●   Bản rời    

TÔI ĐỌC CUỐN: "Hai Ngàn Năm Một Thuở: Chứng Từ Của Một Số Người Công Giáo" (Trần Chung Ngọc)

TÔI ĐỌC CUỐN:

"Hai Ngàn Năm Một Thuở:

Chứng Từ Của Một Số Người [Trí Thức] Công Giáo"

(Tin Nhà Paris Xuất Bản)

Trần Chung Ngọc

http://sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN102.php

21 tháng 8, 2010

Lẽ dĩ nhiên, ông Đỗ Mạnh Tri cũng như nhóm Tin Nhà Paris muốn quảng cáo cho Chúa Giê-su của các ông như thế nào thì cứ việc quảng cáo, muốn tin Giê-su của các ông là người như thế nào thì cứ việc tin, tôi tuyệt đối không có ý định ngăn cản hay chống đối. Nhưng tôi sẽ không để cho các ông tự tung tự tác lừa dối người dân Việt bằng những luận điệu thần học hoang đường đầy tính cách mê hoặc sai với sự thực lịch sử trong thời buổi này

I. VÀI LỜI NÓI ĐẦU.

Tuổi của trái đất mà chúng ta đang sống trên đó ít ra cũng là bốn tỷ rưỡi năm. Theo giáo sư Trịnh Xuân Thuận ở đại học Virginia, một chuyên gia về ngành vật lý học các thiên thể (astrophysics), thì những đại diện đầu tiên của con ngưởi hiện đại đã dẫm chân trên trái đất từ 2 triệu năm trước (Trịnh Xuân Thuận, The Birth of The Universe, p. 120: "..about 2 million years ago the first representatives of Homo Sapiens trod the earth"). Mới đây, các nhà khảo cổ đã kiếm ra ở xứ Cộng Hòa Phi Châu Chad một chiếc sọ, nhiều mảnh xương hàm và răng đã hóa thạch, có tuổi là 7 triệu năm, của một tổ tiên xa của con người hiện đại (Chicago Tribune, July 11, 2002: Archeologists have found a fossilized skull, jaw fragments and several teeth belonging to a 7 million-year-old ancestor of modern humans..). Một lần nữa, thuyết Tiến Hóa của Darwin đã được kiểm chứng. Đối với khoa học gia White ở đại học Berkeley thì con người tiến hóa như thế nào nay đang trở nên rõ ràng hơn (To Berkeley's White, the picture of how humans evolved is becoming clearer) và White nói: "Darwin đã tiên đoán sự tiến hóa này, và đó chính là những điều chúng tôi tiếp tục kiếm ra" (Darwin predicted that, and it's what we keep finding). Đây là những sự kiện khoa học trong khoa khảo cổ, và vô số sự kiện trong nhiều ngành khoa học khác, đã kiểm chứng và chứng minh sự xác tín vào thuyết Tiến Hóa, những sự kiện bất khả phủ bác, những sự kiện mà vị tự nhận là đại diện của đấng Ki-tô trên trần (Vicar of Christ), nghĩa là giáo hoàng của Ca-tô Rô-ma giáo, Gioan PhaoLô II, cũng đã phải chính thức công nhận.

Thế nhưng, có một thiểu thiểu số người, có thể coi như là đại diện của tầng lớp trí thức Ca-tô Việt Nam, cho rằng lịch sử loài người chỉ có ý nghĩa trong vòng 2000 năm nay, từ khi Giê-su sinh ra đời, tuy chẳng ai biết đích xác năm sinh của Giê-su là năm nào. Tại sao? Vì họ được nhào nặn trong một đức tin mù quáng, vô cùng ích kỷ, chỉ biết đến mình chứ không hề quan tâm đến bất cứ ai khác. Họ tin rằng Giê-su có thể chuộc cái "tội tổ tông Do Thái" ở trong người họ khi họ mới sinh ra đời và được mang đi "rửa tội" từ lúc còn đang bú sữa, tuy rằng loài người chưa bao giờ mắc phải cái gọi là "tội tổ tông", huyền thoại của một dân tộc du mục, man rợ khi xưa; họ tin rằng Giê-su có khả năng "cứu rỗi" họ, cho họ lên thiên đường sống đời đời, lẽ dĩ nhiên là sau khi chết, tuy rằng quan niệm cổ lỗ sĩ về một cái nhà trên trời, thiên đường, nơi Chúa Giê-su bay lên ngồi bên phải Cha ông ta nay đã trở thành một chuyện tiếu lâm mà chính Giáo hoàng John Paul II đã phải bác bỏ. Thực tế là Giê-su đã chết cách đây gần 2000 năm, và những lời gọi là "tiên tri" của ông nay đã trở thành những điều hoang tưởng, vì không có một điều nào đã được thực hiện, và trong suốt 2000 năm nay chẳng ai biết ông ta ở đâu ở trên cái thiên đường (mù), nhưng phần chắc là nằm trong một cái tiểu quách bên cạnh những tiểu quách của vợ và con mới được khám phá ra gần đây ở Jerusalem.

Họ nhắc lại những điều họ được giáo hội cấy vào đầu óc họ từ khi còn nhỏ, rằng Giê-su đã mang đến tin vui, tin vui sự sống, tin vui ánh sáng, tin vui tự do, tin vui tình thương, mà không hề bận tâm đến những điều khó tin và những sự kiện lịch sử, rằng tin vui sự sống chỉ đến sau khi chết; tin vui ánh sáng là ánh sáng của gươm giáo và bom đạn để giết người như lịch sử Ki Tô Giáo đã chứng minh; tin vui tự do thứ tự do chỉ được quyền tin và thờ một Giê-su hay thần Gia-vê mà Giê-su nhận làm cha; tin vui tình thương, tình thương trong chủ trương đày đọa, tiêu diệt những người có đầu óc, không chịu tin vào những thuộc tính tự nhận của Giê-su. Họ chẳng buồn quan tâm đến những người sinh ra trong hàng triệu năm trước khi Giê-su sinh ra đời, trong đó tất nhiên có tổ tiên xa của họ. Đối với họ, số người sinh ra trước Giê-su trên khắp thế giới, trong đó có người Việt Nam, chắc chưa bao giờ có sự sống, có ánh sáng, có tự do, có tình thương, do đó không cần phải để ý đến. Ôi! Những bộ óc hẹp hòi, thiển cận còn sót lại trong thời đại đã tiến bộ của nhân loại.

Tôi có cảm tưởng là hầu hết các tác giả trong cuốn "Hai Ngàn Năm Một Thuở: Chứng Từ Của Một Số Người Công Giáo", nhà xuất bản Tin ở Paris phát hành năm 2000, giá 10 Mỹ Kim, thuộc thiểu thiểu số trên. Thật là đáng buồn, ý thức về tôn giáo của các tác giả trong cuốn sách trên hầu hết chỉ thu hẹp trong 2000 năm trên một lịch sử nhân loại đã kéo dài cả vài triệu năm trên trái đất có tuổi 4.5 tỷ năm. Tôi xin mượn một câu của ông Đỗ Mạnh Tri trong cuốn "Ngón Tay và Mặt Trăng" mà than rằng: "Ôi! Thời đại chưa khai hóa".

II. DẪN NHẬP.

Tuyển Tập Tin Nhà Paris: "Hai Ngàn Năm Một Thuở: Chứng Từ Của Một Số Người Công Giáo", một cuốn sách đặc thù Catô Rôma, gồm 15 bài của 15 trí thức Catô viết, do ông giáo sư Đỗ Mạnh Tri chủ xướng.. Tôi đã biết ít nhiều về "kiến thức" của ông Đỗ Mạnh Tri qua cuốn "Ngón Tay Và Mặt Trăng" của ông, và tôi cũng đã viết một bài phê bình cuốn sách này. Bài phê bình này cùng với vài bài của các tác giả khác đã được in thành sách năm 1997, và đã đưa lên trang nhà Giao Điểm trước đây.

Đọc cuốn "Hai Ngàn Năm Một Thuở: Chứng Từ Của Một Số Người Công Giáo" tôi khám phá ra rằng, thật là tình cờ, cuốn "Chúa Giê-su Là Ai? Giảng Dạy Những Gì?" của tôi, với những tài liệu nghiên cứu cập nhật nhất, đã bác bỏ hầu hết những niềm tin tôn giáo dựa trên một nền thần học cũ kỹ đã lỗi thời nằm trong cuốn "Hai Ngàn Năm Một Thuở: Chứng Từ Của Một Số Người Công Giáo" .

Đọc bản Mục Lục ở đầu cuốn sách, tôi được biết cuốn "Hai Ngàn Năm Một Thuở: Chứng Từ Của Một Số Người Công Giáo" là sản phẩm tinh thần của 15 trí thức Ca-tô giáo thuộc loại đỉnh cao trí tuệ của giáo hội Ca-tô giáo Việt Nam, lẽ dĩ nhiên, chỉ của giáo hội Ca-tô Việt Nam mà thôi. Trong số 15 tác giả có 3 tên quen thuộc đối với tôi, vì tôi đã có dịp đọc sách hay bài viết của họ: giáo sư Đỗ Mạnh Tri, nhà văn Trần Phong Vũ, và một ông bạn tôi, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Ích, tốt nghiệp đại học nổi tiếng M.I.T từ đầu thập niên 70, cùng dạy học với tôi ở Đại Học Khoa Học Saigon, cùng ở trong nhóm 5 chuyên viên đại học trực thuộc Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục trước đây.

Đọc một cuốn sách mà tác giả là những bậc trí thức Ca-tô giáo Việt Nam nặng ký như vậy, tôi hi vọng sẽ được đọc một tác phẩm có giá trị trí thức cao. Nhưng đọc xong, tôi cảm thấy thật là thất vọng, vì nội dung cuốn sách không đáp ứng được điều mong mỏi của tôi, và nhất là trình độ hiểu biết của những tác giả khi viết ít nhiều về tôn giáo của họ, không ở mức của cuối thế kỷ 20, điều đáng lẽ phải có của các bậc khoa bảng trong giáo hội.

Đọc kỹ lại cuốn sách, tôi khám phá ra rằng, sở dĩ có những điều bất xứng giữa bằng cấp ngoài đời và hiểu biết tôn giáo, là vì, hầu hết các tín đồ Ca-tô Việt Nam, trí thức hay không, đều có một điểm mù tôn giáo. Có lẽ trong người họ có cái gen của Thiên Chúa, hoặc theo một nhà thần học, có một cái lỗ hổng có hình dạng của Thiên Chúa ở trong đầu (a god-shaped hole). Tuy đôi khi họ cũng có vài cố gắng vùng vẫy, nhưng họ vẫn không làm sao thoát khỏi được mớ xiềng xích trí tuệ đã trói chặt họ trong một niềm tin tôn giáo của Ca-tô Rôma Giáo. Duy trì được một mớ xiềng xích tôn giáo trên đám tín đồ đông đảo, kể cả những bậc được gọi là trí thức Ca-tô Việt Nam mà không ai có thể nghi ngờ khả năng hiểu biết của họ, tôi cho đó là sự thành công nhất của giáo hội Ca-tô Rôma trong gần 2000 năm nay. Nhận định trên của tôi tuyệt đối không phải vì lý do tôi theo một tôn giáo khác với tôn giáo của họ, mà bắt nguồn từ một phân tích tổng hợp và khoa học về nhiều điểm mà các tác giả đã trình bày trong cuốn sách của họ. Điều này sẽ được chứng minh trong phần sau.

III. MỤC SƯ & LINH MỤC NHẬN ĐỊNH VỀ TÍN ĐỒ CỦA MÌNH.

Đọc xong cuốn "Hai Ngàn Năm Một Thuở: Chứng Từ Của Một Số Người Công Giáo", tôi thở dài và nghĩ tới những người tín hữu Ca-tô của tôi, quen biết cũng như không quen biết, dù sao họ cũng là đồng bào ruột thịt của tôi. Tôi cảm thấy những đặc tính của họ để lộ trong cuốn sách có vẻ quá quen thuộc với tôi. Nói một cách tổng quát thì kiến thức của họ về chính tôn giáo của họ, Ca-tô Rôma giáo, thật là thiếu sót, nghèo nàn, và lạc hậu một cách thê thảm. Có vẻ như họ không hề đọc kỹ Thánh Kinh, không có một cái nhìn tổng hợp về Thánh Kinh, không biết đến những tác phẩm nghiên cứu Thánh Kinh, không biết đến những diễn biến ngay trong nội bộ giáo hội Ca-tô Rôma, trong giới trí thức Ca-tô và ngay cả trong Vatican, và nhất là không quan tâm đến những tiến bộ trí thức của con người về khoa học cũng như tôn giáo, cho nên họ vẫn đưa ra những trích dẫn vụn vặt từ Thánh Kinh và diễn giải theo luận điệu thần học đã quá lỗi thời của các linh mục trong nhà thờ.

Thời buổi này mà họ vẫn đưa ra những huyền thoại như "ăn trái cấm", "thắng sự chết", "ngôi mộ trống", "con người là hình ảnh thiên chúa", "Giê-su thành lập giáo hội", "tin mừng Phúc âm" v..v.. và coi những chuyện thuộc môn thần học Ki Tô Giáo trên, nay đã không còn chút giá trị nào trong những xã hội tân tiến Âu Mỹ, nhất là trong giới trí thức và khoa học, như là những sự kiện lịch sử hay chân lý mạc khải, nên không thể sai lầm. So với nhiều trí thức Ca-tô giáo Tây phương, hầu như họ vẫn tự giam mình trong những ốc đảo Ca-tô Rôma thuộc thế kỷ 19. Đây thật sự là điều đáng buồn, vì người Việt Nam chúng ta thường nổi tiếng là thông minh, hiếu học v..v.. thế mà lại có một số người mang danh trí thức tiếp tục lấy những đồ Tây phương đang dần dần phế thải để làm của quý cho chính mình và cho đồng bào. Buồn hơn nữa vì đây chính là một trong những nguyên nhân ngăn cản sự hòa hợp tôn giáo trong đại khối dân tộc. Hòa hợp làm sao được khi mà thay vì góp phần với dân tộc để tiến bộ thì họ lại cứ muốn kéo cả dân tộc đi giật lùi về một niềm tin của thời Trung Cổ, một niềm tin không cần biết, không cần hiểu, và nhất là đã càng ngày càng trở nên lạc hậu, vô nghĩa trong các xã hội tân tiến Âu Mỹ, nơi đây người dân đã nhận ra bản chất huyễn hoặc của nó và đang dần dần từ bỏ nó.

Thật ra tôi nghĩ về họ như thế nào không quan trọng, vì tôi là người ngoại đạo. Điều quan trọng là họ nên biết một số lãnh đạo và trí thức lương thiện trong chính tôn giáo của họ nghĩ thế nào về họ. Tôi tin rằng họ có đủ khả năng để tìm hiểu tại sao họ vẫn còn tự giam mình trong bóng tối của một nền thần học đã lỗi thời, nếu họ muốn. Do đó, tôi đề nghị các tác giả trong cuốn "2000 Năm Một Thuở...", và nếu có thể, mọi tín hữu Ca-tô giáo, cũng như mọi người ngoại đạo, đều nên đọc ít nhất là 4 cuốn sách sau đây: cuốn Going By The Book: Past and Present Tragedies of Biblical Authority, Hampton Roads Pub. Co., VA., 1996, của Mục Sư Ernie Bringas; 2 cuốn " A Modern Priest Looks at his Outdated Church”, Pocket Books, New York, 1968; “God Lives: From Religious Fear To Spiritual Freedom”, Steven J. Nash Pub., IL., 1993, của Linh Mục James Kavanaugh; và cuốn The Final Superstition: A Critical Evaluation of the Judeo-Christian Legacy, Prometheus Books, New York, 1994 của một trí thức Ca-tô, học giả Joseph L. Daleiden. Nếu muốn, quý vị có thể đọc thêm những tác phẩm như Rescuing The Bible From Fundamentalism: A Bishop Rethinks The Meaning of Scripture, Harper, San Francisco, 1991; 2. Resurrection: Myth or Reality? A Bishop's Search For The Origins of Christianity, Harper Collins Pub., New York, 1994; 3. Born of a Woman: A Bishop Rethinks the Birth of Jesus, Harper, San Francisco, 1992; 4. Why Christianity Must Change or Die: A Bishop Speaks To Believers in Exile, Harper, San Francisco, 1998, của Giám Mục John Shelby Spong, hay Putting Away Childish Things, Harper-Collins Pub., San Francisco, 1995, của Nữ Giáo sư Thần học Ca-tô: Uta Ranke-Heineman.

"Rồi các ngươi sẽ biết sự thật, và Sự Thật Sẽ Cởi Trói Cho Các Người", đó là lời Chúa Giê-su của họ dạy. Và giáo hoàng John Paul II cũng lấy câu trên trong Tân Ước để dạy các tín đồ "Đừng Sợ! Sự Thật Sẽ Giải Thoát Chúng Ta!" một tác giả cũng đã trích dẫn lời này trong cuốn "2000 Năm Một Thuở...", nhưng lại diễn giải theo luận điệu chống Cộng, cho rằng giáo hoàng khuyến khích dân Việt bắt chước Ba-Lan, nổi giậy thay độc tài đỏ bằng độc tài đen mà không biết rằng chính dân Ba Lan đã sợ đen hơn đỏ qua cuộc bầu phiếu loại bỏ Walesa, con cờ của Vatican. Vậy quý vị Tin Nhà Paris đừng sợ Sự Thật, Sự Thật nằm trong những tác phẩm nghiên cứu nghiêm chỉnh nhất của nhiều học giả về Ki Tô giáo nói chung, Ca Tô Rô-ma Giáo nói riêng. Đừng sợ, không có ai đọc sách mà bị đầy hỏa ngục đâu, trái lại đọc sách có thể giúp quý vị giải thoát. Tôi tin rằng, nếu đọc với một đầu óc cởi mở, ít ra 4 cuốn sách trên hi vọng sẽ có thể giúp các tín hữu Ca-tô hiểu được chính bản thân họ cũng như thực chất tôn giáo của họ, và do đó, có thể tìm được một lối thoát cho đời sống tinh thần của chính mình, phá bỏ được mớ gông cùm xiềng xích trí tuệ đã giam hãm, buộc chặt họ từ khi họ mới sinh ra đời. Đây mới chính là sự giải thoát thực sự. Điều này không có nghĩa là tôi khuyên họ bỏ đạo mà chỉ khuyên họ hiểu đạo nhiều hơn, nhìn đạo như nó là thực sự như vậy. Tôi biết đối với họ điều này rất khó nhưng chúng ta đã chẳng học từ lớp Đồng Ấu: "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông" hay sao?

Trước khi đi vào phần phê bình cuốn "2000 Năm Một Thuở...", để giúp các độc giả ngoại đạo hiểu thêm về con người Catô, và cũng để làm căn bản phê bình, tôi xin trích dẫn vài đoạn trong 2 cuốn sách, một của mục sư Tin Lành, Ernie Bringas, một của linh mục Catô Rôma, James Kavanaugh. Một điểm chúng ta cần ghi nhận là hai tác giả này không phải là những người đi theo đạo khác rồi quay về "chống đạo" mình. Họ là những bậc trí thức có lương tâm với một vốn kiến thức rộng rãi và cập nhật hóa, do đó họ đã phải đau lòng trình bày sự thực về tôn giáo của họ, một điều hiếm có trong giới lãnh đạo Ki Tô Giáo. Họ vẫn ở trong tôn giáo của họ, nhưng sự lương thiện trí thức của họ không cho phép họ tiếp tục nuôi dưỡng những sự mê tín đã lỗi thời trong tôn giáo của họ. Mục đích của họ là mở mang trí tuệ của những tín đồ chứ không tiếp tục theo sách lược "ngu dân dễ trị" của giáo hội từ trước tới nay, giam chặt trí tuệ của tín đồ trong bóng tối của những tín lý đã không còn giá trị trước sự tiến bộ trí thức của nhân loại, để ngự trị trên đám tín đồ thấp kém ở dưới. Họ muốn tín đồ của họ phải là những người có những ý nghĩ, suy tư qua sự hiểu biết chân chính, không chỉ nhắm mắt tin bừa và mù quáng tuân theo “đức vâng lời” mà không suy nghĩ.

Trong cuốn "Theo Đúng Như Trong Sách: Những Thảm Họa Trong Quá Khứ Và Hiện Tại Của Quyền Lực Thánh Kinh" (Going By the Book: Past and Present Tragedies of Biblical Authority), Mục sư Ernie Bringas, tốt nghiệp môn thần học tại đại học United Theological Seminary ở Dayton, Ohio, nhận định rằng những tín hữu Ki Tô (Christians) thường có đầu óc cũ kỹ vô dụng (astrolabe mind), có thể coi như là một “đầu óc khuyết tật”. Astrolabe nguyên là một dụng cụ định hướng cho tàu bè đi biển từ mấy thế kỷ trước, nay đã lỗi thời không còn ai dùng nữa. Mục sư Bringas giảng về đầu óc khuyết tật rất rõ, tôi xin trích dẫn vài đoạn trong những trang 70, 71 và 78:

Đầu óc cũ kỹ vô dụng đã được định nghĩa như là một đầu óc nhìn thế giới từ một trình độ hiểu biết đã lỗi thời. Nay chúng ta hãy định nghĩa nó rõ ràng hơn. Mô tả đúng hơn, đầu óc cũ kỹ vô dụng là một đầu óc hiểu được mọi khía cạnh của tư duy con người ngày nay trừ một lãnh vực: một điểm mù rõ rệt trong sự phán đoán trí thức. Nói cách khác, mức độ lỗi thời của trí tuệ bị giới hạn trong một lãnh vực chuyên biệt về nhận thức, chứ không phải là trong tất cả mọi nhận thức... Tuyệt đại đa số những người Ki Tô giáo là nạn nhân của một khoảng cách hiểu biết, khoảng cách này đặt họ vào một trình độ hiểu biết tôn giáo thích hợp với trình độ của thế kỷ 17 hơn; do đó, đầu óc của họ có một khuyết tật.

Trong dân gian, không có một lãnh vực tư duy nào phải chịu đựng một tình trạng đình trệ kéo dài như vậy. Trong khi các dấu hiệu và sự nguy hiểm của một kiến thức lỗi thời có thể nhận ra ngay trong các lãnh vực khác như y khoa hay vật lý, người có đầu óc khuyết tật không thể nhận ra ngay là mình như vậy, vì một sự thiếu hiểu biết phổ quát về sự tù đọng tôn giáo này đã đẩy mạnh đến một ảo tưởng là mọi sự đều hoàn toàn bình thường. Thật là đáng buồn, con người khắp mọi nơi bị giam hãm trong một mớ những niềm tin không cần suy nghĩ, không thay đổi, không biết đến những thông tin ngày nay, những thông tin có tác dụng giải thoát họ ra khỏi những khái niệm tôn giáo sơ khai. Những quan niệm lỗi thời mà tôi nói đến là những giáo lý cố thủ và những giả định thần học truyền thống của một thời xưa, được quan niệm để đáp ứng với những ảnh hưởng xã hội và văn hóa đã không còn tồn tại.

Chúng ta hãy trở lại điểm chính của chương này - hiện tượng đầu óc khuyết tật. Với những công cuộc nghiên cứu phân tích tiếp tục, điều hiển nhiên đối với nhiều học giả là cuốn Thánh Kinh không phải là không có những sai sót và chắc chắn là không hoàn hảo. Một vài phần trong Thánh Kinh kém hơn các phần khác về văn phong, về sự chính xác của lịch sử, và về nhận thức tâm linh sáng suốt, và một vài phần có tính cách lạc dẫn và phản tác dụng đối với thông điệp về tình thương trong đó. Điều gây tranh cãi và xúc động hơn nữa là trong Thánh Kinh có những huyền thoại. Những niềm tin được chấp nhận mà không cần dùng đến đầu óc trước đây - thiên thần, sinh ra từ một trinh nữ, tư cách thần thánh và sự sống lại của Giê-su - nay đã được đặt thành những nghi vấn.

Không lạ gì, tín đồ Ki Tô từ chối không cho phép một nghi vấn nào đặt trên cái mà họ cho là chân lý thiên khải. Nếu Thánh Kinh là lời của Thượng đế và giáo hội được thành lập bởi con của Thượng đế, Giê-su, thì không thể nào có sự sai lầm trong sự diễn giải Thánh Kinh của giáo hội. Chất vấn hay thách đố những nền tảng của đức tin là phá ngầm giá trị và quyền năng của Thánh Kinh, của giáo hội, và của Giê-su. Do đó, không giống như những bộ môn đã trưởng thành, dẹp bỏ những suy tư sai lầm trên con đường tìm kiếm chân lý, Ki Tô Giáo hầu như khắp nơi đều bác bỏ những khám phá khoa học không phù hợp với những quan điểm truyền thống về Thánh Kinh. Sự xâm phạm của những điều hiểu biết mới vào trong vòng độc quyền của Thánh kinh và giáo hội được coi như là phạm thượng và do đó không thể chấp nhận được.

Đó là sự bắt đầu của đầu óc khuyết tật - một đầu óc có tính cách cố thủ để chống lại chân lý dựa trên giả định là Thánh kinh chứa những sự hiểu biết tột cùng; một đầu óc khẳng định rằng mọi chuyện trong Thánh kinh đều là những sự thực lịch sử; một đầu óc khẳng định rằng cái mà họ coi là thiêng liêng thì không thể nào thay đổi được; một đầu óc coi quyền năng như là sự thật thay vì sự thật mới là quyền năng của đầu óc.

Từ chối không coi những thông tin mới như là đồng minh chống lại những giả định tôn giáo sai lầm là giữ hầu hết Ki Tô Giáo trong khung cảnh trí tuệ của thế kỷ 17. Lúc đầu, đầu óc khuyết tật chỉ hơi lỗi thời đối với những khám phá mới trong việc tìm hiểu Thánh kinh trong thế kỷ 17. Nhưng rồi thời gian qua, các tín đồ Ki Tô càng ngày càng tụt hậu trước những khám phá mới. Do đó, đầu óc khuyết tật càng ngày càng trở nên cũ kỹ và bị cô lập trong sự tiến hóa của kiến thức...

Với sự tái khám phá phương pháp khoa học trong thế kỷ 16 ở Âu Châu và sự tiến triển tiếp theo của thời đại Khai sáng trong thế kỷ 18, một sự phân tích Thánh Kinh một cách thuần lý hơn là điều không thể tránh được. Trong một thế giới đang trở thành hướng theo tinh thần khoa học, những mô tả về Chúa đi trên sóng, về ma quỷ, thiên thần, những câu chuyện về sự sống lại của Chúa, và nhiều hiện tượng khác, càng ngày càng khó có thể chấp nhận như là những sự thực lịch sử.

Trong những năm 1835-1836, cuốn "Khảo Sát Cặn Kẽ Về Đời Sống của Giê-su" (The Life of Jesus Critically Examined) của D. F. Strauss đã quy một số chuyện trong Tân Ước là "huyền thoại" và định nghĩa những câu chuyện phi lịch sử như trên là sự biểu thị của một chuỗi những ý tưởng tôn giáo. Ngày nay, kết quả những cuộc nghiên cứu phân tích tiếp tục hỗ trợ và xác nhận sự khẳng định này. Đa số các học giả coi những chuyện trong Tân Ước và bảy giáo lý giáo hội đưa ra sau đây đều là huyền thoại:

1. Đức Mẹ đồng trinh

2. Hiện thân của Chúa (Thượng đế hiện thân thành người, nghĩa là, Thượng đế là Giê-su.)

3. Nhiệm vụ cứu rỗi của Chúa

4. Sự sống lại của Chúa.

5. Sự thăng thiên của Chúa (Thân xác Chúa bay lên trời 40 ngày sau khi sống lại)

6.Chúa trở lại trần (để làm sống lại những người chết cho ngày phán xét cuối cùng)

7.Ngày phán xét cuối cùng (Chúa Cha phán xét luận tội mọi người trong ngày Giê su trở lại trần thế) [1]

Thật là kỳ lạ, đọc những bài viết trong cuốn "2000 Năm Một Thuở.." , chúng ta thấy rõ ràng là tuyệt đại đa số các tác giả trong đó đều có một điểm mù tôn giáo trong đầu óc của họ, đúng như sự phân tích chính xác như trên của Mục sư Ernie Bringas về loại đầu óc khuyết tật. Điều này sẽ được chứng minh trong phần phê bình, nhưng trước hết, chúng ta hãy đọc thêm những nhận xét của Linh mục James Kavanaugh về thế nào là một người Ca-tô.

Trong cuốn "Một Linh Mục Hiện Đại Nhìn Vào Cái Giáo Hội Đã Lỗi Thời Của Mình" (A Modern Priest Looks At His Outdated Church), Linh Mục James Kavanaugh đã viết nguyên một chương, chương 3, về đề tài thế nào là "Người tín hữu Catô" (The Man Who is a Catholic). Có lẽ không ai biết rõ giáo hội cũng như con chiên của mình bằng một người đã hành nghề Linh Mục lâu năm như Linh Mục James Kavanaugh. Sau đây là vài đoạn trong đó.

"Tôi đã đi tới Lourdes ở miền Nam nước Pháp. Tôi đứng trong cái công trường rộng lớn đằng trước thánh đường và quan sát những tín đồ Catô ở khắp nơi trên thế giới chờ đợi một ân huệ đặc biệt của cái đền thờ thiêng liêng này. Tôi bị các bà người Ý đầu đội khăn xô đẩy, những người Đông Âu to tiếng thì thầm những lời cầu nguyện làm cho tôi sao lãng. Tôi thấy những người bệnh hoạn nằm trên cáng, những nhà kinh doanh Mỹ với những chiếc sơ mi trắng. Tôi thấy những linh mục trong những bộ áo thầy tu của thế giới, những người Phi Châu hồ hởi trong các bộ quần áo sặc sỡ. Nhưng phần lớn là tôi thấy những bộ mặt nhăn nheo, nói lên một cách thành thực sự đau đớn của họ. Họ đã tới để xin một ân huệ, giống như những đám người Hồi Giáo tại nơi hành hương Mecca, và để hưởng một sự tiếp xúc đặc biệt với Thiên Chúa của họ. Họ uống nước ở đó, nổi tiếng về những tác dụng lạ lùng. Họ mua nước đựng trong những chai plastic để mang về nhà (và để biếu. TCN). Họ mua từng rổ tràng hạt và mề đay và nhờ những bàn tay mập mạp nhễ nhại mồ hôi của các linh mục ban phúc lành cho những thứ này. Họ đông như châu chấu, cúi xuống ngấu nghiến từng cọng ân sủng đặc biệt. Họ hôn chân các ngôi tượng và rên rỉ trong những đền thờ mốc mếch. Họ thú tội bằng đủ mọi thứ tiếng và nhai nhóp nhép phó mát của miền núi. Rồi, giống như một đàn cừu vĩ đại đã no nê hài lòng, họ về nhà đi ngủ. Và tôi cũng về nhà đi ngủ, cũng khó chịu và rối răm bởi sự mê tín như là tôi đã chứng kiến vào một ngày mùa thu đó khi đội banh Spartans thắng đội banh Rome. (Đội banh Rome, theo lời kể của Linh Mục Kavanaugh, trước khi ra quân, quỳ trước nhà thờ yêu cầu được Linh Mục Kavanaugh ban phép lành và cho ăn bánh Thánh, hiệp thông với Thượng đế để Thượng đế phù hộ cho thắng trận đấu, nhưng rút cuộc bị thảm bại. TCN). Tôi không những chỉ khó chịu và rối răm mà tôi còn cảm thấy thật là xấu hổ. Đó là giáo hội của tôi, và họ là những tín đồ mà tôi góp phần đào tạo, những con số thống kê mà chúng tôi cộng vào khi chúng tôi đếm số người theo đạo. Đầu óc tôi đầy những tư tưởng làm tôi ngủ không được...Tôi nghĩ đến những con người Catô sợ sệt, lo lắng cầu nguyện trong mọi giáo xứ mà tôi đã phục vụ. Tôi nghĩ đến con người mà là tín đồ Catô giáo và một lần nữa tôi lại nghĩ đến họ." [2]

Linh mục Kavanaugh nghĩ về con người Catô như thế nào? Chúng ta hãy đọc tiếp:

Người Catô giáo nhìn thế giới qua một hệ thống ngăn cấm họ là chính họ. Hắn có thể đi ngoài đường phố và coi mọi khuôn mặt, mọi trường hợp như là rơi vào đúng loại của nó. Hắn chưa từng bao giờ thực sự biết đến sự thích thú của tìm tòi, sự kỳ lạ của khám phá, sự lý thú của sự tự do trong những quyết định cá nhân. Thế giới là một kẻ lạ đối với hắn vì hắn xét đoán những công dân của thế giới trước khi biết họ hay hiểu họ. Hắn được dạy phải đọc những gì, suy tư làm sao, và coi ai là bạn.

Tôi quan sát người Catô giáo đến xem lễ và thương hại cho cách đào tạo đã vặn vẹo đầu óc của hắn và làm méo mó ý thức về tôn giáo của hắn. Hắn tới vì hắn được các bậc lãnh đạo tôn giáo bảo tới, những người cũng ngoan ngoãn và vô danh như hắn. Hắn đọc những lời kinh cầu nguyện gói ghém trong những câu giả tạo và làm những cử chỉ (quỳ gối làm dấu thánh giá. TCN) hoàn toàn xa lạ với lối sống hiện đại của hắn. Hắn sống trong thời đại của máy bay phản lực và bom nguyên tử, và cầu nguyện trong thế giới ma thuật của thời Trung Cổ. Hắn cảm thấy buồn chán trong sự hiện diện của Thiên Chúa của hắn (trong nhà thờ. TCN). Tuy nhiên hắn vẫn tới, vì hắn đã được dạy từ khi còn nhỏ là "Hỏa ngục là nơi đầy những kẻ không đi xem lễ". Hắn quá sợ hãi để thú nhận rằng hắn thật là buồn chán.

Trong hoạt động thường ngày, mắt của hắn hòa điệu với sự hữu hiệu và tiến bộ. Hắn tìm những cách có hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn, đường lối mới để đến với đại chúng, dịch vụ mới để hấp dẫn đồng bào. Hắn có những quan điểm về hòa bình của thế giới, về cải tiến ngân sách, những suy tư về ngăn ngừa phạm pháp, về sự lành mạnh tâm thần, và về vấn đề giao thông trong những vùng có thị trấn lớn. Nhưng về tôn giáo hắn là một người máy chỉ biết đọc lại những câu trả lời mà người ta đã dạy hắn. Hắn chấp nhận mọi quyết định của giới linh mục mà không phản đối, có vẻ phân vân khi nghe đến một sự xào xáo, hâm lại những chân lý mà hắn đã học trong những trường đạo, và ủng hộ cái giáo hội đã tước đoạt đi đầu óc của hắn.

Người Catô, nam hay nữ, đã mất đi sự tiếp cận với đời sống. Hắn sợ phải đọc những sách mà người khác đọc, sợ coi những phim truyện phản ánh đời sống hiện đại...

Giáo hội, giống như là những bậc cha mẹ sợ hãi và giận dữ, vơ vào phần mình mọi công trạng trong việc giúp đỡ mà giáo hội có thể cống hiến cho con người. Kết quả là những người Catô bị đối xử như những đứa trẻ và chúng tiếp tục cư xử như những đứa trẻ...

Người Catô chống thuyết tiến hóa và hắn đã sai lầm. Hắn tiếp tục ủng hộ chế độ quân chủ lâu sau khi chế độ dân chủ đã khiến cho con người được tự do. Hắn đẩy mạnh thành kiến chủng tộc cho đến khi những người "ngoại giáo" chứng tỏ là hắn đã lầm. Hắn chống lấy người ngoại giáo và tiếp tục chống cho đến ngày nay tuy rằng hắn đang được hưởng những sự tự do mà chế độ đa tôn giáo đã thắng. Hắn đòi hỏi phải được tự do ý thức nhưng hắn lại muốn những người Tin Lành phải nuôi con cái trong đức tin của hắn..

Hắn không có quyền hành động theo lương tâm của chính mình, hay có quyền chọn lựa những nguyên lý sống có thể giúp hắn. Hắn là một tín đồ Catô, một đứa trẻ đòi người khác chọn lựa thay cho hắn..

Do đó, người Catô không thể biết ý nghĩa thực của sự đối thoại, chỉ biết đưa ra những luận cứ để chống đỡ cái lập trường mà hắn đã thừa hưởng từ khi còn nhỏ...

Người Catô là một dịch vụ trả lời có tổ chức mà nhiệm vụ đầu tiên của hắn là bảo vệ giáo hội của hắn... [3]

Linh mục James Kavanaugh còn viết rất nhiều về thế nào là một người Catô nhưng tôi cho vài trích dẫn điển hình trên cũng có thể gọi là tạm đủ. Chúng ta cần phải hiểu Linh mục Kavanaugh không có ý định vơ đũa cả nắm, ông ta chỉ mô tả những đặc tính của tuyệt đại đa số tín đồ công giáo thấp kém chứ không phải mọi tín đồ Catô. Nhưng thế nào là thấp kém? Sự thấp kém thể hiện qua những điều họ còn tin và qua sự hiểu biết về chính tôn giáo của họ. Cho nên thấp kém ở đây không hẳn chỉ có nghĩa là ít học hay vô học, mà còn có nghĩa không dứt bỏ được những tín lý đã không còn giá trị, không biết đến những diễn biến ngay chính trong nội bộ giáo hội, và không theo kịp sự tiến bộ trí thức của nhân loại về vấn đề tôn giáo.

Qua hai tài liệu trên, chúng ta đã biết rõ đầu óc của những tín đồ Ki Tô giáo nói chung, Ca-tô giáo Rô-ma nói riêng, là như thế nào. Bây giờ chúng ta có thể đi vào phần phân tích một số điểm trong cuốn "2000 Năm Một Thuở.." để xem xem đầu óc của những tác giả trong cuốn sách trên có thuộc loại "đầu óc khuyết tật" như Mục sự Ernie Bringas đã mô tả, hay có đúng như nhận xét của Linh mục James Kavanaugh về đám tín đồ đông đảo của ông.

IV. PHÊ BÌNH CUỐN "2000 NĂM MỘT THUỞ..".

A. Nhận định sơ khởi.

Những bài viết trong cuốn "2000 Năm Một Thuở.." là để trả lời 5 câu hỏi nhóm Tin Nhà Paris đề ra trong Thư Mời Viết Cho Tin Nhà Paris:

1. Theo bạn, đâu là nhược điểm lớn nhất và ưu điểm lớn nhất của Giáo hội công giáo hoàn vũ hiện nay.

2. Muốn dứt khoát hướng về tương lai, người công giáo Việt Nam nên có thái độ nào đối với quá khứ của cộng đoàn công giáo Việt Nam?

3. Dân chủ hóa đất nước là một đòi hỏi khẩn thiết hiện nay, người công giáo Việt Nam, với tư cách là người công giáo, có trách nhiệm nào đặc biệt không, ngoài trách nhiệm công dân.

4. Mai này khi hết độc tài toàn trị, theo bạn đâu là những điều kiện tối thiểu cho phép sự hợp tác giữa những thành phần dân tộc có chính kiến và tôn giáo khác nhau, như: Phật giáo, Công giáo, Cộng sản, Hòa Hảo, Cao Đài, Hữu thần, Vô thần ...?

5. Bước vào thế kỷ 21, theo bạn đâu là vài ba công việc ưu tiên người công giáo Việt Nam ngoài nước cần làm để phục vụ Quê Hương và giáo hội?

Nhận xét đầu tiên của tôi là, bất cứ người Việt nào không phải là tín đồ Catô cũng có đủ tư cách để đặt vấn đề dân chủ hóa đất nước, nhưng Tin Nhà Paris và những tín đồ Catô Việt Nam thì không đủ tư cách để đưa ra câu hỏi số 3 ở trên về vấn đề dân chủ hóa đất nước. Tại sao? Bởi vì họ đang "quên mình trong vâng phục", cúi đầu theo “đức vâng lời”, sống trong một định chế toàn trị, phi dân chủ của chế độ giáo hoàng. Độc tài toàn trị tôn giáo hay độc tài toàn trị xã hội thì cũng cùng có một bản chất như nhau, cần phải dẹp bỏ. Ông Đỗ Mạnh Tri thú nhận: "Giáo triều Rô-ma còn hành xử như một triều đình với các giáo hội địa phương, đặc biệt là các giáo hội Á, Phi. Nói cách đơn giản: thiếu tinh thần dân chủ." Ông Trần Phong Vũ cũng nói đến vấn nạn "giáo sĩ trị". Ông Đoàn Thanh Liêm phê bình: "Trong sinh hoạt của giáo hội vẫn còn tồn tại tính cách tập quyền chuyên chế.." Tác giả Lê Thị Bạch Nhựt phê phán: "..thực tế cách xử sự của giáo sĩ cũng chẳng khác gì lối hành xử và thái độ của các cán bộ đảng viên cộng sản hiện nay". Vậy thì họ có tư cách gì mà đặt vấn đề dân chủ hóa ở Việt Nam trong khi họ vẫn ngoan ngoãn cúi đầu tuân phục trong một định chế thiếu tinh thần dân chủ, giáo sĩ trị, tập quyền chuyên chế, và nhất là hành xử và có thái độ của các cán bộ đảng viên cộng sản hiện nay?

Cho nên, nếu họ muốn tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam thì trước hết họ hãy tranh đấu cho dân chủ ở ngay trong giáo hội của họ, đòi hỏi cho được quyền chọn giám mục trong những giáo xứ của họ, được quyền có những ý kiến chống đối trước những sắc lệnh đi ngược thời gian của Vatican, được quyền hiểu đạo và bày tỏ ý kiến về đạo như Hans Kung, Charles Curran, Leonardo Boff v..v.. mà không bị Vatican khủng bố, dù là khủng bố tinh thần bằng cái “vạ tuyệt thông” hoang đường, và nhất là được quyền độc lập tự quyết, không lệ thuộc Vatican trong bất cứ lãnh vực nào. Người Việt Nam có đủ khả năng đọc và hiểu Thánh Kinh, hiểu đạo, không cần đến sự diễn giải của những người ngồi ở Vatican, tự ban cho mình những thần quyền vô lối hữu danh vô thực như lịch sử Ca-tô giáo đã chứng minh.

Chỉ khi đó, và chỉ khi đó, họ mới đủ tư cách để nói đến vấn đề dân chủ hóa Việt Nam. Còn không, đối với tôi, việc họ đặt vấn đề dân chủ hóa đất nước có vẻ khá khôi hài, và tôi cho đó chẳng qua chỉ là một chiêu bài chính trị của những tín đồ Ca-tô đầy tinh thần nô lệ, dập theo sách lược đạo đức giả của Vatican để khuynh loát những quốc gia kém phát triển, nơi đây Ca-tô Giáo đang ở thế yếu. Một khi mà Ca-tô Giáo lên được thế mạnh rồi thì không làm gì có vấn đề dân chủ, vì con người chỉ còn có quyền "quên mình trong vâng phục", “cúi đầu trong “đức vâng lời””, giáo lý chủ yếu của Ca-tô Rô-maGiáo.

Nhận xét thứ hai của tôi là, trong 15 bài viết trả lời 5 câu hỏi trên thì có vài bài tương đối có giá trị. Đó là bài của ông Phạm Hữu Trác ở Canada, phản ánh một trình độ trí thức cao, đứng đắn. Bài thứ hai tương đối có giá trị là bài của ông Trịnh Viết Đức ở Canada. Ông Đức trả lời thẳng vào 5 câu hỏi trên một cách xúc tích, ngắn gọn trong vòng 2 trang giấy, trang 75-76. Còn những tác giả khác đều viết một cách vòng vo, lạc đề, mâu thuẫn, với mục đích chính là đánh bóng giáo hội công giáo, ca tụng giáo hội về đủ mọi mặt, thường là nhắc lại những luận điệu tuyên truyền sai sự thực của giáo hội, quảng cáo cho cái ơn cứu rỗi của Giê-su mà họ tin là có thật, và...để chống Cộng, dựa trên mớ kiến thức chứa chất trong những đầu óc thuộc loại khuyết tật của mình. Do đó tôi sẽ không quan tâm đến những phần các tác giả trả lời trực tiếp 5 câu hỏi trên vì đó là những ý kiến cá nhân và họ có đủ quyền để bầy tỏ ý kiến của họ. Tôi chỉ phê bình những phần lạc lõng ngoài đề để đánh bóng sai lầm tôn giáo và giáo hội của họ.

Trước hết, chúng ta hãy xét đến một câu trong "Thư Mời Viết Cho Tin Nhà", và một câu trong "Lời Thưa Với Bạn Đọc "Hai Ngàn Năm Một Thuở"" ở đầu cuốn sách.

Trong "Thư Mời Viết Cho Tin Nhà Paris", chúng ta đọc được câu như sau, trang VIII:

"Hơn khi nào hết, cần đặt lại câu hỏi mà người đương thời của Chúa Cứu Thế đặt ra gay gắt cách đây 2000 năm: Giêsu, Ngài là ai?"

Trong 'Lời Thưa Với Bạn Đọc "Hai Ngàn Năm Một Thuở" ', chúng ta đọc được câu:

"Vượt qua những điểm đồng và dị giữa các tác giả với nhau, giữa các tác giả và bạn đọc, chúng tôi hy vọng rằng vẫn còn lại tấm lòng thành của những con người gặp nhau từ và chung quanh một Con Người đã tới cách đây 2000 năm. Tới để đến với mỗi người, mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chính kiến. Người đến để loan báo một Tin Vui. Tin Vui Ánh Sáng, Tin Vui sự Sống, Tin Vui Tự Do, Tin Vui Tình Thương."

Đặt câu hỏi “Giêsu, Ngài là ai?" với mục đích nghiên cứu tìm hiểu hay là quảng cáo cho Giê-su với những thuộc tính không hề có như trên?

Thứ nhất, cách đây 2000 năm thì Giêsu còn đang mặc tã lót, còn đang tè dầm và ị đùn, nên chẳng có ai hỏi: Giêsu, Ngài là ai? Người ta chỉ biết tới Giêsu, nếu chúng ta tin được Tân Ước, khi ông ta đã 30 tuổi, nghĩa là cách đây 1980 năm, giả thử là ông ta sinh ra trong năm 1 dương lịch, lúc ông ta bắt đầu đi lang thang rao giảng về một Nước Chúa ở trên Thiên đường, lẽ dĩ nhiên, cho người Do Thái. Chúng ta cũng nên nhớ là không ai biết rõ Giê-su đã sinh ra năm nào. Những mâu thuẫn trong Tân Ước không cho phép bất cứ ai khẳng định được năm sinh, khoan nói đến ngày sinh, của Giê-su. Vậy năm 1, năm mà lịch Tây phương cho là năm Giê-su sinh ra đời, chỉ là một qui ước theo lịch của Ki Tô Giáo, khi Catô Rôma giáo ở địa vị độc tôn, nắm quyền sinh sát. Vì không có năm 0, "2000 năm một thuở" của Tin Nhà Paris thực sự chỉ chấm dứt vào 12 giờ đêm, ngày 31 tháng 12, năm 2000. Trước sự phát động của giáo hội dạy con chiên phải hồ hởi trước một thiên niên kỷ mới, ba con số 9 trong 1999 đã cuộn thành những con số 0 tái sinh (Chet Raymo in Skeptics and True Believers, p. 79: the triple nines roll over at once to become born-again zeros). Nhưng đây không phải là chỗ bàn về số học, vì tôi không dám qua mặt các đĩnh cao trí tuệ trong cuốn "2000 năm một thuở".

Thứ nhì, trả lời 5 câu hỏi trên có cần phải đặt lại câu hỏi "Giêsu, Ngài là ai?" không? Đặt lại để làm gì? Câu hỏi này có liên hệ gì đến 5 câu hỏi Tin Nhà Paris đề ra làm nội dung cuốn sách? Vậy mục đích của thư mời là gì, để đưa ra 5 câu hỏi, hay để tìm hiểu Giê-su là ai, hay còn mục đích gì khác?

Thứ ba, có vẻ như cả nhóm Tin Nhà Paris, không ai biết đến những công cuộc nghiên cứu trong 2 thế kỷ nay của rất nhiều học giả, ở trong cũng như ở ngoài giáo hội, về nhân vật lịch sử Giê-su để tìm giải đáp cho câu hỏi: Giêsu là ai? Và đã đưa ra những kết luận dứt khoát. Nhiều cuốn sách đã được xuất bản với tên "Giê-su là ai?" (Who was Jesus? hoặc Who Is Jesus?) và người ta đã tìm ra câu trả lời. Câu trả lời là như thế nào. Trong cuốn "Chúa Giê-su là ai? Giảng dạy những gì?", tôi đã đưa ra 40 tài liệu của các học giả nghiên cứu về vấn đề "Giê-su là ai?" trong vòng 200 năm gần đây. Câu trả lời cho câu hỏi trên của các học giả có thể tóm tắt trong nhận định sau đây của Russell Shorto, người đã tổng duyệt những công cuộc nghiên cứu về Giê-su trong 200 năm, trong cuốn Sự Thực Trong Phúc Âm (Gospel Truth):

Điều quan trọng nhất là, tác động của quan điểm khoa học ngày nay đã khiến cho các học giả, ngay cả những người được giáo hội Ca-Tô bảo thủ cho phép nghiên cứu, cũng phải đồng ý là phần lớn những điều chúng ta biết về Giê-su chỉ là huyền thoại... Các học giả đã biết rõ sự thật từ nhiều thập niên nay – rằng Giê-su chẳng gì khác hơn là một người thường sống với một ảo tưởnghọ đã dạy điều này cho nhiều thế hệ các linh mục và mục sư. Nhưng những vị này vẫn giữ kín không cho đám con chiên biết vì sợ gây ra những phản ứng xúc động dữ dội trong đám tín đồ. Do đó, những người còn sống trong bóng tối là những tín đồ Ki Tô bình thường. [4]

Bây giờ Tin Nhà Paris lại muốn đặt lại câu hỏi này thì có muộn quá hay không, và có lạc đề không? Không thể trách được Tin Nhà Paris, vì họ chẳng qua chỉ là những tín đồ Ki Tô bình thường vẫn còn sống trong bóng tối. Hơn nữa, đặt ra câu hỏi "Giê-su, Ngài là ai?" để làm gì khi mà họ đã có câu trả lời ở trên mà tôi xin nhắc lại ở đây:

"Vượt qua những điểm đồng và dị giữa các tác giả với nhau, giữa các tác giả và bạn đọc, chúng tôi hy vọng rằng vẫn còn lại tấm lòng thành của những con người gặp nhau từ và chung quanh một Con Người đã tới cách đây 2000 năm. Tới để đến với mỗi người, mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chính kiến. Người đến để loan báo một Tin Vui. Tin Vui Ánh Sáng, Tin Vui sự Sống, Tin Vui Tự Do, Tin Vui Tình Thương."

Một khi đã khẳng định Giê-su là một nhân vật với những thuộc tính như trên rồi thì đặt ra câu hỏi "Giê-su, Ngài là ai?" là dư thừa, không cần thiết. Tin Nhà Paris đã tự đặt ra một câu hỏi lạc đề rồi tự trả lời để quảng cáo cho Chúa Giê-su của mình. Điều này chúng ta có thể thấy rõ ràng.

Tôi có cảm tưởng là đoạn trên do ông Đỗ Mạnh Tri viết, vì tôi thấy cùng những ý của ông Đỗ Mạnh Tri trong bài phỏng vấn của báo Thế Kỷ 21 trước đây:

“Theo tôi nghĩ, Đức Ki Tô đến rao giảng một Thiên Chúa không biên giới, không bờ bến. Không phải Do Thái, cũng không phải là Roma, không phải Á Đông, cũng chẳng phải Tây phương… Nếu đọc Phúc Âm cho kỹ thì Đức Giê-su đến để nâng cao con người. Mà con người là…con người, có vậy thôi…Và đã là người thì phải tuyệt đối tôn trọng..

Tôi hoàn toàn đồng ý với hồng y Ratzinger về điểm Đức Ki Tô đã đem tới, đã rao giảng một Tin mừng, một Tin vui. Tin vui tình thương, Tin vui ánh sáng, tin vui tự do.”

Phải chăng đây là mục đích quảng cáo cho Giê-su của ông Đỗ Mạnh Tri, một Giê-su hoàn toàn khác với những kết quả nghiên cứu về Giê-su của những học giả, chuyên gia về Ki Tô giáo, ở trong cũng như ở ngoài giáo hội? Tôi có thể tin chắc là ông Đỗ Mạnh Tri chưa hề đọc Phúc Âm cho kỹ cho nên đã viết những câu nhảm nhí ở trên. Ông Tri đã lấy danh nghĩa Tin Nhà Paris để hình thành cuốn "2000 năm một thuở.." để thực hiện ý đồ của mình, và 5 câu hỏi đề ra chỉ là cái bình phong che đậy một mưu toan quảng cáo đạo Giê-su và truyền đạo. Nhưng sự hiểu biết về đạo của ông quá kém đi cho nên ông không nên hi vọng là mục đích truyền đạo của ông sẽ đạt được một kết quả nào đó.

Thật vậy, có thật là Giê-su đã đến "với mỗi người, mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chính kiến" hay không? Có thật là Giê-su "đến để nâng cao con người" không? Có thật là Giê-su rao giảng một "Tin Vui. Tin Vui Ánh Sáng, Tin Vui sự Sống, Tin Vui Tự Do, Tin Vui Tình Thương" hay không?

