●   Bản rời    

Khi Kỳ Vọng Của Cha Mẹ Không Thể Đạt Tới

Khi Kỳ Vọng Của Cha Mẹ Không Thể Đạt Tới

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH21.php

29-Jul-2015

Bản tin chấn động về một cô gái đã thuê người giết chết cha mẹ mình ở Canada được đăng trên nhiều báo chí ngoại ngữ (Tragedy of ‘golden’ daughter’s fall resonates with Asian immigrant children,) và có đăng lại bằng tiếng Việt trên báo Đất Việt ("Bi thảm vụ án cô gái gốc Việt thuê sát thủ giết cha mẹ",) đã nêu lên nhiều vấn đề xã hội đáng quan tâm hơn là khía cạnh đạo lý và pháp lý.

Jennifer Pan. Ảnh: Tòa án Ontario

Thảm kịch phải kể bắt đầu từ lúc mà cha mẹ Pan muốn con gái phải là một "sinh viên hạng A” nhưng cô Pan chỉ được điểm B. Lẽ ra điểm B cũng đã là một thành tích đáng ghi nhận, nhưng đối với gia đình nghiêm khắc của Pan, điều này không thể chấp nhận được. Thế nên, Pan cứ phải “sửa” phiếu thành tích học tập của mình hết lần này tới lần khác. Pan lại trượt cuộc thi toán năm cuối bậc trung học, và không thể tốt nghiệp, do đó, cánh cửa đại học cũng khép lại. Tuyệt vọng trong nỗ lực ngăn ngừa cha mẹ biết được kết quả học tập của mình, Pan nói dối là sẽ bắt đầu học tại Đại học Ryerson vào mùa thu.

Ông Hann, cha của cô đã rất vui mừng về chương trình trước mắt của Pan là học ở đó 2 năm rồi sẽ chuyển lên Đại học Toronto để theo học Dược. Ông thưởng cho cô “con gái ngoan” máy tính xách tay mới. Sau đó, Pan lại phải tiếp tục làm cho cha mẹ tin rằng mình đang sống cuộc đời của một sinh viên. Cô còn giả mạo giấy tờ để khoe với cha là cô được học bổng 3.000 USD. Tất cả các trò lừa dối của Pan đều qua mắt được cha mẹ.

Sau hai năm, đến ngày, lẽ ra là, lễ tốt nghiệp, cô nói với cha mẹ rằng không có đủ vé cho buổi lễ, nên cha mẹ cô không thể tham dự. Cha mẹ Pan bắt đầu nghi ngờ và theo dõi cô. Sự thật phơi bày nằm ngoài sức tưởng tượng của họ.

Bình thường, các hoạt động của Pan và người anh trai Felix đã bị hạn chế đến mức thấp nhất để dồn tất cả vào việc học. Họ chỉ được tham dự các hoạt động ngoại khóa của trường như trượt băng nghệ thuật, piano, võ thuật và bơi lội, và bị cấm tham dự bất cứ hoạt động nào khác được cha mẹ cho là không phục vụ cho một tương lai tươi sáng. Tất nhiên, hai đứa trẻ trong nhà cũng không bao giờ biết tới hẹn hò trai gái.

Khi biết được sự thật bẽ bàng, cha mẹ Pan còn cấm đoán nghiêm ngặt hơn đối với đứa con gái họ cho là đã hư hỏng. Pan bị cấm dùng điện thoại di động, máy tính xách tay và cả hẹn hò với bạn trai Daniel Wong. Pan bị bức bách như bị cầm tù trong chính ngôi nhà của mình. Và cô bắt đầu nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ tốt hơn biết bao nếu không có cha mẹ. Với sự giúp đỡ của bạn trai, cô lập mưu giết cha mẹ để thoát khỏi cuộc sống tù ngục đó.

Cũng nên để ý rằng sự mong mỏi của cha mẹ cô Pan lúc đầu là muốn con cái có tương lai tốt đẹp, đó là điều bình thường của tất cả mọi người. Nhưng phần đông, cha mẹ thích "ra giá" cho con mình phải đạt được đến mức nào, thì đó là mầm móng của thảm họa vì sự mong muốn cũng có tính ích kỷ, muốn thỏa mãn về danh vọng của chính mình. Mỗi người đều có một khả năng giới hạn do bẩm sinh. Nhiều người mong đợi con cái thực hiện những ước mơ âm thầm của mình từ lâu, làm ông này bà kia, mà suốt đời mình chưa thực hiện được. Nghĩ rằng mình vì lo cho con cái mà phải nhanh chóng lao vào công việc sinh nhai nên chuyển đổi những khát vọng của mình đến tương lai của con cái. Nhưng họ quên mất rằng con cái của họ lại cũng đi vào chu kỳ cuộc sống với vốn liếng khả năng giới hạn của chúng, di truyền từ trong bản thân cha mẹ.

