●   Bản rời    

Đảng Cần Lao Nhân Vị - VNCH Mười Ngày Cuối (Trích "Việt Nam Nhân Chứng")

Trích trong : Việt Nam Nhân Chứng

(Xuất bản tháng 04. 1989 tại California- Hoa Kỳ)

Hồi ký của Trung Tướng Trần Văn Đôn

Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng QĐVNCH / 1963
Tổng Tư Lệnh QĐVNCH kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng / 1963-1964
Thượng Nghị Sĩ VNCH / 1967
Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng
Chính quyền VNCH 1974 - 1975

http://sachhiem.net/LICHSU/TR/TQD04.php

25 tháng 4, 2011

- I -

Đảng Cần Lao Nhân Vị và Các Tổ chức Ngoại Vi

Thay lời tòa soạn:
From: Tran Quang Dieu
To: goidan@yahoogroups.com; chinhnghiaviet@yahoogroups.com;
 baovechanhphap@googlegroups.com
Sent: Tuesday, April 26, 2011 1:48 PM

Subject: " Đảng Cần Lao Nhân Vị và Các Tổ Chức Ngoại Vi " trích Hồi ký của Trung tướng Trần Văn Đôn
Nhà gián điệp cực bí mật dưới quyền ông Ngô Đình Nhu là ông Cửu Long Lê Trọng Văn, khi
"Mẹ Việt Nam (NXB)" tái bản "Bút Ký Chính Trị của Chu Bằng Lĩnh (viết bằng nước mắt của một người Quốc Gia)"  vào năm 1993 tại Hoa Kỳ đã ghi xuống tính chất  "cực độc" của "Đảng Cần Lao Nhân Vị", xương sống duy trì, thi ứng và hành xử của chế độ ông Ngô Đình Diệm trong suốt thời gian cầm quyền:

"Như một con rắn độc, cực độc, lắc lư cái đầu ba cạnh, trườn mình trong bóng tối hậu trường chính trị miền Nam. Đảng Cần Lao đã từng là bộ xương sống của Ngô triều suốt gần mười năm trời.

Con rắn độc đó rất bí mật, người ta chỉ thấy đầu mà không thấy đuôi (kiến đầu bất kiến vĩ), nghe tên mà không biết mặt, nhưng nó mổ vào đâu là chết đó! Chết ngay tức khắc!".

TQD

 

(Từ trang 141=>144)

Ông Ngô Đình Diệm khi ổn định được tình thế thì nắm toàn quyền mà không phân quyền cho Tư Pháp và Quốc Hội. Trong Quốc Hội thì ông bà Ngô Đình Nhu và một số số người thân tín mà họ đưa vào bằng đường lối bầu cử gian lận nắm then chốt lèo lái. Tư Pháp thì bổ nhiệm những người dễ sai biểu. Hành Pháp, Tư Pháp, Lập Pháp ở trong tay, vì vậy càng ngày Ngô Đình Diệm càng ngày trở thành độc tài đảng trị. Ngày 17 tháng 4 năm 1955, trước Quốc Hội Lập Hiến, Ngô Đình Diệm trình bày chính sách Nhân Vị mà Ngô Đình Nhu học được từ triết lý Nhân vị của E.Mounier .

Ông Ngô Đình Nhu muốn cho đảng Cần Lao Nhân Vị là đảng duy nhất của quốc gia, ông lý luận rằng chính quyền phải dựa trê một đảng chính trị mạnh, và đảng này phải có một triết lý phù hợp tinh thần tôn trọng giá trị con người, mỗi con người được coi như một huyền nhiệm tối thượng không thể thay thế được gọi là nhân vị. Để đối đầu với lý thuyết Cộng Sản vốn không coi mỗi con người có giá trị do đó không có nhân vị, lý thuyết Nhân Vị trên nguyên tắc là lý thuyết tốt, tiếc rằng khi khai triển để trở thành căn bản cho sự hoạt động của một đảng phái có những vấn đề thực tế của nó mà ông Ngô Đình Nhu và các cộng tác viên của ông không vượt qua được.

