●   Bản rời    

Cái Nhìn Nhanh Về Ca Nhạc Trước 1975

Cái Nhìn Nhanh Về Ca Nhạc Trước 1975

Trần Trọng Sỹ

http://sachhiem.net/TTS/VH/TranTrongSy_vh3.php

08-May-2017

... các tác giả, vì mục đích này hay mục đích khác, hoặc vì muốn truyền đạo mà sáng tác, hoặc cha cố kêu sáng tác, hoặc muốn thăng quan tiên chức mà sáng tác, hoặc đơn giản vì tiền mà sáng tác, hoặc có thể thực sự gặp trái ngang trong hôn nhân khác đạo mà sáng tác, nhưng tựu chung, thể loại nhạc công giáo xuất hiện rất nhiều trước 1975 tại miền Nam, ngoài nhạc tình yêu ngang trái, còn có tình yêu Nô En, tình yêu linh mục, tình yêu quê hương của người lính công giáo, làng mạc công giáo tiêu điều qua chiến tranh, tháp chuông nhà thờ đổ nát vì giặc về. (TTS)

Trong ca nhạc VN trước 1975 có nhiều bài hát về tình yêu khác tôn giáo, lời lẽ ủy mị, yếu hèn, van xin, quỳ lạy để được yêu, vì tình yêu trái ngang, khi yêu phải một người Kitô giáo.

Lúc mới nghe hát, chả ai cảm thấy gì, chúng chỉ là những ca khúc, như bao ca khúc khác, được các nhạc sĩ viết ra để giải tỏa những thổn thức của tâm hồn, qua một tâm cảnh nào đó trên quãng đường đời, hoặc chỉ đơn giản là để kiếm tiền.

Lúc trẻ nghe thì nghe cho vui, chả thèm để ý, thậm chí còn nghêu ngao hát theo...nhưng khi già đời, chín chắn hơn, chợt cảm thấy mình bị lừa dắt đi như một con vật, chưa bao giờ thử tự hỏi, tại sao ở một đất nước, nào phải chỉ có đạo Chúa và đạo Phật, còn có đạo Ông Bà, đạo Hồi, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo, nhưng trái ngang sao chỉ xảy ra với người con dân của Thiên Chúa trong tình yêu, mà chả thấy tín đồ các đạo khác than vãn, dù chỉ một bài nhạc thực nhỏ ?

Con yêu chàng, tình yêu rất chân thành, tình yêu không lừa dối. Nhưng Chúa ơi, chàng đâu hay biết đâu, một người ngoại đạo tha thiết yêu chàng, tình yêu trái ngang !

Lời văn trên đây được trích từ bài hát "Yêu Người Ngoại Đạo", dễ viết và dễ làm người ít học xúc động. Chú ý, khi đọc tựa bài hát, ta có cảm tưởng bài hát nói về tình yêu của con chiên dành cho một người khác đạo, nhưng khi theo dõi bài hát, nó lại không mấy minh bạch cho ta thấy đó là lời của con chiên diễn tả giúp tâm trạng của một người ngoại đạo lỡ yêu người theo đạo thì đúng hơn, vì lời lẽ quá ''nhà nghề'' mà người không theo Chúa khó có thể diễn đạt.

Những bài hát như vậy lại có rất nhiều, và ta có cảm tưởng rằng cả nước VN ai ai cũng có người yêu Kitô giáo mà chắc phần đông là Công giáo, nhưng không lo, khi yêu phải con dân của thiên chúa, trái ngang sẽ được giải tỏa nếu chịu lạy chúa và amen, như sau:

Lạy chúa con xin nguyện chúa trên trời cho trọn niềm tin ơn trên thiên chúa. Con xin đuợc sống bên chàng, người con nhớ con thương, kính mến tôn thờ chúa, Amen.

Lời lẽ này, đã khiến cho rất nhiều thanh thiếu niên xem việc rửa tội và được song song làm lễ thành hôn với người mình yêu trong một giáo đường, trở thành một giác mơ đẹp, một cám dỗ rất thời thượng. Tinh ý nhận xét, thì đây có phải là những ca khúc được người Phật giáo viết ? Hay người ngoại đạo nói chung chung viết khi yêu phải giáo dân Kitô ?

