●   Bản rời    

Trò ảo thuật về bầu cử - Đảng Nào Xài Phung Phí Nhất?

Trò ảo thuật về bầu cử -

Đảng Nào Xài Phung Phí Nhất?

Lữ Giang, Trần Tiên Long

http://sachhiem.net/TTL/TranTL33.php

28-Oct-2012

LTS: Trong bài "Nền Dân Chủ Của Mỹ - Chỉ Rặc Đạo Đức Giả Được Che Đậy?", Larry Yu quan sát các cuộc bầu cử theo nhãn quan quốc tế bằng cặp mắt tiêu cực. Nhìn vào quốc nội, những cuộc đấu khẩu giữa hai đảng vẫn luôn gay go, vì ít ai biết những tay tư bản, những hoa tiêu trong phòng lái, đang nói gì và làm gì. Nguy hiểm hơn nữa là các con số thống kê lại cũng không phải tất cả là sự thật. Qua hai bài viết sau đây của hai tác giả Lữ Giang và Trần Tiên Long cho ta thấy phần nào một vài bí mật của một sinh hoạt xã hội liên quan đến việc bầu chọn Tổng Thống, hay bầu chọn đảng phái, trong một nước mà nhiều người Việt cho là dân chủ nhất (?). Bí mật kế tiếp sẽ là đảng nào sẽ được đa số trong quốc hội, sẽ khóa tay hay nâng tay vị tổng thống đắc cử. Bí mật còn lại chính là lá phiếu của chính ta, may ra có thể góp vào "cử tri đoàn" ở tiểu bang mình cư ngụ (SH)


Kính thưa quí đọc giả,

Bài Trò Ảo Thuật Về Bầu Cử của tác giả Lữ Giang đã vạch rõ được những nét khác biệt căn bản giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, nhất là về vấn đề phá hoại nền kinh tế quốc gia. Chúng ta thường dễ bị chi phối bởi những mánh mung truyền thông xuyên tạc của các thế lực tư bản. Tất cả chỉ vì quyền lợi của phe nhóm.

Một trong những xuyên tạc của đảng Cộng Hòa là vẽ lên một chính quyền Obama đã xài tiền phung phí và làm thâm thủng ngân sách quốc gia trầm trọng nhất. Thực ra, theo tờ Forbes Magazine, chính quyền Obama của đảng Dân Chủ là một chính quyền tiêu tiền ít nhất đối các chính quyền khác kể từ thời Tổng Thống Eisenhower. Duy chỉ có năm 2009, năm đầu tiên khi Obama làm tổng thống, là năm có ngân sách quốc gia tăng cao nhất, 17.9%; nhưng đó là một ngân sách đã được biểu quyết bởi cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ khi George W. Bush đang còn làm tổng thống.

Thống kê của Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (Congressional Congress Office) xác định ngân sách quốc gia của các chính quyền tăng như sau:

Reagan 1982-1985: tăng 8.7%

Reagan 1985-1989: tăng 4.9%

GHW Bush 1009-1993: tăng 5.4%

Clinton 1994-1997: tăng 3.2%

Clinton 1998-2001: tăng 3.9%

GW Bush 2002-2005: tăng 7.3%

GW Bush 2006-2009: tăng 8.1%

Obama 2010-2013: tăng 1.4%

Như vậy, nếu chịu khó nhìn vào các con số thống kê trên, người ta mới biết được rõ ràng rằng các chính quyền của đảng Cộng Hòa là những chính quyền tiêu tiền thuế một cách hoang phí nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Có một điều mà tác giả Lữ Giang đã viết nhưng không có sức thuyết phục, rằng “Trên nguyên tắc, trong trường hợp có suy thoái kinh tế, có hai biện pháp được áp dụng, một là tăng thuế hai là cắt giảm ngân sách.”