Lẽ dĩ nhiên, ông Đỗ Mạnh Tri cũng như nhóm Tin Nhà Paris muốn quảng cáo cho Chúa Giê-su của các ông như thế nào thì cứ việc quảng cáo, muốn tin Giê-su của các ông là người như thế nào thì cứ việc tin, tôi tuyệt đối không có ý định ngăn cản hay chống đối. Nhưng tôi sẽ không để cho các ông tự tung tự tác lừa dối người dân Việt bằng những luận điệu thần học hoang đường đầy tính cách mê hoặc sai với sự thực lịch sử trong thời buổi này. Hay nói khác đi, các ông muốn sống trong bóng tối của một ý thức hệ ngoại lai đã lỗi thời là quyền của các ông, nhưng tôi sẽ chống lại ý định của các ông muốn kéo dân Việt Nam vào trong bóng tối đó. Tôi sẽ chống bằng lý luận, bằng lôgic, và bằng những sự kiện lịch sử không thể phủ bác. Sự phân tích sau đây sẽ dựa trên những kết quả nghiên cứu mới nhất của giới thức giả trên thế giới về Ki Tô giáo chứ không dựa trên cảm tính cá nhân.

Tôi có thể khẳng định là Tin Nhà Paris, và nhất là ông Đỗ Mạnh Tri, chưa bao giờ đọc kỹ Phúc Âm và tôi tin rằng, họ chỉ nhắc lại những điều mà giáo hội hay ông linh mục xứ dạy cho họ từ khi còn nhỏ. Bởi vì, nếu đọc kỹ Phúc Âm thì chúng ta phải biết rằng Giêsu tự nhận là con của Thần Gia-vê của dân Do Thái, xuống trần chỉ để cứu dân Do Thái mà thôi, và coi những người khác Do Thái là chó. Chúng ta phải biết trong Tân Ước, Giê-su đã nguyền rủa những người không chịu tin theo ông là đồ rắn rết và dọa đầy đọa họ xuống hỏa ngục, bị thiêu đốt bởi ngọn lửa vĩnh hằng. Giê-su cũng còn dạy phải gom những người không tin ông ta như những củi khô rồi mang đi đốt, và Giáo hội Công Giáo của nhóm Tin Nhà Paris đã theo đúng lời dạy này để thiêu sống những người mà họ cho là lạc đạo, hay phù thủy, sau khi đã tra tấn họ, trong thời Trung Cổ. Và, trong gần 2000 năm nay, tin mừng, tin vui của Giêsu đã mang tới những kết quả gì cho nhân loại? Thánh chiến, tòa án dị giáo, phá hủy tượng thờ của các tôn giáo khác, đồng lõa với thực dân đi xâm lăng để truyền đạo v..v..? Vậy thì tin vui tự do cho ai? tin vui tình thương cho ai? Cho những người không tin Giê-su? Mở Tân Ước ra mà đọc thì sẽ thấy tất cả các giải đáp, và không có giải đáp nào phù hợp với những lời khẳng định vô trách nhiệm của Tin Nhà Paris ở trên.

Nhận định của ba học giả Ki Tô

Tôi không muốn lôi những giải đáp trên từ Thánh Kinh ra, để cho Tin Nhà Paris tìm lấy mà đọc. Ở đây tôi chỉ nêu lên 3 nhận định của ba học giả Ki Tô: một giám mục, một học giả Gia Tô, và một nhà tư tưởng tự do (free thinker):

a).- Giám mục Tin Lành John Shelby Spong viết trong cuốn Hãy Cứu Cuốn Thánh Kinh Ra Khỏi Phái Bảo Thủ (Rescuing The Bible From Fundamentalism), trang 21:

“Có những đoạn trong 4 Phúc Âm mô tả Giê-su như là một con người thiển cận, đầy hận thù, và ngay cả đạo đức giả.”

(There are passages in the Gospels that portray Jesus of Nazareth as narrowed-minded, vindictive, and even hypocritical).

Hiển nhiên là một con người thiển cận, đầy hận thù, và đạo đức giả thì không thể nào mang được tin mừng, tin vui nào cho nhân loại, mà phần chắc là mang tới những tin xấu phản ánh chính cá tính của mình. Thật vậy:

b).- Học giả Catô David Voas, giáo sư đại học bang New Mexico, viết trong cuốn Thánh Kinh Mang Tới Tin Xấu: Cuốn Tân Ước (The Bad News Bible: The New Testament), trang 1-2:

“Vấn đề là người ta nghĩ rằng người ta biết ở trong Thánh Kinh có những gì, hoặc ít nhất là Thánh Kinh chứa loại tài liệu gì. Hầu hết đều lầm, họ chỉ quen thuộc với vài đoạn trích dẫn đã được giáo hội chấp thuận, và họ sẽ ngạc nhiên khi thấy không những Thiên Chúa trong Cựu Ước khủng khiếp dễ sợ như thế nào, mà con của hắn (Giêsu) trong Tân Ước cũng còn ở dưới mức hoàn hảo khá xa. Thông điệp của Giêsu không hẳn toàn là tin mừng, thiên đường nhiều nhất là một viễn cảnh không chắc chắn. Xét về toàn bộ thì đó rất có thể là cuốn Thánh Kinh (Tân Ước) mang tới tin xấu. [5]

Tại sao lại là Tin Xấu? Chúng ta hãy đọc Robert G. Ingersoll:

c).- Trong cuốn “Ingersoll: The Magnificent” do Joseph Lewis xuất bản, Robert G. Ingersoll, một nhà tư tưởng tự do nổi tiếng nhất của Mỹ, đã viết, trang 119:

“Nhân danh chúa Ki Tô, hàng triệu nam nữ đã bị tù đầy, tra tấn và giết hại, hàng triệu người đã bị làm nô lệ. Nhân danh hắn những tư tưởng gia, khảo cứu gia, bị coi như là những kẻ tội phạm, và những tín đồ theo hắn đã làm đổ máu của những người thông thái, giỏi nhất. Nhân danh hắn, sự tiến bộ của nhiều quốc gia bị chặn đứng cả ngàn năm. Trong Phúc Âm của hắn chúng ta thấy cái tín lý về sự đau khổ vĩnh viễn (đày hỏa ngục. TCN), và những lời của hắn đã thêm vào sự chết sự kinh khủng vô tận. Phúc Âm của hắn chất đầy thế giới với thù hận và trả thù, coi sự lương thiện trí thức như một tội ác, hạnh phúc trên cõi đời là con đường dẫn xuống địa ngục, tố cáo tình yêu thương như là thấp hèn và như súc vật, thánh hóa sự nhẹ dạ cả tin, tôn vinh sự mù quáng và tiêu diệt tự do của con người. Nhân loại sẽ tốt hơn nhiều nếu cuốn Tân Ước chưa từng được viết ra – chúa Ki Tô theo quan niệm thần học chưa từng được sinh ra. [6]

d).- Không phải chỉ có Ingersoll mới đưa ra những nhận định như trên, mà Will Durant, một sử gia nổi tiếng nhất của Mỹ trong thế kỷ 20, trưởng thành trong một gia đình Catô, học trường học Catô, cũng đã viết trong cuốn sử dày 1196 trang về Thời Đại Của Đức Tin (The Age of Faith), một thời đại mà ông gọi là "Thời đại say men Thượng đế" ( It was a God-intoxicated age, p. 738) như sau, trang 734-736:

Gây sợ hãi hơn nữa là cái giáo lý "Nhiều người được kêu gọi nhưng chỉ có ít người được chọn" (Matthew xxii, 14). Những nhà thần học chính thống - Hồi giáo cũng như Ki Tô giáo - khẳng định rằng tuyệt đại đa số nhân loại sẽ xuống hỏa ngục. Hầu hết các nhà thần học Ki Tô giáo đều tin vào lời mà người ta cho là Giê-su nói: "Kẻ nào tin và đã được rửa tội thì sẽ được cứu rỗi, còn kẻ nào không tin thì sẽ bị đầy đọa hỏa ngục (Mark xvi, 16)". Thánh Augustine miễn cưỡng kết luận rằng những trẻ sơ sinh chết trước khi rửa tội sẽ xuống hỏa ngục hết..

Hầu hết những tín đồ Kitô giáo tin rằng tất cả những người Hồi giáo - và hầu hết những tín đồ Hồi giáo tin rằng tất cả những người Kitô giáo - đều xuống hỏa ngục; và đại cương thì đều cho rằng tất cả những người "ngoại đạo" đều xuống hỏa ngục. Công Đồng Lateran thứ Tư (1215) tuyên bố là ngoài giáo hội phổ quát (nghĩa là giáo hội Catô Rôma. TCN) không một ai được cứu rỗi...

Berthold ở Rehensburg, một trong những nhà giảng đạo nổi tiếng nhất ở thế kỷ 13, ước lượng là trong 100 ngàn người, chỉ có một người được cứu rỗi.

Một người thợ dệt ở Toulouse, vào năm 1247, không chịu bị thuyết phục như vậy và phát biểu:

"Nếu tôi tóm được cái tên thượng đế đó mà trong một ngàn người do chính hắn ta tạo ra, chỉ cứu rỗi có một người và đầy đọa hỏa ngục số còn lại, thì tôi sẽ bẻ gãy hết răng, lột hết móng chân móng tay của hắn ra, coi hắn như là một kẻ phản bội và nhổ vào mặt hắn." [7]

Tôi không hiểu ông Đỗ Mạnh Tri hay Tin Nhà Paris đã đọc Phúc Âm kỹ tới mức nào mà lại khẳng định rằng “Đức Giê-su đến để nâng cao con người” “Đức Ki Tô đã đem tới, đã rao giảng một Tin mừng, một Tin vui. Tin vui tình thương, Tin vui ánh sáng, tin vui tự do.”, toàn những lời huênh hoang, trống rỗng, không có một căn bản thuyết phục nào, trái ngược hẳn với những kết quả nghiên cứu Tân Ước của giới thức giả?

Chúng ta thấy ông Tri cũng như các tác giả trong cuốn "2000 Năm một thuở..." chỉ đưa ra một mặt của nền thần học Ki-tô giáo và quên rằng, không phải Giê-su chỉ mang đến một "tin lành" thuộc loại hoang đường vì không ai có thể kiểm chứng được, mà còn mang đến một "tin ác, vô cùng ác", cũng thuộc loại hoang đường: người nào không tin Giê-su sẽ bị Giê-su luận phạt, đày đọa vĩnh viễn xuống hỏa ngục... Người viết "Lời Thưa Với Bạn Đọc "Hai Ngàn Năm Một Thuở"", hiển nhiên không biết rằng, chính giáo hoàng của mình, John Paul II, đã phủ nhận sự hiện hữu của thiên đường và hỏa ngục, do đó đã chính thức bác bỏ huyền thoại "cứu rỗi" cũng như "luận phạt" của một người Do Thái tên là Giê-su, và do đó, những "tin vui" mà giáo hội dạy cho tín đồ là được Giê-su mang đến thực chất chỉ là những "tin vịt". Tôi sẽ chứng minh điều này trong những phần phê bình sau đây.

B. Phê bình bài của ông Đỗ Mạnh Tri:

Trong 15 bài trong cuốn "2000 Năm Một Thuở..", tôi đặc biệt chú ý đến bài của ông Đỗ Mạnh Tri, vì có vẻ như ông là người chủ chốt trong việc hình thành và đưa ra tác phẩm này. Do đó, tôi sẽ phê bình tạm gọi là chi tiết bài của ông Tri.

Trong Thư Mời Viết Cho Tin Nhà Paris, Tin Nhà Paris đề nghị khi trả lời 5 câu hỏi Tin Nhà Paris đề ra, các tác giả giới hạn trong 2 trang cho mỗi câu hỏi (trang IX). Có lẽ ông Đỗ Mạnh Tri là người chủ xướng cho nên ông ta không cần phải theo đề nghị của Tin Nhà Paris. Do đó ông ta đã viết hơn 16 trang để trả lời câu hỏi số 1, từ trang 165 tới trang 181. Nhưng ông ta viết không phải là để trả lời câu hỏi mà để quảng cáo cho cái đạo Giê-su của ông ta qua những lý luận thần học lắt léo, lạc dẫn, lỗi thời, chứa đầy mâu thuẫn, và không mấy lương thiện. Tôi xin lỗi quý độc giả đã phải dùng đến vài danh từ nặng nề vì tôi không thể kiếm được danh từ nào nhẹ hơn thích hợp với nội dung bài viết của ông Đỗ Mạnh Tri. Trong phần phân tích sau đây, tôi sẽ chứng minh cho quý độc giả thấy những nhận định của tôi không phải là vu vơ, vô căn cứ. Chúng nằm đầy trong 16 trang sách của ông Đỗ Mạnh Tri để trả lời câu hỏi số 1 và trong những phần ông trả lời 4 câu hỏi khác, và quý độc giả sẽ thấy rõ trình độ kiến thức của ông Tri, cách trình bày vấn đề bất kể đến sự thực của ông ta, và do đó thấy rõ ý đồ của ông, tư cách của ông, và cũng từ đó sẽ đồng ý với chúng tôi là, phê bình bài viết của một con người như vậy thật chẳng đáng công, nhưng vì lợi ích của nhiều người, có những việc chúng ta không thể không làm.

1). Ông Đỗ Mạnh Tri Truyền Đạo Về "Ngôi Mộ Trống"

Để trả lời câu hỏi đầu tiên, "Theo bạn, đâu là nhược điểm lớn nhất và ưu điểm lớn nhất của Giáo hội công giáo hoàn vũ hiện nay?", ông Đỗ Mạnh Tri mở đầu bằng câu chuyện giáo hoàng John Paul II đi hành hương Jerusalem, ngồi bên ngôi mồ trống.. Rồi ông Tri bắt đầu truyền đạo Giê-su như sau:

"Trống vì Giêsu đã chết. Trống vì Người đã thắng sự chết. Theo chân Giêsu vẫn là chết đi và sống lại. Nếu Giêsu không sống lại thì đức tin Kitô giáo hoàn toàn huyễn hoặc. Nếu sự sống không thắng sự chết, thì đạo Kitô là một sự bịp bợm".

Đây là ý của Paul trong 1 Corinthians 15: 14: “Nếu Giê-su không sống lại thì những lời giảng của chúng ta là hão huyền và đức tin của các ngươi cũng hão huyền” [ If Christ is not risen, then our preaching is vain and your faith is also vain] Đúng vậy, ngày nay chẳng có mấy người có đầu óc còn tin vào chuyện sống lại của Giê-su, kể cả các bậc lãnh đạo trong Ki Tô Giáo như chúng ta sẽ thấy trong vài tài liệu sau đây.

Sống lại như thế nào? Ông Đỗ Mạnh Tri giải thích:

"Trả lời câu hỏi đó là tất cả đức Tin Cậy Mến của người Kitô hữu. Cuộc sống khác ấy mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe và tâm trí con người chưa từng mường tượng: vì "Nước ta không ở thế trần".

Chuyện "ngôi mồ trống" là nhược điểm hay ưu điểm lớn nhất của "giáo hội công giáo hoàn vũ"? Đều không phải, vì đó chỉ là một huyền thoại để đáp ứng sự ước mong của những dân Do Thái mê tín ngày xưa, cách đây đã 20 thế kỷ, như tôi sẽ chứng minh sau đây. Mừng cho ông Đỗ Mạnh Tri, ông đã một bước nhảy vọt về 20 thế kỷ trước, vì ông đã tin vào điều trong Thánh Kinh: "Phúc cho những kẻ nào không thấy mà tin". Những người mù hẳn là có phúc nhiều nhất.

Nhưng tôi có một thắc mắc: Nếu "Cuộc sống khác ấy mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe và tâm trí con người chưa từng mường tượng" thì "đức Tin Cậy Mến của người Kitô hữu" đặt vào đâu? Không có chỗ để đặt, có phải không? Phải chăng câu trên chỉ là những lời hoa mỹ trống rỗng để lòe bịp những đầu óc vốn không bao giờ dùng đến khả năng suy luận? Phải chăng mọi đức tin thuộc loại "mù lòa tin bướng tin càn" đều như vậy cả?

Một thắc mắc thứ hai: nếu ông ham hố một "cuộc sống khác" và cuộc sống đó ở trong một nước "không ở thế trần" thì ông tiếp tục sống ở trên thế trần làm gì? Tại sao từ giáo hoàng của ông cho tới những tín đồ như ông vẫn tìm cách hoãn càng lâu càng tốt cái "cuộc sống khác không ở thế trần" đó, tận dụng những dịch vụ thế trần như bác sĩ, nhà thương, bảo hiểm sức khoẻ v..v.. và những tiện nghi thế trần như nhà, xe, bơ, sữa, sâm banh, và cái "popemobile"? Có phải là những lời truyền đạo như trên chỉ là những lời giả dối trên đầu môi chót lưỡi, đầy tính đạo đức giả hay không? Tại sao ông lại trách cứ mà không cám ơn nhà Nguyễn là đã bách hại tín đồ Ca-tô trong khi nhà Nguyễn chỉ muốn giúp các tín đồ đó mau được hưởng cái "cuộc sống khác không ở thế trần" đó, theo lý luận thần học của chính ông? Những câu truyền đạo trống rỗng thuộc thời Trung Cổ có tính cách mạ lị đầu óc con người như vậy đâu còn chỗ đứng trong thế giới loài người ngày nay, thế giới của khoa học, của suy lý.

Thảm họa của thế gian ngày nay là ở trên đời vẫn còn nhiều người như ông Đỗ Mạnh Tri, ngay trong đời sống này, vẫn ngày ngày ăn cơm gạo, bánh mì quốc gia, không dám nhìn thẳng vào những sự thực của cuộc đời là sinh, lão, bệnh, tử, cho nên cứ hi vọng vào một cái bánh vẽ ở trên trời (Từ của Mục sư Ernie Bringas: A Pie-in-the-sky) của dân tộc du mục Do Thái cổ xưa: một cuộc sống khác sau khi chết, một cuộc sống vô nghĩa và chẳng có ích lợi gì cho ai. Cho nên, càng đọc những nhận định của Mục sư Ernie Bringas và của Linh mục James Kavanaugh trong Chương 2 về thế nào là một tín hữu Ki-Tô, một tín hữu Ca-tô, tôi càng thấy thấm thía, vì chúng thật là chính xác nhưng không khỏi không gây ra niềm thương xót trong đầu.

Ông Đỗ Mạnh Tri viết rất đúng, vì chỉ có đức Tin Cậy Mến của người Kitô hữu, những người có đầu óc khuyết tật như Mục sư Ernie Bringas đã mô tả ở trên, hay những mẫu người Ca-tô mà Linh mục James Kavanaugh đã đưa ra, mới có thể tin được chuyện "ngôi mộ trống" trong Thánh Kinh. Tuy nhiên, có một điều chắc là, không phải Kitô hữu nào cũng có đức Tin Cậy Mến như ông Tri. Chúng ta thấy không thiếu gì Kitô hữu, kể cả người Ca-tô trí thức Việt Nam, đã từ bỏ đức Tin Cậy Mến không có chỗ đặt của thời Trung Cổ. Tại sao lại từ bỏ? Vì họ đã đọc kỹ Thánh Kinh và đã theo kịp sự tiến bộ trí thức của nhân loại. Có vẻ như ông Tri chưa từng đọc Thánh Kinh, hay có đọc thì cũng chỉ đọc theo lời dạy của giáo hội phải đọc như thế nào. Vậy đọc kỹ Thánh Kinh chúng ta biết được những gì về "ngôi mồ trống" chứng tỏ sự sống lại của Giê-su?

Trước hết, chúng ta cần biết rõ một sự kiện: Thư đầu của Paul (Phao Lồ) cho dân Corinth (Cổ Linh) được viết sớm nhất, vào khoảng 20 năm sau khi Giê-su chết. 4 Phúc Âm của Mark, Matthew, Luke, và John được viết sau Paul trong khoảng từ 20 đến 50 năm. Đây là một sự kiện không ai có thể phủ nhận.

Trong 1 Corinthians, 15: 3-7, Paul viết:

"Đấng Kitô chết cho tội lỗi của chúng ta, theo như Thánh Kinh (Thánh Kinh đây là Cựu Ước vì khi đó Tân Ước chưa được viết ra. TCN); ông ta được chôn đi; rồi ông ta sống lại vào ngày thứ ba, theo như Thánh Kinh; rồi ông ta hiện ra trước Cephas (nghĩa là Peter (Phêrô)), và sau đó hiện ra trước 12 tông đồ. Rồi ông ta hiện ra trước trên 500 người anh em chúng ta một lượt, hầu hết hãy còn đang sống, tuy một số đã chết. Rồi ông ta hiện ra trước James, và sau đó trước tất cả các tông đồ." [8]

Điều rõ ràng ở đây là Paul đã mượn câu chuyện hoang đường trong Cựu Ước: Jonah nằm trong bụng cá ba ngày ba đêm rồi sống lại, để rao giảng thuyết Giê-su sống lại mà Paul nhắc lại những lời đồn đại đương thời để đáp ứng niềm tin của một số dân Do Thái thời bấy giờ. Paul chưa bao giờ gặp Giê-su, trước cũng như sau khi Giê-su chết, chỉ "thấy" Giê-su trong một viễn tượng (vision) và rao truyền sự sống lại của Giê-su theo những lời đồn đại của một số người Do Thái trong thời đó. Không có một sự hiện ra nào của Giê-su được mô tả trong 4 Phúc Âm của Matthew, Mark, Luke, và John phù hợp với sự mô tả của Paul. Mặt khác, Paul không hề nhắc đến câu chuyện "động trời" khi đó về "ngôi mồ trống". Tuy Paul cố thuyết phục những tín đồ Kitô ở Corinth rằng Giê-su đích thực đã sống lại, ông ta không bao giờ nhắc đến cái bằng chứng có tính cách thuyết phục nhất là ngôi mồ trống. Tại sao vậy? Vì một lẽ rất giản dị: chuyện ngôi mồ trống chưa được các tác giả của 4 Phúc Âm phịa ra, phịa ra sau thư của Paul từ 20 đến 50 năm. Paul viết là Giê-su hiện ra trước Phê-rô (Peter) đầu tiên. 4 Phúc Âm viết Giê-su đầu tiên hiện ra trước từ 1 đến 3 người đàn bà. Paul viết sau đó Giê-su hiện ra trước 12 tông đồ. 4 Phúc Âm viết Giê-su hiện ra trước 11 tông đồ. Hiển nhiên Paul không biết đến chuyện "Judas phản Chúa" và Judas đã thắt cổ tự tử chết (Matthew 27: 5), hay ngã sổ ruột ra mà chết (Acts 1: 18). Chuyện "Judas phản Chúa" rõ ràng cũng lại là một chuyện khác được phịa ra về sau trong 4 Phúc Âm. Paul viết Giê-su hiện ra trước 500 người, nhưng ngoài Paul ra không có ai trong số hơn 500 ngưởi này kể lại câu chuyện Giê-su hiện ra. Và còn nhiều mâu thuẫn nữa.

Trong cuốn Đức Tin Công Giáo, Giao Điểm xuất bản năm 2000, chương II, tôi đã trích dẫn từ Tân Ước chuyện sống lại của Giê-su theo Mark và theo Matthew và vạch rõ là chúng hoàn toàn khác nhau, nhiều khi đối nghịch hẳn nhau với nhiều chi tiết rất mâu thuẫn. Vậy chúng ta phải kết luận làm sao? Tin Paul, tin Mark, hay tin Matthew? Căn cứ vào đâu mà tin ai? Có lẽ đối với ông Đỗ Mạnh Tri, chỉ cần có Tin Cậy Mến không có chỗ đặt là đủ. Sự suy luận của trí óc có vẻ thừa.

Để cho vấn đề được rõ ràng hơn, có lẽ chúng ta cũng nên biết ngày nay giới trí thức, ở trong cũng như ở ngoài các giáo hội Kitô, nghĩ gì về huyền thoại "ngôi mộ trống" và sự sống lại của Giê-su.

Trước hết là một người Catô trí thức Việt Nam tỉnh ngộ, ông Charlie Nguyễn, nguyên là một thẩm phán thời VNCH và là một người đạo gốc, với tác phẩm Công Giáo: Huyền Thoại Và Tội Ác, Giao Điểm xuất bản, 2001. Trong tác phẩm này, ông Charlie Nguyễn đã để ra nguyên một chương, chương 6, để viết về Huyền Thoại Phục Sinh. Chúng ta có thể đọc vài đoạn như sau:

"..Đặc biệt trong mùa Phục Sinh năm 1996, cả ba tờ tuền báo lớn nhất nước Mỹ là Time, Newsweek và U.S. News and World Report đều đồng loạt ra ngày 8.4.96 với hình bìa in ảnh Chúa sống lại và những bài báo nảy lửa tố cáo chuyện Phục Sinh của Chúa như một chuyện bịp lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Hầu hết các sách và các hội nghị khoa học về Chúa Ki Tô đều phủ nhận sự phục sinh của Ngài. Ngay những nhà truyền giáo Tin Lành cũng phải nhìn nhận sự phục sinh của Chúa đã trở thành một gánh nặng (a burden) cho tín lý đạo Kitô, vì nó đã là một trở ngại lớn nhất cho việc truyền giáo trong giới trí thức hiện nay...

Vì quá tin vào Lời Chúa trong Phúc Âm của John, hầu hết tín đồ Ki tô giáo thường ít thắc mắc về những điều vô lý trong tín điều Phục Sinh cũng như trong các tín điều khác, bởi vì không thấy mà vẫn cứ tin bừa thì mới có phúc thật. Câu nói: "Phúc cho kẻ nào không thấy mà tin" đã trở thành nền tảng trong hai ngàn năm qua cho một thứ Đức Tin Mù (The blind faith) - một thứ đức tin của loài người bán khai vì nó hoàn toàn không cần xử dụng tới cái dụng cụ quý giá nhất ở con người thông minh là lý trí.."

Đức Tin Cậy Mến của ông Tri thuộc loại nào, nay chúng ta đã rõ. Chúng ta cũng đã biết trong một phần trên: theo Mục sư Ernie Bringas thì ngày nay "Đa số các học giả coi những chuyện trong Tân Ước và bảy giáo lý giáo hội đưa ra đều là huyền thoại". Một trong bảy giáo lý này chính là huyền thoại "ngôi mồ trống" hay huyền thoại "sống lại" của Giê-su.

Trong cuốn Giê-su Là Ai? (Who is Jesus), khi được hỏi về Ngày Chủ Nhật Phục Sinh (Easter Sunday), linh mục John Dominic Crossan, giáo sư danh dự về môn khảo cứu Thánh Kinh (Professor Emeritus of Biblical Studies) trong 26 năm tại đại học De Paul, Chicago, đã trả lời như sau:

Khi thảo luận về chuyện Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, tôi đã luận rằng câu chuyện Giê-su được các bạn của ông ta chôn sau khi chết hoàn toàn không đúng với lịch sử. Nếu ông ta có bị chôn, thì không phải là do bạn của ông chôn mà là do các kẻ thù của ông. Và không phải ở trong một nấm mồ được đục trong đá, mà là một nấm mồ nông nơi đó thây của Giê-su sẵn sàng làm mồi cho những con thú hoang. Đó là những kết luận không sáng sủa gì, nhưng tôi không thể không kết luận như vậy.

Với câu chuyện Phục Sinh, chúng ta có đứng vững trên phiến đá của sự kiện lịch sử không? Hay, nếu không, làm sao chúng ta giải thích được sự sống sót của niềm tin vào Giê-su? Và nếu chúng ta quyết định là chúng ta không thể đọc những chuyện về Phục Sinh theo như được viết trong Thánh kinh thì chúng ta phải đọc chúng như thế nào? Tôi nêu lên những câu hỏi này không chỉ vì, đối với một số người trong thế kỷ 20, khái niệm về một sự sống lại không đáng tin. Tôi nêu lên những câu hỏi này vì những điều viết trong Tân Ước bắt buộc tôi phải nêu chúng lên. Matthew, Mark, Luke, và John kể câu chuyện về Phục sinh thật là khác nhau - đúng vậy, quá khác nhau, cho nên chúng ta không thể hòa hợp chúng với nhau. Do đó chúng ta phải đặt vấn đề về ý định và ý nghĩa của chuyện Phục sinh.

Nói ngắn gọn, đây là những kết luận của tôi: Thứ nhất, chuyện Phục Sinh không phải là về những biến cố xảy ra trong một ngày, mà là phản ánh sự tranh đấu trong nhiều năm tháng của những người tin theo Giê-su để giải thích ý nghĩa của cái chết của Giê-su cùng ảnh hưởng của Giê-su vẫn tiếp tục ngự trị trong họ. Thứ nhì, những chuyện về sự xuất hiện của một Giê-su sống lại trước nhiều người khác nhau không phải là những "cái thấy thực sự" mà chỉ thuộc loại "văn chương giả tưởng" bắt nguồn từ sự tranh đấu của các tông đồ với mục đích giành giật vai trò lãnh đạo của giáo hội sơ khai. Thứ ba, sự sống lại chỉ là một - và chỉ là một - trong những ẩn dụ để biểu thị ý nghĩa Giê-su vẫn tiếp tục hiện diện trong đám tín đồ và bạn hữu của ông ta.

Câu chuyện về "ngôi mộ trống" có phải là một sự kiện lịch sử không? Không đâu. Tôi đã từng giải thích tại sao tôi không tin rằng có một ngôi mộ của Giê-su. Tôi không tin rằng bất cứ ai trong đám người theo ông biết ông chôn ở đâu - nếu thực sự ông ta được chôn cất. Và những người viết Phúc Âm lại không thỏa thuận với nhau về những điều họ kể lại. Do đó tôi tin tưởng rằng chuyện sống lại được viết ra theo những động cơ riêng tư chứ không phải là đúng với lịch sử.

Ngoài ra, Paul là người viết sớm nhất về chuyện sống lại - những bức thư của Paul được viết ra trước những Phúc Âm lâu - và không có chỗ nào chúng ta thấy là ông ta đã biết về chuyện ngôi mộ trống. Điều này thật là khó hiểu, nếu chuyện ngôi mộ trống là sự kiện lịch sử nền tảng của chuyện phục sinh. [9]

Trong cuốn Hãy Dẹp Đi Những Chuyện Trẻ Con (Putting Away Childish Things), Uta Ranke-Heinemann, người phụ nữ đầu tiên trên thế giới chiếm được ngôi vị Giáo sư về nền Thần học Ca-tô (The first woman in the world to hold a chair in Catholic theology), đã viết về chuyện Phục sinh của Giê-su như sau, trang 131:

"Chuyện ngôi mộ trống vào ngày chủ nhật phục sinh là một truyền thuyết. Điều này được lộ rõ trong sự kiện là Paul, người rao giảng quan trọng nhất về sự sống lại của Giê-su, ngoài ra cũng là người viết trong Tân Ước sớm nhất, không nói gì về ngôi mộ trống. Đối với Paul, chuyện này không hề xảy ra. Điều này chẳng có ý nghĩa gì đối với Paul, nghĩa là, một ngôi mộ trống chẳng có ý nghĩa gì đáng kể đến cái chân lý sống lại mà ông ta tuyên bố một cách quyết định. Cứ cho là như vậy, đối với Paul tất cả Ki Tô Giáo tùy thuộc sự sống lại của ông Ki-tô - "Nếu ông Ki-tô không sống lại thì sự giảng đạo của chúng ta là hão huyền và đức tin của các ngươi cũng hão huyền" (1 Cor. 15:14). Nhưng theo quan điểm của Paul, điều này chẳng ăn nhằm gì tới ngôi mộ trống. Rõ ràng là ông ta không có một ý kiến nào về một ngôi mộ trống như vậy. Nếu Paul đã từng nghe chuyện ngôi mộ trống, không bao giờ ông ta lại không nhắc đến. Vì ông ta nhặt chung lại với nhau và nói về mọi bằng chứng về sự sống lại của Giê-su mà ông ta biết (1 Cor. 15), chắc chắn là ông ta thấy chuyện ngôi mộ trống đáng được nhắc tới. Vì ông ta không hề nhắc tới chuyện ngôi mộ trống, điều này chứng tỏ là chẳng làm gì có ngôi mộ trống và do đó chuyện này về sau mới được đặt ra.

Đây là quan điểm của nhà thần học Ca-tô nổi danh nhất của thế kỷ này, linh mục dòng tên Karl Rahner: " Chuyện "ngôi mộ trống" nên được xét như một biểu thị của một niềm tin vững chắc đã từng được truyền bá trong dân gian vì các lý do khác". Niềm tin vào sự sống lại đã có trước niềm tin về ngôi mộ trống lâu rồi. Đức tin vào sự Phục sinh không phải là hệ luận của ngôi mộ trống mà cái truyền thuyết về ngôi mộ trống được đặt ra từ niềm tin vào sự Phục sinh. Nó chỉ là một sự thêu dệt sùng tín về một biến cố mà người ta muốn tưởng tượng theo một nghĩa cụ thể...

Những người Ki Tô đã hiểu lầm sự sống lại của Giê-su ngay từ lúc đầu. Đánh đồng ngôi mộ trống với sự sống lại của Giê-su, họ đã lẫn lộn cái này với cái kia. Họ nhìn vào ngôi mộ trống như là hậu quả của sự sống lại, và họ cho đó là bằng chứng của sự sống lại. Nhưng một ngôi mộ trống có thể trống vì nhiều lý do khác nhau, và nó không bao giờ có thể chứng minh là một sự sống lại nào đã xẩy ra. Ngược lại, một người chết chắc chắn là nằm trong mồ: sự kiện này không cản trở niềm tin về sự sống lại của hắn, vì sự sống lại khác với chuyện một người chết trở lại đời." [10]

Và cuối cùng, sử gia Will Durant viết trong cuốn Thời Đại Của Đức Tin (The Age of Faith, p. 735): Ngay từ đầu thế kỷ 13, người ta đã cho rằng:

"Sự Biến Chất (bánh và rượu biến thành thịt và máu thực của Giê-su. TCN), Giê-su là hiện thân của Thượng đế, Sinh ra từ một Nữ Đồng Trinh, và Sự Sống Lại - tất cả chỉ là toan tính của một số người xảo quyệt khi xưa để giữ con người trong vòng sợ hãi và kiềm chế, và ngày nay được tiếp tục nuôi dưỡng bởi những tên đạo đức giả." [11]

Từ những tài liệu trên, chúng ta thấy rằng, chuyện ngôi mồ trống và do đó, chuyện Giê-su sống lại, chỉ là chuyện tưởng tượng của một số người theo Giê-su khi xưa, hoặc để tự an ủi khi Giê-su chết, vì sự thất vọng không thấy được nước Trời như Giê-su đã hứa hẹn cho họ là sẽ tới ngay khi họ còn sống như được viết rõ trong Tân Ước, hoặc để giải thích niềm tin của mình về cái chết của Giê-su, người mà họ tin là không thể nào chết vì là Con Thiên Chúa theo như lời tự nhận của Giê-su, hoặc sau này để giữ tín đồ trong vòng mê tín v..v.. chứ không phải là những sự kiện lịch sử. Tính cách hoang đường của chuyện "ngôi mộ trống" thật là rõ rệt khi chúng ta đọc Tân Ước về vài hoạt cảnh liên quan đến cái chết và sống lại của Giê-su. Trong Phúc Âm Matthew 27: 45-53 chúng ta có thể đọc:

"Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9 (nghĩa là từ trưa đến 3 giờ chiều. TCN), khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Ước chừng giờ thứ 9, Giê-su kêu lớn lên rằng: Ê-li, Ê-li, lam-ma-sa-bách-ta-ni?, nghĩa là: Chúa tôi ơi! Chúa tôi ơi! Sao ngài lìa bỏ tôi?..Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn nữa rồi trút linh hồn..(Điều này chứng tỏ trước khi chết Giê-su đã thốt lên một nỗi thất vọng lớn lao về điều hoang tưởng của Giê-su, tin mình là con Thiên Chúa. TCN)

Và này, cái màn trong đền thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất thì rúng động, đá lớn bể ra, mồ mả mở ra, và nhiều thây các Thánh đã qua đời được sống lại. Sau khi Giê-su sống lại, các Thánh đó ra khỏi mồ mả, đi vào Thánh địa (Jerusalem) và hiện ra cho nhiều người thấy."

Nếu ông Tri tin vào chuyện sống lại thì tôi xin hỏi ông một câu: Từ chiều thứ sáu, khi Giê-su bị đóng đinh, cho tới sáng chủ nhật, khi Giê-su sống lại, thì các Thánh đã qua đời được sống lại, do mồ mả của họ mở ra, nằm yên dưới mồ mả để làm gì? Để chờ Giê-su sống lại? Nghĩa là các Thánh này biết là Giê-su sẽ sống lại? Sau khi Giê-su sống lại thì các Thánh đó ra khỏi mồ mả, đi vào Jerusalem, và hiện ra cho nhiều người thấy. Vậy bây giờ các Thánh đó ở đâu?

Chuyện trong Thánh Kinh đều như vậy cả, ai muốn tin thì cứ việc tin. Riêng tôi, tôi liệt những chuyện trên vào loại hoang đường, tầm bậy.

Mặt khác, chuyện phịa "ngôi mộ trống" còn đưa đến chuyện phịa "thăng thiên": Giê-su bay lên trời trước 11 tông đồ và ngồi bên phải Chúa Cha. Ai nhìn thấy Chúa Cha ở trên trời là chỗ nào, chắc chắn là phải ở gần mặt đất thì các tông đồ mới có thể thấy là Giê-su lên "ngồi bên phải" Chúa Cha. Nhãn lực của con người tới bao xa? Nhưng sao lại chỉ có 11 tông đồ "thấy"? Một cái pháo bông nổ trên trời có bao nhiêu người thấy? Một chiếc máy bay bay trên trời có bao nhiêu người thấy? 11? Ngay từ cuối thế kỷ 19, Robert G. Ingersoll đã đặt vài câu hỏi:

Người ta tuyên bố rằng Giê-su sống lại và thân thể bay lên trời.

Phải mất rất nhiều năm những điều vô nghĩa này mới cấy được vào đầu óc con người.

Nếu thực sự ông ta thăng thiên, tại sao ông ta không làm việc này trước công chúng, trước những người đã bạo hành ông? Tại sao cái phép lạ vĩ đại nhất trong các phép lạ này lại phải thực hiện trong bí mật, trong một xó xỉnh?... [12]

Những chuyện hoang đường nhảm nhí như vậy mà ngày nay vẫn còn có người tin thì thật là lạ. Nhưng lạ hơn cả là một trí thức Ca-tô cỡ Đỗ Mạnh Tri mà trong thời đại này vẫn còn hi vọng truyền đạo Giê-su dựa vào truyền thuyết "Ngôi mộ trống", một chuyện phịa mà hầu hết các học giả ở trong cũng như ở ngoài giáo hội đều đã bác bỏ. Điều đáng nói ở đây là kính thiên văn tân kỳ nhất ngày nay đã quét cả vòm trời, xa đến tận cả tỷ năm ánh sáng mà không thấy chỗ nào là chỗ mà các nhà viết Phúc Âm, với sự hiểu biết về vũ trụ thuộc thời bán khai ở Trung Đông, cho rằng Giê-su đã bay lên đó và ngồi “trên tay phải”, ngày nay đổi lại là “bên tay phải” của Cha ông ta.

Một câu hỏi được đặt ra: John Paul II tới ngồi bên ngôi mồ trống để làm gì? Những người như Đỗ Mạnh Tri không biết đến sự thật về chuyện ngôi mồ trống hay sống lại của Giê-su thì đã đành, chẳng lẽ giáo hoàng mà cũng không biết đến sự thật về ngôi mồ trống hay sao? Chẳng có gì là khó hiểu nếu chúng ta biết rằng bản chất của John Paul II là một kịch sĩ và biết rằng sách lược muôn đời của giáo hội công giáo đối với đám tín đồ vẫn là "ngu dân dễ trị". Tất cả những hành động của John Paul II chỉ là đóng một vở kịch đạo đức giả để lừa bịp thế giới qua những bộ mặt "cáo thú tội lỗi trước thế giới", "hòa hợp tôn giáo" v..v.. ve vuốt bề ngoài với mục đích củng cố giáo hội và nuôi dưỡng sự mê tín trong đám tín đồ thấp kém ở dưới. Nhưng bộ mặt đạo đức giả này chỉ có thể dấu được đám tín đồ thấp kém chứ không thể dấu được giới truyền thông Âu Mỹ, và người ta đã vạch ra những chuyện ông ta "nói một đàng, làm một nẻo".

Ông ta đến Jerusalem để làm gì? Để đưa ra một lời xin lỗi về những sai lầm mà giáo hội đã phạm qua nhiều thế kỷ đối với dân Do Thái (Chicago Tribune, July 21, 2002: to offer an apology for the wrongs the church had committed against Jews over the centuries). Nhưng chỉ vài tháng sau, ông ta lại phong thánh cho một giáo hoàng tiền nhiệm, Pius IX, một giáo hoàng trong thế kỷ 19 đã gọi người Do Thái là "những con chó hoang" và bất kể đến sự bất bình giận dữ của thế giới, đã bắt cóc và giữ một đứa trẻ Do Thái đã bị "rửa tội" một cách kín đáo bởi một nữ nhân hầu cận của giáo hoàng. (A few months later, however, he beatified one of his predecessors, Pius IX, a 19th century pope who referred to Jews as "prowling dogs" and defied international outrage by kidnapping and keeping a Jewish child who had been secretly baptized by his nursemaid.) Điều này làm cho rất nhiều người Do Thái nghĩ rằng chuyện ông ta đến Jerusalem chỉ là một màn kịch (That made a lot of Jews think that what happened in Jerusalem was show biz..). Ông ta hô hào hòa hợp tôn giáo nhưng vẫn đồng ý với hồng y Ratzinger cho ra tài liệu Dominus Jesus mà nội dung loại trừ mọi hòa hợp tôn giáo.

Ông ta đến ngồi bên ngôi mồ trống để làm gì? Vì ông ta tin là Giê-su đã sống lại chăng? Không đâu. Cũng như sau khi được một toán bác sĩ tận lực cứu ông thoát chết trong vụ ám sát năm nào, ông ta tuyên bố Đức Mẹ đã cứu ông ta, nhưng từ đó trở đi ông ta không còn tin vào Đức Mẹ nữa, vì đi tới đâu ông cũng nhảy vào trong cái popemobile hở mui được chế tạo riêng cho ông trên đó có một cái (chuồng, lồng, hộp, thùng?) kính chắn đạn để ông tiếp tục tin vào quyền năng của Đức Mẹ và dạy bảo tín đồ "Đừng sợ". Một con người đạo đức giả như vậy, bất kể giữ địa vị nào, thì đáng khinh hay đáng trọng? Vậy ông tới ngồi bên ngôi mồ trống chẳng qua chỉ để nuôi dưỡng niềm tin trong đám tín đồ thấp kém là Giê-su thực sự đã sống lại và nuôi dưỡng niềm tin về sự "cứu rỗi" của Giê-su. Và ông ta đã mê hoặc được những tín đồ như Đỗ Mạnh Tri. Hành động này cũng chẳng khác chi hành động phong thánh cho một số Việt gian, Hán gian v.. v.. để nuôi dưỡng sự cuồng tín và tuân phục giáo hoàng của những tín đồ Catô bản xứ. Hành động này cũng chỉ có cùng mục đích như những hành động đi tới các quốc gia trong thế giới thứ ba để xin lỗi trên đầu môi chót lưỡi về những thảm họa mà giáo hội Catô Rôma đã giáng trên những đất nước này mà không hề có một biện pháp đền bù nào về những tác hại mà Catô giáo đã mang đến cho họ. Chẳng vậy mà Giáo sư Arthur Noble đã viết trên Internet ngày 17 tháng 3, 2000 một bài với đầu đề "Sự Xin Lỗi Của Giáo Hoàng: Chuyện Đại Khôi Hài Đầu Tiên Của Thiên Niên Kỷ Mới" (The Pope's Apology: The First Great Laugh of the New Millennium) trong đó có một đoạn như sau:

"Nhân loại phải biết rằng mình đang bị lừa dối bởi những giọt nước mắt cá sấu của Giáo hội Rô-ma trong cái điều ra vẻ hối hận quá khứ với những lời ăn năn xin lỗi: chúng được tính toán một cách dối trá cho một mục đích rõ ràng, giống như những phép lạ giả tạo bởi giáo hội, để lùa những người nhẹ dạ vào trong đoàn chiên của giáo hội" [13]

Vì tin rằng chuyện ngôi mồ trống cũng như chuyện sống lại của Giê-su là những sự kiện lịch sử (historical facts) nên ông Đỗ Mạnh Tri đã quảng cáo cái hành động ngồi bên ngôi mồ trống của "đức thánh cha" của ông, và đưa ra 2 nhận định:

"Nếu Giêsu không sống lại thì đức tin Kitô giáo hoàn toàn huyễn hoặc. Nếu sự sống không thắng sự chết, thì đạo Kitô là một sự bịp bợm".

Hi vọng những tài liệu nghiên cứu về chuyện Giê-su sống lại của Charlie Nguyễn, linh mục John Dominic Crossan, giáo sư thần học Uta Ranke-Heinemann, và sử gia Will Durant có thể làm sáng tỏ câu thứ nhất: "Nếu Giêsu không sống lại thì đức tin Kitô giáo hoàn toàn huyễn hoặc." Vậy đức tin Ki Tô giáo có hoàn toàn huyễn hoặc hay không, xin để cho quý độc giả tự mình nhận định, biết rằng chuyện Giê-su sống lại chỉ là chuyện tưởng tượng của một số người Do Thái cách đây gần 2000 năm chứ không phải là một sự thực lịch sử.

Còn câu thứ hai của ông Đỗ Mạnh Tri: "Nếu sự sống không thắng sự chết, thì đạo Kitô là một sự bịp bợm". thì thật đã khẳng định đạo KiTô chính là một sự bịp bợm, ít ra là đối với những người phi-Do Thái.. Đọc Tân ước chúng ta thấy rõ là Giê-su rất ghét những người không phải là Do Thái [gọi một phụ nữ phi Do Thái là “chó”]. Giê-su ra lệnh cho đệ tử đi truyền đạo chỉ nội trong các cộng đồng Do Thái. Và sách Khải Huyền viết rõ hơn gì hết: Đến ngày tận thế, nếu có ngày này, Giê-su cũng chỉ cứu có 144000 người thuộc 12 bộ lạc Do Thái, mỗi bộ lạc 12000 người. Không thấy Giê-su nói đến các bộ lạc Bùi Chu, Phát Diệm, hay Hố Nai, Gia Kiệm v…v…. Như vậy thì dù Giê-su có sống lại hay không cũng chẳng liên quan gì đế người Việt mũi tẹt da vàng. Và các ông vì không đọc kỹ Thánh Kinh nên không biết rằng trong bao năm qua mình đã bị lừa bịp bởi những lời nói láo vĩ đại của Giáo hội Ca-tô.

Mặt khác, về phương diện thực tế thì sống và chết là hai mặt của cuộc đời. Nếu sống thì không chết, mà đã chết rồi thì hết sống, cho nên nói rằng sự sống thắng sự chết thì đồng nghĩa với sự chết thắng sự sống. Có lẽ ông Đỗ Mạnh Tri muốn nói rằng sự "sống lại" đã thắng sự chết, nhưng sự sống lại của một thân xác đã chết và táng xác là một chuyện không tưởng, còn nếu hiểu sự "sống lại" theo một nghĩa khác thì, theo thuyết luân hồi của nhà Phật đã có từ trước khi Giê-su ra đời hơn 500 năm, ai mà chẳng sống lại, ai mà chẳng thắng sự chết, trừ những bậc tu hành đến trình độ đã thắng được cả sống lẫn chết, đâu chỉ có mình Giê-su mới sống lại?

Với những hiểu biết hiện đại về "ngôi mồ trống" như tôi vừa đưa ra ở trên, chuyện "ngôi mồ trống" phải chăng chính là ưu điểm của giáo hội Catô Rôma đối với những tín đồ như Đỗ Mạnh Tri, nhưng đồng thời cũng là nhược điểm của giáo hội Catô đối với giới hiểu biết?

2). Ông Đỗ Mạnh Tri Quảng Cáo "Tin Mừng" Phúc Âm.

Sau đây chúng ta hãy đọc tiếp bài của nhà trí thức Ca-tô nổi danh: giáo sư Đỗ Mạnh Tri. Sau khi quảng cáo cho huyền thoại "ngôi mồ trống", ông Đỗ Mạnh Tri công nhận là ngày nay giáo hội Catô của ông đã yếu đi, không còn mạnh như "thời giáo hội có quyền truất phế vua chúa, cho lên giàn hỏa quân "rối đạo" (trg. 166), thời mà quân "mộ đạo" đã đưa Âu Châu vào thời đại của 1000 năm đen tối. Lẽ dĩ nhiên, ông Tri không bàn đến chuyện giáo hội Ca-tô đã dựa vào những "Tin mừng, tin vui, tin vui tự do, tin vui tình thương, tin vui sự sống v..v.." trong Tân Ước để tự ban cho giáo hội "quyền truất phế vua chúa và cho lên giàn hỏa quân "rối đạo" . Vì không biết đến hay cố tình bỏ qua sự kiện trên nên ông bình luận:

"Giáo hội yếu đi, Tin Mừng không yếu đi. Và giáo hội yếu đi cũng là lúc giáo hội chỉ còn có Tin Mừng để sống và rao giảng".

Trong bài, tôi đếm được 17 chỗ ông Tri viết về Tin Mừng, nhưng ông không hề giải thích Tin Mừng là như thế nào, Tin Mừng cho ai, và những ai cho những cái mà ông ta gọi là Tin Mừng đó đích thực là Tin Mừng? Khi xưa, trong thời mà giáo hội nắm quyền sinh sát ở Âu Châu, giáo hội đã cưỡng bách mọi người phải nghe Tin Mừng, nếu không thì giáo hội mang đi tra tấn và thiêu sống. Tin Mừng mạnh hay yếu là tùy theo giáo hội mạnh hay yếu về quyền lực thế tục. Ngày nay, như John Remsburg đã nhận định trong cuốn False Claims, trang 24:

Ngày nay Giáo hội không còn giết được nữa vì không còn quyền lực để mà giết. Bó củi (để thiêu sống người) và thanh gươm (để chém giết người) đã bị tước khỏi những bàn tay đẫm máu của giáo hội, và ngày nay giáo hội chỉ còn lại hai vũ khí: gây thù hận và vu khống.

[The church does not kill now because it does not have the power to kill. The fagot and the sword have been wrested from her bloody hands, and hatred and slander are the oly weapons left her.]

Cho nên Tin Mừng của giáo hội cũng yếu đi theo quyền lực thế tục của giáo hội, và ngày nay Tin Mừng đó đã trở thành Tin Dữ theo sự nghiên cứu của giáo sư David Voas. Tình trạng suy thoái trầm trọng của Ca-tô Tô MaGiáo ở Âu Châu và nhiều nơi trên thế giới đã chứng tỏ hơn gì hết điều này. Hiện tượng linh mục bỏ đạo hàng loạt, giáo dân càng ngày càng chẳng buồn đi lễ nhà thờ ngày chủ nhật, khoan nói đến ngày thường, và ở Nam Mỹ mỗi ngày có tới 8000 giáo dân bỏ đạo v..v.. là những bằng chứng cụ thể nhất về sự kiện Tin Mừng của ông Đỗ Mạnh Tri đang rơi vào những cặp tai không còn mấy người muốn nghe. Tại sao Tin Mừng của ông Đỗ Mạnh Tri mạnh như vậy mà Ki Tô Giáo lại suy thoái khắp nơi. Xin mời quý vị Tin Nhà Paris hãy đọc bài: “Tại Sao Ki Tô Giáo Phải Suy Thoái?” trên http://giaodiemonline.com/2010/07/suythoai.htm

Nhưng thật ra Tin Mừng của ông Đỗ Mạnh Tri là thế nào? Ông Tri không nói nhưng có lẽ chúng ta cũng cứ thử tìm hiểu tại sao cái mà ông Tri coi là Tin Mừng thì thực ra chỉ là Tin Dữ..

Phải chăng Tin Mừng, theo ông Tri, là sự sống lại hoang đường của Giê-su? Những tài liệu mà tôi dẫn chứng ở trên đã chứng tỏ chẳng làm gì có chuyện sống lại của Giê-su.

Phải chăng Tin Mừng là những lời rao giảng về luân lý và đạo đức của Giê-su cho con người? Trong cuốn "Chúa Giê-su Là Ai? Giảng Dạy Những Gì", chương II: "Giê-su Giảng Dạy Những Gì?", tôi đã trình bày kỹ lưỡng về chủ đề trên, dựa hoàn toàn trên Tân Ước. Tôi đã chứng minh là Giê-su có nhiều hành động phi luân lý, vô đạo đức, qua nhiều đoạn trích dẫn từ chính Tân Ước. Trong Tân Ước cũng có ít điều vụn vặt về luân lý, đạo đức. Nhưng những điều này chẳng có gì là đặc biệt hay do Giê-su sáng tạo. Chúng ta hãy đọc nhận định của một học giả Ca-tô, Joseph L. Daleiden, trong cuốn The Final Superstition, trg. 174, như sau:

Có rất ít, nếu có, điều sáng tác độc đáo trong giáo pháp mà người ta cho là của Giêsu. Giống như chính huyền thoại về Giêsu, những quan điểm mà Giêsu diễn đạt chỉ là một mớ hổ lốn những ngụ ngôn và luân lý mà chúng ta có thể thấy trong những đạo cổ xưa của Ai Cập, Babylon, Ba Tư, Hi Lạp, Phật, Khổng, Ấn Độ... Một điều rõ ràng: Ki Tô Giáo, một tôn giáo sinh sau đẻ muộn trong lịch sử các tôn giáo, chỉ cóp nhặt (đạo văn) những quan điểm, ý kiến của Do Thái Giáo và các tôn giáo gọi là dân gian. Trong cuốn "Nguồn Gốc Luân Lý Trong các Phúc Âm", Joseph McCabe (Một Linh Mục Ca Tô. TCN) đã trích dẫn những quan điểm luân lý trong Phúc Âm mà người ta cho là của Giêsu song song với những quan điểm luân lý tương đương và y hệt của các tác giả Do Thái và dân gian. [14]

Vậy nếu cho rằng những lời rao giảng cóp nhặt của Giê-su về luân lý và đạo đức là Tin Mừng thì đó là Tin Mừng của dân gian, của các tôn giáo khác có trước Ki Tô Giáo, trong đó có Phật Giáo, chứ đâu có phải của Giê-su? Vậy có gì đâu mà phải quảng cáo ầm ĩ "Tin Mừng" mà Chúa đi cóp nhặt của người khác? Mặt khác, chính ông Tri cũng cho rằng, trang 175: "Vấn đề luân lý là vấn đề phụ. Nếu chỉ cần có luân lý thì không cần Ki Tô giáo." Điều này hàm ý Ca-Tô Giáo coi nhẹ vấn đề luân lý, chỉ đặt nặng vấn đề mê tín, và phải chăng ông Tri viết như trên để đặt nhẹ những hành động phi luân của giáo hội Ca-tô Rô-ma, của giới chăn chiên, và của con chiên trong 2000 năm nay, vì lịch sử Ca-tô giáo đầy những chuyện phi luân như sử sách đã ghi rõ. Người Việt Nam chúng ta rất coi trọng luân lý cho nên Ki Tô Giáo không thể thích hợp với người Việt Nam. Chỉ có những người mất gốc mới coi luân lý là vấn đề phụ trong khi luân lý là nền tảng của gia đình và xã hội. Ki-Tô giáo chỉ thích hợp với những người không coi trọng hoặc được dạy không coi trọng luân lý như ông Đỗ Mạnh Tri. Vậy nếu Tin Mừng không phải là vấn đề đạo đức, luân lý thì Tin Mừng là gì? Trong một phần trên tôi đã chứng minh là không làm gì có chuyện Giê-su mang đến một "Tin Vui. Tin Vui Ánh Sáng, Tin Vui sự Sống, Tin Vui Tự Do, Tin Vui Tình Thương" mà trái lại chỉ mang đến những khổ nạn cho nhân loại từ ngày đầu (Vì Giê-su sinh ra đời mà Herod ra lệnh giết những trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi trong vùng) cho tới ngày nay (vẫn còn nhiều người nhân danh Giê-su để giết nhau, ví dụ như ở Bắc Ái Nhĩ Lan).

