Liên Quân Pháp – Vatican Gây Hấn Ở Bắc Bộ Và Chiến Tranh Bùng Nổ Trên Toàn Quốc
Ngay khi vừa tiến ra Bắc, quân Pháp liền chuẩn bị để gây hấn, uy hiếp chính quyền và quân đội kháng chiến Việt Nam. Bỏ ra ngoài những hành động lẻ tẻ của những quân lính Pháp ức chế nhân dân ở các vùng kế cận chúng trú đóng, người viết chỉ ghi lại những hành động cố tình gây hấn của chúng đã dẫn đến biến cố 19/12/1946 mà thôi.
Hành động gây hấn quan trọng của quân lính Pháp đưa đến biến cố bùng nổ chiến tranh trên toàn lãnh thổ Việt Nam là chuyện xảy ra vào sáng sớm ngày 20/11/1946[1] . Lúc đó, một chiếc tầu tuần duyên của Pháp bắt giữ một thương thuyền Trung Hoa chở hàng hóa tiến vào thương cảng Hải Phòng. Lính Tự Vệ Việt Nam can thiệp và bắt giữ ba nhân viên thủy thủ đoàn của chiếc tầu tuần duyên Pháp. Đồng thời, quân Pháp đồn trú ở trên bộ cũng có những hành động ngang tàng hống hách, hà hiếp nhân dân trong các khu phố gần bên và khiêu khích quân Tự Vệ gần đó khiến cho hai bên cùng nổ súng. Trong cuộc nổ súng này, quân Tự Vệ bắt được(thêm) ba lính Pháp.
Đại Tá Debès chỉ huy đạo quân Pháp trú đóng tại Hải Phòng được lệnh dùng vũ lực tấn công đồn Tự Vệ để giải thóat cả sáu lính Pháp đang bị giam giữ ở trong đó. Quân Tự Vệ Việt Nam cương quyết tử thủ giữ đồn. Tại Hà Nội, khi được tin này, đại diện Pháp là ông M. R. Lacharrière thỏa thuận với ông Hồ Chí Minh rằng hai bên phải cử phái đoàn gặp nhau ngay tức khắc để giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Hai phái đoàn này đã đạt được một thỏa hiệp ngưng bắn. Sự rắc rối tưởng như đã được giải quyết. Thế nhưng, ngay khi đó, Đại Tá Debès lại nhận được lệnh của Tướng Valluy, gửi tối hậu thư cho chính phủ Việt Nam buộc phải di tản, rút ra khỏi thành phố Hải Phòng. Ngày 22/11/1946, Tướng Valluy lại gửi thêm cho Đại Tá Debès một bức điện tín khác nói rằng cứ việc tự tiện hành động không cần phải có lệnh của cấp chỉ huy trực tiếp của Tướng Morllière (Tư Lệnh Quân Đội Pháp ở Bắc Việt).
Ngày 23/11/1946, Đại Tá Debès chuyển tối hậu thư của Tướng Valluy từ Sàigòn (Tổng Tư Lệnh Đoàn Quân Viên Chinh) cho chính quyền Việt Nam tại Hải Phòng đòi chính quyền của ta phải cấp tốc đi ra khỏi thành phố Hải Phòng trong vòng hai (2) tiếng đồng hồ. Chính quyền Việt Nam tại Hải Phòng từ chối, lấy lý do là còn chờ nhận được lệnh từ chính quyền trung ương ở Hà Nội. Đại Tá Debès gia hạn thêm 45 phút nữa. Phía Việt Nam vẫn giữ vững lập trường và chuẩn bị đối phó.
Đúng hạn kỳ, máy bay khu trực và oanh tạc cơ Pháp tung hoành trên không phận yểm trợ cho các đoàn thiết giáp và bộ binh tiến chiếm các khu phố, tấn công các trụ sở chính quyền Việt Nam. Quân Tự Vệ Việt Nam chỉ có súng trường Mousqueton, mã tấu và lựu đạn quyết tâm liều chết bảo vệ Hải Phòng.
Hải Phòng chìm ngập trong những cơn mưa hải pháo của địch quân. Các khu phố trở thành hỗn loạn, nhà cửa tan hoang, xác người trần ngập đó đây.
