●   Bản rời    

Tấm Thiệp Mùa Đông của Ma Soeur T.M.

Tấm Thiệp Mùa Đông

của Ma Soeur T.M.

Lý Thái Xuân

http://sachhiem.net/LTX/LyThaiXH17.php

26-Dec-2014

Ma soeur T.M. là chị lớn của tôi. Bà đi tu từ lúc mới 13 tuổi, cái tuổi còn thơ ngây, theo dòng "Chúa Quan Phòng," (gốc từ Portieux bên Pháp) ở Cù Lao Giêng. Cho đến nay, chị đã ở trong dòng tu gần trọn đời người. Mỗi lần người ta làm một lễ cho chị "khấn", chị hoan hỉ báo tin cho thân phụ chúng tôi hay, xem như đã đi được một chặng đường mà ông chọn cho chị.

▪ Lý tưởng nào giữ các Ma Sơ bền đỗ?

Lúc chị "khấn trọn đời", chị xem như đã "bước vào ngưỡng cửa chính trên con đường nữ tu." Cả nhà xem đó là một thời khắc thiêng liêng nhất, và là một niềm hãnh diện cho gia đình vì chị "được bền đỗ." Bền đỗ là không bỏ tu. Mẹ tôi phập phồng sợ chị đòi bỏ dòng về nhà, ắt sẽ bị bà con sỉ vả suốt đời chịu đời không thấu. Lúc 15, 16 tuổi, đã mấy lần chị muốn ra ngoài chỉ cốt để được thi bằng Trung Học thử sức với các thanh thiếu niên cùng trang lứa. Tuổi trẻ phần đông đều có tính háo thắng. Chị tôi vốn thông minh, học giỏi, nên luôn muốn thử tài. Nhưng điều đó không phải là điều nhà dòng mong muốn.

Một lễ Khấn Trọn Đời cho nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng

Từ bé đến lớn, tôi chưa hề thắc mắc tại sao nhà dòng không cho chị thi bằng Trung Học. Cũng chẳng ai dám hỏi Mẹ Bề Trên lý do của chính sách này. Mẹ tôi khuyên răn nên nghe lời Bề Trên, "người ta không muốn thì thôi." Thế là ngày thi đã qua, và thử thách to tát đầu tiên dù muốn hay không cũng đã vượt qua. Cái chữ "thử thách" này bị lạm dụng trong dòng tu nhiều đến mức khó chấp nhận. Người ta thử thách để huấn luyện thể lực hay tinh thần để tiến đến mục đích nào đó tốt đẹp hơn cho bản thân mình, hay cho một giá trị nào đó. Nhưng dường như trong nhà dòng, chữ thử thách không hề có mục đích hướng thượng, mà chỉ là cái cớ để bắt nạt kẻ dưới cho thỏa tính độc tài (và nhiều khi độc ác) của mình mà thôi. Chị tôi có lẽ đã chịu rất nhiều thử thách, nhịn nhục, chịu la mắng không dám phân trần, thức khuya dậy sớm mỗi ngày đúng giờ để đọc kinh, đó là những lời cầu khẩn, van xin, và ca tụng.

Các cô gái non trẻ bị nhồi sọ vào đầu những giá trị do nhà dòng đặt ra một cách ích kỷ cho những người lãnh đạo trong dòng. Họ được dạy những "tấm gương" của các Bà Thánh, như Thánh Téresa, "vâng lời, chịu lụy," khuất phục trong mọi việc dù oan ức đến đâu,... để rồi được người đời "phong thánh." Thật ra, đố ai biết được những câu chuyện đó có thật hay chỉ là tưởng tượng! Nhưng cho dù có là chuyện thật đi nữa, người được được phong thánh như thế thì có ích gì cho ai, hay chỉ là có ích cho những bà "Bề Trên" mà thôi? Cho đến bây giờ, mấy chục năm sau, tôi không thấy các thứ kinh đó đã ảnh hưởng tích cực như thế nào cho cá tính hay kiến thức cho các "ma soeurs," ngoài tác dụng trở thành thói quen mà thôi, bỏ không được, vì sợ "tội".

