Tác giả Robert Green Ingersoll (August 11, 1833 – July 21, 1899) là một
cựu đại tá, một cựu chiến binh của cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ, một nhà luật
sư, một nhà chính trị thuộc đảng Cộng Hòa, và cũng là một nhà hùng biện
tài danh. Ông được sinh ra và dạy dỗ trong một gia đình Thiên Chúa giáo,
có người cha là một mục sư Tin Lành thuộc hệ phái Presbyterian bảo thủ.
Mặc dù vậy, sau khi đã trưởng thành, ông đã từ khước những niềm tin của
gia đình và tổ tiên của ông để trở thành Người Không Tin Vĩ Đại (The Great
Agnostic), một tước hiệu người đời đã tôn vinh ông, nhờ những bài diễn
thuyết và tham luận rất thuyết phục về đề tài tôn giáo. Ông viết:
“Nếu chúng ta phải theo tôn giáo của cha mẹ chúng ta thì cha
mẹ chúng ta cũng phải theo tôn giáo của họ. Như vậy thì đã không
thể có sự tiến bộ trong lĩnh vực tư tưởng. Tôn giáo đầu tiên có
lẽ đã là tôn giáo cuối cùng, và người con có lẽ đã chết trong sự
ngu dốt như người mẹ. Sự tiến bộ có lẽ đã không có, và sự thông
minh của nhân loại có lẽ đã bị hy sinh ở tại những ngôi mộ của các
tổ tiên.”
Nhận thấy bài Tại Sao Tôi Là Người Không Tin của Ingersoll có thể
trả lời cho những lập luận của một vài người đem việc tôi không còn tin
những gì tôi đã bị nhồi sọ từ khi mới sinh ra đời, như chính tác giả Ingersoll
đã từng kinh nghiệm, như là lý do để mạt sát và chửi bới liên tục trong
các diễn đàn. Những cách thức ám sát tư cách cá nhân cho mục đích mạt sát
thiên hạ đã dẫn đến việc không thể có sự trao đổi trong tinh thần học thuật.
Việc tin hay từ chối tin những điều chưa có sự kiểm chứng là một quyết
định hoàn toàn tự do của mỗi cá nhân. Nếu bạn có quyền tự do biện minh
cho điều bạn tin thì bất cứ ai cũng có quyền tự do biện minh cho điều họ
không tin. Và Ingersoll sẽ cho bạn biết tại sao ông lại là người không
còn tin những điều mà ông bà, cha mẹ của ông đã nhồi sọ ông từ khi ông
mới chào đời.
Hôm nay tôi biên tập lại bài dịch này để được hoàn thiện hơn, như là một
đóng góp bé nhỏ để mong làm sáng tỏ một đề tài hiện đang được tranh cãi
trong các diễn đàn: hiện tượng mạt sát chỉ vì không cùng một niềm tin.
Trần Tiên Long
***
(PART I)
Robert G. Ingersoll (1833-1899)
“Bằng những tư tưởng nằm ngoài
tầm với của tâm trí chúng ta”
Những câu hỏi về tôn giáo phải được trả lời dựa trên những quy
luật hoặc định luật xác suất như trong các lĩnh vực khác. Tuyệt
đối không có điều nào liên quan đến con người lại bắt buộc phải tin
mà không cần bằng chứng. Cũng chẳng có một nhân vật siêu nhiên, bằng
bất cứ cách thế hiện hữu như thể nào, lại được tâng bốc, bợ đỡ bằng
tác động của lòng nhẹ dạ, ngu dốt. Người không có thành kiến khi
đọc và hiểu các kinh Cựu ước và Tân ước thì sẽ không còn là người
Thiên Chúa giáo Cơ-đốc nữa. Người thông minh, khi điều tra với lòng
dũng cảm và không thành kiến về một tôn giáo của bất kỳ quốc gia
nào, thì sẽ không còn và không thể là người tin.
Phần đông, sau khi đi đến kết luận
rằng Jehovah không phải là Thiên Chúa,
Kinh Thánh không phải là cuốn sách
được thần linh mặc khải, và Thiên
Chúa giáo, cũng như bất cứ một
tôn giáo nào khác, là sáng chế của
con người, đều cho rằng: “Phải có
một đấng Tối cao, nhưng Jehovah không
phải là tên của Đấng đó, và Kinh
Thánh không phải là lời của Ngài.
Ở đâu đó phải có một đấng Quan
Phòng cai trị hay một đấng Quyền
Năng.”
