THẬP GIÁ VÀ LƯỠI GƯƠM

Linh Mục Trần Tam Tỉnh

bản điện tử của sachhiem.net (KT đánh máy)

¿ trở ra mục lục bản in

08 tháng 1, 2010

Chương II

BINH THÁNH GIÁ, NẠN NHÂN CỦA ĐẠO QUÂN THÁNH GIÁ

(tiếp theo)

5 ─ CUỘC THÁNH CHIẾN

DeLattre_DeTassignyDưới sức ép của Đơ Lát và của đức cha Đulay (Dooley) người Ái Nhĩ Lan được chỉ định làm Khâm mạng năm 1950, các giám mục Việt Nam họp tại Hà Nội đã đưa ra những lời tuyên bố sấm sét trong Thư chung mục vụ ngày 9 tháng 11 năm 1951 như sau: «Chúng tôi thấy mình có bổn phận nhắc nhở anh chị em đề cao cảnh giác chống lại nguy cơ hết sức to lớn của chủ nghĩa cộng sản vô thần là một mối đe dọa lớn lao nhất hiện nay. Chẳng những cấm anh chị em không được vào Đảng cộng sản, mà anh chị em cũng không được hợp tác với họ, hay là làm bất cứ việc gì có thể góp phần cách nào cho Đảng Cộng sản lên năm chính quyền. Mối nguy hiểm nghiêm trọng và các hậu quả của nó kinh khủng đến nổi chúng ta cảm thấy có bổn phận nhắc nhở anh chị em đề phòng cả đối với những kiểu lươn lẹo và mưu chước người cộng sản dùng để đánh lừa dân chúng, những mưu chước chỉ phục vụ cho các mục tiêu của người cộng sản mà thôi».

Bản kết án đó mang 12 chữ ký, trong đó có 5 chữ ký Việt Nam, tỏ rõ cho dân chúng thấy Giáo hội chính thức của Việt Nam đứng về phía nào. Nó hoàn tất sự cắt đứt quan hệ (trừ những người Công giáo yêu nước, chỉ với danh nghĩa yêu nước mà bị vạ tuyệt thông và bị giáo hội ruồng bỏ) giữa Công giáo và Kháng chiến. Nó xô đẩy người Công giáo coi mình là quân binh của lực lượng Thực dân bởi vì từ nay, việc họ sung vào hàng ngũ quân đội Pháp được giáo quyền thánh chiến rồi.

Từ năm 1950, nhiều làng Công giáo vùng đồng bằng được vũ trang, nhận súng của Pháp, dưới quyền chỉ huy của giám mục Lê Hữu Từ, còn Bùi Chu thì do giám mục Phạm Ngọc Chi điều khiển. Vai trò của đội quân tự vệ vượt xa tư cách gọi là chỉ để tự vệ khi bị cộng sản tấn công, bởi vì nó được tung ra các hoạt động chủ yếu là hành quân càn quét, có khi bao trùm cả vùng, có lúc chỉ ở địa phương nhỏ. Chẳng hạn trong trận Ký Con ở Nam Định, một bộ tham mưu liên quân gồm có trung tá Căngđu (Canduo) ở Nam Định, trung đoàn trưởng Mô-la (Mollat) đồn Phát Diệm và linh mục Hoàng Quỳnh, tổng tư lệnh đội quân Công giáo, đã thành công loại khỏi vòng chiến cả tiểu đoàn Việt minh ở đây. Lính công giáo cũng có lúc tham dự các cuộc hành quân gồm nhiều tiểu đoàn của Pháp.

Nhưng ở cấp địa phương, quân lính Công giáo mới là đội quân hung hăng nhất. Nhằm lo cho các xứ đạo được bảo vệ hữu hiệu hơn, bọn chúng tổ chức ruồng bố liên tục các làng Lương chung quanh, bắt giam hoặc giết chết, khỏi cần tòa án, tất cả chiến sĩ du kích và những ai bị tình nghi là Việt minh. Theo gương lính Pháp, chúng cướp bóc các làng, lấy trộm, tàn sát, thiêu rụi tất cả những gì bị coi là ổ kháng chiến. Nực cười hết cỡ, có những linh mục - đại úy nghĩ rằng thời điểm đem cả nước theo Kitô đã tới: họ ra lệnh cho lính đi cướp phá các chùa Phật giáo, mang hết các tượng Phật về làm cũi chụm, rồi cắm thánh giá lên chùa hay là đặt tượng Đức Mẹ vào trong đó. Thật phải rùng mình, khi nhắc lại tên tuổi của một số linh mục như Khâm, Tôn, Luật...

Các bản tin về những vụ cộng sản tàn sát Công giáo, do báo chí Pháp hoặc hãng thông tấn Fides đưa ra, phải được đặt vào trong bối cảnh lịch sử nói trên. Chẳng hạn, Beena Phan, trích dẫn tờ nhật báo tiếng Pháp Viễn Đông xuất bản tại Sài Gòn, đã viết: «Người ta kể lại rằng tại Cao Mai, 180 người Công giáo, gồm nam nữ và trẻ con bị thiêu sống trong nhà thờ làng, theo sau vụ một đồn lính Pháp bên cạnh đó không chịu đầu hàng».

Sự thật lịch sử hoàn toàn khác thế, Cao Mai là một làng thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, ở 5km cách sông Hồng, nơi chia đôi Thái Bình với Nam Định, và cũng là ranh giới giữa hai địa phận Thái Bình và Bùi Chu. Cao Mai có hai thôn, một Công giáo và một thôn Phật giáo. Đang mùa xuân 1960, giáo dân Bùi Chu lúc đó đã được vũ trang, còn tại Thái Bình thì quân Pháp chỉ đóng ở thành phố và những vùng lân cận. Một hôm cha Luật, chính xứ Cao Mai, tiếp một cha bạn người Bùi Chu sang thăm, có mấy tiểu đội mang vũ khí tháp tùng. Bọn lính này đi lùng sục các làng chung quanh, bắt các du kích quân và cán bộ Việt minh bất ngờ gặp được và giết chết mấy người. Được báo động, du kích toàn vùng đó kéo về hướng Cao Mai. Bọn lính Công giáo vừa đánh vừa rút, có chừng 50 thanh niên Cao Mai và các linh mục tham gia. Khi thấy quân du kích kéo tới, giáo dân Cao Mai hoảng sợ, chạy vào nhà thờ đóng cửa lại chờ cha xứ trờ về mang theo tiếp viện. Du kích tổ chức bao vây, đòi phải thả các đồng chí bị bắt ra. Đám người bị bao vây cứ cầm cự. Khi đêm về, nhà thờ bốc chấy. Nhiều người bị nhốt trong đó chết thiêu. Người ta không rõ vụ hỏa hoạn đó là do nhóm bao vây gây ra, hay chỉ là một chuyện rủi ro. Sau đó, cha Luật và quân lính ông trờ về, ông chỉ còn biết khóc trước đống tro tàn của nhà thờ và cái tang của dân chúng. Ông quyết định trả thù cho giáo dân. Cuộc báo thù hết sức kinh khủng. Các du kích quân bị lính cha bắt đều bị chôn sống trước nhà thờ. Từ đó, Cao Mai trở nên một nơi kinh khủng cho cả vùng.

