Phản Biện Câu Nói Hồ Đồ Của Ông Tiến Sĩ ĐH Harvard
FB Thi Nguyên
http://sachhiem.net/TONGIAO/FB/FBThiNguyen03.php
18-May-2019
Mặc dù đang tận hưởng mùa Phật đản và chỉ muốn viết về những điều tích cực nhưng tôi không thể làm ngơ với stt tiêu cực này. Nếu để lạc trôi, tôi sẽ cảm thấy có tội với chư Phật, chư tổ và những anh hùng giữ nước, mở nước nên phải dùng tài hèn sức mọn để viết vài dòng phản biện này vậy.
Nếu như đây chỉ là một phát ngôn của một bạn chien hay một người bình thường không đứng trên bục giảng thì tôi không chấp. Đằng này anh Du là một trí thức có ăn có học và được đào tạo tại một trường danh giá của Hoa Kỳ và có tầm ảnh hưởng nhất định trong sinh viên và giới trí thức thì đây lại là một vấn đề lớn cần quan tâm.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, cựu học viên Fulbright theo học Kinh tế tại ĐH Harvard, hiện là giảng viên đại học đã viết stt đúng vào dịp Đại lễ Phật đản LHQ Vesak nguyên văn như sau:
“Đọc lịch sử Ấn Độ thấy Phật giáo là một nguyên nhân/TỘI ĐỒ đẩy quốc gia này vào ĐÊM DÀI TRUNG CỔ với hàng triệu người bị giết buồn quá. Mục tiêu của các tôn giáo là hướng thiện, cao đẹp, nhưng những gì xảy ra trên thực tế thật khủng khiếp". (FB Huỳnh Thế Du)
TS Du kết tội cho Phật giáo LÀ NGUYÊN NHÂN, LÀ TỘI ĐỒ dẫn đến cái chết hàng triệu người.
Sau đó, để biện giải cho dòng trạng thái của mình khi bị ném đá, anh Du nói thêm:
“Tư tưởng bi quan coi kiếp người là cõi tạm, giải thoát đã làm nhiều người không màng đến thế sự, bỏ mặc đất nước đã để bên ngoài vào xâm lăng, tàn sát rất nhiều người vô tội. Không trực tiếp chiến tranh tôn giáo là do giáo lý của phật giáo, nhưng vì GIÁO LÝ ĐÓ LÀM MẤT SỨC KHÁNG CỰ CỦA MỘT DÂN TỘC VÀ CHỊU CẢNH LẦM THAN NHIỀU THẾ KỶ với bao mạng người bị mất thì nên đánh giá thế nào? TỪ BI HỈ XẢ LÀ CÁI CHI CHI!”
PHẢN BIỆN
Đây có phải là nhận định chung của giới trí thức Việt nam dành cho phật giáo? Nếu điều này là sự thật thì tôi rất đau lòng. Đau lòng vì dân ta mà không biết sử ta, đau lòng vì mang danh trí thức, gánh trên vai sứ mạng giáo dục đào tạo thế hệ trẻ nhưng kiến thức về tôn giáo, về lịch sử lại rất ấu trĩ. Đau lòng vì cách đánh giá quá hời hợt của một vị khoa bảng thể hiện mức độ “ngông” và phản khoa học khi nhận định một vấn đề hệ trọng.
Có phải giáo lý của đạo phật làm mất sức kháng cự của một dân tộc và dẫn đến mất nước, nô lệ? TÔI SẼ DÙNG LỊCH SỬ VIỆT NAM ĐỂ CHỨNG MINH ĐIỀU NGƯỢC LẠI. Khi Phật giáo là quốc giáo, Việt nam là quốc gia hùng mạnh chống ngoại xâm và có lãnh thổ được mở rộng nhiều nhất.
Theo Ts Du thì câu nói của chúa Giêsu “Ai đánh vào má bên trái hãy đưa má bên phải cho người ta đánh” chắc chắn là nguyên nhân làm những quốc gia Công giáo ở Đông Âu mất vào tay đế quốc Nguyên Mông vào thế kỷ 13.
Việc kết tội nạn nhân thay vì kết tội kẻ thủ ác, kẻ làm ác, kẻ xâm lược là một hành động vô lương tâm và vô trí của một trí thức. Phật giáo ở Ấn độ bị Hồi giáo tấn công tiêu diệt không có nghĩa là vì giáo lý Vô Thường, Vô Ngã, Xuất thế của đức Phật là thủ phạm. Phật giáo bị tiêu diệt ở Ấn độ là do giáo lý ác ôn bất khoan dung tôn giáo của Hồi giáo khi xâm lược Ấn độ. Giáo lý này có cùng nguồn gốc với Công giáo La mã do dùng chung Kinh Thánh Cựu ước thờ cùng một vị chúa tàn ác ưa gây chiến tranh. Ngoài ra, theo lý nhân quả, cộng nghiệp xấu ác của dân Ấn độ trong nhiều kiếp nay gặp nhân duyên xấu nên phải chịu như vậy. Thời Phật tại thế, Đức Phật đã 3 lần ngăn cản vua A Xà Thế tấn công và sát hại dòng tộc Thích ca của ngài nhưng không được vì cộng nghiệp của dòng tộc của ngài không ai có thể cứu được. Tuy nhiên cái cộng nghiệp xấu ác này phải đủ duyên mới biến thành quả và diễn ra. Việc tu tập để giúp chuyển nghiệp cộng với dùng tuệ giác Phật giáo để tự cường, để làm mình mạnh lên thì mới ngăn được duyên xấu chạm đến.
Ts Du đề cập đến Đêm trường Trung Cổ không biết là do dốt sử hay cố ý xuyên tạc sự thật. Đêm Trường Trung Cổ là thuật ngữ dùng để chỉ thời kỳ đen tối của Châu Âu, có thể tính từ thế kỷ thứ 4 đến cuối thế kỷ 14. Đó là thời đại hỗn loạn, giết chóc, đốt phá, cướp bóc, cưỡng đoạt, thời đại mà thế giới dường như sụp đổ. Trong suốt một nghìn năm thời Trung cổ, toàn bộ châu Âu như bị bao trùm bởi một bóng đen kìm hãm sự phát triển về nhiều mặt do Công giáo La mã gậy ra với Thập tự chinh, tòa án dị giáo, sự giáo điều, áp đặt giết chết khoa học làm cho xã hội chìm vào bóng đêm. Nhiều nhà khoa học như Bruno bị giáo hội đưa lên giàn hoả thiêu vì những phát hiện khoa học đi ngược lại Kinh thánh. Mãi đến cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 Châu Âu mới bước vào thời kỳ phục hưng.
Anh Du nghiên cứu phật giáo không đến nơi đến chốn, chỉ biết khía cạnh Từ Bi và xuất thế của phật giáo (vô ngã, vô thường, tính không) mà quên mất tính Trí tuệ của phật giáo. Tuệ giác của phật rất cao vời. Đức phật từng dạy “DUY TUỆ THỊ NGHIỆP” tức là lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Cách anh Du nghĩ về phật giáo là tôn giáo thụ động, bi quan là sai lầm là đã bỏ mất phần tuệ giác. Đức phật dạy tứ niệm xứ: Khổ, Tập Diệt, Đạo là con đường để diệt khổ hướng tới cuộc sống an vui, xây dựng thế giới cực lạc ở nhân gian chứ không phải là con đường bi quan yếm thế như anh nghĩ.
Đạo phật dựa trên 2 nền tảng chính đó là Từ bi và Trí Tuệ. Đây là 2 mặt đan xen nhau không thể tách rời. Nếu thiếu một trong hai thì sẽ không thành đạo Phật. TỪ BI tức là “THƯƠNG”, TRÍ TUỆ tức là “HIỂU”. Muốn thương thì phải hiểu, không hiều thì khó thương. Từ bi mà thiếu Trí tuệ thì sẽ đưa con người đến đến sự ngu muội trở thành nạn nhân. Trí tuệ mà thiếu từ bi thì dễ dẫn đến tội ác và đi ngược lại nền đạo đức nhân loại.
