●   Bản rời    

Nhân quả trong Kinh Thánh ?

Nhân quả trong Kinh Thánh ?

Nguyễn Trí Cảm

http://sachhiem.net/TONGIAO/NGTRCAM/NguyenTriCam24.php

23-Jan-2012

Đạo Chúa không hề xem luật nhân quả là nền tảng trong hệ thống giáo lý của mình,

- vì ... tự thân định luật này sẽ phản bác lại các giáo điều khác như đức tin, đức mến, đức cậy v.v.. vào Chúa hay bà Maria,

- vì nếu luật nhân quả chi phối mọi hành động tạo tác của con người, thì vai trò làm người “phán xét” chung cuộc của Chúa trở thành vô nghĩa. (NTC)

LTS: Những chỗ tô đậm trong bài dưới đây là do tòa soạn muốn làm nổi bật. (SH)

Nhân quả được hiểu như là một kết quả xuất hiện, xuất phát từ một hay nhiều nguyên nhân, bao gồm tất cả các hiện tượng vật lý và tâm lý. Luật nhân quả không phải là sự kiện bắt nguồn từ tôn giáo mà là một sự kiện khoa học, không có tôn giáo thì định luật nhân quả vẫn diễn biến một cách khách quan.

Nhưng trong các tôn giáo, Phật giáo xem các nguyên nhân tạo ra kết quả có được có thể diễn biến không đồng thời cũng như chịu sự tác động, tương duyên với nhau, có thể chuyển hóa từ một nhân chính hay bị tác động bởi những nhân phụ khác mà đạo phật  gọi là duyên, nhưng vẫn tuân theo qui luật khách quan chung.

Gieo một hạt thóc xuống ruộng chưa hẳn sẽ là một cây lúa trĩu bông trong tương lai nếu như thóc bị chim chóc ăn hay gặp thời tiết khô hạn. Chim ăn hay khô hạn trở thành yếu tố hay nhân duyên mới để tạo ra một quả khác là hạt đã gieo nhưng không có quả để gặt.

Kinh thánh cũng có một ví dụ có thể xem như tương đồng với thuyết nhân-duyên-quả của Phật giáo qua dụ ngôn sau:

"Một người kia đi ra gieo giống.  Khi gieo, một số hạt giống rơi xuống mặt đường, chim đến ăn mất. Một số hạt giống rơi nhằm đất đá, nơi chẳng có nhiều đất thịt, chúng mọc lên ngay. Vì đất không sâu, nên khi mặt trời mọc lên, chúng bị nắng đốt, vì không có rễ đâm sâu, nên chúng chết héo.  Một số hạt giống khác rơi vào bụi gai, gai góc mọc lên, làm chúng bị nghẹt ngòi.  Một số hạt khác rơi trên đất tốt, mang lại kết quả, hạt được một trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.” Ma-thi-ơ 13.

Nhưng nếu đặt câu trên vào đúng ngữ cảnh và tình huống của lời giảng, thì trọng tâm của lời giảng phát biểu tiếp sau đó là “ai có tai thì nghe”, ngụ ý có người tiếp thụ được lời rao giảng và có người không.

Trong đạo Phật cũng có ẩn dụ tương tự, nhưng được gói gọn súc tích chỉ trong hai từ: “mưa pháp”. Chư Phật thuyết pháp như mưa rơi trên vạn vật, cây lớn hấp thụ nhiều, cây nhỏ tiếp thụ ít, vì thế, tất cả mọi chúng sinh đều được lợi lạt.

Trong kinh sách Cựu ước hay Tân ước của đạo Thiên chúa, tuy không đề cập đến luật nhân quả một cách trực tiếp, nhưng sách kinh lại khẳng định định luật nhân quả như là một qui luật tất yếu, không thể thay đổi qua các lời rao giảng của Giê-su:

Ai gieo giống chi lại gặt giống ấy” (Galati 6:7).