Cao Mai là một trường hợp điển hình trong thảm kịch Việt Nam hồi đó. Máu đổi máu, những cuộc thanh toán tiếp theo những vụ trả thù. Vì không biết nghệ thuật quân sự và chiến lược của Kháng chiến - do chính phủ Hồ Chí Minh vạch ra từ 1940 - quá tự tin vào những thắng lợi lúc đầu, người Công giáo cứ đi bổ ráp tại các làng không công giáo, vốn thường đâu có chống cự lại họ.

Vào thời gian này, kháng chiến chỉ ở bước đầu của «chiến lược phòng thủ» thôi. Quân đội chính qui rút vào núi, sau khi áp dụng chiến thuật «tiêu thổ» tại các thành thị. Từ 1947, các ngôi nhà lớn đều bị triệt hạ, trừ những kiến trúc thuộc về Giáo hội, nghĩa là các chủng viện, trường Công giáo, tòa giám mục, nhà thờ. Sự tôn trọng của cải Giáo hội như thế tỏ cho thấy rõ chính phủ Hồ Chí Minh đã thận trọng chừng nào, để tránh đụng chạm đến tình cảm tôn giáo của người Công giáo, kể cà trường hợp họ biết trước rằng các kiến trúc đó rồi đây sẽ bị quân Pháp sử dụng. Những biến cố xảy ra sau này, đã xác lập sự tiên đoán trên là đúng. Thật vậy, năm 1949 và 1950, phần lớn các tòa nhà Công giáo đã là nơi đặt bộ tham mưu của các toán quân viễn chinh.

Năm 1950, tất cả địa phận, từ Thanh Hóa và Vinh (không hề bị chiếm đóng) được quân Pháp «giải phóng». Nhằm chiến thắng cộng sản, người Công giáo miền Bắc tổ chức các cuộc rước hết sức to lớn, đem tượng Đức Mẹ Fatima rảo khắp nơi, tượng này đã do giám mục Gomez, Hải Phòng, làm phép tại Fatima rồi rước về. Tượng Đức Mẹ viếng thăm lần lượt Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình; Phát Diệm, Bùi Chu. Việc tăng cường sùng mộ Đức Mẹ Fatima một cách đột ngột như thế, mang tính chất nổi bật của cuộc thánh chiến. Theo các vị cổ vũ việc sùng kính này, thì Đức Mẹ Fatima đã hứa sẽ đập tan bọn Cộng sản Nga sô. Tiếng hô triệu tập dân Công giáo lúc đó là: Trái tim Mẹ sẽ thắng! Việc nhắm mắt tin vào chiến thắng của Đức Mẹ Fatima một cách mù quáng đã gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, như chúng ta sẽ thấy.

Sau sự thất bại của Đơ Lát đơ Tátxigny và cái chết của ông tướng này, lực lượng nhân dân chuyển sang gia đoạn hai của cuộc chiến, «chiến lược cân bằng lực lượng». Họ không còn để cho quân Pháp và lính Công giáo nắm quyền chủ động về hành quân nữa. Năm 1952, nhiều giáo xứ-đồn bót các địa phận Thái Bình và Hải Phòng bị chiếm, hoặc đầu hàng. Năm 1953, các vùng đất quân Pháp kiểm soát bị thu hẹp lại ở các thành phố và các xứ đạo nông thôn của địa phận Phát Diệm và Bùi Chu. Chính quyền Pháp gọi tình hình đó là «sự mục rã vùng Đồng Bằng»: hai phần ba đất đã về lại quyền kiểm soát của Cụ Hồ Chí Minh. Còn lại một phần ba kia, ngoại trừ các trung tâm thành thị và Bùi Chu, Phát Diệm, thì quân Pháp kiểm soát ban ngày, Việt minh làm chủ ban đêm.


Việt Nam chiến thắng ở
Điện Biên Phủ

Cuộc tổng phản công nổ ra với việc tiến đánh Điện Biên Phủ. Ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ trắng được kéo lên tại căn cứ nổi tiếng của quân lính Pháp. 15.000 quân tinh nhuệ của đoàn quân viễn chinh bị bắt làm tù binh. Hai tháng sau đó, nước Pháp buộc phải ký vào Hiệp định Giơnevơ. Bản Hiệp định ngày 21 tháng 7 năm 1954 gồm các khoản quân sự và chính trị.

Về mặt quân sự, quân đội Pháp sẽ tập trung xuống dưới vĩ tuyến 17, còn lực lượng Việt Nam thì tập trung trên vĩ tuyến ấy.

Về mặt chính trị, hiệp định công nhận nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất Việt Nam, vĩ tuyến 17 chỉ là một đường ranh quân sự tạm thời, chứ không phải một biên giới chính trị. Các cuộc tổng tuyển cử tự do, bỏ phiếu kín, phải được tổ chức vào tháng 7 năm 1956 là trể nhất, hầu lập lại thống nhất đất nước. Các hiệp ước trên cũng tiên liệu về quyền tự do cho người dân chọn lựa khu vực mình muốn cư ngụ.

6 ─ CUỘC XUẤT HÀNH

Sự vui mừng của nhân dân Việt Nam, tiếc thay lại là cái tang của bà con Công giáo vùng Đồng bằng sông Hồng. Bị các linh mục lôi kéo vào cuộc mạo hiểm nhục nhã và bi đát này, họ cảm thấy mình bị bỏ rơi do sự phản bội của quân Pháp. Hốt hoảng, lo âu, thất vọng, họ nguyền rủa những người mới đây là đồng minh của mình. J. Tuócnu (Tournoux) kể lại trong tập «Bí mật quốc gia» rằng một giám mục đã tới bộ Tổng tham mưu vùng mà viên sĩ quan chỉ huy quân viễn chinh như sau:

«Này ông, tôi đã tới văn phòng này năm 1952. Lúc đó ông chưa ở đây, mà một tay trung tá khác ngồi ghế chỉ huy của ông đó. Tôi đã nói với ông ta: Ông hãy hứa với tôi rằng các ông sẽ không bao giờ bỏ chúng tôi». Viên sĩ quan trả lời: «Thưa Đức cha, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ ra đi đâu. Nhưng nay, chính ông là đại diện cho đạo quân của Pháp. Ông đang tự hạ nhục mình đấy».

