Phát Hiện Mới Về Các Di Vật Đời Tây Sơn

Ở Chùa Thủy Lâm Và Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ-Hà Nội)

Trúc Diệp Thanh

http://sachhiem.net/LICHSU/TRDTH/TrucDiepThanh07.php

10-Oct-2015

    Bài “Đã tìm được lai lịch hoàn chỉnh của Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản (http://sachhiem.net/LICHSU/TRDTH/TrucDiepThanh06.php)” đã xác minh:”Đặng tướng công nêu trong gia phả Đặng tộc và trong các di bản đời Tây Sơn ở Lương Xá là nhân vật lịch sử có hai tên trải qua hai triều đại: Đô đốc Đặng Tiến Đông đời Lê Trịnh (1738-1787) và cũng là Đô đốc Đặng Tiến Giản đời Tây Sơn từ sau năm 1787”. Từ kết quả khám phá lai lịch của Đặng tướng công ở Lương Xá như trên đã có cơ sở để tìm hiểu thêm về một số tồn tại xung quanh nhân vật này.


I- Về hai pho tượng cùng mang tên Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng tiến Đông.

Căn cứ vào thông tin công bố trên công luận cho thấy từ cuối thế kỷ 18, song song với việc phát hiện nhân vật Đặng tướng công ở Lương Xá trên gia phả, trên Sắc phong, văn bia, cũng đã tồn tại hai pho tượng của Đặng tướng công đặt ở hai nơi:một ở chùa Trăm Gian (Quảng Nghiêm tự thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, Chương Mỹ), và một ở chùa Thủy Lâm  ở Lương Xá (nay thuộc xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ) đều thuộc tỉnh Hà Tây cũ nay thuộc Hà Nội. Cũng chưa có bài nghiên cứu nào giải thích vì sao có hai pho tượng cùng một tên nhân vật nhưng hình thức không giống nhau và được thờ ở hai chùa khác nhau?Với việc phát hiện lai lịch đầy đủ của Đặng tướng công:là Đô đốc Đặng Tiến Đông đời Lê (1738-1787) và Đô đốc Đặng Tiến Giản đời Tây Sơn (từ sau 1787…) dã giúp sáng tỏ nghi vấn trên.  

 

Trái (Ảnh 1): tượng Đặng Tiến Đông tại chùa Trăm Gian(Tiên Lữ-Chương Mỹ) 
Phải (Ảnh 2): tượng Đặng Tiến Đông tại chùa Thủy Lâm (Lương Xá-Chương Mỹ) (1)

a) Pho tượng ở chùa Trăm Gian: là pho tượng chụp tách ra từ nhóm tượng trong ban thờ “Đô đốc Đặng Tiến Đông” đặt ở chùa Trăm Gian (Ảnh 3).  Pho tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông được đặt ở chùa Trăm Gian vào thời gian nào? Theo giới nghiên cứu (Phan Huy Lê-Chu Minh Khôi) trước đây pho tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông dân gian thường gọi là tượng “Quan Đô”được tạc và đưa vào chùa Trăm Gian vào năm 1794 (lúc “Quan Đô” còn sống).      


Ảnh 3: Bàn thờ “Đô đốc Đặng Tiến Đông” tại chùa
Trăm Gian. [Đô đốc Đặng Tiến Đông (bên trái) Hà Quận công
Đặng Tiến Vinh (bên phải) Quan Âm tống tử (giữa)]

Theo tôi việc xác định thời gian đưa tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông vào chùa thờ như trên là chưa có sức thuyết phục. Theo tục lệ từ xưa, chùa của Phật giáo là để thờ Phật không phải là nơi thờ cúng người có công với nước. Chùa Trăm Gian có từ đời Lý nhưng không thờ các danh nhân đời Lý như Lý Thường Kiệt và các danh nhân các triều đại tiếp theo như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, v.v... Tuy nhiên ở một số chùa vẫn có thờ một số danh nhân các triều đại nhưng chỉ với danh nghĩa là người có công với Phật giáo như chùa Trăm Gian thờ đức Thánh Bối (tên húy là Bình An họ Nguyến quê làng Bối Khê (Thanh Oai) tức Hòa Thượng Thích Đức Minh trụ trì chùa Trăm Gian đời Trần, có công tu bổ mở rộng ngôi chùa quy mô như ngày nay. Năm 95 tuổi,  Sư ngồi vào một cái khám gỗ,  từ biệt đệ tử rồi siêu thoát.  Một trăm ngày sau,  đệ tử mở cửa khám,  kim quang Sư bay mùi thơm nức,  ngào ngạt gần xa.  Dân làng và đệ tử xây tháp để gìn giữ kim thân và tôn thờ là đức Thánh Bối) Người được đưa vào thờ ở chùa phải là người đã chết.

