Mùa Đông Lại Đến,

Bàn Thêm Về Huyền Thoại Christmas

Thiên Lôi

http://sachhiem.net/THLOI/TG/ThienLoi001.php

24 tháng 12, 2008

Thực là chán, trong khi thiên hạ đang trầm cảm vì tình hình chung của thế giới càng ngày càng xám xịt, từ suy thoái kinh tế tài chánh dẫn đến nạn thất nghiệp lên cao, từ chêt chóc tang thương do chiến tranh vẫn còn kéo dài ở vùng Trung đông và Afghanistan, từ sự huỷ hoại môi sinh lan tràn, từ thiên tai bảo lụt xảy ra hàng năm trên đất Mỹ, từ suy đồi đạo đức và gia tăng bạo lực tội ác trong xã hội được mệnh danh là văn minh này vv và vv… sau 8 năm trị vì của Bút-xì con. Tưởng chương trình tạp lục của nhà Bút-xì đã đến hồi hạ màn thì điềm lành sẽ xảy ra; thế mà trời lại chơi thêm một màn bảo tuyết khắp cả lục địa bắc Mỹ từ đông sang tây, đổ xuống cả đống tuyết dày từ 6 đến 34 inches ở hai vùng đông và tây bắc làm cho mọi hoạt động đều bị tê liệt, đời sống dân chúng càng thêm khốn đốn.

Cứ nhìn vào nổi cơ khổ sống với tuyết vào mùa đông ta mới hiểu vì sao mà dân bắc Âu xưa kia phải tìm mọi cách đương đầu với thời tiết khắc nghiệt cho qua cơn giá rét. Từ đó dân gian mới đặt ra những huyền thoại mùa đông và những lễ hội cho zui cửa zui nhà và zui cả hàng xóm.

Những truyền thống vô hại của dân gian lại bị cái giáo hội Ca-tô La-mã chôm chỉa biến dạng trở thành tục lệ Christmas kéo dài từ hơn một ngàn năm đến hôm nay chán như cơm nhão; nay cộng thêm sự nhiễm độc của hệ thống khuyến mãi tiêu xài của tây phương lập đi lập lại làm cho trở thành vô cảm.

Nỗi khổ tâm ngày nay mỗi khi đến mùa Christmas là mình phải “nhập gia tuỳ tục”, ráng sống sao cho giống dân địa phương, dù biết là lố bịch để khỏi bị chê trách. Cứ đến mùa đông thì ta lại nhận được thiệp chúc giáng sinh một cách máy móc, cả từ những kẻ mấy năm không hề gặp mặt và phải bắn cà-nông mới nhận ra có quen biết. Mở ra và liếc nhìn xong là cho vào sọt rác; rồi mình lại khổ công đi mua thiệp, ngồi viết những câu sáo ngữ, dán tem ra bưu điện trả lại cho phải phép mà chẳng có chút cảm hứng gì trong công việc ấy, lại còn bực mình thêm vì bị quấy nhiễu, mất thì giờ và tốn kém vô ích. Cũng may là số người gởi thiệp một cách “vô duyên” càng ngày càng giảm, chỉ còn trong vòng business mà thôi.

Lại nữa trong xóm, có thằng John nhà bên trái, thằng Brad bên phải cứ sau lễ Thanksgiving độ 2 tuần là treo đèn trước nhà làm mình cũng phải móc vài dây lập loè, không khéo chúng nó lại bảo mình “cheap”, hay “anti-Christian” thì mất vui; mà chúng thì đách cần biết mình theo tín ngưỡng gì? Ai cũng Christian ráo. Ai cũng God bless you. Ai cũng Oh my God! Ai cũng Jesus Christ! hết. Cũng may là con cái nay đã trưởng thành, nên tụi tui không còn bị cái màn dựng cây Noel, treo đèn loè loẹt và mua quà cáp trẻ con nữa; còn phải diễn màn xé toạt giấy bao mở quà, rồi màn dọn rác tối tăm mặt mũi. Ố là la ba cái vô bổ! Nhưng nay lưng đã còng, còn hơi sức đâu nữa mà leo với trèo nữa.