Đúng hơn, trong trường hợp nền kinh tế suy thoái, biện pháp căn bản từ xưa nay là phải tung thêm tiền vào thị trường để kích hoạt cầu. Nếu người dân có tiền thì họ sẽ mua sắm nhiều hơn, làm kinh tế phát triển. Những stimulus packagesbail-outs chính là cách thức tiêu tiền để kích thích nền kinh tế. Nếu tăng cầu thì sản xuất cũng sẽ tăng thêm để thỏa mản định luật cung cầu. Giải pháp bail-outs ở Âu Châu cũng là biện pháp tung tiền để cứu vãn nền kinh tế của Hy Lạp, Ý, và Spain. Biện pháp tăng thuế và cắt giảm ngân sách không phải để cứu chữa nền kinh tế suy thoái, nhưng là để lấy lại sự thăng bằng ngân sách quốc gia. Căn bệnh vừa suy thoái kinh tế và vừa thiếu hụt ngân sách là một căn bệnh khó trị, bởi vì nếu tung thêm tiền vào nền kinh tế thì sẽ làm thâm thủng thêm ngân sách. Chữa bệnh này thì sẽ làm tăng thêm bệnh khác. Đó là một thế tiến thoái lưỡng nan của chính quyền Obama. Giảm thuế  người nghèo, tăng thuế người giàu bằng mức thuế ở thời Tổng Thống Clinton, là biện pháp dung hòa để chữa cả hai căn bệnh. Chính luật giảm thuế và hai trận chiến không có tiền trang trãi của GW Bush thuộc đảng Cộng Hòa là những yếu tố chính yếu đưa đến sự thiếu hụt ngân sách quốc gia.

Cũng cần ghi nhận thêm rằng, trong suốt gần bốn năm qua, đảng Cộng Hòa không có một hành động nào để cùng góp sức giúp chính quyền Obama cứu vãn nền kinh tế đang trên đà suy xụp. Đảng này được mệnh danh là party of no để mỉa mai cho thái độ phá rối bất cứ một cố gắng cứu vãn nào của chính quyền Obama. Chính ông Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell, lãnh tụ phe thiểu số Cộng Hòa ở Thượng Nghị Viện, đã tuyên bố tháng 10 năm 2010 rằng điều ưu tiên số một của tôi là làm sao cho Tổng Thống Obama trở thành tổng thống một nhiệm kỳ (my number one priority is making sure president Obama’s a one-term president). Họ mong muốn mọi chính sách của chính quyền Obama phải thất bại.

Điều đó cũng dễ hiểu, bởi vì chính trị là thủ đoạn mánh mung để tranh đoạt quyền lực. Tuy nhiên, cái thủ đoạn của đảng Cộng Hòa là đang đặt quyền lợi của phe nhóm trên quyền lợi của quốc gia dân tộc. Đó là thứ chính trị bá đạo chứ không phải vương đạo.

Trân trọng,

Trần Tiên Long

Phụ Lục:

Sự Thật Về Chi Tiêu Của Chính Quyền Obama

Trần Tiên Long

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Những trò mánh mung xuyên tạc của giới truyền thông phe phái đang ở mức cao độ nhất trong vòng hai năm qua. Mặc dù quyền chọn lựa vị nguyên thủ quốc gia là quyền bất khả xâm phạm của mỗi người dân, nhưng các thế lực tư bản luôn luôn tung tiền ra sức gây ảnh hưởng cuộc bầu cử bằng bất cứ giá nào.

Một trong những xuyên tạc của đảng Cộng Hòa (CH) là đổ lên đầu chính quyền Obama cái tội làm thiếu hụt ngân sách và làm tăng tiền nợ quốc gia ở mức kỷ lục. Đó là một kiểu cách vu khống và xuyên tạc đã được nhiều người VN theo đảng CH hằng ngày tung lên các diễn đàn một cách vô tội vạ. Sự thật thì không phải vậy nếu chúng ta chịu nhìn vấn đề từ đủ mọi góc cạnh, gạt bỏ mọi thành kiến của phe phái.

Vậy mục đích của bài viết này là để trình bày thêm các dữ kiện khách quan giúp quí đọc giả nhìn lại vấn đề cho rõ ràng hơn với hy vọng chúng ta sẽ chọn được người xứng đáng đại diện cho quyền lợi của chúng ta. Tất cả các dữ kiện trong biểu đồ trình bày đều có nguồn gốc từ Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (Congressional Budget Office).