Trận đánh kéo dài tới ngày 28/11/1946, quân Tự Vệ và chính quyền Việt Nam phải rút lui ra khỏi thành phố, người người lũ lượt chạy trốn Hải Phòng, băng qua Cầu Niệm, theo Đường Số 10 tràn sang Kiến An, tiến qua An Lão, Tiên Lãng, rồi từ đó, hoặc là đi về Tư Kỳ tràn xuống Ninh Giang, hoặc là tiến sang Vĩnh Bảo rồi đến Thái Bình để lánh nạn. Con số nạn nhân bị chết vì bom đạn vô tội vạ và quân dân hy sinh liều chết bảo vệ Hải Phòng lên tới nhiều ngàn người.
Phía quân Pháp công bố con số tử vong của phía Việt Nam không qúa 6 ngàn (no more than 6,000 killed), trong khi đó thì phía chính quyền Việt Nam công bố con số thương vong lên tới gần 20 ngàn. [2]
Tin chiến sự lan ra toàn quốc. Cụ Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân hãy bình tĩnh. Trong khi đó thì Tướng Võ Nguyên Gíáp yêu cầu được gặp Tướng Molìère (Tư Lệnh Quân Đội Pháp tại Bắc Việt) vào ngày 27/11/1946 để bàn luận tìm ra một phương cách làm cho tình hình bớt căng thẳng. Nhưng mãi tới ngày 29/11 Tướng Molìere mới chịu gặp Tướng Giáp. Khi nói chuyện, Tướng Molière nói thẳng cho Tướng Giáp biết rằng lập trường của Pháp là Pháp phải kiểm soát Hải Phòng cùng các vùng phụ cận và quốc lộ só 5 (nối liên Hà Nội với Hải Phòng) cũng như tất cả các thông lộ nối liền với các đồn trú quân của Pháp. Nếu chính phủ Việt Nam không chấp nhận những điều kiện này thì không có bàn thảo gì hết.
Đòi hỏi quá đáng trên đây của Pháp khíến cho chính quyền Việt Nam không còn hy vọng gì thương thuyết được với người Pháp và phải chuẩn bị chiến tranh. Tất các cơ quan chính quyền Việt Nam chuẩn bị rút lui ra khỏi thủ đô Hà Nội để chờ giờ hành động.
Tuy nhiên, ngày 2/12/1946, Pháp cử ông Sainteny đến Hà Nội gặp Cụ Hồ Chí Minh để bàn chuyện hoà bình. Nhân cơ hội này, Cụ Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân Pháp và Quốc Hội Pháp hãy can thiệp chống lại những hành động hiếu chiến và gây hấn của Đoàn Quân Viễn Chinh Pháp ở Đông Dương. Ngày 18/12/1946 chính phủ Pháp cử ông Marius Muotet, Bộ Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại, đến Sàigon để cố gắng tìm cách thương thuyết hòa bình với chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, lúc đó đã quá muộn. Cả Pháp và Việt Nam đều đã chuẩn bị chiến tranh và phải quyết chiến để giành thắng lợi. Trước đó một ngày, ngày 17/12/1946, Tướng Valluy (Tổng Tư Lệnh Đoàn Quân Viễn Chinh) bất ngờ đến Hải Phòng ra lệnh cho vị sĩ quan chỉ huy quân lính tại đây phải chuẩn bị hành động.
Cùng ngày hôm đó, quân Tự Vệ Việt Nam ở Hà Nôi tấn công một quân xa của Pháp, nhiều lính Pháp thiệt mạng. Quân Pháp được lệnh tiêu diệt các đồn quân Tự Vệ và đốt phá các khu phố lân cận khiến cho 15 thường dân bị thiệt mạng. Phái đoàn Sainteny đòi chính phủ Việt Nam phải phá bỏ hết tất cả các công sự chiến đấu trong thành phố. Đồng thời, quân Pháp tấn công Bộ Tài Chánh và Bộ Giao Thông, lấy cớ rằng có súng bắn từ các cơ sở này. Cuối cùng, sáng ngày 19/12/1946, Tướng Molière (Tư lệnh Quân Đội Pháp ở Bắc Việt) đòi giải giới quân Tự Vệ Việt Nam và vấn đề an ninh trong thủ đô Hà Nội phải do quân đội Pháp đảm nhận.
Chính phủ Việt Nam coi đòi hỏi trên đây của Tướng Molière như là tối hậu thư bắt Việt Nam phải đầu hàng. Cụ Hồ Chí Minh tìm cách tiếp xúc với ông Sainteny để cứu vãn tình thế. Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Hoàng Minh Giám yêu cầu được gặp Tướng Molière, nhưng bị từ chối. Đồng thời, Tướng Giáp cũng kêu gọi Tướng Valluy hủy bỏ đòi hỏi trên đây.
