NTKDV - Con Đường Đi Điện Biên (Lý Thái Xuân)

Nửa Thế Kỷ Đi Về

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH04.php

22 tháng 3, 2009

Toàn tập:  1   2  3  4  5  6  7  8  9  10

Con Đường Đi Điện Biên

Vụ kẹt xe

Con đường từ đây đi Điện Biên càng quanh co, uốn éo quanh các núi đèo. Người tài xế chỉ cần lơ đễnh một giây là có thể xảy ra tai nạn lật xe xuống đèo, hay đụng xe khác chạy ngược chiều vòng qua núi. Con đường này đang được tu bổ nhiều nơi, nhiều ngõ tắt được xây dựng, những cuộc phá núi làm đất đổ tràn ra đường cũ. Chúng tôi bị kẹt xe một lần hơn tiếng đồng hồ chỉ vì một chiếc xe hàng chở khoai mì bị kẹt trong vũng lầy. Tôi bỏ xe đi bộ ra phía xe hàng bị lầy. Có cả hơn chục chiếc xe buýt du lịch sắp hàng, ai nấy vẫn ngồi trên xe. Thấy dăm ba người đàn ông đứng khoanh tay nhìn, tôi hỏi thăm có liên lạc được người giúp chưa. Họ bảo: "Ở đây toàn là núi, điện thoại di động không chuyền sóng được, người ta phải đi bộ thật xa để tìm cuốc xẻng". Nửa giờ sau, người mang cuốc xẻng đã tới. Thấy có 3 cái, và hai người làm, tôi lấy chiếc thứ ba tiếp tay cuốc đất lầy ra khỏi bánh xe. Được một lúc, tôi gọi người đứng gần đó nên vào tiếp, không phải vì mệt quá đáng, nhưng tôi muốn tạo không khí "mỗi người một tay". Được chiếc cần cẩu (đang cào đất làm đường) giúp sức, và sau khi ụ đất cản bánh xe đã được cuốc thấp xuống, xe hàng đã bò ra khỏi hố sình. Xe cần cẩu đổ đất lấp lại chỗ trũng, và đoàn xe mới di chuyển thêm được.

Tôi trở lại tìm xe của mình, né tránh các chiếc xe khác, nên tôi men theo bờ lề, bỗng tôi té ập xuống. Thì ra bên dưới lớp cỏ là một cái đường mương không sâu lắm nhưng đủ để bẻ ngược bàn chân tôi. Cố gượng đứng lên, tôi cảm thấy bên chân trái không thể chống đỡ được tí nào. Thế là chân phải tôi cố gắng tối đa để mang cả trách nhiệm cho cái thân. Không mấy chốc, bàn chân trái sưng lên, và khi xe đến khách sạn ở Điện Biên, tôi trở thành một chướng ngại cho việc đi thăm sau này vì không thể bước đi được, ngay cả đi vào khách sạn. Không thể theo người ta đi ra hàng ăn chiều, Tinh phải mua thức ăn, mua cả tô, đũa, muỗng,… mang về cho tôi. Tiệm ăn ở đây không có những hộp đựng thức ăn mang đi (to go) như ở Mỹ.

Cô chủ cho rằng chân tôi bị bong gân, đi tìm người bóp chân dùm, nhưng đã tối cô không tìm được ai. Cô bảo "phải chi còn sớm, ông bà có thể mua lá láng đắp lên mau khỏi lắm."

Ngày thứ chín -

Điện Biên Phủ.

