●   Bản rời    

Khía Cạnh Triết Học Của Cuộc Ném Bom Dinh Độc Lập 1962 Trong Quan Hệ Với Pháp Nạn 1963

Khía Cạnh Triết Học Của Cuộc Ném Bom Dinh Độc Lập 1962

Trong Quan Hệ Với Pháp Nạn 1963

Minh Thạnh

http://sachhiem.net/LICHSU/M/MinhThanh_LS.php

30-Mar-2016

 (Bài viết có giá trị lịch sử cho thế hệ trẻ muốn thỏa mãn thắc mắc xưa nay thường hỏi tại sao Dinh Độc Lập lại bị máy bay thả bom của Quân Đội tấn công năm 1962 dưới triều đại T.T Ngô Đình Diệm)

Cuộc ném bom Dinh Độc lập năm 1962 của 2 phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc đã được đề cập nhiều dưới các khía cạnh quân sự, chính trị, sử học, nghệ thuật, đã là một sự kiện làm tốn khá nhiều giấy mực, nhất là ở khía cạnh chính trị.

Về mặt quân sự, đây được coi là một cuộc ném bom rất chính xác trong hoạt động cường kích không quân, với kỹ năng nghiệp vụ cao, bất ngờ, táo bạo, áp đảo.

Về mặt sử học, người ta đã từng tranh luận xem đây là một cuộc ám sát hay đảo chính. Một số sử gia xem đây là một cuộc đảo chính dù mục tiêu giết chết Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng rất rõ ràng.

Hai máy bay cường kích đã làm chủ không phận Sài Gòn nửa giờ và liên tục tấn công xuống Dinh, trực diện với pháo phòng không bắn lại từ nhiều điểm, không phải là một cuộc ra tay ám sát ngắn ngủi.

Wikipedia tiếng Anh cũng cho rằng “Cử và Quốc hy vọng cuộc không kích sẽ cho thấy những lỗ hổng của chính quyền Diệm và kích hoạt một cuộc tổng nổi dậy” (Cử and Quốc hoped that the airstrike would expose Diệm's vulnerability and trigger a general uprising).

Chiến đấu cơ Skyraiders của Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử sà xuống sông Sài Gòn để chuẩn bị cho phi vụ ném bom Dinh Độc Lập của Tổng thống Diệm

Về nghệ thuật, có thể kể đến bài hát của Phạm Duy “Huyền sử ca một người mang tên Quốc” (các bản ghi âm của bài hát này hiện nay, vì lý do rõ ràng là bênh vực cho chế độ Diệm, đã bỏ đi lời ca ngợi Phạm Phú Quốc “bay lên đập vỡ bạo quyền”, hạ thấp người phi công này xuống chỉ là như một người tử trận trong chiến tranh).

Về mặt tôn giáo, có lời đồn đại hòa thượng Thích Tâm Châu là người cùng vạch kế hoạch cuộc ném bom với ông Nguyễn Văn Lực, một nhà lãnh đạo Việt Nam Quốc dân đảng, cha phi công Nguyễn Văn Cử, vì hòa thượng Thích Tâm Châu là bạn của ông Nguyễn Văn Lực. Lời đồn đại này xuất hiện sau tháng 11/1963, tức sau cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo của Phật giáo.

Đây là một đồn đoán huyễn hoặc, không có cơ sở, vì chỉ từ quan hệ bạn bè mà suy diễn. Và vào năm 1962, mâu thuẫn giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm chưa phải đã lên cao như trong năm sau đó. Hiện nay, lời đồn đoán đó đã đi vào quên lãng. Các tài liệu sử học đáng tin cậy chỉ nói đến vai trò của ông Nguyễn Văn Lực trong cuộc đảo chính quân sự này.

Trong các tài liệu sử học mà tôi đọc được, đều không thấy đề cập đến mối liên hệ nào giữa cuộc ném bom Dinh Độc Lập năm 1926 của hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc với pháp nạn Phật giáo 1963, dù một vài tài liệu có nói ông Phạm Phú Quốc là Phật tử (pháp danh Như Hưng). Bài viết này sẽ bước đầu tìm hiểu mối liên hệ giữa 2 sự kiện đó, từ khía cạnh triết học.