Nghĩ cũng vui. Thuở ban sơ, đa thần giáo là tín ngưỡng tự nhiên của nhân loại. Việc thờ phụng thần mặt trời là vị thần quan trọng đầu tiên của sự sống dĩ nhiên được xem trọng. Dân tộc nào, bộ lạc nào cũng đều truyền tụng một huyền thoại riêng về mặt trời. Vào thời Tân thạch con người nhìn thấy mặt trời di chuyển trên bầu trời nên tưởng tượng rằng Nhật thần thường cỡi trên một chiếc thuyền như trong các huyền thoại Ai Cập, khởi đầu với các thần Wadjet, Sekhmet, Hathor, Nut, Bast, Bat, and Menhit. Thần Hathor gặp Isis sinh ra Horus và Ra. Đến triều đại thứ 18 ở Ai Cập (1550-1292 TTL.) có vua Akhenaten thay thế đa thần giáo thành Nhật thần giáo Aten duy nhất, mà biểu tượng là một cái đĩa tròn; nhưng sau khi ông chết thì mấy anh giáo sĩ quay trở lại thờ đa thần để được nhiều businesses. Dân Tiền Ấn Âu có lẽ do bản tánh hiếu chiến, thì cho là Nhật thần cỡi mã chiến xa. Dân bộ lạc Munsh ở Phi châu tin Nhật thần là con trai và Nguyệt thần là con gái của Đấng tạo hoá Awondo. Bộ lạc Barotse thì cho là Nhật thần ngụ trong mặt trời và vợ thì ở mặt trăng. Khoẻ re! khỏi phải lo đóng mortgage và thuế địa ốc. Thổ dân Nam Mỹ Aztec có Nhật thần là Tonatiuh. Dân bắc Âu có Nhật thần Sól, thường cỡi xe Trundholm. Dân Hy lạp có Nhật thần Helios. Dân Syrian gọi là Elah-Gabal, dân Persian có thần Mithras. Dân Ấn có Nhật thần Surya cỡi xe thất mã hiện vẫn được tôn thờ trong đền tại Konark, bang Orissa. Họ còn thường xuyên tụng kinh Gayatri mantra và hành lễ Sandhyavandanam cho Nhật thần vv….

Chỉ có dân Tàu là coi nhẹ huyền thoại mặt trời nhất; và dù là một xứ chuộng nông nghiệp mà hình như không có một đền nào thờ Nhật thần cả. Truyện cổ kể ban đầu có tất cả 10 mặt trời treo lủng lẳng làm quả đất nóng nực quá và chẳng cây cối nào sống nổi nên có anh nông dân anh hùng tên là Hou Yi nổi xùng lấy cung tên bắn rớt đi 9 cái chỉ để lại 1 từ đó đến nay. Còn nhật thực thì cho là do mặt trời bị thiên cẩu (chó trời) gặm mất đi một mãnh. Thiên Lôi tui khoái cái lối hành hiệp “tiếu ngạo giang hồ” này của các chú ba lắm, vốn xem thường mọi sự.

Đến thời đế quốc La-mã thì hoàng đế Elagabalus (218–222) đề nghị lễ hội Nhật thần, nhưng mãi đến triều của hoàng đế Aurelian ở thế kỷ thứ 3 mới được chính thức hoá. Đó là vì năm 274, sau khi thắng trận ở miền đông, hoàng đế La mã Aurelian cho thành lập quốc giáo Sol Invictus (Thần Thái Dương Vô Địch), tôn thờ thần mặt trời là đấng thần linh cao nhất của toàn đế quốc. Aurelian còn mang vương miện thiết kế theo tia sáng mặt trời. Ông ta cho thành lập ban tế tự và xây dựng đền thờ Nhật thần, và còn ra sắc lệnh chọn ngày lễ hội chính thức gọi là “dies natalis Solis Invicti” (sinh nhật của Thần Thái Dương Vô Địch) vào ngày 25 tháng chạp, là ngày mặt trời bắt đầu chiếu lâu hơn sau ngày Đông chí. [Điều này sau này được tìm thấy ghi lại trong Bộ Lịch chú năm 354 (còn mang nhiều tên khác như The Chronography of 354, the Calendar of 354, Calendar of Filocalus, Philocalus, hay Codex-Calendar of 354): là một bộ sách sưu tập được vẽ và viết tay theo đơn đặt hàng của một phú gia La mã tên Valentius].

