●   Bản rời    

Góp Ý Về Danh Xưng Công Giáo

Góp Ý Về Danh Xưng Công Giáo

Bảo quốc Kiếm

http://sachhiem.net/TONGIAO/BQK/BQK05.php

25/06/2011

Kính thưa quý độc giả,

Tôi đã tạm khép cửa về chuyện này, nhưng hằng ngày ông Vũ Linh Châu cứ ra rả áp đặt cái đạo công giáo không từng có của ông, nên bắt buộc tôi phải gửi lại tất cả những bài viết của tôi liên quan đến từ này.

Như khiêu khích tôi mãi, ông gửi trực tiếp cho tôi những bài tranh luận ấy, bắt buộc tôi phải trả lời.

Xin hoan hỷ đọc lại.

Góp ý về danh xưng công giáo

Bảo quốc Kiếm

(Ngày đăng:25/06/2011 7:13 AM)

 

Kính gửi ông Vũ linh Châu,

Kính thưa ông,

Đã nhận được bài viết của ông từ lâu và nhiều lần sau này nữa, nhưng ngại ngùng chưa dám ngỏ lời. Hôm qua lại có nhiều người bạn chuyển tới dồn dập thêm. Do đó, xin mạn phép nêu lên vài ý nhỏ để góp ý cùng ông và bạn đọc. Nếu có gì làm ông và quý vị không vui, thì xin lỗi trước. Xin thưa rõ rằng, ở đây tôi chỉ căn cứ trên kinh điển, pháp luật, sách vở, hiện thực…để góp ý, chứ không hề có một thái độ chống báng nào.

Đọc qua 17 lý do mà ông nêu lên về danh xưng Công giáo, bản nông dân thấy buồn rười rượi; bởi vì tất cả chỉ có ý áp đặt. Trong điều 17, cũng là điều cuối cùng, ông viết:

Sau cùng, đâu có ai trong chúng ta muốn cho tên gọi hoặc tước vị của mình bị người khác né tránh, sửa đổi. Vậy thì: “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.

Đây là điều mà tôi muốn trình lên ông và mọi người vài ý mọn.

Trước hết, khi ông nói : “kỷ sở bất dục”, tôi liên tưởng đến một vấn đề, đó là, các vị theo Giáo hội La mã có tôn trọng hai chữ “công giáo” hay không ? Nếu quý vị tôn trọng danh từ này, thì trước hết quý vị phải dùng nó trước. Nhưng cho đến nay, theo chỗ tôi thấy biết, thì mọi cơ sở, văn thư Giáo hội thuộc hệ thống Giáo hội Hoàn vũ La mã tại Việt nam chưa bao giờ dùng từ này một cách chính thức. Tôi có thấy một số bài viết, trong đó có các vị Giáo sỹ nói rằng “Giáo hội Công giáo Việt nam chúng tôi”; thế nhưng, thực tế chưa bao giờ có Giáo hội này trên đất nước chúng ta. Tôi đã cố gắng tìm tòi các văn kiện của “Giáo hội Công giáo Việt nam”, nhưng không hề thấy. Cho đến lúc này đây, thì mọi Văn kiện đều ghi hàng Tít lớn là HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, chứ không thấy ghi là GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM. Ở miền Bắc thì tôi hoàn toàn không thấy biết gì, nhưng từ Bến hải trở vào, tôi chưa bao giờ thấy một nhà thờ, một Toà Giám mục, toà Tổng Giám mục nào hay một Trụ sở nào có ghi là GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM. Có thể chỗ thấy biết của tôi quá giới hạn, xin quý vị chỉ rõ cho là GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM được thành lập năm nào, tại đâu, Trụ sở Trung ương Giáo hội này đặt ở đâu; và được Giáo hội Hoàn vũ La mã chuẩn y năm nào… ....Xin nêu rõ các văn kiện liên quan đến hai chữ CÔNG GIÁO cho rõ ràng, thì tất mọi người phải tôn trọng và gọi theo như chính danh của nó, không ai dám mạo phạm.

Trên phương diện luật pháp, thì Đạo dụ số 10, ngày 06 tháng 8 năm 1950 của Quốc trưởng Bảo Đại ghi tại điều 44 như sau:

“Chế độ đặc biệt dành cho các Hội truyền giáo Thiên chúa và Gia tô, các Hoa kiều lý sự hội, sẽ được ấn định sau”.

