●   Bản rời    

 Những Ngụy Biện Của Các Nhà Biện Giải TCG Chống Phá Thuyết Tiến Hóa

Những Ngụy Biện Của Các Nhà Biện Giải TCG

Chống Phá Thuyết Tiến Hóa

Trần Tiên Long

http://sachhiem.net/TTL/TranTL27.php

20-Aug-2012

Richard Feynman (1918-1988): Nếu bạn nghĩ khoa học là phải tuyệt đối chắc chắn thì đó là sự sai lầm từ phía bạn.

* * *

Ngày nay, những lập luận của các nhà biện giải VN cho Thiên Chúa Giáo (TCG) vẫn còn tiếp tục lập lại những thứ đồ phế thải, sản phẩm của những thủ đoạn mánh mung chống phá thuyết tiến hóa hơn 100 năm qua trong cuộc chiến giữa tôn giáo và khoa học. Mặc dù cuộc chiến này đã kết thúc bằng những phán quyết của các tòa án, và bằng những bản báo cáo, tuyên cáo, nhận định chung… của cộng đồng khoa học trên khắp toàn thế giới, các nhà biện giải VN vẫn ngày đêm quảng bá những thứ đồ phế thải này vào trong các diễn đàn công cộng, hầu mong tiếp tục phục vụ chính sách ngu dân của TCG thời Trung Cổ để giữ gìn và lôi kéo các tín đồ, bất chấp cả việc xuyên tạc, bóp méo sự thật.

Mục đích của bài viết này là để trả lời cho những chỉ trích sai lầm của những nhà biện giải cho TCG. Thật rất dễ dàng nhận ra ngay rằng các lập luận của họhoặc cố tình dựa trên những ngụy biện để tung hỏa mù, gây ngộ nhận đối với quãngđại quần chúng có trình độ kiến thức trung bình về khoa học, hoặc vô tình vì không nắm vững được vấn đề trình bày nên đã góp phần vào việc reo rắt những sai lầm làm đầu độc truyền thông. Nhưng dù vô tình hay cố ý, việc chủ tâm bảo vệtrong vô vọng những tín điều và giáo lý lỗi thời của TCG vẫn là động cơ rõ nét, làm cản trở bước tiến của khoa học; bởi vì mục đích cuối cùng của những nhà biện giải TCG không phải là phục vụ cho chân lý, nhưng là phục vụ cho tôn giáo của họ.

Dĩ nhiên, người viết cũng ý thức được rằng rồi đây họ sẽ dùng đến những thủ đoạn bẩn thỉu như mạt sát, chửi bới, chụp mũ, tấn công tư cách của người viết nhưhọ vẫn thường làm. Cái mũ chống phá tôn giáo hay bưng bô Cộng Sản là những thứ họ hay dùng để đội lên đầu bất cứ những ai có quan điểm bất lợi cho tôn giáo của họ. Cũng bởi vì họ vẫn chưa phân biệt rạch ròi giữa sự chống phá những điều sai lầm, mê tín dị đoan, cho mục đích xây dựng xã hội càng ngày càng hoàn thiện hơn, với sự chống phá vu vơ, vô duyên cớ. “Không phải điều chúng ta không biết sẽ tác hại, mà tác hại chính là điều chúng ta tưởng đã biết nhưng thực ra chúng ta không biết.” — Will Rogers.

Như vậy, chúng ta sẽ lần lượt trả lời những câu hỏi sau đây:

· Có phải tiến hóa đơn giản chỉ là một lý thuyết?

· Có phải loài người phát xuất từ loài khỉ?

· Có phải tiến hóa nghịch với định luật II của Động Nhiệt Học?

· Phải chăng có những thứ phức tạp không thể đơn giản hơn (Irreducible Complexity)?

A. Có Phải Tiến Hóa Chỉ Đơn Giản Chỉ Là Một Lý Thuyết?

Người ta thường nhập nhằng cho rằng thuyết tiến hóa cũng giống như thuyết sáng tạo, chỉ là một lý thuyết chưa được chứng minh, không phải là một định luật chính xác bất di bất dịch như 2+2=4. Đã là thuyết thì có thể đúng và cũng có thể sai.

Đây là một lối ngụy biện dựa trên những định nghĩa sai lầm mang ra ngoài văn cảnh phạm trù của khoa học và cũng là lối ngụy biện dựa trên cách trình bày một nửa sự thật, bởi vì một nửa chân lý không phải là chân lý.

Thực ra, tiến hóa vừa là một lý thuyết khoa học vừa là một sự kiện, cũng giống như trọng lực (gravity). Nếu có những tranh cãi qua lại giữa các nhà khoa học, chẳng hạn như tranh cãi về sự chọn lọc tự nhiên (natural selection) hay sự ngẫu biến (mutation), thì đó chỉ là vấn đề liên quan tới cách thức giải thích, về cơ chế của sự kiện tiến hóa. Những nhà biện giải cho TCG đang lẫn lộn giữa hai vấn đề: một bên là liệu có sự tiến hóa xảy ra hay không, nghĩa là liệu có sựthay đổi về “genes” để di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác rồi tiến hóa thành những chủng loại khác, và bên khác là nếu có sự tiến hóa thì làm sao để giải thích sự kiện tiến hóa đó.