Tất cả đều vô vọng. 6 giờ chiều hôm đó, quân Pháp được báo cáo cho biết phía Việt Nam đã sẵn sàng trong tư thế tấn công. 8 giờ tối hôm đó, Hà Nội chìm trong bóng tối vi các nhà máy điện đã bị phá hoại và lệnh tấn công nhắm vào các đồn binh Pháp ở Hà Nội được ban hành. Đêm hôm ấy, Hà Nôi vang rền tiếng súng và tiếng hô xung phong giết giặc của Trung Đoàn Bảo Vệ Thủ Đô dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Vương Thừa Vũ. Nhân dân Hà Nội lếch thếch bồng bế nhau trốn ra các làng thôn kế cận ngọai ô, rồi lần lần xa dần Hà Nội, dấn thân theo cuộc chiến cùng chìm nổi với quê hương. Nói về những ngày lịch sử trọng đại này, sách Lịch sử lớp 12 viết:
“Trong hành động xâm lược của thực dân Pháp, nhân dân ta chỉ có một con đường: cầm vũ khí kháng chiến để bảo vệ độc lập, tự do. Ngày 18 và 19/12/1946, hội nghị Ban Thường Vụ Trung Ương Đảng quyết định phải phát động toàn quốc kháng chiến và đề ra những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài để chỉ đạo cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Ngay trong đêm 19/12/1946, Chủ Tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước kháng chiến. Sáng ngày 20/12, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ Tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp đất nước: Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả,chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ Tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, là mệnh lệnh cách mạng tiến công, giục giã và soi đường, chỉ lối cho mọi người Việt Nam đứng dậy cứu nước.”
Khoảng 20 giờ ngày 19/12/, công nhân nhà máy điện Yên Phụ phá máy. Cả thành phố Hà Nội tắt điện. Đó là hiệu lệnh chiến đấu trong toàn thành…”[3]
Võ Nguyên Giáp (bên trái) và Hồ Chí Minh (bên phải) năm 1942. Ảnh http://static.newworldencyclopedia.org/
Kể từ đây, toàn dân hăng say quyết tâm dồn hết nỗ lực vào việc phục vụ cho kháng chiến. Cuộc kháng chiến này của dân tộc ta quả thật là cực kỳ khó khăn và vô cùng gian khổ nhưng cũng hết sức hào hùng.
CHÚ THÍCH
[1] Joseph Buttinger, ibid., p. 263. Trang sách này ghi rõ là ngày 20/11/1946.. Trong cuốn Hai Mươi Năm Qua: Việc Từng Ngày, nơi trang 29, cụ Đoàn Thêm cũng nói là ngày 20/11/1946 với nguyên văn như sau: “20/11/1946.- Tư vệ Hải Phòng ngăn chặn thuyền chở hàng cho Pháp, khám xét và bắt nộp thuế Đoan, đồng thời bắt vài binh lính Pháp. Hai bên nổ súng, Pháp bị chế và bị thương vài chục. Ban Liên-Kiểm Việt-Pháp từ Hà Nội xuống dàn xếp, nhưng tìinh hình vẫn gay go.” Nhưng trong cuốn Quân Sử 4 (đo Đại Nam xuất bản), nơi trang 24 lại viết rằng: “Quyết định của d’ Argenlieu đã dẫn đến việc rắc rối trầm trọng ngày 20/10 (1946) khi hải quân Pháp bắt gia một thuyền chở hàng của Việt Nam mà Pháp cho là lậu thuế. Việc này khiến cho nhà chức trách Việt Nam phải can thiệp.” Thiết nghĩ rằng biên cố này xẩy ra vào ngày 20/11/1946.
[2] Joseph Buttinger,Ibid., p. 266. Nguyên văn: "The Vietnamese claim that the number of victims was close to 20,000 is disputed by the French. "No more than 6,000 killed, in so far as naval bombardment of fleeing civilians was concerned, Admiral Battet later told Paul Mus."
[3] Đinh Xuân Lãm Nguyễn Xuân Minh & Trần Bá Đệ, Lịch Sử Lớp 12 - Tập2 (Thành Phố Hồ Chí Minh: Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, 2005), tr. 81.