●   Bản rời    

Ký Sự Noumea - Người Việt Chân Đăng: Niềm Xúc Động Chiếc Váy Đụp

Ký Sự Noumea

Người Việt Chân Đăng: Niềm Xúc Động Chiếc Váy Đụp

Nguyễn Thái An

http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenThaiAn05.php

07-Apr-2015

=>

Trên bản đồ, Nouvelle Calédonie hay (New Caledonie) ở phía đông Úc Châu, đánh dấu đỏ. Noumea ở phía nam của Nouvelle Calédonie

Tại thành phố Noumea của xứ Nouvelle Caledonie nhà cửa tương tự như ở Quận 1 Saigon,  ở Phnom Penh,  Marseille, Toulon. Đường phố có tên quen thuộc như Jules Ferry, Austerlitz, Anatole France, Doumer, Rue de la Somme, Foch, Clemenceau, Gallieni, Albert 1er. Chiều chiều, ở một vài khu phố thượng lưu như Anse Vata người  da  trắng hoặc là công dân của nước này hay là người Pháp (Metros) chuyên viên biệt phái, hay du khách ngồi uống café, uống la-de như ở Continental, ở Pagode, ở Brodard, ở Givral của Saigon năm xưa. Thỉnh thoảng một chiếc xe 2CV chạy ngang. Và có  một tiệm ăn tên Along (Hạ Long) của cặp vợ Việt chồng Tây.

Hình 1 (bấm vào hình để xem bảng tên) - ảnh của tác giả

http://cynthiabeyer.canalblog.com/archives/2013/10/13/28203359.html

bức tượng ở góc phải ngay cổng- http://cynthiabeyer.canalblog.com

http://www.tripadvisor.com/ShowUserReviews-g294130-d1506812-r209493638-Along_Beach-Noumea_Grand_Terre.html#UR209493638

Về phía Bắc một khu phố bình dân hơn, có tên Quartier Asiatique; và ngay tại cổng chào có tượng Người Việt Chân Đăng (hình 1 và 2). Dưới chân Tượng là tấm bảng đồng vinh danh Người Việt.    (Xin các bạn bấm vào hình 1 để đọc danh sách trong bảng tên). Tiệm ăn Việt Nam trong khu phố này bán món nem (chả giò)  rất được người Việt, dân bản xứ và những người Á Châu khác như In-do-nê-xia ưa chuộng. Báo chí du lịch hay truyền hình ngoại quốc khi tường thuật về Noumea có nhắc đến món ăn này. (xem http://www.b-kyu.com/)

Hình 2 - ảnh của tác giả

Tôi viết e-mail cho một người Việt ở Noumea hỏi về chữ nghĩa Chân Đăng, và được thư trả lời như sau. Tôi ngạc nhiên về cách viết lưu loát của một người thuộc thế hệ thư ba định cư ở xứ này.  Có lẽ người Việt đến đây đã tự tổ chức chuyện dạy tiếng Việt, hội họp, cúng bái ..để bảo tồn di sản Việt Nam. Và nó cũng phản ánh lời ăn nói bình dân của người dân quê ở vùng Nam Định, Ninh Bình..

Chào An,

Theo tôi hiểu, từ 'Chân Đăng' là cái tên do những người Viêt Nam đi làm mộ phu trên quần đảo Tân Thế giới tự đặt da cho mình. Những người Việt Nam đến đây mộ phu bắt đầu vào cuối thế kỷ 19. Cuộc sống và công việc hồi đấy rất khổ, có thể so sánh với lô lệ vậy. Mình có thể hiểu lôm la là cho chân vào đăng ký đi mộ phu. Cũng dống như bị bó chân rồi và không còn lối thoát.

Có lẽ từ Chân Đăng đã được phổ biến rộng dãi cho những người Pháp và cả những người Viêt Nam thế hệ sau này ở đây cùng với nhừng người Viêt Nam các nơi, do cuốn tiêu thuyết 'Chân Đăng' viết bằng tiếng Pháp của nhà văn Jean VANMAI ; Một nhà văn sinh trưởng ở đây, là thế hệ đâu tiên con cháu của Chân Đăng.

