Lễ Bách Nhật Trai Tuần Cố Giáo Sư Trần Chung Ngọc Tại Tu viện An-Lạc, Ventura, CA

Trang nhà sachhiem.net

http://sachhiem.net/TCN/29JAN14/ChiabuonA_100.php

09-May-2014

Buổi lễ cầu siêu Bách Nhật cho cố GS Trần Chung Ngọc do Ban Chủ Biên của trang nhà sachhiem.net phối hợp với Tu viện An Lạc tổ chức đã diễn ra lúc 5:00 giờ chiều ngày 09 tháng 5, năm 2014, đúng 100 ngày sau khi GS Trần Chung Ngọc từ trần.

Được sự cộng tác và hướng dẫn rất ân cần của Hòa Thượng Thích Thông Hải, viện trưởng Tu viện An Lạc Ventura, việc tổ chức lễ cầu siêu đã tiến hành thuận lợi và tốt đẹp. Nhờ có thêm sự tham dự của gia quyến (ông bà Hà Dương Dực) và đặc biệt của phu nhân của cố GS Trần Chung Ngọc, và các độc giả thân hữu cũng như những vị đồng tác giả trong một số bài viết nên buổi lễ mang đầy ý nghĩa và thêm phần long trọng.

Mặc dù Tu Viện An Lạc ở Ventura, một nơi xa các trung tâm thị tứ của bang California, các thân hữu đã không ngại đường sá xa xôi, có người hơn trăm dặm, lặn lội cả ngày đường, có vị đã phải nghỉ qua đêm ở một thành phố trung gian để đến tham dự lễ cầu siêu bách nhật cho cố GS Trần Chung Ngọc. Những người đến tham dự đều có nhiều tình cảm sâu đậm với một người bạn vừa vĩnh viễn ra đi, cho nên bầu không khí chiều hôm ấy chan chứa yêu thương

Như đã ấn định, khoảng 5:00PM, chư tôn đức Tăng Ni, thân bằng quyến thuộc và thân hữu của Cố GS Trần Chung Ngọc vân tập về Chánh Điện. Hòa Thượng Thích Thông Hải làm chủ lễ, đồng thời cũng là người điều phối chương trình (MC) cho đúng nghi thức Phật giáo.

Tuyên bố lý do và đọc tiểu sử GS Trần Chung Ngọc:

Để bắt đầu chương trình, ban chủ trương sachhiem.net nhờ một đại diện BTC tuyên bố lý do.

BTC đã nhắc đến số lượng (trên 340 bài trực tuyến) và phẩm chất của các tác phẩm của cố GS Trần Chung Ngọc đăng trên hai trang mạng sachhiem.net và giaodiemonline.com. Dẫn chứng về giá trị các bài viết nầy, BTC đã trích dẫn các nhận xét của Thượng Tọa Thích Nhật Từ trên trang nhà Đạo Phật Ngày Nay ("Các dữ liệu được Giáo sư nghiên cứu rất có giá trị về phương diện học thuật, khai thông nhiều vấn đề về lịch sử Việt Nam cận đại"), của báo Việt Weekly ("Với đồ sộ một số lượng bài viết tranh luận nảy lửa, thẳng thừng và không nhân nhượng về những vấn đề xã hội, chính trị, tôn giáo, chưa bao giờ thấy ông bày tỏ một thái độ nao núng"), cũng như phản ứng sôi động của các độc giả về các bài viết đầy hào hứng của ông. BTC đi đến kết luận rằng việc tưởng niệm cho cố GS Trần Chung Ngọc là việc làm không những rất chính đáng mà còn cần thiết nữa, trên cả hai phương diện đạo lý và nhân văn.

Sau cùng, BTC giới thiệu các trưởng phái đoàn từ các nơi như Santa Ana, Chatsworth.

Tiếp theo phần giới thiệu, Đại Đức Thích Chúc Hiền đọc tiểu sử Cố GS Trần Chung Ngọc. Vì bản tiểu sử của Thầy Nhật Từ đăng trên tờ Đạo Phật Ngày Nay được viết với lời nhận định, đánh giá rất chính xác về các công trình nghiên cứu của GS Trần Chung Ngọc, nên BTC đã chọn để đọc cho buổi lễ Bách Nhật này. (Xin xem Trang Tưởng Niệm Giáo Sư Trần Chung Ngọc - 2)

Nghi lễ cầu siêu chính thức:

Sau đó, lễ chính thức cầu siêu 100 ngày bắt đầu lúc 5:40PM tại Chánh Điện và kéo dài hơn nửa giờ với số người tham dự lên đến 50 người.

Nghi lễ cúng cơm:

Sau khi Lễ Cầu siêu chấm dứt với bài Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa huyền diệu, Hòa Thượng Thích Thông Hải đã ban một đạo từ ngắn về ý nghĩa sinh tử của kiếp nhân sinh, và cử hành lễ cúng cơm cho hương linh Cố GS được siêu thoát. Bên cánh phải của chánh điện là một bàn thờ nhỏ đặt khung ảnh của Cố GS Trần Chung Ngọc, pháp danh Phúc Lâm, có hoa, quả, cơm, nước, chén trà, với hai câu đối của các thân hữu kính phúng GS Trần Chung Ngọc do Trần Hải Âu chấp bút:

Năm mươi năm trước, lửa Từ Bi rực sáng trời Nam, bức phá gông cùm phường phản quốc; hậu thế tôn thờ quả tim Quảng Đức.