Chúng ta biết rằng đạo Giê-su là đạo "cứu rỗi". Vậy chỉ còn lại một điểm này và nếu tôi không hiểu sai thì Tin Mừng đó chính là sự "cứu rỗi" của Giê-su hứa cho người tin ông, những người trong thời đại này vẫn còn tin là Giê-su đã sống lại và bay lên trời, những người vẫn còn sống trong cái mà Tiến sĩ Barnado gọi là "Cái bóng tối dày đặc của ý thức hệ Rô-ma" (Dr. Barnado: the thick darkness of Romanism.) Ngoài những người này ra thì nhân loại có ai cần đến sự cứu rỗi đó đâu.

Nhưng thế nào là "cứu rỗi", cứu rỗi cái gì, và tại sao phải cứu rỗi?

Trong cuốn Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng, trang 76, để trả lời câu hỏi "Tại sao nhân loại cần cứu rỗi?", giáo hoàng John Paul II đã trích dẫn một câu trong Phúc Âm John làm luận điểm giải thích, John 3:16: “Thiên Chúa quá thương yêu thế gian đến nỗi ban Con duy nhất của Ngài, để những ai tin vào Người sẽ không bị luận phạt, nhưng được sống đời đời.”. John Paul II đã tránh né, không trả lời trực tiếp câu hỏi trên mà chỉ đưa ra những luận điểm thần học dựa trên những đoạn trích dẫn vụn vặt từ Tân Ước, coi đó là những điều không thể sai lầm mà ai cũng phải tin. Câu trích dẫn trên, John 3: 16, cũng như một số trích dẫn khác từ Tân Ước không phải là để trả lời cho câu hỏi "Tại sao nhân loại cần đến sự cứu rỗi?" mà chỉ nhắc lại một niềm tin thần học đã lỗi thời để huyễn hoặc những người nhẹ dạ cả tin, mê mẩn về một sự sống đời đời, sau khi chết, ở trên một thiên đường giả tưởng, bằng cách tin vào một nhân vật đầy tính chất huyền thoại do nền thần học Ki Tô Giáo dựng lên; và cùng lúc hù dọa những người đầu óc yếu kém về một sự luận phạt phi lý và hoang đường. Phi lý và hoang đường vì câu trên chỉ có thể áp dụng cho những người sinh sau Giê-su. Giê-su mới sinh ra cách đây 2000 năm trong khi lịch sử loài người đã trải dài ít ra là vài triệu năm. Và riêng lịch sử Việt Nam thì tổ tiên chúng ta đã có mặt trên trái đất ít ra là 6000 năm. Rõ ràng câu trên của John chỉ là để khuyến dụ những người Do Thái đầu óc thấp kém bằng một cái bánh vẽ "sống đời đời" với Chúa Giê-su của họ chứ chẳng liên quan gì đến các dân tộc khác hay đến lịch sử loài người. ? Lịch sử loài người đâu chỉ bắt đầu từ khi Giê-su sinh ra, chết đi và sống lại, nếu chúng ta có thể tin vào chuyện hoang đường này. Tại sao người Việt Nam chúng ta phải tin vào cái thuyết "cứu rỗi" nhảm nhí ở trên. Nhảm nhí vì trước khi Giê-su sinh ra đời cách đây 2000 năm thì đã có nhiều tỷ người sinh ra rồi. Các khoa học gia ngày nay đã ước tính là tổng số con người sinh ra từ trước tới nay có thể lên tới con số 50 tỷ. Chắc chắn là những người sinh ra trước Giê-su không thể biết Giê-su là ai và do đó làm sao mà tin vào Giê-su? Như được viết rõ trong Tân Ước, ngay cả bố mẹ Giê-su là Joseph và Maria, cùng các em trai em gái Giê-su cũng không tin Giê-su là đấng cứu thế, trái lại còn cho là Giê-su đầu óc bất bình thường (out of his mind), cho nên chắc chắn là họ đều bị Giê-su luận phạt và đày đọa xuống hỏa ngục vĩnh viễn Ấy thế mà vẫn có vô số người tin vào những cái câu nhảm nhí này. Và Giáo Hoàng John Paul II vẫn dùng nó để mê hoặc con chiên.

Điều hiển nhiên là, trước khi Giê-su sinh ra đời thì nhân loại đã trải qua bao nhiêu thế hệ trong nhiều ngàn năm, nếu không muốn nói là cả triệu năm, trong đó có các thế hệ của tổ tiên, ông bà Giê-su và tổ tiên ông bà những tín đồ theo Giê-su ngày nay. Ai biết đến Giê-su? Ai tin Giê-su? Vậy tất cả cũng đều bị luận phạt và đầy đọa nơi hỏa ngục hay sao? Trước năm 1533, người Việt Nam không ai nghe và biết đến tên Giê-su, hiển nhiên không ai có thể tin Giê-su, vậy tất cả dân tộc Việt Nam trong mấy ngàn năm trước năm 1533 cũng bị luận phạt hay sao? Những người Ca Tô Giáo Việt Nam có nghĩ đến các điều hoàn toàn vô nghĩa như trên hay không? Điều lạ là ngày nay mà các tín đồ vẫn còn tin theo cái tín lý quái gở cực kỳ vô lý đó mà họ gọi là “tin mừng”, “tin vui” v…v…với một tâm cảnh vô cùng ích kỷ, chỉ nghĩ đến đời sống đời đời sau khi chết của riêng mình, mà không hề nghĩ đến bản chất ác độc, phi lý, phản khoa học, hoang đường, bất khả áp dụng, của sự luận phạt mà Ca-tô Rô-MaGiáo đưa ra để hù dọa những người không tin Giê-su. Không những chỉ ích kỷ mà họ còn để lộ một tinh thần yếu kém, sợ sệt thần linh trong thời đại tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay mà quan niệm thần linh khi xưa đã không còn chỗ đứng. Trong thời đại mà các lý thuyết thần học của Ki Tô Giáo đã không còn ý nghĩa, tại sao họ vẫn còn có thể tin vào một “Thần” của người Do Thái mà bản chất cũng không khác gì những “Thần” trong dân gian trên khắp thế giới, được con người tạo dựng lên với hi vọng đáp ứng được những khao khát, ước muốn của mình.

Mấy ông trí thức Ca-tô Việt Nam hãy thử dùng bất cứ lý luận thần học nào để trả lời những thắc mắc trên của những người có đầu óc suy luận. Nói tóm lại, những người ngày nay còn tin vào “tin mừng”, “tin vui” của Giê-su là những người không bao giờ dùng đến cái quý giá nhất của con người, một đầu óc biết suy luận. Đây chính là lý do John Paul II đã tránh né, không trả lời trực tiếp câu hỏi, vì hiển nhiên là với sự tiến bộ trí thức của con người hiện nay thì mọi quan niệm thần học về một sự "cứu rỗi" của Giê-su đã không còn tính cách thuyết phục, nếu không muốn nói là hoàn toàn vô nghĩa. Lẽ dĩ nhiên, ai cũng có quyền theo "lý luận" của ông Đỗ Mạnh Tri trong cuốn Ngón Tay Và Mặt Trăng: "Tin là một cách sống chết, không liên quan gì đến cái biết và hiểu", và đó là quyền của họ. Nhưng tôi nghĩ tôi cũng có quyền "không tin" hay "quay lưng lại Thiên Chúa", từ của ông Đỗ Mạnh Tri dùng trong bài và là điều mà ông Tri khẳng định đó là quyền tự do của con người. Tôi sẽ có nhận xét về cái "khẳng định" này của ông Tri trong một phần sau.

Điều khác biệt giữa cái "tin" của họ và cái "không tin" của tôi là, tôi không tin vì tôi có đầy đủ bằng chứng và lôgic để không tin, còn họ chỉ là nhắm mắt mà tin. Và tôi tôn trọng cái quyền đó của họ, nhưng họ không có quyền kéo chúng tôi vào vòng "có mắt không nhìn, có óc không dùng, có miệng không nói, chỉ có tai để nghe và cúi đầu vâng phục". Chúng tôi không phải là những con cừu để cho người ta dắt đi đâu thì phải đi đó. Tôi sẽ tận dụng khả năng rất giới hạn của tôi để chống lại những luận điệu truyền đạo không có căn bản thuyết phục của bất cứ ai bằng cách trình bày cho đồng bào tôi biết đâu là những sự thật về Ki Tô giáo nói chung, Ca-tô Rô-ma giáo nói riêng.

Những tín đồ bình thường như Đỗ Mạnh Tri cũng không theo dõi thời sự để mà biết, hay có biết cũng không dám nhắc tới, rằng Giáo Hoàng John Paul II của họ, trước sự tiến bộ trí thức của nhân loại, đã phải công nhận thuyết Tiến Hóa cũng như thú nhận là "không làm gì có thiên đường trên các tầng mây" "không làm gì có lửa hỏa ngục, hỏa ngục không phải là một nơi chốn trong lòng đất".

Công nhận thuyết Tiến Hóa, giáo hoàng đã chính thức phủ nhận huyền thoại về "tội tổ tông", vậy thì ai cần ai chuộc tội? Chuyện Chúa Cha hi sinh Chúa Con để chuộc tội cho nhân loại chỉ là chuyện độc ác, lừa bịp, hoang đường. Phủ nhận sự hiện hữu của một thiên đường trên trời và một hỏa ngục trong lòng đất, giáo hoàng cũng đã phủ nhận luôn sự cứu rỗi và luận phạt của Giê-su, một sự hứa hẹn vô trách nhiệm vì nó thuộc về một đời sau, do đó không ai có thể kiểm chứng, và một sự đe dọa cùng loại, hoang đường, mà giáo hội vẫn tiếp tục dùng cho tới ngày nay để nhốt tín đồ vào trong vòng mê tín. Đa số tín đồ Ca-Tô không biết đến sự phủ nhận thiên đường và hỏa ngục của giáo hoàng. Những thuộc hạ của giáo hoàng trong giới chăn chiên giải thích: che dấu sự thực là điều cần thiết để giữ đức tin của tín đồ, để cho niềm tin của họ khỏi bị chao đảo. Người ngoài giáo hội thì cho đó là hành động bất lương trí thức (intellectual dishonesty), vì giáo hội đã biết là không làm gì có thiên đường hay hỏa ngục, mà vẫn dụ tín đồ bằng cái bánh vẽ cứu rỗi, và hù dọa họ bằng một hỏa ngục giả tưởng.

Những tín đồ Ca-tô thuộc cỡ Đỗ Mạnh Tri luôn luôn quảng cáo cho cái Tin Mừng của Chúa trong khi họ không hề hiểu thực chất cái Tin Mừng đó ra sao, rằng không có một bằng chứng nào cũng như không có một lôgic nào có thể dùng để chứng tỏ rằng Tin Mừng đó là thực. Nhiều học giả ngày nay đã cho rằng cái mà các tín đồ Ki Tô giáo cho là Tin Mừng thực ra chỉ là cái bánh vẽ thần học dùng để kéo con người vào trong những định chế tôn giáo mà bản chất là những tổ chức thế tục trong đó những người gọi là chức sắc tôn giáo được hưởng mọi quyền lợi vật chất trên đầu trên cổ đám tín đồ nghèo khó, thấp kém, cả tin. Mục sư Ernie Bringas gọi Tin Mừng đó là một cái bánh vẽ trên trời (A-Pie-In-The Sky), niềm tin hão huyền của những người không phải là Do Thái. Nhưng điều trớ trêu là chính người Do Thái lại không muốn tiếp nhận Tin Mừng đó dù Giê-su đã khẳng định là ông ta sinh ra để mang Tin Mừng đó cho người Do Thái, chỉ cho người Do Thái mà thôi. Vì vậy Giáo hội Ca-tô đã vu cho người Do Thái cái tội giết ông Chúa mà những người không phải là Do Thái tin, bạo hành người Do Thái qua bao thế kỷ, đưa đến cao điểm là 6 triệu người Do Thái bị giết trong những lò sát sinh của Hitler, một người Ca-tô, thủ lãnh Đức Quốc Xã, đã tuyên bố là chỉ làm những điều mà Giáo hội Ca-tô không làm được.

Ông Đỗ Mạnh Tri còn viết thêm nhiều để quảng cáo cho cái gọi là Tin Mừng của ông, nhưng qua sự phân tích ở trên, rõ ràng Tin Mừng đó chỉ là một sự mê tín cổ xưa đã không còn chỗ đứng trong thế giới tiến bộ ngày nay. Cho nên tôi thấy không cần thiết phải phê bình thêm những đoạn ông Tri cũng như những tác giả khác trong cuốn "2000 Năm Một Thuở.." viết về Tin Mừng. Nhưng có một điều mà tôi nghĩ ông Đỗ Mạnh Tri cũng như các tác giả trong cuốn "2000 Năm Một Thuở.." phải biết, đó là, trong thời đại ngày nay, chúng tôi không trao khoán đầu óc của chúng tôi cho những lời truyền đạo hoang đường, vô căn cứ. Trước khi mua và nuốt chửng cái sản phẩm "Tin Mừng" của các ông, chúng tôi cần phải biết cái sản phẩm đó có đáng giá hay không. Với những khám phá của khoa học ngày nay, với những kết quả nghiên cứu Thánh Kinh nghiêm túc hiện hữu, tôi nghĩ tôi không thể mua cái sản phẩm thần học đó dù với giá rất rẻ: "Chỉ cần tin, không cần biết, không cần hiểu". Con người của tôi, đúng nghĩa là một con người, vì còn có thể xử dụng đến đầu óc, không cho phép tôi mua một sản phẩm mà tôi biết chắc là dỏm, là vô giá trị. Lẽ dĩ nhiên tôi không phản đối bất cứ ai cho những "Tin Dữ" (theo giáo sư David Voas) là "Tin Mừng". Tại sao lại là Tin Dữ? Giáo Hoàng John Paul II đã tránh né không ghi thêm câu tiếp theo Tin Mừng trong Tân Ước, John 3: 18: Người nào không tin vào Giê-su thì đã bị đầy đọa rồi, vì người đó không tin vào đứa con duy nhất của Thượng đế”. Trên thế giới ngày nay có hơn 4 tỷ người từ chối Tin Mừng của Ki Tô Giáo vì chẳng có ai sợ cái Tin Dữ tầm bậy này.

3). Ông Đỗ Mạnh Tri Quảng Cáo Những Thuộc Tính Không Hề Có Của Giê-su.

Chúng ta hãy đọc một đoạn khác của ông Tri, trang 167:

"..có thể nhìn 2000 năm qua như một tiến trình tháo gỡ. Giêsu đến để tháo gỡ con người khỏi những ràng buộc của sự chết và phục hồi con người, hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài sống và rao giảng Đạo Tình Thương, Đạo của Tự Do."

Tôi cho đây là những lời tuyên truyền đạo mê sảng, rẻ tiền, trống rỗng, hoang đường, lạc hậu và sai sự thực, chỉ thích hợp trong thời Trung Cổ ở Tây phương. Tại sao?

Thứ nhất, như chúng ta đã biết, con người đã xuất hiện trên trái đất ít ra là 2 triệu năm, vậy tại sao cách đây 2000 năm Giê-su mới xuất hiện để tháo gỡ con người khỏi những ràng buộc của sự chết? Vậy những người sinh ra trước Giê-su thì vứt đi đâu? Cha của Giê-su, và cũng là Giê-su, theo cái thuyết Chúa Ba Ngôi, thật là vô cùng độc ác vì đã không nghĩ đến cái mà ông Tri gọi là "tháo gỡ" trong ít ra là 1 triệu 998 ngàn năm. Và dù cho chúng ta có vứt bỏ đầu óc và mọi sự kiện khoa học ngày nay để tin vào Thánh Kinh của Ki Tô Giáo thì loài người cũng đã được Cha của Giê-su "sáng tạo" (sic) ra cách đây khoảng từ 6000 đến 10000 năm, và trong khoảng từ 4000 đến 8000 năm trước khi Giê-su sinh ra đời có phải là Cha của Giêsu, và cũng là Giê-su, còn chưa hả dạ về sự chết chóc của con người nên mới không nghĩ đến chuyện tháo gỡ hay không? Vậy "tháo gỡ" chẳng qua chỉ là một loại thần học quảng cáo vô trách nhiệm, hoang đường, và những người tin vào sự "tháo gỡ" này không nghĩ đến cái mặt trái, nghĩa là cái mặt ác của nó, cái mặt ác này nặng hơn cái mặt thiện "tháo gỡ" nhiều.

Thứ nhì, chết không phải là sự ràng buộc. Ông sợ chết thì ông cho đó là sự ràng buộc. Tôi chẳng sợ chết, coi đó là chuyện tự nhiên của con người. Luật vô thường bao trùm vũ trụ. Thượng đế, Giê-su, các Thánh trong Ki-Tô Giáo, Giáo Hoàng, Hồng Y và v... v..., chẳng có ai thoát được cái chết. Nếu ông tin rằng có một cuộc sống đời đời, lẽ dĩ nhiên sau khi chết, dưới chân một người Do Thái, thì cứ việc tin. Tôi chẳng màng gì cái cuộc sống trong hoang tưởng đó. Vậy tôi cần gì đến sự "tháo gỡ" của Giê-su trong khi tôi biết rằng Giê-su cũng chẳng tháo gỡ được cho chính mình, vì huyền thoại "sống lại" và "thăng thiên" của Giê-su nay đã trở thành những chuyện hoang đường nhất trong những chuyện hoang đường.

Thứ ba, hình ảnh Thiên Chúa là hình ảnh như thế nào? Ông đã nhìn thấy Thiên Chúa bao giờ chưa? Ông có biết ở trên thế giới này có bao nhiêu quan niệm về Thiên Chúa khác nhau không? Ông được giáo hội dạy là Thánh Kinh viết rằng "con người là hình ảnh Thiên Chúa" nên ông chỉ biết nhắc lại mà không cần để tâm suy nghĩ xem cái hình ảnh Thiên Chúa đó là hình ảnh như thế nào. Phải chăng hình ảnh Thiên Chúa là hai người mù và trần truồng như Adam và Eve khi chưa ăn trái cây trên Cây Hiểu Biết? Phải chăng hình ảnh Thiên Chúa là một ông già mắt sâu, râu rậm, mũi lõ, ở trên trần thánh đường Phê-rô chỉ tay xuống? Phải chăng hình ảnh Thiên Chúa là những trẻ em ở Phi Châu không có cơm ăn, áo mặc, chỉ còn trơ bộ xương cứu Chúa? Phải chăng hình ảnh Thiên Chúa là cặp song sinh quái thai trong một gia đình Ca-tô ở bên Anh, hai đứa bé dính liền với nhau nhưng chỉ có một trái tim? Phải chăng hình ảnh Thiên Chúa là các đứa trẻ sinh ra đã mắc phải hội chứng Down? Phải chăng hình ảnh Thiên Chúa là giáo hoàng John Paul II, chân tay run rẩy, đi không vững, nói không ra hơi? Phải chăng hình ảnh Thiên Chúa là giáo hoàng dâm loạn Alexander VI, hay Stalin, hay Hitler? Phải chăng hình ảnh Thiên Chúa là những linh mục đi hiếp dâm mấy "sơ" trong 27 quốc gia, hay đi sờ mó, hiếp dâm trẻ con trong nhiều quốc gia? Ông đừng quên trong những linh mục này cũng như trong giáo hoàng John Paul II, Alexander VI đều đã có Chúa Thánh Thần, và cũng là Thiên Chúa, vào ngự để hướng dẫn tâm linh, đạo đức rồi đó. Tất cả những người trên đều là con người, vậy ông Tri có thể cho dân ngoại đạo chúng tôi biết hình ảnh nào là hình ảnh của Thiên Chúa, và cái hình ảnh Thiên Chúa đó có gì đáng để cho chúng tôi cần phải phục hồi trong khi con người của tôi chưa từng mang cái hình ảnh đó và cũng chẳng bao giờ muốn mang cái hình ảnh đó?

Thứ tư, ông Tri đã đọc Tân Ước chưa và dựa vào đâu mà ông dám khẳng định là Ngài (Giêsu) sống và rao giảng Đạo Tình Thương, Đạo của Tự Do? Ai dạy ông như vậy hay là ông biết rõ như vậy? Nhưng ông định nghĩa tình thương ra sao? Chúng ta sống ở trên trái đất mà các sinh vật là con người, cây cỏ, và những sinh vật khác trong đó có súc vật. Thỉnh ông hãy mở Tân Ước ra mà đọc Matthew 15: 21-28, Matthew 21: 18-21, Matthew 8:28-34 thì sẽ thấy rõ

"tình thương" của Giê-su đối với con người, cây cỏ, và súc vật

ra sao. Tôi tóm tắt ông nghe:

Chuyện thứ nhất, "Phúc âm" Matthew 15: 21-28 kể rằng: Có 1 người đàn bà xứ Canaan đến xin Giê-su chữa cho con gái bà ta đang bị quỷ ám. Giê-su không thèm trả lời bà ta một tiếng. Đệ tử của Giê-su (thầy với trò cùng một loại với nhau. TCN) yêu cầu Giê-su đuổi bà ta đi. Giê-su trả lời: "Ta được phái xuống đây chỉ để cứu dân Do Thái mà thôi." Người đàn bà kia năn nỉ thì Giê-su phán: "Lấy bánh của dân Do Thái mà ném cho mấy con chó nhỏ ăn thì chẳng tốt tí nào." (Ông Đỗ Mạnh Tri và các tác giả Tin Nhà Paris thử về soi gương xem mình có giống người Do Thái hay không rồi hãy tính đến chuyện tuyên truyền cho cái gọi là "cứu rỗi" của Giê-su. TCN). Đó là tình thương của Giê-su đối với con người. Vì không đọc Thánh Kinh cho nên ông Tri đã tin bậy tin bạ mà viết nơi trang 180: "Khi Giêsu tới, Ngài không phân biệt người Do Thái và người không Do Thái." Chúng ta hãy đọc thêm Matthew 10: 5-6: Giê-su phái 12 tông đồ đi truyền đạo với lời dặn: "Không được đi đến nơi nào có dân Gentiles, và không được vào thành phố nào của dân Samaritan, mà chỉ đi đến những con dân Do Thái bị lạc". [Không có Bùi Chu, Phát Diệm, Bolsa, Paris v…v… trong này] Thời buổi này, đâu có thể cứ viết bậy bạ theo đức tin của mình là được đâu. Ngày nay, người dân Việt Nam đâu có phải là những dân đánh cá Bùi Chu, Phát Diệm trong thế kỷ 17, 18?

Chuyện thứ hai, "Phúc âm" Matthew 21: 18-21 kể rằng: : "Sáng sớm, khi trở vào thành, Ngài cảm thấy đói. Trông thấy cây vả bên đường. Người lại gần nhưng không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi. Nên Người nói: "Từ nay, không bao giờ mày có trái nữa!" Cây vả chết khô ngay lập tức." Đó là tình thương của Giê-su đối với cây cỏ. Chúng ta cũng không nên quên rằng mùa đó không phải là mùa cây vả ra trái, và Giê-su có thể biến một cái bánh mì thành 100 cái bánh mì, thế mà sáng ra Ngài lại đói.

Và chuyện thứ ba, "Phúc âm" Matthew 8:28-34 kể rằng: "Có hai người bị quỷ ám gặp Chúa Giê-su và quỷ trong hai người đó van nài Chúa Giê-su đuổi chúng ra và cho nhập vào một bày heo. Chúa phán "đi ra", chúng liền nhập vào bầy heo và bắt cả bầy heo (độ 2000 con, theo Mark 5: 13) rông tuốt xuống sông chết đuối hết. Đó là tình thương của Giê-su đối với đàn súc vật 2000 con.

Ông Đỗ Mạnh Tri được dạy cho vài câu "out of context" về "tình thương" của Giê-su rồi nhắc lại như con vẹt mà không biết rằng những hành động của Giê-su không bao giờ đi đôi với lời nói. Cũng vì vậy mà Giám Mục Spong đã đưa ra nhận định là trong Phúc Âm có những đoạn chứng tỏ Giê-su là con người đầy thù hận, thiển cận và đạo đức giả như tôi đã trích dẫn ở trên.

Còn Giê-su rao giảng "tự do" ra sao, ông Tri không hề chứng minh mà chỉ nói lấy được.

Đọc Mark 16: 16-18 chúng ta thấy Giê-su phán:

"Ai tin và chịu phép báp-tem sẽ được cứu rỗi, kẻ nào không tin sẽ bị luận phạt. Những kẻ tin sẽ thực hiện được những phép lạ này: nhân danh ta đuổi quỷ, nói được ngôn ngữ mới, bắt rắn độc trong tay hay uống phải thuốc độc cũng không bị hại, đặt tay trên các người bệnh thì họ được lành."

Vậy tôi có tự do "không tin" hay "quay lưng lại Giê-su" không? Mặt khác, ông Tri chắc chắn là đã tin và đã chịu phép báp-tem rồi. Ông nói được tiếng Pháp, tiếng Anh là do ông học ở trường hay vì ông tin Giê-su? Tôi xin biếu ông một liều thuốc độc, ông có dám uống không? Ông hãy đến Vatican đặt tay lên giáo hoàng của ông xem ông ta có hết bệnh run rẩy chân tay không? Tôi chỉ hỏi vậy thôi chứ biết rằng ông không bao giờ trả lời vì ông không thể trả lời.

Trong Tân Ước chúng ta cũng còn đọc được những lời "Chúa phán" như sau:

Luke 8: 24: Nếu ngươi không tin ta là con Thượng Đế, ngươi sẽ chết trong tội lỗi của ngươi.

Luke 19:27 : Hãy mang những kẻ thù của Ta ra đây, những người không muốn Ta ngự trị trên họ, và giết chúng ngay trước mặt Ta.

Vậy ông Tri có thể cho chúng tôi biết cái "tự do" mà Giê-su rao giảng là cái thứ tự do như thế nào được không? Chỉ có cái tự do làm đầy tớ Chúa? Một sự kiện: tuyệt đại đa số dân chúng trên thế giới không muốn cái thứ tự do làm mất phẩm giá con người này.

 

4). Ông Đỗ Mạnh Tri Phịa Ra Tinh Thần "Tự Do" Của Ki-Tô Giáo

Bất kể đến nền thần học Ki Tô Giáo, đến lịch sử của giáo hội Ca-tô, ông Đỗ Mạnh Tri cương ẩu như sau nơi trang 183:

"Mọi người đều được Chúa gọi và mỗi người có quyền nghe theo tiếng gọi của Thiên Chúa hay quay lưng lại Thiên Chúa, bà Evà ăn trái cấm vì bà muốn thế: vậy con người, tuy không toàn năng, toàn trí, nhưng cũng có tự do ngang với Thiên Chúa, vì có thể nói "không" với Thiên Chúa, có thể từ chối Thiên Chúa. Bổn đồng ấu này thấm nhuần tây phương từ 2000 năm nay làm nên nguồn gốc dân chủ."

Ông viết như vậy để quảng cáo cho cái tinh thần "tự do" của Chúa ông. Nhưng mà đây chỉ là những lời hoa mỹ bịp bợm để lừa dối thiên hạ, vì chúng hoàn toàn giả dối. Ông định quảng cáo cho chiêu bài "tự do" và "dân chủ" của Ca-tô giáo để xóa bỏ cái lịch sử ô nhục đầy máu và nước mắt của giáo hội Ca-tô hoàn vũ hay sao? Nếu ai cũng có quyền quay lưng lại Thiên Chúa thì tại sao Ca-tô giáo lại đi đốt sách vở ngoại đạo, tổ chức 8 cuộc thánh chiến, thiết lập những tòa án xử dị giáo, làm tiên phong hay đồng hành với những thế lực thực dân Tây phương để truyền đạo, và ở Việt Nam đi cướp đất Chùa, phá hủy chùa chiền miếu mạo của người dân Việt để cắm cây thập ác, một cái giá gỗ để thực hiện cách hành quyết man rợ nhất trong lịch sử loài người của người La Mã khi xưa, lên đó? Ông Tri chắc chắn là có một cuốn Thánh Kinh nhưng chắc chỉ để cầm trong tay mà cầu nguyện chứ chưa từng mở ra đọc. Ông cũng quên luôn 10 điều răn của Thiên Chúa mà tôi chắc ông linh mục nào cũng dạy cho các con chiên trong nhà thờ. Chúng ta hãy đọc vài đoạn trong Cựu Ước:

"Xuất Hành (hay Xuất Ê-Gíp-Tô) 20: Ta là Thiên Chúa của các ngươi, đã giải phóng các ngươi khỏi ách nô lệ Ai Cập [Rõ ràng Thiên Chúa là Thiên Chúa của dân Do Thái mà thôi chứ không phải là Thiên Chúa của tất cả loài người. TCN]. Các ngươi không được thờ thần nào khác ngoài Ta [Điều này chứng tỏ Thiên Chúa cũng chỉ là một thần của dân Do Thái. TCN]..."

"Phục Truyền 5: Không được quỳ lạy và thờ hình tượng...ai phạm tội và ghét bỏ Ta, Ta sẽ trừng phạt người ấy và luôn cả con cháu người ấy cho đến đời thứ ba thứ tư" [Có điều luật nào trên thế gian dã man và ác độc hơn điều luật này không? TCN ]. Phục Truyền 7: "Phải tận diệt họ đi (những người quay lưng lại Thiên Chúa. TCN) không được thương xót...Phải đập phá bàn thờ, nghiền nát trụ thờ, cắt trụi những lùm cây, đốt sạch các tượng chạm của họ..."

Ấy thế mà tín đồ được dạy phải, Phục Truyền 6: 5: "Phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức kính yêu Thiên Chúa" và ông Đỗ Mạnh Tri cũng hùa theo điều dạy trên nhưng lại tán láo, trang 189: "Đạo KiTô là đạo Tình yêu. Vì "Thiên Chúa là Tình Yêu". Và "điều răn lớn nhất" là "phải yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn..(Matthew 22)".

Ông Tri trích dẫn câu trên từ Tân Ước, và cho đó là điều răn lớn nhất của Giê-su nhưng không biết rằng Giê-su cóp nhặt câu đó trong Cựu Ước

Ông nên nhớ rằng, theo thuyết Chúa Ba Ngôi thì Giê-su cũng là cha ông ấy, và ông ấy là người tin vào những luật lệ trong Cựu Ước nên ông ta tuyên bố, Mã-Thi-Ơ (Matthew) 5: 17-18: "Đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ luật pháp và lời tiên tri (trong Cựu Ước). Không, Ta đến để hoàn thành luật pháp và thực hiện các lời tiên tri. Ta nói quả quyết: Một khi trời đất vẫn còn thì không một chi tiết nào trong luật pháp bị xóa bỏ, trước khi mục đích luật pháp được hoàn thành."

Vậy thì tình yêu ở chỗ nào? đối với ai? Một đàn cừu thì trí khôn ở đâu mà yêu Chúa? Nếu có trí khôn thì đã chẳng viết bậy như trên. Từ những trích dẫn trong Thánh Kinh ở trên, nếu chúng tôi "quay lưng lại Thiên Chúa " của ông, hay "từ chối Thiên Chúa" của ông, là chúng tôi đã sử dụng quyền làm người đúng nghĩa là một con người và trí khôn của chúng tôi, chứ không phải là quyền của con người theo quan niệm của Ki Tô Giáo như ông viết nhảm nhí, hoàn toàn sai sự thực như trên, cốt chỉ để đánh bóng đạo của ông.

Bà Evà "ăn trái cấm vì bà muốn thế"? Nếu thế thì đó là cái quyền của bà Evà. Vậy tại sao cái đạo của ông lại phịa ra cái chuyện Thiên Chúa phạt loài người vì cái "tội tổ tông" không hề có đó, và con người cần phải "chuộc tội". Nếu đó là quyền quay lưng lại Thiên Chúa của bà Evà thì mắc mớ gì đến những người khác, và chuyện Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá để chuộc tội cho loài người chỉ là chuyện bịp bợm. Mà thật ra đó chính là chuyện bịp bợm, vì ngày nay trong cũng như ngoài giáo hội có còn mấy người tin vào chuyện "tội tổ tông" nữa đâu, trừ những người như ông Tri còn tin vào "Tin Mừng" Phúc âm tuy chưa bao giờ đọc Phúc âm. Ông Đỗ Mạnh Tri viết bậy là "Bà Evà ăn trái cấm vì bà muốn thế". Làm sao ông biết bà ta muốn như thế nào? Bà ta nói với ông là bà ta muốn thế hay sao? Ông đã đọc Thánh Kinh chưa? Theo Thánh Kinh thì khi đó bà Evà đâu có muốn gì , bà còn bị Thiên Chúa của ông Tri nhốt trong vòng ngu đần, còn mù và trần truồng, sau đó được một con rắn khuyên bảo nên mới ăn trái cấm để mở mắt ra mà biết phân biệt thiện, ác, phải, trái, và biết xấu hổ vì thấy mình đang trần truồng nên phải lấy lá che thân v..v.. Vì không muốn cho loài người có trí tuệ bằng mình, dù rằng cái trí tuệ của mình thuộc loại bán khai, chưa khai hóa, nên Thiên Chúa của ông Tri mới đày đọa loài người. Nhưng tất cả chỉ là chuyện phịa, vì trí tuệ loài người ngày nay đã vượt xa trí tuệ của Thiên Chúa trong Thánh Kinh rất nhiều. Tôi có cần phải chứng minh điều này không? Không cần, vì đọc Thánh Kinh với một đầu óc biết suy luận và với một số kiến thức sơ đẳng về khoa học là chúng ta có thể thấy ngay.

Cũng vì bà Evà "muốn ăn trái cấm" mà Thiên Chúa của ông Tri trừng phạt con rắn phải bò sát dưới đất. Tôi muốn hỏi ông Tri một câu: vậy trước khi bị Thiên Chúa của ông bắt phải bò sát dưới đất thì con rắn di chuyển bằng cách nào? Đi hai chân như ông chăng? Chuyện như vậy mà ngày nay cũng còn có người tin thì thật là lạ.

Ai cũng biết căn bản đức tin Ca-tô Giáo đặt trên những huyền thoại như con người sa ngã vì bà Evà và chồng Adam ăn trái cấm và Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại. Không có hai huyền thoại này thì không có Ki Tô Giáo. Nhưng ông Tri lại không biết rằng ngày nay các bậc thức giả có lương tâm trong Ki Tô Giáo đã coi những chuyện tầm phào như trên thuộc loại mê tín trước thời Darwin và vô nghĩa sau Darwin [A savior who restores us to our prefallen status is therefore pre-Darwinian superstition and post-Darwinian nonsense.] Các ông nên đọc để mà biết tại sao Giám mục Tin Lành John Shelby Spong lại viết bài đòi dẹp bỏ “Vai Trò Cứu Thế Của Giê-su” [http://www.sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN37. php] và Linh Mục James Kavanaugh lại viết về “ơn cứu rỗi” của Ca-tô Rô-MaGiáo và cho đó chỉ là một “huyền thoại” [http://www.sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN36.php]

Ông muốn tuyên truyền cho đạo của ông thì đó là quyền của ông. Nhưng có viết thì cũng phải viết cho khéo chứ viết một cách lắt léo sai sự thực như vậy thì thật quả ông đã quá coi thường độc giả. Ông tưởng rằng ông muốn viết sao người ta cũng phải tin hay sao? Thời đại các cha nhà thờ nói, người dân chỉ có quyền nghe đã qua lâu rồi.

5). Thủ Đoạn Truyền Đạo Thiếu Lương Thiện Của Ông Đỗ Mạnh Tri

Từ những bằng chứng hiển nhiên trong Tân Ước, tôi phải kết luận về câu truyền đạo của ông Đỗ Mạnh Tri như trên ra sao? Tôi chỉ có thể nghĩ ra ba trường hợp: một là ông Tri chưa bao giờ đọc Thánh Kinh, hai là ông Tri có đọc Thánh Kinh nhưng chỉ đọc những đoạn mà người ta bảo ông đọc, và ba là ông Tri có đọc kỹ Thánh Kinh nhưng vì là một tín đồ Ca-tô thuộc loại cuồng tín nên ông đã không đếm xỉa gì đến vấn đề lương thiện trí thức và đây chính là căn bệnh chung của đa số tín đồ được gọi là trí thức Ca-tô Việt Nam.

Những điều ông Tri viết ở trên đã chứng tỏ rõ ràng ông thuộc loại thứ ba. Tôi còn có thể chứng minh điều này qua một đoạn ông ta viết trong một phần sau. Nơi trang 171 ông Tri viết về sự kiện ngày 12 tháng 3 năm 2000, giáo hoàng Gioan PhaoLô II đã "long trọng cử hành lễ xưng tội" (sic) [Hay thật, gây ra tội ác rồi long trọng cử hành "lễ xưng tội". Mafia có nhiều lễ xưng tội nhất. TCN] sáu loại tội. Tội thứ 5 là: "e) tội không tôn trọng phẩm giá người phụ nữ..." rồi ngay ở gần cuối trang ông viết: "..nhưng trong lịch sử đã có tôn giáo nào, văn minh nào tôn trọng và bênh vực người phụ nữ bằng Ki Tô giáo nói chung và Công giáo nói riêng?".

Vậy tại sao giáo hoàng của ông lại phải "long trọng" xưng tội là không tôn trọng phẩm giá người phụ nữ.? Chúng ta đã thấy rõ sự lương thiện trí thức của ông Tri ở mức nào. Nhưng điều đáng nói ở đây không phải là sự bất lương trí thức (intellectual dishonesty) của ông Tri mà là kiến thức của ông ấy về ngay chính giáo hội Ca-tô, về sử Việt Nam, khoan nói đến có một chút kiến thức nào về các tôn giáo khác. Chắc ông đã nghiên cứu kỹ về các tôn giáo khác nên mới dám viết "đã có tôn giáo nào.."? Ông biết được bao nhiêu về các tôn giáo khác? Chính tôn giáo của ông, ông còn mù mờ, chỉ viết tầm bậy thôi, làm sao ông dám viết vu vơ về các tôn giáo khác? Cho ông biết một chút về Phật Giáo: Ngay trong thời Đức Phật tại thế, trước Giê-su cả 500 năm, Phật Giáo đã có “Tứ Chúng Bình Đẳng”: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Nam Cư Sĩ, Nữ Cư Sĩ. Bây giờ ông hãy nhìn lại cái đạo Chúa của ông.

Lịch sử Ca-tô Rô-maGiáo, từ ngày đầu cho đến ngày nay, chưa từng bao giờ tôn trọng phụ nữ. Chúng ta hãy nghe chính giáo hoàng John Paul II thú nhận năm 1994:

"Phụ nữ đã từng bị hiểu lầm về nhân cách của họ, xuyên tạc bóp méo những quyền của họ, đặt họ ra ngoài lề và ngay cả hạ họ xuống hàng nô lệ." (Women have been misunderstood in their dignity, misrepresent in their prerogatives, marginalized and even reduced to slavery) [Maureen Fiedler & Linda Rabben, Rome Has Spoken..., p. 119)

Tuy vậy mà John Paul II, vì là đại diện của Giê-su trên trần, nên vẫn hành xử giống như Giê-su: nói một đàng, làm một nẻo. Trong Lá Thư Tông Đồ (Apostolic Letter) Ordinatio Sacerdotalis, 1994, ông ta khẳng định:

"Tôi tuyên bố rằng giáo hội không hề có một quyền hạn nào để phong chức linh mục cho phái nữ và rằng mọi tín đồ phải dứt khoát tuân giữ điều phán quyết này."

(I declare that the church has no authority whatsoever to confer priestly ordination on women and that this judgment is to be definitively held by alll the faithful.) [Ibid., p. 119)

Khi được hỏi là đây có phải là một phán quyết về đức tin (deposit of the faith) không thì tòa thánh trả lời: Đúng như vậy. Điều này có nghĩa là, một phán quyết về đức tin thì tín đồ phải tin, nhắm mắt hay mở mắt mà tin, chứ không được nghi ngờ hỏi han chất vấn gì hết.

Thật ra thì người ta đã biết Gioan PhaoLô II coi phụ nữ như thế nào. Ida Magli, một nhà nhân chủng học Ý đã nói:

"Giáo hoàng John Paul II luôn luôn nhìn phụ nữ trong chiều kích sinh lý của họ - hoặc là những bà mẹ hoặc là những nữ trinh phải đi theo mẫu mực của bà Maria đồng trinh (sau khi sinh ra 7 đứa con. TCN); hoặc họ là cái máy đẻ hoặc họ không được giao hợp. Wojtyla không bao giờ coi phụ nữ như là những con người như ông ta coi đàn ông như là một con người." [15]

Về nền văn minh thì từ cổ xưa, văn minh Việt Nam đã tôn trọng phụ nữ. Nếu không lịch sử Việt Nam ắt không thể có Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương v..v... Trong gia đình, người đàn bà Việt Nam thường được gọi là Nội Tướng v..v..

Không biết lịch sử nước nhà, không biết lịch sử giáo hội Ca-tô Rô-ma, không biết gì về các tôn giáo khác, ông Đỗ Mạnh Tri đã viết một cách trơ trẽn rằng giáo hội của ông đứng hạng nhất trong vấn đề tôn trọng phụ nữ trong khi sự thực lại trái hẳn lại.

Mời các ông hãy đọc vài lời “thánh phán” của các Thượng Phụ Ca-Tô về phụ nữ như sau:

Thánh Augustine (354-430) (cha đẻ của nền Thần học Ca Tô và được Ca Tô Giáo tôn sùng, coi như là có trí tuệ "siêu việt", tác giả cuốn Đô Thị Thiên Chúa (City of God)):

Người đàn bà, khi xét cùng với chồng, là hình ảnh của Thượng đế.., nhưng khi xét riêng là đàn bà...thì không phải là hình ảnh của Thượng đế, nhưng đối với người đàn ông xét riêng, thì đó là hình ảnh của Thượng đế."

(The woman, together with her own husband, is the image of God..., but when she is referred to separately..the woman alone, then she is not the image of God, but as regards the man alone, he is the image of God.)

Thánh John Chrysostom (347-407):

"Trong những thú dữ, không có con nào gây hại như một người đàn bà"

(Among savage beasts none is found so harmful as a woman)

Thánh Anthony (1195-1231):

"Khi các ngươi thấy một người đàn bà, hãy coi như là các ngươi đối diện với, không phải là một con người mà chính là một con quỷ. Tiếng nói của người đàn bà là tiếng phun phì phì của con rắn."

(When you see a woman, consider that you face not a human being, but the devil himself. The woman's voice is the hiss of the snake.)

Đó là tôn trọng và bênh vực phụ nữ của Ca-Tô giáo hay sao? Nếu tôn trọng phụ nữ như ông Tri viết thì tại sao ngày nay lại có vụ các linh mục alias “Chúa thứ hai” đi hiếp dâm các chị em tâm linh của mình (sơ) trên 27 quốc gia và có nhiều trường hợp còn bắt họ đi phá thai trong nhà thương Ca-tô. Các ông cứ nhắm mắt viết càn viết bậy về đạo của mình mà không biết đến thực chất của đạo mình. Cái ngục tù tâm linh của Ca-tô Rô-MaGiáo ngay cả đối với giới trí thức thật là dễ sợ.

 

6). Ông Đỗ Mạnh Tri Ca Tụng Vai Trò "Mẹ và Thầy" Của Giáo Hội

Chúng ta hãy đọc tiếp ông Đỗ Mạnh Tri ca tụng vai trò của giáo hội ở Tây phương:

"Giáo hội khủng khoảng có nghĩa: Tây phương đương lung lay ở chính cái gốc. Nếu người ta chú ý nhiều đến giáo hội là vì trong lịch sử, giáo hội đã là "Mẹ và Thầy" của Tây phương, kể cả khi Tây phương chống lại giáo hội. Vì chống lại "Mẹ và Thầy" như Tây phương thường làm cũng là một truyền thống xuất phát từ trong lòng giáo hội."

Lịch sử Tây phương viết rõ rằng, khi giáo hội Ca-tô Rô-ma ở vị thế chỉ đạo tinh thần, tự nhận vai trò "Mẹ và Thầy" thì Tây phương rơi vào 1000 năm của thời đại đen tối hay thời đại hắc ám (The dark ages) hay thời đại đen tối trí thức (intellectual darkness). Tại sao Tây phương chống lại giáo hội và chống lại để làm gì. Theo John Remsburg trong cuốn False Claims thì Tây phương đã chống lại giáo hội để tước khỏi những bàn tay đẫm máu của giáo hội bó củi để thiêu sống người và lưỡi gươm để giết người. (The fagot and the sword have been wrested from her bloody hands..)

Giáo hội dựa vào quyền lực của bó củi và thanh gươm để đưa Âu Châu vào vòng thống trị của giáo hội ngụy trang dưới những danh từ hoa mỹ tự nhận là giáo hội đóng vai trò "Mẹ và Thầy". Các Giám mục, linh mục đều dạy cho đám con chiên, rằng giáo hội là "Mẹ và Thầy" của Tây phương. Và các con chiên, vốn không bao giờ biết đến lịch sử của Tây phương, cứ cúi đầu tin như vậy. Mẹ đã nuôi nấng đàn chiên như thế nào, hay chỉ lùa chúng vào trong một ngục tù tâm linh của giáo hội. Thầy đã dạy đàn chiên những gì, hay chỉ nhồi nhét vào đầu họ những điều mê tín hoang đường và bắt họ phải cúi đầu tuân theo “đức vâng lời”? Ngoài ông Đỗ Mạnh Tri ra còn có ông Đoàn Thanh Liêm cũng tin vào vai trò "Mẹ và Thầy" của giáo hội. Nhưng ông Liêm viết về vai trò này thành thực hơn, không theo kiểu viết của ông Tri, trang 108:

"Giáo hội vẫn còn xa lạ với vai trò làm Mẹ và Thầy (Mater et Magistra) tại nhiều lãnh vực văn hóa xã hội."

Điều này chứng tỏ giáo hội chưa bao giờ xứng đáng là Mẹ và Thầy như giáo hội từng tự nhận trước đám con chiên ngoan ngoãn, bảo sao tin vậy, dắt đi đâu phải đi đó, không hề biết mình đang bị dắt xuống vực thẳm của trí thức. Chúng ta hãy đọc lời tóm tắt sau đây nơi trang bìa sau của cuốn "Cái Mặt Đen Tối Của Lịch Sử Ki Tô Giáo" (The Dark Side of Christian History), tác giả là học giả Helen Ellerbe.

"Trong khoảng thời gian gần 2000 năm, giáo hội Ki-Tô đã đàn áp và bạo hành nhiều triệu người trong toan tính kiểm soát và ngăn chận vấn đề tâm linh của con người. Cuốn Cái Mặt Đen Tối Của Lịch Sử Ki Tô Giáo phanh phui với chi tiết tỉ mỉ những thảm họa, đau khổ và bất công mà giáo hội đã giáng lên nhân loại. Tác phẩm vạch trần sự thật này là một đòi hỏi hấp dẫn và nồng nhiệt cho nhân phẩm và sự tự do trong vấn đề tâm linh" [16]

Với một lịch sử đen tối như vậy, và với sự cáo thú trước thế giới 7 núi tội lỗi của giáo hội ngày 12-3-2000, vậy mà ông Đỗ Mạnh Tri vẫn có thể viết một cách huênh hoang trơ trẽn rằng giáo hội là "Mẹ và Thầy" của Tây phương. "Mẹ và Thầy" dạy dỗ Tây phương những gì? Đốt sách vở ngoại đạo? gây thánh chiến? thiết lập tòa án xử dị giáo? săn lùng phù thủy? bách hại dân Do Thái? không tôn trọng quyền các dân tộc, nền văn hóa, tôn giáo khác? không tôn trọng phẩm giá phụ nữ? chống lại những quyền căn bản của con người? như giáo hội đã từng thú tội trước thế giới. Ông Đỗ Mạnh Tri còn thiếu lương thiện khi nêu sáu loại tội của giáo hội trong 2000 năm qua, trong đó ông viết tội thứ ba như sau: "c) tội kỳ thị dân Israel (khinh miệt, thù ghét, và nhất là những yên lặng)." Giáo hội chỉ có khinh miệt và thù ghét dân Israel hay sao? Giáo hội không giết người Do Thái nào hay sao? Lịch sử giáo hội ngập máu người Do Thái, ai mà chẳng biết? Ông Tri cũng viết bỏ ngỏ "những yên lặng". Yên lặng trước những gì? Ông tưởng ông không viết ra thì không ai biết hay sao. Cuốn "The Hitler's Pope" đã xuất bản từ lâu rồi đấy. Tới đây hẳn chúng ta đã thấy bộ mặt thật của con người trí thức Ca-tô Đỗ Mạnh Tri.

7). Ông Đỗ Mạnh Tri Ca Tụng Đạo Đức Của Giới Chăn Chiên.

Chúng ta đã biết, ông Đỗ Mạnh Tri coi "vấn đề luân lý là phụ". Điều quan trọng nhất đối với ông Tri là "phải hết lòng yêu Chúa, hết linh hồn, hết trí khôn" giả thử là ông ấy có một linh hồn và có trí khôn. Nhưng rồi ông viết tiếp để ca tụng vấn đề luân lý đạo đức của giới chăn chiên như sau, trang 176:

"Nói gì thì nói, trên bình diện luân lý, trong lịch sử giáo hội chưa có thời nào giáo sĩ, tu sĩ và giáo phẩm đáng kính phục như ngày nay."

Chúng ta hãy thử duyệt qua xem trên bình diện luân lý, ngay trong thời nay, giáo sĩ, tu sĩ và giáo phẩm Ca-tô đáng kính phục như thế nào.

Về giáo hội Ca-tô Việt Nam, tôi đề nghị ông Đỗ Mạnh Tri, nếu chưa đọc thì hãy kiếm đọc tờ trình của 12 môn đệ của linh mục Nguyễn Hữu Trọng ở bên nhà gửi giáo hoàng Gioan PaoLô II ngày 8 tháng 12, 1997, trong đó có "nhắc tới" Tin Nhà Paris. Tờ trình này bị lọt ra ngoài và được đăng trong phần Phụ Lục của cuốn "Tại Sao Không Theo Đạo Chúa, Tuyển Tập 2, 1998" của Ban Nghiên Cứu Đạo Giáo ở Texas. Tờ trình này dài 18 trang nhưng tôi chỉ xin trích dẫn vài đoạn trong đó:

"Cha già Trọng dạy chúng con rằng, trên thế gian này, từ đức giáo hoàng trở xuống không ai thoát được 3 chước cám dỗ: quyền lực, tiền tài và sắc dục...

Các giám mục, linh mục của chúng ta thường làm ngược lời Chúa, tranh thủ quyền lực, tiền tài, cấu kết với các thế lực để mở mang nước Chúa, nên đã sa vào con đường sắc dục một cách bệnh hoạn, quấy rối tình dục một cách bừa bãi, trẻ không tha, già không thương, làm cho linh mục sao nhãng việc truyền giáo và ham mê việc truyền giống...

Giáo dân trình lên bề trên những yếu đuối của các linh mục thì thường được dạy bảo rằng: "Các con đừng nói hành các cha kẻo mắc tội với Chúa, đừng xét đoán các cha kẻo bị Chúa phán xét". Nghe dạy như thế, nhiều giáo dân sợ hãi vô cùng, phải nhắm mắt làm ngơ trước những đồi bại của các linh mục ma giáo, khéo che đậy và nịnh bợ các đấng bề trên...

Nhiều linh mục VN thường thường hễ lên tòa giảng là thao thao bất tuyệt lên giọng dạy đời, chửi bới giáo dân, dùng lời Chúa xỏ xiên đàng này đàng khác, hoặc văn chương lả lướt, ăn nói bạt mạng, chọc quê chọc cười cho giáo dân vui tai...