I. Thiếu hụt ngân sách

1

Qua những con số thống kê của Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội, chúng ta nhận thấy rằng chính quyền Obama là một chính quyền không có lỗi gì trong việc thiếu hụt ngân sách quốc gia. Sự thiếu hụt này là do chính quyền GW Bush của đảng CH để lại cho bất cứ một chính quyền nào thừa hưởng và phải giải quyết. Đó là những chi phí phải trả do hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan (màu vàng trong biểu đồ), do những đạo luật cắt giảm thuế cho người giàu của chính quyền GW Bush (màu nâu), do ảnh hưởng một nền kinh tế suy thoái đang trên đà tuột dốc (màu xanh đậm), bao gồm cả những cố gắng giải quyết như TARP, Fannie, Freddie, Stimulus Packages và Bail-outs (màu xanh nhạt) phần đông đã được thông qua khi GW Bush của đảng CH đang làm tổng thống.

Trong lịch sử, không có một vị tổng thống nào, cho dù là một nhà phù thủy có cây đủa thần, có thể giải quyết những vấn đề cấp bách như vậy trong một thời gian ngắn không đầy 4 năm.

II. Nợ quốc gia

2

Tấm biểu đồ trên cho chúng ta thấy rằng nợ quốc gia cứ tăng dần theo thời gian, tất cả đều do những gì mà chính quyền GW Bush của đảng CH để lại. Những đạo luật cắt giảm thuế cho người giàu của chính quyền GW Bush là yếu tố quan trọng nhất làm tăng thêm nợ. Nếu không có những thứ đó thì nợ quốc gia sẽ giảm dần.

3

Norquist Grover đại diện cho một thế lực tư bản của đảng Cộng Hòa

Các đạo luật giảm thuế này đã được gia hạn thêm hai năm và sẽ chấm dứt vào cuối năm 2012. Chính quyền Obama muốn tiếp tục giảm thuế cho người nghèo và giới trung lưu nhưng đã bị các dân biểu thuộc khối đa số của đảng CH ngăn chặn lại. Họ dùng giới nghèo và trung lưu như những con tin để đòi hỏi phải giảm thuế luôn cho người giàu. Điều này cũng dễ hiểu vì các nhà lãnh đạo chính trị thuộc đảng CH bao gồm các Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ, Thống Đốc, ứng cử viên tổng thống kể cả hai ông Mitt Romney và Paul Ryan, đã phải ký kết và tuyên thệ với nhân vật Norquist Grover là sẽ không bao giờ bảo trợ cho bất cứ một đạo luật nào làm tăng thuế.

III. Chi tiêu, thuế má và thiếu hụt ngân sách đang giảm dần

4

Biểu đồ trên chứng minh rằng các chi tiêu hằng năm của chính phủ liên bang, thuế người dân phải đóng, và tiền thiếu hụt trong ngân sách quốc gia đang giảm kể từ ngày Barack Obama của đảng Dân Chủ lên làm tổng thống.

IV. Tỉ lệ tăng chi tiêu của chính quyền Obama thấp nhất

5

Biểu đồ trên chứng minh rằng chính quyền Obama của đảng Dân Chủ là một chính quyền chi tiêu có mức tỉ lệ tăng thấp nhất trong mấy chục năm qua. Mức tăng chi tiêu của chính quyền Obama chỉ có 1,4%; trong khi tỉ lệ tăng chi tiêu của các chính quyền khác của đảng CH thì lại tăng gấp bội, chẳng hạn như Reagan tăng 8,7%, GHW Bush tăng 5,4%, và GW Bush tăng 8,1%. Ngay cả chính quyền Clinton của đảng Dân Chủ cũng có tỉ lệ tăng thấp hơn các chính quyền của đảng CH.

Trên đây là những dữ kiện được trình bày hoàn toàn trung thực bởi các kinh tế gia chỉ chuyên lo việc trình bày các dữ kiện theo một một phương pháp khoa học. Họ không phải là những nhà chính trị chịu sự chỉ đạo của bất cứ đảng phái chính trị nào. Tiếc rằng những sự thật rành rành như vậy vẫn cứ bị các thế lực tư bản bóp méo và xuyên tạc từ bao năm nay để những người ít am tường thời cuộc không dễ dàng chấp nhận.