Tuy nhiên, cần xác định rõ không phải là Phật giáo miền Nam có liên hệ gì với cuộc không kích Dinh Độc Lập năm 1962, mà là chỉ ra những tác động của cuộc ném bom này về mặt triết học đối với tổng thống Ngô Đình Diệm trong hành động đàn áp Phật giáo. Chính vì vậy, nên đây là một câu chuyện có liên hệ đến Phật giáo và do đó trở thành đối tượng tìm hiểu của bài viết này.

Cuộc không kích Dinh Độc Lập năm 1962

Như đã nói, đây là một cuộc đảo chính, với lực lượng quân sự được sử dụng là không quân, tấn công vào nơi cư trú của gia đình Ngô Đình Diệm, là đầu não của chế độ này.

Cuộc đảo chính trước hết là vấn đề của mâu thuẫn giữa chế độ Ngô Đình Diệm và Việt Nam Quốc Dân Đảng, không có liên hệ gì đến Phật giáo. Khẳng định lại một lần nữa như thế để xóa tan lời đồn đại sự dính líu của Phật giáo miền Nam vào cuộc đảo chính này.

Lập kế hoạch cho cuộc đảo chính là ông Nguyễn Văn Lực, một người lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng, chống chế độ Ngô Đình Diệm, đã từng bị tù tội. Theo kế hoạch, con trai ông Lực, trung úy Nguyễn Văn Cử, phi công lái máy bay cường kích Skyraider A1 cùng với một đồng đội, trung úy Phạm Phú Quốc, sinh năm 1935, lái phi cơ cùng loại thứ 2 tấn công Dinh Độc Lập.

Dinh Độc Lập đang bị oanh kích sáng ngày 27-2-1962

Dinh Độc Lập đang bị oanh kích sáng ngày 27-2-1962 (Ảnh: vnafmamn.com)

Bảy giờ sáng ngày 27/2/1962, cuộc tấn công đã diễn ra, khi 2 phi công nói trên điều khiển 2 máy bay cường kích quay về Sài Gòn trong một phi vụ ở đồng bằng sông Cửu Long và tấn công Dinh Độc Lập. Bom, rocket không điều khiển, đạn pháo đã được sử dụng, đánh chính xác vào cánh phía tây Dinh Độc Lập, nơi gia đình Ngô Đình Diệm cư trú, phá sập phần lớn cánh phía Tây của dinh thự này.

Hai máy bay đã không kích chỉ đánh vào mục tiêu một căn phòng trong Dinh Độc Lập và chịu đựng trong 30 phút đạn phòng không từ dưới đất bắn lên. Máy bay của Phạm Phú Quốc trúng đạn, bị rơi xuống sông Sài Gòn và phi công bị bắt giữ. Máy bay của Nguyễn Văn Cử bị đạn làm hư hại, hạ cánh khẩn cấp xuống Phnom Penh, phi công tị nạn chính trị.

Có cả máy bay cất cánh để không chiến, nhưng gặp trở ngại vì hỏa lực phòng không dưới đất không phân biệt được với máy bay tấn công Dinh Độc Lập.

Ngoại trừ bà Ngô Đình Nhu bị xây xát nhẹ ở tay, ông Ngô Đình Diệm và những người còn lại trong gia đình không hề hấn gì.

Bom, rocket không điều khiển, đạn pháo đã được sử dụng, đánh chính xác vào cánh phía tây Dinh Độc Lập, nơi gia đình Ngô Đình Diệm cư trú, phá sập phần lớn cánh phía Tây của dinh thự này. (Ảnh: LIFE Magazine)

Vấn đề triết học phát sinh từ cuộc không kích

Chính việc gia đình và cá nhân ông Ngô Đình Diệm không hề hấn gì đã tạo nên những tác động về mặt triết học. Tác động này diễn ra trên chính ông Diệm, gia đình, tức bộ máy cầm quyền, trung ương và các quan chức thân cận với gia đình này, gồm cả những binh lính, viên chức chính quyền cấp dưới của chế độ Ngô Đình Diệm.

Số đông người này đã chịu ảnh hưởng từ một chiến dịch truyền thông cho chế độ Ngô Đình Diệm phát động, mang màu sắc triết học.

Các phi công đảo chính đã thực hiện xuất sắc cuộc ném bom. Họ xác định đúng căn phòng Ngô Đình Diệm ở và thời điểm ông ta có mặt trong phòng. Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc nghĩ rằng cuộc ném bom đã đạt mục tiêu khi nhìn thấy khu vực được xác định của Dinh bị đánh sập hoàn toàn, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược (1).