Như ông và đồng bào đã biết, chính Dụ này đã gây nên nhiều tranh cãi, và mang thảm hoạ đến cho Việt nam. Cụ Ngô đình Diệm, Tổng thống VNCH là một tín đồ ngoan đạo La mã đã áp dụng Dụ này để thắt cổ các tôn giáo khác La mã. Ngài Tổng giám mục Ngô đình Thục là người quyền uy nhất lúc ấy không những hoan hô, mà còn gay gắt nữa. Điều tôi muốn mọi người cùng biết là, không lẽ Tổng thống Con chiên và Giám mục niên trưởng lại không biết là tại Việt nam không có “đạo công giáo”, nên áp dụng Dụ này. Rõ ràng, trong Dụ này không có “công giáo”, mà chỉ có Thiên chúa giáo và Gia tô. Vậy Thiên chúa giáo là đạo gì và Gia tô là đạo gì ??? “Công giáo” nằm ở đâu ???

Ngược lại, chính quý vị chỉ dùng từ “công giáo” một cách không chính thức, hay nói nôm na là “truyền miệng” mà thôi. Thế nhưng trong bốn chữ “vì” của “lý do 16”, ông đã xúc phạm quá đáng đối với những ai không chịu sự “truyền miệng” của ông. Ngay chữ “vì” thứ nhất ông viết:

“Vì đó là lối hành sử thường ngày của những người có tâm hồn cao thượng, có đầu óc cởi mở, phóng khoáng, có tấm lòng đại lượng bao dung, có tư cách xã giao phong lưu lịch lãm”.

Như thế, ai không theo lối “truyền miệng” của ông thì đều là thứ ngược lại với định nghĩa của ông hay sao ? Nghĩa là ai không gọi đạo các ông là “công giáo”, thì phải bị ông cho là có “tâm hồn hạ đẳng, đầu óc u mê, ích kỷ, có tấm lòng hẹp hòi, ác độc, có tư cách xã giao tồi bại, xấu xa” hay sao ? Xin hỏi ông rằng tại sao khi nói hai chữ “công giáo”, thì đó là người cao thượng…phong lưu lịch lãm ?

Xin thưa ngay rằng, chúng tôi, những người Việt nam chỉ tôn trọng danh xưng chính đáng của bất cứ ai, dù tôn giáo hay tập thể chính đảng, hội đoàn…thậm chí tên cá nhân, nhưng nó phải rõ ràng, chính danh, hợp pháp….mới được.

Trong cái “vì” thứ hai ông viết:

“Vì nó liên quan tới một nhân đức căn bản mà mọi tôn giáo đều truyền bá rao giảng, một nết xấu mà mọi tín đồ đều phải diệt trừ dứt bỏ”.

Chỗ này thì siêu việt quá, tôi không hiểu nỗi ! Nhân đức gì khi phải gọi theo một chữ không chính thức do người khác đưa ra ? Chính người đưa ra mà không dám chính thức thừa nhận, thì làm sao kẻ khác hùa theo mà gọi là nhân đức ? Thất đức thì đúng hơn ! Như thế, cái nhân đức mà ông muốn nói là cái nhân đức gì ngoài xã hội loài người chăng ? Tôi xin nhắc ông là, người Việt chúng tôi thường nói : “Danh không chính, thì ngôn không thuận”. Trường hợp ở đây, rõ ràng các ông “nói ra” chữ “Công giáo”, mà không bao giờ dùng chính thức trong các văn kiện của Giáo hội mình, thì nó như “một đứa con hoang”, ai gọi gì thì chẳng được.

Trong cái “vì” thứ ba, ông viết:

“Vì trong giao tế hằng ngày, không ai được phép gọi sai hay sửa đổi tên của bất cứ người nào khác bao giờ. Xã ước bất thành văn giữa các cá nhân trong xã hội đã qui định như vậy”.

