●   Bản rời    

VATICAN:CH19- Thiết Lập Các Đạo Quân Thứ 5 (Nguyễn Mạnh Quang)

GIÁO HỘI LA MÃ:

LỊCH SỬ VÀ HỒ SƠ TỘI ÁC

- Nguyễn Mạnh Quang -

9 Feb, 2008

http://sachhiem.net/NMQ/HOSOTOIAC/CH19.php

CHƯƠNG 19


KẾ SÁCH THÂU NGƯỜI VÀO ĐẠO
VÀ THIẾT LẬP CÁC ĐẠO QUÂN THỨ 5


 

Chương này nói về bước 1 tức là thời kỳ Giáo Hội  gửi các điệp viên với danh nghĩa là các nhà truyền đạo đến các vùng mục tiêu, điều nghiên nhân dân bản địa để biết rõ những thành phần nào trong xã hội dễ phỉnh nịnh và mua chuộc nhất bằng vật chất  rồi móc nối, lôi cuốn họ vào đạo để họ giúp đỡ, bao che, cưu mang và tiếp tay trong việc thiết lập màng lưới gián điệp thâu thập tin tức tình báo chiến lược. Muốn thực hiện được kế sách này, các nhà truyền giáo tiền phong khi mới nhập cảnh vào Việt Nam phải triệt để hành động theo đúng như lộ đồ của kế sách mà họ đã điều nghiên rất cẩn thận trước khi được phái đến Việt Nam hay bất kỳ vùng mục tiêu nào khác.

Lực Lượng Tự Vệ Công Giáo Bùi Chu – Phát Diệm trở thành phụ lực quân cho quân đội Pháp

 

Lực Lượng Tự Vệ Công Giáo Bùi Chu – Phát Diệm trở thành phụ lực quân cho quân  đội Pháp

NHỮNG KẾ SÁCH ÁP DỤNG Ở VIỆT NAM

TỪ NĂM 1533 ĐẾN NĂM 1954

 

Những kế sách thâu người vào đạo tùy thuộc vào quyền lực của Giáo Hội tại vùng mục tiêu. Nói chung, những thủ đoạn căn bản của Giáo Hội là dựa vào những thủ đoạn lừa bịp, lường gạt và sử dụng quyền lực của nhà nước và chức vụ trong chính quyền  hoặc thế thượng phong của Giáo Hội hay của tín đồ để lùa con mồi đút đầu vào cái rọ Da-tô (Catholic loop) để cho Giáo Hội siết cổ.  

1.- Lân la tiếp xúc với những người dân cùng khổ hay những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn rồi tùy theo hoàn cảnh để mua chuộc họ bằng cách giúp đỡ thuốc men, vật chất trong lúc ngặt nghèo khốn khó. Trong khi tiếp xúc với họ, các ông truyền giáo luôn luôn nhắc nhở họ phải cầu xin Chúa ban ơn cứu giúp thì mới có hy vọng được Chúa giúp cho tai qua nạn khỏi. Dĩ nhiên, những người cùng khổ đã được giúp đỡ về vật chất thì chắc chắn là thoát khỏi cảnh khốn cùng, và họ dễ dàng tin rằng vì họ đã theo đạo cho nên mới được Chúa giúp đỡ. Ta gọi những tín đồ Da-tô thuộc loại này là những người “đi đạo lấy gạo mà ăn”. Hầu hết những người này là những người ít học và dốt nát. Được giúp đỡ thóat khỏi cảnh khó khăn, họ dễ dàng tin tưởng, và dễ dàng bị mê hoặc và biến thành những tín đồ Da-tô cuồng tín.

Trước năm 1945, phần lớn những tín đồ Da-tô người Việt Nam thuộc loại này. Sự kiện này được ông Hà Giang nói rõ trong bài viết "Cứu Trợ Nhân Đạo" đăng trên www.giaodiem.com tháng 7/2003, với nguyên văn như sau:

"Tình trạng xáo trộn chính trị và nạn đói vào đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam, nhất là ở các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, v.v... được giới truyền giáo Tây Phương xem như là một cơ hội lý tưởng để bành trướng đạo Kitô.

Nhiều văn thư trao đổi giữa các giáo sĩ và các quan chức Pháp thời đó cho thấy rõ ràng chiến lược lợi dụng sự nghèo khổ của người Việt Nam để truyền đạo. Chẳng hạn như một lá thư của Đức Cha Marcou, giám mục một địa phận miền biển Đàng Ngoài gửi cho "Bề Trên" (đề ngày 14/ 9/1902) [trích đoạn]: "Hiện tại phương pháp họat động tông đồ tốt nhất có lẽ là tăng gấp bội họat động từ thiện và giúp đỡ về vật chất càng nhiều càng tốt." Một thư khác đề ngày 8/ 4/ 1889 của một nhóm 17 người xin phép bỏ đạo Công Giáo để trở lại với Phật Giáo viết [trích đoạn]: "Chúng tôi trước đây là tín đồ Phật Giáo. Vào đạo năm 1886, người ta nói chúng tôi được tự do làm người Phật Giáo hoặc Công Giáo. Hơn nữa, vị cha xứ địa phương bảo chúng tôi rằng nếu chúng tôi đón nhận Công Giáo, chúng tôi sẽ được miễn sưu thuế mà người Phật Giáo phải đóng. Đó là lý do chúng tôi rửa tội theo Công Giáo."  [i]

2.- Tìm kiếm các gia đình đang ở trong hoàn cảnh cùng cực nghèo khổ, làm thân với họ, rồi thuyết phục để mua con em của họ đem về nuôi dưỡng, và hứa hẹn với họ rằng những em bé này sẽ được đào tạo thành những người có tương lai xán lạn. Sự kiện các ông truyền giáo bỏ tiền ra mua các trẻ em con nhà nghèo khổ như vậy được Tiến-sĩ Vũ Ngự Chiêu ghi lại trong cuốn Ngàn Năm Soi Mặt như sau:

"Vào giữa thế kỷ XIX, "bán con" là một hủ tục quen thuộc tại Đại Nam (cũng như Trung Hoa). Cho đến thập niên 1940, tức khoảng 100 năm sau ngày Petrus Key làm con nuôi các cố đạo, vẫn còn tục lệ bán con nói trên.

