Thỉnh thoảng tôi có cơ hội được đọc một số bài của tác giả Nguyễn Hoài
Vân (NHV) do chính tác giả chuyển vào diễn đàn. Qua những gì tác giả
trình bày, thật khó mà khẳng định tác giả theo lập trường của hữu thần
hay vô thần, bởi phong cách trình bày rất ôn hòa, nhả nhặn và lịch sự,
mang vẻ khách quan nơi các bài viết. Tuy nhiên, đọc đến bài Tín Ngưỡng
Và Tự Do thì tôi tin tác giả đang biện minh cho một quan điểm hữu
thần.
Dĩ nhiên, ai ai cũng có quyền tin hoặc không tin bất cứ điều gì, kể cả
làm công việc biện minh. Mặc dù vậy, khi trình bày một quan điểm, chúng
ta thường không ít nhiều bị ảnh hưởng bởi thành kiến, cảm tính chủ quan,
một điều khó có thể hoàn toàn tránh khỏi. Trong tinh thần trao đổi để làm
sáng tỏ sự thật, người viết muốn trưng ra một vài sai lầm trong cách tư
duy của tác giả NHV khi ông cố gắng biện minh cho niềm tin tín ngưỡng.
Niềm tin là kết quả của tư duy, đưa đến cách hành xử có ảnh hưởng rộng
rãi vào trong xã hội; và tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo thuộc nhóm
độc thần giáo, được xây dựng trên các niềm tin. Vì tầm quan trọng của vấn
đề, bài viết này còn có mục đích trình bày một lối nhìn khác, có thể cũng
là chủ quan như chính tác giả, nên người viết rất mong muốn có được sự
góp ý của các đọc giả từ mọi phía.
I. Niềm tin tôn giáo và sự tự do
Trước tiên, tác giả NHV đã đặt vấn đề rất chính xác về sự tự do khi ông
viết:
“Khi mang một niềm tin tôn giáo thì người ta phải hạn chế sự tự do
suy nghĩ của mình để phù hợp với những tín điều của tôn giáo mà mình
tin theo. Một số nhà khoa học có tín ngưỡng, khi bàn về Thượng Đế, đời
sống sau khi chết v.v... thường cho rằng họ phải để sang một bên trí
tuệ của họ, phải hạn chế nó, để dành chỗ cho niềm tin. Một đứa trẻ khi
được giáo dục trong một niềm tin tôn giáo, thì được điều kiện hóa để
không nghi ngờ, không cãi lại những gì được truyền dạy, hạn chế sự tự
do tò mò tìm hiểu về những gì không thuộc niềm tin ấy. Một người trưởng
thành có tín ngưỡng thường chỉ lập lại những tin điều mà họ kế thừa từ
gia đình và cộng đồng tôn giáo hay dân tộc của họ, thay vì phát biểu
những gì họ tự do suy nghĩ ra. Trong điều kiện ấy, đòi hỏi «tự
do tín ngưỡng» có một vẻ gì không ổn!” (Hết trích)
Nhưng tác giả lại khẳng định ngay khi vào đề, rằng đó là một “nhãn quan
hời hợt và phiến diện”. Người viết đọc hết bài thì vẫn không tìm thấy
được bất cứ một lập luận nào biện minh cho lời khẳng định “nhãn quan
hời hợt và phiến diện” này, ngoại trừ sự phân biệt dư thừa của một
vài phạm trù trong tôn giáo, vì chỉ ở mức độ, không phải ở bản chất, và
chẳng có liên quan gì tới sự tự do.
Có lẽ tác giả đã quan niệm tự do theo nghĩa tuyệt đối nên mới tưởng lầm “người
ta có thể cho rằng tín ngưỡng và tự do là hai phạm trù mâu thuẫn”.
Nếu bảo mâu thuẫn thì có nghĩa là hai phạm trù không tương hợp với nhau,
có cái này thì không thể có cái kia theo tính loại trừ. Nhưng tác giả đã
trình bày rất chính xác như đã nêu ở trên là niềm tin tôn giáo đã “hạn
chế” sự tự do, chứ đâu có hoàn toàn loại trừ sự tự do. Như vậy, việc
đòi hỏi tự do tín ngưỡng theo nghĩa tương đối là một đòi hỏi hợp tình,
hợp lý, chẳng có gì để phải gọi là một đòi hỏi “không ổn”.