Thưa ông, việc ông nói thật là đúng; nhưng có điều chúng ta phải đặt ra là thế nào là sai, thế nào là đúng ? Như tôi chẳng hạn, khi mới lọt lòng, mẹ tôi gọi là Đái đen, khi một tháng cúng cơm đặt tên, mẹ tôi đặt là Văn Hoá, khi làm khai sinh thì mẹ tôi đặt là Thông Minh. Vậy tên nào là “gọi đúng”, tên nào là “gọi sai” ? Nếu ông đến nhà tôi mà gọi là Văn hóa, thì bị mẹ tôi chửi ngay, vì tên này chỉ ghi vào gia phả mà thôi. Nếu ông gọi là Thông Minh, thì mẹ tôi sẽ bảo đừng kêu tên nớ, nó sẽ bị ốm đau đấy. Do vậy, tôi có ba tên, mà ở trường lớp và bạn bè ngoài đường thì gọi khác, cũng đúng. Khi ở nhà thì mọi người chỉ gọi Đái đen mà thôi, vì họ sợ mang tên đẹp ma quỷ hay bắt, cũng đúng. Còn tên chữ kia chỉ được ghi vào gia phả, chứ không ai được gọi, cũng đúng. Bây giờ, xét trên phương diện chính danh, thì cái tên Thông Minh là tên được ghi trong giấy khai sinh, có chính quyền xác nhận hẳn hoi, nó là chính danh chứ gì ?

Nói cách khác, với tôi, cả ba tên đều đúng. Nhưng có điều, không hiểu tại sao, khi người nhà và bạn thân gọi tôi là Đái đen, thì tôi cảm thấy thân thương, quý mến vô cùng. Ngược lại, một kẻ xa lạ nào đó mà nghe lóm rồi gọi tôi bằng tên ấy, thì tôi khó chịu lắm, chửi thầm nữa là khác. Có một hôm, thầy giáo đến nhà thăm chơi, mẹ tôi gọi: “Đái đen ơi Đái đen, con vô pha nước mời Thầy con nè”. Thầy tôi chào về ngay. Tôi chạy ra đường xin hỏi thầy; thầy tôi bảo: “sao thầy đến nhà mà mẹ em gọi Đái đen pha nưóc mời thầy. Có phải bà Cụ muốn làm nhục thầy không ?”. Tôi phải giải thích mọi điều sau trước thì ông Thầy mới hiểu và trở vào xin lỗi mẹ tôi. Bà cả cười và nói: “Xin thầy vui lòng bỏ qua cho, vì ở nhà chúng tôi cứ quen gọi như thế cho cháu mau lớn, sức khỏe”. Ông Thầy cũng cười theo. Thì ra, cái chính danh chỗ này không hẳn là chính danh chỗ khác; vì cả ba cái tên đều chính danh do mẹ tôi đặt cho tôi. Vì lý do kiêng cử, tên tự, và học hành mà ba cái tên được khai sinh hợp lệ đối với gia đình tôi. Hẳn nhiên, đối với người ngoài, thì sự chính danh chỉ đúng là cái tên trong khai sinh và được dùng phổ thông trên mọi giấy tờ. Đúng vậy không ?

Từ chỗ này, tôi xin ông lưu ý đến điều kiện sau cùng ấy; nghĩa là, cái nào có trong hồ sơ chính thức, thì cái ấy mới được gọi là “chính danh” chính thức. Còn hai cái tên kia, thì chỉ có trong gia đình mới dùng mà thôi. Do vậy, ông không thể nói rằng gọi tôi bằng Đái đen mới là “có tâm hồn cao thượng..xã giao phong lưu lịch lãm”. Cái mà ông gọi là phong lưu, lịch lãm…cũng như tôi chỉ cảm thấy thân thương khi người nhà gọi tôi là Đái đen mà thôi; chứ người ngoài gọi như thế là có chuyện đấy. Tôi nêu ra một thí dụ như thế để ông và độc giả hiểu rằng, muốn “chính danh”, thì chính gia đình phải “đăng ký hợp lệ” về nguyên tắc hành hành cho tên gọi của con mình. Nếu không làm điều ấy, thì ai gọi chi mà chẳng được, và họ đều đúng cả, vì ít nhất gia đình đã gọi nó một lần.