Đảng Cần Lao Nhân Vị đang từ là một lý thuyết chống Cộng đã biến thành một phương tiện để được vào hàng ngũ những người nắm chánh quyền . Để trực tiếp nắm vững đảng, anh em Ngô Đình Diệm dùng những cán bộ là các nhân viên cao cấp và người thân tín. Những cán bộ này được hưởng nhiều quyền lợi. Thời đó có một nguyên tắc truyền miệng mà những người muốn có quyền hành đều cố gắng đạt cho được, đó là nguyên tắc phải có ba chữ C đứng đầu, nghĩa là phải : - Cần Lao, - Công Giáo, - Centre VietNam (tức là người miền Trung).

Cần Lao Nhân Vị kiểm soát luôn Quân Đội qua Đại Tá Lê Quang Tung, chỉ huy trưởng Lực Lượng Đặc Biệt dưới quyền trực tiếp của Ngô Đình Nhu. Cán bộ Cần Lao kiểm soát tất cả các tổ chức kinh tế của chính phủ. Cần Lao có một Lữ đoàn quan sát viên và liên lạc viên : Nửa dân sự, nửa quân sự gồm 35.000 đảng viên trực thuộc thẳng Ngô Đình Nhu. Cảnh sát bí mật, thường được gọi là Mật vụ hoạt động song song với các cơ quan tương đương chính quyền, nhưng cán bộ Cần Lao, nhưng cán bộ Cần Lao không báo cáo theo hệ thống chính quyền mà báo cáo thẳng với trung ương nên không ai biết người có trách nhiệm. Rất nhiều nơi các Tỉnh trưởng, Quận trưởng, Ty trưởng sợ cán bộ Cần Lao, dân chúng lại càng sợ Cần Lao hơn nữa, vì vậy mà họ lộng hành tác oai tác quái.

Cán bộ của Đảng Cần Lao NhânVị được tổ chức theo từng tổ, một tổ từ 5 đến 25 đảng viên, sinh hoạt ngay tại cơ quan làm việc của mình. Đảng viên trong tổ gặp nhau hằng ngày.

Tổ chức Đảng Cần Lao Nhân Vị hầu như có mặt trong khắp các cơ quan song song với tổ chức hành chánh từ thị xã đến trung ương với đảng viên hầu hết là các ông công chức từ cao cấp trên trung ương xuống đến cac cấp thấp ở các thị xã.

Về mặt nhân dân, ông Ngô Đình Cẩn tổ chức Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia. Cũng theo hệ thống Trung ương xuống đến ấp, phường. Lãnh đạo phong trào là ông Ngô Đình Cẩn và các viên chức cao cấp " 3 C " ở trung ương. Tại các địa phương thì các công chức địa phương, đa số ban chấp hành là công chức " 3 C "; ngoài ra kết nạp thêm vài người uy tín địa phương vào ban chấp hành cho có vẻ đoàn thể của dân. Nhiệm vụ của Phong Trào là tuyên truyền và cho cán bộ đoàn viên học tập chính trị. Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia tổ chức sâu rộng đến xã, phường, kết nạp hầu hết những người tương đối có chút kiến thức. Họ mời đến họp và đưa đơn cho gia nhập. Không ai dám từ chối vì sợ nghi ngờ thiên cộng sản, hay chống đối chính quyền. Chẳng bao lâu tổng số đoàn viên Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia lên quá cao.

Thấy số đoàn viên quá đông đảo, trung ương nảy sanh ý sắp xếp hàng ngũ nhân dân, lựa tùy số tuổi phân hạng : thanh niên, thanh nữ, thiếu niên, thiếu nữ, phụ lão... Bốn đoàn thể trẻ gồm Thanh niên, Thanh nữ, Thiếu niên và Thiếu nữ mặc đồng phục mổi khi làm lễ hoặc diễn hành, và tùy theo hệ thống hành chánh mà đặt danh xưng. Thí dụ ở quận thì gọi Quận đoàn. Thành phố hay thị xã thì gọi là Thành đoàn.

Các đoàn thể thanh niên này chỉ sinh hoạt một thời gian ngắn rồi biến sang Thanh niên, Thanh nữ Cộng Hòa với đồng phục duy nhất : Bộ âu phục màu xanh nước biển. Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia khởi xướng năm 1955 có 10.000 đoàn viên. Năm 1956 đã lên đến 1.000 000 đoàn viên, và năm 1963 lên đến 2.000 000 đoàn viên. Ngoài ra còn chưa kể đến hàng triệu đoàn viên Thanh niên, Thanh nữ Cộng Hòa, mấy trăm ngàn đoàn viên Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới bao gồm Thanh nữ bán quân sự do bà Ngô Đình Nhu lãnh đạo.

