NHÂN SINH TRONG TIẾNG ĐẠI NGÀN

Trần Vân Hạc

27 tháng 11, 2009

Đấy là cảm nhận của nhiều người khi được thả hồn trong sự hài hòa, cộng sinh đến tuyệt vời âm thanh của hệ thống nhạc cụ của người Thái Tây Bắc. Nhạc cụ của người Thái Tây Bắc gồm bộ gõ, bộ dây và bộ hơi: Trống, chiêng, chũm chọe, quả nhạc, các loại pí, khèn bè, đàn tính. Trong đó tiêu biểu nhất là bộ gõ và bộ hơi. Mỗi khi những âm thanh của những nhạc cụ này vút lên, người nghe như cảm nhận được sự sâu xa, tinh tế và huyền diệu của đất trời cùng tình người đằm lắng.

Nhạc cụ gõ của người Thái Tây Bắc gồm trống, chiêng, chũm chọe và quả nhạc. Bộ gõ này có vai trò rất quan trọng trong đời sống nghệ thuật và tâm linh. Bộ gõ là vật linh thiêng của mỗi bản, mường, không bao giờ được để mất, không để kẻ thù chiếm đoạt, không được đổi chác mua bán

Việc chế tác bộ gõ được tiến hành với những bước rất nghiêm ngặt: Cúng tế xin phép thần linh, cầu mong thần linh cho phép, chứng giám và phù hộ rồi tiến hành ở nơi kín đáo, sạch sẽ. Khi chế tác xong phải cử hành lễ tế trang trọng và cất giữ ở nhà sàn hoặc gian thờ tổ tiên của trưởng bản hoặc người có chức sắc và chỉ được dùng trong dịp tết hoặc lễ cúng xên bản, xên mường... Người Thái cho rằng nếu dùng trống chiêng tùy tiện sẽ có hại cho bản mường.

Trống có hai loại "cống" và "cong". Thông thường "cống" hay được dùng trong hội xuân, lễ cúng bản mường; còn "cong" dùng khi chủ mường qua đời hoặc khi có giặc, báo động…Tang trống dùng cây gỗ tròn được đục bỏ lõi, thường là gỗ xâng hoặc mít. Tang dài 0,8 - 1 m, mặt có đường kính từ 30cm đến 50 cm, bịt bằng da trâu bò, âm thành trầm và gần.

"Cong" là loại trống dài từ 1,5m đến 3 m, mặt bịt da bò, có đường kính từ 50cm đến 70cm, âm thanh trong hơn, vọng rất xa. Khi chế tác tang trống, để có âm thanh như ý, các nghệ nhân cạo nhẵn bên trong và mặt ngoài chứ không dùng sơn.

Chiêng và chũm chọe được chế tác công phu, đặc biệt là rốn chiêng. Để có âm thanh mong muốn, xưa các nghệ nhân pha thêm vào đồng một tỷ lệ vàng, bạc theo công thức bí truyền và dùng búa nhỏ tạo một hệ thống điểm nhấn lõm trên bề mặt chiêng một cách khoa học.

Chiêng có âm thanh trầm được gọi "tô me", tức là con mái, chiếc có âm thanh cao gọi là "tô po", tức là con trống, chiếc có âm thanh ở khoảng giữa gọi là "tô lụ" tức là con con.

Chũm chọe gọi là "xánh", chùm nhạc là "mắc hính".

Chiêng có thể dùng riêng, hoặc phối hợp cả ba loại tạo ra một hợp âm độc đáo mà các nhà nghiên cứu cho rằng đậm đà ý nghĩa nhân sinh, mang một khát vọng phát triển và trường tồn của dân tộc.

Thường là đàn ông đánh trống, đàn bà đánh chiêng, trẻ em dùng chũm chọe, con gái trẻ dùng quả nhạc tạo ra những âm thanh sôi động, lôi cuốn lòng người. Nghe những âm thanh tinh tế bộ gõ của người Thái, người ta như cảm nhận được sự giao hòa của đất trời, tình người cùng vạn vật, ngân rung bay bổng khát vọng một cuộc sống sinh sôi, phát triển, ấm no, hạnh phúc, làm cho tâm hồn người trong sáng hơn, thêm tin yêu vào cuộc sống, hướng mỗi người đến giá trị đích thực của Chân - Thiện - Mỹ.

