra ngày 06/06/2014 cho biết nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được chỉ đạo cấm tham gia đấu thầu các dự án mới tại Việt Nam. Theo quan điểm của một chuyên gia khác thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ không đáng kể : Trung Quốc không thể đe dọa sự phát triển của Việt Nam do trọng lượng của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam là quá nhỏ và cho dù có tham gia đấu thầu vào các dự án mới, trong bối cảnh hiện nay, chưa chắc các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc có cơ hội thắng thầu.

-Tuổi Trẻ Online ngày 9/6/2014: Trong chuyến viếng thăm Việt Nam ngày 9/6/2014, thủ tướng Ý Đại Lợi Matteo Renzi cho biết là một thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu cũng như trong nhóm G7, Ý bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình biển Đông hiện nay và kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết xung đột trong hòa bình.

-VOA tiếng Việt ngày 9/6/2014: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói:“Chúng tôi khuyến khích các bên tiếp tục đối thoại với nhau, nhưng chúng tôi sẽ không góp ý về việc phán đoán vị trí và ý nghĩa của vị trí đó”. Bình luận về tuyên bố này, chuyên gia phân tích của Viện Kinh Doanh Mỹ Michael Auslin nói điều đó đặt chính quyền Obama vào một thế bất lợi. “Khi chính quyền đi đến chỗ nói rằng sẽ không xác định liệu vùng nước này có thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay không, thì có nghĩa là ta đã tiến một bước rất lớn hướng tới việc tự ý từ khước không có tiếng nói nào có thể có trong tình huống này.” Còn GS. Hillary Mann Leverett thuộc American University nói nó gây phương hại cho cái được gọi là sự xoay trục các nguồn lực quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ qua châu Á. Trong khi đó Việt Nam kêu gọi Hoa Kỳ đóng một vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các tranh chấp về lãnh hải với Trung Quốc.

-AP ngày 9/6/2014: Trung Quốc gửi thư lên tổng thư ký LHQ tố “Việt Nam đâm va tàu Trung Quốc cả nghìn lần tại nơi đặt giàn khoan mà Trung Quốc nói là vùng thuộc chủ quyền của họ và Trung Quốc muốn có quan hệ tốt với láng giềng.” Thư khiếu nại còn nói, “Việt Nam điều người nhái cùng đặc vụ hoạt động dưới nước đến khu vực gần giàn khoan và đã thả rất nhiều chướng ngại vật, gồm lưới đánh cá và vật trôi nổi tại vùng biển này”.

- Reuters, Beijing: Vào ngày Thứ Ba 10/6/2014 , Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả sự “vu cáo” của Việt Nam cho thế giới biết về những gì đang xảy ra tại nơi đang tranh chấp tại Bỉển Đông sau khi đã gửi thư tới Liên Hiệp Quốc. Theo Voice of Russia, “Việc đệ trình công hàm tại Liên Hợp Quốc chính là nỗ lực giải thích. Đó có thể là bước đầu tiên tiến tới mở đầu đàm phán một nội dung rất quan trọng. Những xung đột như vậy cần được giải quyết bằng đàm phán và sự nhượng bộ lẫn nhau.”

- VOV ngày 10/6/2014: Dân Biểu Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban triển khai lực lượng và sức mạnh biển thuộc Uỷ ban Quân lực Hạ viện Mỹ đưa ra khi trả lời phỏng vấn tạp chí National Interest của Mỹ, “Khả năng xảy ra khủng hoảng và thậm chí xung đột tại châu Á-Thái Bình Dương trở nên rõ nét khi Trung Quốc có thể thay đổi cán cân quân sự, áp dụng các biện pháp cưỡng ép bằng công cụ quân sự và phi quân sự. Các nước láng giềng của Trung Quốc, từ Nhật Bản cho đến Philippines và Việt Nam đều đang chờ đợi một tín hiệu rõ ràng về quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì hiện trạng khu vực, nơi tự do hàng hải được tôn trọng, các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình.” Dân Biểu Forbes cho rằng Mỹ đang thiếu một chiến lược khu vực để ngăn chặn sự cứng rắn ngày càng leo thang của Trung Quốc.

- NLĐ Online ngày 10/6/2014: Chủ tọa cuộc họp báo từ Rangoon (Myanmar) với phần lớn các câu hỏi xoay quanh căng thẳng leo thang trên Biển Đông, Phụ Tá Ngọai Trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á Thái Bình Dương Daniel Russel đề nghị: Cả Trung Quốc và Việt Nam cần rút toàn bộ đội tàu của mình. Trung Quốc phải rút giàn khoan. Chúng tôi không khẳng định ai đúng ai sai nhưng việc rút giàn khoan sẽ tạo cơ hội cho tiến trình ngoại giao để giải quyết căng thẳng”.