Hàn Lâm Viện Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ (U.S. National Academy of Sciences), một tổ chức cao cấp nhất và có tiếng nói quyết định trong các vấn đề khoa học, đã công khai xác quyết năm 1998 rằng, “Trong cộng đồng khoa học, không còn có sự tranh luận về sự tiến hóa có xảy ra hay không, và không có bằng chứng nào chứng tỏ là sự tiến hóa đã không xảy ra.”[1]

1. Vấn đề sự kiện

Douglas Futuyma định nghĩa “sự kiện là một giả thuyết đã được hỗ trợ mạnh mẽ bằng các chứng cớ mà chúng ta giả định là chân thật và hành động theo nhưchúng đã là chân thật.” [2]

H. J. Muller trong cuốn One Hundred Years Without Darwin Are Enough đã giải thích:

“Không có một ranh giới rõ rệt giữa sự phỏng đoán, giả thuyết, lý thuyết, nguyên lý, và sự kiện, nhưng chỉ là sự khác biệt về mức độ xác suất của ý tưởng. Khi chúng ta gọi cái này là một sự kiện thì chúng ta chỉ muốn bảo rằng tính xác suất của nó thì vô cùng cao, cao đến nổi chúng ta chẳng cần phải nghi ngờ gì về nó nữa và sẳn sàng hành đồng phù hợp theo nó. Bây giờ trong cách dùng từ ngữsự kiện này, cách dùng đúng là xem tiến hóa như một sự kiện.” [3]

Hàn Lâm Viên Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ đưa ra một khẳng định như sau về sự kiện:

“Các nhà khoa học hay dùng từ ‘sự kiện’ để miêu tả sự quan sát. Nhưng họ cũng dùng từ ‘sự kiện’ cho một điều gì đó đã được thử nghiệm và quan sát quá nhiều lần đến nổi không còn có lý do gì để phải tiếp tục thử nghiệm và tìm kiếm thêm các chứng cớ. Tiến hóa xảy ra theo ý nghĩa này là một sự kiện. Các nhà khoa học không còn thắc mắc liệu có sự tiến hóa đã xảy ra hay không bởi vì chứng cớ về nó thì quá mạnh mẽ.” [4]

Một trang nhà của các Hàn Lâm Viện Quốc Gia cũng có một định nghĩa tương tự như sau:

“Trong khoa học, sự kiện tiêu biểu được xem như là sự quan sát, đo lường, hoặc một hình thức khác của chứng cớ được kỳ vọng xảy ra theo cùng cách thức như ở những trường hợp tương tự. Mặc dù vậy, các nhà khoa học cũng dùng từ ‘sự kiện’ để chỉ định một sự giải thích khoa học đã được kiểm chứng và khẳng định quá nhiều lần đến nổi không còn lý do gì để phải tiếp tục kiểm chứng hoặc tìm kiếm thêm chứng cớ.” [5]

Stephen J. Gould, một nhà cổ sinh vật học, cũng bảo rằng sự kiện khoa học không phải là sự “tuyệt đối chắc chắn”. Lý thuyết và sự kiện là hai phạm trù riêng biệt, không nên lẫn lộn. Ông viết:

“Tiến hóa là một lý thuyết. Nó cũng là một sự kiện. Sự kiện và lý thuyết là những thứ khác nhau, không phải là những mức thang đẳng cấp về sự chắc chắn. Các sự kiện là những dữ kiện trong thế giới. Các lý thuyết là những cấu trúc ý tưởng để cắt nghĩa và giải thích các sự kiện. Sự kiện không biến mất khi các nhà khoa học tranh luận về những lý thuyết đang cạnh tranh nhau để giải thích chúng. Lý thuyết về lực hút của Einstein đã thay đổi lý thuyết của Newton, nhưng quả táo đã không nằm giữa chừng trong không khí để chờ đợi kết quả. Và loài người đã tiến hóa từ các ông tổ giống như loài khỉ hình người chẳng phải vì cơ chế Darwin đã trình bày hoặc vì một cơ chế nào khác còn đang phải khám phá.” [6]

Như vậy, trái táo rụng xuống đất là một sự kiện, có thật, một chân lý. Nếu không có Newton đưa ra lý thuyết giải thích và sau này được Einstein hoàn thiện lý thuyết hơn thì trái táo vẫn đã và đang tiếp tục rụng xuống đất. Cũng vậy, cho dù có hay không thuyết tiến hóa của Charles Darwin, muôn loài có sự sống trên trái đất vẫn đã và đang tiếp tục tiến hóa; nghĩa là nếu có đủ thời gian, chúng sẽ có biến đổi về “genes”, di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, rồi cuối cùng trở thành những chủng loại khác. Mọi loài có sự sống đều xuất phát từ một ông tổ chung.

Sự kiện thì bao giờ cũng vẫn là sự kiện. Nếu không có các nhà khoa học giải thích thì vẫn có sự kiện tiến hóa, còn nếu không có các nhà biện giải cho TCG thì đã không có thiết kế thông minh. Đó cũng là lý do giả thuyết sáng tạo hay phó sản của nó là lập luận thiết kế thông minh chẳng có chút liên hệ gì với Phật Giáo nếu hiểu Phật Giáo là một tôn giáo không có chỗ đứng của đấng Tạo Hóa.

2. Vấn đề lý thuyết

Chúng ta nên có sự phân biệt rạch ròi về ý nghĩa của từ lý thuyết (theory) dùng trong ngôn ngữ hằng ngày và từ lý thuyết dùng trong khoa học. Cũng một từ lý thuyết nhưng lại bao hàm hai phạm trù khác nhau. Trong ngôn ngữ bình dân hằng ngày, từ lý thuyết có nghĩa là một giả thuyết, một sự phỏng đoán hợp lý để giải thích một biến cố hay một sự kiện nào đó nhưng chưa có sự kiểm chứng. Nhưng trong ngôn ngữ của các nhà khoa học, lý thuyết không phải là đoán mò, không phải là sự linh cảm vu vơ. Nó phải được hỗ trợ bằng những chứng cớ hẳn hoi để giải thích những điều chúng ta quan sát, có thể kiểm chứng được, và nhất là có thể đưa ra được những tiên đoán táo bạo, xác định được những điều gì sẽ phải xảy ra hoặc không thể xảy ra.

Trong bài THUYẾT TIẾN HÓA HAY THỐI LÙI, ông Francis Dương viết:

“Ai có học qua Trung Học cũng biết Thuyết Tiến Hóa của Darwin. Đã gọi là ‘thuyết’ thì có thuyết hoàn toàn sai, có thuyết đúng ít, sai nhiều, có thuyết đúng nhiều, sai ít. Những thuyết hoàn toàn đúng thì không còn gọi là thuyết nữa mà là định luật bắt buộc phải tin như 2+2=4. Dù sao, TIẾN HÓA theo DARWIN cũng vẫn gọi là ‘thuyết.’"

