●   Bản rời    

VATICAN:CH22- Lần Thứ Hai Vận Động Pháp Chiếm Việt Nam (Nguyễn Mạnh Quang)

GIÁO HỘI LA MÃ:

LỊCH SỬ VÀ HỒ SƠ TỘI ÁC

- Nguyễn Mạnh Quang -

http://sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH22.php

9 Feb, 2008

 

CHƯƠNG 22


LẦN THỨ HAI GIÁO HỘI LA MÃ VẬN ĐỘNG PHÁP
XUẤT QUÂN ĐÁNH CHIẾM VIỆT NAM


 

Pigneau de Behaine

Dù là lần vận động thứ nhất không được chính quyền Pháp hưởng ứng xuất quân đánh chiếm Việt Nam, Tòa Thánh Vatican vẫn ra lệnh cho màng lưới gián điệp bám chặt lấy Việt  Nam theo dõi tình hình, rình cơ hội thuận tiện nhất để nhẩy vào khai thác. Cho mãi hơn một thế kỷ sau, đầu thập niên 1780, Việt Nam đang ở trong tình trạng hỗn loạn gây ra bởi cuộc nội chiến giữa ba phe là họ Trịnh ở miền Bắc, họ Nguyễn ở miền Nam và nhà Tây Sơn ở Quy Nhơn dưới quyền lãnh đạo của  anh em ông Nguyễn Nhạc. Nhà Tây Sơn được toàn dân ủng hộ. Nhân cơ hội này, Giáo Hội mới cho bọn gián điệp nhẩy vào khai thác tình hình. Lợi dụng vào đúng lúc đàn voi Xiêm La  do Nguyễn Ánh  rước về  giầy mả tổ Việt Nam bị quân Tây Sơn đánh cho tan tành không còn một manh giáp ở Rạch Gầm và Xoài Mút (gần Mỹ Tho) vào năm Xuân năm 1784, Giám-muc Pigneau de Béhaine (Bá Đa lộc) liền chụp lấy cơ hội này, nhẩy vào  dụ khị được Nguyễn Ánh trao cho đứa con đầu lòng là Hoàng Tử Cảnh mới 4 tuổi, dẫn sang Pháp làm con tin để làm cái cớ xưng là đại diện cho Nguyễn Ánh thương thuyết với triều đình Vua Louis  XVI (1754-1793) xin viện trợ quân sự và xuất quân (nói là) giúp Nguyễn Ánh. Ai cũng biết việc Giám-mục Pigneau de Béhaine dẫn Hỏang Tử Cảnh đến Paris thuyết phục chính quyền Pháp viện trợ quân sự cho Nguyễn Ánh chỉ là thủ đoạn theo đuổi cái mưu đồ bất chính của Giáo Hội mà cách đó hơn một thế kỷ trước Giáo Hội  đã làm nhưng thất bại. Ý đồ của Giáo Hội trong việc thuyết phục Pháp hợp tác với Giáo Hội để đánh chiếm và thống trị Việt Nam giống y như việc Giáo Hội cấu kết với Đế Quốc Tây Ban Nha trong việc đánh chiếm và thống trị các dân tộc ở Mỹ Châu La Tinh và ở Phi Luật Tân trong thế kỷ 16.

 

CUỘC THƯƠNG THUYẾT GIỮA GIÁM MỤC BÁ ĐA LỘC VÀ CHÍNH QUYỀN PHÁP

http://www.crc-internet.org/HIR2006/Jan41_3.htmĐây là một cuộc thương thuyết vô cùng hi hữu và hết sức khôi hài chưa từng có trong lịch sử nhân loại và chỉ có Vatican mới có thể đạo diễn cái trò hề quái đản này được. Hi hữu và khôi hài ở chỗ  môt tên cán bộ tay sai của Vatican là Giám-mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc)  dẫn theo một thằng bé Việt Nam (Hoàng Tử Cảnh) mới 4 tuổi bảo rằng đại diện cho một phe đang nổi loạn ở Việt Nam đi thương thuyết với môt đám cán bộ khác cũng là  tay sai của  Vatican là triều đình Vua Louis XVI  nhân danh đại diện cho một phe khác (là nước Pháp), rồi đưa ra một thỏa hiệp viện trợ quân sự cho phe nổi loạn để đánh đổ một chính quyền chính thống của dân tộc Việt Nam, một chính quyền đã từng  đưổi Xiêm,  thống nhất đất nước và đánh tan gần 300 ngàn quân Thanh xâm lăng ra khỏi đất nước. Độc đáo hơn nữa là ông Giám-mục cầm đầu phái đoàn Việt Nam này không những là một cán bộ cao cấp đóng vai trò thuyết khách của  Vatican, mà còn có những thành tích về những hoạt động chống lại tổ quốc Việt Nam. Về những việc họat động chống lại tổ quốc Việt Nam của Giám-mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc), Giáo Sư Lê Văn ghi  nhận như sau:

"Truyền giáo và xâm lược hay vai trò và trách nhiệm của các nhà truyền giáo Pháp trong cuộc xâm lược được vũ trang của thực dân  ở Việt Nam. Có thể nói các giáo sĩ làm nhiệm vụ truyền đạo không thể tách rời khỏi đất nước họ. Chúng ta đã thấy vai trò của  Alexandre de Rhodes trong việc thành lập Hội Truyền Giáo Ngọai Quốc Paris, tạo điều kiện cho việc tuyền mộ những giáo sĩ người Pháp đi truyền đạo ở Phương Đông không qua  sự kiểm soát của người Bồ. Nhưng người đầu tiên có tư tưởng nhất quán và có những họat động kiên trì để đề ra việc xâm chiếm Nam Kỳ và nước ta có lẽ là Giám-mục  Adran (tức là Pigneau de Béhaine - NMQ). Trong tờ trình của ông đề ngày 5/5/1787 gửi về cho nhà vua Pháp để vạch con đường phát triển của nước Pháp ở Đông Phương. Ông đã viết:

"Một căn cứ Pháp ở Nam Kỳ chắc chắn sẽ tạo ra phương tiện để đối lập ảnh hưởng lớn lao của nước Anh... với những tài nguyên chắc chắn hơn và những viện trợ đỡ xa hơn là trông chờ ở Âu Châu để có thể khống chế trên tất cả những biển Trung Quốc, những quần đảo, cuối cùng là để làm chủ tất cả thương mại ở phần đất này ở trên thế giới ."

Tất nhiên cách nhìn của vị giám mục này và những lý lẽ để tiên hành một cuộc xâm chiếm Nam Kỳ không khác gì bao nhiêu với những đề nghị đã thảo ra từ năm 1774 đến 1778 của những thương nhân và giáo sĩ trước đây đã từng đến Nam Kỳ. Nhưng cũng chính vị giám mục này còn có thời kỳ làm nhiệm vị chỉ huy, mộ binh lính, tham gia các trận đánh. Nhưng lịch sử lại không chiều người, hiệp ước mà vị giám mục đã  gia công nghiên cứu, theo đuổi và thành hình ngày 20 tháng 11 năm 1787 đặt cơ sở cho sự xâm nhập của Pháp vào Việt Nam trong thực tế sớm bị yểu vong. Nhưng dù sao hiệp ước đó cũng vẫn là cơ sở để thực dân Pháp xem như là một mục tiêu cần phải hướng tới." [i] 

Nhà Viết sử Pham Văn Sơn viết về những họat động chống lại tổ quốc Việt Nam của  Tòa Thánh Vatican qua nhân vật  Pigneau de Béhaine ( Bá Đa Lộc) này như sau:

"Giám-mục Bá Đa Lộc tới cửa biển Lorient đầu tháng giêng năm 1787 và đã viết thư cho Bộ Trưởng Hải Quân. Xin nhắc rằng  Giám-mục đã luôn luôn gửi thư cho bộ này từ hai năm trước đề nghị việc cứu trợ chúa Nguyễn. Bộ Trưởng này trách giám mục đã mang thế tử Cảnh  và sứ bộ qua Pháp trước khi được ý kiến của nhà vua, nhưng việc đã lỡ thì  cứ lên Ba Lê vậy. Người ta báo cho Chủng Viện Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc lo chỗ ăn ở cho Cảnh.

Cuộc vận động của Giám mục bấy giờ làm náo động nhiều sa-lông chính trị ở kinh thành này hơn là ở các cơ quan của chính quyền. Người ta đã tỏ ra có cảm tình, nói là thương hại thì phải hơn, đối với ông hoàng nhỏ xíu đã sớm bị cái cảnh quốc phá gia vong. Rồi người ta mở tiệc tùng linh đình để đón tiếp Cảnh và làm cả thơ để tỏ cảm tình. Xin nhắc rằng chính giới Pháp lúc đó có nhiều nhân vật lãng mạn gồm nhiều bà, nhiều cô và đủ mặt văn sĩ.