Cũng xin nói thêm rằng, từ cuối năm 1983, tôi dắt thằng con lớn trốn vào Nam, sống lang thang đây đó “bất hợp pháp CS”. Tôi tạm thời tá túc trong nhà một người anh bên họ ngoại. Anh ấy là Culi cao su, còn tôi xin vào nhiều lần không được, dù anh ấy đã cố gắng giúp tôi. Vì vậy, tôi đi buôn bầu, mít xoài, điều…từ trong rẫy sâu ra bán ngoài chợ. Thế là, buôn thứ gì thì họ gọi tôi bằng tên ấy: Nào là ông Bầu, ông Mít, ông Điều …Một hôm, vì phải đi ăn giỗ với ông anh, nên tôi không mặc “thường phục”, đứng ở xó chợ, nên người ta nhìn không ra. Bạn hàng lui tới xôn xao, hỏi nhau sao hôm này ông Mít không đến chợ. Họ chờ tôi chứ không mua các thứ Mít của người khác. Có người bảo họ sẽ đợi tôi vào buổi chợ hôm sau, rồi quày quả ra về. Sở dĩ bạn hàng của tôi không chịu mua Mít khác là vì họ đã biết chắc rằng Mít tôi bán là loại thơm ngon thật sự, chứ không phải là cái tên ông Mít. Cảm tình mà họ dành cho tôi chính là hương vị của cái mà tôi bán ra, chứ chẳng phải quần áo rách tôi mang, nón rách tôi đội trên đầu.

Tôi cũng không có “chính danh”, mà cũng chẳng ai thèm hỏi tôi tên thật là gì, trước năm 1975 mi làm gì…cả. Thế nhưng, tôi vẫn là tôi không ai cắn mất miếng nào. Ngoại diện tôi thay đổi tuỳ lúc, tùy nơi; nhưng bản chất nông dân Lạc Việt chất phác không hề thay đổi. Sau nhiều năm xa cách, tôi có dịp gặp lại một số vị lớn tuổi, họ ôm lấy lấy tôi mà khóc, rồi thì người kêu Mít ơi, cùng lúc người gọi thằng Điều, thằng Bầu…làm tôi chảy nước mắt mà không nói lên được lời nào. Có người Công an Cộng sản cũ, hình như bừng tỉnh cơn mơ, ông nói, “thì ra mi còn có tên là thằng Ngụy…” rồi cả đám cùng cười trong cuộc tri ngộ mà không một ai đoán được. Tất cả đều đổi thay, từ áo quần, da tóc…nương rẫy, nhà cửa, thân phận…nhưng tình cảm nông dân chúng tôi không có gì thay đổi cả; và cho đến lúc đó, họ cũng chẳng thèm hỏi tôi tên gì, con ai, ở đâu cả. Tất cả những tên ấy chưa bao giờ là chính danh, tà danh…chi cả. Nó là “tự nhiên danh”, “tự nhiên phận”, không cao, không hạ, không xấu, không tốt, không đúng, không sai…Nó là một vô tình của tất cả hữu tình. Nó không có ngày sinh, cũng không có ngày diệt; bởi vì không ai trong chúng tôi phải đặt ra điều sinh diệt làm gì. Không ai khóc cho tên Mít, Bầu, Điều…ra đời thuở nọ, chẳng ai bận tâm đến “thằng Ngụy” đang đứng trước mặt mình; ngay cả mấy Bác Công an ngày xưa săn đuổi tôi, nay thành dân khổ như ai, cũng lắc đầu thế sự. Vâng, đúng là vô thường. Tất cả hữu hình đều hữu hoại; biến diệt không ngừng mà không hư không mất. Do vậy, dù có bám vào cái tên Văn hoá, Thông minh, hay Đái đen, Đái đỏ, hoặc Mít, Bầu, Điều…hơn thiệt để mà chi. Vấn đề quan trọng là cái bản chất nó có thay đổi hay không, hay là RẮN LAI HOÀN RẰN, dù cho bao lần giả chết làm dây, thu cuốn hình hài làm Bồ câu hoà bình để lừa thiên hạ, mới là chuyện quan trọng.