Hình như cũng chính giám mục ấy đã từng nói với Bảo Đại mấy tháng trước đó: «Trong tình hình hiện nay, chúng tôi cho rằng chỉ mình Ngài là có thể thành công. Vì thế, chúng tôi ủng hộ Ngài với tất cả sự xác tín. Nếu Ngài thất bại thì chúng tôi cũng thất bại thôi».

Vị giám mục này (Phạm Ngọc Chi) sau coi sóc địa phận Đà Nẵng.

Ngày 28 tháng 6 năm 1954, quân đội Pháp thực hiện cuộc hành quân quân sau cùng tại Việt Nam, là rút khỏi mạn Nam đồng bằng sông Hồng mà chẳng gặp vụ đụng độ nào. Phát Diệm và Bùi Chu trở thành mồi ngon cho quân đội nhân dân đang chiến thắng. Nhiều binh lính Bùi Chu quẳng khí giới và trốn theo giám mục Phạm Ngọc Chi cùng với các linh mục và một toán giáo dân khá đông của ông. Giám mục Phát Diệm Lê Hữu Từ thì nhảy lên chiếc canô cuối cùng của quân Pháp đang rời cảng, bỏ quân lính của ông tại chỗ. Một vài tên thấy giám mục mình hành động hèn nhát như thế bèn nổi giận đến nỗi lấy lựu đạn ném theo ông. Các linh mục - đại úy và quân lính các giáo xứ vội vã bỏ chạy, kéo theo gia đình của mình đi di cư.

Không nói về quyền tự do chọn nơi cư trú trong Hiệp định Giơnevơ là lối thoát sau cùng của các linh mục: họ tìm cách chạy trốn, đem theo đoàn chiên, người muốn kẻ không, cũng phải theo. Trong lúc hoảng hốt, họ tìm cách tránh né một mật lệnh của Vatican đưa ra năm 1952 phòng trường hợp chính phủ Hồ Chi Minh chiến thắng. Quả thế, rút kinh nghiệm từ Trung Quốc: các giáo sĩ đã rút chạy theo quân đội Tưởng Giới Thạch, bỏ lại mấy triệu giáo dân không có linh mục, Rôma đã chỉ thị rằng nếu cộng sản thắng thì tất cả những người có trách nhiệm phải ở lại với con chiên, chỉ các chủng viện và ban giám đốc được ra đi mà thôi. Bởi vậy, để biện hộ cho việc chạy trốn, các giám mục và linh mục tìm cách biện minh rằng, họ phải rời bỏ vị trí của họ để đi theo coi sóc con chiên đã trốn khỏi vùng cộng sản, hầu bảo vệ đức tin của mình. Trong cuộc di cư này nhiều chính phủ đã sẳn lòng hỗ trợ, mỗi nước theo cách của mình.

1) Trước Hết.

Quân Pháp không dễ gì nuốt trôi cái nhục bại trận. Qua Hiệp định Giơnevơ, nước Pháp không còn gì để bám tại Bắc Việt; còn tại miền Nam, mặc dầu có cái bộ mặt độc lập bề ngoài (Pháp ưng thuận cho từ năm 1949) , tất cả quyền thực tế vẫn nằm trong tay quân đội Pháp (do tướng Êly chỉ huy) và cái gọi là Quân đội Việt Nam (dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan người Việt dân Tây, như tướng Nguyễn Văn Hinh, hoặc các sĩ quan cũ của đạo quân thuộc địa). Sau khi đã ký Hiệp định Giơnevơ, thủ tường Menđ1ét Phơrăngxơ (Mades France) gửi một bức thư cho phủ thủ tướng Ngô Đình Diệm, đảm bảo với ông rằng nước Pháp sẽ không công nhận một chính quyền nào khác của Việt Nam. Đàng khác, các quyền lợi kinh tế của tư bản Pháp tại Việt Nam còn quá lớn lao, không thể bị hy sinh một hy vọng mong manh của một hiệp nghị kinh tế và thương mại với một chính phủ đã chiến đấu gần 10 năm nay để giành lại quyền độc lập hoàn toàn về chính trị, kinh tế và văn hóa.

Quân Pháp chẳng dấu diếm gì trò chơi của họ... J. Côngpanh (J. Compain), thống sứ Bắc Việt do Cao ủy Pháp tại Đông Dương cắt cử, đã tuyên bố công khai rằng: quân Pháp khi rút lui, sẽ làm cho Hà Nội hoàn toàn trống vắng vì chính việc di tản đi một triệu người. Tướng Cônhi (Cogny) đã ký những sự vụ lệnh, truyền cho tất cả công chức người Việt phải rời Hà Nội đi vào Sài Gòn. Phí tổn vận chuyển vào Nam sẽ do nước Pháp đài thọ hoàn toàn.

2) Để Bốc Dân Di Tản

Nước Pháp xin Hoa Kỳ cung cấp cho máy bay và tàu thủy của hạm đội 7. Người Mỹ, trung thành với chủ thuyết Măc-Actuya và thuyết Đôminô, đã không chịu và Hiệp định Giơnevơ, sau khi đã đặt lên một người cầm đầu chính phủ Sài Gòn theo ý mình là Ngô Đình Diệm, tín đồ công giáo, được Hồng y Xpenman (Spellman) Tổng giám mục Nữu Ước bảo trợ. Sau Hiệp định Giơnevơ, họ lập ra tổ chức Hiệp hội Đông nam Á (OTASE), một liên minh chống Cộng, gồm các cường quốc chính của phương Tây và một số nước chư hầu châu Á. Tại chỗ, quân của Mỹ do trung tá G. Lenden (Landsdale) chỉ huy, nhộn nhịp làm công tác chiến tranh tâm lý chống Bắc Việt Nam, nhất là xúi giục dân chúng bỏ xứ sở đi vào Nam.

