Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản,

vị đô đốc Tây Sơn qua các di vật ở Lương Xá (Hà Nội).

Trúc Diệp Thanh

http://sachhiem.net/LICHSU/TRDTH/TrucDiepThanh.php

09 tháng 1, 2010

 

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, giới sử học VN đã phát hiện một số di bản, di vật đời Tây Sơn ở Lưong Xá và chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Tây cũ-nay là Hà Nội) trong đó quan trọng nhất là Bộ Đặng gia phả ký được biên soạn dưới triều Tây Sơn, bản Sắc có niên đại Thái Đức thứ 10 (1787) và tấm bia đá có khắc văn bia “Tông Đức thế tự bi” có niên đại Cảnh Thịnh thứ 5 (1797). Ba di bản này (bản gốc bằng chữ Hán) chứa đựng những thông tin chính xác, trung thực nhất về vị tướng quân họ Đặng đời Tây Sơn ở Lương Xá hiện được biết dưới cái tên “Đặng Tiến Đông”.

1- Đặng Tiến Đông chính là Đặng Tiến Giản vị tướng Tây Sơn thuộc dòng dõi họ Đặng ở Lương Xá (Chương Mỹ- Hà Nội).

Trong Bộ Đặng gia phả ký có 6 quyển Đặng gia phả hệ toàn chính thực lục do chính Đặng tướng công biên soạn dưới triều Tây Sơn. Khai thác 6 quyển phả này cho thấy Đặng tướng công thuộc dòng dõi gia đình đại vọng tộc có công lớn với nhà Lê (đời Lê Trung Hưng). Ông là cháu đời thứ sáu của Nghĩa quốc công Đặng Huấn. Trên trang đầu mỗi quyển phả tác giả đều ghi rõ tên, họ, chức tước. Tuy nhiên tên của ông bằng chữ Hán lại có hai cách đọc khác nhau: người thì đọc là “ĐÔNG” (Đặng Tiến Đông) , kẻ thì đọc là “GIẢN” (Đặng Tiến Giản) !

Vậy tên của ông là “Đông” hay “Giản”? Điều lý thú là câu hỏi của người đời nay đã được chính Đặng tướng công giải thích từ ngày ông biên soạn gia phả (cuối thế kỷ 18). Tại trang cuối quyển 6 chép về Dận quận công Đặng Đình Miên-thân phụ của Đặng tướng công, tác giả có chép một đoạn “tự bạch”về mình như sau (phiên âm):

Mậu Ngọ ngũ nguyệt sơ nhị, Quý Sửu thì, sinh đệ bát tử ”Đông” () hậu cải ”Giản” dĩ tự vựng vân: Trùng âm tích vũ chi hậu hốt kiến nhật sắc, cố tri danh yên” Có nghĩa là: ”Năm Mậu Ngọ, tháng 5, ngày 2, giờ Quý Sửu, sinh con trai thứ 8 là Đông sau đổi tên Giản () theo nghĩa chữ Giản là: Sau khi mây mù tích mưa bổng thấy ánh mặt trời, cho nên đặt tên như thế” (1)

Thẩm định qua Từ điển Hán ngữ hiện đại, tại cuốn “Từ Hải” (NXB Thượng Hải 1989) ỏ trang 1580 chữ ”Giản” được định nghĩa: ”Trùng âm tích vũ chi hậu hốt kiến nhật sắc dã Đối chiếu với gia phả biên soạn 200 năm về trước thì định nghĩa chữ “Giản” như trên hoàn toàn trùng khớp! Với thông điệp của người xưa như trên, hậu thế phải đọc tên họ Đặng tướng công là Đặng Tiến Giản là lẽ đương nhiên!

2 - Trong hàng ngũ Tây Sơn, Đặng Tiến Giản có vị trí như thế nào?

