●   Bản rời    

 Tại Sao Tôi Là Người Không Tin? (II)

Tại Sao Tôi Là Người Không Tin?

(Why am I an agnostic?)

Robert Green Ingersoll / Trần Tiên Long dịch

http://sachhiem.net/TTL/TranTL15a.php

04-Feb-2012

 

(Click vào đây để xem Phần I)

(PART II)

Tượng Robert G. Ingersoll tại thành phố Peoria, bang Illinois

Thiên Chúa giáo đặt nền tảng trên các phép lạ. Không có phép lạ trong lĩnh vực khoa học. Người triết gia chân chính không tìm cách khích động điều kỳ lạ, nhưng thẳng thắn xem nó như điều kỳ diệu. Triết gia không nỗ lực làm ngạc nhiên, nhưng chỉ muốn làm sáng tỏ. Triết gia tuyệt đối tự tin rằng chẳng có phép lạ nào trong thiên nhiên. Triết gia biết rằng các phương trình toán học của cùng những tương quan, dung tích, diện tích, con số, và tỷ lệ không bao giờ thay đổi. Triết gia biết không có phép lạ trong Hoá học; rằng sức hút và lực đẩy, tình yêu và hận thù, của các nguyên tử thì bất biến. Trong những điều kiện giống nhau, triết gia chắc chắn sự việc sẽ luôn luôn xảy ra như nhau; rằng kết quả đã và sẽ luôn luôn như vậy muôn đời; rằng các nguyên tử của những phân tử bám dính nhau theo tỷ lệ nhất định và không thay đổi, - có quá nhiều thứ cùng loại hoà tan, trộn lẫn với rất nhiều thứ khác, sự thặng dư sẽ luôn luôn xảy ra. Không có luật trừ. Các chất liệu vĩnh viễn trung thành với bản chất tự nhiên của chúng. Chúng không có tính thất thường, thành kiến, những thứ có thể làm thay đổi hoặc điều khiển phản ứng của chúng. Chúng giống nhau ngày hôm qua, ngày hôm nay, và mãi mãi.

Ở tính cố định, tính bất biến, tính nguyên trạng vĩnh viễn này, người thông minh có lòng tự tin tuyệt đối. Thật là vô dụng bảo họ rằng, có khi lửa không đốt những thứ dễ cháy, có lúc nước không chảy xuôi theo sức hút của hấp lực, hoặc có khi vật chất không có trọng lượng trong một thời khắc ngắn nhất.

Lòng nhẹ dạ nên phục vụ cho trí thông minh. Người ngu dại không có lòng nhẹ dạ đủ để tin vào điều thực tại, bởi vì điều thực tại có vẻ như mâu thuẫn với bằng chứng của cảm giác họ. Đối với họ, thật rõ ràng là mặt trời mọc rồi lặn, và họ không nhẹ dạ đủ để tin vào sự xoay quanh của quả đất – ý muốn nói họ không thông minh đủ để hiểu những điều vô lý liên quan đến niềm tin của họ và sự hài hoà hoàn hảo giữa việc xoay quanh của quả đất với tất cả các sự kiện đã biết. Họ tin vào con mắt, không vào lý trí của họ. Cái vẽ bề ngoài luôn luôn đã và sẽ du di cho tính ngu dốt. Lòng nhẹ dạ, như là một định luật, tin tưởng đủ mọi thứ, trừ sự thật. Người thông minh nửa chừng tin vào Thuật chiêm tinh, nhưng ai có thể thuyết phục họ về sự rộng lớn không gian, về vận tốc ánh sáng, hoặc về tính vĩ mô và số lượng các mặt trời và các chòm sao? Nếu ảo thuật gia Hermann và triết gia Humboldt có thể xuất hiện trước những người man rợ thì ai sẽ được xem như thần linh?