Chính nhờ vào vận dụng 2 nền tảng TỪ BI VÀ TRÍ TUỆ này của Phật giáo, cha ông ta đã đạt được những thành công rực rỡ vào thời giữ nước và mở nước. Lich sử đã chứng minh, khi nào Việt nam lấy phật giáo làm quốc giáo, khi đó Việt nam trở thành quốc gia hùng mạnh với những thành tựu chống ngoại xâm, văn hóa, xã hội rực rỡ đáng được ghi nhận.
Từ 20 thế kỷ trước, Luy Lâu (Hà Bắc) là trung tâm Phật giáo ra đời sớm, kỳ cựu nhất tại Ðông Á, là Trung tâm Phật giáo đã chinh phục Trung Hoa bằng Phật pháp. Ngài Khương Tăng Hội (xem tác phẩm Khương Tăng Hội Toàn Tập, Lê Mạnh Thát, 1975.) đã mở đầu cho sự bẻ gãy gông cùm Bắc thuộc. Sau đó là ngài Mâu Tử, tác giả Lý Hoặc Luận, là tác phẩm tôn giáo đối chiếu bằng chữ Hán đầu tiên trên thế giới, người đã phê bình từ cuối thế kỷ thứ hai: "Trung Hoa không phải là trung tâm của thế giới" (Xem thêm tác phẩm Nghiên Cứu Về Mâu Tử, Lê Mạnh Thát, 1982.).
Chính Trung tâm Phật giáo Luy Lâu ở Hà Bắc, nơi dầy đặc các ngôi chùa Phật giáo cổ kính, đây cũng là thủ phủ của nước Việt Nam Lĩnh Nam rộng lớn nói chung, và của xứ Giao Châu nói riêng, đã cho ta hầu như tất cả bởi vì Việt Nam sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Hai Bà Trưng (năm 43) hầu như đã bị diệt chủng về văn hóa: Mã Viện tàn sát hàng chục ngàn người, lưu đày 300 lãnh tụ người Việt đến Linh Lăng, Hà Nam, Trung Hoa; thâu tóm và phá hủy hết đỉnh cao và biểu tượng kì vĩ của văn hóa Việt Cổ, những chiếc trống đồng tinh xảo. Ðất nước chưa có chữ viết, chưa có sách vở hay bia đá để ghi lại bất cứ cái gì. Nền văn hóa, học thuật chỉ thuần túy truyền khẩu. Dân số quá ít và văn hóa, văn minh, tư tưởng, học thuật cũng như tôn giáo, tín ngưỡng còn quá đơn sơ làm sao đương đầu nổi với đế quốc Trung Hoa hùng mạnh, đông đảo được trang bị bằng một nền văn hóa lâu đời và sáng chói. Tình thế thật là tuyệt vọng, như trứng chọi đá, không cách gì cứu vãn. Sự diệt chủng hay ít nhất là sự đồng hóa là điều hầu như không tránh được. Nhưng chính trong hoàn cảnh đen tối, bi thảm đó mà Phật giáo, từ Ấn Ðộ, bằng đường biển, đã tràn tới, nhẹ nhàng như bước chân của chim bồ câu và làm thay đổi cả cục diện chính trị, cả sinh mệnh văn hóa, của Việt Nam bị nô lệ, khinh khi, chà đạp...
Chính Phật giáo, ngay từ cuối thế kỷ thứ hai, đã cảm hóa Sĩ Nhiếp, một người tinh thông Nho học và một đệ tử của Lão giáo, trở thành "nhà cai trị Phật giáo" (Buddhist ruler) đầu tiên của Việt Nam (theo tác phẩm The Birth of Vietnam, Keith Weller Taylor, 1983.). Từ Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, ta có một thủ đô Phật giáo Luy Lâu và một vương quốc Phật giáo độc lập, đó là Việt Nam trong thời Sĩ Nhiếp, tuy trên danh nghĩa thuộc Ðông Ngô nhưng trong thực chất là một xứ độc lập, tự chủ. Từ nền tảng hùng hậu này, từ gốc rễ bền vững này, mà trong đêm dài hung hãn của hơn một ngàn năm Bắc thuộc, ta có Lý Nam đế dựng nước Vạn Xuân và dựng chùa Khai Quốc trong thế kỷ thứ sáu. Có những anh hùng Ngô Quyền, Lê Ðại Hành trong cuối thế kỷ 10, và thời đại Lý Trần với thủ đô Thăng Long từ đầu thế kỷ 11 (1009) đến cuối thế kỷ 14. (Xem thêm tác phẩm Phật Giáo và Quốc Ðạo Việt Nam).
Đến thời Lý Trần, khi Phật giáo là quốc giáo với hơn một nữa dân số là tăng ni "Thiên hạ Lý Trần bán vi tăng" chúng ta mới có những trang sử giữ nước và mở nước chói lọi.
Vị vua phật tử Lý Công Uẩn là một chú tiểu chùa làng Ðình Bảng, dưới sự dạy dỗ của đại sư Vạn Hạnh, đã trở thành một pháp khí của thời đại, đưa Việt Nam thành cọp, thành rồng từ 10 thế kỷ trước. Ðại tướng Lý Thường Kiệt (tức Ngô Tuấn) là một phật tử thuần thành (văn bia chùa Linh Xứng năm 1126 có khắc rõ "Tuy thân vương việc đời mà lòng vẫn hướng về đạo Phật" theo Lịch sử Phật Giáo Việt Nam) đã từng “Phạt Tống Bình Chiêm” để bảo vệ non sông. Khi vua Chiêm Thành là Chế Củ phản lại triều đình và cấu kết với nhà Tống, nhà Lý đã mang quân thảo phạt. Kết quả là vua Chế Củ bị bắt và đã phải ngậm ngùi dâng ba châu (tương ứng với Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế ngày nay) mới được tha về nước. Sau đó Nhà Tống nghe lời xúi của Vương An Thạch âm mưu xâm chiếm Đại Việt thì Lý Thường Kiệt lại chủ trương “Ngồi yên đợi giặc sao bằng sang đánh phủ đầu, dằn mặt nó”. Thế là một cuộc tấn công quy mô sang đất Tống được lên kế hoạch chưa từng có trong lịch sử. Trong 5 tháng ngắn ngủi đạo quân của Đại Việt đã thọc sâu vào đất Tống đánh phá 3 châu Khâm, Ung, Liêm nước Tống (1075–1076) để cảnh cáo, rồi sau đó đánh bại cuộc xâm lược Đại Việt của quân Tống do Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy.
Đến đời nhà Trần, các vị vua Trần đều là những phật tử thuần thành và uyên thâm phật pháp. Vua đầu triều là Trần Thái Tông (Trần Cảnh) từng bỏ ngai vàng lên Yên Tử xuất gia và là tác giả của Thiền Tông Chỉ Nam (viết khoảng năm 1256 – 1258). Ông là vị vua lãnh đạo đánh tan cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông lần thứ nhất, đội quân đã đánh thắng Trung Quốc, Nga và một phần châu Âu . Ông cũng là vị vua đầu tiên tu hành theo lời Phật dạy, lấy từ bi làm tông chỉ trị quốc, đem Phật pháp giáo hoá cho dân chúng thực hành theo, là bậc đại sĩ giác ngộ, uyên thâm Phật pháp. Đời sau coi ông xứng đáng là Đại sư tông Tịnh độ bởi vì tất cả những yếu chỉ cốt lõi của pháp môn niệm Phật đều không ra ngoài pháp ngữ của ông trong Niệm Phật luận: “Niệm Phật có thể dập tắt ba nghiệp là cớ sao? Lúc niệm Phật thân ngồi ngay thẳng, không làm việc tà, như vậy là tắt được nghiệp của thân. Miệng tụng lời chân chính (niệm hồng danh Phật), không nói điều xằng bậy, thế là tắt được nghiệp miệng. Ý chăm chú ở sự tinh tiến, không nảy sinh ý nghĩ tà, là tắt được nghiệp của ý”. Ngoài ra, ông đã có nhiều tác phẩm khác như Kim Cương Tam Muội Kinh Tự, Lục Thì Sám Hối Khoa Nghi, Thiền Tông Chỉ Nam Ca, Thiền Tông Chỉ Nam Tự, Niệm Tụng Kệ và Khóa Hư Lục.