Quan điểm này không đứng vững cũng
như quan điểm kia. Đấng đó không thể
hoà hợp những tàn ác trong Kinh
Thánh với lòng nhân từ của Jehovah,
những khủng khiếp trong thiên nhiên
với lòng tốt lành và sự khôn ngoan
của đấng gọi là Thần Linh. Đấng
đó sẽ không có cách nào giải thích
được tại sao có bệnh dịch và nạn
đói, có động đất và mưa bão, có
người nô lệ, có kẻ mạnh thống trị
kẻ yếu, có vô số chiến thắng của
điều bất công. Ngài sẽ thấy không
thể nào giải thích được về các
người tử vì đạo – về việc thiêu
sống những người tốt lành, đáng
kính phục, có lòng yêu thương, bởi
những tên ngu dốt có ác tâm và bỉ
ổi.
Làm sao người tin vào Thiên Chúa
có thể giải thích một cách thoả
đáng những khổ đau của đàn bà và
trẻ em? Bằng cách nào để họ biện
minh về việc khủng bố trong tôn giáo
– lửa và gươm của lòng căm thù tôn
giáo? Tại sao Thiên Chúa ngồi im
lặng trên ngai vàng của Ngài, để
cho những kẻ thù của Ngài đâm chém
các bạn hữu của Ngài? Tại sao Ngài
không trả lời những lời cầu xin
của kẻ bị giam cầm, không có sự
giúp đỡ? Và khi Ngài nghe tiếng
roi quất trên lưng trần của người
nô lệ, tại sao Ngài lại không nghe
lời kêu van của hắn? Và khi những
trẻ thơ bị giật ra khỏi vú của
các bà mẹ để đem bán, tại sao Ngài
không nghe lời than khóc của họ?
Đối với tôi, có vẻ như người biết
về những giới hạn của trí tuệ,
đặt một giá trị thích đáng vào
chứng cớ của con người, nhất thiết
phải là người không tin. Hắn từ
bỏ hy vọng vào việc khẳng định
chắc chắn các nguyên nhân đầu tiên
hay cuối cùng, vào sự hiểu biết
về một đấng siêu nhiên, hoặc vào
sự nhận thức về một nhân vật vô
hạn. Những danh từ như đấng Sáng
Tạo, đấng Gìn Giữ, và đấng Quan
Phòng, tất cả đều vô nghĩa.
Trí tuệ của con người theo đuổi
con đường ít có chống đối nhất,
và những kết luận đạt được của
mỗi cá nhân tùy thuộc vào vật chất
và cấu trúc của trí óc, vào kinh
nghiệm, vào những thái độ hay khuynh
hướng di truyền, và vào vô số những
gì tạo nên sự khác biệt giữa các
trí óc. Một người ở giữa những
hiện tượng huyền bí sẽ đi đến kết
luận rằng mọi sự đều là kết quả
của thiết kế; rằng đằng sau mọi
sự vật là một nhân vật vô hạn.
– ý muốn nói một con người vô cùng
tận; và hắn giải thích mọi vật
bằng cách đơn giản cho rằng vũ trụ
đã được sáng tạo và chuyển động
bởi nhân vật vô hạn này, và vũ
trụ được cai quản và duy trì một
cách bí mật và siêu tự nhiên. Hắn
thấy hoàn toàn rõ ràng là vật
chất không thể tự tạo, và do đó
hắn tưởng tượng về một người sáng
tạo ra vật chất. Hắn tuyệt đối
bằng lòng phải có sự thiết kế
trong thế giới, và như vậy đã có
người thiết kế. Hắn chẳng cần giải
thích về sự tồn tại của nhân vật
vô hạn. Hắn tin chắc không thể có
thiết kế nếu không có người thiết
kế, và hắn cũng tin bằng nhau có
một người thiết kế mà không bị
thiết kế. Sự vô lý quá lớn đến
nỗi cần phải có chứng minh. Hắn
chấp nhận vật chất đã được sáng
tạo và người sáng tạo không cần
được sáng tạo. Hắn giả sử đấng
sáng tạo tự hiện hữu từ vô thuỷ
vô chung mà không cần nguyên nhân,
và từ hư vô Ngài đã sáng tạo ra
cái thứ gọi là vật chất; hoặc,
trong khi chưa có một thứ gì, đấng
sáng tạo này đã làm ra mọi thứ
mà chúng ta gọi là vật chất.