Trần Tiên Long

Havelock, NC

Oct 28, 2012

 

 



Trò ảo thuật về bầu cử

Lữ Giang

From: Nuoc_VIET@yahoogroups.com On Behalf Of Lu Giang

Sent: Friday, October 26, 2012 3:56 PM

To: lugiang2003@yahoo.com

Subject: [Nuoc_VIET] Trò ảo thuật về bầu cử

Nhiều người Việt đã cảm thấy buồn cười khi cả hai ứng cử viên Obama và Romney chẳng thèm đến vận động ở California và Texas, nơi có đông cử tri nhất, thì một số cá nhân, tổ chức hay cơ quan truyền thông của người Việt tại hai bang này lại đang hung hăng phát động chiến dịch ủng hộ hay đả đảo hai ông ấy. Có người còn khóc hu hu và nói rằng đây là vấn đề sinh tử của đất nước ta: Thằng cha Obama mà thắng là bỏ mẹ!

Nếu chuyện đó xẩy ra cách đây mười hay mười lăm năm, chúng ta còn có thể hiểu được, vì lúc đó người Việt chưa biết nhiều về nước Mỹ. Nay các cơ quan truyền thông đã được mở rộng, người Việt đã hiểu rõ cơ cấu bầu cử của nước Mỹ. Các tranh luận về cuộc suy thoái kinh tế đang diễn ra đã giúp người Việt hiểu rõ hơn mặt trái đàng sau các sinh hoạt chính trị trên đất nước này. Do đó, không thể cứ tiếp tục làm cái công việc lẩm cẩm như vậy.

DÃ TRÀNG XE CÁT BIỂN ĐÔNG

Như chúng tôi đã nói, nước Mỹ không bầu cử tổng thống theo phổ thông đầu phiếu như VNCH trước đây và hầu hết các nước trên thế giới. Nước Mỹ bầu tổng thống bằng cử tri đoàn theo một thể thức rất quái đản, nên vai trò của thiểu số người Mỹ gốc Việt trở thành con số không.

Trong bài “Tử kỳ hữu định”, chúng  tôi đã nói rất rõ: California (55 phiếu), New York (29 phiếu) vàIllinois (20 phiếu)... được coi là những bang SOLID đối với Dân Chủ, lúc nào Đảng Dân Chủ cũng thắng. Còn Texas (38 phiếu) Tennessee (11 phiếu), Kentucky... là thành trì của Đảng Cộng Hoà. Do đó, ở California hay Washington mà khối người Việt nhỏ bé có rát cổ rát họng chửi Obama thì Obama vẫn thắng. Còn ở Texas hay Tennessee không cần làm gì cả, Obama vẫn thua. Muốn gỡ gạc cho Obama hay Romney chút xíu, từ cuối năm ngoái đã phải di chuyển qua Ohio hay Florida, vì đó là những bang TOSS-UP, lá phiếu của ta có thể có chút giá trị.

Nhìn lại, trong các cuộc bầu cử tổng thống tại đất nước này, khoảng 1 triệu rưởi người Việt có cựa quậy gì rồi cũng chỉ là “Dã tràng xe cát biển đông”.

THỦ ĐOẠN ĐÁNH LỪA CỬ TRI

Sau cuộc tranh luận của hai ứng cử viên Phó Tổng Thống là Joe Biden và Paul Ryan hôm 10.10.2012, hãng thông tấn CNN đưa ngay ra kết quả của một cuộc thăm dò, cho biết Ryan thắng Biden 4 điểm: 48% ủng hộ Ryan và  44% ủng hộ Biden. Ngay sau đó, một cuộc thăm dò khác của hãng thông tấn CBS lại đưa ra một kết quả hoàn toàn trái ngược: Có đến 50% ủng hộ Biden, chỉ có 31% ủng hộ Ryan. Sao lạ vậy?