Trong khi đó, vì chính sách bài đạo của nhà Nguyễn, các giáo sĩ Kitô tìm đủ mọi cách để gia tăng số tín đồ. Trong kế họach gia tăng giáo dân trên có việc dùng tài lợi mua chuộc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, và mua con nít của những gia đình Lương nghèo khổ (như ăn mày) để huấn luyện làm thày kẻ giảng, và nếu đứa trẻ thông minh, có thể huấn luyện làm giáo mục bản xứ. Tại Cao Miên, số tiền các giáo sĩ bỏ ra để rửa tội cho mỗi người ngoại đạo lên tới 100 quan vào năm 1858..... Số trẻ em mồ côi hoặc con nhà nghèo bán cho các nhà tu hàng năm cũng khá quan trọng. Đa số "các chú" trong các "nhà Chúa Blời" đều là cô nhi hay con nhà nghèo được giáo sĩ bỏ tiền ra mua về." [ii]

3.- Tìm kiếm những đứa trẻ mồ côi, không cha, không mẹ lượm đem về nuôi ở trong các viện mồ côi rồi đem chúng ra nhà thờ rửa tội.

4.- Móc nối với những thành phần chống đối chính quyền đương thời và hứa hẹn sẽ thỏa mãn những khát vọng chính trị của họ. Trong những năm 1780 cho đến thập niên 1880, Giáo Hội cho người đì tìm kiếm những hạng người sinh vô gia cư, tử vô địa táng và những thành phần bất mãn với chính quyền đương thời rồi móc nối và hứa hẹn giúp đỡ cho họ thỏa mãn khát vọng mà họ đang theo đuổi. Đến đây, chúng ta nhớ lại, ngay sau khi “hai vạn quân và 300 chiến thuyền của viện quân Xiêm sang giúp Nguyễn Vương” bị Nguyễn Huệ đánh tan ở Rạch Gầm và Xoài Mút (gần Mỹ Tho) vào năm 1784, Giám-mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) liền chụp lấy cơ hội ngàn năm một thuở này, lân la đến làm quen với Nguyễn Ánh và hứa hẹn sẽ thân hành sang Pháp cầu cứu viện binh đem về giúp Nguyễn Vương đánh bại nhà Tây Sơn. Nhờ vậy mà Bá Đa Lộc đã lùa được Hoàng Tử Cảnh vào cái tròng Da-tô. Sau khi Hòang Tử Cảnh đã trở thành tín đồ Da-tô, các đời con, đời cháu của ông hoàng này tiếp nối nhau đến đời Cường Để và đàn con của Cường Để là Tráng Liệt cũng vẫn tiếp nối nhau là tín đồ Da-tô. Dưới đây là một vài vụ điển hển theo sách lược trên đây: 

a.- Vụ nổi lọan của Lê Văn Khôi:  Ông cố đạo Joseph Marchand xúi giục Lê Văn Khôi nổi loạn. Cũng vì thê mà  khi Lê Văn Khôi nổi loạn chống lại triều đình Huế vào năm 1833, lúc đó Linh-mục Joseph Marchand (cố Du) đã có mặt ở trong thành Phiên An làm cố vấn cho Lê Văn Khôi để lôi cuốn đám lính nổi lọan và thân nhân họ theo đạo. Mấy đoạn văn sử dưới đây trong cuốn Đạo Thiên Chúa Và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại Việt Nam cho chúng ta thấy rõ vai trò quan trọng của ông cố Du trong vụ loạn Lê Văn Khôi:

Vụ Lê Văn Khôi và nhiều vụ khác đã trình bày rõ rệt cho vua quan thấy rằng các người truyền giáo, thay vì đứng nguyên trong vai trò thiêng liêng của mình lại xen vào chính trị, tìm cách thúc đẩy các người đổi đạo chống lại chính quyền hợp pháp để chuẩn bị cho một chính phủ thân Thiên Chúa giáo lên cầm quyền. Khôi là con nuôi của Tổng Trấn Lê Văn Duyệt. Ông này là bạn và chiến hữu của Gia Long. Viên Tổng Trấn chống đối việc chọn Minh Mạng làm Đông Cung Thái Tử, cho nên khi lên ngôi, nhà vua đã thi hành những biện pháp cực kỳ nghiêm ngặt đối với Lê Văn Duyệt, người đã sống và chết cùng với dòng họ ông ta. Do đó, Khôi nổi dậy chống Minh Mạng từ 1833 đến 1835, chiếm toàn thể Nam Kỳ và bổ nhiệm quan lại. Các người truyền giáo và các con chiên rất tích cực tham gia vào cuộc nổi dậy này. Một bức thư bắt được trên chiếc tàu bị chặn ngoài khơi Phú Quốc, trong thư Lê Văn Khôi yêu cầu Giám Mục Taberd lúc đó đang trốn tránh tại Xiêm La trở lại Saigon. Những người đi Xiêm cầu viện là những tín đồ Da Tô. Khi chiếm Saigon, triều đình thấy trong thành có Linh Mục Marchand, người đã được một linh mục Việt Nam dẫn từ Trà Vinh lên và chắc muốn đóng vai trò của Pigneau de Béhaine bên cạnh các người nổi loạn, với hy vọng biến Nam Kỳ thành một vương quốc ly khai đặt dưới quyền lãnh đạo của Da Tô giáo. Linh Mục Marchand cùng năm người cầm đầu khác bị đưa về Huế và bị xử lăng trì.[iii]

Sách Lịch Sử Đạo Thiên Chúa Trong Lịch Sử Dân Tộc Việt cũng nói rõ vai trò của tên cố đạo Marchand trong vụ Lê Văn Khôi nổi loạn chống triều đình Huế với nguyên văn  như sau:

"Mở đầu cho thời kỳ này được đánh dấu bằng cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt, chiếm thành Gia Định, đánh lại triều Nguyễn suốt 3 năm. Tham dự tích cực vào cuộc (nổi loạn) này có giáo sĩ Marchand  - Cố Du và nhiều người Công Giáo Việt Nam. Tài liệu Pháp đã công bố bức thư của Cố Du gửi cho Giám-mục Taberd ở Xiêm khẳng định sự họat động tham gia nổi dậy của Cố Du và một bộ phận người Việt Công Giáo, khẳng định việc cầu viện quân Xiêm…” [iv] 

b.- Vụ Hồng Bảo: Sau khi vụ Lê Văn Khôi nổi loạn do tên cố đạo Marchand chủ mưu và xúi giục bị triều đình Huế đánh tan, Vatican và bọn truyền giáo Da-tô bàn nhau tìm đủ mọi phương cách tìm xúi giục những con mồi khác nổi loạn để đánh phá và lật đổ nhà Nguyễn với ý đồ biến những con mồi này thành tín đồ Da-tô rồi  đưa lên làm thủ lãnh cầm quyền để biến Việt Nam thành một vương quốc Ki-tô thần phục Vatican. Sự kiện này được nhà viết sử Huy Vũ thuộc Viện Sử Học Việt Nam ghi lại như sau:

"Tháng 3 năm 1848, hai Giám -mục Retord và Géantot từ Việt Nam  gửi thư cho vua Louis Philippe (1830-1848) yêu cầu nước Pháp chính thức can thiệp vào Việt Nam. Tháng 4 năm 1851, Giám-mục Retord viết thư cho Giám-mục Foreade khằng định yêu cầu đó. Tháng 12 năm 1855, Bá Tước De Courcy báo cáo với Bộ Ngọai Giao Pháp về ý kiến đề xuất của hai linh mục Libois và Legrand de Liraye đề nghị giúp con cháu nhà Lê làm cuộc nổi dậy lật đổ triều đình nhà Nguyễn bám vào tiền đề là Hòa Ước Versailles 1787. Cùng lúc đó các tầu chiến Pháp tăng cường "thăm viếng" Việt Nam, khiêu khích dọa nạt và nổ súng bắn phá đồn lũy quân Nguyễn. Tháng 1 năm 1851, Hồng Bảo, anh Tự Đức, mưu lật ngôi em, bị bại lộ, tuyên bố dựa vào sự gíup đỡ của những người Công Giáo. Cũng trong năm 1851, xuất hiện hai nhân  vật giáo sĩ đã thuyết phục thắng lợi nước Pháp can thiệp vào Việt Nam. Đó là Linh-mục Huc người Trung Quốc và Giám-mục Pellerin. Giám-mục Pellerin đã từ Việt Nam lén về Pháp rồi sang cả Roma vận động, đề xuất cả một kế hoạch thiết lập chế độ bảo hộ Việt Nam. Kế  hoạch này được Linh-mục Le Grand de la Liraye và Giám-mục Retord tích cực giúp sức. Trong việc vận động có cả ý kiến đưa một cuộc nổi dậy của người Công Giáo Việt Nam làm nội ứng. Thế là chính phủ Pháp chính thức công bố quyết định vũ trang can thiệp vào Việt Nam vào tháng 7 năm 1857." [v]

 c.- Vụ Tạ Văn Phụng: Sau khi vụ Hồng Bảo thất bại, Vatican và bọn truyền giáo quay ra xúi  giục một tín đồ Da-tô khác là Tạ Văn Phụng nổi  loạn chống lại triều đình Huế với ý đồ tách rời Bắc Kỳ ra khỏi nước Việt Nam (còn lại) để thành lập một Vương quốc Ki-tô và tay sai cho Vatican. Sự kiện này cũng được sách sử ghi lại rõ ràng như sau:

"Trước hết là những cuộc nổi loạn liên miên của các cộng đồng giáo dân Kitô, tiêu biểu bằng tổ chức hải tặc Tạ Văn Phụng (Lê Duy Minh), với khẩu hiệu thiết lập một vương quốc Kitô, và thổ phỉ Lê Duy Huân, tức khôi phục nhà Lê." [vi]

Về vụ Tạ Văn Phụng nổi loạn, Tiến-sĩ Cao Huy Thuần viết trong sách Đạo Thiên Chúa Và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại Việt Nam như sau:

"Bắc Kỳ phải tách khỏi các vùng đất khác của nước Việt Nam để trở thành một nước độc lập. Đó là đề nghị của Giám-mục Retord, vị đại diện Tòa Thánh ở Tây Bắc Kỳ, đã nhờ quận Công Kleczkowski trình bày cho Bộ Ngọai Giao.

Cần phải trục xuất triều vua này và đặt một người thuộc dòng dõi nhà Lê lên thay thế; hiện nay ở Bắc Kỳ có một số con cháu họ này mà người Bắc Kỳ rất thương tiếc. Các người này theo đạo, đây là cơ hội tốt để đạo Thiên Chúa lên ngôi ở xứ An Nam qua ông vua mới này. Nước Pháp trở thành người bảo vệ cho Vương Quốc và sẽ tạo ra những hiệp ước tự do buôn bán, dân sự, tôn giáo nào mà nó muốn. Nếu nước Pháp làm được tất cả những điều đó và nếu nước Pháp tách rời Bắc Kỳ ra khỏi Nam Kỳ bằng cách lập một ông vua cai trị thủ đô cũ của Bắc Kỳ, chúng ta sẽ thực hiện hạnh phúc lớn lao của người Bắc Kỳ mơ tưởng. Nếu nước Pháp chinh phục cả nước (việc này chắc không khó và theo tôi có đủ lý do để làm việc đó) và cai trị trực tiếp người Bắc Kỳ cũng sẽ bằng lòng, nhưng họ thích chịu sự bảo hộ và ảnh hưởng của người Pháp với một ông vua riêng của họ hơn."[vii]

Đọc các sách sử nói về thời kỳ từ cuối thập niên 1810 cho đến giữa thập niên 1880, chúng ta sẽ thấy các nhà truyền giáo Da-tô đã sử dụng trăm phương ngàn kế để thi hành sách lược tạo loạn, đánh phá và lật đổ triều đình Nhà Nguyễn với dã tâm đưa một tín đồ Da-tô người Việt lên cầm quyền để làm tay sai cho Vatican. Một trong những quái chiêu trong sách lược này là xúi giục những thành phần bất mãn với nhà Nguyễn nổi lên đánh phá để gây hỗn loạn trong nhân dân, rồi Giáo Hội thừa cơ  nhẩy vào khai thác để thủ lợi. Đặc biệt là những hoạt động tiếp sức cho những nhóm nổi loạn do bọn giáo sĩ giật dây đánh bại nhà Nguyễn, rồi đưa nhóm tín đồ Da-tô lên nắm chính quyền và sau đó sẽ tiến hành kế họach Kitô hóa nhân dân bằng những phương tiện của chính quyền.

Trong thời kỳ tiến quân đánh chiếm Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 và thống trị nước ta cho đến tháng 3 năm 1945, Giáo Hội La Mã cũng đã đưa ra chính sách "Chia Để Tri" và chủ trương tiến hành Kế Hoạch Kitô Hóa như trên, nhưng bị các nhà cầm quyền người Pháp bác bỏ. Lý do là vì hầu hết những người Pháp có thế lực trong chính quyền ở Pháp cũng như ở Đông Dương là những người thuộc Phe Cấp Tiến hay là thành viên của Hội Tam Điểm ở chính quốc Pháp vốn không ưa Giáo Hội La Mã. Vì thế mà Kế Hoạch Kitô Hóa Việt Nam của Giáo Hội La Mã do Giám-mục Puginier biên soạn và đề nghị không được triệt để thi hành, mà chỉ được áp dụng trong một phạm vi giới hạn và ngấm ngầm, chứ không công khai và lộ liễu như ở miền Nam Việt Nam vào những năm 1954-1975.