Vị vua kế tiếp là Trần Thánh Tông (1240-1290) có bản chất hiền tài, vẻ toát ra ngoài sáng ngời, mang sẵn những điều khác thừơng, xử sự dứt khoát, vừa xem rộng mọi sách vở, lại rất tinh thông nội điển. Vua ở ngôi hai mươi năm, rồi nhường ngôi cho Trần Nhân Tông. Sau đó xuất gia ở chùa Tư Phúc, thờ Quốc sư Đại Đăng làm thầy. Khi Ngài truyền ngôi cho Nhân Tông lên làm Thái Thượng Hoàng, thì giặc Nguyên cất quân sang đánh hai lần. Sau khi đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, thì vua Nhân Tông họp quần thần để thưởng người có công phạt người có tội. Khi ấy quân lính khiên mấy hòm sớ hàng giặc của quan quân ra giữa triều, xin nhà vua mở ra để xử tội. Bấy giờ Ngài cũng có mặt trong buổi đại triều đó, Ngài ra lịnh cho vua Nhân Tông đem mấy hòm sớ hàng giặc đốt hết. Ngài nói rằng: “ Khi giặc xâm lăng, thấy thế giặc mạnh, quân ta rút lui, những người này nhát họ sợ, nên xin đầu hàng giặc. Bây giờ giặc rút hết rồi, họ có muốn đầu hàng cũng không có ai để họ đầu hàng. Thôi, hãy đốt hết đi, nếu mở ra nêu tên, họ nhục nhã và có tội, chi bằng đốt hết để họ yên lòng sống với mình cho vui vẻ”. Ngài là một ông vua đạo đức thật thâm trầm. Ngài sợ khui ra nêu tên từng người, nếu họ có mặt trong triều thì xấu hổ khó sống được. Thật lòng bao dung độ lượng ít người có được. Đó là điểm đặc biệt chỉ có ở nhà Trần, người làm được việc này là Trần Thánh Tông. Hiệu Ngài là Vô Nhị Thượng Nhân. Vô Nhị là không hai. Vô Nhị Thượng Nhân là bậc Thượng Nhân không hai. Ngài viết tác phẩm Thiền Tông Liễu Ngộ.
Nối ngôi Trần Thánh Tông là phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Ngài là vị vua anh minh lãnh đạo chống ngoại xâm Nguyên Mông lần 2 và 3, một đế quốc đã trải dài từ Đông Âu đến biển Nhật Bản. Khi giặc yên, ngài lên Yên Tử xuất gia lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Đại Việt và làm sơ tổ với hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng. Năm 1306, Huyền Trân công chúa được ngài gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên - Huế đến phía bắc Quảng Trị ngày nay). Hôn sự này giúp Đại Việt có thêm được đất đai lại giúp bờ cõi phương nam đươc yên. Năm 2012, Đại học Harvard đã thành lập Học Viện Trần Nhân Tông và “Giải thưởng hòa giải Trần Nhân Tông” (the Tran Nhan Tong International Prize for Reconciliation and Compassion) để vinh danh ngài.
Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần lập nên nhà Hồ và sau đó bị giặc Minh thôn tính, đất nước lại chìm trong nô lệ. Lê Lợi đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi ngoại xâm trong hơn 20 năm. Năm 1428, Nguyễn Trãi thay lời nhà vua để viết nên Bình Ngô đại cáo đọc trong lễ tuyên bố kết thúc chiến tranh. Điều làm nên giá trị nội dung bất hủ của tác phẩm chính là tư tưởng từ bi và trí tuệ của Phật giáo-Khổng giáo đã được Nguyễn Trãi đúc kết như một chân lí ngay trong hai câu mở đầu.
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Sau đó khi phật giáo suy vi thời nhà Lê, Việt Nam có ngay vua Lợn, vua Quỷ vào cuối thế kỷ và đất nước đi vào tan rã, nội chiến.
Theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoàng Sơn nhất đái vạn đại dung thân”, chúa tiên Nguyễn Hoàng nam tiến vào vùng “Đàng Trong” Thuận Hóa (Bình Trị Thiên) đã dùng Phật giáo như là yếu tố mạnh mẽ để quy tụ, đoàn kết nhân tâm, là nguồn gốc sâu đậm của nền chính trị nhân từ và sáng suốt, là sức bật vạn năng đã đưa những đám người phiêu bạt ít học thành một tập thể có văn hóa, đạo đức rất cao và chuyển hóa mầu nhiệm vùng Bình Trị Thiên nhỏ bé thành một vương quốc hùng mạnh nhất tại Ðông Nam Á. Phật giáo với Việt Nam Ðàng Trong trong buổi đầu dựng nước, đã trở thành một quốc đạo đầy hùng khí cao ngất, một lực lượng tinh thần có khả năng dời non lấp biển. Ðây chính là đặc điểm nổi bật nhất của Phật giáo tại Việt Nam Ðàng Trong, trong thế kỷ 16, 17, cũng như của Phật giáo thời đại Lý Trần trong các thế kỷ 11, 12, 13 và 14. Các vị chúa Nguyễn đều là những phật tử lấy tinh thần "trụ tích trấn vương kỳ" (lấy tinh thần Phật giáo để xây dựng, phát triển quốc gia) để mở nước về phương nam.
Theo các cuốn sử về Phật giáo Việt Nam thì chúa Nguyễn Hoàng là người nhân đức và mộ đạo, xây cất nhiều chùa, mở đường cho các vị chúa và nhân dân sau này tin mộ đạo Phật. Năm Tân Sửu 1601 sau khi chúa vô trấn Thuận Hóa được ba năm, có hôm Chúa đi dạo chơi đến xã Hà Khê, huyện Hương Trà, thấy giữa cánh đồng nổi lên một gò cao, như hình đầu rồng quay lại, phía trước nhìn ra sông Hương, cảnh trí rất đẹp, ông cho xây chùa Thiên Mụ ở nơi đó, và đã thực hiện một lời tiên tri lưu truyền trong dân gian "sẽ có vị chân chúa đến xây chùa, để tụ hội khí thiêng cho bền long mạch". Năm Nhâm Dần 1602 rằm tháng Bảy, chúa đến chùa Thiên Mụ lập đàn chay bố thí và trùng tu chùa Sùng Hóa ở xã Triêm An, huyện Phú Vang. Năm Ðinh Mùi 1607, ông cho lập chùa Bửu Châu tại Trà Kiệu, Quảng Nam, năm Kỷ Dậu 1609 dựng chùa Kính Thiên (tức chùa Hoằng Phước) ở quận Thuận Trạch, Quảng Bình. Sau khi dựng trấn Quảng Nam ở xã Cần Húc, ông lập ngôi chùa phía sau trấn gọi là chùa Long Hưng.
Từ khi chúa Nguyễn Hoàng vô trấn đấy dân được mùa no ấm, an cư lạc nghiệp... Buổi khai nguyên các chúa Nguyễn thì tinh thần Phật giáo đã theo cuộc di dân nhiều đợt định cư trước đó lan rộng rồi. Tiếp nối chúa Tiên Nguyễn Hoàng là chúa Sãi (cũng có nghĩa là chúa Bụt), chúa Hiền, chúa Nghĩa nối tiếp sự nghiệp trị quốc theo Phật pháp và lấy Phật giáo làm quốc đạo. Và đỉnh cao hưng thịnh nhất là thời chúa Nguyễn Phúc Chu là vị"Chúa hâm mộ đạo Phật vào bậc nhất" (theo Lược Khảo Phật giáo Việt Nam).