Linh mục Lê Minh Châu, ở nhà thờ Hiển Linh, Q. 6, chẳng những là giảng bậy bạ mà còn quan hệ tình dục bừa bãi như Tây. Đức cha Nghi và LM Huỳnh Công Minh đã quyết định thuyên chuyển cha này về giáo xứ Cầu Kho thay thế LM Felix Nguyễn Văn Thiện, đang được bà con lương giáo rất quý mến. Nhiều giáo dân Hiển Linh nói rằng chúng tôi đã chịu đựng cha Châu quá ê chề, nên cho ông về vườn, không nên đổi đi kẻo lan truyền "Sida Thánh" sang giáo xứ khác, bắt nơi khác phải chịu gương mù gương xấu càng ngày càng đồi tệ của linh mục này...[Đây cũng là sách lược thuyên chuyển các linh mục phạm tội cưỡng bách tình dục trẻ con của hồng y Bernard Law ở Boston như chúng ta sẽ thấy trong một phần sau. TCN]...

Giáo phận Saigon có một số giáo xứ nổi tiếng về truyền thống có các linh mục truyền giống như Xóm Chiếu, Thị Nghè, Vườn Xoài, Tân Định...Hội đồng giáo xứ Tân Định biết rõ các LM bê bối của mình, nhưng không dám làm gì cả, sợ mang tiếng..."

Đó là những tác phong, hành động đạo đức, luân lý "đáng kính phục" nhất trong mọi thời đại của một số linh mục ở Việt Nam ngày nay, theo như nhận định của ông Đỗ Mạnh Tri. Còn giới chăn chiên ngoại quốc thì ra sao?

Ở bên Pháp không có TV Mỹ và báo chí Mỹ và dù có ông Tri cũng không xem, không đọc, nên ông Tri không biết đến những chuyện ô nhục trong giáo hội của ông mà TV Mỹ và báo chí Mỹ đã phanh phui cho đại chúng biết. Sau đây là vài chuyện điển hình.

Tôi nhớ đến vụ kiện gần đây ở Québec, Canada, đòi bồi thường hơn một tỷ đô la (a 1.2 billion lawsuit) cho các nạn nhân của các "sơ" trong một viện mồ côi, các "sơ" mặc áo xám, (gray nuns), những người đã hành hạ trẻ em trong viện cho đến chết, và cố ý làm tật nguyền một số em, thí dụ như chọc thủng màng tai của chúng để lấy thêm trợ cấp của chính phủ, $2.50 cho mỗi em bị tật nguyền thay vì 75 xu mỗi ngày cho các em lành lặn, do chương trình TV Prime Time của đài ABC đưa lên; và chuyện trong một viện mồ côi khác, các "sơ" dội nước sôi lên các em để trừng phạt tội vì đói quá nên ăn cắp thức ăn các "sơ" dùng để nuôi thỏ, do chương trình 60 Minutes của đài CBS đưa lên; cũng như chuyện mấy "sơ" ở Rwanda bị ra tòa về tội cung cấp dầu xăng để thiêu sống một số dân khác đạo v..v..

Có lẽ chúng ta cũng không nên quên rằng, tháng 3 năm 2001, báo chí thế giới đã phanh phui ra những vụ "Cha cũng như Chúa" hay “Chúa thứ hai” cưỡng hiếp một số "sơ" trong 27 quốc gia kể cả ở Mỹ, Ý, Ái Nhĩ Lan, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Ba Tây v..v.. và cưỡng bách họ vào các nhà thương Công Giáo để phá thai khi họ mang thai. Tòa Thánh đã phải lên tiếng thú nhận có vấn đề ô nhục này nhưng vẫn lừa dối quần chúng với luận điệu: "Chuyện chỉ xảy ra trong một vùng địa dư mà thôi". Tờ Orange County Register ngày 31 tháng 3, 2001 có bài của Chris Hedoes thuộc New York Times trong đó có vài chi tiết như sau: Ở Malawi, trong một giáo xứ có tới 29 "sơ" bị các ông linh mục làm cho mang thai. Khi bà sơ bề trên than phiền với ông Tổng Giám Mục thì bà ta và các "sơ" mang bầu bị đổi đi nơi khác. (..In Malawi, where 29 sisters in a single congregation "became pregnant by priests in the diocese". When the sisters' superior general complained to the archbishop, she and the sisters were replaced.); "..linh mục khuyên các "sơ" nên uống thuốc ngừa thai, nói dối họ là để đề phòng sự truyền nhiễm của bệnh AIDS" (..priest "recommending that sisters take a contraceptive, misleading them that the pill will prevent transmission of HIV). Chúng ta cũng nên nhớ rằng, giáo hoàng Gioan PhaoLô II vẫn tuyệt đối cấm tín đồ không được dùng thuốc ngừa thai. Nhưng chúng ta cũng lại biết rằng Vatican có cổ phần trong một công ty chế tạo thuốc ngừa thai, phải chăng chỉ để riêng cho các "sơ" dùng theo sự khuyên bảo của linh mục bề trên. Đó là những chuyện đáng kính phục nhất về luân lý của giáo sĩ, tu sĩ, và giáo phẩm Ca-tô, trong thời đại này, theo quan niệm của ông Đỗ Mạnh Tri.

Ai cũng biết đến vấn đề tai tiếng sôi nổi thế giới của giáo hội Ca-tô, một vấn đề đã kéo dài liên tục ngày này sang ngày khác suốt từ tháng 1, 2002 cho đến ngày nay: vấn đề loạn dâm của một số không nhỏ các vị "lãnh đạo tinh thần" con chiên, từ hồng y trở xuống, và những biện pháp che dấu của giáo hội.

Vấn đề loạn dâm và ấu dâm trong giới hàng giáo phẩm Ca-tô đã nổ ra ở Boston vào đầu năm 2002, nhưng không phải đến 2002 mới nổ ra. Nó đã bị phanh phui từ trên dưới 20 năm nay ở Mỹ, và nhiều cuốn sách viết về vấn đề này đã được xuất bản. Chúng ta có thể kể tên vài cuốn điển hình: Betrayal of Trust: Clergy Abuse of Children của Annie Laurie Gaylor, 1988; Unholy Orders: Tragedy at Mount Cashel của Michael Harris, 1990; Lead Us Not To Temptation: Catholic Priests and the Sexual Abuse of Children của Jason Berry, 1992; A Gospel of Shame: Children, Sexual Abuse, and the Catholic Church của Elinor Burkett & Frank Bruni, 1993; Sex, Priests, and Power: An Anatomy of a Crisis của A.W. Richard Sipe, 1995; và Pedophiles and Priests: Anatomy of a Contemporary Crisis của Philip Jenkins, 1996, ngoài những bài viết về vấn đề này trên các Nhật Báo hay Tuần Báo, và tin tức trên TV.

Đây là một vấn đề ô nhục rất nghiêm trọng đã xảy ra trong cái gọi là "hội Thánh" và đã làm giảm uy tín của Giáo hội và niềm tin của tín đồ không ít. Lẽ dĩ nhiên, giới tín đồ thấp kém thường rất ít đọc sách báo và những người trong hàng giáo phẩm của "hội Thánh" dù có biết cũng chẳng bao giờ nói ra cho nên đa số vẫn mù tịt và tin tưởng rằng "hội Thánh" của họ đích thực là một "hội Thánh", và các hồng y, giám mục, linh mục, những người giữ vai trò của Chúa trên trần, tất nhiên phải là những người đạo đức nhất trần gian, đáng kính phục nhất, như ông Đỗ Mạnh Tri đã ca tụng mà không biết ngượng ở trên.

Có lẽ chúng ta cũng nên đọc vài tài liệu trước đây về vấn đề ô nhục này.

Trong cuốn Một Phúc Âm Nhục Nhã: Vấn Đề Lạm Dụng Tình Dục và Trẻ Em và Giáo Hội Công Giáo (A Gospel of Shame: Children, Sex Abuse and the Catholic Church), công trình của hai tác giả Elinor Burkett và Frank Bruni được mô tả như sau:

"Cuốn sách dùng những cuộc phỏng vấn các nạn nhân để khảo sát vị thế dễ bị lạm dụng duy nhất của trẻ em trước các linh mục, và các linh mục phạm tội để tìm hiểu về đời sống cô độc nguy hiểm của họ. Cuốn sách đưa ra những tài liệu về sự bất lực của công tố viên, chánh án, tâm lý gia và ký giả trong việc canh chừng, kiểm soát các giám mục, những người đã dùng cả triệu đô-la để bảo vệ tiếng tăm của giáo hội hơn là bảo vệ các tín đồ." [17]

Với cùng một đề tài nghiên cứu, Jason Berry đã đưa ra những sự kiện và tiên đoán sau đây trong cuốn Xin Đừng Cám Dỗ Chúng Con (Một câu trong Thánh Kinh. TCN): Linh Mục Ca-tô và Vấn Đề Cưỡng Bách Tình Dục Trẻ Em (Lead Us Not To temptation: Catholic Priests and the Sexual Abuse of Children):

"Sự thật là, ở Bắc Mỹ, từ 1984 đến 1992, 400 linh mục Ca-tô đã bị tố cáo là sách nhiễu tình dục trẻ em. Cho tới nay (1992) Berry ước tính là Giáo hội đã bỏ ra hơn 400 triệu đô-la để giải quyết những vụ trên. Một sự nghiên cứu dự phóng là Giáo hội sẽ phải tiêu 1 tỷ đô-la trước khi thế kỷ này chấm dứt." [18]

Sự ước tính trên đã ở dưới mức thực sự, vì giáo hội đã phải bỏ trên trên 1 tỷ đô-la. Nguyên một vụ ở Dallas đã làm cho giáo hội tốn $120 triệu rồi. Linh mục Andrew Greely, giáo sư Xã Hội Học tại đại học Chicago, đã đưa ra nhận dịnh rất đúng về cuốn sách của Jason Berry như sau:

"Tôi biết rõ đến nhiều vụ và tình trạng mà Jason Berry viết. Tôi có thể bảo đảm với độc giả là, theo sự hiểu biết của tôi, những gì Berry đưa ra là chính xác và dè dặt, nếu không muốn nói là quá bảo thủ. Ấn tượng vững chắc của tôi là tình trạng thực sự tệ hơn là những điều viết trong sách. Tôi cho rằng, khi đọc qua những trang sách này, chúng ta sẽ cảm thất rất giận, không hẳn là chỉ giận những kẻ đã gây ra tội lỗi vì chính họ cũng thường là, nếu không muốn nói luôn luôn là, nạn nhân khi còn nhỏ tuổi, mà là giận vai trò lãnh đạo trong Ca-tô giáo. Các giám mục có vẻ như được đào luyện giống nhau để cùng tìm các dấu diếm, che chở, hối lộ, lạnh lùng, và thường là lại bổ nhiệm trở lại giáo phận những người mà họ biết là mối nguy hại cho đám tín đồ." [19]

Trong cuốn Phản Bội Sự Tin Cậy (của tín đồ. TCN): Sự Lạm Dụng Trẻ Con Của Giới Giáo Sĩ (Betrayal of Trust: Clergy Abuse of Children), tác giả Annie Laurie GayLor đã đưa ra nhiều trường hợp Linh mục Ca-Tô phạm tội sách nhiễu tình dục trẻ con.

Vụ "linh mục loạn dâm" nổ ra ở Boston đã đưa đến những hậu quả gì?

- Hồng Y Bernard Law cai quản giáo phận Boston, trước đây đã bào chữa cho biện pháp thuyên chuyển của ông, nay đã phải rút lại lời nói và xin lỗi các giáo dân (The cardinal, Bernard Law, who had previously defended the archidiocese's handling of the case, recanted and apologized.) Tờ Boston Globe cũng phanh phui ra chuyện Giáo phận Boston đã kín đáo bồi thường 10 triệu đô-la để dàn xếp vào khoảng 50 vụ án chống Geogan. Hồng Y Law đã xin lỗi và trao cho chính quyền tiểu bang tên tuổi của 60-70 linh mục can tội cưỡng bách tình dục trẻ em trong vòng 40 năm qua, đảo ngược chính sách trước đây của ông ta, dàn xếp kín đáo nội vụ trong nội bộ giáo hội. Hiện còn 86 vụ kiện linh mục Geogan đang chờ để xét xử (pending), và trong một số những đơn kiện này, tín đồ đã nêu đích danh hồng y Law và kết tội ông là không bảo vệ được những trẻ em trong giáo phận của ông.

- Một vài linh mục trong giáo phận này cảm thấy quá nhục nhã cho nên không còn đeo cái cổ trắng trước công chúng nữa (A few are said to be so humiliated that they've stopped wearing their collars in public).

- Khoảng một nửa số 2 triệu giáo dân ở Boston mong muốn hồng y Law từ chức nhưng ông ta bác bỏ đề nghị này và tuyên bố: "Đức tin của chúng ta không đặt trên những chiều gió thay đổi của quan niệm quần chúng." (Our faith doesn't rest on the shifting winds of popular opinion). Nhưng chúng ta biết rằng ông ta đã chuồn về Vatican chỉ mấy giờ đồng hồ trước khi trát đòi ông ra hầu tòa tới nơi. Và ông ta đã được giáo dân Việt Nam đón tiếp tưng bừng trong cái gọi là “năm thánh Ca-tô” ở Việt Nam. Thật là không biết nhục.

Phản ứng đầu tiên của Vatican là đưa ra một số điều luật thuộc thời Trung Cổ qui định mọi trường hợp linh mục lạm dụng tình dục trẻ em sẽ do những tòa án tôn giáo của tòa thánh xử kín. Biện pháp này của Vatican đã bị cả thế giới lên án, chỉ trích. Trong tờ Chicago Tribune ngày 11 tháng 1, 2002, Donna Freedman viết như sau:

"Những luật mới của Vatican qui định là những tòa án của giáo hội sẽ xét xử kín những vụ linh mục lạm dụng tình dục trẻ em đã bị những người ủng hộ quyền của các nạn nhân chỉ trích. Họ nói, chính sách này kéo dài bất tận cách giải quyết bí mật những vụ trên... Những nạn nhân bị tổn hại tới hai lần - mới đầu bởi chính sự lạm dụng, và rồi bởi cái tấm vải liệm những bí mật chung quanh sự việc...

Tom Economus, chủ tịch tổ chức Linkup, một tổ chức ở Chicago ủng hộ các nạn nhân, cho rằng những luật mới trên là để phục vụ các linh mục phạm tội. Ông nói: "Anh có cơ hội để được xét xử trong tòa án riêng của anh ở trong giáo hội. Đó là cảnh con cáo giữ nhà cho con gà. Họ mở cuộc điều tra nhưng chúng ta không thể biết là cuối cùng có những gì sẽ xảy ra." [20]

Vatican chưa rút lại những điều luật thuộc thời Ca-tô giáo thống trị Âu Châu trên, nhưng chẳng có ai tuân theo những điều luật đó vì càng ngày các tín đồ càng phanh phui ra nhiều vụ khác và đưa ra các vụ này ra tòa án dân sự.

Ngày 21 tháng 3, 2002, giáo hoàng John Paul II phát ngôn rằng "Một bóng tối nghi ngờ" đã phủ lên toàn thể các linh mục bởi một vài trong những anh em của chúng ta đã phản bội ân sủng kêu gọi của Chúa" (A dark shadow of suspicion had been cast over all priests by some of our brothers who have betrayed the grace of ordination..).

- Có những bà mẹ Ca-tô trước đây vẫn ngày ngày cầu nguyện, mong cho con mình trở thành linh mục để làm rạng danh cả nhà, ngày nay lại khuyên các con đừng có đến gần các linh mục.

- Ở Boston, một giáo sư đại học Harvard đã lên tiếng chính thức khuyên các tín đồ đừng đóng tiền cho giáo hội cho đến khi nào giáo hội bạch hóa sự tiêu pha tiền của giáo dân.

- Trong tờ Chicago Tribune ngày 15 tháng 4, 2002, Marty Nachel viết:

"Có thời điểm nào tốt hơn là bây giờ để cho những tín đồ công giáo tiến bộ, thông minh và can đảm cắt bỏ những ràng buộc với Vatican? Nay chính là thời điểm toàn hảo để cho chúng ta vứt bỏ cái gông cùm tuân phục giáo hoàng và sự kiêu căng của định chế Ca-tô để theo đuổi những thay đổi trong những vấn đề thời đại như kiểm soát sinh sản, lối sống độc thân của các linh mục, và phái nữ được làm linh mục, ngoài những vấn đề khác.

Martin Luther ly khai với giáo hội công giáo năm 1521 vì ông ta tin rằng giáo hội đồi bại và phá sản tinh thần. Hầu như trong 500 năm qua chẳng có gì thay đổi mấy" [21]

- Ngoài hồng y Bernard Law ở Boston, hồng y Edward Egan ở giáo phận New York, hồng y Roger Mahony ở California cũng bị con chiên tố khổ.

- Tổng Giám mục Juliuz Paetz ở Ba Lan, người bạn thân của giáo hoàng John Paul II và được giáo hoàng nâng chức mau lẹ, đã từ chức vì những lời cáo tội của con chiên.

- Linh mục Don A. Rooney ở Cleveland, Ohio, tự tử chết vì không chịu nổi sự ô nhục khi bị cáo là lạm dụng tình tục một em bé gái cách đây 20 năm.

- Luật sư Sylvia Demarest, người thắng vụ kiện ở Dallas làm cho giáo hội công giáo phải bồi thường cho nạn nhân 119 triệu đô la, tuyên bố với tờ Washington Post là danh sách các linh mục can tội lạm dụng tình dục trẻ em mà bà thâu thập cho đến ngày nay đã lên tới con số 1500 người.

- Mike Luckovich đã vẽ một bức hình hí họa về Chúa Ba Ngôi (Holy Trinity) trên tờ Chicago Tribune ngày 14 tháng 4, 2002, và ghi là "Lạm Dụng, Che Đậy, và Từ Chối Cải Cách" (Abuse, Cover-up and Refusal to Reform) thay vì "Cha, Con, và Thánh Thần".

Ngoài ra chúng ta còn có thể đọc những đầu đề trên báo chí như: "Đối với giáo hội Ca-tô Mỹ, bầu trời không thể nào tối tăm hơn.. Cách giải quyết vấn đề của định chế Ca-tô giáo thì may lắm là sai trái và tệ nhất là phi luân" (The skies could not be darker for the catholic church in America...The institution's behavior has been improper at best and immoral at worst.); "Quyền lực Công giáo: Enron của những định chế tôn giáo" (Official Catholicism: The Enron of Religious Institutions); "Tội Lỗi của các Linh Mục" (Sins of the Fathers); "Tìm ánh sáng trong bóng tối" (Looking for light in the darkness); "Hồng y than mất đi sự tin cậy (của giáo dân) vào giáo hội" (Cardinal (Francis George) laments lost trust in the church); "Trong bóng tối của những bậc lãnh đạo thất bại" (In the shadow of failed leaders); "Giáo hoàng ghi nhận: Linh mục lạm dụng tình dục là vấn đề toàn cầu" (Priest sex abuse a global issue, pope notes) v..v..

Vụ "sếch xì-căng-đan " (sex scandal) nổ ra ở Boston châm ngòi cho một phản ứng dây chuyền. Nó tương tự như một tế bào ung thư tiềm ẩn trong giáo hội chưa phát ra được vì những phương thuốc che dấu, giữ kín, dàn xếp bồi thường kín ngoài tòa với sự thỏa thuận của nạn nhân là không được tiết lộ hồ sơ vụ án v..v.. Nhưng ngày nay những phương thuốc trên không còn hiệu lực nữa vì sự tiến hóa tư duy của tín đồ nên nó bộc phát và lan sang nhiều tiểu bang khác cũng như tới nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng ta có thể kể những tiểu bang như California, Connecticut, Florida, Illinois, Maine, Michigan, Missouri, New York, Pensylvania, Ohio v..v.. và các quốc gia như Anh, Pháp, Canada, Ba Lan, Ái Nhĩ Lan, Úc, Áo, Phi Luật Tân, Chile, Mexico, Colombia, Hồng Kông v..v..

Và gần đây nó nổ ra như pháo trên toàn lục địa Âu Châu và nhiều nơi khác trên thế giới đến độ không còn có thể che dấu được nữa nên Giáo hoàng Benedict XVI phải lên tiếng thú nhận và đưa ra vài lời đãi bôi “cảm thấy xấu hổ” trong khi báo chí đã phanh phui ra chuyện chính ông ta là chủ mưu che dấu các vụ loạn dâm và ấu dâm của các linh mục trước đây.

Không hề biết đến thực trạng luân lý, đạo đức trong giới chăn chiên ngay trong thời đại này, ông Đỗ Mạnh Tri đã viết bừa, không biết ngượng, bất kể đến sự thật: "Trên bình diện luân lý, trong lịch sử giáo hội chưa có thời nào giáo sĩ, tu sĩ và giáo phẩm đáng kính phục như ngày nay" Chúng ta hiểu rằng ông Đỗ Mạnh Tri viết bài cho Tin Nhà Paris năm 2000. Nhưng những vụ bê bối trong giới chăn chiên đâu có phải là năm 2002 mới xảy ra, mà theo như ông Trần Phong Vũ viết trên tờ Thế Kỷ 21 thì, vì chính sách che dấu của giáo hội, những vấn đề ô nhục này đã "âm ỉ từ nhiều năm qua" đến nay mới bộc phát. Với kiểu viết như của ông Tri thì chúng ta phải hiểu rằng, nếu trong thời nay, đạo đức của giới chăn chiên như vậy mà là đáng kính phục, thì ắt hẳn trong các thời trước giáo sĩ, tu sĩ và giáo phẩm còn đáng kính phục hơn nữa vì những tội lỗi đồi bại hơn nhiều so với thời nay. Mừng cho giáo hội của ông Đỗ Mạnh Tri đã tiến bộ. Và tôi cũng phải kính phục ông Tri vì ông đã đeo mặt nạ viết ra một câu không chút ngưọng ngùng, không chút hổ thẹn.

Việc dung dưỡng và che dấu những linh mục phạm tội không chỉ giới hạn trong các giáo hội địa phương vì "sự thiếu hiểu biết" (sic) của các hồng y hay giám mục địa phương, như giáo hoàng Gioan PhaoLô II phát biểu. Chương trình Prime Time của đài TV ABC gần đây đã chứng tỏ sự đồi bại trong giáo hội công giáo là từ trên nóc trở xuống, nghĩa là chính sách bao che các linh mục phạm tội được thực hiện từ Vatican. Chương trình Prime Time đưa ra trường hợp linh mục Marcial Marciel Degollado ở Mexico. Cách đây 4 năm, giáo hoàng John Paul II và hồng y Ratzinger đã được phúc trình về những hành động lạm dụng tình dục trẻ em của linh mục Marcial Marciel nhưng "Tòa Thánh" vẫn hoàn toàn giữ im lặng và không có có một biện pháp nào đối với Marcial Marciel Degollado. Trái lại, Marcial Marciel vẫn là người được giáo hoàng tin cẩn. Lý do: vì Marcial Marciel đã kiếm cho giáo hội cả triệu đô-la và lập ra dòng Legend of Christ, khuyến dụ trẻ em từ 10 tuổi theo đuổi nghề làm linh mục. Đó là thực chất đạo đức tôn giáo của giáo hoàng John Paul II và hồng y Ratzinger, hai bậc lãnh đạo nhất nhì của giáo hội.

8). Ông Đỗ Mạnh Tri Tin Những Chuyện Phịa Trong Tân Ước.

Vì được dạy phải tin tất cả những gì viết trong Thánh Kinh nên ông Đỗ Mạnh Tri thường trích dẫn những câu vụn vặt ngoài toàn bộ vấn đề (out of context) trong Thánh Kinh, làm như chúng là những chân lý mạc khải, không thể sai lầm. Ông Tri không biết gì về những công cuộc nghiên cứu Thánh Kinh của những nhà thần học nổi tiếng nhất trong giáo hội như Hans Kung, Uta Ranke-Heinemann, LM John P. Meier, LM John Dominic Crossan v..v... Sau đây là một thí dụ điển hình. Nơi trang 181, để trả lời câu hỏi thứ hai của Tin Nhà Paris: "Muốn dứt khoát hướng về tương lai, người công giáo Việt Nam nên có thái độ nào đối với quá khứ của cộng đoàn công giáo Việt Nam?", ông Tri đã mở đầu bằng những chuyện phịa trong Tân Ước, rồi đưa ra vài câu triết lý rẻ tiền trên đầu môi chót lưỡi:

"Giuđa bán Chúa, rồi thắt cổ tự tử. Phêrô chối Chúa, rồi làm Giáo hoàng tiên khởi của "Hội Thánh" (sic). Quá khứ, tốt hay xấu, có thể là một gánh nặng đè ta chết hay một điểm tựa giúp ta tiến bước. Tùy thái độ của ta đối với quá khứ. Sòng phẳng với quá khứ: không quên, không bào chữa quanh co. Đảm nhận. Sám hối nếu cần, nhưng không lẫn sám hối với mặc cảm tội lỗi."

Đã bao giờ ông Đỗ Mạnh Tri đảm nhận, sòng phẳng với quá khứ, hay ông luôn luôn chỉ bào chữa quanh co qua những luận điệu không mấy ngay thẳng? Điều này kể ra cũng dễ hiểu, vì những câu triết lý vẩn vơ mà ông Tri đưa ra là thái độ xử thế của những người tôn trọng sự lương thiện trí thức, mà trong các phần phê bình ở trên, tôi đã chứng minh rằng sự lương thiện trí thức là một đức tính ông Đỗ Mạnh Tri không thể nào có. Sau đây chúng ta hãy bình luận về vài chuyện phịa trong Tân Ước mà ông Tri tin nên đã viết như trên:

"Giuđa bán Chúa, rồi thắt cổ tự tử? Có vẻ như trong Ca-tô giáo có một chân lý: "Những người tin vào Thánh Kinh là những người không đọc Thánh Kinh." Điều này thật là rõ ràng khi áp dụng vào ông Đỗ Mạnh Tri. Ông ta không đọc Tân Ước nên cứ nhắc lại như con vẹt (parrotting) những điều "giáo hội dạy rằng" về chuyện Judas phản bội và bán Chúa. Đọc kỹ Tân Ước chúng ta thấy rõ ràng là chuyện Judas phản bội Chúa là chuyện phịa về sau vì có rất nhiều chi tiết mâu thuẫn, vô nghĩa và không phù hợp với lịch sử.

Ai cũng biết trong 4 phúc âm thì 3 phúc âm Matthew, Mark, và Luke rất giống nhau, được gọi là "synoptic gospels", còn phúc âm John thì hoàn toàn khác hẳn. Đọc John 6: 64: "Giê-su đã biết từ đầu những (số nhiều) ai không tin, và ai sẽ phản ngài." (But there are some of you who do not believe. For Jesus knew from the beginning who they were who did not believe, and who would betray him), và John 6: 70: "Có phải là ta đã chọn 12 các con, và một đứa trong các con là con quỷ." (Did I not choose you, the twelve, and one of you is a devil), chúng ta biết Giê-su đã biết ngay từ đầu là Judas sẽ phản bội ông. Nhưng trong Matthew 19: 28, Chúa vẫn hứa cho Judas một ngai trên thiên đường: "Ta quả quyết với các con: Đến lúc ta ngồi trên ngai vinh quang trên nước Trời , các con là môn đệ ta cũng sẽ ngồi trên 12 ngai để xét xử 12 bộ lạc Do Thái." (Assuredly I say to you, that in the regeneration, when the Son of Man sits on the throne of His glory, you who have followed me will also sit on 12 thrones, judging the 12 tribes of Israel); và Luke 22: 30: "Các con sẽ được ăn uống chung bàn với Ta trong Vương Quốc của Ta, và ngồi trên ngai xét xử 12 bộ lạc Do Thái." (That you may eat and drink at my table in My Kingdom, and sit on thrones judging the 12 tribes of Israel). Judas là 1 trong 12 tông đồ của Giê-su. Nếu như ông Đỗ Mạnh Tri viết thì Judas đã thắt cổ tự tử chết, vậy thì cũng có thể ăn uống và ngồi trên ngai cùng với Giê-su để cai trị một bộ lạc Do Thái khi Giê-su vinh quang trở lại trần hay sao? Sự mâu thuẫn này ông Đỗ Mạnh Tri giải thích làm sao đây? Điều rõ ràng là Giê-su chỉ quan tâm đến 12 bộ lạc Do Thái, vậy dân Mít như ông hi vọng gì ở ông ta nếu không phải là niềm hi vọng hão huyền bắt nguồn từ sự tin vào những lời lừa bịp nói láo của Ca-tô Giáo.

Không phải chỉ có vậy mà trong Tân Ước mà còn nhiều điều mâu thuẫn khác nữa. Đọc 1 Corinthians 15: 5, chúng ta đã biết là Paul viết là sau khi sống lại, Giê-su hiện thân ra trước Cephas (nghĩa là Phêrô) rồi trước 12 môn đồ (And He was seen by Cephas then by the twelve). Điều này chứng tỏ Judas hãy còn sống, vì Judas là 1 trong 12 môn đồ của Giê-su. Nhưng điều này lại trái hẳn với chuyện Judas hối hận tự tử chết trước khi Giê-su bị đóng đinh (Matthew 27). Đặc biệt nhất là Judas chết theo 2 cách: cách thứ nhất là ngã sổ ruột ra mà chết (Acts 1: 18), và cách thứ hai là tự treo cổ chết (Matthew 27: 5). Quý độc giả thấy Thánh Kinh có hay không? Ông Đỗ Mạnh Tri chỉ biết đến một cách chết, nghĩa là một chuyện phịa về Judas, chứ không biết đến cách chết kia, nghĩa là chuyện phịa kia về Judas. Có phải rằng ông Tri chưa hề đọc Thánh Kinh? Thật là đáng tiếc, hay thế mà các đại trí thức Ca-tô chẳng có ai chịu đọc, khiến tôi cảm thấy vô cùng áy náy vì cứ phải đọc Thánh Kinh hộ các tác giả trong cuốn "2000 Năm Một Thuở..", và có lẽ 99% tín đồ Catô Việt Nam, trí thức hay không.

Sự mâu thuẫn về huyền thoại Judas giáo hội Ca-tô cũng đã nhận ra và đã phải dịch láo Thánh kinh để che đậy sự mâu thuẫn này trước đám tín đồ thấp kém. Giáo sư thần học Uta Ranke-Heinemann, trong cuốn Hãy Dẹp Đi Những Chuyện Trẻ Con (Putting Away Childish Things), Chương 8: Câu Chuyện Hoang Đường Về Kẻ Phản Bội Judas (The Fairy Tale of Judas the Traitor), trang 128, đã vạch ra sự gian dối của giáo hội Ca-tô như sau:

"Và kinh Vulgate - bản dịch sang tiếng Latin của Thánh Kinh, bản thường được dùng trong giáo hội Ca-tô, dịch tiếng Hi Lạp "mười hai" của Paul thành ra tiếng Latin "mười một""

(And the Vulgate - the Latin translation of the Bible, which is in common use in the Catholic Church - translates Paul's Greek "twelve" with a Latin "eleven".)

Giáo hội dịch láo Thánh kinh để cho phù hợp với ngụy thuyết Judas bán Chúa và Judas đã chết nên chỉ còn lại 11 tông đồ. Tưởng chúng ta cũng nên biết, Uta Ranke-Heinemann là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới chiếm được ngôi vị giáo sư thần học Ca-tô (the first woman in the world to hold a chair of Catholic theology).

Còn nữa, xét trên khía cạnh lịch sử thì chuyện Judas phản bội, bán Chúa hoàn toàn vô lý và vô nghĩa. Rõ ràng đó là một chuyện bịa đặt. Thứ nhất, trong bữa cơm chiều cuối cùng (The Last Supper) chúng ta thấy còn đủ 12 tông đồ, trong đó có Judas. Hình "The Last Supper" tiệm sách Ki Tô nào cũng có bán. Cả 3 phúc âm Matthew, Mark, và Luke đều không nói là Judas đã rời khỏi Giê-su và 11 tông đồ kia bao giờ. Nhưng rồi Judas tự nhiên ở đâu hiện ra dẫn một đoàn lính La Mã đến bắt Giê-su. Bắt như thế nào? Judas đến ôm hôn Giê-su, đó là cách làm dấu bán Chúa của Judas: hắn ôm hôn người nào thì người đó là Giê-su (Matthew 26). Do đó lính La Mã bắt đi Giê-su. Nhưng phúc âm John thì lại kể khác. Lính La Mã đến, Giê-su ra hỏi: "Các người kiếm ai?" Họ trả lời: "Kiếm Giê-su ở Nazareth." Giê-su bèn tự nhận: "Chính ta là Giê-su." (John 18). Vậy chúng ta biết tin ai? Tin John hay là tin Matthew, Mark, và Luke? Rõ ràng là giáo hội Ca-tô đã bỏ qua John và dạy tín đồ trong đó có Đỗ Mạnh Tri là phải tin theo Matthew... Nhưng vấn đề ở đây lại là, cả Matthew lẫn Mark và Luke đều không được thông minh cho lắm khi phịa ra chuyện Judas phản bội bán Chúa, cũng như chuyện John kể lính La Mã đến bắt Giê-su. Tại sao? Vì những người La Mã cai trị Do Thái không cần đến một tên phản bội như Judas. Lý do? Giê-su đã nổi tiếng trong vùng, ai cũng biết đến rồi, nếu chúng ta đọc Luke 19, đoạn Giê-su tiến vào thành Jerusalem. Luke 19: 37-38: " Khi đến gần quãng đường dốc núi Olives, vô số môn đồ bắt đầu vui mừng lớn tiếng tán tụng Thiên Chúa về những phép lạ mà họ đã thấy: "Phúc thay ông Vua đã tới nhân danh Chúa Trời, Bình an trên trời, đấng cao nhất vinh quang""(Then, as He was now drawing near the descent of the Mount of Olives, the whole multitude of the disciples began to rejoice and praise God with a loud voice for all the mighty works they had seen, saying: "Blessed is the King who comes in the name of the Lord, Peace in heaven and glory in the highest). Ngoài ra, sau khi Judas hôn Giê-su làm hiệu, lính La Mã đến bắt Giê-su thì Giê-su nói gì? Hãy đọc Mark 14: 49: "Hàng ngày tôi vẫn ở với các anh, giảng dạy trong đền thờ, sao các anh không bắt tôi?" (I was daily with you in the temple teaching, and you did not take Me.) Vậy nếu lính La Mã muốn bắt Giê-su thì bắt lúc nào chẳng được, đâu cần đến sự phản bội của Judas, đâu cần đến Judas phải ôm hôn Giê-su để ra hiệu, làm dấu, hay đâu cần hỏi “Giê-su là ai?” ? Câu chuyện về Judas phản bội Chúa vừa đầy mâu thuẫn vừa hoàn toàn vô lý, vô nghĩa, thế mà ông Đỗ Mạnh Tri vẫn có thể viết ra được trong một tác phẩm mà các tác giả toàn là những bậc trí thức Ca-tô thì chúng ta phải hiểu đầu óc ông Tri thuộc loại nào? Chúng ta hãy đọc tiếp ông Đỗ Mạnh Tri viết theo lời dạy lừa bịp để tự tạo quyền lực của của giáo hội Ca-tô.

Phêrô chối Chúa, rồi làm Giáo hoàng tiên khởi của "Hội Thánh" (sic)? Chúng ta lại thấy ông Đỗ Mạnh Tri kể một chuyện phịa khác trong Tân Ước, cũng chỉ vì ông không chịu đọc Thánh kinh. Vì không đọc Thánh kinh nên ông Tri tin tất cả những gì người ta dạy ông tin mà không hề để ý đến những mâu thuẫn rõ rệt trong Thánh kinh. Phê-rô chối Chúa là chuyện có thật, nhưng từ đâu mà có chuyện Phê-rô làm giáo hoàng tiên khởi của Ca-tô giáo?

Giáo hội dựa vào một câu trong Thánh Kinh, Matthew 16: 18, cho là của Giê-su nói: “Và ta cũng nói cho ngươi biết, ngươi là Phê-rô, và trên phiến đá này ta sẽ xây dựng giáo hội của ta...và Ta sẽ cho ngươi những chìa khóa của thiên đường” (King James Version: “And I also say to you that you are Peter, and on this rock I will build My church...and I will give you the keys of the kingdom of heaven”) và đưa ra thuyết Chúa Giê-su chính là người sáng lập ra Giáo hội, Phê-rô được Giê-su trao cho nhiệm vụ thành lập giáo hội với chức vụ đứng đầu giáo hội (giáo hoàng đầu tiên), các Giáo Hoàng đều là kế thừa của Phê-rô và như vậy đương nhiên là “đại diện của Chúa” (Vicars of Christ) ở trên trần, nắm trong tay những chìa khóa mở cửa thiên đường. Do đó, các tín đồ Ca-Tô không thể hiệp thông thẳng với Chúa mà phải đi qua ngả trung gian là giáo hội, giáo hoàng và Tòa Thánh Vatican. Ngoài ra, giáo hoàng còn có quyền tuyệt thông bất cứ tín đồ nào, ở bất cứ cấp bậc nào, nghĩa là giữ chặt chìa khóa mở cửa thiên đường trong tay, không mở cửa thiên đường cho bất cứ ai mà giáo hoàng không ưa, bất kể vì lý do gì. Giáo hoàng cũng còn trao quyền tuyệt thông cho các thuộc hạ thân tính như hồng y, tổng giám mục đối với đám tín đồ thấp kém bên dưới.

Tuy nhiên, thuyết Giê-su thành lập giáo hội, Phê-rô làm giáo hoàng đầu tiên v..v.. như trên chỉ có giá trị trong đám tín đồ Ca-Tô vốn không bao giờ đọc Thánh Kinh, thường không mấy khi dùng đến đầu óc để suy nghĩ, và đã bị nhồi sọ từ nhỏ để tin tất cả những gì giáo hội nói. Đối với các học giả nghiên cứu Thánh Kinh và đối với giới trí thức ở trong cũng như ở ngoài giáo hội thì câu ở trong Thánh Kinh ở trên rõ ràng là được thêm thắt sau này với mục đích thiết lập quyền lực tinh thần cũng như quyền lợi vật chất của giới lãnh đạo Ca-Tô trước đám đông tín đồ ở dưới. Thật vậy, các chuyên gia nghiên cứu Thánh Kinh đã vạch ra rằng câu trên hoàn toàn mâu thuẫn với nhiều đoạn trong Thánh Kinh, với tư tưởng của Giê-su, và nhất là vai trò của Phê-rô.

Chứng minh Thánh Kinh được thêm thắt sau này

Thứ nhất, đọc Thánh kinh, chúng ta thấy rõ ràng là những người viết Tân Ước đều tin rằng Giê-su sẽ trở lại trần gian trong một tương lai rất gần, ngay trong thời điểm của Giê-su. Thí dụ (Trích dẫn từ Thánh Kinh: Cựu Ước Và Tân Ước, Hội Quốc Tế xuất bản, 1994; và Holy Bible: The New King James Version, American Bible Society, New York, 1982):

Matthew 16: 27-28: “Ta (Con của Người: Giê-su) sẽ trở lại với các thiên sứ trong vinh quang của Cha ta để thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm. Ta cho các con biết: một vài người đang đứng đây sẽ còn sống cho đến khi nhìn thấy ta vào trong Nước ta”. (For the Son of Man will come in the glory of His Father with His angels, and then He will reward each according to his works. Assuredly, I say to you, there are some standing here who shall not taste death till they see the Son of Man coming in his kingdom.)

Matthew 24:34: “Ta quả quyết, thời đại này chưa chấm dứt, các biến cố ấy đã xảy ra rồi” (Assuredly, I say to you, this generation will by no means pass away till all these things are fulfilled)

Mark 9: 1: Chúa bảo các môn đệ: “Ta cho các con biết, một vài người đang đứng đây sẽ còn sống cho đến khi nhìn thấy nước trời thiết lập với uy quyền vĩ đại” (And He said to them, “Assuredly, I say to you that there are some standing here who will not taste death till they see the kingdom of God present with power.”)

Mark 13:30: “Ta quả quyết, thế hệ này chưa qua đi thì các biến cố đó (các biến cố xung quanh sự trở lại của Giê-su. TCN) đã xảy ra rồi”. (Assuredly, I say to you, this generation will by no means pass away till all these things take place.)

Luke 21: 27, 32: “Bấy giờ nhân loại sẽ thấy ta giáng xuống trong mây trời với vinh quang và uy quyền tuyệt đối.. Ta quả quyết: thế hệ này chưa qua, các biến cố ấy đã xảy ra rồi”. (Then they will see the Son of Man coming in a cloud with power and great glory.. Assuredly, I say to you, this generation will by no means pass away till all these things are fulfilled.)

John 14: 3: “Ta đi chuẩn bị chỗ ở cho các con. Khi chuẩn bị xong, ta sẽ trở lại đón các con về với ta để các con ở cùng ta mãi mãi.” (And if I go and prepare a place for you, I will come again and receive you to myself; that where I am, there you may be also).

Qua những đoạn trích dẫn ở trên từ Thánh Kinh, chúng ta hãy tự hỏi: Giê-su thành lập giáo hội và trao chức vụ giáo hoàng chăn dắt tín đồ cho Phê-rô để làm gì khi mà ông ta tin rằng ngày tận thế gần kề, ngay trong đời ông, khi ông và một số môn đồ của ông còn sống? Có phải rằng giáo hội đã thêm thắt câu “..ngươi là Phê-rô, và trên phiến đá này ta sẽ xây dựng giáo hội của ta...” vào trong Thánh Kinh để lừa dối tín đồ là giáo hội do chính Chúa Giê-su thành lập và các giáo hoàng đều là kế thừa của Phê-rô?

Thứ nhì, đọc kỹ Thánh Kinh, chúng ta còn thấy, sau khi trao chìa khóa thiên đường cho Phê-rô (Matthew 16:19), chỉ 4 câu sau, Matthew 16: 23, Giê-su gọi Phê-rô là Satan: “Chúa quay lại và nói với Phê-rô: “Hãy đi ra đàng sau ta, Satan, ngươi là một sự xúc phạm đối với ta” (But he turned and said to Peter, “Get behind me, Satan! You are an offence to Me..”) Cũng vì sự mâu thuẫn và phi lý trong hai câu gần sát nhau trong Thánh kinh mà Lloyd Graham đã bình luận như sau:

Như vậy là giáo hội Ca-Tô được thành lập bởi Phê-rô, người mà, chỉ 4 câu sau trong Thánh Kinh, Chúa gọi là Satan. Vậy, nếu giáo hội Ca-Tô được thành lập bởi Phê-rô thì giáo hội đó đã được thành lập bởi Satan – một sự kiện mà chúng ta đã nghi ngờ từ lâu. (Xét đến lịch sử đẫm máu đầy tội ác của Ca-Tô Giáo mà giáo hoàng John Paul II và Tòa Thánh Vatican đã vừa xưng thú 7 núi tội lỗi và xin được tha thứ thì câu bình luận của Graham ở trên không phải là không có căn bản. TCN).

Câu chuyện về Phê-rô thậm vô nghĩa – một người chết như mọi người mà lại có quyền lực trên khắp nhân loại trong muôn đời muôn kiếp. Trong những vấn đề tôn giáo, tín đồ Ca-Tô thật là nhẹ dạ, cả tin, nhưng họ có thể nhẹ dạ đến mức tin rằng, trước khi có Ki Tô Giáo, những bậc thông thái như Pythagoras, Plato, Socrates...cần đến cái tên đánh cá Do Thái ngu đần này (Phê-rô) để đầy đọa hay cứu vớt linh hồn họ hay không? Nhất định là không, và chúng ta cũng vậy (Lẽ dĩ nhiên, người Việt Nam chúng ta cũng không cần đến bất cứ cái gì từ tên đánh cá Do Thái không những ngu đần mà còn hèn nhát này, như Thánh Kinh đã viết rõ. TCN) [22]

Thứ ba, Phê-rô là mẫu người coi lời Chúa như không có, phản phúc và hèn nhát. Trước ngày Chúa bị bắt, Chúa bảo Phê-rô hãy thức chờ Chúa đi cầu nguyện, rồi Chúa đi cầu nguyện, khi trở lại thì Phê-rô đã ngủ khì. Khi Chúa bị bắt, vì sợ bị kết tội đồng lõa, Phê-rô đã ba lần chối Chúa, không nhận là mình đã biết Chúa. Khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá thì Phê-rô trốn biệt. Một người tư cách như vậy mà Chúa lại chọn để thành lập giáo hội hay sao? Chúa không có môn đồ nào tốt hơn và hiểu biết hơn tên đánh cá Phê-rô hay sao?

Trước những bằng chứng không thể phủ bác, Joseph L. Daleiden, một học giả Ca-tô, trong cuốn Sự Mê Tín Cuối Cùng (The Final Superstition), trang 83, cho rằng “câu chuyện ủy quyền cho Phê-rô xây dựng giáo hội là một chuyện tiếu lâm” (On the face of it, I would take it as a joke) và trích dẫn lời của Albert Camus, cho rằng “Giê-su đã riễu cợt cái tên nghèo khổ, hèn nhát Phê-rô khi bảo Phê-rô là vững như phiến đá” (Camus pointed out, Jesus must have been making fun of of poor, cowardly Peter by referring to him as a rock of steadfastness.). Rồi Daleiden kết luận:

Do đó, chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi biết rằng nhiều học giả chuyên về Thánh Kinh tin rằng câu chuyện về Phê-rô, giống như nhiều chuyện khác trong Tân Ước, đã được người ta thêm thắt vào sau. [23]

Nhưng không phải chỉ có các học giả mới nhận ra sự phi lý trong câu chuyện về Phê-rô, mà chính những nhà Thần học nổi danh trong giáo hội Ca-Tô cũng phải thừa nhận rằng thuyết Chúa thành lập giáo hội và trao quyền cho Phê-rô chỉ là ngụy tạo.

Hans Kung, Giáo sư Thần học tại trường đại học nổi tiếng Tubingen ở Đức, cũng phải viết như sau:

"Con người Giê-su lịch sử, tin chắc rằng ngày tận thế phải xảy ra ngay khi ông còn đang sống. Và vì sự sắp tới của Nước Trời này, không còn nghi ngờ gì nữa là ông ta không muốn lập ra một cộng đồng đặc biệt khác với nước Do Thái, với giáo lý, nghi thức thờ cúng, định chế, cơ quan chỉ đạo riêng. Tất cả những điều trên có nghĩa là khi còn sống Giê-su không bao giờ sáng lập một giáo hội nào. Ông ta không hề có ý tưởng thành lập và tổ chức một hoạt động tôn giáo đại qui mô như được tạo ra về sau." [24]

Và nữ Giáo sư Thần học Uta Ranke-Heinemann cũng viết, trang 215-217:

"Giê-su không hề có ý định thành lập một “giáo hội”, nhất lại là một “giáo hội phổ quát”. Thí dụ chân thực về quan điểm của Giê-su, chúng ta hãy xét đoạn văn trong Thánh Kinh, Matthew 10: 5-6, nội dung đối ngược hẳn với nhiệm vụ truyền giáo trên thế giới: “Mười hai tông đồ Giê-su phái đi để truyền đạo với lời dặn dò: “Không được đi đến nơi nào có dân Gentiles, và không được vào thành phố nào của dân Samaritan, mà chỉ đi đến những con dân Do Thái bị lạc” (nghĩa là chỉ đi rao truyền đạo Chúa trong dân Do Thái mà thôi. Và câu tiếp theo trong Thánh Kinh, Matthew 10:7 là “Trong khi đi hãy rao truyền tin Nước Trời đã gần đến rồi”. TCN). Hai đoạn khác là trong Matthew 15:24: “Ta được phái xuống trần chỉ để cứu đàn chiên Do Thái bị lạc mà thôi”, và 10: 23: “Ta bảo đảm với các ngươi, các ngươi chưa đi hết các thành phố của Do Thái thì Con của Người (nghĩa là Ta: Giê-su) đã đến rồi”.

Chính Giê-su - và ngày nay mọi nhà thần học đều biết vậy – tin rằng Nước Trời sắp tới. Điều này đối ngược với nhiệm vụ truyền bá đạo một cách đại qui mô trên thế giới...

Giáo hội đã biến Giê-su thành một dụng cụ tuyên truyền. Vì lý do này mà chúng ta tin vào mọi điều biện minh cho sự thành lập một giáo hội như được thêm thắt vào những lời Giê-su nói bởi những tác giả các phúc âm. Sự thêm thắt này gồm có điều Giê-su ca tụng Phê-rô như một phiến đá làm nền tảng để Giê-su xây dựng giáo hội của ông ta (Matt. 16:18), vì Giê-su không bao giờ có ý thành lập một giáo hội... Ở đây, không phải là Giê-su nói, mà là giáo hội ban khai muốn tạo cho mình một địa vị lãnh đạo và một khuôn mặt quyền lực vì sự tăng trưởng của cấu trúc lãnh đạo theo cấp bậc.

Trong chương 21, chương ngụy tạo trong phúc âm John – nghĩa là chương được thêm vào phúc âm chính sau này – ý tưởng về một vai phó đã được phát triển rõ ràng. Phê-rô trở thành kẻ chăn đàn chiên của Giê-su. Như là đại diện của Giê-su, người chăn chiên thực sự lúc đầu, hắn thay thế Giê-su trong nhiệm vụ này. Ngay sau đó, giáo hội nghĩ rằng điều quan trọng không phải là con người Phê-rô. Giáo hội quyết định rằng chức vụ của Phê-rô là nền tảng của Giáo hội, do chính Giê-su thiết lập vĩnh viễn. Với quan niệm này chúng ta có những giáo hoàng là kế thừa Phê-rô và là phụ tá của Giê-su, và chế độ giáo hoàng là nền tảng của giáo hội." [25]

Ngoài ra, chúng ta cũng nên biết, Hội Nghiên Cứu Về Giê-su (The Jesus Seminar) gồm nhiều học giả thuộc mọi hệ phái Ki-tô, sau nhiều năm nghiên cứu, cũng đưa ra cùng một kết luận, nghĩa là, Giê-su không hề có ý định thành lập giáo hội cũng như không hề ủy quyền cho Phê-rô xây dựng giáo hội. Tất cả chỉ là những điều giáo hội bịa đặt để tạo quyền lực cho giáo hội mà thôi.

Tự nhiên tôi cảm thấy một niềm chua xót khi nghĩ đến một phần dân tộc tôi bị chìm đắm trong bóng tối của một nền thần học chứa đầy gian dối, ngụy tạo có tác dụng giam cầm đầu óc con người vào trong vòng tin bướng tin càn, cùng tạo trong đám tín đồ một tâm cảnh xa lìa dân tộc, nguyên nhân của tình trạng nghi kỵ, chia rẽ trong đại khối dân tộc.

9). Ông Đỗ Mạnh Tri Ca Tụng Giáo Dân VN Đi Tiên Phong Trong Vấn Đề Tự Do Tín Ngưỡng

Ông Đỗ Mạnh Tri còn viết nhiều về đạo Giê-su của ông nhưng tôi nghĩ 8 mục phê bình trên cũng đủ để cho chúng ta thấy thực chất kiến thức và tư cách con người của ông Tri. Sau đây chúng ta hãy xét đến câu ông viết về những người theo đạo đầu tiên ở Việt Nam, để "tỏ thái độ", nếu chúng ta có thể coi đây là một thái độ, trước câu hỏi thứ hai: "Muốn dứt khoát hướng về tương lai, người công giáo Việt Nam nên có thái độ nào đối với quá khứ của cộng đoàn công giáo Việt Nam?"

"Dù đạo Chúa vào Việt Nam cách nào đi nữa, điều chính yếu vẫn là cha ông ta trong Đức Tin đã đón nhận Tin Mừng... Họ là những người đầu tiên khẳng định tự do tôn giáo trên đất nước này: họ không theo đạo của nhà vua, của số đông. Đối với họ, yêu quê hương đất nước không có nghĩa là phải yêu cái đạo hay ý thức hệ của Nhà Nước, của vua quan, của dân tộc."

Tôi không thể tưởng tượng nổi một trí thức Ca-tô Việt Nam cỡ Đỗ Mạnh Tri lại có thể đặt bút viết một câu như trên. Không những ông Tri không biết gì về lịch sử các tôn giáo ở Việt Nam mà ông còn mù tịt luôn về lịch sử những người theo đạo đầu tiên ở Việt Nam. Họ là ai? thuộc thành phần nào trong xã hội? Tại sao họ theo đạo? Và cái lòng yêu quê hương đất nước của họ là như thế nào?

Trước hết là thành phần tín đồ Ca-tô. Xét trên toàn thế giới, theo nhận xét của Malachi Martin, nguyên giáo sư tại Viện Nghiên Cứu Thánh Kinh ngay tại Vatican, trong cuốn The Keys of This Blood , 1990, thì:

"Tự bao giờ, Ca-Tô Giáo chỉ nảy nở trong đám dân chúng nghèo khổ và ít học."

(Catholicism has always flourished only in poor population of low educational quality)

Cùng một ý tưởng, Adrian Pigott viết trong cuốn Freedom's Foe - The Vatican:

"Họ (giáo dân) được nuôi nấng trong cái mà Tiến Sĩ Barnado gọi là "Bóng tối dày đặc của ý thức hệ La Mã".. Thất học luôn luôn thịnh hành trong các nước theo Ca- Tô Giáo Rô-ma - nhờ đó mà tập đoàn linh mục có thể nảy nở"

(They have been brought up in what Dr. Barnado called "The thick darkness of Romanism".. Illiteracy is always prevalent in Romanist countries - to enable Priestcraft to flourish.)