Jen De Pinto, người chỉ huy cuộc thăm dò của CBS giải thích rằng hai bên dựa vào hai căn bản khác nhau. CNN thăm dò dựa vào danh sách cử tri, còn CBS dựa vào những cử tri chưa có quyết định dứt khoát đang xem tranh luận. Theo Jen De Pinto, hiện nay có khoảng từ 15% đến 20% cử tri chưa có quyết định đứt khoát.

Qua cuộc tranh luận nói trên, đa số cho rằng kết quả của CBS đúng hơn của CNN. Sự giải thích của Jen De Pinto còn cho chúng ta thấy thăm dò có thể được xử dụng như một thủ đoạn để đánh lừa cử tri. Thí dụ: Muốn kết quả thiên về Obama, chỉ cần hỏi cử tri của các tiểu bang được coi là SOLID đối với Đảng Dân Chủ như California, Washington, Illinois, New York, Main, Maryland, v.v. Trái lại muốn ủng hộ Romney, chỉ cần hỏi các cử tri thuộc các tiểu bang được coi là SOLID đối với Đảng Cộng Hoà như Texas, Tennessee, Montana, v.v. Do đó, kết quả thăm dò được đưa ra hàng ngày hay hàng tuần hiện nay không đáng tin cậy. Nhiều người còn nghi ngờ nhiều bảng kết quả đã được sáng chế theo số tiền được trả hay theo mệnh lệnh của các thế lực tư bản đứng đàng sau.

Một tài liệu khảo sát về bầu cử được coi là đáng tin cậy hơn cả, vốn được các nhà viết bình luận tham khảo, đó là các Election Dashboards (Bảng ghi gia tốc tranh cử), nay cũng đang trở thành rối loạn. Ngày 14.10.2012 bảng ghi nhận của Huffpost Politics cho thấy Obama đã chiếm được 253 phiếu cử tri đoàn, tức chỉ cần 17 phiếu nữa là có thể thắng cử (270 phiếu), trong khi Romney chỉ mới được 206 phiếu, tức cần 64 phiều nữa.

Nhưng hôm 21.10.2012, Examiner.com đưa ra một kết quả khác cho biết Romney đã được đến 321 phiếu cử tri đoàn, còn Obama mới chỉ được 217 phiếu. Nếu đúng như vậy, hai bên sẽ không cần tranh luận nữa. Nhưng ngày 22.10.2012 Huffpost Politics lại đưa ra một kết quả cập nhật cho biết Obama đã được 277 phiếu trong khi Romney chỉ được 191 phiếu!

Nhìn lại, việc thiết lập và công bố các bảng thăm dò hay các bảng kiểm kê đôi khi chỉ là những thủ đoạn đánh lừa cử tri.

AI NẮM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH?

Trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2000, ngày 28.10.2000 chương trình Agenda của Mỹ đã làm một cuộc phỏng vấn bình luận gia và nhà văn nổi tiếng Gore Vidal về cuộc tranh cử giữa Gore và Bush. Câu hỏi được đặt ra như sau: “Có cái gì khác biệt giữa Gore và Bush?” Gore Vidal đã phán những câu nẩy lửa như sau:

Ồ, chúng ta nắm chắc hệ thống chính trị của nước Mỹ trong 50 năm gần đây. Chúng ta có bầu cử nhưng không có quan điểm chính trị. Chúng ta có một đảng chính trị - đảng công ty Mỹ quốc, một đảng về tài sản (We have one political party - the party of corporate America, the property party) - và đảng đó có hai nhánh. Một nhánh được gọi là Dân Chủ, một nhánh được gọi là Cộng Hòa. Vậy, chính yếu là cùng một người vừa tài trợ cho Gore vừa tài trợ cho Bush.

“Chỉ có những khác biệt nhỏ. Bush cởi mở hơn, không giấu giếm trong việc bênh vực người giàu. Nhưng trên những vấn đề căn bản, như ngân sách quân sự chẳng hạn, đã phá hoại nền kinh tế của chúng ta, chứ không tốt như đang tiên đoán...”

Những tiên đoán của Gore Vidal đã đúng. Các thế lực tư bản đã quyết định chọn Bush, mặc dầu lúc đó Gore đã hơn Bush trên nữa triệu phiếu. Sau khi đắc cử, người được đa số người Việt chống cộng yêu thích là Bush đã tận tình phục vụ nhà giàu, phá hoại nền kinh tế của nước Mỹ và của cả thế giới.