Qua một đêm ngâm nước đá cái chân oan nghiệt, sáng nay tôi tin rằng có thể vịn vai Tinh để lê cái chân đi theo ra xe. Không thể bỏ qua được việc đi thăm, nhất là một nơi xa vời dịu vợi, khó khăn biết mấy mới đến đây, nên tôi cố gắng đi vào viện bảo tàng dù làm chậm bước Tinh mấy đoạn đường. Rốt cuộc, tôi cũng đã có thể thăm được cả gian phòng, vì thực ra viện bảo tàng rất nhỏ. Tôi ngừng bên Bếp Hoàng Cầm ngắm nghía một lúc. Không ngờ tướng Hoàng Cầm lại kiêm luôn nhiệm vụ kỹ sư, chế tạo cái bếp không khói (đưa khói đi nơi khác). Có thể nói, cuộc chiến đã thu nạp tất cả những sáng kiến, những đóng góp của từng cá nhân. Bức tường bên này trưng bày những khí giới bom đạn của Pháp. Vách bên kia trưng bày các chiến cụ của bộ đội thời bấy giờ, những bức ảnh bộ đội di chuyển quân cụ, quân lương, ì ạch, người đẩy, người kéo lên đèo cao một cách gian nan. Linh hoạt hơn là những bức hình ghim điện chớp, mô tả trận đánh bằng mũi tên và đèn chớp sáng, thay màu, hay tắt đi. Tên tuổi của tướng Võ Nguyên Giáp đã vang danh thế giới từ địa danh này.

Vì không thể bước đi thêm, tôi ra xe ngồi chờ hai anh em của Tinh đi thăm đồi A1, và hầm chỉ huy của tướng Pháp De Castries. Đồi A1 chỉ còn lại bia kỷ niệm, các di tích chiến tranh đã thực sự không còn sống. Hai anh em Tinh khoe rằng được nói chuyện với cô gái Thái Đen họ "Cà" làm tour guide rất thông suốt, nhanh nhẹn. Da cô rất trắng, nhưng cô bảo: "Dạ em là người Thái Đen. Chữ Thái Trắng, Thái Đen chỉ là phân biệt tập quán khác nhau thôi, không có nghĩa là da trắng da đen."

Dù không còn chiến tích gì trên mặt đất đã tàn khói súng hơn nửa thế kỷ, nhưng niềm hãnh diện được đứng trên mảnh đất và địa danh lừng lẫy thế giới này, đã cho chúng tôi cảm giác rất "đầy đủ". Tuy không cùng đi theo với chúng tôi, Chương vẫn gọi điện thoại thăm từng đoạn đường, có khi mỗi ngày ba bốn lần, và nhắc Hùng chở chúng tôi thăm địa điểm lịch sử kế tiếp.

Thái Trắng Thái Đen

Rời Điện Biên Phủ Hùng cho xe đi Sơn La ngang thị trấn Mường Ẳng. Chúng tôi dừng lại ăn trưa, có món canh khoai môn rất ngon miệng. Trên con đường này, các cô gái người Thái, váy màu đen, áo màu, thường là màu xanh lá cây, đầu búi tóc.

Người anh cả kể rằng anh có nghe ai đó phân biệt cách búi tóc của các cô Thái. Anh bảo không chắc trí nhớ của anh có đúng hay không :

- "dường như .. cô nào búi đàng sau là chưa có chồng, búi ngay đỉnh là có chồng, và búi đàng trước là chồng chết."

- "Vậy thì khổ quá! nhỡ nhớ lầm búi tóc mà đi tán cô gái có chồng thay vì cô gái còn trinh thì chết chắc." Hùng tham gia, vừa cười ngặt nghẽo, xong rồi ngâm tiếp:

- "Thái Đen, Thái Trắng, Thái Bình, Ba Thái đồng tình … phá hoại Điện Biên".

Thấy mặt chúng tôi ngớ ngẩn trông tội nghiệp, Hùng giải thích: "Chú thím thấy mấy tiệm buôn, khách sạn, ở Điện Biên Phủ số đông là người Thái Bình ra làm ăn, lẫn với các người Thái. Câu ca dao lúc nãy là người ta nói đùa thôi, câu đúng phải là:

- "Thái Đen, Thái Trắng, Thái Bình, Ba Thái đồng tình xây dựng Điện Biên".

Nói đến dân Thái Bình, Hùng lại đọc nốt cho chúng tôi câu ca dao địa phương tự trào về họ:

"Thái Bình là đất ăn chơi, Tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành !" Chúng tôi lại có thêm những trận cười cởi mở.