Đến đời Lê Trung Hưng có hai người thuộc Đặng tộc ở Lương  Xá được thờ ở chùa Trăm Gian là: Hà Quận công Đặng Tiến Vinh (1561-1625)Đô đốc Đặng Tiến Đông.  Hà Quận công được đưa vào thờ vào năm nào chưa xác định được nhưng chắc chắn là sau khi qua đời. Còn Đô đốc Đặng Tiến Đông theo gia phả đã chép: ”Vệ quốc thượng tướng quân trấn thủ Thanh Hoa kiêm Nghệ An trấn Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng tướng công đại phụ tứ nguyệt thập tốt, hoàng triều Chiêu Thống nguyên niên nhị nguyệt cát hạ phùng tra”nghĩa là Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng tướng công giữ chức Thượng tướng quân mất ngày rằm tháng tư triều Chiêu Thống   năm thứ nhất (1787) Như vậy ông mất đầu năm 1787”.  (nguồn: từ điển Nhân vật lịch sử Việt nam-Nguyễn Quang Thắng-Nguyễn Bá Thế). Như thế có cơ sở để nhận định: “pho tượng Đô đốc Đặng Tiến Đôngở chùa Trăm Gian là tượng Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông đời Lê-Trịnh sau ngày ông mất đầu năm 1787”. Đời Lê-Trịnh,  Đặng Tiến Đông là Đô đốc Đông Lĩnh hầu Thượng tướng quân Trấn thủ Thanh Hoa kiêm Nghệ An. Dưới   thời ông trấn nhiệm, Thanh Hoa là một trấn trù phú, kinh tế dồi dào, xã hội yên ổn, Đặng tộc và nhân dân địa phương rất kính mến, hàm ơn . Là người mộ đạo Phật ông đã có công tu bổ chùa Trăm Gian thuộc địa phân trấn Thanh Hoa nên khi qua đời gia đình và Đặng tộc đã đưa vào thở ở chùa Trăm Gian bên cạnh Hà Quận Công Đặng Tiến Vinh là tiên tổ đời thứ 2 (sau Nghĩa Quốc công Đặng Huấn).  Trên ảnh cho thấy hai pho tượng Đặng Tiến Đông (bên phải), Đặng Tiến Vinh (bên trái) ngồi đối diện nhau, mũ áo theo phẩm phục đời Lê giống nhau. (theo tác gỉả Phan Huy Lê: ”do trùng tu nên nước sơn và những trang trí trên áo quần, mũ đai không còn giữ được phong cách đời Tây Sơn” là một nhận định thiếu căn cứ)Vào thời điểm 1787 không ai ở Bắc Hà nghi ngờ việc Đặng TiẾN Đông qua đời như gia phả chép. Đến đầu năm Mậu Thân(1788) ông tái suất ở Thăng Long cũng với tước Đông Lĩnh hầu và chức Trấn thủ Thanh Hoa  nhưng với tên Đặng Tiến Giản, một danh tướng củaTây Sơn.  Đến lúc này, người trong gia đình Đặng Tiến Đông, trong Đặng tộc và bạn bè cùng lứa (Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm…) mới rõ Đông Lính hầu Đặng Tiến Đông chưa chết và đã trở thành Đô đốc Đồng tri, Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản dưới trướng của anh hùng Tây Sơn Nguyễn Huệ và trở lại chức Trấn thủ Thanh Hoa sau dịp giúp Tây Sơn chiến thắng ở Thăng Long đầu năm Mậu Thân (1788). Tuy được biết ông chưa chết nhưng tên tuổi và sự nghiệp của “Vệ quốc thượng tướng quân Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng tướng công thời Lê Trịnh” vẫn xứng  đáng được vinh danh nên pho tượng Đặng Tiến Đông ở chùa Trăm Gian vẫn giữ nguyên trạng. Sau ngày Tây Sơn bị lật đổ, nhà Nguyễn thay thế. Triều Nguyễn đã thực hiện một chính sách trả thù tàn khốc đối  với người đang sống lẫn người đã chết, cả với mọi di sản của “ngụy Tây Sơn” nhưng pho tượng “Đặng Tiến Đông” vẫn tiếp tục trưng bày công khai tai chùa Trăm Gian vì đây là tượng của một danh nhân đời Lê, nhà Nguyễn chỉ tỏ thái độ thù địch với mọi di sản Tây Sơn còn với nhà Lê, nhà Nguyễn vẫn tôn trọng theo truyền thống lịch sử. Vì lẽ đó tượng  Đặng Tiến Đông vẫn yên vị ở chùa Trăm Gian. Đến 1903 dưới triều Thành Tháí pho tượng đã được họ Đặng trùng tu mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ các nhà chức trách triều Nguyễn!Nếu đó là tượng “Quan Đô”(tức Đô đốc Long) như sau này có người ngộ nhận liệu pho tượng có được an toàn như thế suốt hơn một thế kỷ dưới triều Nguyễn?