 

Trái: Trung úy Phạm Phú  Quốc. Trung úy Nguyễn Văn Cử sau khi

hạ cánh khẩn cấp xuống Cambodia (Ảnh: vnafmamn.com)

Quả bom 230 kg đầu tiên đã ném trúng căn phòng ông Diệm đang ngồi đọc sách trong đó. Trái bom không nổ! Sau đó, Ngô Đình Diệm, Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, vợ chồng ông Ngô Đình Nhu và các con nghe tiếng máy bay rít ngang kịp thời biết có cuộc không kích, đã trốn xuống tầng hầm ở cánh phía đông của Dinh.

Trong khi đó, bom và đạn pháo phá sập một phần cánh phía tây của Dinh.

Để hiểu được vấn đề triết học nảy sinh từ đây, chúng ta điểm qua về niềm tin tôn giáo và tư duy triết học của Ngô Đình Diệm và gia đình.

Ông Diệm theo đạo Ca tô La Mã một cách cực đoan, đồng thời, chịu ảnh hưởng nặng nề từ Nho giáo. Ông ta tin vào “mệnh trời” trong sự nghiệp chính trị của mình. Toàn bộ gia đình Ngô Đình Diệm là những người ngoan đạo, cùng niềm tin như thế.

Niềm tin tôn giáo này có quan hệ chặt chẽ với hệ tư tưởng triết học của chính quyền Ngô Đình Diệm là triết học nhân vị. Triết học nhân vị của chính quyền Ngô Đình Diệm do Ngô Đình Nhu, cố vấn chính trị khai sinh, lấy từ triết học nhân vị Pháp, của một nhóm trí thức cấp tiến, đứng đầu là E. Mounier (1905 - 1950).

Sách “Nửa thế kỷ nghiên cứu và giảng dạy triết học ở Việt Nam”, Nguyễn Trọng Chuẩn chủ biên, nhà xuất bản Hà Nội, 2001, đã viết như sau “Nhằm tạo ra một thứ triết học phục vụ lợi ích chính trị, Ngô Đình Nhu đã du nhập chủ nghĩa nhân vị của các nhà triết học Pháp để nhào nặn, tỉa rút, biến lý thuyết triết học này thành chỗ dựa để chống cộng sản” (trang 570).

Còn sách “Lịch sử triết học”, Bùi Thanh Quất, Vũ Tình (đồng chủ biên), nhà xuất bản Giáo dục, 2001, nhận định triết học nhân vị ở miền Nam “gắn liền thần học với chủ nghĩa duy linh”. Chủ nghĩa duy linh ở đây là chủ nghĩa tôn thờ thượng đế, đấng thiêng liêng tạo ra vũ trụ, vạn vật con người. Tất nhiên, đó là chúa trời đạo Ca tô La Mã, trong bối cảnh cầm quyền của Ngô Đình Diệm.

Trong sách “Ảnh hưởng của triết học phương tây hiện đại ở Việt Nam”, Lê Thị Tuyết, Dương Quốc Quân đồng tác giả, nhà xuất bản Chính trị Hành chính, 2013, các tác giả viết: “Chủ nghĩa nhân vị được chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng như một công cụ chống cộng sản, nó hoàn toàn tương ứng với giáo lý của Công giáo. Đó vẫn chỉ như một giáo hội công giáo trung cổ, trung thành nghiêm ngặt với những giáo điều của cộng đồng Trent (1545-1563). Công giáo miền Nam Việt Nam muốn kiên trì những kỷ cương, đảm bảo tính liên tục của giáo lý, từ đó bác bỏ mọi cải cách”.

Đối với vai trò nhà cầm quyền, chủ nghĩa nhân vị thần thánh hóa vai trò người cầm quyền, mà ở đây là Ngô Đình Diệm và gia đình. Các tác giả Lê Thị Tuyết, Dương Quốc Quân (sách đã dẫn) nhận định: “Nó cho rằng quyền xã hội là quyền do Chúa ủy thác cho người nào đó, để người ấy thay chúa trị vì thiên hạ. Nó đòi hỏi mỗi nhân vị phải phục tùng quyền lực đó như “sứ mạng”, “trách nhiệm” đối với Đấng tạo hóa, thậm chí phải hy sinh tính mạng của mình cho quyền lực. Bổn phận đối với chính phủ còn cao hơn đối với cha mẹ, nếu bổn phận đối với cha mẹ mười phần, thì bổn phận đối với chính phủ còn gấp trăm, nghìn lần, vì đây là “ân huệ tràn trề”, “tình thương vô biên” của tạo hóa ban phát cho loài người.