▪ Ý Nghĩa của Dâng Hiến

Thân phụ tôi ngoan đạo gần như tuyệt đối, tin tưởng ở sự "dâng hiến" cho Chúa bằng cách "dâng hiến" đứa con đầu lòng cho nhà dòng. Ông đọc nhiều chuyện trong thánh kinh (Xuất Hành 13,1-2: CHÚA bảo Mô-se, 2 “Hãy dâng mọi con đầu lòng cho ta. Tất cả những con đầu lòng trong Ít-ra-en, bất kỳ người hay súc vật đều thuộc về ta,”) thân phụ tôi có lẽ bắt chước ông Abraham giết Isaac, đứa con duy nhất, để cúng tế Chúa Trời.

Khi Isamel trưởng thành, Chúa thử lòng Abraham bằng cách ra lệnh cho ông phải giết đứa con trai yêu quí của mình và đốt nó bằng củi lửa như những vật hy sinh khác (Koran 37:102-112). Abraham tuân lệnh Chúa nên dẫn Ismael lên núi Arafat (cách Mecca 16 dặm) để giết. Nhưng khi Abraham vừa mới vung đao lên để giết con thì Thiên chúa ngăn lại. Chúa hứa cho Ismael sau này trở thành tổ phụ của một dân tộc lớn. Về sau, Ismael có 12 người con trai là tổ tiên của 12 giống dân Ả rập. (Điều này cũng tương tự như Kinh thánh Cựu ước Do thái chép rằng : cháu nội của Abraham là Gia-cóp có 12 con trai là tổ phụ của 12 bộ lạc Do thái. Kinh thánh Tân ước cũng chép : Chúa Jesus chọn 12 tông đồ để lãnh đạo 12 bộ lạc Do thái chứ không phải để truyền đạo khắp thế gian.) [xem "Truyền Thống Abraham Dưới Ánh Sáng Khoa Học Khảo Cổ" của Charlie Nguyễn]

Đó là câu chuyện mà chúng tôi thường nghe thân phụ tôi kể. Ông say mê những câu chuyện mà ông gọi là "gương thánh", nên noi gương chước "hy sinh" đứa con gái đầu lòng cho nhà dòng. Thế là ông giao phó cho nhà dòng, không cần biết người ta có làm tình làm tội chị tôi cũng như các "ma soeurs" khác cũng đang tuổi thơ ngây như thế, trong khi ở nhà tự hào rằng mình đã làm một việc "nên thánh." Chỉ có điều, khi thân phụ tôi dâng hiến đứa con đầu lòng cho nhà dòng thì không có Chúa ra cản lại!

Bà nội tôi mỗi năm đều tìm cách dắt tôi đi thăm chị T.M.. Lúc đó, chị đang ở Cù Lao Giêng. Lần đầu thăm chị, nhà dòng cho hai bà cháu vào trọ và đối đãi như khách thân quí: được ăn chung với các ma soeurs những thức ăn lạ, kiểu Tây, được cho bàn chải đánh răng,... Đó là những hình ảnh mà trong tuổi ngây thơ và gia cảnh nghèo nàn, tôi cảm thấy hãnh diện được đối đãi tử tế "vì có người chị đi tu," Tất cả người theo đạo Chúa đều nghĩ như thế. Dường như tôi đã đọc một vài lá thư của chị gửi về, kể lể tổng quát việc này nọ, đại ý là khá cực khổ, nhưng sẽ chịu đựng hết "vì Chúa". Chị còn làm thơ nữa, và tôi âm thầm khóc mỗi lần đọc thư chị. Nhưng, cũng như tất cả những người trong gia đình, tôi vẫn xem như chuyện đó là lẽ đương nhiên.