Nhờ việc xuất bản «Tài liệu Lầu Năm góc», chúng ta biết được phần nào những mưu chước đó (The Pentagon Papers, tr. 58-64). Trước tiên là chiến dịch tung tin đồn: «chiến dịch thứ nhất nhằm khéo léo tung ra câu chuyện một tiểu đoàn Cộng sản Trung hoa tại Bắc Kỳ đã trả thù một làng Việt, phụ nữ bị hãm hiếm... điều đó làm cho người ta nhớ lại sách nhiễu của quân lính Tưởng Giới Thạch năm 1945 và như vậy làm cho người Việt càng lo sợ về một cuộc chiếm đóng của quân Tàu dưới chế độ Việt minh (...). Mấy tuần sau, người ta thuật lại với nhau câu chuyện giật gân về những điều tàn ác mà các sư đoàn lính Trung Hoa làm tại vùng đất Việt minh. Sau một cuộc điều tra, người ta mới biết rằng đó chỉ là chiến dịch tung tin đã cũ, được tô lại cho ra vẻ Việt Nam thôi.

Chiến tranh tâm lý tìm cách hạ giá uy tín chính phủ Hồ Chí Minh trước khi chính phủ này tiến vào Hà Nội. Một người Việt ái quốc (sic) và một đại úy Mỹ «đã đi rải các tập tài liệu có ký tên Việt minh, chỉ vẽ cho dân chúng phải hành động những gì khi Việt minh chiếm được vùng Hà Nội. Đầu tháng 10, các chỉ dẫn chủ yếu trong đó liên quan tới quyền tư hữu, việc đổi tiền và 3 ngày nghĩ việc dành cho thợ thuyền khi Cộng sản chiếm được chính quyền. Qua hôm sau, số người đăng ký xin vào Nam đã tăng lên gấp ba. Hai ngày sau, tiền Việt minh chỉ còn 50% giá trị». Lợi dụng sự mê tín dân gian, trước dịp Giáng sinh, năm 1955, người Mỹ lại sử dụng một vũ khí khác. «Một người ái quốc mà chúng ta gọi là Triều đình, làm việc tại một sở in lịch bói toán, phổ biến rất rộng rãi, nhất là tại các tỉnh miền Bắc đang còn nằm trong tầm tay của ta. Người ta mời các thầy bói Việt Nam nổi tiếng đến, tiên đoán về những thất bại nghiêm trọng của một số cán bộ Việt minh và về việc thống nhất tại miền Nam». Người ta không biết bộ Lịch đó gây ra những hậu quả to lớn chừng nào.

Cũng có những tin đồn rằng quân Mỹ sẽ ném bom nguyên tử tiêu diệt miền Bắc.

3) Nếu các hoạt động phá hoại của bọn Pháp và Mỹ gây được ảnh hưởng lên toàn thể dân chúng người Việt, thì có những luận điệu tuyên truyền khác đóng một vai trò quyết định hơn nơi các cộng đồng người Công giáo.

Trước tiên, họ sử dụng Đức Mẹ fatima, mà việc tôn sùng mấy năm gần đây đã được tăng cường, qua việc thành lập Đạo binh Đức Mẹ, Đạo binh Xanh, Hiệp hội Chiến sĩ Đức Mẹ. Tất nhiên Đức Mẹ được giao cho chức năng chính trị là để giải thoát những kẻ tôn sùng Ngài. Người ta đồn rằng Đức Mẹ hiện ra ở Ba Làng, Thanh Hóa, để ra lệnh cho giáo dân đi vào Nam, bởi vì Mẹ cũng bỏ miền Bắc Việt Nam. «Việc hiện ra» hình như đã được dàn dựng tài tình bởi một linh mục, ông đã mặc áo Đức Mẹ cho một thiếu niên và đã cho em đứng sau bàn thờ Đức Mẹ Fatima. Trước mấy cây nến lung linh, một vài nhà «đạo đức» coi đó là Đức Mẹ hiện ra, nói với họ một giọng dịu dàng nhưng minh bạch rằng, “phải lìa bỏ” đất Cộng sản bất cứ với giá nào, mà tìm lánh sang vùng đất tự do. Đức Mẹ sắp sửa bỏ miền Bắc. Từ miệng qua tai, tin đồn được loan ra như một vết dầu loang và được thêm thắt bằng những nét chấm phá mới, kèm theo những lời tiên tri mới, hoặc những điềm gở tiên báo tai ương sắp tới. Óc tưởng tượng của dân chúng lại bày ra những chuyện linh mục bị tàn sát, những mật lệnh của Hồ Chí Minh bảo phải tiêu diệt cho hết người Công giáo, hay là bắt họ phải bỏ đạo.

«Chạy trốn để cứu lấy mạng sống và cứu lấy đức tin». «Chúa Kitô đã đi vào Nam». «Đức Mẹ đã rời bỏ Bắc Việt». Những khẩu hiệu phi lý đó làm cho người Kitô hữu phương Tây phải cười, nhưng lại có tác dụng rất lớn nơi một cộng đồng Kitô hữu đã từng bị giam nhốt xưa nay trong sự ngu dốt và trong một kiểu tin đạo được gọi là thời trung cổ. Trong các ốc đảo khép kín đó của giáo dân, những gì gọi là “Bí mật của Đức Mẹ Fatima” đều được coi như là tín điều bắt buộc, trong khi nó chỉ dựa vào một mớ tài tài liệu tuyên truyền nhảm nhí. Nếu những năm 1949-1953, các linh mục đã thể biến giáo dân hiền lành vô tội đó thành những tên sát nhân cuồng nhiệt, nhờ khẩu hiệu «tiêu diệt cộng sản để làm vinh danh Chúa», thì họ cũng chẳng khó khăn gì trong việc tạo ra cuộc «Xuất hành vĩ đại», năm 1943-1955.

Hiển nhiên, người nông dân Việt Nam sống gắn bó với đất đai của tổ tiên, với mái nhà, với mảnh vườn, với nhà thờ họ và làng xóm hơn nông dân các nước khác. Nhưng họ lại dám từ bỏ tất cả mọi sự để bảo vệ đức tin, nhất là khi các cha xứ của họ lại đảm bảo với họ rằng, tại miền Nam Việt Nam có một vị thủ tướng Công giáo đang chờ đón họ và sẽ cấp cho họ những vùng đất phì nhiêu để làm ăn. Và khối dân chúng đó một khi đã bước chân ra đi, thì không gì có thể ngăn họ lại được. Thế là với những áp lực đủ kiểu cách, nhờ một lối tuyên truyền xảo trá, tạo ra một cơn hốt hoảng tinh thần nơi dân chúng Công giáo, người ta đã thành công đưa vào Nam hàng trăm ngàn nông dân, bởi vì khối di cư Công giáo sẽ là một lực lượng chính trị to lớn cho chính quyền Ngô Đình Diệm.