Đề tài về quyền xã hội do chúa ủy thác này rất gắn với chủ nghĩa nhân vị Mỹ mà có lúc Diệm đã thừa nhận. Khác với nhóm E. Mounier ở Pháp, nó ra sức bảo vệ chế độ tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, đây không chỉ đơn thuần là việc bắt chước một học thuyết của nước ngoài. Đằng sau chủ nghĩa nhân vị Mỹ này, người ta thấy hiện lên hệ tư tưởng Khổng giáo với đạo tam cương hà khắc. Đó là vũ khí tinh thần cần thiết của tập đoàn địa chủ mại bản ở miền Nam Việt Nam trong những năm 60 của thế kỷ XX”.

Niềm tin vào “mệnh trời” ở Ngô Đình Diệm ngày càng củng cố sau các thành quả chính trị quân sự, như hạ bệ Bảo Đại, đánh dẹp Bình Xuyên và Hòa Hảo, mua chuộc tướng lĩnh quân đội Cao Đài, loại trừ Hộ pháp Phạm Công Tắc, dập tắt đảo chính của quân dù trước đó. 

Niềm tin “mệnh trời” ở Ngô Đình Diệm đã lên tới tột đỉnh khi bom đánh trúng phòng ông ở, lúc ông đang có mặt mà không nổ, nơi cư trú của gia đình ông bị san bằng mà hầu như không ai hề hấn gì. Ông Diệm coi đây là sự linh nghiệm của tôn giáo mà ông đang tôn thờ, sự xác tín của thứ triết học mà ông đang truyền bá. Ông ta tự xác định mình được sự che chở của Thượng đế theo mệnh trời một cách thiêng liêng, trở thành một tổng thống bất khả xâm phạm.

Do vậy, phản ứng của Ngô Đình Diệm sau cuộc ném bom không phải là bàng hoàng, hoảng hốt, sợ hãi, mà điềm tĩnh, tự tin, chiến thắng có phần đắc chí. Khía cạnh triết học của cuộc ném bom bắt đầu từ đây. Trong diễn văn ngắn trên đài phát thanh sau cuộc ném bom, ông Diệm nói mình thoát chết là do sự bảo vệ thiêng liêng.

Không lâu sau khi thoát hiểm, ông Diệm đi thăm các binh sĩ bị thương trong cuộc không kích, đơn vị không quân có máy bay không kích… Sau đó nữa là một thánh lễ tạ ơn được quảng bá rầm rộ như một cuộc khải hoàn vinh quang.

Bộ máy truyền thông của chính quyền Ngô Đình Diệm đã ra sức tuyên truyền cho điều được gọi là sự bảo vệ thiêng liêng này, nhằm củng cố cho quyền lực của chế độ.

Tất nhiên, việc thoát chết của tổng thống Diệm được sử dụng như một minh chứng cho triết học nhân vị với vị tổng thống “thiên mệnh”, được thượng đế che chở. Rằng việc cai trị của tổng thống là “do Chúa ủy thác”, không thể thay đổi, không thể đảo ngược.

Về khía cạnh tôn giáo, các thánh lễ tạ ơn được tổ chức ở các xứ đạo thể hiện niềm tin thiên chúa ủng hộ và che chở tổng thống, tổng thống là người trời, là bất khả xâm phạm. Từ đó, lan truyền những tin đậm màu sắc tôn giáo, như có người đã thấy Đức Mẹ hiện ra trên Dinh Độc Lập khi 2 máy bay Skyraider ném bom. Người ta coi việc bom rơi trúng phòng tổng thống mà không nổ là một phép lạ, một sự mầu nhiệm của ơn trên…

Cả tổng thống, gia đình, nhiều người trong bộ máy chính quyền và bộ phận tín đồ một tôn giáo đã như bị say thuốc trong chiến dịch tuyên truyền mang màu sắc triết học nhân vị. Họ tin cũng đúng, bởi ngoài cỗ máy tuyên truyền được huy động đến công suất đỉnh, còn một sự thật rất hiển nhiên và ấn tượng là Dinh Độc Lập sụp gần hết cánh trái, mà gia đình tổng thống, trong đó có giám mục Ngô Đình Thục vô sự. Trong khi đó, trong Dinh Độc Lập, có 3 người chết và 30 người khác bị thương.