Khi con cái thường nghe chúng ta đưa ra mức độ kỳ vọng quá cao đối với khả năng chúng, và đay nghiến, phạt vạ, hay tạo ra khó chịu đối với nó khi nó thất bại, thì chúng có thể có những thái độ để phản ứng lại điều đó tùy theo bản năng của nó. Có trẻ sẽ mạnh bạo chống lại những ước vọng quá cao vời của cha mẹ ngay tức khắc để xác định lập trường của chính mình:

"Con không có khả năng như thế đâu", hay

"Con đã cố gắng hết mình rồi", hoặc

"Con sẽ kiếm ăn đàng hoàng với số điểm đó," vân vân,....

Thật ra, đó lại là những đứa trẻ có bản lĩnh và lương thiện, và có thể thành công sau này bằng phương cách thích hợp cho nó. Nhưng cũng có đứa không có khả năng lên tiếng khẳng định như thế, nhưng lại không muốn cha mẹ buồn lo hay giận dỗi vì mình, hoặc không muốn chịu sự đay nghiến của cha mẹ về khả năng thực sự của mình, nên tìm cách nói dối. Sự gian dối đó, lẽ ra do chính cha mẹ phải chịu trách nhiệm, vì đã đẩy con mình đi vào thế kẹt.

Nếu cha mẹ đủ nhạy cảm, sẽ nhận thấy có dấu hiệu khác biệt giữa thành tích trên giấy tờ và biểu hiện khả năng của con mình. Trường hợp đó, cha mẹ cần có sự điều chỉnh kịp thời để giải tỏa mối âu lo cho con cái về việc đạt ước vọng của cha mẹ. Nhưng nhiều cha mẹ không hề xem xét khả năng của con cái của mình, trước nhất là nhìn qua hình bóng của chính mình. Chúng ta không thể học được đến đó, thì cũng không nên hy vọng con chúng ta học đến đó. Nếu con chúng ta đem về những thành tích bất ngờ, hoặc tốt hoặc xấu, chúng ta cũng nên tìm một cơ hội đến nhà trường một lần mỗi năm. Cô Pan theo học tại một trường Công giáo. Có lẽ cha mẹ cô tưởng là trường Công giáo thì tốt! Nhưng có lẽ trường không có "giao lưu" với cha mẹ.

Phân tích thái độ của Pan lúc đầu cho đến giờ phút này cho thấy: Nếu cha mẹ của Pan không quá khắt khe và đòi hỏi nhiều quá ở con thì đã không tạo ra sự sợ hãi cho Pan. Tội nghiệp cô bé muốn làm vui lòng cha mẹ, nhưng khả năng thì giới hạn. Đó là lý do cô phải sửa điểm, một sự giả dối bắt nguồn từ sự kính nể cha mẹ cộng với sự lo sợ, bất an và bất tài, không đủ can đảm thẳng thắn lên tiếng để cha mẹ tỉnh thức về giấc mơ quá cao của họ. Từ đó, thảm họa dần dần lớn lên một cách mãnh liệt, vì tài nghệ gian dối của đứa con đã trở thành kỹ năng đáng sợ. Sự kính nể cha mẹ quá mức chịu đựng đã đến lúc trở thành một căn phòng giam kiên cố. Cô Pan trở thành một tù nhân không có bản án, và không có ngày xử án. Và một kế hoạch vượt ngục bây giờ đã trở nên cần thiết.

Nhưng Pan không đủ thông minh để tìm một kế hoạch vượt ngục vẹn toàn cho cả chính cô và cha mẹ cô. Cô có thể bằng cách nào đó, ngưng liên lạc với cha mẹ một thời gian để khỏi chịu hậu quả về sự thất vọng của họ. Nhưng cô vẫn còn ý nghĩ ràng buộc với cha mẹ mình suốt đời nên không thể nghĩ ra được lối thoát đó. Ở điểm này, cô Pan thật đáng thương vô cùng. Cô là nạn nhân của giá trị truyền thống chung của văn hóa loài người, mà Á Đông đã xem là nền tảng lâu đời: "giềng mối gia đình".

Sau cùng, một kế hoạch ngu ngốc được dàn dựng giống như một vụ cướp. Khi 3 kẻ giết thuê bắn chết người mẹ mình và gây thương tích nặng cho người cha, Pan còn gọi 911 để giả bộ tình huống có vẻ “như thật”. Vụ án mạng xảy ra từ năm 2010.

Cựu cảnh sát trưởng Armand La Barge rời khỏi hiện trường trên đường Helen ở Markham vào năm 2010. Ảnh http://www.yorkregion.com

Tòa án ở Ontario hồi tháng 1 (2015) đã buộc tội Pan và 3 đồng phạm tội giết người cấp độ 1 và cố sát. Tất cả đều bị án tù 25 năm.