Khi con người không biết gì về cơ khí, thế tương liên của lực, và tính không thể phá huỷ, thì họ là những người tin vào sự chuyển động vĩnh viễn. Như vậy, khi Hoá học chỉ là trò chơi khéo tay hay thuật gọi hồn, thứ mà chỉ xảy ra nhờ sự tiếp tay của những hữu thể siêu tự nhiên, người ta đã bàn về sự biến hoá của kim loại, về dung môi vạn năng, và về hòn đá của triết gia [1] . Sự chuyển động vĩnh viễn có lẽ là một phép lạ thuộc Cơ khí học; và sự biến hoá của kim loại có lẽ là một phép lạ thuộc Hoá học; và nếu chúng ta có thể biết đáp số của 2 nhân với 25, có lẽ đó cũng là phép lạ thuộc Toán học. Không ai được kỳ vọng có thể biết đường kính của vòng tròn là một phần tư của chu vi [2] . Nếu ai có thể biết được điều ấy về vòng tròn thì đó có lẽ cũng là một phép lạ thuộc Hình học.

Nói cách khác, không có phép lạ trong bất cứ bộ môn khoa học nào. Khi chúng ta hiểu được câu hỏi hay vấn đề, phép lạ cần thiết phải biến mất. Nếu có gì hiện thực xảy ra trong lĩnh vực Hoá học, nó sẽ xảy ra nữa ở cùng những điều kiện giống nhau. Không ai cần phải giải thích kết quả theo miệng lưỡi của những người khác: mọi người đều có thể làm thí nghiệm cho chính mình. Không có sự thất thường hay ngẫu nhiên.

Phải công nhận, ít nhất bởi những người Tin Lành, rằng thời đại của những phép lạ đã qua, và do đó, phép lạ hiện nay không thể được thành lập bởi các phép lạ; chúng phải được hỗ trợ bằng lời chứng của những chứng nhân mà người viết biết chắn chắn, – còn hơn là người viết không đáng tin cậy – rằng họ đã sống nhiều thế kỷ trước; và lời chứng này hiện được trưng ra cho chúng ta không phải bởi chính những chứng nhân, không phải bởi những người nói lại rằng họ đã có nói chuyện với những chứng nhân đó, nhưng bởi những người vô danh đã không cho biết gì về những nguồn gốc của các tin tức họ đưa ra.

Câu hỏi là: Có thể các phép lạ được thành lập chỉ do bởi chính những phép lạ không? Chúng ta biết có thể các tác giả đã bị lầm lẫn. Cũng có thể chính họ đã tự tạo ra những câu chuyện này. Những chứng nhân có lẽ đã nói họ biết điều đó không đúng sự thật, hoặc họ đã bị đánh lừa một cách lương thiện, hoặc những câu chuyện có lẽ chỉ đúng sự thật khi mới được kể. Sự tưởng tượng có lẽ đã thêm thắt vào nhiều đến nỗi sau nhiều thế kỷ thổi phồng, một sự kiện rất đơn giản đã trở thành một phép lạ.

02

3

4

5

Kinh Tân ước là lời chứng của các Tông đồ viết ít nhất hơn 60 năm sau khi Giêsu chết, kể lại nhiều “phép lạ” của Giêsu : Biến đồ ăn cho cả ngàn người; đi trên nước; ngừng sóng gió; cứu người chết sống lại...

Chúng ta phải công nhận rằng tất cả các tính xác suất phải đối nghịch với các phép lạ, bởi vì điều gì có xác suất xảy ra thì không thể là một phép lạ. Điều có xác suất xảy ra hay điều có thể xảy ra, chừng nào con người còn quan tâm, thì không thể là điều kỳ lạ. Do đó, tính xác suất khẳng định rằng các tác giả và chứng nhân hoặc đã bị lầm lẫn hoặc đã không lương thiện.

Chúng ta phải thú nhận rằng chúng ta chưa hề thấy phép lạ, và chúng ta cũng phải thú nhận, theo kinh nghiệm của chúng ta, rằng không có các phép lạ. Nếu chúng ta đi sâu vào trong thế giới, chúng ta sẽ bị thuyết phục để nói rằng chúng ta đã từng biết một số đông người – kể cả chính chúng ta – bị lầm lẫn, và nhiều người khác đã không nói điều chân thật. Các tính xác suất phù hợp với kinh nghiệm của chúng ta, và, do đó, chúng đối nghịch với các phép lạ; và thật là cần thiết để trí tuệ có tự do đi theo con đường ít có chống đối nhất.