Mình thấy từ 'Chân Đăng', từ một ý nghĩa nói lên cái hoàn cảnh và cuộc sống cùng khổ của những người đi mộ phu trên đảo, nó đã chuyển thành cái tên biệt danh cho những người Viêt Nam đi mộ phu ở Tân Thế giới. Còn những người Viêt Nam hiện tại sinh sống ở đây thường gọi là con cháu của Chân Đăng (descendants des Chân Đăng).

Trước khi viết thư chả lời, tôi đã hỏi mẹ mình, xem còn nhớ hồi con nhỏ đã nghe thấy từ Chân Đăng chưạ Vì ông bà ngoại tôi là Chân Đăng đi mộ phu ở mỏ kền. Mẹ tôi trả lời là không, và ông bà ngoại chỉ nói với mẹ tôi là đi mộ phu thôi. Theo tôi nghĩ, hồi xưa, từ này chỉ dùng trong những lúc chò chuyện và tâm sự dữa các người mộ phu với nhau.

Mong rằng câu trả lời này sẽ giúp bạn hiểu phần nào vệ cộng đồng người Viêt Nam trên đảo Tân Thế Giới (Nouvelle Calédonie). Euh, còn Noumea là thủ đô của Tân Thế Giới.

XXXX

Vào cuối thế kỷ 19, một số người nghèo ở các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đăng ký đi làm phu ở Tân Thế Giới.  Hợp đồng lao động bao gồm tàu đưa đi từ Bến cảng Hải Phòng đến Noumea, Nouvelle Caledonie hay Nouvelle Hebrides; cho việc làm rồi đến khi hết hạn hoặc tái đăng hoặc được hồi hương bằng tàu về Hải Phòng. 

Đời sống của gia đình phu mỏ ở Noumea tương tự như đời sống dân mỏ Than Hồng Gai,  dân cạo mủ ở đồn điền cao-su miền Đông Nam Việt.   

Gần đến Thế Chiến thứ hai, các mỏ ở Noumea được cơ giới hoá nên không cần nhiều đến sức lao động, đến cuốc, đến xa-beng của phu mỏ Việt Nam . Nên chủ mỏ quyết định giảm bớt phu mỏ và hồi hương họ. Nhưng chiến tranh ở Thái Bình Đường và rồi chiến tranh Việt Pháp làm gián đoạn, làm ngưng đọng chuyện hồi hương.

Việt Kiều ở Noumea cũng như ở Ai Lao, ở Đông bắc Thái Lan, 'Lính Thợ'  của Thế Chiến 1, 'Lính Thợ' của Thế Chiến 2 ở Pháp có khuynh hướng ủng hộ Việt Minh. Khi chiến tranh Việt Pháp chấm dứt,  vấn đề hồi  hương từ Noumea lại được đặt lại. Chính quyền Miền Nam chẳng có ý muốn đón nhận những Việt Kiều thân Cộng nầy, nhưng cũng không muốn thấy đại diện Việt Minh như một đối tác chính đến Noumea bàn lại chuyện hồi hương, và những chuyến tàu chở người Việt đi từ Noumea đi qua Nam Dương, Phi Luật Tân .. về Hải Phòng như những hình ảnh tuyên truyền có lợi cho Hanoi. Chuyện tranh cãi kéo dài năm sáu năm. Cuối cùng, có sự sắp xếp như sau. Những Việt Kiều Công Giáo gốc Phát Diệm, Ninh Bình chống Cộng hết mình ở lại Noumea.  Việt kiều Phật Giáo đa số hồi hương về Miền Bắc; một số rất nhỏ ở lại Noumea.

