●   Bản rời    

Hoa hồng ngày Vu lan (Nguyễn Trí Cảm)

Hoa hồng ngày Vu lan

Nguyễn Trí Cảm

http://sachhiem.net/TONGIAO/NGTRCAM/NguyenTriCam12.php

24 tháng 8, 2009

 

Hoa thường được con người dùng làm biểu tượng để gửi gắm tình cảm của mình dành cho người được tặng. Ý nghĩa của mỗi loài hoa, mỗi sắc hoa đều mang ý nghĩa khác nhau tùy theo người trao và kẻ nhận.

Riêng hoa hồng còn được tôn vinh thành một lễ hội hoa gọi là Lễ hội Hoa hồng hàng năm vào đầu năm mới ở một số quốc gia. Trong lễ hội hoa hồng, người ta kết hoa thành những “thuyền hoa” để diễu hành trên đường phố. Hoa hồng là biểu tượng của tình yêu, được sử dụng tương đối phổ biến nhất trong các ngày lễ như là ngày lễ tình nhân Valentine (14-2), ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Đại lễ Vu lan (15-7 a.l) và ngày Nhà giáo (20-11) ở Việt Nam. Trong những ngày này hoa hồng tươi, hoa giấy, hoa vải và nhiều lẳng hoa tươi đỏ thắm tràn ngập phố phường, nhưng đối tượng được tặng hoa chủ yếu thường là những người phụ nữ, trừ ngày lễ Vu lan. Trong các ngày lễ trên có hai ngày lễ có nguồn gốc tôn giáo là ngày lễ tình nhân Valentine và Đại lễ Vu lan.

Ngày lễ tình nhân Valentine và lễ hội hóa trang Halloween cùng có nguồn gốc Thiên chúa giáo du nhập và phổ biến ở Việt Nam sau những năm tháng cơm độn khoai, sắn của những năm 80-90 qua đi, khi Việt Nam mở cửa hòa nhập vào cộng đồng thế giới, và lối sống tiêu thụ bắt đầu len lõi vào từng ngõ ngách của cuộc sống sau thời kỳ chiến tranh dài ngày và đầy gian khổ qua đi. Trong ngày lễ tình nhân, người ta tặng nhau hoa hồng để biểu lộ tình yêu. Hoa hồng của ngày Vu Lan mang đậm tính nhân văn do thầy Nhất Hạnh du nhập tập tục này từ Nhật vào Việt Nam năm 1963, tô điểm thêm cho đại lễ Vu Lan có từ khi Phật giáo truyền thừa vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ thứ II.

Ngày tình nhân hay còn gọi là Valentine, tên gọi của một linh mục Công giáo dưới thời Hoàng đế La Mã Claudius II thuộc thế kỷ thứ 3, bị xử án tử hình bằng cách bị kéo lê và ném đá cho đến chết vì dám làm đám cưới cho đôi vợ chồng trong thời chiến tranh, vi phạm lệnh cấm của vị Hoàng đế này, nhưng cũng có truyền thuyết cho rằng ông bị giết vì chối bỏ đạo Thiên chúa. Ông chết ngày 14-2 năm 269 trước công nguyên, và ngày này được chọn làm ngày tình nhân. Trong ngày lễ tình nhân người ta tặng cho người yêu hoa hồng và sô-cô-la.

Đại lễ Vu lan là lễ hội báo hiếu, báo ân cho cha mẹ hiện thời cũng như cha mẹ đã quá vãng. Trước đây lễ hội này mang tính cách riêng của Phật giáo nhưng nay đã được xã hội hóa thành một nét văn hóa truyền thống dân tộc. Theo truyền thuyết, Thánh tăng Mục Kiều Liên nhờ có thần thông nên biết mẹ mình đọa kiếp ngạ quỷ hay còn gọi là quỷ đói, nhưng cũng không thể cứu mẹ mình được. Ai tạo nên tội, người đó sẽ gánh chịu hậu quả của tội lỗi do mình gây ra theo luật nhân quả, không có chuyện một người ăn một “trái táo” mà toàn thể con cháu của họ đời đời phải chịu tội “tổ tông” như một lời nguyền độc ác và bất công. Ngài Kiều Liên tìm cách cứu mẹ. Đức Phật từ bi chỉ cách nhờ hợp lực cầu nguyện của chư tăng . Lời cầu nguyện chân thành tác động đến tâm thức của bà Thanh Đề - mẹ của Mục Kiều Liên – tâm ác của bà chuyển thành tâm thiện do ăn năn, sám hối và nghiệp dữ được giãi trừ - như nhà Phật dạy “tội tùy tâm sanh, tội tùng tâm diệt”. Cầu nguyện là tạo duyên lành chứ không thể giãi trừ được nghiệp báo. Trong ngày lễ báo hiếu này người ta cài lên áo nhau những bông hồng.