5.- Chèn ép hay cưỡng bách những người muốn thành hôn với người yêu là tín đồ Da-tô phải theo đạo. Đây là hành động bắt cóc hạnh phúc gia đình của những cặp uyên ương yêu nhau muốn sống đời đời kiếp kiếp với nhau dưới cùng một mái nhà. Sách lược này giống y hệt như bọn ăn cướp bắt cóc con cái thân nhân các gia đình giầu có làm con tin để đòi tiền chuộc mạng. Ở đây hạnh phúc của người khác tôn giáo muốn thành hôn với người yêu là tín đồ Da-tô bị Giáo Hội La Mã bắt cóc rồi đòi hỏi nạn nhân phải chuộc lại bằng cách phải chấp nhận theo đạo Da-tô. Như vậy Giáo Hội là một nhà tù giam giữ hạnh phúc của nạn nhân và viên quản ngục chính là người phối ngẫu của nạn nhân. Hành động bỉ ổi, đê tiện, và khốn nạn này của Giáo Hội La Mã đã trở thành nguồn cảm hứng cho dân ta có những vần thơ châm biếm như:

Lạy Chúa Ba Ngôi,
Tôi lấy được vợ tôi thôi đi nhà thờ.

Giáo Hội và giáo dân cuồng tín đều biết việc làm này là bỉ ổi và cũng biết cả thực trạng  “Lạy Chúa Ba Ngôi, Tôi lấy được vợ, tôi thôi đi nhà thờ”. Nhưng  họ bất cần, họ vẫn lì lợm làm như vậy. Họ tin rằng họ đã có người phối ngẫu làm quản ngục cầm giữ nạn nhân và sẽ bắt những đứa con của nạn nhân phải rửa tội ngay khi còn bế ngửa. Trong những giờ lễ trong các nhà thờ cũng như trong  các lớp học ở các bậc tiểu và trung học (do Giáo Hội làm chủ - trường đạo), trẻ em bị nhồi nhét vào đầu óc ngây thơ trong trắng những tín lý Ki-tô hoang đường nhảm nhí và những giáo luật độc đoán nặng tính cách áp bức, bóc lột và bốc hốt. Lòng trẻ em như tờ giấy trắng, những thứ rác ruởi nhảm nhí trên đây giống như một thứ mực đen nhuộm vào rồi,  thì sau đó không còn có cách gì tẩy xóa được nữa.

6.- Tìm cách dụ khị và mê hoặc những thành phần ngu dốt. Một số trẻ em vì theo học trường đạo từ tuổi còn nhỏ, nên dễ dàng bị bị mê hoặc vì vui với bạn học cùng lớp là tín đồ Da-tô rồi theo đạo. Đây là lọai những người theo đạo hoặc vì mê tín hoặc vì thiếu thông minh. Sau năm 1975, tại hải ngoại, có một số thuyền nhân ở vào trường hợp này. Khi còn đang lênh đênh trên mặt biển, mọi người đều lo sợ những rủi ro có thể xẩy đến bất cứ lúc nào. Giữa lúc đó, có người đến hiến kế, nói rằng, "Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp linh thiêng lắm, nếu cầu xin Mẹ, thì Mẹ sẽ giúp cho đến bờ đến bến.”  Trong hoàn cảnh lo sợ bị hải tặc đến cướp của giết người và hãm hiếp đàn bà con gái, hay trong hoàn cảnh gần như tuyệt vọng ở giữa đại dương mênh mông, người ta dễ xiêu lòng và tin vào một sức mạnh huyền bí đến bất cứ từ đâu. Thế rồi, trong suốt hải trình, may mắn cho họ là không có gì xẩy ra, rồi họ đến được trại tỵ nạn, sau đó lại được vào định cư ở Hoa Kỳ hay ở một quốc gia nào khác. Người bạn đi cùng tầu vượt biển đã từng đưa ra lời đề nghi cầu xin Đức Mẹ Hăng Cứu Giúp (để được cứu giúp) vẫn bám sát hay liên lạc thường xuyên với họ và luôn luôn nhắc nhở họ phải (nên) theo đạo để tỏ lòng tạ ơn Đức Me. Dĩ nhiên là chỉ những người ngu dốt hay không có lý trí mới tin như vậy và làm như vậy. Người viết được biết một ông bác sĩ ở Federal Way (Washington) có chủ tâm "theo đạo để làm ăn được dễ dàng với khách hàng là tín đồ Da-tô" đã viện cái "cớ" này khi theo đạo Da-tô để cho nó có vẻ "danh chính ngôn thuận" và cũng là để tỏ ra là người biết giữ "chữ tín". Đúng ra, ông bác-sĩ này phải được xếp vào loại số 8 ở dưới (mượn đạo để tạo danh đời) vì rằng chủ tâm của ông ta theo đạo Da-tô để câu nhử hay lôi cuốn tín đồ Da-tô người Việt đến phòng mạch của ông ta. Cũng nhờ đã theo đạo Da-tô, mà sau đó thế lực đen vốn khống chế các hội đoàn và các phương tiện truyền thong ở hải ngoại đã bố trí cho ông ta trở thành chủ tịch cộng đồng tại thành phố lớn đứng hàng thứ nhì ở miền Tây tiểu bang Washington vào những năm 1999-2001. Vì là một người mới trở lại đạo (tân tòng), ông bác sĩ này phải theo cái thói quen vu khống hay chụp mũ (vốn là truyền thống của đạo Da-tô) của các ông chủ tịch cộng đồng các địa phương ở Bắc Mỹ. Cũng vì thế, ông bác sĩ này trở thành một trong mấy người chủ động việc chụp “cái mũ Cộng Sản” cho bà Minh Anh Hodge, Giám Đốc Chương trình Ngọai Ngữ và Tiểu Học tại Nha Học Chánh Tacoma, một phụ nữ hiền thục và mẫn tiệp, được nhiều người Việt trong vùng quý mến vì bà luôn luôn giúp đỡ tận tình cho những người gặp phải hòan cảnh khó khăn.  

