CÁI TỪ VÀ CÁI TÂM

Nguyễn Văn Thịnh

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_23.php

05-Jun-2018

Cục Tuyên huấn cũng đã có công văn phản đối, yêu cầu “Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử” phải đính chính lại vì quan điểm của Tổng cục Chính trị mà đồng chí Diện đại diện là phải viết đúng sự thật lịch sử, không thể bỏ cụm từ “ngụy...”. (NVT)

Bảo Đại - Ngô Đình Diệm - Nguyễn văn Thiệu: 3 chính phủ ngụy

Ai cũng biết ngụy vốn là từ gốc Hán được Việt hóa, đã thành thông dụng, với “người chữ nghĩa” nói ra đều hiểu: Ngụy lý, ngụy danh, ngụy quân tử… Còn như cái , cái danh, cái quân tử ấy có “ngụy” thật không là do cái tâm người nói, cái “đầu” người nghe. Ấy thế mà bộ “Lịch sử Việt Nam 15 tập” –  NXB Khoa học xã hội (đề tài cấp Bộ do Viện Sử học tiến hành) đang khuấy động dư luận xã hội quanh một cái từ ngụy.

Nguyệt san NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ, Tổng biên tập là ông PGSTS Đinh Quang Hải, số 1 (501)/2018, đưa thông tin của Viện Sử học: Ban Tuyên giáo trung ương họp Hội đồng thẩm định bộ sách.

Tất nhiên là có dẫn nhiều lời phát biểu của những vị chức sắc, người viết trích dẫn ra đây một ý: “… Riêng về vấn đề gọi tên “chính quyền Sài Gòn” hay “Việt Nam Cộng hòa”, Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện (Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị QĐNDVN) cho rằng: Chính quyền Sài Gòn là một thực thể, cách gọi “ngụy quyền” là biểu cảm. Có nhiều cách gọi khác nhau, song cần dùng từ cho khách quan và khoa học. Hiện nay đã có nhiều công trình được xuất bản sử dụng tên gọi “chính quyền Sài Gòn” hay “Việt Nam Cộng hòa”, trong đó có cả sách do Bộ Quốc Phòng chỉ đạo biên soạn.

Nội dung công trình đảm bảo tính khoa học, tính chính trị và tư tưởng. Vấn đề báo chí nêu lên vừa qua là không chính xác, cần sử lý thông tin không đúng trên báo chí”.

Thế nhưng sáng ngày 8/5/2018, trong buổi gặp gỡ với các vị lãnh đạo Cục Tuyên huấn (các thời kỳ) – Tổng cục Chính trị QĐNDVN, được Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn đưa lên stt: “Nhân cuộc gặp này tôi đã làm rõ thêm một vấn đề mà Tạp chí Nghiên cứu lịch sử của Viện sử học VN trong số 01 năm 2018 đã đăng về phát biểu của đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định Bộ sử 15 tập. Đồng chí Diện đã khẳng định việc Tạp chí đăng những nội dung đồng chí phát biểu là sai sự thật; Cục Tuyên huấn cũng đã có công văn phản đối, yêu cầu “Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử” phải đính chính lại vì quan điểm của Tổng cục Chính trị mà đồng chí Diện đại diện là phải viết đúng sự thật lịch sử, không thể bỏ cụm từ “ngụy...”.

Hẳn nhiên người đọc không khỏi ngỡ ngàng. Sử học không thể có chuyện “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Ai có trách nhiệm làm cho ra lẽ?

Người viết điểm lại mấy đời cái gọi là “chính thể quốc gia Việt Nam” nối nghiệp nhau:

1/ Chính thể quốc gia Bảo Đại:

Xem trong lịch sử cận đại Việt Nam, cụ thể là vương triều Nguyễn Gia Long, qua 13 đời vua trường yểu, đến đời vua cuối cùng Bảo Đại chẳng những đã mang tiếng bù nhìn, tay sai, lại mang thêm tiếng ngụy. Vì sao?