Trong giai đoạn này, Giám-mục tấn công ráo riết chính quyền Pháp, viết nhiều tờ trình về hiện trạng nước Nam cho các chức quyền đang có ảnh hưởng lớn ở các cơ quan. Một số tỏ ra có thiện cảm với lời kêu gọi khẩn thiết của Giám-mục như Loméunie de Brienne, Tổng Giám Mục thành Toulouse, tu sĩ De Vermond, Tổng Giám Mục Narbonne, Arthur Richard Dillon là những tay có thế lực bấy giờ giữa triều đình vua Louis XVI. Giám-mục (Bá Đa Lộc) được nhà vua cho vào bệ kiến và được gặp cả Montmorin, Bộ Trưởng  Ngoại Giao, De Castries, Bộ Trưởng Bộ Hải Quân. Việc này đã diễn ra vào tháng 5/1787.

Giám-mục (Bá Đa Lộc) đã dùng những luận điệu thế nào để đạo đạt tình ý của mình? Theo các tài liệu còn nằm tại văn khố của nước Pháp thì Giám-mục đã đưa ra nhiều ý kiến không khác mấy nếu so với các văn kiện gửi về Pháp đình trước đây của (các linh mục và giám mục - NMQ)  Poivre, Saint Phalle., Protais, Leroux, De Rothé và Chevalier. Tóm lại, hồ sơ và dự án thiết lập căn cứ ở Nam Hà bấy giờ rất là đầy đủ và các nhà thực dân trước sau vẫn đồng tình coi nước Việt Nam là miếng mồi ngon, một cứ điểm tốt đẹp cho chính sách thuộc địa về mọi phương diện, nhất là lúc này Pháp đã bị thua thiệt với Anh ở Ấn Độ...

Căn cứ  này ở Nam Hà thì có lợi hại như thế nào?

"..... Tất nhiên là Giám-mục (Bá Đa Lộc) đã đoan chắc là thế nào cũng thành công đễ dàng . Pháp sẽ thâu được nhiều quyền lợi, những các lý lẽ này đối với Pháp Hoàng Louis XVI và các Bộ Trường của Ngài chỉ có vẻ đúng về bề ngoài, mặc dầu Giám-mục (Bá Đa Lộc) rất khéo léo và kiên nhẫn trong việc thuyết phục. Tóm lại, Pháp đình bấy giờ ở vào một trạng thái không thuận lợi lắm đối với đề nghị của Giám-mục (Bá Đa Lộc) , nhưng rồi người ta cũng đi đến chỗ giải kết vấn đề là ký kết với Giám-mục một bản thỏa hiệp do nơi Bộ Thuộc Địa tại điện Versailles."[ii] 

 

THỎA HIỆP VERSAILLES KHÔNG ĐƯỢC THI HÀNH VÌ CÁCH MẠNG 1789 BÙNG NỔ

Thỏa Hiệp vừa ký xong vào ngày 21/11/1787, thì sang đầu năm 1788, nước Pháp rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chánh do những bất công xã hội gây ra. Về bất công xã hội của nước Pháp vào lúc bấy giờ, sách Living World History viết:

"Bất bình đẳng sinh ra bất mãn.- Nguyên nhân của những khó khăn của nước Pháp là do cơ cấu xã hội được phân định theo một hệ thống giai cấp mang nặng tính cách phong kiến rất là bất công và chẳng thực tế một chút nào cả. Mọi người dân đều thuộc về một trong 3 giai cấp: Thứ nhất là tu sĩ Da-tô (clergy), thứ nhì là quý tộc (nobility) và thứ ba là "thư dân". Thứ dân gốm tất cả những thành phần không thuộc hai giai cấp trên. Trong xã hội gọi là Chế Độ Cũ này (trước ngày 14/7/1789), việc CÓ hay KHÔNG CÓ  quyền lợi  và đặc quyền của mỗi người dân là tùy thuộc vào  cái "lý lịch" của người đó được hay bị xếp loại vào loại giai cấp nào. Vào thế kỷ thứ 18, nhân dân Pháp vô cùng bất mãn với lối phân chia giai cấp nặng tính cách phong kiến như vậy.

Trong số 24 triệu dân (vào lúc đó) có vào khoảng  130 ngàn hay 1/2 phần trăm dân số là tu sĩ Da-tô. Tuy là một nhóm tương đối nhỏ nhưng lại là những thành phần địa chủ lớn nhất, chiếm giữ tới 10 phần trăm ruộng đất của nước Pháp. Giai cấp thứ hai là giai cấp quý tộc, có vào khoảng 200 ngàn người. Vào thế kỷ thứ 18, giai cấp này độc quyền chiếm giữ các chức vụ ngon lành trong chính quyền và trong quân đội.