Hiệu quả của lời chứng tuỳ thuộc vào trí thông minh và tính lương thiện của chứng nhân, và trí thông minh của hắn thì đáng kể. Một người sống trong một cộng đồng mà ở đó những điều siêu tự nhiên được kỳ vọng, phép lạ được xem như chuyện xảy ra hằng ngày, thì sẽ, như là một định luật, tin rằng mọi điều kỳ lạ là kết quả của những tác nhân siêu tự nhiên. Hắn sẽ chờ mong sự can thiệp có tính quan phòng, và do đó, trí tuệ của hắn sẽ theo con đường ít có chống đối nhất và sẽ giải thích mọi hiện tượng theo cách thức dễ dãi nhất đối với hắn. Loại người như vậy, với chủ tâm tốt nhất, làm chứng dối một cách lương thiện. Họ bị thuyết phục bởi cái vẽ bề ngoài và là nạn nhân của sự lừa bịp và ảo tưởng.

Ở thời đại khi mà khả năng đọc và viết rất ít người biết, và khi chính lịch sử chỉ là điều nghe nói từ lớp già lẩm cẩm xuống lớp trẻ, không có điều gì được lưu giữ lại, trừ những điều kỳ diệu, lạ lùng. Câu chuyện càng có nhiều tưởng tượng thì càng có nhiều kích thích. Người kể và người nghe đều ngu dốt và lương thiện như nhau. Vào thời đó, người ta không biết hoặc nghi ngờ gì về diễn biến trật tự của thiên nhiên - về chuỗi những nguyên nhân và kết quả không thể bắt bẽ. Thế giới bị thống trị bởi tính đồng bóng. Mọi sự đều do lòng thương xót của một sinh vật, hoặc những sinh vật, mà chính chúng cũng bị khống chế bởi cùng những cảm xúc mạnh mẽ có đầy dẫy nơi con người. Những phần nhỏ của các sự kiện được coi như tổng thể, và những suy diễn đưa ra thì lương thiện và kỳ quái.

Có lẽ chắc chắn là mọi tôn giáo trong thế giới đã từng được tin theo, và mọi phép lạ đã từng được tin tưởng bởi vô số đầu óc; nếu không thì tôn giáo đã không có thể tồn tại mãi mãi. Người ta sinh ra vốn không phải là xảo quyệt. Những người kể chuyện đã lương thiện cũng như những người nghe. Như vậy, không có gì là quá vô lý đối với lòng tin của con người.

Tất cả các tôn giáo, theo như tôi biết, đều tuyên bố đã được thiết lập, duy trì, và truyền bá như một phép lạ. Các tu sĩ của mọi tôn giáo đều đã tuyên bố có thông điệp từ Thiên Chúa, có một ít thẩm quyền nào đó, và phép lạ luôn luôn lôi cuốn cho mục đích hỗ trợ thông điệp và thẩm quyền.

Nếu con người tin vào những điều siêu tự nhiên, họ sẽ giải thích mọi biến cố bằng cách kêu gọi tới các phương tiện siêu tự nhiên hoặc quyền lực. Chúng ta biết rằng, trước đây, mọi sự đều được giải thích theo cách này, trừ một ít điều đơn giản mà con người nghĩ họ biết rõ ràng. Sau một thời gian, con người nhận thấy rằng ở những điều kiện giống nhau thì sẽ xảy ra điều giống nhau, và đối với những điều này thì giả định về sự can thiệp có ý quan phòng đã được bãi bỏ; nhưng sự can thiệp đó vẫn còn tích cực đối với mọi điều chưa biết trong thế giới. Nói cách khác, khi kiến thức con người phát triển, sự can thiệp siêu tự nhiên được rút lại và chỉ còn tích cực ở những gì vượt ngoài phạm vi của những điều đã biết.