Tiếp đến, tác giả cho rằng việc “tin hay không tin là một sự chọn lựa,
đòi hỏi tự do”. Đây đúng là một nhận xét chính xác, nhưng lại quá đơn
giản đối với thực tế của cuộc đời. Trong thực tế, như trên đã trình bày,
tự do đã bị hạn chế rất nhiều do hoàn cảnh chung quanh và sự giáo dục nhồi
sọ ngay từ khi con người vừa mới lọt lòng mẹ. Không thể dễ dàng, đối với
một con người có trí tuệ bình thường, có thể vượt qua mọi ảnh hưởng áp
đặt này để có thể sử dụng sự tự do.
Hơn nữa, niềm tin tôn giáo, được Thiên Chúa Giáo (TCG) gọi là đức tin,
là một tặng phẩm của Thiên Chúa, không phải cho hết mọi người, nhưng chỉ
dành riêng cho những người được Chúa chọn và thương yêu cách riêng. Và
theo thuyết Tiền Định (predestination) của Tin Lành, thiên đàng chỉ dành
riêng cho những kẻ tin vào Thiên Chúa, những kẻ có đức tin được Chúa sắp
đặt trước khi sinh ra đời. Vậy thì sự tự do nằm ở chỗ nào, đó là chưa kể
đến những áp lực nặng nề mà TCG đặt trên đầu những kẻ được xem như là dị
giáo qua các biện pháp bạo hành, tù tội, ngược đãi, thủ tiêu, xử trảm,
thiêu sống, triệt hạ… trong suốt chiều dài lịch sử của tôn giáo này? Ngày
nay, có lẽ bó cũi và thanh gươm không còn nằm trong tay của những nhà biện
giải cho TCG, nhưng những thủ đoạn và mánh mung muốn áp đặt niềm tin tôn
giáo của họ trong xã hội vẫn thường xảy ra hằng ngày ở trong mọi lĩnh vực.
Nếu hiểu rằng tự do tín ngưỡng là bao gồm cả tự do không tin thì việc đòi
hỏi sự tự do trong tình huống xã hội như vậy là một đòi hỏi cần thiết và
cấp bách, chẳng có điều gì để gọi là “không ổn”.
Thực ra, không phải ai ai muốn tin là cũng có thể tự do tin. Tin hay không
chẳng phải là một quyết định của ý chí tự do, nhưng đó chỉ là trạng thái
của trí tuệ về một vấn đề nào đó. Trạng thái chấp nhận này chỉ đến với
chúng ta qua lý luận hợp lý hay khi có các chứng cớ khách quan hỗ trợ.
Lý trí nhận thấy điều gì vô lý thì tự động làm mình không tin. Người ta
không thể tin tưởng hết lòng những điều vô lý chỉ vì mối lợi như mối lợi
mà Blaise Pascal đã đem ra để nhử thiên hạ. Người tin vào điều vô lý thực
ra hắn chỉ hy vọng và ao ước điều hắn tin là đúng, do động cơ mối lợi,
chứ chẳng phải hắn đang tin tưởng thực sự. Niềm hy vọng và ao ước của hắn
không làm điều hắn tin chân thật hơn. Hắn có thể đi nhà thờ, lần chuỗi
Mân côi, đọc kinh Tin kính, tuyên xưng đức tin, đặt tay lên Kinh thánh
để thề v.v… nhưng những thứ đó không làm niềm tin của hắn mạnh mẽ hơn nếu
hắn đã không tin. Trong trường hợp đó, một dụng cụ điện tử, như máy ghi
âm lập đi lập lại vô hạn lời kinh, thì chắc chắn tốt và có giá trị hơn
người đọc kinh. Bertrand Russell cho rằng chính sự sợ hãi hình phạt hỏa
ngục và lòng ham muốn phần thưởng thiên đàng ảo tưởng là động cơ cho các
niềm tin TCG.