- PetroTimes ngày 10/6/2014: “Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose hôm nay (10/6) đã lên tiếng xác nhận việc Indonesia đề xuất một cuộc họp đặc biệt giữa các bộ trưởng ngoại giao của ASEAN, để thảo luận về căng thẳng gia tăng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

- Reuters/Tokyo ngày 11/6/2014: Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản phản đối việc phi cơ chiến đấu Trung Quốc bay sát như muốn đụng vào máy bay Nhật và yêu cầu Trung Quốc cư xử có đạo đức hơn. Nhưng vào ngày 12/6/2104 Trung Quốc phủ nhận sự kiện này cũng giống như Trung Quốc phủ nhận việc đem tàu chiến để bảo vệ giàn khoan Haiyang 981.

- BBC tiếng Việt ngày 11/6/2014: Trả lời hãng thông tấn Mỹ AP hôm thứ Ba ngày 10/6, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Lê Hoài Trung kêu gọi Trung Quốc dời giàn khoan và hơn 100 tàu ra khỏi khu vực đang đóng để tạo ‘môi trường đàm phán’. Tuy nhiên Đại sứ Trung cho biết Bắc Kinh từ chối đối thoại và một mực nói rằng vùng biển đặt giàn khoan không có tranh chấp gì cả và hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

- BBC tiếng Việt ngày 11/6/2014: Một nhóm đại biểu của quân đội Thái Lan đã tới Trung Quốc hôm thứ Tư 11/06 để bàn về an ninh khu vực và tập trận chung với đồng minh lâu năm trong lúc Phương Tây tỏ ra không mấy thoải mái trước cuộc đảo chính của quân đội hồi tháng trước.

- Tiền Phong Online ngày 12/6/2014: Phát ngôn viên Edwin Lacierda của Tổng thống Philippines nói rằng, những dự án đầu tư của Trung Quốc sẽ không ngăn cản được Manila theo đuổi vụ kiện Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

- RFI ngày 13/6/2014: Hôm qua, 12/06/2014 phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích việc Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Nhật Bản thông qua một nghị quyết lên án các hoạt động khoan dầu của Trung Quốc tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, mà Bắc Kinh gọi là Tây Sa.

-VOV ngày 14/6/2014: Tuy thời tiết xấu nhưngTrung Quốc vẫn duy trì hơn 70 tàu các loại gồm tàu hải cảnh, tàu hải giám, tàu kéo và các tàu dịch vụ hậu cần quanh giàn khoan Hải Dương 981.

-AFP ngày 15/6/2014: Trung Quốc đang cho xây thêm trường học trên Quần Đảo Hoàng Sa cho 40 học sinh mà cha mẹ làm việc trên đảo. Công trình sẽ hoàn tất khoảng một năm rưỡi.

Nhận Định:

Đúng như nhận xét của các nhà nghiên cứu chiến lược, cứ mỗi lần Trung Quốc phản ứng mạnh là Mỹ lại tìm cách xoa dịu. Tại Đối Thọai Shangri-La cách đây hai tuần lễ, bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel đã nói rất mạnh qua ba điểm.

-Trung Quốc có “những hành động gây bất ổn” ở Biển Đông.

-Washington nhất định “không ngoảnh mặt làm ngơ” nếu trật tự quốc tế bị đe dọa.

-Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho Nhật Bản trong kế họach “Phòng Thủ Tập Thể” ở Đông Nam Á

Qua ba điểm này chúng ta thấy Hoa Kỳ đang cùng Nhật Bản dàn trận để đối đầu với Trung Quốc chứ chẳng phải “tái cân bằng lực lượng” mà thôi.

Thế nhưng khi tướng Vương Quán Trung của Trung Quốc phản ứng, “Nếu Hoa Kỳ coi Trung Quốc là kẻ thù thì Trung Quốc chắc chắn coi Hoa Kỳ như kẻ thù của Trung Quốc,” thì chỉ vài ngày sau Hoa Kỳ lại dịu giọng. Lời tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki, “Chúng tôi khuyến khích các bên tiếp tục đối thoại với nhau, nhưng chúng tôi sẽ không góp ý về việc phán đoán vị trí và ý nghĩa của vị trí đó” đã chứng minh điều đó.