▪ Tiếng nức nở trước cổng tu viện

Năm sau, tôi lại theo bà nội đi thăm chị lần nữa, lúc tôi được khoảng 10 hay 11 tuổi. Lần này, hai bà cháu tôi ở tạm nhà người quen của bà. Trong nhà người quen này có một người tàn tật, bất thường, chân bị xiềng vào cột nhà, nước dải chải ra từ miệng, trông vừa tội nghiệp vừa ghê sợ.

Hình ảnh đó ám ảnh làm tôi không còn nhớ rõ ngày đầu đi vào nhà dòng thăm chị như thế nào. Ngày hôm sau, tôi và bà nội chuẩn bị trở về. Trong lúc đón xe, bà còn cho phép tôi vào thăm chị lần nữa để chào tạm biệt. Lần này ấn tượng nhất, làm tôi nhớ mãi cho đến ngày nay và có lẽ đến suốt đời tôi. Tôi đến cổng nhà dòng, một lúc sau, chị chạy ra. Tôi hỏi

 

- Chị đang làm gì vậy?

- Chị đang phụ lặt rau dưới bếp.

- Nội bảo em đến chào chị để .. về.

Thật ra tôi chưa nói được trọn chữ "về" thì đã bật khóc nức nở và tức tưởi như bị oan ức chuyện gì vậy. Thế rồi tôi đứng đó như trời trồng. Chị cũng khóc, và cũng nghẹn ngào bảo tôi:

- "Thôi đi đi kẻo bà nội chờ," và xe đò không thể chờ lâu được.

- "Chị vào trong trước, rồi em sẽ đi." Tôi nài nỉ.

Cả hai người cứ nói qua nói lại như thế, chờ người kia quay gót. Chẳng ai chịu quay gót trước. Và cảnh đó kéo dài rất lâu. Không thể ở ngoài cổng mãi có lẽ vì sợ bị quở phạt, nên cuối cùng, chị tôi quay mặt chạy vào trong rất nhanh. Tôi còn đứng nức nở cho đến khi chị khuất dạng mới nặng nề cất bước quay đi. Xe đò đang phừng phực máy nổ, và bà tôi trách móc tôi thế nào đó, tôi không còn tâm trạng để ý nữa.

Không hiểu nguyên nhân vì sao, có lẽ vì sức khỏe của bà tôi không còn được tốt, hay vì không tìm được chỗ trọ như trước, đó là lần cuối cùng tôi được nội dắt đi thăm chị.

Tháng ngày trôi qua. Những xúc động về sự xa lìa chị tôi trong tuổi niên thiếu tạm gác lại, không phải vơi đi vì quen, nhưng vì những bận rộn trong cuộc sống. Tôi đã thành chị cả đối với mấy đứa em thơ dại. Trong lúc đó, chị tôi trải qua tuổi hoa niên của mình bằng những "lý tưởng" mà nhà dòng tâm đắc vì chúng rất hữu hiệu để giữ chân các nữ tu: "tình yêu Chúa" thay cho tình yêu nam nữ. Hậu thuẫn là một nền văn hóa đề cao các giá trị như "bền đỗ, vâng lời, nhẫn nhục, chịu lụy, khiêm nhường, ăn năn,..." đã thâm nhập cùng lúc với các câu kinh bài hát ca tụng Chúa, Đức Mẹ với lòng hãnh diện làm "tôi tớ hèn mọn", cuộc sống của chị cũng êm đềm trôi qua. Trong khuôn khổ đó, khả năng học tập của chị cũng hướng vào một vùng giới hạn có một vài cánh cửa mở đi thẳng vào những môn thần học, hay tiếng Pháp, tiếng Anh. Chị đã hoàn toàn thích nghi, bằng lòng và vui mừng báo tin vui cho cả nhà từng bước đi trên con đường nhỏ hẹp đó.