Bảo Đại

Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu sang thăm Paris 1939

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, ngày 10/3/1945, viên Khâm sứ Nhật vào Hoàng cung gặp vua Bảo Đại, nói suông trao trả độc lập cho Việt Nam, đề nghị vua ra Tuyên bố độc lập và chuẩn bị thành lập chính phủ mới trên cơ sở hợp tác dưới sự bảo trợ của Nhật!

Đang vui sau một cuộc đi săn trên cao nguyên về, tưởng như được trời cho “Châu về Hợp phố”, vua tôi hí hửng ra ngay cái “Tuyên cáo độc lập”, từ bỏ mọi ràng buộc với nước mẹ Đại Pháp và cho ra đời cái Chính phủ “Đế quốc Việt Nam”. Bao nhiêu bộ óc đặc quánh chữ tây, nho mà chẳng ai nghĩ ra ngày 27/11/1943 phe Đồng minh đã phát đi “Tuyên bố Cairo” cảnh báo rằng: “Sẽ không công nhận bất cứ chính phủ nào do Đế Quốc Nhật thành lập tại các lãnh thổ chiếm đóng! Chẳng những thế, quân thần còn mụ mị tới mức quân đội Nhật hoàng đang thở hắt ra trong cơn hấp hối, ngài Tổng trưởng chính phủ vào bậc túc nho còn đưa ra lời tuyên bố rất chi là tăm tối: “Việc nước Đức đầu hàng không hại gì đến sự liên lạc mật thiết giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam... Sự bại trận ấy không giảm lòng chúng ta kiên quyết giúp Nhật Bản theo đuổi cuộc chiến đấu cho đến khi toàn thắng để kiến thiết vùng Đại Đông Á” (Phạm Khắc Hòe – Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc). Đấy là cái chính phủ ngụy đầu tiên ở Việt Nam không dưng đẩy dân tộc ta đang chịu đọa đày dưới ách đô hộ của đế quốc thực dân, lại thêm đối đầu với cao trào chống phát xít của nhân dân toàn thế giới!

May nhờ hồng phúc giang sơn, chớp thời cơ ấy, Việt Minh kêu gọi toàn dân Việt Nam đứng đều lên dốc sức một lòng làm cuộc cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước chỉ có một tuần. Tại Kinh đô Huế, vua Bảo Đại đọc lời Tuyên cáo: “…  Trẫm quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một Chính phủ dân chủ cộng hòa…”. Và tại Thủ đô Hà Nội, Cụ Hồ Chí Minh –  Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã là một nước tự do độc lập”.

Sau cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu ngày 6/1/1946, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nhà nước Việt Nam, vị Trưởng Ban thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố, một trong “tứ đại danh nhân văn hóa Bắc kỳ” nửa đầu thế kỷ XX (Quỳnh – Vĩnh – Tố – Tốn), đọc lời Tuyên ngôn với đồng bào cả nước và nhân dân toàn thế giới: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam. Chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hòa, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân… Với sự quyết tâm của toàn thể quốc dân Việt Nam, nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, Trung Nam Bắc một khối như xưa” (LSVN tập 10 – NXBKHXH 2017).

Năm 1947, trong chiến dịch tấn công của quân Pháp vào chiến khu Việt Bắc, nhà chí sỹ không may bị bắt, giặc dụ về thành không được nên bị chúng sát hại! Trong lễ truy điệu, Hồ Chủ tịch đọc lời điếu thương tiếc bậc hiền tài với những lời thống thiết: “Nhớ cụ xưa: Văn chương thuần túy học vấn cao sâu / Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết / Mở mang văn hóa cụ dốc một lòng / Phú quý công danh cụ nào có thiết”. Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, suốt 30 năm trường kỳ tranh đấu chèo chống quốc dân hoàn thành trọng trách Quốc hội trao cho.