“Hãy biết rõ điều đó, hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều” (II Cô 9:6).

“Vì ai gieo giống chi lại gặt giống ấy” (Galati 6:7)

“Hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt” (Mt 7,17-18),

Khi bàn về nhân quả ở bài viết này, người viết chỉ giới hạn tương quan trong phạm vi của người tạo tác và hậu quả phải chịu do sự tạo tác gây ra với ý thức trong hành động, và có thể phải chịu một kết quả tương ứng.

Trong lời giảng của Giê-su trong Matthew  26,52 cũng là một ẩn dụ đề cập đến luật nhân quả:

“Tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm”

Chiến tranh thập tự của các đạo Chúa. Ảnh Wikipedia

Nếu lời mạc khải không thể sai lầm kia là chân lý mặc nhiên, thì qua bảy cuộc thánh chiến đẫm máu với thế giới Hồi giáo thời Trung cổ hay Giáo hội cấu kết với thực dân đi khai thác tài nguyên ở các nước thuộc địa để mở đường cho việc truyền giáo vào thế kỷ 19, 20, âm mưu thủ tiêu các nền văn hóa bản địa để phục vụ “chân lý” để làm sáng danh Chúa, bức hại các tôn giáo khác, như Phật giáo ở miền Nam thời Ngô Đình Diệm, thì số con chiên từng tham gia công cuộc “mở rộng nước Chúa” qua nhiều thế kỷ nay có thể đã chết gần hết vì gươm như lời mạc khải được cho là không thể sai lầm!.

Nhưng Kinh thánh lại thể hiện sự bất nhất khi tự mâu thuẩn và phủ bác lại những khẳng định trước đó, không theo một qui luật khách quan nào, nhân và quả không tương ứng, hậu quả phải chịu khủng khiếp hơn nhiều lần, lời mạc khải mang tính chất đe dọa, răn đe hơn là sự vận hành của định luật nhân quả một cách khách quan:

Vì chúng nó đã gieo gió và sẽ gặt bão lốc” (Ôsê 8:7).

“Con ơi, đừng gieo trên những luống bất công, kẻo phải gặt bất công gấp bảy lần" (Hc 7:3).

Lời mạc khải này cũng tương tự như câu tục ngữ trong dân gian người Việt, hình thành qua ngàn năm lịch sử, có thể có trước cả khi Giê-su ra đời như “Gieo gió gặt bão”. Câu tục ngữ Việt  hàm ý quy luật nhân quả báo ứng cho tất cả mọi đối tượng, trong khi  Kinh thánh chỉ rõ một đối tượng cụ thể, là một lời nguyền rủa, sự trừng phạt của Chúa trời đối với dân Do thái vì không tuân lời: «Vì chúng nó đã gieo gió và sẽ gặt bão lốc» (Ôsê 8:7) .[1]

Một câu khác trong Kinh thánh xem tưởng như tương đồng với tục ngữ Việt: “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” đó là: ”Ðời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng (Ed 18,2) , tưởng vậy, nhưng không phải vậy, chúng được giải thích là khổ nạn lưu đày mà dân Do thái phải chịu là do ông cha của họ đã quay lưng lại với Chúa. Đó là sự trừng phạt. [2]

Xem ra tính chất nhân quả trong Kinh thánh chỉ là các phát biểu tình huống cụ thể chứ không đặt trên nền tảng khoa học, vì nếu là một định luật thì các diễn biến phải tuân theo qui luật, và sẽ khó thuyết phục khi nói rằng nhân quả trong Thiên chúa giáo khác với nhân quả trong khoa học hay của các tôn giáo khác.

Đối với câu tục ngữ “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, trong giáo lý nhà Phật có đề cập đến một loại nghiệp, đó là nghiệp quả gia đình hay cộng nghiệp trong thuyết nhân quả. Tư tưởng Phật giáo đã hòa nhập vào đời sống, phong tục, tập quán của người Việt và được chứng nghiệm qua hàng ngàn năm mới trở thành câu tục ngữ nói trên, để chứng minh sự diễn biến của qui luật nhân quả.