Đó chính là lý do tại sao TCG hay quanh co bàn về niềm hy vọng thay vì
bàn thẳng vào niềm tin, thứ mà họ rất kính trọng và thăng hoa gọi đó là
một nhân đức lớn. Hiểu được điều này sẽ làm chúng ta không còn ngạc nhiên
và thắc mắc tại sao vẫn thường hay xảy ra những vụ xì căng đan lớn của
những giáo sĩ quyền cao chức trọng. Chỉ tại bởi họ chẳng bao giờ thực sự
tin vào những điều vô lý mà họ đang rao truyền. Hoặc chẳng hạn, khi giáo
hội đang rao giảng về lòng thương yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa đối
với tất cả mọi người, nhất là đối với những người được Chúa lựa chọn và
yêu thương cách riêng, thì Đức Giáo Hoàng, người mà mọi tín hữu phải xưng
gọi là Đức Thánh Cha, lại phải luôn luôn di chuyển với một đội bảo vệ hùng
hậu, ngồi trên xe có gắn kính chống đạn. Người ta có quyền đặt câu hỏi:
Đó có phải là sự thể hiện niềm tin không lay chuyển vào tình yêu và sự
quan phòng của Thiên Chúa, hay là sự thể hiện niềm tin vào khả năng của
loài người, điển hình là các sản phẩm do con người chế tạo?
Những phân biệt của tác giả NHV có vẻ xem ra rất dư thừa, chẳng hạn như
việc phân biệt giữa biết và hiểu thì chỉ nằm ở mức độ, không phải là sự
phân biệt cần thiết về bản chất, đáng bàn.
Trong bản chất, biết và hiểu thì hoàn toàn giống nhau. Bởi thế, người ta
vẫn tự đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn như thế nào mới là biết? Biết đến
đâu? Biết rõ ràng ngọn ngành, nguồn gốc chưa? Biết điều gì? Biết tại sao?
Biết thế nào? Tuyệt đối không có một lằn ranh nào để phân biệt về mức độ
giữa biết và hiểu. Cái thí dụ về việc thấy một hòn đá đặt trên bàn mà tác
giả trưng ra để phân biệt giữa biết và hiểu không có gì là thuyết phục.
Những câu hỏi đặt ra để gán cho “hiểu” cũng có thể để gán cho “biết”. Chẳng
qua, đó chỉ là sự phân biệt về mức độ mà tác giả muốn chủ quan nhắm tới
theo kiểu trà dư tửu hậu.
Phần còn lại, tác giả bàn về sự phủ định làm tăng giá trị niềm tin, rồi
đi đến phi hữu phi vô, làm độc giả nhận ra có sự nhập nhằng đồng hóa giữa
việc tin và không tin để rồi gán cho cả hai có cùng một giá trị như nhau.
Đúng hơn, hai sự việc thực ra chỉ là một, bởi việc này chỉ là cái bóng
của việc kia. Chẳng hạn, bóng tối không phải là một thực thể, bởi đó chỉ
là sự thiếu ánh sáng. Chỗ nào không có ánh sáng thì phải có bóng tối. Người
ta không thể đem bóng tối để làm tối chỗ có ánh sáng. Cũng vậy, tin là
một thái độ tích cực, xác định một quan điểm và lập trường về một điều
gì đó; trong khi không tin thì không cần phải tích cực xác định. Chỉ là
vấn đề có hoặc không. Nếu đã có thì không còn là không. Cái này có thì
không còn có lý do cho cái kia. Đó là lý do tại sao chẳng có nhà vô thần
nào phí công làm công việc chứng minh Thượng Đế không hiện hữu, một điều
phủ định. Chẳng qua, những gì họ làm chỉ là trưng ra những ngụy biện và
phi lý trong các lập luận của những nhà hữu thần hiện đang biện minh cho
những điều họ tin, cho mục đích giảm bớt tình trạng độc quyền buôn thần
bán thánh. Lập luận của những nhà biện giải cho TCG rằng bởi vì không ai
có thể chứng minh không có Thượng Đế nên phải kết luận Thượng Đế hiện hữu
là một lập luận đầy tính ngụy biện vì dựa trên gánh nặng trưng bằng chứng
không đúng bên.
II. Niềm tin tôn giáo và sự mê tín
Tác giả NHV không bàn về sự mê tín, nhưng ngược lại, ông rất thiết tha
biện minh tích cực cho niềm tin tôn giáo. Đó cũng là lối hành xử chung
của những nhà biện giải cho TCG, bởi chẳng ai muốn nghĩ rằng niềm tin của
mình là thứ mê tín dị đoan.