Vấn đề quan trọng thứ hai là, vì “đạo hoàn vũ La mã” tại Việt nam, hoàn toàn thống thuộc La mã. Nhưng danh xưng giáo hội của “đạo” này là: ROMAN CATHOLIC CHURCH, dịch đúng nguyên văn là GIÁO HỘI HOÀN VŨ LA MÃ, chứ không hề có “công giáo” gì cả. Giáo hội hoàn vũ La mã là giáo hội duy nhất trên hoàn vũ; do đó, tại Việt nam không hề có GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM. Nếu ông bảo có, thì xin ông chỉ rõ tổ chức giáo hội đó phát xuất từ đâu, lúc nào, do ai thành lập, trụ sở ở đâu, đăng ký danh xưng lúc nào ??? Cho đến hiện nay, trên đất nước Việt nam chỉ có MỘT HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM thay mặt Vatican để thực hiện chương trình hoàn vũ, tức là “chăn dắt con chiên” theo GIÁO HỘI HOÀN VŨ LA MÃ. Trên phương diện từ nguyên, chữ Catholic có hai nghĩa: Universal, General. Chữ này bắt nguồn từ chữ Catholikos của Greek. Nghĩa General có vẻ chung chung, tổng quát. Nghĩa chữ Universal là toàn bộ hoàn vũ hay thế giới; nghĩa này phù hợp với mục tiêu của đế quốc La mã khi quốc doanh đạo Do thái. Trái lại, trong Từ điển Việt nam của Đào duy Anh, hai chữ công giáo (Religion officielle) có nghĩa là quốc giáo, chứ không phải cái “chung chung, hoàn vũ” gì cả. Trong Hiến pháp VNCH năm 1967 ghi tại Điều 9, khoản 2 rằng:

“Quốc Gia không thừa nhận một tôn giáo nào là Quốc Giáo. Quốc Gia vô tư đối với sự phát triển của các tôn giáo”.

Do đó, mà từ ngữ “công giáo” không thể hợp hiến. Cũng xin phép nhắc đồng bào rằng, việc diễn dịch một từ ngữ nước ngoài ra chữ nước mình, phải căn cứ trên định nghĩa chính xác, phổ thông của ngôn ngữ mình, chứ không thể nào tùy tiện. Hơn nữa, hai chữ “công giáo” đã hạn chế mục đích tối thượng của “đạo La mã” là phải bao trùm “hoàn vũ”, chứ không thể chỉ nằm trong cái “quốc giáo” của một quốc gia nào; dù quốc gia ấy có rộng lớn bao nhiêu đi nữa. Thêm vào đó, khi nói “đạo công giáo” là một nhóm từ hoàn toàn sai; vì chữ “giáo” nghĩa là “đạo” rồi. Vậy, không lẽ nó là “đạo công đạo” ? Nếu nói rằng “đạo công giáo là đạo chung của mọi người”, thì lại càng sai từ căn bản. Nếu đã là “đạo chung của mọi người”, thì từ trong mỗi lòng người đã có sẵn đạo, cần chi “nhập cảng từ La mã” chứ ? Thêm một bậc nữa là, trên phương diện tôn giáo, đạo này phát xuất từ đạo Do thái, nó bị chia thành Tây phương La mã giáo, Đông phương chính thống giáo, Anh giáo, Phản thệ giáo, Cải cách giáo…; thì không thể gọi nhóm người hơn một tỷ theo chủ trương “hoàn vũ” là “đạo” được, mà phải gọi là “giáo phái La mã” mới đúng. Nếu bảo rằng, đế quốc La mã đã quốc doanh đạo Do thái và thành lập thêm Tân ước, do đó không còn liên hệ đến đạo Do thái, thì chúng ta nên gọi nó là “đạo hoàn vũ La mã” hay gọi tắt là “đạo La mã”, vì danh xưng của họ là ROMAN CATHOLIC CHURCH. Hai chữ đứng đầu là danh xưng họ chọn. Ở đó không biểu hiện sự tôn thờ Thiên chúa hay ai cả; mà sự tôn thờ là “bao trùm hoàn vũ” mà thôi.

Trong “kinh” Rô ma, thánh Phao lô nói:

“Nhưng nếu lẽ thật đức Chúa trời bởi sự nói dối của tôi mà được vinh hiển lớn hơn thì sao tôi còn bị xét đoán như kẻ có tội. (Roma 3:7- Thánh kinh Hội Mỹ quốc).

Còn theo Tân ước của nhóm Kinh phụng vụ, do Tổng giám mục Nguyễn văn Bình ấn chứng thì:

“Nhưng nếu sự giả dối của tôi làm cho thấy rõ hơn Thiên chúa là đấng chân thật, và như vậy càng tôn vinh Người thì tại sao tôi còn bị kết án là kẻ tội lỗi”.

Theo bản tiếng Anh của King James version thì:

“For if the truth of God has more abounded through my lie unto his glory, why yet am I also judged as a sinner ? (Romans 3:7).

