Tìm Chỗ Đứng Cho Thiên Chúa Trong Đạo Phật Nhiệm Vụ Bất Khả Thi Của Thần Học Ki-Tô Giáo

Tìm Chỗ Đứng Cho Thiên Chúa Trong Đạo Phật

Nhiệm Vụ Bất Khả Thi Của Thần Học Ki-Tô Giáo

Ngô Triệu Lịch

http://sachhiem.net/TONGIAO/tgN/NgoTrieuLich_07.php

28-May-2019

Nếu các nghiên cứu của học giả phương Tây chỉ phục vụ học thuật, thì mục đích của Vatican là cải đạo, ngụy trang dưới chiêu bài “đối thoại liên tôn”, đúng với mục tiêu họ đề ra: “Phúc Âm hoá trong đối thoại và đối thoại để Phúc Âm hóa”. Chỉ tiếc ý đồ quá lộ liễu khiến cuộc đối thoại của họ thường biến thành độc thoại…

1.

Đi tìm cho Thiên Chúa một chỗ đứng!.. Mới nghe tưởng đùa, nhưng lại là sự thật… Đạo Phật được nhiều học giả đồng thuận là tôn giáo vô thần. Nói cách khác: Thiên Chúa không có chỗ đứng trong tôn giáo này… Thế nhưng với chủ trương “đối thoại liên tôn” của Công đồng Vatican II. Bằng công thức áp đặt: “Phúc Âm hoá trong đối thoại và đối thoại để Phúc Âm hóa,- và sự đào tạo xứng hợp cho những ai dấn thân vào đó" (GA 31) nhằm làm sâu sắc chiều kích Ba Ngôi trong đối thoại mà chúng ta phải thực hành: đối thoại là ở trong sự hiện diện của người khác, và qua đây sống logic mầu nhiệm nhập thể trong đối thoại”(x.GA 29)… Để đạt được mục tiêu này, Vatican quyết tâm thực hiện cuộc “đối thoại” bằng mọi giá. Tự nâng mình lên vị thế tôn giáo độc tôn. Cố tình xuyên tạc, bôi đen, hạ thấp giáo lý và giáo chủ các tôn giáo khác. Tự sướng với luận cứ “Chúa thánh thần” đã và đang hoạt động trong Phật giáo? Đức Phật là “ngôn sứ” của Giê-su ?... Đây là quan điểm Thần học đạo phiệt rất đáng bị phê phán… [http://www.simonhoadalat.com/...]

tượng Vua Giê-Su ở Ohio trước khi bị "trời đánh"

2.

Để thực hiện cuộc “đối thoại” bằng mọi giá như đã nêu trên, Giáo hội Công giáo La-mã đã giao trọng trách cho các nhà Thần học, buộc họ phải tìm cho ra vết tích “hữu thần” trong tôn giáo được xem là “vô thần” như Phật giáo… Nghĩa là họ phải chứng minh được rằng: một Thiên Chúa có ngôi vị, tự hữu, quyền năng, sáng tạo v.v… đã và đang hiện hữu trong Phật giáo!?.. Các nhà Thần học thừa biết đó là công việc cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể, một công việc “đội đá vá trời”. Nhưng họ buộc phải làm vì đây là chủ trương “đối thoại liên tôn” của Công đồng Vatican II. Vậy, họ đã làm việc ấy như thế nào?

Tài liệu được xem là kim chỉ nam “đối thoại liên tôn”, do Vatican Imprimatur, được trích dẫn dưới đây mang tên: “Gặp gỡ anh em Phật giáo”, giúp ta hiểu công việc của các nhà Thần học “nhọc nhằn” như thế nào khi tìm cho Thiên Chúa một chỗ đứng trong Phật giáo!...

(Trích) "... Nếu nói về Tuyệt Ðối, quan niệm rất gần với quan niệm về thần tính đích thực trong Phật giáo, thì phải nhận rằng quan niệm ấy khác xa với ý niệm một Thiên Chúa có ngôi vị. Nhưng, ít ra người ta cũng thấy Ðức Phật khước từ hình ảnh khiếm khuyết về thần tính mà thiên hạ trình bày cho Ngài. Ðây là dấu chỉ Ngài có trực kiến về sự toàn thiện mà Ðấng Tuyệt Ðối phải có. Vả lại, mối bận tâm về một Ðấng ở bên trên và bên ngoài thế giới vẫn hiện hình nơi Ðức Phật. Hình như Ngài không chối cho bằng đợi mà chưa rõ ý niệm về một Ðấng Tối Cao. Nhưng Ngài không thấy có gì đáng được nhìn nhận như thế cả”. (Hết trích).

