- Thêm 1 Âm Mưu Xóa Tội -

Nguyên Nhân Thực Sự Của Nạn Đói Năm 1945

Nguyễn Mạnh Quang

http://sachhiem.net/NMQ/NMQ112.php

06-May-2020

LTS: Cùng với các vụ "xóa tội" khác của thế lực nhà thờ, như "tin phịa" ông Ngô Đình Diệm bị giết vì không cho Mỹ đổ quân (đã được giải mã từ năm 2002) mà chúng tôi đã trình bày trong video ngày 5/5/2020, vấn đề đổ thừa hoàn toàn nạn đói cho Nhật cũng mới bắt đầu chừng vài chục năm nay, có lẽ cũng nằm trong thuyết âm mưu là xóa tội cho Pháp, mà Thiên Chúa Giáo là đồng mưu, cũng cảm thấy "nhẹ nhõm". Vấn đề này các bạn trẻ không thể nhìn thấy nếu không hiểu rõ lịch sử của Giáo Hội La Mã can thiệp vào nội tình của Việt Nam từ thế kỷ 17 cho đến nay.

Mới đây, trong video ngày 5/5/2020 "Góc Nhìn Hoàng Duy Hùng: Kính mời phản biện cờ tố quốc trên sử quan", diễn giả cũng đem nạn đói năm 1945 vào. Bắt đầu từ phút 4:40 LS Hùng nói:

"Nhật đã vào VN năm 1940, hất chân Pháp ra khỏi Việt Nam, đã đặt nhiều vấn đề lên trên VN, làm cho đất nước năm 1945 hai triệu người chết. Năm Ất Dậu chết đói. Nhật quyết định lấy gạo để đổ trở thành than chạy xe lửa, chớ không cho người dân VN ăn, chết đói 2 triệu, cái mùa hè đó. Thế chính phủ TTK 17-4-1945 cờ vàng quẻ ly có chính nghĩa đại diện được không, có tranh đấu được gì cho quyền lợi của dân tộc không?" (phút 5:30)

Thật ra, thế lực ngoại xâm nào cũng không tử tế với dân ta, Nhật, Pháp, Vatican, cũng cùng một giuộc. Vấn đề là vai trò của Pháp là chính yếu vì nó có hệ thống, chính sách hẳn hoi, và lại lâu dài hơn thời gian Nhật đổ quân vào Việt Nam.

Vấn đề lịch sử, phần đông chúng ta không còn mấy ai sống từ thời Pháp, Nhật, qua nạn đói... mà ngay cả những người còn sống và chứng kiến từ thời đó đi nữa, việc chứng minh đâu là nguyên nhân cũng phải dựa vào tổng thể các dữ kiện trong các sử liệu, các thứ tự của thời điểm, việc trước là nguyên nhân cho việc sau. Lịch sử chân chính không phải là cứ lập đi lập lại một đoạn được cắt xén trong chuỗi sự kiện, vì nó sẽ mang một ý nghĩa khác. Xin mời quí vị đọc các tài liệu chứng minh sau đây để rút cho mình một bài học đúng. (SH)

Là một người viết sử, và cũng đã viết về nạn đói 1945 (xem danh sách bài liệt kê bên dưới), tôi xin khẳng định rằng nguyên nhân gây ra nạn đói vào đầu năm 1945 là do Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican gây ra, chứ không phải là người Nhật như được tuyên truyền từ sau năm 1975 đến nay. Chúng tôi cho rằng đây là một âm mưu đổ hết tội cho Nhật, và chạy tội cho Pháp và Giáo Hội La Mã. Xin kể ra đây một số tư liệu chứng minh rằng nạn đói đã có rất lâu trước khi Nhật nắm quyền ở Việt Nam, nghĩa là kết quả của sự cướp đoạt tài nguyên và nhân lực của nhân dân Việt Nam trong nhiều năm dưới tay thực dân Pháp và Giáo Hội La Mã. Yếu tố Nhật chỉ là giọt nước tràn mà thôi. Xin duyệt qua các tài liệu sau đây.

