Sự thật về “Đô đốc Đặng Tiến Đông” ở Lương Xá!

Trúc Diệp Thanh (nhà báo-Hà Nội)

http://sachhiem.net/LICHSU/TRDTH/TrucDiepThanh02.php

26 tháng 4, 2010

LNĐ- Nhân ngày Giỗ lần thứ 100 của Phó bảng Lê Trinh, một nhân vật lịch sử của Quảng Trị, ngày 12/9/2009 tại TP Đông Hà (Quảng Trị) Hội Di sản Văn hóa tỉnh Quảng Trị phối hợp cùng gia tộc cụ Lê Trinh đã tổ chức cuộc Hội thảo về”Thân thế và sự ngiệp Phó bảng Thượng Thư Lê Trinh”. Tham luận của nhiều nhà nghiên cứu sử học có tên tuổi ở Quảng Trị, Thừa thiên-Huế, Hà-Nội tại Hội thảo đã làm sáng rỏ thêm về tài năng, đức độ cùng những đóng góp của Phụ chính đại thần Lê Trinh cho quê, hương, dân tộc, đất nước…


LGT- Sachhiem.net net ngày 9-01-2010 có đăng bài “Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản ở Lương Xá”, vậy Đô đốc Đặng Tiến Đông ở Lương Xá là nhân vật nào? Bài viết dưới đây cung cấp thông tin đẻ sáng tỏ câu hỏi trên.


Đầu những năm 70 của thế kỷ XX một nhóm nhà sử học do GS Phan Huy Lê dẫn đầu nhân đi khảo sát di tích lịch sử trên đất Hà Tây (nay là Hà Nội) đã phát hiện một số di bản, di vật đời Tây Sơn ở Lương Xá và chùa Trăm Gian thuộc huyện Chương Mỹ. Các di bản ở Lương Xá gồm: bộ Đặng gia phả ký (trong đó có 6 quyển ”Đặng gia phả hệ toản chính thực lục” do Đặng Đô đốc biên soạn) , một bản Sắc phong và một tấm bia đá có khắc văn bia”Tông đức thế tự bi”. Cả ba di bản này đều có niên đại thuộc triều Tây Sơn, ở chùa Trăm Gian còn có tuợng gổ, bia đá, chuông đồng có liên quan đến nhân vật trong các di bản. Đó là một vị tướng soái Tây Sơn nhân dân trong vùng thường gọi là “Quan Đô”, theo GS Phan Huy Lê “Quan Đô”là Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông (?) . Qua khai thác nguồn sử liệu quý hiếm này GS Phan Huy Lê cùng cộng sự đã công bố kết luận: ”Đô đốc Đặng Tiến Đông thuộc dòng dõi Đặng tộc ở Lương Xá chính là Đô đốc Long”, vị tướng chỉ huy đội quân Tây Sơn đánh thắng quân Thanh ở Khương Thượng-Đống Đa vào dịp Tết Kỷ Dậu (1789) mà gần 2 thế kỷ qua chỉ mới biết dưới cái tên vắn tắt “Đô đốc Long” (hay Mưu) (1) . Và cũng từ sau thời điểm đó “Đô đốc Đặng Tiến Đông” vốn chưa được biết đến trong các sách chép về sử Tây Sơn trước 1970 đã tràn ngập trên các phương tiện thông tin trong và ngoài nước, nhiều hình thức tôn vinh “Đặng Tiến Đông”: mở phòng trưng bày hiện vật giới thiệu trong các bảo tàng, thư viện, đưa vào từ mục trong Từ điển Bách khoa VN, đặt tên đường phố ở Thủ đô cạnh khu di tích lịch sử Đống đa…

Song từ những năm 1999-2000 đến nay gió lịch sử đã đổi chiều. Xung quanh nhân vật Đặng Tiến Đông đã nảy sinh một số lập luận phản biện cũng trên cơ sở khai thác các di bản, di vật ở Chương Mỹ với 2 kết luận: ”: tên nhân vật không phải là “Đông” mà là “Giản” và Đô đốc Giản ở L: ương Xá là một tướng soái Tây Sơn khác không phải là Đô đốc Long”. Cho đến thời điểm này nội dung phản biện như trên vấn còn là một nghi vấn nhưng trên công luận ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy những nghi vấn trên là có cơ sở khoa học.

1) Thông điệp từ Đặng gia phả ký: Đặng tộc ở Lương Xá không có Đô đốc Đặng Tiến Đông mà chỉ có Đô đốc Đặng Tiến Giản.

Bằng chứng thuyết phục nhất là: ”tại trang cuối quyển 6, gia phả họ Đặng do Đặng Đô đốc biên soạn ông có chép một đoạn về mình. Phiên âm: ”Mậu Ngọ niên ngủ nguyệt sơ nhị, Quý Sửu thì, sinh đệ bát tử “Đông” (東) hậu cải “Giản” (暕) dĩ tự vựng văn: trùng âm tích vũ chi hậu hốt kiến nhật sắc, cố tri danh yên”. Dịch nghĩa: ”năm Mậu Ngọ, tháng 5, ngày 2, giờ Quý Sửu (tức ngày 18-6-1738 DL-tdt) sinh con thứ trai thứ 8 đặt tên là“Đông” (東) , sau đổi tên“Giản” (暕) theo nghĩa chữ “Giản” () là: sau thời tiết mây mù tích mưa bổng xuất hiện ánh sáng mặt trời, cho nên lấy đó đăt tên”. Tra cứu Tù điển Hán ngữ hiện đại: tại cuốn Từ Hải (NXN Thượng Hải 1989-trang 1580) chữ “Giản” (暕) được định nghĩa: ”trùng âm tích vũ hậu, hốt kiến nhật sắc dã”. (1) Đối chiếu với định nghĩa chữ “Giản” trong bộ phả xuất hiện gần 200 về trước cho thấy nội dung hoàn toàn trùng khớp. Đây chính là thông điệp của Đặng Đô đốc để lại cho hậu thế biết cách đọc tên của mình sao cho chính xác!Từ thông điệp như trên có thể kết luận. Đặng tộc ở Lương Xá có cậu bé “Đông” (Đặng Tiến Đông) nhưng trước khi trưởng thành cậu đã được cải tên từ “Đông” thành “Giản” đương nhiên khi trở thành Đô đốc thì chỉ có “Đô đốc Đặng Tiến Giản”. Trên các di bản ở Lương Xá như Đặng gia phả ký, Sắc phong, văn bia đều chép chức tước tên họ nhân vật là Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản (Chữ Hán trên trang sách chụp đính kèm là: 東 嶺 侯 鄧 進 暕) .