 b) Pho tượng “Quan Đô” ở chùa Thủy Lâm:

Sau chiến thắng của Tây Sơn ở Thăng Long tháng giêng Mậu Thân, Vũ Văn Nhậm được giao trấn Thăng Long, Đặng Tiến Giản trấn Thanh Hoa. Tháng 5 Mậu Thân, Nguyễn Huệ đích thân từ Phú Xuân ra Thăng Long bắt giết Vũ Văn Nhậm về tội lộng hành, mưu phản, khen thưởng tướng sĩ có công trong trận đầu Xuân Mậu Thân, Huệ đã ưu ái “ban riêng cho Đặng Tiến Giản làng quê Lương Xá làm thực ấp vĩnh viễn”. Và cũng từ đó, Đặng Tiến Giản đã có thêm thuận lợi để xây dựng Lương Xá thành một ấp trù phú. Để tri ân các bậc tiền nhân Đặng tộc, ông bỏ công sức, tiền của tu bổ từ đường và chùa Thủy Lâm ở Lương Xá. Về ngôi chùa Thủy Lâm sách “Đặng gia phả ký” (Nhóm biên dịch do Trần Lê Sáng chủ biên-Viện Hán Nôm xuất bản năm 2000) trang 23-24 giới thiệu:”Chùa Thủy Lâm tọa lạc ở làng Lương Xá, Xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa Thủy Lâm có được quy mô rộng lớn như ngày nay là nhờ sự đóng góp công và tiền của lớn lao của Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông(Đặng Tiến Giản-TDT). Trong chùa có tượng thờ Hậu đức Đông Lĩnh hầu. Bức tượng gỗ chạm khắc và sơn quét còn mới, cao độ mét rưỡi, thế ngồi, hai chân đi hia đặt xuống bề dưới . Mắt tượng phúc hậu, đội mũ Thái sư có thêu, tai to như tai Phật, râu dài,  lông mày đều trắng, hai tay để thoải mái trước bụng…chúng tôi hình dung về ông cố tìm lại đôi nét tác giả bộ Đặng gia phả ký(bộ Đặng gia phả hệ toản chính thực lục-TDT)”.  (kèm theo ảnh 2).

Sách “Đặng gia phả ký“ không cho biết tượng Đông Lĩnh hầu được đưa vào chùa vào năm nào nhưng các tác giả xác định đây là tượng của tác giả bộ “Đặng gia phả hệ toản chính thực lục”(biên soạn năm 1792) thì tượng phải được đặt ở chùa sau năm 1792. (Theo gia phả tượng được tạc vào năm 1794). Chưa rõ chùa Thủy Lâm được thành lập vào năm tháng nào nhưng không thuộc loại chùa do hệ thống giáo hội Phật giáo quản lý, cũng không phải là chùa để phật tử đến cúng nguyện vào các ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng, chùa cũng không có hòa thượng trụ trì liên tục, chủ yếu là do người trong Đặng tộc quản lý. Tuy có thờ Phật nhưng đây là chùa riêng của Đặng tộc, do đó, năm 1794 Đặng tộc đưa tượng Đô đốc Đặng Tiến Giản-danh nhân còn sống vào chùa Thủy Lâm để thể hiện sự tôn vinh đối với người có công với Đặng tộc là điều hợp lý.