Thứ nhất, Giáo Hội La Mã đã không từ nan bất kỳ một thủ đọan nào kể cả những thủ đoạn và hành động đê tiện nhất để bốc hốt, vơ vét của cải và tích lũy cho đầy túi tham của Giáo Hội. Chính linh mục Trần Tam Tỉnh (1929-2019) đã tả những mánh lới mà Nhà Chung Công Giáo La Mã cướp đoạt ruộng đất ở Việt Nam như sau.

“Chỉ một mình Nhà Chung Công Giáo mà chiếm hết một phần tư đất trồng trọt ở Nam Kỳ. Phương thế chiếm hữu các đất đai đó rất là đơn giản:Dùng tham nhũng, hối lộ và cưỡng ép. Đây là một vài ví dụ rõ ràng. Nhà Chung lợi dụng khi mất mùa để cho nông dân vay tiền. Tiền lời cho vay rất nặng, nên con nợ sẽ không thanh toán nổi khi tới ngày trả, và như thế là đất cầm trở thành đất Nhà Chung. Giáo Hội không từ một việc nào để nắm những giấy tờ hệ lụy bí mật và nhờ đó dọa dẫm các quan chức, bắt họ phải làm theo ý mình muốn. Giáo Hội cũng liên minh với những tay tài phiệt để khai thác các vùng đất nhượng cho không và những thửa ruộng cướp được của nông dân. Giáo Hội có người của mình nắm giữ những vai trò thế giá trong chính quyền thuộc địa…”  (1)

“Nhà Chung đã tổ chức một hệ thống tình báo hoàn bị, cung cấp tin tức cho biết tất cả những gì liên hệ tới những con người, những công ty, những công cuộc, những hành động và phương án chính trị tại Đông Dương. Nhà Chung đã đặt được người thân tín của mình vào tất cả các cơ quan, vào hầu hết các xí nghiệp tại các trung tâm lớn cũng như tận cùng những tỉnh xa xôi."(2)

Từ những năm đầu cuộc chiếm đóng của chúng ta, Nhà Chung đã quan tâm cho được chiếm cho được tại Nam Kỳ những tài sản khổng lồ. Nhà Chung có tất cả 28.500 hecta ruộng, không kể đất đai ở thành thị cũng như các bất động sản và của cải khác. Tại Miền Tây Nam Kỳ, Nhà Chung làm chủ vùng đất lớn rộng tới ba bốn hoặc sáu ngàn hecta". (Sàigon 14-12-1934.” (3)

Thứ hai, nạn đói đã manh nha từ năm 1938 ở nhiều tỉnh thành miền Tây và miền Nam, từ Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Cụ Ngô Văn viết trong cuốn Việt Nam 1920-1945, mô tả nạn đói bắt đầu như sau:

“Vùng Phước Long (Rạch Giá), ngày 3/9/1938, khoảng 1,500 dân cư làng Vĩnh Phú, Vĩnh Lợi, Vĩnh Quới, Mỹ Quới, phần đông là đàn bà và trẻ con kéo nhau đến quận Phước Long xin cầu cứu, than đói và không tìm được việc làm. Chủ quận Trình phát cho người này 5 xu, người kia 10 xu, nhận 64 người đàn ông để vét mương gần bên chợ trả 0,60 $ một ngày. Qua mấy ngày sau, 700 người được tạm thâu (được trả) 0,57 $ một ngày, còn 500 người khác không được nhận. Ngày 10 (tháng 9/1938) ông Trình đuổi hết 700 người rồi cáo bệnh, khóa cửa văn phòng…

Nông dân miền Tây tột mức cùng khổ, náo động nhiều nơi ở Cổ Cò, Phong Thạnh, tỉnh Sóc Trang - Bạc Liêu. Ở Cổ Cò, độ một trăm dân đói, phần đông là người Khơ-me, đàn bà và kỳ lão, kéo đến đồn điền Lê Văn Châu toan khai vựa lúa.