Sau Thanh niên Thanh nữ Cộng Hòa năm 1961, bà Nhu cho ra đời Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới.

Chủ tịch ở trung ương là bà Nhu, còn các ủy viên trung ương hầu hết là vợ của các Bộ trưởng, Tướng lãnh, Hiệu trưởng các trường nữ trung học ...Chủ tịch Phong Trào Liên Đới ở tỉnh phải là vợ của Tỉnh trưởng, nếu ông Tỉnh trưởng để vợ ở hẳn Sài gòn thì vợ của Phó Tỉnh trưởng thay, cũng như vợ các Trưởng ty, các sĩ quan cấp tá, các chánh án. v.v....đều nằm vào ủy viên tỉnh, đôi khi mới có một vài phụ nữ, thanh nữ uy tín ở địa phương " được mời " vào thành phần ban chấp hành.

Trong Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới có các ủy viên phụ trách các ngành như:

- Ủy viên Tư pháp

- Ủy viên Gia đình binh sĩ

- Ủy viên Y tế

- Ủy viên Học chánh

- Ủy viên Xã hội

- Ủy viên Thanh nữ bán quân sự, v.v...

Các ban kia sinh hoạt có lệ, mổi tháng làm một vài công việc thăm viếng giúp đỡ đại khái để có việc báo cáo công tác. Riêng Thanh nữ bán quân sự là một tiểu ban mà bà Ngô Đình Nhu chú trọng nhất và nhân số đông nhất của Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới. Chính bà Nhu nhờ tôi soạn thảo kế hoạch tổ chức và huấn luyện về Thanh nữ bán quân sự võ trang này.

http://ongvove.wordpress.com/2009/06/18/n%E1%BB%AF-quan-nhan-quan-l%E1%BB%B1c-vnch/

Thanh nữ Bán quân sự đa số do Thanh nữ Cộng hòa chuyển sang. Một số chính cán bộ từ các tỉnh cho vào Sài Gòn thụ huấn quân sự, về huấn luyện lại tại địa phương. Các nữ cán bộ này có lãnh lương của quốc qia. Thật ra tiếng Thanh nữ bán quân sự đông đão rầm rộ, hình ảnh trên báo chí, nhất là tạp chí "Thế giới Tự do", ai cũng tưởng là đông đão quy mô lắm, nhưng kỳ thật mổi tỉnh cử 5,7 nữ cán bộ về tập cơ bản thao diễn cho Thanh nữ, nữ công chức và nữ sinh các trường trung học để thao diễn trong cuộc lễ. Mỗi khóa huấn luyện quân sự cho Thanh nữ (kỳ thật đa số là nữ công chức và nữ sinh), mổi đoàn viên lên xạ trường tập bắn vài phát. Hình ảnh được chụp đăng lên báo chí thật là xôm, nhưng thực chất chỉ là những hình ảnh để trình diễn, tuyên truyền.

Vì vậy nên ngày đảo chánh 1.11.1963, các Thanh niên, Thanh nữ Cộng hòa, đoàn viên Phong trào Cách mạng Quốc gia này chờ cách mạng thành công mà ra đường vui mừng công kênh chiến sĩ cách mạng đã lật đổ Thủ lãnh của họ.

 

Trung tướng Trần Văn Đôn

 


- II -

VNCH Mười Ngày Cuối

(Từ trang 457...)

Ngày 20.04.1975, lúc 10 giờ sáng Đại sứ Mỹ Martin đến gặp Tổng Thống Thiệu tại dinh Độc Lập báo cho ông Thiệu rõ tình hình :

- Muốn chận cuộc tiến quân của Việt Cộng phải có một giải pháp chính trị , cần phải nói chuyện với Hà Nội.

Đại sứ Martin cũng cho biết Quốc Hội và Chính Phủ Hoa Kỳ sẽ ngưng viện trợ nếu ông Thiệu còn tại chức.