7.- Khủng bố và hù dọa khiến cho nạn nhân sợ quá mà phải theo đạo để khỏi bị chụp mũ là “Cộng Sản” hay “Cộng Sản nằm vùng”.- Trong những năm 1954-1963, tại miền Nam Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn và Khánh Hòa, có tới khỏang 300 ngàn người bị chế độ đạo phiệt Gia-tô Ngô Đình Diệm thủ tiêu hay sát hại trong các chiến dịch “làm sáng danh Chúa”. Các chiến dịch này được tiến hành theo tinh thần thập tự quân thời Trung Cổ và Sắc-chỉ Romanus Pontifex (như đã nói trên) được ngụy trang và được chính quyền đạo phiệt Da-tô Ngô Đình Diệm hợp pháp hóa bằng Sắc Luật 47  ban hành vào ngày 21/8/1956 và Luật Số 10  ban hành vào ngày 6/5/1959. Những hành động giết người không gớm tay của bọn công an, mật vụ, cảnh sát và lính đạo theo tinh thần thập tự quân trong các chiến dịch này gây nên một tâm lý kinh hoàng trong nhân dân khiến cho một số nhiều người khiếp sợ và tìm cách theo đạo để được an thân, nếu không, thì sẽ bị chụp mũ là “Cộng Sản” hay “Cộng Sản nằm vùng” và sẽ bị thủ tiêu hay bị sát hại giống như số phận của 300 ngàn nạn nhân như đã nói trên. Sự kiện này được Linh-mục Trần Tam Tỉnh ghị lại như sau:

Bên cạnh chủ nghĩa hiếu thắng bề ngoài đó, phải nói thêm một thứ hiếu thắng khác về "mục vụ" như là đặc điểm của Giáo Hội trong thời kỳ này, đó là việc đưa dân ngọai vào đạo. Giám-mục Ancel phụ tá địa phận Lyon (Pháp), đã nhắc lại lời Giám-mục Thục: "Có những làng nguyên vẹn xin chịu phép rửa. Người ta không làm sao dạy giáo lý kịp cho họ...! Và ông kết luận: "Đây là nước duy nhất tại Viễn Đông (không kể Philippines) đang trên đà trở lại đạo cả nước". Những con số người lớn chịu rửa tội, nhất là tại địa phận Qui Nhơn xem ra phù hợp với cảm tưởng của vị giám mục Pháp: 16.323 năm 1956-1957, 27.385 năm 1958-1959, 37.429 năm 1960-1961. Năm 1959, tại Qui Nhơn, chỉ trong một tháng, 61.000 người xin chịu phép rửa. Ơn Chúa hình như đùng một phát tuôn xuống như mưa trên địa phận của Giám-mục Chi, giám mục phụ trách di cư những năm 1954-1955, ông đã nhận được từ cơ quan Viện Trợ Công Giáo Hoa Kỳ 38 triệu đô la, và của tổ chức viện trợ Pháp cũng như Caritas quốc tế còn nhiều triệu khác nữa.

Phong trào trở lại đạo hàng loạt như thế vừa là kỳ diệu vừa gây khó chịu, bởi vì dân chúng các vùng đó đã sống dưới quyền kiểm soát của Việt Minh trong thời chiến tranh Pháp - Việt. Giám-mục Chi đã cho chúng tôi biết rằng phép lạ đó, một phần đã nhờ có việc tuyên truyền "thuyết nhân vị" của chính phủ, dọn đường cho quần chúng tới đây tìm gặp được đạo công giáo và đàng khác nhờ các việc từ thiện công giáo, các trường học, cô nhi viện, nhà thương, điểm phát quần áo, bánh mì và lương thực. Có người cho rằng việc theo đạo hàng lọat đó chỉ lặp lại theo ngạn ngôn đã có từ thời Pháp, "đi đạo lấy gạo mà ăn" thôi. Quả thế, viện trợ Công Giáo từ ngoài vào đều do các linh mục tự tiện thao túng và thường chỉ để phân phát cho người Công Giáo. Dân chúng miền Trung này là vùng nghèo nhất miền Nam, chẳng qua đã tìm nơi việc theo đạo Công Giáo là một phương thế kiếm ăn. Có người cho rằng họ vào đạo để khỏi bị sách nhiễu về chính trị. Quần chúng ở đây, vì đã từng sống lâu năm dưới chế độ Việt Minh, nên bị tình nghi có liên hệ với "kẻ địch", bây giờ vào đạo là gặp được con đường để tỏ lòng trung thành với chế độ (Diệm), hoặc ít ra cũng tránh được những quấy nhiễu của cảnh sát. Đó là ơn Chúa hay chỉ do động cơ khác của con người?.

Điều chắc chắn là phong trào trở lại đạo này đã chấm dứt vào cuối năm 1963, ngay khi Tổng Thống Công Giáo Diệm bị lật đổ."[viii]

8.- Liên kết với các thế lực đế quốc thực dân xâm lực hay chính quyền chuyên chế địa phương rồi dựa vào thế lực của nhà nước thi hành kế họach Ki-tô hóa nhân dân bằng những phương tiện của chính quyền. Xin gọi đây là sách lược “cáo đội lốt hùm”. Nhờ có thể dựa vào thế lực chính quyền, các ông truyền giáo liền cho người đi tìm kiếm những người thèm khát quyền lực và chức vụ trong chính quyền để móc nối và hứa hẹn sẽ giúp đỡ cho họ được toại nguyện. Sau đó, Giáo Hội lại tìm cách móc nối với những người có thế lực trong chính quyền để giúp đỡ cho con mồi mà Giáo Hội đã hứa hẹn.  Nếu công việc thành công thì coi như là cá đã cắn câu. Nói cho rõ hơn, con mồi đã lọt vào cái tròng Da-tô (the Catholic loop). Người Việt Nam ta gọi những người này là “những người mượn danh đạo tạo danh đời”. Loại người này theo đạo chỉ có một mục đích duy nhất là dựa vào thế lực của đạo để leo lên bước thang danh vọng hay quyền lực. Đây là trường hợp của những người như Lâm Văn Phát, Lâm Lễ Trinh, Tôn Thất Thiện, Huỳnh Hữu Nghĩa, Đặng Văn Quang, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Văn Y, Nguyễn Đình Thuần, v…v. Nói về những hạng người này, Giáo Sư Vũ Văn Mãu nêu đích danh một số những nhân vật có chủ tâm theo đạo Da-tô để được thăng quan tiến chức trong chính quyền đạo phiệt Da-tô Ngô Đình Diệm. Dưới đây là mấy đoạn văn  của Giáo-sư Vũ Văn Mẫu nói về sự kiện này:

"Trong Tiết 1, tôi đã nói đến trường hợp Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống là Nguyễn Đình Thuần đã quỳ trong Dinh Độc Lập để hôn nhẫn Hồng Y Giáo Chủ Agagianian. Người ta cho rằng nhờ rửa tội theo Thiên Chúa Giáo, Nguyễn Đình Thuần đã được bổ nhiệm (thăng) từ Đổng Lý Văn Phòng lên Chức Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống.