■ Ngày nay, có một số người tin vào sự quan phòng đặc biệt phổ thông – nghĩa là họ tin vào sự can thiệp vĩnh viễn bởi một quyền lực siêu tự nhiên [như Thiên Chúa]. Sự can thiệp này có mục đích để trừng phạt hay ban thưởng, phá huỷ hoặc duy trì những cá nhân và các quốc gia.

■ Những người khác thì lại từ bỏ ý tưởng về sự quan phòng ở những vấn đề bình thường, nhưng vẫn còn tin Thiên Chúa can thiệp ở những trường hợp quan trọng và ở những giây phút quyết định, nhất là trong những vấn đề quốc sự, và sự hiện hữu của Ngài được tỏ bày trong những thiên tai lớn. Đây là một quan điểm thoả hiệp. Những người này tin rằng một sinh vật vô hạn đã sáng tạo ra vũ trụ và cai quản nó bằng những thứ mà họ gọi là định luật, và để nó tự động vận hành theo những định luật và lực đó; rằng như là một định luật, vũ trụ đang vận hành tốt; và rằng đấng sáng tạo thần thánh chỉ can thiệp vào những trường hợp tai nạn, hoặc vào những lúc khi cổ máy thất bại hoàn thành thiết kế nguyên thuỷ.

06    7     08

“…sự hiện hữu của Ngài được tỏ bày trong những thiên tai lớn”: Sóng thần tsunami ở Indonesia (2005) gây gần 300.000 người chết và mất tích. Cháy rừng ở Australia (tháng giêng, 2009) đốt cháy 173 người, 750 ngôi nhà và 815.447 mẫu rừng. Động đất ở Haiti (2010) làm chết và bị thương trên nửa triệu người.

■ Lại có những người khác cho rằng mọi sự đều tự nhiên, rằng không bao giờ có sự can thiệp từ bên ngoài, bởi vì thiên nhiên bao gồm tất cả, và không thể có thứ gì nằm bên ngoài hay vượt ra ngoài thiên nhiên.

Hạng người thứ nhất là những nhà hữu thần thuần tuý và đơn giản; hạng người thứ hai là những nhà hữu thần vô danh, những nhà tự nhiên học đã có chút tiếng tăm; và hạng người thứ ba là những nhà tự nhiên học không có một chút mảy may tính mê tín dị đoan.

Vậy chứng cớ của hạng người thứ nhất có đáng tin hay không? Câu hỏi này được trả lời bằng cách đọc lịch sử của những quốc gia tin một cách hoàn toàn và mặc nhiên vào những điều siêu tự nhiên. Không có điều ngớ ngẩn nào có thể tưởng tượng được mà nó không được thiết lập bằng lời chứng. Mỗi định luật và mỗi sự kiện trong thiên nhiên đều bị vi phạm. Trẻ con chào đời mà không có cha mẹ; có người sống cả nhiều ngàn năm; có những người khác sống mà không cần thực phẩm, ngủ nghỉ; hằng ngàn người bị quỉ dữ và ma cà rồng nhập và khống chế; hằng ngàn người thú nhận đã phạm những tội không thể phạm, và ở trong toà án, bằng những cách thức nghiêm trọng nhất, những điều không thể xảy ra đã được hỗ trợ bằng các lời thề, lời xác nhận, và lời thú tội của những đàn ông, đàn bà, và trẻ con.

Những ảo tưởng này không phải chỉ có nơi những người tu khổ hạnh, những người nhà quê, nhưng cả ở những người đáng kính trọng và các vua chúa; những người mà ở thời đó được xem là thông minh; những người có giáo dục. Không ai từ chối những điều kỳ lạ này, bởi lý do, sự từ chối đó là một tội ác thường có thể bị trừng phạt bằng tử hình. Xã hội và quốc gia đã trở nên điên rồ – những nạn nhân của sự ngu dốt, của các giấc mộng, và, trên hết, của những sự sợ hãi. Trong những điều kiện này, lời chứng của con người không có và không thể có chút giá trị gì cả. Ngày nay, chúng ta biết rằng gần hết mọi điều trong lịch sử thế giới thì không đúng và chúng ta biết điều này bởi vì chúng ta đã đạt tới giai đoạn phát triển tri thức, đó là ở đâu và khi nào chúng ta biết các hậu quả phải có những nguyên nhân, rằng mọi vật được tạo thành bằng cách thức tự nhiên, và rằng, do đó, không bao giờ có quốc gia nào to lớn, hùng mạnh, và phú cường nếu không có địa lý, dân tộc, tính thông minh, và nền thương mại. Dựa trên những thước đo này, hầu như tất cả các lịch sử chỉ được xem như là những câu chuyện tiểu thuyết.