Quốc lộ 279 đang nâng cấp (mở mang cho rộng hơn), bên đường có nhiều cây to cao, thân có nhiều vệt trắng thoáng trông như cây tràm, nhưng anh cả gọi đó là cây long não. Đường càng quanh co, trông rất sốt ruột cho cả người tài xế lẫn chiếc xe. Đến thị trấn Tuần Giáo, đường tạm hết loằng ngoằng một đỗi dài. Hùng chỉ ngang sườn đồi nơi có trồng nhiều dây leo, nói "mấy chị em phụ nữ ở đây hay đắp mặt bằng củ đậu." Trên đường chúng tôi ghé thị trấn Mường Ẳng ăn trưa.

Đèo Pha Đin

Qua khỏi nơi giáp mối với quốc lộ số 6, là đèo Pha Đin, Hùng cho xe ngừng lại bên đài kỷ niệm. Chúng tôi đều bước ra khỏi xe. Anh cả chỉ trỏ chung quanh cho thấy độ cao của đèo thật ghê rợn. Thế mà lúc đánh trận, các bộ đội đã kéo nổi biết bao nhiêu đại pháo lên đến đây, đèo Pha Đin dài 32 km. Hùng giải thích: "tiếng địa phương (H'mong), Pha là trời, Đin là đất". Không ai nói nhiều hơn, nhưng cảm giác trong tôi đã nặng nề những cảm xúc và lòng biết ơn đối với từng giọt mồ hôi mà những người bộ đội ngày xưa đã đổ xuống nơi này.

Nhà tù Sơn La.

Xe lại tiếp tục đoạn đường quanh co quanh núi đồi cho đến khi trời thấp dần. Đến nhà tù Sơn La, tôi cũng đành ngồi trước cửa chờ. Chờ lúc lâu, tôi xin cô gác cổng cho vào toilet, cô tìm cho tôi một cây gậy rất chắc để vin vào mà lê chân đi. Những toilet mà chúng tôi đã đi qua chỉ hơn kém nhau một chút về vệ sinh, đôi chút về thẩm mỹ , nhưng tất cả đều có nước máy để dội sạch cầu. Đây là một bước tiến rõ rệt. Còn nhớ trước năm 1975, mỗi lần đi xe đò từ Sài gòn về miền Tây, không thể tìm ra một nhà vệ sinh. Có một chỗ ở Bắc Mỹ Thuận, nhưng vào đó một lần, tôi bật ngửa vì mùi thối và hình ảnh những đống phân chất lên nhau làm tôi kinh hoàng muốn ngất xỉu, và nhớ suốt đời.

Tinh bước ra theo người anh, vừa rùng mình vừa nói:

- "Ghê quá, có cả hàng trăm những dụng cụ tra tấn, những còng tay, xích sắt, bàn kẹp sắc nhọn,... Xưa kia tôi đã từng thấy còng bằng gỗ trong tù của phe Bảo Đại, còn đây bằng sắt, xà lim ngầm, xà lim chéo, … cùng những nền móng của các phòng giam cho thấy chỉ rộng hơn 1m2 "

- "Anh và anh cả có chụp hình không?" Tôi hỏi.

- "Tối quá không chụp được. Tụi này có ra chụp một ảnh ở cây đào Tô Hiệu, tên một lãnh tụ trong tù kiên cường và bất khuất của cách mạng."