Vật hamsa bằng đất, treo trên tường, được tin có năng lực bảo vệ người
trong nhà
Chúng ta có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng những người có niềm
tin tôn giáo không phải ai ai cũng là những người có tính mê tín dị đoan.
Nhưng có gì khác biệt giữa một niềm tin tôn giáo và sự mê tín, ngoài sự
việc niềm tin tôn giáo thì được hỗ trợ và cổ động tuyên truyền bởi một
tổ chức có thế lực, trong khi niềm tin được cho là mê tín dị đoan thì không?
Ít nhất, chúng ta có thể nhận ra ngay được một số điểm tương đồng căn bản
sau đây giữa một niềm tin tôn giáo và sự mê tín.
Trước hết, cả hai không phải là vấn đề thuộc vật chất. Đối tượng của các
niềm tin tôn giáo và sự mê tín là những thứ không phải vật chất. Người
tin thì gọi đó là vấn đề siêu nhiên, thuộc lĩnh vực tâm linh; còn người
không tin thì cho đó là vấn đề tự nhiên do ảo tưởng, tùy thuộc vào trí
óc tưởng tượng của con người. Đứng trước một hiện tượng chưa có sự giải
thích, một bên thì tin có một hay nhiều tác nhân thiêng liêng là tác giả;
còn bên khác thì cho rằng mọi hiện tượng đều có nguyên nhân tự nhiên, chưa
biết giải thích không có nghĩa là sẽ chẳng bao giờ biết giải thích.
Thứ đến, cả hai niềm tin và sự mê tín đều phát xuất từ lòng ham muốn giải
thích các hiện tượng. Chúng có cùng một nguồn gốc là ý muốn gán cho các
hiện tượng một ý nghĩa, dĩ nhiên là chủ quan. Từ những ý nghĩa gán ghép
này, các nhà biện giải cho TCG đã tùy tiện hướng dẫn xã hội theo những
gì họ muốn. Người ta thường đem Kinh thánh để cổ vũ cho hòa bình; nhưng
người ta cũng đã từng đem Kinh thánh để cổ vũ cho chiến tranh. Chính niềm
tin, cho dù là niềm tin tôn giáo hay niềm tin mê tín, đã là căn nguyên
các hành động và lề lối cư xử của con người trong xã hội. Người mê tín
dị đoan vì tin rằng nếu ra ngõ mà gặp phải một con mèo đen thì đó là điềm
xui cho hết một ngày, nên họ sẽ kiêng cử, không làm những việc quan trọng
trong suốt ngày hôm đó. Người có niềm tin tôn giáo thì tin rằng ngày sabbat
là ngày của Chúa nên họ dành ngày đó để thờ phượng ngài. Đó chính là kết
quả của niềm tin và sự mê tín, cùng xuất phát từ ý muốn giải thích các
hiện tượng. Người ta sẽ đề ra những điều cần phải làm hoặc tránh, không
nên làm, dựa trên các niềm tin và sự mê tín. Như vậy, niềm tin và sự mê
tín đều phát sinh do lòng ham muốn của con người muốn gán một ý nghĩa cho
hiện tượng.
Tóm lại, nếu niềm tin và sự mê tín có nhiều nét căn bản giống nhau thì
điều còn lại là phải cứu xét để phân biệt những niềm tin nào có lợi hay
có hại cho con người và xã hội. Điều rõ rệt là có quá nhiều tôn giáo với
những niềm tin khác nhau, có khi còn mâu thuẫn lẫn nhau, kể từ khi có lịch
sử loài người. Chắc chắn không thể tất cả những điều mâu thuẫn cùng đúng.
Niềm tin nào dù xấu hay tốt cũng vẫn là một niềm tin khi chưa có sự kiểm
chứng, và nhiều khi chúng còn hiển nhiên đối nghịch với các sự kiện khách
quan có thể quan sát được. Một niềm tin bên này dãy núi Pyrenees là một
chân lý, còn bên kia có thể là một điều mê tín. Yếu tố tôn giáo không làm
niềm tin này xác thực hơn niềm tin kia để tránh cái tiếng mê tín dị đoan.
Tôn giáo không phải là cái dù che chở để biện minh cho tất cả mọi niềm
tin.
Như vậy, tự do tín ngưỡng hay tự do mê tín thì thực chất cũng chỉ là một,
có khác chăng là cái tên gọi. Điều cần thiết là chúng ta không nên vơ đũa
cả nắm, nhưng phải phân biệt những niềm tin sai lầm, xấu, ác, có hại, với
những niềm tin vô thưởng vô phạt.