Và ông Bắc Kỳ Di Cư Chu Tất Tiến cũng viết trong bài “TÔI KHÔNG THEO PASCAL”: MỘT TIỂU LUẬN ĐẦY TÍNH NGỤY BIỆN:

“Từ bao giờ mà thuyết Tiến Hóa Khoa Học đánh đổ Thuyết Sáng Tạo duy thần? Trong môi trường nào? Tài liệu nào? Trần Tiên Long có biết sự khác biệt giữa ‘thuyết’ (theory) và ‘luật’ (law) không? Khi đã gọi là ‘thuyết’ thì chẳng có ‘thuyết’ nào có thể đánh đổ ‘thuyết’ nào cả. Chỉ có ‘luật’ mới thực sự là những điều mà con người bắt buộc phải tuân theo. Còn ‘thuyết’ thì mạnh ai nấy giữ. Khi nói ‘thuyết Tiến hóa’ đánh đổ ‘Thuyết Sáng Tạo’ thì thiệt là ‘hết thuốc chữa’ cho cái bệnh hay nói chữ của Trần Tiên Long. Trong trường học Mỹ hiện nay, cả hai ‘thuyết’ đều hiện diện bình đẳng trong các bài học (Evolution theory vs Creation theory). Chưa hề có một ‘luật’ nào cấm dậy ‘thuyết sáng tạo’ cả! Không có một giáo sư vô thần nào dám tuyên bố trong trường học là ‘thuyết sáng tạo là một tiền đề giả định hoang tưởng’ như Trần Tiên Long viết! Nói như thế thì lập tức chuẩn bị cuốn gói ra khỏi trường đi thì vừa!”

Hãy bỏ qua lối viết mạt sát và nguyền rủa của hai nhà biện giải VN tiêu biểu nói trên nếu đọc giả có dịp đọc qua toàn bài, ở đây, chỉ xin bàn về sự sai lầm của họ khi họ cố gắng chống phá khoa học để bảo vệ cho tôn giáo của họ. Viết như vậy chứng tỏ họ không hiểu có sự khác biệt về ý nghĩa của từ lý thuyết dùng trong ngôn ngữ hằng ngày và dùng trong lĩnh vực khoa học như đã trình bày ở trên, và họ cũng không hiểu rõ bản chất khác biệt giữa lý thuyết và định luật. Riêng ông BKDC CTT lại không biết được có những lý thuyết đáng phải bị vứt bỏ vì những khám phá mới, và có vẻ như ông cũng chưa đọc bài Những Thủ Đoạn Mánh Mung Chống Phá Thuyết Tiến Hóa [7] mà tôi đã đưa vào diễn đàn để chứng minh những điều mà ông đang cố gắng chối bỏ. Cả hai tác giả đã cố ý nhập nhằng đồng hóa một lý thuyết đã được toàn thể cộng đồng khoa học chứng thực với một giả thuyết vu vơ của thần thoại hoang tưởng.

Còn có một sự khác biệt quan trọng nữa giữa từ “proof” và từ “evidence” mà khi chuyển sang Việt ngữ đều được dịch là “bằng chứng” hay “chứng cớ”, dễ làm đọc giả hiểu lầm. Trong các khoa học tự nhiên (natural sciences), người ta không làm công việc chứng minh (proove) như trong các khoa học thuần túy (pure sciences), chẳng hạn như Toán Học hoặc Luận Lý Học. Trong khoa học tự nhiên, người ta làm công việc trưng ra các chứng cớ (show evidences) để giải thích sự kiện, hỗ trợ cho lý thuyết, chứ không phải làm công việc chứng minh như trong Toán Học. Họ khẳng định một lý thuyết có giá trị (validity) bằng các chứng cớ, chứ họ không chứng minh một lý thuyết đúng hay sai. Mục đích của lý thuyết là để giải thích, trong khi mục đích của định luật là để miêu tả. Bởi vì mỗi thứ được dùng để làm những công việc khác nhau nên lý thuyết không bao giờ trở thành một định luật. Nó phải đứng trên và bao trùm các định luật. Lý thuyết và định luật là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt. Đòi hỏi lý thuyết phải làm công việc của định luật là một đòi hỏi vô trí, chỉ có mục đích tung hỏa mù, dèm pha khoa học. Bởi vì không hiểu được sự khác biệt này, những nhà biện giải VN cho TCG đã đồng hóa sai lầm một bộ môn thuộc khoa học tự nhiên với các bộ môn thuộc khoa học thuần túy. Thuyết tiến hóa của Sinh Vật Học thuộc khoa học tự nhiên, không phải thuộc khoa học thuần túy như Toán Học hoặc Luận Lý Học.

Triết gia Sir Karl Popper, trong một tiểu luận có tựa Vấn Đề Của Sự Suy Diễn/The Problem of Induction, đã xác định rằng:

“Trong khoa học, không có ‘kiến thức’ theo nghĩa mà Plato và Aristotle đã hiểu về thế giới, theo nghĩa hàm ý về một sự chung cuộc; trong khoa học, chúng ta không bao giờ có đủ lý do để tin rằng chúng ta đã đạt được chân lý… Hơn nữa, quan điểm này còn có nghĩa rằng chúng ta không làm công việc chứng minh trong khoa học (dĩ nhiên ngoại trừ Toán Học thuần túy và Luận Lý Học). Trong các khoa học thực nghiệm, những bộ môn cung cấp cho chúng ta tin tức về thế giới chúng ta đang sống, không có sự chứng minh theo nghĩa chứng minh một lập luận để đạt một lần và vĩnh viễn tính đúng đắn của một lý thuyết.” [8]

Một lý thuyết được gọi là khoa học thì phải có các chứng cớ được xác định bằng các cuộc thí nghiệm, có thể lập lại bởi bất cứ người nào khác, để chứng thực là một lý thuyết có giá trị. Yếu tố chính yếu làm nên sự khác biệt giữa giả thuyết và lý thuyết là sự việc có thể kiểm chứng. Ngoài yếu tố kiểm chứng này, nó còn phải đưa ra được những tiên đoán rõ ràng và mạo hiểm. Nó liên kết các sự kiện của một vấn đề để giải thích sao cho phù hợp với những quan sát, và cuối cùng có thể đưa ra những tiên đoán rõ ràng, riêng biệt, và táo bạo.