Các tôn giáo cũng vậy. Mỗi người Mỹ thông minh đều cho rằng các tôn giáo của Ấn độ, Ai cập, Hy lạp, La Mã, và Aztecs đã và đang sai lầm, và rằng tất cả mọi phép lạ mà các tôn giáo dựa vào đều là những lầm lẫn. Chỉ có tôn giáo của chúng ta là ngoại lệ. Mỗi người thông minh theo Ấn giáo đều loại bỏ tất cả mọi tôn giáo và mọi phép lạ, trừ những thứ của hắn. Câu hỏi là: Chừng nào thì con người nhìn thấy những sai lầm trong nền thần học của chính họ rõ ràng như họ nhìn thấy những sai lầm tương tự trong nền thần học của tất cả mọi tôn giáo khác?

Tất cả các tôn giáo sai lầm đã từng được hỗ trợ bởi những phép lạ, bởi các dấu chỉ và những điều kỳ diệu, bởi các đấng tiên tri và những người tử vì đạo, giống hệt như tôn giáo của chúng ta. Những nhân chứng của chúng ta không tốt hơn những nhân chứng của họ, và sự thành công của chúng ta cũng chẳng có lớn hơn. Nếu những phép lạ của họ là sai lầm thì những phép lạ của chúng ta cũng không thể đúng. Thiên nhiên ở Ấn độ thì cũng giống như thiên nhiên ở Palestine thôi.

Một trong những viên đá nền tảng của Thiên Chúa giáo là phép lạ của sự cảm hứng, và cũng chính phép lạ này là nền móng của mọi tôn giáo. Bằng cách nào sự kiện cảm hứng có thể được thành lập? Làm sao ngay cả người có cảm hứng biết hắn có cảm hứng? Nếu hắn chịu ảnh hưởng để viết, và hắn đã viết, đã diễn tả tư tưởng và các sự kiện tuyệt đối mới lạ đối với hắn về những vấn đề mà hắn chưa hề biết, làm sao hắn có thể biết hắn đã bị ảnh hưởng bởi một sinh vật vô hạn? Và nếu hắn có thể biết thì làm cách nào hắn có thể thuyết phục những người khác?

Cảm hứng nghĩa là gì? Có phải người có cảm hứng chỉ viết xuống những ý tưởng của một sinh vật siêu tự nhiên? Có phải hắn đơn giản chỉ là một công cụ, hay tính cá nhân của hắn đã tô thêm màu cho thông điệp được giao cho? Có phải hắn đã pha trộn sự ngu dốt của hắn với thông tin về thần linh, những thành kiến và hận thù của hắn với tình yêu và công lý của Thiên Chúa? Nếu Thiên Chúa bảo hắn không được ăn thịt của bất cứ động vật nào đã chết, thì có phải cũng chính Thiên Chúa đã bảo hắn bán thịt này cho những người lạ trong cùng cổng làng?

Một người nói rằng hắn có cảm hứng – rằng Thiên Chúa đã hiện ra với hắn trong một giấc mộng và bảo hắn những điều gì đó. Ngày nay, những điều Thiên Chúa dạy phải truyền đạt thì có thể là tốt và khôn ngoan; nhưng liệu sự kiện thông tin tốt hay khôn ngoan có chứng minh được sự cảm hứng không? Mặt khác, nếu thông tin vô lý hay đồi bại, điều ấy có phải sẽ đưa đến kết luận chứng minh hắn đã không có cảm hứng? Chúng ta có nên xét đoán dựa trên tin tức truyền đạt? Nói cách khác, phải chăng lý trí của chúng ta là tiêu chuẩn cuối cùng?