Người tốt thì làm điều tốt; còn người xấu thì làm điều xấu. Chỉ có tôn
giáo mới có khả năng biến người tốt làm điều xấu vì những niềm tin tưởng
mù quáng, sai lầm. Họ làm điều xấu mà cứ ngỡ như họ đang làm điều tốt vì
danh Thiên Chúa. Nếu đã hiểu như vậy thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận
rằng việc phê phán các niềm tin tôn giáo là một việc nên làm, không phải
là việc tranh cãi vô bổ.
Với một nhãn quan hời hợt và phiến diện, người ta có thể cho rằng tín
ngưỡng và tự do là hai phạm trù mâu thuẫn. Khi mang một niềm tin tôn giáo
thì người ta phải hạn chế sự tự do suy nghĩ của mình để phù hợp với những
tín điều của tôn giáo mà mình tin theo. Một số nhà khoa học có tín ngưỡng,
khi bàn về Thượng Đế, đời sống sau khi chết v.v... thường cho rằng họ phải
để sang một bên trí tuệ của họ, phải hạn chế nó, để dành chỗ cho niềm tin.
Một đứa trẻ khi được giáo dục trong một niềm tin tôn giáo, thì được điều
kiện hóa để không nghi ngờ, không cãi lại những gì được truyền dạy, hạn
chế sự tự do tò mò tìm hiểu về những gì không thuộc niềm tin ấy. Một người
trưởng thành có tín ngưỡng thường chỉ lập lại những tin điều mà họ kế thừa
từ gia đình và cộng đồng tôn giáo hay dân tộc của họ, thay vì phát biểu
những gì họ tự do suy nghĩ ra. Trong điều kiện ấy, đòi hỏi «tự do
tín ngưỡng» có một vẻ gì không ổn!
Tin và Nghi
Tuy nhiên, đi sâu vào vấn đề hơn một chút, chúng ta có thể nhận xét rằng:
sự tự do của tôi chỉ thực sự hiện hữu khi tôi được tự do tin vào một tín
ngưỡng, dù cho đó là một niềm tin mù quáng. Lý do vìtin hay không
tin là một sự chọn lựa, đòi hỏi tự do. Khi chọn «tin» vào một
giáo điều, thì tôi phải đẩy lùi sự nghi ngờ vào tiềm thức, rồi vận dụng
năng lượng tâm thần, cộng với sức mạnh của tập quán, giáo dục ... mà kìm
chặt sự nghi ngờ trong đó, không cho nó phát tiết ra ngoài. Niềm tin càng
lớn, thì nỗi nghi ngờ cũng càng quan trọng, và năng lượng được dùng để
kềm chế nó lại càng cao. «Quản lý» cặp mâu thuẫn nghi ngờ với
niềm tin như thế, chính là một hoạt động tâm thần đặt căn bản trên tự do.
Sở dĩ «tin» và «nghi» ràng buộc mật thiết với
nhau như vừa nói, là vì chúng ta chỉ «tin» những gì chúng ta
có thể nghi ngờ. Tôi không «tin» vào tách trà trước mặt tôi,
hay cái ghế tôi đang ngồi trên đó, hay một cộng một bằng hai. Niềm tin
chỉ áp dụng cho những gì không kiểm chứng được, những gì có thể được biện
minh bằng những lý luận tương đương với những lý luận dùng để phủ định
nó. Tức là trong căn bản, tôi tin vào những gì tôi có thể nghi ngờ, như
Thiên Chúa, Phật tính, đời sống sau khi chết, luân hồi, hồn, vía v.v...
