Việt Nam Quốc Sử Hùng Ca

Cầu Móng NTTTLA

Link http://sachhiem.net/VANHOC/CauMong_02c.php

14-Feb-2018

- Phần IV -

Cuộc Nam tiến mở rộng bờ cõi

(136 câu)

(ái phi Yến Loan, xuất thân là cô gái hái dâu, giúp hậu phương vững vàng, khiến Vua Lý Thánh Tông phải hổ thẹn, quyết trở lại tiền tuyến đánh tan bằng được quân Chiêm Thành)

160- Ngăn giặc Bắc khí hùng son sắt
Giữ biên thùy vững chắc non lam
Mang gươm mở cõi trời Nam
Lào, Chiêm, Chân Lạp nguyện làm thuộc phiên

161- Sông Hồng Hà non thiêng nguồn cội
Trấn Bắc biên mũ đội đầu Rồng
Sông Mã thủ thế thành đồng
Sông Cả hòa nước biển Đông dặm trường

162-Rồng Lạc Việt mở đường Nam tiến
Cỡi gió mây sông  biển trời Đông
Tiên Rồng xây tổ Lạc Hồng
Trường Sơn lưng dựa, tắm dòng Cửu Long

163-Giặc Chiêm Thành cuồng ngông cướp biển
Lý Thánh Tông vượt tuyến xuất chinh
Bắt vua Chiêm quốc về kinh
Chế Củ cắt đất điều đình ba châu

164-Đất Ma Linh đồng sâu Quảng Trị
Châu Bố Chính, Địa Lý: Quảng Bình
Thường Kiệt tái xuất điều binh
Gồm thâu đất mới khai kinh dinh điền

165- Trần Anh Tông sang Chiêm du thủy
Gả Huyền Trân, Ô, Lý lấy về
Thừa Thiên quà cưới phu thê
Chế Mân dâng đất rộng bề thông gia

166-Hồ Quý Ly can qua đất Quảng
Ba Đích Lại hốt hoảng lui binh
Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa bốn dinh
Vua Chiêm cắt đất cầu xin giảng hòa

167-Lê Thánh Tông chia ba Chiêm quốc
Lấy Bình Định cấm mốc Thạch Bi
Nước Chiêm chia cắt phân ly
Đồ Bàn sụp đổ, suy vi tộc Chàm

168-Chúa Nguyễn Hoàng phương Nam mở cõi
Mở dinh điền sớm tối khai hoang
Khai sơn phá thạch rừng ngàn
Phú Yên chiếm lấy ruộng vàng sông Ba

169- Đất Khánh Hòa, Tháp Bà, Xóm Bóng
Chúa Phúc Tần chiếm đóng lập dinh
Nha Trang cát trắng lung linh
Biển khơi, sông núi kết tình thuyền quyên

170-Ngăn chúa Trịnh giữ yên mặt Bắc
Tiến về Nam dẫn dắt dân lành
Phong quan quân tướng Chiêm Thành
Phan Rang, Phan Thiết non xanh suối ngàn

171-Vua Chân Lạp mâm vàng tơ lụa
Cùng Ngọc Vạn công chúa xe duyên
Đồng Nai, Bà Rịa xuôi miền
Dân Nam khai phá dinh điền ruộng nương

172-Nội tình Miên triều cương đen tối
Dòng hoàng tộc gây rối tương tranh
Kết vây Xiêm quốc thân cành
Soán ngôi bạo loạn phá thành Nam Vang

173-Quân chúa Nguyễn tràn sang giúp sức
Cứu Miên hoàng vững chức triều ngai
Giặc Xiêm, giặc nước chạy dài
Quân Nam binh mạnh tướng tài biểu dương

174-Vùng đất mới Nam phương rộng mở
Mang hùng binh hỗ trợ vua Miên
Miên hoàng cắt đất ngoại biên
Đền công trả sức trận tiền binh đao

175-Đất Sài Gòn dâng trao chúa Nguyễn
Rừng Tây Ninh tự nguyện đền ơn
Vượt qua khỏi dải Trường Sơn
Đồng bằng Nam bộ sóng vờn Cửu Long