PHÁ HOẠI NỀN KINH TẾ

Trước hết, ông Bush làm hai đạo luật giảm thuế cho nhà giàu trong 10 năm, từ 2000 đến 2010. Trong khi những người nghèo và giới trung lưu phải đóng thuế từ 10% đến 35%, nhà giàu chỉ phải trả thuế 14,1%. Số thuế miễn cho nhà giàu trong 10 năm được ước lượng khoảng 2.000 tỷ USD.

Ông Bush cũng như ông Romney cho rằng phải giảm thuế cho nhà giàu để họ dùng số tiền đó đầu tư, làm kinh tế phát triển. Nhưng trong thực tế, họ đã dùng số tiền đó để đầu cơ (vào chứng khoán, thế chấp về địa ốc...) làm nền kinh tế nước Mỹ và Âu Châu sụp đổ kể từ năm 2008.

Đúng như Gore Vidal đã tiên đoán, các chi phí như chi phí quốc phòng đã phá hoại nền kinh tế nước Mỹ. Sau khi mở cuộc chiến Afghanistan, ông Bush đã mở cuộc chiến Iraq bất chấp luật pháp quốc tế, viện lý do Iraq có vũ khí giết người hàng loạt, nhưng trong thực tế chỉ vì các nhà đại tư bản muốn chiếm các mõ dầu lửa lớn tại Iraq. Không ai tìm thấy võ khí giết người hàng loạt đâu cả.

Một tài liệu được công bố vào tháng 9 vừa qua cho thấy Iraq có hai khu dầu hỏa lớn ở phía Nam, một khu chứa khoảng 115 tỷ thùng đang được khai thác và một khu khoảng 200 tỷ thùng chưa được khai thác. Các công ty dầu hỏa sẽ bỏ thêm 100 tỷ USD để nâng cấp. Họ dự trù đến năm 2017 sẽ khai thác được mỗi ngày khoảng 8 triệu thùng. Đây cũng là lý do khiến ông Romney chủ trương phải giữ lại ở Iraq 10.000 quân, dùng xương máu của người lính Mỹ canh gác cho họ khai thác dầu.

Hôm 22.10.2012, khi hai ông Obama và Romney vừa tranh luận về vấn đề ngoại giao xong, đài KCAL đã đưa Tổng Thống Karzai của Afghanistan và ông Ronald Neumann, cựu đại sứ Mỹ ở Afghanistan (2005 – 2007) ra nói về hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq. Ông Neumann nói rất thẳng thắn rằng chính việc mở cuộc chiến vào Iraq đã làm cuộc chiến Afghanistan sụp đổ. Taliban đang đợi Mỹ và đồng minh rút hết là họ chiếm.

Phục vụ nhà giàu, ông Bush cũng phải gánh chịu những hậu quả rất nặng nề. Khi vào gặp Đức Giáo Hoàng chúng ta thấy ông Bush tỏ ra rất khiêm tốn và tưởng chừng như ông sắp trở lại Công Giáo, nhưng khi về ông làm những chuyện gian ác. Hiện nay ông không dám ra khỏi nước Mỹ vì sợ bị bắt.

Tháng 2 năm 2011 ông Bush định đi thăm Thụy Sĩ. Được tin này, nhiều tổ chức tranh đấu cho nhân quyền yêu cầu chính phủ Thụy Sĩ bắt ông ta để điều tra hoặc về tội vi phạm nhân quyền thô bạo và có hệ thống, hoặc về tội ác chiến tranh hay về tội ác chống nhân loại (systematic or gross human rights violations, or a war crime or a crime against humanity) nên ông phải hủy bỏ chuyến đi. Đến tháng 8, ông lại được mời qua Canada. Một bản cáo trạng đã được gởi đến Bộ Tư Pháp Canada yêu cầu bắt ông ta để điều tra. Chính quyền Canada phải đứng ra bảo đảm ông mới dám đi.