Chính trong thời vị chúa "hâm mộ đạo Phật vào bậc nhất" này mà Việt Nam Ðàng Trong (Nam Hà) đã đạt đến giai đoạn hưng mạnh, thịnh trị nhất, và từ đó, thành phố Sài Gòn đã được chính thức khai sinh. Tấm lòng hâm mộ Phật pháp của chúa Nguyễn Phúc Chu đã bộc lộ trong tâm sự giải bày cùng thiền sư Thạch Liêm "Ðệ tử từ bé nghe hai chữ Phật pháp đã sanh tâm kính ngưỡng, mới lúc gặp tu sĩ áo lam tức thì hoan hỉ, chẳng biết kiếp trước là ai? Làm phúc nghiệp gì? Mà nay sanh ra làm vua ở đây? Xin tôn sư chỉ điểm cho biết, hầu chẳng quên nghiệp trước, đội đức từ bi vô lượng. Xem thế đủ biết ông là một Phật tử nhiệt thành và chắc hẳn đã tu hành từ nhiều kiếp trước. Ông là đệ tử của đại sư Thạch Liêm, là cư sĩ pháp danh Hưng Long, pháp hiệu Thiên Túng đạo nhân, đệ tử đời 30 phái thiền Tào Ðộng và thọ bồ tát giới tại gia. Chúa đã bảo trợ cho việc tổ chức một giới đàn vĩ đại tại Huế (Thuận Hóa) với hơn 3,000 giới tử, trong đó có trên 1,400 tăng, ni vào năm 1695
Chúa Nguyễn Phúc Chu đã ký giấy khai sinh cho thành phố Sài Gòn khi ông chỉ mới 24 tuổi vào năm 1698 bằng một sắc chỉ sau khi tiến chiếm vùng Prey Kor (Sài Gòn), Kampeap Srekatrey (Biên Hòa), Bà Rịa theo lời cầu cứu của một viên quan Chân Lạp nổi loạn.
Chúa Nguyễn Phúc Chu đã chinh phục vùng đất cuối cùng của Chiêm Thành, vùng đất Phan Rang, Phan Rí, vào năm 1693, kết thúc vĩnh viễn cuộc tranh hùng Chiêm-Việt kéo dài suốt 15 thế kỷ (Chiêm Thành là hậu thân của nước Lâm Ấp, lập quốc vào thế kỷ thứ hai).
Năm 1700, quân Chúa Nguyễn đã chinh phạt Nam Vang và vua Chân Lạp là Nặc Thu đến đầu hàng, nhưng quân của Chúa Nguyễn đã tự ý rút về, không chiếm đóng Chân Lạp. Vào năm 1708, Mặc Cửu, một nhà đại tư bản có tầm cỡ quốc tế, hoạt động hàng hải, buôn bán trên toàn vùng Ðông Á và Ðông Nam Á, lãnh chúa của vùng Hà Tiên, Rạch giá, Cà Mâu, Phú Quốc, đã đem lụa, ngọc đến Thuận Hóa dâng toàn bộ vùng đất này cho Chúa Nguyễn. Ðiều này chứng tỏ vương quốc Phật Giáo Ðàng Trong của vị quân vương Phật tử Nguyễn Phúc Chu là vương quốc hùng cường, hưng thịnh nhất tại bán đảo Hoa-Ấn.
Năm 1710, chúa cho đúc đại hồng chung nặng 3285 ký đặt tại chùa Linh Mụ với lời chú nguyện rất độc đáo, do chính ông viết "Mưa hòa gió thuận, quốc thái dân an, chúng sanh trong pháp giới đều thành đại viên chủng trí".
Và dĩ nhiên không phải là ngẫu nhiên mà Chúa Nguyễn Phúc Chu và các Chúa Nguyễn khác đã nới rộng lãnh thổ Việt Nam tiến cả 1000 cây số về phương Nam, chỉ trong hơn 100 năm ngắn ngủi. Không những thế, cả vùng đất mới này, từ Thuận Quảng đến tận đồng bằng sông Cửu Long, theo nhận xét của một giáo sĩ Ý, Christoforo Borri, thì dân ở đây "sống hòa hợp với nhau, cư xử với nhau rất thẳng thắn, thật thà y như anh em được nuôi sống và khôn lớn lên cùng trong một nhà, mặc dù họ chưa từng thấy và biết nhau bao giờ" (theo sách đã dẫn). Chinh phục một vùng đất mới mênh mông, giáo hóa cho những kẻ giang hồ, phiêu bạt thành những người hiền lương, đạo đức, đây là cả một sự nghiệp lớn mà không phải thời nào cũng có. Chúa Nguyễn do đâu mà đã thành tựu sự nghiệp mở nước dựng văn tuyệt đẹp này nếu không dựa trên tinh thần phật giáo?
Với vài ngàn binh lính dân đinh năm, bảy ngàn người, chúa Nguyễn Hoàng và con cháu của ông đã không bị nghiền nát bởi hàng vạn binh sĩ của chúa Trịnh qua suốt bẩy lần đại tấn công liên tục trong gần nửa thế kỷ, mà trái lại ông và những người lãnh đạo tiếp theo đã ngăn chận được những cuộc tấn công này và đưa Việt Nam tiến những bước thật dài chưa từng có trong lịch sử. Phép lạ của Ðàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn đầu tiên chính là Phật giáo. Chính trên nền tảng của quốc đạo Phật giáo này mà Ðàng Trong đã trở thành một vương quốc hùng mạnh bẻ gãy những cuộc tấn công của Chúa Trịnh ở Ðàng Ngoài (Bắc Hà), Nam tiến chinh phục toàn bộ miền Trung và Nam Bộ, đưa đất nước vươn mình đến tận vịnh Thái Lan và tỏa ảnh hưởng trên toàn bán đảo Hoa-Ấn. Không những thế những chiến thuyền của Chúa Nguyễn đã đánh tan những chiến thuyền Hòa Lan, là đế quốc có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới thời đó. Các nhà truyền giáo ngoại quốc trong giai đoạn này đã hết sức ngạc nhiên và khâm phục trước lực lượng quân sự hùng mạnh cũng như trước mức độ văn hóa, đạo đức rất cao của Việt Nam Ðàng Trong dưới sự lãnh đạo của nhân từ và trí tuệ của các Chúa Nguyễn.
Thế kỷ 18, 19 Việt Nam đã tự đánh mất quốc đạo siêu việt này khi Gia Long Nguyễn Ánh tôn giám mục Bá Đa Lộc làm quốc sư cầu viện Pháp để đánh Tây Sơn nên vận nước suy yếu. Công giáo La mã phát triển ở Việt nam đã tạo ra một bộ phận dân chúng quay lưng lại quê hương và làm cớ cho liên minh Pháp-Vatican xâm lược Việt nam. Với chỉ 180 tên lính, Pháp đã có thể đánh chiếm thành Thăng Long và năm thành quan trọng khác ở miền Bắc như vào chỗ không người, như lấy đồ trong túi. Cái gì đã tạo ra sự khác biệt khủng khiếp này? Trong khi 6 thế kỷ trước, đạo quân thiện chiến nhất thế giới Nguyên Mông đã chinh phục cả Trung Hoa và cả một phần Âu Châu đã ba lần bị đánh bại ngay trên đồng bằng sông Hồng. Cũng nơi này, Việt Nam đã trở thành một nước vô chủ trong thế kỷ 19. Chính chủ đạo văn hóa, chính trị của mỗi thời đại đã quyết định sự thịnh, suy, thành, bại của cả một dân tộc.
Có quốc đạo Phật giáo, ta có thời đại Lý Trần chống ngoại xâm rực rỡ, ta có xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn anh minh gồm Chúa Tiên, Chúa Sãi, Chúa Hiền, chúa Nghĩa và minh vương Nguyễn Phúc Chu (xứng đáng để được gọi là Chúa Phật) mở cõi về phương Nam đến tận Cà Mâu. Mất quốc đạo Việt Nam, Việt Nam có ngay vua Lợn, vua Quỷ vào cuối thế kỷ 16 trong đời nhà Lê, và đất nước đi vào tan rã, nội chiến. Cũng vậy, mất quốc đạo Phật giáo, Sài Gòn đã loạn lạc, suy sụp, tan rã, rối ren tơi bời và phải ngã gục và đầu hàng trong cuối thế kỷ 19.