Trước đây GS Phan Huy Lê từng lập luận : ”Thời Tây Sơn khi phong tước hiệu thường lấy tên người được phong ghép vào tên đầu của tước hiệu, tước của Đặng Đô đốc là “Đông Lĩnh hầu” thì tên của ông phải là “Đông” (Đặng Tiến Đông”. Lập luận trên đã thuyết phục nhiều người tin là đúng!Song thực tế đây là một lập luận thiếu căn cứ khoa học. Trước hết cách”đọc tên theo tước hiệu”không phải đúng cho mọi trường hợp. Ngay dưới triều Tây Sơn có “Tình phái hầu Ngô Thì Nhậm” có ai đọc tên ông này là “Ngô Thì Tình”?Hơn nữa chũ Hán đầu tước hiệu của ông (東) với chữ Hán tên của ông (暕) là 2 chữ khác nhau!Bất cứ ai biết chữ Hán cũng phân biệt được và không đọc chữ “Giản” thành chữ “Đông”!Từ những căn cứ trên cho thấy: danh xưng “Đô đốc Đặng Tiến Đông”là do hậu thế gán ghép, trên thực tế lịch sử Tây Sơn không có danh tướng nào hàng Đô đốc có tên “Đặng Tiến Đông” trái lại tên“Đô đốc Đặng Tiến Giản” đã có trên những trên các trang sử cũ (Tây Sơn thuật lược).

Theo GS Phan Huy Lê giải thích trên bài: ”Đô đốc Đặng Tiến Đông…” TC Nghiên cứu

Lịch sử số 154 tháng 01 1974:

Đặng Tiến Đông vốn tên là Đông, chữ Hán viết tất là ( )sau đổi viết là (). Chữ Đông () và chữ Long () (viết tắt) , tự dạng gần giống nhau, rất dễ nhầm. Về phương diện ngữ âm, những từ có phụ âm đầu là Đ, L rất dễ chuyển hóa lẫn nhau.”

(Một kiểu thông tin lạc lõng không trung thực với di bản)

2) Thông điệp từ bản “Sắc” và từ văn bia “Tông đức thế tự bi”về Đặng Đô đốc:

“Đặng gia phả ký” là bộ sử quý hiếm có giá trị cho hậu thế biết đến thân thế, sự nghiệp của các tiền nhân Đặng tộc rất phong phú song với Đặng Đô đốc, người biên soạn bộ “Đăng gia phả hệ toản chính thực lục” thì ngoài mấy câu tự giới thiệu như trên đã biết, không còn một thông tin nào về cuộc đời hoạt động của ông dưới triều Lê-Trịnh và trong hàng ngủ Tây Sơn. Trong bài “Tựa” của Ngô Thì Nhậm viết cho cuốn phả cũng không thấy nhắc đến ngoài việc ca ngợi lòng trung, hiếu của ông đối với dòng tộc. Điều may mắn là còn có bản “Sắc” và văn bia “Tông đức thế tự bi” là nguồn sử liệu quý cung cấp cho hậu thế biết đoạn đời của Đặng Tiến Giản phục vụ Lê Trịnh và đặc biệt là giai đọan ông phục vụ Tây Sơn.

-Bản “sắc” có niên đại : ngày 3 tháng 7 năm Thái Đức thứ 10 (tức ngày 5-8-1787) . Thông diệp từ bản “Sắc” cho thấy: Đặng Tiến Giản, Đô đốc trấn thủ xứ Thanh Hoa của nhà Lê do trực tiếp chứng kiến cảnh suy tàn của nhà Lê dưới triều Lê Chiêu Thống và nhìn thấy sụ hùng mạnh của quân Tây Sơn với danh tướng kiệt xuất Nguyễn Huệ dịp quân Tây Sơn đánh ra Bắc tiến phạm kinh thành Thăng Long dưới ngọn cờ “phù Lê diệt Trinh” đầu năm Bính Ngọ (1786) , giữa năm Đinh Mùi (1787) ông đã vào Quảng nam xin yết kiến Bắc Bình vương Nguyễn Huệ được Nguyễn Huệ ca ngợi, hậu đãi“gia phong chức Đô đốc đồng tri tước Đông Lĩnh hầu vẫn sai làm trấn thủ xứ Thanh Hoa”. Trong “Sắc”, Nguyễn Huệ nhận định: với uy tín sẵn có, Đặng Tiến Giản sẽ là nhân vật không thể thiếu trong việc chinh phục giới sĩ phu Bắc Hà trong trường hợp Tây Sơn tiến quân ra Bắc. Điều tiên đoán của Nguyễn Huệ trong bản “Sắc” đã xảy trên thực tế chỉ vài tháng sau như văn bia “Tông đức thế tự bi”đã chép.