Thật ra, tuy ông Bush là Tổng Thống, nhưng người đại diện khối tư bản đứng đàng sau để chỉ đạo là Phó Tổng Thống Dick Cheney. Ông Bush chỉ là người đứng mũi chịu sào. Chẳng ai dám động tới Dick Cheney!

CHỌN OBAMA HAY ROMNEY?

Năm 2008, Obama là người được các thế lực tư bản đưa ra để hốt đống rác ông Bush đã xả ra. Lúc đó giữa bà Hallary Clinton và ông Obama, giới tư bản chọn ông Obama, vì bà Clinton rất cứng đầu lại có ông Clinton đứng đàng sau, mặc dầu bà Clinton hơn phiếu ông Obama quá nhiều. McCain chỉ được đưa ra đóng tuồng.

Giới tư bản nghĩ Obama là người có thể thương lượng được, nhưng ông ta đã tỏ ra cứng đầu hơn họ nghĩ. Ông ta dám làm những chuyện ông ta muốn. Để tái tranh cử, ông ta đã có nhiều quyết định sai lầm.

Obama muốn giúp Nicolas Sarkozy tái đắc cử tổng thống Pháp để Mỹ có quan hệ tốt với Âu Châu và giúp ông ta thắng cử. Obama đã hạ Strauss-Kahn, Giám Đốc Qũy Tiền Tệ Quốc Tế, và yểm trợ Pháp mở cuộc hành quân chiếm Libya và giết Gaddafi. Nhưng “mưu sự tại nhân, thạnh sự tại thiên”, Sarkosy vẫn thất cử. Obama bỏ rơi Lybia còn khối Âu Châu quay lưng lại với Obama.

Tại quốc nội, Obama công khai tuyên bố ủng hộ phá thai và đồng tính để kiếm tiền của giới nghệ sĩ Hollywood và kiếm phiếu của sắc dân Latino ở các tiểu bang TOSS-UP, những tiểu bang sẽ quyết định thành bại. Đây là quyết định mà những nhà chính trị có lương tri ít ai dám làm.

Nhưng Đảng Cộng Hòa đã chơi đòn độc ác là phá tất cả những kế hoạch của Obama nhắm phục hồi kinh tế, ngoại trừ những số tiền khổng lồ được cấp để cứu các đại công ty bị phá sản vì gian lận như Lehman Brothers, Fannie Mae, Freddie Mac, AIG, v.v. Còn Mitt Romney cứ bám sát đường lối của Bush là bảo vệ nhà giàu và cắt giảm những chi phí dành cho nhà nghèo. Giáo sư Roberto Unger, người thầy cũ của Obama ở Đại Học Havard có ý kiến: “Tổng Thống Obama nên bị đánh bại, tuy nếu như Cộng Hòa mà thắng thì sự bất bình đẳng còn cao hơn hiện nay, nhưng mối hiểm họa này không nghĩa lý gì nếu so với hiểm họa nếu như Obama tái đắc cử”

Nhưng vấn đề không phải là Giáo sư Roberto hay cử tri muốn gì. Vấn đề là giới đại tư bản đứng sau hậu trường muốn gì.

Sau cuộc tranh luận đầu tiên giữa Obama và Romney, tạp chí Time cho rằng sự thất bại của Obama có bí ẩn. Mặt Obama bơ phờ. Trong 15 phút đầu ông ngồi lì ở thế thụ động. Có nhà phân tích cho rằng các nhà đại tư bản đang mặc cả với Obama về một số điều kiện nếu ông muốn tiếp tục nắm chính quyền, trong đó có những điều kiện Obama không chấp nhận, nên ông tỏ thái độ thụ động để phản đối. Các nhà đại tư bản đã cho gia tăng tỷ lệ thăm dò của Romney và tăng giá xăng lên để cảnh cáo.

Trong cuộc tranh luận sau cùng hôm 22.10.2012 tại Lynn University ở Boca Raton, Florida, người ta thấy sự căng thẳng giữa hai bên gần như không còn nữa. Ký giả Bob Schieffer của hãng thông tấn CBS chỉ hỏi theo kiểu cò mồi. Hình như đã có một sự sắp xếp đàng sau. Obama vẫn duy trì phong cách du côn và cứng đầu. Mitt Romney đã tỏ ra uyển chuyển hơn.

