Chính Sách Tôn Giáo Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm

Chính Sách Tôn Giáo Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm

Lê Cung

http://sachhiem.net/LICHSU/L/LeCung02.php

03-Jul-2020

(tiếp theo Phần I)

Phần II. Về văn hóa – giáo dục

Trên lãnh vực văn hoá giáo dục, chính sách ký thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm (NĐD) cũng thể hiện rất đậm nét. Trước hết, trong việc trùng tu, xây dựng Nhà thờ, tượng Chúa, chính quyền NĐD đã dành cho Thiên chúa giáo (TCG) nhiều đặc quyền.

Ngày 24-5-1956, Chánh sở Nhà thờ Chánh tòa Sái Gòn đã gởi đơn cho đại biểu của chính phủ Nam Việt xin dựng tượng Đức Mẹ Hoà bình trước Nhà thờ Đức bà Sài Gòn. Nội dung của đơn xin có đoạn viết: “Tôi xin Ông vui lòng cho phép chúng tôi đặt… một tượng ảnh Đức Mẹ Hoà bình cho xứng với cái tên Công trường Hòa bình.

“Mọi sở phí do chúng tôi chịu và nếu Ông vui lòng đài thọ cho để tỏ lòng kính mến Đức Mẹ thì Đức Mẹ sẽ vui lòng hơn.

“Đang khi chờ đợi mong phép Ông, tôi cho thợ làm liền cho kịp khánh thành ngày lễ Đức Bà chẳng hề mắc tội tổ tông vào tháng Chạp năm 1956 này.” (76) .

Nội dung của đơn xin trên đây tỏ rõ thế lực to lớn của Nhà thờ TCG ngay từ khi chính quyền NĐD vừa mới được thành lập. Nó đặt nhà chức trách trước một sự đã rồi, và đòi hỏi một cách “tế nhị” về sự đóng góp của Nhà nước trong việc xây dựng tượng.

Nổi bật nhất là việc chính quyền NĐD cho trùng tu và xây dựng Nhà thờ Đức Mẹ La Vang ở Quảng Trị. Ngô Đình Thục đã từng gọi Nhà thờ này là “tiền đồn tinh thần của quốc gia” và đã vận động nâng nó lên hàng Vương cung Thánh đường. Tạp chí Đức Mẹ La Vang xuất bản năm 1961 “đăng tên những người hảo tâm cúng tiền vào việc xây dựng Vương cung Thánh đường: từ Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đến tất cả các Bộ trưởng, Đại tướng Tổng tham mưu trưởng, các vị Tổng Giám đốc v.v… Công giáo hay không Công giáo, ai cũng có tên trong danh sách này. Cảnh sát khắp nơi được giao cho bán vé Xổ số Tombola bỏ vào quỹ xây dựng Nhà thờ La Vang (77) .

Vương cung Thánh đường La Vang bị hư hại trong cơn bão năm 1962. Với nghị định số 256-BNV/NĐ ngày 27-4-1963, chính quyền NĐD cho phép “Uỷ ban Quân nhân trùng tu Trung tâm Thánh mẫu La Vang được phép tổ chức, dưới sự chịu trách nhiệm của Trung tướng Trần Văn Minh, Chủ tịch của Uỷ ban này, một cuộc lạc quyên trong giới Công giáo quân đội, bảo an, dân vệ để lấy tiền trùng tu Trung tâm Thánh mẫu La Vang bị hư hại vì trận bão lụt năm 1962 (78).

Trong các ngày lễ của Thiên Chúa giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tạo điều kiện hết sức to lớn cho việc tổ chức hành lễ. Lễ Giáng sinh năm 1956, Nha Xã hội Trung nguyên Trung phần đã đặt trọng tâm hoạt động vào bốn việc, trong đó hoạt động "tổ chức ngày Giáng sinh ở Trung phần" được xếp vào vị trứ thứ nhất" (79). Lễ Giáng sinh năm 1958 được chính quyền Ngô Đình Diệm nâng lên tầm quốc gia. Điều này được phản ánh trong một số tư liệu tiêu biểu sau đây:

Công văn số 20.688-TTM/P3?I ngày 8-12-1958 của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam Cộng hòa gởi các đơn vị quân đội Sài Gòn: "Thể theo lời yêu cầu của Nha Tuyên úy Công giáo Quân đội Việt Nam Cộng hòa, Bộ Tổng Tham mưu chấp thuận cho Sở Tuyên úy Công giáo Quân khu Thủ đô được tổ chức lễ Giáng sinh năm nay vào đêm 24-12-1958 tại Sân vận động Gia đình binh sĩ Đại đội Trung hạng Quân cụ 91 theo thời khắc như sau:

"- 21 giờ vui Noel.

"- 24 giờ dự lễ.

"Để cho cuộc lễ thêm phần long trọng và khả quan, yêu cầu các đơn vị trưởng và các cơ quan đồn trú trong Quân khu Thủ đô cho phép quân nhân Công giáo và gia đình họ đến dự đông đủ cuộc lễ trên.

"Ngoài ra tùy theo khả năng, các đơn vị sẽ hết sức giúp đỡ phương tiện chuyên chở và tổ chức lễ khánh tiết tại địa điểm hành lễ.

"Các quân nhân đi dự lễ từ thượng sĩ trở lên mang quân phục kaki dài, cầu vai, cà vạt đen và cát-két; từ cấp trung sĩ trở xuống mặc quân phục kaki dài.

"Quân khu Thủ đô cắt cử một số hiến binh và quân cảnh để giữ trật tự an ninh chung quanh địa điểm hành lễ" (80) .

Tại Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất), chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức lễ Giáng sinh với qui mô lớn. Trong Phiếu trình số 2605-TTP/VP/NL ngày 26-11-1958, Sở Nghi lễ đã chuyển đến Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống chương trình lễ Giáng sinh:

"Hồi 23 giờ15: Tại Dinh Độc Lập, Phó Tổng thống đại diện Tổng thống và các Bộ trưởng dự lễ này do Lữ đoàn Liên binh phòng vệ Tổng thống phủ tổ chức.

"Thông điệp của Tổng thống.

"Rước kiệu Chúa vong quanh Dinh,...

"Trong đêm Chúa Giáng sinh, đài phát thanh có truyền thanh thông điệp của Tổng thống gởi đồng bào toàn quốc, ..." (81) .

Tới ngày 8-12-1958, chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 2141-TTP/KT "cấp cho ông Tôn Thất Thiết, Chánh Sự vụ Sở Nội dịch phủ Tổng thống một quỹ ứng trước là bốn mươi ngàn đồng bạc (40.000$00) để tổ chức lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 1958 tại Dinh Độc Lập.

"Quỷ ứng trước nói tại điều thứ nhất được cấp bằng một ngân phiếu và việc chứng minh phải được thực hiện ngay sau cuộc lễ hay trễ lắm là một tháng sau.

"Chi phí trên sẽ sung dương vào ngân sách Quốc gia Việt Nam, tài khóa 1958, Chương 2, Điều I" (82) .

Để phô trương tôn giáo của mình, chính quyền Ngô Đình Diệm đã huy động hầu hết các viên chức thuộc các cơ quan trung ương và gia đình họ đến dự. Công văn số 154/TTP/ĐL ngày 17-12-1958 của Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống gởi thủ trưởng các cơ quantrung ương chính quyền Ngoo Đình Diệm tại Sài Gòn, viết: "Nhân dịp lễ Giáng sinh năm nay, một dạ hội sẽ được tổ chức tại Dinh Độc Lập trong đêm 24 rạng ngày 25 tháng 12 năm 1958, theo chương trình đính hậu.

"Thừa lệnh Tổng thống, Văn phòng trân trọng mời quý ông cùng nhân viên quý nha sở và gia đình, các ông sĩ quan Nha Tổng Thư ký Thường trực Quốc phòng, Tham mưu Biệt bộ và Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ đến dự dạ hội nói trên.

"Để tiện việc sắp xếp, xin quý ông vui lòng tin cho Sở Nghi lễ Phủ Tổng thống biết trễ lắm cũng trước ngày 22-12-1958, danh sách các nhân viên cùng một số người trong gia đình đến dự buổi lễ" (83) .