Lễ hội này còn được duy trì mãi đến năm 323 dưới triều Constantine I, dù Ki-tô giáo đã được ông ta cho phép thành lập vào năm 313. Constantine còn ra sắc lệnh vào ngày 7 tháng ba năm 321 gọi là dies Solis, ngày của Thái Dương (Sunday) cho mọi người được nghỉ ngơi, mà sau này ta gọi là ngày chủ nhật, ngày đầu của một tuần lễ; chứ chẳng có ý gì “chúa nhật” như bọn Ca-tô bản địa ám chỉ cả. Cứ “thấy sang bắt quàn làm họ” và tâng bốc là bản chất của đám Vịt cồ Ca-tô La-mã. Ở La-mã, lễ hội này được tiếp nối với lễ Saturnalia là lễ Tân Niên. Dân phiếm thần Scandinavia có lễ Yule kéo dài từ cuối Chạp sang Giêng. Dù là xứ bị cãi đạo muộn nhất nhưng dân địa phương vẫn gọi Christmas là lễ Jul. Còn dân Đức thì bày biện những khúc gỗ thông, Yule logs, qua đến Pháp thì thành Bûche de Noël, cùng với tiệc tùng thoả thuê cho qua mùa đông giá rét. Vào thế kỷ thứ 17, nhiều giáo sĩ phản thệ đã chỉ trích những cuộc ăn chơi đàng điếm, say sưa, cờ bạc xảy ra trong lễ Christmas chẳng có ý nghĩa tôn giáo gì cả. Trong Anh ngữ Yule đồng nghĩa với Christmas, được ghi nhận từ năm 900.

Quốc giáo Sol Invictus đã bị chấm dứt dưới triều hoàng đế Theodosius I khi ông ta ra lệnh dẹp bỏ đa thần giáo vào ngày 27 tháng hai, năm 390 để tôn vinh độc thần Ki-tô giáo.

Thừa cơ hội tốt đã đến nên các anh giáo sĩ Ca-tô La-mã liền chôm chĩa các lễ hội truyền thống của dân gian và o ép biến chúng mang ý nghĩa Ki-tô cho tiện việc sổ sách. Thế là nhân thấy dân chúng trong đế quốc ăn mừng lễ sinh nhật của Thần Thái Dương Vô Địch long trọng quá nên quơ vào cho là ngày Giáng sinh của Chúa Dê-xu. Khoẻ re! tựa như phá chùa Bảo Thiên xây nhà thờ St. Joseph ở Hà nội vậy. Chẳng mất đồng xu nào cả. Dưới lưỡi gươm đế quốc La-mã và thực dân tây phương thì “toà thánh Roma” phán cái gì mà chẳng được trong hơn 1 ngàn rưỡi năm qua.

Bài học đáng nhớ ở đây là “cứ dùng bạo lực áp đặt cái mình muốn lên kẻ bị trị trong một thời gian dài vài thế hệ, đủ lâu thì dân bị trị sẽ dần biến chất và tuân thủ những truyền thống của kẻ xâm lăng”. Và điều này luôn được các đế quốc thực dân tây phương mới thực hành đúng bài bản cho đến nay. Do đó, đối với các dân tộc có nền văn hoá tín ngưỡng khác thì muốn tự chủ, ngoài việc giành lại giang sơn bằng chiến đấu, là phải duy trì bản chất văn hoá tín ngưỡng riêng của dân tộc mình bằng mọi giá, không để bị đồng hoá. Kêu gọi “tự do tôn giáo” chỉ là trò bịp để Ki-tô giáo luôn chiếm thế thượng phong.