Việt Nam có ra ngoại lệ hay không? Chúng ta hãy đọc nhận định của Toàn Quyền Đông Dương J. L. de Lanessan, cách đây hơn 100 năm, trong cuốn Les Missions et leur Protectorat, trích dẫn bởi Patrick J. N. Tuck:

"Thật ra, trong hơn 2 thế kỷ mà các Hội Truyền Giáo Ca Tô hoạt động ở Trung Hoa và bán đảo Đông Dương, có lẽ họ không cải đạo được quá 10 học giả. Toàn thể giới cầm quyền có học của dân chúng đã tránh né sự truyền đạo của họ. Đại cương thì các nhà truyền giáo Ca-tô chỉ tuyển mộ được tín đồ trong những giai cấp thấp nhất, và phần lớn là những kẻ, vì lý do này hay lý do khác, đã bị xã hội An-Nam ruồng bỏ." [26]

Một câu hỏi được đặt ra là: Nếu những người theo đạo đầu tiên ở nước ta thuộc những thành phần nghèo khổ, thấp kém nhất, hay cặn bã của xã hội đã bị xã hội ruồng bỏ, thì họ có đủ đầu óc để phân biệt đâu là Tin Mừng thật, đâu là Tin Mừng giả hay không? Tại sao họ theo đạo? Vì họ thuộc thành phần thấp kém nhất trong xã hội, không trông ngóng gì được hay ngóc đầu lên được trong xã hội họ đang sống, nên họ tin vào những lời truyền đạo bịp bợm của giới truyền giáo, hi vọng vào một đời sau mà họ cho là sẽ sung sướng hơn. Họ có đủ khả năng để đọc và nhận ra những sai trái trong Thánh Kinh hay không, nếu họ biết đọc, khi mà họ bị cấm không được đọc Thánh Kinh bằng tiếng bản xứ và cũng không có Thánh Kinh bằng tiếng bản xứ để mà đọc. Ngay trong thời buổi này mà những hậu duệ của họ, dù đã leo lên được bậc trí thức như cỡ Đỗ Mạnh Tri cũng còn không biết đọc Thánh Kinh huống hồ là dân vô học, dân thuộc thành phần cặn bã, du thủ du thực, đã bị xã hội ruồng bỏ, trong thế kỷ 17, 18? Ông Đỗ Mạnh Tri cũng quên rằng, chính trong những thế kỷ này thì ở Âu Châu giáo hội Ca-tô của ông đang xuống tay tàn sát những người ngoại đạo, máu ngập đến khuỷu tay, không dung tha bất cứ một tín ngưỡng nào khác. Vậy cái mà ông Tri huênh hoang quảng cáo là tự do tín ngưỡng của đám dân thấp kém nhất ở Việt Nam trong những thế kỷ 17, 18 thực sự không hề có trong đầu óc của họ, vì quan niệm về tự do tín ngưỡng chỉ phát triển và hình thành ở Tây phương sau này, khi mà các giáo hội Ki Tô đã mất đi quyền lực thế tục, không còn khả năng cưỡng bức người ngoại đạo nữa. Luận điệu về tiên phong trong vấn đề tự do tín ngưỡng của những người Việt Nam theo đạo đầu tiên chỉ là một lối ngụy biện không mấy lương thiện.

Tại sao lại thiếu lương thiện? Vì một bậc trí thức như ông Tri thì không thể không biết đến sử Việt Nam. Nếu biết đến sử Việt Nam thì phải biết rằng tinh thần tự do tín ngưỡng đã có trong xã hội Việt Nam từ muôn đời. Thời đại Lý Trần, thế kỷ 11, 12, có thể nói là thời đại của Phật Giáo. Từ vua tới quan tới dân chúng hầu hết đều theo Phật Giáo: "Thiên Hạ Lý Trần Bán Vi Tăng". Một nửa nước sống như các bậc tu hành. Nhưng không hề có một ép buộc nào từ phía chính quyền, vua cũng như quan, bắt người dân phải theo đạo của nhà vua, nghĩa là Phật Giáo. Trái lại tinh thần "Tam Giáo Đồng Nguyên" được đẩy mạnh, và triều đình còn mở khóa thi Tam Giáo. Vậy thì người dân Việt Nam có tự do tín ngưỡng hay không, hay bắt buộc phải theo đạo của vua, quan? mà đạo của vua, quan thời bây giờ là đạo nào? hay phải chờ đến thế kỷ 17, 18, nhờ mấy tên thuộc thành phần thấp kém nhất hay thành phần cặn bã của xã hội Việt Nam theo đạo Chúa mở đường cho biết thế nào là tự do tín ngưỡng, trong khi chính giáo hội của chúng đang tàn sát người ngoại đạo, không dung thứ tự do tín ngưỡng? Tại sao ông Tri cứ luôn luôn viết bậy? Ông là trí thức thật, hay trí thức dỏm, hay là nô lệ trí thức? Trong thời đại này, người trí thức phải có bổn phận mở mang dân trí để cho người dân biết rõ đâu là tín ngưỡng chân thật, đâu là tín ngưỡng giả dối huyền hoặc, đâu là con đường dân tộc, đâu là con đường nô lệ ngoại bang. Tại sao mấy ông cứ tiếp tục muốn nhốt người dân vào trong bóng tối của những điều bịa đặt, giả trá, sai sự thực, và của những tín điều đã không còn giá trị. Thời đại này là thời đại nào mà các ông còn hi vọng muốn viết sao thì viết, bàn dân thiên hạ đều phải cúi đầu tin?

Ông Đỗ Mạnh Tri cũng còn viết theo luận điệu của các thừa sai khi đến nước ta truyền đạo:

"Yêu quê hương đất nước không có nghĩa là phải yêu cái đạo hay ý thức hệ của Nhà Nước, của vua quan, của dân tộc."

Vậy thế nào là yêu quê hương đất nước? Là tin theo và tuân phục những điều các thừa sai mũi lõ mắt xanh dạy là không được tuân theo luật lệ của nhà nước, coi tổ tiên như ma quỷ, không được thờ cúng, và chỉ được thờ cúng một người Do Thái môi dày da ngăm ngăm đen mắt sâu râu rậm? Hay yêu quê hương đất nước là dựa thế thực dân Pháp đi tàn sát người Lương, phá hủy chùa chiền rồi xây nhà thờ và cắm cây thập ác trên đó? Hay yêu quê hương đất nước là làm Việt Gian như Pétrus Ký, Nguyễn Trường Tộ, Trần Bá Lộc, Paulus Huỳnh Tịnh Của v..v..? Hay yêu quê hương đất nước là hỗ trợ đoàn quân viễn chinh thực dân Pháp hạ đồn Kỳ Hòa ở trong Nam, hay như Linh Mục Trần Lục, dẫn 5000 giáo dân đến hỗ trợ lực lượng Pháp để hạ trung tâm kháng chiến Ba Đình ở ngoài Bắc? Còn nhiều nữa, kể sao cho xiết (Xin đọc Công Giáo Chính Sử của Trần Chung Ngọc, Chương 8: Công Giáo Việt Nam, trang 337-412). Và đó là những hành động yêu quê hương đất nước rất cụ thể của những người bỏ đạo hiền hòa của dân tộc để đi theo đạo mới, một đạo bạo tàn về đủ mọi mặt như lịch sử đã chứng minh, và như giáo hoàng John Paul II đã xưng thú ngày 12/3/200 tại thánh đường Phê-rô.

Tôi không muốn phê bình bài viết của ông Đỗ Mạnh Tri thêm nữa, vì tôi nghĩ phê bình bao nhiêu thì cũng thế thôi. Một con người mà tư cách và kiến thức như vậy thì phê bình thêm nữa quả là một sự lãng phí thời gian. Sau đây tôi sẽ duyệt qua một số "tư tưởng" của các tác giả khác trong cuốn "2000 Năm Một Thuở".

 

C. Điểm Sơ Vài Ý Kiến Của Những Tác Giả Khác Trong Cuốn "2000 Năm Một Thuở.."

Đọc những bài trong cuốn "2000 Năm Một Thuở..", tôi có cảm tưởng là các tác giả trong đó học cùng một sách mà ra vì ý kiến của họ, hay nói đúng hơn, những điều họ tin về giáo hội của họ, thường giống nhau và lẽ dĩ nhiên, dập theo cùng một khuôn, dựa trên những lời tuyên truyền, tự nhận của giáo hội. Nếu những niềm tin đó đúng với lịch sử giáo hội thì chúng ta không có gì để nói. Nhưng rõ ràng là không có ai biết đến lịch sử thật và bản chất thật của giáo hội, cho nên họ đều nhắc lại những điều mà tôi cho là họ bị bộ máy tuyên truyền của giáo hội cấy vào đầu từ khi còn nhỏ mà không buồn tìm hiểu xem những điều đó có đúng sự thật hay không. Và đây là điều đáng trách đối với những người được coi là trí thức. Cái điểm mù tôn giáo này thật khó mà có thể làm cho sáng ra trong những đầu óc thuộc loại khuyết tật hay những đầu óc đã quen sống với giáo điều "quên mình trong vâng phục", tin tất cả vào những lời "giáo hội dạy rằng.." không bao giờ thắc mắc hay để tâm tìm hiểu.

Với kinh nghiệm 2000 năm lừa dối thế giới, với khả năng tài chánh vô tận, với những phương tiện truyền thông rồi rào, và với một đoàn cán bộ trung kiên (hồng y, tổng giám mục, đức ông, giám mục và linh mục), những người chuyên vận dụng khả năng trí thức của mình để lôi kéo quần chúng thấp kém vào vòng nô lệ tâm linh, giáo hội Ca-Tô Rô-ma đã thành công cấy vào đầu tín đồ những niềm tin như "giáo hội là một "hội thánh" thánh thiện, công giáo và tông truyền", "giáo hội tiền phong trong việc tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ, tự do", "giáo hội là hiện thân của nền văn minh tốt đẹp Tây phương", "giáo hội mang hòa bình và sự hiểu biết đến cho mọi dân tộc". Tất cả những điều tự nhận như trên của giáo hội Ca-Tô Rô-ma đều chỉ là những lời tự nhận láo khoét, những sản phẩm tuyên truyền lừa dối đám tín đồ thấp kém, vì lịch sử giáo hội đã chứng tỏ chúng hoàn toàn trái ngược với sự thực. Nhưng buồn thay, trong cuốn "2000 Năm Một Thuở..", các trí thức Ca-tô Việt Nam vẫn quảng cáo cho những thuộc tính không hề có của giáo hội.

Sự thực là như thế nào? Khi mà giáo hội còm nắm quyền sinh sát ở Âu Châu thì giáo hội muốn nói sao người dân cũng phải nghe, vì chỉ một lời nói, một cử chỉ không thuận với giáo hội là có thể bị mang đi tra tấn rồi đưa lên giàn hỏa. Chúng ta hãy đọc đoạn sau đây trong cuốn Holy Horrors của James A. Haught, 1990, trang 7:

"Năm 1766 tại Abbeville, Pháp, một đứa trẻ vị thành niên bị kết tội là hát những bài hát không trọng đạo, nhạo báng bà Mary đồng trinh, làm hư một cây thập ác trên có hình Giê-su, và đội mũ khi một đám rước Ca-tô đi qua. Khi đó chỉ trích giáo hội có thể bị xử tử. Đứa trẻ, tên là Chevalier de La Barre, bị xử phải tội cắt lưỡi, chặt bàn tay phải, và bị thiêu sống. Nhà đại văn hào Voltaire toan tính cứu đứa trẻ đó. Vụ án được chống lên quốc hội ở Paris. Giới giáo sĩ đòi xử tử đứa trẻ, cảnh cáo một sự lan rộng khủng khiếp của sự nghi ngờ đức tin. Quốc hội tỏ sự nhân từ, cho phép đứa trẻ chỉ bị chặt đầu thay vì bị cắt lưỡi chặt tay và thiêu sống. Đứa trẻ trước hết bị tra tấn để lấy đầy đủ lời thú tội, rồi bị hành quyết ngày 1 tháng 7, 1766. Thây của nó bị thiêu cùng với một bản Tự Điển Triết Lý của Voltaire." [27]

Đó là một trong hàng triệu hành động tương tự khác của cái gọi là "hội thánh" thánh thiện, công giáo, và tông truyền. Trong lịch sử nhân loại có một "hội thánh" nào dã man đến độ như vậy không?

Những sự kiện lịch sử đã chứng tỏ rằng, Giáo Hội Ca-tô tuyệt đối không phải là một "hội thánh" cũng như chẳng có gì có thể gọi là "công giáo" hay "tông truyền" vì tất cả đều trái ngược với cái lịch sử bạo tàn của giáo hội bắt nguồn từ những niềm tin nhảm nhí vào cuốn Thánh kinh. Giáo hội Ca-tô là một định chế tôn giáo độc tài sánh ngang với Hồi giáo, Do Thái giáo, do đó tuyệt đối không có một ý niệm gì về dân chủ và tự do. Giáo hội là một tổ chức không có một đóng góp nào đáng kể cho nền văn minh Tây phương, trái lại trong suốt 2000 năm đã dùng mọi nỗ lực và thủ đoạn để ngăn chận sự tiến bộ trí thức của nhân loại, đưa Tây phương vào một thời đại man rợ và đen tối trí thức (the age of barbarism and intellectual darkness) kéo dài hơn 1000 năm. Và sau cùng, Giáo hội chưa hề mang hòa bình và sự hiểu biết đến bất cứ nơi nào trên thế giới. Bất cứ giáo hội truyền đạo đến đâu là ở đó xảy ra chiến tranh, hận thù, và chia rẽ, và các tín đồ địa phương tân tòng, tuyệt đại đa số thuộc những thành phần thấp kém nhất trong xã hội, bị lùa vào cảnh nô lệ tâm linh, ngu dân dễ trị. Kinh nghiệm Việt Nam đã chứng tỏ điều này.

Vì tiến hóa là một định luật nên tri thức con người càng ngày càng tiến bộ, xã hội càng ngày càng mở mang, và người dân càng ngày càng có thêm nhiều cơ hội học hỏi. Cho nên, những thế hệ sau của lớp người tân tòng thấp kém đầu tiên này cũng có nhiều cơ hội để phát triển về kinh tế và học vấn. Tuy nhiên vì sinh ra và trưởng thành trong truyền thống của một đức tin thuộc loại không cần biết, không cần hiểu, được truyền từ đời này sang đời khác, được cấy vào đầu con cái từ khi còn nhỏ, cho nên dù trong các thế hệ sau cũng có những người học lên cao, bằng cấp nọ kia, nhưng họ vẫn không thoát ra được mớ xiềng xích trí tuệ đã trói buộc họ từ nhiều đời, kết quả là ý thức tôn giáo của họ, đúng như Mục Sư Ernie Bringas đã nhận xét, thuộc thế kỷ thứ 17, thời điểm mà cha ông họ bắt đầu theo đạo, hoặc như linh mục James Kavanaugh nhận định: "Về tôn giáo hắn là một người máy chỉ biết đọc lại những câu trả lời mà người ta đã dạy hắn" vì "cách đào tạo đã vặn vẹo đầu óc của hắn và làm méo mó ý thức về tôn giáo của hắn". Chẳng thế mà trong thời đại văn minh tiến bộ của thế giới ngày nay, chúng ta vẫn còn đọc được trong cuốn "2000 Năm Một Thuở.." những câu vừa sai sự thực lịch sử, vừa lạc hậu huênh hoang hỗn hào khó nghe, vừa có tính cách mạ lị tổ tiên và dân tộc. Sau đây là vài thí dụ:

1). Tác giả Nguyễn Tiến Cảnh, viết ở trang 44: "Ai cũng biết hàng giáo sĩ công giáo là lớp người đi tiên phong về văn hóa, mang văn minh tiến bộ đến các nơi tăm tối lạc hậu" hàm ý vì không biết đến Tin Mừng (sic) Phúc Âm nên Việt Nam cũng như Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan v..v..là những nơi tối tăm lạc hậu, trong khi thực sự thì các nền văn hóa nhân bản và các triết lý tôn giáo Đông phương đã vượt xa văn hóa và triết lý Ki Tô Giáo về mọi phương diện, một sự kiện mà các nhà trí thức ngày nay đều phải công nhận. Dựa vào một đức tin không cần biết, không cần hiểu, vào những điều dã man cổ xưa và những ngụy tạo của giáo hội để đi rao truyền đức tin đó với hậu thuẫn của ưu thế về súng đạn thì không thể gọi là "tiên phong về văn hóa, mang văn minh tiến bộ" đến cho người khác. Lịch sử Việt Nam đã chứng tỏ những thừa sai như Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc), Puginier, Gauthier v..v.. toàn là những tên thực dân vô đạo đức, vô văn hóa, bản chất chỉ là những tên cuồng tín say men Thiên Chúa của Do Thái chứ chẳng có gì gọi là văn minh tiến bộ.

Thật vậy, chúng ta hãy đọc nhận định của nhà đại văn hào Pháp, Victor Hugo:

"Nền văn minh, ánh sáng này, có thể bị tắt đi bởi hai sự chìm ngập, hai sự xâm lăng nguy hiểm đối với nền văn minh, sự xâm lăng của các quân lính và sự xâm lăng của các linh mục. Sự xâm lăng của các quân lính đe dọa mẹ chúng ta: tổ quốc; sự xâm lăng của các linh mục đe dọa con chúng ta: tương lai" [28]

Ở Việt Nam thì Linh mục Trương Bá Cần đã phải thú nhận là:

"Về Tây học, thì ông (Nguyễn Trường Tộ) quả có được các linh mục thừa sai và, đặc biệt, Giám mục Gauthier dạy cho tiếng Pháp và truyền đạt một số kiến thức khoa học, chỉ có thể là, rất phổ thông...vì các thừa sai thuộc Hội Truyền Giáo Nước Ngoài (MEP) tuyệt đại bộ phận chỉ học xong chương trình phổ thông, rồi vào các đại chủng viện học làm linh mục để gởi đến các nước truyền đạo".

Học làm linh mục như thế nào? Chúng ta hãy nghe Linh Mục Emmett McLoughlin mô tả thực chất giáo dục Ca Tô trong việc đào tạo Linh mục như sau, ngay trong thế kỷ 20, trong cuốn Văn Hóa Mỹ và các Trường Học Ca Tô (American Culture and Catholic Schools, Lyle Stuart, New York, 1960, trg. 36 -37):

“Tôi không được học để suy nghĩ. Từ những năm của thời thơ ấu qua thời kỳ thiếu niên bối rối (trong nhà Dòng) cho đến khi thành người lớn, đầu óc tôi bị đúc trong một mô thức trí thức cũng như là được đúc trong bê tông.

Sự tiếp cận khoa học của tôi trong 21 năm là một "cua" về vật lý sơ đẳng. Trong 12 năm, tôi chẳng học được gì về văn học nổi tiếng của hoàn cầu. Những ánh sáng trí thức này được giam chặt trong Danh Sách Những Cuốn Sách Cấm Đọc của Giáo hội.

Nói ngắn gọn - tôi không được giáo dục - tôi chỉ bị tẩy não. Tôi đã đạt đến trình độ khô cứng của sự hiểu biết trí thức xoàng xĩnh.

Tôi đã trở nên một người máy, một linh mục với những lễ nghi thiêng liêng không rõ ràng, vô nghĩa ở sự hiệu quả của chúng cũng như là những bài ca của các thầy Pháp Haiti.

Tôi là một kỹ thuật viên của giáo hội được huấn luyện để đúc nặn những bộ óc trẻ, dễ uốn nắn..”. [29]

Tại sao Việt Nam lại cần những con người và bộ óc như vậy đến để "văn minh hóa" chúng ta trong khi chúng ta đã có một tôn giáo nhân bản không hề vấy máu và những nền triết lý Đông phương để sống trong hòa thuận và trật tự với nhau? Trong cuốn “Hồn Nước Và Lễ Gia Tiên”, trang 318, Linh Mục Lương Kim Định có tường trình một hiện tượng như sau:

“Trong hội nghị quốc tế về triết học họp tại Honolulu năm 1949 thì triết Nho được đề cao hơn bất cứ triết nào đến nỗi cuối cùng Khổng Tử được bầu làm nhạc trưởng hướng dẫn cuộc hòa hợp Đông Tây mai này. Đây là một danh dự tuyệt cao trong thời mới, càng cao hơn nữa khi triết Tây bị mạt sát thậm tệ, và nặng lời hơn hết lại là các đại biểu Âu Mỹ. Chỉ có triết Đông gồm Ấn, Thích, Lão, Nho được đề cao. Riêng Nho được bầu làm đầu đàn cho cuộc tiến tương lai của nhân loại.”

Linh mục Kim Định cũng còn trích dẫn lời của một triết gia nổi tiếng của Âu Châu, Heidegger, người đã phán câu: “Văn Hóa Tây Âu hỏng từ nền tảng, nên truyền bá đến đâu là gieo máu và nước mắt đến đấy” (Lương Kim Định, Ibid., trg. 316).

Vậy ông Nguyễn Tiến Cảnh dựa vào đâu mà viết lăng nhăng bậy bạ theo luận điệu huênh hoang, hoang đường, lừa dối của các thừa sai khi xưa? Để giúp ông mở mang thêm đầu óc, tôi xin đưa ra một tài liệu khác của một nhân vật nổi danh của Mỹ đưa ra vào cuối thập niên 1990.

Trong cuốn Sự Xung Đột Giữa Các Nền Văn Minh Và Sự Tái Lập Trật Tự Thế Giới (The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order), tác giả Samuel P. Huntington đã soi sáng cho chúng ta về thực chất văn hóa Tây phương. Huntington là một lý thuyết gia chính trị thế giới nổi tiếng của Mỹ, thường viết trong tập san Foreign Affairs. Uy tín của Huntington không ai có thể phủ nhận. Ông ta là giáo sư đại học Harvard, giữ chức vụ Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược John M. Olin và Chủ Tịch Học Viện Harvard Nghiên Cứu Các Địa Phương Trên Thế Giới. Ông cũng từng là Giám Đốc Kế Hoạch An Ninh cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia dưới thời Tổng Thống Carter, và Chủ Tịch Hội Chính Trị Khoa Học Hoa Kỳ. Theo giáo sư Huntington thì:

Sự bành trướng của Tây phương trên thế giới từ thế kỷ 16 là dựa trên sự phát triển kỹ thuật: kỹ thuật hàng hải để đi tới các nơi xa xôi, và kỹ thuật vũ khí để chiến thắng quân sự v..v..”Tây phương thắng trên thế giới không phải là vì sự ưu việt của những ý tưởng, hoặc giá trị, hoặc tôn giáo Tây phương mà là ưu thế trong sự áp dụng bạo lực một cách có tổ chức.” (Huntington, p. 51: The West won the world not by the superiority of its ideas or values or religion but rather by its superiority in applying organized violence). Tuy nhiên, Tây phương chưa bao giờ có được một tôn giáo lớn (theo nghĩa là chủ lực tinh thần hướng dẫn đạo đức và tính thiện của con người. TCN). Những tôn giáo lớn trên hoàn cầu không phải là sản phẩm của Tây phương mà là của những nền văn minh ngoài Tây phương, và trong hầu hết các trường hợp, đã có trước nền văn minh Tây phương. (Huntington, p. 54: The West, however, has never generated a major religion. The great religions of the world are all products of non-Western civilizations and, in most cases, antedate Western civilization).

So sánh giáo lý, lịch sử Ki Tô Giáo (Chính Thống, Ca Tô, Tin Lành) với các tôn giáo Á Đông như Thích, Nho, Lão và Ấn Giáo, chúng ta thấy rõ ngay điều này. Vậy có thể nói được chăng là những thừa sai Ca-tô vô hạnh du nhập một tôn giáo thuộc loại mê tín, hoang đường, ăn thịt uống máu v..v.. là mang văn minh tiến bộ đến các nơi tăm tối lạc hậu (sic), những nơi mà nền văn minh, tôn giáo và triết lý đã vượt xa nền văn minh, tôn giáo và triết lý Tây phương? Như giáo sư Huntington đã nói, ưu thế của Tây phương là ưu thế về kỹ thuật chứ không phải là ưu thế về tư tưởng, triết lý, luân lý và đạo đức, những yếu tố căn bản và đích thực của nền văn minh loài người..

Thật ra thì cái gì tăm tối lạc hậu ở đây? Chính là những đầu óc như của Nguyễn Tiến Cảnh, đang sống trong bóng tối dày đặc của ý thức hệ Rô-ma, cho nên vẫn còn tiếp tục viết bậy bạ theo luận điệu của các thừa sai Ca-tô trong thế kỷ 17: "rao truyền tin mừng để văn minh hóa" những nơi tối tăm lạc hậu. Ngày nay, không ai, kể cả tòa thánh Vatican, còn dám nhắc lại những luận điệu kiêu căng vô lối của các thừa sai khi xưa, những luận điệu có tính cách xúc phạm đến nhiều dân tộc.

2). Tác giả Trần Ngọc Tá viết, trang 141: "Công giáo Việt Nam: niềm tự hào dân tôi.. dân tộc vốn tự hào có đến 117 vị tử đạo được phong hiển thánh", hàm ý cả dân tộc Việt Nam đều phải tự hào về cái đạo của 7% dân số đã đưa thực dân đến cướp nước và đã có những Việt gian trong đạo được phong hiển thánh của Ca-tô giáo. Các ông chỉ có thể viết "Công giáo Việt Nam: niềm tự hào của giáo dân Việt Nam" nếu muốn, chứ không thể viết là niềm tự hào dân tôi, vơ cả dân Việt Nam vào sự tự hào một tôn giáo mà lịch sử của nó trên thế giới đã chứng tỏ chẳng có gì để mà tự hào cả, trái lại, nó đúng là một lịch sử tàn bạo, đẫm máu và nước mắt, một lịch sử ô nhục kéo dài từ đầu cho tới ngày nay. Nếu không, tại sao giáo hoàng phải xưng thú 7 núi tội lỗi và xin được tha thứ? Tài liệu về 7 núi tội lỗi này ngày nay không thiếu, có đầy trong các thư viện lớn, nhất là thư viện của các đại học Âu Mỹ có tiếng.

3). Tệ hơn nữa, Lê Thị Bạch Nhựt & Nguyễn Văn Tánh đã lấy một câu chuyện hoang đường trong Cựu Ước để mạ lị cả dân tộc Việt Nam như sau, trang 15:

"Nói đến "người công chính Phạm Văn Đồng của Thiện Cẩm" lại nhớ chuyện cũ trong Cựu Ước có sự mặc cả giữa Abraham với Chúa khi ông này can thiệp để cứu thành Sodome: nếu có 50 người công chính trong thành thì Chúa sẽ dung thứ cho tất cả thành đó (St 18, 26-32). Từ 50 người hạ xuống còn 10 người, vẫn không tìm được túc số cứu vãn thời cuộc! Tiếc thay cho thành Sodome ngày xưa và cũng tiếc thay cho Đất nước và Dân tộc Việt Nam hôm nay."

Người đọc, nếu không biết chuyện thành Sodom trong Cựu Ước thì sẽ không nhận ra sự nguyền rủa dân tộc của 2 tác giả trí thức Ca-tô trên. Chuyện về thành Sodom là một trong những chuyện hoang đường nhất, độc ác nhất, và tục tĩu nhất trong Cựu Ước, về "thánh" Lot, mẫu người công chính của Chúa. Vì trong thành không có đến 10 người ngay thẳng, chính trực (righteous) nên Chúa của Lê Thị Bạch Nhựt & Nguyễn Văn Tánh sai 2 thiên sứ xuống để tiêu diệt mọi sinh vật: người (kể cả các trẻ sơ sinh, chưa thể biết thế nào là "công chính"), cây cỏ, súc vật, trong 2 thành Sodom và Gomorrah, chỉ chừa lại 2 vợ chồng Lot (em họ Abraham) và 2 đứa con gái. Tại sao lại chừa lại gia đình Lot và Lot là người như thế nào? Vì khi 2 thiên sứ đến nhà Lot thì đàn ông già cũng như trẻ trong làng đến nhà Lot đòi Lot trao 2 thiên sứ cho họ để họ "chơi" (trong thành Sodom có một số đồng giống luyến ái, giống như một số linh mục ngày nay. TCN). Lot không chịu và nói với họ là: "Tôi có 2 người con gái còn trinh, tôi sẽ trao cho các người muốn làm gì chúng nó thì làm, nhưng đừng có "chơi" 2 người khách của tôi." Vì vậy Lot được Chúa coi là người "công chính" và 2 thiên sứ bảo Lot mang gia đình rời khởi thành Sodom để Chúa của Lê Thị Bạch Nhựt & Nguyễn Văn Toán phóng lửa từ trên Thiên đàng xuống đốt thiêu rụi cả 2 thành Sodom và Gomorrah, tiêu diệt mọi sinh vật trong đó. Vợ của Lot quay đầu lại nhìn hình phạt dã man của Chúa nên bị Chúa biến ngay thành một cột muối. Lot và 2 con gái lên hang núi ở và rồi cả 2 người con gái đều ngủ với cha mình là Lot, sinh con đẻ cái.

Những chuyện hoang đường (thiên sứ tới Sodom, lửa từ thiên đường phóng xuống, vợ Lot biến thành cột muối), ác độc (Chúa tiêu diệt mọi sinh vật trong 2 thành Sodom và Gomorrah chỉ vì có một số dân trong đó thích sống kiểu đồng giống luyến ái), bất nhân (Lot trao 2 con gái còn trinh cho dân làng muốn làm gì thì làm) và loạn luân (Lot ngủ với 2 con gái ruột của mình) như vậy trong Cựu Ước mà Lê Thị Bạch Nhựt & Nguyễn Văn Tánh có thể mang thành Sodom ra so sánh và viết bậy bạ là "Tiếc thay cho thành Sodome ngày xưa và cũng tiếc thay cho Đất nước và Dân tộc Việt Nam hôm nay." hàm ý trong nước Việt Nam với hơn 80 triệu dân ngày nay, trong đó có khoảng 5-7 triệu tín đồ Ca-Tô, không có tới 10 người ngay thẳng, chính trực và số phận đất nước và dân tộc Việt Nam ngày nay rồi cũng sẽ có chung một số phận như thành Sodom ngày xưa. Viết như trên, hai tác giả không chỉ mạ lị dân tộc Việt Nam mà còn mạ lị luôn cả tập đoàn tín đồ Ca Tô Việt Nam. Có muốn chống hai triệu đảng viên đảng Cộng Sản thì cũng phải chống cho đúng, chứ cứ viết bừa viết bãi như vậy thì Cộng Sản họ sẽ cười vào mũi cho và còn coi thường trình độ trí thức Ca Tô của quý vị.

Những tác giả trong cuốn "2000 Năm Một Thuở.." như Nguyễn Tiến Cảnh, Trần Ngọc Tá, Lê Thị Bạch Nhựt & Nguyễn Văn Tánh muốn tin đạo của họ thế nào thì tin, chẳng có ai ngăn cản hay cấm đoán, nhưng cuồng tín đến độ viết lên được những câu huênh hoang, lố bịch, vong bản, xúc phạm đến cả dân tộc Việt Nam như vậy thì không hiểu họ còn nhắc đến đất nước và dân tộc để làm gì, trong khi thực chất của họ chỉ là những ký sinh trùng của đất nước, dân tộc, ăn chực nằm chờ ngày về với Chúa Do Thái của họ trên một thiên đường giả tưởng. Họ có còn chút liêm sỉ nào không mà không biết ngượng, không biết xấu hổ với ông bà tổ tiên. Chẳng trách linh mục Lương Kim Định đã đưa ra nhận xét: "Sự nghi kỵ Lương giáo xem ra không sao xóa sạch được." Làm sao xóa sạch được khi mà những người được gọi là trí thức Ca-tô mà còn coi rẻ quốc gia dân tộc một cách quá sai lầm và cuồng tín như vậy, huống chi là những tín đồ thấp kém chiếm tuyệt đại đa số giáo dân. Trước những đầu óc như vậy, chúng ta còn có thể đối thoại với họ như thế nào, hòa hợp cách nào, ngoài cách vạch cho đại chúng và cho họ biết cái tinh thần "cuồng nô" (từ của giáo sư Nguyễn Mạnh Quang) tôn giáo, và loại kiến thức hạ đẳng của họ, may ra họ có tỉnh ngộ chăng?

Điều rõ ràng khi chúng ta đọc cuốn "2000 Năm Một Thuở.." là các tác giả trong đó đã bị nhồi sọ rất kỹ những lời tuyên truyền sai sự thực của giáo hội. Lịch sử Giáo hội Ca-tô cho biết giáo hội đã dùng mọi thủ đoạn để ngăn chận sự tiến bộ trí thức của nhân loại. Đến khi giáo hội mất quyền sinh sát và không còn cách nào ngăn cản sự tiến bộ trí thức của nhân loại thì giáo hội bèn mở chiến dịch nhận vơ nền văn minh tiến bộ của Tây phương làm nền văn minh Ki Tô Giáo và dạy đám con chiên, vốn chỉ biết ngoan ngoãn "quên mình trong vâng phục", tin rằng những quan niệm về nhân quyền, tự do tín ngưỡng, công bằng, bác ái, dân chủ v..v.. bắt nguồn từ Ki Tô Giáo trong khi thực sự thì những quan niệm này là những quan niệm thế tục, của những chính trị gia và tư tưởng gia ở ngoài giáo hội. Thomas Jefferson, Thomas Paine, Voltaire v..v..là những người đầu tiên đưa ra quan niệm về nhân quyền, và họ đều lên tiếng chỉ trích cái cấu trúc độc tài, phi dân chủ, phi tự do, và chà đạp nhân quyền của giáo hội Ca-tô Rô-ma. Sau cuộc cách mạng năm 1789, một cuộc cách mạng đẫm máu, đưa lên máy chém hay giết hại 47 giám mục, 17000 linh mục và 30000 nữ tu, Pháp đưa ra quan niệm Tự Do, Bình Đẳng và Bác Ái (Tình huynh đệ). Nên nhớ khi đó Pháp được coi như là "Trưởng nữ của giáo hội" (The eldest daughter of the church). Tại sao vậy, nếu giáo hội Ca Tô thực sự là thánh thiện, tông truyền, tôn trọng nhân quyền, tự do, công bằng và bác ái?

Những điều nhận vơ của giáo hội Ca-tô

Sau đây tôi sẽ luận về những điều nhận vơ của giáo hội Ca-tô qua vài ý kiến của các tác giả trong cuốn "2000 Năm Một Thuở.."

A). Giáo hội và vấn đề nhân quyền, công bằng, bác ái, và tự do:

1) Lê Thị Bạch Nhựt & Nguyễn Văn Tánh, trang 3:

"Giáo hội được ví như ngọn hải đăng trong vai trò "Mẹ và Thầy" [Lại "Mẹ và Thầy"], để soi đường chỉ lối cho người kitô hữu, nhưng luôn luôn đi chậm, nhưng dù muốn dù không cũng phải công nhận là Giáo hội đã kiên trì trong việc tranh đấu cổ võ cho nhân quyền, cho nhân phẩm người phụ nữ, cho những người cô thế."

2) Nguyễn Tiến Cảnh, trang 47:

"Công giáo cũng đã mang vào nước ta nhiều tư tưởng mới, cởi mở, tiến bộ mà trước kia ta không có như tinh thần khoa học, quan niệm về Công Bằng, Bác Ái, Tự Do.."

3) Đỗ Mạnh Tri, trang 174:

"Nhân quyền, công dân quyền, tự do, tự do lương tâm, tự do tư tưởng, bình đẳng, dân chủ... Trong lịch sử Tây Phương, 1) Điểm phát xuất của những khái niệm đó là Phúc Âm.."

4) Trần Phong Vũ, trang 211:

"Bằng cái nhìn xuyên suốt lịch sử, ai có thể phủ nhận được ảnh hưởng sâu xa của nền văn minh Ki Tô giáo, trong đó có Công giáo, đối với cuộc sống con người. Những ý niệm về dân chủ, nhân quyền, tình liên đới trong xã hội ngày nay há chẳng đã bắt rễ sâu xa từ nền tảng văn minh Ki Tô đó sao?"

Đó là những lời ca tụng giáo hội Ca-tô theo luận điệu tuyên truyền của giáo hội. Chúng ta có thể có những bình luận gì về những luận điệu trên?

Trước hết, có lẽ chúng ta cũng nên nhắc lại 7 núi tội lỗi mà giáo hoàng John Paul II cùng 3 hồng y và 2 tổng giám mục đã xưng thú cùng thế giới và xin được tha thứ tại thánh đường Phê-rô ngày 12 tháng 3 năm 2000:

1. Xưng thú “tội lỗi chung”.

2. Xưng thú “tội lỗi trong khi phục vụ “chân lý””.

3. Xưng thú “tội lỗi đưa đến sự chia rẽ giữa các tín đồ Ki Tô”.

4. Xưng thú tội lỗi trong sách lược bách hại dân Do Thái”.

5. Xưng thú “tội lỗi trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển”.

6. Xưng thú tội lỗi trong sự kỳ thị phái nữ, coi thường phẩm giá phụ nữ”.

7. Xưng thú “tội lỗi trong việc vi phạm những quyền căn bản của con người”.

Những mục xưng thú 4, 5, 6, và 7 ở trên, tuy rất đại cương, cũng đã nói lên sự thật về cách hành xử của giáo hội trong những vấn đề như nhân quyền, công bằng, bác ái, tự do, và do đó đã dứt khoát bác bỏ những lời tung hô sai sự thực của mấy trí thức văn nô Ca-tô không hề biết đến bộ mặt thật của tôn giáo mình. Viết về lịch sử những tội ác của giáo hội Ca-tô trong hơn 16 thế kỷ qua, khai triển 7 mục xưng thú tội lỗi trên, chúng ta có thể viết ít ra là một cuốn sách dày vài trăm trang. Nhưng ở đây, chúng ta chỉ cần nhắc qua những nét chính trong lịch sử những tội ác của giáo hội Ca-tô hoàn vũ. Nhưng trước hết, chúng ta cần biết những tội lỗi giáo hội giáng xuống nhân loại bắt nguồn từ đâu?

Căn bản đức tin và những hành động của giáo hội Ca-tô là từ Thánh Kinh, Cựu Ước và Tân Ước. Giáo hội đã theo sát lời dạy trong Thánh Kinh, sản phẩm tinh thần của một số người Do Thái cách đây từ 4 đến 2 ngàn năm, phản ánh niềm tin của họ về Thần Gia-vê của họ (Thiên Chúa của tín đồ Ca-tô Việt Nam) sẽ đoái thương dân tộc họ, nghĩa là dân Do Thái, cứu vớt họ ra khỏi cảnh nô lệ và "nước cha trị đến" đã ở trong tầm tay, trong đó sữa mật tràn đầy v..v.. Nhưng vì Thánh Kinh là sản phẩm của dân tộc Do Thái, một dân tộc du mục tàn bạo, man rợ khi xưa, nên những điều dạy trong Thánh Kinh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, cũng đều phản ánh đặc tính man rợ và tàn bạo của dân Do Thái khi đó, những đặc tính kéo dài cho tới ngày nay như chúng ta đã biết về những tội ác mà Ki Tô Giáo đã giáng lên đầu nhân loại.

Trong Cựu Ước Thần Gia-vê của người Do Thái (Thiên Chúa của tín đồ Ca-tô Việt Nam) dạy rằng không được thờ phụng Thần khác, phải phá hủy mọi tượng Thần khác, nếu không thì Thần ghen và sẽ trả thù ghê gớm. Trong Tân Ước Giêsu của người Do Thái (Chúa trời của tín đồ Ca-tô và Tin Lành Việt Nam) dọa: kẻ nào không tin ta, theo ta thì sẽ bị đầy đời đời kiếp kiếp xuống hỏa ngục. Nhân quyền ở đâu? Công bằng ở đâu? Bác ái ở đâu? Ý niệm về con người của KiTô giáo là như thế nào? Là con người được Thần ban cho một ý chí tự do (free will), nhưng cái tự do này là cái quyền tự do duy nhất để thờ phụng và sợ Chúa, cái tự do duy nhất là phải là một tín đồ KiTô Giáo, cái tự do duy nhất là làm nô lệ cho Chúa, hay theo thuật ngữ của Ki-tô giáo, điển hình là Tin Lành, làm tôi tớ cho Chúa với những bộ mặt hãnh diện, vẻ vang vì được làm tôi tớ.

Muốn nói hay nói giỏi thế nào cũng được, người ta chỉ nhìn vào những thảm họa giáo hội Ca-tô đã đem đến cho nhân loại. Giáo dân thì có thể vì lẽ nào đó không biết đến những thảm họa này, nhưng lịch sử thế giới còn đó, lịch sử giáo hội còn đó, không ai có thể che dấu hoặc xuyên tạc được sự thật, vì ngày nay giáo hội không còn quyền lực để mà đốt đi mọi chứng tích lịch sử và ngụy tạo lịch sử như trong quá khứ.

Trong thời Trung cổ, trên vai giáo hội CaTô có 8 cuộc Thánh Chiến, tàn sát nhiều triệu người bất kể già trẻ lớn bé, nam hay nữ, vì lý do tôn giáo; có những tòa hình án xử dị giáo với những cảnh tra tấn khủng khiếp và dã man nhất trong lịch sử loài người; có những cảnh thiêu sống các "mụ phù thủy" lên tới hàng nhiều trăm ngàn người; và có những vụ án như đối với các khoa học gia như Giordano Bruno (bị thiêu sống) và Galileo Galilei (bị giam tại nhà cho đến khi chết). Vậy, công lý ở đâu, công bằng ở đâu, bác ái ở đâu, nhân quyền ở đâu?

Có thể có một số tín đồ Ca-tô đưa ra lý luận chống đỡ, cho rằng đó là những chuyện sai lầm trong lịch sử xa xưa của giáo hội, và ngày nay giáo hội đã thay đổi, đứng đầu trong việc tranh đấu cho nhân quyền, tự do tín ngưỡng, dân chủ v..v.. Không hẳn vậy, họ thực sự không biết gì về giáo hội của họ trong thời cận đại và hiện đại. Hơn nữa, lý luận trên không có căn bản thuyết phục và cũng chẳng chống đỡ được cái gì. Vì họ không thể nào giải thích được cái nghịch lý: "một giáo hội thánh thiện, tông truyền, luôn luôn được soi sáng bởi thánh linh như Ca-tô giáo Rô-ma, với những giáo hoàng là "đại diện của Chúa" (Vicars of Christ) trên trần, với những linh mục quyền năng như Chúa (Cha cũng như Chúa) v..v.. mà lại phạm quá nhiều tội ác đối với nhân loại, trong khi nhiều tôn giáo khác trên thế giới chẳng phải là tông truyền, chẳng cần đến thánh linh soi sáng, nhưng lại không hề phạm một tội ác nào đối với nhân loại trong quá trình truyền đạo."

Trong 5 thế kỷ gần đây, giáo hội CaTô RôMa đã hoặc làm chủ chốt, hoặc đồng lõa với chính sách thực dân của các đế quốc ở Âu Mỹ, bành trướng trên khắp thế giới để truyền đạo, qua những sách lược như giết người, hủy diệt các nền văn hóa địa phương, cưỡng bách người ngoại đạo phải theo Ca Tô Giáo v..v... Chính Giáo Hoàng John Paul II đã công nhận điều này, và đã đi tới các quốc gia trong thế giới thứ ba, hơn 100 lần ngỏ lời xin lỗi các quốc gia về những bất hạnh mà KiTô Giáo đã mang tới đất nước của họ. Vậy, công lý ở đâu, công bằng ở đâu, bác ái ở đâu, nhân quyền ở đâu?

Trong đệ nhị thế chiến, giáo hội đã chính thức ủng hộ đường lối của Hitler và Mussolini, ký thỏa ước với Hitler và Mussolini, và có "những yên lặng" (từ của ông Đỗ Mạnh Tri bỏ trống). Yên lặng trước cái gì, trước cảnh Đức Quốc Xã tàn sát 6 triệu người Do Thái trong các lò sát sinh. Tại sao? Vì Hitler đã chẳng tuyên bố "Tôi chỉ làm cái công việc mà giáo hội Ca-tô muốn làm trong 2000 năm nay nhưng không làm nổi", nghĩa là diệt chủng dân Do Thái, hay sao? Giáo hội không những đã yên lặng mà còn ủng hộ chế độ Ca-tô độc tài ở Croatia trong cuộc tàn sát hơn 600,000 người Serb theo chính thống giáo, chưa kể một số đông những người Do Thái và Gypsies. Sau đệ nhị thế chiến, giáo hội còn dùng các nhà thờ, tu viện làm nơi ẩn náu của các tội phạm chiến tranh, và dùng các cơ quan từ thiện (sic) như hội Hồng Thập Tự, Caritas International làm thông hành giả và đài thọ phí tổn để đưa chui một số tội phạm chiến tranh sang Argentina và một số quốc gia khác. Phải chăng những hành động như vậy bắt nguồn từ sự tôn trọng công lý, công bằng, bác ái, và nhân quyền?

Ở châu Mỹ La Tinh, giáo hội luôn luôn ủng hộ và đứng đằng sau các nhà độc tài miễn là họ để cho giáo hội tự do hành nghề vơ vét và mê hoặc quần chúng. Chúng ta hãy đọc một đoạn trong cuốn Tiếng Kêu Than Của Người Dân (Cry of the People), của Penny Lernoux, Penguin Books, New York, 1991, trang 10:

"Vì thế lực chính trị và kinh tế và vì nắm trong tay độc quyền giáo dục dân chúng, Giáo hội Ca-tô nắm toàn quyền trong xã hội Mỹ-La-Tinh. Giáo hội dạy những nô lệ thổ dân và Phi Châu an phận theo định mệnh và hứa hẹn một đời sau tốt đẹp hơn. Giáo hội gieo hạt giống cao ngạo (của những tín đồ Ca Tô) mang từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tới. Giáo hội khuyến khích quan niệm thủ lợi sâu đậm trong giới thượng lưu, rằng họ có thể làm bất cứ điều gì, kể cả giết những nông dân vô tội, chừng nào mà họ còn đi xem lễ nhà thờ, đóng góp đất đai và tiền bạc cho sự bành trướng của Giáo hội, và bắt con cái họ đi rửa tội. Đây là những tín hữu Ki Tô tốt, được các giám mục ở Châu Mỹ La Tinh tôn vinh. Hậu duệ của họ ngày nay nắm chính quyền quân phiệt, cai trị hai phần ba dân chúng trong vùng. Hãy nhìn đằng sau một tên độc tài, chúng ta thấy đứng đó một giám mục." [30]

Vậy thì Giáo hội tôn trọng nhân quyền, công bằng và bác ái ở chỗ nào?

Thực ra thì qua bao thế kỷ nhân loại đã văn minh hóa CaTô Rô-ma giáo nên giáo hội không còn quyền lực và khả năng để giết người bừa bãi như trước nữa. Nhưng những việc làm của giáo hội cho tới ngày nay vẫn không sáng sủa chút nào, vẫn trực tiếp hay gián tiếp dính líu vào những chính sách độc tài với tinh thần Thánh chiến và Tòa hình án xử dị giáo của những chế độ độc tài, phát xít ở các nơi trên thế giới như ở Nam Mỹ, Croatia, Nam Việt Nam, Tây Ban Nha, Mễ Tây Cơ, Đức, Ý v..v... Những vụ dính líu này càng ngày càng được phơi bày ra ánh sáng. Chúng ta hãy đọc vài sự kiện trong lịch sử thế giới cận đại (Joseph L. Daleiden, Ibid., trg. 61-62):

"Cố gắng dập tắt mọi sự chống đối các giáo hoàng và cái điều ám ảnh họ về sự duy trì quyền thống trị của giáo hội CaTô vẫn tiếp tục qua các thời đại. Tuy nhiên, trong thế kỷ này, nó có tính chất của một hành động bảo toàn lực lượng mà giáo hội dùng để bảo vệ cái quyền lực đang suy giảm của mình bằng cách liên minh với bất cứ ai mà có lợi. Sự hợp tác của các giáo hoàng với những chính quyền phát xít ở Âu Châu và Nam Mỹ cho thấy những biện pháp cực đoan ô nhục mà các giáo hoàng dùng để bảo tồn địa vị của họ.

Giáo hội chống cuộc chiến đấu giành độc lập của Mễ Tây Cơ và tuyệt thông các lãnh tụ của họ. Sau đó giáo hội chống lại sự thành lập hệ thống cộng hòa liên bang và phản đối mạnh mẽ nguyên tắc tự do tín ngưỡng trong hiến pháp Mễ Tây Cơ. Năm 1930 chính quyền hợp hiến ở Á Căn Đình bị lật đổ và một chế độ độc tài phát xít được thiết lập với tình trạng thiết quân luật. Vì chế độ mới tuyên bố trung thành với CaTô giáo, họ được giáo hội ủng hộ mau chóng. Năm 1936 giáo hoàng nồng nhiệt liên minh với nhà độc tài phát xít Francisco Franco ở Tây Ban Nha trong nỗ lực dẹp quân phiến loạn Tây Ban Nha. Franco thưởng lại bằng cách thiết lập giáo hội Ca-Tô làm quốc giáo (Quyền lợi này bị bãi bỏ khi nhà độc tài Franco chết và một hiến pháp dân chủ được chấp thuận năm 1978.) Tuy nhiên, sự liên minh với Franco chỉ là một chuyện ngoài lề qua vai trò mà giáo hội sẽ đóng trong sự khởi giậy và củng cố quyền lực của Hitler và Mussolini, một vai trò mà các giáo hoàng đều muốn chúng ta đều quên đi. Giáo hoàng Pius XI ký một thỏa ước và hiệp định Lateran với Mussolini năm 1929, và gọi Mussolini là "người Thượng Đế gửi xuống". Bốn năm sau, đại sứ của giáo hoàng là Pacelli, sau trở thành giáo hoàng Pius XII, thúc giục đảng Ca-Tô bỏ phiếu cho Hitler trong cuộc bầu cử sau cùng, trước khi đảng quốc xã lên cầm quyền.

Đối với giáo hoàng thì bất cứ những sự tàn bạo nào của một chính quyền đối với nhân loại cũng không thành vấn đề chừng nào mà chính quyền đó đủ khôn ngoan để cho giáo hoàng giữ được quyền lực. Khi Ante Pavelich dựng lên một quốc gia Ca-Tô Croatia và giết hại trên 600.000 người, hầu hết là những người thuộc Chính Thống giáo chống đối sự thống trị của Pavelich thì Giáo hội Ca-Tô giữ yên lặng." [31]

Đây không phải là những hành động phi nhân quyền, phi công bằng, bác ái, tự do của giáo hội khi xưa, mà ngay trong thế kỷ 20.

Không những Giáo hội Ca Tô yên lặng trước hành động tàn bạo giết người như trên của một chính quyền Ca Tô đối với những người khác tín ngưỡng, mà gần đây, tháng 10, 1998, Giáo hoàng John Paul II còn tôn vinh, sửa soạn phong Thánh cho Hồng Y Aloysius Stepinac, người có liên hệ mật thiết với chính quyền Ca Tô độc tài ở Croatia trong kỳ Đệ Nhị Thế Chiến. Lý do tôn vinh? Ông Hồng Y này đã từng cộng tác chặt chẽ với phát xít Đức để chống Cộng sản. Sự tôn vinh đượm màu sắc chính trị này, cũng như cuộc viếng thăm Croatia trước đây của John Paul II, chứng tỏ Tòa Thánh đứng hẳn về phe Ca Tô Giáo trong cuộc nội chiến đang tiếp diễn ở Bosnia, đã khiến cho báo chí thế giới lên tiếng phê bình , chỉ trích.

Trong tờ Chicago Tribune ngày 17 tháng 10, 1998, dưới đầu đề "Lính chiến, không phải là Thánh" (Soldier, not Saint), Jim Mantice viết như sau:

"Tôi bảo đảm với quý vị rằng có nhiều bằng chứng về sự hợp tác chặt chẽ giữa Stepinac và Đức Quốc xã, thí dụ như:

- Do sự bổ nhiệm của Giáo hoàng Pius XII, Stepinac là Tuyên úy danh dự của đoàn quân Ustache, đoàn quân này được đặt dưới quyền chỉ huy của Đức quốc xã .

- Stepinac được ban huân chương Đại Thánh Giá và Sao, một mề đay của Ustache mà ông thường hãnh diện đeo trong những cuộc tụ họp của Đức quốc xã.

- Hàng trăm linh mục dòng Francis, nằm trong quyền hạn và xét xử của Stepinac, là nhân viên cao cấp trong nhiều trại tập trung ở Croatia." [32]

Tưởng chúng ta cũng nên biết, Ustache là một tổ chức khủng bố do một số trong hàng giáo phẩm Ca Tô ở Croatia cầm đầu, gồm có cả Hồng Y, Giám mục, Linh mục. Tổ chức này đã tàn sát hơn 600.000 dân Serb (theo Chính Thống Giáo), dân Do Thái và Gypsies, và Vatican có liên hệ mật thiết với tổ chức này. (Chicago Tribune, July 23, 1997, Associated Press: "Ustashas who controlled Croatia during the war exterminated hundreds of thousands of Serbs, Jews and Gypsies and historians have denounced the Vatican for maintaining ties to the regime led by Ante Palevich). Một nhân vật như Stepinac có "thành tích" như vậy mà được tôn vinh để sửa soạn phong Thánh thì chuyện phong 117 Thánh ở Việt Nam cũng chẳng lấy chi làm lạ.

Quý độc giả nào muốn biết thêm về nhân vật Stepinac xin đọc cuốn Lò Sát Sinh Của Vatican (The Vatican's Holocaust) của Avro Manhattan, Chương 4: “Cơn Ác Mộng Của Một Quốc Gia http://www.sachhiem.net/TCN/AVRO/TCNCh4.php trong đó có hình ảnh Stepinac, khi đó còn là Tổng Giám Mục, ngồi cạnh những lãnh tụ Đức quốc xã, cùng những hình ảnh linh mục đang cắt cổ dân Serb, hoặc dồn một đám đông dân Serb vào trong giáo đường của họ rồi thiêu sống tập thể...

Sau đây, tôi xin trích dẫn thêm một tài liệu, nói về vai trò của giáo hội trong lịch sử Việt Nam cận đại (Daleiden, Ibid., trg. 62):

"Spelllman là người chủ chốt của giáo hoàng làm cho Mỹ tham chiến sâu đậm ở Việt Nam. Theo một bức thư chính thức của Vatican, giáo hoàng "dùng Spellman để khuyến khích Mỹ tham chiến ở Việt Nam."