Xin thưa giàn khoan Haiyang 981 hoàn tòan nằm trong lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam dù lấy dấu mốc là Tri Tôn hay Đảo Lý Sơn. Một vị trí nhỏ trên Hỏa Tinh mà Hoa Kỳ còn biết, tại sao Hoàng Sa- nơi mà Hoa Kỳ đã ra vào như cơm bữa và cùng VNCH trấn giữ khoảng 20 năm mà lại nói là “chưa phán đoán được nó nằm ở đâu và chủ quyền thuộc về ai?”. Nó chẳng khác nào một cặp vợ chồng sống với nhau đã 20 năm với khoảng 5,6 mặt con. Nguời chồng đi xa khoảng ba năm, quay về nhà cũ mà người vợ cứ nằng nặc nói, “tôi không biết ông này là ai!” thì quả thật “Trời cao có thấu!” Chính vì thế mà sau Chiến Tranh Việt Nam, thế giới đã học được bài học là “đi” với Mỹ có ngày Mỹ quay mặt, bỏ rơi không thương tiếc. Dầu sao thì sự kiện trên chứng tỏ Mỹ đang lo sợ một cuộc đối đầu trực tiếp với Hoa Lục - ngay bây giờ thì chưa dám, nhưng để lâu thì kinh khủng quá vì lúc đó Trung Quốc mạnh gấp bội, cho nên lúc nào cũng lúng túng.

Kể từ năm 1949 sau khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc đánh bật Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan, chính sách của Hoa Kỳ đối với Hoa Lục là: Ngăn chặn, be bờ và thỏa hiệp chứ không bao giờ chủ trương đối đầu - tức mở một cuộc chiến tranh với Hoa Lục bởi vì tiến hành chiến tranh với Hoa Lục có nghĩa là “hai bên cùng chết” (Mutual Vulnerability). Đó là sự trớ trêu, nghiệt ngã của lịch sử - hiện tại cũng như tương lai của nước Mỹ.

Chính vì thấy sức mạnh của Hoa Lục ghê gớm quá - cả về quân sự lẫn thương mại mà lại ở gần kề, dù có “đi” với Mỹ nhưng “Nước xa không cứu được lửa gần” (*) cho nên một số nước theo chính sách “trung lập” như Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện, Lào, Kampuchia, Brunei. Một số nước thấy thảm họa lù lù (looming) trước mắt đã hợp tác để Mỹ làm đối trọng với Trung Quốc, nhưng lấy sức mình là chính như Việt Nam, Indonesia, Singapore. Còn Phi Luật Tân thì hoàn toàn nương tựa vào Hoa Kỳ.

Việc Trung Quốc gửi văn thư tới Liên Hiệp Quốc hiện đang tạo chú ý trên thế giới. Có thể chuyển động này nhằm hai dự tính:

Thứ nhất: Đây là chiến thuật chống đỡ với dư luận thế giới đang vô cùng bất lợi cho Trung Quốc. Với chuyển động này, Trung Quốc thấy it ra mình cũng có một văn thư trình bày vấn đề chứ im lặng tức đuối lý. Dĩ nhiên LHQ không phải cơ quan tài phán. Sau khi phổ biến công hàm tới các nước hội viên, LHQ cũng chẳng làm gì hơn. Sau khi trình công hàm rồi, Trung Quốc có thể giải thích rằng “lẽ phải” ở về phía chúng tôi và giàn khoan vẫn cứ đứng yên tại chỗ. Với ưu thế về sức mạnh, nếu cuộc giằng co kéo dài vài ba năm, Việt Nam không thể trục giàn khoan đi. Như thế giàn khoan theo thời gian là một thứ “de facto” và thế giới cũng chẳng làm được gì hơn ngòai việc “quan tâm” và cảnh báo, kể cả Mỹ.

Thứ hai: Nếu Việt Nam cứ kiên trì bám biển và tăng cường số tàu Cảnh Sát Biển và Kiểm Ngư thì tình hình mỗi lúc mỗi căng thẳng thêm. Cộng thêm với sự vận động ngọai giao của Việt Nam, uy tín của Trung Quốc mỗi lúc mỗi giảm sút và vô cùng bất lợi trên trường quốc tế. Chắc chắn Trung Quốc không thể dồn hết sức mình để cứ phải dai dẳng đối phó với Việt Nam trong khi Trung Quốc “mộng lớn chưa thành” và hiện đang có quá nhiều kẻ thù tiềm tàng như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Phi Luật Tân và rồi sẽ là Indonesia. Có thể đây là một chuyển động nhằm rút giàn khoan và thương thảo với Việt Nam đúng như nhận định của Voice of Russia, “Việc đệ trình công hàm tại Liên Hợp Quốc chính là nỗ lực giải thích. Đó có thể là bước đầu tiên tiến tới mở đầu đàm phán một nội dung rất quan trọng. Những xung đột như vậy cần được giải quyết bằng đàm phán và sự nhượng bộ lẫn nhau.”