Ở Bạc Liêu, trong một tuần lễ, dân nghèo chiếm lối mươi vựa thóc. Ngày 15/9 (1938), bốn chục tá điền của Dương Khánh kéo đến quận để cáo tên này đã thâu đọat hết lúa mùa của họ. Nhưng chủ quận Gia Ray (nói), quan chức nào dám đả động quyền tư hữu thần thánh (Giáo Hội La Mã). Qua ngày 6/10 (1938), tên đại điền chủ Dương Khánh xám mặt trước cảnh 300 dân đói già có trẻ có, lao nhao đàn bà trẻ con, ùn đến khai vựa thóc của y khuân ráo 500 giạ lúa chứa ở đó.

Giữa thị xã Cà Mâu, 500 nông dân đói biểu tình ngày 4/10 (1938) kêu cứu, bị lính táo bạo giải tán, nhiều chiếc xuồng bị đắm, nhiều nông dân bị thương. Đại biểu của họ bị bắt.. Nhiều người buôn bán động lòng mua cả hàng thúng bánh mì phân phát cho dân đói. Một bà điền chủ bố thí độ một trăm đồng bạc.

Ngày 7/10 (1938), lính giải tán 400 nông dân ở Rạch Rang, và bắt 45 người trong khi họ khai vựa lúa của Lý Chiêu. Ở Long Tron, 300 dân đói kéo đến vựa lúa của xã Thiêng, những bị lính giải tán. Tại Cái Cung, 400 nông dân mở vựa lúa của bà Nguyên Xon…

Từ 6 đến 8 tháng 10 (1938), nông dân Phước Long (Rạch Giá) thu hồi lúa trong các đồn điền người Pháp Savary, Hoareau, Caussin, Fernand Godara. (La Dépeche d’Indochine, 19, 28/9 và 8, 11/10/1938).

Liền theo đó, tòa án Rạch Giá nhóm ngày 12/10 (1938), kêu án 45 nông dân Phong Phú từ 1 đến 2 năm tù về tội “phạm quyền tư hữu tài sản”, 27 người 1 năm tù, 3 người 8 tháng. Cũng tòa án ấy kêu án 41 anh dân cày Mỹ Hội từ 2 tớ 6 tháng tù. (Tranh Đấu, 22/12/1938).

Phóng viên báo Tranh Đấu cùng ba nhà báo khác ở Sàigòn đến điều tra trong vùng đều bị bắt giam ở Bạc Liêu từ tháng 10 (1938). Họ bãi thực làm reo đến tháng Giêng năm 1939 mới được thả.” (4)

Thứ ba, thử tìm hiểu chính quyền thuộc địa đã làm gì để đưa đến tình trạng dân đói như thế. Năm 1939 bắt đầu Thế Chiến thứ hai, Toàn quyền Catroux ra nghị định đặt Đông Dương trong tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đàn áp được đưa ra để tấn công các đảng phái chính trị, và bắt đầu siết cổ nhân dân ta về mặt kinh tế. Tác giả Phạm Hồng Tung kể lại biện pháp kinh tế trong mục nói về chính sách thống trị của Pháp trong thời kỳ này như sau:

Đi đôi với chính sách đàn áp tàn bạo nói trên, Catroux cho ban hành chế độ "kinh tế chỉ huy" nhằm tăng cường vơ vét bóc lột để "cung cấp cho mẫu quốc tiềm lực tối đa của Đông Dương về quân đội, nhân lực, các sản phẩm và nguyên liệu." [Catroux, Georges, Deux Actes du Drame Indochinois, Plon, Paris, 1959, p. 7] Một mệnh lệnh được Phủ Toàn Quyền ban ra: tất cả các phương tiện kinh tế, kỹ thuật, giao thông, truyền tin, v.v... đều có thể bị trưng tập bất cứ lúc nào để dùng cho quân đội hoặc chở về mẫu quốc. Hàn chục loại thuế mới chuẩn bị được công bố. Chỉ trong vòng hai tháng đầu, gần 80 ngàn thanh niên Việt Nam đã bị bắt lính và đưa sang chiến trường Châu Âuđể bảo vệ "Mẫu Quốc" [chỉ trong vòng mấy tháng đầu chiến tranh, chính quyền thực dân ở Đông Dương đã vơ vét được 37.955 tấn hàng hóa, chủ yếu là lương thực và một số loại nguyên liệu phục vụ công nghiệp chiến tranh, trị giá tớ 50 triệu Francs đưa về Pháp](5) .