Chắc chắn là chúng được các cha nhà thờ, vốn thường rất khá về âm nhạc viết ra, hoặc cha nhà thờ thuê người viết. Chẳng hạn, một nhạc sĩ cỡ Phạm Duy thì không thể quảng cáo không công cho chúa, khi ông soạn thơ của Nhất Tuấn (SH - tín đồ đạo Chúa) thành nhạc, trong bài:

Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu. Đời con đau khổ đã nhiều, từ khi thơ dại đủ điều đắng cay. Số nghèo hai chục năm nay, xây bao nhiêu mộng trong tay vẫn nghèo. Chúa ơi..Chúa ơi. Mối tình đầu trót bọt bèo vì người ta đã chạy theo bạc tiền. Âm thầm trong mối tình điên, cầm bằng Chúa định nhân duyên bẽ bàng. Chúa ơi..Chúa ơi.

Cái ăn tiền trong bài hát này nằm ở hai chữ được lập đi lập lại: Chúa ơi, Chúa ơi !

Tôi xin mạn phép mở ngoặc ở đây để nhắn với các chức sắc Công Giáo VN rằng, nếu có vị tổng giám mục nào chịu trả 10 nghìn đô cho một bài hát sến cỡ như bài hát Phạm Duy phổ ở trên, tôi là nhạc sĩ, tôi sẵn sàng nhận áp phe văn hóa này, tiền trao cháo múc sòng phẳng. Hết ngoặc.

Ai người đạo Lương, Cao Đài, Hòa Hảo, hay đạo Phật mà cứ vô tình hát Chúa ơi Chúa hỡi, lạy Chúa trên trời ngày này qua tháng nọ, thì khi gặp cơ hội, họ bỏ đạo rất dễ dàng. Phạm Duy chết thì người nhà đưa vào chùa làm lễ cầu siêu, vì ông vốn là gốc đạo Phật, nhưng Duy Quang thì vô đạo, chỉ hát, và hát, không làm lễ theo nghi thức tôn giáo nào, điều này chứng tỏ rằng, cái chất đạo Phật trong gia đình họ Phạm đã chả còn gì, sau bao nhiêu năm hát về chúa, tôn xưng chúa, hết Nô En tới Phục Sinh, chưa đeo thánh giá đã là quá lạ lùng, vô đạo (không phải vô thần) đã là quá hay, chứ tôi cứ ngỡ cả nhà họ phải đã rửa tội mới đúng lý.

Nghe Duy Quang hát:

"Lạy chúa! Con là người ngoại đạo."
Lạy Chúa tôi, con người không đạo, nhưng tin có chúa ở trên cao,
con nghe trong đêm Việt Nam tối tăm, những mìn bom hoen dấu
Lạy chúa trên cao chúa ở nơi nào, lạy chúa tôi tuy người không đạo nhưng yêu nhớ lắm nhạc chuông khuya, khi con bơ vơ chắp tay nguyện cầu cho người thương còn xa mãi xa, mà suốt đêm dài ánh sáng chưa qua.

Có ai tin rằng lời van xin, lạy Chúa sói cả trán như trên, được một phật tử viết ra hay không? Sao cứ trâng tráo dán vào mồm họ một điều tôi là ngoại đạo, hai điều tôi không đạo, mà vẫn lạy Chúa còn hơn cả lạy Tây lạy Mỹ như thế ?

Đúng ra theo chúa thì chả có gì xấu, như bên Âu châu, họ theo chúa, nhưng chả kỳ thị, dụ dỗ, mà còn rất mực tôn trọng các nền văn hóa đa dạng. Chỉ là đạo chúa ở các quốc gia nghèo chậm tiến như VN, Nam Mỹ, thì nó lại cứ muốn ta đây là số một, tìm mọi cách để hạ bệ các tôn giáo khác, cái đó mới khiến đạo chúa bị ghét bỏ. Giả thiết các nhạc sĩ đạo Phật, cũng viết nhiều nhạc phẩm, nói rằng con là người theo Chúa, nhưng tin Phật thờ Phật như Đấng Giac Ngộ vĩ đại, thì các linh mục, các con chiên có đủ kiên nhẫn mà đọc câu kinh thánh Mathieu 15 : 11-19 như sau dây không ? ''chẳng phải điều chi vào miệng làm dơ dáy người; nhưng điều chi ở miệng ra, ấy mới là điều làm dơ dáy người vậy! Các ngươi chưa hiểu vật gì vào miệng thì đi thẳng xuống bụng, rồi phải bỏ ra nơi kín sao? Song những điều bởi miệng mà ra là từ trong lòng, thì những điều đó làm dơ dáy người.''