Tuy nhiên nếu đơn phương rút giàn khoan thì Trung Quốc mất mặt. Do đó cần phải có trung gian. Một trung gian nếu có thì ở đây không ai khác hơn là Nga vì Nga có liên hệ ngọai giao tốt với Việt Nam lẫn Trung Quốc. Một trung gian khác cũng có thể là Mỹ theo như đề nghị của Phụ Tá Ngọai Trưởng Daniel Russel: Việt Nam rút tàu và Trung Quốc rút giàn khoan. Hiện nay Việt Nam chủ trương Trung Quốc rút giàn khoan trước, đàm phán sau và không chấp nhận điều kiện tiên quyết. Những điều kiện tiên quyết của Trung Quốc có thể là:

-Tôi rút giàn khoan đi, anh hứa không được hợp tác với Nhật và Mỹ để kiềm chế tôi.

-Tôi rút giàn khoan đi anh hứa không kiện tôi ra Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển.

-Tôi rút giàn khoan đi anh phải công nhận chủ quyền của tôi tại Trường Sa và Hoàng Sa.

-Tôi rút giàn khoan đi anh hứa không hợp tác với ASEAN hoặc Phi Luật Tân để phá đám tôi.

Tất cả những điều kiện tiên quyết hoặc “hứa” nói ở trên đều là giây thòng lọng thắt cổ. Điều kiện tiên quyết hay nhất mà Việt Nam có thể đặt ra cho Trung Quốc là: Anh phải tuyên bố hủy bỏ Đường Lưỡi Bò và công nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai Quần Đào Hoàng Sa & Trường Sa. Tất cả mấu chốt ở chỗ đó và chỉ bấy nhiêu thôi. Nguyên do: Chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc thì bất khả tương nhượng.

Tình hình Biển Đông diễn biến vô cùng phức tạp, quả bóng đang nằm trong chân Trung Quốc. Nếu Trung Quốc chủ trương hòa dịu, Đông Nam Á tạm yên ổn, nhưng phải tiếp tục chạy đua vũ trang để ngăn ngừa thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nếu Trung Quốc cứ lấn tới, Mỹ có thể bất động nhưng Nhật Bản chắc chắn không chịu ngồi yên và xung đột vũ trang có thể xảy ra. Hiện nay ngọai trưởng Indonesia đang đề nghị một hội nghị bao gồm ngọai trưởng các nước Đông Nam Á bàn về căng thẳng mỗi lúc gia tăng ở Biển Đông. Nếu một hội nghị như vậy hình thành, chắc chắn sẽ tạo áp lực rất lớn lên Bắc Kinh. Chúng ta chờ xem Bắc Kinh đi những bước gì trong những ngày sắp tới.

Thủ Tướng Narendra Modi của Indonesia, đứng giữa, đang thị sát tàu sân bay INS Vikramaditya ở ngoài khơi bờ biển Tiểu Bang Goa, Indonesia - thứ bảy, June 14, 2014

Hiện nay Trung Quốc đang rất e ngại Ô. Modi vừa tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Ấn Độ vì lập trường cứng rắn với Trung Quốc, nên đã vội vã cử bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị tới New Delhi để ve vãn.

Nếu Ấn Độ tiếp tục tăng cường binh sĩ tại vùng biên giới Hy Mã Lạp Sơn, tiếp tục hợp tác quốc phòng và thăm dò dầu khí với Việt Nam, cộng thêm với sự can dự mạnh mẽ của Nhật Bản thì Trung Quốc không thể tự tung tự tác ở Biển Đông. Ngày 14/6/2014 vừa qua Ô. Modi đã tới thị sát (**) tàu sân bay lớn nhất của Ấn Độ INS Vikramaditya ở ngoài khơi bờ biển Tiểu Bang Goa cho thấy ông này là dân “diều hâu” giống như Thủ Tướng Abe của Nhật Bản chứ chẳng phải chơi.

Đào Văn Bình

(California ngày 15/6/2014)

(*) Câu này có từ thời Xuân Thu Chiến Quốc: Mình là nước nhỏ, gần một đại cường nếu nó đánh mình, dù có liên minh với một đại cường khác ở xa thì cũng chẳng cứu được vì “Nhà mình ở Thái Lan đang cháy nhưng xe cứu hỏa ở mãi tận bên Mỹ thì làm sao dập tắt được lửa đây?”

(**) Là lãnh đạo của một đất nước mà đi thị sát một tàu ngầm, hàng không mẫu hạm, xưởng đóng tầu chiến v.v... giống như Ô. Abe ngồi trên chiếc xe tăng tối tân của Nhật Bản rồi chụp hình cho cả thế giới biết…là dấu hiệu đất nước chuẩn bị đối đầu với một cường địch chứ chẳng phải chơi.

____________________

Các bài về Hoàng Sa- Trường Sa đăng trên sachhiem.net »