Sách Việt Sử Khảo Luận- Cuốn 4 cũng viết rằng chủ động là Pháp trưng thâu lúa gạo vào kho dự trữ của Pháp trong những năm 1943, 1944 để đề phòng một binh biến sắp đến.

Bọn Pháp Decoux – Morlant, từ mùa gặt cuối năm 1943 đến hai mùa gặt năm 1944, cũng trưng thâu gạo bỏ vào các kho quân đội Pháp để phòng hờ một cuộc đổ bộ Đồng Minh vào Đông Dương.”(6)

Thứ bốn, chính Pháp đã làm những chuyện tồi tệ để cho nạn đói càng ngặt nghèo hơn, nhưng lại đổ cho Nhật. Từ việc đi vơ vét các nông phẩm từ Nam chí Bắc để dự trữ riêng, rồi không chở gạo ra Bắc, đến việc dùng lúa đốt thay than củi ở các nhà máy điện. Những hành động bất nhân này ngày nay họ tuyên truyền là do Nhật làm. Một học giả chứng nhân đương thời là ông Hoàng Trọng Miên kể như sau:

Giữa thời kỳ ấy, để phòng ngừa dân miền Bắc nổi dậy, Pháp tung đám tay sai đi khắp nơi vơ vét hết thóc gạo tải về tập trung ở các kho dự trữ riêng, lấy cớ là để tiếp tế cho quân đội Nhật. Hết ép buộc mua rẻ của dân quê, Pháp lại vãi tiền ra mua thóc, ngô (bắp) bằng một giá cao để thu cho kỳ sạch ngũ cốc hiếm hoi của miền Bắc. Gạo Nam Kỳ thì không được đưa ra, lấy cớ là phi cơ Đồng Minh ngày đêm không ngừng bắn phá tàu bè, ghe thuyền, còn đường xe lửa xuyên Đông Dương thì Pháp dành cho Nhật chuyên chở quân sự. Lúa thừa ở miền Nam chất chứa đầy kho, Pháp đem đốt thay than củi ở các nhà máy điện.

Dân quê ở Bắc khởi sự chết đói từ cuối năm 1944. Mùa lúa tháng Mười lại thất bát. Người có tiền ở thôn quê cũng đành nhịn ăn, vì thóc gạo đã bị lấy sạch. Tại thành phố, mỗi khẩu phần người Việt đều phải ăn gạo “bông” (phiếu mua gạo) ở trong tay chính quyền Pháp phân phát.” (7)

Thứ năm, nhà viết sử Hoàng Ngọc Thành khẳng định rằng chính người  Pháp (đúng hơn là Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican) có dã tâm cố tình gây ra để cho dân miền Bắc đói khổ, khiến cho họ không còn có khả năng ủng hộ và trợ giúp cho phong trào của nhân dân ta đang sôi sục vùng lên tại các vùng Trung Du và Thượng Du ở miền Bắc. Dưới đây là nguyên văn:

Nạn Đói 1944-1945: Nhiếp ảnh gia danh tiếng Nguyễn An Ninh đã chịu khó đi xe đạp chụp hình các nạn nhân của nạn đói khủng khiếp này tại Hà Nội và một số tỉnh có người chết đói. Sau đấy, ông trưng bày những tấm hình này tại Hà Nội và Sàigòn nhằm để đồng bào cả nước biết về nạn đói này và nhằm thúc đẩy cả nước tìm cách giúp những người đang bị đói và chết đói.Nguyên nhân chính là chính sách dã man của thực dân Pháp dưới quyền toàn quyền Jean Decoux. Chúng hiểu rằng sau khi Pháp bị Đức đánh bại và chiếm đóng lãnh thổ, Nhật tràn vào, uy thế của chúng đâu còn như trước. Các dân tộc thuộc địa, nhất là dân tộc Việt Nam làm sao khỏi nổi dậy giành lại độc lập, Hết Bắc Sơn, đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa, rồi Đô Lương, các toán du kích tại miền Bắc còn họat động đánh phá, rồi Mặt Trận Việt Minh ra đời. Để đối phó, chúng vừa khủng bố tàn ác, vừa gây ra nạn đói thiếu lương thực để khó tiếp tế cho du kích, làm chết đói, thân tàn ma dại, nếu không diệt được cũng làm giảm bớt sức nổi dậy. Tại Nam Kỳ, dư thóc gạo, chúng dùng để đốt lò. Chúng gây ra sự thiếu vải trầm trọng. Tại nhiều vùng quê, vợ chồng chỉ có một cái quần, ai có việc đi ra ngoài mới mặc quần. Một số đồng bào phải cắt bao bố quấn quanh người thay quần áo. Những bức ảnh của nhíêp ảnh gia Nguyễn An Ninh là bằng cớ hùng hồn về nạn đói 1944-1945 giết hại một phần dân tộc tại miền Bắc.

Số nạn nhân chết đói là bao nhiêu nhân mạng, già, trẻ, lớn nhỏ? Chính quyền Pháp không làm việc thống kê này. Việc này không khó. Chỉ cần mỗi làng, tổng, châu, huyện, phủ, thị trấn và thành phố điểm số xác chết đưa đi chôn mỗi ngày, rồ báo cáo lên cấp trên từng tỉnh, lên Phủ Thống Sứ Bắc Kỳ và Khâm Sứ Trung Kỳ là có số thống kê số nạn nhân chết đói. Thực dân Pháp đâu có cần biết bao nhiêu người Việt chết đói, đối với chúng càng chết đói nhiều, chúng càng mừng thầm trong bụng.

Xin trình một đoạn tường thuật của một nhân chứng: Khi nạn đói mới bắt đầu, người chết còn ít, mỗi buổi sáng xe hơi mang dấu Hồng Thập Tự của Sở Vệ Sinh đi các phố nhặt xác đem về bệnh viện thành phố cuốn chiếu đem chôn. Về sau số người chết đói tăng nhiều, một xe Hồng Thập Tự không đủ, Sở Vệ Sinh phải thuê xe bò nhặt xác và tại bệnh viện thành phố, một nhân viên Sở Vệ Sinh đếm xác chết trả tiền. Nhưng khi số người chết nhiều quá, phố nào cũng có, nên không thể tập trung xác ở một nơi nữa. .Sở Vệ Sinh cho phép nhà thầu được đếm xác chết đi chôn. Họ chỉ bảo người nhặt xác chết cắt đôi vành tai của các xác chết xâu lại, rồi mang tới Sở Vệ Sinh lấy tiền. Sở Công Chánh đã cho đào sẵn những hố dài để các xe hất xác chết xuống, rắc một lần vôi bột rồi lấp đất cho đầy. Những ngôi mộ tập thể này là nơi an nghỉ từng chục người nông dân xấu số. Nhà cầm quyền Pháp không đề xướng thực hiện biện pháp cứu trợ nào cả.” (trang 176-177)

...