Ở đây, chúng tôi không muốn nói về một hạng người di cư khác, chủ yếu gồm những người thành thị, Công giáo hay không, đã từng sống dựa vào chính quyền thực dân hay đạo quân chiếm đóng và đã lợi dụng chiến tranh để làm giàu. Tự nhiên họ phải đi theo quan thầy vào Nam cư ngụ. Nhưng cuộc xuất hành thê thảm của nông dân Công giáo không thể nào xảy ra, nếu không có sự phối hợp với những hành động vừa kể trên.

Giêra Tôn-gat (Gerad Tongas), tác giả cuốn «Tôi đã từng sống trong hỏa ngục cộng sản Bắc Việt và tôi đã chọn tự do», với cái tựa đề đó đã đủ cho thấy ông ta không thể là một kẻ thân Cộng, đã kể lại bức tranh thê thảm ông chứng kiến trong những ngày sau Hiệp Định Giơnevơ: «Điều khốn khổ hơn là những người nghèo - những người không có tiền của gì phải lo cứu cả - mà cũng trở thành nạn nhân và là nạn nhân khốn đốn hơn nhiều của một trò tuyên truyền bỉ ổi, là lại nhân danh tôn giáo. Có những cha xứ qua sức cuồng tín, là loại chính trị gia hoạt đầu, hơn là người của Giáo hội và của đạo đức, đưa mặt ra làm những tay tuyên truyền cuồng nhiệt và bẩn thỉu, dùng những lối xảo trá mà gieo rắc sự hốt hoảng tại các vùng nông thôn. Họ như nổi cơn sốt lên để hành hạ linh hồn và lương dân, lợi dụng tính nhẹ dạ cả tín khôn lường của giáo dân, cũng như sự ngu dốt kinh khủng của con chiên. Một khi bầu không khí «mạnh ai nấy chạy» đã tạo xong, từng toán xe tải nhà binh tiến vào các làng để bốc đi thật nhanh, kể cả dùng bạo lực cưỡng ép tất cả dân chúng. Có thể nói không ngoa rằng, đạo quân viễn chinh đang sùng máu, muốn thực hiện cuộc hành quân lớn này - dĩ nhiên luôn luôn dưới danh nghĩa nổi tiếng là «bình định» - trong những vùng đất chính bọn chúng sắp phải rời bỏ, thể theo Hiệp định Giơnevơ. Các toán xe cam nhông đó rảo qua các làng Công giáo, vội vã dùng mọi cach bốc đi hàng ngàn con người khốn khổ, chỉ cho họ đủ thời gian lượm theo vài bộ quần áo và đôi lúc, một vài bao gạo, rồi chở họ tới hai điểm tập trung, Hải Phòng và Hà Nội, mà tôi đã có thể ghi nhận các sự kiện, để đưa ra một chứng từ nghiệm trọng không một ai có thể bác lại:

«Ngày 29 tháng 7 năm 1954, vào quãng 7 giờ tối, vợ chồng tôi đang đi về nhà, bỗng có tiếng ồn ào phát ra từ bóng tối khiến chúng tôi phải đễ ý. Tiến gần chỗ bóng tối, chúng tôi trông thấy một đám đông người lạ nằm đầy lề đường khu phố chúng tôi. Ánh sáng leo lét từ một vài bóng điện chao đảo trước gió cho chúng tôi phát hiện ra một thứ «trò chơi cúp cọp», phụ nữ, người già, trẻ con kẻ chồm hổm, người nằm duỗi dài giữa một đống không biết bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh, nào xắc nào ba-lô đầy dẫy, rồi kẻ đi người lại trong một cảnh hổn náo không ngừng.

«Họ nằm đó hàng ngàn người. Có những người chúng tôi làm quen đã giải thích rằng vào giữa buổi chiều, các toán xe cam nhông của quân đội Pháp đã đổ đám người nông dân này xuống đó, họ bị bốc từ làng tới đây mà chẳng ăn uống gì trước khi ra đi. Và những người được ưu đãi đã đi từ 8 giờ sáng đấy! Vì phải ra đi vội vã theo lệnh bảo lên xe, chẳng nói chẳng rằng kiểu nhà binh (bọn lính đã lao vào nhà họ), rồi có đám đươc cha xứ đến an ủi, khuyên bảo làm họ yên tâm, họ đã trẩy đi với một ít quần áo và đồ dùng kịp thời lấy đem theo, với ít gạo cho vào bao rồi gánh đi.

«Sau một ít phút giải thích, trong lúc chúng tôi nhìn vào cảnh tượng thê lương đó, không cầm nổi nước mắt, họng tôi nghẹn ngào, trí óc ghi sâu bức tranh thảm cảnh di cư đó của những con người vô tội bị giật lôi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, rồi bốc lên xe, chở đi và bị đối xử chẳng khác nào những súc vật người ta chỡ tới lò mổ!

Trừ một số trường hợp, dân chúng địa phương cứ tỉnh bơ trước các nỗi khổ đau của những đồng bào thiếu thốn cơ cực này, chẳng lạ gì điều đó. Bởi vì chính chúng tôi cũng đã chứng kiến thực trạng như vậy ở những nơi khác vào những giây phút tương tự. Chúng tôi thấy cần nói thêm về tâm trạng quần chúng lúc đó tại Hà Nội; một bầu không khí rất nặng nề bao trùm lên mọi sự, và một luồng gió kinh hoàng thổi khắp nơi, do các cuộc ra đi tôi đã kể trên và được bọn tuyên truyền loan tin nhảm nuôi dưỡng rất cẩn thận. Tình hình thật ghê tởm đến nỗi, những kẻ đi đã phải khen chúng tôi dám ở lại, trước khi họ hở cho chúng tôi biết rằng họ là người ra đi; còn những người ở lại thì nín bặt không dám nói ra, vì chắc là sợ bị trả thù bởi những tay bạo chúa tổ chức di cư».

Những đoạn trích trên đây miễn khỏi phải chú thích thêm.

