●   Bản rời    

Vấn Đề Chứng Minh Thượng Đế (Trần Tiên Long)

Vấn Đề Chứng Minh Thượng Đế

Trần Tiên Long

http://sachhiem.net/TTL/TranTL05.php

21 tháng 2, 2011

 

Có một nguyên tắc rất phổ biến rằng, không ai có thể chứng minh được một điều phủ định. Chẳng hạn, việc chứng minh Thượng Đế không hiện hữu là một việc làm vô phương. Bởi vì chúng ta đang ở trong một hành tinh rất bé nhỏ và có giới hạn trong vũ trụ vô biên, nên không thể nào chúng ta có thể kiểm chứng được toàn cõi vũ trụ này để có thể kết luận được rằng Thượng Đế không hiện hữu.

Thực ra, chính nguyên tắc này tự nó lại mâu thuẩn với chính nó. Khi khẳng định “không ai có thể chứng minh một phủ định” thì lại chính nó đang là một chứng minh phủ định nhưng chưa hề có kiểm chứng. Có nghĩa là không ai có thể chứng minh được nguyên tắc này hiển nhiên đúng; do đó, người ta có đủ lý do để tin tưởng rằng việc chứng minh một phủ định không phải là điều vô phương.

Có rất nhiều thứ mà người ta cần phải tưởng tượng ra sự hiện hữu của chúng như là những hữu thể có thật để giải thích những hiện tượng dị thường trong vũ trụ. Nhưng với thời gian và những khám phá mới, người ta loại bỏ dần những hữu thể đó và không bao giờ còn phải sử dụng đến chúng trong những giải thích khác.

Thực vậy, thí dụ, khoa học đã chứng minh cho chúng ta biết những hữu thể tưởng tượng như “phlogiston”, “ether”, và hành tinh “Vulcan” không bao giờ hiện hữu như những thực thể. Đã có một thời gian dài người ta phải đưa vào các định đề khoa học những hữu thể tưởng tượng như “phlogiston” để giải thích hơi nóng, “ether” để giải thích sự di chuyển của ánh sáng trong chân không, và hành tinh “Vulcan” để giải thích những xáo trộn trong quỉ đạo của hành tinh Mercury. Ngày nay, những thứ đó không còn cần thiết nữa để giải thích bất cứ một hiện tượng nào trong vũ trụ. Chúng đã lần lượt đi vào quên lãng vì không phải là những thực thể có thực.

Cũng vậy, Thượng Đế là một ý niệm tưởng tượng được đưa ra để giải thích những gì mà con người chưa biết tường tận. Người ta đã dùng ý niệm này để khỏa lấp mọi khoảng trống của kiến thức con người. Ngày xưa, người ta mang Thượng Đế để giải thích mưa bão, động đất, núi lửa, sóng thần, v/v… Và ngày nay, không ai còn phải mang Thượng Đế để giải thích những hiện tượng như vậy. Những khẳng định của khoa học thực nghiệm không bao giờ mang một ý nghĩa tuyệt đối như trong luận lý học thuần lý, nhưng thường là rất khả tín, nằm bên ngoài sự nghi nghờ có lý lẽ (beyond reasonable doubt). Nếu chúng ta đòi hỏi tính tuyệt đối trong những khẳng định của khoa học thực nghiệm thì chúng ta không thể tin được bất cứ điều gì của khoa học.

Chẳng có nhà vô thần nào bỏ công đi tìm bằng chứng cố gắng chứng minh một phủ định về Thượng Đế, bởi vì họ đều biết rõ ràng về nguyên tắc ai là người phải trưng bằng chứng (burden of proof). Nguyên tắc này sẽ dẫn đến một kết luận ngụy biện, sai lầm khi đặt trách nhiệm trưng bằng chứng không đúng bên.