Cho dù nó có thể giải thích mọi trường hợp quan sát, nó vẫn chưa phải là một lý thuyết khoa học khi nó không thể tiên đoán được những gì không thể xảy ra, ít ra là trên nguyên tắc. Chẳng hạn, thuyết duy ngã (solipsism) định rằng toàn thể vũ trụ chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng, có thể giải thích được mọi điều, nhưng lại không đưa ra được tiên đoán những gì không thể có, bởi vì tất cả mọi quan sát đều được giải thích đồng đều như nhau nên không thể được gọi là một lý thuyết khoa học.

Trong một cuốn sách viết về thuyết tiến hóa, Douglas J. Futuyma đã có lời phê bình như sau:

“Nên nói thêm một chút về ‘thuyết tiến hóa’mà phần đông đều cho rằng mọi loài sinh vật đã tiến hóa từ các ông tổ chung. Trong ngôn ngữ hằng ngày, ‘lý thuyết’ thường có nghĩa là một giả thuyết hoặc ngay cả một sự phỏng đoán đơn giản. Nhưng trong khoa học, ‘lý thuyết’ có nghĩa là ‘sự tuyên bố về những gì được xem như là những định luật chung, những nguyên lý, hoặc những nguyên nhân của một cái gì đó được biết đến và quan sát’, như tự điển Anh Văn Oxford đã định nghĩa. Lý thuyết tiến hóa là một chuỗi những tuyên bố nối kết nhau về sự chọn lọc tự nhiên và về những tiến trình mà người ta nghĩ là nguyên nhân làm ra tiến hóa, cũng như lý thuyết về nguyên tử trong hóa học và lý thuyết về cơ học của Newton là những chuỗi tuyên bố giải thích các nguyên nhân của những hiện tượng hóa học và vật lý. Ngược lại, câu tuyên bố rằng các loài sinh vật tiến hóa từ những ông tổ chung – sự thực lịch sử của tiến hóa – không phải là một lý thuyết. Nó là một sự kiện, cũng hoàn toàn giống như sự kiện về trái đất xoay chung quanh mặt trời. Giống như hệ nhật tâm, tiến hóa đã bắt đầu như một giả thuyết, và đã đạt được mọi điều kiện của sự kiện bởi vì chứng cớ hỗ trợ nó đã quá mạnh mẽ đến nỗi không một người nào có sự hiểu biết và không có thành kiến có thể từ chối tính đúng thực của nó. Ngày nay, không có nhà sinh học nào lại trình bày một tiểu luận với tựa đề ‘Chứng cớ mới về tiến hóa’; điều này đơn giản không phải là vấn đề từ cả một thế kỷ nay.” [9]

Như vậy, người ta không còn đi tìm chứng cớ về sự tiến hóa, nhưng chỉ tìm chứng cớ để hỗ trợ cho lý thuyết tiến hóa giải thích về sự kiện tiến hóa. Lý thuyết tiến hóa bằng sự chọn lọc tự nhiên của Charles Darwin hiện nay là lối giải thích khoa học tốt nhất về nguồn gốc của sự sống. Tiến hóa đã đạt mọi điều kiện, mọi tiêu chuẩn của sự kiện, giống như sự kiện quả táo rơi xuống đất. Nó đã được toàn thể cộng đồng khoa học xác nhận và là căn bản để giải thích những quan sát trong các ngành khoa học.

B. Có Phải Loài Người Phát Xuất Từ Loài Khỉ?

Một trong những thủ đoạn mánh mung khác để chống phá thuyết tiến hóa khoa học của các nhà biện giải VN cho TCG là cố tình xuyên tạc một cách trắng trợn để làm giảm uy tín và giá trị một lý thuyết khoa học. Bảo rằng thuyết tiến hóa khẳng định “loài người có nguồn gốc từ khỉ độc hoặc đười ươi không đuôi” thì rất phổ biến, thường bắt gặp ở nhiều tác giả biện giải tôn giáo cho mục đích nhục mạ.

Đúng hơn, thuyết tiến hóa xác quyết rằng mọi sự sống đều bắt nguồn từ một ông tổ chung (all living organisms have descended from a common ancestor, or ancestral gene pool), [10] có nghĩa là sự sống nguyên thủy bắt đầu bằng một đơn bào đơn giản rồi càng ngày càng tiến hóa phức tạp và tinh vi để chia nhánh, sinh sản thành những chủng loại khác nhau. Hiện tượng rẽ nhánh (speciation) là một phạm trù đặc biệt trong thuyết tiến hóa. Nó cho phép, nếu có đủ thời gian lâu dài, một loài sinh vật sẽ thay đổi “genes” dần dần để trở thành một chủng loại khác. Những sinh vật khác hiện nay chúng ta thấy như “khỉ độc” hoặc “đười ươi không đuôi” đều xuất phát từ những nhánh khác, mặc dù đều có chung một ông tổ. Một trong những ý tưởng cách mạng nhất của Darwin là mọi sự sống trên địa cầu đều có sự liên hệ, nối kết với nhau như các cành cây của một thân cây có sự sống (a tree of life).

Như vậy, loài người không phải xuất phát từ loài vượn (chimpanzees) [11] hay bất cứ một loài linh trưởng (primates) nào hiện đang còn sống. Loài người và loài khỉ (monkeys) đều có chung một ông tổ (common ancester) sống 40 triệu năm trước.[12] Còn loài vượn thì có họ hàng gần với chúng ta hơn, gần hơn cả loài khỉ rất xa. Ông tổ chung của loài người và loài vượn sống từ 5 tới 8 triệu năm trước, đã tiến hóa và rẻ thành hai nhánh riêng biệt: một nhánh loài người và một nhánh loài vượn. [13] Loài người là một trong những thành phần gia đình của chủng loại vượn nhân hình (homonidae), bao gồm cả loài vượn, loài gô-rilla và loài tinh tinh.