Tác giả viết tiếp:

(Trích) "... Mối bận tâm về Tuyệt Ðối đã bộc lộ khi Ngài thực hiện cuộc toạ thiền dưới gốc bồ đề. Ngay giờ phút giác ngộ khai sinh ra Phật giáo. Chính lúc đó, Ngài tuyên bố câu này: ‘Ðiều không hay là ở đời mà không có ai để bày tỏ lòng sùng bái kính tôn với người ấy’. Vì cuộc truy tầm của Ngài không đạt tới kết quả nên Ngài nhất quyết bám chặt vào Ðạo pháp mà Ngài đã khám phá ra để tôn trọng, cung kính và phụng sự. Vậy đối với Ðức Phật Ðạo pháp thay thế cho Ðấng Tối Cao, cũng như đối với ta: Ðấng Tuyệt Ðối đồng hóa với Luật đời đời vì chính Ngài là luật này. Thay vì nhận chính Ngài có quyền trên Dharma, Ðức Phật tuyên bố Dharma không lệ thuộc một ai kể cả mình: ‘Ta không đặt ra Dharma, và cũng không ai khác tạo ra Dharma cả’. Như vậy, Luật mang hình thái của một cái gì siêu việt của nguyên lý tối sơ, mình phủ hào quang khá giống như hào quang của thần tính".(Hết trích).

(Gặp gỡ anh em Phật giáo. Văn phòng liên lạc các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Nxb Đức Tin Văn Hóa, 1973, trang 48).

Phải nhìn nhận rằng, óc tưởng tượng của tác giả đoạn trích dẫn trên phong phú không kém Nikos Kazantzakis khi viết "The last temptation of Christ". điều đáng phàn nàn là tài liệu nêu trên do chính Văn phòng liên lạc với các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo của Vatican xuất bản, được cho phép in (Imprimatur) hẳn hoi…

Có thể thấy việc Vatican mời gọi các thần học gia vào cuộc, đã bám sát tinh thần Văn kiện Gaudium Et Spes, vận dụng văn hóa Phật giáo, làm méo mó, biến dạng, đến nỗi chính các Phật tử khi đọc đoạn văn trên, cũng không thể nhận ra người Công giáo đang muốn “đối thoại” với họ, nó quá xa lạ với với truyền thống giáo lý mà Đức Phật đã truyền dạy từ hơn hai ngàn năm trăm năm nay… Nhưng đối với Vatican, có lẽ họ đã đạt được mục tiêu “truyền thông giáo lý”, khi xem Phật giáo như một “phương thức diễn đạt kho tàng đức tin”?...

Có lẽ vì vậy mà tác giả không ngại viết tiếp:

(Trích) "Ðối với Tiểu thừa, chỉ nguyên Dharma sẽ phải tiếp tục thỏa mãn niềm khao khát Thượng đế vốn làm ray rứt lòng người ... NHƯNG VIỆC TÔN THỜ ÐẤNG TUYỆT ÐỐI QUA HÌNH THỨC LỀ LUẬT CÓ KHI ĐỦ ĐỂ CẤM TA KHÔNG ĐƯỢC CHO PHẬT GIÁO ĐÍCH THỰC LÀ VÔ THẦN. ÐẠO PHÁP THÌ VĨNH CỬU, TUYỆT ĐỐI, TINH TUYỀN VÀ BẤT BIẾN. NHƯ VẬY, ÐẠO PHÁP CÓ NHỮNG PHẨM CÁCH CỦA THƯỢNG ĐẾ VÀ MỘT SỐ TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO KẾT LUẬN LÀ HỌ CŨNG NHÌN NHẬN CÓ THƯỢNG ĐẾ VÀ KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI VÔ THẦN”.(Hết trích). (Gặp gỡ anh em Phật giáo. Sđd trang 48).