Rõ ràng là chính quyền Ngô Đình Diệm trưng dụng mọi phương tiện của Nhà nước phục vụ cho những ngày lễ Thiên Chúa giáo, nhất là lễ Giáng sinh hằng năm. Chính sách này đã gây phản ứng từ phía Phật giáo. Văn thư số 124 ngày 1-8-1963 của Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo gởi Đại sứ Mỹ Frederick E. Nolting (tại Sài Gòn) vạch rõ: “Mỗi năm lễ Giáng sinh đều được cử hành với sự tham gia trực tiếp và hữu hiệu của Chính phủ, nào Thông điệp của Tổng thống, công sở treo cờ trang hoàng, nào Công giáo độc chiếm độc chiếm Đài quốc gia để phát thanh trong mấy ngày liền trên hệ thống A chính thức, nào bắt toàn thể nhân viên của Phủ Tổng thống, các ông Bộ trưởng, các công chức cao cấp, kể cả những người theo đạo Phật phải dự lễ nửa đêm, v.v… Quá quắt hơn hết là việc năm rồi, một hang đá được đặt ngay tại Tòa Đô chính làm như toàn Châu thành Sài Gòn là Thiên Chúa giáo” (84) .

Tại Huế, từ ngày Ngô Đình Thục về nhậm chức Tông Giám mục địa phận thì hàng năm “ngày lễ Giáng sinh được tổ chức rất tưng bừng. Cờ Công giáo treo dọc đường ăn lan đến cầu Trường Tiền. Cổng chào dựng lên khắp nơi, nhất là phía tả ngạn sông Hương. Điều này làm cho quần chúng Phật giáo bất bình. Vì từ xưa những cuộc lễ lớn về Công giáo chỉ tổ chức qui mô trên địa phận Phú Cam mà thôi.” (5)

Tại Huế, từ ngày Ngô Đình Thục về nhậm chức Tổng Giám mục địa phận thì hàng năm “ngày lễ Giáng sinh được tổ chức rất tưng bừng. Cờ Công giáo treo dọc đường ăn lan đến cầu Trường Tiền. Cổng chào dựng lên khắp nơi, nhất là phái tả ngạn sông Hương. Điều này làm cho quần chúng Phật giáo bất bình. Vì từ xưa những cuộc lễ lớn về Công giáo chỉ tổ chức quy mô bên địa phận Phú Cam mà thôi” (85) .

Lễ khánh thành các nhà thờ mới xây dựng xong cũng được chính quyền Ngô Đình Diệm ưu tiên tổ chức. Nguyễn Chánh Thi, người cầm đầu cuộc Cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm bất thành (11-11-1960) cho chúng ta một tư liệu cụ thể về vấn đề này: “Một đêm tôi tháp tùng Tổng thống Diệm và Đức Cha Thục bay trên không phận thành phố Vĩnh Long để quan sát cách trang trí cho cuộc khánh thành nhà thờ mới xây cất xong. Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy đèn rực sáng như ban ngày, trong lúc đó thì dân quê vẫn chưa có đủ tiền bạc để mua một cây đèn dầu hỏa,... Trong khi đó chính quyền huy động tất cả nhân lực, vật lực cho duy nhất một tôn giáo” (86) .

Ngày 16-2-1959, kỷ niệm 300 năm thành lập Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam, Hồng y Agagianian, đại diện Giáo hoàng đến Sài Gòn chủ tọa buổi lễ và tôn vinh Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn lên hàng "Vương cung Thánh đường". “Trong những ngày Đức Hồng y có mặt tại Việt Nam với những buổi lễ ngoài trời, cờ Tòa thánh chen lẫn với cờ quốc gia tung bay trước công viên Dinh Độc Lập và ở khắp mọi tỉnh, thị tạo nên một khung cảnh náo nhiệt, rộn rã khắp miền Nam” (87)

TT Ngô Đình Diệm hôn nhẫn Hồng y Agagianian

Nổi bật hơn cả là việc tổ chức lễ hành hương tại Nhà thờ Đức Mẹ La Vang, ba năm một lần. Đây là dịp để chính quyền Ngô Đình Diệm tỏ rõ trách nhiệm của mình trong việc phô trương thế lực Thiên Chúa giáo. Công văn số 104/TTP/ĐL ngày 12-8-1958 của Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống gởi các Giám đốc và Chánh sự vụ các Nha, Sở tại Phủ Tổng thống viết:

“Đại hội Kính Mẹ sẽ cử hành tại La Vang (Quảng Trị) từ ngày 17-8-1958 đến ngày 22-8-1958.

  "Những nhân viên muốn đi La Vang dự Đại hộc nói trên với phương tiện riêng của mình có thể xin phép nghỉ từ ngày 20 đến cuối ngày 22 tháng 8 d.l. 1958.

"Văn phòng trân trọng yêu cầu quý Giám đốc và Chánh Sự vụ thông báo cho nhân viên trực thuộc rõ và lập gởi đến Văn phòng trước ngày 17-8-1958 danh sách những nhân viên xin đi dự cuộc lễ” (88) .

Đối với những tổ chức được xem là trung kiên của chế độ, như "Phong trào Cách mạng Quốc gia" lại càng được chế độ đặc biệt ưu tiên. Văn thư số 607-LĐCC/VP ngày 13-8-1958 của Ban Chấp hành Trung ương Liên đoàn Công chức Cách mạng Quốc gia gởi ông Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống nói rõ: “Được Tổng thống cho phép và tiếp theo Thông tư số 602/LĐCC/TC ngày 11-8-1958 của Ban Chấp hành Trung ương Liên đoàn Công chức Cách mạng Quốc gia gởi các Chi, Tỉnh đoàn; tôi xin tin để quý Bộ trưởng rõ nhân dịp Đại hội Kính viếng Đức Mẹ La Vang, một Ủy ban đã được phép tổ chức cuộc hành hương tại La Vang và thăm viếng danh lam, thắng cảnh cùng lăng tẩm tại Huế, vào những ngày từ 17 đến 25-8-1958…

Trân trọng nhờ quý Bộ trưởng vui lòng phổ biến rộng rãi trong giới công chức các cấp thuộc quyền và cho phép những anh chị em muốn tham dự được phép nghỉ trong những ngày hành hương” (89) .

Ba năm sau, ngày 17-8-1961, lễ dâng hiến Trung tâm Thánh Mẫu và khánh thành "Vương cung Thánh đường" tại La Vang được tổ chức rất trọng thể. “Những khải hoàn môn trưng bày ảnh tượng Đức Mẹ và cờ Công giáo kéo dài từ thành phố Huế đến thành phố Quảng Trị dọc theo quốc lộ số 1” (90) . “Hàng vạn giáo dân cùng đại diện của các đoàn thể nô nức tham dự. Đại hội sẽ tiếp tục đến hết ngày 22/8” (91) . “Vé xe lửa đi La Vang cho các toán hành hương để dự lễ khánh thành được bớt 50%” (92) .

Ngay cả lễ Ngân khánh của mình, Ngô Đình Thục cũng biến thành một quốc lễ. Chính Ngô Đình Thục đã thông báo cho Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế, biết một Ủy ban tổ chức mừng lễ Ngân khánh đã được thành lập do "ông Chủ tịch Quốc hội đứng đầu, gồm cả ông Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Quang Trình và Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn Lê Văn Thới với vài ông bộ trưởng nữa" (93) , đồng thời đòi hỏi Cao Văn Luận phải có mặt trong ủy ban đó. Trong lúc đó "tại các tỉnh cũng lập một tiểu ban tổ chức mừng lễ Ngân khánh và dĩ nhiên do tỉnh trưởng đứng đầu, cũng có những trofddi quyên góp tiền bạc, và tất nhiên là xảy ra nhiều trường hợp cưỡng búc hay áp lục đóng tiền cho tiểu ban" (94) . Trong hồi ký của mình, Cao Văn Luận cũng phải thừa nhận rằng việc làm của Ngô Đình Thục "không có lợi cho quốc gia và giáo hội, trái lại có thể mang tiếng và làm cho chế độ bị chỉ trích nặng nề và có cớ" (95) .

Đối với Phật giáo, trên lãnh vực văn hóa - giáo dục, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đối xử như thế nào?

Từ khi nắm quyền ở miền Nam, Ngô Đình Diệm đã tìm cách gây trở ngại đối với Phật giáo trong việc tổ chức hành lễ. Nổi bật nhất là việc chính quyền Ngô Đình Diệm hủy bỏ ngày nghỉ lễ Phật đản trong danh sách những ngày nghỉ lễ dành cho công chức và binh sĩ.