Ngày được chọn đi Pháp, đi Anh để học những môn cần thiết, cả nhà cũng lại vui mừng cho chị có thêm những ngày tháng phấn chấn trong cuộc đời. Thân sinh chúng tôi luôn hãnh diện về chị không chỉ là một nữ tu, mà là một nữ tu xuất sắc, thông minh, biết xoay sở cho nhà dòng trong một thời gian nguy ngập, theo từng lá thư chị tự kể thành tích của mình để làm vui lòng song thân.

▪ Những tấm thiệp và những câu chúc truyền thống của Ki-tô hữu

Thỉnh thoảng chúng tôi được chị gửi tặng ảnh Chúa, ảnh Đức Mẹ, các bà thánh này, ông thánh kia. Những ngày lễ, chúng tôi nhận được thiệp chúc của chị và những lời thăm hỏi.

Một văn hóa rất Tây, lạ thì có lạ, đẹp thì có đẹp, nhưng riêng tôi cảm thấy nó quá hình thức, rập khuôn, và dần dần không thấy chân tình nằm ở đâu trong các việc đó. Tôi biết chị tôi là một người tình cảm, nhưng cách biểu lộ tình cảm theo một khuôn mẫu nhất định lâu ngày cũng thành chai cứng, không còn uyển chuyển nữa.

- Xin Chúa Hài Đồng đem niềm vui đến cho chúng ta,

- Chúc Cha Mẹ và các em được yên bình trong tay Chúa và Đức Mẹ,

- Nhân ngày lễ bổn mạng của em, chị chúc em luôn được thánh bổn mạng che chở,

- Xin Chúa và Mẹ Maria ban phúc lành cho gia đình mình,... Nhớ nhau trong Chúa, vân vân,...

Thật ra, không riêng gì chị tôi, các thiệp chúc của những người theo đạo Ca-tô đều giống nhau. Loay hoay chỉ có mấy câu, câu nào cũng giao phó (khoán) cho Chúa, Đức Mẹ, và cả cậu Chúa Hài Đồng mới sanh làm đủ mọi chuyện dùm mình gồm cả chuyện hiếu thảo hoặc ân cần! Những câu nói không có ý nghĩa trần tục và thiếu thực tế như vậy chỉ có thể gần gũi với sự giả dối và đầu môi hơn là chân tình. Lâu ngày rồi, những tấm thiệp chỉ được mỗi một việc tốt là đem lại công việc làm cho các nhà bưu điện trong mấy ngày lễ. Không cần đọc, ai cũng hiểu trong mỗi tấm thiệp đó sẽ nói những gì.

Đó là những lời chúc. Còn hình ảnh trên các tấm thiệp thì muôn hình vạn trạng. Đẹp lộng lẫy màu sắc thì có, đẹp đơn sơ thanh khiết cũng có, sang trọng có, quê mùa có, nhưng tất cả đều thiếu một cái gì ấm cúng. Những tấm ảnh căn nhà trong tuyết giá, những cái chuông đỏ đỏ xanh xanh, những thắt nơ kim tuyến, hoặc những ngôi sao xanh, những hàng chữ chúc tụng đến Chúa, Mẹ,.. những hồn ma bóng quế đâu đâu, những gói quà thắt nơ rất bề ngoài, không có ý nghĩa gì gần gũi và cảm động ai cả.

Chúa Hài Đồng có đem bình an đến cho nhân loại thực không? Câu này được nói bao nhiêu triệu lần, tỉ lần trên đầu môi các Ki-tô hữu, có tác dụng gì chưa? Merry Christmas có nghĩa gì cho những người vô gia cư, bị đám tư bản lấy sạch nhà vì thiếu tiền trả nợ. Happy Holidays có nghĩa gì cho những thân nhân của những người có con chết trận trong chiến tranh triền miên ở các xứ Trung Đông?