Nguồn FB Thi Nguyen , 16 tháng 5 lúc 16:48
____________________
NHỮNG BÀI PHẢN BIỆN:
I. Phản biện trên web Người Phật Tử:
Đôi lời với tiến sĩ Huỳnh Thế Du' 14/05/2019
nguoiphattu.com - Căn cứ vào đâu, để Huỳnh Thế Du khẳng định theo lịch sử Ấn Độ, đạo Phật là tội đồ đêm trường trung cổ, bằng một sự so sánh ngầm khập khễnh. Bằng nói:” Làm hằng triệu người chết” thì phải đưa ra chứng cứ hẳn hoi. Chẳng thể luận tội một tôn giáo lớn như Phật giáo bằng một câu nói mơ hồ.
Đạo Phật tuy đề cao sự giác ngộ, giải thoát nhưng không có nghĩa là xa rời thế tục. Kinh Pháp Bảo Đàn dạy: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích Bồ đề, kháp như cầu thố giác”. Nghĩa là: Phật pháp nơi thế gian/Không lìa thế gian giác/ Lìa thế tìm Bồ đề/Giống như tìm sừng thỏ”.
Vì tất cả giáo lý vô thường, khổ, vô ngã mà Đức Phật đề cập là sự thật hiển nhiên giữa thế gian này. Vì không nhận diện được bản chất huyễn hoá tạm bợ của các pháp nên mới có tranh chấp, đau khổ. Tinh thần khai phóng của đạo Phật là buông bỏ, tự tại, tuỳ duyên. Chẳng thể vì thế mà cho rằng Phật giáo tiêu cực. Chính vì, hiểu biết cạn cợt, nên lắm người hiểu lầm Phật giáo. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cho rằng: “Phật giáo là một nguyên nhân, tội đồ đẩy quốc gia này ( Ấn Độ) vào đêm dài trung cổ với hàng triệu người bị giết”, trên trang cá nhân của mình. Trong khi, đó là một nhận xét thiếu khách quan, hoàn toàn không trích dẫn hay có cơ sở bởi một tài liệu nghiên cứu khoa học nào. Nhất là ngầm so sánh Phật giáo với Thiên Chúa giáo thông qua cụm từ “Đêm dài trung cổ”.
Trước hết, cụm từ “ Đêm dài trung cổ” này gọi đúng hơn là thuật ngữ Đêm trường trung cổ, nhằm ám chỉ một thời kì đen tối nhất của Châu Âu kéo dài từ thế kỉ V đến thế kỉ XIV, do Công Giáo dựa vào tư tưởng thần học, nắm quyền kiểm soát tất cả lĩnh vực chính trị, khoa học- kỹ thuật, văn học - nghệ thuật. Bóp chết sự tự do sáng tạo, nhấn chìm tất cả những phát minh đi ngược lại với kinh thánh bằng toà án dị giáo, để tuyên án bất kì ai chống lại. Mãi đến khi phong trào văn hoá Phục Hưng ra đời ở Ý thế kỉ XIV, lan rộng ra Pháp, Anh... mới mở ra một chân trời mới. Trái lại, tại Ấn Độ, ngay từ khi Đức Phật xuất hiện, ngài đã làm một cuộc cách mạng bình đẳng, xoá bỏ giai cấp tại Ấn Độ, do Bà La Môn giáo chế định, thông qua kinh điển Vệ Đà. Chính tuyên bố: không có sự khác biệt giữa những giọt nước mắt cùng mặn và những giọt máu cùng đỏ.
Là bản tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên của nhân loại cách đây hơn 2643 năm từ khi Đức Phật đản sanh. Ngài đã giải phóng phụ nữ ra khỏi định kiến xã hội, bằng cách cho nữ giới xuất gia. Phản đối sự tế lễ man rợ bằng mạng sống của loài sinh vật khác, ủng hộ bất bạo động. Không những vậy mà còn khẳng định: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, mà không một tôn giáo thần quyền nào dám nghĩ đến. Bằng lòng từ bi vô hạn, Đức Phật đã giải phóng dân tộc Ấn Độ ra khỏi đêm trường tăm tối của xã hội Ấn giáo đương thời. Chính sự cấp tiến ấy của Phật giáo, đi ngược lại với quyền lợi giai cấp Bà La Môn, là một trong những nguyên nhân làm Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ. Tuy nhiên, mãi cho đến hôm nay, có thể nói, đạo Phật vẫn là giải pháp tối ưu nhất để giải quyết vấn đề khủng hoảng xã hội tại Ấn Độ do sự phân biệt giai cấp sâu sắc. Ngay tại đại lễ Vesak 2019, với chủ đề “Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội”, Giáo sư K.T.S. Sarao chỉ ra sự vắng mặt về nguồn tri thức Phật giáo sẽ là vấn đề nhức nhối trong việc phát triển con người và xã hội. Ông chứng minh rằng Phật giáo rất hữu dụng cho sự phát triển bền vững của quốc gia và quốc tế. Với các nhà nghiên cứu như Eich S. Nelson, tiến sĩ Mukesh Kumar Verma, Dipti Mahanta, Chandan Kuma,… đều đưa ra những dẫn chứng để khẳng định giáo lý của đạo Phật đã đóng góp nhiều trong việc phát triển bền vững và thay đổi xã hội. Điều quan trọng là cách ứng dụng và thực hành trong đời sống cộng đồng như thế nào, để đạt đến hiệu quả tối ưu nhất. (Tiểu Bình) Như vậy, căn cứ vào đâu, để Huỳnh Thế Du khẳng định theo lịch sử Ấn Độ, đạo Phật là tội đồ đêm trường trung cổ, bằng một sự so sánh ngầm khập khễnh. Bằng nói: “Làm hằng triệu người chết” thì phải đưa ra chứng cứ hẳn hoi. Chẳng thể luận tội một tôn giáo lớn như Phật giáo bằng một câu nói mơ hồ. Để lý giải điều này, trước sự công kích của dư luận, ông viết: “Tư tưởng bi quan coi kiếp người là cõi tạm, giải thoát đã làm nhiều người không màng đến thế sự, bỏ mặc đất nước đã để bên ngoài vào xâm lăng, tàn sát rất nhiều người vô tội. Không trực tiếp chiến tranh tôn giáo là do giáo lý của Phật giáo, nhưng vì giáo lý đó làm mất sức kháng cự của một dân tộc và chịu cảnh lầm than nhiều thế kỷ với bao mạng người bị mất thì nên đánh giá thế nào? Từ bi hỉ xả là cái chi chi!”. Với nhận định về giáo lý Phật giáo như thế, Huỳnh Thế Du đã tự hạ thấp uy tín của mình.
Trước hết, không phải bỗng dưng mà ngày 15/12/1999, tại hội nghị lần thứ 54, Đại hội đồng Liên Hợp quốc chính thức công nhận và thừa nhận Lễ kỷ niệm ngày Vesak vào 15/4 âm lịch. Nghị quyết hội nghị viết, ngày trăng tròn tháng tư (15/4) là ngày thiêng liêng nhất của Phật tử bởi "Lời dạy của Đức Phật và thông điệp về từ bi, hòa bình và thiện tâm của ngài đã chuyển hóa hàng triệu người".
Vì trong công cuộc truyền giáo của đạo Phật chưa từng làm nhỏ một giọt máu của bất kì một sinh linh nào. Ngay cả khi du nhập vào các nước, đạo Phật không hề chủ trương xâm thực văn hoá, mà trái lại còn tiếp biến và trở thành cái nôi của văn hoá địa phương. Đó là nguyên nhân hình thành nên bản sắc riêng của Phật giáo các nước theo từng vùng lãnh thổ khác nhau. Dù vậy, trên tinh thần giải thoát, giác ngộ căn bản vẫn đồng nhất về đặc tính vô ngã. Điều này rất khác với các tôn giáo khác, như Công Giáo Rô Ma đã nhân danh thánh chiến, bảo vệ vùng đất hứa, chống lại người Hồi giáo & Chính Thống Giáo Đông Phương, cũng như vài ngoại giáo, trải qua hơn 9 cuộc thập tự chinh, chủ yếu do các giáo hoàng phát động, đã được Giáo Hoàng John Paul II lên tiếng xưng thú, một trong bảy núi tội do Giáo Hội Công Giáo vào ngày 12.3.2000 tại Vatican.