Chẳng bao lâu, một Ủy ban mẫu quốc lo cho cuộc di cư được thành lập, với sự giúp đỡ của Mỹ. Tiền «viện trợ» này đã được tính trước từ lâu, cả trước khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Theo một bức điện do hãng thông tấn AFP đánh đi ngày 30-6-1954, thì «trong một cuộc họp báo. Tổng thống Aixơnhao đã cho biết rằng, nếu có hiệp định đình chiến thì Mỹ sẽ tổ chức một cuộc di tản để đưa dân miền Bắc vào Nam». Vì mục đích của cuộc di cư trước tiên là chính trị, nhằm gây ra những nỗi bất bình của dân chúng đối với chính phủ Hồ Chí Minh, quân Mỹ đã tung ra hoạt động vể hai mặt; một mặt, tổ chức phá hoại có hệ thống tại Hà Nội trước khi quân lính Pháp rút đi, chẳng hạn lảm hỏng kho xe buýt, phá hư các máy móc và đặt mìn đánh sập Chùa Một Cột, ngôi chùa đầy giá trị lịch sử và tôn giáo có từ hàng trăm năm. Mặt khác, «vì những lý do nhân đạo», cung cấp hàng chục triệu đôla và cho 41 tàu của hạm đội 7 phục vụ cho việc di cư.

tauhamomTrước ngày 12-10-1954, ngày trao chuyển Hà Nội cho chính phù Dân chủ, linh mục Mai Ngoc Khuê (sau này làm CIA và bị thanh toán bí mật tháng 3-1970 tại vùng Sài Gòn) đại diện phía Công giáo trong Ủy ban di cư, đã bí mật phái về vùng Việt minh những nhân viên tuyên truyền nhằm đem hết sạch dân Phát Diệm, Bùi Chu, Thái Bình đi cư. Một số tay trong bọn này đã bị bắt với vụ lệnh, ghi tất cả một kế hoạch đã được vạch ra rất tinh vi.

Dư luận quốc tế sau đó đã được báo động bởi các biến cố bi thảm xảy ra tại các miền duyên hải của Đồng bằng sông Hồng. Báo chí ngày 25-10-1954, viết như sau: «Cuộc xuất hành bằng đường biển, với những người di cư, phần đông phương tiện khác rất yếu ớt, những người di cư, phần đông là Công giáo từ các vùng Bùi Chu, Phát Diệm hiện do Việt minh kiểm soát, trong vòng 24 giờ qua đã lên tới con số khổng lồ, khiến bộ Tư lệnh hải quân Pháp đã quyết định vớt họ. Đêm qua và sáng nay, các đơn vị hải quân Pháp đã chở tới Hải Phòng gần 2000 người di cư, họ vớt được ngoài khơi hải phận Việt minh, ở lối 100km mạng Nam Hải Phòng.

«Theo lời những người di cư, hàng ngàn người khác thuộc địa phận Bùi Chu và Phát Diệm đang tìm cách chạy trốn, có khi phải trả 5000 quan Pháp cho một chỗ trên các thứ thuyền hoặc bè. Nhiều thuyền đã bị lật và đắm luôn trong các cơn bão đang nỗi dữ mấy ngày nay. Như vậy, hàng trăm người di cư đã bị chết đuối trong nạn đó».

Ngày 26-10-2954 báo chí đưa tin: 15.000 người Công giáo bỏ trốn bằng ghe thuyền hoặc bè, để đi tìm tự do, từ các địa phận Bùi Chu và Phát Diệm, đã tới được Hải Phòng.

Người ta còn nói tới những vụ đụng độ giữa dân di tản với đơn vị bộ đội địa phương của Việt Minh đang tìm cách ngăn cản không cho dân chúng ra đi.

Ngày 22-11-1954, ông Đơxe (Desai, người Ấn), Ủy viên ban Quốc tế Kiểm soát đình chiến, tuyên bố về các công tác đã thực hiện như sau: «Đã có thỏa hiệp với Việt Minh, nhằm đảm bảo sự tự do cho những người muốn rời bỏ Đồng bằng sông Hồng mà đi xuống miền Nam. Cho tới ngày 18 tháng 11 năm 1954, có 5.230 giấy phép đã được cấp phát».

Cuộc xuất hành từ đây càng lan rộng một cách đáng lo và bi đát. Nhằm nhấn mạnh thái độ tàn nhẫn của cộng sản, thông tấn xã Fides loan tin ngày 25 tháng 11 rằng ‘Có 12 vị thừa sai nước ngoài đã chết tại các trại Việt Minh trong chiến tranh Đông Dương. Người ta tin rằng cón lối 100 linh mục Việt Nam đang bị giam trong tù». Để tiếp lời các bản tin đó, thường bị những quan sát viên khách quan bác bỏ, đài Vatican và báo chí Công giáo loan thành cả những chiến dịch tuyên truyền, cho rằng «nhiều vụ tàn sát tập thể người công giáo» đã xảy ra. Đài và các báo đó còn sử dụng con bài «di cư» như con ngựa đầu đàn để biện minh cho việc Nam Việt và người Mỹ không chịu thi hành nghiêm túc Hiệp định Giơnevơ.

«Họ và cùng với họ là cuộc di cư có hình loại và tầm cở độc đáo duy nhất, tiêu biểu cho cuộc chiến thắng cộng sản quốc tế to lớn nhất và có thể là chiền thắng số một kể từ 30 năm nay. Một chiến thắng hòa bình của những nam nữ đã dám phủi tay mà nói tiếng KHÔNG và với nỗi đau thương hiển hách, họ dám chịu mất mọi sự ở nơi mà nhiểu kẻ khác nghĩ là nên nói rằng có thể là phải, có thể là không». (G. Naidenoff, V. 1955).

«Chúng ta hãy luôn nhớ đến món nợ tri ân vô hạn chúng ta mắc với những anh chị em di cư Việt Nam . Chứng từ họ đưa ra cho Giáo hội là thuộc loại to lớn nhất và từ sự vinh hiển như triều thiên của họ trước mặt Thiên Chúa và người ta, một vài tia chiếu dọi xuống trên các vị thừa sai suốt bao nhiêu thế kỷ đã từng giúp cho họ được trở nên như ngày nay» (Queguiner, trong Bản tin Thừa sai Pari).