Văn bia chùa Thủy Lâm có đoạn ca ngợi Đặng Tiến Giản:”Ông vừa hiếu vừa nhân nên từ họ hàng đến làng xóm đều yêu thương kính mến, … đều đồng lòng suy tôn ông cùng đứng chung với các vị tiên tổ họ Đặng…. Xã Lương Xá cũng suy tôn cha ông là Dận Đại vương , mẹ ông là Dận Đại vương Phạm phu nhơn, cùng ông và vợ là Trương phu nhơn , cả 4 vị đều thờ ở bàn hậu thần trước điện chùa Thủy Lâm, hai tòa bên tả và bên hữu đèn hương cúng Phật… Dâng lòng trung tín ở Phủ thờ, người họ Đặng ai chẳng nghỉ đến đức hiếu thảo của Ngài!Ngửa mong ánh từ quang của Đức Phật, Lương Xá đâu dám quên ân đức của Ngài để lại cho thôn dân nên lập bảng tuyên dương công trạng khắc vào bia để đời đời ghi nhớ”(bản dịch của nhà văn Sơn Bình-Ninh Thuận).

Như vậy đã có căn cứ để xác định pho tượng Đặng tộc và dân làng tạc vào năm 1794 thường được gọi là tượng “Quan Đô” chính là pho tượng ở chùa Thủy Lâm vì lẽ tượng tạc về một danh tướng Tây Sơn vào năm 1794 mới cần giấu tên. Tượng “Quan Đô” ở chùa Thủy Lâm khác với tượng Đặng Tiến Đông ở chùa Trăm Gian tuy cùng một người nhưng không giống nhau về hình thức. Tượng Đặng Tiến Đông ở chùa Trăm Gian thể hiện một võ quan mũ, áo theo sắc phục  triều Lê có râu quai nón đen nhánh còn tượng Đặng Tiến Giản ở chùa Thủy Lâm là một võ quan, râu dài chấm ngực bạc phơ! Chân dung một người đã luống tuổi nhưng phản ảnh ở hai thời điểm cách nhau 7 năm (1787 và 1794) thì râu tóc đổi thay cũng không có gì lạ! Hai pho tượng cùng của Đặng Đô đốc như trên là thêm một chứng cứ xác minh Đặng tướng công ở Lương Xá là Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông đời Lê, và cũng là Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản đời Tây Sơn.  

   II- Về hai văn bia: “Tông đức thế tụ bi” ở chùa Thủy Lâm và “Đặng tướng công bi” ở chùa Trăm Gian. .

      

Ảnh 1: Bia chùa Thủy Lâm (1797)        Ảnh 2: Bia chùa Trăm Gian (1927)

a) Tấm bia ở chùa Thủy Lâm (Lương Xá) có khắc bài văn “Tông đức thế tự bi” có niên đại Cảnh Thịnh 5 (tức 1797) nhưng mãi đến đầu thập kỷ 70 thế kỷ XX giới nghiên cứu sử học mới phát hiện là di sản đời Tây Sơn. Sở dĩ có sự phát hiện muộn, (sau 173 năm tồn tại) là do hai danh sĩ Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm trong khi đồng biên soạn văn bia đã dùng ngôn ngữ để ngụy trang tung tích Tây Sơn cho người được tưởng niệm là một đại tướng Tây Sơn để tấm bia được tồn tại qua mọi biến cố (Thái tổ Vũ Hoàng đế, Bắc binh nam mục, bắc binh hội…). Tấm bia tồn tại cho đến ngày nay cho thấy mục đích của hai ông Phan, Ngô đã đạt được nhưng cũng để lại khó khăn nhất định cho hậu thế.