Có thể nào trí tuệ con người hiểu
được về một nhân vật vô hạn không?
Trí tuệ có thể tưởng tượng ra một
hữu thể không có khởi đầu, toàn
năng và toàn trí được không? Nếu
có một hữu thể như vậy tồn tại
thì phải có một thời gian vô tận,
ở đó không có gì hiện hữu ngoài
hữu thể này; bởi lẽ, nếu vũ trụ
đã được sáng tạo thì đã có thời
chưa có nó, và trước đó phải có
một thời gian vô cùng tận, chẳng
có gì tồn tại ngoại trừ nhân vật
vô hạn đó.
Có thể tưởng tượng một nhân vật
thông minh vô cùng ở trong hư vô từ
vô thủy vô chung được không? Làm sao
một hữu thể như vậy có thể thông
minh? Mà thông minh về cái gì? Chỉ
có một điều duy nhất biết, đó là
đã chẳng có gì ngoài hữu thể này.
Làm sao một hữu thể như vậy lại
toàn năng? Chẳng có gì để đặt năng
lực vào. Chẳng có gì trong vũ trụ
để có nguồn cảm hứng. Không thể
có mối tương quan – ngoại trừ tương
quan giữa đấng thông minh vô cùng
và hư vô.
Điều khó khăn lớn kế tiếp là công
việc sáng tạo. Trí tuệ của tôi
định rằng tôi không thể nào nhận
thức một thứ gì được sáng tạo
từ hư vô. Tôi cũng chẳng thể hiểu
bất cứ thứ gì được sáng tạo mà
không có một nguyên nhân. Hãy để
tôi tiến xa thêm bước nữa. Thật khó
có thể tưởng tượng một thứ gì
được sáng tạo do một nguyên nhân
cũng như không do một nguyên nhân nào.
Đặt nguyên nhân thành một định đề
không làm giảm khó khăn thêm một
chút nào. Cho dù là vậy, đòn bẩy
này vẫn không có điểm tựa. Chúng
ta không thể nhận thức về tính hủy
hoại của vật chất. Hòn đá có thể
bị ghiền nát thành bột, rồi bột
có thể xay cho thật nhuyễn, sao cho
các nguyên tử chỉ có thể phân biệt
được qua kính hiển vi mạnh nhất,
và rồi chúng ta có thể tưởng tượng
những nguyên tử này được phân chia
và lại phân chia nữa; nhưng chúng
ta không thể tưởng tượng được về
sự triệt tiêu một phần nhỏ nhất
của nguyên tử mà chúng ta có thể
nghĩ ra. Như vậy, trí tuệ không
thể tưởng tượng được về sự sáng
tạo hay phá huỷ. Từ điểm này, thực
là dễ dàng để đi đến một điều
tổng quát, rằng cái không thể bị
phá huỷ thì không thể được sáng
tạo. Mặc dù vậy, những câu hỏi
này sẽ được mỗi cá nhân trả lời
theo cấu trúc trí óc của mình,
theo kinh nghiệm của mình, theo thói
quen mình suy nghĩ, và theo sự thông
minh hoặc ngu dốt, thành kiến hoặc
tài năng của mình.
Có lẽ một phần rất đông nhân loại
tin vào sự tồn tại của những hữu
thể siêu tự nhiên, và một số đông
quốc gia văn minh tin vào một nhân
vật vô hạn. Trong lĩnh vực tư
tưởng, số đông không quyết định.
Mỗi khối óc là một vương quốc,
mỗi trí tuệ là một ông vua.
Sự phổ biến một niềm tin cũng không
chứng minh được tính chân thật của
nó. Một phần đông nhân loại tin tưởng
vào đấng được gọi là Thiên Chúa,
và cũng một phần đông nhân loại
không kém đã mặc nhiên tin tưởng
vào những thứ được gọi là quỷ
dữ. Các hữu thể này đã được suy
diễn ra từ những hiện tượng. Chúng
phần lớn là sản phẩm của sự ngu
dốt, sự sợ hãi, và lòng ích kỷ.
