●   Bản rời    

Chú Tiểu Không Tên (Nguyễn Trí Cảm)

Chú Tiểu Không Tên

Nguyễn Trí Cảm

http://sachhiem.net/TONGIAO/NGTRCAM/NguyenTriCam02.php

27 tháng 4, 2008

Năm tôi học lớp nhất ở quê, tương đương với lớp năm ngày nay, có chú tiểu học cùng một lớp, chú chỉ khác chúng tôi là có một chỏm tóc trên đỉnh trán, và được “đặt cách” không mặc đồng phục, thay vào đó là bộ áo quần dài màu nâu sòng hay lam nhạt.

Đến tận bây giờ tôi cũng chẳng biết tên chú là gì, mà lúc ấy thầy giáo cũng gọi chú tiểu là “chú” chứ chẳng gọi như tên trong bảng điểm danh, và chúng tôi cũng chẳng biết ngoài tên khai sinh chú còn có pháp danh. Chẳng đứa nào trong chúng tôi quan tâm đến tên gọi, cứ gọi là “chú” cho tiện,. Nhưng không sao, vì có tên gì đi nữa thì ngoài việc học, nhiệm vụ của chú hàng ngày ở chùa là lau bàn thờ, cắm bình bông, học kinh kệ, và quét lá ngoài sân như chú kể cho bọn tôi nghe. Ở trường, chú cũng tham gia vào các trò chơi đầy tính hiếu động của bọn học trò trong lớp, nào là “đá gà”: vạch một vòng tròn, một chân co lên và dùng một tay ôm lấy cổ chân để giữ, cứ thế mà ra sức húc, đẩy “đối thủ” ra khỏi vòng tròn là thắng! hay chơi tạt lon, đánh khăng v.v..người thua phải cõng người thắng một vòng quanh cột cờ trong sân trường, mà chú toàn thua bởi một lẽ: chú không biết “ăn gian”.

Có ngày cả lớp được nghỉ đột xuất do thầy giáo ốm hay bận việc, tôi thường rủ chú về nhà xem “kho tàng” của tôi: mấy viên bi có hình trái khế xanh đỏ bên trong, cái ngòi bút bầu hay lá tre mới cáu, mấy cái hình siêu nhân, con thú, hay ra vườn sau leo lên cây mận, ổi và dành hái những trái ngon nhất. Những lúc tranh dành như vậy tôi thường bị mẹ la vọng lên:

“Kính Phật thì phải trọng tăng chứ!”

Trời ạ! chú mà là tăng, tăng gì mà không có “phép” như Tề Thiên đi thỉnh kinh với sư phụ! cũng đói ăn, khát uống, chơi đùa như mình!. Cái nghĩ về ông thầy tu của tôi chỉ đơn giản như vậy !.

Năm 1963, biến cố Phật giáo xảy ra, đồng bào Phật tử và chư tăng ni xuống đường đấu tranh, mẹ tôi và các bà đạo hữu rủ nhau đi lễ chùa nhiều hơn. Có lần tôi hỏi mẹ đi lễ bên chùa nào, Hóa đạo hay Ấn quang, mẹ tôi ngạc nhiên trả lời : Mẹ chẳng biết Ấn quang hay Hóa đạo gì cả! Đi chùa là để lễ Phật, bảo vệ đạo pháp, thế thôi! Tôi chợt nhớ đến chú tiểu học cùng lớp năm xưa, chú chưa từng xưng tên, và chúng tôi cũng chưa từng hỏi. Chú tiểu “không tên” xuất gia vì hướng đến một điều gì khác hơn là một danh xưng.

Những năm 70 rồi 75, thế cuộc thăng trầm lên đến đỉnh điểm, đất nước được thống nhất, chế độ mới và con người cũ không thể một sớm một chiều dung hợp hài hòa, chiến tranh dai dẳng đã để lại bao nghi kỵ chất chồng, hận thù, tang thương, đói khổ, sợ hãi, kiêu mạn, sai lầm. Và với muôn vàn lý do khác nhau, nhiều người phải lìa bỏ quê hương, kẻ mất người còn, người đi, kẻ ở khắp chân trời cuối bể, và nhiều thầy cũng nhập vào dòng người hối hả ra đi, đời hay đạo rồi cũng vậy.