Có trường hợp, chính quyền Ngô Đình Diệm viện lý do an ninh để ngăn cấm những hoạt động tôn giáo của Phật giáo. Năm 1959, Tổng hội Phật giáo Việt Nam cử một phái đoàn đi thăm Phật tử ở các “Khu dinh điền”. Tuy nhiên, khi phái đoàn với đầy đủ giấy phép vừa rời khỏi Sài Gòn và Huế thì chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh đình chỉ vì lý do an ninh (96) .

Tại Quảng Ngãi, năm 1961, cũng vin vào lý do an ninh, chính quyền Ngô Đình Diệm "cấm không cho tổ chức lễ Phật đản như chương trình đã được cho phép, trong khi cũng tại đây một hội chợ của các linh mục đã được tổ chức và đang tiếp tục" (97) .

Cũng trong năm 1961, tại Quảng Ngãi, chính quyền Ngô Đình Diệm âm mưu chiếm đoạt ngôi chùa tại núi Thiên Bút, một di tích lịch sử và văn hóa truyền thống của Phật giáo để làm Nhà thờ Thiên Chúa giáo (98) .

Tại các "Khu dinh diền", "Khu trù mật", sự áp bức Phật giáo càng nặng nề hơn: “Quyền môn của Phật tử dựng lên để mừng Phật đản, ban đêm bị phá, sáng ngày người dựng bị đánh tàn nhẫn, đến nỗi người được sai bảo triệt hạ (cố chiến là tín đồ Thiên Chúa giáo) không thể cầm lòng được phải lên tiếng chất vấn và tố cáo sao các ông (cố nhiên là tín đồ Thiên Chúa giáo) bảo tôi hạ của người ta rồi lại bắt đánh người ta? Đó là một trăm ngàn sự việc đã xảy ra trước 1-11-1963” (99) .

Trong các "ấp chiến lược", tín đồ Phật giáo càng là nạn nhân của chế độ Ngô Đình Diệmên Chúa giáo. Hàng rào “ấp chiến lược” cố ý và tìm cách bỏ ra ngoài chùa Phật giáo, nhà Phật tử và dĩ nhiên ở ngoài rào sẽ bị xem là Việt Cộng. “Hàng rào ấy gần như rào chùa và rào cả sự di lễ của Phật tử, nhất là trong những ngày và những giờ Đại lễ Phật giáo thì hàng rào ấy trong không ra, ngoài không vào được” (100) .

Lại có trường hợp tín đồ Phật giáo tụng kinh trong nhà cũng bị chính quyền Ngô Đình Diệm phạt vi cảnh như ông Trần Bổ ở thôn Phổ Đông, tỉnh Bình Định vì tụng kinh mà bị phạt vi cảnh 120$00 (101) .

Đối với những tín đồ Phật giáo hăng say, nhiệt thành với công tác của Phật sự, bị chính quyền Ngô Đình Diệm theo dõi và có khi bị ám sát như trường hợp một Huynh trưởng Phật tử ở Khuôn hội Kim An (Kim Long, Huế) đã bị giết một cách thê thảm chỉ vì “đã hoạt động tổ chức đoàn cung nghinh Xá lợi trong Đại lễ Phật đản năm 1955” (102) . Cũng tại Huế, “ngay bên cạnh chùa Từ Đàm, tháng 2-1962 (103) , một tăng sĩ trẻ tên Trần Kim Phú đã bị công an mật vụ của chế độ trùm bao bố, bóp cổ, bắt cóc đem giam trên Chín Hầm” (104).

Không chỉ trong nước mà cả trên bình diện quốc tế, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng thi hành chính sách kỳ thị Phật giáo rất đậm nét. Công văn số 3502/KTLT ngày 23-8-1955 của Tổng trưởng Bộ Ngoại giao gởi Thủ tướng Chính phủ (Ngô Đình Diệm) cho biết: "Chánh phủ Bỉ vừa rồi đã chính thức mời Chánh phủ Việt Nam tham dự cuộc Triển lãm quốc tế (Exposition Universelle) sẽ mở tại kinh thành Bruxelles từ tháng Tư tới tháng Chín năm 1958.

"Tất cả những tiến triển quan trọng trong các ngành hoạt động trên thế giới, về khoa học, kỹ thuật, cũng như về phương diện văn hóa và tôn giáo, sẽ được trưng bày tại cuộc triển lãm này, ...

"Hội đồng Tối cao Phật giáo quốc tế (Haut Conseil Bouddhique mondial) do thơ bản kèm theo đây, có yêu cầu Chính phủ Việt Nam tham gia vào công cuộc xây dựng một tòa nhà tại Hội Triển lãm Bruxells nói trên, dành riêng để trưng bày những tác phẩm đặc sắc nói về văn hóa và Phật giáo ở Á châu.

"Mỗi xứ tham gia vào việc xây dựng Tòa nhà Phật giáo sẽ đóng góp 15.0000 Mỹ kim (525.000$00)" (105) .

Tay chân Ngô Đình Diệm bàn lui tính tới đã đi đến quyết định không tham gia cuộc triển lãm với nhiều lý do. Điều này đã được khẳng định trong Tờ trình của Tổng Thư ký Phủ Tổng thống gởi Ngô Đình Diệm ngày 26-9-1955: "Chúng tôi đã tư hỏi Bộ Tài chánh và Kinh tế và Bộ này cho biết việc tham gia này không cần thiết, vì xét theo phương diện kinh tế, nước Bỉ đối với ta còn xa xôi và không có ảnh hưởng mấy" (106) .

Tuy nhiên, có điều đáng nói là đầu năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm với lý do rằng: "Vì cuộc triển lãm Bruxells là một cuộc triển lãm quốc tế, 6 năm mới có một lần" (107) ,nên quyết định tham gia với nội dung "Triển lãm di cư 1954", trong đó có gian hàng Thiên Chúa giáo Việt Nam, mà phần trưng bày "sẽ chú trọng về địa vị của Công giáo tại Việt Nam (position de L' Eglise Cathlique au Vietjnam) từ khởi thủy đến giờ" (108) .

Để tham gia cuộc triển lãm, chính quyền Ngô Đình Diệm cho thành lập Ủy ban phụ trách "Triển lãm di cư 1954 tại Bruxelles" và chấp thuận đề nghị của Tổng ủy Dinh điền:

"1/ - Cấp các ngân khoản sau đây:

"a) - Tiền Việt Nam  ............   128.000$

"b) - Tiền Pháp         ............  830.000 quan.

"2/ - Cho 3 nhân viên của Ủy ban Trung ương tổ chức triển lãm Việt Nam (gồm 2 giám mục và một chuyên viên) và một nhân viên đại diện Phủ Tổng ủy Dinh điền được phép đổi tiền theo hối xuất chính thức để mua vé máy bay khứ hồi Sài Gòn - Paris - Bruxelles" (109) .

Trong lúc đó, Hội Phật giáo Khánh Hòa gởi đơn xin tổ chức Trại hè cho cho hơn 1.000 Phật tử tại Nha Trang từ ngày 6-6 đến ngày 10-6-1960, chính quyền Ngô Đình Diệm viện đủ lý do để không cho tổ chức. Công điện (tối mật) của Phủ Tổng thống gởi Tỉnh trưởng Khánh Hòa ngày 16-5-1960 thông báo: "Theo ý kiến Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội nên tạm đình hoãn việc cho phép tổ chức trại hè nói trên" (110) . Tỉnh trưởng Khánh Hòa tuân lệnh, Mật điện của Tỉnh trưởng Khánh Hòa gởi Phủ Tổng thống ngày 17-5-1960 viết: "Sau khi hỏi ý kiến của ông Đại biểu Chánh phủ Trung nguyên Trung Phần ở Huế, Tỉnh tôi đã bác đơn xin phép tổ chức Trại hè của Hội Phật giáo ở Khánh Hòa" (111) .