Tại Việt Nam,các giáo dân, giáo sĩ, linh mục đã sát hại biết bao nhiêu các sĩ phu, các nhà cách mạng yêu nước như Phan Đình Phùng, Nguyễn Trung Trực, Hoàng Hoa Thám... để mở đường cho quân xâm lược thực dân Pháp chà đạp lên đất nước. Đó là những cuộc truyền giáo được đánh đổi bằng máu của nhân loại. Những cuộc khủng bố, tiêu diệt người dị giáo của Hồi Giáo cũng vậy. Trong khi Đạo Phật tại Ấn Độ, bị biến mất chủ yếu là do sự tấn công của Hồi giáo, từ thế kỷ thứ VIII. Với mục đích lập ra đế chế Hồi giáo, họ phá hủy chùa tháp, thiêu đốt kinh điển, tịch thu bảo vật, giết hại tăng ni, đẩy Phật giáo hầu như đến chỗ tiêu diệt.
Sau 1700 tồn tại, phát triển tại Ấn Độ, cực thịnh nhất là hai triều đại vua A Dục và Ca Nhị Sắc Ca, đoạt hẳn vai trò chủ đạo của tư tưởng Bà La Môn Giáo. Hơn nữa, chính tinh thần nhân bản, cấp tiến của đạo Phật, đã làm cho Bà La Môn giáo chống đối. Dù bị hãm hại, tàn sát, tại Ấn Độ, mà Phật giáo vẫn không hề gây nên bất kì một cuộc thánh chiến nào. Thì làm sao Phật giáo là nguyên nhân đẩy đất nước Ấn Độ vào những cuộc thảm sát? Trái lại, chính đạo Phật đã cảm hoá vị vua hiếu chiến A Dục, cứu dân Ấn Độ ra khỏi cảnh lầm than, biến đời sống loạn lạc thành thịnh trị, thái bình và nhân hậu dưới thời vua A Dục.
Chính tham vọng được mưu đồ bằng chiến tranh tôn giáo, đã dẫn đến những cuộc tàn sát đẫm máu, chứ không phải lỗi ở giáo lý từ bi của đạo Phật. Đạo Phật, tuy đề cao bất bạo động, giữ giới bất sát, nhưng không hẳn là cố chấp.
Tiền thân Đức Phật, là người lái buôn tên Đại Bi, từng giết bọn cướp cứu 500 người. Dù đạo Phật chủ trương bất sát, nhưng Đại Bi nghĩ thà ta chịu tội sát sanh, hơn là để bọn cướp tạo ác nghiệp. Đó là tinh thần với ngã vị tha của Phật giáo, rất uyển chuyển, tuỳ duyên. Vì lấy nỗi khổ của dân làm nỗi khổ của mình. Nên Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn tổ chức hội nghị Diên Hồng. Lấy ý dân làm ý mình. Nếu nói, theo đạo Phật là hèn yếu, mất sức kháng cự của cả dân tộc, thì tại sao Triều Trần Việt Nam, lấy Phật giáo làm Quốc giáo, đã làm nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, lãnh đạo dân tộc, ba lần chiến thắng Nguyên Mông? Thời Lý, nhờ Thiền Sư Vạn Hạnh ủng hộ Lý Công Uẩn lên làm vua, dù đảo chính nhưng chẳng làm rơi một giọt máu nào, lại là thời thịnh trị và thuần hậu nhất trong lịch sử dân tộc.
Thời Nguyễn Phật giáo rất mạnh ở giai đoạn đầu, lại là triều đại mở mang bờ cõi khắp đất phương nam. Đến giai đoạn lịch sử cách mạng, chùa là nơi trú ẩn của cán bộ, tiếp tế lương thực, nhiều nhà sư cởi cà sa khoác chiến bào, vì cứu nguy đất nước, lấy tứ trọng ân, trong đó có ân tổ quốc làm nền tảng. Thì sao dám bảo, tinh thần từ bi hỷ xả của đạo Phật gián tiếp làm nhục chí dân tộc? Đó là sự ấu trĩ về tri thức. Thái độ nhìn đời như mộng, huyễn của trong con mắt giác ngộ của nhà Phật đã kết tinh nên bậc đế vương sáng suốt như Phật hoàng Trần Nhân Tông: "Xem ngai vàng như đôi dép rách”, là tinh thần nhập thế siêu phóng của thiền học đời trần. Sở dĩ, nước loạn vì tham, đó cũng là đầu mối của chiến tranh.
Đạo Phật dạy người thấy rõ sự thật tạm bợ của các pháp, giữ tâm thanh tịnh, thì lấy đâu ra mầm loạn? Sở dĩ ngày nay tham nhũng hoành hành, thuốc giả, thực phẩm bẩn tràn lan, đạo đức xã hội suy đồi, đều do lòng người bất chánh, pháp nhược, ma cường. Chưa nói đến, giác ngộ các pháp như mộng huyễn, chỉ cần phổ biến ngũ giới, bát chánh đạo đã củng cố lợi lạc nhân sinh. Với tinh thần “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”, tận tụy với mọi vai trò xã hội, thì làm sao không tạo ra mọi giá trị đem lại hạnh phúc cho cộng đồng? Điều ấy, chẳng ai chối cãi được. Với 500 bài tham luận được gửi về đại lễ Vesak 2019, của rất nhiều học giả, uy tín trong và ngoài nước trên mọi lĩnh vực khác nhau, đang khẳng định tầm quan trọng của đạo Phật đối với sự phát triển ổn định và bền vững của quốc tế trong tương lai. Tất nhiên, đó là những đóng góp khoa học rất nghiêm túc.
Trước khi, đưa ra những ý kiến mơ hồ về Phật giáo, chúng tôi rất mong ông để tâm đến những bài tham luận ấy và đưa ra những phản biện chính đáng. Vì đạo Phật là đạo nhập thế, chứ chẳng bi quan yếm thế như ông nghĩ.
II. Vài lời phản biện đáng đọc trên FB Huỳnh Thế Du
Long Phan
Không định comment trên tường anh Du nhưng đến stt thứ ba này thì chắc có lẽ cũng nên có ý kiến. Anh Du hoàn toàn nhầm lẫn giữa "Quan điểm" và "Kết luận". Anh đưa ra quan điểm thì ko ai phản hồi với anh làm gì, vì đó là quan điểm của anh, anh có quyền bảy tỏ. Nhưng anh "kết luận" rằng "Đạo Phật là nguyên nhân/tội đồ khiến hàng triệu người bị giết" thì anh không có bất kỳ một sức thuyết phục nào. Điều này cho thấy anh yếu về phương pháp luận và rất thiếu cẩn trọng trong phát ngôn. Nhưng anh ko chịu hiểu vấn đề, hiểu những phản biện của người khác để mở lòng ra và thành thử anh bám chấp vào cái sai của mình và tiếp tục sai khi đưa stt thứ ba này bằng luận điểm sai lầm là Quan điểm của tôi thì tôi có quyền nói. Anh có thể nói quan điểm của mình rằng Đạo phật là yếu mềm, thì đó là quyền của anh. Nhưng anh quy chụp vô căn cứ, thậm chí kết tội thì đó là cái sai của anh.
Những người khác yếu về phương pháp luận hùa theo anh khiến anh càng bám chấp vào cái sai. Stt thứ ba này anh kết luận tiếp "Sự thật chỉ có một". Đây là điểm tối kỵ của người làm Social science. Bởi lúc nào cũng có Giả thuyết thay thế ngay lập tức và như thế Sự thật không bao giờ chỉ có một được anh ạ. Anh kết luận Đạo Phật là nguyên nhân/tội đồ, thì Giả thuyết thay thế khác là "hàng triệu người bị giết do sự hung hãn của quân Mông cổ". Vậy thì sẽ có bao nhiêu sự thật đây anh?
Riêng việc anh liên hệ giữa đạo Phật với cái chết của hàng triệu người cho thấy phương pháp của anh quá yếu rồi.
Người ta sẽ ko phản biện anh nữa, vì tốn thời gian với phương pháp luận yếu kém làm gì, mà lấy sự kiện này của anh làm bài học.