Mọi viện trợ nhân đạo cho miền Nam đều đi qua các cơ sở của giáo hội Ca Tô và chỉ có những người Ca Tô là được Diệm bổ nhiệm vào trong chính phủ. Tuy rằng những chính sách như vậy đưa đến việc cải đạo hàng loạt, số tín đồ Ca Tô chỉ chiếm vào khoảng từ 12 tới 13 phần trăm của dân số miền Nam. Không lạ lùng gì mà khối đa số Phật Giáo bất bình đưa đến việc công khai chống đối chính sách của Diệm. Tình trạng ngày càng suy kém, Diệm đã dùng đến biện pháp bắt giữ hàng loạt, đàn áp Phật tử, đóng cửa chùa chiền và tu viện. Qua kinh nghiệm quá khứ, Giáo hội chắc hẳn đã biết rằng sự đàn áp chỉ làm cho lý tưởng mạnh hơn. Trước sự quan sát kinh hoàng của thế giới, giới Phật tử đã phải dùng tới hành động chống đối tiêu cực rốt ráo và nhiều tăng sĩ đã tự thiêu. Trong những khoảng thời gian đáng sợ đó, tôi, một tín đồ CaTô, không nhớ có một lời chỉ trích chính sách của Diệm từ một linh mục hay giám mục CaTô nào. Tuy nhiên, sự việc đã lên quá mức đối với Tổng Thống John Kennedy, ông ta thôi không ủng hộ Diệm nữa. Ít lâu sau đó Diệm bị hành quyết trong một cuộc lật đổ chính quyền. Qua cái diễn tiến kinh khủng này vai trò của giáo hội đã theo đúng cái tiến trình lịch sử nhơ nhớp của giáo hội." [33]

Phải chăng đó là quan niệm về công bằng, bác ái và tôn trọng nhân quyền của giáo hội mà các tác giả Tin Nhà Paris rêu rao?

Và ngay trong thời đại này, năm 2002, vụ giáo hội, từ giáo hoàng ở Vatican cho đến các hồng y, tổng giám mục cai quản các giáo phận, theo đuổi chính sách bao che cho các linh mục, giám mục loạn dâm, tạo cơ hội cho những kẻ tội phạm này tiếp tục phạm tội, bất kể đến những sự đau khổ của các nạn nhân ngay trong giáo hội đến độ giám mục Wilton Gregory đã phải thú nhận: "Chúng ta chính là những kẻ, nhiều khi, đối xử và coi những nạn nhân và gia đình họ như là những kẻ thù chứ không phải là những thành viên đau khổ của giáo hội. (We are the ones who, at times, responded to victims and their families as adversaries and not as suffering members of the church). Vậy công bằng, bác ái, nhân quyền ở chỗ nào?

Có lẽ các tác giả trong cuốn "2000 Năm Một Thuở..." chưa bao giờ biết đến cuốn Church: Charism & Power của linh mục Leonardo Boff, một nhà thần học nổi tiếng ở Ba Tây. Trong cuốn sách này, xuất bản năm 1986, linh mục Boff đã để nguyên một chương, chương 4, để viết về đề tài Sự Vi Phạm Nhân Quyền Trong Giáo Hội (The Violation of Human Rights in the Church). Ông đã đưa ra nhận xét sau đây về một tài liệu chỉ đạo của Thánh Bộ Truyền Bá Giáo Lý Về Đức Tin (Sacred Congregation for the Doctrine of the Faith) do hồng y Ratzinger cầm đầu, nguyên là Bộ Xử Dị Giáo cho tới năm 1908 (till 1908 the Congregation of the Inquisition or Holy Office) như sau, trang 37:

"Tài liệu đó đã tước đoạt đi một loạt những quyền thiêng liêng của con người, những quyền mà ngay những xã hội vô thần cũng tôn trọng" (That document curtails a series of sacred human rights that are acknowledged even in manifestly atheistic societies).

Vậy những lời ca tụng giáo hội của các tác giả Tin Nhà Paris về các vấn đề công bằng, bác ái, nhân quyền, tự do có bao nhiêu giá trị? Hay đó chỉ là những lới nhắc lại vô trách nhiệm của một mớ luận điệu tuyên truyền sai sự thực đã nhồi nhét vào trong đầu óc họ? Thái độ cần có của những trí thức ngày nay là, "Hãy tìm hiểu sự thật lịch sử, đừng tin những gì giáo hội Ca-tô hay những thuộc hạ nô lệ trí thức "Mít" viết, mà hãy nhìn kỹ những gì giáo hội đã làm và đang làm." Hãy nên ghi nhớ trong đầu; "Muốn cho người khác không biết thì đừng có làm", vì trong thời đại này không ai có thể che dấu được sự thật mãi mãi.

Tại sao trong thời buổi này mà mấy trí thức Ca-tô như trên vẫn còn có can đảm khẳng định là giáo hội tôn trọng nhân quyền và chủ trương công bằng bác ái? Thật là dễ hiểu, vì họ đã được nhồi sọ từ nhỏ, và theo truyền thống "quên mình trong vâng phục" thì họ không bao giờ bận tâm suy nghĩ về những điều "giáo hội dạy rằng.." Tôi có thể chứng minh điều này qua vài đoạn văn có tính cách thú nhận của hai tác giả trong cuốn "2000 Năm Một Thuở.."

B.) Nền Thần Học Ki-Tô Giáo.

Ông Đỗ Mạnh Tri khoe rằng, trang 254:

"Hỏi: Con có đạo hay là ngoại?

Thưa: Con có đạo.

Hỏi: Đạo con giữ là đạo nào?

Thưa: Là đạo chính đức chúa trời đã dạy, đức chúa trời đã truyền lại, và hội thánh Rôma đã giữ xưa nay."

Trước khi biết đọc biết viết, bọn tí nhau chúng tôi đã thuộc lòng mấy câu bổn đồng ấu đó... Có người bảo đọc như con vẹt. Có phần đúng. Hiểu gì đâu. Nhưng lớn lên có hiểu gì không? Nếu không hiểu, có biết mình không hiểu không?

Còn tác giả Trần Ngọc Báu viết như sau, trang 22-24:

"Ngay từ tấm bé, tôi được cho biết là đạo tôi có cơ sở lý luận vững chắc, biết rõ lý do tại sao mình tin vào Chúa, và phải chống lại bất cứ hình thức mê tín dị đoan nào... Ngay từ nhỏ tôi được học giáo lý công giáo để tin vào một "Thiên Chúa của trí tuệ", để có một "đức tin sáng suốt". Tôi được giải thích rành mạch để phân biệt đức tin với mê tín dị đoan... Tin là tin, và không có lý lẽ gì có thể chứng minh niềm tin, hay nhất thiết phải dẫn đến niềm tin... Cuối cùng, giữa tin và mê tín, rất khó lòng vạch ra một lằn ranh ngăn cách thật rõ ràng... Khi Ki Tô giáo mượn nền triết học "Tây phương duy lý" để xây dựng nền thần học của mình, người tín hữu lấy làm thỏa đáng có được một nền thần học có cơ sở lý luận vững chắc. Và nhìn về các tôn giáo khác không có được một nền thần học sáng sủa và mạch lạc như thế, người tín hữu phương Tây có cảm giác là người ta mê tín dị đoan... Khi đặt cơ sở niềm tin trên một nền thần học Tây phương, Giáo hội La Mã có ưu điểm lớn là giữ cho niềm tin được trong sáng, đồng nhất, dễ truyền đạt từ đời này qua đời khác mà không sai chạy.."

Chúng ta thấy ngay sách lược nhồi sọ tín đồ từ khi còn nhỏ, chưa biết đọc, biết viết, khi đứa trẻ chưa đủ trình độ và khả năng hiểu biết để đánh giá những điều mình được nhồi vào đầu, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Và đó là sự thành công của giáo hội. Tôi chợt nhớ đến một chuyện truyền giáo ở Tân Thế Giới ngày xưa: Có một nhà truyền giáo da trắng đến kể những chuyện trong Thánh Kinh với một người da đỏ: Nào là Chúa sinh ra từ một nữ đồng trinh, nào là Chúa làm nhiều phép lạ: đi trên nước, cứu người chết sống lại, biến nước thành rượu, nào là Chúa sống lại sau khi chết và bay lên trời ngồi bên phải Chúa Cha v..v.. Người Da Đỏ chỉ lên cái đầu tóc bạc phơ của mình và nói: "Ông hi vọng là tôi tin vào những chuyện hoang đường đó hay sao? Nhưng tôi có 3 đứa con, 2 đứa đã lớn rồi, đừng nói những chuyện đó với chúng mà chúng cười cho. Còn thằng con út của tôi còn nhỏ xíu. Ông muốn nói gì thì nó cũng tin, và khi nó tin rồi thì ông có cậy óc nó ra nó vẫn cứ tin." Câu chuyện đến đó chấm dứt vì tác giả không cho biết thái độ của nhà truyền giáo khi đó ra sao. Nếu là một nhà truyền giáo Tây Ban Nha có súng ở trong tay thì có thể ông già da đỏ kia nếu không bị thiêu sống thì cũng bị bắn chết.

Lớn lên có hiểu gì không? Nếu không hiểu, có biết mình không hiểu không? Ông Đỗ Mạnh Tri hỏi. Nhưng qua bài viết của ông thì cái hiểu của ông về tôn giáo của ông vẫn ở trình độ khi ông chưa biết đọc biết viết. Bởi vì nếu đã hiểu ra rồi thì đã không viết bậy về "ngôi mồ trống", "Judas bán Chúa", "Tin mừng Phúc Âm", "Giê su đến để phục hồi con người, hình ảnh Thiên Chúa", "Giê-su rao giảng đạo của tình thương, đạo của tự do" v..v.. Còn ông có hiểu là mình không hiểu không thì để cho ông tự trả lời.

Cũng vì không hiểu là mình không hiểu nên ông Trần Ngọc Báu mới tin rằng đạo của ông có cơ sở lý luận vững chắc, có nền thần học có cơ sở lý luận vững chắc, và đức tin của ông không thuộc loại mê tín dị đoan, và ông phải chống bất cứ hình thức tin nào khác mà ông liệt vào loại mê tín dị đoan.

Tôi có thể nói ngay rằng ông Trần Ngọc Báu không biết gì về nền thần học Ki Tô Giáo và không biết rằng chính đức tin của ông thuộc loại mê tín dị đoan hạng nhất. Thật vậy, nền thần học Ki Tô Giáo đã cấy vào đầu óc ông một đức tin không cần biết, không cần hiểu, như ông đã khẳng định "Tin là tin, và không có lý lẽ gì có thể chứng minh niềm tin, hay nhất thiết phải dẫn đến niềm tin." Cái này người đời gọi là mù lòa tin bướng tin càn, như vậy không phải là mê tín dị đoan là gì. Một đức tin như vậy thì không thể nào gọi là một "đức tin sáng suốt" được, vì sáng suốt là công năng của lý trí. Người ta bảo ông tin, ông chỉ việc tin, vậy thì ông sáng suốt ở chỗ nào. Nếu sáng suốt thì ông phải đặt câu hỏi: Tại sao lại bảo tôi tin như vậy, những điều ông bảo tôi có thật là đúng hay không, đúng ở chỗ nào, đặt trên căn bản nào? Còn nếu tin mà không cần đến lý lẽ thì tin vào một thiên chúa vô hình hay tin vào Con Cóc bản chất đều như nhau. Ông bảo Chúa Trời của ông toàn năng, toàn thiện v..v.., những thuộc tính không thể nào có vì phi lôgic và mâu thuẫn, và cái gọi là môn "Thần Học Ki Tô giáo theo cung cách Á Châu" đã đưa ra luận điệu đánh đồng Chúa Trời của Ki Tô Giáo với Ông Trời của Việt Nam. Nhưng tôi bảo tôi tin vào Con Cóc vì Con Cóc của tôi còn hơn thế nữa. Ngay từ tấm bé, ngay từ nhỏ, tôi đã được nghe trong dân gian Việt Nam câu "Con Cóc là cậu ông Trời, ai mà đánh nó thì Trời đánh cho". Ai đúng? Ai sai? Căn cứ vào đâu mà quyết định ai đúng ai sai? Ông Báu có vẻ thành thực hơn khi viết câu: "giữa tin và mê tín, rất khó lòng vạch ra một lằn ranh ngăn cách thật rõ ràng." Nếu vậy thì rất có thể cái mà ông cho là "đức tin sáng suốt" (sic) lại chính là "mê tín cuồng si".

Để cho vấn đề được rõ ràng hơn, có lẽ chúng ta cũng nên bàn qua về nền thần học Ki Tô Giáo, nền thần học mà ông Báu được dạy từ nhỏ là "có cơ sở lý luận vững chắc" "các tôn giáo khác không có được một nền thần học sáng sủa và mạch lạc như thế."

Chúng ta hãy bỏ qua sự kiện là những tôn giáo như Phật, Nho, Lão của Á Đông không cần đến bất cứ một loại thần học nào, vì đó là những tôn giáo của trí tuệ, không phải là những thần giáo. Chỉ có những thần giáo mới cần đến môn thần học để đưa con người vào vòng mê tín, tin vào một vị Thần mà không có một bằng chứng nào là vị Thần đó hiện hữu, cũng như không có một dấu chỉ nào chứng tỏ là vị Thần đó can thiệp vào những chuyện thế gian.

Trong Ki Tô giáo nói chung, Ca Tô giáo Rô-ma nói riêng, Thần Học là một môn học đặc thù thâu tóm một cách có hệ thống những suy tư , diễn giải về đức tin Thiên Chúa (Faith in God) và những uẩn hàm (implications) của đức tin này. Những nhà thần học Ki Tô Giáo, thường là ở Âu Châu, được huấn luyện để luận về những chủ đề đặc thù Ki Tô như sự hiện hữu của Thiên Chúa, thuyết Sáng Tạo, vai trò cứu chuộc và cứu rỗi của Giê-su, quan niệm về Chúa Ba Ngôi, vai trò của giáo hội, ân huệ của Thiên Chúa, những "bí tích", tín lý v..v.. Theo truyền thống độc tài toàn trị của giáo hội Ca-tô thì bất cứ một sự diễn giải thần học nào mà không phù hợp 100% với sự diễn giải của Vatican đều vô giá trị, bị cấm phổ biến, và tác giả của sự diễn giải ngược dòng đó bị coi như là "rối đạo" và họ sẽ phải chịu những biện pháp khủng bố tinh thần như cấm làm lễ, cấm giảng đạo, cấm dạy học, cấm viết sách v.. v.. của Vatican để kéo họ trở lại "chánh đạo" của Vatican. Theo linh mục Leonardo Boff trong cuốn Church: Charism and Power, trang 38, thì cung cách xét xử của Vatican là "Một quá trình kiểu Kafka trong đó người tố cáo, người biện hộ, luật sư, và quan tòa là một và đều giống nhau." (This is a Kafkaesque process wherein the accuser, the defender, the lawyer, and the judge are one and the same). Cho tới ngày nay, Vatican vẫn mơ tưởng vào một thành ngữ đã một thời ngự trị Âu Châu: "Roma locuta, causa finita" có nghĩa là "Rô-ma đã nói, vấn đề đã xong". Nhưng thành ngữ này đã không còn chỗ đứng trong thế giới văn minh tiến bộ ngày nay cho nên Vatican đã trở thành bất lực trong sự áp dụng thành ngữ đó. Sự kiện Vatican, dưới áp lực của các giáo hội địa phương và của giáo dân, đã phải rút lại những quyết định trừng phạt các nhà thần học như Leonardo Boff ở Ba Tây, Hans Kung ở Đức, Charles Curran, Raymond Hunthausen ở Hoa Kỳ v..v.. đã chứng tỏ như vậy. Hơn nữa, ngày nay thần học không còn thuộc đặc quyền của Vatican nữa. Ngoài cái loại thần học của Vatican mà ông Báu được bảo cho biết là có cơ sở lý luận vững chắc từ khi ông còn nhỏ, nghĩa là khi ông chưa đủ khả năng để hiểu thế nào là thần học, chúng ta thấy xuất hiện nhiều loại thần học khác, cũng đều thuộc Ki Tô Giáo cả. Chúng ta có thể kể: Thần học giải phóng (Liberation theology), thần học của phái nữ (feminist theology), thần học của người da đen (black theology), thần học Á châu (Asian theology) và còn có loại thần học của giáo hội bị lên án như "Thần học để tạo quyền sở hữu" (Theology of Ownership) nghĩa là loại thần học được bày đặt ra để thống trị con chiên (Dominion to rule). Lại có cả "theological pornography" mà tôi không muốn dịch (Xin đọc cuốn "Christianity, Patriarchy, and Abuse: A Feminist Critique" của Joanne Carlson Brown & Carole R. Bohn, chương 7). Tưởng chúng ta cũng nên biết rằng nền thần học "có cơ sở lý luận vững chắc, sáng sủa và mạch lạc như thế" của ông Trần Ngọc Báu đã phải thay đổi rất nhiều qua thời gian, kể cả những thần học của Aristotle, Augustine v..v.. mà một thời đã ngự trị trong thế giới Tây phương, nhất là trong thời kỳ đen tối trí thức (intellectual darkness) kéo dài cả ngàn năm. Thần học của Thomas Aquinas, dựa theo Aristotle, trước đây được coi như là có cơ sở vững chắc về sự hiện hữu của Thiên Chúa, ngày nay cũng không còn một giá trị thuyết phục nào.

Có lẽ chúng ta cũng nên biết thần học Ki Tô Giáo liên hệ tới đức tin Ki Tô Giáo như thế nào và

thực chất nền thần học Ki Tô Giáo ra sao.

Theo định nghĩa cổ điển, Thần học là "đức tin tìm kiếm sự hiểu biết" (Thánh Anselm: In the classical meaning of the term, theology is "faith seeking understanding"), do đó Thần học tìm cách biện giải những điều đã tin. Ngoài đức tin, Thần học không có nghĩa. (Apart from faith, theology has no meaning.) Cho nên, Thần học bao giờ cũng phải đặt căn bản trên đức tin, tin những điều viết trong Thánh Kinh, hoặc viết bởi những nhà lập giáo, những tín lý các công đồng Ki Tô đưa ra v..v.. (Richard P. McBrien in Report on the Church, p. 2:...That is, theology must always have its starting point in Sacred Scripture, in the writings of the early fathers of the Church, in the official teachings of the councils, and so forth.) rồi từ đó mới tìm cách diễn giải để tăng thêm sự hiểu biết về những đức tin này. Thí dụ, Thần học đặt sự hiện hữu của Thần Ki Tô (Christian God) (Thiên Chúa của tín đồ Việt Nam) như một tiền đề không có nghi vấn, rồi từ đó mới biện giải về mối liên hệ giữa Thần và con người, và làm phát triển trong con người lòng tin và thờ phụng Thần.

Trong cuốn Systematic Theology, nhà thần học Ca-tô Paul Tillich viết rằng: "Thần học, như là một công năng của Giáo hội, phải phục vụ cho nhu cầu của Giáo hội" (Theology, as a function of the Church, must serve the needs of the Church.) Do đó, bất kể nhu cầu của giáo hội ra sao, đúng hay sai, hiện đại hay lạc hậu, nền thần học Ca-tô phải được diễn giải để phục vụ những nhu cầu đó. Chúng ta thấy rằng, nếu Thần học phục vụ cho đức tin Ki Tô thì sự hiện hữu của các nhà Thần học là để phục vụ cho Giáo hội, như là một bầy tôi của đức tin (McBrien, Ibid.: If theology exists for the sake of the Christian faith, then the theologian exists for the sake of the Church, as a servant of faith.) Giáo hội đây có nghĩa là hệ thống toàn trị của Ca-tô giáo chứ không phải là tập thể con chiên bởi lẽ con chiên không được có một tiếng nói nào trong giáo hội, bổn phận con chiên là phải "quên mình trong vâng phục".

Bản chất của nền Thần học Ki Tô là như vậy, và Ca-Tô Giáo Rô-Ma đã vận dụng tối đa xảo thuật sử dụng tính chất co dãn của ngôn từ vào trong môn Thần học, kể cả xuyên tạc, ngụy tạo văn kiện, thay đổi sự thực để đạt mục đích toàn trị của Giáo hội. Thật vậy, trong cuốn Một Linh Mục Hiện Đại Xét Về Giáo Hội Lỗi Thời Của Mình, một cuốn sách đã được một số trí thức trong cũng như ngoài giáo hội ca tụng, linh mục James Kavanaugh đã đưa ra một nhận xét như sau về nền Thần học Ca-Tô:

Tuy nhiên, nền Thần học của chúng ta đã trở thành một trò chơi học thuật. Đó là một mớ luật lệ tích tụ trong sự cay đắng tôn giáo của những cuộc tranh chấp nhỏ mọn. Đó là một chuyện cổ tích về những chân lý đã nhàm chán, chỉ có tác dụng tước đoạt trách nhiệm cá nhân của con người và hạ thấp con người thành một nô lệ vô danh sợ sệt. Thần học đã tước đoạt đầu óc con người và chỉ để lại trong họ những lời học thuộc lòng... Đó là nền Thần học mà tôi đã học và truyền lại trong mọi kỳ xưng tội mà tôi nghe, trong mọi lớp học tôi dạy, trong mọi bài giảng tôi nói cho đám con chiên đầy mặc cảm tội lỗi. [34]

Và, trong cuốn "Những vị Thần cuối cùng của Huyền Thoại: GiaVê và Giêsu", Tiến sĩ William Harwood, một tín đồ GiaTô đã tỉnh ngộ và bỏ được một niềm tin sai lầm sau khi nghiên cứu lịch sử các tôn giáo trong đế quốc La Mã và khám phá ra rằng "bí tích" ăn thịt uống máu Chúa (Eucharist), thường được biết dưới một tên hoa mỹ là "bí tích ban Thánh thể", mà ông đã tin và thọ hưởng cái bí tích này hàng tuần và trong nhiều năm, đã có từ 3000 năm trước khi Giêsu ra đời, và rằng các Thiên Chúa (Gods) chỉ là những sản phẩm tưởng tượng của con người (Dr. Harwood..discovered that the "god-eating" ritual in which he participated weekly as a believing Christian had existed three thousand years before Jesus' birth. Not for three years, however, could he fully abandon the disproved beliefs to which he had been emotionally committed, and acknowledge that gods are as imaginary as fairies), đã viết:

"Người ta đã khám phá ra rằng, từng quyển một trong Thánh Kinh đều chứa những sai lầm về sự kiện, những phỏng đoán không chính xác, những kỹ thuật làm hợp lý hóa, những điều tiên tri về những sự việc đã xảy ra, ghép với những điều tiên tri về tương lai đã được chứng tỏ là không chính xác, và không còn sai lầm gì nữa là chứa những lời nói láo cố ý. Nếu sự khám phá này được phổ biến tới đại chúng thì cái huyền thoại Do Thái - KiTô đã bị quật nhào bởi một cơn gió lốc khó có hi vọng phục hồi.

Trước nguy cơ bị loại bỏ này, Giáo Hoàng đương thời (John Paul II) bổ nhiệm một số sử gia của chính ông ta để khảo sát những kết luận về Thánh Kinh của những sử gia thế tục và tìm ra trong những bằng chứng của họ những sơ hở mà Giáo Hoàng tin rằng thể nào cũng phải có. Kết quả là những sử gia của Giáo Hoàng cũng phải xác nhận là Thánh Kinh của họ thực ra chỉ là một ảo tưởng sai sự thực. Họ phúc trình kết quả lên Giáo Hoàng, và khi Ngài lập tức dẹp bỏ cái phúc trình này đi thì họ không còn là tín đồ Ca-Tô nữa. Rồi Giáo Hoàng ra lệnh cho bộ máy tuyên truyền của Ngài phát minh ra một phương pháp luận khác để đánh đổ phương pháp của những sử gia trên, một phương pháp luận được tạo ra với mục đích rõ rệt là phải đi đến kết luận là cuốn Thánh Kinh của Do Thái - KiTô không phải là một tác phẩm hoang đường, không cần để ý đến chuyện phải xuyên tạc những bằng chứng đến cỡ nào để đi tới mục đích trên. Cái phương pháp luận đó là "Thần học"..

Đó là quyền lực của chính trị Thần quyền của thế giới mà, mặc dù đã có hàng ngàn tác phẩm nghiên cứu và bài khảo cứu phủ bác toàn bộ Thánh Kinh Do Thái - KiTô, cho tới ngày nay, 90% dân chúng trong những xã hội mà tôn giáo chính là KiTô Giáo không hề biết đến sự hiện hữu của những bằng chứng bất khả phủ bác là quyển Thánh Kinh chỉ là một tác phẩm giả tưởng. [35]

Nếu trong những xã hội tân tiến Âu Mỹ mà 90% tín đồ không biết đến sự kiện bất khả phủ bác là cuốn Thánh Kinh chỉ là một sản phẩm giả tưởng chứa đầy những sai lầm, không những về khoa học mà còn cả về thần học, thì trong những cộng đồng Ca-tô Việt Nam nổi tiếng là ngoan ngoãn dễ bảo mà một linh mục ở Việt Nam đã phải than là "Tòa Thánh có đánh rắm cũng khen thơm", có bao nhiêu phần trăm biết được sự thật này? Cái thảm cảnh của con người hiện nay trên thế giới là vẫn còn một số không nhỏ những người mệnh danh là trí thức Ki Tô Giáo mà vẫn còn có thể tin rằng nền thần học Ki Tô Giáo là có cơ sở lý luận vững chắc. Họ không hề biết là những cơ sở lý luận thần học của Thomas Aquinas, Augustine v..v.. mà một thời đã chiếm địa vị chỉ đạo trong giáo hội Ca-tô trong nhiều trăm năm ở Âu Châu, với hậu thuẫn của gươm giáo, của những Tòa Hình án (Inquisitions), ngày nay đã mất đi tính cách thuyết phục, bị dứt khoát phủ bác, và bị đẩy ra khỏi môi trường trí thức của nhân loại.

Thật vậy, Giáo sư David Voas, đại học New Mexico, Hoa Kỳ, tác giả cuốn sách khảo cứu Tân Ước nổi tiếng: Cuốn Thánh Kinh Mang Tin Dữ: Cuốn Tân Ước, đã viết trong phần dẫn nhập như sau:

Thần học, đã một thời như là bà hoàng của các khoa học, ngày nay có vẻ chỉ còn là bà hoàng của các tu viện, vẫn đàm tiếu về cùng những chuyện cổ xưa sau khi các em nhỏ hát Thánh ca đã trưởng thành và bỏ đi lâu rồi. Thật là đáng xấu hổ... Thần học - chấp nhận như là môn học về Thần Ki Tô (hay Thiên Chúa) - bị coi là không có chủ đề nào, hoặc ít nhất là không có chủ đề nào chúng ta có thể nghiên cứu. Đó là ngành học duy nhất với những chuyên gia thực sự không biết mình đang nói cái gì.

Vì không có chất liệu cho chủ đề, các nhà Thần học phải xử dụng đến hai lãnh vực kỳ quặc: óc tưởng tượng và Giáo quyền... Ngày nay, các tư tưởng gia Ki Tô có nhiệm vụ chứng tỏ Thánh Kinh có ý nghĩa, nhất quán, và có vẻ như là có thể biện hộ cho vấn đề luân lý đạo đức trong đó. Điều này có thể thật là khó khăn. [36]

Ngoài ra, H. L. Mencken (1880-1956), một Văn hào Mỹ, đã viết:

"Thần học: một nỗ lực để giải thích cái không thể biết được bằng cách đặt sự giải thích vào những cái không đáng biết"

(Theology: an effort to explain the unknowable by putting it into terms of the not worth knowing.)

Và Alfred North Whitehead (1861-1947), một nhà Toán học và Triết gia Mỹ cũng đưa ra nhận định:

Tôi coi nền thần học Ki Tô Giáo như là một trong những tai họa lớn của nhân loại.

(I consider Christian theology to be one of the great disasters of the human race)..

Và cũng vì vậy mà John E. Remsburg đã viết trong cuốn Những Điều Nhận Vơ Sai Sự Thực (của Giáo hội Ca-Tô. TCN):

Trong những giới thông minh ở Âu châu và Mỹ châu, nền Thần học Ki Tô trên thực tế đã chết.

(John E. Remsburg, False Claims, p. 3: Among the intelligent classes of Europe and America, Christian theology is practically dead.)

Richard DawkinsTrên sachhiem.net mới đây có đăng bài “Tản Mạn Về Thần Học Ki Tô Giáo” với nhiều chi tiết cập nhật [ http://www.sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN100.php]. Trong bài này, có trích dẫn bài “The Emptiness of Theology” của Richard Dawkins và chúng ta sẽ thấy Thần Học Ki Tô Giáo chẳng làm được cái gì có ích cho nhân loại ngoài mê hoặc được những đầu óc thấp kém thích sống trong mê sảng.

Tới đây, tôi nghĩ quý độc giả đã có thể có một nhận định rõ ràng về nền thần học Ki Tô Giáo, một nền thần học "có cơ sở lý luận vững chắc, sáng sủa và mạch lạc như thế" (sic) được cấy vào đầu ông Trần Ngọc Báu khi ông còn nhỏ, còn là một tấm bé.

C). Văn Minh Ki Tô Giáo & Văn Minh Tây Phương.

Giáo hội Ca-tô Rô-ma đã thành công cấy vào đầu các tín đồ một niềm tin sai lầm: Nền văn minh Tây phương là nền văn minh Ki Tô Giáo. Không có gì xa sự thực hơn nữa. Đối với những người hiểu biết về lịch sử Tây phương thì văn minh Ki Tô Giáo, nếu có, và văn minh Tây phương là hai thực thể khác nhau. Một số không nhỏ trí thức Ca-tô Việt Nam trong cuốn "2000 Năm Một Thuở..", vì được dạy từ tấm bé, từ khi còn nhỏ, rằng Ki Tô Giáo là tôn giáo văn minh tiến bộ nhất, nên đã lên tiếng ca tụng Ki Tô Giáo bằng những lời văn phản ánh trình độ hiểu biết của họ về Tây phương cũng như về Đông Phương.

Đọc cuốn "2000 Năm Một Thuở..", chúng ta thấy rõ ràng là các tác giả trong đó đã bị cấy vào đầu óc những sự kiện sai lịch sử và những quan niệm tự đánh bóng của Ki Tô Giáo. Điều buồn hơn nữa là họ không biết gì về nền văn minh Đông phương, những giá trị nhân bản của Đông phương, mà chỉ biết đến một khía cạnh kỹ thuật, vật chất của nền văn minh Tây phương mà họ đánh đồng với nền văn minh Ki Tô Giáo. Do đó họ tỏ lời chê bai nền văn hóa dân tộc là "lạc hậu, chậm tiến" và hãnh diện chạy theo và tôn vinh cái nền văn hóa đồi trụy đang phá sản của Ki Tô Giáo và của Tây phương. Trước khi đi vào phần phê bình một vài tác giả trên, chúng ta hãy đọc một đoạn trong cuốn Người Việt Cao Quý của A. Pazzi, Hồng Cúc dịch, nhà xuất bản Khai Trí, Saigon, phát hành năm 1970, trang 80-81, mà tác giả thật sự có lẽ là Vũ Hạnh. Có thể nói là đoạn này đã mô tả chính xác những con người trí thức Ca-tô Việt Nam:

"..Một phần đông trí thức bị giáo dục đầu độc của các chế độ ngoại lai hay là lệ thuộc ngoại bang, nên bị vong bản, không còn thấy gì đáng kể về giống nòi mình, trừ cái tên gọi do cha mẹ đặt mà họ vẫn muốn kèm thêm một tên gọi nữa bằng tiếng nước ngoài (thí dụ như Phê-rô, Phan-xi-cô, Bao-ti-xi-ta, Đa-vít, Ma-ri, Giu -se v..v..;TCN). Bởi vậy, số trí thức vong bản ấy không hề nhìn thấy giá trị đích thực của dân tộc họ, không nhìn thấy những hi sinh vô tận của người nông dân Việt Nam...

Nói về xứ sở của họ, họ sẵn có những thành kiến nguy hại, thiên về chỉ trích, để chứng tỏ họ biết nhiều về các nước ngoài, hoặc đã được các nước ngoài giáo dục, dù nước ngoài ấy là kẻ muốn làm ô nhục giống nòi của họ, muốn đem lại sự diệt vong cho dân tộc họ. Bởi vậy họ thường khen các nước "cường quốc văn minh" một cách không hề ngượng nghịu mà quên hẳn rằng chính dân tộc họ đã không lóa mắt trước cái văn minh hình thức, chính dân tộc họ đã có niềm tự tin sâu xa, đã tự ý thức được cái giá trị độc lập của mình nên mới tồn tại cho đến ngày nay."

Tôi cho rằng đoạn trên là một bài học hay để cảnh tỉnh những trí thức Ca Tô còn đang mê muội trong cái gọi là nền văn minh KiTô Giáo, nếu họ còn có chút nào tinh thần dân tộc. Không những họ đã đánh giá sai lầm nền văn hóa của dân tộc họ mà họ còn tâng bốc sai lầm cái nền văn hóa ngoại lai mà họ đã được nhồi vào đầu óc và tin mà không hề để tâm tìm hiểu hay suy nghĩ. Phần phân tích sau đây hi vọng sẽ vạch cho họ thấy vấn đề. Trước hết là ông Nguyễn Hữu Tấn Đức.

Ông Nguyễn Hữu Tấn Đức viết:

Trang 59: "..Hãy tưởng tượng lịch sử loài người trong hai thiên niên kỷ qua tiến triển ngoài Ki Tô Giáo, các nền văn hóa cổ kim, các luồng tư tưởng Đông Tây thiếu sự đóng góp của sứ điệp Tin mừng, và ngày hôm nay người Ki Tô hữu vắng mặt ở mọi nơi, trong mọi lãnh vực.. Không cần minh chứng dài giòng, chỉ đặt cái nhìn khách quan lên tình trạng xã hội, văn hóa đương thời của Tây phương khi đạo Chúa nhập vào lịch sử - và luôn tiện, nhìn lại tình trạng xã hội, văn hóa của Việt Nam khi các linh mục thừa sai đầu tiên mang Tin mừng vào nước ta..."

Chỉ đọc vài câu trên chúng ta đã có thể thấy ngay là ông Nguyễn Hữu Tấn Đức chỉ nhắc lại những điều ông bị giáo hội nhồi nhét vào đầu chứ thực sự ông không biết gì về lịch sử Tây phương cũng như lịch sử Việt Nam. Tôi thật không thể tưởng tượng nổi là trong thời buổi này mà một trí thức Ca-tô Việt Nam vẫn còn có thể viết lên những câu như vậy, trong khi không một trí thức Tây phương nào, kể cả tòa Thánh Vatican, còn dám viết lên những điều sai sự thực lịch sử như vậy. Tôi thật tội nghiệp cho những đầu óc thuộc loại mê muội như vậy. Phần phân tích sau đây sẽ cho chúng ta thấy rõ vấn đề.

Chúng ta đã biết trong một phần trên, nhà tư tưởng tự do (free thinker) vĩ đại nhất của Mỹ, Robert G. Ingersoll, đã viết:

Robert G. Ingersoll"Nhân loại sẽ tốt hơn nhiều nếu cuốn Tân Ước chưa từng được viết ra – chúa Ki Tô theo quan niệm thần học chưa từng được sinh ra.”

(It would be far better had the New Testament never been written – far better had the theological Christ never lived.)

Không cần phải tưởng tượng, chỉ cần dựa vào những sự kiện lịch sử và những tài liệu hiện hữu về Ca Tô giáo Rô Ma, thì nhận định của Ingersoll ở trên cũng đủ để trả lời một cách rất chính xác cho câu hỏi của ông Nguyễn Hữu Tấn Đức. Nhận định này nói lên một điều: Nếu không có Ki Tô Giáo thì nhân loại sẽ tốt hơn nhiều. Tại sao?

Tôi sẽ cho ông Đức và các tác giả Tin Nhà Paris khác biết. Nhưng trước hết là vài nhận định về Ki Tô Giáo của các bậc trí thức nổi danh trong thế giới Âu Mỹ. Trong bài PHẬT GIÁO - KI TÔ GIÁO ĐỐI CHIẾU QUA NHỮNG NHẬN ĐỊNH ĐIỂN HÌNH CỦA MỘT SỐ DANH NHÂN TRÍ THỨC THẾ GIỚI [ http://www.sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN56a.php] tôi đã trích dẫn những nhận định của 100 danh nhân trí thức Tây phương về Thiên Chúa và Ki Tô Giáo.

Sau đây là vài nhận định điển hình.

- Voltaire (1694-1778), Văn hào, Triết gia .. Pháp: * Ki-Tô giáo là tôn giáo lố bịch nhất, vô lý nhất và đẫm máu nhất làm nhiễm độc thế giới. (Christianity is the most ridiculous, the most absurd and bloody religion that has ever infected the world); * Trong 1700 năm, Ki Tô giáo không làm gì khác ngoài việc gây hại cho nhân loại (For 1700 years, the Christian sect has done nothing but harm.)

- Denis Diderot (1713-1784), Khoa học Gia Pháp: "Hãy xét cái hình ảnh mà người ta vẽ cho chúng ta về Đấng Tối Cao, người có đầu óc ngay thẳng nhất phải ước rằng hắn ta đừng có hiện hữu (Considering the picture that is drawn for us of the Supreme Being, the most righteous soul must be tempted to wish that he did not exist).

- Thomas Paine (1737-1809), triết gia Anh, tác giả cuốn sách nổi tiếng Thời Đại Của Lý Trí: "Nguồn gốc của sự xấu xa nhất, của những sự độc ác khủng khiếp nhất, và những sự khổ sở to lớn nhất giáng lên đầu nhân loại là ở trong cái gọi là mạc khải, hay tôn giáo mạc khải [Nghĩa là Ki Tô Giáo]. (The most detestable wickedness, the most horrid cruelties, and the greatest miseries that have afflicted the human race have had their origin in this thing called revelation, or revealed religion)

- James Madison (1751-1836), Tổng Thống Mỹ: * Trong gần 15 thế kỷ, cơ sở hợp pháp của Ki Tô giáo đã được phán xét. Hoa trái của Ki Tô giáo là gì? Ở khắp nơi, không nhiều thì ít, sự lười biếng và hãnh diện của giới giáo sĩ, sự ngu tối và quỵ lụy của giới tín đồ, sự mê tín, cố chấp và bạo hành trong cả hai giới (During almost 15 centuries has the legal establishment of Christianity been on trial. What has been its fruits? More or less in all places, pride and indolence in the clergy; ignorance and servility in the laity; in both, superstition, bigotry, and persecution.)

- Arthur Schopenhauer (1788-1860), Triết gia Đức: "Những hoa trái của Ki Tô giáo là chiến tranh tôn giáo, những cuộc tàn sát, những cuộc chiến tranh thập giá, những tòa án xử dị giáo, sự tiêu diệt các thổ dân Mỹ, và đưa những nô lệ Phi Châu vào thay thế (The fruits of Christianity were religious wars, butcheries, crusades, inquisitions, extermination of the natives in America, and the introduction of African slaves in their place)

- William E. H. Lecky (1838-1903), Sử gia Ai Nhĩ Lan: * Hầu hết Âu châu, trong nhiều thế kỷ, đã bị ngập máu, máu đổ do sự chủ mưu trực tiếp hoặc với sự hoàn toàn chấp thuận của giới quyền lực giáo sĩ (Almost all Europe, for many centuries, was inundated with blood, which was shed at the direct instigation or with the full approval of the ecclesiastical authorities). * Bất cứ khi nào mà giới giáo sĩ, Ca-Tô hay Tin Lành, đứng cạnh thế quyền dân sự, thì kết quả là sự bạo hành (Whenever the clergy were at the elbow of the civil arm, no matter whether they were Catholic or Protestant, persecution is the result.)

- August Bebel (1840-1913), Nhà xã hội Đức: "Ki Tô giáo là kẻ thù của tự do và văn minh. Nó buộc nhân loại trong những xiềng xích." (Christianity is the enemy of liberty and of civilization. It has kept mankind in chains.)

- Steve Allen (1921 - 2000), Mỹ, tác giả 43 cuốn sách đủ loại: "Chỉ sau khi tôi đọc cuốn thánh kinh từ đầu đến cuối tôi mới nhận ra rằng Thiên Chúa trong đó thật sự là một bạo chúa thích trả thù, ác như quỷ, còn ác hơn sự khát máu điên rồ, sự dã man, sự tàn phá của những con người như Hitler, Stalin, Pol Pot, hoặc bất cứ kẻ sát nhân tập thể nào trong lịch sử cổ xưa hoặc hiện đại." (It was only when I finally undertook to read the Bible through from beginning to end that I perceived that its depiction of the Lord God was actually that of a monstrous, vengeful tyrant, far exceeding in bloodthirstiness and insane savagery the depredations of Hitler, Stalin, Pol Pot, or any mass murderer of ancient or modern history.)

Đó là những nhận định về Ki Tô Giáo rất sát với sự thực lịch sử và những nhận định này đã chứng minh rằng: Nếu không có Ki Tô Giáo thì nhân loại sẽ tốt hơn nhiều. Trong nhân loại hiển nhiên là có dân Việt Nam, và chúng ta có thể suy diễn mà không sợ sai lầm: Nếu không có Ki Tô Giáo thì dân Việt Nam sẽ tốt hơn nhiều. Thật vậy, nếu không có Ki Tô Giáo thì Việt Nam đã không có cảnh Lương Giáo tàn sát lẫn nhau, và thực dân Pháp chưa chắc đã chiếm được Việt Nam làm thuộc địa.

Điều này, chúng ta có thể thấy rõ ràng trong một văn kiện có tính cách khẳng định sau đây của Giám mục Puginier, được trích dẫn trong cuốn Catholicisme et Sociétes Asiatiques của Alain Forrest và Yoshiharu Tsuboi:

"Giám Mục Puginier viết rằng: "Không có các thừa sai và giáo dân Ki Tô Giáo thì người Pháp cũng giống như những con cua đã bị bẻ gẫy hết càng. Thí dụ như vậy, tuy tầm thường mộc mạc nhưng không kém phần chính xác và mạnh mẽ. Thật vậy, không có các thừa sai và giáo dân Ki Tô Giáo, người Pháp sẽ bị bao vây bởi toàn là kẻ thù; họ sẽ không thể tin cậy vào một ai; họ sẽ chỉ nhận được những tin tức tình báo sai lầm, cung cấp với ác ý để phá hoại tình thế của họ; họ sẽ bị đẩy vào tình trạng không thể hoạt động được gì và sẽ phải hứng chịu những thảm họa thực sự một cách nhanh chóng. Địa vị của họ ở đây sẽ không giữ nổi được nữa, và họ sẽ bị buộc phải rời khỏi xứ, nơi đây quyền lợi và ngay cả sự hiện diện của họ sẽ bị nguy hại." [37]

Đây không phải là tài liệu duy nhất về vai trò của các tín đồ Ca-tô trong cuộc xâm chiếm Việt Nam của Pháp. Trong cuốn Công Giáo Chính Sử, Chương 8, tôi đã đưa ra khá nhiều tài liệu về sự hợp tác và làm tay sai cho Pháp của giáo dân Việt Nam. Chương này cũng đã được đưa lên trang nhà Giao Điểm. Với những tài liệu lịch sử hiện hữu đã rõ ràng, vậy mà ngày nay ông Nguyễn Tiến Cảnh vẫn có thể viết, trang 46: "..Ta phải thành thực nhận rằng Công giáo trong quá khứ đã dựa vào chính quyền để truyền đạo, được nhiều đặc quyền đặc lợi. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Công giáo đã cộng tác với thực dân để xâm chiếm nước ta như có người đã từng tố cáo.". Công giáo dựa vào chính quyền nào, nếu không phải là chính quyền của thực dân Pháp, hay chính quyền ở miền Nam dưới thời Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu? Và có ai tố cáo Công giáo đâu? Đó chỉ là những sự kiện lịch sử được phơi bày ra ánh sáng sau hàng trăm năm bị che dấu và bưng bít, giáo dân cũng như người ngoại đạo đều không được phép biết đến.

Để khai sáng hơn nữa cho những đầu óc mê muội về lịch sử Tây phương cũng như về lịch sử Ki Tô Giáo, sau đây là vài lời tóm tắt để trả lời câu hỏi của tôi:

"Ki Tô Giáo đã mang lại những gì cho nhân loại trong 2000 năm nay?"

Giáo hội Ca-tô đã quảng cáo cho cái hay, cái đẹp của Ca-tô giáo nhiều rồi. Ở đây tôi chỉ kể đến những sự kiện mà tôi tin rằng giáo hội không bao giờ muốn cho các con chiên và người ngoại đạo biết. Đại cương thì, đọc lịch sử CaTô Giáo Rô-ma, chúng ta thấy rằng trong suốt hơn 1600 năm nay, tôn giáo này chưa bao giờ hòa hợp với bất cứ một tôn giáo nào khác, kể cả những tôn giáo cùng thờ một Chúa KiTô.

Khi ở vị thế có thể nắm quyền thế gian thì tôn giáo này đã làm đủ mọi cách, dùng mọi quyền lực và thủ đoạn, thường là bất nhân tàn ác, để bành trướng bằng sắt máu, tiêu diệt các tôn giáo khác. Đi tới địa phương nào, tôn giáo này cũng tự cho mình là chân thật duy nhất, cao quý nhất, trong khi thực chất chỉ là một tôn giáo đầy mê tín dị đoan, thấp kém về vấn đề đạo đức, luôn luôn áp dụng sách lược phỉ báng các tôn giáo và truyền thống dân tộc địa phương cũng như tìm cách tiêu diệt các nền văn hóa địa phương để thay vào đó bằng một nền văn hóa hẹp hòi, tàn độc của CaTô giáo Rô-ma.

Kinh nghiệm Việt Nam cho thấy, giáo sĩ Alexandre de Rhodes, khi tới Việt Nam truyền đạo, ngoài việc xảo quyệt đưa ra những chuyện hoang đường để huyễn hoặc đầu óc đám dân ngu dốt, còn xuyên tạc, mạ lỵ cả ba tôn giáo lớn ở Việt Nam là Phật Giáo, Khổng Giáo, và Lão Giáo, gọi đức Phật, Khổng Tử bằng những danh từ thiếu văn hóa nếu không muốn nói là mất dạy. (Xin đọc "Phép Giảng 8 Ngày..." của Alexandre de Rhodes). Lịch sử Ca Tô Giáo Rô-ma cho chúng ta thấy giáo hội Ca Tô đã phạm nhiều tội ác trong quá trình bành trướng và truyền bá đạo như gây ra Thánh Chiến, thiết lập những tòa án xử dị giáo, bách hại người Do Thái, và song hành với chính sách thực dân của Tây phương đi xâm chiếm và nô lệ hóa đầu óc các dân địa phương, trong đó có Việt Nam. Những tội ác này, theo sự phân tích của đa số học giả ngày nay, là những vết nhơ không thể gột sạch được trong lịch sử Ca Tô Giáo, dù gần đây Giáo hội đã cố gắng đánh lạc hướng dư luận thế giới bằng những chiêu bài hữu danh vô thực như tự do, bình đẳng, nhân quyền v..v.. và xưng thú tội lỗi trên đầu môi chót lưỡi để thế giới quên đi không nghĩ tới cái lịch sử đen tối của Giáo hội Ca-tô.

Khởi đầu, Ca Tô Giáo chỉ là một hệ phái trong nhiều hệ phái Ki Tô giáo. Trong mấy thế kỷ đầu, Ca Tô Giáo càng ngày càng có nhiều tín đồ, không phải vì những giáo lý dạy về luân lý đạo đức. Vào thời điểm hạ bán thế kỷ I, hầu hết dân chúng sống trong vùng thống trị của đế quốc La Mã là những người nghèo khổ, nô lệ, ít học hay vô học. Họ sống trong tuyệt vọng, không còn có thể trông ngóng được gì trong cuộc sống trên cõi đời của họ. Giáo hội hứa hẹn cùng họ một cuộc sống tốt đẹp hơn trên Thiên Đường sau khi chết, nếu họ tin vào Chúa Giê su. Đây là một niềm hi vọng và an ủi lớn đối với họ cũng như của đa số tín đồ Gia Tô ngày nay đang sống ở Phi Châu, Nam Mỹ, Phi Luật Tân và một vài vùng ở Việt Nam v...v... Do đó mà Ki Tô Giáo phát triển. (Leonard F. Hobley, Christians and Christianity, p. 17: Most people in the empire were poor, enslaved and unhappy. Many religions had spread among them but the people wanted one which gave them comfort and hope. Christianity provided this for it promised its believers a happy life in heaven after death. So Christianity grew.)

Khi ông vua La Mã Constantine trong thế kỷ 4 lập hệ phái Ki Tô Giáo này làm quốc giáo thì tôn giáo này nắm được địa vị và quyền hành tuyệt đối trên thế gian. Và từ đó đạo Ca Tô đã phát triển, và với một định chế độc tài về tư tưởng và tín ngưỡng, giáo hội Ca Tô đã đưa Âu Châu vào trong một "thời đại của sự man rợ và đen tối trí thức" (The ages of barbarism and intellectual darkness (Grolier Electronic Publishing 1997)), kéo dài hơn 1000 năm. Thời gian này đã được các học giả, kể cả một số học giả Ca Tô, công nhận là "thời đại đen tối" hay "thời đại Hắc Ám" (Dark Ages).

Chủ trương tiêu diệt tất cả những tín ngưỡng khác của CaTô giáo bắt đầu bằng một chính sách man rợ và phản tiến hóa nhất của nhân loại: cấm mọi thảo luận triết lý trong dân gian; đốt tất cả mọi sách vở, sử liệu, chứng tích lịch sử liên hệ đến các tín ngưỡng khác và liên hệ đến những sự thật về KiTô giáo và nhân vật Giê-Su; và thay thế vào đó cái ý hệ độc tôn "man rợ và đen tối trí thức" của CaTô Giáo bằng những tư liệu ngụy tạo, những giáo điều dựa trên quyền lực v...v...

Về sự kiện này, trong cuốn "Những dối trá và huyền thoại của Thánh Kinh" ("Deceptions and Myths of the Bible", trg. 444) LLoyd M. Graham đã viết như sau:

"Sự hủy diệt mọi chứng tích về phái Ki-Tô Tự Ngộ (Gnostic Christianity) và những nguồn tài liệu về đa thần là "việc làm đầu tiên" của KiTô giáo. Chính các nhà truyền giáo đã khởi sự, ở Antioch, như được nói đến trong sách "Công Vụ các Sứ đồ" (Acts)..Do lệnh của giáo hội Ca Tô Rô-ma, tất cả kinh sách của những người ủng hộ phái Tự Ngộ đều bị đốt, cũng như 36 cuốn của Porphyry (Porphyry là một triết gia (232-305) chủ trương triết lý là phương tiện giải thoát và nhấn mạnh đến lối tu khổ hạnh để tinh khiết hóa con người; TCN). Giáo hoàng Gregory VII đốt thư viện Apollo chứa đầy kiến thức cổ xưa. Hoàng đế Theodosius đốt sạch 27000 tài liệu về học phái huyền bí vì những tài liệu này chứa những căn bản giáo lý của ngũ Kinh.

Sự hủy diệt văn hóa này vẫn tiếp tục sau khi những nhà lập giáo đã qua đời; những tín đồ cuồng tín mà họ đào tạo ra tiếp tục công việc này: đoàn Thập tự quân đốt tất cả sách vở mà họ có thể kiếm ra được, kể cả những cuộn nguyên bản Thánh thư Do Thái. Năm 1233 những tác phẩm của Maimonides (một triết gia Do Thái xuất sắc, 1135-1204; TCN) bị đốt đi cùng với 12000 cuốn của Kinh Talmud (Thánh kinh của Do Thái Giáo. TCN). Năm 1244, 18000 cuốn sách đủ mọi loại bị hủy. Theo Draper, Hồng Y Ximenes đã đốt 80000 bản văn của Ả Rập ở công trường Granada. Ở Tân Thế Giới, toàn bộ kiến thức cổ xưa bị những người KiTô Tây Ban Nha phá hủy cùng với đền đài chứa đựng những kiến thức này.

Sau khi đã phá hủy mọi chứng tích, những nhà lập giáo KiTô đầu tiên đã có thể thay thế những kiến thức cổ xưa này bằng những điều vô nghĩa của họ. Và để chứng minh những điều vô nghĩa này, họ đã thay đổi lời lẽ và gài vào đó những câu không có trong những nguyên bản...Về cùng một chủ đề này, Massey viết như sau: "Trong bốn thế kỷ đầu, họ đã hủy bỏ những tài liệu quan trọng nhất về mọi sự hiểu biết trung thực về nguồn gốc thực của sự mê tín trong KiTô giáo. Những huyền thoại được viết và in ra như là lịch sử nhân loại, mọi tư tưởng khác đều bị dẹp bỏ hay cưỡng bách phải chấp nhận sự gian dối"...