Để dễ hiểu hơn, chúng ta chỉ cần đưa ra một nguyên tắc căn bản trong luật học, rằng một người được xem là vô tội cho tới khi được chứng minh là có tội. Vậy trách nhiệm chứng minh nằm ở luật sư công tố, không phải nơi bị can. Nếu luật sư công tố không chứng minh được bị can phạm tội thì bị can không cần phải chứng minh rằng mình không có tội mà vẫn vô tội. Trong một cuộc tranh luận, bên có trách nhiệm trưng bằng chứng là bên tuyên bố một vật gì hiện hữu, chẳng hạn như có Thượng Đế, có ma quỉ, có người hành tinh, có ông già Noel, hoặc có những quyền lực siêu nhiên. Nếu người hữu thần không thể chứng minh có Thượng Đế bằng những bằng chứng hẳn hoi thì phải kết luận là không có Thượng Đế, thế là xong; người vô thần không cần phải chứng minh một điều gì khác. Khi người hữu thần đòi hỏi người vô thần phải trưng bằng chứng chứng minh không có Thượng Đế là họ đang sử dụng ngụy biện “burden of proof” để hòng đi đến kết luận là có một Thượng Đế hiện hữu; dĩ nhiên nếu người vô thần không chứng minh được, vì họ dư biết rằng sẽ là rất khó chứng minh hơn cho một phủ định. Lối lý luận như vậy rõ ràng đã đi đến một kết luận sai lầm, ngụy biện vì đã đặt trách nhiệm trưng bằng chứng không đúng bên.

Điều các nhà khoa học muốn chứng minh là không cần phải mang Thượng Đế ra để giải thích bất cứ hiện tượng nào trong vũ trụ như các nhà hữu thần đang làm, và đó chính là công việc của các nhà khoa học. Mang Thượng Đế ra để giải thích chỉ đơn giản là cái cớ để từ chối giải thích, vì phải xây dựng thêm một giả định mới, phức tạp và còn khó giải thích hơn điều đang cố gắng giải thích. Đó là lối giải thích thụt lùi, làm điều muốn giải thích rắc rối và tối tăm thêm.

Những giải thích của các nhà khoa học dựa trên những quan sát và các dữ kiện thâu thập được luôn luôn là những giải thích khả tín hơn cả. Loại trừ Thượng Đế để cố gắng đi tìm những nguyên nhân tự nhiên thì cũng giống như việc các nhà khoa học đã từng làm để loại trừ “phlogiston” trong việc giải thích hơi nóng, “ether” trong việc giải thích sự di chuyển của ánh sáng trong chân không, và hành tinh Vulcan trong việc giải thích những xáo trộn trong quỉ đạo của hành tinh Mercury. Những hữu thể tưởng tượng đó đương nhiên đều là những thứ phi vật chất, cũng hoàn toàn giống như ý niệm Thượng Đế, vì chúng không phải là những thực thể có thực.

Khi tôi đưa bài dịch “Hai Lối Chứng Minh Không Có Thượng Đế” của Quentin Smith vào các diễn đàn thì đã có một số ý kiến cho rằng: “Đối tượng của khoa học là vật chất, mà vật chất là những gì có thể cân đo đong đếm. Thượng Đế đâu có phải là vật chất. Khi được hỏi có Thượng Đế hay không thì nhà khoa học chân chính sẽ trả lời. Tôi không thể trả lời được vì Thượng Đế không phải là đối tượng nghiên cứu của tôi. Ngài là phi vật chất. Người ta không thể chứng minh có TĐ hay không, mà chỉ là cảm nhận” (van hanh phung). Đó cũng là ý kiến chung của nhiều đọc giả, kể cả những quí vị có học vị cao như tiến sĩ, giáo sư, kỹ sư, hay bác sĩ.

Có lẽ cái tựa của bài viết đã làm nhiều người hiểu lầm nếu không đọc kỹ toàn bài. Rõ ràng ở phần kết luận, Smith đã viết:

“Để kết luận, tôi xin khẳng định rằng, thứ nhất khoa học hiện nay không chấp nhận có Thượng Đế hiện hữu. Và thứ hai, lý luận thông thường mà chúng ta sử dụng hằng ngày khi áp dụng vào mọi sự dữ chúng ta trông thấy cũng tự nó không chấp nhận có Thượng Đế. Do đó, tôi nghĩ quan điểm hữu thần rất là vô lý, còn quan điểm vô thần thì hữu lý hơn.”