Vì thế cái vụ ngày anh Dê-xu xuống trần này cũng rối rắm như mớ lòng bong. Đa số dân tây phương chọn ngày 25 tháng chạp, Armenian Apostolic Church thì chọn ngày 6 tháng giêng, Eastern Orthodox Churches thì lấy ngày 7 tháng giêng. Trước đó vào năm 200, nhà tu Clement ở Alexandria ghi lại rằng có một nhóm nhỏ giáo dân ở Ai-cập ăn mừng Giáng sinh vào ngày 25 tháng Pachon; mà nay đối chiếu lịch thì trùng vào ngày 20 tháng 5. Sao mà lôi thôi đến thế? Lôi thôi vì thật sự chẳng ai biết Dê-xu sinh ngày nào và ở đâu, gốc gác gia phả ra sao. Ngay cả trong cuốn Tân Ước cũng không hề viết rõ [The New Testament does not give a date for the birth of Jesus. (Christmas, Encyclopædia Britannica Chicago: Encyclopædia Britannica, 2006.)] Mọi sự mãi gần một thế kỷ sau khi Dê-xu chết, đều do các anh thánh đồ đệ sáng tác thành các tập trong cuốn kinh Tân ước; mỗi anh nói mỗi cách theo sự đồng bóng của mình nên chẳng anh nào giống anh nào; toàn là hư cấu. [The story of Christmas is based on the biblical accounts given in the Gospel of Matthew, namely Matthew 1:18-Matthew 2:12 and the Gospel of Luke, specifically Luke 1:26-Luke 2:40. - Many modern scholars view the two Gospel accounts as theological fictions. Geza Vermes, The Nativity: History and Legend, London, Penguin, 2006, p22.; E. P. Sanders, The Historical Figure of Jesus, 1993, p.85.)]

Trong cuốn của Luke 2:7 thì cho là sau khi sinh, Dê-xu được quấn vải đặt nằm trên một máng cỏ (a manger) của chuồng bò, vây quanh bởi bầy gia súc vì các nhà trọ ở Bethlehem hết chỗ. Rồi truyền thuyết thêm chút mắm muối là có một ngôi sao sáng xuất hiện, rồi 3 thầy pháp (Magi), có nơi bảo 3 vị thông thái; nhưng dân Vịt cồ Ca-tô thì cho là có 3 vua, theo hướng ngôi sao mà đến viếng chuồng bò, mang theo quí phẩm. Khổ nổi, sách Matthew (Matt. 2:7–8, 16) lại cho là 3 ông này gặp bé Dê-xu lúc 2 tuổi đang ở truồng đi rong trong xóm. Có chán cái mớ đời không chứ! Hoá ra là bịp nhau cả. Không có lấy một phần sự thực để gở gạc.

Lần theo các cổ thư, ta thấy ở thế kỷ thứ 3, các giáo hội Ki-tô chẳng hề ăn mừng cái sự giáng sinh của Dê-xu; và ngày sinh của Dê-xu thì cứ loạn cào cào. Vào năm 200, như đã nói, giáo sĩ Clement of Alexandria ghi ngày mừng Giáng sinh là 25 tháng Pachon, tức 20 tháng 5. Tertullian (ch. 220) thì bảo không thấy Giáo hội châu Phi xem Giáng sinh là lễ trọng. Cuốn De Pascha Computus, một lịch lễ phát hành năm 243, thì cho Giáng sinh là ngày 28 tháng 3. Năm 245, nhà thần học Origen ở Alexandria lại cường điệu cho rằng “chỉ những kẻ có tội (như Pharaoh và Herod) mới ăn mừng sinh nhật". Mãi đến năm 303, nhà tu Arnobius còn chế riễu những cuộc liên hoan mừng giáng sinh của các vị phiếm thần.