Con người ở mọi thời đại đã cố
gắng giải thích về những bí mật
của sự sống và sự chết, của vật
chất, của năng lực, về sự suy tàn
và chuyển động của các sự vật,
và về trái đất và các vì tinh
tú. Người man rợ, ăn ở trong động,
sinh sống nhờ các rễ cây và loài
bò sát, hoặc nhờ những sinh vật
giết được bằng gậy và đá, bị bao
quanh bởi vô số những thứ kinh hãi,
đứng bên con sông mà hắn tưởng như
không có khúc nguồn hay khúc cuối,
bên biển cả mà hắn chỉ biết có
một bờ, là mồi ngon của những con
vật mạnh hơn hắn, của những bệnh
tật lạ lùng và mãnh liệt, run sợ
khi nghe tiếng sấm, bị loá mắt vì
tia chớp, cảm thấy mặt đất rung
chuyển ở phía dưới, thấy bầu trời
xám xẹt với những tia sáng của
hỏa diệm sơn – nằm phủ phục và van
xin sự che chở từ một đấng Vô Danh.
Trong đêm dài hoang dã, giữa những
bệnh dịch và nạn đói, trải suốt
những mùa đông dài thê lương, núp
trong các sào huyệt đen tối, những
hạt giống của lòng mê tín dị đoan
đã được gieo vào trí óc của con
người. Người man rợ tin tuyệt đối
rằng mọi sự xảy ra đều có liên
quan đến hắn; rằng những hành động
của hắn có thể gây sự nổi giận,
hoặc sự tôn thờ của hắn có thể
làm xoa dịu sự phẩn nộ của nhân
vật mà hắn không thấy. Bằng tài
năng khôn khéo nhất, hắn vẽ lên đá
hoặc lên gỗ ý tưởng của hắn về
thần linh. Hắn xây một cái chòi,
một căn lều, và cuối cùng là một
ngôi vương cung thánh đường cho thần
tượng này. Hắn quỳ lạy trước những
hình tượng, và ở những miếu thờ
này, hắn phung phí tiền bạc của
hắn, hắn tìm sự che chở cho hắn
và những người hắn thương yêu. Một
số ít người lạm dụng một số đông
ngu dại. Họ giả bộ như đã nhận
được thông tin từ đấng Vô Danh. Họ
đứng giữa đám người không có sự
giúp đỡ và các thần linh. Họ là
những người mang cờ đình chiến.
Tại toà phán xét ở thiên đình,
họ biện hộ cho con người, và họ
sống nhờ công lao của những người
đã chết.
Người Thiên Chúa giáo ngày nay
thắc mắc về việc quỳ lạy trước
thần tượng của người man rợ; và
tuy nhiên, phải thú nhận rằng thạch
thần cũng đã nhận lời cầu nguyện
và che chở cho những người thờ lạy
thần, giống hệt như Thiên Chúa của
người Thiên Chúa giáo ngày nay nhận
lời cầu nguyện và che chở cho những
người thờ lạy Ngài.
Trí tuệ của tôi bắt buộc phải đi
đến kết luận rằng vật chất thì
vĩnh viễn; vũ trụ không có khởi
đầu và sẽ không có kết thúc, nó
tồn tại muôn đời; các mối tương
quan thì ngắn ngủi và phù du; các
sinh vật sinh sản rồi bị tiêu diệt;
các dạng thức thay đổi, - nhưng phần
vật chất của mọi vật thì vĩnh
viễn trường tồn. Có thể các hành
tinh được sinh ra và chết, các chòm
sao sẽ biến mất trong không gian vô
tận, vô số mặt trời sẽ nguội đi,
- nhưng phần vật chất vẫn còn mãi
mãi.
Những câu hỏi về nguồn gốc và định
mệnh dường như nằm ngoài khả năng
của trí tuệ con người.
Tính di truyền đi đôi với tính mê
tín dị đoan. Tất cả sự ngu dốt
của chúng ta biện hộ theo người
già. Phần đông con người cảm thấy
tổ tiên của họ quá tốt lành, can
đảm, và khôn ngoan, và những quan
điểm của tổ tiên về mọi điều liên
quan đến tôn giáo cần phải được
tuân thủ. Họ tin rằng cha mẹ họ
là những người giỏi nhất, và điều
gì làm họ hài lòng cũng sẽ làm
con cháu họ hài lòng. Với lòng
kính trọng, họ bảo rằng tôn giáo
của mẫu thân họ thì tốt lành đủ,
trong sáng đủ, và hợp lý đủ đối
với họ. Bằng cách này, tình thương
yêu cha mẹ và sự kính trọng tổ
tiên đã mua chuộc lý trí trong vô
thức, hoặc làm mù quáng con mắt
của lý trí.