Theo giáo lý của họ thì "máu của Chúa KiTô đã rửa sạch tội lỗi của thế giới," nhưng tội lỗi vẫn còn với chúng ta ngày nay. Cái mà thực sự bị rửa sạch chính là sự lành mạnh của thế giới. Với thời gian, giáo lý của họ đã làm tâm thức Tây phương mê mẩn đến nỗi Agibard ở Lyons phải viết như sau: "Cái thế giới bất hạnh này nằm dưới sự chuyên chế điên rồ, những điều mà người KiTô tin, thực ra là những điều vô nghĩa đến độ từ xưa tới nay không ai có thể làm cho người ngoại đạo tin được". Nếu độc giả không tin và muốn có một thí dụ thì chúng tôi xin cống hiến một chuyện trong KiTô giáo về Thánh John trong phúc âm. Theo lịch sử các Thánh thì John, khi đã rất già, làm cho hoàng đế Domitian giận. Để trừng phạt John, Domitian sai người ném John vào một cái vạc chứa dầu và nhựa thông. Và khi người ta châm lửa, dầu bắt đầu sôi thì đám đông ở ngoài nghe một tiếng hát trong ngọn lửa. Khi vạc dầu sôi cạn hết thì John vẫn còn sống và không hề hấn gì. Jerome, Eusebius, Tertullan, tất cả đều kể lại cái phép lạ này và những điều hoang đường trong đó. Và nay, nếu những tín đồ KiTô xuất sắc có thể tin được sự vô lý này thì họ có thể tin bất cứ cái gì, ngay cả Thánh Kinh." [38]

Sau đây là một tài liệu khác của một tín đồ trí thức Ca-tô về một số những hành động của giáo hội CaTô khi giáo hội nắm được quyền lực thế gian (Joseph D. Daleiden, The Final Superstition, trg. 60):

"Không có một trích dẫn thống kê đơn thuần nào có thể nói lên vô lượng những sự xấu ác mà giáo hội CaTô LaMã đã làm nhân danh Thượng đế. Từ khi mà các triều đại giáo hoàng cấu kết quyền lực với chính quyền trong thế kỷ 5 cho tới công cuộc Phục Hưng, cái áo vô minh và mê tín đã phủ lên Âu Châu. Ánh sáng tự do đã tắt ngấm, Dân La Mã cổ xưa (không phải là dân La Mã dưới quyền thống trị của Giáo hội CaTô. TCN) đã có những thư viện chứa 500000 cuốn sách, thời kỳ từ năm 500 tới năm 1000 của Âu Châu KiTô không có một thư viện nào có được hơn 600 cuốn sách. Sự tiến bộ khoa học, đặc biệt là về y học, hoàn toàn ngưng trệ. Văn hóa con người thoái hóa đến mức tàn bạo.

Thật là mỉa mai, chính những cuộc Thánh chiến chống dân Hồi giáo đã rọi một tia sáng trí thức qua cái mờ tối của vô minh và mê tín. Không như những dân KiTô tìm cách tiêu diệt mọi kiến thức không hợp với thần thuyết của họ, những người theo Hồi giáo đã gìn giữ trí tuệ của dân Hi Lạp cổ xưa. Hơn nữa, họ đã có nhiều tiến bộ đáng kể về toán học, triết học, và khoa học. Khi những thập tự quân của Giáo hội CaTô La Mã trở về từ miền Đông họ đã mang về cùng với những chiến lợi phẩm những hạt giống kiến thức mà sau này đưa đến công cuộc Phục Hưng. Song song với hàng đống những đồ cướp đoạt được và những thánh tích giả mạo, những thập tự quân cũng mang về theo nghệ thuật và văn học của cổ Hi Lạp. Những tác phẩm của các triết gia Hi Lạp mà giáo hội CaTô La Mã đã dẹp đi từ nhiều thế kỷ trước, nay lại xuất hiện. Một vài triết gia như Plato và Aristotle được đưa vào trong giáo thuyết của giáo hội. Thật vậy, những tác phẩm của Thomas Aquinas, đặc biệt là những chứng minh về sự hiện hữu của Thượng đế, căn bản là của Aristotle được sửa lại thành mới. Nhưng quan trọng hơn là, về sau này, triết lý nhân bản của Hi Lạp đã nảy nở trong đầu óc của những người đau lòng mà nhận ra sự vô ích của những suy đoán thần học cùng sự xấu ác của những tín điều mà giáo hoàng đưa ra. Kết quả là, chính cái nền tảng trí thức và độc tài về đạo đức của Giáo hội bắt đầu lung lay." [39]

Và Robert G. Ingersoll đã nhận định như sau (Joseph Lewis, Ingersoll: The Magnificent, , trg. 125):

"Khi Ki Tô Giáo có được quyền lực thì tôn giáo này phá hủy mọi tượng thần mà nó có thể đặt những bàn tay vô minh của nó lên trên. Nó hủy hoại và xóa bỏ mọi họa phẩm, phá hủy mọi công sự đẹp đẽ, đốt sạch những tác phẩm Hi Lạp và La Tinh, triệt tiêu mọi lịch sử, thơ phú, triết lý và thiêu rụi mọi thư viện mà nó có thể đốt được. Kết quả là, màn đêm Trung Cổ đã phủ lên nhân loại. Nhưng vì tình cờ, vì may mắn, vì bỏ sót, một vài tác phẩm đã thoát được sự ác liệt của cuồng nhiệt tôn giáo, và những tác phẩm này trở thành cái nhân mà quả của nó là nền văn minh của chúng ta ngày nay." [40]

Đó là những gì Ca Tô Giáo đã làm với mục đích tiêu diệt văn hóa của các tôn giáo, tín ngưỡng nào không phù hợp với những giáo điều và niềm tin của Ca Tô Giáo. Nhưng, cũng như Tần Thủy Hoàng ở bên Trung Quốc, không thể nào đốt hết được sách vở của thiên hạ, Giáo hội CaTô, dù đã dùng mọi nỗ lực để hủy diệt những chứng tích lịch sử của các hệ phái Kitô khác cũng không có cách nào thành công hoàn toàn. Do đó, vẫn có những tài liệu còn sót lại, và ngày nay người ta đã tìm thấy nhiều tài liệu cổ xưa về sự thực của KiTô giáo và con người thực của Giê-Su. Những tài liệu mới tìm thấy này đã cho chúng ta một cái nhìn khác hẳn về con người của Giê-su, không có những đức tính thần thánh hay khả năng làm phép lạ như những nhà lập giáo CaTô đã quảng bá. Nhưng đây không phải là chỗ để bàn về chuyện này.

Trên đây chỉ là một trong vô số tội ác mà Ca-tô Giáo Rô-ma đã giáng xuống đầu nhân loại. Vậy thì Ki Tô Giáo có ích gì cho nhân loại, có mang lại sự hiểu biết gì cho nhân loại ngoài cái gọi là "ơn cứu rỗi" hoang đường để mê hoặc những người đầu óc thấp kém lúc đầu và những hậu duệ của họ trong những thế hệ sau, những thế hệ đã bị cho vào khuôn phép mê tín từ khi còn nhỏ do sách lược nhồi sọ tinh vi của giới giáo sĩ muốn duy trì địa vị ngồi trên đầu trên cổ con chiên. Tại sao các ông không chịu đọc lịch sử mà cứ nhắm mắt viết bừa về Ki Tô Giáo?

Bây giờ, theo đề nghị của ông Nguyễn Hữu Tấn Đức, chúng ta hãy thử " đặt cái nhìn khách quan lên tình trạng xã hội, văn hóa đương thời của Tây phương khi đạo Chúa nhập vào lịch sử - và luôn tiện, nhìn lại tình trạng xã hội, văn hóa của Việt Nam khi các linh mục thừa sai đầu tiên mang Tin mừng vào nước ta..."

Tình trạng xã hội, văn hóa của Việt Nam khi các linh mục thừa sai đầu tiên vào nước ta

Các linh mục thừa sai đầu tiên vào nước ta vào khoảng năm 1533. Lẽ dĩ nhiên, tình trạng văn hóa và xã hội nước ta khi đó đã được xây dựng từ bao thế hệ trước chứ không phải là thế hệ của năm 1533. Trước khi "nhìn lại tình trạng xã hội, văn hóa của Việt Nam" trong thời đại đó, chúng ta hãy đặt một câu hỏi: "Tin Mừng của các thừa sai mang tới là tin mừng gì? và Việt Nam có cần tới cái loại tin mừng đó không?"

Trong một phần trên, tôi đã luận rằng, cái mà những tín đồ Ca Tô gọi là "tin mừng" chẳng qua chỉ là một cái bánh vẽ trên trời, nghĩa là sự "cứu rỗi" của một người Do Thái, Giê-su. Với những công cuộc khảo cứu hiện đại nhất về nhân vật Giê-su và với những kết quả khoa học không ai có thể phủ bác, kể cả tòa thánh Vatican, về nguồn gốc vũ trụ và con người, thì con người không ai cần đến sự "cứu rỗi" đầy tính hoang đường và huyễn hoặc của nền thần học Ki Tô Giáo dựng lên. Thật vậy, Giám mục John Shelby Spong đã viết trong cuốn Tại Sao Ki Tô Giáo Phải Thay Đổi Không Thì Chết (Why Christianity Must Change or Die) như sau:

"Nhân loại chúng ta không sống trong tội lỗi. Chúng ta không sinh ra trong tội lỗi. Chúng ta không cần phải rửa sạch cái tì vết tội tổ tông trong bí tích rửa tội. Chúng ta không phải là những tạo vật sa ngã, mất đi sự cứu rỗi nếu chúng ta không rửa tội. Do đó, một đấng cứu thế có nhiệm vụ khôi phục tình trạng tiền sa ngã của chúng ta chỉ là một sự mê tín trước thời -Darwin và một sự vô nghĩa sau thời -Darwin." [41]

Không phải tin mừng cho dân Việt Nam

Vậy thì, ai muốn tin vào loại tin mừng đó thì cứ việc tin, nhưng đừng bao giờ cho rằng những điều mê tín trước thời Darwin đó là tin mừng cho dân Việt Nam chúng tôi. Lịch sử Việt Nam đã chứng tỏ là, tuyệt đại đa số dân Việt Nam đã từ khước không cho đó là tin mừng mà chỉ là điều mê tín cổ xưa của dân Do Thái, và nền học thuật hiện đại (modern scholarship) cũng đã chứng minh như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên tìm hiểu một cách diễn giải khác của tin mừng. Ông Nguyễn Tiến Cảnh viết, trang 49:

"Chúa Giê-su giáng thế rồi đích thân rao giảng Tin Mừng, sẵn sàng chết cho điều mình minh xác để muôn dân được sống hạnh phúc. Cuộc đời chúa Giêsu quan trọng và nổi bật ở ba năm Ngài đi rao giảng TIN MỪNG NƯỚC TRỜI khắp vùng Palestine."

Thứ nhất, ông Cảnh viết bậy. Chúa Giê-su đâu có sẵn sàng chịu chết cho điều mình minh xác vì Tân Ước viết rõ rằng, khi biết mình sắp bị bắt và hành hình thì:

Mark 14: 33-35: "..Ngài cảm thấy hoang mang, sầu não vô cùng. Ngài bảo các môn đồ: "Linh hồn ta buồn rầu cho đến khi chết". Chúa đi một quãng, rồi quỳ sấp dưới đất, cầu xin cho giờ phút khủng khiếp đừng đến với Ngài nếu có thể được.."

Luke 22:24: "Trong lúc đau đớn thống khổ, Chúa cầu nguyện càng tha thiết, mồ hôi toát ra như những giọt máu nhỏ xuống đất."

Và vì lời cầu nguyện Chúa Cha không được đáp ứng nên Chúa Con vẫn bị lôi đi đóng đinh. Trước khi tắt hơi Chúa Con mới thất vọng, than rằng:

Matthew 27 và Mark 15: "Chúa tôi ơi! Chúa tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi"

Vậy thì Giê-su sẵn sàng chết ở cái chỗ nào?

Thứ nhì, theo thuyết "sống lại" hoang đường của Ki Tô Giáo thì Giê-su đâu có chết? Ông ta chỉ giả vờ chết từ chiều thứ Sáu đến sáng sớm Chủ Nhật. Ông ta có thể làm nhiều phép lạ, biến 1 ổ bánh mì thành trăm ổ bánh mì, biến nước thành rượu, đi trên sóng nước, làm người chết sống lại, nguyền rủa cho một cây sung chết héo queo ngay, đuổi 2 con quỷ vào một đàn heo 2000 con rồi bắt cả đàn heo nhảy xuống sông chết đuối hết v..v.. vậy thì vài cái đinh đóng người ông lên cây thập giá thì có nhằm nhò gì đối với ông, làm sao có thể làm cho ông đau đớn, ông muốn nhổ ra lúc nào chẳng được? Cái đau đớn của Giê-su, nếu có, trong vài ba tiếng đồng hồ trước khi tắt hơi, so với những sự đau đớn của các nạn nhân "dị giáo" của giáo hội trong những cuộc tra tấn kéo dài ngày này qua ngày khác với những hình cụ dã man khủng khiếp nhất phát minh bởi những người tin "Chúa lòng lành vô cùng" thì có thấm vào đâu? Vậy cái gì gọi là Chúa hi sinh chịu đóng đinh để chuộc tội cho nhân loại? Những chuyện ba xạo như vậy mà ngày nay còn mang ra để mà tuyên truyền thì thật là coi thường độc giả quá.

Thứ ba, các ông có hiểu thế nào là quan niệm về Nước Trời (Kingdom of God) trong Tân Ước hay không? Nếu đọc kỹ Thánh Kinh, từ Cựu Ước đến Tân Ước, thì chúng ta phải biết rằng Giê-su tin là ngày tận thế đã sắp tới và Nước Chúa hay Nước Trời sẽ được thiết lập để thay thế cho nước Do Thái đang bị người La Mã thống trị. Đến đây, có lẽ chúng ta cũng cần có một khái niệm rõ ràng về quan niệm một Nước Trời hay Nước Chúa (Kingdom of God) của người Do Thái trong thời đại của Giê-su. Đây không phải là một quan niệm mới mẻ gì của Giê-su mà là một lý tưởng thông thường nhất của tinh thần quốc gia Do Thái. Các nhà "tiên tri" trong Cựu Ước thường viết về quan niệm này lập thành một hướng niệm của người Do Thái mỗi khi dân tộc Do Thái bị Thiên Chúa của họ bỏ rơi, lâm vào cảnh khốn cùng nô lệ.

Muốn hiểu điều trên có lẽ chúng ta cần trở lại một chút về lịch sử Do Thái. Dân tộc Do Thái là một dân tộc du mục và trong lịch sử luôn luôn gặp những bất hạnh như nô lệ và lưu đầy. Trong nhiều thế kỷ lâm vào những cảnh khốn cùng này, người Do Thái vô cùng hoang mang, vì từ trước tới nay họ vẫn tin rằng dân tộc mình được Thiên Chúa của họ, tức Thần Gia-vê, đặc biệt chọn lựa và cưng nhất (chosen people), qua những giao ước và hứa hẹn của Thần với các ông tổ Abraham, Isaac, Jacob, và Moses trong Cựu Ước. Nay những thực tại lịch sử chứng tỏ rằng những giao ước của Thần Gia-vê với Abraham v..v.. chỉ là những chiếc bánh vẽ trên trời. Giới tiên tri thông thái lãnh đạo dân Do Thái bèn đổ tội lên đầu dân Do Thái, giải thích rằng vì dân Do Thái tội lỗi nên bị Thần phạt. Dân Do Thái cần phải thống hối, cầu nguyện, và tin vào Thần Gia-Vê thì sẽ có ngày Thần của họ đoái thương, và một đấng cứu tinh (Messiah) của dân tộc Do Thái sẽ xuất hiện để tiêu diệt những kẻ thống trị, khôi phục chủ quyền của dân Do Thái. Đấng cứu tinh mà dân Do Thái mong đợi thật ra chỉ là một anh hùng dân tộc, có công với dân Do Thái, tương tự như David khi xưa đã đưa Do Thái lên địa vị hùng mạnh trong vùng Trung Đông, chứ không phải là đấng cứu thế cứu rỗi linh hồn lên hiệp thông với Thần của họ trên Thiên đường. Do đó, vị cứu tinh dân tộc này phải thuộc dòng dõi của vị Vua anh hùng Do Thái: David. Vì vậy những "thánh" viết Phúc Âm, có đầu nhưng không có óc, mới phịa ra cùng lúc 2 câu chuyện hoàn toàn mâu thuẫn nhau: Giê-su vừa là con thánh linh vừa thuộc dòng dõi vua David. Và những tín đồ Việt Nam lên tới chức Đức Ông như Trần Văn Khả, trong cuốn Trần Lục, hay Hồng Y như Nguyễn Văn Thuận, trong cuốn Chứng Nhân Hi Vọng, cũng đều tin Giê-su vừa là con Thánh Linh vừa thuộc dòng dõi vua David.

Vào thời điểm Giê-su sinh ra đời thì Do Thái đang sống dưới ách thống trị khắc nghiệt của La Mã. Do đó, dân Do Thái, cũng như trong những thời kỳ bị chinh phục và bắt làm nô lệ trước, mong chờ và tin rằng Thần Gia-vê sẽ đoái thương đến họ, và một đấng cứu tinh thuộc dòng dõi vua David sẽ xuất hiện để giải phóng dân tộc họ. Và quan niệm Nước Trời (Kingdom of God) nguyên thủy của người Do Thái rất đơn giản: đó chỉ là sự biến đổi thế giới thường thành một thế giới mà Thần của họ sẽ trực tiếp cai quản công việc thế gian và do đó, khôi phục những phúc lợi của dân Do Thái, dân đã được Thần chọn lựa (Joel Carmichael, The Birth of Christianity, Dorset Press, New York, 1989, p. 1: The Kingdom of God meant the transformation by God of the natural world into one in which God's will would conduct human affairs directly and hence restore the fortunes of the Jews, the Chosen People). Người Do Thái tin tưởng rằng nơi nước Trời hay nước của Chúa này, dân Do Thái sẽ sống sung sướng với sữa và mật tràn đầy, dưới sự quản trị và ân sủng trực tiếp của Thần Gia-vê. Nhưng khi Giê-su đi rao giảng về "Tin mừng nước trời" ở vùng Palestine thì ông ta rất “khiêm nhường”, chỉ quảng cáo "cái Ta" của ông qua những vai trò khiêm tốn như "Ta là con Thiên Chúa", "Ta là ánh sáng của thế gian", "Ta là sự sống lại và là sự sống", "Ta là con đường, là sự thật và là sự sống" v..v.. Đức khiêm nhường của Giê-su thật là cao vòi vọi. Ngài cũng còn theo luận điệu của các giáo sĩ Do Thái khi xưa, khuyên răn mọi người hãy ăn năn thống hối thì Thiên Chúa sẽ đoái thương và ban cho "Nước Trời" ngay trong thời đó. Thật vậy, các học giả nghiên cứu Thánh Kinh đã đưa ra 2 nhận xét như sau (Xin đọc The Quest of the Historical Jesus của Albert Schweitzer):

William Hirsch: "Tất cả những điều Giê-su nói, giáo lý, bài giảng đều đưa tới một đơn từ: "Ta"" (All his sayings, his teachings, his sermons culminated in a single word: "I")

Hermann Samuel Reimarus: "Tất cả những điều rao giảng của Giê-su có thể nhận ra rõ ràng. Chúng nằm trong hai câu có ý nghĩa y hệt nhau: “Hãy thống hối, và tin vào Kinh Thánh” hoặc, ở một nơi khác “Hãy thống hối, vì Nước Thiên Đàng sắp tới” (What belongs to the preaching of Jesus is clearly recognized. It is contained in two phrases of identical meaning, “Repent, and believe the Gospel,” or, as it is put elsewhere, “Repent, for the Kingdom of Heaven is at hand”).

Vì Giê-su không có một hành động nào cũng như không đưa ra một sách lược nào để cứu dân Do Thái ra khỏi vòng thống trị của La Mã cho nên dân Do Thái cũng như gia đình ông mới cho ông ta là có đầu óc không bình thường (out of his mind) và không chấp nhận ông ta là cứu tinh của dân tộc, dù rằng ông ta đã khẳng định là "xuống trần chỉ để cứu dân Do Thái mà thôi".

Các tín đồ Ca-Tô Việt Nam, từ trên xuống dưới, không biết về lịch sử Do Thái, không đủ khả năng tự mình đọc và hiểu lấy Thánh Kinh, không hiểu ý nghĩa của nước Trời hay nước Chúa (Kingdom of God) trong Thánh Kinh, nghe lời giảng hoang đường huyễn hoặc của giới giáo sĩ, nên coi đó là một một nước ở trên thiên đường và gọi là "Nước Cha Trị Đến", nơi đó họ được Giê-su cứu rỗi và ban cho đời sống đời đời ở bên Thiên Chúa, mà không hiểu rằng nước này chỉ là một nước mà Chúa Cha trị vì, cai quản các việc thế gian của dân Do Thái như một ông vua trên trần thế, theo niềm tin của người Do Thái thời bấy giờ, chứ chẳng dính dáng gì tới bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới. Họ đã bị giới giáo sĩ lừa bịp, mang một cái bánh vẽ trên trời ra dụ, và vì đầu óc yếu kém còn nặng tâm cảnh mê tín nên họ tin vào những điều huyền hoặc này.

Vậy thì chúng ta phải kết luận làm sao?

Bất kể tình trạng văn hóa xã hội của Việt Nam ra sao trong đầu thế kỷ 16, Việt Nam cũng đâu có cần đến cái tin mừng thuộc loại này, một tin mừng thuộc thời đại Trung Cổ của những thừa sai Tây phương mê tín và cuồng tín. Tuy nhiên, với mục đích giải hoặc, tôi cũng chẳng sợ gì mà không dám bàn đến tình trạng văn hóa và xã hội Việt Nam trong thời các thừa sai Ki Tô đầu tiên xâm nhập Việt Nam. Trước khi nói đến Việt Nam, để có sự so sánh rõ ràng, chúng ta cũng nên duyệt qua tình trạng văn hóa và xã hội của Tây phương trong thời đó.

Điều đầu tiên chúng ta cần nhận thức rõ là, bất kể trong những thế kỷ 14-16 có những tiến bộ nào về học thuật, khoa học, những tiến bộ đó đều nằm ngoài ý muốn của giáo hội, giáo hội không có dự phần nào trong đó. Thời gian mà các thừa sai đầu tiên đến nước ta là trong thời kỳ "Phục sinh" (Renaissance) ở Tây phương. Tại sao lại gọi là "Phục sinh", có nghĩa là "Sống lại"? Vì, chúng ta đã biết, từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 15, mọi học thuật ở Âu Châu đều nằm trong tay giáo hội Ca-tô, với kết quả là Âu Châu bị chìm đắm trong sự man rợ và đen tối trí thức (Barbarism and intellectual darkness) suốt 1000 năm được biết là thời Trung Cổ (Middle Ages) hay "Thời Đại Hắc Ám" (Dark Ages). Theo học giả Ca-tô Joseph L. Daleiden, như chúng ta đã biết, dưới sự thống trị tư tưởng của Ca Tô Giáo Rô-ma, thì Âu châu đang ở trong cảnh "Sự tiến bộ khoa học, đặc biệt là về y học, hoàn toàn ngưng trệ. Văn hóa con người thoái hóa đến mức tàn bạo."

Năm 1453, cuộc chiến 100 năm (The Hundred Years' War) giữa Pháp và Anh chấm dứt. Cũng trong năm này, Thổ Nhĩ Kỳ chinh phục Constantinople (Byzantium), giết vua Constantine XI. Nhiều học giả ở Constantinople đã chạy sang Tây phương, khuyến khích sự học hỏi về những kiến thức cổ điển, mở đầu thời kỳ "Phục sinh", nghĩa là thời kỳ làm "sống lại" những học thuật đã bị giáo hội Ca-tô ngăn cấm trong dân gian như triết lý, sử, khoa học, y học, nghệ thuật và cả về tôn giáo. Từ đó "học thuật phát triển, độc lập đối với giáo hội, và con người, thay vì thần linh, trong đời sống và nghệ thuật được nhấn mạnh; mẫu người toàn bích đã trở thành một lý tưởng". (Jean Cooke, Ann Kramer & Theodore Rowland-Entwistle, History's Timeline: A 40,000 Year Chronology of Civilization, p. 96: Scholarship began to develop independently of the Church, and the human rather than divine in life and art was underlined; the well-rounded individual became an ideal).

Trong khi đó thì thực chất giới giáo sĩ Ca Tô ra sao? Peter de Rosa, một giám mục dòng Tên (a Jesuit), giáo sư về Siêu Hình Học và Đạo Đức tại trường Dòng Westminster, khoa trưởng khoa Thần học tại đại học Corpus Christi ở Luân Đôn (Professor of Metaphysics and Ethics at Westminster Seminary and Dean of Theology at Corpus Christi College in London) viết trong cuốn Vicars of Christ: The Dark Side of the Papacy, trang 99:

"Trong thời kỳ Phục Sinh, người ta đã cho là những giáo sĩ cao cấp nhất thì có những người tình đẹp nhất, và toàn thể các giáo xứ đã mở ra những việc thư ký cho những nàng hầu. Giới giáo sĩ Rô Ma, ngay dưới mũi tập đoàn chỉ đạo của tòa thánh, là những kẻ tệ nhất. Những điều này chẳng có gì là lạ cả. Chức vị và lợi tức liên đới đều được mua bán như những món hàng khác. Giới giáo sĩ không có sự huấn luyện nào về giữ kỷ luật. Họ chỉ muốn một địa vị chắc chắn và một đời sống buông thả. Nhiều người không biết đọc và viết; họ đứng trên bục giảng lẩm bẩm lăng nhăng những lời ngớ ngẩn không ai hiểu được vì họ không thể ngay cả nhắc lại như con vẹt tiếng La-Tinh. Khi đó, một lời nhục mạ tệ nhất đối với một người thường là gọi hắn là một linh mục." [42]

Chính những hạng giáo sĩ này là "lớp người đi tiên phong về văn hóa, mang văn minh tiến bộ đến các nơi tăm tối lạc hậu" . Chúng ta còn nhớ, Khi Giáo hoàng John Paul II “phong thánh” cho một giáo sĩ Ca-tô truyền đạo ở Trung Quốc khi xưa thì bị Trung Quốc phản đối và Tòa Thánh phải rút lại và xin lỗi. Lý do? Tài liệu và bằng chứng đưa ra chứng tỏ ông giáo sĩ này đến truyền đạo ở Trung Quốc và sử dụng “droit du seigneur” đối với các cô gái có đạo sắp lấy chồng, nghĩa là mọi cô dâu, trước khi về nhà chồng phải để cho ông giáo sĩ hưởng trước, gọi là để hiệp thông với Chúa vì “Cha cũng như Chúa”.

Tuy nhiên ở Âu Châu, quyền lực của Ca-Tô giáo còn rất mạnh, cho nên bất cứ khi nào có thể được, giáo hội đều ra tay ngăn chận sự tiến bộ trí thức của nhân loại. Ở nhiều nơi, nhất là ở Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, thần quyền đứng trên thế quyền, nghĩa là Ki Tô Giáo có ảnh hưởng quyết định trên mọi mặt của xã hội, nhất là mặt tín ngưỡng. Nạn nhân của các vụ hình án xử dị giáo đều bị các viên chức trong giáo hội như giám mục, linh mục tra tấn, kết tội, thường là thiêu sống, và trao cho chính quyền dân sự thi hành án lệnh, như vậy giáo hội giữ được sự tinh khiết, tay không vấy máu. Chúng ta hãy đọc một bức thư huấn thị của giáo hoàng Leo X cho những viên chức phụ trách những việc thuộc về thế tục của giáo hội vào năm 1521, ra lệnh cho chính quyền dân sự (Xin đọc The Inquisition of the Middle Ages của Henry Charles Lea, bản rút ngắn của Margaret Nicholson, trg. 177):

"..không được can thiệp vào loại xử án dị giáo, không được thay đổi hay kiểm tra những án lệnh mà các quan tòa trong giáo sĩ đoàn đã quyết định, mà phải lập tức thi hành án lệnh mà họ đã được lệnh phải thi hành. Và nếu họ lơ là hay từ chối thì các ông (đại sứ của giáo hoàng) phải buộc họ thi hành bằng biện pháp khiển trách của giáo hội và những biện pháp thích nghi khác. Không được chống kháng lệnh này." [43]

Lệnh này có nghĩa là, bất cứ viên chức dân sự nào mà từ chối thi hành án lệnh của giáo hội đều bị tuyệt thông và bị xử như là những kẻ bị tình nghi là "lạc đạo", nghĩa là cũng sẽ bị bắt giam, tra tấn và kết tội.

Đó là một nét của nền văn minh Ki Tô giáo vào đầu thế kỷ 16, khi mà các thừa sai đầu tiên xâm nhập Việt Nam. Xét theo bối cảnh lịch sử thế giới trong những thế kỷ 16-19 thì chúng ta phải nói rằng, căn bản đòi "tự do tôn giáo", và sự "căm phẫn" của các giáo sĩ thừa sai ngoại quốc và tay sai bản địa về việc cấm đạo và bách hại giáo dân ở Việt Nam thật là yếu ớt một cách lố bịch: "Vì chính trong những khoảng thời gian này, Giáo hội Ca-Tô Rô-ma đang ra tay tàn sát những tín đồ Tin Lành ở Netherlands, tra tấn hàng ngàn dân Huguenots ở Pháp, và Thánh Bộ (Holy Office) chuyên trách xử dị giáo còn đang bận thiêu sống những kẻ dị giáo từ Granada tới Goa." (Xin đọc The Chinese Looking Glass của Dennis Bloodworth)

Sau đây là vài tài liệu lịch sử khác.

Vào giữa thế kỷ 15, kỹ thuật in ấn được phát minh. Thánh Kinh và các tài liệu lịch sử được in ra bằng tiếng địa phương. Giáo hội cho đó là vũ khí của những kẻ lạc đạo và lên án nghề in. Ở bên Anh, một đạo luật ra đời:

"Bất cứ người nào đọc thánh kinh bằng tiếng mẹ đẻ đều bị tịch thu tài sản: nhà cửa, đất đai, gia súc, và của cải của những người thừa kế vĩnh viễn, và bị kết tội là lạc đạo trước Thiên Chúa, kẻ thù của nhà vua, và cực kỳ phản bội đối với quốc gia." [44]

Trong năm đầu sau khi đạo luật trên ra đời, 39 người bị treo cổ rồi mang thây đi thiêu vì đã vi phạm đạo luật. (Joseph Lewis, Ingersoll, The Magnificient, trang 130: During the first year this law was in force thirty-nine were hanged for its violation and their body burned.)

Năm 1519, một nhà hàng hải Bồ Đào Nha tên là Fernidand Magellan muốn ra khơi đi vòng quanh trái đất. Giáo hội Bồ Đào Nha bảo: "Đừng đi. Trái đất dẹt. (Theo nền thần học có cơ sở lý luận vững chắc của ông Trần Ngọc Báu) Ông có thể rơi ra ngoài bờ mé của trái đất". (The earth is flat, don't go, you may fall off the edge). Magelllan trả lời: "Tôi đã nhìn thấy bóng của trái đất trên mặt trăng, và tôi tin vào cái bóng đó hơn là giáo hội" (I have seen the shadow of the earth upon the moon, and I have more confidence in the shadow than I have in Church). Magellan bỏ Bồ Đào Nha sang phục vụ cho vua Charles V của Tây Ban Nha và được ông vua này cung cấp cho một đoàn tàu để thực hiện chuyến đi.

Về khoa học, năm 1543, Copernicus đưa ra thuyết trái đất quay quanh mặt trời. Vì sợ giáo hội lên án, ông đã dàn xếp để tác phẩm khảo cứu của ông được xuất bản sau khi ông chết. Năm 1616, tác phẩm của ông bị cấm bởi ông giáo hoàng không thể sai lầm (the infallible pope), bởi giáo hội không thể sai lầm (the infallible church), luôn luôn được thánh linh hướng dẫn. Quý độc giả có biết sách của ông bị cấm bao lâu không? Xin thưa: 278 năm. Đến 1821 giáo hoàng Pius VII mới bỏ lệnh cấm này. Nhưng giáo hội cấm thì cấm, dân gian đọc cứ đọc, và những người sống trong bóng tối chính là những chức sắc trong giáo hội như giám mục, linh mục.

Giordano Bruno là một linh mục dòng Đa Minh (Dominic). Nhưng đầu óc khoa học của ông làm cho ông không thể tin được cái thuyết hoang đường về biến thể (transubstantiation), nghĩa là một mẩu bánh và chút rượu, qua sự phù phép của ông linh mục, lại có thể biến thành thịt và máu Chúa. Và ông ta đã tìm hiểu về những tín lý của giáo hội Ca-Tô, và theo ngả nào đi chăng nữa, ông ta cũng thấy cùng những sự mâu thuẫn và những sự không thể nào xảy ra được mà giáo hội dạy phải tin chứ không dùng đến lý trí. ( Joseph Lewis, Ibid., p. 214: This led him to investigate other dogmas of the Roman Catholic Church, and in every direction he found the same contradictions and impossibilities supported, not by reason, but by faith.)

Bruno thuyết giảng trong giới khoa học là ngoài thế giới của chúng ta đang sống còn có nhiều thế giới khác, và ông ta tin ở thuyết của Copernicus là trái đất quay quanh mặt trời. Vì những "tội ác" này mà ông ta bị giáo hội nhốt vào tù 6 năm, rồi tòa hình án xử dị giáo mang ông ra xử, và khi ông không chịu rút lại ý kiến để được tha, ông bị kết án là lạc đạo, bị tuyệt thông, và bị thiêu sống vào năm 1600. Khi tuyên án, ông phát biểu: "Quý vị đã sợ hãi hơn là tôi nhiều khi tôi nhận bản án này nên mới lên án tôi như vậy." (It is with greater fear that ye pass this sentence upon me than I receive it). Giáo hội sợ gì? Từ xưa tới nay giáo hội chỉ sợ có sự thật, tuy rằng Chúa đã dạy: "Rồi các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát các ngươi."

Năm 1633, khi Galileo, dựa trên những dữ kiện khoa học không thể phủ nhận, đoan quyết trong một cuốn sách khảo cứu thiên văn của ông rằng: không phải là mặt trời quay xung quanh trái đất mà chính là trái đất quay xung quanh mặt trời, thì ông bị kéo ra trước tòa án dị giáo của giáo hoàng Urban VIII, vốn là bạn của Galileo. Khi đó ông đã già, gần chết. Giáo hoàng phán: "Trước khi chết, ngươì hãy sửa lại điều trên vì nó ngược lại với thánh kinh. Bất cứ điều nào ngược với thánh kinh đều đương nhiên sai lầm, vì thánh kinh là lời của Thượng Đế."

Galileo là một khoa học gia vĩ đại, dù đã 80 tuổi, sắp chết, nhưng vẫn còn đầy đủ óc khôi hài tuyệt vời. Ông nói: "Không thành vấn đề, tôi sẽ sửa lại lời tôi viết, tôi sẽ viết lại trong sách của tôi đúng như lời Thượng Đế đã viết trong thánh kinh - nghĩa là mặt trời quay xung quanh trái đất. Nhưng có một điều tôi cần trình ngài rõ: cả trái đất lẫn mặt trời đều không đọc sách của tôi. Và sự thực thì, trái đất sẽ tiếp tục quay xung quanh mặt trời. Nếu ngài nhất định muốn biết tại sao thì tôi có đầy đủ bằng chứng. Tôi đã dùng cả đời tôi để nghiên cứu vấn đề này, và những người có đầu óc khoa học đều tuyệt đối đồng ý với sự khám phá của tôi. Trước sau gì rồi ngài cũng phải đồng ý vì không ai có thể chống lại sự thực lâu dài." [45]

Tuy vậy Galileo vẫn bị buộc phải sửa đổi sự thực khoa học ông đã viết trong sách, bị kết án là "lạc đạo" và bị biệt giam tại nhà cho đến khi ông chết, năm 1642. Nhưng lời tiên đoán của ông năm 1633 đã thành sự thực, tuy hơi chậm. 359 năm sau, ngày 29 tháng 10 năm 1992, giáo hoàng John Paul II, tuyên bố vụ án Galileo là một sai lầm và phục hồi danh dự cho Galileo, sau khi một ủy ban gồm những bộ óc thượng thặng của toà thánh nghiên cứu trong 13 năm về vấn đề Galileo, một vấn đề mà đối với toàn thế giới đã rõ như ban ngày.

Sau Galileo, nhiều khoa học gia khác như Kepler, Descartes, Fermat, Newton cũng phát minh ra những khám phá mới. Tòa Thánh chỉ trích, hành hung và bắt bớ giam cầm Kepler trong nhiều năm, nhưng các khoa học gia khác như đều ủng hộ ông. Cuối cùng, giáo hội Ca Tô chỉ còn biết đưa ra sắc lệnh lên án các kết quả khảo cứu của Copernicus và Galileo là sai lầm, thí dụ như:

"Điểm thứ nhất, nói rằng mặt trời là trung tâm và không quay xung quanh trái đất, là điên rồ, vô nghĩa, sai lầm về thần học, và là tà thuyết vì trái ngược hẳn với Thánh Kinh; và điểm thứ hai, nói rằng trái đất không phải là trung tâm mà lại quay xung quanh mặt trời , là vô nghĩa, sai lầm về triết lý, và ít nhất từ quan điểm thần học, đối nghịch với chân tín ngưỡng" [46]

Khi không còn quyền sinh sát nữa và bất lực trong việc ngăn chận sự tiến bộ trí thức của nhân loại thì giáo hội bắt đầu mở chiến dịch nhận vơ những công cuộc khảo cứu và phát minh khoa học là của Ki Tô Giáo, nhập nhằng nền văn minh Tây phương làm nền văn minh Ki Tô Giáo với lý luận là tác giả của những công cuộc khảo cứu và phát minh khoa học hay những tiến bộ về văn chương nghệ thuật đều là người Ki Tô Giáo, sống trong những xã hội Ki Tô. Tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một đoạn sau.

Văn hóa và xã hội Việt Nam trong thế kỷ 14-16

Bây giờ chúng ta hãy xét đến nền văn hóa và xã hội Việt Nam trong thế kỷ 14-16, những thế kỷ mà ở Âu châu, với những tòa hình án xử dị giáo và những cuộc săn lùng phù thủy, giáo hội Ca-Tô đã xuống tay giết hại hàng triệu nhân mạng để "văn minh hóa" những người còn biết xử dụng đến đầu óc.

Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Quyển I:

1418-1427: Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh, có Nguyễn Trãi phò giúp. Quân của Bình Định Vương đi đến đâu giữ kỷ luật rất nghiêm, không xâm phạm của ai chút gì, cho nên ai ai cũng vui lòng theo phục.

Vương dụ cấm tà đạo: ai mà dùng những phép tà ma giả dối để đánh lừa người ta thì phải tội. (Ki Tô Giáo chưa đến nhưng có thuộc loại này không?)

Vương đặt ra ba điều để răn các quan: 1. Không được vô tình; 2. Không được khi mạn; 3. Không được gian dâm.

Sau khi đánh đuổi quân Minh, có người đề nghị với Vương rằng: "Lúc trước người Minh tàn ác lắm, nên đem giết cả đi." Vương nói rằng: "Phục thù báo oán là cái thường tình của mọi người, nhưng cái bản tâm người có nhân không muốn giết người bao giờ. Vả người ta đã hàng mà lại còn giết thì không hay. Nếu mình muốn thỏa cơn giận một lúc, mà chịu cái tiếng muôn đời giết kẻ hàng, thì sao bằng để cho muôn vạn con người sống mà khỏi được mối tranh chiến về đời sau, lại để tiếng thơm lưu truyền thiên cổ trong sử xanh."

Một chuyện bên lề về cuộc Thánh chiến Albigense để so sánh (Michael Baigent, Richard Leigh, and Henry Lincoln, "Holy Blood, Holy Grail", trg. 49-50):

"Năm 1209, một đoàn quân khoảng 30 ngàn người, gồm các kỵ sĩ và bộ binh, như 1 cơn gió lốc từ miền Bắc Âu Châu tràn xuống Languedoc - vùng chân núi phía Đông Bắc của dãy núi Pyrenees, ngày nay là miền Nam nước Pháp. Trong cuộc chiến tranh này, toàn vùng bị tàn phá, mùa màng phá hoại, các thành phố và thị trấn thành bình địa, cả 1 dân tộc bị chém giết. Cuộc tiêu diệt này rộng lớn và khủng khiếp đến độ ta có thể coi đó như là trường hợp đầu tiên của chính sách "diệt chủng" trong lịch sử Âu Châu hiện đại. Thí dụ, chỉ nguyên trong thành phố Béziers, ít nhất là có 15 ngàn người: đàn ông, đàn bà, trẻ con bị tàn sát, nhiều người bị giết ngay chính trong cung Thánh của nhà thờ. Khi một sĩ quan hỏi vị đại diện của Giáo Hoàng: 'làm sao phân biệt được ai là tín đồ và ai là tà đạo?' thì câu trả lời là: "Giết hết đi. Thiên Chúa sẽ nhận biết ai là tín đồ của Người." Sau đó, chính vị đại diện trên hãnh diện báo cáo với giáo hoàng Innocent III ở Rô-ma là: "Không một ai, bất kể thân phận, tuổi tác, hay trai gái, được sống sót." [47]

Sau khi dẹp xong quân Minh, Vương sai Nguyễn Trãi viết tờ Bình Ngô Đại Cáo báo cáo cho thiên hạ rõ. Trong bài này có vài câu có thể áp dụng cho Ca Tô Giáo Rô-Ma, xét đến lịch sử những cuộc thánh chiến, những tòa hình án xử dị giáo, những cuộc săn lùng phù thủy của Ca Tô Giáo:

Độc ác thay, trúc rừng không ghi hết tội

Dơ bẩn thay, nước biển không rửa sạch mùi

Lẽ nào trời đất tha cho

Ai bảo thần nhân nhịn được.

Bình Định Vương lên ngôi năm 1428, tức Lê Thái Tổ. Một biện pháp xã hội để "thanh lọc" những thành phần lợi dụng tôn giáo được đặt ra: "Những người đi tu đạo Phật, đạo Lão cũng bắt phải thi kinh điển các đạo ấy; hễ ai thi trúng thì mới cho phép được làm tăng làm đạo sĩ, ai thi hỏng thì phải về tục làm ăn."

Triều đại Lê Thánh Tông (1460-1497), niên hiệu Quang Thuận (1460-1469), Hồng Đức (1470-1497):

Thánh Tông là một ông vua thông minh, thờ mẹ rất có hiếu, ở với bề tôi đãi lấy lòng thành. Ngài trị vì được 38 năm, sửa sang nhiều việc chính trị, mở mang sự học hành, chỉnh đốn các việc vũ bị, mở thêm bờ cõi, khiến cho nước Nam ta bấy giờ được văn minh thêm ra và lại lẫy lừng một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ cường thịnh như vậy.

Có lẽ chúng ta cũng nên biết bộ Luật Hồng Đức được coi là rất tiến bộ. Giáo sư Vũ Văn Mẫu, thạc sĩ Luật của Pháp, đã đánh giá bộ luật Hồng Đức cao hơn luật của Pháp thời bấy giờ.

Về văn học thì chúng ta có Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi, Đại Việt Sử Ký Lục Biên của Phan Phù Tiên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Thông Giám Thông Khảo của Vũ Quỳnh, có Lê Thánh Tôn Thi Tập, Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập gồm 300 bài của các văn thân dưới triều Hồng Đức, có Bạch Vân Thi Tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhiều nữa, không kể sao cho xiết.

Chúng ta đã duyệt qua nền văn hóa và tình trạng xã hội ở Tây phương và ở Việt Nam vào khoảng thời gian các thừa sai Ca-Tô đầu tiên đến nước ta. Chúng ta thấy rõ là nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa nhân hậu với những tư tưởng thanh cao thoát tục như của Lê Thánh Tôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Còn văn hóa Ki Tô Giáo, nếu có, là loại văn hóa nào? Văn hóa giết người không cùng ý kiến dựa vào cường quyền và bạo lực, văn hóa độc tôn, văn hóa nhốt con người vào trong vòng tối tăm mê tín, văn hóa "sống lại" và thắng sự chết, hay văn hóa "cứu rỗi"? Với những sự kiện lịch sử rõ ràng về Ca Tô Giáo như vậy, và với những linh mục được đào tạo và sống trong bóng tối trí thức của giáo hội, thì tôi xin đặt một câu hỏi với các tác giả trong cuốn "2000 Năm Một Thuở..": Các thừa sai đến nước ta đã mang loại văn hóa nào và văn minh nào đến để khai sáng sự tối tăm lạc hậu của nước ta? Các ông có thể vạch rõ cho chúng tôi đó là loại văn hóa và văn minh nào của các thừa sai mà Việt Nam cần đến?

Mỗi quốc gia đều có nền văn hóa riêng của mình. Đó là mối ràng buộc gắn liền con người với đất nước. Trong một bài diễn văn tại Maribor, Slovenia, ngày 19 tháng 5 năm 1996, giáo hoàng John Paul II đã kêu gọi các quốc gia phải bảo tồn nền văn hóa dân tộc, nguyên văn nhu sau: "Các quốc gia phải gìn giữ nền văn hóa của họ như là một biểu thị của phẩm cách quốc gia" (Countries must preserve their culture as an expression of national dignity). Vậy Việt Nam đúng hay sai khi chỉ vì muốn gìn giữ nền văn hóa của mình, phẩm cách quốc gia của mình, mà đã từ khước nền văn hóa lai căng Ki Tô Giáo ngay từ đầu. Lai căng vì đó là một nền văn hóa cóp nhặt từ những nền văn hóa cổ xưa, pha trộn với nền văn hóa du mục thờ thần của Do Thái, cộng với văn hóa của đế quốc La Mã bạo tàn, để biến thành một nền văn hóa mà đặc tính độc tôn trịch thượng, tàn bạo và phi luân của nó không ai có thể chối cãi.

Không biết đến bộ mặt thật của giáo hội nên các trí thức trong cuốn "2000 Năm Một Thuở.." cũng đều ca tụng văn hóa Ki Tô Giáo hay nền văn minh Ki Tô Giáo theo luận điệu tuyên truyền của giáo hội. Thí dụ:

- Phạm Hồng Lam, trang 104: "Hơn nữa, văn hóa Tây phương là văn hóa Ki Tô Giáo"

- Vũ Đức Minh, trang 113:

"Hai thiên niên kỷ qua, kể từ ngày Chúa Giêsu ra đời, nhân loại đã tiến những bước dài trên đường văn minh. Cũng có thể nói nền văn minh của nhân loại trong hai nghìn năm qua mang dấu ấn sâu đậm của đạo Công Giáo. Biết bao nhà bác học do các trường công giáo đào tạo.."

Để có một nhận định chính xác về mối tương quan giữa nền văn minh Âu Mỹ và KiTô giáo, chúng ta hãy đọc đoạn sau đây của John E. Remsburg trong cuốn "Những lời nhận vơ sai sự thực" ("False Claims", trg. 16-17 ):

"KiTô giáo có liên quan gì tới nền văn minh của dân tộc này? Chắc chắn là không; và nếu không có đám mây thiên kiến trước mắt họ, những tín đồ KiTô sẽ thấy rõ rằng KiTô giáo không tạo nên nền văn minh của chúng ta. Họ sẽ thấy rằng thay vì giáo hội văn minh hóa thế giới, chính cái thế giới duy lý trong nhiều thế kỷ đã từ từ văn minh hóa giáo hội.

Chính ngay cái bản chất của KiTô giáo đã loại bỏ cái khả năng tiến bộ như là một nguyên lý tự hữu của tôn giáo này; và bất cứ có sự tiến bộ nào, ở trong hay ở ngoài giáo hội, đều do những nguyên nhân mà giáo hội không kiểm soát được. Giáo hội tự cho là nắm giữ chân lý, chân lý toàn diện, chỉ là chân lý. Mọi đề nghị thay đổi, mọi khám phá mới, đối với giáo hội là sai sự thực, và, do đó, giáo hội chống đối. Giả thử giáo hội thành một đế quốc trên toàn thế giới, mọi tiến bộ sẽ phải ngưng ngay lập tức. Những Huxley và Haeckels của chúng ta sẽ bị diệt trừ thẳng cánh, ngọn đuốc Lý Trí sẽ bị tắt ngấm, và cái lòng tin mù quáng sẽ là sự chỉ đạo duy nhất của chúng ta. Giáo hội đã cho ta những bằng chứng quyết định về sự thực này. Trong nhiều thế kỷ, quyền lực của giáo hội ở Âu Châu là cao nhất, nhưng ngay cả những văn sĩ KiTô cũng phải gọi những thế kỷ đó là thời đại đen tối.

Chỉ khi chủ thuyết duy lý khai sinh, khi khoa học bắt đầu phát triển, và KiTô giáo bắt đầu suy thoái, nền văn minh hiện đại mới ló dạng. Lecky nói rằng: "Trong hơn 3 thế kỷ, sự suy thoái của những ảnh hưởng thần học là một trong những dấu hiệu không thể chối cãi để đo sự tiến bộ của chúng ta." Carlyle nói rằng: "Kiến thức càng tăng, lòng tin càng giảm." Strauss nói rằng: "Thời Trung Cổ tín ngưỡng tôn giáo thì tỷ lệ thuận với sự ngu tối và man rợ. [Không chỉ trong thời Trung Cổ mà ngay trong thời này, thế kỷ 21, cũng vậy. TCN] Tôn giáo và văn minh không ở cùng vị thế mà trái ngược đối với nhau, cho nên với sự văn minh tiến bộ, Ki Tô giáo phải lui." [48]

Để rọi thêm một tia sáng vào cái gọi là văn minh KiTô, chúng ta hãy đọc đoạn sau đây của Lloyd M. Graham (Ibid., trg. 448-449) về trí tuệ của các Thánh Kitô trong việc "mở mang đầu óc" và "văn minh hóa" con người:

"Bất cứ người nào bị thống trị bởi tư tưởng tôn giáo đều bị đặt dưới ảnh hưởng của cái năng lực lý luận sai lầm. Đó chính là những nhà lập giáo KiTô lầm lẫn. Ngày nay chúng ta vinh danh những kẻ không xứng đáng về lòng dũng cảm của họ mà không ý thức được cái tội ác mà họ đã phạm phải -- sự phá hủy hoàn toàn khoa học và triết lý cổ xưa. Điều này đưa đến 1500 năm đen tối, trong thời gian này dân KiTô không biết ngay cả quả đất tròn.

Trong thời đại đen tối, sự tối tăm có tính cách toàn diện - một ảnh hưởng khó hiểu của cái gọi là "ánh sáng của thế giới." (CaTô giáo vẫn tự cho là ánh sáng của thế giới; TCN)

Bây giờ chúng ta hãy so sánh những khoa học gia Hi Lạp (Tác giả muốn nói đến Pythagoras (thuyết trái đất tròn và quay xung quanh mặt trời, thế kỷ - 6 (6 thế kỷ trước thời đại này)), Aristarchus (thuyết mặt trời là trung tâm vũ trụ, thế kỷ -3, mà 19 thế kỷ sau Copernicus khám phá ra), Eratosthenes (đo chu vi trái đất, thế kỷ -3), Hipparchus (kinh tuyến và vĩ tuyến, thế kỷ -2), Democritus và Leucippus (thuyết nguyên tử của vật chất, thế kỷ 5) với các Thánh KiTô. Đối với vài khoa học gia còn sống sót người ta nói như sau: "cái tên điên này muốn đảo ngược cả hệ thống thiên văn, nhưng Thánh kinh thiêng liêng dạy chúng ta rằng Joshua ra lệnh cho mặt trời đứng yên lại chứ không phải là trái đất." - và 1300 năm sau một giáo hoàng cũng ra sắc lệnh với cùng ý như vậy. Một luận cứ nổi tiếng khác là "trong ngày phán xét những người ở phía bên kia của trái đất không thể thấy được Chúa từ trên không xuống." Về sự chuyển động của trái đất, Thánh Augustine (cha đẻ của nền thần học CaTô và được CaTô giáo tôn sùng coi như là có trí tuệ siêu việt) nói như sau: "Không thể nào có chuyện có người ở phía bên kia của trái đất, vì Thánh kinh không ghi lại bất cứ một giống người nào như vậy trong các hậu duệ của Adam" (Như vậy là Thánh kinh không biết tới dân Việt Nam và lẽ dĩ nhiên không làm gì có chuyện cứu rỗi dân Việt Nam. TCN) Và linh mục Incholer nói như sau: "Quan miệm về sự chuyển động của trái đất là quan niệm tồi tệ nhất, nguy hại nhất, xúc phạm nhất trong những quan niệm dị giáo; sự bất động của trái đất là điều thiêng liêng gấp ba lần." Và Lactantius kết luận: "Không thể có chuyện con người tin một cách vô lý đến độ cho rằng mùa màng và cây cỏ ở phía bên kia của trái đất lại mọc chổng đầu xuống và con người lại có chân cao hơn đầu." Làm sao chúng ta có thể áp dụng những lời trên vào con người đã thốt ra những lời đó. Ngày nay, chúng ta biết họ sai lầm về khoa học, nhưng chúng ta vẫn không biết họ sai lầm về thần học." [49]

Trên đây, tôi đã điểm sơ qua vài ý kiến của một số tác giả trong cuốn "2000 Năm Một Thuở.." Tôi nghĩ tôi không nên phí thêm thì giờ để tiếp tục việc phê bình, vì đại loại nó đều như vậy cả. Chừng đó tôi cho là cũng đủ để quý độc giả tự mình đánh giá tác phẩm này mà không sợ sai lầm. Để cho bài phê bình này đầy đủ hơn, tôi sẽ trích dẫn thêm một số ý kiến của các tác giả trong cuốn "2000 Năm Một Thuở" nhưng sẽ không phê bình dài dòng mà nếu cần chỉ đưa ra một nhận xét ngắn gọn. Xin để cho quý độc giả tự mình thưởng thức những đoạn văn "bất hủ" trong cuốn sách này.

1. Nguyễn Hữu Tấn Đức, trang 73: "Từ những linh mục dòng Tên Bồ-đào-nha, Tây-ban-nha, Pháp (tk 16-17) đến những mục sư Tin Lành Anh Mỹ (t.k 19), các thừa sai Ki Tô giáo đã góp phần không nhỏ để bảo tồn những nền văn hóa địa phương mà nếu không có họ, chắc chắn sẽ bị tiêu tan trước những làn sóng ồ ạt của hiện tượng toàn cầu hóa.."

Hiện tượng toàn cầu hóa có từ thế kỷ 16, 17? Chúng ta hãy đọc lại lời xưng thú tội lỗi số 5 của Tòa Thánh:

5. Xưng thú “tội lỗi trong những hành động với ý muốn thống trị kẻ khác, với thái độ thù nghịch đối với các tôn giáo khác, không tôn trọng truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc nhỏ, kém phát triển”.