Giai cấp "thứ dân": Giai cấp này chia ra làm ba nhóm. Nhóm thượng tầng (cao nhất) gồm những người thuộc giới trưởng giả như luật sư, bác sĩ, thương gia và các nhà kinh doanh. Nhóm này mạnh mẽ chống lại việc giai cấp quý tộc nắm độc quyền những chức vụ ngon lành trong chính quyền cũng như trong quân đội, và chống lại cả tham vọng chính trị của giai cấp này. Nhóm này coi họ như là thành phần nòng cốt quan trọng nhất của đất nước. Thật là vô lý, một lớp người hợm hĩnh và vô dụng như giai cấp quý tộc lại được biệt đãi cho nắm giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan của chính quyền. Là thành phần có nghị lực, có khả năng, có sáng kiến, có tiền bạc, có tham vọng và  lại chiếm một tỷ lệ dân số lớn hơn hai giai cấp tu sĩ và quý tộc, họ cảm thấy họ xứng đáng được nắm giữ những vai trò quan trọng trong các công việc của chính quyền.

Kế đến là nhóm công nhân ở thành thị. Nhóm này  gồm những thành phần thủ công nghiệp, lao công và những người làm đầy tớ. Trong thế kỷ 18, mức sống của họ càng ngày càng  trở nên tồi tệ vì giá sinh họat tăng lên theo tốc độ "phi mã" gấp ba lần so với đồng lương  của họ đuợc cho tăng theo nhịp độ "rùa bò". Nhiều người trong nhóm này  sống trong cảnh gần như chết đói. Vì thế mà nhóm này đã trở thành nguồn nhân lực cung ứng cho các cuộc bạo động của quần chúng.

Nhóm thứ ba là đại khối nông dân chiếm tới hơn 80% trên tổng số 24 triệu dân Pháp lúc bấy giờ. Tuy nhiên, họ chỉ chiếm giữ được có 40% đất đai và dù rằng kiếp đời nông nô không còn nữa, nhưng với hàng trăm thứ sưu cao thuế  nặng  đổ lên đầu họ và không biết bao nhiêu nghĩa vụ phải đóng góp cho giai cấp quý tộc. Những thứ thuế nhập nội (từ địa phưong này đến địa phương khác" đã lỗi thời và những đặc quyền (dành cho hai giai cấp tu sĩ và quý tộc) đã làm cho nông dân vô cùng bất mãn và uất hận."

 Nguyên văn: "Inequality bred discontent. The root of the difficulty lay in the fact  that French society was still legally organized along feudal lines, with unequal and unrealistic class divisions. Every person belonged to one of the three classes, or "estates." The First Estate consisted of the clergy, The Second was made of the nobility, and the Third Estate included everyone else. Within this society, called Old Regime, a person status, civil rights, and privileges were determined by the estate to which he belonged. By the 18th century, people had become discontented with the old feudal arrangement of society.

Out of total populatuon of 24 million. the clergy numbered about 130 thousand or about one half of 1 per cent. Yet this relatively small group was the largest single holder, owning 10 per cent of the land. The nobility, or Second Estate, had around 200 thousand members. By the late 18th century, the Second Estate monopolized all the best positons in the government and army.

The Third Estate was itself divided into three groups. The upper level consisted of the bourgeoisie - lawyers, doctors, merchants, and businessmen. They strongly resented the privileged position and political ambitions of the nobility. They considered themselves the backbone of the country and saw no reason why the useless and arrogant nobles should enjoy favored treatment and receive the best government offices. As men of energy, ideas, and ambition, growing in wealth and numbers, they felt they deserved a larger role in the affairs of state.

Below the bourgeoisie in the Third Estate was a small group of the city wageearners, consisting of skilled artisans, servants, and laborers. Their standard of living declined steadily  in the 18th century as price rose three times faster than wages. Some of the city dwellers lived close to starvation and were a dangerous source of mob violence.