Từ ba nguồn Kinh trên đây cho thấy, sở dĩ Thiên chúa hay đức Chúa trời được “rạng danh” là do sự “dối láo” của Phao lô mà ra ! Vì vậy chuyện nói Thiên chúa hay đức Chúa trời là chuyện nói láo ! “Thánh Phao lô” đã cải danh ông thần God, tức thần Do thái thành Thiên chúa (hay đức Chúa trời) bằng những lời nói láo do chính ông nói ra; chính ông thú nhận, chứ không phải ai khác ! Vị “thánh luận sư” này là một người “công chính” vậy. Chính vì chỗ này mà người Do thái đã cố gắng chống lại đế quốc La mã, và đã bị liên tục tiêu diệt cho đến ngày nay.

Từ những chỗ này cho chúng ta biết không thể gọi là ĐẠO THIÊN CHÚA, ĐẠO CÔNG GIÁO, dù bất cứ với giáo phái nào. Nếu như chấp nhận “Đông phương Chính thống giáo”, thì phải gọi phái kia là “Tây phương La mã Tà Ngụy giáo”, vì hai tổ chức này chia tay nhau từ Công đồng I do đế quốc La mã áp đặt để quốc doanh đạo Do thái năm 325. Khi truy tìm danh xưng “công giáo”, tôi không thấy bất cứ một tài liệu nào nói về sự phát xuất TỪ này. Chỉ trong cuốn Đảng Cần lao của Chu bằng Lĩnh có đề cập đến mà thôi. Nhưng việc đề cập ấy không phải là Đạo, mà là Đảng chính trị. Hai chữ “công giáo” này được ghi nhận qua ý kiến của nhóm Giám mục Lê hữu Từ ở Phát Diệm. Đó là tư tưởng thành lập một đảng chính trị mang tên: CÔNG GIÁO XÃ HỘI. Nhưng tên đảng này đã bị sửa lại thành CẦN LAO CÔNG GIÁO với chủ thuyết nhân vị do Ngô đình Nhu và một số Giám mục, Linh mục bày vẽ ra. Để có chứng cứ, tôi xin trích một đoạn mở đầu Hiến pháp đệ nhất Cộng hoà do Tổng thống Ngô đình Diệm ban hành ngày 26-10-1956 như sau:

“…Tin tưởng vào tương lai huy hoàng của Tổ quốc Dân tộc Việt nam mà lịch sử tranh đấu oai hùng của tổ tiên và ý chí quật cường của toàn dân đảm bảo.

Tin tưởng ở sự trường tồn của nền văn minh Việt nam; căn cứ trên nền tảng DUY LINH mà toàn dân đều có nhiệm vụ phát huy;

Tin tưởng ở giá trị siêu việt của con người mà sự phát triển tự do điều hoà và đầy đủ trong cương vị cá nhân cũng như trong đời sống tập thể phải là mục đích của mọi hoạt động quốc gia… Ý thức rằng nước ta ở trên con đường di dân và giao thông quốc tế, dân tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mạng trước ĐẤNG TẠO HOÁ và trước nhân loại là xây dựng một nền văn minh và nhân bản bảo vệ phát triển con người toàn diện…”.

Bọn Dân biểu gia nô đã thực hiện mệnh lệnh Diệm- Nhu áp đặt chủ thuyết La mã vào Hiến pháp này để phục vụ cho mưu đồ “La mã hóa” Việt nam mà phục sự cho TẠO HOÁ LA MÃ theo sự lừa dối của Phao lô. Những ai thắc mắc về “cần lao công giáo” hãy nghiên cứu kỹ Hiến pháp này trước khi hỏi có “cần lao Phật giáo” hay không. Nó xây dựng “cần lao Việt nam” chứ không phải chỉ một phe phái, tôn giáo nào ! Vậy không lẽ các đấng “con chiên” Việt nam muốn thực sự “tôn giáo” mình chính thức là một đảng chính trị hoàn vũ La mã ? Điều ấy có lẽ đúng, vì ROMAN CATHOLIC CHURCH =STATE OF VATICAN.

Qua vài nét chấm phá như trên, tôi xin tóm lược như sau:

1-Không thể gọi đạo “hoàn vũ La mã” là “công giáo”, mà phải dùng đúng như người ta tự đặt.

2-Không thể dùng chữ “công giáo” vì sai từ nguyên.