Hùng vừa lái vào thị trấn vừa nhìn bên đường tìm nhà nghỉ. Cuối cùng Hùng ghé vào khách sạn Đông Phương. Vì chân đau, tôi không theo lên lầu khách sạn ngay, mà lại ghé ngang tiệm Internet Service kế bên, đánh email gửi về cho các chị em và con cái. Cô bé ngồi tiệm thấy chân tôi sưng húp, bảo rằng nên nhờ anh Điền là chủ khách sạn đưa đi mua thuốc thoa bóp ở tiệm thuốc cuối đường. Hai anh em Tinh cũng đã thăm phòng xong bước xuống từng trệt để chuẩn bị đi ăn chiều. Cùng lúc, đánh thư xong, tôi lê chân qua khách sạn cùng lúc Tinh và ông chủ đang thân mật nói chuyện. Tinh giới thiệu ông chủ, tôi chào trước: "Có phải anh là anh Điền không?" Ông chủ giật mình: "Sao biết tôi ?" - "Mấy cô bé bên tiệm này nói." - "À ra thế", anh Điền hiền từ gật đầu.

Bữa cơm tối nay có món canh "cơm cháy" thật thơm và dòn. Trở về khách sạn, Tinh dìu tôi lên cầu thang. Khách sạn trông rất sáng sủa, đẹp mắt. Tôi đang loay hoay tìm cách ngâm chân cho bớt đau thì bà chủ đã sai một cậu trai đem đến một thau muối hột lẫn thỏi gừng đập vập, nhắn tôi bỏ nước nóng vào ngâm chân. Một chập sau, anh Điền lại đi mua ở tiệm thuốc Tây về, đưa cho chúng tôi một tube thuốc Kem mật gấu và Salonpas để tùy nghi xử dụng. Chúng tôi nhìn nhau đều thốt lên: "Ông bà chủ có tình quá!" Có lẽ Hùng giới thiệu thế nào với ông Điền, ông đến bắt tay thân thiện và nói ông cũng từng là giáo sư nghiên cứu sử.

Ngày thứ mười -

Tình nguời Sơn La

Hai người đã trao đổi rất lâu vào chiều qua một cách thân thiết. Sáng nay anh Điền lại mời chúng tôi xuống uống trà ăn trái cây để nói chuyện tiếp. Chúng tôi không dám dần dà lâu sợ trễ chương trình đi, nên chỉ uống ly cà phê và chào từ giả anh Điền để đi ăn sáng.

Tiệm bánh cuốn chỉ ở cách khách sạn hai dãy nhà, tiệm ăn rất đắt khách. Thấy tôi lê lết cái chân sưng vù đi vào, ông bà chủ vừa loay hoay với khách vừa bảo:

- "Chân sao thế? ăn bánh cuốn xong rồi, chúng tôi cho kiếm cho ít rượu mật gấu để bóp chân"

Bánh cuốn rất ngon, thảo nào đắt khách như thế. Chúng tôi thấy tiệm bận quá, không nghĩ là bà chủ sẽ có thể nhớ lời đã hứa. Nhưng khi chúng tôi trả tiền thì ông chủ bảo ngồi uống trà chờ thêm tí. Chỉ 2 phút sau bà chủ đã mang ra một chiếc ve rượu nhỏ và ngồi xuống bóp chân tôi ngay lập tức. Tôi rất xốn xang vì thấy khách tiếp tục đến chờ đầy cửa. Bà chủ rất trẻ, nói: "không sao, không sao" và tiếp tục đổ rượu vào chân tôi một lần nữa và bóp thêm. Như muốn nối dài sự săn sóc, bà quay đi tìm một chiếc túi ny lông nhỏ để san sẻ tí rượu mật gấu vốn còn rất ít trong chiếc ve nhỏ. Bà chủ bảo: "Đem đi theo và tiếp tục bóp nhé, thế nào cũng khỏi thôi."

Không biết nói thế nào cho xứng với tình người đầy ấp ở Sơn La. Từ cô gái tiệm Internet, đến ông bà chủ khách sạn, và ông bà chủ tiệm bánh cuốn, tất cả đều sống hết mình với tình người. Nếu chúng tôi ở lại thêm nửa ngày, có thể tìm thấy thêm những quả tim ngọt ngào của người dân tỉnh lẻ.