Nửa thế kỷ sau, ngọn Tuệ Đăng chiếu ngời đất khách, đẩy lùi bóng tối đạo gian tà; mọi người tri ân diệu trí Phúc Lâm.

Nghi lễ cúng hương linh.

Phát biểu cảm tưởng:

Sau Lễ cúng cơm, một số quan khách và thân hữu được mời lên để phát biểu cảm tưởng và những kỷ niệm về người bạn thân quá cố. Thầy Viện chủ Tu Viện An Lạc giới thiệu các vị giáo sư lần lượt trình bày cảm tưởng. Đầu tiên là GS Trần Quang Thuận. Giáo sư Thuận kể lại những lúc cộng tác chặt chẽ với cố GS Trần Chung Ngọc trong một số Phật sự. Kế đến, GS Bùi Ngọc Đường trình bày tuy cô đọng nhưng rất rõ ràng và quyết liệt lập trường chống lại các thành phần phi dân tộc mà GS Trần Chung Ngọc là một trong những người thể hiện lập trường đó một cách kiệt xuất.

Người thứ ba là cựu Đại Tá Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả, Hội Trưởng Hội Đuốc Tuệ, đã đọc một bài thơ mà ông rất tâm đắc để ghi nhớ cố GS Trần Chung Ngọc. Bài thơ có đoạn thật xúc động:

Năm xưa Anh giống cây tùng
Chênh vênh đầu núi vui cùng trăng sao
Mặc cho thiên hạ lao xao
Riêng anh vẫn đứng đỉnh cao một mình

Và kết thúc:

Thế kỷ hai mươi, sử Việt thành,
Hồn trai thế hệ đượm tình xanh
Quê người hoài niệm dòng Hồng Lạc
Tặng đời ca khúc: “NGỌC Vô Thanh

Thầy Viện chủ cũng không quên giới thiệu GS Nguyễn Mạnh Quang, cũng là một trong những cây bút chủ lực của trang nhà sachhiem.net. Trong phần phát biểu ông tóm tắt quá trình từ lúc cùng du học với cố GS Trần Chung Ngọc từ năm 1966 ở Washington DC, và nguyên do đã đưa đẩy họ tái hợp nhau trong công cuộc giải hoặc. Ông kết luận rằng cả hai người cùng nguyện nêu cao tinh thần dân tộc, và phải đặt quyền lợi tổ quốc lên trên các quyền lợi cá nhân, hoặc những thù hận có tính cách chính trị giai đoạn.

Trong số các thân hữu được mời, có anh Nguyễn Tấn được xem như tiêu biểu cho thế hệ trẻ ở địa phương xin được nêu cảm tưởng. Đại ý, anh Nguyễn Tấn ngưỡng mộ tài đức của GS Trần Chung Ngọc và xem GS như một ngọn nến dẫn đường cho thế hệ mai sau.

Phần kết thúc: Cám ơn và chụp ảnh kỷ niệm

Cuối cùng, Bà Hà Dương Thị Di, phu nhân của GS Trần Chung Ngọc đứng lên cảm ơn quan khách. Bà rất xúc động, và không gian như chìm hẳn xuống. Trong giây phút gần như không nói ra thành lời, bà cảm kích và cám ơn Ban Tổ Chức và Tu viện An Lạc cùng các vị thân hữu, và ước mong mọi người cứ tiếp nối con đường mà phu quân của bà đã thắp sáng.

Buổi lễ Cầu Siêu Bách Nhật Trai Tuần được hoàn thành viên mãn vào khoảng 7:30PM.  Lúc này một số nhỏ anh chị em có việc gấp bắt đầu ra về. Thầy Viện chủ bèn mời những người còn lại cùng chụp chung vài bức ảnh kỷ niệm ở Chánh Điện, và ở bàn thờ cố GS Trần Chung Ngọc.


Bức ảnh chụp kỷ niệm ở Chánh Điện


Bức ảnh chụp kỷ niệm nơi cúng hương linh GS Trần Chung Ngọc

Bữa cơm chay:

Theo lời mời của Thầy Viện chủ, mọi người cùng xuống trai đường ở tầng lầu dưới để dự buổi cơm chay do Tu Viện An Lạc phụ trách.


Thầy Viện chủ cùng ông Hà Dương Dực - một trong các thân quyến của cố GS Trần Chung Ngọc



Thầy Viện chủ cùng bà Hà Dương Thị Di, phu nhân của cố GS Trần Chung Ngọc




Ở trai đường, tại các dãy bàn, mọi người trao đổi thêm những câu chuyện thân mật riêng tư. Sau bữa cơm đậm tình, các quan khách chia tay ra về trong lưu luyến.

 

http://sachhiem.net/TCN/29JAN14/ChiabuonA_100.php

Trang Sách Hiếm