-Văn bia “Tông Đức thế tự bi”: Tấm bia đá dựng trước sân chùa Thủy Lâm (Lương Xá) có khắc bài văn “Tông đức thế tự bi” do Phan Huy Chú soạn, Ngô Thì Nhậm nhuận sắc khắc vào ngày 15 tháng 6 năm Cảnh Thịnh thứ 5 (tức ngày 9-7-1797) (2 chữ Cảnh Thịnh đã bị đục bỏ). Đây là tấm bia quý hiếm thuộc đời Tây Sơn còn sót lại qua giông bão của thời cuộc. Căn cứ vào tên họ nhân vật khắc trong bia cho thấy tấm bia này cùng“Đặng gia phả ký” và bản “Sắc” là bộ ba di bản đề cập đến một nhân vật xuyên suốt là ”Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản”.  Mỗi di bản phản ảnh một góc khác nhau về thân thế, sự nghiệp của nhân vật. Ba di bản này lại được lưu giữ ở ba nơi không phải ai cũng có điều kiện được tiếp cận cả ba, nhất là trong giai đoạn lịch sử trước đây.

Một trong những nguyên nhân khiến tấm bia không bị phá hủy qua suốt triều Nguyễn với chính sách “tận diệt” mọi di tích Tây Sơn là do văn bia soạn với lời lẽ rất kín đáo. Mới đọc qua không dễ gì nhận thấy đây là tấm bia tưởng niệm một vị tướng soái Tây Sơn. Nhân vật được đề cập trong văn bia là “Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản” một hậu duệ của Đặng tộc ở Lương Xá nhưng với tiêu đề: ”Tông đức thế tự bi”cũng cho thấy đây là tấm bia ca ngợi công đức đối với tổ tông của người đã khuất. Văn bia gồm trên 500 từ chữ Hán nhưng không có một chữ Tây Sơn nào, ngay cả tên vị thống soái lừng danh của Tây Sơn là Nguyễn Huệ với đế hiệu Quang Trung cũng không thấy xuất hiện trong văn bia.  Sau khi các niên hiệu “Quang Trung”, ”Cảnh Thịnh” trên bia bị đục bỏ thì không còn vết tích lộ liễu nào về Tây Sơn trên tấm bia.

Giới nghiên cứu đặc biệt chú ý một đoạn khoảng 50 từ chữ Hán trong văn bia nói về một chiến công quân sự của Đặng Tiến Giản, đây cũng chính là bằng chứng lịch sử duy nhất để hậu thế biết về công trạng của Đặng đô đốc sau khi được Nguyễn Huệ phong tước Đông Lĩnh hầu. Đoạn văn bia đó như sau:

“今朝 大 將 統 武 勝 道 天 雄 都 督 東 嶺 侯 鄧 進 暕 系 出 令 族 甲 支 燕 郡 公 之 孫
胤 郡 公 之 子 (…) 時 皇 朝 太 祖 武 皇 帝 義 聲 震 礡 歸 駐 廣 南 公 一 見 軍 門 密 蒙 知
遇 寵 頒 印 劍 委 統 戎 麾 仰 賴 天 威 一 舉 盪 定 戊 申 … … 初 北 兵 南 牧 公 奉 詔 先 鋒
道 進 戰 而 北 兵 潰 公 單 騎 當 先 掃 清 宮 禁武 皇 驾 臨 昇 龍 策 勳 行 赏 特 頒 本 貫 良
舍 社 永 為 食 邑 “

Phiên âm:

“Kim triều đại tướng thống Vũ Thắng đạo Thiên Hùng đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản hệ xuất lệnh tộc giáp nhất chi, Yên quận công chi tôn, Dận quận công chi tử (...) thì, Hoàng triều Thái tổ Vũ Hoàng đế nghĩa thanh chấn bạc, quy trú Quảng Nam, công nhất kiến quân môn, mật mông tri ngộ, sủng ban ấn kiếm, ủy thống nhung huy. Ngưỡng lại thiên uy, nhất cử đãng định. Mậu Thân … … (hai chữ bị đục) sơ, bắc binh nam mục, công phụng chiếu tiên phong đạo, tiến chiến nhi bắc binh hội. Công đơn kị đương tiên, túc thanh cung cấm. Vũ Hoàng giá lâm Thăng Long, sách huân hành thưởng, đặc tứ bản quán Lương Xá xã vĩnh vi thực ấp”. -

-Một đoạn văn bia 2 cách khai thác, 2 kết luận về nhân vật lịch sử.

Cách khai thác các di bản thứ nhất với sự ra đời nhân vật Đặng Tiến Đông.

Mặc dù đã được che dấu tung tích nhưng với giới nghiên cứu nhất là với số người đã tiếp cận cả ba di bản ở Lương Xá cũng không mấy khó khăn để phát hiện những vết tích về Tây Sơn trên văn bia. Đó là danh xưng “Thái tổ Vũ hoàng đế”, hai ông Phan, Ngô dùng “miếu hiệu” của Vua Quang Trung để nói đến Nguyễn Huệ (lúc này còn là Bắc Bình vương) là vừa tránh lộ liễu vừa tỏ lòng kính trọng (tiên đế) . Nhân vật trên bia mang tước “Đông Lĩnh hầu”là có liên quan đến đạo “Sắc”của Tây Sơn. Cũng vì vậy vào những năm đầu thập kỷ 70, khi phát hiện các di bản, di vật đời Tây Sơn ở Chương Mỹ, Hà Tây (cũ) , các nhà sử học đã kịp thời phát hiện chính xác Đặng Tiến Đông (?) là một võ quan cao cấp của Tây Sơn dòng dõi Đặng tộc vẻ vang ở Lương Xá.