Luật nhân quả trong Kinh thánh thường mang tính cách trừng phạt trả thù, ban ơn hơn là sự vận hành theo qui luật khách quan:

"Chớ hề dối mình, Ðức Chúa Trời chẳng chịu khinh dể đâu, vì ai gieo giống chi sẽ gặt giống ấy" (Galati 6:7).

«Ngài báo ứng nhãn tiền cho những kẻ ghét Ngài mà hủy diệt chúng nó đi, Ngài không trì hoãn cùng kẻ nào ghét Ngài đâu, sẽ báo ứng nhãn tiền cho kẻ đó» (Phục 7:10).

«Hãy mang những kẻ thù của Ta ra đây, những người không muốn Ta ngự trị trên họ, và giết chúng ngay trước mặt Ta” Luke 19:27

«Ngài sẽ thưởng cho từng người, tùy việc họ làm» (Mathiơ 16:27).

«Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức … Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp. Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút» (Xh 22:20-23). 

Sự cảm tính thể hiện đầy đủ tâm hỉ nộ ái ố của thế tục, ở đây không có chỗ cho lòng khoan dung mà thể hiện tâm thương ghét một cách cực độ, và sự trừng phạt, hay thực tế hơn, lời hăm dọa ghê gớm đó là: “thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút”. Vậy mà ngày nay, các con chiên vẫn ca tụng Thiên chúa là tình thương!

Nhưng Thiên chúa, với tâm trạng bất nhất lại khuyên, một lời khuyên để thể hiện lòng cao thượng gần như chỉ cho các bậc đại giác, chứ không phải cho thế tục.

“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” và “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5, 39.44)

Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. (Lc 6,27-38)

Đó là sự nhu nhược, tiếp tay cho cái ác nhưng giàn hỏa, bó đuốc, hình cụ tra tấn, các cuộc thánh chiến của đạo quân “thiên binh” mà lịch sử đã chứng minh cho điều ngược lại.

Nếu như cho rằng đạo Chúa cũng tin có định luật nhân quả thì theo người viết, đó là một nhận định chủ quan, các nội dung của dụ ngôn hay lời rao giảng trích dẫn trong kinh thánh không đồng nhất và xuyên suốt. Các lời rao giảng mang tính cách đối phó hay xử lý tình huống khôn khéo của một người có tài ăn nói hơn là một đạo sư.

Đạo Chúa không hề xem luật nhân quả là nền tảng trong hệ thống giáo lý của mình vì nếu họ tin rằng có luật nhân quả thì tự thân định luật này sẽ phản bác lại các giáo điều khác như đức tin, đức mến, đức cậy v.v.. vào Chúa hay bà Maria, vì nếu luật nhân quả chi phối mọi hành động tạo tác của con người, thì vai trò làm người “phán xét” chung cuộc của Chúa trở thành vô nghĩa.

Trên thực tế, mọi sự đều nương tựa vào lòng yêu ghét của Chúa là chính, nên trong kinh sách hay thánh ca, ca nhạc liên quan đến tôn giáo này thường là cầu xin xót thương, ca tụng, van xin là chính.

Mục đích tối hậu của con chiên là được cứu rỗi, họ tin rằng mình có tội vì thánh kinh nói thế, được cứu rỗi là được Chúa ban cho sự sống đời đời trên thiên đàng [3], và vì vậy, họ dốc lòng thờ phượng, phụng vụ Chúa, môn đệ của Chúa để được tưởng thưởng, rước lên trời khi đến giờ lâm tử.

“Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. (Mt 10:42).

“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25:34-36).