Ngày Christmas chỉ được xem quan trọng từ khi vua Charlemagne của xứ Franks (Pháp ngày nay) đăng quang vào ngày 25 tháng chạp năm 800 bởi Giáo hoàng Leo III sau khi chiếm được Ý.

Chữ Christmas hay Christmastide, có nghĩa là Christ's Mass, từ cổ ngữ Anh là Christemasse hay Cristes mæsse được dùng từ năm 1038. "Cristes" từ chữ Hy lạp là Christos và "mæsse" từ chữ Latin, missa. Như thế Christmas là Lễ ca tụng Chúa cứu thế. Trong các bản văn Hy lạp của cuốn Tân ước thì chữ Χ (chi) được chỉ cho Christ. Đến giữa thế kỷ 16 dân La-mã mới chịu dùng chữ X chỉ cho Christ, do đó mà có chữ viết tắt Xmas thay cho Christmas.

Chuyện về Santa Claus hay ông già Noel, lại là sự đánh đồng giữa huyền thoại Ki-tô về ông thánh Nicholas of Myra, nay là Lycia ở Thổ Nhĩ Kỳ và phiếm thần ở bắc Âu. Dân bắc Âu thường kỷ niệm sinh nhật của Saint Nicholas (280-342), quan thầy của trẻ con, vào ngày 6 tháng Chạp với phong tục trao quà cáp cho nhau đêm trước đó. Santa Claus là do từ chữ Hoà lan Sinterklaas, còn gọi là Sint-Nicolaas.

Tương truyền Saint Nicholas hay say sưa be bét. Chẳng hiểu vì thành tich gì mà được phong thánh. Nếu có cũng vẫn là hư cấu như cái nền thần học Ki-tô. Hình ảnh quen thuộc mà ta thấy hiện nay về Santa Claus là do một anh vẽ tranh người Mỹ gốc Đức tên là Thomas Nast (1840–1902) sáng tác ra mỗi năm kể từ năm 1863; cho mãi đến những năm 1880s thì mới hình thành ra dạng quen thuộc thường thấy với tướng phương phi hồng hào trong bộ áo hồng y. Những năm 1920s hình ảnh này của Santa Claus được thương mãi hoá khắp nơi. [Mikkelson, Barbara and David P., "The Claus That Refreshes", Snopes.com, 2006.]

Về cây Christmas (Christmas tree) thì lại càng cho thấy vết tích của việc Ki-tô hoá, tức là chôm chĩa từ truyền thống dân gian quanh các cuộc lễ hội Đông chí. Dân phiếm thần bắc Âu thường dùng vòng xanh nguyệt quế và trang hoàng cây cối trước nhà vào dịp lễ mùa đông. Từ Anh ngữ "Christmas tree" xuất hiện từ năm 1835, vốn du nhập từ Đức. Nhiều người cho là giáo sĩ Martin Luther khuyến khích cổ tục này từ thế kỷ 16, và di dân gốc Đức mang truyền thống này sang tân thế giới.

Ở tân thế giới thì lúc mới di dân từ châu Âu sang, phái Thanh giáo xứ New England không chấp thuận ăn mừng Christmas. Ở Boston, nó còn bị đặt ra khỏi vòng pháp luật từ 1659 đến 1681, trong khi ở các nơi khác thì cứ cử hành. Đến khi nổ ra cuộc cách mạng Hoa Kỳ giành độc lập thì Christmas không được xem trọng nữa vì cho là tục lệ của thực dân Anh, đến nỗi William Winstanly, một nhà văn Anh khoảng 1820s, lo ngại là Christmas đang bị lãng quên. Mãi đến năm 1870, tổng thống Ulysses S. Grant mới ký đạo luật nhận Christmas là quốc lễ.