Các ông còn phán đoán 2 chữ bị đục là Quang Trung để có câu chữ Hán: dịch “năm Mậu Thân đầu triều Quang Trung, quân Bắc triều (nhà Thanh) xâm chiếm nước Nam, ông (đô đốc Đông) phụng chiếu cầm đạo tiên phong tiến đánh làm cho quân Bắc tan vở, ông một mình một ngựa tiến lên trước, dẹp yên nơi cung cấm. Trong lễ mừng thắng lợi Quang Trung khen thưởng đô đốc Đông và ban cho ông làng quê hương là Lương Xá làm thực ấp vĩnh viễn.” Từ lời dịch văn bia như trên (trong những năm đầu phát hiện các di bản, lời dịch văn bia, cũng như trích các di bản giới thiệu trên công luận đều không có nguyên tác chữ Hán kèm theo) GS Phan Huy Lê kết luận: ”Theo sự xác minh của chúng tôi, đô đốc Đặng Tiến Đông chính là đô đốc Long (hay Mưu) (2) Lời dịch như trên cùng với bằng chứng là các di bản di vật đời Tây Sơn mới được phát hiện đã có sức thuyết phục và lập luận “Đô đốc Đông chính là Đô đốc Long” dù mới chỉ là “giả thuyết”nhưng đã được các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa-lịch sử công nhận như một phát hiện mới về lai lịch Đô đốc Long và tên tuổi “Đặng Tiến Đông”đã chính thức thay thế Đô đốc Long bắt đầu từ đấy.

 

-Giả thuyết “Đặng Tiến Đông”bắt đầu lung lay.

Khai thác các di bản theo cách thứ hai với nhân vật: Đô đốc Đặng Tiến Giản.

Sau vài thập kỷ ngự trị độc tôn trên diễn đàn sử học, văn học nghệ thuật, giáo dục…, từ cuối năm 1998-2000, vào thời điểm các di bản, di vật về “Đặng Tiến Đông”vốn là vật quý hiếm, xa lạ không mấy ai được nhìn tận mắt nay đã được đưa về trưng bày giới thiệu ở thư viện, bảo tàng Thủ đô tạo điều kiện cho giới nghiên cứu tiếp cận, đã bắt đầu xuất hiện một số khám phá mới về nhân vật “Đặng Tiến Đông”. Người đầu tiên đưa ra công luận ý kiến phản biện giả thuyết “Đặng Tiến Đông chính là Đô đốc Long” là nhà khảo cổ học Đổ Văn Ninh (nay là PGS-TS Đổ Văn Ninh) ”.

Trong bài báo “Đô đốc Đặng Tiến Đông hay Đô đốc Long” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 3 tháng 5-6 năm 1999 tác giả Đổ Văn Ninh đã nêu 2 vấn đề cơ bản: ”-Đặng Tiến Đông phải đọc là Đặng Tiến Giản và Đặng Tiến Giản không phải là Đô đốc Long”. Bài báo này đã gây ra cuộc tranh luận nảy lửa qua bài báo: ”Về nhân vật Đặng Tiến Đông”của Phan Huy Lê đăng trên cùng tạp chí NCLS số tiếp theo trong đó tác giả đã kiên trì chứng minh“Đặng Tiến Đông chính là Đô đốc Long là một giả thuyết có cơ sỏ”. Bài báo tranh luận của GS Phan Huy Lê không những không dập tắt ý kiến phản biện mà còn làm cho cuộc tranh luận về “Đặng Tiến Đông”lan rộng. Năm sau đó, trong cuốn “Đối thoại sử học” (NXB Thanh niên-2000) ngoài ông Đổ Văn Ninh viết bổ sung chứng cứ còn có thêm 2 nhà nghiên cứu Sử học, Hán học có tên tuổi ở Hà Nội là Trần Văn QuýLê Trong Khánh viết bài nêu thêm lập luận làm sáng tỏ thêm: ”Đông”phải đọc là “Giản” và Đặng Tiến Giản là một tướng soái Tây Sơn khác không phải là Đô đốc Long.  (Giá trị nổi bật nhất là bài của ông Trần Văn Quý, một nhà sử học tinh thông Hán học, phát hiện trong bộ phả do Đặng Đô đốc soạn, chính Đặng tướng công đã có đoạn mách bảo chúng ta phải đọc tên ông là “Giản”và cả giải thích ý nghĩa chũ “Giản”như trên đã dẫn)

Các tác giả “Đối thoại sử học”còn nêu kiến nghị: Nhà nước đã công nhận sai về giả thuyết “Đặng Tiến Đông”thì Nhà nước phải sớm sữa chữa trả lại sự thật cho lịch sử vì hôm nay và cho cả mai hậu!Giới nghiên cứu sủ học trong và ngoài nước như các ông Bùi Thiết, Lại Nguyên Ân, Tạ Chí Đại Trường…đã lên tiếng tỏ thái độ đồng tình với phát hiện của nhóm tác giả trên “Đối thoại sử học”. Những năm sau đó các cơ quan chức năng của Nhà nước vẫn im lặng trong khi nhóm các nhà khoa học nêu phản biện không còn đủ sức để tiếp tục vì lý do tuổi tác, bệnh tật trong đó có người đã qua đời (ông Trần Văn Quý mất năm 2003) . Mặc dù đã có một số thành công nhưng điều còn hạn chế trong các bài viết của nhóm “Đối thoại sử học” là chưa giải mã được một số bí ẩn trong văn bia đặc biệt là cụm từ “bắc binh nam mục”để làm rỏ thông điệp của 2 ông Phan, Ngô nói về trận đánh của quân Tây Sơn ra Thăng Long là trận nào?

-Giải mã bí ẩn đoạn văn bia, yếu tố quyết định làm sáng tỏ đúng, sai trong 2 cách dịch.