Đập Thủy Điện Hòa Bình

Rời tiệm bánh cuốn, Hùng cho xe trở ra quốc lộ 6 và xuôi xuống phía Nam, qua thị trấn Yên Châu. Đến trưa chúng tôi ngừng ở Mộc Châu, ghé vào quán bên đường, uống cà phê cho tài xế tỉnh táo. Thật ra Hùng vẫn tỉnh táo. Anh cả chúng tôi mua theo một thẻ bánh sữa (kẹo sữa), như muốn thử một đặc sản ở đây. Tinh từ phòng vệ sinh đi ra, sợ tôi đi vào sẽ mất công nhăn mày, liền nói nhỏ rằng có lẽ ở đó không được sạch bằng các nơi khác.

Chẳng bao lâu chúng tôi đi ngang thị trấn Mường Khến, thấy cây số chỉ 22 km cách thị xã Hòa Bình. Chúng tôi chia nhau mấy mảnh kẹo sữa nhai cho đỡ buồn miệng. Hùng đang quẹo sang trái và chậm lại theo dấu chỉ nhà hàng "Cá Sông Đà". Nhà hàng cất trên sàn cao, vật liệu kiến trúc bằng tre, nhìn ra sông Đà rất thơ mộng. Quán ăn hôm nay đáng nhớ nhất không phải là cá, mà lại là món rau hoa thủy tiên xào tỏi.

Chương lại gọi thăm và nhắc Hùng đưa chúng tôi sang cầu ngang sông Đà. Ở đó có nhà máy thủy điện thật vĩ đại. Đập thủy điện Hoà Bình xây từ năm 1979 và mới khánh thành năm 1994. Nhà máy này là trung tâm điện lực lớn nhất Việt Nam, có phần bề thế nhiều lần hơn đập thủy điện Bonneville Dam trên sông Columbia River ở tiểu bang Oregon mà chúng tôi đã có lần thăm viếng (chiều dài gấp hai, công xuất mỗi máy nhiều gấp 4 lần, theo dữ kiện sẵn có.). Hiện nay nhà máy này cung cấp điện một phần lớn nhất cho toàn quốc: Thảo nào Chương rất hãnh diện về nhà máy này. Đập thủy điện Hòa Bình đã giúp giải quyết một phần nạn lũ trên sông Đà. Theo dự án, trong tương lai sẽ có thêm nhà máy thủy điện ở Sơn La nữa.

Về lại Hà Thành

Tôi ngồi chờ ở một tiệm bách hóa bên ngoài đập, đoàn người vào thăm bên trong nhà máy đã trở ra, và chúng tôi lại trở về quốc lộ 6. Xe lướt nhanh qua những thị trấn dọc theo đường được nhớ như Hà Tây, Xuân Mai, Trúc Sơn, Thanh Mai trước khi đến Hà Nội. Đêm nay về khách sạn Kim Liên để gần mấy đứa cháu. Huyền và Thanh thay nhau đến thăm viếng và mua thuốc đắp chân cho đỡ sưng. Muỗi lại đến mừng miếng mồi ngon đã trở lại, cùng nhau bay vo vo khắp phòng. Người ta chỉ cách giăng mùng. Thì ra, cái kệ bên trên đầu giường chính là tủ đựng màn lưới.

Cái cell phone trong tay được đắc dụng mỗi ngày. Tôi gọi điện thoại về miền Nam cho Liên (đứa em cô cậu) biết rằng ngày chúng tôi về Nam đã sắp đến. Liên gọi lại thăm, nói rằng cả nhà Cậu nghe tin đó thì không ngủ yên và bắt đầu chờ đợi gặp chúng tôi.

Ngày thứ mười một -

Ngày chia tay

Sau cả tuần đi trên con đường vạn lý, chúng tôi ai cũng ngủ trễ hôm nay. Hùng thức sớm nhất, dẫn bộ chúng tôi đi ăn sáng và ăn trưa gần khu khách sạn. Anh cả tạ từ để lại cùng Hùng trở về Lào Cai. Còn có hai người, chắc chắn chuyến đi về này sẽ buồn chán lắm, vì không còn ai để kể chuyện gia đình, hay tranh cãi tầm phào về đủ thứ các vấn đề xã hội, chính trị. Chúc anh đi về khỏe mạnh, không ai nói gì nhiều, nhưng trong lòng chúng tôi như có ai căng thẳng một khúc ruột. Tội cho anh cả đã lặn lội gần hai tuần để chúng tôi khỏi cô đơn trong chuyến đi, giờ lại trở về một mình trên quãng đường dài.