Over 80 per cent of the French people  was made up peasants, the largest element of the Third Estate. However, while they owned 40 per cent of the land and serfdom had largely disappeared, most of them were still burdened by certain dues and obligations imposed on them by the nobility. The existence  of outworn customs and privileges particularly irritated the peasants…”[iii]

Bất công xã hội có nghĩa là trong xã hội có một nhóm thiểu số người được hưởng những đặc quyền đặc lợi, nắm độc quyền về chính trị, nắm độc quyền về kinh tế và các phương tiện sản xuất, làm mưa làm gió, tác oai tác quái, ăn uống phủ phê, ăn chơi phè phỡn, trong khi đó thì đại khối nhân dân bị áp bức, bị khống chế, bị khinh rẻ và bị bóc lột đến tận xương tận tủy. Tình trạng này làm cho đại khối nhân dân bị trị lâm vào cảnh đói khổ lầm than rồi sinh ra bất mãn và thù ghét chính quyền. Theo quy luật "hậu quả dây chuyền" mà người Việt Nam thường nói là "cái xẩy nẩy cái ung", việc nhân dân thù ghét chính quyền thường thường là đưa đến cuộc khủng hoảng về chính trị, rồi từ đó dẫn đến những cuộc nổi lọan chống lại và lật đổ chính quyền. Cách Mạng Pháp bùng nổ vào mùa hè năm 1789 cũng theo quy luật này. Sự kiện này được sách Cách Mạng Và Hành Động ghi nhận như sau:

"Từ nhiều năm trước, ngân khố nhà vua luôn luôn trống rỗng, số thu mỗi năm thường kém số chi hơn 100 triệu đồng bảng. Nhà vua đã thay đổi nhiều lần bộ trưởng tài chánh, nhưng vẫn không tìm được giải pháp. Muốn đặt thêm thuế má nhà vua thường vấp phải sự phản kháng của quý tộc, tu sĩ, tư sản, nhất là vấp phải sự phản kháng của Pháp Đình thành Ba Lê. Cực chẳng đã, Louis XVI đành phải quyết định triệu tập Quốc Dân Đại Biểu (États Généraux). Nhà vua cũng tưởng rằng việc triệu tập sẽ chỉ nhằm thay đổi thuế khóa, đâu có ngờ rằng nó sẽ mở màn cho cách mạng làm sụp đổ ngai vàng Pháp quốc!!"[iv]

"Hoài vọng của các đoàn dân biểu lúc đó chỉ là muốn đạt tới sự ban hành một bản hiến pháp để giới hạn, giảm bớt uy quyền nhà vua cùng những quyền lợi quá đáng của hai cấp giai quý tộc và tu sĩ. .. Nhưng một khi đã mở màn, cuộc xung đột càng ngày càng trở nên gay go hơn. Đứng trước thái độ ngoan cố của những đẳng cấp được ưu đãi và trước thái độ nhu nhược của nhà vua, các tầng lớp dân chúng càng ngày  càng đi tới những biện pháp quyết liệt hoặc quá khích, để kết thúc  bằng thời kỳ khủng bố kinh hồn trong năm 1793."[v] 

"Về các tầng lớp xã hội, chúng ta biết rằng nước Pháp, vào thời Trung Cổ, vốn là một nước phong kiến, sau được thống nhất dưới quyền một nhà vua trung ương. Bị suy vi bởi những cuộc chiến tranh liên tiếp, cũng như bị nghèo nàn bởi một cuộc sống tiêu xài huy hoắc, các nhà qúy tộc đã dần dần phải giải phóng những dân cày nô lệ, buộc họ phải chuộc tự do bằng một món tiền. Những nô lệ được giải phóng dần dần tụ tập tại những nơi thị trấn để khuếch trương các công việc buôn bán và kinh doanh. Những thế kỷ 16, 17 và 18, với sự khám phá châu Mỹ cùng các vùng đất đai xa xăm ở cõi Á Châu, đã chứng kiến một Âu Châu phồn thịnh khác thường về kỹ thuật hàng hải, về buôn bán và kinh doanh. Do đó, những lớp người đô thị đã trở thành giầu có lớn. Có tiền, họ bắt đầu cho con cái ăn học, nên tầng lớp tư sản đô thị là tầng lớp có học thức và (có nhiều) tiền bạc hơn hết. Họ dần dần  trở thành những chủ nợ của quý tộc và của cả nhà vua. Tới thế kỷ 18, nhiều sử gia đã làm con toán và thấy rằng mỗi năm, nhà vua phải trả cho các chủ nợ tư sản một số tiền lời bằng một phần mười (1/10) số huê lợi các ruộng đất trong nước. Cho nên trong thời tiền Cách mạng, nếu hai giai cấp quý tộc và tu sĩ thường nắm được chủ quyền trong nước về mặt luật pháp, thì tầng lớp tư sản  đô thị lại nắm được chủ quyền về tài chánh và kinh tế. Tuy nhiên, mặc dầu có tiền nong, tầng lớp tư sản vẫn bị đè nén bởi hai giai cấp quý tộc và tu sĩ. Có nhiều chức vụ trong xã hội mà lớp tư sản không có quyền được tham dự hoặc đảm nhiệm, tỷ như các chức vụ tại các pháp đình. Trong quân đội cũng vậy, người dân thường không bao giờ được đóng (làm hay thăng lên chức vụ) sĩ quan hết. Ngoài ra, mặc dầu nắm giữ mậu dịch và kinh doanh, sự tự do buôn bán và hành nghề của các tầng lớp tư sản vẫn luôn luôn bị  lớp quý tộc làm ngáng trở. Do đó, đã xẩy ra những mâu thuẫn giữa  (một bên là ) tư sản đô thị và (một bên là) những tầng lớp quý tộc và tu sĩ.