Như đã nói ở phần mở đầu rằng, có tôn giáo hay không thì luật nhân quả vẫn diễn ra một cách khách quan mà không cần có sự can thiệp của một vị thượng đế có tính khí thất thường vì thế, để giải thích một hoàn cảnh tồi tệ xảy ra cho một con chiên hết lòng thờ phụng Chúa, vì không thể giải thích theo luật nhân quả được buộc lòng các vị chủ chăn phải giải thích theo kiểu “thần học” là Chúa … thử thách như kiểu của Job trong Cựu ước [4]. Còn nếu như một người thành công do sự lao động của mình thì được gọi là ..Chúa cho! Và nếu không may thất bại thì là .. Chúa lấy đi. Còn nếu để giải thích kiểu “có trời mới biết” thì giải thích theo cách của TGM Nguyễn Văn Thuận :

Chúng ta không được lựa chọn vì công trạng của mình, nhưng chỉ vì lòng từ bi của Chúa.”

Nói như GM Thuận thì con chiên dù có nỗ lực tạo nhiều công trạng để vinh danh Chúa cũng không bảo đảm có được một kết quả có hậu vì còn tùy vào lòng từ bi của Chúa, nhưng lại không thể nào biết được lúc nào thì Chúa từ bi, và lúc nào thì không, nên đành phó mặc cho sự may rủi hay tự an ủi là Chúa đã .. an bài! Tuy nhiên, đây là một câu phát biểu rất đúng với thực chất của đạo Thiên chúa: Ông GM Thuận không tin có luật nhân quả, mọi sự đều do Chúa định.

Nhân quả trong Kinh thánh thường thể hiện sự báo thù, hăm dọa, hứa hẹn hay khủng bố tinh thần như:

«Ngài báo trả cho người ta tùy việc họ làm» (Êsai 59:18).

«Ngài báo ứng nhãn tiền cho những kẻ ghét Ngài mà hủy diệt chúng nó đi, Ngài không trì hoãn cùng kẻ nào ghét Ngài đâu, sẽ báo ứng nhãn tiền cho kẻ đó» (Phục 7:10).

«Các ngươi có nghe lời phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng» (Xuất 21:24; Lê 24:20; Phục 19:21; Mathiơ 5:38).

“Đong đấu nào thì sẽ nhận được đấu ấy…” “Thiên Chúa sẽ không thương xót khi xét xử kẻ không biết xót thương.” (Ga 2:13).

"Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán,  vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy" (Ga 2:13).

Ở đây ta không thấy luật nhân quả tương ứng mà chỉ thấy tính chất “ăn miếng, trả miếng” hay trả thù như chuyện thường tình thế gian, thể hiện sự mâu thuẩn trong các lời rao giảng.

Và một trong những lời giảng có liên quan đến luật nhân quả mang tính chất hoang đường nhất là:

“Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có Sự Sống Đời Đời. Vì Thịt Ta thật là Của Ăn và Máu Ta thật là Của Uống. Ai ăn Thịt Ta và uống Máu ta thì ở trong ta và Ta ở trong kẻ ấy” ( Ga 6, 55 -56).

Để hiệp thành một với Chúa, lời mặc khải  Ga 6, 55 -56 là lời Chúa, tuy là một ẩn dụ, nhưng là cách diễn đạt mang nhiều tính chất  bán khai nhất, qua “Bí tích Thánh Thể và Báp-têm (rửa tội)." Người chịu lễ được ăn hay uống bánh/rượu  tức “máu thịt của Chúa” sau khi qua thủ thuật làm phép bằng tiếng Latinh của ông linh mục, và trở thành “rượu thánh và bánh thánh”.