Nguyễn Văn Thiệu hỏi :

- Nếu tôi là trở ngại, vậy tôi từ chức. Quốc Hội Hoa Kỳ có thể thay đổi

lập trường tiếp tục viện trợ cho miền Nam không ?

- Nếu Tổng Thống từ chức, Quốc Hội Mỹ có thể viện trợ trở lại.

*

* *

Đại sứ Mỹ Martin sau này kể lại mẫu đối thoại giữa ông với ông Thiệu :

- Chánh phủ Hoa kỳ không đòi Tổng thống từ chức, nhưng Tổng thống nên đề cử một ông Thủ Tướng toàn quyền như Bảo Đại đã làm năm 1954 để ông Thủ Tướng đó thương thuyết với phía bên kia.

Ông Thiệu hỏi :

- Theo ông ai có thể làm Thủ Tướng toàn quyền.

Martin trả lời ngay :

- Đại Tướng Dương Văn Minh.

Ông Thiệu im lặng không đáp.

Cũng trong ngày 20.04.75, lúc bốn giờ chiều tôi đến gặp Đại sứ Martin tại sứ quán, Martin kể lại với tôi và nói với tôi :

- Thật sự lúc đó tôi muốn ông ( Trần Văn Đôn ) làm Thủ Tướng toàn quyền hơn là ông Minh, nhưng Hànội lại chỉ muốn nói chuyện với ông Minh mà thôi.

*

* *

Sau hai tiếng đồng hồ nói chuyện với Đại sứ Mỹ Martin, Nguyễn Văn Thiệu biết mình phải ra đi. Ngày 21.04.75, 10 giờ sáng Nguyễn Văn Thiệu triệu tập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia gồm các ông :

- Phó Tổng Thống Trần Văn Hương,

- Thủ Tướng chỉ định Nguyễn Bá Cẩn,

- Tổng Tham Mưu Trưởng Đại Tướng Cao Văn Viên,

- Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, Tổng Giám Đốc Công An,

- Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân Đoàn 3,

- Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô.

- Trung Tướng Đặng Văn Quang, Phụ Tá Quân Sự. Lúc đó tôi đang làm Tổng Trưởng Quốc Phòng đáng lý phải được thông báo và mời dự nhưng ông Thiệu không mời vì thấy tôi đã hai lần họp các tướng lãnh, ông nghi tôi vận động để buộc ông từ chức. Sau này ông Cao Văn Viên cho tôi biết trong phiên họp đó ông Thiệu tuyên bố sẽ từ chức.

Ông Thiệu cho biết lý do thứ nhất là Quân Đội đưa ông ta lên ghế Tổng Thống, bây giờ ông ta làm vừa lòng Quân Đội vì Quân Đội định đảo chánh? Ông Thiệu không nói rõ tên ai chủ trương đảo chánh, nhưng ai cũng nghi là tôi. Sự thật không đúng như vậy.

Lý do thứ hai là ông ra đi để Mỹ viện trợ lại cho Miền Nam. Ông sẽ trao quyền lãnh đạo lại cho Phó Tổng Thống theo như Hiến Pháp qui định.

Lúc 19 giờ ngày 21 tháng 4, các nhân vật trong chính phủ, dân biểu, nghị sĩ, và các thẩm phán thuộc Tối Cao Pháp Viện đến dinh Độc Lập để dự lễ bàn giao chức vụ Tổng Thống. Cuộc lễ bắt đầu lúc 19 giờ 30. Trong dịp nầy ông Thiệu trình bày các diễn tiến từ Hiệp Định Ba Lê 1973 đến chiến tranh leo thang năm 1974,việc Phước Long tiếp theo là trận đánh Ban Mê Thuột rồi mất Miền Trung mà quốc tế và các siêu cường quốc đã ký bảo đảm hiệp định Ba Lê vẫn im hơi lặng tiếng, và ông Thiệu lên án đồng minh Mỹ không giữ lời hứa. Sau khi trình bày xong tình hình quân sự, ông Thiệu nghiêm trọng tuyên bố :

- Tôi đã quyết định từ chức Tổng Thống.

Ngưng một chút, ông tiếp :

- Theo Hiến Pháp người thay thế tôi là Phó Tổng Thống Trần Văn Hương.