Không biết các dân tộc khác có các ca khúc đau thương như ở VN, nói về tình yêu không cùng tôn giáo, chứ ở VN, như tôi đã bàn qua ở trên, các tác giả, vì mục đích này hay mục đích khác, hoặc vì muốn truyền đạo mà sáng tác, hoặc cha cố kêu sáng tác, hoặc muốn thăng quan tiên chức mà sáng tác (vì dưới hai triều VNCH, thế lực của nhà thờ công giáo bao trùm khắp miền Nam), hoặc đơn giản vì tiền mà sáng tác, hoặc có thể thực sự gặp trái ngang trong hôn nhân khác đạo mà sáng tác, nhưng tựu chung, thể loại nhạc công giáo xuất hiện rất nhiều trước 1975 tại miền Nam, ngoài nhạc tình yêu ngang trái, còn có tình yêu Nô En, tình yêu linh mục, tình yêu quê hương của người lính công giáo, làng mạc công giáo tiêu điều qua chiến tranh, tháp chuông nhà thờ đổ nát vì giặc về...

"Tha La xóm Đạo" nói chuyện các thanh niên đi cứu nước chả còn ai trong làng, và làng mạc chìm đắm trong mịt mù khói lửa. Bài này được ngay cả nữ danh ca Phương Dung trình bày, PD là một phật tử thuần thành, vì bà là con của người cha đã vào chùa đi tu, nhưng bà hoàn toàn không hát nhạc PG trước 75, đủ thấy công giáo làm mưa làm gió như thế nào ở miền nam, dưới hai triều đại VNCH.

"Bóng Nhỏ Giáo Đường" nói chuyện hai người yêu nhau bên gác chuông nhà thờ trong đêm Nô En, rồi giặc về phá nát nhà thờ, hai người tìm lại nhau, cùng nhau xây dựng lại gác chuông bị giặc phá. Bài này được Ngọc Lan hát, rất hay, và Ngọc Lan là con chiên ngoan đạo, cô không bao giờ hát nhạc nào có bóng dáng ngôi chùa trong lời ca, ngay tiếng chuông chùa cũng được sửa lại thành chuông chiều nếu gặp phải. Tôi lại thích cô, vì ít ra, cô dứt khóat, không hát bất kỳ bài ca nào mang hơi hướng đạo Phật, không đạo đức giả, không làm bộ tịch ta đây là người không phân biệt tôn giáo, ngay thẳng như IS, nói ác là ác, chứ chả cần mang găng tay bọc nhung đi giết người.

"Lá Thư Trần Thế" (Hoài Linh) thì lính cũng lạy Chúa, học sinh cũng lạy Chúa, thiếu phụ cũng lạy Chúa, và ai ai cũng cầu Chúa, mà bóng giặc luôn ẩn hiện trong các khúc ca của người Công Giáo. Giang Tử hát bài này rất hay, Duy Khánh và Thanh Tuyền, dù lúc ấy vẫn còn là Phật tử hát say hát sưa như thể cả hai là con chiên; các con chiên bây giờ, như Đan Nguyên, Băng Tâm thi nhau mà hát, và dĩ nhiên, các "đứa con phật" ít học nghe như say thuốc, rất đúng với tâm trạng của bài "Yêu Người Ngoại Đạo'' mà đúng ra tác giả Phượng Linh nên gọi thẳng là "Yêu Người Có Đạo" chính xác hơn, vì bên các tôn giáo khác không bao giờ gọi ai là ''ngoại đạo'' như người Kitô giáo cả.

Tôi còn nhớ có một nhà thơ thời VNCH, người đã tặng cho Phương Dung cái biệt danh "Con Nhạn Trắng Gò Công", viết như sau:

Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo
Nhưng tin có chúa ở trên trời
Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!

Thơ như thế, da diết và chân thành như thế, thì sao còn tự gọi mình là ngoại đạo ? Có cái gì khiến Kiên Giang Hà Huy Hà không theo phứt nó đạo chúa cho xong, việc gì phải bộ điệu nói rằng "con" là người ngoại đạo ? Ông chết cách đây hai năm (2014), không biết gia đình chôn theo cách của nhà chúa, hay làm ma chay theo kiểu nhà chùa ? Tôi rất mong linh hồn ông được cứu rỗi, về ngồi sau lưng Giêsu, bên phải của chúa trời Giêhôva, theo như lời thơ quá tha thiết trên đây.