Ở lại phố phường, chúng tôi đi mua bản đồ Hà Nội để ôn lại những nơi đã đi, và chuẩn bị cho những nơi sắp đến trong ngày cuối cùng ở đây. Tôi giở lại quyển sổ tay ghi vội địa chỉ và điện thoại của gia đình mẹ Bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Do ngày xưa bà dạy trường Dược Sĩ, cháu Huyền lại là cựu học sinh trường Dược nên Huyền đã hỏi thăm số liên lạc và địa chỉ một cách dễ dàng.

Người Việt Nam không ngại vấn đề an toàn cho đời tư như người ngoại quốc, họ cứ cho tin tức cá nhân của người khác một cách "thoải mái", do đó tôi làm gan gọi thử. Không ngờ gặp ngay giọng nói của bà Doãn Ngọc Trâm, rất thong thả. Bà không chút ngại ngần hay kiểu cách, chỉ đường cẩn thận và mời chúng tôi đến lúc nào cũng được. Lòng khấp khởi, chúng tôi nghiên cứu lại đường đi trên bản đồ. Một chuyến viếng thăm quan trọng, mà không ngờ có thể thực hiện được. Sực nhớ lại trong tay không có món quà nào làm duyên, chúng tôi vào quán bên đường mua một gói trà cầm tay. Tôi nói với chị bán hàng rằng chúng tôi sẽ đi thăm mẹ của bà Đặng Thùy Trâm. Gương mặt rạng lên, chị nói: "Vậy hả?", và mau mau thay bao gói món quà bằng gói màu đẹp hơn. Chị nhìn chân tôi lê lết một cách khổ sở bảo rằng: "Bà chị mua lá láng đắp lên mau khỏi lắm."

- Dạ vâng, nghe ai cũng bảo thế. Lá láng !

Nhà bà Doãn Ngọc Trâm

Taxi đổ chúng tôi ngay ngõ 147 Đội Cấn, chúng tôi đi vào hẽm theo lời dặn của bà. Nhưng đi tới đi lui không thấy số nhà của bà. Tôi lại đem cell phone ra gọi lại. Bà bảo "ngay đấy rồi, cứ đi ba bước nữa sẽ thấy ngõ nhà tôi." Thì ra, nhà của bà ở khuất bên trong hẽm nhỏ. Chúng tôi rất xúc động khi bước vào trong. Căn nhà nhỏ bé đơn sơ thế này đã chứa nổi những quả tim làm vang động cả thế giới hay sao? Người con thế ấy thì người mẹ ắt cũng phải đáng kính. Quả thật, bà mẹ, tên Doãn Ngọc Trâm, có phong thái rất dịu dàng, chuẩn mực, phong thái này giống y lúc chúng tôi thấy trên internet lúc bà đến Texas để nhận dạng nhật ký của con mình. Bà đang bóc từng múi bưởi ra dĩa, mời khách, rồi mở quyển sổ lưu niệm cho chúng tôi ký vào, quyển sổ đó ghi lại cảm tưởng của tất cả mọi người đến thăm bà, từ những nhân vật cao cấp nhất cho đến những thường dân như chúng tôi. Trong lúc Tinh còn đang viết trong sổ, bà đưa cho tôi xem quyển khác, có ít nhất là hàng trăm tấm danh thiếp của những ký giả ngoại quốc khắp nơi đã đến thăm viếng.