Description: http://giaodiemonline.com/2012/01/images/nguybien01.jpg

Hình 1: Di tích cái đuôi còn sót lại của một bé gái 6 tuổi.

Description: http://giaodiemonline.com/2012/01/images/nguybien02.jpg

Hình 2: Những người tôm hùm với bàn chân hai ngón.

Những xương hóa thạch đã được các nhà khoa học xếp loại để xác định những loài trung gian như Ardipithecus ramidus, Australopithecus anamensis, Australopithecus afarensis, Australopithecus garhi, Kenyanthropus platyops, Kenyanthropus rudolfensis, Homo habilis, và một số những trung gian khác ít gần gủi với loài người khôn ngoan (homo sapiens), chẳng hạn như loài australopithicenes.

Việc vô số những xương hóa thạch trung gian này chỉ được tìm thấy ở miền Đông Nam Phi Châu đã khẳng định rằng loài người và loài khỉ không đuôi (great apes) có họ hàng gần với nhau, phù hợp với điều mà Darwin đã giải thích 130 năm trước về định luật của sự phân phối theo địa lý, theo đó, những loài có vú có họ hàng gần với những chủng loại đã tuyệt chủng đều có một thời ở chung một vùng trên trái đất.[14] Do đó, người ta chỉ có thể tìm thấy xương hóa thạch của loài khỉ không đuôi đã tuyệt chủng có liên hệ họ hàng gần với những loài vượn và loài gô-rilla hiện đang sống ở Đông Nam Phi Châu.

Chúng ta không bao giờ kỳ vọng có thể tìm thấy xương hóa thạch thuộc loài trung gian Australopithicus, Ardipithecus, hoặc Kenyanthropus ở Úc, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Cực, Siberia, vùng Lưỡng Hà, hoặc ở bất cứ hải đảo nào đã tách rời khỏi lục địa Phi Châu. Nếu tìm thấy được những xương hóa thạch này ở những vùng đó thì có nghĩa là đã phản bác được thuyết tiến hóa. Cho tới ngày hôm nay, điều này tuyệt đối chưa hề xảy ra.

C. Có Phải Tiến Hóa Nghịch Với Định Luật II Của Động Nhiệt Học?

Có một lối ngụy biện khác mà các nhà biện giải cho TCG hay xử dụng để chống phá thuyết tiến hóa. Họ bảo rằng không thể có tiến hóa vì tiến hóa thì nghịch với định luật thứ II trong Động Nhiệt Học (Thermodynamics). Định luật này định rằng entropy càng ngày càng tăng dần trong một chu kỳ không thể quay ngược (irreversible cycle). Trong chu kỳ này, entropy là năng lượng dư thừa, vô dụng, thất thoát, làm nóng một hệ thống. Entropy có thể được giải thích nôm na là năng lượng làm mức đo cho tình trạng hỗn độn này. Bởi vậy, tiến hóa một mình tự nó không thể làm tăng thêm tính tinh vi và phức tạp của các sinh vật. Điều mà họ không muốn nói thẳng ra là phải cần có Thiên Chúa tác động vào mọi loài thì mới có thể làm chúng càng ngày càng thay đổi để được phức tạp và tinh vi hơn. Nếu không có bàn tay tác động của Thiên Chúa thì, cứ theo định luật thứ II của Động Nhiệt Học, thế giới càng ngày càng phải hỗn độn hơn vì năng lượng entropy cứ tăng dần theo thời gian.

Những nhà biện giải cho TCG khi áp dụng lập luận này chỉ càng chứng tỏ họ chẳng hiểu gì về Động Nhiệt Học. Mặc dù vậy, lập luận này lại rất thuyết phục đối với giới bình dân đại chúng không có kiến thức căn bản về khoa học.

Trước hết, nên hiểu rằng định luật thứ II không liên hệ gì tới mức độ phức tạp của một hệ thống hay của các loài sinh vật. Thứ đến, định luật này chỉ áp dụng cho một hệ thống khép kín (closed system). Nhưng trái đất này không phải là một hệ khép kín vì nó luôn luôn nhận năng lượng từ mặt trời. Áp dụng định luật thứ 2 của Động Nhiệt Học vào một hệ thống mở (open system) thì sẽ đưa đến kết quả hoàn toàn sai. [15]

Động Nhiệt Học là một bộ môn học năm thứ 3 của chương trình Kỷ Sư Cơ Khí (Mechanical Engineering) nên giới bình dân không có căn bản về khoa học không thể có thắc mắc về một vấn đề nằm ngoài khả năng của họ. Họ chỉ biết nghe và chấp nhận dễ dàng những lập luận sai lầm của những nhà biện giải cho TCG. Đó cũng là lý do dễ hiểu tại sao những người càng có nhiều kiến thức về khoa học thì họ càng chấp nhận thuyết tiến hóa dễ dàng hơn. Nghiên cứu thống kê năm 2009 của cơ quan PEW ghi nhận rằng có tới 97% các nhà khoa học chấp nhận con người và các loài có sự sống đều đã tiến hóa theo thời gian, trong khi chỉ có 32% đại chúng chấp nhận thuyết tiến hóa. [16]

D. Phải Chăng Có Những Thứ Phức Tạp Không Thể Đơn Giản Hơn (Irreducible Complexity)?

Còn có một lối ngụy biện khác nữa cũng rất ăn khách vì được dựa vào khoa học, đó là lập luận cho rằng có những hệ thống thuộc sinh vật học phức tạp không thể đơn giản hơn, nghĩa là phải có nó như một toàn thể hệ thống chứ không thể có nó theo từng giai đoạn từ đơn giản tới phức tạp và tinhh vi hơn bằng tiến trình ngẫu biến và sự chọn lọc tự nhiên. Một hệ thống phức tạp không thể đơn giản hơn nữa vì nếu chỉ bớt đi một trong các phần tử cấu trúc của hệ thống thì sẽ đưa đến kết quả toàn thể hệ thống ngưng hoạt động. Có thể nói rằng đây là lập luận chính yếu của thiết kế thông minh và đã bị cộng đồng khoa học vất bỏ, [17] xem nó như là ngụy khoa học. [18]