Hoa hồng được cài lên áo trong ngày lễ Vu lan không phải hoa hồng nào cũng đỏ thắm mà cũng có những đóa hồng trắng hay vàng nhạt trên ngực áo những người đi lễ chùa, họ đã mất mẹ. Hoa hồng được cài lên áo những người đàn ông, những người đàn bà, những cô thiếu nữ, những thanh niên và cả cho những em bé. Hoa hồng của ngày Vu Lan là hoa hồng cho tất cả mọi người vì ai cũng có mẹ. Có những giọt nước mắt của người có hoa cài trên áo, ta không thể biết đó là những giọt nước mắt vui hay buồn, hạnh phúc, hối tiếc hay tủi thân nếu ta không nhìn màu hoa trên áo. Hoa hồng vu lan là đóa hoa không dành riêng cho phụ nữ như các lễ hội khác. Hoa hồng ngày Vu lan là hoa hồng của bình đẳng giới.

Tuy cùng là hoa hồng nhưng Valentine mang nặng tính chất thực dụng Phương tây hơn, một người đàn ông tham lam, không đàng hoàng, có thể tặng nhiều đóa hoa hồng cho nhiều phụ nữ khác nhau với cùng một thông điệp “tình yêu”. Trong khi đó hoa hồng của Vu lan, dù trắng hay đỏ vẫn mang một thông điệp duy nhất: báo ân mẹ cha và cầu siêu cho những vong hồn phiêu bạt. Một lễ hội mang tính cách giáo dục về đạo nghĩa làm con cho toàn xã hội trong cùng một thời điểm trong năm mà khó có thể có phong trào nào phát động được một bài học đầy tính chất nhân văn và giàu truyền thống đạo lý Phương đông sâu lắng trong lòng mọi người như vậy.

Ngoài hoa hồng mang biểu tượng tình yêu của Valentine, một loại quà tiêu biểu khác của ngày lễ tình nhân là sô-cô-la, người ta nói rằng món quà này tượng trưng cho sự ngọt ngào của tình yêu, nhưng tại sao lại là sô-cô-la mà không phải một thứ gì ngọt ngào khác ?

Trong các thức uống không cồn cũng như bánh kẹo phổ biến nhất trên thế giới ngày nay là trà, cà phê và sô-cô-la. Trong dân gian, trà là thức uống thanh cao đã trở thành một nghệ thuật “sống chậm”: Trà đạo. Trà giúp tinh thần minh mẫn, một loại dược thảo chữa nhiều loại bệnh, tác dụng nhiều đến não, phần trên của cơ thể tức trí não. Cà phê mang tính phổ thông, nhanh và hiện đại hơn, cũng làm hưng phấn, giúp tiêu hóa, tác động nhiều đến tim mạch là phần giữa của cơ thể, và sô-cô-la hay ca cao tác động nhiều đến thận, phần dưới của cơ thể, kích thích sự ham muốn nhục dục. Hoa hồng và sô-cô-la là món quà đặc trưng của ngày tình nhân Valentine.

Hoa hồng của ngày Vu lan nhắc nhở mọi người sống theo đạo hiếu của phận làm con đối với cha mẹ, Vu lan còn là mùa lễ xá tội vong nhân dành cho người đã khuất, cầu xin để tạo duyên cho những vong linh oan khuất được siêu thoát. Những phẩm vật dành để cúng – một hình thức để nghĩ về những u hồn - là những món quà quê đơn giản: một vài viên kẹo bột, lóng mía, củ khoai, cháo trắng hay gạo và muối, các phẩm vật nay đã thay đổi theo thời đại. Tục đốt vàng mã là một hủ tục lai tạp có nguồn gốc từ Trung Quốc, không có trong nghi thức của đạo Phật, nhất là trong mùa báo ân, báo hiếu có thể gây ra sự hiểu sai lệch về ý nghĩa chân chính của ngày Vu lan, cần phải từng bước loại trừ.

Năm nay đại lễ Vu Lan lại sắp về, lại là một dịp để mọi người tỏ lòng tri ân cha mẹ hiện tiền hay cha mẹ đã quá vãng, một dịp để tri ân những người đã nằm xuống vì nền độc lập của đất nước, một dịp để thể hiện lòng từ đối với những vong linh cô quả qua hình thức cúng cô hồn, một dịp để nuôi dưỡng lòng từ bi đến muôn loài và cũng là một thời điểm nhớ đến một mẹ chung của dân tộc đó là Mẹ Âu Cơ chứ không phải một bà mẹ mang quốc tịch Do Thái nào khác, và cũng mong năm nay các cửa hàng bán hoa bán được thật nhiều hoa, thiệp hoa đỏ. Vẫn biết sinh tử là lẽ thường tình nhưng nhiều hoa hồng đỏ thì vẫn hơn. Không còn mẹ buồn lắm, nhất là đối với lũ trẻ mồ côi, chúng lấy đâu ra người để “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”!

SG, Mùa Vu lan 2009

Nguyễn Trí Cảm