Biết và Hiểu
Tin và nghi còn ràng buộc mật thiết với nhau vì một lý do khác. Chúng
ta BIẾT sự vật qua những hiện tượng mà chúng ta cảm nhận được. Tuy nhiên,
những điều ấy không cho phép chúng ta HIỂU sự vật. Để hiểu, chúng ta cần
diễn dịch các hiện tượng cảm nhận được, qua lăng kính của một số giả thuyết
được hệ thống hóa, để chúng trở thành một câu chuyện mạch lạc. Thí dụ tôi
bước vào nhà một người bạn và thấy một hòn đá đen đặt trên bàn làm việc
của anh ta. Hiện tượng thấy một hòn đá không cho phép tôi hiểu vì sao nó
có mặt ở đó. Tôi có thể xây dựng những giả thuyết, những câu chuyện giúp
tôi trả lời câu hỏi ấy. Tôi có thể hình dung giả thuyết một ngày ngày nọ,
anh ta dạo chơi trên một bãi biển với người yêu. Hòn đá đen ấy là đặc điểm
của bãi biển này và anh ta đã giữ nó làm kỷ niệm, để nó trên bàn làm việc
để luôn ghi nhớ. Có thể đâu đó, tôi đã nhìn thấy hình ảnh của bãi biển
«đá đen» này? Giả thuyết được đặt ra cần được kiểm chứng,
hay bị phủ định. Trong một số trường hợp nó không được kiểm chứng, cũng
không bị phủ định. Tôi phải chọn một trong hai thái độ: chấp nhận
hay phủ nhận. Thiên Chúa, Phật tính, đời sống sau khi chết, luân hồi ...
nằm trong các trường hợp này. Chấp nhận hay phủ nhận đều mở ra cho tôi
một chân trời suy tư phong phú. Chọn lựa ấy chính là sự tự do của tôi,
là nền tảng của nhân tính trong tôi.
Sự phủ định làm tăng giá trị của Niềm Tin
Chọn lựa sự phủ nhận cũng lại là dồn nén vào trong tiềm thức giả thuyết
ngược lại, tức sự chấp nhận. Khi phủ nhận sự hiện hữu của một «nguyên
nhân đầu tiên» (primum movens) gọi là Thiên Chúa, thì tôi buộc phải
không ngừng xây dựng quan điểm «vô thần» của tôi trên giả thuyết
«Thiên Chúa», dù là để phủ nhận nó. Tôi sẽ phải tự nhủ rằng:
với mô hình này sẽ tôi không cần đến giả thuyết Thiên Chúa nữa, với cách
nhìn kia Thiên Chúa bị loại bỏ v.v... Tức là Thiên Chúa sẽ hiện hữu một
cách rất mạnh mẽ trong tư tưởng của tôi. Một khi tuyên dương «Thiên
Chúa đã chết», Nietzsche buộc phải luôn luôn thay thế khái niệm Thiên
Chúa bằng một khái niệm khác, đồng thời biện minh rằng cái «khái
niệm khác» ấy không phải là Thiên Chúa!
Thêm vào đó, sự công bố Thiên Chúa đã chết, tức không hiện hữu, càng đem
lại ý nghĩa cho niềm tin vào Thiên Chúa. Như đã nói ở trên, bạn chỉ «tin»
khi điều bạn tin có thể không hiện hữu. Sự không hiện hữu ấy càng được
tuyên dương mạnh mẽ thì niềm tin của bạn lại càng có ý nghĩa! Nó
sẽ càng là một sự chọn lựa dũng cảm, vận dụng toàn thể sự tự do của con
người bạn, chứ không chỉ là một tập quán. Augustin nói : "tôi TIN
vì điều ấy vô lý" (je crois parce que c'est absurde), chính là ý ấy.
Phi Hữu phi Vô
Trong nhiều trường hợp chúng ta cũng có thể chọn một cách nhìn lý thú
là không chấp nhận cũng không phủ định. Một mặt, với ý thức rằng chấp nhận
hay phủ định đều dựa trên những lập luận dễ dàng bị bác bỏ, tôi không chọn
thái độ nào cả. Mặt khác, tôi ý thức sự hiện hữu của các thành tố cấu thành
một niềm tin, những hệ lụy nội tại của chúng, những nguồn cội tâm lý, những
lý do thực dụng đã khiến con người ở một thời điểm, trong một số hoàn cảnh,
môi trường thiên nhiên, xã hội, lịch sử v.v... đã khởi sinh ra chúng, cho
nên tôi không cảm thấy cần thiết phải biện minh hay phủ định chúng. Tôi
chỉ «hiểu» và cảm thông với những người đã hình dung và truyền
thừa những giả thuyết đã trở thành tín ngưỡng ấy. Sự gắn bó cũng như bài
bác chúng, đối với tôi, trở thành vô nghĩa. Ngược lại, những tín ngưỡng
kia, vì đã được hình thành từ những lý do thực dụng, hoàn toàn có thể được
chọn lựa và sử dụng cho những mục tiêu thực tế, đem lại lợi ích cho người
khác, mỗi khi có thể. Thí dụ khi giúp một người sắp qua đời, thái độ thích
hợp không phải là thuyết giảng cho họ nghe những tin tưởng của mình về
sự chết, về đời sống sau khi chết, về luân hồi, thên đường, hỏa ngục, cõi
tịnh độ, hay «chết là hết». Ngược lại, thái độ thích hợp là
lắng nghe, để tùy theo niềm tin của người hấp hối mà nương theo đó đem
lại bình an cho tâm hồn họ. Niềm tin của riêng mình, vào lúc ấy, hoàn toàn
vô ích. Điều quan trong là dòng tư tưởng và cảm xúc của người sắp lìa đời.