Cái gọi là “Ðối thoại liên tôn” của Thần học Công giáo như trên rất đáng bị phê phán. Họ đã cưỡng từ đoạt lý với nhận định: "Phật giáo không có ý niệm về một Thượng đế mà chỉ có ý niệm về một Lề luật tối thượng", và rồi đồng hóa cái gọi là “lề luật tối thượng” với Dharma, Đạo pháp có những phẩm cách của Thượng đế, để dẫn đến kết luận Phật giáo cũng nhìn nhận Thượng đế, và không phải vô thần?... Luận điểm trên đã bị giáo sư viện sĩ O.O Rozenberg phê phán:

(Trích) "Thuật ngữ Dharma được giải thích một cách tuỳ tiện, thậm chí đến mức không hiểu được. Ví dụ: các tác phẩm viết về triết học Phật giáo của Kakehi thì thuật ngữ Dharma được hiểu là lề luật, luật của tự nhiên... Tất cả những gì đã được trình bày về Dharma trong các tài liệu Châu Âu là hoàn toàn không rõ ràng và khó hiểu..." (Phật giáo, những vấn đề triết học. O.O Rozenberg. Trung tâm tư liệu Phật học. Hà Nội. 1990. trang 85).

3.

Phật giáo là một tôn giáo vô thần, không phải “vô thần chủ nghĩa”, tức quan điểm phủ nhận tất cả mọi lực lượng vô hình, siêu tự nhiên. Tôn giáo vô thần là tôn giáo không xem thần linh (thiên chúa, thượng đế) là đối tượng thờ phượng. Phật giáo là như thế! việc gì các nhà Thần học phải vặn vẹo từ ngữ, tìm kiếm các thuộc tính hữu thần trong tôn giáo ấy!?... Phải chăng xuất phát từ ảnh hưởng học thuật Ki-tô giáo, nguyên ngữ La-tinh religare, nghĩa là sự vươn tới thần linh của con người, các thần học gia Công giáo vẫn hiểu đó chính là “tôn giáo”. Như thế, nếu xem Phật giáo là một tôn giáo, thì nội hàm của nó buộc phải mang các thuộc tính hữu thần?… Hẳn nhiên, đây không phải là cách hiểu của Phật giáo…

Vô thần và hữu thần là cặp phạm trù mâu thuẫn đối kháng, ngay đến những nhà tôn giáo học, những học giả phi tôn giáo, khi làm công việc so sánh cũng đã thấy có những khoảng cách khó bù đắp giữa hai hệ thống Phật giáo và Ki-tô giáo. Tuy nhiên, do sứ mệnh truyền giáo thôi thúc, khoa thần học Công giáo cố tìm mọi cách san bằng khoảng cách ấy. May mắn cho họ khi khám phá ra Tịnh Độ Tông, một tông phái Ðại Thừa Phát triển của Trung Hoa, được thần học Công giáo xem như một đối chứng về "học thuyết cứu độ". Họ đưa ra các dẫn chứng nhằm chứng minh Tịnh Độ Tông là một tôn giáo "ân sủng, sùng tín". Dù rằng họ không phủ nhận tự lực, nhưng nhấn mạnh vào khía cạnh tha lực, nhằm tìm kiếm một sự tương đồng nào đó giữa tín ngưỡng Tịnh Độ và Ki-tô giáo. Rất tiếc, Tịnh Độ tông chỉ là tông phát Phát triển của Trung Hoa, không thể đại diện cho Phật giáo. Lại nữa, tín ngưỡng Tịnh Độ hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh tha lực của đại bộ phận người dân Trung Hoa vốn bị ảnh hưởng sâu đậm văn hóa bản địa. Giáo pháp nguyên chất của Gotama bị văn hóa bản địa Trung Hoa pha tạp với liều lượng đậm đặc khiến không còn nhìn ra tính chất nguyên thủy qua lăng kính Tịnh Độ Trung Hoa…

4.