Về vua Bảo Đại: Sau ngày lễ thoái vị, ông lãnh binh Đội cận vệ bảo vệ hoàng gia tìm gặp các chiến sỹ Thanh niên vũ trang tiền tuyến, nói: “Hôm các ông ra lệnh hạ cờ nhà vua, treo cờ cách mạng lên cột cờ lớn, vì nhiệm vụ bảo vệ hoàng cung, tôi đã cho 120 lính khố vàng nằm rạp dọc cửa thành Ngọ môn, giương súng lên chờ lệnh. Tôi xin ý kiến Hoàng đế, Ngài thét lên và bảo: “Chớ, chớ! Việt Minh đấy. Các ngươi mà bắn thì Trẫm là người chết trước đó"! (Nửa thế kỷ hành quân cùng đồng đội – Hồi ký của Thiếu tướng Mai Xuân Tần – NXBQĐND – 2006).

Sau đó cựu hoàng được mời ra Thủ đô làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ Việt Nam mới. Ngày 11 tháng 3 năm 1946, Chính phủ cử một đoàn ngoại giao qua Trùng Khánh đàm phán với Chính phủ Tưởng Giới Thạch giúp đỡ vũ khí và tài chính. Cố vấn Vĩnh Thụy yêu cầu được đi chơi, Thứ trưởng Ngoại giao Nghiêm Kế Tổ lãnh chức Trưởng đoàn. Việc lớn không thành. Trước giờ về nước, cựu hoàng quên ngay lời nói trước muôn dân 6 tháng trước đó: “Sau 20 năm ngai vàng bệ ngọc đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập”, thông báo với đoàn: “Tôi ở lại đi du lịch!" Ông Hà Phú Hương, bạn học với Võ Nguyên Giáp ở trường Quốc học Huế, một cựu tù nổi tiếng ở nhà ngục Kontum, cùng đi trong đoàn, không kìm nén được giận: “Thưa ngài, ngài chỉ nghĩ đến ăn chơi, gái và cờ bạc!" Ngài mỉm cười, không nói gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ ý tiếc sự lựa chọn của Bảo Đại. Cụ còn thuyết phục Chính phủ gửi cho Bảo Đại một số tiền. Báo chí Hà Nội không có bài nào lên án hành động của ông Cố vấn tối cao. Những chuyện xấu xa về tư cách của ông được bàn tán, lan rộng khắp phố phường” (Bảo Đại hay Những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam – Daniel Grand Clément – NXB Phụ Nữ 2006). Tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội vào đầu tháng 11/1946, với sự vắng mặt không có lý do của một số đại biểu Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ… (ông Vĩnh Thụy từ Hồng Kông có gửi thư về từ nhiệm mọi chức vụ), Hồ Chủ tịch nói: “Lúc nước nhà đang gặp khó khăn, quốc dân tin ở người nào mới trao cho người ấy công việc lớn, mà các ông ấy lại bỏ đi thì các ông ấy tự hỏi lương tâm mình… Những người bỏ đi kia chứng tỏ họ không muốn gánh vác việc nước nhà, hoặc họ không đủ năng lực mà gánh nổi. Nay chúng ta không có họ ở đây, chúng ta cũng cứ gánh được như thường. Nhưng nếu các anh em ấy biết nghĩ lại mà trở về, thì chúng ta vẫn hoan nghênh” (LSVN tập 10, trang 121 – NXBKHXH 2017).

Danh hiệu “Quốc Gia Việt Nam” (QGVN) được sử dụng từ ngày 5 tháng Sáu năm 1948, sau khi Cao Ủy Pháp tại Đông Dương Émile Bollaert và đại diện của Bảo Đại là Nguyễn Văn Xuân ký Hiệp định Hạ Long nhìn nhận nền “độc lập” của Việt Nam. Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Thỏa ước Pháp-Việt ra đời với nội dung chủ yếu như sau:

Pháp khẳng định Việt Nam có toàn quyền cai trị(?!) nhưng phải có cố vấn chính trị Pháp bên cạnh; Việt Nam có quân đội riêng nhưng do người Pháp huấn luyện; Quân đội Pháp có quyền đóng trên đất Việt Nam và được toàn quyền tự do hành động. Lúc có chiến tranh, tất cả quân đội Việt Nam đặt dưới sự chỉ huy của quân đội Pháp; Đồng tiền Việt Nam phải phụ thuộc vào đồng tiền franc Pháp; Quyền phát hành giấy bạc ở trong tay Ngân hàng Đông Dương (chi nhánh của ngân hàng Pháp quốc – NV); Tất cả các trường đại học Việt Nam dùng tiếng Pháp; Sự thống nhất Nam Bộ vào Việt Nam thực hiện sau khi trưng cầu ý kiến nhân dân Nam Bộ hay những người đại diện cho họ và phải được Nghị viện Pháp chấp thuận; Hoạt động ngoại giao của Việt Nam gắn với các hoạt động ngoại giao của Liên hiệp Pháp. Các đoàn ngoại giao nước ngoài trình ủy nhiệm thư cho Tổng thống Pháp và Hoàng đế Việt Nam. Các đoàn ngoại giao Việt Nam nhận ủy nhiệm thư của Tổng thống Pháp với chữ ký của Hoàng đế Việt Nam. Chính phủ Bảo Đại chỉ được lập Đại sứ tại Thái Lan, Trung Hoa Quốc dân Đảng và Tòa thánh Vatican. Tiếng Pháp là ngôn ngữ dùng trong ngoại giao của Việt Nam (LSVN tập 10, trang 329).

Phế đế phản phé đi hoang rồi lại quay về với mẹ nuôi xưa, đúng như lời ông tự bạch: “Tôi mới là con điếm đích thực"! (Bảo Đại… sđd) và được cho ngồi ngai  Quốc trưởng của cái quốc gia ấy!

Trong khi nhân dân cả nước và biết bao chiến sỹ vệ quốc quân chịu mọi gian khổ hy sinh đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu thì ông vua vong bản phóng đãng, để mặc thần dân dưới gót giày, họng súng của quân xâm lược. Người trong và ngoài nước đều biết hết.

2/ Chính thể quốc gia Ngô Đình Diệm (còn gọi là nền Đệ Nhất Cộng Hòa):

Tổng Thống Đệ I VNCH Ngô Đình Diệm

Nửa phần đất nước phía Nam hiện đang tồn tại trong một quốc gia hòa bình, ổn định và phát triển vẫn là nhân chứng sinh động nhất.

Người viết sưu tra một số tư liệu giới thiệu với các bạn đọc trẻ và gợi lại trong trí nhớ những người mau quên.

a. Về thân thế vị nguyên thủ quốc gia:

Tài liệu còn lưu giữ tại Trung tâm các Văn khố Hải ngoại (CAOM, Aix-en-Provence) của nước Pháp, do Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu phát hiện (Nguồn: Sách Hiếm):

** Thư của Giám mục Pierre Martin Ngô Đình Thục,

Giám quản tông tòa Giáo phận Vĩnh Long,

gửi Đô đốc Pháp Jean Decoux, Toàn quyền Đông Dương.

Tòa Truyền Giáo Vĩnh Long ngày 21/8/1944

Thưa Đô Đốc,

Một linh mục từ bổn Tòa được phái đi Sài Gòn để lo việc cho chủng viện vừa cho tôi biết rằng hai người em của tôi đang bị truy tố tại Huế.

Nếu hoạt động của hai em tôi được chứng tỏ là có hại cho quyền lợi nước Pháp thì – với tư cách của một Giám mục, của một người An-nam, và với tư cách là người con của một gia đình mà thân phụ tôi đã phục vụ nước Pháp ngay từ khi Pháp mới đến An-nam, và đã nhiều lần đưa mạng sống cho nước Pháp trong các cuộc hành quân mà cha tôi cầm đầu, dưới quyền Nguyễn Thân, chống lại các kẻ nổi loạn do Phan Đình Phùng chỉ huy, tại Nghệ-an và Hà-tịnh – tôi, tự đáy lòng, không chấp nhận (hoạt động của các em tôi).