Báo chí đăng bức ảnh bà Ngô Đình Nhu đứng trên đống đổ nát của Dinh Độc Lập, chỉ tay kẻ cả không phải với nét mặt đau xót, tiếc nuối, buồn bã, mà là kiêu hãnh, phấn chấn, tự tin. Một cuộc tấn công với 2 phi cơ đầy bom đạn, nửa giờ chiếm lĩnh bầu trời Sài Gòn, Dinh Độc Lập sụp đổ, nhưng nhà Ngô vẫn đứng vững, quyền lực vẫn nguyên vẹn. 

Báo chí đăng bức ảnh bà Nhu đứng trên đống đổ nát của Dinh Độc Lập, chỉ tay kẻ cả không phải với nét mặt đau xót, tiếc nuối, buồn bã, à là kiêu hãnh, phấn chấn, tự tin. (Ảnh: LIFE Magazine)

Những hệ quả

Các vấn đề triết học liên hệ đến việc ném bom Dinh Độc Lập, được cỗ máy tuyên tuyền của chế độ Ngô Đình Diệm khuếch đại, đã có những tác động ngược chiều và tai hại cho chính chế độ Ngô Đình Diệm.

Ngô Đình Diệm và gia đình từ tháng 2/1962, đã xử lý công việc chính trị với tư duy “thiên mệnh”, “được ơn trên bảo vệ” lên đến đỉnh điểm. Người ta thấy một sự ngạo mạn mang màu sắc duy tâm triết học. Tư duy ngạo mạn mang màu sắc triết học nhân vị đó đã đưa chế độ Ngô Đình Diệm lên đến đỉnh điểm độc tài, tàn bạo và mù quáng. Triết học nhân vị kiểu Ngô Đình Nhu được xác định đúng đắn trong thực tế và có tính chất thiêng liêng, nên ảnh hưởng của nó đối với hoạt động chính trị của chế độ Diệm trở nên tuyệt đối.

Triết học nhân vị trong môi trường như thế sau cuộc ném bom bất thành đến kỳ lạ đã làm Diệm và chế độ điều khiển chính sự miền Nam không còn bằng đầu óc của một nhà chính trị tỉnh táo nữa, mà bằng sự tự tin mụ mị, khinh thường tất cả phản ứng nguy hiểm. Pháp nạn 1963 diễn ra trong bối cảnh đó.

Triết lý trong sự kỳ thị và áp bức Phật giáo của chế độ Diệm là từ triết học nhân vị kiểu Nhu, được củng cố bởi niềm tin “thiên mệnh” lên tới cao điểm sau vụ ném bom. Tư tưởng công đồng Trent (1545-1563), cốt lõi của chủ nghĩa nhân vị kiểu Ngô Đình Nhu là tư tưởng coi mọi tôn giáo khác ngoài Ca tô La Mã đều là ma quỷ với sự miệt thị. Những người theo triết học nhân vị này, trong tình trạng say thuốc “thiên mệnh”, đã đối xử với Phật giáo một cách hết sức tàn bạo và không sợ những hậu quả có thể phát sinh. Chính điều đó đã dẫn chế độ Diệm đến chỗ sụp đổ.

Cuộc ném bom Dinh Độc Lập năm 1962 có quan hệ gián tiếp với pháp nạn Phật giáo 1963 như vậy. Nó tạo một hiệu ứng triết học, từ đó ảnh hưởng đến hành động của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với tất cả mọi trường hợp, trong đó có việc gây ra pháp nạn 1963. Có thể thấy điều này khi so sánh với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Giữa chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và Phật giáo miền Nam cũng có mâu thuẫn, nhưng chính quyền Thiệu giải quyết vấn đề không bằng cơn say triết học nhân vị thiên mệnh, nên có những diễn tiến khác.

Quan điểm ảnh hưởng của triết học nhân vị thiên mệnh về tổng thống “mệnh trời” được đấng thiêng liêng bảo vệ cũng có thể làm những người tuy theo Diệm, thậm chí trong các lực lượng vũ trang, bán quân sự do Diệm Nhu lập ra, nuôi dưỡng nhưng đã đứng trơ ra nhìn cuộc đảo chính 1/11/1963, vì tin là tổng thống bất khả xâm phạm, giao phó mọi việc cho trời lo, mà trời rõ ràng cứu Diệm trong cuộc không kích 1962.