(Xin đọc bài Chân Đăng trên mạng http://vi.wikipedia)

Một chuyện ít được báo chí nói đến là khi Việt Kiều hồi hương về Miền Bắc thì Chiến Tranh Việt Nam 2 bắt đầu. Sau đó là chiến tranh Việt-Trung Haa, chuyện cấm vận, một nền kinh tế tồi tệ.  Khi Việt Nam bắt đầu đổi mới,  Khi Việt Nam bắt đầu đổi mới, một số nguời Việt Chân Đăng và cả con cái của họ sanh tại Việt Nam được phép ra đi trong vòng trật tự. Họ trở lại Noumea dễ dàng vì đã sanh đẻ tại đây, đã từng sống ở đây, và có thân nhân ở Noumea bảo lãnh. Một người Việt Nam Chân Đăng nói với tôi  'Chúng tôi khổ quá nên lại phải ra đi ..'  Chính quyền coi chuyện ra đi của Họ như là tị nạn kinh tế nên không ngăn cản, do đó liên hệ giữa Người Việt Chân Đăng với làng xóm cũ và với chính quyền Hanoi vẫn còn thân thiện.

Hiện tại số người Việt ở Nouvelle Caledonie vào khoảng 3000, 1.4% dân số chung. Và ở Nouvelle Hebrides (xứ Vanuatu) có độ 600 người.

1. Trung Tâm Công Giáo Noumea

Độ hai ba km về phía Bắc của Quartier Asiatique là Trung Tâm Công Giáo Việt Nam.   

Tôi đến đây ba lần, lần thứ ba vào sáng ngày chủ nhật vì tôi hi vọng sẽ được gặp người Việt đi rước lễ. Nhưng không may cho cả ba lần, trung tâm này cửa đóng then cài như hình chụp (hình 3 và hình 4).. Thành ra không có thông tin nào mới. Có lẽ Trung Tâm được lập ra khi người Công Giáo Việt Nam quyết định ở lại Noumea. Sau Trung tâm này là nhà nguyện Christ Roi. Cả hai nằm trong khuôn viên Nhà Thờ của dân bản xứ, và trực thuộc Tòa Tổng Giám Mục Noumea.




Hình 3 và Hình 4 - ảnh của tác giả

2. Chùa Nam Hải Phổ Đà

Xa hơn nữa về phía Bắc tại một vùng mới phát triển nên Chùa Nam Hải Phổ Đà có cơ ngơi vườn tược rộng rãi. Chùa này mới đượcc dựng lên trong vòng hai mươi năm qua, và vẫn còn đang xây cất thêm. Ngày thường chỉ có một hai vị cư sĩ lo chuyện lau chùi, nhang đèn và chăm sóc cây cối.  Rồi chiều tối đóng cửa Chùa, không ai ở lại đêm. Chiều chủ nhật Phật Tử tụ họp đông đảo hơn. Chùa theo Phật Giáo Đại Thừa, và liên hệ với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở Australia.  Nhà Chùa mong muốn có một nhà sư đến đây trụ trì thường trực. Hiện tại, nhà chùa vẫn phải mời các nhà sư Việt ở Úc, ở Đài Loan đến thỉnh giảng.   

Hình 5 - ảnh của tác giả

Tôi được tiếp đãi thân tình, được cho ăn cơm chay, tham dự vào việc cúng lễ, tụng kinh. Qua những chuyện trò thì mối quan tâm hàng đầu của các vị cư sĩ nầy vẫn là đi tìm một nhà sư trụ trì.   

... Mà ở đây không có một "chú tiểu Lan" như ở Chùa Long Giáng ngày xưa (truyện tiểu thuyết Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng) thì làm sao tôi có thể cán đáng được… Nam Mô A Dì Đà Phật.