Đại Tá Nguyễn Văn Y cũng nhờ chịu rửa tội theo Thiên Chúa Giáo mà được bổ nhậm làm Tổng Giám Đốc Nha Cảnh Sát Công An, một chức vụ mà ai cũng rõ phải được sự tin cẩn tột bực của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Nguyễn Văn Thiệu cũng rửa tội theo đạo khi mới đóng cấp tá dưới nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Ngòai ra, các chức vụ quan trọng đều giao phó cho người Thiên Chúa Giáo. Các người tân tòng bị chế diễu là "đạo đứng" vì các người đạo gốc được rửa tội ngay khi mới sinh, còn ẵm ngửa.

Trả lời phái đoàn Liên Hiệp Quốc sang điều tra vụ đàn áp Phật Giáo, nhân chứng số 43 đã đề cập đến trường hợp ông Trần Văn Lắm: " Ông Trần Văn Lắm trước kia là Đại Biểu Chính Phủ tại Nam Phần, bây giờ là Đại Sứ Việt Nam ở nước nào tôi cũng không rõ. Người ta muốn loại trừ ông vì ông là một Phật tử. Ông tỏ vẻ lo sợ, thật hèn nhát. Một lần tắm ở Vũng Tầu, ông la lớn: "Đức Mẹ đã cứu tôi sắp chết đuối." Sau đó, ông theo Công Giáo và được giữ lại chức Đại Biểu Chính Phủ Nam Phần."[ix]

Lời thú nhận của cựu Tướng Lâm Văn Phát nói lên sự kiện về những người theo đạo Da-tô vì bị lôi cuốn bởi miếng mồi quyền lực (chức vụ và địa vị quyền cao chức trọng trong chính quyền). Lời thú nhận này được sách Chân Dung Tướng Ngụy Sàigon ghi lại với nguyên văn như sau:

"Từ năm 1948- đến 1954, tôi vẫn loanh quanh dẫm chân với cái lon trung tá giả định vì cái "án" có cha và chị đi kháng chiến làm cán bộ Việt Minh. Sang thời Ngô Đình Diệm lại cái bảng đen ngầm "gia đình Việt Cộng", trong lúc đó thì bọn sĩ quan đàn em như Nguyễn Văn Thiệu, Đặng Văn Quang, Nguyễn Hữu Có... có thời cơ leo lên vùn vụt. Lúc này, tôi nẩy ra cách thoát thân để được lòng tin cậy của triều đình họ Ngô. Cuối năm 1957, tôi xin vô đạo Thiên Chúa, xin "cậu út" Ngô Đình Cẩn nhận làm bố đỡ đầu (parrain) mặc dầu Cẩn chỉ hơn tôi dăm bẩy tuổi..."[x]

Trong cuốn Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, tác giả Chính Đạo, tức sử gia Vũ Ngự Chiêu, ghi nhận việc theo đạo của ông Hùynh Hữu Nghĩa cũng tương tự như vậy với nguyên văn như sau:

"Thư đề ngày 17/2/1962, Fishel gửi Hamah; FRUS, 1961-1963 II: 149. The Fishel, một bộ trưởng (Huỳnh Hữu Nghĩa) đã cải đạo; (Ibid, II: 46) và nhiều sĩ quan cải đạo để mong được thăng cấp. (Ibid., II: 56, 45") Chính Đạo, Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston, TX: Văn Hóa, 2004), tr. 45. [xi]

Sách Sáu Tháng Pháp Nạn viết:

"... số người a dua chạy theo chính quyền để trục lợi vẫn còn là đại đa số. Vào đầu năm 1963, tất cả tỉnh trưởng được bổ nhiệm tại miền Nam đều là đệ tử của Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục hay của cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu. Tại miền Trung, các tỉnh trưởng đều là các thủ túc của Ngô Đình Cẩn, em út của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tuy không giữ chức vụ gì chính thức, Ngô Đình Cẩn tự ban cho mình chức Cố Vấn chỉ đạo các đoàn thể chính trị tại Trung Việt, Cao Nguyên và Hải Ngọai.

"Ngoài ta, các dân biểu trong Quốc Hội cũng đều là tay sai trung thành của chế độ. Hơn nữa, các phong trào chính trị toàn quốc đều do họ Ngô thành lập để tạo hậu thuẫn trong dân chúng. Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia của Ngô Đình Diệm, Đảng Cần Lao và Phong Trào Thanh Niên Cộng Hòa của Ngô Đình Nhu, Phong Trào Liên Đới Phụ Nữ của vợ Nhu là Trần Lệ Xuân, và không kể biết bao nhiêu đoàn thể chầu rìa khác chạy theo voi để hít bã mía!" [xii]

Theo sự hiểu biết của người viết, ngòai ra, còn có rất nhiều người trong giới tướng lãnh, sĩ quan cấp tá và cấp úy cũng như có rất nhiều viên chức trong chế độ đạo phiệt Da-tô Ngô Đình Diệm và quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu cũng "vô đạo" vì "động lực" giống y như "động lực theo đạo" của cựu Tướng Lâm Văn Phát, Đại Tá Nguyễn Văn Y, Nguyễn Đình Thuần và Trần Văn Lắm. Trong cuốn Xóm Đạo, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn kể lại một ông quận trưởng (có lẽ là trong tỉnh Hậu Nghĩa) theo đạo cũng chỉ vì muốn duy trì cái ghế quận trưởng và ông ta muốn leo lên những chức vụ lớn hơn trong chính quyền. Tác giả Nguyễn Ngọc Ngạn viết:

Cũng giống như nhiều vị công chức cao cấp khác, ông quận trưởng tự cảm thấy rằng, thời này là thời của đạo Thiên Chúa, bởi vì gia đình Ngô Tổng Thống rất sùng đạo! Cái ghế của ông có vững hay không, tương lai của ông ta có leo lên được nữa hay không, đều tùy thuộc cách xử sự khéo léo của ông, chứ không phải nhờ tài năng hay đức độ. Nhà ông đời đời theo Phật giáo. Nhưng người khôn ngoan lúc này phải biết thức thời, bỏ đạo Phật để rửa tội theo Công Giáo thì mới được Ngô Tổng Thống tín nhiệm! Ông tin như thế, cho nên ông hay tìm đến làm thân với các vị linh mục, những người mà ông cho là cửa ngõ thênh thang nhất để giắt ông trên đường danh vọng. Một tiếng nói, một đề nghị của một linh mục, sẽ có sức mạnh gấp trăm lần ý kiến của quan! Tương tự như thế, một lời dèm pha của một linh mục, có thể làm ông bay chức trong nháy mắt! Cái thành kiến ấy nằm sâu trong đầu ông, cho nên ông đã từng trợ giúp vật liệu cho cha Xuân lúc xây nhà thờ, từng xuống dự lễ Noel, quì mỏi gối chung với giáo dân ở trại, và hai năm liên tiếp ngồi ghế quận trưởng, cứ mỗi độ xuân về, ông đều không quên sai lính chở xuống tặng nhà xứ một cành mai thật lớn!…” [xiii]

Chuyện ông Nguyễn Văn Thiệu theo đạo Da-tô được ông Phạm Liễu kể lại trong cuốn Trả Ta Sông Núi 2 với nguyên văn như sau:

"Sau năm 1954, ông Thiệu đã được lên tới cấp Thiếu Tá, phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Đệ Nhị Quân Khu ở Huế, dưới quyền Đại Tá Trương Văn Xương. Mùa Thu năm 1954, khi cuộc tranh chấp giữa Tướng Nguyễn Văn Hinh và Thủ Tướng Diệm bùng nổ, Thiếu Tá Thiệu gia nhập Đảng Con Ó, cùng với Trung Tá Trần Thiệm Khiêm, Thiếu Tá Hoàng Xuân Lãm, Đại Úy Trần Văn Trung, Nguyễn Văn Mạnh, v.v... để yểm trợ Nguyễn Văn Hinh. Sau khi Tướng Hinh phải rời nước, nhóm Thiếu Tá Thiệu bị đưa về Sàigòn điều tra. Để thoát khỏi sự nghi kỵ của chế độ Diệm, Thiếu Tá Thiệu xoay qua đường giây Thiên Chúa Giáo của nhà vợ.

Nguyên ông Thiệu lấy bà Kim Anh, người Mỹ Tho, có đạo Thiên Chúa, đã lâu nhưng không chịu rửa tội.... Nhưng sau ngày ông Diệm cầm quyền, đạo Thiên Chúa biến thành một thứ chìa khóa danh vọng và quyền lực cho những ai tham vọng. Bởi thế ông Thiệu quyết tâm "trở lại với đạo". Trung Tá Thiệu cẩn thận năn nỉ Linh-mục Bửu Dưỡng, lý thuyết gia bản xứ của Đảng Cần Lao, đích thân rửa tội cho ông ta ở Đà Lạt. Nhờ vậy, ông Thiệu được thăng cấp Đại Tá và được giao cho nắm Sư Đoàn 1 rồi Sư Đoàn 5 ở Biên Hòa. Đại Tá Thiệu còn được vào Quân Ủy của Đảng Cần Lao." [xiv]

Trong bài viết Sự Hèn Hạ Và Xảo Trá Của Ông Lâm Lễ Trinh, Cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Đệ Nhất Cộng Hòa, đăng trên trang nhà www.chuyenluan.com tháng 5 năm 2004, tác giả Phạm Phú Bổn viết về chuyện ông Lâm Lễ Trinh theo đạo Da-tô như sau:

"Trước hết là suy nghĩ về hai chi tiết rất sâu sắc của ông Trần Vĩnh Long về cấu trúc văn hóa và căn cước chính trị của ông Lâm Lễ Trinh. Ông theo đạo Công giáo La Mã vào năm 1958, thời điểm cực thịnh của hiện tượng “theo đạo có gạo mà ăn” dưới nền Đệ nhất Cộng hòa. Đó cũng là thời điểm khi chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu tiến hành ý đồ Công giáo hóa miền Nam qua hai chính sách đàn áp trù dập Phật giáo, lực lượng văn hóa nền móng và đa số của xã hội Việt Nam, và phân phát đặc quyền đặc lợi cho những người đồng đạo Công giáo cả ở trong lẫn ngoài chính quyền. Các kế sách Dinh Điền, Khu Trù Mật, (và sau nầy là Ấp Chiến Lược); các tiêu chuẩn kỳ thị về tôn giáo trong chính sách nhân dụng của bộ máy hành chánh và quân đội, trong các lãnh vực kinh tế, giáo dục, xã hội, và quốc phòng, ... đã làm cho không thiếu người từ bỏ truyền thống tâm linh của dân tộc, đổi đạo để tìm bổng lộc và/hoặc để bảo toàn mạng sống. Ông Lâm Lễ Trinh đổi đạo đúng vào thời gian đó! Và ông đã làm đến chức Bộ trưởng bộ Nội vu, một chức vụ cực kỳ quan trọng trong một chế độ độc tài với mạng lưới công an mật vụ dày đặc của miền Nam.". [xv]

Thực ra, con số những người theo đạo thuộc lọai này (theo đạo vì danh lợi, theo đạo để dựa hơi, dựa thế) nhiều lắm. Mục đích theo đạo của những người háo danh hay thèm khát quyền lực là khi theo đạo rồi thì họ sẽ dựa hơi hay nhờ vả vị linh mục rửa tội hay gia đình của nhân vật đỡ đầu chạy chọt giúp đỡ cho họ được thăng quan tiến chức hay dễ dàng chạy "affaires" hoặc làm ăn trong cộng đồng của những người Da-tô. Sự kiện này được ông Phạm Văn Liễu ghi nhận trong cuốn Trả ta Sông Núi (Tập 2) nhu sau:

"Thực ra, đa số các sĩ quan hay công chức của nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã theo Cần Lao hay "rửa tội" chỉ vì muốn được an thân, nhất là tiến thân. Cái thói phù thịnh là lẽ thường tình của người đời. Với những cá nhân tham vọng, bất cứ phương tiện nào cũng tốt, miễn hồ giúp họ đạt được mục đích. Hai tiếng "trung thành" hay "nhân nghĩa" là những tiếng cười dài mỉa mai."[xvi]

Con số người theo đạo thuộc lọai này (theo đạo tạo danh đời) có thể lên đến hàng mấy chục ngàn người trở lên.