Ngay cho đến những tầng lớp được ưu đãi, trong mỗi tầng lớp, không phải là không tiềm ẩn những mâu thuẫn. Tỷ như trong tầng lớp tu sĩ, không phải bất cứ người nào khoác áo nhà tu nào cũng đều có thể sống cuộc đời vương giả. Thực ra, trong toàn cõi nước Pháp, chỉ có chừng mấy chục vị giám mục hoặc Hồng Y giáo chủ là có thể sống một cuộc đời xa hoa mà thôi. Tại địa phận Strasbourg, Hồng Y De Rohan mỗi năm thu tới số huê lợi chừng 400 ngàn đồng bảng, tức là một món tiền rất lớn vào thời đó. Nhưng ở dưới những giám mục cùng hồng y, có hàng ngàn các vị linh mục tại các làng xã . Những vị này thường sống nghèo khổ không hơn bọn nông phu là mấy, và họ quả thật là thứ vô sản của Giáo Hội. Họ đã chất chứa trong tâm khảm những căm hờn bất mãn! Năm 1789, vị linh-mục coi địa phận Marolles đã viết: "Chúng ta, bọn tu sĩ nghèo nàn sống giữa bọn con chiên đói rách, số phận chúng ta thực không hơn gì những hòn đá dùng để xây cất những căn nhà thờ cũ nát của chúng ta. Đã thế, chúng ta còn chịu sự áp bức của các bề trên nữa! Đã có lần, một kẻ trong chúng ta chỉ chặt một khúc cây trong rừng làm chiếc gậy chống đi đường, mà kẻ đó cũng bị các đấng bề trên lôi ra trước tòa án để xét xử!"... Thảm hại hơn nữa là nhiều khi, trong lúc đi đường, chợt gặp một chiếc xe song mã hay tứ mã của một vị giám mục hay hồng y nào đó, nhà linh mục chỉ còn đủ thì giờ cúi gập người chào rồi nhẩy tót vào bụi rậm để tránh những vết bùn văng tung tóe bởi bánh xe... Do những căm hờn bất mãn đó, nên về sau, khi xẩy ra cách mạng, ta sẽ thấy phái linh-mục nghèo nàn dần dần tách ra khỏi khối các vị giám mục và hồng y để để đứng sát cánh với thứ dân đòi thay đổi chế độ cũ."[vi] 

tình hình nước Pháp vừa kiệt quệ, vừa hỗn loạn, vừa xảy ra cách mạng, chế độ quân chủ chuyên chế của vua Louis 16 bị đạp đồ, tân chính quyền Cách Mạng  phải  bận tâm dành hết thời giờ để ổn định tình thế và đương đầu với Liên Minh Thánh  gồm các nước Áo,  Phổ, Anh do Giáo Hội La Mã và giáo dân (Ki-tô La Mã) vận động  đem quân tràn vào lãnh thổ Pháp để phục hồi vương quyền của vua Louis XVI và phục hồi những đặc  quyền đặc lợi của Giáo Hội La Mã tại Pháp, cho nên Thỏa Hiệp Versailles bị bỏ xó, không đuợc thi hành.

 

NHẬN XÉT

Nhìn vào các thành phần thương thuyết của hai bên khai sinh ra Thỏa Hiệp Versailles này, chúng ta thấy bên nào cũng có bàn tay của Giáo Hội trong đó:

1.-  Đi vào cửa trước  là phái đoàn Việt Nam gồm có Giám Mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc),  một vịên chức cao cấp của Giáo Hội (có hai quốc tịch Vatican  và Pháp Vatican) dẫn theo thằng bé 4 tuổi, tín đồ của Giáo Hội (có hai quốc tịch  Vatican và Việt Nam).