Làm sao cho nó nhẹ nhàng trôi chảy vào một mặt hồ an tĩnh, bình yên ...
Thập Diện Quan Âm
Thái độ như trên có phải là trốn chạy vấn đề hay không? Theo tôi,
đó là một sự tinh tẩy tâm hồn. Những «niềm tin» chỉ đem lại
tranh cãi, phiền phức, vẫn đục tâm thức. Để cho tâm hồn thoải mái, không
gì bằng chọn xây dựng những suy tư và cảm xúc của mình trên những gì gần
với thực tại nhất. Mà không gì gắn liền với thực tại bằng những điều tôi
cảm thấy ngay bây giờ và tại đây. Không thực tại nào vững chắc bằng hiện
tại. Tôi cảm nhận nó, có thể kiểm chứng và điều chỉnh nó ngay lập tức.
Quá khứ là những hiện tượng được truyền đến hiện tại qua lăng kính của
trí nhớ, được gò nắn bởi những thảo trình tâm lý phức tạp. «Thực
tại» của quá khứ là một «thực tại tâm lý». Giá trị của
nó là những gì tâm tôi hiện đang nghĩ và cảm thấy về nó vào lúc này, trong
giây phút hiện tại. Tương lai thì là một dự phóng, được xây dựng trên quá
khứ và hiện tại, và cũng được gò nắn bởi những thảo trình tâm lý. Giá trị
của nó cũng chỉ là những gì tôi cảm thấy về nó trong hiện tại. Tức là những
«niềm tin» được truyền đến từ quá khứ, và quy định một dự phóng
về tương lai, kể cả tương lai sau khi chết, đều chỉ đáng được bàn đến dưới
khía cạnh «tôi nghĩ gì về chúng» vào lúc này. Và dù cho «tôi
nghĩ gì về chúng» đi nữa, thì chúng cũng đều đem lại cho tôi những
tư lự, nghi vấn, lo lắng, mà tôi không thể có phương cách nào để gạt bỏ
đi một cách chắc chắn (vì bản chất của «niềm tin» là không
thể phủ nhận hay chứng minh, là gắn liền với nghi ngờ). Như thế, tôi bỏ
lỡ mất rất nhiều món quà mà cuộc sống gửi đến cho tôi ngay trong lúc này
(trong tiếng Anh "present" cũng có nghĩa là "món quà").
Tôi đã từ chối một hiện tại với nhiều thực tính, để mang vào trong tâm
những phiền não trừu tượng khó loại trừ ...
Như thế, tập trung vào hiện tại, lúc này và bây giờ, giảm bớt những ảnh
hưởng của quá khứ và những ước vọng cho tương lai, cho phép mỗi người chúng
ta cảm nhận cuộc sống một cách rõ ràng hơn, sống một cách đầy đủ hơn, trong
mỗi giây phút. Tâm hồn sẽ cởi mở, thoải mái hơn, sẵn sàng đón nhận những
quan điểm đối nghịch, mà không cần tin theo cũng như phủ định. Trong mỗi
hoàn cảnh cụ thể, một tâm hồn như thế có khả năng sử dụng bất cứ niềm tin
hay tín ngưỡng nào, nếu thấy cần thiết cho sự phúc lợi của người khác.
Họ như những vị thần với nhiều cái đầu để tùy nghi suy tư lý luận theo
nhiều cách, và nhiều cánh tay để sẵn sàng trợ giúp tha nhân. Họ cũng chính
là những tâm hồn thực sự TỰ DO!