9.- Gạ gẫm để bảo lãnh những người muốn sang Hoa Kỳ định cư. Sau năm 1975, khi biết rõ đời sống khá giả của người Việt hải ngoại ở Mỹ, những người truyền đạo Thiên Chúa Giáo (cả Công Giáo và Tin Lành) phao tin rằng nếu theo đạo, thì sẽ dễ dàng được Giáo Hội bảo đảm và giúp đỡ lo cho di cư sang Hoa Kỳ mưu sinh. Vì lý do này, kể từ đó, ở Việt Nam có nhiều người theo đạo để nuôi hy vọng. Một cặp vợ chồng bạn của người viết ở Cần Thơ đã theo đạo vì lý do này. Con số những người Thượng ở vùng cao Nguyên Trung Việt mới theo đạo Tin Lành từ 1985 trở đi cũng là những người trong số này. Đây là mánh khóe lừa gạt của họ. Cặp vợ chồng người bạn ở Cần Thơ của người viết đã theo đạo từ trước năm 1995, cho đến nay (tháng 2/2008) cũng vẫn còn ở Cần Thơ và vẫn không có hy vọng gì  di cư sang Mỹ định cư theo cái diện mà các nhà truyền giáo đã hứa hẹn với cặp vợ chồng người bạn này của người viết. Thủ đoạn lưu manh của những người truyền đạo Ki-tô (bất kể là Ki-tô La Mã hay Tin Lành) lưu manh như thế đó!

10.- Dân đạo gốc. Qua các phần trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng, ngoại trừ tín đồ Da-tô vốn là những con cái của những gia đình nghèo khổ bị cha mẹ bán cho các nhà truyền giáo và những thành phần vốn là những trẻ em cô nhi hay mồ côi được các nhà truyền giáo lượm về nuôi ở cô nhi viện riêng của Giáo Hội, Giáo Hội luôn luôn sử dụng miếng mồi vật chất,  các chức vụ trong chính quyền  và những lời hứa hẹn hão huyền (bánh vẽ) để câu nhử những người tham lợi, háo danh hoặc thèm khát quyền lực chạy theo bắt mồi rồi theo đạo để được toại nguyện cho thoả mãn dục vọng thấp hèn đê tiện của họ, hoặc là dùng bạo lực chính quyền hay lợi dụng thế thượng phong để cưỡng bách hay chèn ép nạn nhân phải theo đạo để thoát nợ. Đây là  9 loại người theo đạo trên đây. Những người này, khi sinh con thì phải đem con đến nhà thờ rửa tội ngay khi nó còn bế ngửa. Những tín đồ Da-tô thuộc lọai này được Giáo Hội gọi là dân “đạo gốc” hay “đạo dòng”. Trong cuốn Trả Ta Sông Núi, ông Phạm Văn Liễu gọi họ là lọai đạo “bế ngửa” vì họ được đem đến nhà thờ rửa tội khi còn bế ngửa. Còn những tín đồ Da-tô khác (9 loại trên) thì được gọi là dân “đạo đứng” vì khi làm lế rửa tội ở nhà thờ thì họ đứng, chứ không phải ở trong tình trạng còn bế ngửa.

Vấn đề đặt ra là tín đồ “đạo dòng" hay đạo “bế ngửa” sẽ có những ác tính giống như những tín đồ Da-tô cuồng tín đúng như chủ trương của Giáo Hội không?

Để tìm ra lời giải đáp cho vấn đề này, chúng ta hãy nhớ  đến hai thành ngữ “Cha nào con ấy” và “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” của người Việt Nam ta. Thiển nghĩ, chắc chắn là dân “đạo gốc”,  “đạo dòng” hay “đạo bế ngửa” sẽ có những đặc tính theo quy luật di truyền “cha nào con ấy” và quy luật môi sinh “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Một em bé có trình độ thông minh trung bình và hoc qua lớp ba tiểu học cũng có thể nhìn ra vấn đề này. Hơn nữa, vì là được nhồi sọ ngay từ khi mới chào đời, cho nên những người này sẻ trở thành những tín đồ Da-tô với tất cả những đặc tính của căn bệnh  cuồng tín giống như những tín hữu Ki-tô người Tây Ban Nha trong thời Trung Cổ.

Tính chung, con số những người tân tòng (thuật ngữ của Giáo Hội La Mã gọi là “những người mới trở lại đạo”) trong thời kỳ này phải lên đến hàng triệu. Vì thế mà vào năm 1975, con số tín đồ Da-tô lên đến hơn 5 triệu.


CHÚ THÍCH

[i] Hà Giang."Cứu Trợ Nhân Đạo." tháng 7 năm 2003www.giaodiem.com Ngày 16/7/2003.

[ii] Nguyên Vũ, Ngàn Nam Soi Mặt (Houston, Texas: Văn Hóa, 2002), tr 196-197.

[iii] Cao Huy Thuần, Đạo Thiên Chúa Và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại Việt Nam (Los Angeles, CA: Hương Quê, 1989), tr 53-54.

[iv] Ủy Ban Khoa Học Xã Hội, Một Số Vấn Đề Lịch Sử Đạo Thiên Chúa Trong Lịch Sử Dân Tộc (Thành Phố Hồ Chí Minh: Ủy Ban Tôn Giáo, 1988), tr 109-110.

[v] Ủy Ban Khoa Học Xã Hội, Sđd.,  tr 111-112.

[vi] Vũ Ngự Chiêu, Các Vua Cuối Nhà Nguyễn 1883-1945 -Tập 1 (Houston, TX: Văn Hóa, 1999), tr 191

[vii] Cao Huy Thuần, Sđd., tr 224.

[viii] Trần Tam Tỉnh,Thập Giá Và Lưỡi Gươm (Paris: Sudestasie, 1978), tr 128-130.

[ix] Vũ Văn Mẫu, Sáu Tháng Pháp Nạn (Garden Grove, CA: Giao Điểm, 2003), tr  53-54

[x] Nguyễn Đình Tiên, Chân Dung Tướng Ngụy Sàigòn (Hà Nội: Nhà Xuất Bản QÐND, 2002), tr 344

[xi] Chính Đạo, Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (Houston, Texas: Văn Hóa, 2004), tr 45

[xii] Vũ Văn Mẫu, ,Sđd.,.tr 8

[xiii] Nguyễn Ngọc Ngạn, Xóm Đạo (Đông Kinh, Nhật Bản: Tân Văn,1998), tr 152-53.

[xiv] Phạm Văn Liễu, Trả Ta Sông Núi 2 (Houston, Texas: Văn Hóa, 2003), tr 307-308

[xv] Phạm Phú Bổn. "Sự Hèn Hạ Và Xảo Trá Của Ông Lâm Lẽ Trinh Cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Ðệ Nhất Cộng Hòa" www.chuyenluan.com tháng 5 năm 2004

[xvi] Phạm Văn Liễu, Sđd., tr 56

© sachhiem.net