Trong thâm tâm người già có sự khát
khao được sống và chết ở nơi chốn
cha mẹ của họ đã sống và chết
– một khuynh hướng muốn trở về lại
những ngôi nhà của thời niên thiếu.
Xung quanh cây sồi già trưởng thành
là những cây nho leo mọc và dính
bám chặt. Tuy nhiên, bảo rằng tôn
giáo của mẫu thân tôi đủ tốt cho
tôi thì càng khó khăn hơn là bảo
rằng Địa Chất Học hay Thuật Chiêm
Tinh hay Triết Học của mẫu thân tôi
đủ tốt cho tôi. Mọi người đều có
quyền phấn đấu cho những điều tốt
đẹp nhất; và nếu có một chút xíu
tiến bộ về tôn giáo của thân mẫu,
người con có quyền thụ hưởng sự
tiến bộ đó, và hắn không nên từ
bỏ lợi ích đó bằng ý tưởng sai
lầm rằng hắn có bổn phận đối với
mẫu thân hắn là làm thành vĩnh
viễn, theo cách kính trọng, những
sai lầm u mê của bà.
Nếu chúng ta phải theo tôn giáo
của cha mẹ chúng ta thì cha mẹ chúng
ta cũng phải theo tôn giáo của họ.
Như vậy thì đã không thể có sự
tiến bộ trong lĩnh vực tư tưởng.
Tôn giáo đầu tiên có lẽ đã là tôn
giáo cuối cùng, và người con có
lẽ đã chết trong sự ngu dốt như người
mẹ. Sự tiến bộ có lẽ đã không
có, và sự thông minh của nhân loại
có lẽ đã bị hy sinh ở những ngôi
mộ của các tổ tiên.
Chúng ta cũng biết rằng đã có tôn
giáo của bộ lạc, của cộng đồng,
và của quốc gia, và đã có cảm
nghĩ cho là bổn phận của mỗi thành
viên của bộ lạc hoặc cộng đồng,
và của mỗi công dân của quốc gia,
là phải đòi hỏi tôn giáo của bộ
lạc đó, của cộng đồng đó, của
quốc gia đó, tốt hơn tôn giáo của
bất cứ nơi nào khác. Chúng ta
biết rằng tất cả những thành kiến
đối với các tôn giáo khác, và toàn
thể tính tự cao tự đại của quốc
gia và bộ lạc, đều để thiên vị
cho lòng mê tín dị đoan địa phương.
Mỗi một công dân phải ái quốc đủ
để bám chặt vào tôn giáo của mình
và từ bỏ các tôn giáo của những
quốc gia khác. Và có một điều kỳ
lạ nơi con người: hắn có thể nhận
thấy những phi lý của các tôn giáo
khác trong khi lại mù mắt đối với
những phi lý của tôn giáo hắn. Người
Thiên Chúa giáo biết rõ ràng Mohammed
là kẻ lừa đảo. Họ biết điều đó
chắc chắn, bởi vì dân thành Mecca
là những người quen biết Ngài đã
tuyên bố rằng Ngài không phải là
đấng tiên tri; và điều tuyên bố này
được người Thiên Chúa giáo chấp
nhận như là bằng chứng Mohammed đã
không có thần khải. Tuy nhiên, cũng
chính những người Thiên Chúa giáo
này thừa nhận rằng dân thành Jerusalem
là những người quen biết đức Ki-tô
nhưng đã từ chối Ngài; và họ xem
sự từ chối này như là bằng chứng
xác thực đức Ki-tô là con Thiên Chúa.
Người trung bình theo tôn giáo của
quốc gia hắn, hoặc đúng hơn, tôn
giáo quốc gia hắn nhận hắn. Hắn
bị thống trị bởi lòng tự cao tự
đại của giống nòi, lòng ngạo mạn
của quốc gia, và lòng thành kiến
còn được gọi là lòng ái quốc.