Những năm 80, hết rượu, cơn say chiến thắng dịu dần, những người lãnh đạo đất nước nhận ra rằng không bao giờ chỉ có một con đường duy nhất để đi, và họ đã “đấu tranh tư tưởng” để chọn con đường phù hợp với thực tế của đất nước, họ nhìn vào kinh điển chủ nghĩa, họ nhìn ra thế giới bên ngoài rồi sửa chũa những sai lầm. Thế nước dần ổn định, thịnh suy theo nhân quả. Các thầy định cư ở phương tây quả là cực lạc, còn hàng triệu triệu người dân, trong đó là bao triệu người phật tử trong nước, vào thời điểm đó, vẫn phải miệt mài lao động trên những công nông trường mà vẫn đói ăn, thiếu mặc, vẫn phải xếp hàng “tem, phiếu” nhọc nhằn.

Qua được xứ người, thay vì ngồi đọc bài kệ của thiền sư Vạn Hạnh để quán chiếu lẽ vô thường của vạn pháp thì một số thầy lại “liên tôn” với kẻ đã bao lần dập vùi mình trong máu lửa, quả là từ bi, để đấu tranh cho chiêu bài tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ trong nước, làm như cái xã hội mà quí thầy định cư sạch sẽ hơn cái đất nước vừa mới ra đi, mà không ý thức được là đã đang tiếp tay cho mưu đồ của ngoại bang. Các thầy cũng quên Vatican là những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong đấu tranh, bắt đầu từ năm 1533 khi những giáo sĩ của họ đặt bước chân đầu tiên lên đất nước Việt Nam. Có nhiều thầy, đã hơn 30 năm rồi mà vết thương vẫn chưa lành, thì đó chỉ còn là tâm bệnh, nhìn đâu cũng thấy làn cây cong như con chim bị đạn, thậm chí đại lễ Phật đản LHQ tổ chức tại quê nhà mà cũng nhìn như một đòn phép chính trị của cọng sản. Tại sao phải bôi đen hay tô hồng sự vật mà không nhìn sự vật như nó là, cọng sản thì sao? không có người cọng sản thì ai đánh đuổi được giặc ngoại xâm và thống nhất đất nước khi các đảng phái, phong trào yêu nước khác đều đã thất bại? Xin đừng nhìn những sai lầm đã qua của người khác bằng kính hiển vi hay kính biến dạng, hãy nhìn bối cảnh thực tế của từng thời kỳ lịch sử bằng cái tâm.

Đối tượng đấu tranh của Phật giáo không phải là một chế độ xã hội, một con người nào cụ thể, mà là đấu tranh với vô minh trong mỗi con người của chúng ta, chừng nào vô minh còn thống trị, thì khổ đau, chia rẽ và bất công vẫn còn xảy ra dù ở dưới bất cứ thể chế xã hội kiểu gì và ở đâu, vì vậy, phương thức đấu tranh của Phật giáo không phải là hô hào “chống cộng” kiểu cơm gạo mà là “xây dựng” con người, là những Trúc lâm Thiền viện trên cả ba miền đất nước của thầy Thanh Từ, mà là đi vào trại giam để góp phần giáo hóa các phạm nhân của thầy Nhật Từ, là những đại trai đàn và hoằng pháp của thầy Nhất Hạnh, là lo việc đại lễ Phật đản LHQ của thầy Mạnh Thát và bao thầy khác, là những vị thầy, cư sĩ “vô ngôn” mà “thân giáo”, là công tác từ thiện xã hội v.v.. Từ những đấu tranh như vậy, tượng đài của Bồ Tát Thích Quảng Đức đang dần sáng ngời lên ngọn lửa bất diệt, nơi mà ngài đã nằm xuống 45 năm về trước, là tinh hoa của Phật giáo trên toàn thế giới sắp hội tụ về Việt Nam trong dịp đại lễ Phật đản năm 2008, như một điềm lành của đất nước.

Người cọng sản không nói “vô thường” nhưng nói “biện chứng”. Có thầy nói “vô thường” nhưng lại không thấy “biện chứng”. Người cọng sản thay đổi chính sách từ những năm 80, còn một số thầy vẫn ở tâm cảnh của những năm 70. Tôi tuyệt nhiên nhớ lời mẹ dạy: “kính Phật thì phải trọng tăng”, không dám vô lễ với các bậc tôn sư, nhưng rồi cũng tự hỏi: Các thầy là ai, và ai thật sự truyền giữ mạng mạch của Phật pháp? và cũng tự trả lời: là những người thắp ngọn đèn vô thường, vô ngã và khổ mà bước đi trong cõi thế tục, còn nhiều vũng tối này. Há chư Phật đã từng chưa dạy thế sao?

Những dòng cuối bài viết tôi xin được sám hối cùng thầy, chú tiểu “không tên” năm xưa, rằng cái thằng tôi đã ăn gian, bắt thầy cõng, mà thầy vẫn cười, tiếng cười trong veo!

TP.HCM 24-4-2008

Nguyễn Trí Cảm