Có thể tôi lầm, tuy nhiên, thưa Đô Đốc, cho đến khi được chứng minh ngược lại, tôi xin thú thực là không tin rằng các em tôi đã phản lại truyền thống của gia đình chúng tôi đến như thế, một gia đình đã tự mình gắn liền với nước Pháp từ lúc ban đầu, trong khi ông cha của những quan lại bây giờ hầu hết đều chống lại Pháp và chỉ quyết định thiên về Pháp khi thấy có lợi.

Ngay chính các em tôi đã từng liên tục đưa mạng sống ra vì nước Pháp, trong cuộc nổi loạn của Cộng Sản. Diệm, người em kế tôi, suýt đã phải ngã gục dưới những phát súng của một Hoa kiều Chợ Lớn được phái đến Phan-rang với mục đích hại Diệm, Phan-rang là nơi mà Diệm đã mãnh liệt chống giữ lối xâm nhập vào An-nam của các cán bộ Cộng Sản từ Nam Kỳ phái đến.

** Thư của Thủ tướng Ngô Đình Diệm gửi Quốc trưởng Bảo Đại:

Kính gởi Hoàng thượng Bảo Đại

Quốc trưởng Việt Nam

Kính thưa Ngài,

Ngài đã biết rõ sự bất vụ lợi và lòng trung thành của dòng họ chúng tôi, trong quá khứ, đã phục vụ Tổ quốc và Hoàng triều như thế nào. Xin Ngài hãy tin tưởng rằng đến lượt tôi, tôi sẽ cố gắng tiếp tục phục vụ với tất cà sức lực và tâm hồn để xứng đáng với lòng tin cậy thân yêu mà Ngài đã dành cho.

Tình trạng đất nước, bị xâu xé và tàn phá bởi cuộc chiến lâu ngày nầy đã gây quá nhiều lo âu cho tôi, vì vậy những bằng chứng về lòng tin tưởng thương yêu của Hoàng thượng sẽ là một niềm khích lệ vô giá đối với tôi.

Sài gòn, ngày 10 tháng 11 năm 1954

Ngô Đình Diệm

 

Mười một tháng sau lá thư bày tỏ “lòng trung thành tôn kính và thâm sâu” nói trên, ông Diệm tiến hành một chiến dịch lăng nhục hoàng đế và tổ chức Trưng cầu dân ý gian lận để truất phế vua Bảo Đại và tự phong mình làm Quốc Trưởng với… 98.2% số phiếu!(Trong hầu hết các nơi bỏ phiếu, số phiếu bỏ cho Diệm hơn cả nhiều ngàn so với số cử tri. Thí dụ, Ở vùng Saigon-Chợ Lớn, đếm được 605,205 phiếu trên số 450,000 cử tri ghi danh. Với sự giúp đỡ của CIA tổ chức cuộc bầu cử gian lận năm 1955, Diệm hủy bỏ chế độ quân chủ và Bảo Đại bị cưỡng bức phải sống trong cảnh lưu đầy cho đến chết).

b- Lược ghi vài nhận định trong bài viết “Vài nét về Cụ Diệm” của GS TS Vật lý Trần Chung Ngọc, một nhân cách lớn, một nhà khoa học thông tuệ về nhiều vấn đề triết học, xã hội, tôn giáo, từng là Trung Úy dạy học tại trường Võ bị sỹ quan Đà Lạt, như sau:

Đã viết về “Cụ Hồ” mà lại không viết về “Cụ Diệm” thì quả là một điều thiếu sót, vì dù sao ông Diệm cũng đã là Tổng Thống của miền Nam trong 9 năm. Nhưng bài viết tuyệt đối không phải để đối chiếu so sánh “Cụ Diệm” với “Cụ Hồ” vì không ai có đôi chút hiểu biết lại đi làm công việc vô trí như thế. Tại sao? Vì một đằng suốt đời sống gian khổ, tổ chức, tập họp những người yêu nước chống Pháp, mong giành lại độc lập và thống nhất cho đất nước (Cụ Hồ), một đằng làm quan cho Pháp, bắt người yêu nước chống Pháp tra khảo, rồi nằm yên vị trong các Trường Dòng Công Giáo ở Mỹ, Bỉ trong khi nước nhà sôi bỏng vì cuộc kháng chiến chống Pháp trở lại Đông Dương, rồi phút cuối trở về làm “chí sĩ cứu tinh dân tộc” (Cụ Diệm). Thành tích “yêu nước” nổi bật nhất của ông là trong thời Pháp thuộc, khi làm Tri phủ Hòa Đa, ông đã dùng đèn cầy đốt hậu môn của những người yêu nước chống Pháp để tra khảo.