Vào thế kỷ 18, thời kỳ Khai sáng ở Âu châu, nhiều nhà trí thức châu Âu đặt nghi vấn về ngày Christmas, và nhiều nhà học giả Ki-tô đều thú nhận rằng ngày Chúa Giáng Sinh là chôm chĩa tử lễ Thần Thái Dương Vô Địch (the Sol Invictus festival) của đế quốc La mã kể từ năm 243. Giáo hội Ca-tô La mã đã trơ trẽn khiên cưỡng rằng Dê-xu tượng trưng cho Mặt trời (Christo Sole: Christ the Sun), điều đã được tiên báo trong sách Malachi 4:2.

Isaac Newton nói toạc ra là ngày Christmas được chọn để trùng vào ngày sau Đông chí, mà theo cổ truyền là ngày 25 tháng Chạp. Năm 1743, mục sư Phản thệ người Đức Paul Ernst Jablonski phản đối việc chọn ngày 25 tháng Chạp của ngày Lễ Thần Thái Dương Vô Địch “Dies Natalis Solis Invicti” của La-mã, đã làm giảm giá trị của lễ Giáng sinh. Năm 1889, Louis Duchesne thì bảo Giáo Hội Ca-tô La mã đã chọn ngày 25 tháng Chạp là ngày sinh của Dê-xu sau khi tính toán thai kỳ từ khi thiên thần Gabriel báo tin cho chị gái xề còn trinh Mary là Chúa cha sẽ ăn nằm với bà và chúa con Dê-xu được thụ thai vào ngày 25 tháng Ba (lễ Annunciation). Thực ra ngày ấy vào dịp Xuân phân, mọi loài cây cỏ sẽ nẩy mầm tái sinh. Thuyết này bắt nguồn từ cuốn Chronographai, in ấn năm 221, qua đó Sextus Julius Africanus đề nghị là Dê-xu được thụ thai vào kỳ Xuân phân (spring equinox), tức 25 tháng 3 theo lịch La-mã; từ đó đoán ngày sinh của Dê-xu vào tháng Chạp. Hồng y Joseph Ratzinger, bây giờ là Giáo hoàng Benedict XVI, đã từng ủng hộ mạnh mẻ thuyết này. Toàn là dựa theo thời tiết mà dân gian đã đặt ra từ lâu mà phịa ra cả.

Đế quốc La-mã đã được hình thành qua 3 giai đoạn: Vương triều La-mã (753 TTL. – 509 TTL.), Cộng hoà La-mã (509 TTL. 27 TTL.) và Đế quốc La-mã (27 TTL. 476 TL.)

Chính cái tham vọng đế quốc lâu dài của mình mà các hoàng đế La-mã đã từ bõ lối sống tâm linh đa thần tự nhiên để theo đuổi độc thần giáo phát sinh từ Do thái giáo, đưa dần đến độc tài độc tôn, đã để lại nhiều trang sử đẩm máu cho nhân loại từ khi dựng lên Ca-tô giáo La-mã.

Trong thời cổ, các bộ lạc nhỏ nhoi Do thái luôn bị các dân tộc khác mạnh hơn trong vùng Canaan ở trung đông ngày nay tìm cách tiêu diệt, nên vì lý do sinh tồn mà các tổ phụ dân Do thái đã nghĩ ra những huyền thoại gom về một mối cho là dân mình đã có kết ước với thần Jehovah (Thiên Chúa), một anh thần vớ vẫn trên mây, nên được Chúa chọn cốt làm tăng thêm sự mê tín của kẻ bình dân mà phấn đấu sống còn.

Đến triều Constantine I ở đầu thế kỷ thứ 4, nhận thấy độc thần giáo phù hợp với đường lối và kế lâu dài bành trướng đế quốc của mình nên xào nấu Do thái giáo mà chế ra Ki-tô giáo để lợi dụng sự cuồng tín của đám cùng đinh. Hứa hẹn những điều viễn vông với thiên đàng có Chúa cha Chúa con quả là chẳng tốn một đồng xu mà đổi lại được sự tình nguyện hy sinh xương máu cho những cuộc xâm lăng, chém giết, cướp giựt và chia chác của cải vật chất, đẩt đai và quyền lực trần gian cho mình thì còn vũ khí nào hiệu quả hơn. Tự nhiên ông ta lại biến được một phần lớn nhân loại thành những tên nô lệ tâm linh từ bấy đến nay.