Chỉ tay trên gác nhỏ, bà nói: "cô chú muốn thắp nhang cho em không?" Chúng tôi nhận lời và theo vài bậc thang mỏng mảnh để lên căn gác. Tấm hình trên bàn thờ chính là hình mà các báo chí trên Internet đã phóng đại. Chúng tôi đều xúc động không cầm được nước mắt khi nhớ những lời tường thuật của Fred Whitehurst, vị cựu sĩ quan tình báo Mỹ đã bảo vệ quyển nhật ký này hơn 30 năm kể lại cái chết rất đau thương và hiên ngang của chị trước họng súng quân thù. Những ai có theo dõi câu chuyện này mới biết tại sao có bao nhiêu quốc gia trên thế giới ngày nay đã trân trọng với tên tuổi của chị, tại sao kẻ thù đã ngả mũ chào thán phục, và tại sao muôn ngàn trái tim khắp nơi đã bị đánh động, khơi chảy bao nhiêu dòng lệ của bao nhiêu đọc giả ở khắp nơi trên thế giới.

Gia đình cô Đặng Hiền Trâm về đến nhà. Được ăn bánh Trung Thu chung với gia đình cô, chúng tôi mới giật mình vì hôm nay là rằm ta. Chúng tôi khám phá ra thêm rằng con của chị Hiền Trâm là một học sinh rất xuất sắc, cháu Nguyễn Đặng Việt Anh, đã được học bổng toàn phần tại trường MIT ở Boston, và còn đang tiếp tục lập nhiều thành tích nổi danh khác.

Trở về khách sạn, và quyết định sáng mai sẽ dời đi gần trung tâm du lịch để chúng tôi dọ hỏi chuyến đi xuôi Nam. Anh Tùng lại gọi nhắn muốn gặp lại lần nữa. Tôi bị cảm lúc nào chẳng hay, ho khan không ra tiếng, vừa sổ vừa nghẹt mũi không thở nổi. Hai cháu Thanh và Huyền nghe thế liền đem thuốc men đến trị bệnh. Với trí thông minh, óc chu đáo và đầy sáng kiến, cháu Huyền mang tất cả các vật dụng cần thiết như cốc nhỏ để đựng cồn (alcohol) đốt để hơ nóng lá Láng và đắp chân cho tôi. Sau vài tiếng đồng hồ kiên trì hơ nóng lá láng đắp chân từng chập, tôi có thể nhấc chân lên được đôi chút để đi tới đi lui.

Chương lại xuất hiện chiều nay và mang cao mật gấu đến bảo tôi uống thử may ra có thể bớt đau chân. Đây là thứ mật nấu thành cao, rất hiếm quí vì không có bán ở thị trường. Nhờ Chương có liên hệ với các thương buôn người Tàu, vật hiếm này mới có thể mua được. Tôi ấp úng vì không có lời nào có thể xứng đáng để cám ơn sự chu đáo và tận tình của Chương, hai tiếng cám ơn sẽ nghe "trơn lùi" và "vô dụng" lắm. Khi Chương từ biệt, chúng tôi thu xếp hành trang, bước sang phòng tiếp tân để lấy nốt quần áo gửi giặt chiều qua, cô tiếp tân tính ra 80 nghìn đồng (5 đô la). Cứ hai ngày chúng tôi lại phải gửi giặt một lần để áo quần dơ không bị giam vào vali lâu quá. Tôi mới khám phá ra rằng khách sạn không xài máy giặt mà chỉ mướn người giặt tay, rồi phơi nắng, nên thời gian gửi giặt có khi cả ngày mới lấy được.

Cháu Huyền đi làm về, vội dông xe gắn máy đến, nghiền tỏi cho vào thuốc nhỏ mũi dặn tôi, lại mang cả thuốc trụ sinh dặn uống cho hết, và mua thêm cồn để tôi đốt nốt lá láng đắp chân. Tôi ngoan ngoãn làm theo tất cả, chỉ mong được bớt đau chân, nặng đầu và nghẹt thở, để tiếp tục cuộc hành trình.