Giới đại tư bản đã so sánh giữa Obama và Romney giống như trước đây họ chọn giữa Gore và Bush. Obama có vẻ giống Gore còn Romney rất giống Bush. Nhưng trước đây họ chọn Bush vì đàng sau Bush có Dick Cheney, một người có nhiều kinh nghiệm về lãnh đạo chính quyền và có bản lãnh, dám làm những gì họ muốn. Còn sau Romney hiện nay chỉ là một anh chuyên đánh võ mồm, chẳng được ai nể nang và chẳng có kinh nghiệm gì. Tuy nhiên, Mitt Romney tỏ ra dễ sai bảo hơn Obama.

Giờ này, giới đại tư bản Mỹ đã quyết định ai sẽ làm tổng thống Mỹ trong bốn năm tới và nước Mỹ sẽ phải giải quyết những khó khăn và vươn lên theo đường hướng nào. Muốn cho ai đắc cử, giới đại tư bản sẽ xử dụng hai phương cách mà họ đã xử dụng năm 2000 để đưa Bush vào chính quyền. Thứ nhất là xử dụng "thăm dò" để lái cử tri đi. Thứ hai là điều chỉnh ở một bang TOSS-UP nào đó nhưOhio hay Florida chẳng hạn, để con gà của họ thắng cử.

CÒN LÂU MỚI VÀO GIÒNG CHÍNH

Dù Obama hay Romney được đưa ra cầm quyền, chúng ta cũng biết chắc hai điều: Thứ nhất là sẽ không có chuyện tấn công Trung Quốc hay trừng phạt Việt Nam như người Việt chống cộng mong muốn. Nước Mỹ có tầm nhìn khác với người Việt. Thứ hai là những người già cả hay đau ốm đang hưởng Medicare, sẽ gặp khó khăn. Trên nguyên tắc, trong trường hợp có suy thoái kinh tế, có hai biện pháp được áp dụng, một là tăng thuế hai là cắt giảm ngân sách. Bây giờ Đảng Cộng Hoà không cho tăng thuế nhà giàu, mà buộc phải cắt giảm ngân sách. Cái ngân khoản được nhắm tới trước tiên là Medicare. Kể từ năm 2014, người nghèo sẽ thấy ảnh hưởng thấm thía của chủ trương này (chúng tôi sẽ nói sau). Trong thực tế chẳng bao giờ có "xã hội chủ nghĩa" trên đất nước này như một số người đã dọa. Đại tư bản đứng đàng sau cầm tròng, làm sao có "xã hội chủ nghĩa" được?

Vì mới đến Mỹ 37 năm, người Việt tại Hoa Kỳ chưa theo kịp cách làm chính trị của người Trung Hoa, người Đài Loan, người Ấn Độ…..., ai thắng rồi cũng đứng về phe họ. Người Việt thiếu lãnh đạo, chưa có tập quán bầu cử bằng tiền và chưa bỏ được thói quen suy nghĩ và hành động theo cảm tính nên còn lâu mới có thể đi vào giòng chính.

Ngày 25.10.2012

Lữ Giang

 


Mời đọc thêm:

1.) - Ghi tên và Đi Bầu Để Bảo Vệ Quyền Lợi Chính Đáng Của Mình - Ng. Tiên Tri

2.) - Quan Trọng: Mỹ gốc Việt, trước khi bỏ phiếu - Evelyn Bui

3.) - Những Ý Kiến Nghiêm Chỉnh Cho Kỳ Bầu Cử Tổng Thống Sắp Tới (2012) (Trần Tiên Long)

4.) - Trao đổi với ông NguyenT (Trần Tiên Long)

5.) - Bầu Cử 2012: Đấu Võ Mồm (Ng. Tiên Tri)

6.) - Nền Dân Chủ Của Mỹ - Chỉ Rặc Đạo Đức Giả Được Che Đậy? (Larry Yu)

7.) - Bầu Cử 2012: So Sánh Sai Biệt Về Chánh Sách (Ng. Tiên Tri)