Hắn không suy luận; hắn chỉ cảm
thấy. Hắn không điều tra; hắn chỉ
tin. Đối với hắn, những tôn giáo
của các quốc gia khác là vô lý
và bỉ ổi, và những thần linh của
họ là những quái vật ngu dốt và
tàn ác. Ở mỗi quốc gia, người trung
bình này trước hết được dạy có
một đấng Tối cao; thứ nhì, Đấng
đó đã làm cho con người biết ý
muốn của Ngài; thứ ba, Ngài sẽ
thưởng công những ai tin theo Ngài;
thứ tư, Ngài sẽ xử phạt những ai
không tin, phỉ báng, và xúc phạm
Ngài; thứ năm, có những lễ nghi
tán dương làm Ngài vui lòng; thứ
sáu, Ngài đã thành lập Giáo hội;
thứ bảy, các linh mục là những
người đại diện của Ngài ở trần
gian. Và người trung bình không có
khó khăn gì để xác định rằng Chúa
của quốc gia hắn là Chúa chân thật;
rằng ý muốn của Chúa chân thật
này nằm trong các sách thiêng của
quốc gia hắn; rằng hắn là một trong
những kẻ tin đúng sự thật, rằng
dân tộc của các quốc gia khác –
nghĩa là những người tin vào các
tôn giáo khác – là những kẻ phỉ
báng; rằng chỉ có một Giáo hội
chân thật là Giáo hội mà hắn là
thành viên; và rằng những linh mục
của quốc gia hắn luôn luôn có một
chút ảnh hưởng với Chúa chân thật
này. Tất cả những điều phi lý này
đối với người trung bình được xem
như những xác nhận hiển nhiên; và
như vậy, hắn khinh bỉ mọi niềm tin
khác, và tự khen mình là người
được Chúa chân thật ưu đãi.
Nếu người Thiên Chúa giáo trung bình
được sinh ra ở Turkey, có lẽ hắn
đã là người Hồi giáo; và nếu người
Hồi giáo trung bình được sinh ra
ở Anh quốc và được giáo dục ở
Andover, có lẽ hắn đã xem sự nguyền
rủa vào địa ngục cho người ngoại
đạo như là đầy tràn niềm vui lớn.
Các quốc gia có những điều lệch
lạc, điều riêng biệt, và những ảo
tưởng, và những thứ này được tìm
thấy trong luật pháp, phong tục,
lễ lạc, luân lý, và tôn giáo của
quốc gia. Chúng phần đông được quyết
định bởi địa lý, khí hậu, và vô
số những hoàn cảnh đúc khuôn và
thống trị đời sống và thói quen
của các loài côn trùng, bởi những
cá nhân, và bởi các quốc gia. Người
trung bình mặc nhiên tin vào tôn giáo
của quốc gia hắn, bởi vì hắn không
biết gì về tôn giáo nào khác và
cũng chẳng có hứng thú để biết.
Tôn giáo hắn phù hợp với hắn bởi
vì hắn đã được uốn nắn để phù
hợp, và hắn xem sự phù hợp này
như là chứng cớ của chân lý thần
khải.
Con người có quyền nghiên cứu, điều
tra tôn giáo của quốc gia mình -
tôn giáo của chính cha mẹ mình không?
Người Thiên Chúa giáo công nhận rằng
những người công dân của các quốc
gia không Thiên Chúa giáo có cái
quyền này, và rằng đó là bổn phận
nghiêm trọng của họ. Hằng ngàn nhà
truyền giáo được sai đến những quốc
gia ngoại đạo để thuyết phục những
người tin các tôn giáo khác không
những xét lại những điều mê tín
của họ mà còn để khước từ chúng,
và để chấp nhận tôn giáo của những
nhà truyền giáo. Đó là bổn phận
của người ngoại đạo phải từ bỏ
tôn giáo của quốc gia họ và khinh
thường tín ngưỡng của cha mẹ họ.
Nếu những người công dân của các
quốc gia ngoại đạo có quyền xem
xét lại nền móng của tôn giáo họ
thì những người công dân của các
quốc gia Thiên Chúa giáo cũng phải
có cái quyền này. Mặc dù vậy,
những người Thiên Chúa giáo còn
đi xa hơn nữa; họ nói với những
người ngoại đạo rằng: Bạn phải
xem xét lại tôn giáo của bạn, và
không chỉ vậy mà còn phải từ bỏ
nó; và, trừ phi bạn vất bỏ nó,
và thay vào đó, chấp nhận tôn giáo
của chúng tôi, còn không bạn sẽ
bị đày vào địa ngục muôn đời. Rồi
cũng chính những người Thiên Chúa
giáo này lại nói với những người
ở quốc gia Thiên Chúa giáo: Bạn
chớ nên nghiên cứu; bạn chớ nên điều
tra; nhưng cho dù bạn nghiên cứu hay
điều tra, bạn phải tin, hoặc bạn
sẽ bị đày vào địa ngục muôn đời.