Trên thực tế sau ngày phát hiện các di bản đời Tây Sơn ở Lương Xá (1970) đã có sự tranh cãi về nội dung và thông điệp tiền nhân để lại qua văn bia do cách khai thác chữ Hán khác nhau giữa một số nhà sử học. Đến năm 1999, tác giả Đỗ Văn Ninh đã chứng minh một cách có sức thuyết phục khẳng định văn bia chép về công trạng của “Đô đốc Đặng Tiến Giản người Lương Xá danh tướng Tây Sơn được Nguyễn Huệ giao đi tiên phong trong trận Tây Sơn đánh ra Thăng Long đầu năm Mậu Thân (1788) để trừng phạt Nguyễn Hửu Chỉnh”. Kết quả khai thác văn bia của Đỗ Văn Ninh như trên đã trùng khớp với nội dung cuốn “Tây Sơn thuật lược” (TSTL) bằng chữ Hán phát hành từ đầu thế kỷ XX dưới triều Nguyễn và đã được dịch ra tiềng Việt và xuất bản thành sách đầu thập kỷ 70 tại Sàigòn. TSTL chép trận Mậu Thân đầu năm 1788 với danh tướng “Đặng Giản người Lương Xá,  hậu duệ của Đăng Nghĩa Huấn” được Nguyễn Huệ giao đi tiên phong đánh ra Thăng Long…”.

b) Tấm bia có khắc bài văn “Đặng tướng công bi” tại chùa Trăm Gian (Tiên Lữ) đã có từ năm 1927 (Bảo Đại năm thứ 2) nhưng ít được giới nghiên cứu quan tâm cho đến những năm 80 mới có người phát hiện “Đặng tướng công bi” đặt ở chùa Trăm Gian có nội dung giống “Tông đức thế tự bi” ở chùa Thủy Lâm nhưng tên nhân vật ”Đô đốc Đặng Tiến Giản” được thay bằng “Đô đốc Đặng Đình Đống”. Hai bài văn bia cùng có nội dung ắt phải cùng ý nghĩa vì sao phải thay đổi tiêu đề và tên nhân vật như khi sao chép vào năm 1927? Để hiểu rõ điều trên cần trở lại thời điểm cuối thế kỷ 18. Năm 1792, Quang Trung đột ngột qua đời. Cảnh Thịnh kế nhiệm. Số người thức thời bên cạnh Quang Trung như Đặng Tiến Giản, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm đều dự cảm “đại cuộc đã hỏng” do đó các ông đã có kế hoạch đối phó với số công trình muốn để lại cho đời sau như đã làm với bộ Thực Lục, với chuông đồng đúc tặng chùa Trăm Gian, với tượng “Quan Đô” ở chùa Thủy Lâm đặc biệt với văn bia tưởng nhớ Đặng Tiến Giản hai ông Phan Ngô đồng biên sọan năm 1797.

Cách làm của các ông đã đạt được mục đích:các di vật nêu trên đã thoát khỏi sự truy lùng gắt gao dưới triều Nguyễn với chính sách tận diệt mọi di sản của “ngụy triều” rất tàn bạo (Riêng đạo Sắc có niên đại Thái Đức 10 được các đời tộc trưởng Đặng tộc ở Lương Xá thay nhau đấu kín không còn ai biết). Song bên cạnh mặt tích cực cũng đã phát sinh mặt tiêu cực. Cùng với thời gian và các thế hệ Đặng tộc nối nhau ra đi, các di vật tuy vẫn được gìn giữ nhưng sự thật về các di vật ngày càng bị khỏa lấp. Cho đến cuối thế kỷ 19 cùng với việc xuất hiện vua Hàm Nghi, nhà vua có tinh thần yêu nước với chiếu Cần vương, truyền thống yêu nước trong giới sĩ phu trỗi dậy. Cùng lúc dân tộc ta tuy đã trở thành nô lệ cho thực dân Pháp  nhưng văn hóa phương Tây cũng đem lại nhiều điều mới mẻ cởi mở hơn. Việc bài xích Tây Sơn cũng đã giảm nhẹ, người Pháp cũng chuộng sưu tầm những tư liệu về sử cũ…