Đoạn dịch văn bia do GS Phan Huy Lê công bố 1974-1974 cho đến gần đây vẫn chưa bị bác bỏ cũng do chưa có ai đưa ra lời dịch khác để đối chứng và muốn đối chứng phải có văn bản chữ Hán. Qua vài năm bỏ công sức sưu tầm chúng tôi có trong tay đủ các bản “Sắc”, ”văn bia” bằng chữ Hán cùng bản dịch“Đặng gia phả ký” (sách so Viện Hán Nôm xuất bản năm 2000) . Qua đổi chiếu lời dịch đoạn văn bia trước đây của GS Phan Huy Lê với nguyên tác chữ Hán, chúng tôi đã có thêm chứng cứ để khẳng định nội dung văn bia hoàn toàn không nói về Đô đốc Long với trận đại phá quân Thanh dịp Tết năm Kỷ Dậu (1789) . Vấn đề cốt lõi để giải mã bí ẩn trong đoạn văn bia đã dẫn là ở 2 chữ Mậu Thân cũng chính là thông điệp về niên đại trận đánh 2 ông Phan, Ngô gửi cho hậu thế.

Không cần phán đoán 2 chữ tiếp theo bị đục bỏ cũng cũng xác định sự thật trận đánh chép trong văn bia là vào năm Mậu Thân (1788) . Trước đây GS Phan Huy Lê phán đoán 2 chữ bị đục là Quang Trung rồi dịch cụm từ Mậu Thân Quang Trung sơ“năm Mậu Thân đầu triều Quang Trung”, là không chuẩn về dịch thuật Hán ngữ. Cũng có khả năng 2 chữ bị đục là “Quang Trung” nhưng “Mậu Thân Quang Trung sơ”phải dịch đúng là “Mậu Thân năm đầu niên hiệu Quang Trung”[Thay cho 2 niên hiệu Thái Đức 11 (Nam Hà) , Chiêu Thống 2 (Bắc Hà) ]. Hai cách dịch “Mậu Thân đầu triều Quang Trung” và “Mậu Thân năm đầu niên hiệu Quang Trung” không chỉ là chuyện “chữ nghĩa”mà còn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Dịch “Mậu Thân đầu triều Quang Trung”người đọc dễ hiểu nhầm “đầu triều Quang Trung”không chỉ có năm Mậu Thân mà có cả năm Kỷ Dậu. Hơn nữa từ ngày lên ngôi vua niên hiệu Quang Trung, Nguyễn Huệ chỉ đánh trận duy nhất là đại phá quân Thanh vào Tết năm Kỷ Dậu!

Đặng Tiến Đông, vị tướng đánh tan quân Thanh tiến trước vào Thăng Long thì không còn ai khác là Đô đốc Long! Quả là “lôgích”! Song chúng tôi lại khẳng định văn bia chỉ rõ trận đánh xảy ra năm Mậu Thân, hơn nữa nếu gắn kết các sự kiện lịch sử chép trên đoạn văn bia thì thời gian xảy ra trận đánh phải là đầu năm Mậu Thân.  Dịch ”Mậu Thân đầu niên hiệu Quang Trung” là chinh xác, trung thực với niên đại chép trên văn bia và tự nó đã bác bỏ mọi ý đồ du di niên đại trận đánh này từ năm Mậu Thân sang năm Kỷ Dậu!Hai ông Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm là những danh sĩ nổi tiếng thông thái lại là số người từng trực tiếp chứng kiến ba lần Nguyễn Huệ đưa quân Tây Sơn ra Bắc tiến phạm Thăng Long (Bính Ngọ, Mậu Thân, Kỷ Dậu) , bia lập năm 1797 cách hai trận đánh Mậu Thân, Kỷ Dậu chưa tròn một thập kỷ. Trận đánh đầu năm Mậu Thân lúc Nguyễn Huệ còn là Bắc Bình Vương nhưng 2 ông Phan, Ngô vẫn dùng danh xưng “Võ hoàng đế” tức tiên đế là hoàn toàn hợp lý. Ai dám nói 2 ông Phan, Ngô chép nhầm trận Kỷ Dậu thành Mậu Thân?

Cụm từ “bắc binh nam mục” mà dịch và diễn giải “quân Thanh xâm chiếm nước ta” là sai cả về dịch thuật Hán ngữ và cả về thực tiễn lịch sử. Chữ “mục” (Hán ngữ) không có Từ điển nào định nghĩa là: xâm chiếm, xâm lăng, xâm lược!”Bắc binh”vào thời điểm này (1788) có thể hiểu là quân Bắc triều (tức quân nhà Thanh) nhưng cũng có thể hiểu là quân của triều đình Bắc Hà tức quân nhà Lê. Căn cứ vào nội dung chép trên văn bia, ”bắc binh” không thể là“quân Thanh”. Văn bia đã chép rõ Đặng Tiến Giản chỉ huy đội tiên phong của Tây Sơn đánh cho “bắc binh”tan rã và một mình một ngựa tiến trước vào dẹp yên cung cấm” (Bắc binh đã rút chạy khỏi Thăng Long) . Đọc sử Tây Sơn ai cũng biết sự kiện: quân Thanh vào nước ta chiếm đóng Thăng Long vào cuối năm Mậu Thân (1788) nhưng không gặp trở ngại nào vì đại quân Tây Sơn đã chủ động rút trước về lập tuyến phòng thủ ở Tam Điệp chờ lệnh Nguyễn Huệ. Cho đến giao thừa năm Mậu Thân quan quân Tôn Sĩ Nghị vẫn yên ổn ăn Tết ở Thăng Long.