Nói đến đây đáng lý ra ông Giám Đốc Nghi Lễ phải ra mời ông Trần Văn Hương lên bục để tuyên thệ trước Tối Cao Pháp Viện, Chủ Tịch Thượng Nghị Viện và Chủ Tịch Hạ Nghị Viện, nhưng ông Thiệu lại xuống mời ông Hương lên tuyên thệ.

Tuyên thệ xong, ông Thiệu ngồi vào ghế của ông Hương và ông Hương ngồi vào ghế Tổng Thống. Lúc đó ông Hương đã 71 tuổi. Lời tuyên bố đầu tiên của ông Hương ngắn gọn, kêu gọi anh em quân nhân giữ vững tay súng, ông ấy sẽ đóng góp xương máu và chia xẻ với anh em ở chiến trường. Không khí buổi lễ hôm ấy buồn tẻ, tất cả nhân vật ở các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp và quân nhân cao cấp ngồi đó buồn bã nhìn ông Thiệu lúng túng đứng ra điều hành cuộc lễ, ông Hương lọm khọm, nói không rõ ràng mạch lạc. Anh em buồn không phải vì sự ra đi của ông Thiệu mà ai cũng thấy rằng ông Hương không đủ khả năng lèo lái con thuyền quốc gia đang cơn nghiêng ngửa.

Sau cuộc lễ, ông Thiệu mời Tướng Cao Văn Viên và ông Nguyễn Khắc Bình vào phòng bên cạnh để trực tiếp truyền hình lời Tổng Tham Mưu Trưởng nhắn nhủ anh em quân nhân và lời Tổng Giám Đốc Cảnh Sát kêu gọi anh em cảnh sát giử vững tinh thần chiến đấu vì việc ông Thiệu từ chức Tổng Thống không ảnh hưởng gì đến hệ thống điều hành của Quân đội và Cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa. Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng ông Viên lên đài truyền hình kêu gọi và tác động tinh thần anh em binh sĩ.

Tôi ghé qua nhà một vài người bạn để biết cảm nghĩ của họ. Ai cũng theo dõi trên đài truyền hình và đài phát thanh, họ chờ đợi Tân Tổng Thống chỉ định một Thủ Tướng để thương thuyết với bên kia.

Sáng hôm sau một số Tướng lãnh điện thoại cho tôi (Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn 3, Chuẩn tướng Khôi Tư lệnh Lữ đoàn Thiết giáp) khuyên tôi ra lãnh chức vụ Thủ Tướng trong lúc này. Nhưng Hà Nội nói rõ là không nói chuyện với người nào thuộc chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Chiều thứ ba, ngày 22.04.1975, cố vấn chính trị Pháp Brochand đến nhà tôi. Tôi quen ông vì thỉnh thoảng gặp nhau tại câu lạc bộ thể thao. Ông ta nói với tôi là Pháp có liên lạc với Hà nội, họ cho biết nếu có thương thuyết thì chỉ thương thuyết với ông Dương Văn Minh mà thôi. Brochand nói tiếp :

- Ông Dương Văn Minh cần sự hợp tác của ông. Tôi thoái thác :

- Lâu nay tôi không gặp ông Minh, nếu ông Minh trở thành Quốc Trưởng, tôi không phải là người tiếp xúc với ông Minh.

Lúc 6 giờ 40 chiều, trước khi về, Brochand hỏi thêm :

- Ông Minh gọi điện thoại cho ông có được không ?

- Được. Mười phút sau ông Minh điện thoại cho tôi :

- Moa có thể gặp toa lúc nào,ở đâu ? Tôi trả lời :

- Tối nay tôi dùng cơm tại nhà ông Nguyễn Văn Hảo. Khoảng 10 giờ, tôi sẽ ghé lại anh. Bửa cơm đã dự định lâu rồi.

Đang lúc dùng cơm ông Thiệu điện thoại lại nhà ông Hảo để nói chuyện với tôi, vì khi đi đâu tôi cũng cho người nhà biết để dể liên lạc khi cần thiết. Ông Thiệu hỏi :

- Tôi nghe nói Trung Tướng mời Tướng Thắng về làm việc ở Bộ Quốc Phòng với Trung Tướng, có đúng như vậy không ?

- Tại sao Tổng Thống biết ?