Trong bối cảnh đó, vào đầu thế kỷ XX, một số công trình lịch sử nghiên cứu về Tây Sơn đã ra đời đáng lưu ý là tập “Tây Sơn lương tướng ngoại truyện” (TSLTNT) của Nguyễn Trọng Trì và tập “Tây Sơn thuật lược”-khuyết danh (TSTL). Cả hai tác phẩm trên đều có phát hiện mới về Tây Sơn các sách sử trước đây chưa chép. ”TSLTNT” chép về lai lịch , sự nghiệp của 14 vị võ tướng trước đây sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí (HLNTC) chỉ chép rõ về công trạng nhưng chỉ có tên và chức vụ Đô đốc còn không họ, không quê quán: Đô đốc Long, Đô đốc, Bảo, Đô đốc Tuyết vv. . Riêng về Đô đốc Long vị tướng đánh thắng quân Thanh ở Đống Đa đầu năm Kỷ Dậu (1789) TSLTNT chép chi tiết là “Đặng Văn Long tự Tử Vân quê ở Tuy Viễn (Tuy Phước-Bình Định) giỏi võ nghệ, có sức khỏe tuyệt luân từng giúp Nguyễn Huệ bình nam, phạt bắc…”. Sách TSTL chép chi tiết về trận Mậu Thân (1788) cơ bản như HLNTC đã phản ảnh ở Hồi thứ chín nhưng có bổ sung một danh tướng Tây Sơn chưa có sách nào chép:”Đô đốc Đặng Giản quê ở Lương Xá, dòng dõi của Đặng Nghĩa Huấn”. Như vậy từ đầu thế kỷ XX đã có cơ sở để phân biệt Đô đốc LongĐô đốc Giản là hai danh tướng Tây Sơn lai lịch khác nhau, công trạng khác nhau. Riêng nội dung chép về trận Mậu Thân trên TSTL cho thấy Đô đốc Đặng Giản và Đô đốc Đặng Tiến Giản trong “Tông đức thế tự bi” chỉ là một người. Những tài liệu mới về Tây Sơn xuất hiện đầu thế kỷ XX đã tạo cơ hội cho một vài vị khoa giáp trong Đặng tộc còn lưu ít nhiều ký ức về Đô đốc Đặng Tiến Giản tôn vinh nhân vật lịch sử này bằng việc sao chép văn bia chùa Thủy Lâm khắc trên một trong hai phiến đá do Đô đốc Đặng Tiến Đông mua tặng chùa Trăm Gian từ trước năm 1787 (một phiến đã được sử dụng khắc bài văn tưởng niệm Đức Thánh Bối).

Tuy nhiên vào thời điểm 1927, với lai lịch Tây Sơn của Đô đốc Đặng Giản đã dược giới thiệu công khai trên TSTL, cần có biện pháp để bảo vệ tấm bia mới ở chùa Trăm Gian và cả tấm bia gốc ở chùa Thủy Lâm: “Tông đức thế tự bi” thành “Đặng tướng công bi” và “Đô đốc Đặng Tiến Giản” được thay thế bằng “Đô đốc Đặng Đình Đống” (tên “Đống” cũng đã từng được sử dụng thay tên “Giản” trên quyển 3 bộ Thực lục).

Tây Sơn Thuật LượcLời kết:

“Đặng tướng công bi” đánh dấu sự cố gắng sau cùng để vinh danh  danh nhân Đặng Tiến Giản. Từ những năm cuối triều Nguyễn và cả những thập kỷ đầu sau CM tháng 8 năm 1945 nền giáo dục phương Tây thay thế phương Đông, chữ Hán không còn được thông dụng. Số di vật bằng chữ Hán trở thành những di vật cổ không còn mấy ai tìm đọc. Điều may mắn là đến năm 1968 trên tạp san Sử Địa Sàigòn số Xuân Mậu Thân kỷ niệm Quang Trung đã đăng “Tây Sơn thuật lược” bản dịch của Tạ Quang Phát chuyên viên Hán ngữ Viện Khảo cổ Sàigòn (sử dụng vi ảnh cuốn TSTL bằng chữ Hán của Société Asiatique Paris) giới nghiên cứu Miền nam lần đầu tiên biết đến danh tướng Tây Sơn “Đô đốc Đặng Giản người Lương Xá dòng dõi Đặng Nghĩa Huấn”. Điều ngẫu nhiên,  gần như cùng lúc TSTL được xuất bản thành sách ở Sàigòn (năm 1971) thì ở Miền bắc giới sử học Hà Nội phát hiện một số di vật đời Tây Sơn ở Lương Xá gồm bộ phả “Đặng gia phả hệ toản chính thực lục, đạo Sắc phong có niên đại Thái Đức 10 và tấm bia có bài văn “Tông đức thế tự bi” ở sân chùa Thủy Lâm.