Bàng bạc thơ văn của công giáo, hay người "ngoại đạo" theo kiểu Hà Huy Hà, ta thấy bóng giặc phá nhà thờ, đốt giáo đường:

Giặc chiếm lầu chuông xây ổ súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh đem gạch nát, xây tường lủng
Chiếm lại lầu chuông, giết kẽ thù

Như vậy thì té ra, chùa chiền, đền miễu ở VN rất bình yên trong thời chiến, vì chả thấy thơ văn, hay ca từ nào nói rằng mái chùa bị đạn bắn, chuông chùa bị bom văng, và giặc có lẽ chả bao giờ đánh vào chùa, mà chỉ đánh vào giáo đường.

Nhưng sử gia người Công Giáo Nguyễn Mạnh Quang của Sách Hiếm lại cho rằng, vào thời Ngô Đình Diệm, pháo binh VNCN được lệnh bắn vào các làng không theo Công Giáo để tạo áp lực cho họ cải đạo. Điều này mới nghe thì hơi phi lí, thiếu chứng cứ, nhưng suy nghĩ một tí thì thấy nó rất có lí, vì chưng, các làng xa xôi hẻo lánh vào thời Ngô Đình Diệm, vừa tiếp quản từ tay người Pháp, thường là vùng mà ảnh hưởng của Pháp gần như hoàn toàn vắng mặt, dân chúng các vùng ấy thậm chí còn chưa biết Giêsu là ai, họ chỉ biết thờ ông bà. Cán bộ CS nằm vùng các nơi như vậy cũng an toàn hơn là các vùng đã được chính quyền Sài Gòn bình định và nằm trong vòng đai bảo vệ của quân đội miền nam. Muốn dẹp yên các vùng này, quân đội chỉ cần nã pháo không suy tính, chết ai thì mặc xác, đỡ hao quân, trừ phi được các cha cố báo cho các ông quận ông tỉnh biết rằng, con chiên của họ có mặt ở đó, không được nã pháo bừa bãi. Mà thời Ngô Đình Diệm, đồn lũy của giòng họ nhà Ngô chính là dân công giáo, nên giáo dân được bảo vệ còn hơn cả vàng, nhà thờ được khuyến khích xây dựng khắp nơi, nên việc bắn vào các làng không theo đạo bừa bãi không phải là không có căn cứ, nhưng ngày nay, chả ai dám thừa nhận. Nói chi xa xôi, ngay quân Đại Hàn khi hành quân ở Bình Định, nếu trong làng có đạn bắn sẻ vào lính của họ, thì lập tức, quân đội Nam Hàn chẳng cần suy tính, cứ vào làng giết bừa. Quân Mỹ cũng đã từng thảm sát tại Mỹ Lai, chắc chắn Mỹ Lai không phải là Tha La Xóm Đạo rồi, tôi dám cam đoan dân Mỹ Lai đều là người Lương !

Vậy mà có bản nhạc nào than khóc rằng giặc về phá chùa, giết người dân hiền lương đâu ? Toàn thấy nhà thờ, giáo đường, tháp chuông bị binh lửa. Mới nghe, không suy nghĩ, toàn dân sẽ tin chắc rằng, thời Ngô Đình Diệm, nhà thờ và dân chúa bị ngược đãi, vậy vô hình trung, nhà chùa và con Phật được che chở, nên chả ai khóc than ta thán, ngay cả tình ái cũng chả thấy bài hát nào nói yêu chàng phật tử trái ngang và cầu Phật gia hộ để cho tình yêu được trọn vẹn.

Từ các thập niên 50, rồi 60 qua đến 70, ta thấy gì ?

Chỉ duy nhất một ca sĩ ngang nhiên hát nhạc Phật, đó là nữ danh ca Hà Thanh.

(SH - mời nghe Hà Thanh và nhạc Phật giáo - https://www.youtube.com/watch?v=q77fEqUz_T4).

Thanh Thúy hát bài "Lửa Từ Bi" duy nhất có 1 lần sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ.

Và Khánh Ly hát bài "Quan Thế Âm" của Phạm Duy, nhưng bài hát lại hoàn toàn không mang màu sắc tôn giáo, nó chỉ có cái tên mang vẻ đạo Phật, nội dung hoàn toàn nói về tình mẹ, thơ của Phạm Thiên Thư, tìm cách tục hóa hình ảnh Phật Bà. Tuy nhiên, tôi rất hâm mộ Khánh Ly qua cách thái này.