Chính sách dành cho Thiên Chúa giáo, kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm cũng xâm nhập sâu trong lãnh vực học đường. Ngô Đình Diệm dành cho Giáo hội Thiên Chúa giáo quyền chi phối các trường (kể cả các trường không phải của Thiên Chúa giáo) về mặt tinh thần, cốt bảo đảm thực hiện được nội dung giáo dục “duy linh”, “nhân vị”; mà thực chất là nội dung thần học kinh viện thời Trung cổ. Toàn miền Nam có “Văn phòng Trung ương giáo dục Thiên Chúa giáo” nằm trong tổ chức “Trung tâm Thiên Chúa giáo”. Trực thuộc cơ quan này là một Viện Đại học Thiên Chúa giáo ở Đà Lạt. Miền Nam dưới chính quyền Ngô Đình Diệm có 3 viện dại học. Các viện trưởng của các viện đại học đều là linh mục: Viện Đại học Sài Gòn là linh mục Cao Văn Chiểu, Viện Đại học Huế là linh mục Cao Văn Luận, Viện Đại học Thiên Chúa giáo Đà Lạt là linh mục Nguyễn Văn Lập. Hầu hết giáo sư triết học đều là những linh mục hoặc tín đồ Thiên Chúa giáo. Phần lớn các học bổng di học nước ngoài đều rơi vào tay các linh mục hoặc sinh viên Thiên Chúa giáo. Cách tuyển chọn giáo viên cũng như các đánh giá kết quả học tập của học sinh đều dựa tiêu chí ý thức hệ Thiên Chúa giáo. Theo Giáo sự Nguyễn Văn Trung (GS Đại học Văn khoa Sài Gòn), một tín đồ Thiên Chúa giáo, thì: “Trong lĩnh vực nhà trường, người ta có thể ghi nhận những vi phạm sau đây như những hành động chống lại tinh thần dân chủ và tự do tín ngưỡng. Ví dụ, bắt buộc phải theo một tôn giáo và không thể nói khác được, hoặc tuyển mộ giáo sư phải theo tôn giáo, ý thức hệ mà chính quyền muốn nâng đỡ; phải có thiện cảm hay theo ý thức hệ của chính quyền. Đối với sinh viên, học sinh, thí dụ phải biểu lộ trong bài vở những ý nghĩa, lập trường đối với tôn giáo, ý thức hệ chính thức mới được nhận vào học” (112) .

Để làm rõ hơn vấn đề trên đây, Nguyễn Văn Trung còn chú thích thêm: “Có nên duyệt lại Chương trình dạy Triết, nhất là ở Đệ I, ban C, môn Siêu hình học ? Tin ở Thượng đế có phải là một điều kiện để thi đỗ không ? Kinh nghiệm chấm thi cho tôi biết không một học sinh nào dám nói mình không tin” (113) .

Trong lúc đó hệ thống trường tư thục Thiên Chúa giáo từ mầm non, mẫu giáo đến tiểu học, trung học và đại học được xây dựng rẩt sớm. Năm 1958, Ngô Đình Thục đứng ra thành lập trường Đại học Thiên Chúa giáo tại Đà Lạt. Để chuẩn bị, từ cuối năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tặng cho trường này đồn điền tại Blao. Công văn số 415-TTP.ĐL/M ngày 4-12-1957 của Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống gởi Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “Do Công văn số 1570-BTC/DC/B ngày 5-8-1957, ông Bộ trưởng có đề nghị Tổng thống tặng dữ đồn điền tại Blao, tịch thâu của Lê Văn Viễn, cho trường đại học sắp thành lập tại Đà Lạt.

“Sự tặng dữ này khi trường đại học nói trên đã hoàn thành và có tư cách pháp nhân để nhận lãnh.

“Tôi trân trọng tin để ông Bộ trưởng rõ: Tổng thống chấp nhận đề nghị trên đây của ông bộ trưởng” (114) .

Để trường Đại học Thiên Chúa giáo Đà Lạt sớm hoàn thành, theo yêu cầu của Ngô Đình Thục, ngày 31-7-1958, Bộ trưởng bộ Kiến Thiểt và Thiết kế đô thị đã gởi Công văn số 1392/BKTĐT/KOC đến Ngô Đình Diệm đề nghị cho trường đại học này được ứng trước 5.000.000 đồng để dùng vào việc xây cất trường. Công văn viết: “Với mục đích giúp phương tiện cho Đức Tổng Giám mục, Chưởng ấn trường Đại học Đà Lạt, thực hiện ngay việc xây cất nhà trường trong dịp hè, để kịp khai giảng vào niên khóa 1958-1959, Thiểm Bộ kính xin Tổng thống cho phép Ngân sách Tự trị Quốc gia Kiến ốc cục, tài khóa 1958 ứng trước một ngân khoản 5.000.000 đồng để sử dụng vào công tác trên” (115) .

Để tiến đến “hợp pháp hóa” việc ứng trước, ngày hôm sau (1-8-1958), chính quyền Ngô Đình Diệm ra Nghị định số 272-KT/TKĐT “cho phép mở một kỳ Xổ số đặc biệt để xây dựng trường Đại học Đà Lạt” (116) .

Tuy nhiên, vào thời đó 5.000.000 đồng quả là một số tiền quá lớn. Tay chân Diệm bàn tính mãi vì biết rằng đề nghị nói trên là bất hợp lý, nhưng để làm vừa lòng gia đình họ Ngô, số tiền trên vẫn được chi, song theo lối “tính cách đặc biệt” và là “một ngoại lệ”. Công văn số 33.275B/19.057-TP/NSNV/CT/3B, ngày 12-8-1958 của Tổng Giám đốc Ngân sách và Ngoại viện gởi Tổng Thư ký Phủ Tổng thống nói rất rõ trường hợp này: “Riêng về phần pháp lý… là một cơ quan tư, trường Đại học Đà Lạt có thể đứng ra vay tiền của Quốc gia Kiến ốc cục. Trên căn bản, cơ quan này khó lòng thỏa mãn đơn vay ấy được, vì trái với mục tiêu cho vay của cơ quan.

"Có lẽ vì lẽ ấy nên Bộ Kiến thiết mới tình lên Tổng thống để ứng trước, vì là một ngoại lệ. Thủ tục này có phần đúng, nhưng về phương diện tài chánh, một khi Tổng thống cho phép, tức nhiên Chánh phủ đã mặc nhiên bảo đảm số nợ cho tư nhân, và như vậy ngân sách quốc gia bị buộc trả, nếu tư nhân không trả được. Trên nguyên tắc, sự đảm bảo như vậy khó lòng thực hiện được.

"Tuy nhiên, nếu việc nâng đỡ trường Đại học Đà Lạt là cần thiết và được thượng cấp chấp nhận, Nha tôi tưởng có thể áp dụng thủ tục sau đây:

            “a. Để Hội đồng Quản trị của Quốc gia Kiến ốc cục quyết định về đơn vay của trường đại học; mặc dầu không đúng với mục tiêu của cơ quan, nhưng Hội đồng có thể xét được vì tánh cách của công tác;

            “b. Áp dụng Điều thứ 16 của Nghị định ngày 15-6-1951… quyết định cho vay phải được Tổng thống chuẩn y để có hiệu lực thi hành;

            “c. Như vậy, số chi phí trên sẽ được ghi vào Ngân sách của Kiến ốc cục” (117) .

Và ngay ngày hôm sau (13-8-1958), bằng Nghị định số 281-KT/TKĐT, chính quyền Ngô Đình Diệm đã “cho phép Quốc gia Kiến ốc cục ứng trước cho trường Đại học Đà Lạt một số tiền là năm triệu đồng (5.000.000$00)” (Điều 1) và “trường Đại học Đà Lạt phải hoàn lại số tiền ứng trước cho Kiến ốc cục khi thâu được lợi tức kỳ Xổ số 'Loại đặc biệt Trường Đại học Đà Lạt' phát hành năm 1958” (Điều 3) (118) .

Dù Ngô Đình Diệm và tay chân có xảo trá như thế nào chăng nữa thì dưới cái nhìn của tín đồ Phật giáo, trường Đại học Đà Lạt vẫn được xây dựng bằng phương tiện và tài chính quốc gia, và sự phản ứung của họ được xem như là một điều đương nhiên. Về vấn đề này, báo Newsweek (New York) ra ngày 27-5-1963 cho biết: “Khi một Viện Đại học Thiên Chúa giáo được thiết lập tại thành phố miền sơn cước Đà Lạt, một công chức Phật tử đã than phiền rằng: “Chúng tôi là tín đồ Phật giáo nên không thể được như thế” (119) .