1. Trong khoa học thực nghiệm

Ý niệm về sự phức tạp không thể đơn giản hơn nữa được dùng lần đầu tiên bởi Michael Behe, một giáo sư sinh hóa học. Ông định nghĩa rằng hệ thống phức tạp không thể đơn giản hơn là “một hệ thống gồm nhiều phần tử ăn khớp, tác động qua lại để đóng góp vào chức năng căn bản mà nếu lấy đi một trong những phần tử đó thì kết quả sẽ làm hệ thống ngưng hoạt động.” [19] Một trong các thí dụ Behe trưng ra như là bằng chứng để hỗ trợ lập luận này là thí dụ hệ thống flagellum được các nhà biện giải cho TCG ưng ý và xử dụng nhiều nhất. Nhưng các nhà khoa học sinh hóa đã chứng minh rằng hệ thống flagellum thực sự có thể tiến hóa được, [20] và những thí dụ của Behe đưa ra chỉ là lối lập luận ngụy biện vì phải kêu gọi tới sự ngờ vực (appeal to incredulity). [21] Chính đó là Thượng Đế của các lỗ trống.

Description: http://giaodiemonline.com/2012/01/images/nguybien03.jpg

Hình 3: Biểu đồ flagellum được đăng ở nhiều trang điện báo chống phá thuyết tiến hóa

và ở tờ bìa của cuốn No Free Lunch của William Dembski.

Flagellum được xem như là động cơ bám dính xung quanh màng vỏ của con vi khuẩn để kích hoạt con vi khuẩn hoạt động. Thông thường, người ta hay hiểu lầm vi khuẩn là những thứ ký sinh trùng ăn bám, có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định có nhiều loại vi khuẩn không những có lợi mà còn cần thiết cho các tế bào. Các vi khuẩn làm hại tế bào tiết ra một loại protein độc hại có thể xâm nhập qua màng vỏ của tế bào để giết tế bào. Một hệ thống có phận sự bài tiết chất độc, được gọi tắt là TTSS (type III secretory system), đã được các nhà khoa học khám phá, là một phần tử của hệ thống flagellum. Những thành quả do các nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học vô tình đã phản bác thí dụ flagellum của Behe.

Description: http://giaodiemonline.com/2012/01/images/nguybien04.jpg

Hình 4: Cấu trúc của TTSS giống như phần cuối của flagellum ở hình 2.

Sự giống nhau này chứng minh rằng flagellum còn có thể đơn giản hơn nữa mà vẫn hoạt động bình thường.

Như vậy, bảo rằng flagellum không thể đơn giản hơn đã mâu thuẫn với sự kiện là flagellum đã bị cắt bỏ để chỉ còn phần tử TTSS nhưng vẫn có thể hoạt động như flagellum. Một cấu trúc quá phức tạp được cho là không thể đơn giản hơn đã được đơn giản hơn nữa.

Vào năm 2005, trong vụ kiện Kitzmiller v. Dover Area School mà Michael Behe có dịp trình bày bằng chứng về sự phức tạp không thể đơn giản hơn, tòa án đã phán quyết “Quan điểm của Giáo sư Behe về sự phức tạp không thể đơn giản hơn đã bị phản bác bởi nhiều bài nghiên cứu của các đồng nghiệp và đã bị cộng đồng khoa học bác bỏ” [22]

2. Trong luận lý học

Thực ra, lối lập luận dựa trên sự phức tạp không thể đơn giản hơn này chỉ là lập lại lập luận kêu gọi tới sự vô minh, nghĩa là chúng ta cứ việc mang một siêu sinh vật (Thượng Đế) ra một cách vô tội vạ để làm nguyên nhân cho những gì chúng ta chưa biết giải thích. Chẳng hạn, ngày xưa chúng ta chưa biết giải thích các hiện tượng sóng thần, núi lửa, động đất thì chúng ta có thủy thần, sơn thần. Ngày nay, những hiện tượng này đã được khoa học giải thích một cách tường tận nên chẳng còn ai tin vào sự hiện hữu của những thần thánh này. Đó chính là Thượng Đế của những lỗ trống, và các lỗ trống là những thứ không thể nào phủ lấp hết vì chúng ta cứ việc tạo thêm ra rất dễ dàng.

Khi Machael Behe trưng ra thí dụ về hệ thốn phức tạp flagellum không thể đơn giản hơn nữa bởi vì nếu thiếu một trong những thành phần cấu tạo hệ thống thì hệ thống sẽ vô dụng, thì chúng ta chỉ có một sự phức tạp mà khoa học cần phải giải thích. Nhưng khi các nhà khoa học tìm ra hệ thống TTSS như đã trình bày ở trên thì tự nhiên chúng ta lại có hai sự phức tạp cần phải đối đầu. Cũng vậy, khi các nhà khoa học chưa giải thích được các lỗ trống của các xương hóa thạch chứng minh những thời kỳ chuyển tiếp của các chủng loại thì người ta phải dựa vào lập luận thiết kế thông minh để giải thích. Nhưng khi các nhà khoa học đã tìm thấy vô số những xương hóa thạch để giải thích những thời kỳ chuyển tiếp, kể cả những xương hóa thạch giải thích nguồn gốc của loài cá voi, thì các nhà biện giải cho TCG lại tiếp tục ồn ào dèm pha khoa học. Nếu trước đây chỉ có một lỗ trống cần phủ lấp thì bây giờ lại có tới hai lỗ trống cần phủ lấp. Và cứ như vậy thì khoa học sẽ đời đời chẳng có cách nào phủ lấp hết mọi lỗ trống.

Lập luận dựa trên một siêu sinh vật để giải thích một điều chưa biết không phải là một sự giải thích đúng nghĩa, bởi vì mang một nguyên nhân quá phức tạp mà chúng ta không thể giải thích được (Thượng Đế) để giải thích một nguyên nhân đơn giản hơn càng làm cho điều chúng ta muốn giải thích tối tăm thêm. Câu hỏi ai sinh ra Thượng Đế vẫn chưa được trả lời.