176- Đất Đồng Tháp mênh mông ruộng nước
Đồng Mỹ Tho xuôi ngược gió nồm
Kiến Hòa sông nước Giồng Trôm
An Giang, Châu Đốc cá tôm ngập đồng

177- Sông Tiền Giang xuôi dòng ra biển
Mang phù sa sáu miệng phun trào
Hậu Giang ba cửa ra vào
Bạc Liêu ruộng muối, Gành Hào, Sóc Trăng

178-Tướng Mạc Cửu vinh thăng Tổng Đốc
Làm tôi thần Nam quốc trấn biên
Đất dâng chúa Nguyễn: Hà Tiên
Thổ Châu, Phú Quốc trọn miền Cà Mau

179- Lào, Miên quốc sân sau nước Việt
Trấn mặt Tây chẳng thiết Xiêm La
Quân Xiêm gây hấn can qua
Nhờ quân nhà Nguyễn nước nhà vững yên

180-Cuộc Nam tiến Rồng thiêng cỡi gió
Mũi Cà Mau cuối ngõ biển Đông
Phù sa nước quyện đuôi Rồng
Đông Tây hai mặt mênh mông biển nhà

181-Dẹp Trịnh-Nguyễn sơn hà thống nhất
Đuổi giặc Thanh giữ đất Bắc phương
Giặc Xiêm quấy phá biên cương
Quang Trung Nguyễn Huệ xuôi đường vào Nam

182-Quân Xiêm quốc gian tham gây rối
Giành nước Miên sớm tối xua binh
Thủy quân Băng-Cốc (Bangkok) xuất chinh
Hà Tiên đánh phá, rập rình Cửu Long

183-Vua Quang Trung binh Rồng thủy bộ
Tiến vào Nam tao ngộ chiến trường
Phá quân Xiêm quốc nhiễu nhương
Giữ yên bờ cõi biểu dương binh trời

184-Tướng Chiêu Tăng ra khơi vượt biển
Ngược sông Tiền trực chiến Định Tường
Hai trăm thuyền chiến phô trương
Quân Xiêm hống hách mở đường tiến công

185-Vua khiển tướng hợp đồng dụ địch
Dàn trận đồ phục kích ao đầm
Ngụy trang binh mã âm thầm
Đợi quân Xiêm đến, đúng tầm lưới giăng

186- Hai vạn quân hung hăng đổ bộ
Lọt trận đồ mãnh hổ binh Rồng
Toàn quân thủy bộ tiêu vong
Rạch Gầm, Soài Mút chiến công lẫy lừng

187-Rồng Việt Nam tưng bừng khí thế
Miên, Lào, Xiêm kính nể lược thao
Binh hùng,tướng mạnh, anh hào
Rồng thiêng diệu võ xôn xao sóng gào

188-Hình chữ S chiến hào sông Cửu
Đất Lào, Miên trấn thủ mặt Tây
Trường Sơn núi thẫm rừng dầy
Biển Đông ngư thủy kết vây Rồng vàng

189-Vua Minh Mạng an bang Lào quốc(6)
Cánh đồng Chum bao bọc Trấn Ninh
Cam Môn, Cam Cát thủ dinh
Trấn Biên, Trấn Định giữ gìn mặt Tây

190-Quân Xiêm quốc quấy rầy phá phách
Đánh Miên,Lào hống hách nhiễu nhương
Lo xa trấn thủ biên cương
Minh Mạng dốc sức biểu dương quân tình

191-Lấy Cao Miên thủy binh vượt sóng (7)
Trương Minh Giảng chiếm đóng Nam Vang
Trấn Tây Thành, giữ trị an
Chận đường Xiêm quốc tràn sang tranh tài

192-Đội Hoàng Sa nối dài biển ải
Đạo binh thuyền chẳng ngại phong ba
Phương Nam một dải Trường Sa
Thềm vàng, biển bạc vươn xa ngàn trùng

193-Núi Trường Sơn trùng phùng Đông Hải
Bắc, Trung, Nam một dải thân Rồng
Sông Hồng hòa nước Cửu Long
Giang sơn gấm vóc Lạc Hồng Rồng Tiên
.