Trân trọng
Dien Tran Mới đọc có một nguyên nhân mà đã vội vã rồi Nêu thêm một số nguyên nhân nữa đi anh Du ? Có được không ? Có tất cả bao nhiêu nguyên nhân vậy anh Du ?
Trần Hoàng Minh quan trọng là không có luận cứ nào bảo vệ luận điểm chính của chủ thớt "Khó tránh khỏi những mối liên hệ giữa việc Phật giáo suy vi rồi sau đó Ấn Độ chìm vào bóng đêm"
Trần Hoàng Bảo Ông nội ơi! Tổ chức nào tồn tại hơn 2.600 năm và có cả tỉ tỉ tín đồ thì dứt khoát nó phải có cái lý gì đó cao đẹp. Sao ông ko nghĩ, nếu ko có Phật Pháp thì Ấn Độ đã bị diệt vong hoặc bị xâm lấn. Mà Đạo Phật cũng đâu có độc quyền cho rieng Ấn độ, vì nó là minh triết cho trời và người mà! Ông đọc mấy cuốn sách của các vị “cạnh tranh” với Phật giáo thì làm sao họ nói tốt cho được. Hãy nhìn kết quả của đạo Phật mang lại cho cuộc sống này, chứ đừng có mà dựa vào cac kinh điển này nọ. Thực tế tồn tại là chân lý, chứ ko phải các sách vở ông nhé!
Ta Ngoc Vinh Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo (Tam giáo) kìm hãm sự phát triển của các xã hội phương đông là rõ rồi. Vấn đề này cần một nghiên cứu, đánh giá dài hơi mà stt của anh Huỳnh Thế Du, một nhà kinh tế, chỉ lướt những nét rất sơ bộ (dù những nét đó rất đáng suy nghĩ) thì ta hiểu khó cho anh tự bảo vệ mình như thế nào.
Bên cạnh đó, nói về đạo Phật trước hết là nói đến khoan dung, nhân ái, vị tha... Vậy mà có những người vào comment, hẳn đã thuộc "tầng lớp hiểu biết trung bình trên" rồi, lại thể hiện văn hóa tranh luận dễ sợ.
PS. Mọi người nên tìm hiểu nguyên nhân đạo Phật suy tàn ở Ấn độ, ngoài xung đột tôn giáo (với Bà La môn), sự ngược đãi của chính quyền thế tục, bị đồng hóa bởi tôn giáo khác, còn nguyên nhân chính là sự tha hóa trong lòng nó. Nay ở Ấn độ một trong những quê hương Phật giáo còn chưa tới 1% người dân theo đạo này.
Trong khi mải mê ném đá trang của ông Huỳnh Thế Du, mải mê về sự sâu xa, cao siêu của triết lý Phật giáo, người ta lại tảng lờ đời sống thực của đạo Phật ở ngay đất Việt nam. Trong khi trượt dài đến sự cáo chung, nó bộc lộ sự tha hóa, suy đồi cùng cực. Điều này ai mà không thấy, từng ngày từng giờ.
- Đỗ Ngọc Thành nói theo tương đối ! Thì không có gì là hoàn hảo ! * Và thường là người đời cứ đổ trách nhiệm và khuyết điểm cho 1 cái gì đó họ có thể lẩn trốn trách nhiệm hoặc sự ngu dốt của chính bản thân mình !
- Phuong Ngo Ta Ngoc Vinh Trung Quốc nó gọi là Tam đạo đồng nguyên. Ở TQ, Đạo giáo và Khổng giáo thống lĩnh ý thức hệ của tẫng lớp thống trị. Phật giáo du nhập vào TQ chỉ tổ điểm cho nền văn minh TQ thôi. Bản thân Phật mang hàm ý triết học sâu xa và hệ thống lý luận chặt chẽ. Phật giáo chả kiềm hãm sự phát triển của Châu Á.
- Còn nói riêng VN mình đi, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc VN vượt qua bao nhiêu cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Còn thứ đạo gì gì đó theo chân pháp vào xâm lược VN. Thứ đạo gì gì đó có 1 ông làm trùm 1 cái nhà bự, rồi răng dạy dựa trên giáo lý là 1 cuốn sách bé tí. Làm ăn ko lo làm ăn, mà suốt ngày tuyên truyền chống phá. Cái thứ đạo đó mới là thứ đạo kiềm hãm đoàn kết dân tộc và sự phát triển của VN.
HA Nguyen Sự nhập nhằng lẫn lộn giữa khái niệm Phật giáo (như một thực thể mang tính xã hội, ở đây là Phật giáo Ấn Độ) và Đạo Phật (như một hệ tư tưởng triết lý) là điều nguy hại. Ngay trong đoạn trích của Will Durant (con bài tẩy của tút) cũng chả có từ ngữ nào nhắc đến triết lý Đạo Phật như là nguồn cơn của việc "tự Phật giáo đã gây họa cho chính mình" cả.
Ps. Một đoạn liên quan đến sự "phản tỉnh" của chính "người trong cuộc", nguồn link https://thuvienhoasen.org/.../de-phong-kha-nang-tu-suy...
--
Trong quyển sách Câu chuyện Tây Tạng: Những cuộc trò chuyện với Đức Dalai Lama (The Story of Tibet: Conversations with the Dalai Lama), nhà báo Mỹ Thomas C. Laird đã ghi nhận những ý kiến rất đáng chú ý của Đức Dalai Lama về nguyên nhân Phật giáo bị diệt vong tại Ấn Độ. Thomas Laird thuật lại như sau:
“Phật giáo bị hủy diệt tại Ấn Độ, biến mất khỏi đất nước đã sinh ra tôn giáo này, hình ảnh mỉa mai ấy ám ảnh tôi trong nhiều thập niên… Tôi hỏi: ‘Phật giáo bị hủy diệt tại Ấn Độ như thế nào? Có phải chỉ vì những cuộc tấn công của người Hồi giáo?’.
Đức Dalai Lama bắt đầu nói: ‘Không có gì xảy ra bởi một nhân tố. Một học giả tài giỏi đã quá cố có gởi tôi một quyển sách ông viết, trong đó bàn về ba nguyên nhân làm Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ.
… ‘Một là, những thí chủ ủng hộ các thiền viện ngày càng có xu thế xa rời truyền thống Phật giáo. Hai là, những tác động từ bên ngoài như Hồi giáo và các lực lượng khác, họ ra sức tiêu diệt Phật giáo. Ba là, các thiền viện và bản thân chư Tăng trở nên rất giàu, tích trữ nhiều vàng, lại thêm tửu sắc. Những việc đó đã xảy ra. Do đó dân chúng không còn tôn kính, có người thì khinh rẻ, hoặc mất lòng tin chư Tăng. Thế nên tôi nghĩ rằng không phải một mà là có nhiều nguyên nhân’.
“Tôi hỏi: ‘Thật ư? Ngài không trách người Hồi giáo sao?’. “Đức Dalai Lama đáp: ‘Tôi nghĩ rằng trường hợp Tây Tạng cũng thế, y hệt như trường hợp Ấn Độ, có xu hướng xem xét những nguyên nhân bên ngoài. Khuynh hướng xem xét trước tiên những tác động ngoại lai đã mọc rễ sâu trong đầu con người và khó loại bỏ. Chúng ta chẳng thể làm được gì nhiều về những người khác, về những tác động ngoại lai. Nhưng chính chúng ta, nếu chúng ta không tu hành tốt, không giữ gìn giới luật, thì tôn giáo chúng ta trở thành giả dối. Đây là sự thật. Vậy đây đúng là lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ và Tây Tạng”.
Nguyễn Quang Tuyền Tôi lại đồng cảm với cái ý tưởng của anh . Phải có 1 lý do gì thì đạo phật mới suy vi ở nơi mà nó sinh ra , tôi là 1 phật tử nhưng tôi vẫn có cái nhìn đa chiều về đạo mà mình theo
Thi Nguyen Mời bạn đọc phần phản biện của tôi tại https://www.facebook.com/permalink.php...