Ông Kawai, đảm nhiện công việc giám sát chuyển gạo từ Nam ra Bắc qua tỉnh Nam Định, đồng thời là quản lý chung về gạo dự trữ, phân phối trong tỉnh, thấy có những nơi vẫn còn gạo chất như núi trong những kho quân đội. Không những thế, tại một nhà thờ Thiên Chúa giáo trong tỉnh, gạo đầy ắp trong kho. Ông đã thuyết phục Đại Sứ Quán Nhật mở kho phát gạo nhưng họ không nghe. Như thế cả Pháp lẫn Nhật đều là thủ phạm gây ra nạn đói 1944-1945, giết hại trên dưới từ 1 đến 2 triệu đồng bào (trang 179-180)(8)

Kết Luận:

Vì giới hạn của bài viết này, chúng tôi chưa nói đến chính sách thuế khóa bóc lột dân ta đến tận xương tủy là do cả Pháp và Vatican cùng chủ trương để chúng dễ dàng dùng miếng mồi vật chất dụ khi (câu nhử) dân ta “theo đạo lấy gạo để mà ăn”, và cũng chưa nói đến bọn thực dân Pháp cướp đoạt ruộng đất canh tác của dân ta giống như Giáo Hội La Mã đã cướp đoạt.. Vấn đề này đã được chúng tôi trình bày khá đầy đủ trong:

Mục X “Vatican Bóc Lột Nhân Dân, Và Cướp Đoạt Tài Sản Tại Việt Nam Trong Thời Kỳ 1862-1945” (http://sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/MucX.php)

Chương 27 “Tiền Bạc, Châu Báuc Bị Pháp, Vatican Và Tín Đồ Ca-tô Ăn Cướp  Trong Thời Kỳ  1858-1954”  (https://www.sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH27.php)

Chương 28 “Giáo Hội La Mã Bóc Lột Nhân Dân Việt Nam Bằng Chính Sách Thuế Khóa Và Sưu Dịch” (https://www.sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH28.php)

Chương 29 “Cướp Chùa, Chiếm Đất Xây Nhà Thờ Và Cuớp Đoạt Ruộng Đất Của Nhân Dân” (http://sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH29.php)

Chương 30 “Hậu Quả Của Những Chính Sách Thuế Hóa, Sưu Dịch Cướp Đoạt Ruộng Đất Của Chính Quyền Bảo Hộ” (http://sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH30.php)

Chương 31 “Hai Cảnh Đời Trái Ngược” (http://sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH31.php)

Các chương sách trên đây nằm trong Mục X, sách Lịch Sử Và Hồ Sơ Tội Ác Của Giáo Hội La Mã.

__________

Chú thích:

(1) Trần Tam Tỉnh, Thập Giá Và Lưỡi Gươm (TP Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Trẻ, 1978), tr. 76-77.

(2) Trần Tam Tỉnh, Sđ d., tr . 77 .

(3) Tam Tỉnh, Sđ d., tr . 77-78.

(4) Ngô Văn, Việt Nam 1920-1945 - Cách Mạng Và Phản Cách Mạng Thời Đô Hộ Thuộc Địa (Amarillo, TX (Hải Mã, 2000), tr. 399.

(5) Phạm Hồng Tung, “Nội Các Trần Trọng Kim, Bản Chất, Vai Trò, và Vị Trí Lịch Sử” (NXB Chính Trị Quốc Gia, 2009) tr 51

(6) Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo Luận - Cuốn 4 (Paris: Nam Á, 2002), tr. 1970.

(7) Hoàng Trọng Miên, Đệ Nhất Phu Nhân - Tập 1 (Los Alamitos, CA: NXB Việt Nam, 1989), tr 79-80.

(8) Hoàng Ngọc Thành, Công Và Tội Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh Và Đảng Cộng Sản Việt Nam 1945-2006 (San Jose, CA: Phú Nghĩa, 2009), tr. 176-177.

Nguyễn Mạnh Quang – Ngày 06/05/2020

______________

Video đính kèm:

Đề tài 53: Làm rõ một chi tiết trong video Góc nhìn Hoàng Duy Hùng ngày 5-5-2020

- Phần 1:

- Phần 2:

_____________

Bài đọc thêm:

- Số phận một người tù Việt Nam ở Guyane

- Những người bị quên lãng ở nhà tù Guiana thuộc Pháp

- Nhà lao An Nam ở Guyane