Bằng mọi biện pháp, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cố làm cho một bên phát trển, một bên tàn lụi. "Ngày 23-7-1958, Ngô Đình Nhu mở một hội nghị toàn quốc tại Sài Gòn về vấn đề giáo dục để xét lại chương trình giáo dục học đường. Sau hội này, một nghị định của chính phủ ra đời, trong đó có biện pháp 'kiểm soát chặt chẽ các trường tư thục', giới Thiên Chúa giáo nổi lên phản kháng biện pháp kiểm soát của Ngô Đình Nhu, nhiều tạp chí Thiên Chúa giáo tại Sài Gòn đã mở một chiến dịch đã kích biện pháp này. Phong trào đang ồn ào bỗng nhiên dịu xuống một cách đột ngột lạ thường. Sau đó người ta mới biết hàng giáo phẩm Thiên Chúa giáo đã được hai ông Nhu và Thục giải thích cho biết biện pháp này phải được công khai ban hành để biện minh cho kế hoạch làm tê liệt các cơ sở giáo dục của Phật giáo" (120).

Do chính sách trên đây cùng với những đặc quyền mà chế độ Ngô Đình Diệm dành cho, khắp miền Nam, không một thành phố, thị xã nào không có ít nhất từ hai trường trung học Thiên Chúa giáo trở lên, có cả hệ thống trường nam lẫn trường nữ. Từ cuối những năm 50, ở địa bàn cấp huyện, nhiều nơi trường trung học công lập đệ nhất cấp (trường phổ thông cơ sở) thì trường tư thục Thiên Chúa giáo đã được xây dựng. Hệ thống trường tư thục Thiên Chúa giáo ở miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm đã phát triển nhanh chóng. Avro Manhattan trong "Vietnam Why did We go?" cho chúng ta những con số nổi bật: “Từ năm 1953 đến năm 1963, Diệm đã xây dựng 145 trường cấp II và cấp III, riêng ở Sài Gòn có 30 trường với tổng số 62.324 học sinh.

"Trong cùng thời gian, Giáo hội Thiên Chúa giáo ở miền Nam Việt Nam, từ chỗ chỉ có 3 trường cấp II và III trong năm 1953, đến năm 1963 đã lên tới 1060 trường” (121) .

Có lúc để đánh lừa dư luận, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho thành lập trường tư thục của Phật giáo nhưng rồi lại tìm cách làm cho nó sớm tan rã. Một số nhân chứng cho biết: “Ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm cho phép thành lập một trường Trung học tư thục huyện Phật giáo ở làng Vĩnh Lại, xã Triệu Phước. Trường vừa khai giảng chưa đầy một tháng thì ngay bên cạnh đó ở làng Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa, một vị trí thuận lợi hơn, một trường Trung học tư thục Thiên Chúa giáo cũng được xây dựng, mặc dù cách đó không xa tại làng Bố Liêu cũng ở xã Triệu Hòa đã có một trường tư thục Thiên Chúa giáo đã xây dựng từ trước. Điều đáng nói hơn, học sinh vào học ở đây chỉ trả học phí bằng nửa học phí của trường tư thục Phật giáo. Điều này là gi? Dù ai có 'cận thị' đến đâu cũng hiểu được rằng đó là ý đồ bóp chết trương tư thục Phật giáo” (122) .

Có nơi dưới áp lực của linh mục, trường tư thục Thiên Chúa giáo đã làm tê liệt cả trường công lập. Trong tác phẩm: "Vietnam – The Unheard Voices", hai tác giả Don Luce và John Sommer cho biết: “Ở làng Thanh Bình, Chính phủ đã xây dựng một trường học ba lớp, bởi vì không có trường công nào khác trong vùng lân cận. Thầy giáo được đào tạo tại tỉnh lỵ, được gởi về để khai giảng. Nhưng họ không dạy, và ngay bên cạnh trường học ba lớp còn trống rỗng của Chính phủ, một trường học cùng kiểu đang được xây dựng. Vị linh mục mà dân làng vừa kính trọng, vừa sợ, từ chối việc cho phép con em họ đi học ở bất cứ trường nào khác, trừ trường của ông ta. Bốn năm sau đó, chúng tôi trở lại Thanh Bình, trường tư của ông (mà học sinh phải trả học phí) vẫn đông đúc học sinh, trong lúc đó ngôi trường của Chính phủ vẫn đang bị tẩy chay và đang đi đến chỗ hư hỏng. Hơn nữa, vị tỉnh trưởng ở địa phương thú nhận ông ta không can thiệp vào vấn đề này, bởi vì ông sợ rằng bất một hành động nào của ông sẽ bị xem như chống Thiên Chúa giáo” (123) .

Nắm trong tay sự chi phối nền giáo dục "Đệ nhất Cộng hòa", nên trong nhà trường, đặc biệt là trường tiểu học, có lúc người dạy đã tìm mọi cách bôi đen, nhục mạ Phật giáo, cố nhồi vào đầu óc tuổi trẻ những cách nhìn sai lầm về Phật giáo, tẩy não ngay từ đầu trong thế hệ trẻ về một tôn giáo vốn đã có chiều sâu trong lòng dân tộc, nhằm dọn đường đưa những thanh thiếu niên đi đến "cải đạo" trong một thời gian không xa nữa. Một nhân chứng kể lại: "Suốt cả một quảng đời tuổi thơ, tôi 'được' học trong một ngôi trường tôn giáo địa phương. Từ mẫu giáo đến lớp nhất, trọn bậc tiểu học. Nơi đó tôi không được dạy một tầm nhìn mỹ cảm tốt đẹp về một nhà truyền giáo đứng đắn, một nhà mô phạm đúng nghĩa và đặc biệt một tinh thần thượng tôn dân tộc (một vị nữ tu, một vị giáo viên và một người Việt Nam máu đỏ da vàng). Người ta gọi những học sinh không cùng tín hướng với họ là 'mấy người'. Hàng ngày, người ta không cần phải ngại ngùng 'dạy' rằng: Ông Phật của 'mấy người' là kẻ phàm tục nên mới để lại dấu vết (các xá lợi được tìm thấy và các dấu tích đản sanh, xuất gia, thành đạo và nhập niết bàn của Phật Thích Ca). Lần khác thì lại 'dạy': 'Ông Phật của 'mấy người' là bịa đặt, không có thật trong lịch sử. Mấy tấm hình xanh đỏ cha mẹ 'mấy người' thờ lạy ở nhà tưởng tượng ra rồi vẻ lên thờ! ... Với những đứa thuộc thành phần 'mấy người' lỡ đóng tiền học phí hàng tháng chậm, hoặc chậm tiếp thu bài thì bị cho là như ông Bụt, đui-mù-câm cả lũ" (124) .

Đối việc xét chọn các tác phẩm văn chương hàng năm, những tác phẩm nào nặng lời chỉ trích Phật giáo, đề cao Thiên Chúa giáo đều được chính quyền Ngô Đình Diệm đánh giá cao.

Tác phẩm “Văn chương bình dân”, khi đề cập đến Phật giáo, Thanh Lãng viết: “Đối với Phật cũng như đối với hạng thầy tu, dân chúng đều coi khinh; theo họ, Phật đi tu vì bất mãn về duyên tình, nhà chùa đi tu vì thích oán chuối,… Người Việt Nam có một quan niệm rất cao siêu về Trời mà họ coi như một Thiên Chúa toàn năng. Người dân quê, qua các tài liệu văn hóa, ta thấy luôn luôn có tính cách chống đối Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo, v.v… Nhưng không bao giờ có ý tưởng chống Trời” (125) .

Tác phẩm “Xây dựng trên Nhân vị” của Bùi Tuân cũng viết: “Chân lý mặc khải của đạo Công giáo cho ta biết Thiên chúa đã tạo dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài (chỉ có Thiên Chúa, Thiên thần và Người là có vị. Các loài khác đều vô vị (Chú thích của Bùi Tuân).

"Triết lý Đông phương cũng như tôn giáo Tây phương thừa nhận rằng căn bản nhân vị là ở Trời, tức là Thượng đế hay Thiên Chúa vậy.

“Nói một cách khác, người do từ Thượng đế mà đến. Ở đây, chúng ta chủ trương nhân vị chủ nghĩa tức là mạnh dạn tỏ ra mình có một quan niệm về người và vũ trụ, và quan niệm ấy thừa nhận có một đấng Thượng đế tạo dựng nên con người là loài có vị” (126) .

Cả hai tác phẩm trên đây đã đoạt giải nhất trong số 13 giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1957 (127) .