Nếu có một tôn giáo chân thật thì
làm sao có thể biết chắc chắn tôn
giáo nào là tôn giáo chân thật?
Chỉ có một cách duy nhất. Chúng
ta phải nghiên cứu một cách không
thiên vị những điều tuyên bố của
mọi tôn giáo. Quyền nghiên cứu cần
thiết đòi hỏi phải bao gồm cả quyền
chấp nhận hoặc khước từ. Thực ra,
đó không phải là quyền nhưng là
sự cần thiết. Từ kết luận này,
không thể có một lối thoát. Như
vậy, nếu chúng ta có quyền nghiên
cứu thì chúng ta cũng có quyền
tuyên bố kết quả được tìm thấy. Người
Thiên Chúa giáo đã nghiên cứu một
số các tôn giáo khác, và họ đã
nói lên ý kiến của họ với sự tự
do hoàn toàn – nghĩa là họ đã từ
chối tất cả như là sai lầm và lừa
lọc; đã xem các thần linh của những
người ngoại đạo như là thần tượng
và thần thoại, và các thày tu như
là những kẻ chuyên nghề lừa đảo.
Người Thiên Chúa giáo không nghĩ
là nên đọc kinh Koran. Có lẽ không
có đến một người trong một ngàn
người Thiên Chúa giáo đã từng nhìn
thấy một bản sao của kinh này. Và
tuy nhiên, tất cả những người Thiên
Chúa giáo hoàn toàn bằng lòng rằng
kinh Koran là sản phẩm của kẻ mạo
danh. Không có một người Tin lành
Presbyterian nào nghĩ rằng nên để
thì giờ nghiên cứu các hệ thống
tôn giáo Ấn độ. Hắn biết rằng người
theo Ấn giáo thì sai lầm, và những
phép lạ của họ đều giả tạo. Không
có người Tin lành Methodist nào bận
tâm tìm hiểu về đời sống của đức
Phật, và không có người Tin lành
Baptist nào bỏ phí thời gian của
hắn để học về nền luân lý của
Khổng Tử. Người Thiên Chúa giáo
thuộc mọi giáo phái chấp nhận rằng
chỉ có một tôn giáo chân thật, và
rằng tất cả mọi tôn giáo, ngoại
trừ Thiên Chúa giáo, là tuyệt đối
không có nền tảng. Thế giới Thiên
Chúa giáo tin rằng tất cả những
lời cầu xin của người Ấn giáo không
được nhận lời; rằng hiến vật trên
vô số bàn thờ của những người Ai
cập, Hy lạp, và La mã đều không
có kết quả gì. Họ tin rằng những
quốc gia hùng mạnh này thờ cúng
các thần linh của họ vô tích sự;
những thày tu của họ là những người
lừa dối hoặc bị lừa dối; các nghi
lễ của họ thì đồi bại hoặc vô
nghĩa; các đền miếu của họ đã
xây dựng bằng sự ngu dốt và lừa
bịp, và không có thần linh nào nghe
tiếng hát tán tụng, lời than khóc
vô vọng, lời cảm tạ của họ; sự
việc hết bệnh dịch giải thích cho
tôn giáo của họ; động đất và núi
lửa, lụt lội và bão tố tiêu diệt
họ – trong khi Thiên Chúa chân chính
thì nhìn xuống họ, nhạo cười những
tai ương và chế nhạo sự sợ hãi
của họ.
Ngày nay, chúng ta nhận thấy sự
phồn thịnh của các quốc gia tùy
thuộc không phải vào tôn giáo của
họ, không phải vào lòng tốt lành
hoặc sự quan phòng của một thần
linh nào đó, mà vào địa lý, khí
hậu, và buôn bán, vào tài khéo
léo, nền kỹ nghệ, và lòng can đảm
của người dân, vào sự phát triển
của trí tuệ, vào sự phổ biến nền
giáo dục, vào sự tự do tư tưởng
và hành động; và trong toàn cảnh
hùng vĩ này về sức sống của quốc
gia, lý trí đã xây dựng và lòng
mê tín dị đoan đã phá hoại.
Đồng ý rằng mọi người tin chính
xác như họ phải tin, và những tôn
giáo đã được thành lập theo cách
thức tự nhiên, tôi không khen ngợi
hoặc phiền trách bất cứ ai. Những
người tốt đã từng có những tín
ngưỡng xấu, và những người xấu
đã từng có những tín ngưỡng tốt.