Nghe tiếng trống, chiêng, người ta có thể biết ở bản Thái ấy đang có việc vui hay buồn: Nghe tiếng trống nhịp 2/4 theo kiểu 3 tiếng cùng với 7 tiếng, tiếng chuông gõ trên con mái và con trống rơi vào nhịp mạnh, tiếng của con con rơi vào nhịp nhẹ của trống, thì chắc chắn rằng ở đó có hội xòe. Còn khi nghe tiếng "cong" dồn dập 3 tiếng hoặc 5 tiếng là có việc khẩn cấp như: Cháy nhà, có lũ bão, có giặc… Các quả nhạc cùng phụ trợ cho lời hát và các điệu xòe làm tăng sự vui tươi, sôi động, rộn ràng bay bướm.

Bộ gõ nói chung và chiêng trống nói riêng là những nhạc cụ không thể thiếu của người Thái Tây Bắc, góp phần làm cho đời sống nghệ thuật thêm phong phú, đồng thời còn chứa đựng những ý nghĩa tâm linh và nhân sinh cao cả, gửi gắm vào đó cả tình yêu, tinh thần lạc quan tin tưởng vào cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Bộ hơi gồm các loại pí (sáo) và khèn bè, riêng pí có tới 7 loại: Pí pặp, pí lè, pí sên, pí ló, pí thiu, pí tót, pí rạ. Đây là những loại sáo dọc, dùng lưỡi gà bằng đồng hoặc tre, nứa… Trong đó đứng đầu là pí pặp - nhạc cụ của tình yêu. Song nói tới bộ hơi phải nói tới khèn bè, bởi đây là nhạc cụ chủ đạo trong bộ hơi của người Thái Tây Bắc và là biểu tượng độc đáo của nền âm nhạc Thái.

Với 14 ống nứa tép (mạy pao) được ghép lại thành từng đôi trên một bầu cộng hưởng bằng gỗ thừng mực (mạy mụk), nghệ nhân dùi 12 lỗ bấm đối xứng và khoét các lỗ thoát hơi trên các ống nứa với các kích cỡ khác nhau ở các vị trí thích hợp. Một trong các kỹ thuật khó nhất là sử lý các lam đồng, từ độ dầy, độ dài tới độ bóng bề mặt. Với năm cung và một quãng tám, khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các điệu dân ca, nhạc hiện đại và làm nền cho các điệu dân vũ và múa hiện đại. Bởi vậy khèn bè luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống nghệ thuật của người Thái và cả trong các tiết mục sân khấu.

Điều thú vị là ở khèn bè Thái có những âm thanh sóng đôi như: Lả - lá, hai nốt rế, hai nốt son, đồ - đố, phà - phá… mà các nghệ nhân gọi là “pò mè” - tức là bố mẹ. Bởi vậy mỗi khi tiếng khèn bè cất lên nghe da diết sâu lắng như lời tâm tình yêu đương cháy bỏng của những đôi trai gái. Dù đó là điệu “Báo xao” - trai gái; “Sài peng” - tình tự; “Lòng tông” - qua cánh đồng; “Han nê” - ở đây, tại đây, ngụ ý tự hào - điệu khắp chỉ có ở Mường Lò, trong hội xuân chơi hang Thẩm Lé… hay đệm cho các điệu xoè. Triết lý âm dương, sự sinh sôi phát triển của cuộc sống được thể hiện vô cùng tinh tế… Bởi vậy khèn bè khi kết hợp với bộ gõ, các loại pí… đem lại một hiệu quả vô cùng to lớn, những âm thanh như tiếng của đại ngàn, của đất trời và tình người huyền diệu, trải bao năm tháng, sống mãi với thời gian.