Báo chí cánh hữu cũng không giữ im lặng. H. Amuru (Amouroux) đã viết trong số báo Aurore ra ngày 4-4-1955 sau nhiều tuần lễ điều tra rằng: «Trong suốt cuộc chiến vừa qua, chúng ta đã nói rằng mính bảo vệ sự tự do và một số giá trị vật chất và tinh thần, trong đó phải kễ nền văn minh Thiên Chúa giáo. Đó là những kiểu khẩu hiệu. Và hôm nay, đây là chứng cớ rằng những điều khẳng định đó chẳng phài chỉ lả khẩu hiệu suông, mà nó hợp với một thực tế rất đáng xúc động, rằng cái dân tộc ruộng nước kia, xưa nay chúng ta chưa bao giờ hiểu họ và chúng ta đã từng mang cả một bộ máy chiến tranh đến chà đi xát lại trên họ, thì hôm nay họ cho biết rằng, họ hiễu được thế nào là tự do, dân chủ…

«Chúng ta, thế giới tự do và không có nước Pháp, chúng ta có thể nào bỏ rơi những con người đó, mặc cho sự trả thù, đem quẳng họ lại vào bàn tay Cộng sản và làm cho cuộc bỏ trốn kỳ diệu của họ năm 1954 hóa ra vô ích sao? ».

Lời kêu gọi «cảm động đó lại được báo chí Mỹ, đầu tầu của «thế giới tự do» lấy lại, rồi đi dìm nhân dân Việt Nam lẩn nữa vào trong một biển máu.

7 ─ NGƯỜI CÔNG GIÁO, TRỌNG TÂM CỦA CUỘC DI CƯ

Muốn có một cái nhìn tổng hợp về cuộc chạy trốn của người Việt Nam những năm 1954-1956, chỉ cần phân tích các tỉ số những thành phần di cư là có ngay. Sau khi quân Pháp vĩnh viễn ra đi năm 1955, số người di cư lên tới 860.000, trong đó có 250.000 [*] là công giáo. Những thành phần còn lại là ai? Họ là 2% [**] của dân số không công giáo, đã «chọn tìm tự do».

Chú thích của BBT:

[*] Có lẽ tác giả viết muốn nói con số 250.000 này là "không công giáo" Theo quyển "The Two Vietnams" của Bernard B. Fall (nhà xuất bản Frederick A. Praeger, New York, 1964) trang 154, trong số 860 ngàn dân di cư, có đến 600 ngàn là Công giáo. Vậy còn lại khoảng 260.000 là không công giáo.

[**] Cũng theo Bernard B. Fall, trang sách đã dẫn, con số 600 ngàn giáo dân di cư chỉ là 65 phần trăm tổng số giáo dân, trong lúc 99.5% dân "không Công Giáo" ở ngoài Bắc không đi. Như thế, con số 260 ngàn dân không công giáo chỉ là 0.5 % tổng số.

Trước hết là các sĩ quan, binh lính của cái gọi là «quân dội Pháp – Việt», tiếp đến là các công chức đã họp làm tay sai cho bọn thực dân, rồi có các nhà tư sản thành thị, những tay địa chủ lớn đã lợi dụng sự hiện diện Pháp trước và sau 1945 để làm giàu, hoặc cai trị như lãnh chúa, bằng việc cho vay nặng lãi, bằng cách tổ chức ăn cướp có hệ thống của cải nông dân, cuối cùng là một bộ phận những nhà chính trị «quốc gia», đã luôn mơ mộng rằng có thể đoạt được độc lập nước nhà nhờ sự quãng đại của Pháp, với nhóm những trí thức «phi chính trị» nghĩ rằng sống tại miền Nam họ sẽ giữ được trung lập chính trị dễ dàng hơn. Khác với người Công giáo, người ta ít gặp thấy người Phật tử nghèo bỏ nhà bỏ cửa, làng mạc, ra đi để cứu vãn nìềm tin của họ. Nhất là càng không phải vì là Phật tử mà ra đi. Nhận định này có tầm quan trọng hàng đầu, nếu muốn nắm được tất cả các tính phức tạp của thảm kịch Công giáo trong cuộc di cư.

Quả thế, xét về công giáo di cư, người ta cần hiểu rằng hàng giáo sĩ đã ảnh hưởng rất lớn cho việc ra đi. Biểu đồ đưới đây, với những con số hầu như chắc chắc, cho chúng ta thấy rõ vấn đề:

ĐỊA PHẬN

TRƯỚC DI CƯ

DI CƯ VÀO NAM

GIÁO DÂN

LINH MỤC

GIÁO DÂN

%

LINH MỤC

%

Hà Nội

200.000

168

50.000

25%

115

68%

Bắc Ninh

74.00

64

38.000

52%

56

86%

Bùi Chu

330.000

200

165.000

50%

170

85%

Hải Phòng

120.000

87

61.000

51%

79

91%

Hưng Hóa

78.000

54

7.000

9%

24

45%

Lạng Sơn

5.000

18

2.500

50%

13

72%

Phát Diệm

139.000

168

80.000

58%

143

85%

Thái Bình

160.000

92

80.000

50%

79

86%

Thanh Hóa

65.000

88

18.000

28%

62

70%

Vinh

219.000

188

42.000

20%

68

36%

TỔNG CỘNG

1.390.000

1.127

543.500

40%

809

72%

CHÚ THÍCH

Để làm biểu đồ này, chúng tôi đã căn cứ vào thống kê của các giáo phận Việt Nam, của chính phủ VN Dân chủ Cộng hòa (1955). Các con số khác không thể hoàn toàn chính xác, bởi vì các nhóm di cư Công giáo vốn có xu hướng thổi phồng con số của mình để nhận được nhiều viện trợ hơn. Nhiều linh mục phụ trách di cư 1954-1955 đã thú nhận với tôi như thế. Báo Missi 1956, trang 39-40, cho những con số sau đây: Công giáo di cư: 676.000, linh mục triều di cư: 618, không cho biết số linh mục dòng và thừa sai.

Nhìn vào Bản thông kê trên đây, thì đã có tới 72% số linh mục miền Bắc di cư, còn giáo dân thí có 40% ra đi. Sự sai biệt lớn lao giữa hai tỉ lệ vừa nói, bác bỏ lời biện hộ cho rằng các linh mục chỉ rời bỏ xứ đạo mà đi vì nhu cầu coi sóc con chiên của mình. Điều mà bảng thống kê không nêu rõ, cũng cần được phân tích ra chi tiết hơn.