Ý thức được rằng mình đang ném ngai vàng đi, Bảo Đại bắt Diệm phải thề trước cây Thánh Giá trung thành với ông, và nhiều nhân chứng có thẩm quyền quả quyết là Diệm cũng còn quỳ xuống trước Hoàng Hậu Nam Phương là sẽ làm hết sức trong phạm vi quyền lực của mình để giữ ngai vàng cho Hoàng Tử Bảo Long, con của Bảo Đại… “Hồng Y Spellman là người Mỹ đầu tiên nghĩ đến việc đưa Diệm về lãnh đạo Nam Việt Nam bởi ông ta nhìn thấy những đặc điểm ở Ngô Đình Diệm: Công Giáo nồng nhiệt và chống Cộng điên cuồng, mà ông ta muốn có. Giáo hoàng quan tâm đến sự càng ngày càng thắng lợi của Cộng sản do đó làm suy yếu giáo hội. Lập trường của Spellman về Việt Nam phù hợp với những mong ước của giáo hoàng. Giáo hoàng ra lệnh cho Spellman khuyến khích Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Hồng Y Spellman đã đến Việt Nam nhiều lần, đi tới các tiền đồn để khuyến khích lính Mỹ chiến đấu cho Chúa. Trong một bài giảng về  Giáo hội thời Trung Cổ, Spellman bảo với binh sĩ Mỹ họ là những thánh chiến quân tham gia vào cuộc chiến của Chúa Ki Tô chống Việt Cộng và dân chúng Bắc Việt” (The John Cooney, p.384: In a lesson from the medieval Church, Spellman told the troops they were “holy crusaders” engaged in “Christ’s war against the Viet-cong and the people of North Vietnam).

Không như các nhà chùa Phật giáo, nhà thờ Công giáo được đặc quyền sở hữu tài sản đất đai, cũng như trong thời Pháp thuộc. Với thời gian, như là hậu quả của sự kỳ thị và của những biện pháp đàn áp, sự bất mãn của tuyệt đại đa số dân chúng và của những nhà sư càng ngày càng tăng đưa đến những phản đối chính trị chống Diệm. Khuynh hướng toàn trị của Diệm đã đưa đến việc thành lập một đảng chính trị riêng tư, đảng Cần Lao, một đảng duy nhất (Thời đó không thấy ai đòi đa nguyên đa đảng – TCN). Đảng Cần Lao phục vụ gia đình họ Ngô như là mật vụ, dập theo khuôn mẫu của Nhật Bản trong Thế Chiến II – mà Diệm đã nghiên cứu kỹ chi tiết ("Vietnam Revisited" by David Dellinger, p. 35). "Cho tới năm 1963 mật vụ của Diệm đã bắt giữ hoặc đẩy vào tay những kẻ thù hầu như mọi người quốc gia có tên tuổi đã chiến đấu cho tự do của đất nước trong 20 năm trước." ("An Eye For The Dragon" by Dennis Bloodworth; Farrar, Straus & Giroux, New York 1970, p. 209) Theo Malcolm Browne: “Chế độ Diệm đã bị cả nước oán ghét. Nếu nhà Ngô còn cầm quyền cho đến ngày nay (1965) thì chắc chắn là Việt Nam sẽ hoàn toàn là Cộng sản”("Nobody Wanted War" by Ralph K. White, A Doubleday Anchor Book, New York 1970, p. 91). Tuy nhiên những người Công giáo hoài Ngô ngày nay vẫn còn đưa ra luận điệu: “Còn cụ thì không mất nước”(?!).