Làm sao người có cảm hứng biết rằng thông tin đó từ Thiên Chúa? Nếu trong thực tế có lẽ Thiên Chúa đã hiện ra với một người, làm sao người này biết được ai đã hiện ra? Hắn đã xét đoán theo tiêu chuẩn nào? Hắn không có kinh nghiệm đối với câu hỏi này; hắn không quen với những điều siêu tự nhiên đủ để hiểu biết về các thần linh cho dù những thần linh đó hiện hữu. Mặc dù đã có hằng ngàn người giả bộ như đã nhận được những thông điệp, nhưng chẳng có một thông điệp nào đã hoặc đang là thứ mà con người không thể chế tạo ra. Có những điều kỳ diệu trong những cuốn sách do cảm hứng cũng như sách không do cảm hứng, và những điều tiên tri của dân ngoại cũng đã từng xảy ra bằng nhau như những điều tiên tri của những tiên tri ở xứ Judea. Như vậy, nếu ngay cả một người có cảm hứng cũng không biết chắn chắn hắn có cảm hứng thì làm sao hắn có thể chứng minh cho những người khác biết hắn đã có cảm hứng? Lời giải đáp cuối cùng cho câu hỏi này là sự cảm hứng là một phép lạ mà người có cảm hứng ít hiểu biết hoặc ít có bằng chứng nhất về phép lạ đó, và sự hiểu biết và bằng chứng ít nhất này không phải là nét đặc sắc để tuyệt đối thuyết phục ngay cả người có cảm hứng.

Chắc chắn chẳng có điều gì trong các kinh Cựu ướcTân ước mà người không có cảm hứng đã không thể viết ra được. Đối với tôi, chẳng có gì có giá trị đặc biệt trong năm cuốn đầu của kinh Cựu ước. Tôi chẳng thấy một chân lý khoa học ẩn giấu nào chứa đựng trong năm cuốn kinh, thường được xem là do Mai-sen viết. Như tôi biết, chẳng có một hàng chữ nào trong cuốn kinh Sáng thế ký được tính toán để làm cho con người tốt hơn. Những luật lệ chứa đựng trong các cuốn kinh Xuất hành, Lê-vi ký, Dân số, và Thân mệnh ký phần nhiều có tính chất trẻ con và tàn ác. Chắc chắn là chẳng có điều gì trong những cuốn kinh đó không thể chế tạo được bởi những người không có cảm hứng. Chắc chắn chẳng có điều gì được tính toán để kích thích sự thán phục trí thức trong cuốn kinh Thẩm phán hoặc trong những trận chiến của Do-sua; và cũng có thể nói như vậy đối với những cuốn kinh Sa-mu-en, Biên niên, và Các vua. Câu chuyện lịch sử thì vô cùng trẻ con, đầy những sự lập lại các chi tiết vô ích, không có chút triết lý gì, chẳng có một điều tổng thể rút ra từ một cuộc nghiên cứu sâu rộng. Không có điều gì để biết về những quốc gia khác; chẳng có điều gì có một chút giá trị; chẳng có gì về giáo dục, về khám phá, hoặc về sáng chế. Và trong những biên niên vẫn vơ và đần độn này còn được rải rác thêm những thần thoại và các phép lạ, thêm những lời nịnh hót bợ đỡ các vua chúa là những kẻ đã ủng hộ các tu sĩ, và thêm những lời nguyền rủa và hăm doạ cho những ai không nghe lời các đấng tiên tri. Nếu những cuốn Kinh thánh thuộc lịch sử bị xoá sạch khỏi ký ức nhân loại thì có lẽ chẳng có gì có giá trị bị mất.