Điều này khống thể tìm thấy trong bộ phả do Đặng Tiến Giản biên soạn mà phải khai thác từ 2 di bản còn lại:

1)- Bản “Sắc” có niên đại ngày 3 tháng 7 năm Thái Đức thứ 10 (15/8/1787) là bằng chứng lịch sử cho ta biết Đặng Tiến Giản từng là vỏ quan hàng Đô đốc, trấn thủ xứ Thanh Hoa dưới triều nhà Lê, năm 1787 ông từ bắc vào nam xin yết kiến Nguyễn Huệ được Huệ thu dụng, gia phong chức”Đô đốc Đồng tri tước Đông Lĩnh hầu vẫn sai làm trấn thủ xứ Thanh Hoa” (vào thời điểm này Thanh Hoa vẫn thuộc quyền cai quản của nhà Lê). Trong Sắc phong, Nguyễn Huệ khen Đặng Tiến Giản là người có khí tiết, có uy tín cao trong hàng ngũ các sĩ phu Bắc Hà và “người này” (Đặng Tiến Giản) sẽ có vai trò không ai có thể thay thế trong trừong hợp Tây Sơn tiến quân ra Bắc. Những tiên liệu của Nguyễn Huệ đã trở thành hiện thực chỉ vài tháng sau đó như đoạn văn bia dưới đây ghi chép.

 

2)- Văn bia “Tông đức thế tự bi” do Phan Huy Ích biên soạn, Ngô Thì Nhậm nhuận sắc lập ngày 15 tháng 6 năm Đinh Tỵ (ngày 9/7/1797) để tưởng niệm Đặng Tiến Giản là bằng chứng lịch sử ghi nhận chiến công của Đặng Tiến Giản phục vụ Tây Sơn sau ngày nhận phong tước Đông Lĩnh hầu. Văn bia có đoạn như sau:

Phiên âm:

Kim triều đại tướng thống Vũ Thắng đạo Thiên Hùng đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản hệ xuất lệnh tộc giáp nhất chi, Yên quận công chi tôn, Dận quận công chi tử (mất một chữ) thì, Hoàng triều Thái tổ Vũ Hoàng đế nghĩa thanh chấn bạc quy trú Quảng nam, công nhất kiến quân môn, mật mông tri ngộ, sủng ban ấn kiếm, ủy thống nhung huy. Ngưỡng lại thiên uy, nhất cử đảng định. Mậu thân … … (2 chữ bị đục) sơ, bắc binh nam mục, công phụng chiếu tiên phong đạo, tiến chiến nhi bắc binh hội. Công đơn kỵ đương tiên, túc thanh cung cấm. Vũ Hoàng giá lâm Thăng Long, sách hành thưởng đặc tứ bản quán Lương Xá xã vĩnh vi thực ấp…

Dịch nghiã:

Vị Đại tướng triều ta là Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản thống lĩnh về Thiên Hùng trong đạo Vũ Thắng, xuất thân từ chi thứ nhất một họ lớn, cháu cụ Yên quận công, con cụ Dận quận công (…) Bấy giờ tiếng tăm nghĩa khí của Thái tổ Vũ Hoàng đế lừng lẫy khắp nơi, ngài đang đóng quân ở Quảng Nam. Ông một lần vào ra mắt trước cửa quân, nhờ ơn tri ngộ, yêu ban ấn kiếm, giao cho cầm quân. Ngữa nhờ oai trời, một lần cất quân là quét sách giặc giả. Năm Mậu Thân… … quân Bắc nhòm ngó phương nam, ông vâng chiếu lãnh đạo tiên phong tiến đánh quân Bắc tan rã. Ông một mình một ngựa đi trước vào dẹp yên cung cấm. Vũ Hoàng đế đến Thăng Long xét công phong thưởng, đặc biệt ban cho ông làng quê Lương Xá làm thực ấp vĩnh viễn” (2)

Bia tưởng niệm Đô đốc Đặng Tiến Giản được lập năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797) là lúc triều Tây Sơn đang tuột dốc trong khi thế lực Nguyễn Ánh đang ngày càng hùng mạnh. Để tấm bia có thể tồn tại qua biến cố thời cuộc, 2 ông Phan, Ngô buộc phải thận trọng. Vì vậy, trong đoạn văn bia trên cần lưu ý một số nhóm từ hai ông Phan, Ngô sủ dụng với dụng ý đánh lạc hướng người đọc.

Bia tưởng niệm chiến công một tướng lĩnh Tây Sơn nhưng tuyệt nhiên không có 2 từ”Tây Sơn”, cũng không có tên nhân vật khét tiếng thời Tây Sơn là Nguyễn Huệ, sau này là vua Quang Trung, đối tượng tác chiến cũng không chỉ rõ cụ thể chỉ dùng cụm từ“Băc binh nam mục”, ”Bắc binh hội”. Tuy nhiên giới nghiên cứu cũng không mấy khó khăn nhận ra tấm bia nói về một tướng lĩnh Tây Sơn: danh xưng Thái tổ Vũ Hoàng đế là miếu hiệu của vua Quang Trung sau ngày nhà vua băng hà (1792).