Bên cạnh đó, các ca sĩ thi nhau hát nhạc chúa, nhạc Nô En, nhạc thánh ca bất kể họ là đạo gì, hết lạy Chúa trên trời đến Amen dưới đất, làm như họ tranh nhau hát, để cho ai đó, đang ngồi trên chốn ''Nghìn Trùng Xa Cách'' nhìn xuống, chấm cho vài điểm cọng, ban cho vài lời khen.

Chưa hết,

Vào thời bấy giờ thì chỉ hát giọng Bắc thôi nhé, hát giọng Nam đừng hòng có thính giả. Bài ''Hồn Quê'' được sáng tác vào thời ấy, nhưng phải đợi cho Hiền Thục hát bằng giọng Nam mới trở nên hay tuyệt vời sau 1975.

Mà ca sĩ, thì hoặc là Bắc kỳ di cư, hoặc Nam Kỳ, hoặc Huế, chứ đừng có Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú yên, Bình Định mà đòi hát hò xướng ca thì chỉ có nổi tiếng ngoài chuồng bò (đùa tí). Cẩm Ly, Phi Nhung, Quốc Đại nên cám ơn không khí văn nghệ sau 1975, vì nếu triều đại VNCH còn tiếp tục, thật khó có cơ hội cho dân ca miền Nam được dịp ngóc đầu.

Các ca sĩ đều được huấn luyện hát giọng Bắc, văn chương học thuật đều là hơi hướng Bắc kỳ, nào Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Viên Linh, Nguyễn Đình Toàn, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Mạnh Côn...các giáo sư thì Nguyễn Văn Trung, Lê Tôn Nghiêm, Nghiêm Xuân Hồng, Đặng Phùng Quân, Lương Kim Đinh, Trần Thái Đỉnh...

Nghĩa là, cả một nền văn học bắc hà được di cư vào Nam !

Sơn Nam, Võ Phiến chỉ là các vì sao lẻ loi cô độc lúc sáng lúc tối bên cạnh một thiên hà rực tỏa hơi hướng Thăng Long.

....Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám, khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp, yêu đương thành khói tan theo mây chiều
Hà Nội ơi ! Nào biết ra sao bây giờ ? Ai đứng trông ai ven hồ, khua nước trong như ngày xưa...

Bên cạnh đó, những lời hát như "Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè" được ra đời trước 75, nhưng chả ai thèm để ý lắng nghe, phải đợi bộ đội giải phóng vào Nam, bài hát này mới có cơ hội được hát lớn và hát xa.

Tôi chẳng phân biệt văn hóa vùng miền nào, tôi yêu Hà Nội 36 phố phường, yêu Bà Mẹ Gio Linh, tháp chuông Thiên Mụ, yêu em Pleiku má đỏ môi hồng, yêu cả ''Tha La xóm đạo'' do Phương Dung hát, và nếu ai quen tôi, ắt đã từng nghe tôi hát ''Đêm Thánh Vô Cùng'' một cách rất chân thành khi mùa Nô En đến, chỉ khác là tôi không a dua, không bị dắt đi như một kẻ mù, làm chủ cảm giác và tri thức của chính mình.

Chính vì vậy mà tôi cho rằng, nền chính trị sau 75, nhất là sau khi Liên xô sụp đổ cho đến nay, nhà nước VN đã không còn một lựa chọn mang tính quốc tế, họ đã tìm về dựa lưng vào dân tộc, và họ hoàn toàn chủ trương bình đẳng tôn giáo, ban hành một quy chế văn học nghệ thuật hoàn toàn không phân biệt, thậm chí có phần ưu tiên hơn cho miền Nam, nơi mà ngày xưa là sân chơi gần như dành cho giới tháp ngà của văn học miền Bắc.

Bài này không có mục đích tán dương chế độ hiện tại, trước khi mà nạn tham nhũng còn nhan nhãn như cào cào châu chấu bay loạn xạ khắp đất nước.

Trần Trọng Sỹ

___________________

Các bài của Trần Trọng Sỹ: link http://sachhiem.net/TTS/ListTTS.inc.php

Tác Giả Trần Trọng Sỹ

Thư Mục Trần Trọng Sỹ