Về học thuyết “cứu độ”. Phải khẳng định ngay rằng: chỉ có Ki-tô giáo mới là tôn giáo cứu độ, Phật giáo không phải là tôn giáo cứu độ, Phật giáo chỉ là tôn giáo hóa độ. Hóa độ và cứu độ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Cứu độ là một phạm trù cực kỳ quan trọng đối với Ki-tô giáo, vì nếu không có cứu độ, chắc chắn không có Ki-tô giáo. Hi lễ hiến tế của Giê-su hệ lụy từ tội nguyên tổ. Ý niệm "Cứu độ" (Salvation) của Ki-tô giáo từ tiếng La-Tinh Salvator, dịch ý từ ngôn ngữ Do Thái Yehoshua, Joshua, hay Josua. Yehoshua nghĩa là: "Thiên Chúa (Yahweh) là cứu độ" Yehoshua phiên âm ra thành Jesus, phiên âm Việt ngữ là Giê-su. Vì vậy, Giê-su hay "Thiên Chúa là Ðấng Cứu Ðộ", hay "Ðấng Cứu Thế", hoặc vắn tắt: "Cứu độ", là những từ đồng nghĩa. Ngoài ra từ "Ki-tô" phiên âm từ tiếng La Tinh "Christus" dịch từ tiếng Do Thái Mashiah nghĩa là "Ðấng được xức dầu" thường dùng để chỉ các vị vua chúa Do Thái. Nhưng về sau Ki-tô giáo cũng dùng danh hiệu Mashiah (Messiah) để chỉ "Ðấng Cứu Thế" tức Chúa Giê-su Ki-tô. Do nghĩa gốc của từ "Cứu độ" được định nghĩa như trên, nên khi thần học Công giáo dùng từ "cứu độ" để chỉ sự giải thoát của Phật giáo là có dụng ý tạo ra sự mập mờ, tranh tối tranh sáng. Sử dụng từ "Cứu độ" để chỉ các giá trị giải thoát của Phật giáo trong điều kiện danh chưa chính, ngôn chưa thuận, thiếu rõ ràng, minh bạch, dễ dẫn tới ngộ nhận.

5.

Như đã nói trên, Tịnh Độ Tông, một tông phái Phát triển Trung Hoa, được thần học Công giáo xem như một đối chứng về "học thuyết cứu độ". Đây không chỉ là nhận định cá nhân của các học giả Công giáo, mà là khẳng định chính thức của Công đồng Vatican II. Ngày 17-3-1964, Giáo hoàng Phao-lô VI ra lệnh thiết lập văn phòng đặc trách các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo. Ngày 6-8-1964 ban hành Thông điệp Ecclesiam Suam khẳng định Vatican quyết tâm đối thoại với các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo, một cuộc đối thoại mà họ gọi là “không che đậy chân lý!”. Ngày 28-10-1965, Công đồng công bố Tuyên ngôn về các tôn giáo ngoài Ki-tô giáo Nostra Aetate. Điều đó chứng tỏ Vatican đã có một quá trình chuẩn bị công phu, bằng các văn kiện pháp lý, trước khi bước vào cuộc đối thoại với các tôn giáo phi Ki-tô giáo, trong đó có Phật giáo…

Tuyên ngôn Nostra Aetate viết: (Trích) "Phật giáo, bằng nhiều hình thức vốn nhìn nhận thế giới này có sự thiếu sót căn bản và chỉ giáo cho loài người một đạo. Ðạo này giúp cho họ đạt tới đích nếu hết lòng tin tưởng noi theo. Họ sẽ đạt đến một tình trạng giải thoát hoàn toàn hoặc một sự giác ngộ tuyệt đối, dựa vào sức riêng mình, hay nhờ ơn trên giúp sức". (Hết trích). (Nostra Aetate. Tuyên ngôn các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Số 2, trang 470. Công đồng Vaticanô II. Giáo hoàng học viện Piô X, Đà Lạt, 1972).

"Ơn trên giúp sức" mà văn kiện Nostra Aetate nói ở đây chính là Phật A-di-đà và những đối tượng sùng tín khác như Quán-thế-âm, Ðại-thế-chí v.v... Một lần nữa, chúng ta cần phải đính chính ngay: Tịnh Độ tông là tín ngưỡng phát triển Trung Hoa không đại diện cho Phật giáo. Văn kiện Nostra Aetate dùng từ “Phật giáo” là hoàn toàn thiếu chính xác…Bằng vào những nhận định lệch lạc, đánh đồng Phật giáo với tín ngưỡng Tịnh Độ phát triển Trung Hoa, họ đã cố gắng thuyết phục quần chúng tin Tịnh Độ Tông là một tôn giáo "ân sủng, sùng tín". Yếu tố tha lực tạo tiền đề cho cuộc đối thoại:

(Trích) "...Kitô hữu còn sung sướng cùng với Linh mục Henry De Lubac nhìn thấy ở đó một trong những sự kiện thiêng liêng lớn lao nhất của nhân loại. Nhất là đối với Phật giáo A-di-đà. Chúng ta phải nhận rằng: Ít khi niềm hoài vọng của con người đã hình thành trong một giấc mơ tinh khiết hơn, ít khi thấy con người đã tỏ ra cảm thức được sự khốn cùng của mình hơn và tiến gần tới một tôn giáo ân sủng hơn..." (Hết trích).