Thời điểm Đặng Tiến Giản vào yết kiến Nguyễn Huệ ở Quảng nam (1787) , Huệ còn là Bắc Bình vương song các nhà soạn bia dùng miếu hiệu (tiên đế) vừa tránh lộ liễu vừa giữ được sự tôn nghiêm. Tuy nhiên điều khó nắm bắt hơn là hiểu đúng cụm từ ẩn dụ”bắc binh nam mục”, bắc binh hội”.

Chìa khóa để giải mả những bí ẩn trên là ở hai chữ xác định niên đại trận đánh là Mậu Thân (1788) (không cần tính đến 2 chữ bị đục) Trên những trang sử chép về triều đại Tây Sơn xưa, nay đều có ghi lại trận đánh của quân Tây Sơn ra Thăng Long vào đầu năm Mậu Thân (1788). Về trận này sách”Tây Sơn thuật lược” xuất bản dưới triều Nguyễn chép (lược trích):

”Năm Đinh Vị (1787) Nguyễn Hửu Chỉnh lấy binh Nghệ An ra Thăng Long đánh đuổi An Đô vương Trịnh Bồng. Vua Lê tin dùng phong cho Chỉnh tước Bằng quận công giao nắm binh quyền coi giúp việc nước. Mùa đông năm ấy Chỉnh xúi dục vua Lê gửi quốc thư cho Nguyễn Huệ đòi lại đất Nghệ An. Huệ nổi giận sai Tiết chế Vũ Văn Nhậm đôn đốc bộ quân, Thái úy Điều đôn đốc thủy quân, Đô đốc Đặng Giản làm tiên phong, nhắm kinh thành Thăng Long tiến phát…. Năm Mậu Thân (1788) , tháng Giêng, quân Tây Sơn tiến phạm Thăng Long bắt giết cha con Hửu Chỉnh, Lê Chiêu Thống chạy về Hải Dương cho người sang cầu viện nhà Thanh. Huệ cho Nhậm trấn giữ Thăng Long. Đặng Giản trấn Thanh Hoa (Giản là người Lương Xá, dòng dõi của Đặng Nghĩa HuấnNhậm ở Thăng Long sinh kiêu căng lộng quyền, được tin báo mùa hạ năm đó (1788) Huệ mượn cớ đi tuần đất Bắc, bất ngờ vào Thăng Long bắt và giết Nhậm, giao Ngô Văn Sở , Phan Văn Lân giữ trấn Thăng Long…” (3).

Diễn biến trận đánh năm Mậu Thân (1788) của quân Tây Sơn ra Thăng Long như trên so với đoạn văn bia bằng chữ Hán do hai ông Phan, Ngô biên soạn năm 1797thấy hoàn toàn trùng hợp: giữa năm 1787, Đặng Tiến Giản từ Bắc Hà vào Quảng Nam yết kiến Nguyễn Huệ được Huệ trọng dụng phong tước Đông Lĩnh hầu, đến mùa thu năm đó xảy ra sự kiện Nguyễn Hửu Chỉnh xúi dục vua Lê gửi thư cho Huệ đòi lại đất Nghệ An (Bắc binh nam mục: quân bắc triều nhòm ngó lãnh thổ Tây Sơn) Huệ ban cho Đặng Tiến Giản ấn kiếm và giao cầm quân (đội tiên phong trong đạo quân do Vũ Văn Nhậm thống lĩnh) đánh ra Thăng Long hỏi tội bè lũ Lê Chiêu Thống-Nguyễn Hửu Chỉnh (Bắc binh hội). Đầu năm Mậu Thân, Giản dẫn đầu đoàn quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long bắt giết Chỉnh vua Lê chạy trốn khỏi kinh thành (túc thanh cung cấm). Nhậm được giao binh quyền ở Thăng Long sinh kiêu căng, lộng quyền. Tháng 4/Mậu Thân, Huệ bất ngờ ra Thăng Long (Vũ hoàng giá lâm Thăng Long) bắt giết Nhậm, ủy lạo khen thưởng tướng lĩnh có công trong đó “đặc cách ban cho Đặng Tiến Giản làng quê Lương Xá làm thực ấp”. Riêng về ngày Giản qua đời, cả ba di bản trên đều không đề cập nhưng căn cứ vào năm lập bia tưởng niệm người quá cố là năm 1797, có cơ sở để phán đoán ông mất trước thời điểm lập bia vài năm tức vào những năm đầu triều Cảnh Thịnh.