Và hơn nữa, ngay khi mới vào đề, Smith cũng đã thẳng thừng tuyên bố rõ ràng rằng ông muốn phản bác những lập luận của những nhà hữu thần có kiến thức khoa học đã từng sử dụng thuyết Big Bang để cố chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế. Điều còn rõ ràng hơn nữa là tất cả các luận chứng của các nhà hữu thần trong suốt tiến trình lịch sử đã thất bại trong việc chứng minh có Thượng Đế. Thuyết Big Bang là cái phao cuối cùng để cho những nhà hữu thần bám víu, bởi vì thuyết này đã bị khựng lại ở một điểm dị thường (singularity), ở đó tất cả mọi sự đều biến mất, và người ta đã đi đến kết luận rằng đó là cái điểm bắt đầu của vũ trụ phải cần có một tác nhân kích hoạt làm vũ trụ khởi động. Chính đó là Thượng Đế toàn năng đã hiện hữu trước khi vũ trụ được thành hình. Như vậy, thuyết này hoàn toàn đối nghịch với câu chuyện tạo dựng trong kinh Sáng Thế Ký, nhưng ít ra cũng còn vớt vát ở điều cần thiết phải có một đấng Sáng Tạo như là nguyên nhân đầu tiên.

Smith dùng hàm số sóng của các nhà khoa học hiện đại để phản biện lại lối lập luận như vậy, vì hàm số này cho xác quyết có một xác suất 95% vũ trụ có thể tự tạo, không cần phải có một ai đó khởi động lúc ban đầu. Mãi gần 15 năm sau, khi xuất bản cuốn Sự Thiết Kế Lớn / The Grand Design, tác giả Stephen W Hawking mới xác nhận quan điểm của Smith nhờ những dữ kiện ông thu thập được khi quan sát. Như vậy, ở điểm này, triết học đã đi trước khoa học. Khoa học chỉ làm công việc kiểm chứng những suy tư của triết học.

Khoa học nào cũng vậy. Ban đầu chỉ là giả thuyết. Nếu những dữ kiện thu thập trái nghịch với giả thuyết thì người ta sẽ điều chỉnh giả thuyết sao cho phù hợp, hoặc có khi phải từ bỏ vĩnh viễn giả thuyết đó. Khoa học không thể đi nghịch với các dữ kiện thâu thập. Cũng như thuyết tiến hóa, ban đầu nó chỉ là một giả thuyết, nhưng càng ngày càng nhiều khám phá mới của các ngành khoa học khác nhau đã xác nhận giả thuyết này. Ngày nay, tiến hóa đã trở thành sự kiện, và người ta đã có thể chứng minh được ở lĩnh vực vi mô. Có bàn cãi về tiến hóa thì chỉ là bàn cãi về cơ chế tiến hóa như thế nào. Và thuyết tiến hóa đã hoàn toàn thay thế thuyết sáng tạo ở trong các bộ môn khoa học. Chính giáo hoàng John Paul II cũng đã công khai công nhận thuyết tiến hóa, cho dù Vatican đã chi phí rất nhiều tiền bạc và công sức để cố gắng phản bác thuyết khoa học này hơn 100 năm qua.

Như vậy, thuyết Big Bang là một giả thuyết khoa học được các nhà hữu thần, không phải các nhà vô thần, sử dụng trong suốt mấy thập niên qua để cố gắng chứng minh sự cần thiết phải có một Thượng Đế. Chúng ta dèm pha thuyết này, phỉ báng và mạ lị các nhà khoa học, thực ra là chúng ta đang mạ lị và phỉ báng những nhà hữu thần mà chúng ta đang cố gắng bênh vực. Quentin Smith và Stephen W Hawking dùng hàm số sóng chỉ để chứng minh cho chúng ta biết một điều, rằng việc các nhà hữu thần mang thuyết Big Bang ra để gán cho Thượng Đế như là nguyên nhân đầu tiên khởi động vũ trụ đã trở thành thừa thãi, không còn cần thiết nữa. Vũ trụ có thể tự sinh. Đó là một khám phá mới của khoa học để trả lời cho câu hỏi từ ngàn xưa: vũ trụ đến từ đâu?