(Henri de Lubac, Amida, Paris, Seuil 1955, Vũ Ðộ dịch và dẫn lại trong "Gặp gỡ anh em Phật giáo". Văn phòng liên lạc với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Ðức tin văn hóa, 1973, trang 15).

Và họ đã

(Trích) "không mảy may cho rằng người Phật tử không có niềm hy vọng cũng chẳng có tiền cảm về "ân sủng"… ít nhất có hai dấu chỉ liên hệ đến vấn đề này: Một là việc tôn kính các vị Bồ-tát rất thịnh hành trong Phật Giáo Ðại thừa và đã từng sinh động trong Phật giáo cổ xưa. Hai là tính cách siêu việt của sự cứu độ vĩnh viễn, của Niết-bàn. Nghĩa là con người không thể có được sự cứu độ dựa vào sức lực của chính mình.” (Hết trích).

(Dom Pierre Massein. Lời bạt viết cho quyển Kitô giáo dưới mắt Phật tử. Nxb Ðịnh hương tùng thư 1996, trang 194).

Linh mục F.Varillon còn còn võ đoán hơn:

(Trích) "Xuất phát từ học thuyết cứng rắn của Karma, sự công chính nội tại này giam hãm con người trong vòng luẩn quẩn của kiếp luân hồi, Phật giáo đã từ từ tiến lên và nâng cao các ý tưởng về ơn nghĩa, về kêu xin, về cầu khẩn và về niềm tin phó thác. sau đó được phát triển trong việc thờ phượng của A-di-đà” (Hết trích).

(Francois Varillon. "Un chrétien devant les grandes religions". Người Kitô hữu trước các tôn giáo lớn. Bản Việt ngữ của tòa Giám mục Sài Gòn. Trang 219).

Gút lại, Vatican đã vặn vẹo chữ nghĩa trong đối thoại, để biến tôn giáo trí tuệ (prajna) như Phật giáo, thành một tôn giáo "cầu xin sự ban bố" (bhakti) từ những thế lực siêu nhiên. Khái niệm "cứu độ" được lồng ghép vào học thuyết Phật giáo, hình thành chiếc cầu nối giữa Phật giáo với Ki-tô giáo, đúng theo chủ trương của Vatican, được bạch hóa qua tập tài liệu của Văn phòng liên lạc với các tôn giáo ngoài Kitô giáo: "Quan niệm chung về cứu độ là nhịp cầu nối liền ta với họ...

6.

Về phía các học giả Tây phương, dù không liên quan gì với Vatican trong chủ trương đối thoại, nhưng với não trạng tôn thờ khoa học, họ luôn nghi ngờ những gì thiếu tính khoa học, thiếu sử liệu xác minh... Não trạng Duy sử buộc họ phải tìm cho ra, quy kết các nguồn sử liệu một cách có hệ thống bằng các phương pháp sử học, để việc nghiên cứu của họ có nền móng lịch sử vững chắc. Vì thế, khi khảo sát Tịnh Độ Tông, họ thấy do tác động hổ tương của các nền văn hóa, mà các vị Phật, Bồ-tát biến thành "Ðấng cứu thế", các "cõi tịnh độ" mang dáng dấp "thiên đường" của các tôn giáo hữu thần. Và Tịnh Độ tông dưới mắt họ giờ đây đã biến thành một "tôn giáo ân sủng, sùng tín". "Ðức tin" giờ đây có thể thay thế cho "trí huệ". Nhiều học giả phương Tây không những tìm ra sự liên hệ giữa Phật giáo và các Thần giáo Ấn Ðộ, Ba Tư, mà họ còn thấy được cả những ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp trong việc dâng lễ, cầu ơn... Will Durant là một ví dụ. Ông viết:

(Trích) "Người ta tưởng tượng một cõi trời trên đó có nhiều vị Phật, mà Phật Amida (A-di-đà), Ðấng Cứu Thế được dân chúng thờ phụng nhiều nhất: Phải có một thiên đàng và một địa ngục để khuyến thiện trừng phạt chứ...Trong thần thuyết mới đó, các vị thánh Bodhisattwa (Bồ-tát) tự nguyện đầu thai trong nhiều kiếp để giúp những kẻ ở trên trần tìm Chính Ðạo... Cũng như các giáo phái Kitô ở miền Ðịa Trung Hải, các vị Bồ-tát đó được dân chúng thờ phụng đến nỗi át hẳn Phật Tổ... Tóm lại Phật giáo Ðại thừa có đủ những hình thức lễ nghi của Kitô giáo thời trung cổ." (Hết trích).