Qua các trích dẫn những lời trong thánh kinh liên quan đến luật nhân quả, ta không thấy qui luật nhân quả chi phối xuyên suốt và nhất quán trong các lời rao giảng này. Các lời giảng mang tính chất tình thế hơn là một hệ thống giáo lý làm nền tảng cơ bản. Những lời rao giảng nào mang tính nhân quả bởi đó là thực tiễn trong đời sống được Giê-su nhận thức và giảng dạy lại cho tín đồ của mình. Tuy nhiên, theo Kinh thánh, nhân quả chung cuộc vẫn là qua sự phán xét của Chúa. Nhưng ngày nay, để thay thế vai trò phán xét này, các quan tòa đã thực hiện nhiệm vụ phán xét của mình ở tất cả mọi lãnh vực liên quan, trong đó đã thụ lý nhiều vụ kiện liên quan đến vấn nạn lạm dụng tình dục các nữ tu hay ấu dâm của quí ông linh mục, và sự việc này là khá phổ biến trên toàn thế giới ngày nay.

Hiện nay, trên các trang mạng Công giáo, và ngay cả Phật giáo cũng đề cập đến thuyết nhân quả trong đạo Thiên chúa. Các câu trích dẫn thường đặt ngoài ngữ cảnh nên xem dường như có sự tương đồng đối với giáo lý của các tôn giáo, tín ngưỡng hay tục ngữ dân gian khác. Sự đề cập đến luật nhân quả của đạo Chúa là  một cách tiếp cận để hòa nhập vào nền văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam, cũng như bản sắc dân tộc qua nhiều hình thức như áo dài khăn đóng , áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ cho bà Maria, nhà thờ trông giống như chùa hay dưới các hình thức văn hóa nghệ thuật, kiến trúc, hội họa khác v.v.. để làm gì thì có lẽ ai từng đọc bản tin nói về việc tổ chức mừng ngày Khánh nhật Truyền giáo ở tổng giáo phận Huế tháng 10-2011 vừa qua cũng rõ.

Giáo hội mong muốn tăng cao số lượng người Công giáo trong nước  [5]

 

SG, tháng Giêng 2012

Nguyễn Trí Cảm

 


Phần chú thích:

[1] Ô-sê 5:1-8:14 nguồn: vietchristian.com

[2] Bài trích sách Êdêkien quay về ý niệm trong Cựu Ước. Vị ngôn sứ và những người cùng thời đang bị lưu đày, khóc thương cho sự sụp đổ của quê hương mình. Ai phải chịu trách nhiệm cho việc họ bị thảm bại dưới tay quân Babylon? Trước hết sự trừng phạt dành cho tội lỗi do những sai lầm của cha ông họ - “đời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng” (Ez 18,2; Xh 34,7). Vì cha ông họ đã quay lưng lại với Thiên Chúa nên những người ở nơi lưu đầy cho rằng đó là lý do họ bị trừng phạt.  

nguồn: kinhthanhvn.org

[3]  "Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không." (Rô-ma 3:10)

"Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời." (Rô-ma 3:23)

"Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi thảy đều héo như lá, và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi." (Ê-sai 64:6)

[4] Chúa thử thách để xem lòng tin Chúa của ông Job kiên định như thế nào, tuy Chúa được xem là “toàn năng” nhưng vẫn không tài nào hiểu được lòng dạ ông Job nên mới phải bày ra cách thử thách như sau:

“Ông Gióp là một người giàu có và có lòng kính sợ Thiên Chúa, nhưng rồi bao nhiêu tai nạn dồn dập đã xảy ra trên đời sống ông: con chết, tài sản tiêu tan và chính ông mắc phải một chứng nan y không thuốc thang nào chữa trị được. Vợ ông trước hoàn cảnh đó chẳng những không thông cảm lại còn lên tiếng chế nhạo, còn những người bạn thì cho rằng ông tội lỗi đầy mình nên mới nên nông nỗi đó.”

Nguồn : tinlanh.org

[5] Các giám mục kêu gọi tín hữu hãy đi loan báo Tin Mừng để cải thiện số lượng người Công giáo ở Việt Nam tại một cuộc gặp gỡ mừng ngày Khánh nhật Truyền giáo ở tổng giáo phận Huế (10-2011). nguồn: ucanews.com

Nguyễn Trí Cảm