Hiến Pháp “Của Chúng Ta”

AMARI TX

http://sachhiem.net/AMARITX/AMI06.php

 

20-Feb-2013

...Mục đích hiến pháp sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải thích hiến pháp. Khi ngôn từ trong từng điều khoản của hiến pháp có chỗ chưa rõ thì mục đích của hiến pháp là ngọn hải đăng dẫn đường cho quá trình giải thích. Như Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 phần mở đầu : “Chúng ta, nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ…”. “nhân dân” là người lập ra hiến pháp, nhấn mạnh Hiến pháp này là của nhân dân...

Là những người con Việt xa xứ, nhưng chúng tôi vẫn dõi theo tình hình biến chuyển của quê hương. Con người với những số phận và hoàn cảnh khác nhau mặc dù mang quốc tịch là công dân của nước sở tại nhưng cuội nguồn vẫn là người Việt Nam. Qua các phương tiện truyền thông thì được biết ngày 23-11-2012, tại kỳ họp thứ tư, quốc hội khóa 13 đã thông qua nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992, thi hành hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCNVN của dân, do dân, vì dân, bắt đầu từ ngày 2-1-2013 và kết thúc vào ngày 31-3-2013. Bản thân tôi cũng muốn có một tiếng nói hầu đóng góp một phần bé nhỏ của mình trong cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp 1992 của Việt Nam.

Theo chúng tôi suy nghĩ thì mỗi bản hiến pháp đều là sản phẩm của thời đại trong đó chúng được làm ra vì vậy không có bản hiến pháp nào gọi là hoàn hảo, việc sửa đổi là điều không có gì lạ, ngay bản hiến pháp của Hoa kỳ được biết đó là bản hiến pháp lâu đời nhất nhưng nó cũng đã được bổ sung bằng các tu chính án đó là sự uyển chuyển của hiến pháp cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Hội nghị Lập hiến được triệu tập ngày 25 tháng 5, 1787, trong một bối cảnh những người dân Mỹ vừa trải qua một cuộc chiến tranh kéo dài, cam go và tàn phá, chỉ vừa mới bắt đầu giai đoạn phục hồi kinh tế từ đống đổ nát, 55 đại biểu có mặt tại cuộc họp là những nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước, những người thông minh, kiệt xuất và có uy tín lớn lao, một thế hệ tài năng, quả cảm, thông minh và chính trực mà nhân dân Mỹ sau này gọi là Founding Fathers (những người cha lập quốc). Nhưng cuối cùng, bản thân Hiến pháp Mỹ không phải là một điều quan trọng nhất. Điều quan trọng là, nước Mỹ đã vận hành nó trong “trạng thái kế thừa” trong suốt hơn 200 năm qua.

Hiến pháp là sự thể hiện ý chí đồng thuận của cả một dân tộc về việc thành lập một nhà nước và người dân trao quyền vận hành đất nước cho chính phủ đó là lý do người dân ủng hộ nhà nước. Hiến pháp như là điều gì đó vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, “của mình” qua tinh thần, nội dung, qua cách thể hiện ngay trong bản Hiến pháp. Có nghĩa là Hiến pháp cần được thiết kế để nhân dân ủy quyền mà vẫn không mất quyền. Điều quan trọng là mỗi ý kiến của người dân đã có cơ hội phát biểu đóng góp chưa, mọi đề xuất đóng góp sửa đổi đã được cân nhắc chưa và cơ chế hiến pháp hiến pháp có đủ sự uyển chuyển để theo kịp sự chuyển biến của tương lai xã hội hay không.

Hiến pháp vừa mang tính thiêng liêng nhưng đồng thời nó cũng gần gũi với với người dân, hiến pháp phải được mọi người dân coi là tài sản chung “của chúng ta”, người dân cảm nhận thấy đó là Hiến pháp của mình, khi họ có thể sử dụng Hiến pháp do chính mình làm ra và chuẩn y để bảo vệ các quyền và tự do của mình, bảo vệ nền dân chủ. Sửa đổi Hiến pháp sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với chất lượng Hiến pháp khi mà không phải tất cả những người dân tham gia vào công việc hệ trọng này đều hiểu biết như nhau về những vấn đề được đưa ra trưng cầu dân ý. Do đó, trưng cầu ý dân về các vấn đề quan trọng, đại sự như Hiến pháp nếu thiếu sự truyền thông giáo dục, thì kết quả có thể sẽ mang tính tiêu cực, mức độ người dân tham gia trong quá trình hình thành hoặc sửa đổi hiến pháp cũng ảnh hưởng đến phạm vi, mức độ của các quyền hiến định của công dân.