Chẳng lẽ tác giả hoặc những tác giả cuốn kinh Các vua, quyển hạ và quyển thượng, có cảm hứng, còn Gibbon viết cuốn “Sự Suy tàn và Sụp đổ của Đế quốc La mã [Decline and Fall of the Roman Empire] không có sự giúp đỡ siêu tự nhiên? Không lẽ tác giả cuốn kinh Thẩm phán chỉ đơn giản là công cụ của Thiên Chúa vô hạn, trong khi John W. Draper viết cuốn “Lịch sử Phát triển Trí thức Âu châu” [The History of the Intellectual Development of Europe] không có một tia sáng nào từ thế giới bên ngoài? Làm sao chúng ta có thể tin rằng tác giả cuốn kinh Sáng thế ký có cảm hứng, trong khi Darwin làm thí nghiệm, tìm hiểu, và đạt được kết luận do chỉ một mình ông ta?

09

10

Edgar Gibbon (1737-1794)

 

John William Draper (1811-1882)

Charles Darwin ( 1809-1882)

Có phải công trình của Thiên Chúa vượt trội hơn công trình của con người? Và nếu tác giả Kinh thánh đã thực sự có cảm hứng, thì phải chăng cuốn Kinh thánh đó vĩ đại nhất trong các sách? Thí dụ, nếu đồng ý rằng một số bức tượng nào đó đã được điêu khắc bởi những điêu khắc gia có cảm hứng thì những bức tượng đó phải vượt trội hơn mọi bức tượng của các điêu khắc gia khác không có cảm hứng. Bao lâu bức tượng Venus de Milo còn được công nhận là sản phẩm của con người thì không ai lại đi tin vào những điêu khắc gia có cảm hứng – ít nhất cho đến khi có một bức tượng vượt trội hơn được tìm thấy. Trong lĩnh vực hội hoạ cũng vậy. Chúng ta thú nhận rằng Corot đã không có cảm hứng. Không ai tuyên bố rằng Angelo đã có sự giúp đỡ siêu tự nhiên. Ngày nay, nếu có ai cho rằng một hoạ sĩ nào đó là công cụ của Thiên Chúa, chắc chắn những tranh vẽ hắn làm ra phải vượt trội hơn tất cả những tranh vẽ của các hoạ sĩ khác.

Tôi không hiểu làm sao mà một nguời thông minh lại có thể nghĩ rằng cuốn kinh Thánh vịnh của vua Solomon [Psalms of Solomon] là công trình của Thiên Chúa, và tác phẩm Sự bất hạnh của vua Lear [3] lại là công trình của một người không có cảm hứng. Chúng ta đều có thể sai lầm, nhưng đối với tôi, Iliad [4] có vẻ là một công trình cao cả hơn cuốn kinh Sách của Esther [5] , và tôi thích Iliad hơn những sáng tác của Haggai và Hosea. Aeschylus vượt trội hơn tiên tri Jeremiah, và Shakespeare vượt lên trên tất cả mọi sách thiêng của thế giới.

Không có vẻ như con người có thể thành lập một chân lý – bất cứ điều gì đã thực sự xảy ra – bằng thứ được gọi là phép lạ. Thực là dễ hiểu khi một điều bình thường đã trở thành kỳ diệu bằng việc vẽ vời thêm, – bằng những điều thêm bớt, – và rất dễ nhận thấy cách nào mà một điều kỳ diệu đã trở thành siêu tự nhiên do vẽ vời thêm. Nhưng có vẻ như không thể có một người thông minh, lương thiện nào đã từng cố gắng chứng minh bất cứ điều gì bằng một phép lạ.

Như một sự kiện, các phép lạ chỉ có thể làm hài lòng những người không đòi hỏi bằng chứng; nếu không vậy thì làm sao họ có thể tin vào phép lạ? Cũng có vẻ như chắc chắn, ngay cả nếu phép lạ đã được thực hiện, rằng không thể thành lập sự kiện đó bằng lời chứng của con người. Nói cách khác, các phép lạ chỉ có thể được thành lập bởi những phép lạ, và không có biến cố nào mà phép lạ lại là bằng chứng, trừ đối với những người đã thực sự hiện diện; và để cho phép lạ có một giá trị nào đó, phép lạ phải là vĩnh viễn. Cũng nên biết rằng một phép lạ thực sự xảy ra bắt buộc phải rọi một tia sáng nào đó vào bất cứ một chân lý nào thuộc luân lý, hoặc phải làm tăng thêm sự ràng buộc của con người.