Ngoài ra, các tổ chức Thiên Chúa giáo tha hồ xuất bản báo chí, kinh sách; chương trình Thiên Chúa giáo có trên Đài Phát thanh,… Trong lúc đó Phật giáo bị o ép đủ điều, kinh sách của Phật giáo bị kiểm duyệt gắt gao, đến nỗi trong gần 10 năm trời dưới chế độ Ngô Đình Diệm, Phật giáo không dám ra một tờ báo có tính chất quần chúng.

*

*       *

Chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm trên tất cả các lĩnh vực tư tưởng - chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa - giáo dục đối với Phật giáo miền Nam như đã trình bày cho thấy chính quyền Ngô Đình Diệm có chính sách ưu đãi đối với Thiên Chúa giáo rất đâm nét, tạo mọi điều kiện thuận lợi, kể cả vật chất lẫn tinh thần cho Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam hoạt động và phát triển và điều không thể chối cãi được là “bất chấp mọi điều kiện lịch sử và tâm lý dân tộc, Mỹ - Diệm đã có nhiều cố gắng theo hướng 'Công giáo hóa' nhân dân ta, biến Thiên Chúa giáo thành quốc giáo ở miền Nam” (128) . Chính thượng Nghị sĩ Mỹ Mansfield, người đã từng ủng hộ Ngô Đình Diệm một cách nhiệt thành, trong cuộc tiếp xúc với Cao Văn Luận ngay khi phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 vừa bùng nổ, cũng đã thừa nhận rằng: "Hiện nay chẳng những dư luận báo chí Mỹ  mà phần lướn các nhân vật trong chính phủ Mỹ đều cho rằng chế độ ông Diệm là một chế độ độc tài, gia đình trị, Công giáo trị" (129) .

Do đó, Thiên Chúa giáo ở miền Nam thời chế độ Ngô Đình Diệm đã phát triển nhanh chóng về nhiều mặt. Từ khi truyền vào nước ta đầu thế kỷ XVI cho đến trước năm 1954, ở miền Nam Giáo hội Thiên Chúa giáo chỉ có năm giáo phận: Huế, Quy Nhơn, Sài Gòn, Vĩnh Long, Cần Thơ. Nhưng chỉ 9 năm dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, miền Nam có thêm bốn giáo phận: Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên, Đà Nẵng. Số tín đồ Thiên Chúa giáo gia tăng nhanh hơn bất cứ thời gian nào trước đây, đặc biệt “ở miền Trung, hàng ngàn người, kể cả một số trường hợp tất cả làng đều cải đạo qua Thiên Chúa giáo để tránh sưu dịch của Chính phủ hoặc tránh đi di dân” (130) . Ký giả của tờ Informations Catholiques Internationales (Paris) số ra ngày 15-3-1963 cho biết: “Đức Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đã nói cho ông ta hay rằng ở Việt Nam có nhiều làng đòi làm lễ rửa tội tập thể một lần tất cả dân chúng trong làng và Giáo hội không đủ sức cung cấp người dạy đạo cho họ” (131) .

Trong "Catholicques et Bouddhistes au Vietnam":, limh mục Piero Gheddo đã đưa ra những số liệu cho thấy sự gia tăng mau chóng số người cải đạo qua Thiên Chúa giáo, nhất là từ năm 1957 đến năm 1963 dưới thời "Đệ nhất Cộng hòa":

1957 - 1958: 54.770 người tân tòng

1958 - 1961: 74.859 người tân tòng

1961 - 1963: 53.115 người tân tòng

1963 - 1965: 24.659 người tân tòng

1965 - 1967: 11.372 người tân tòng (132) .

Chính Cao Văn Luận đã có lần nói với Ngô Đình Diệm rằng: “Ai cũng thấy từ khi Cụ (chỉ Ngô Đình Diệm – L.C chú thích) cầm quyền, thì nhà thờ mọc lên khắp nơi, các nhà thờ bị phá hủy trong chiến tranh đều đã được tái thiết gần hết, cả những nơi không có bao nhiêu giáo dân cũng có nhà thờ đồ sộ. Số người theo đạo mới cũng gia tăng mau chóng” (133) .

Tại Sài Gòn, trước năm 1954 chỉ có các nhà thờ: Đức Bà, Huyện sĩ, Tân Định, Ngã Sáu, Kỳ Đồng và Nhà thờ Chợ Lớn mà tín đồ phần đông là người Pháp gốc Việt và người Trung Quốc. Sau ngày Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, nhà thờ, tu viện thi nhau mọc lên, giáo dân sống tràn ngập cả vùng Phú Thọ, vùng lăng Cha Cả, ngã tư Bảy Hiền, ngã ba Ông Toại, vùng Hạnh Thông Tây, vùng Tân Châu Sa, ngã ba Chú Tá, vùng Tân Định, Gò Vấp, Khu Phạm Ngũ Lão gần Chợ Lớn – Sài Gòn có các cơ sở thương mại, kinh tế, báo chí, mà phần lớn đều nằm trong tay tín đồ Thiên Chúa giáo. Khu ngoại vi Sài Gòn – Chợ Lớn, mà nổi bật là dọc quốc lộ Biên Hòa - Sài Gòn và Đà Lạt - Sài Gòn, nhà thờ mọc lên san sát, khách bàng quang có thể nghĩ rằng Sài Gòn và vùng phục cận, đa số dân cư là tín đồ Thiên Chúa giáo.

Đoạn mô tả sau đây của Ellen J. Hammer trong cuốn: “A Death in November” cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của Thiên Chúa giáo ở miền Nam thông qua chính sách kỳ thị tôn giáo của Ngô Đình Diệm: “Tín đồ Thiên Chúa giáo có vẻ đông hơn vì những cuộc rước kiệu trên đường phố vào những dịp lễ. Những ngày nghĩ lễ của Thiên Chúa giáo được công khai kỷ niệm nhờ vị Tổng thống ngoan đạo, và trong những dịp lễ chính thức thường có nhiều linh mục tham dự. Những làng di cư được thiết lập dọc theo các quốc lộ giống hệt như các làng ngoài Bắc. Những ngọn tháp giáo đường nổi bật trên các cánh đồng lúa và chuông giáo đường rền vang khắp đồng quê” (134) .

Vấn đề đặt ra là tại sao chính quyền Ngô Đình Diệm lại thi hành chính sách kỳ thị Phật giáo, độc tôn Thiên Chúa giáo ở một mức độ dữ dội như thế, ngay cả thực dân Pháp, trong suốt quá trình thống trị Việt Nam gần một thế kỷ cũng không thể sánh kịp?

Trước hết cần phải thấy rằng Ngô Đình Diệm và gia đình họ Ngô là tiêu biểu cho tầng lớp tư sản, đại địa chủ phản động đội lốt Thiên Chúa giáo, có nhiều nợ máu với nhân dân và mang nặng ý thức phục thù. Điều này thể hiện rõ trong bức thư của Ngô Đình Thục gởi Toàn quyền Jean Decoux ngày 21-8-1944 khi được biết hai em của mình (Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu) đang bị thực dân Pháp truy tố. Ngô Đình Thục viết: “Nếu hoạt động của hai em tôi được chứng tỏ là có hại cho quyền lợi của nước Pháp thì – với tư cách của một giám mục, của một người An Nam, và với tư cách là người con của một gia đình mà phụ thân tôi đã phục vụ nước Pháp ngay từ khi nước Pháp mới tới An Nam, và đã nhiều lần đưa mạng sống ra cho nước Pháp trong các cuộc hành quân mà cha tôi đã cầm đầu dưới quyền của Nguyễn Thân, chống lại các kẻ nổi loạn do Phan Đình Phùng chỉ huy, tại Nghệ An và Hà Tĩnh – tôi, tự đáy lòng không chấp nhận… rằng các em tôi đã phản lại truyền thống của gia đình chúng tôi, một gia đình đã tự gắn liền với nước Pháp từ lúc ban đầu” (135) .