Chiến dịch đại phá quân Thanh do vua Quang Trung chỉ huy chỉ mở màn vào sáng mồng 3 Tết Kỷ Dậu bằng trận tiêu diệt đồn Ngọc Hồi và kết thúc vào sáng 5 Tết KD (1789) với trận tiêu diệt quân Thanh ở Khương Thượng-Đống Đa. Như vậy việc xác định “bắc binh”trong văn bia là “quân Thanh” đương nhiên là không thích hợp vì quân Thanh đâu có rút chạy khỏi Thăng Long trong năm Mậu Thân? Vậy cụm từ “bắc binh nam mục” phải dịch thế nào cho đúng? Năm 2007, qua tìm hiểu định nghĩa chữ “mục” và đọc lại diễn biến trận đánh của Tây Sơn ra Thăng Long đầu năm Mậu Thân, chúng tôi đã dịch lại “bắc binh nam mục” là “quân Bắc Hà nhìn (nhòm ngó) về phương nam”.

Sử sách chép về trận đánh của quân Tây Sơn ra Bắc Hà đầu năm Mậu Thân như sau: Tháng 6 năm Bính Ngọ (tháng 7 năm 1786) Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc Hà tiến phạm Thăng Long. Sau khi diệt xong quân Trịnh ở Thăng Long, Nguyễn Huệ trao quyền lại cho vua Lê (Lê Chiêu Thống) tháng 8-Bính Ngọ (tháng 9-1786) Tây Sơn rút quân về Nam . Khi được tin Tây Sơn rút quân, Nguyễn Hửu Chỉnh-tướng Tây Sơn nhưng không được Huệ tin cậy, hoảng sợ cấp tốc đuổi theo. Đến Nghệ An thì bắt kịp Huệ nhưng Huệ vẫn không cho Chỉnh theo về Nam mà bố trí ở lại cùng Nguyễn Văn Duệ quản lý quân Tây Sơn ở Nghệ An. Chỉnh oán Huệ rắp tâm báo thù. Đầu năm Đinh Mùi (1787) Trịnh Bồng mang tàn dư quân Trịnh kéo vào Thăng Long lập lại phủ chúa và uy hiếp Lê Chiêu Thống. Vua Lê đã bí mật nhờ Chỉnh đưa quân từ Nghệ An ra cứu giá. Chỉnh đã huy động được một đội quân ở Nghệ An kéo ra Thăng Long đánh tan Trịnh Bồng. Chỉnh được Lê Chiêu Thống tin cậy phong tước Bằng quận công và giao nắm binh quyền ở Thăng Long. Gây dựng được thế lực, Chỉnh nghỉ đến việc trả thù Nguyễn Huệ.

Mùa đông năm Đinh Mùi (1787) Chỉnh xúi dục vua Lê gửi quốc thư đòi lại đất Nghệ An. Đã được tin báo về sự lộng quyền và âm mưu của Chỉnh phản Tây Sơn nên khi nhận quốc thư, Huệ nổi giận sai Vũ Văn Nhậm-con rể Nguyễn Nhạc, hiện đang chỉ huy tiền quân Tây Sơn đóng tại Động Hải (Đồng Hới-Quảng Bình ngày nay) làm Tiết chế thống lĩnh quân Tây Sơn đánh ra Bắc để trừng phạt bè lũ phản nghịch Chiêu Thống-Hửu Chính (Bắc binh hội) .

Lúc này Đặng Tiến Giản đang ở dưới trướng Nguyễn Huê, được phong tước Đông Lĩnh hầu, ”được tin yêu trao ấn kiếm và ủy thác cầm quân ”Sách “Tây Sơn thuật lược” chữ Hán xuất bản dưới triều Nguyễn chép về trận Mậu Thân: ”Mùa đông năm Đinh Mùi (1787) nhận quốc thư của Lê Chiêu Thống, Huệ giận lắm khiến Tiết chế Nhậm đốc suất bộ quân, Thái úy Điều đốc xuất thủy quân, Đô đốc Đặng Giản làm tiên phong nhằm kinh thành Thăng Long tiến phát. Tháng giêng năm Mậu Thân (Chiêu Thống 2, Thái Đức 11) quân Tây Sơn tiến phạm Thăng Long. Vua Lê chạy đi Hải Dương, quân Tây Sơn rượt theo, cha con Nguyễn Hửu Chỉnh đều bị bắt (sau đó bị Nhậm giết) . Huệ cho Vũ Văn Nhậm trấn Thăng Long, Đặng Giản trấn Thanh Hoa (Giản là người Lương Xá, dòng dõi của Đặng Nghĩa Huấn) . Mùa Hạ ( tháng 5-Mậu Thân) , lúc ấy Nhậm tại trấn, có kẻ tố giác rằng Nhậm lộng quyền, Huệ mượn cớ là đi tuần đất Bắc, Nhậm ra lạy chào, Huệ bèn bắt giết đi. Huệ cho quan Đại Tư Không Ngô Văn Sở, quan Nội hầu Lân (Phan Văn Lân) trấn Thăng Long rồi từ Thăng Long trở về Phú Xuân” (2) Theo một số sách sử khác chép, trong dịp ra Thăng Long trừng trị Nhậm (5-MT) , Huệ đã tổ chức lại việc phòng thủ Bắc Hà, khen thưởng số tướng lĩnh có công trong đó Đặng Tiến Giản được ban tặng làng Lương Xá quê hương làm thực ấp như văn bia đã chép. (trước đây có người ghép việc ban tặng này cho Đô đốc Long sau chiến Thắng Tết Kỷ Dậu!) Cũng trong dịp này nhiều danh sĩ Bắc Hà đã về với Tây Sơn trong đó có 2 danh sĩ nổi tiếng là Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích được Huệ trọng dụng (diễn biến đúng như tiên đoán của Nguyễn Huệ trong bản “Sắc”phong tước Đông Lĩnh hầu cho Đặng Tiến Giản) .