Nếu có người nào đã từng có cảm hứng thì đó là một phép lạ bí mật, không ai biết, và chỉ được nghi ngờ bởi người tuyên bố hắn có cảm hứng. Có lẽ hắn không có đủ sức để trưng ra bằng chứng thoả đáng về sự kiện đó cho bất cứ người nào khác.

Lời chứng của con người không đủ để thành lập những điều siêu tự nhiên. Bằng chứng của một người hay của 12 người [6] không thể đứng vững khi có sự mâu thuẫn với kinh nghiệm của thế giới hiểu biết. Nếu một cuốn sách được chứng minh bằng những phép lạ là chân thật thì nó không có gì khác biệt nếu nó do cảm hứng hay không, và nếu nó không chân thật thì sự việc có cảm hứng không thể làm tăng thêm giá trị cho nó.

Sự thật là Giáo hội luôn luôn – có lẽ một cách vô thức – đã cổ vũ cho những điều sai lầm. Giáo hội đã được thiết lập trên những gì siêu tự nhiên, mầu nhiệm, và nó đã đón chào mọi lời tuyên bố có tính toán hỗ trợ cho nền tảng [thiết lập ra nó]. Nó đã ban thưởng cho người du hành, kẻ đã tìm được những bằng chứng của phép lạ, kẻ đã thấy cây cột muối từ đó vợ ông Lót biến đổi và những dấu vết bánh xe của vua Pha-ra-on trên cát Biển đỏ. Nó ban danh dự cho sử gia đã viết đầy những điều phi lý và không thể có. Nó đã có riêng những nhà địa chất học và thiên văn học, những người đã xây dựng trái đất và các chùm sao theo Kinh thánh. Bằng dao găm và lửa, nó đã giết hại những người can đảm và biết suy nghĩ đã nói điều chân thật. Nó là kẻ thù của sự điều tra và lý trí. Đức tin và tiểu thuyết cùng công ty với nhau.

Ngày nay, khả năng hiểu biết của thế giới chối bỏ các phép lạ. Sự ngu dốt là đất màu mỡ cho những gì siêu tự nhiên. Nền tảng của Thiên Chúa giáo đã sụp đổ, biến mất, và toàn thể tấm vải che phải rơi xuống. Điều nào theo lẽ tự nhiên thì chân thật. Các phép lạ thì sai lầm.

Robert Green Ingersoll

Trần Tiên Long dịch

[Source: North American Review, March, 1890]

Chú thích của Trần Tiên Long:

[1] Hòn đá của triết gia (La tinh: lapis philosophorum) là thứ vật chất phong thần thuộc Thuật giả kim, có khả năng biến kim loại thông thường thành những kim loại quí, chẳng hạn như vàng, chì, đồng... Nó cũng có thể được dùng làm con người trẻ mãi để đạt sự bất tử. Hòn đá của triết gia đã một thời là biểu tượng của hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng, của sự xuất hiện thần thánh, và của đức Ki-tô.

[2] Đúng hơn, đường kính của vòng tròn xấp xỉ bằng 1/3 của chu vi, bởi vì D = C/π, mà π= 3,141592635; do đó, đường kính D = C/3,141592635, gần bằng C/3. Nên biết tác giả là một đại tá quân đội, một luật sư, một nhà chính trị thuộc đảng Cộng hoà, không phải nhà toán học.

[3] Sự bất hạnh của vua Lear (The Tragedy of Lear) là một kịch tác của Shakespeare, diễn tả chi tiết về những quyết định của vua Lear, một nhân vật tưởng tượng, đã làm sụp đổ một chế độ ở Anh quốc, và đưa đến những bất hạnh cho chính mình và những người xung quanh.

[4] Iliad là một tập thơ cổ Hy lạp, truyền thống cho Homer là tác giả.

[5] Sách của Esther (Book of Esther) là một trong những cuốn kinh Do thái.

[6]Ý muốn nói 12 Tông đồ của Giê-su.

 

 

Trần Tiên Long