Có thể nói hệ thống nhạc cụ của người Thái Tây Bắc là tinh hoa văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, được chắt lọc từ thực tế cuộc sống, không chỉ đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc dân tộc, mà còn gửi gắm vào đó nhận thức về vũ trụ, nguyên lý âm dương, khát vọng sống ấm no, hạnh phúc tự bao đời.

 

Trần Vân Hạc


Cùng một tác giả:


Chè “Hai không”, “năm cực” Suối Giàng (Trần Vân Hạc)
Chữ Viết Khoa Đẩu Duy Nhất Trên Đá Cổ Sa Pa (Trần Vân Hạc)
Công Trình Chữ Việt Cổ Của Giáo Sư Lê Trọng Khánh (Trần Vân Hạc)
Gửi Người Tạc Tượng Alexandre De Rhodes (Vân Hạc)
Huyền Thoại Tắm Tiên Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hình Tượng Cây Nêu Với Một Số Dân Tộc Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hương Sắc Rừng Xuân Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Hội thảo: Kinh thành Thăng Long - Thủ đô Hà Nội (Văn Hạc)
Không gian cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – Một hướng tiếp cận mới (Trần Vân Hạc)
Kính gửi Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ TPHCM (Trần Vân Hạc & Nguyễn Lê)
Lê Văn Tám: Lửa Bất Diệt (Trần Vân Hạc)
Mùa Xuân Tây Bắc Trong Tôi (Trần Vân Hạc)
Một ngôi chùa cổ rất cần những tấm lòng (Trần Vân Hạc)
Một văn bản chữ cổ của người Pà Thẻn (Trần Vân Hạc)
Nghĩa Trang Mang Tên Một Dòng Sông (Trần Vân Hạc)
Nguyễn Trãi, hợp tuyển thơ của soạn giả Gia Dũng (Vân Hạc)
Người Giữ Hương Chè Shan Tuyết Suối Giàng (Vân Hạc)
Người Lắng Thầm Tìm Con Chữ Việt Cổ (Trần Vân Hạc)
Người phụ nữ Thái hết lòng vì văn hóa dân tộc (Trần Vân Hạc)
Ngọn lửa Lệ Chi Viên (Trần Vân Hạc)
Nhà Sàn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Nhân Sinh Trong Tiếng Đại Ngàn (Trần Vân Hạc)
Những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Nét Đẹp Tục Chơi Còn Của Người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Núi Rừng Tây Bắc Đón Xuân: Inh Lả Ơi, Xao Nọong Ơi! (Vân Hạc)
Thông báo xuất bản sách chữ Việt cổ (Trần Vân Hạc)
Tinh thần yêu nước trong thơ Nguyễn Khắc Nhu (Trần Vân Hạc)
Triết lý nhân sinh qua các món ăn của người Thái Tây Bắc (Trần Vân Hạc)
Trái Tim Của Biển (Trần Vân Hạc)
Trống đồng vang vọng giữa Trường Sa (Trần Vân Hạc)
Tây Bắc trong thơ Nguyễn Quang Bích (Trần Vân Hạc)
Tính hòa đồng của những ngôi chùa cổ Việt Nam (Trần Thi)
Tấm lòng vàng của một nhà khoa học chân chính (Trần Vân Hạc)
Tập Thơ Đường "Thuận Nghịch Độc" Của Tiến Sỹ Đặng Văn Phú (Trần Vân Hạc)
Vui buồn trên đường dâng sách (Trần Vân Hạc)
Vài nét về rừng thiêng của dân tộc Thái (Trần Vân Hạc)
Vài nét về tiến trình của chữ Quốc ngữ (Trần Vân Hạc)
Vàng Son Huyết Lệ (Trần Vân Hạc)
Yếu tố Việt cổ trong ngôn ngữ Thái (Trần Vân Hạc)
Đài Giọt Lệ (Hoàng Đạo Chúc)
Đầu xuân gặp nhà văn Sơn Tùng (Trần Vân Hạc)

Trang Văn Học Xã Hội