Nguyễn Tấn Phú nhặt được vài dòng trong một bộ sách đã gần 1 thế kỷ mà tung hê lên như là phát kiến vĩ đại. Thời cụ Durant viết cuốn ấy Tây phương chưa hiểu nhiều về Phật giáo cộng với lịch sử và khảo cổ học ở Ấn Độ và châu Á trăm năm qua đã có những phát hiện và nghiên cứu khổng lồ về Phật giáo, về Ấn Độ. Nếu cụ Durant có sống lại ở thời đại này, chắc chắn cụ sẽ nghiên cứu những khảo cứu mới nhất mà không dám kết luận chủ quan như vậy. Người làm khoa học là phải dựa trên những khám phá mới nhất chứ không phải nhặt nhạnh những gì cũ rích chỉ để cho phù hợp với thiên kiến của mình
Tam Nguyen Tôi chỉ bình luật vào Face của bạn bè. Lần cho tôi được phép vượt giới hạn một lần. Anh Du ghi status “Sự thật vẫn là sự thật”. Nghĩa là anh Du rất tôn trọng sự thật và tôi cũng thế. Trường Kiến trúc Harvard, có hai chương trình đào tạo đó Doctor of Design Program (DDes) và Doctor of Philosophy (PhD). Yêu cầu đầu vào của hai chương này khác nhau và nội dung đào tạo cũng khác nhau. Theo trang Web của ĐH Harvard có ghi chương trình PhD hướng vào việc đào ra các nhà nghiên cứu hàn lâm và giảng viên. Anh Du tốt nghiệp DDes. Ngôn ngữ Việt Nam bằng PhD được dịch ra là Tiến sĩ. Từ thông tin của báo chí, rất nhiều người trong đó có tôi mặc định rằng anh Du là Tiến sĩ của Đại học Harvard. Có lẽ các nhà báo, bạn bè của ảnh và cả anh Du mặc định rằng cái bằng DDes tương đương với PhD, mặc dù Harvard, nơi cấp bằng, không khẳng định điều này trên trang Web của họ. Hình như chúng ta có sự ngộ nhận chăng? Ở đây tôi không bỏ bóng để đá người. Ý của tôi một việc rất đơn giản dịch từ học vị ở một trường bên Mỹ sang tiếng Việt thì đã có sự khác biệt trong nhận thức thì sự kiện trong lịch sự hàng ngàn năm trước chắc chắn là bình thường. Tôi dự kiến là một thời gian nếu anh Du không rút lại kết luận ác ý về ‘Đạo Phật” thì nhờ một người có chuyên môn để để tranh luận. Bây giờ thì tôi nghĩ mình không nên làm. Sự trung thực về bằng cấp và học vị là yếu tố hàng đầu của một học giả nhất là trong xã hội hám danh ở Việt Nam. Do đó để xứng đáng là một thầy giáo, người dạy những chân lý cho học trò, anh Du nên rỏ ràng minh bạch về học vị của mình.
_____________________
III. Phản biện trên FB Thi Nguyen và FB Hoàng Minh Ngọc 16 tháng 5 lúc 22:35
_____________________
Bài của tác giả Huỳnh Thế Du bổ túc sau câu phát biểu đầu tiên.
FB Huỳnh Thế Du 13 tháng 5 lúc 18:44
Cảm ơn về những trao đổi của cả nhà trong cái status hôm qua. Bài này nêu ra các thông tin và lập luận cụ thể hơn.
Tôi tôn trọng tất cả những người theo đạo với lý tưởng và giáo lý của mình. Lý tưởng của các tôn giáo đều rất đẹp và hướng thiện. Nếu làm được như vậy thì chúng ta đã ở trên thiên đường rồi. Tuy nhiên, bây giờ vẫn là thế giới thực tại.
Cho dù không theo tôn giáo nào, nhưng tôi cảm thấy mình rất gần với đạo Phật. Các triết lý về buông bỏ, từ bi hỉ xả thật là gần gũi và đẹp làm sao! Tôi có cảm giác như “bắt được vàng” khi đọc “Đường xưa mây trắng” của thầy Thích Nhất Hạnh.
Cuộc đời và sự tuệ giác của Đức phật mới đẹp làm sao! Một con người như vậy ắt hẳn chỉ mong đem lại những điều tốt đẹp cho chúng sinh.
Những gì tôi cố học như có cái nhìn bình thản với những lời lẽ thóa mạ hay tấn công cá nhân (đặc biệt là trên FB) là từ hiểu biết của tôi về triết lý nhà Phật.
Dần dà, quá trình tìm hiểu của tôi lần về nơi đất Phật và đụng đến lịch sử bao la của Ấn Độ - một trung tâm của văn minh nhân loại cách đây mấy nghìn năm, được bao phủ bởi sự huyền bí của tôn giáo rất bi tráng.
Tôi đã rất phấn khích khi đọc tới đoạn Phật giáo thịnh hành ở Ấn Độ dưới thời vua Ashoka và sau đó là những lời lẽ thiện cảm nhiều người khác trong đó có Đường Tam Tạng về nơi đất Phật. Tuy nhiên Đường Tăng cũng tỏ vẻ lo lắng sự suy vi của đạo Phật lúc đó.
Tôi cũng bay bổng đến những phân tích của Nhà kinh tế người Ấn đoạt giải Nobel Amartya Sen về Phật giáo và tiến trình dân chủ ở Ấn Độ trong “The Argumentative Indian” và những phân tích của Yuval Noah Harari trong “Sapiens: Lược sử về loài người”...
Tuy nhiên tôi đã sốc và rơi vào một trạng thái rất khác khi đọc đến phần bi thương của lịch sử Ấn Độ khi bị các lực lượng ngoại bang (Hồi Giáo và Mông Cổ) giày xéo, áp bức và tàn sát hàng triệu thường dân trong nhiều thế kỷ.
Đọc qua lần đầu thì cảm giác của tôi là sự không may của Ấn Độ như nhiều dân tộc khác. Tuy nhiên, xem lại thêm một lần nữa thì tôi cảm thấy lạnh sống lưng khi nhận ra sự thực phũ phàng rằng từ bi hỉ xả, coi xã hội là thế giới đại đồng đặt không đúng chỗ đã gây ra hậu họa.
Đọc những dòng viết lạnh lùng đến bất nhẫn của Will Durant trong “Lịch sử văn minh Ấn Độ” (Bản dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê) mà đau hết cả lòng:
“Đòn tối hậu không phải [do] đạo Bà La Môn mà tự ngoại nhân tung và có thể nói là tự Phật giáo đã gây họa cho chính mình… Sự phát triển của Phật giáo và chế độ tăng viện ở đầu kỷ nguyên một mặt, sự chia rẽ về chính trị mặt khác, cả hai đều làm cho sức chống cự của Ấn suy đi và Ấn dễ bị ngoại nhân xâm lăng. [Mấy câu tiếp theo rất khó nuốt nên tôi không trích ở đây]”
Từ bi hỉ xả, thế giới đại đồng là tốt và nhân loại cần đeo đuổi; nhưng đặt trong bối cảnh có một bầy sài lang bên ngoài đang lăm le nuốt chửng mình thì quả là tai hoạ.
Tôi tự hỏi không biết lòng của Phật Tổ đau như thế nào khi ở cõi Niết Bàn Ngài nhìn xuống thấy chúng sinh phải chịu cảnh như vậy?
Nếu thời điểm đó có một thế giới quan khác ở Ấn Độ để cách nhìn chung mạnh mẽ hơn, vì một đất nước Ấn Độ toàn vẹn và hùng mạnh hơn thì có lẽ tình thế đã khác và ít người Ấn phải rơi vào đêm trường khổ đau hơn.
Nên nhìn nhận như thế nào với một giáo lý răn dạy chúng sinh như vậy trong trường hợp cụ thể của Ấn Độ? (Tôi xin nhấn mạnh là trong trường hợp cụ thể của Ấn Độ và cái status hôm qua của tôi là về trường hợp cụ thể này chứ không phải chung chung như có người suy ra).
Thực sự là rất đau lòng và rất mong lịch sử buồn như vậy sẽ không bao giờ lặp lại!
_