Richard Dawkins lý luận rằng: “Đối với tôi, điều quan trọng là, ngay cả nếu nhà vật lý cần qui định một tối thiểu không thể nhỏ hơn nữa, là thứ đã hiện hữu từ buổi ban đầu để vũ trụ có thể khởi sự, cái tối thiểu không thể nhỏ hơn đó chắc chắn phải đơn giản kinh khủng. Do định nghĩa, sự giải thích dựa trên những tiền đề đơn giản thì hợp lý và thỏa mãn hơn sự giải thích dựa trên những tiền đề phức tạp bắt đầu bằng một xác suất không thể xảy ra. Và bạn không thể có thứ gì phức tạp hơn một Thượng Đế toàn năng.” [23]

Kết luận

Cần phải công nhận rằng mặc dù lý thuyết tiến hóa khoa học không tuyệt đối phủ bác sự hiện hữu của Thượng Đế, được hiểu như đấng Sáng Tạo muôn loài và muôn vật, nhưng nó đã phủ bác hoàn toàn ý niệm Thiên Chúa của Thiên Chúa Giáo, một siêu sinh vật toàn năng, vì thương yêu loài người nên hay can thiệp vào những công việc của trần thế bằng các phép lạ. Những định luật bất biến của thiên nhiên lại thường xuyên bị Thiên Chúa thay đổi do lời van xin hoặc hối lộ của con người. Mọi sự sống có được là do tiến hóa dần dần bằng sự chọn lọc tự nhiên, chứ không phải do một siêu sinh vật nào đó tạo dựng tức thời.

Richard Dawkins lập luận như sau:

“Có một sự thôi thúc để lập luận rằng, mặc dù không cần Thượng Đế để giải thích sự tiến hóa của một trật tự phức tạp một khi vũ trụ đã khởi động với những định luật vật lý căn bản của nó, chúng ta vẫn cần đến một Thượng Đế để giải thích nguồn gốc của mọi sự vật. Ý tưởng này không có dành cho Thượng Đế làm nhiều điều: chỉ việc tạo ra vụ nổ lớn rồi ngồi đó và chờ đợi mọi sự xảy ra. Nhà vật lý và hóa học Peter Atkins, trong cuốn sách viết rất tuyệt của ông, Sự sáng tạo, quy định một Thượng Đế lười biếng đã làm việc ít nhất có thể để khởi sự đủ mọi thứ. Atkins giải thích từng bước của lịch sử vũ trụ tiếp nối nhau bằng định luật vật lý đơn giản. Như vậy, ông đã xén dần số lượng việc làm mà một Thượng Đế lười biếng cần làm và cuối cùng kết luận rằng, thực vậy, Thượng Đế chẳng cần để làm bất cứ một điều gì.” [23]

Như vậy, dưới ánh sáng của thuyết tiến hóa khoa học, những giáo lý căn bản của Thiên Chúa Giáo có nguồn gốc từ hai cuốn Kinh Thánh, Cựu Ước và Tân Ước, qua những câu chuyện như Vườn Địa Đàng với tội tổ tông, nạn lụt đại hồng thủy, Thiên Chúa xuống thế làm người để chuộc tội tổ tông cho thiên hạ, đức Maria đồng trinh vô nhiễm nguyên tội, phục sinh, thăng thiên, v/v… đã trở thành huyền thoại, vô nghĩa mà rất nhiều tôn giáo cổ xưa nay chỉ còn là bóng mờ của lịch sử cũng đều có. Tất cả chỉ là những mánh mung ngụy tạo ở thời Trung cổ của Giáo Hội Công Giáo La Mã để kềm chế con người vào vòng nô lệ của tâm linh.

Sự thành công và phát triển của khoa học đã bắt buộc Giáo Hoàng Benedict XVI phải tuyên bố rằng “Giáo hội đã chấp nhận tiến hóa như là một lý thuyết khoa học” và Giáo Hoàng John Paul II vào tháng 10 năm 1996 cũng đã tuyên bố “những khám phá mới đã dẫn chúng ta tới việc nhìn nhận lý thuyết tiến hóa hơn là một giả thuyết” sau hơn 100 năm chống phá. Và ngày nay, Giáo Hội Công Giáo La Mã cũng không còn dạy thuyết sáng tạo cho các tín đồ nữa. [24]

Mặc dù vậy, các nhà biện giải cho TCG người Việt vẫn không chấp nhận lập trường của Giáo hội Mẹ, ngày đêm tiếp tục chống phá thuyết tiến hóa. Những bài viết của họ được đưa vào các diễn đàn công cộng trong những thời gian qua không gì khác hơn là thứ văn hóa phế thải, sản phẩm một thời của trận chiến đã kết thúc từ lâu. Điều rất ngạc nhiên là những chỉ trích sai lầm và đòi hỏi chứng minh vô lý của họ đối với thuyết tiến hóa khoa học đều có thể được áp dụng cho giả thuyết sáng tạo, nhưng họ vẫn một mực tuyệt đối tin vào giả thuyết sáng tạo, một thuyết đã bị toàn thể cộng đồng khoa học bác bỏ, chỉ còn là dấu vết lịch sử của thần thoại hoang đường. Như vậy, điều này đã chứng minh rằng các nhà biện giải VN cho TCG chỉ nhắm mắt hành xử theo thành kiến để cố gắng bảo vệ bằng mọi giá cho tôn giáo của họ, cho dù phải hy sinh cả chân lý, sự thật.

Nhưng bảo vệ và phục chân lý hay bảo vệ và phục vụ tôn giáo, điều nào là điều quan trọng, nên làm hơn ?