Đã có những người cao quý nhất
trong loài người chiến đấu và chết
cho điều sai lầm. Trí óc con người
là chỗ tin cậy của những điều mâu
thuẫn. Cảm xúc thường làm chủ lý
trí, và rồi hiện trạng của con
người, giống như một vương quốc nhỏ,
phải chịu đựng thực chất của một
cuộc nổi dậy.
Khi bàn cãi về những vấn đề tôn
giáo hay thần học, chúng ta hầu
như là trao đổi cho nhau những quan
điểm cá nhân, và ngày nay, chúng
ta cứu xét những luận cứ thay vì
chụp mũ và nguyền rủa nhau. Những
người thực sự tìm chân lý phải
là những người bạn tốt nhất. Mỗi
người đều biết rằng lòng ao ước
khát khao của mình không bao giờ
thay thế sự kiện, và rằng, trước
khi đi tìm chân lý, cần phải có
lòng danh dự tột bực trong việc
tìm kiếm lương thiện.
Chúng ta thấy những con tàu trôi
đi khắp nơi bởi cùng một cơn gió.
Cũng vậy, con người khi đọc cùng
một cuốn sách đã viết thành nhiều
tín điều và thảo ra nhiều con đường
đi lên thiên đường. Trong khả năng
tốt nhất của tôi, tôi đã nghiên cứu
những tôn giáo của nhiều quốc gia
và các tín điều của nhiều giáo
phái. Chúng rất giống nhau, và lời
chứng mà chúng được hỗ trợ chỉ
đại loại là một phần thưởng đời
đời hứa cho những kẻ tin theo. Trong
tất cả mọi sách thiêng, có đôi chút
chân lý, một vài tia sáng, đôi ba
chữ nghĩa chứa đựng tình yêu và
hy vọng. Gương mặt của người man
rợ đôi khi mềm nhủn vì một nụ cười
– con người chiến thắng khải hoàn
và trái tim vỡ thành ca khúc. Nhưng
trong những cuốn sách này cũng có
sự sợ hãi và lòng hận thù, và
từ những trang sách đó, những con
rắn bò ra, cuộn tròn, và kêu rít
rít trên mọi nẽo đi của con người.
Phần tôi, tôi thích hơn những cuốn
sách mà sự cảm hứng không có công
bố. Bản chất của trí óc tôi thì
như vậy đến nỗi Shakespeare cho tôi
sự vui mừng lớn lao hơn tất cả các
tiên tri của thời cỗ xưa.
Có những tư tưởng làm thoả mãn
cơn đói của trí tuệ. Tôi bị thuyết
phục rằng Humboldt biết nhiều về
địa lý hơn tác giả cuốn kinh Sáng
thế ký; Darwin là nhà tự nhiên học
cao cả hơn người viết truyện về
cơn lụt đại hồng thuỷ; Laplace quen
thuộc với quỷ đạo mặt trời và
mặt trăng hơn Joshua; Haeckel, Huxley,
và Tyndall biết nhiều về trái đất
và các vì tinh tú, về lịch sử
con người, về triết lý sống – về
công dụng của nó hơn cả chục ngàn
lần – hơn tất cả các tác giả của
những sách thiêng. Tôi tin vào tôn
giáo của lý trí – thánh kinh của
thế giới này; vào sự trưởng thành
của trí tuệ, vào việc tích luỹ
làm giàu kiến thức, vào kết cục
con người sẽ được tự do thoát khỏi
nỗi sợ hãi mê tín, vào việc cuối
cùng hắn sẽ lợi dụng sức mạnh
của thiên nhiên để tạo ra cơm ăn áo
mặc cho cả thế giới.
Chúng ta hãy lương thiện với chính
mình. Trước sự hiện diện của vô
số điều huyền bí; đứng dưới bầu
trời dầy đặc các chùm sao; biết
rằng mỗi một hạt cát, mỗi một
lá cây, mỗi một cọng cỏ, đặt cho
mỗi một trí tuệ câu hỏi không có
trả lời; biết rằng điều đơn giản
nhất cũng thách đố một giải đáp;
cảm thấy rằng chúng ta chỉ đối
phó với cái mặt nổi và cái tương
đối, và chúng ta bỏ qua cái thực
chất và cái tuyệt đối, - hãy công
nhận trí tuệ của chúng ta có giới
hạn, và hãy can đảm và ngay thẳng
để nói rằng: Chúng ta không biết.