Khi các nhà khoa học dùng vũ trụ học để bàn về Thượng Đế, chính là họ chỉ muốn bàn về Thượng Đế của các nhà khoa học như là nguyên nhân khởi đầu của vũ trụ, không phải là Thượng Đế hữu ngã, có nhân tính của Thiên Chúa giáo. Thượng Đế của Thiên Chúa giáo được gọi là Thiên Chúa và là một hữu thể toàn năng, toàn thiện, toàn trí, công bình vô cùng, hay thương xót, và thường can thiệp vào công việc của loài người. Chỉ cần đơn giản dùng lý luận thuần lý của Parmenides, một triết gia cổ Hy lạp, cũng đủ đánh đổ ý niệm Thiên Chúa, bởi vì không thể có sự hiện hữu của bất cứ thứ gì có những thuộc tính mâu thuẩn loại trừ nhau. Epicurus lý luận như sau từ mấy ngàn năm trước:

● Có phải Thiên Chúa muốn ngăn ngừa sự dữ nhưng lại không thể? Vậy thì Ngài không phải toàn năng.

● Có phải Ngài có thể ngăn ngừa sự dữ nhưng lại không muốn? Vậy thì Ngài độc ác.

● Có phải Ngài có thể và cũng muốn ngăn ngừa sự dữ? Vậy tại sao lại có sự dữ?

● Phải chăng Ngài không có thể và cũng không muốn ngăn ngừa sự dữ? Vậy thì tại sao lại gọi Ngài là Thiên Chúa?

Quentin Smith, một triết gia, cũng đã dùng lối lý luận thuần lý này, điều mà ông gọi là lối lý luận trong đời sống hằng ngày, để loại trừ ý niệm Thượng Đế của Thiên Chúa giáo khi ông bàn về vô vàn sự dữ.

Tóm lại, khoa vũ trụ học, một bộ môn thuộc khoa học thực nghiệm, chỉ có thể đi đến kết luận rằng không cần phải mang Thượng Đế để gán cho một nguyên nhân đầu tiên làm vũ trụ khởi động. Thượng Đế ngày nay đã trở thành thứ thừa thãi trong tất cả mọi giải thích của khoa vũ trụ học. Mọi hiện tượng trong trời đất đều có những nguyên nhân tự nhiên. Vai trò của Thượng Đế cũng giống như những hữu thể tưởng tượng “phlogiston”, “ether”, và hành tinh “Vulcan” một thời cần thiết để giải thích những gì khi khoa học chưa giải thích được.

Và Thiên Chúa của Thiên Chúa giáo thì tuyệt đối không thể hiện hữu, bởi vì luận lý học không chấp nhận một hữu thể có những thuộc tính mâu thuẩn loại trừ nhau. Ý niệm Thiên Chúa cũng vô lý giống như một hình tròn nhưng lại có những góc cạnh vuông, hay con kỳ lân màu tím nhưng lại vô hình. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa giáo dạy chúng ta cần phải có một đức tin mới có thể tin được những điều vô lý.

Còn việc “cảm nhận Thượng Đế” theo nghĩa thông thường, đại chúng, như ông Trời, Đạo… thì hoàn toàn có tính chủ quan, rất là con người. Giống như khi chúng ta đi trong đêm tối, có người cảm thấy như có ma đang theo dõi mọi cử động của họ, có người lại không cảm nhận được điều đó. Và khi họ nói cho chúng ta biết về ma, mỗi người sẽ nói mỗi cách khác nhau, nhiều khi còn mâu thuẩn với nhau. Tâm lý học về ý thức, vô thức, hay tiềm thức có thể giải thích được những điều này. Ngày nay, có rất nhiều người không còn tìm Thượng Đế trong các giáo điều tôn giáo, nhưng tìm Thượng Đế ở tại con tim hay tại lương tâm của mình. Đó là ý niệm về Thượng Đế nội tại thường có trong những thực hành thiền hay yoga.