Ngày thứ mười hai -

Bamboo Hotel

Trả tiền giặt giũ hôm qua cho cô gái ở phòng tiếp tân, chúng tôi thanh toán luôn tiền phòng, và gọi taxi đến phố Hàng Bạc dừng ở cửa hàng du lịch và hỏi khách sạn. Chập sau cậu thanh niên đem xe ôm đến chở các vali hành lý của chúng tôi sang khách sạn Bamboo Hotel. "Nội thất" (danh từ mới học, chỉ bàn ghế tủ giường,…) của khách sạn này được trang bị toàn bằng tre, từ bàn ghế giường ngủ, sofas, vân vân,. … rất quyền rủ. Hôm nay ăn tại khách sạn. Bàn phía ngoài có 4 người ngoại quốc, hỏi ra mới biết họ đến từ Úc Châu. Dường như người Việt ít đến đây.

Chúng tôi thử đi xe ôm ra bờ Hồ Hoàn Kiếm tìm tiệm Sony để mua thẻ nhớ (memory card) cho máy ảnh. Họ bán bảo đảm có giấy tờ chứng nhận. Tiếng ở đây gọi là "bảo hành". Có được thẻ mới, chúng tôi gọi taxi đi luôn một vòng đến thăm các nơi văn hóa khác ở Hà Nội. Điểm đầu tiên là Viện Quốc Học, Quốc Tử Giám. Ngoài những người du khách thường, chúng tôi gặp một đoàn học sinh tiểu học đang tung tăng từ trong mái hiên bên trái chạy ra. Gặp cậu trai hướng dẫn còn trẻ, chúng tôi cho là thầy giáo, bèn hỏi thăm, được biết đó là một lớp mồ côi từ Cà Mau, được gửi đi Hà Nội tham quan viện Quốc tử Giám và các nơi văn hóa khác. Nghe thế chúng tôi cảm thấy như có luồn gió mát thổi vào lòng. Từ Viện Quốc Học đến Chùa Một Cột không bao xa, chúng tôi đánh bộ ra đó rồi gọi taxi trở về Hồ Hoàn Kiếm thăm Đền Ngọc Sơn. Tận mắt thấy xác một con rùa ướp để trong đền, và các bài báo ghi ngày tháng năm rùa nổi lên, tôi ngờ ngợ chuyện rùa ngậm kiếm nổi lên nước rất có thể có thật. Về khách sạn đêm nay, không có muỗi, sẽ ngủ dài hơn.

Ngày thứ mười ba -

Chả Cá Lã Vọng.

Chúng tôi vội gọi điện cho anh Tùng hay để đến nhận thêm vài quyển sách của các anh tặng làm duyên văn nghệ. Trên đường về, ghé lại Chả Cá Lã Vọng vì đã có nhiều người đồn đãi từ trước. Người ta chỉ lên gác. Leo lên một tầng cầu thang gỗ, chúng tôi thấy các cô còn đang lau quét cửa hàng. Cô chủ bảo còn sớm quá, 11:00 mới mở cửa, chúng tôi đến sớm hơn nửa tiếng, và đồng ý ngồi chờ. Nhưng chẳng bao lâu cô chủ dọn ra một chiếc lò than nhỏ, bên trên có cái chảo dầu đang sôi quanh các viên chả màu vàng. Tiếng dầu sôi rất hấp dẫn. Cô mang thêm dĩa rau đầy, một tô bún tươi, và hai chén nước mắm. Chả cá không chắc ngon nhất, nhưng bún tươi là ngon nhất trong bữa ăn này.

Trở về phòng tôi mang lá láng còn lại tiếp tục hơ nóng và cố đắp chân càng nhiều càng tốt để chuẩn bị cho chuyến du Nam. Cháu Thanhđến thăm giữa lúc tôi đang chất các đồ đạc vào các vali. Vì các quyển sách quá nặng, tôi sợ những chiến vali sẽ bị bong ra, nhờ cháu chở Tinh đi tìm mua loại dây nịch để ràng thêm cho chắc.