Thực tế, nhiều cộng đồng giáo xứ đã chỉ chọn việc ra đi là do áp lực trực tiếp hoặc gián tiếp từ phía các giáo sĩ. Sự thể xảy ra theo ba trường hợp sau đây:

A) TRƯỜNG HỢP THỨ NHẤT LÀ VỊ LINH MỤC QUYẾT ĐỊNH Ở LẠI, thì không có việc dân chúng giáo hữu ra đi hàng loạt. Những giáo dân phải bỏ trốn vào Nam - ở đây chỉ là một thiểu số mà thôi – thì đó là những người đã từng dính líu tới quân Pháp, hoặc đó là mấy người địa chủ lo sợ bị tịch thu tài sản, hoặc sợ bị trả thù bởi những người họ đã từng bị áp bức bóc lột trước kia.

B) TRƯỜNG HỢP VỊ LINH MỤC ĐỨNG RA TỔ CHỨC DI CƯ, có tới 90-100% dân chúng di cư. Đối với người giáo dân Việt Nam, sống đạo mà không có lễ chủ nhật, không có bí tích, không được tống táng theo nghi lễ tôn giáo, thì kể như là mất đức tin và bị án phạt đời sau không tránh khỏi.

C) TRƯỜNG HỢP LINH MỤC VÌ HOẢNG HỐT, BỎ CHẠY MỘT MÌNH, thì tình hình các xứ xảy ra không giống nhau. Nếu linh mục gửi được người can đảm để tìm cách liên lạc được với giáo dân, giải thích cho họ về nguy cơ mất linh hồn, cán bộ Việt minh tỏ thái độ ít nhiều gay gắt đối với họ, thì họ dám liều chết để tìm cách chạy ra Hải Phòng, thành phố tập họp dân di cư được bọn Pháp bảo vệ. Nếu vì những lý do khác nhau, vị linh mục không liên lạc được với giáo dân, hoặc cán bộ Việt minh tỏ ra tử tế rộng lượng với giáo dân, thì đa số sẽ ở lại, không đi.

Nhìn vào các con số dân di cư từ các địa phận Hà Nội và Hưng Hóa, người ta sẽ bở ngỡ thấy tỉ lệ người đi rất thấp: Hà Nội có 32% và Hưng Hóa chỉ 9% ra đi. Ấy thế mà người công giáo Hà Nội (nơi tập trung để di cư) và Hưng Hóa (cách Hà Nội chỉ 40km) lại chẳng có những khó khăn về việc vận chuyển, đồng thời cũng dễ dàng vượt qua những trở ngại do Việt minh tạo ra - những trở ngại theo báo chí Sài Gòn và của Công giáo Pháp và Mỹ thì rất khủng khiếp – để tới được Văn phòng Ủy ban Quốc gia Di cư, nhưng họ lại không kéo nhau đi hàng loạt «để chọn sự tự do tôn giáo». Tại sao vậy? Giám mục Trịnh Như Khuê, địa phận Hà Nội và giàm mục Magie, địa phận Hưng Hóa, vâng lệnh của Vatican, đã chính thức cấm đoán các linh mục địa phận rời bỏ vị trí mà không có phép, kẻ nào dám làm ngược lại thì lập tức bị treo chén. Một lý do khác, giáo dân tại hai địa phận trên đã không được quân Pháp trang bị vũ khi để chống lại Kháng chiến, nên họ không sợ bị trả thù.

Trái lại, trong các địa phận mà phần đông giáo xứ đã được các linh mục-đại úy chỉ huy, như Phát Diệm, Bùi Chu, Thái Bình, Hải Phòng và nếu chính giám mục cũng bỏ đi, thì thường là 80% giáo sĩ di cư, với tỉ lệ giáo dân ra đi vượt 50%.

Tại các địa phận Thanh Hóa và Vinh - hai địa phận từ 1945 không bao giờ quân Pháp chiếm đóng được – con số di cư là 18.000 (28%) và 57.000 (27%), phần đông đi vào Nam với giấy thông hành do chính phủ Dân chủ Cộng hòa cấp cho.

Với những kiểu mô tả phóng đại và những lời kêu gọi báo động với «thế giới tự do», người ta rêu rao nào là Việt minh dùng mọi thứ áp lực tinh thần và thể xác đối với người ra đi, nào là dân bên Lương dùng mọi thủ đoạn tinh vi khôn khéo hòng làm cho những kẻ đã lên đường phải quay trở lại, hoặc Việt minh dùng đến cả quân đội để ngăn chặn làn sóng di cư. Nói cho thật khách quan, phải công nhận rằng những kiểu các linh mục gây áp lực nhằm cưỡng bức bà con Công giáo bỏ miền Bắc di cư vào Nam, đã gây ra phản ứng đôi khi thô bạo nơi các chính quyền địa phương. Theo Đơvinliơ (De Villiers) và Giăng Lacutuya (J. Lacouture) trong cuốn «Việt Nam, từ chiến tranh Pháp đến chiến tranh Hoa kỳ» thì óc đảng phái và cái nhìn hẹp hòi của một số cán bộ Cộng sản đã góp phần tạo thành công cho mưu đồ của Diệm, đối xử cứng rắn, thuế nặng nề, tịch thu, khổ sai, quấy nhiễu v.v.. tất cả cách xử sự đó – lắm lúc cái nảy xảy thành cái ung – nhiều khi đã khiến thiên hạ cho rằng luận điệu tuyên truyền của Diệm là đúng, gây ra hốt hoảng sợ hãi và đẩy nhanh cả nhịp độ di cư».

Tuy thế, lời quả quyết của linh mục Uyn-lich (Willichs) thừa sai người Bỉ, cũng không đúng, khi ông cho rằng «nếu Việt Minh không ra sức ngăn cản và đàn áp việc di cư thì sẽ tới bốn triệu người Bắc đã chạy trốn vào Nam để được sống dưới chế độ «nhân đạo» của lãnh tụ Ngô Đình Diệm» hay là lời cha G. Nayđơnốp viết trong báo Missi: Những người di cư mà tôi đã có dịp hỏi đều nhất loạt khẳng định rằng nếu bây giờ họ được ở trong Nam, thì đó là vì họ may mắn hơn nhiều người khác trong gia đình, trong làng hoặc trong vùng của họ. Họ đã có phương tiện để đi, còn những người khác đã bị giữ lại».

Một nhà viết sử không phải của Giáo hội đã gióng lên một tiếng chuông khác: «Mọi người phải công nhận rằng cuộc di cư hàng loạt như thế chủ yếu là kết quả một cuộc hành quân chiến tranh tâm lý của Mỹ (và của cả quân đội Pháp). (B. Fall, Hai nước Việt Nam).

Trang Tôn Giáo