Từ diễn biến trên thực tế trận đánh trên, chúng tôi khẳng định dịch “Bắc binh nam mục”là “quân Bắc Hà nhìn về phương Nam”tức quân Chiêu Thống-Hửu Chỉnh lăm le mhòm ngó, có tham vọng về đất đai đối với Nam Hà là chính xác cả về dịch thuật và thực tiễn.

Việc giải mã cụm từ”bắc binh nam mục”cho phép chúng tôi hoàn chỉnh lời dịch đoạn văn bia bằng chữ Hán nêu trên như sau:

Dịch nghĩa:

“Vị Đại tướng triều ngày nay là đô đốc Đặng Tiến Giản tước Đông Lĩnh hầu thống lĩnh về Thiên Hùng trong đạo Vũ Thắng, xuất thân từ chi thứ nhất một họ lớn, cháu cụ Yên quận công, con cụ Dận quận công (...) . Bấy giờ, tiếng tăm nghĩa khí của Thái tổ Vũ hoàng đế lừng lẫy khắp nơi, ngài đang về đóng tại Quảng Nam. Ông một lần vào ra mắt trước cửa quân, nhờ ơn tri ngộ, yêu ban ấn kiếm, giao cho cầm quân. Ngữa nhờ oai trời, một lần cất quân là quét sạch giặc giả. Năm Mậu Thân đầu niên hiệu Quang Trung (2 chữ” Quang Trung “ bị đục) quân Bắc nhòm ngó phương nam, ông vâng chiếu lãnh đạo tiên phong tiến đánh, quân Bắc tan rã. Ông một mình một ngựa đi trước vào dẹp yên cung cấm. Võ hoàng đế đến Thăng Long, xét công phong thưởng, đặc biệt ban cho ông quê làng Lương Xá làm thực ấp.”

Tù cuối năm 2007 đến nay công trình nghiên cứu về Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản ở Lương Xá với bằng chứng lịch sử là đoạn văn bia “Tông đức thế tự bi” với lời dịch như trên đã được hưởng ứng rộng rãi trên công luận cả trong và ngoài nước góp phần không nhỏ cho dư luận đánh giá lại độ tin cậy của giả thuyết “Đặng Tiến Đông chính là Đô đông Long.”

Đoạn Kết

Sử học là khoa học khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu. Những di bản đời Tây Sơn ở Lương Xá chính là nguồn sử liệu đáng tin cậy nhất để xác minh thân thế, sự nghiệp Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản ở Lương Xá. Bài viết này chỉ chứng minh: lịch sử Tây Sơn không có Đô đốc Đặng Tiến Đông mà chỉ có Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản và Đô đốc Giản không phải là Đô đốc Long. Còn có một số nghi vấn xung quanh Đặng tướng công ở Lương Xá, tuy không được đề cập trong các di bản nhưng một số chi tiết trong di bản đã giúp làm sáng tỏ: năm sinh của ông đã có căn cứ xác định là năm Mậu Ngọ (1738) còn ngày ông mất không thấy nơi nào trong các di bản chép. Tuy nhiên có thể khẳng định trường hợp xác đinh ngày mất của ông là 15 tháng 2 năm Chiêu Thống 1 (1787) như trong quyển Nhân vật lịch sử Việt nam các tác giả Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Bá Thế nêu là không có căn cứ.

Nội dung văn bia đã xác định Đặng tướng công tham dự trận đánh của Tây Sơn ra Thăng Long vào đầu năm Mậu Thân (1788) thì ông không thể đã mất năm 1787? Về thời gian Đặng tướng công biên soạn bộ phả cũng không thấy ghi trong các di bản. Nhưng với danh xưng của ông ghi trên bộ phả và cả trên văn bia là “Đông Lĩnh hầu Đại Đô đốc thống lĩnh 2 đạo quân Vũ Thắng Thiên hùng là Đặng Tiến Giản ở chi Giáp nhất kính cẩn biên soạn”có thể xác định mốc thời gian biên soạn bộ phả là trong thời kỳ Đặng tướng công phục vụ trong hàng ngủ Tây Sơn không thể trước năm 1787 vì tước Đông Lĩnh hầu cùng chức Đại đô đốc thống Vũ Thắng đạo Thiên Hùng của ông là do Tây Sơn phong tặng. Ông cũng không thể mất sau năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797) là năm 2 ông Phan, Ngô lập bia tưởng niệm Đặng Tiến Giản, người bạn đồng hương, đồng triều, đồng chí mà 2 ông quý mến. Riêng về lai lịch Đô đốc Long hiện còn nhiều tranh cãi giữa các nguồn tin nói ông là Đặng Văn Long quê ở Bình Định, là “Nguyễn Tăng Long”quê Quảng Ngãi, là Lê Văn Long quê ở Quảng nam…Bài viết này chỉ bác bỏ nguồn tin nói Đô đốc Long là “Đặng Tiến Đông quê Lương Xá (Hà Nội) ”, không bàn đến các nghi vấn khác.

Hà Nội-Xuân Canh Dần

 

Chú thích:

1-Theo các tác phẩm của GS Phan Huy Lê viết về Đặng Tién Đông năm 1973-1974: -*Danh nhân quê hương tập 1-Hà Tây 1973-*Đô đốc Đông và một số di vật thời Tây Sơn mới phát hiện-Tạp chí Khảo cổ học số 16/1973-*Đô đốc Đặng Tiến Đông một tướng Tây Sơn chỉ huy trận Đống Đa-Tạp chí Nghiên cứu Lịch Sử số 38/1974-*Về nhân vật Đặng Tiến Đông-Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 4/1999.