- Bà Dược sĩ Nguyễn Thị Hai đến gặp vợ tôi than là nếuông Thắng làm việc thì chết chúng mình rồi. Ông hỏi lại một lần nữa là việc tôi mời ông Nguyễn Đức Thắng về làm Bộ Quốc Phòng có đúng không ? Tôi không trả lời mà hỏi lại :

- Tổng Thống có biết ông Thắng có phải cộng sản không ? Tôi có gặp ông Thắng nhưng chưa có đặt vào chức vụ gì hết.

Ông Thiệu không trả lời. Dùng cơm xong , ra về tôi ghé nhà ông Minh. lâu quá không gặp nên chúng tôi bàn nhiều đến chuyện quốc phòng và chính trị. Tôi hỏi :

- Anh có thể thương thuyết với bên kia không ?

- Được, nhưng phải thật lẹ, nếu không chúng ta không có hy vọng. Sau này ngồi nhớ lại câu nói trên tôi phục ông Minh tiên liệu sự việc rất đúng. Ông Minh cho biết Hà nội chờ ông Minh nắm quyền rồi sẽ thương thuyết.

Ông Minh chưa tiếp xúc với Tân Tổng Thống Trần Văn Hương vì ông Hương chậm chạp lại không thích ông Minh cho lắm nên kéo dài thời gian.

Việc này thật là bất lợi, nhất là vừa có tin Xuân Lộc thất thủ, Việt Cộng đang tiến vào vây Thủ đô Sài Gòn.

Bây giờ chỉ có Mỹ nói ông Hương mới nghe. Tôi tán thành :

- Vậy thì mình phải làm cho lẹ. Tôi đến thẳng nhà Đại sứ Martin, dù đã gần 12 giờ khuya tôi vẫn vào xin gặp. Sau khi sĩ quan tùy viên vào trình, Đại sứ Martin mời tôi vô. Tôi vừa ngồi, thì sĩ quan tùy viên đến nói nhỏ bên tai ông Martin, ông ta xin lổi tôi, bước vào phòng riêng, khi trở ra ông nói :

- Có một phi cơ xin phép đáp xuống phi trường Manila, vì Manila nghi trên phi cơ có Tổng Thống Thiệu nên họ điện thoại về hỏi thử có đúng không. Hỏi lại thì biết ông ấy còn ở Dinh Độc Lập.

Tôi xin lổi ông Martin vì tình hình bắt buộc nên phải đến gặp ông ta khuya như vậy. Tôi cho biết tôi vừa gặp ông Minh, nếu muốn thương thuyết với Hà nội thì ông Minh phải có chức vụ mới được. Tôi yêu cầu Martin đề nghị ông Hương giao quyền cho ông Minh đứng ra thương thuyết. Martin hứa với tôi sẽ thuyết phục ông Hương. Ngày 23.04.1975, lúc 11 giờ Trung Tướng Vĩnh Lộc Chỉ huy trưởng Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị phụ trách các Trường huấn luyện Quân sự, Đại Tá Nguyễn Huy Lợi, Đại tá Vũ Quang và Đại tá Trần Ngọc Huyến đến nhà tôi ở đường Alexandre de Rhodes (Lúc đó tôi xử lý thường vụ chức vụ Tổng Trưởng Quốc Phòng vì Nội các Nguyễn Bá Cẩn từ chức, nay chờ Nội các mới sẽ chuyển giao mọi chức vụ.)

Cấp chỉ huy Quân Đội từ mấy năm nay quá yếu, Đại Tướng Cao Văn Viên không đủ khả năng, không làm đúng bổn phận, làm việc không hữu hiệu mà lại ngồi chỉ huy suốt 9 năm trời. Tôi biết ông Cao Văn Viên nhảy dù giỏi, tham mưu giỏi, nhưng ông ta làm việc không hăng say, không tự quyết, tự quản. Ông làm việc theo lịnh của Tổng Thống, vì TổngThống là Tổng Tư Lệnh, hoặc làm việc theo lệnh của Tổng Trưởng Quốc Phòng hoặc Thủ Tướng. Không bao giờ ông Viên đề nghị, phê bình hoặc từ chối một chỉ thị nào của thượng cấp nên Mỹ, ông Thiệu, ông Khiêm thích một ông Tổng Tham Mưu Trưởng như ông Viên. Nhưng về mặt Quân đội ông Viên không khích lệ tinh thần anh em Tướng Tá, không tác động tinh thần Sĩ quan Binh sĩ cho anh em hăng say chiến đấu.