Dù bị nhồi sọ, nhưng bản tính chị tôi vốn thông minh, nên thỉnh thoảng chị cũng lộ ra vài ý nghĩ ... vui vui. Có lần chị nhận được những dĩa ca nhạc của chúng tôi gửi, chúng tôi nói "Em không biết chị có quyền nghe mấy bài hát tiếng Việt không?". Chị cười: "Còn đỡ hơn nhận mấy xâu chuỗi hoặc ảnh mấy bà thánh, ông thánh!"

▪ Bức thư quyết định

Thấy chị tôi cởi mở, dần dần tôi hé lộ cho chị nghe một vài điều tôi suy nghĩ về việc đi đạo. Tôi viết một lá thư gửi chung cho các chị em như sau:

"Chị và các em thương mến,

Chúng mình lớn lên cùng một mái nhà, cùng cha cùng mẹ. Ít nhất là thưở nhỏ, chúng ta sống trong cùng một thứ văn hóa, một lối giáo dục, ăn cùng một thức ăn, thở cùng một không khí, ... Chúng ta đã cùng có những nhu cầu giống nhau, những rung cảm giống nhau về nhiều vấn đề, nhất là niềm tin tôn giáo. Và chúng ta như keo sơn, ít nhất là trong tâm hồn.

Lớn lên hơn một chút, mỗi người đi học với các thầy giáo cô giáo khác nhau. Tuy họ có thể theo cùng một giáo trình giống nhau, nhưng kiến thức và khả năng mỗi người rất khác nhau. Và các bạn của chị, của các em cũng khác nhau. Môi trường chắc chắn khác nhau ở mỗi trường, mỗi lớp, mỗi năm. Từ đó, chúng ta bắt đầu có một số ảnh hưởng khác nhau.

Và bây giờ, chị và các em nhìn xem, mỗi người có một gia đình riêng. Kẻ thì ở nhà dòng, người thì lấy chồng Bắc, người lấy chồng Tây, kẻ thì già, người thì trẻ, đến từ nhiều miền văn hóa khác nhau. Chưa kể, ý thích của mỗi người cũng khác nhau. Em thích học khoa học, còn chị thì thần học, các em mình, đứa thì học thuốc, đứa thì học vi tính. Có ai giống ai đâu? Đương nhiên, điều này làm cho chúng ta có thể suy nghĩ rất khác nhau. Chưa kể, ngoài mái trường ra, về nhà mỗi người thích đọc những loại sách khác nhau. Riêng em đã tiếp xúc với các bạn đồng nghiệp, đã có những trận đấu khẩu nhẹ về tôn giáo, về chính trị, đã đọc một số sách khả tín của những tác giả mà em ngưỡng mộ. Cuối cùng, người phối ngẫu của mỗi người cũng khác, bạn bè của họ cũng là một góc cạnh ảnh hưởng khác nữa. Từng bao nhiêu biến số nhập chung vào, đã cho ra những kết quả khác nhau trong mỗi người.

Chẳng may, một trong những biến số quan trọng nhất của em lại nằm trong đề tài đi đạo.

Em không còn tin những gì em được dạy phải tin lúc còn bé. Em không thấy việc đi nhà thờ có một ý nghĩa nào như trước đây em từng cảm giác. Ngày xưa em sợ "ông kẹ nằm trong góc tối", bây giờ em không tin có "ông kẹ" nào cả. Ngày xưa em không dám nói ngoa vì sợ "tội", bây giờ em không thích nói ngoa vì em thích sức mạnh của sự thật. Ngày xưa em thi đậu thì cám ơn Chúa, bây giờ trước khi thi, em phải cố gắng học bài siêng năng để bảo đảm cho kết quả, và khỏi cám ơn ai cả, vì nếu em không cố gắng hết mình thì chắc chắn em rớt, chứ Chúa Toàn Năng mà em ca hót nịnh nọt mỗi ngày cũng không thể cho em đậu được. Ngày xưa, đi đâu em cũng thấy Đức Bà Maria, trên đám mây ngũ sắc, trong vết mực loang, trên ngọn khói bếp, hay cả trong giấc mơ, nhìn em rất trìu mến. Nhưng từ khi em không còn mơ màng tin tưởng những chuyện hoang đường trong tuổi thơ nữa thì em cũng không thấy Bà ở đâu cả.