Bản thân Ngô Đình Diệm, ngay từ những ngày đầu ngồi ghế quan trường thực dân, đã là một kẻ tay sai đắc lực, gây nhiều nợ máu với nhân dân. Vì vậy, mới 32 tuổi, Ngô Đình Diệm đã leo đến chức thượng thư. Vấn đề này, cụ Nguyễn Thi, cựu ủy viên kháng chiến tỉnh Ninh Thận, đã cung cấp cho chúng ta một tư liệu thật sinh động: "Năm 1930, lúc phong tào Nghệ Tĩnh đang lên, thì Ngô Đình Diệm vào làm Quản đạo ở Ninh Thuận, ... Bắt được chúng tôi, hắn sai lính buộc một cánh tay treo ngược lên xà nhà, nói là cho đi tàu bay. Tra điện, kìm kẹp chưa đủ, tên khát máu này bày ra những lối tra tấn tinh vi hơn. Hắn đưa nhũng dây lạt tre rất sắc bắt chúng tôi vuốt, đứt cả bàn tay, máu chảy ròng ròng. Hắn bắt chúng tôi ngồi trên ghế, dưới đốt nến cháy rừng rực, lưa nóng cả tim gan, đầu óc quay cuồng chô đến khi ngất xỉu mới thôi, ...

"Trong số 500 chiến sĩ  cách mạng bị bắt giam, có bảy người bị tra tân đến chết.

"Nhờ tài làm chó săn đắc lực cho đế quốc như thế, nên chỉ một thời gian ngắn sau đó, hắn được thăng lên Tuần vũ Bình Thuận và đến năm 1933 thì leo lên chức thượng thư" (136) .

Mặt khác, chế độ Ngô Đình Diệm là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ. Ngô Đình Diệm được Mỹ nuôi dưỡng qua bàn tay của trùm gián điệp Hồng y Spellman. Thông qua Spellman, Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa về làm Thủ tướng "Quốc gia Việt Nam" rồi Tổng thống "Việt Nam Cộng hòa". Nhà sử học Buttinger cho rằng: “Hồng y Spellman chắc chắn là người Mỹ đầu tiên đã nuôi ý tưởng về một Chánh phủ Việt Nam do tín đồ Thiên Chúa giáo Ngô Đình Diệm cầm đầu” (137) . Vì vậy “việc lựa chọn Diệm đã được thực hiện dưới sức ép nặng nề của Mỹ và bằng sự can thiệp của Hồng y Spellman” (138) . Sau khi cầm quyền ở miền Nam, Ngô Đình Diệm quyết tâm thực hiện vũ khí tôn giáo do chính Spellman đã trao cho. Tại hội nghị “Liên minh chống Cộng Á châu” họp tại Sài Gòn tháng 5-1957, Ngô Đình Diệm đã tuyên bố: “Chúng ta đừng quên vũ khí chân lý có sẵn trong kho tàng tôn giáo. Sử dụng vũ khí đó là mục tiêu của Liên minh chống Cộng châu Á” (139) .

Hơn thế nữa, trong những năm 1950, dưới con mắt của các nhà chiến lược Mỹ thì “trong cuộc chiến đấu chống Cộng, việc dùng mọi khí giới và phương tiện vật chất là một lỗi lầm nặng. Càng tiến hành theo phương pháp này, cộng sản càng thắng. Phải kết hợp cho được mọi lực lượng chung quanh một lý tưởng cao siêu của tôn giáo”“sự nghiệp truyền đạo là thành lũy chống Cộng”, là “tiền đồn của chủ nghĩa tư bản” (140) .

Từ chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm như đã trình bày ở trên, chúng ta có thể rút ra một số nhận định chủ yếu sau đây:

Một là, chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm đã được tiến hành một cách toàn diện và có hệ thống trên tất cả các lãnh vực, từ tư tưởng - chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục. Nó được thực thi bằng nhièu biện pháp gian manh, tàn bạo; từ mua chuộc, dụ dỗ đến đàn áp, khủng bố một cách quyết liệt, kể cả việc bắn giết, thủ tiêu những người khác tôn giáo với họ Ngô. Đó là quá trình từ đầu đến cuối, thống nhất trong một chỉnh thể từ chủ thuyết nhân vị đến việc Ngô Đình Diệm cho ra đời Hiến pháp 1956, rồi tiếp theo là ban hành chính sách “tố Cộng”; từ việc Ngô Đình Thục cho thành lập Trung tâm Huấn luyện Nhân vị tại Vĩnh Long đến việc nâng Nhà thờ La Vang (Quảng Trị) lên hàng "Vương cung Thánh đường"; từ việc trấn áp dữ dội đối với những người khác tôn giáo dưới bàn tay hung thủ Ngô Đình Cẩn đến “Quốc sách ấp chiến lược” mà Ngô Đình Nhu là kẻ chủ xướng, v.v… Tất cả các biện pháp này đan xen, hỗ trợ lẫn nhau nhằm thực hiện “ý chí” và quyết tâm “Thiên Chúa giáo hóa” miền Nam của chính quyền Ngô Đình Diệm. Điều này giải thích tại sao trong suốt chín năm thống trị miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn tiếp tục duy trì Dụ số 10 (8-10-1950), một Dụ đặt các tôn giáo vào phạm vi hiệp hội, trừ Thiên Chúa giáo. Do đó, một số lập luận cho rằng “cho đến năm 1962, có ít bằng chứng về sự ngược đãi đối với tín đồ Phật giáo, mặc dầu Diệm là một tín đồ Thiên Chúa giáo nhiệt thành và sự mong muốn của Nha là làm cho 'chủ nghĩa Nhân vị' trở thành triết học nhà nước” (141) ; hoặc “biến cố Phật giáo là một biến cố giả tạo do những người chống đối Ngô Đình Diệm gây ra” (142) là hoàn toàn không có cơ sở đứng vững.

Tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm được đẩy mạnh hơn từ cuối những năm 1950, khi mà các lực lượng đối lập (trừ lực lượng cách mạng) đã bị loại bỏ và càng trở nên ác liệt, nhất là từ đầu những năm 1960, khi mà Ngô Đình Diệm và tay chân cho rằng chế độ của chúng đã vững vàng, đủ thực lực để tiến hành chính sách “Thiên Chúa giáo hóa” miền Nam. Hơn thế nữa, từ năm 1960, cách mạng miền Nam đã có bước phát triển nhảy vọt, từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công trực diện vào thành trì của "Việt Nam Cộng hòa",  chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức khủng bố, bắt ép những người khác tôn giáo, trước hết là tín đồ Phật giáo, đi theo Thiên Chúa giáo, mà điển hình nhất là ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Don Luce và John Sommer trong “Vietnam: The Unheard Voices” đã có một cái nhìn rất chính xác về vấn đề này: “Khi những cuộc nổi dậy của những người cộng sản gia tăng, Diệm càng ngày trở nên hoảng sợ, ông càng tin tưởng vào những người mà ông có thể tin được - những người Thiên Chúa giáo” (143) .

Hai là, chính sách kỳ thị Phật giáo, độc tôn Thiên Chúa giáo của chế độ Ngô Đình Diệm tiến hành trong suốt chín năm thống trị miền Nam, xét trên thực tế là một cuộc tấn công quy mô, toàn diện vào Phật giáo miền Nam trên tất cả các lãnh vực tư tưởng - chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục. Xét về mục tiêu lâu dài, chính sách kỳ thị Phật giáo được chính quyền Ngô Đình Diệm xem như là một trong những biện pháp hữu hiệu để đẩy lùi lực lượng cách mạng, đầy lùi kháng chiến, giữ chặt miền Nam trong quỹ đạo của chủ nghĩa thực dân mới.

Cần phải nói thêm rằng dưới “con mắt” của chính quyền Ngô Đình Diệm, việc thực hiện chính sách “Thiên Chúa giáo hóa” miền Nam, đối tượng cần phải nhằm trước tiên là Phật giáo, vì tín đồ Phật giáo chiếm đa số trong nhân dân miền Nam. Trong thực tế lịch sử, Phật giáo Việt Nam đã có một sự gắn bó chặt chẽ với vận mệnh dân tộc. Tăng ni, Phật tử Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã tham gia tích cực trong những cuộc kháng chiến chống xâm lăng, những công cuộc phục hưng đất nước. Ngô Đình Diệm, kẻ dựa vào ngoại bang để nắm lấy quyền lực, đi ngược với quyền lợi với quyền lợi dân tộc thì việc thực thi chính sách kỳ thị Phật giáo, độc tôn Thiên Chúa giáo là điều dễ hiểu.