Tuy nhiên do có sự hạn chế chủ quan và khách quan, một vài thập kỷ sau đó thông điệp của tiền nhân để lại cho hậu thế chưa được tiếp cận khách quan trung thực, có ký kiến cho rằng các di vật trên là nói đến Đô đốc Đặng Tiến Đông. thuộc Đặng tộc ở Lương Xá và “Đô đốc Đông” là tên thật cùng dòng họ, quê quán của “Đô đốc Long”! Cho đến năm 1999 lần dầu tiên,  nhà khảo cổ học thông thạo Hán nôm Đỗ Văn Ninh (sau này là PGS-TS Đỗ Văn Ninh) đã xác minh: các di vật đời Tây Sơn ở Lương Xá không nói về trận Kỷ Dậu (1789) với Đô đốc Long mà chép về trận Mậu Thân (1788) với chiến công của Đô đốc Đặng Tiến Giản. Tác giả Đỗ Văn Ninh cũng là người đầu tiên giới thiệu “Tây Sơn thuật lược “ và chứng minh nội dung TSTL chép về trận Mậu Thân với danh tướng Đặng Giản-người Lương Xá dòng dõi Đặng Nghĩa Huấn và nội dung chép về trận Mậu Thân với danh tướng Đặng Tiến Giản thuộc Đặng tộc Lương xá là cùng một sự kiện, một nhân vật lịch sử.

Bài viết này phân tích hai pho tượng, hai tấm bia cùng ở chùa Trăm Gian và chùa Thủy Lâm như trên để thêm một bằng chứng cho thấy Đặng tướng công ở Lương Xá là Đô đốc Đặng Tiến Đông đời Lê-Trinh đồng thời cũng là Đô đốc Đặng Tiến Giản đời Tây Sơn.  Đặng tướng công ở Lương Xá có sự khác biệt rõ nét với Đô đốc Long vị tướng Tây Sơn đánh thắng quân Thanh ở Đống Đa đầu năm Kỷ Dậu cả về lai lịch, phẩm hàm, tài năng…

Hà Nội tháng Mười năm 2015-

---------------------------

Chú thích:

(1) Bức ảnh 2 trước đây TDT đã gửi SHN có kèm chú thích:”Ảnh Đô đốc Đặng Tiến Giản ở chùa Trăm Gian”. Gần đây nghiên cứu ảnh Đô đốc Đặng Tiến Đông ở chùa Trăm Gian và tìm lại bản gốc bức ảnh đã gửi SHN cho thấy chú thích dưới ảnh như trên là sai, đúng ra phải chú thích: ”Ảnh Đô đốc Đặng Tiến Giản ở chùa Thủy Lâm”. Nay xin đính chính và xin lỗi BBT SHN và bạn đọc. TDT.  

__________________   

Những bài liên quan:

- Đã tìm được lai lịch hoàn chỉnh của Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến (Trúc Diệp Thanh)

- Đâu Là Thông Điệp Đích Thực Từ Các Di Bản Đời Tây Sơn Ở Lương Xá, Hà Nội (Trúc Diệp Thanh)

- Sự thật về “Đô đốc Đặng Tiến Đông” ở Lương Xá! (Trúc Diệp Thanh)

- Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản, vị đô đốc Tây Sơn qua các di vật ở Lương Xá, Hà Nội (Trúc Diệp Thanh),

- Phát Hiện Mới Về Các Di Vật Đời Tây Sơn Ở Chùa Thủy Lâm Và Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ-H