2.- Từ hậu trường (cửa sau)  đi ra, bước vào bàn hội nghị để tiếp phái đoàn trên đây là những viên chức cao cấp của chính quyền đạo phiệt Da-tô Louis XVI (1754-1793)  (có hai quốc tịch Vatican và Pháp).

3.- Nhìn trước nhìn sau, nhìn phải nhìn trái, chỉ thấy những tín đồ ngoan đạo tay sai của  Giáo Hội gốc Pháp bàn luận với nhau  rồi đưa ra cái gọi là Hiệp Ước Vesrailles, chuẩn bị đưa dân tộc Viêt Nam vào cái "tròng  Da-tô" để cho Tòa Thánh Vatican siết cổ bằng những điều khoản được ghi rõ trong cái sản phẳm quái thai này. Với thực trạng này, ta có thể nói Giáo Hội La Mã quả thực là một tổ chức "đưa người cửa trước, rước người cửa sau".

Nói cho rõ hơn,  Hiệp Ước Versailles là sản phẩm của Giáo Hội La Mã. Hiệp ước này được nặn ra để hợp lý hóa việc dâng nước Việt Nam cho chính quyền đạo phiệt Da-tô Louis XVI, tay sai của Giáo Hội lúc bấy giờ. Ta có thể nói, không có Giáo Hội La Mã thì không có Hiệp Ước Versailles.  vì rằng, như đã nói nhiều lần, Giáo Hội La Mã mới là thế lực chủ động đánh chiếm và thống trị Việt Nam và nước Pháp chỉ là quốc gia bị Giáo Hội La Mã thuyết phục  xuất quân và đài thọ chiến phí. Vì tình hình nội bộ, nước Pháp phải bỏ cuộc, chứ Giáo Hội La Mã không bỏ cuộc. Giáo Hội vẫn bám lấy chủ trương đánh chiếm và thống trị Việt Nam cho đến cùng. Cũng vì thế, khi mà Pháp rơi vào tình trạng  "ốc không mang nổi mình ốc", thi Giáo Hội La Mã lại xoay sở bằng cách khác, và cuối cùng, qua bọn giáo sĩ tay sai, Giáo Hội cũng đã tuyển mộ được một đạo quân thập ác và một số vũ khí  đem sang  Việt Nam giúp cho Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn. Ta có thể ví đạo quân thập ác của Giáo Hội gửi sang Việt Nam giúp Nguyễn Ánh là một đạo Thập Tự Quân giống như những đạo Quân Thập Tự tiến sang vùng Palestine và tiến vào miền Nam nước Pháp trong thời kỳ 1095-1291.

 

CẦN PHẢI NÓI CHO RÕ

Có nhiều người mà hầu hết là những tín đồ Da-tô người Việt, trong đó phần lớn là các bọn văn sử nô Da-tô cãi cuội, cho rằng các hoạt động cho quyền lợi Pháp của các ông giáo sĩ  là do ý kiến riêng cá nhân của họ, chứ không phải do lệnh của Giáo Hội La Mã hay của Vatican, và cũng không phải hoạt động cho Vatican. Trong số  những giáo sĩ  gián điệp này, phải kể đến Alexandre de Rhodes, Giám-mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc). Linh-mục Joseph Marchand (Cố Du), Linh-mục Huc, Linh-mục Le Grand de La Liraye, Giám-mục Pellerin, Giám-mục Diaz (người Tây Ban Nha), Giám-mục Percadee, Giám-mục Taber, Giám-mục Retord, Giám-mục Xuân (Hémarez), Giám-mục Puginier, Giám-mục Gauthier (Ngô Gia Hậu), Giám-mục Lefèbre, Giám-mục Colonier, Giám-mục Cézon, Giám-mục Duginier, Giám-mục Miche, Linh-muc Lebois, Linh-mục Gaentra (người Tây Ban Nha), Linh-mục Materon, Linh-mục Charbonnier, Đức Ông Herrengt, Giám-mục Sohier, Linh-muc Perrot, Linh-mục Wibeaux, Linh-mục Aussoleil, Linh-mục Frichot, , Linh-mục Dumoulin, Linh-mục Geofferoy, v.v…

Xin thưa rằng, đây là lối cãi cuội để chạy tội cho Vatican.  Khi đưa ra lập luận láo khoét như vậy, những người này đã:

1.- Cố tính quên rằng “tất cả các tu sĩ Da-tô được Giáo Hội đào luyện là để phục vụ theo nhu cầu của Giáo Hội, và họ không có một chọn lựa nào khác.” Sự kiện này được Linh-mục Trịnh Văn Phát đã thẳng thắn tuyên bố công khai cho mọi người biết với nguyên văn như sau: 

“Trong suốt thời gian ở Việt Nam tôi đã suy nghĩ và tự hỏi mình phải làm gì cho quê hương và Giáo Hội. Giúp quê hương không phải là bổn phận trực tiếp của tôi, nhưng tôi có bổn phận với giáo hội vì tôi là người của giáo  hội và được đào tạo để sau này phục vụ cho giáo hội. Có nhiều anh em yêu  cầu tôi về giúp cho địa phận, tôi thẳng thắn trả lời tôi không có tự do chọn lựa, tôi được huấn luyện để phục vụ theo nhu cầu của giáo hội.”[vii]

2.- Không biết gì hay cố tình làm như không biết đến những sắc chỉ hay thánh lệnh  ăn cướp trong thế kỷ 15 mà chúng tôi đã trình bày đầy đủ trong Mục VII ở trên. Một trong những sắc chỉ hay thánh lệnh này là Sắc Chỉ Romanus Pontifex được ban hành vào ngày 8/1/1454 trong thời Giáo Hoàng Nicholas V (1447-1454). Nội dung của cái sắc chỉ ăn cướp này đã được Linh-mục Trần Tam Tỉnh ghi lại rõ rảng nơi các trang 14-15 trong tác phẩm Thập Giá và Lưỡi Gươm (Paris: Sudestasỉe, 1978) của ông. Xin hi lại đây một lần nữa để độc giả dễ dàng nhìn thấy rõ vấn đề này:

 "...., quyền lợi của Bồ Đào Nha đã được phân định rõ ràng trong sắc chỉ "Romanus Pontifex" do Đức (Giáo Hoàng) Nicholas V (1447-1455) ra ngày 8 tháng Giêng năm 1454. Theo quyền lực Chúa ban và quyền lực của Tòa Thánh,  Đức Giáo Hoàng ban cho triều đình Lisbon (Bồ Đào Nha) "toàn quyền tự do xâm lăng, chinh phục, chiến đấu, đánh giặc và khuất phục tất cả các quân Sarrasins (tức người Ả Rập), các dân ngoại đạo và các kẻ thù khác của Giáo Hội, gặp bất cứ nơi nào: được toàn quyền chiếm cứ tất cả các vương quốc, lãnh địa, vương hầu, đất đô hộ và tài sản của chúng; toàn quyền chiếm đoạt tất cả của nổi và của chìm của chúng và bắt tất cả chúng nó làm nô lệ vĩnh viễn".

Khi ban quyền cho người Bồ Đào Nha được chiếm mọi thứ lợi lộc kể trên, Giáo Hoàng đồng thời cũng  muốn mở mang nước Chúa sang các miền xa xôi. Và để nhà vua Bồ Đào Nha yên tâm hơn, Giáo Hoàng ra lệnh cấm không một ai khác được phép đặt chân tới các vùng đất ấy nếu không có phép của nhà vua, dành cho nhà vua độc quyền buôn bán và ra vạ tuyệt thông tức khắc cho bất kỳ ai dám hành động ngược lại."[viii]



CHÚ THÍCH

 

[i] Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Một Số Vấn Đề Lịch Sử Đạo Thiên Chúa Trong Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam (Thành Phố Hồ Chí Minh: Ban Tôn Giáo, 1988), tr 93-95.

[ii] Phạm Văn Sơn. Việt Sử Tân Biên - Tập 4, (Saigon, 1961), tr.  171-173.

[iii] Arnold Schrier & T. Walter Wallbank, Living World History (Glenview, Illinois: Scott, Foresman and Company, 1974), pp.  404-405.

[iv] Nghiêm Xuân Hồng, Cách Mạng Và Hành Động (Saigon: Quan Điểm, 1964), tr 26-27.

[v] Nghiêm Xuân Hồng, Sđd., tr 12-13.

[vi] Nghiêm Xuân Hồng,  Sđd., tr  14-16.

[vii] Trịnh Văn Phát. “Cảm Nghĩ Một Chuyến Đi.”  Liên Lạc Số 2- (Nhóm Úc Châu thực hiện), tháng 7/1995: tr. 72.

[viii] Trần Tam Tỉnh, Thập Giá và Lưỡi Gươm (Paris: Sudestasie, 1978), trang 14-15.

© sachhiem.net