Người viết nghĩ rằng, trách nhiệm của vụ án này nghiêng về phía người đã chết. Nếu cha mẹ cô Pan sống dậy, sẽ đến tòa tự thú về tội ác của mình đối với đứa con gái thật tội nghiệp này:

"Kính thưa tòa, chính chúng tôi mới là tội nhân trong vụ án này. Vì thích được vinh dự làm cha mẹ của một cô dược sĩ, hay bác sĩ, chúng tôi hàng ngày ra chỉ tiêu quá cao. Vô tình chúng tôi đã bỏ con tôi vào nhà tù kiên cố và lao động cật lực quá sức chịu đựng của nó mà không biết. Làm cha mẹ mà chúng tôi chưa bao giờ biết mặt cô giáo hay thầy giáo đã từng dạy con mình, hay ban giám hiệu của trường. Chúng tôi mãi viện dẫn lý do là mãi lo sinh kế một cách tự hào. Chúng tôi để mặc nhà trường, để mặc sinh hoạt của con tôi ở trường, không cần biết nó làm sao, miễn đem về thành tích tốt nhất. Thế mà chúng tôi luôn cho rằng mình là phụ huynh tốt nhất trường. Thật là chúng tôi quá ích kỷ, chỉ muốn mình được hãnh diện!

Xin tòa tha bổng cho con chúng tôi, và chúng tôi hứa sẽ bù đắp yêu thương nó bằng cách tôn trọng quyết định riêng về cuộc đời của nó, không kỳ vọng gì hơn là được thấy tình cảm gắn bó gia đình đơn sơ nguyên ủy của nó đối với chúng tôi. Trăm lạy quan tòa, ngàn lạy quan tòa, xin tha cho một cô gái đáng thương và cho nó một cơ hội làm lại tương lai. Pan nhất định không phải là kẻ giết người nếu chúng tôi không đẩy nó vào chân tường."

Kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái hẳn nhiên là điều bình thường của các bậc cha mẹ, và không phải là điều gì tội lỗi cả. Nhưng nói ra ước vọng đó, ra chỉ tiêu, đặt điều kiện, đòi hỏi con mình đạt đến kỳ vọng đó, không những là một trò chơi nguy hiểm, mà là một sự gián tiếp vi phạm nhân quyền nếu cha mẹ hành hạ con cái vì không đạt đến kỳ vọng của mình. Sự hành hạ không cần phải ở mức độ thể xác, mà sự gay gắt về thái độ cũng đủ tạo ra sự khó chịu trong không khí gia đình. Khi con cái không thể đạt tới kỳ vọng của cha mẹ, thảm họa có thể rình rập theo sau cho cả đôi bên, một hiện tượng tâm lý gia đình và xã hội cần được chú ý.

 

Lý Thái Xuân

______________

Phụ trang:

Kinh nghiệm bản thân của tôi. Khi cô con gái được 9 tuổi, cô hỏi: "Mẹ muốn con sau này nên học ngành gì?" Mặc dù trong đầu tôi, tôi vẫn nghĩ nó sẽ có khả năng trở thành một chuyên gia ở ngành nào đó mà xã hội coi trọng, và được đủ tiền để sống thoải mái. Nhưng tôi nén lại, suy nghĩ một phút rồi đáp:

"Con ạ, mỗi người trời cho một khả năng riêng, và một ý thích riêng. Mẹ không thể giới hạn hay kỳ vọng con làm theo ước mơ của mẹ" May mà cô bé quên hỏi "ước mơ của mẹ là gì?"

Tôi nói tiếp:

"Mẹ nghĩ, tốt nhất là con sẽ xem con có khả năng nào, và sở thích của con có phù hợp với khả năng của con hay không. Nếu con chọn được một ngành nào vừa đúng sở thích của con, lại phù hợp với khả năng của con thì đó là điều tốt đẹp cho con. Nghề nào cũng tốt con ạ."

Con gái tôi suy nghĩ có vẻ thoải mái với câu trả lời tuy huề vốn nhưng lại thực tế hết sức. Tôi bỗng như nhớ lại một điều mà tôi cho là cần thiết không kém:

"À quên. Cho dù con chọn bất kỳ ngành nghề nào đi nữa, con không những là người công dân tốt ở xứ Mỹ, mà còn giữ gìn danh dự của một người Việt Nam nữa nhe con. Dù con không phải là người Việt, nhưng dòng máu của con là 100% người Việt. Khi con làm điều gì tốt, thầy cô hay bạn bè nghĩ con là một công dân Mỹ tốt, nhưng khi con làm gì xấu, có thể họ nói con là người Việt Nam. Mình không thể chống lại sự thực oái oăm này."

Tôi cho rằng sau này nếu nó học thành tài thì tốt cho tất cả, nhưng nếu nó thất bại thì mình không áy náy vì cảm thấy có trách nhiệm.

Mong rằng những suy nghĩ của tôi có thể đáng chia sẻ với các bạn đọc.