(Lịch sử văn minh Ấn Ðộ, Will Durant, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê. Trung tâm thông tin Ðại học Sư phạm Tp.HCM, trang 173).

Tất nhiên sai lầm của một số học giả phương Tây và Vatican về Phật giáo không có gì khác, chỉ khác ở mục đích. Nếu các nghiên cứu của học giả phương Tây chỉ phục vụ học thuật, thì mục đích của Vatican là cải đạo, ngụy trang dưới chiêu bài “đối thoại liên tôn”, đúng với mục tiêu họ đề ra: “Phúc Âm hoá trong đối thoại và đối thoại để Phúc Âm hóa”. Chỉ tiếc ý đồ quá lộ liễu khiến cuộc đối thoại của họ thường biến thành độc thoại… Sự thô kệch trong đối thoại là họ cố hướng về một bộ phận tín đồ theo tín ngưỡng Tịnh Độ dân gian Trung Hoa, do không nắm vững giáo lý tối thượng tuyệt trác của Thích-ca-mâu-ni, đã đi chệch con đường mà Ðức Phật đã vạch. Với ý đồ cải đạo dưới chiêu bài “đối thoại liên tôn”, Vatican không ngần ngại, nhanh chóng nắm lấy cơ hội “giúp” họ biến Chư Phật, Bồ-tát thành những Ðấng Cứu Thế hữu ngã, để sùng bái, gia ơn, biến các cõi Tịnh độ thành thiên đường của tôn giáo hữu thần. Ðúng như nhận định của bác sĩ Edward Conze:

(Trích) "Do yếu kém về trí huệ, họ phải dùng đến đức tin, con đường siêu việt của trí huệ giờ đây được bổ túc bằng con đường của đức tin..." (Hết trích). (Edward conze. Ðạo Phật. Ấn bản Internet. Quangduc.com)

Phê phán những lệch lạc trong chủ trương “đối thoại liên tôn” của Vatican là điều cần thiết. Nhưng dù sao cũng cần cảm ơn họ đã chỉ ra những khuất tất trong các hệ phái phát triển Trung Hoa điển hình là Tịnh Độ tông, điều mà người Phật tử tâm huyết muốn hộ pháp cho giáo pháp nguyên thủy của Đức Gotama đã thấy nhưng vì vấn đề nhạy cảm không dám nói hoặc chưa tiện nói…

Tóm lại:

Những tài liệu phi Phật giáo mà Vatican sử dụng để đối thoại là sản phẩm chính hiệu của khoa thần học Công giáo, chẳng những không giúp ích được gì cho việc tìm hiểu Phật giáo, mà còn gây ra những ngộ nhận không đáng có. Ðây là hệ quả tất yếu của việc thay vì tìm hiểu Phật giáo một cách trực tiếp, bằng chính nguồn tư liệu phong phú từ giáo pháp nguyên chất của Đức Phật, Vatican lại vận dụng sự “khôn ngoan và thông thái của các thần học gia", xào nấu mớ kiến thức tạp nhạp của họ về các tông phái phát triển Trung Hoa, rồi mang ra “đối thoại liên tôn”. Mặt khác, do óc chủ quan: "Ðừng lo lắng tìm cách trả lời làm sao và trả lời cái gì hay phải dùng lời lẽ nào: Chính Chúa Thánh Thần sẽ dạy cho các con ngay lúc đó những điều phải nói." (Lc.12,11-12) khiến họ đối thoại chủ quan, làm cho đối thoại nếu không biến thành độc thoại, thì cũng có nguy cơ biến thành tranh luận.

____________________

Nhận xét:

Nhận xét sau bài: Tìm Chỗ Đứng Cho Thiên Chúa Trong Đạo Phật (Thân Hữu)

Trang Tôn giáo