2-Theo bài “Phải gọi là Đô đốc Đặng Tiến Giản”-Trần Văn Quý-Đối thoại sử hoc-NXB Thanh Niên-2000, từ trang 359 đến trang 373.

3-Phan Huy Lê. ”Đô đốc Đông…” Tạp chí Khảo cổ học sô 16/1974.

4-Tây Sơn thuật lược: bản dịch của Tạ Quang Phát, chuyên viên Hán học Viện Khảo cố Sàigon đăng trên Đặc san Sử Địa (SG) số Xuân Mậu Thân 1968.

 

PHỤ LỤC:

Nội dung bản “sắc

Nguyễn Huệ phong cho Đặng Tiến Giản tước Đông Lĩnh hầu

Nguyên văn:


敕 常 信 府 富 川 縣 盛 福 社 鄧 進 丈 夫 氣 愾 男 子 胸 襟 仕 宦 遭 逢 役 见 王 臣 之 偉 績 始 終
遇 報 不 忘 國 士 之 殊 知 經 冬 肯 擾 于 寒 松 行 道 正 悲 于 秀 麥 秦 師 無 援 未 灰 復 楚 之 心
漢 傑 有 謀 難 塞 為 韓 之 責 苟 依 棲 之 無 地 耻 共 戴 之 有 天 卜 一 路 之 可 南 大 邦 于 控 詎
半 河 之 以 北 義 士會 無 將 用 處 於 年來 捨 斯 人 其 孰 可 可 加 都 督 同 知 職 東 嶺 侯 仍 差
清 華 鎮 手 於 戲 歸 夏 臣 于 湯 御 寧 禁 戴 舊 之 素 依 將 殷 士 于 周 京 勉 翕 維 新 之 耿 命 罄
乃 心 力 濟 我 事 功 欽 哉 上 秩 故 敕 泰 德 十 年 七 月初 三 日

 

Phiên âm:

Sắc: Thường Tín phủ, Phú Xuyên huyện, Thạnh Phúc xã Đặng Tiến Giản.

Trượng phu khí khái,

Nam tử hung khâm.

Sĩ hoạn tao phùng, dịch kiến vương thần chi vĩ tích;

Thủy chung ngộ báo, bất vong quốc sĩ chi thù tri.

Kinh đông khẳng nhiễu vu hàn tùng,

Hành đạo chính vi vu tú mạch.

Tần sư vô viện, vị khôi phục Sở chi tâm;

Hán kiệt hữu mưu, nan tắc vi Hàn chi trách.

Cẩu y thê chi vô đạo,

Sỉ cộng đái chi hữu thiên.

Bốc nhất lộ chi khả nan, đại bang vu khống;

Cự bán hà chi dĩ bắc, nghĩa sĩ hội vô.

Tương dụng xử ư niên lai;

Xả tư nhân kì thục khả.

Khả gia đô đốc đồng tri chức, Đông Lĩnh hầu, nhưng sai Thanh Hoa trấn thủ.

Ư tư:

Quy Hạ thần vu Thang ngự, ninh câm đái cựu chi tố y;

Tương Ân sĩ vu Chu kinh, miễn hấp duy tân chi cảnh mệnh.

Khánh nãi tâm lực,

Tế ngã sự công.

Khâm tai. Thượng trật. Cố sắc.

Thái Đức thập niên thất nguyệt sơ tam nhật.

Tạm dịch:

Sắc cho Đặng Tiến Giản người xã Thịnh Phúc, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín.

Trượng phu hăng hái,

Nam tử hào hùng.

Gặp gỡ quan trường, công cả quân thần từng gây dựng;

Trước sau báo đáp, biết nhau quốc sĩ phải khắc ghi.

Trải qua đông, thông rét chẳng nao;

Thi hành đạo, lúa tươi cũng ủ.

Quân Tần không tới, lòng khôi phục Sở chưa thành;

Tướng Hán có mưu, việc thiết lập Hàn khó chặn.

Tạm nương náu không tìm được đất;

Luống hổ ngươi cùng đội chung trời.

Một nẻo đường ở cõi nam, đại bang ngăn giữ;

Nửa bên sông về đất bắc, nghĩa sĩ vắng tênh.

Đem dùng để cho năm sau,

Bỏ người này ai làm được?

Vậy, thêm cho chức đô đốc đồng tri, tước Đông Lĩnh hầu, vẫn sai làm trấn thủ xứ Thanh Hoa.

Bầy tôi Hạ theo về Thang ngự, chớ cậy nhờ ơn đội chúa xưa;

Kẻ sĩ Ân đem đến Chu kinh, hãy gắng gỗ tuân theo mệnh mới.

Hết lòng hết sức,

Giúp việc cho ta.

Hãy kính đấy!

Đây là sắc thăng trật.

Ngày mồng 3 tháng bảy năm Thái Đức thứ 10 (1787).

(Người dịch: Lê Nguyễn Lưu)

__________________   

Những bài liên quan:

- Đã tìm được lai lịch hoàn chỉnh của Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến (Trúc Diệp Thanh)

- Đâu Là Thông Điệp Đích Thực Từ Các Di Bản Đời Tây Sơn Ở Lương Xá, Hà Nội (Trúc Diệp Thanh)

- Sự thật về “Đô đốc Đặng Tiến Đông” ở Lương Xá! (Trúc Diệp Thanh)

- Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản, vị đô đốc Tây Sơn qua các di vật ở Lương Xá, Hà Nội (Trúc Diệp Thanh),

- Phát Hiện Mới Về Các Di Vật Đời Tây Sơn Ở Chùa Thủy Lâm Và Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ-H