Quy trình có tính đại diện và thu hút sự tham gia nhiều hơn thì tạo ra Hiến pháp với những quy định thuận lợi cho bầu cử tự do và công bằng, bình đẳng về chính trị, công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người. Sự tham gia rộng rãi, thực sự của nhân dân vào quá trình hình thành và sửa đổi Hiến pháp cũng làm cho người dân sẽ viện đến Hiến pháp nhiều hơn, tuân thủ Hiến pháp tốt hơn, tức là làm cho Hiến pháp có tác dụng trên thực tế, chứ không phải Hiến pháp “chết”.

Lời nói đầu của hiến pháp có giá trị biểu tượng rất cao, tạc nên chân dung của một xã hội đồng lòng – nền tảng cho bất kỳ trật tự hiến pháp nào muốn trường tồn, mặc dù các thành viên của xã hội có thể có những quan điểm, cái nhìn, nguyện vọng khác nhau.

Mục đích hiến pháp sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải thích hiến pháp. Khi ngôn từ trong từng điều khoản của hiến pháp có chỗ chưa rõ thì mục đích của hiến pháp là ngọn hải đăng dẫn đường cho quá trình giải thích. Như Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 phần mở đầu : “Chúng ta, nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ…”. “nhân dân” là người lập ra hiến pháp, nhấn mạnh Hiến pháp này là của nhân dân.

Bình luận về Lời nói đầu của Hiến pháp Mỹ, một tác giả viết: “Ba (3) từ đó (We, The People: chúng ta, nhân dân) nói được nhiều hơn bất kỳ ba hay ba mươi từ nào trong toàn bộ bản văn Hiến pháp. Đó không phải là những từ có hiệu lực trực tiếp, chúng không thiết lập một cấu trúc nào, nhưng chúng lại có tính trao quyền, có tính tạo điều kiện, và chúng gửi một thông điệp rất mạnh mẽ đến nhân dân về bản chất của xã hội mà Hiến pháp muốn mô tả”.

Không những thế, Hiến pháp là sự thể hiện ý chí của cả dân tộc. Đó là sự phản ảnh lịch sử, những nỗi lo ngại, mối quan tâm, nguyện vọng, tầm nhìn, và quả thật, soi rọi tâm hồn của dân tộc đó. Một bản Hiến pháp buộc phải tìm ra mong muốn của đa số công dân, nhưng khi làm điều đó, phải tính đến những nỗi lo ngại, mối quan tâm của các nhóm thiểu số. Đồng thời, Hiến pháp là một bản văn mà trong đó các nhóm khác nhau trong xã hội gắn kết với nhau để bảo vệ nền dân chủ. Vì vậy, toàn thể công dân cần phải được hưởng quyền sở hữu Hiến pháp, tôn trọng, kính trọng Hiến pháp”.

http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%ADp_tin:Hienphap1946.jpgNhư chúng ta biết quyền lập hiến theo Hiến pháp 1946 là “quốc dân” (nhân dân), và được thể hiện như sau: “Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Còn mục đích của hiến pháp được ghi nhận trong Hiến pháp 1946 là “độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại”. Hiến pháp 1946 của Việt Nam là bản hiến pháp dân chủ và tiến bộ nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Nó ghi nhận thành quả vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong công cuộc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Hiến pháp 1946 đặt nền móng cho một nhà nước kiểu mới nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chính vì tính chất “của nhân dân” này, ghi nhận và thể hiện ý chí, chủ quyền tối thượng của nhân dân, Sự ủy quyền của cử tri cho các nghị sỹ là có thời hạn, trong khi chủ quyền nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp là vô hạn, do đó, nếu luật của nghị viện ban hành mà trái với Hiến pháp thì cũng phải vô hiệu hóa theo phán quyết của Tòa án- thiết chế được Hiến pháp trao thẩm quyền làm điều đó. Như vậy, tính chất “của nhân dân” là cơ sở vững chắc tạo ra tính chính danh cho hiến pháp.

 

1-1-2013

AMARI TX

http://amaritx.wordpress.com/2013/01/01/hien-phap-cua-chung-ta/