Bài này được viết để gởi đến những người bài Phật giáo ở hải ngoại đang toan tính phục hồi Ngô Đình Diệm cùng với triết học nhân vị. Cơn say thuốc triết học nhân vị từ 2/1962 cần được ghi nhận một cách nghiêm túc. Triết học nhân vị kiểu Ngô Đình Nhu đã lên đến đỉnh điểm từ những sự “mầu nhiệm” hay “phép lạ” như thế. Phục hồi Ngô Đình Diệm và những tư tưởng của ông ta qua triết học nhân vị, bài xích Phật giáo, chính là trở về với vết xe đổ hơn 50 năm trước. 

Lịch sử đã làm cho thuyết lý về sứ mệnh trị quốc thiêng liêng, về một tổng thống “mệnh trời” sụp đổ một cách thảm hại. Triết học nhân vị của Ngô Đình Nhu không phải chỉ là một mớ hỗ lốn triết học của E. Mounier, triết học nhân vị Mỹ, công đồng Trent, mà đã trở thành trò cười từ chiến dịch tuyên truyền sau cuộc không kích Dinh Độc Lập 1962. 

Những người lớn tuổi đã trải qua những ngày tháng hơn 50 năm trước nên nhớ lại việc này khi nói chuyện hoài niệm nhà Ngô. Còn những người trẻ ở hải ngoại thì nên biết có một chuyện bi hài như thế đã xảy ra, khi nghe những luận điệu “suy tôn Ngô Tổng Thống”.

Về mặt học thuật, bài viết muốn cung cấp cho bạn đọc nói chung một nội dung tìm hiểu mới về bối cảnh diễn ra Pháp nạn Phật giáo 1963, một vấn đề Phật giáo Việt Nam cần nghiên cứu.

Minh Thạnh

______________________________

(1)    Nhiều ý kiến quanh việc này. Có ý kiến cho rằng số vũ khí một máy bay cường kích Skyraider A1 mang theo, 3600kg mà ở đây là 2 chiếc, có thể san bằng Dinh Độc Lập, một tòa nhà xây dựng cuối thế kỷ XIX, lợp ngói, không bê tông cốt thép, khi đánh sập các cột chính. Nhưng Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử không muốn phá nát Dinh Độc Lập, mà chỉ nhắm đánh vào căn phòng riêng của Ngô Đình Diệm, là nơi ông này theo thông lệ có mặt vào buổi sáng sớm. Skyraider A1 là máy bay cánh quạt, có thể bay chậm và khi không kích Dinh Độc Lập đã bay rất thấp (150 mét, theo Wikipedia tiếng Anh, mục từ “1962 South Vietnamese Independence Palace bombing”), ném bom rất chính xác. Người viết bài này từng thấy phi công quân đội Sài Gòn dùng Skyraider A1 biểu diễn ném bom giả rơi đúng vào một chiếc thùng nổi trên sông Sài Gòn. Nếu san bằng Dinh Độc Lập thì cả gia đình Ngô Đình Diệm sẽ bị vùi trong đám đổ nát, kết quả có thể khác, nhưng nhiều người không liên quan đến gia đình họ Ngô sẽ đều chết hết. Chỉ vì 2 phi công đảo chính quá tự tin và không muốn hại người vô can, nên họ không đạt kết quả, chứ không có phép lạ gì ở đây. Trong bài “Phạm Phú Quốc và phi vụ thả bom Dinh Độc Lập, Sài Gòn, 1962”, đăng trên hon.net.co.uk, một phi công lái máy bay đánh chặn cuộc tấn công của Phạm Phú Quốc – Nguyễn Văn Cử viết rằng Phạm Phú Quốc có thả bom an toàn trên sông Sài Gòn trước khi đáp xuống nước. Bài này diễn giải “thả bom an toàn là thả bom mà ngòi nổ còn gài chốt, nên bom rời khỏi phi cơ, chìm xuống nước mà không nổ”.

Việc bom không được ném hết cho thấy các phi công đảo chính không có ý định san bằng Dinh Độc Lập.

Source: Phật Tử Việt Nam

Minh Thạnh

http://nguoiphattu.com/van-hoa/van-hoc-tuy-but/8299-canh-mai-va-cay-thong-trong-tam-tu-cua-thay-giac-tam.html