(đón đọc Phần V)

Chú thích:

(6) Vua Minh Mạng an bang Lào quốc - Cánh đồng Chum bao bọc Trấn Ninh- Cam Môn, Cam Cát thủ dinh - Trấn Biên, Trấn Định giữ gìn mặt Tây

Thời vua Minh Mạng, quân Xiêm thường đem quân xâm lược các bộ tộc Lào. Vua Minh Mạng cho quân sang hổ trợ người Lào chống lại quân Xiêm. Nhiều bộ tộc Lào xin nội thuộc nước ta. Chẳng hạn như ở cánh đồng Chum, tù trưởng Trấn Ninh là Chiêu Nội xin dâng đất nội thuộc nhà Nguyễn. Hàng loạt các vùng khác cũng xin nội thuộc để được bảo vệ như Tam Động, Lạc Phàn,Xa Hổ, Sầm Tộ,Mường Soạn, Mường Lam,Xiêng Khô, Sầm Nứa, Cam Môn, Cam Cát, Cam Linh...Một loạt vùng đất biên giới phía Tây từ Sầm Nứa đến Savanakhét của nước Lào hiện tại đều thuộc lãnh thổ Việt Nam. Sau này giặc Pháp xâm lược Việt Nam, họ tự chia cắt, sắp đặt lại biên giới theo ý họ, sát nhập lại  những vùng đất trên vào đất Lào ! Những bộ tộc này cũng không phải là người Lào, là những bộ tộc thiểu số trên đất Lào giống như người Ra Đê, Ba-Na, người Thái, hay Mèo...ở vùng cao trên lãnh thổ Việt Nam.

Sự việc giặc Pháp xâm lược Việt Nam, làm cho nước ta bị mất một số lãnh thổ quan trọng phía Tây. Chúng ta cũng suýt mất cả vùng Tây Nguyên và Tây Bắc khi giặc Pháp tách những vùng ra này khỏi lãnh thổ Việt Nam, cấm người kinh xâm nhập, thành lập liên bang Thái và  xứ Thượng Nam Đông Dương tự trị.

(7) Lấy Cao Miên thủy binh vượt sóng - Trương Minh Giảng chiếm đóng Nam Vang- Trấn Tây thành phủ trị an- Chận đường Xiêm quốc tràn sang tranh tài

Quân Xiêm đánh phá Chân lạp, vua Minh Mạng sai Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương sang đánh bại quân Xiêm rồi lập đồn An Nam gần Nam Vang bảo hộ Chân Lạp. Cuối năm 1834, vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân mất, không có con trai, quyền cai trị trong nước về tay Trà Long và La Kiên là người Chân Lạp nhưng lại là quan chức Việt Nam. Năm 1835, Trương Minh Giảng xin lập người con gái Nặc Ông Chân là Angmey làm quận chúa, rồi đổi nước Chân Lạp thành trấn Tây Thành, chia nước Miên thành 32 phủ và 2 huyện, đặt quan lại cai trị đặt quân phòng ngự những điểm yếu. Năm 1840 vua sai Lê Văn Đức và Doãn Uẩn cùng với Trương Minh Giảng kinh lý mọi việc ở trấn Tây Thành. Thế là nước Chân Lạp bị mất là trấn Tây Thành của Việt Nam. Nhưng quan lại Việt Nam làm nhiều điều trái lẽ, nhũng nhiệu dân sự. Bắt công chúa Angmey đem về Gia Định, bắt Lê Kiên, Trà Long đày ra Bắc Kỳ, khiến người Miên nổi dậy có quân Xiêm giúp sức, quan quân người Việt đánh dẹp mải không được. Sau khi vua Minh Mạng băng hà, vua Thiệu Trị lên ngôi ra lệnh rút hết quân về...

 

Nguồn hình ảnh:

- https://mb.dkn.tv/van-hoa/cau-chuyen-lich-su/nguoi-phu-nu-nao-khien-vua-ly-thanh-tong-phai-ho-then-quyet-danh-tan-bang-duoc-quan-chiem-thanh.html

- https://www.baohomnay.com/Van-hoa/Vua-Quang-Trung-va-tran-thuy-chien-lung-lay-tieu-diet-300-chien-thuyen-quan-Xiem-xam-luoc-679280.html

Trang Văn Học