Xác minh lai lịch của Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản như trên là hoàn toàn khách quan, trung thực có cơ sở từ những cứ liệu lịch sử đời Tây Sơn hiện đang tồn tại. Từ đó có thể khẳng định Đặng Đô đốc ở Lương Xá không phải là Đô đốc Long vị tướng Tây Sơn chỉ huy đánh giặc Thanh ở Khương Thượng-Đống Đa dịp Tết Kỷ Dậu (1789). Văn bia Tông đức thế tự bi do 2 danh sĩ Tây Sơn là Phan Huy Ích biên soạn, Ngô Thì Nhậm nhuận sắc vào năm 1797 dưới triều Cảnh Thịnh chỉ cách trận đánh năm Mậu Thân 9 năm, cả 2 ông Phan Ngô đều là người từng trực tiếp chứng kiến 3 lần Tây Sơn tiến phạm Thăng Long vào các năm Bính Ngọ (1786) Mậu Thân (1788) và Kỷ Dậu (1789) thì không thể có sự nhầm lẫn giữa trận đánh năm Mậu Thân và năm Kỷ Dậu, giữa Đô đốc Đặng Tiến Giản và Đô đốc Long! (4)

 

Hà Nội tháng 01 năm 2010

Trúc Diệp Thanh

(Nhà báo-Hà Nội)


Chú thích:

(1) Sử dụng lời dịch của cố học giả Trần Văn Quý đăng trên ”Đối thoại sử học” (NXB Thanh Niên-2000) trang 360. Trong sách dịch Đặng Gia phả ký (Viện Nghiên cứu Hán Nôm-2000) ở trang 365 câu chữ Hán dẫn trên được dịch “…sinh con thứ tám là Đông sau đổi sang chữ Đông” là vô nghĩa!

(2) Sử dụng bản dịch của Lê Ngân và Lê Nguyễn Lưu đăng trên mục ”Thông tin tư liệu” tạp chí Huế Xưa và Nay (Hội Khoa học Lịch sử TT-H) số 90 (11-12/2008) trang 84-85).

(3) Đoạn lược trích trong bài là từ bản dịch cuốn"Tây Sơn thuật lược” (xuất bản từ đời Nguyễn) của Tạ Quang Phát, chuyên viên Hán học. Viện Khảo cổ Sài gòn đăng trên Đặc san Sử Địa (Sàigòn) số Xuân Mậu Thân 1968. (được in lại gần đây trên Fortune City www.GraneenFoundation.org)

(4) Về lai lịch Đô đốc Long hiện còn các nghi vấn: là Đặng Văn Long quê ỏ Tuy Viễn-Bình Định;là Nguyễn Tăng Long quê ở Sơn Tịnh-Quảng Ngãi; là Lê Văn Long quê ỏ Quảng Ngãi…phát hiện gần đây là Đặng Tiến Đông quê ở Lương Xá. (?)

Kèm theo :

1-Ảnh: tượng Đô đốc Đặng Tiến Giản tại chùa Trăm Gian

2-Bản Sắc Phong tước Đông Lĩnh Hầu cho Đặng Tiến Giản

__________________   

Những bài liên quan:

- Đã tìm được lai lịch hoàn chỉnh của Đô đốc Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến (Trúc Diệp Thanh)

- Đâu Là Thông Điệp Đích Thực Từ Các Di Bản Đời Tây Sơn Ở Lương Xá, Hà Nội (Trúc Diệp Thanh)

- Sự thật về “Đô đốc Đặng Tiến Đông” ở Lương Xá! (Trúc Diệp Thanh)

- Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Giản, vị đô đốc Tây Sơn qua các di vật ở Lương Xá, Hà Nội (Trúc Diệp Thanh),

- Phát Hiện Mới Về Các Di Vật Đời Tây Sơn Ở Chùa Thủy Lâm Và Chùa Trăm Gian (Chương Mỹ-H