(Xem http://namhaiphoda.weebly.com/)

3. Foyer Vietnamien

Cạnh chùa là Foyer Vietnamien,  một câu lạc bộ, một trung tâm cộng đồng do các đại gia Chân Đăng như Bùi Duyệt..,  lập ra. Ở đây có một sân banh, một nhà hội họp. Và chuyên môn tổ chức hội họp trong những ngày lễ Việt Nam như Tết Nguyên Đán.

http://noumea.awardspace.com/vietnamien.html

Nouméa en Photos - Foyer Vietnamien

4. Nghĩa Trang Cây Số Thứ Sáu

Tôi dành ngày cuối cùng ở Noumea đi tìm dấu vết của Người Việt Chân Đăng thế hệ thứ nhất, Nhất Thế (issei).  (Người Nhật đặt tên cho những người sanh tại Nhật đến Hoa Kỳ đầu tiên là Nhất Thế, issei. Rồi sau đó người Nhật sanh tại Mỹ là Nhị Thế, Nisei...)

Nghĩa Trang Cây Số Thứ Sáu, cách trung tâm thành phố Noumea 6km,  được coi là có nhiều mồ mã của Chân Đăng Nhất Hệ.  Những người Việt Nam sanh Bắc, từ những vùng nghèo đói, đồng chua nước nặm Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình,  và chết  tại Noumea, Nouvelle Caledonie. Đời sống của họ có khá hơn bao nhiêu so với đời sống phu mỏ Hồng Gai, với phu cạo mủ cao-su ở Miền Nam Việt Nam. Những người đàn bà theo chồng còn ra đi vẫn còn chít khăn mỏ quạ, vẫn còn đem theo ruột tượng, và mặc váy.   (Liệu họ có mặc nội-y không?)

Những ngôi mộ của Chân Đăng Nhất Thế mà tôi tìm thấy ở đây đã được con cháu sau này làm ăn khấm khá tân trang, xây cất lại.

Xin thắp một nén nhang.

Hình 6, 7, 8, 9, 10, và 11 - ảnh của tác giả

 

5. Lời Cuối (bổ túc ngày 11 tháng 4, 2015)

Khi đứng trước tượng Người Việt Chân Đăng , và rồi khi đọc lá thư của một Người Việt Chân Đăng Thế hệ thứ ba, Tam Thế, thì cuộc đi du lịch Noumea của tôi đã trở thành cuộc đi tìm kiếm dấu vết một trang  sử Vietnam đau buồn.

Và bài ký sự Noumea này đã gây ra nhiều hứng thú trong nhóm bạn bè và thân hữu. Một người học trò cũ cho biết đã tìm kiếm thêm được tài liệu bằng tiếng Pháp về chuyện người Việt đi làm phu mỏ. Rồi một người bạn khác đã nhờ ngườii quen hỏi ý nghĩa của chữ Chân Đăng từ phía người Pháp ở Noumea. Một người Việt từng làm giám đốc mỏ nickel ở Noumea căn cứ theo tài liệu của công ty đã trả lời như sau 'Chân Đăng là những nghèo đi chân không, đi chân đất (pieds nus) ký công tra (contrat: hợp đồng, khế ước) làm việc khai mỏ nickel trong 03 năm. Sau đó họ có thể quyết định ở lại hay về nước. '

Cuối cùng còn lại câu hỏi là người Pháp có dùng tù để làm việc khổ sai ở mỏ Noumea không?

Sử cho biết người Pháp đầy Thủ Khoa Huân đi Guyane, Nam Mỹ; đầy Phụ Chính Đại Thần Nguyễn Văn Tường đi Tahiti; đầy vua Hàm Nghi đi Algiers;  đầy vua Thành Thái và Duy Tân đi đảo Reunion và Nguyễn Thể Truyền đi Madagascar.

Năm 1891, một chuyến tàu chở 768 người Việt trong số đó có 479 là tù ở Côn Đảo, (thường phạm ? hay chính trị phạm?)  đến Noumea. Chuyến đi bất hạnh này có 96 người chết trước khi người Việt được phân phối về các mỏ. Mà rồi các chủ mỏ không thích dùng tù khổ sai không có trả tiền này.

Từ đó người Việt được tuyển mộ đi làm ở Noumea có khế ước, và có trả tiền .   Nhưng với đồng tiền thù lao chết đói.

___________________

Các bài của GS sử học Nguyễn Thái An: link http://sachhiem.net/LICHSU/N/ListNTA.inc.php