3-Không thể dùng chữ ”công giáo” vì không đúng nghĩa trong tiếng Việt.

4-Đạo “công giáo” không có trên thế giới.

5-Qua Dụ số 10 được Tổng thống Ngô đình Diệm áp dụng đến năm 1963, tại Việt nam không hề có đạo “công giáo”.

6-Không có danh xưng, trụ sở… tổ chức nào là “công giáo” trên lãnh thổ Việt nam cho đến nay.

7-Hiến pháp đệ nhất Cộng hoà không nói đến, Hiến pháp đệ nhị Cộng hoà không công nhận tôn giáo nào là “quốc giáo”, tức “công giáo”.(theo Từ điển Đào duy Anh)

Nhân đây, cũng xin đề nghị:

-Gọi “đạo Thiên chúa” là đạo Hoàn vũ La mã hay đạo La mã. (Theo Từ điển ĐDA trang 405: Thiên chúa giáo: Một phái trong giáo Cơ đốc lấy Giáo hoàng La mã làm chủ (Catholicisme).).

-Không thể gọi là Thiên chúa giáo hay đạo Thiên chúa; vì như đã dẫn, Thiên chúa chỉ do sự nói dối của Phao lô mà có. Nếu gọi chung thì phải nói đúng là ĐẠO THẦN GOD LA MÃ.

-Gọi các giáo phái mà thói quen gọi là “Tin Lành” đúng theo danh xưng của họ là Phản thệ hay Cải cách, hoặc theo từng danh xưng riêng của từng phái, vì không có đạo nào trên thế giới là Tin Lành cả. Nếu gọi chung thì gọi là PHẢN CẢI GIÁO, tức bao gồm cả Phản thệ và Cải cách.(nay đã trên hai trăm giáo phái khác nhau)

-Không dùng chữ Cha, đức Cha, Thánh Cha, đức Ông, Cố đạo, Chủ chăn, Con Chiên…vì tất cả thứ này sai, chống Kinh điển:

“Cũng đừng gọi người nào ở thế gian là CHA mình, vì các ngươi chỉ có một CHA là đấng ở trên trời. Cũng đừng chịu ai gọi mình là CHỦ, vì các ngươi chỉ có một CHỦ là đấng Christ”. (Tân ước, Matthew 23: 9-10)

Như thế, gọi theo cách trên đây là hỗn xược với Chúa, với ngài Giê su. Hai chữ “con chiên” và “chủ chăn” là sự làm nhục Chúa trời và Con Một của ngài; bởi vì chữ Kitô hữu, tức là bạn Chúa, không lẽ bạn ngài là thú thôi sao ? Do đó xin đề nghị:

-Gọi chung các vị “linh mục, Mục sư” là GIÁO SỸ, bởi vì kẻ chăn dắt linh hồn là Chúa trời và con ngài, chứ không thể là một xác phàm dơ dáy. Khi cần phân biệt thì nói thêm một vài chữ. Thí dụ GIÁO SỸ LA MÃ chẳng hạn. Có một mạng gọi là GIÁO SỸ VIỆT NAM đã dùng hai chữ GIÁO SỸ này.

-Không gọi “con chiên”, mà gọi là KITÔ HỮU hay TÍN HỮU. Có nhiều ngài, nhiều nơi Chính thức đã gọi như thế.

Trên đây là lòng thành góp ý theo Kinh điển, Luật pháp, Thực tế, Ngôn ngữ Việt và Ý nghĩa huyền diệu của tôn giáo. Ước mong các bậc cao minh cho ý kiến để thống nhất tên gọi cho đúng đắn trong tiếng Việt. Kính mong Hội đồng Giám mục Việt nam lên tiếng để người Việt thuần túy chúng tôi không bi gọi là: “tâm hồn hạ đẳng, đầu óc u mê, ích kỷ, có tấm lòng hẹp hòi, ác độc, có tư cách xã giao tồi bại, xấu xa” như một trong những người theo La mã giáo các ngài đã sỉ vả. Cao xa hơn nữa là sự “CHÍNH DANH” của một tôn giáo mà các ngài đang rao truyền.

Mong lắm thay.

BQK-24-01-10

 

nguồn http://chinhnghiaviet.informe.com/forum/ton-giao-ch-ngh-a-f21/gop-y-v-danh-x-ng-cong-giao-t497.html