Sau năm 1970, tôi gặp ông Viên nên biết ông bận lo thi lấy bằng cao học văn chương Pháp, chú trọng đến Thiền học, chiều tối nào ông cũng lên trên mái tôn cao sau nhà để hành Thiền và ngủ luôn ở đó, dầu có xảy ra việc gì cũng không ai được quấy rầy ông. Đã nhiều lần, ông Viên bày tỏ ý không muốn giữ chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng nữa, xin từ chức hoài nhưng ông Thiệu không chấp nhận. Ông Viên có tướng oai vệ, biết lái trực thăng, ba lần ông Kỳ xin đảo chánh nhưng ông Viên không chấp nhận, nên ông Thiệu càng thích hơn, cho dù ở chức vụ đó ông Viên làm việc miễn cưỡng lơ là chăng nữa, cũng còn hơn đặt người khác vào có thể đảo chánh mình. Tân Tổng Thống Trần Văn Hương định đưa ông Viên lên làm Tổng Tư Lệnh, là cấp bực cao hơn Tổng Tham Mưu Trưởng. Lúc ông Hương nói với tôi ngày 25.04.1975 tại dinh Độc Lập, ông Viên nhìn tôi có vẻ không hứng thú. Ông Viên đã không thích nhận trọng trách điều khiển Quân lực VNCH, huống chi bây giờ ông Thiệu và ông Khiêm đã từ chức.

Năm ông Tướng Tá đó đề nghị tôi chỉ định người thay thế chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH. Tôi nói :

- Tình hình sắp đổi. Tôi không cần chỉ định ai, tự nhiên cũng có người thay thế ông ấy. Tướng Nguyễn Bảo Trị đề nghị :

- Thôi, Trung Tướng làm Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm luôn Tổng Tham Mưu Trưởng đi !

Tôi từ chối : - Tôi đã về hưu rồi, lâu nay không còn mặc quân phục nữa, nhưng nếu cần tôi cũng có thể đảm nhận vai trò Tổng Tham Mưu Trưởng lúc khó khăn này. Nhưng tôi thấy tình thế biến chuyển quá mau, chưa biết nó sẽ đi tới đâu . Tôi hỏi :

- Ai có thể thay thế Đại Tướng Viên ? Tướng Nguyễn Bảo Trị đáp :

- Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng, gần hai năm nay ông ấy không có làm việc.

Tôi biết khả năng ông Thắng, đã gợi ý nhưng ông ấy từ chối. Còn nếu ra lịnh thì lại là chuyện phải nhận. Tôi nghĩ Trung Tướng Vĩnh Lộc là người giỏi, có thể nhận chức vụ đó. Ngoài việc thay ông Viên, các ông còn đề nghị thứ hai là bắt tất cả những người Mỹ còn lại làm con tin để Mỹ tiếp tục viện trợ giữ Miền Nam.

Tôi cho biết chuyện đó đã có tin đồn rồi, thế nào Mỹ cũng biết và có kế hoạch để đối phó. Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đang chờ ngoài khơi sẽ đổ bộ với vũ lực hùng hậu, chừng đó sẽ đổ máu thêm nhiều người, tình thế sẽ rối rắm nguy ngập hơn.

Vả lại có một số người Mỹ không đồng ý việc bỏ rơi VNCH của Chính phủ Mỹ. Bây giờ còn hơn một ngàn người Mỹ còn ở lại Miền Nam muốn nhập với Quân Lực VNCH chiến đấu để thúc đẩy, xoay dư luận Mỹ và yểm trợ cho VNCH.

Nhiều người Mỹ không bằng lòng hành động của Tổng Thống Ford. Trên vô tuyến truyền hình Mỹ vài Ký giả đến phỏng vấn Tổng Thống Ford khi ông vừa bước xuống máy bay về vấn đề VNCH sẽ bị mất, ông Ford nói lảng đi :

" Thôi đừng nói chuyện đó nữa. "

Trần Văn Đôn