Ba là, chính sách kỳ thị Phật giáo, độc tôn Thiên Chúa giáo của chế độ Ngô Đình Diệm như đã trình bày, đã gây ra biết bao đau thương, khổ nhục, uất hận đối với nhân dân miền Nam, đối với những người khác tôn giáo với họ Ngô, nhất là đối với tín đồ Phật giáo. Do vậy, dưới chế độ Diệm, mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp được biểu hiện qua "lăng kính" tôn giáo là rất đậm nét. Nỗi đau bất công do chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm gây ra chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự bùng nổ phong trào Phật giáo ở miền Nam Việt Nam năm 1963.

Lê Cung

Chú thích:

(76) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.01-HS.1383.

(77) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 3, Nxb Văn học, Hà Nội, 1994, tr.384.

(78) Công báo Việt Nam Cộng hòa, ngày 27-8-1963. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu J.425.

(79) Tờ trình hàng tháng (Tháng 1 năm 1957). Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu: PTT 100, tr. 8.

(80) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu: ĐICH-5425.

(81) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu: ĐICH-5425.

(82) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu: J.391.

(83) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu: ĐICH-5425.

(84) Văn thư số 124 ngày 1-8-1963 của Ủy ban Bảo vệ Phật giáo kính gởi ông Frédérick E. Nolting, Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Hồ sơ lưu tại chùa Từ Đàm –Huế.

(85) Đỗ Thọ. Nhật ký Đỗ Thọ, Nxb Đồng Nai, Sài Gòn, 1970, tr. 59.

(86) Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam: Một trời tâm sự, Nxb Anh Thư, Los Alamitos, CA, USA, 1987, tr.80.

(87) Đoàn Thêm. Hai mươi năm qua - Việc từng ngày (1945-1964), Nxb Nam Chi tùng thư, Sài Gòn, 1966, tr.208.

(88) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.01-HS.1946.

(89) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.01-HS.1946.

(90) Đỗ Mậu. Tâm sự tướng lưu vong (Hồi ký).  Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, 1991, tr. 430.

(91) Đoàn Thêm, Sđd, tr.303.

(92) Nguyễn Lang.  Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 3, Nxb Văn học, Hà Nội, 1994, tr.384.

Công văn số 33.275B/19.057-TTP/NSNV/CT/3B ngày 12-8-1958 của Tổng Giám đốc Ngân sách và Ngoại viện kính gởi ông Tổng Thư ký Phủ Tổng thống. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.13-HS-23.993.

(93) Cao Văn Luận. Bên giòng lịch sử. Nxb. Trí Dũng, Sài Gòn, 1972, tr. 306.

(94) Cao Văn Luận, Sđd., tr. 307.

(95) Cao Văn Luận, Sđd., tr. 308.

(96) Thích Trí Quang. Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam. Tuần báo Hải Triều Âm, số 17, ngày 19-8-1964, tr.2.

(97) Thích Trí Quang. Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam. Tuần báo Hải Triều Âm, số 17, ngày 19-8-1964, tr.2.

(98) Hồ sơ kết quả điều tra về việc khiếu nại của Phật giáo. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.04-HS.8356.

(99) Thích Trí Quang. Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam. Tuần báo Hải Triều Âm, số 13, ngày 16-7-1964, tr.2.

(100) Thích Trí Quang. Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam. Tuần báo Hải Triều Âm, số 13, ngày 16-7-1964, tr.2.

(101) V. Xuyên. Những tội… tức cười. Nguyệt san Liên Hoa, số 1, Huế, 1964, tr.27-28.

(102) Thích Trí Quang. Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam. Tuần báo Hải Triều Âm, số 9, ngày 18-6-1964, tr.2.

(103) Tháng 4-2005, chúng tôi đã cuộc trao đổi trực tiếp với nhân chứng Trần Kim Phú (hiện ở tại TP Biên Hòa). Nhân chứng khẳng định việc bị bắt cóc, trùm bao bố của mật vụ Ngô Đình Diệm là đúng, nhưng vào tháng 2-1960.

(104) Hồ sơ gởi Tổng Thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung phần, ngày 20-2-1962 (bản đánh máy). Thư viện Trường cao cấp Phật học TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn, 1968, tr. 1-50.

(105) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu ĐệICH - 554.

(106) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu ĐệICH - 554.

(107) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu ĐệICH - 554.

(108) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu ĐệICH - 554.

(109) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu ĐệICH - 554.

(110) . Công điện (tối mật) của Phủ Tổng thống gởi Tỉnh trưởng Khánh Hòa ngày 16-5-1960. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu: ĐICH/22430.

(111) . Mật điện đến của Tỉnh trưởng Khánh Hòa gởi Phủ Tổng thống ngày 17-5-1960. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP. Hồ Chí Minh. Ký hiệu tài liệu: ĐICH/22430.

(112) Nguyễn Văn Trung. Chính trị hóa giáo dục. Bách khoa, số 175, ngày 15-4-1964, tr. 40.

(113) Nguyễn Văn Trung , Sđd, tr. 40. 

(114) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.25-PT.241.1412.

(115) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.O3-HS.23993.

(116) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.13-HS.123.773.

(117) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.13-HS.23.993.

(118) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu SC.13-HS.23.773.

(119) South Vietnam: The Mandarin of Hue. Copy from Newsweek, May 27, 1963. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu TM-HS.209, tr.1-3.

(120) Đỗ Mậu, Tâm sự tướng lưu vong (Hồi ký), Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, 1991, tr.398

(121) Manhattan, Avro, Vietnam why did we go? Chick Publications, Chinese, CA, USA, 1984, tr.85.

(122) Phỏng vấn đạo hữu Tâm Chính và Tâm Phò ngày 15-5-1993 tại Đông Hà, Quảng Trị.

(123) Don Luce và John Sommer. "Vietnam – The Unheard Voices". Cornell University Press, Ithaca, USA, 1969. tr.111.

(124) Dương Kinh Thành. Ngọn lửa Bồ tát Quảng Đức soi sáng nhiều góc độ. Kỷ yếu Hội thảo "Bồ tát Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân" do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngay 29-5-2005, tr. 253.

(125) Thanh Lãng. Văn chương bình dân. Nxb Phong trào Văn hóa, Hà Nội, 1954, tr.225-226.

(126) Bùi Tuân. Xây dựng trên Nhân vị, Nxb Nhận thức, Huế, 1956, tr.39.

(127) Đoàn Thêm, Sđd, tr. 239.  

(128) Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Sử học. Lịch sử Việt Nam (1954-1965). Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 174.

(129) Fitzgerald Francess. Fire in the Lake. An Atlantic Monthly Press Book, Boston, USA, 1972, tr.104.

(130) Nguyễn Lang, Sđd, tr. 393.

(131) Nguyễn Lang, Sđd., tr. 393.

(132) Vũ Văn Mẫu. Sáu tháng Pháp nạn 1963. Giao Điểm, USA, 2003, tr. 55.

(133) Cao Văn Luận, Sđd., tr.318.

(134) Ellen J Hammer. A Death in November (American in Vietnam in 1963) . E.p Dutton, New York, USA, 1989, tr.106.

(135) Lê Trọng Văn. Những bí ẩn lịch sử dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Nxb Mẹ Việt Nam, San Diego, CA, USA, 1989, tr.23-24.

(136) Trần Văn Giàu. Miền Nam giữ vững thành đồng, Tập 1. Nxb Khoa học, Hà Nội, 1964, tr. 36.

(137) Joseph Buttinger. Vietnam: A Political History. Frédérick A. Praeger, Inc Publisher, New York, USA, 1968, tr.385.

(138) Buttinger Joseph, Sđd, tr. 86.

(139) Cao Văn Lượng. Âm mưu lợi dụng Giáo hội Thiên Chúa giáo để đàn áp phong trào cách mạng miền Nam của Mỹ - Diệm.  Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 48, tháng 3, 1963, tr.2-11.

(140) Cao Văn Lượng, Tài liệu đã dẫn, tr.2-11.

(141) R D Smith. An International History of Vietnam War (Vol II). Sreet Martin Press, New York, USA, 1987, tr.149.

(142) Nguyễn Trân, Công và tội, Những sự thực lịch sử, Nxb Xuân Thu, Los Alamitos, CA, USA, 1992, tr.416.

(143) Don Luce  & John Sommer. Vietnam - The Unheard Voices. Cornell University Press, Ithaca, USA, 1969, tr. 114.

 

Nguồn http://www.giaodiemonline.com/thuvien/doithoai/lecung_diem-vhgd.htm

Trang Thời Sự