2. Trần Ngọc Báu, trang 22: "..Trước khi truyền bá đạo đến các nền văn hóa khác, Giáo hội La Mã đã gần như độc tôn suốt mười mấy thế kỷ ở Tây phương và ảnh hưởng quyết liệt vào nền văn hóa Tây phương - nếu không nói là đã hun đúc nên nền văn hóa ấy -, đến nỗi đã vô hình chung tự đồng hóa mình với nền văn hóa Tây phương và đã có thời lấy đó làm nền "văn hóa hoàn vũ", toàn bích và mẫu mực nhất loài người."

Thời mà giáo hội La Mã tự nhận là nền văn hóa Ki Tô Giáo toàn bích và mẫu mực nhất là thời Trung Cổ, nghĩa là thời mà Tây phương chìm đắm trong sự man rợ và đen tối trí thức; chính là thời mà Văn hóa con người thoái hóa đến mức tàn bạo.

3. Nguyễn Tiến Cảnh, trang 40-41: "Giáo dân cũng như giáo sĩ đều có chung một xác tín: Tin và trung thành với Chúa và Giáo hội mà vị cha chung hiện nay là Đức giáo hoàng Gioan PhaoLô II rất có uy tín, mọi người đều nhất mực kính phục và tuân thủ. Mỗi khi một sắc lệnh, hiến chế, tuyên ngôn hay sứ điệp được ban ra là tất cả mọi giáo dân và giáo sĩ từ trên xuống dưới đều vui vẻ nhiệt tình tuân hành."

Có lẽ đây là đặc tính của giáo dân và giáo sĩ Việt Nam chứ không phải là giáo dân hay giáo sĩ trên thế giới. Chúng ta còn nhớ ở Mỹ, nữ giáo dân đã dàn chào giáo hoàng với rừng biểu ngữ "Keep your rosaries out of our ovaries"; ở Đức giáo dân đã ném sơn đỏ vào xe của giáo hoàng và hô to khẩu hiệu "Burn the pope"; và ở Nicaragua, giáo dân đã đón mừng giáo hoàng với những lời hoan hô liên tục, không cho ngài đọc diễn văn (một hình thức phản đối), khiến ngài phải đỏ mặt tức giận và hét qua máy vi âm "Silencio" (Hãy yên lặng).

Có lẽ những tín đồ Ca-tô Việt Nam cũng nên đọc tài liệu sau đây của Tiến sĩ Malachi Martin, Giáo sư dòng Tên tại Viện Nghiên Cứu Thánh Kinh Của Giáo Hoàng tại Rô-ma (Jesuit Professor at the Pontifical Biblical Institute in Rome), trong cuốn Sự Suy Thoái Và Sụp Đổ Của Giáo Hội Rô-Ma (The Decline and Fall of the Roman Church), trang 239:

Một cuộc tham khảo ý kiến của các giám mục Ca Tô Rô Ma và những giáo sư thần học ở Tây Âu và Châu Mỹ La-Tinh cho thấy khoảng hai phần ba (2/3) cho rằng, về phương diện tôn giáo hoặc chăn dắt tín đồ, không cần thiết phải tuân theo những ý tưởng và nguyên tắc của John Paul II liên quan đến những niềm tin và luật lệ về đạo đức mà ông ta tuyên bố. Ở Hòa Lan, đa số các giám mục cùng với vị hồng y duy nhất, Jan Willebrands, và các linh mục, giáo dân, đã ra tuyên ngôn nói trắng ra rằng họ chống quyền lực của giáo hoàng. Những giám mục ở Ái Nhĩ Lan và Tây Ban Nha, một thời là những thành trì của quyền lực Rô-ma, cũng mang đầy tinh thần hoàn toàn độc lập đối với Vatican. Đa số các giám mục Hoa Kỳ chỉ chấp nhận ngoài miệng những chỉ thị của giáo hoàng, nhưng bằng những hành động cụ thể họ đã không khuyến khích những giáo sư trong các trường dòng, linh mục trong các giáo xứ, và tín đồ phải nghe theo giáo hoàng. Trong khắp các nước ở Châu Mỹ La-Tinh, John Paul II đã thất bại đối với Cọng Sản - dù đã hai lần đích thân đi tới - nhưng cũng không lấy được sự trung thành của hầu hết các hồng y, cũng như của hai phần ba số giám mục, linh mục và nữ tu địa phương...Sự xa lìa khỏi Rô Ma của John Paul II thật là rộng lớn và đang bành trướng.

Giáo hội Ca-Tô Việt Nam nghĩ sao? Còn chờ đợi gì nữa?

4. Phạm Hồng Lam, trang 95: " Hơn 20 năm ở sứ vụ, Gioan PhaoLô II đã trên 100 lần công khai xin lỗi. Chẳng phải là vì lịch sử Giáo hội "chứa đầy nước mắt, máu, tội ác", như một số người vẫn cố gán ép." Trang 97: "Sau nạn Phát xít và Cộng Sản, giờ đến chủ nghĩa vật chất, theo ngài, là kẻ thù hiểm độc nhất của con người hôm nay. Đây là đối thủ sống còn của quãng đời còn lại của Gioan PhaoLô II."

Đúng vậy, Giáo hội hiền như "Ma Sơ". Lịch sử giáo hội không hề có "máu, nước mắt, và tội ác", chỉ có thánh chiến, tòa án xử dị giáo, thiêu sống (không chảy máu) phù thủy và ngoại đạo, bách hại người Do Thái.

Chủ nghĩa vật chất không phải là đối thủ của ngài mà chính là đồng minh của ngài. Chứng minh? Ngài mặc quần áo lụa tía, ở dinh thự, có nhà nghỉ mát, hồ tắm riêng, máy bay riêng, ăn bít tết, uống sâm banh, đi Popemobile. Tài sản của giáo hội lên đến hàng ngàn tỷ đô la, được đầu tư vào nhà băng, mọi ngành kỹ nghệ kể cả kỹ nghệ chiến tranh và thuốc ngừa thai (giáo hoàng cấm giáo dân dùng thuốc ngừa thai đấy). Trong khi đó thì các giáo dân ở các cộng đồng như ở Phi Châu, Nam Mỹ, Bùi Chu, Phát Diệm v..v.. sống ra sao? Có chút nào là đạo đức giả ở đây không? Tại sao giáo hoàng chống chủ nghĩa vật chất trong khi ngài hưởng đủ mọi tiện nghi cao nhất và xa xỉ nhất của vật chất. Dễ hiểu thôi, vì kinh tế khá và trí tuệ mở mang thì giáo dân không còn là giáo dân, một hiện tượng đang xảy ra trong các nước tân tiến Âu Mỹ. Nghèo khó và ngu dân thì dễ tin, dễ trị. Vấn đề giản dị có vậy thôi.

5. Vũ Đức Minh, trang 117-18: "Sứ mạng của người công giáo là tuân theo giới răn của Chúa, mở mang nước Chúa, đem ánh sáng Phúc âm tới khắp hang cùng ngõ hẻm trên thế giới. Sứ mạng của giáo hội công giáo là lãnh đạo sự tiến hóa của nhân loại."

Đây chính là thảm họa của thế giới khi giáo hội tự cho mình những sứ mạng trên như lịch sử đã chứng minh. Sự văn minh tiến bộ của nhân loại ngày nay không còn cho phép giáo hội Ca-tô thi hành sứ mạng trên nữa. Giáo hội nổi tiếng là đi nhanh như rùa và luôn luôn đi ngược lại sự tiến hóa của nhân loại, làm sao mà lãnh đạo sự tiến hóa của nhân loại? Lãnh đạo đi giật lùi?

Trang 121: "Nhân việc có kẻ đả kích, ta có dịp vừa phản bác những luận điệu sai lầm, vừa nêu lên những cái hay cái đẹp của đạo mà nhiều người chưa biết."

Hoan hô! Chúng tôi chờ đợi đã lâu mà chưa thấy. Nếu chỉ như cuốn "2000 Năm Một Thuở.." hay "Ngón Tay Và Mặt Trăng", hay "Tổ Quốc Ăn Năn" , hay "Chứng Nhân Hi Vọng", hay "Trần Lục" v.v.., thì thà đừng viết còn hơn. Viết như vậy chỉ có phản tác dụng.

6. Trần Phong Vũ, trang 208: "Kết quả sau hơn 3 năm làm việc trong ánh sáng Thánh linh, Công đồng (Vatican II) đã mở ra cho Giáo hội một hướng nhìn mới mẻ."

Vậy thì trước 1962-65, giáo hội có sự hướng dẫn của ánh sáng Thánh linh không? Thánh linh cũng phải đổi mới theo nhu cầu?

V. VÀO LỜI KẾT

Tôi nghĩ rằng bài phê bình này nên kết thúc ở đây, vì có viết thêm bao nhiêu nữa thì cũng vậy thôi. Tôi không coi đây là một bài tranh luận mà chỉ là một bài giáo khoa với mục đích sửa lại cho đúng những quan niệm sai lạc và lỗi thời của một số tác giả trong cuốn "2000 Năm Một Thuở" để cho đúng với sự thực lịch sử và cập nhật hóa với những tiến bộ của nhân loại về vấn đề tôn giáo. Tôi xin nhắc lại là tôi không chống đối niềm tin của bất cứ ai. Tin sao là quyền của mỗi người. Nhưng tôi cũng xin được có quyền phát biểu ý kiến về những hiểu biết của tôi về Ca-Tô Rô-MaGiáo và tôi xin hoan hỉ đón nhận mọi phê bình trí thức có cơ sở với những tài liệu không thuộc loại đức tin. Tôi cũng không có ý định cải đạo hay khuyến dụ bất cứ ai bỏ đạo. Đây là mưu đồ của những kẻ cuồng tín, hạ căn, trong thời đại tiến bộ của nhân loại ngày nay. Tôi không đến nỗi đần độn mà không hiểu rằng, CaTô giáo là một tôn giáo có nhiều tín đồ nhất trong thế giới ngày nay, có nhiều quyền lực nhất, và lẽ dĩ nhiên có nhiều tiền nhất.

Nhưng điều làm tôi sửng sốt và ngỡ ngàng là tại sao trong thời đại ngày nay, với lịch sử và bản chất của Ca-Tô Rô-Ma Giáo đã quá rõ ràng, qua không biết bao nhiêu tác phẩm nghiên cứu của các bậc lãnh đạo Ca-Tô Giáo và các học giả, giáo sư đại học, kể cả những thú nhận trước thế giới của Giáo hoàng và Tòa Thánh, mà một số trí thức Việt Nam vẫn ngủ say trong cơn mê sảng, vẫn tin vào những điều không thể tin được, và còn có can đảm để viết lên một cuốn sách như cuốn “2000 năm một thưở…” Có vẻ như họ đều được đào tạo từ một cái nôi mà ra, và hình như họ không hề biết ngượng nếu đôi khi họ có dịp nhìn lại chính mình. Tôi thật sự cảm thấy tội nghiệp cho họ. Không phải vì họ theo Ca-tô Rô-MaGiáo mà vì, mang danh là những trí thức mà kiến thức về đạo của họ thật rất đáng chê trách vì đã quá lỗi thời, mê tín thay vì hiểu biết, thực sự chỉ thuộc vài thế kỷ trước.

Đọc cuốn “2000 năm một thưở“ , chúng ta thấy những tín đồ Ca Tô giáo quả là đáng thương vì bị đưa vào một cấu trúc quyền lực giả tạo mà họ tin rằng đó là một “hội thánh”..Chúng ta không thể và không nên trách họ.Đầu óc họ bị nhào nặn từ khi mới sinh ra đời và có thể khả năng hiểu biết của họ không cho phép họ biết rằng mình đã bị lừa dối bởi những lời nói láo vĩ đại, do đó vẫn tiếp tục trong một niềm hi vọng hão huyền, vì những điều họ tin không bao giờ có thể thành tựu nếu họ chịu khó đọc kỹ cuốn Thánh Kinh với một chút lô-gíc trong đầu..Vì đã được nhào nặn trong một khuôn đúc đức tin không cần biết không cần hiểu cho nên họ không thể tin được và không thể chấp nhận những gì không phù hợp với đức tin của họ, bất kể là những điều này đúng với sự thật như thế nào.Điều duy nhất mà chúng ta có thể làm được ngày nay là giúp họ hiểu rõ thêm về chính tôn giáo của họ được chừng nào hay chừng ấy.Vấn đề chính là chỉ có chính họ mới giúp được họ mà thôi.Điều này tùy thuộc nhiều vào căn trí của mỗi người.”

Điều chắc chắn là giáo hội Ca-Tô sẽ vẫn còn tồn tại lâu dài tuy rằng Ca-tô Rô-Ma Giáo đang suy thoái trầm trọng trong thế giới Tây phương.. Tại sao? Điều này thật là dễ hiểu. Vì trên 70% tín đồ Ca-tô thuộc thế giới thứ ba và một số ốc đảo ở Á Châu, nơi đây vẫn còn vô số những bậc trí thức Ca-tô như Đỗ Mạnh Tri, Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Hữu Tấn Đức và hầu hết các tác giả trong cuốn “2000 năm một thưở..” v..v..

Cách đây hơn 1 thế kỷ, Robert G. Ingersoll đã giải thích điều này. Ông nói trước cử tọa (Joseph Lewis, Ingersoll: The Magnificient, p. 140):

" Ca-Tô Giáo Rô-ma còn tồn tại lâu dài. Điều này chứng tỏ cái gì? Nó chứng tỏ rằng quần chúng thì ngu dốt (ignorant) và các linh mục thì xảo quyệt [cunning]. [50]

Robert G. Ingersoll được coi như là một nhà hùng biện nổi danh của Mỹ (A celebrated orator of 19th century America). Ông ta là bạn của 3 Tổng Thống Hoa Kỳ, là người đã có công nhất trong việc làm nở rộ quyền tự do tư tưởng ở Hoa Kỳ. (A personal friend of three U.S. presidents, the individual most responsible for the flowering freethought in the United States.). Bức tượng của ông, ghi công ông, nay được đặt ở Peoria, Illinois. Edgar Lee Master, một thi sĩ, đã đưa ra nhận xét: "Đối với những người yêu chuộng tự do ở khắp nơi, nhất là đối với giới trẻ ở Hoa Kỳ không biết đến Robert G. Ingersoll, hãy nhớ rằng ông ta đã giúp để cho quý vị được tự do." (To the lovers of liberty everywhere, but chiefly to the youth of America who did not know Robert G. Ingersoll, remember that he helped to make you free.)

Để thay cho lời kết, tôi xin mượn lời của nữ học giả Ca-tô Joane H. Meehl, người mà sau khi đã thấy rõ chủ đích và những việc làm của giáo hội Ca Tô từ thế kỷ 4 tới nay, đã viết trong cuốn "Người Tín Đồ Ca Tô Tỉnh Ngộ" (The Recovering Catholic), trg. 288, như sau:

"Đạo Ca-Tô chỉ thịnh hành và phát triển trong đám người nghèo và ngu dốt. Nó chỉ bị khắc phục bằng giáo dục (mở mang dân trí) và đời sống kinh tế thoải mái"

(Catholicism thrives and grows among the poor and ignorant. It is overcome by education and economic well-being).

Bài phê bình này không thể giúp ai về kinh tế, nhưng hi vọng nó có thể góp được phần nào trong vấn đề giáo dục để mở mang dân trí, nhất là những dân có đạo.

 


1.The astrolabe mind has been defined as one which views the world from an outdated level of knowledge. Now let us further sharpen this definition. The astrolabe mind is more accurately described as a mind that comprehends all aspects of contemporary thought except in one area: a specific blind spot in intellectual judgment. In other words, the degree of mental obsolescence is restricted to only one specific area of perception, not overall perception... The vast majority of Christians are victims of a knowledge gap which places them at a level of religious understanding much more appropriate to the seventeenth century; ergo, the astrolabe mind.

No other field of thought has suffered such a prolonged, arrested condition in the general population. While the signs and dangers of antiquated knowledge might easily be detected in other fields such as medicine or physics, astrolabe mentality is not readily recognized because universal ignorance about this religious stagnation promotes the illusion that everything is perfectly normal! Sadly, people everywhere are caught in a mindless procession of unchanging beliefs, unaware of current information that would release them from primitive religious notions. The obsolete concepts I refer to are the entrenched doctrines and traditional theological assumptions of an earlier age, conceived in response to social and cultural influences that no longer exist.

Let us return to the focal point of this chapter—the phenomenon of the astrolabe mind. As analytical studies continued, it became obvious to many scholars that the Bible was not flawless and certainly not perfect. Some portions of Scripture were inferior to others in style, historical accuracy, and spiritual insight, and some were misleading and counterproductive to its central message of love. Even more controversial and shocking were the findings that suggested the Bible contained mythology. What had always been taken for granted as historical realities - angels, the Virgjn birth, deity and resurrection of Jesus - were now being brought into question.

Expectedly, Christians refused to allow a question mark on what they considered to be divine truth. If the Bible was the word of God and the Church was created by God’s own son, Jesus, there could be no error in how the Church interpreted the Scriptures. To question or challenge these foundations would undermine the validity and authority of the Bible, the Church, and Jesus. Thus, unlike other maturing disciplines that discarded faulty thinking in their struggle to obtain truth, Christianity almost universally re­jected the findings of scientific investigation that conflicted with traditional views about Scripture. The intrusion of new perspectives into the exclusive sphere of Bible and Church was viewed as sacrilegious and therefore unacceptable.

It was the beginning of the astrolabe mind - a mind entrenched against truth on the assumption that the Bible possessed ultimate know1edge; a mind which declared all biblical stories to be historic happenings; a mind which declared that what it consid­ered sacred was specifically unalterable; a mind which made authority its truth rather than truth its authority!

The refusal to view new information as an ally against faulty religious assumptions arrested most of Christianity within the mental framework o0f the seventeenth century. At its inception, The astrolabe mind was only slightly out of step with the newly discovered findings of seventeenth-century biblical criticism. But as time progressed, Christians increasingly failed to keep pace with these findings. Thus, the astrolabe mind became more and more antiquated and isolated from evolving knowledge...

With the rediscovery of the scientific method in 16th-century Europe and the subsequent evolvement of the Enlightenment during the 18th-century, it was inevitable that a more rational analysis of Scripture would occur. In a world becoming scientifically oriented, descriptions of walking on water, of demons, angels, resurrection stories, and other phenomena grew increasingly unacceptable as historical realities.

In 1835-1836, The Life of Jesus Critically Examined, by D. F. Strauss, referred to some NT narratives as "myth" and defined those unhistorical elements as expressing a series of religious ideas. Today, analytical studies continue to support and confirm this assertion. The majority of scholars regard the following NT accounts and Church-developed doctrines as myth:

1). The virgin birth

2). The Incarnation (God in human form; that is, God as Jesus)

3). The work of Atonement (plan for salvation)

4). The resurrection

5). The ascension (Jesus' bodily ascent into heaven 40 days after the resurrection)

6). The Second Coming (the return of Jesus to raise the dead and to summon all to the Last Judgment

7). The Last Judgment (the judgment of all by God at Christ's Second Coming)

2. I took a trip to Lourdes in southern France. I stood in the giant square in front of the Basilica and watched the Catholics of the world await the special blessing of this sacred shrinẹ I was jostled by the Italian ladies in their shawls, distracted by Eastern Europeans who whispered their prayers out loud. I watched the sick on their litters, the American businessmen in their clean white shirts. I saw priests wrapped in the cassocks of the world, excited Africans in their multi-colored native garb. But most of all I saw the wrinkled faces, speaking out the sincerity of their pain. They had come to ask a favor, like the Moslem hordes at Mecca, and to know a special contact with their God. They drank the water there, which is noted for its miraculous effects. They bought the plastic bottles to bring the water homẹ They bought rosaries and medals by the basketful and had them blessed by the pudgy hands of sweating priests. They covered the grounds like locusts, bent on devouring each shred of special grace. They kissed the feet of statues and groaned in mildewed shrines. They confessed in every language and munched their mountain cheese. Then, like a giant, content herd, they went home to bed. And so did I, as sick as confused by superstition as I had been on that autumn day when the Spartans conquered Rome.

Not only was I sick and confused, I was deeply ashamed as well. This was my Church and there were the Catholic men I had helped to form, the statistics we added up when we counted the catholicity of our Church. My mind was crowded with thoughts that refused to let me sleep. I thought of the frightened catholics who worried and prayed in every parish I had served. I thought of the man who is a Catholic and I think of him once again....

3. The Catholic man sees the world through a system which forbids him to be himself. He can walk the city streets and watch every face and every situation fall neatly into its proper category. He has never really known the joy of search, the wonder of discovery, the exciting freedom of personal decision. The world is a stranger to him since he judges its citizens before he really knows and understands. He has been taught what to read, how to think, and whom to call his friend.

I watch the Catholic come to Mass and pity the formation that warped his mind and distorted his religious sense. He comes because he has been told to come by religious leaders who are as docile and listless as he. He read the prayers wrapped in stilted phrases and make the gestures totally foreign to his modern way of life. He lives in a world of jet and atomic bombs, and prays in a world of medieval magic. He is bored in the presence of his God. And yet he comes, because he has learned from his youth that hell is the home of those who miss Mass. He is too frightened to admid he is bored.

In his business his eye is tuned to efficiency and progress. He looks for shorcuts, for new way to reach the public, for another service that will attract his fellow man. He has views on world peace, opinions on fiscal reform, thoughts on crime prevention, mental health, and transportation in megalopolis. But in religion he is a robot who can only recite the answers he has learned. He will accept the priestly decisions without protest, appear thoughful when he hears a rehash of the truths he learned in school, and support the Church which has robbed him of his mind...

The man or woman who is a Catholic has lost his touch with life. He is afraid to read the books that others read, to see the movies that reflect our modern life...

The Church, like a frightened and angry parent, takes too much credit for the help that it can offer man. Consequently Catholics are treated as children and they continue to behave as such...

The Catholic man opposed evolution and he was wrong. He supported monarchy long after democracy had made the people free. He promoted racial prejudice until "pagans" showed him he was wrong. He fought mixed marriages and fights them still, although he enjoys the freedoms that pluralism has won. He asks for freedom of conscience and expects protestants to raise their children in his faith...

He has not the right to follow his own conscience, or the power to select the principles that give him help. He is a Catholic, a child, who demands that another make for him his choice...

Thus, the Catholic man cannot truly know the meaning of dialogue, but only give arguments to defend the position he has inherited from his youth...

The Catholic man is an organized answering service whose first obligation is to protect his Church.)

4. (Most important, the impact of the scientific perspective is having now that even scholars working under a conservative Catholic imprimatur agree that much of what we know of Jesus is myth... Scholars have known the truth – that Jesus was nothing more than a man with a vision – for decades; they have taught it to generations of priests and ministers, who do not pass it along to their flocks because they fear a backlash of anger. So the only ones left in the dark are ordinary Christians.)

5. (The problem is that people think they know what’s in the Bible, or at least what kind of material it contains. Most of them are wrong: they are only familiar with a few church-approved extracts, and are atonished not just how awful God is in the Old Testament, but also at how much less than perfect his son seems in the New. The message of Jesus isn’t all good news; paradise is an uncertain prospect at best. Taken as a whole, it could well be the Bad News Bible.)

6. (In Christ name millions of men and women have been imprisoned, tortured and killed. In his name millions and millions have been enslaved. In his name the thinkers, the investigators, have been branded criminals, and his followers have shed the blood of the wisest and the best. In his name the progress of many nations was stayed for a thousand years. In his gospel was found the dogma of eternal pain, and his words added an infinite horror to death. His gospel filled the world with hatred and revenge, made intellectual honesty a crime,, made happiness here the road to hell, denounced love as base and bestial, canonozed credulity, crowned bigotry and destroyed the liberty of man. It would be far better had the New Testament never been written – far better had the theological Christ never lived.)

7. (More alarming was the doctrine that "many are called but few are chosen" (Matt. xxii, 14). Orthodox theologians - Mohammedan as well as Christian - held that the vast majority of the human race would go to hell. Most Christian theologians took literally the statement ascribed to Christ: "He that believeth and is baptized shall be saved; but he that believeth not shall be damned" (Mark xvi, 16). St. Augustine reluctantly concluded that infants dying before being baptized went to hell...

... Most Christians believed that all Moslems - and most Moslems believed that all Christians - would go to hell; and it was generally accepted that all "heathen" were damned. The Fourth Lateran Council (1215) declared that no man could be saved outside the Universal Church...

... Berthold of Regensburg, one of the most famous and popular preachers of the thirteenth century, reckoned the proportion of the damned to the saved as a hundred thousand to one.

A weaver of Toulouse, in 1247, remained unconvinced. "If", he said, "I could lay hold on that god who, out of a thousand men whom he has made, saves one and damns all the rest, I would tear and rend him tooth and nail as a traitor, and would spit in his face.")

8. (Christ died for our sins, in accordance to the Scriptures; that he was raised to life on the third day, according to the Scriptures; and that he appeared to Cephas, and afterwards to the Twelve. Then he appeared to over five hundred of our brothers at once, most of whom are still alive, though some have died. Then he appeared to James, and afterwards to all the apostles.)

9. (In discussing the cruxifixion, I argued that the story of Jesus' burial by his friends was totally unhistorical. If he was buried at all, he was buried not by his friends but by his enemies. And not in a tinb hewed out of stone, but in a shallow grave that would have made his body easy prey for scavenging animals. Those are grim conclusions, but I cannot escape them.

With the Easter stories, are we standing on the solid rock of historical fact? Or, if not, haw are we account for the survival of faith in Jesus? And if we decide that we cannot read the Easter narratives literally, then how are we to read them? I raise these questions not just because for some twentieth-century people the notion of resurrection from the dead seems incredible on the face of it. I raise these questions also because the New Testament record forces me to raise them. Matthew, Mark, Luke, and John tell the Easter story quite differently - so differently, in fact, that we simply cannot harmonize their versions. So we have to ask questions of intention and meaning.

In a nutshell, these are my conclusions: First, the Easter story is not about the events of a single day, but reflects the struggle of Jesus' followers over a period of months and years to make sense of both his death and their continuing experience of empowerment by him. Second, stories of the resurrected Jesus appearing to various people are not really about "visions" at all, but are literary fiction prompted by struggles over leadership in the early Church. Third, resurrection is one - but only one - of the metaphors used to express the sense of Jesus' continuing presence with his followers and friends...

Is the story of the empty tomb historical? No. I've already explained why I doubt there was any tomb for Jesus in the first place. I don't think any of Jesus' followers even knew where he was buried - if he was buried at all. And the gospel writers don't come close to agreeing with each other on what they report. So my conviction is that motives other than just history writing are clearly at work here.

By the way, Paul is the earliest writer we have on resurrection - his letters are much earlier then the gospels - and he nowhere shows awareness of having heard an empty tomb story. That's hard to understand, if an empty tomb was supposed to be the bedrock historical fact of Easter.)

10. (The empty tomb on Easter Sunday morning is a legend. This is shown by the simple fact that the apostle Paul, the most crucial preacher of Christ's resurrection, and the earliest New Testament writer besides, says nothing about it. As far as Paul is concerned, it doesn't exist. Thus it also means nothing to him, that is, an empty tomb has no significance for the truth of the resurrection, which he so emphatically proclaims. Granted, for Paul all of Christianity depends upon the resurrection of Christ - "If Christ has not been raised, then our preaching is in vain and your faith is in vain" (1 Cor. 15:14). But in Paul's view, that has nothing to do with an empty tomb. He manifestly has no idea of any such thing. If Paul had ever heard of the empty tomb, he would never have passed over in silence. Since he gathers together and cites all the evidence for Jesus' resurrection that has been handed down to him (1 Corinthians 15), he certainly would have found the empty tomb worth mentioning. That he doesn't proves that it never existed and hence the accounts of it must not arisen until later.

This is the position taken by the most important Catholic theologian of this century, the Jesuit Karl Rahner: "The "empty tomb" is rather to be judged an expression of a conviction that had already become wide-spread for other reasons" (Schriften zur Theologie [1975], XII, 348). The belief in the resurrection is older than the belief in the empty tomb. The faith of Easter was not the result of the empty tomb; rather, the legend of the empty tomb grew out of the faith of Easter. It is a pious embroidery on an event that people wanted to imagine in a concrete sense...

The Christians have misunderstood the resurrection of Christ pretty much from the beginning. Equating the empty tomb with his resurrection, they mistook the one for the other. They looked on the empty tomb as a sort of consequence of the resurrection, and then they classified it as a proof of the resurrection. But an empty tomb can be empty for the most varied reasons, and it never proves that any resurrection occured. Conversely, a dead man may certainly lie in a tomb: Such a fact is no obstacle to faith in his resurrection, because resurrection is something different from a dead man's coming back to life.)

11. (Giraldus Cambrensis: Transubstantiation, the Incarnation, the Virgin Birth, and Resurrection - all this had been intented by cunning ancients to hold men in terror and restraint, and was now carried on by hypocrites.)

12. (The claim was made that Christ rose from the dead and ascended bodily to heaven.

It required many years for these absurdities to take possession of the minds of men.

If he really ascended, why did he not do so in public, in the presence of his persecutors?

Why should this, the greatest of miracles, be done in secret, in a corner?)

13. (Mankind must be aware of being fooled by the crocodile tears of the Roman Church's seemingly regretful reminiscences and contrite apologies: they are contrived for a specific purpose, like her faked miracles - to lure the unsuspecting into her fold)

14. (There is very little, if anything, that is original in the teaching attributed to Jesus. Like the myth of Jesus itself, the sentiments he expresses are a hodgepodge of aphorisms and moral convictions that can be found in the ancient Egyptian, Babylonian, Persian, Greek, Buddhist, Confucian, and Hindu religions... But one thing is certain: Christianity, a late-comer in the history of religion, merely plagiarized sentiments from Judaism and the so called pagan religions. In his book Sources of Morality in the Gospels, Joseph McCabe quoted the moral views attributed to Jesus in the gospels and in parallel columns gave exact moral equivalents from Jewish and pagan writers.)

15. (Pope John Paul II always sees women in their biological dimension - either as mothers or as virgins who must follow the model of the Virgin; either they make children or they abstain from sexual intercourse. Wojtyla never sees women as persons in the same way as he sees a male as a person.)

16. (Over a period of almost two millennia, the Christian Church has oppressed and brutalized millions of individuals in an attempt to control and contain spirituality. The Dark Side of Christian History reveals in painstaking detail the tragedies, sorrows and injustices inflicted upon humanity by the Church. This exposé is a compelling and passionate cry for human dignity and spiritual freedom).

17. (The book uses interviews with victims to examine children's unique vulnerability to priests and with priest abusers to explore their dangerous isolation. It documents the failure of prosecutors, judges, psychologists and reporters to monitor bishops, who spend million of dollars to protect the church's image rather than its believers.)

18. (In fact, between 1984 and 1992, 400 Catholic priests in North America have been reported for molesting children. To date, Berry estimates, $400 million has been paid by the church to resolve these cases. One source projects that $1 billion may be paid by century's end.)

19. (I am familiar with many of the cases and situations about which Jason Berry writes. I can assure the reader that to the best of my knowledge his reporting is accurate and restrained, indeed if anything almost too conservative. It is my strong impression that the situation is actually much worse than it appears in this book. One will become very angry, I suspect, as one reads through its pages, not so much at the victimisers, who themselves were oftrn, if not always, victims when they were children, but at Catholic leadership. Bishops have with that seems like programmed consistency tried to hide, cover up, bribe, stonewall, often they have sent back into parishes men whom they knew to be a danger of the faithful.)

20. (New Vatican rules specifying that secret ecclesiastical courts will handle allegations of child sexual abuse by priests drew fire from advocates for victims' rights.

The policy, they say, perpetuates the church's hush-hush handling of such allegations.

"Vicims are doubly harmed - first by the abuse itself, and then by the shroud of secrecy surrounding it."...

Tom Economus, president of Linkup, a Chicago-based support group for victims, said the rules will benefit priests who molest.

"You have an opportunity to have your own private tribunal in the church", he said.

"It's the fox guarding the henhouse," he said. "They are doing the investigation, but you never know what's happening at the end.")

21. (What better time than the present for progressive, intelligent and courageous Catholics to break ties with the Vatican? Now is the perfect time to free one's self from the yoke of papal subordination and institutional arrogance to pursue changes in contemporary issues of birth control, clerical celibacy and the ordination of women, among others.

Martin Luther broke away from the church in 1521 because he believed it was corrupt and morally bankrupt. Little seems to have changed over the past 500 years.)

22. (Graham, Lloyd, Ibid., p.: 438: Thus the Catholic Church is founded on Peter whom, four verses later, Jesus openly calls Satan. Thus if the Catholic Church is founded on Peter, it is founded on Satan – a fact we have long expected. Peter’s story is the veriest nonsense – one mortal man endowed with the power over all humanity for all eternity. In things religious, Catholics are indeed credulous but can they be so credulous as to believe that pre-Christian sages like Pythagoras, Plato, Socrates...require this ignorant Jewish fisherman to bind and loose theirs souls? No, and neither are we.)

23. (It is not surprising, therefore, to learn that many biblical scholars believe the evidence indicates that this reference to Peter, like many other New Testament passages, was inserted at a later date.)

24. (The historical Jesus.. counted on the world’s coming to an end in his own lifetime. And for this coming of God’s kingdom he doubtless did not want to found a special community distinct from Israel, with its own creed, its own cult, its own constitution, its own office...All this means that in his own lifetime Jesus never found any church. He had no idea of founding and organizing a large-scale religious operation that would have to be created...)

25. (Jesus has no intention of founding a “church” and certainly not a “church universal.” For an authentic example of Jesus’ view, consider Matt 10:5-6, which expresses the exact opposite of a universal commission: “These twelve Jesus sent out, charging them, “Go nowhere among the Gentiles, and enter no town of the Samaritans, but go rather to the lost sheep of the house of Israel.” Two further authentic passages are Matt 15:24, “I was sent only to the lost sheep of the house of Israel,” and Matt. 10:23, “You will not have gone through all the towns of Israel, before the Son of Man comes.” ...Jesus himself – and all theologians have by now acknowleged this – believed that the Kingdom of God would be coming soon. But that is the opposite of a world mission in the grand style...

The Church has turned Jesus into its propagandist. For this reason we take everything that presupposes or dicusses or promotes the existence of a Church as interpolation by the authors of the Gospels into Jesus’ original sayings. That includes Jesus’ hailing Peter as the rock on which he will build his church (Matt. 16:18), since Jesus never meant to found a church... It’s not Jesus who’s speaking here; it’s the early church, which was interested in having such a leadership position and authority figure because of its growing hierarchical structure. In the inauthentic chapter 21 of John – that is, in a later addition to the actual gospel – the idea of a deputy is already clearly developed. Peter becomes the shepherd of the flock of Christ. He takes over the functions of Jesus, the former and actual shepherd, as his representative. Shortly afterward, the Church began to think that the important thing was not the person of Peter. The Church decided that the office Peter held was the bedrock foundation of the Church, and that Jesus established it permanently. With this concept we have the popes as Peter’s successors and Christ’s deputies, and the papacy as the foundation of the Church.)

26. (In fact during the two centuries and more that the Catholic Missions have been operating in China and the Indochinese peninsula they have probably not converted more than ten scholars in all. The entire educated and governing class of the population has evaded their proselytism. In general Catholic missionaries only recruit from among the lowest classes, and mainly among those who, for various reasons have been rejected by Annamese society.)

27. (In 1766 at Abbeville, France, a teen-age boy was accused of singing irreligious songs, mocking the Virgin Mary, marring a crucifix, and wearing his hat while a religious procession passed. Criticizing the church was punishable by death. The youth, Chevalier de La Barre, was sentenced to have his tongue cut out, his right hand cut off, and to be burned at the stake. The great writer Voltaire attempted to save him. The case was appealed to Parliament in Paris. The clergy demanded death, warning of the dire spread of doubt. Parliament showed mercy by allowing the youth to be decapitated instead of mutilated and burned alive. He was first tortured to extract a fuller confession, then executed on July 1, 1766. His corpse was burned, along with a copy of Voltaire's Philosophical Dictionary.)

28. (La civilisation, cette lumière, peut être éteinte par deux modes de submersion, deux invasions lui sont dangereuses, l'invasion des soldats et l'invasion des prêtres. L'une menace notre mère, la patrie; l'autre menace nos enfants, l'avenir.)

29. (I did not learn to think. As the years of childhood slipped through a frustrated adolescence (in the seminary) into the days that were supposed to be those of manhood, my mind was molded in an intellectual pattern as effectively as though it had been cast in concrete.

The closest approach to science that I experienced in those 21 years was that a non-laboratory course in elemental physics...Of the world's really great literature, in 12 years I learned practically nothing. Its greatest lights were locked in the prison of the Index of Forbidden Books.

In short, I was not educated. I was merely endoctrinated. I had achieved the level of the rigor mortis of intellectual mediocrity.

I had become an automaton, a priest of sacred, half known rites as meaningless in the efficacy as the chants of a Puerto Rican woodoo priest.

I was an ecclesiastical technician trained to mold other young, pliable minds...)

30. (Because of its political and economic importance and its monopoly of education, the Catholic Church was the arbiter of Latin-American society. It taught the Indian and African slaves to embrace fatalism on the promise of a better hereafter. It planted the seeds of machismo brought from Spain and Portugal. It encouraged a deep strain of cynicism among the upper classes, who learned that they might do anything, including slaughter innocent peasants, as long as they went to Mass, contributed land and money to the Church's aggrandizement, and baptized their children. These were the "good Christians" honored by the Latin-American bishops. Their descendants run the military regimes that today govern two thirds of the area's people. Look behind a dictator, there stands a bishop.)

31. (The effort to stamp out any opposition to the popes and their obsession with maintaining the rule of the Catholic Church has continued down through the ages. In this century, however, it has been more of a rear guard action, with the Church seeking to protect its dwindling authority by making alliances with whoever would serve its interests. The collaboration of the popes with fascist governments in Europe and South America shows the shameful extremes the popes have been willing to go to, to preserve their position.

The Church opposed the Mexican war of independence and excommunicated its leaders. Later the Church fought the establishment of the federal republic system and vigorously protested the inclusion of the principle of religious freedom in the Mexican constitution. ln 1930 the constitutional government was toppled in Argentina and a fascist dictatorship established, complete with martial law. Since the new regime proclaimed its allegiance to Catholicism, it was quickly supported by the Church. In 1936 the pope was eager to ally himself with Spain's fascist dictator Francisco Franco in his effort to squash the Spanish rebellion. As its reward the Catholic Church was established as the state religion. (With the approval of a democratic constitution in 1978 after the dictator's death the Church lost this privilege.) The Franco deal, however, was merely an aside to the role the Church would play in the rise of consolidation of power of Hitler and Mussolini, a role the popes would like us all to forget. Pope Pius XI signed a concordat and the Lateran Treaty with Mussolini in 1929, and called him "the man sent by Providence." Four years later, Papal Nuncio Monsignor Pacelli, who was soon to become Pius XII, urged the Catholic Party to vote for Hitler in the last German election prior to the Nazi takeover.

It made no difference what atrocities a government committed against humankind as long as it was shrewd enough to let the pope retain his titular authority. When Ante Palevich set up the Catholic state of Croatia and slaughtered 600,000 persons, primarily those belonging to the Orthodox Church who opposed his rule, the Catholic Church was mute.)

32. (I assure you that much more telling evidence tying Stepinac to the Nazis. For example:

- By appointment of Pope Pius XII, Stepinac served as honorary chaplain of the Ustache army, which was under Nazi command.

- Stepinac was awarded the Grand Cross and Star, a Ustashe medal he proudly displayed at Nazi rallies.

- Hundreds of Franciscan priests, under Stepinac's juridiction, staffed many of Croatia's concentration camps.)

33. (Spellman was the papal point man to lead America into deeper involvement in Vietnam. According to a Vatican official letter, the pope "turned to Spellman to encourage American commitment to Vietnam."

All US relief to the South was funneled through the Catholic Church's agencies and only Catholics were appointed to government positions by Diem. Although these policies resulted in a wave of conversions, Catholics still made up only about 12 to 13 percent of the South Vietnamese population. Not surprisingly, the resentment among the Buddhist majority soon resulted in their open resistance to Diem's policies. As the situation deteriorated, Diem resorted to mass arrests and suppression of the Buddhists, closing shrines and monateries. As the Church should have known from its own early experience, persecution can only strengthen a cause. As a horrified world watched, the Buddhists resorted to the ultimate act of passive resistance and several monks set themselves ablaze. During these terrible times, when I, too, was a Catholic, I don't recall one word of criticism of Diem's policies from a Catholic priest or bishop. However, it finally became too much for President John Kennedy, who withdrew US support for Diem. Diem was soon executed in a coup. Throughout this dreadful ordeal the role of the Church followed true to the course of its sordid history.)

34. (James Kavanaugh, A Modern Priest Looks At His Outdated Church, p. 6: Our theology, however, has become a scholar's game. It is a code of rules accumulated in the petty wars of religious bitterness. It is a tale of tired truths, which only serve to rob man of personal responsibility and reduce him to the listlessness of a frightened slave. Theology took away man's mind and left him memorized words... This is the theology I learned and transmitted in every confession I heard, every class I taught, every sermon I gave to the guilt-infected flock.)

35. (William Harwood, Mythology's Last Gods: Yahweh and Jesus, p. 16: One by one the various books of the bible were discovered to contain errors of fact; inaccurate guesses; rationalizations; prophecies ex-post-facto, usually combined with prophecies of the future that proved inaccurate; and unmistakable, deliberate lies. Had this discovery been allowed to reach general public, Judeo-Christian mythology would have suffered a blow from which it could not have hoped to recover. Facing elimination, the current Pope appointed his own historians to examine the secular historians' conclusions and find the flaw in their evidence that he believed must be there. The outcome was that the Papal historians confirmed that their bible really was falsifiable fantasy. They presented the Pope with their reports and, when he promptly suppressed them, they all ceased to be Catholics. So the Pope ordered his propaganda machine to invent an alternative methodology to combat that of the historians, a methodology created for the specific purpose of reaching the conclusion that the Judeo-Christian bible is nonfiction, no matter how severely the evidence had to be distorted in order to achieve that objective. That methodology was 'theology'.. Such was the power of the world's theocracies that, despite the publication of thousands of scholarly books and articles refuting every part of the Judeo-Christian bible, to this day the existence of unchallengeable proof that the bible is a work of fiction is unknown to ninety percent of the population of Christian-dominated societies.)

36. (David Voas, The Bad News Bible: The New Testament, Introduction: Theology, once queen of the sciences, now seems merely queen of the cloisters, still gossiping about the same old stories long after the choir boys have grown up and moved on. It's a shame... Granted, theology - the study of God - suffers from the suspicion that it has no subject, or at least none we can study. It is the only field with experts who don't know what they are talking about. Their subject matter being inaccessible, theologians must resort to the odd couple of imagination and authority... Christian thinkers now have the job of showing that scripture makes sense, is consistent, and appears morally defensible. This can be difficult.)

37. (Sans les missionnaires et les chrétiens, écrit Mgr. Puginier, les Francais seraient comme les crabes auxquels on aurait cassé toutes les pattes. La comparaison, pour être triviale, ne manque pas de justesse et de force. En effet, sans les missionnnaires et les chrétiens, les Francais se verraient entourés d'ennemis; ils ne pouraient se fier à personne; ils ne recevraient que de faux renseignements, méchamment donnés pour compromettre leur situation; ils se trouveraient donc réduits à l'impossibilité d'agir et seraient rapidement exposés à des vrais désastres. Leur position ici ne serait plus tenable, et ils ne verraient forcés de quitter un pays où leurs intérêts et leur existence même serait compromis.)

38. (The destruction of all evidence of Christianity's gnostic and pagan source was "the first work." It was the evangelists themselves who started it, in Antioch, as stated in Acts... By order of the Church the books of the Gnostic Basilides were burned, likewise Porphyry's thirty-six volumes. Pope Gregory VII burned the Apollo library filled with ancient lore. Emperor Theodosius had 27,000 schools of the Mysteries paprus rolls burned because they, contained the doctrinal basis of the Gospels.

Nor did the destruction end with the Founders; the fanatics they made carried on the work: the Crusaders burned all the books they could find, including original Hebrew scrolls. ln 1233 the works of Maimonides were burned along with twelve thousand volumes of the Talmud. In 1244 eighteen thousand books of various kind were destroyed. According to Draper, Cardinal Ximenes "delivered to the flames in the square of Granada eighty thousand Arabic manuscripts." On finding similar lore in the New World, the Spanish Christians destroyed it and the temples that contained it.

All evidence of source destroyed, the Christian Fathers coulld now substitute their own absurdities. And to substantiate them they altered words and inserted verses that did not exist in the original texts... On this same subject Massey wrote thus: "..They had almost reduced the first four centuries to silence on all matters of the most vital importance for any proper understanding of the true origins of the Christian superstition. The mythos having been at last published as a human history, everything else was suppressed or forced to support the fraud."

According to their teaching "the blood of Christ washed away the sins of the world," still with us. What it actually washed away was the sanity of the world. In due time its doctrines so bedeviled the Western mind that Agobard of Lyons wrote thus "The wretched world lies now under the tyranny of foolishness; things are believed by Christians of such absurdity as no on ever could aforetime induce the heathen to believe." Should the skeptical reader wish a sample, we offer another tale of Christian martyrdom, this time about the precursor of the curse, lohn of the Gospels. According to the saints, John, when very old, incurred the anger of the Emperor Domitian. To punish him, the latter had this holy man thrown into a caldron of oil and resin. A fire was lit, and when the liquid began to boil the jeering crowd heard a voice singing in the flames - the Christian Shadrach, etc. When the caldron boiled dry, there was John still alive and quite unharmed. Jerome, Eusebius, Tertullian all relate this miracle and practically all hagiographies contain it. And now if these eminent Christians could believe this absurdity, they could believe anything even the Gospels.)

39. (No mere recitation of statistics can convey the immeasurable evil that the Roman Catholic Church dispensed in God's name. From the time that the papacy cemented its power with the state in the fifth century until the Renaissance, the cloak of ignorance and superstition was draped over Europe. The light of freedom was extinguished. It is no longer fashionable to call them the Dark Ages, but indeed they were. The ancient Romans had libraries of 500,000 volumes, there was not a library of over 600 volumes in Christian Europe the period 500 to 1000. Scientific advance, especially in medicine, came to a screeching halt. Human culture regressed to a more brutal level.

Ironically, it was the initiation of the Crusades against the Muslims that shed a ray of intellectual light through the gloom of ignorance and primitive superstitions. Unlike the Christians who sought to destroy all knowledge that contradicted their theology, the Muslims had preserved the wisdom of the ancient Greeks. Moreover, they had made significant advances in Mathematics, philosophy, and science. When the Crusaders returned from the East they brought with their spoils of war the seeds of knowledge which, eventually, gave birth to the Renaissance. Along with the pile of plundered Eastern artifacts and phony relics, the Crusaders also brought back the art and literature of ancient Greece. The writings of the Greek philosophers, which the Church had suppressed centuries before, reappeared. Some of the philosophers such as Plato and Aristotle were accornmodated in Church doctrine. Indeed, the writings of Thomas Aquinas, especially his demonstrations for the existence of God, were basically a rehash of Aristotle. But more importantly in the long run, Greek humanistic philosophy found fertile ground in the minds of those who were painfully aware of the futility of theological speculation and the evil of papal dogmatism. As a result, the very foundation of the Church's intellectual and moral despotism would begin to shake.)

40. (When Christianity came in power it destroyed every statue it could lay its ignorant hands upon. It defaced and obliterated every painting; it destroyed every beautiful building; it burned the manuscripts, both Greek and Latin; it destroyed all the history, all the poetry, all the philosophy it could find, and reduced to ashes every library that it could reach with its torch. And the result was, that the night of the Middle Ages fell upon the human race. But by accident, by chance, by oversight, a few of the manuscripts escaped the fury of religious zeal; and these manuscripts became the seed, the fruit of which is our civilization today.)

41. (John Shelby Spong, Why Christianity Must Change or Die, pp. 98-99: We human beings do not live in sin. We are not born in sin. We do not need to have the stain of our original sin washed away in baptism. We are not fallen creatures who will lose salvation if we are not baptized... A savior who restores us to our prefallen status is therefore pre-Darwinian superstition and post-Darwinian nonsense.)

42. (During the Renaissance, it was presumed that the top clerics had the loveliest women, and whole dioceses had open clerical concubinage. The Roman clergy, under the very noses of the Curia, were the worst of all. None of this is surprising. Offices and livings were bought and sold like any other piece of merchandise. The clergy had no training in self-discipline. They simply wanted a sinecure and an idle life. Many could not read and write; they stood at the altar muttering unintelligible gible drivel because they could not even parrot the Latin. The worst insult to be offered a layman at this time was to call him a priest.)

43. (..to intervene no more in this kind of trial, but promptly, without changing or inspecting the sentences made by the ecclesiastical judges, to execute the sentences which they are enjoined to carry out. And if they neglect or refuse, you (the Papal legate) are to compel them with the Church's censure and other appropriate measures. From this order there is no appeal.)

44. (In the 15th century the following was in force in England: That whosoever reads the scriptures in the mother tongue, shall forfeit land, cattle, life, and goods from their heirs forever, and so be condemned for heretics to God, enemies to the crown, and most arrant traitors to the land.)

45. (B. S. Rajneesh, Priests and Politicians: The Mafia of the Soul, Second revised edition, Cologne, West Germany, p.27: Galileo was a great scientist who, even at the age of eighty, when he was dying, had such a beautiful sense of humor. He said: There is no problem. I will change it; I will write in my book exactly what God has written in the bible - that the sun goes around the earth. But one thing I must make clear to you: neither the sun reads my book nor the earth reads my book. As far as reality is concerned, the earth will continue going around the sun. And why should you insist? Because I have every proof; I have devoted my whole life to the search, and all those who have a scientific mind are in absolute agreement with me. Sooner or later you will have to agree because one cannot remain against truth for long.)

46. (The first proposition, that the sun is the centre and does not revolve about the earth, is foolish, absurd, false in theology, and heretical, because expressely contrary to the Holy Scriptures; and the second proposition, that the earth is not the centre but revolves about the sun, is absurd, false in philosophy, and from a theological point of view at least, opposed to the true faith. ("The Scientific Revolution" Edited by Vern L. Bullough.)) và cấm các giáo sĩ và con chiên đọc sách của Copernicus và Galileo.

47. (In 1209 an army of some thirty thousand knights and foot soldiers from northern Europe descended like a whirlwind on the Languedoc - the mountainous northeastern foothills of the Pyrenees in what is now southern France. In the ensuing war the whole territory was ravaged, crops were destroyed, towns and cities were razed, a whole population was put to the sword. This extermination occurred on so vast, so terrible scale that it may well constitute the first case of "genocide" in modern Europe history. In the town of Béziers alone, for example, at least fifteen thousand men, women, and children were slaughtered wholesale - many of them in the sanctuary of the church itself. When an officer inquired the Pope's representative how he might distinguish heretics from true believers, the reply was, "Kill them all. God will recognize His own.".. The same papal representative, writing to Innocent III in Rome, announced with proud that "neither age nor sex nor status was spared.")

48. ( Now did Christianity have aught to do with the civilization of this people ? Certainly not; and were it not for the cloud of prejudice before his eyes, the Christians would clearly see that it did not produce our civilization. He wvould see that instead of the church having civilized the world, the Rationalistic world has for centuries been slowly civilizing the church. The very nature of Christianity--I mean orthodox Christianity - precludes the possibility of progression as an inherent principle of itself; and whatever progress has been made, either in the church or outside of it, must be attributed to causes over which she has had no control. The church claims to have the truth, the whole truth, and nothing but the truth. Every proposed change, every new discovery, is to her a perversion of truth, and, hence, she opposes it. Were the church to sweep to universal empire, all progress would at once cease. Our Huxleys and Haeckels would be summarily disposed of, the torch of Reason would be extinguished, and the ignis-fatuus of Faith would become our only guide. Of the truth of this she has herself given conclusive evidence. For centuries her power in Europe was supreme, and even Christian writers denommate these centuries the Dark Ages.

Not until Rationalism was born, not until science commenced her career, and Christianity began to decay, did our modern civilization dawn. "For more than three centuries, " says Lecky, "the decadence of theological influence has been one of the most invariable signs and measures of our progress." Says Carlyle, "Just in the ratio that knowledge increases, faith diminishes." "The Middle Ages were more religious than ours," says Strauss, "in proportion to their ignorance and barbarism. Religion and civilization accordingly occupy, not an equal, but an inverted position regarding each other, so that with the progress of civilization, religion retreats.")

49. Anyone dominated by religious thought is under the influence of a reason-perverting power. Such were Christianity's Confounding Fathers. Today we honor these misbegotten for their courage without realizing the crime they committed--the complete destruction of ancient science and philosophy. This resulted in fifteen hundred years of darkness, in which the Christian people did not even know the earth is round.

In the Dark Ages the 'blackout" was complete--a curious effect for "the light of the world."

Now let us compare Greek scientists with Christian saints. Against some scientists still surviving one had this to say: " this fool wishes to reverse the entire system of astronomy; but sacred scripture tells us that Joshua commanded the sun to stand still and not the earth"--and some thirteen hundred years later a pope issued a bull to the same effect. Another famous argument was that "in the day of judgment men on the other side of a globe could not see the Lord descending through the air." Concerning the earth's motion, St. Augustine had this to say: "It is impossible there should be inhabitants on the opposite side of the earth, since no such race is recorded by Scripture among the descendants of Adam." And Father Inchofer: "The opinion of the earth's motion is of all heresies the most abominable, the most pernicious, the most scandalous; the immobility of the earth is thrice sacred." And Lactantius concluded, "It is impossible that men can be so absurd as to believe that the crops and trees on the other side of the earth hang downward and that men have their feet higher than their heads." How peculiarly applicable are these words to those who uttered them. We know now these men were wrong scientifically, but we still do not know they were wrong theologically.

50. Roman Catholicism dies hard. What does that prove? It proves that the people are ignorant and that the priests are cunning.

Trần Chung Ngọc

8/2010