Và những điều suy nghĩ trên đây làm em rất e dè với các chị em bao lâu nay, bây giờ thì em quyết định bày tỏ bằng lá thư này. Tuy nhiên, sống trong những nước tân tiến nhiều năm, em hy vọng mỗi chúng ta sẽ có sự bao dung văn hóa, không vì khác tư tưởng mà ghét nhau. Em hy vọng tràn trề các chị em mình vẫn thương yêu em như đã từng trước đây.

Em mến chào chị, và các em trong tình yêu gia đình."

Ký tên

Sau đó là một sự im lặng khủng khiếp. Không một ai trả lời Yes hay No gì cả. Các chị em tôi cũng không đá động gì đến lá thư "lạ lùng" của tôi, xem như không nghe thấy gì cả. Đồng thời, việc tôi không đi nhà thờ nữa cũng chẳng ai hạch sách gì. Mỗi lần có việc kỷ niệm giỗ thân sinh chúng tôi, tôi tôn trọng quyết định của các chị em khác, làm theo nghi thức đạo và tôi cũng tham dự như thường. Tôi thầm nghĩ sẽ sẵn sàng bước ra khỏi nơi hành lễ nếu có ông linh mục cà chớn nào dám nói xỉa xói đến tôi.

Chị tôi vẫn đối đãi chúng tôi như xưa. Dần dà, chị có những câu nói rất tiến bộ, ít nhất là để cho tôi nghe. Chị xài computer và có lẽ mê nó hơn ... Chúa! Có lần chị nói Google là Thượng Đế, hỏi gì nó cũng trả lời cũng được. Tuy nhiên, chị luôn luôn là một ma soeur thuần thành và trung tín với nhà dòng.

▪ Tấm thiệp năm nay của Ma Soeur

Mấy năm trước, chị tôi vẫn còn gửi những tấm thiệp Noel kiểu truyền thống. Nhưng năm nay chị gửi cho tôi tấm thiệp có hình hoa sen, trúc, và những hình ảnh rất tĩnh và những từ ngữ rất thiền: năng lượng, êm đềm, thăng bằng,.... Tôi thật bất ngờ và xúc động thật nhiều trước sự thông cảm sâu sắc của chị tôi.

Chị tôi thực sự xứng đáng là một người sống ở một nước tân tiến, tôn trọng tư tưởng của người khác. Khác hẳn nhiều người quanh tôi. Từ khi tôi ngưng đi nhà thờ, và bắt đầu chống đối mỗi lần có ai muốn truyền đạo cho tôi, tôi sẵn sàng vạch trần sự tầm phào hoang đường, nói lý lẽ về "thánh kinh" về chính sách bá quyền của giáo hội, ảnh hưởng đối với nước Việt Nam,... tôi đã gánh chịu nhiều phản ứng rất tiêu cực của những người theo Đạo từ phía đàng sau lưng, âm ỷ, ly gián, cô lập,... Nghĩa là những thái độ và hành động của người không hề biết tôn trọng tư tưởng khác biệt, mặc dù họ đang sống ở một nước văn minh.

Càng bị khổ nạn như thế, tôi càng trân quí thái độ của chị tôi. Nhớ về chị trong tuổi thơ của chị và của tôi như đã kể trên, tôi nghẹn ngào như đang đứng trước cổng tu viện Dòng Chúa Quan Phòng ngày xưa.

Mong chị luôn được an vui trong cuộc đời còn lại.

 

Lý Thái Xuân


Bài cùng chủ đề:

- Noel - Mừng Giáng Sinh (Bùi Kha)

- Những Chủ Đề Mới Trong Thiệp Chúc Mùa Đông (Lý Thái)

- Quanh ngày lễ Giáng sinh (Christmas) ở Mỹ ngày nay (Trần Xuân Ninh)