Có thể vì tình hình cấp bách nên Constantine I đã không kịp sáng tạo ra một hệ giáo lý hoàn chỉnh và tốt đẹp hơn nên nhận đại cái nền thần học khập khiểng và tổ chức giáo sĩ có sẳn đã giúp mình trong chiến dịch thống nhất đế quốc. Vì vậy toàn bộ giáo thuyết của Ki-tô giáo chỉ là những huyền thoại nhi đồng để mê hoặc dân chúng kém văn minh. Và chuyện giáng sinh của Dê-xu không nằm ngoài sự biên kịch và đạo diễn của Constantine I.

Nhưng xét cho kỷ thì ta phải thán phục ông hoàng đế La-mã này. Quả là ông chơi trò xỏ lá mà cả hệ thần học Ki-tô không nhận ra; hoặc có biết nhưng cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt bấy lâu mà không giám sửa, vì nó đã trở thành truyền thống. Constantine I cho xưng tụng Dê-xu là Chúa cứu thế, trong khi bản thân Chúa lại không tự cứu nổi, mà phải chịu để lính La-mã đóng đinh chết trên cọc chữ thập. Bọn giáo sĩ lại được lệnh ca tụng cái chết ấy là để chuộc tội cho nhân loại. Xác Dê-xu không toàn thây, không có mộ táng, thì bọn giáo sĩ bảo là phục sinh về trời. Xưa nay người ta thường bảo kẻ chết rồi không thể bào chữa được, và kẻ sống cứ lợi dụng tha hồ mà vẽ voi là thế. Ô hô! Constantine I lại còn bắt giáo hội Ca-tô chọn biểu hiệu cho đạo mình là cái thập giá, nơi Dê-xu chịu tội chết, hình như để răn đe nhắc nhỡ bọn giáo dân về hậu quả phải chịu như giáo chủ nếu bọn họ âm mưu tạo phản. Thực hết ý. Xin bái phục Constantine I, nhà cai trị độc tài và đại tài.

Dân Anh Mỹ được trao truyền lại những truyền thống của cha ông ở trời Âu, thường tự hào về nền văn minh cơ khí kỷ thuật của mình, luôn kêu gào tự do, dân chủ và nhân quyền, nhưng lại bám cứng vào niềm tin tôn giáo độc thần đầy tàn bạo của mình. Có thể thành phần lãnh đạo và thượng lưu thừa biết những truyền thống tín ngưỡng ấy là nhãm nhí nhưng họ vẫn muốn duy trì và thực hành vì nó là một thiết kế tâm lý phù hợp và hữu hiệu nhất cho việc cai trị con người trong mọi thời đại.

Đó cũng chính là ngõ cụt trong đời sống tâm linh của tây phương. Vì thế mà các chính sách ngoại giao của tây phương không thể thuyết phục được những dân tộc khác có nền văn minh và tín ngưỡng đầy bao dung và nhân bản hơn vì không lý giải được cái mối mâu thuẩn trong lối sống đạo và đời của mình.

Nay thì Christmas chỉ thuần là cơ hội để giới tài phiệt kiếm thêm tiền bằng cách tạo càng nhiều lễ hội càng dễ rút tiền từ hầu bao khách tiêu dùng. Ở tây phương, nhất là Anh Mỹ có tháng nào mà không có ngày lễ trọng để mọi sắc dân, mọi giới, mọi lứa tuổi phải đâm đầu chạy theo những tục lệ tân thời do bọn tài phiệt tẩy não qua những quảng cáo liên tục trên màn ảnh TV mà tiêu tiền liên tục. Cái gì cũng có thể lợi dụng được cả, ngay cả thần thánh; mà thần thánh lại là món dễ bán nhất. Amen.

Thiên Lôi

Christmas 2008

http://www.giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=3175