 


Ghi chú:

[1] Gs. Trần Chung Ngọc: Darwin Hay Thượng Đế? Tiến Hóa Hay Sáng Tạo? Nguồn: http://giaodiemonline.com/2009/02/tienhoa.htm

[2] Douglas Futuyma: Hypotheses, Facts, and the Nature of Science

[3] Muller, H. J. (1959). "One hundred years without Darwin are enough". School Science and Mathematics 59: 304–305. doi:10.1111/j.1949-8594.1959.tb08235.x. http://www.skepticfiles.org/evolut/100pcnts.htm. Reprinted in Zetterberg, Peter (ed.) (1983-05-01). Evolution Versus Creationism: The Public Education Controversy. Phoenix AZ: ORYX Press. ISBN 0897740610.

[4] Science and Creationism: A View from the National Academy of Sciences, Second Edition (1999), National Academy of Sciences (NAS), National Academy Press, Washington DC, 2006.

[5] From the National Academies, Definitions of Evolutionary Terms, Nguồn: http://nationalacademies.org/evolution/Definitions.html

[6] Gould, Stephen Jay (1981-05-01). "Evolution as Fact and Theory". Discover 2 (5): 34–37. http://www.stephenjaygould.org/library/gould_fact-and-theory.html. Reprinted in:

§ Vetter, Herbert F. (ed.) (1982). Speak Out Against The New Right. Beacon Press. ISBN 0807004863.

§ Gould, Stephen Jay (1994-04-01). Hen's Teeth and Horse's Toes. New York: Norton. ISBN 0393017168.

[7] Trần Tiên Long: Những Thủ Đoạn Mánh Mung Chống Phá Thuyết Tiến Hóa. Nguồn: http://sachhiem.net/TTL/TranTL11.php

[8] Sir Karl Popper: The Problem of Induction, 1953

[9] Douglas J. Futuyma: Evolutionary Biology, 2nd ed., 1986, Sinauer Associates, p. 15

[10] Cavalier-Smith T (2006). Cell evolution and Earth history: stasis and revolution. Philos Trans R Soc Lond B Biol Sci 361 (1470): 969–1006. doi:10.1098/rstb.2006.1842. PMC 1578732. PMID 16754610.

[11] Harmon, New York Times, Amy (August 31, 2008). Teaching evolution to young Christian skeptics. San Francisco Chronicle. http://www.sfgate.com/cgi-bin/article.cgi?f=/c/a/2008/08/30/MNSK12HD6J.DTL. Retrieved 2009-08-29.

[12] Hartwig, W. (2007): Primate Evolution. In Campbell, C., Fuentes, A., MacKinnon, K., Panger, M. & Bearder, S.. Primates in Perspective. Oxford University Press. ISBN 978-0-19-517133-4.

[13] "Evolution: Frequently Asked Questions". PBS.org. http://www.pbs.org/wgbh/evolution/library/faq/cat02.html#Q01. Retrieved 2009-08-29.

[14] Darwin, C. (1871, p. 161) The Descent of Man. Amherst, New York, Prometheus Books.

[15] http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_common_misconceptions#cite_note-156 .

[16] Pew Research Center: Public Praises Science; Scientists Fault Public, Media July 9, 2009.

[17] We therefore find that Professor Behe’s claim for irreducible complexity has been refuted in peer-reviewed research papers and has been rejected by the scientific community at large." Ruling, Judge John E. Jones III, Kitzmiller v. Dover Area School District

[18] "True in this latest creationist variant, advocates of so-called intelligent design ... use more slick, pseudoscientific language. They talk about things like 'irreducible complexity'" —

Shulman, Seth (2006). Undermining science: suppression and distortion in the Bush Administration. Berkeley: University of California Press. p. 13. ISBN 0-520-24702-7. "for most members of the mainstream scientific community, ID is not a scientific theory, but a creationist pseudoscience."

David Mu (Fall 2005). "Trojan Horse or Legitimate Science: Deconstructing the Debate over Intelligent Design". Harvard Science Review 19 (1). http://www.hcs.harvard.edu/~hsr/fall2005/mu.pdf.

Perakh M (2005 Summer). "Why Intelligent Design Isn't Intelligent — Review of: Unintelligent Design". Cell Biol Educ. 4 (2): 121–2. doi:10.1187/cbe.05-02-0071. PMC 1103713. http://www.pubmedcentral.nih.gov/articlerender.fcgi?tool=pmcentrez&artid=1103713

Mark D. Decker. College of Biological Sciences, General Biology Program, University of Minnesota Frequently Asked Questions About the Texas Science Textbook Adoption Controversy "The Discovery Institute and ID proponents have a number of goals that they hope to achieve using disingenuous and mendacious methods of marketing, publicity, and political persuasion. They do not practice real science because that takes too long, but mainly because this method requires that one have actual evidence and logical reasons for one's conclusions, and the ID proponents just don't have those. If they had such resources, they would use them, and not the disreputable methods they actually use."

See also list of scientific societies explicitly rejecting intelligent design

[19] Michael Behe: Darwin's Black Box: The Biochemical Challenge to Evolution, 1996, quoted in Irreducible Complexity and Michael Behe (retrieved 8 January 2006)

[20] Bridgham JT, Carroll SM, Thornton JW (April 2006): Evolution of hormone-receptor complexity by molecular exploitation. Science 312 (5770): 97–101. Bibcode 2006Sci...312...97B. doi:10.1126/science.1123348. PMID 16601189.

[21] Index to Creationist Claims. Mark Isaak. The Talk.Origins Archive. "Irreducible complexity and complex specified information are special cases of the ‘complexity indicates design’ claim; they are also arguments from incredulity." "The argument from incredulity creates a god of the gaps."

[22] "We therefore find that Professor Behe’s claim for irreducible complexity has been refuted in peer-reviewed research papers and has been rejected by the scientific community at large." Ruling, Judge John E. Jones III, Kitzmiller v. Dover Area School District

[23] Richard Dawkins: The Improbability of God/Không thể có Thượng đế, Trần Tiên Long dịch. Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8847&rb=0303

[24] Trần Tiên Long: Lại Phải Trả Lời Ông Chu Tất Tiến (Về bài Lời Cuối Cho Ngài Học Gỉa TTL). Nguồn: http://giaodiemonline.com/2011/06/chutattien.htm

nguồn http://giaodiemonline.com/2012/01/nguybien.htm