Họ có biết lòng dạ các ông chủ Nhà trắng với những kẻ được chi tiền vỗ béo? J. Kennedy chửi độc: “Cái bọn chó đẻ đáng nguyền rủa ấy”… “Nó (ám chỉ chính quyền VNCH) là con đẻ của chúng ta. Chúng ta không thể từ bỏ nó!”B. Johnson chẳng từ những lời khinh miệt: “Diệm là thằng con trai duy nhất mà chúng ta có được ở đó!” (“Robert S.Mc.Namara: Nhìn lại quá khứ. Tấn thảm kịch và những bài học Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.43-44”)

Và kết cục của nền Đệ nhất cộng hòa cùng với người khai sinh ra nó thê thảm thế nào, mọi người đều biết khi “nhà chí sỹ” này chưa kịp kéo dài “Biên giới của Hoa Kỳ không dừng lại ở Đại Tây Dương và những vùng duyên hải Thái Bình Dương, mà còn mở rộng đến khu vực Đông Nam Á, đến sông Bến Hải, nơi phân chia Việt Nam ở vĩ tuyến 17  ” (Diễn từ của Ngô Đình Diệm tại New York ngày 13/5/1957)!

3/ Chính thể quốc gia Nguyễn Văn Thiệu: (còn gọi là nền Đệ nhị cộng hòa)

Thời kỳ này hiện còn rất nhiều chứng nhân và tư liệu. Người viết chỉ trích dẫn vài câu nói điển hình của hàng “phương diện quốc gia” vào giờ phút lâm chung của nền cộng hòa của cái quốc gia ấy để bạn đọc suy ngẫm:

Tổng Thống Đệ II VNCH Nguyễn Văn Thiệu

- Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Người Mỹ đưa viện trợ nhiều thì chúng tôi đánh nhiều, còn đưa ít thì chúng tôi đánh ít! Nếu Hoa Kỳ không viện trợ cho chúng tôi thì không phải là một ngày, một tháng, một năm, mà chỉ sau 3 giờ chúng tôi sẽ rời khỏi dinh độc lập!" Trước khi từ chức, vị Tổng tư lệnh quân lực VNCH còn ra giá chi li với ông chủ Mỹ: “Nếu mức viện trợ quân sự là 1,4 tỷ USD thì có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư của cả 4 vùng chiến thuật. Nếu là 1,1 tỷ thì vùng I phải bỏ. Nếu là 900 triệu thì khó lòng giữ được vùng I và vùng II chiến thuật. Nếu là 750 triệu thì chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc. Nếu dưới 600 triệu thì chỉ còn giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long”.

Phó Tổng Thống Đệ Nhị VNCH Nguyễn Cao Kỳ

- Nguyên Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ viết trong hồi ký Đường về: “Việt cộng gọi chúng tôi là những con rối, những con bù nhìn của người Mỹ. Nhưng rồi chính nhân dân Mỹ cũng gọi chúng tôi là những con bù nhìn của người Mỹ chứ không phải là lãnh tụ chân chính của nhân dân Việt Nam. Ông Mỹ lúc nào cũng đứng ra làm kép chính. Chúng tôi không có quyền lực và vai trò gì quan trọng, vì vậy nhiều người cho đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ mà chúng tôi chỉ là những kẻ đánh thuê”! 

- Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên thản nhiên: “Chúng ta không có trách nhiệm về chiến tranh. Trách nhiệm về cuộc chiến tranh ở đây là của người Mỹ. Chính sách đó do họ đẻ ra. Chúng ta chí theo họ mà thôi”.

Nửa triệu quân Mỹ kéo theo cả vạn bầy lâu la thổ phỉ vào tàn phá hủy diệt miền Nam Việt Nam như nhà không chủ. Khi nhận ra sự hao người tốn của dốc vào một việc làm vô ích thì họ phủi tay, bàn chuyện hơn thiệt với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Giới quan chức vong bản đầu sỏ không chịu để Nhà trắng chạy làng, bày đủ chiêu trò gây khó dễ, đến mức ông chủ phát khùng lên, bàn cách tính chuyện với thằng trò ngang ngạnh:

- Henry Kissingger nổi quạo: “Không thể để cái đuôi con chó phản lại đầu con chó được!"

- Con diều hâu Nixon chẳng cần giấu giếm: “Tôi không biết liệu lời đe dọa đó có đủ không, nhưng tôi sẽ làm bất cứ việc chết tiệt gì – kể cả việc cắt đầu hắn ta (Nguyễn Văn Thiệu), nếu việc đó là cần thiết!" Lịch sử nước Mỹ khi nhắc tới vị Tổng Thống thứ 37 của mình hẳn không quên nhắc tới chuyện Việt Nam và từ “Watergate”.

Những chính quyền, đội quân dán hiệu “quốc gia” đó hoàn toàn do quân xâm lược nặn ra nhằm mục đích thực hiện âm mưu hiểm độc “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” và “dùng người bản xứ trị người bản xứ”. Bù nhìn, tay sai là thuộc tính tất yếu của một chính quyền và đội quân “ngụy tạo”. Đó là nỗi đau lịch sử của một dân tộc khi gặp họa xâm lăng và cũng là nỗi đau của mỗi con người lương thiện bị lâm vào nghịch cảnh trớ trêu. Cuộc đấu tranh một mất một còn càng quyết liệt thì bộ máy chiến tranh tâm lý mặc sức bày ra đủ mọi chiêu trò “ngụy danh”, “ngụy thuật” để lôi kéo dân chúng về mình. Sự gắn bó của một bộ phận không nhỏ người bản xứ với kẻ thống trị ngoại bang đã thành mối quan hệ thiết thân, thật khó minh định đâu chính đâu tà. Thời gian càng dài, càng khó giải. Dân tộc ta hơn một lần chịu cảnh huống ấy, nhưng lần này là lâu dài nhất.

“Cái gì của César trả lại cho César”. Vật báu bị cướp đoạt ta đã đòi lại được. Bốn phương manh lệ một nhà chung lo đời mới. Từ cuộc đấu tranh trường kỳ oanh liệt kiên cường đã sinh ra một Đảng cách mạng, một nhà nước, một quân đội thật sự từ nhân dân mà ra và vì nhân dân mà chiến đấu, giành lại độc lập tổ quốc, thống nhất đất nước, chủ quyền dân tộc. Dù là thể chế Dân chủ cộng hòa hay là Xã hội chủ nghĩa đều nhằm mục tiêu Độc lập, Tự do, Dân chủ, Hòa bình, Hữu nghị, Công bằng, Văn minh, Tiến bộ. Đất nước đổi mới, từng bước đi lên. Trên tổ quốc Việt Nam bây giờ, không có ngụy quyền, không có ngụy quân, chỉ có 90 triệu công dân đều bình đẳng trước pháp luật trong một nhà nước thật sự của dân, lo chuyện dân giàu nước mạnh và giữ gìn toàn vẹn đất đai, sông núi, biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Tất nhiên con đường đi lên của một quốc gia Nhanh – Chậm – Tiến – Lùi – Còn – Mất, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Chủ quan là bản lĩnh của những người lãnh đạo quốc gia, cùng là dân trí. Khách quan là xu thế của thời đại và môi trường quốc tế.

Bài học thiết thân ta đã nhận ra từ trong cuộc sống là “Ngụy bất yểm chân” (cái giả dối không che được cái thật).

Quá khứ của một người với những vui buồn chỉ người ấy biết, không ai được quyền lục lọi quá khứ của người ta. Nhưng quá khứ của một cộng đồng cần được ghi lại đầy đủ và trung thực, vì đó là lịch sử dành cho hậu thế.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25 tháng 5 năm 2018

Nguyễn Văn Thịnh