Về Cái Được Văn Việt Gọi Là Kiệt Tác Và Trao Giải Thưởng

Nguyễn Văn Thịnh

Link http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenvThinh_22.php

02-Apr-2018

Không ai có thể phủ nhận những bước chuyển mình toàn diện đáng mừng đang diễn ra trong đời sống xã hội. Tất nhiên cũng không vội “lạc quan tếu” hỉ hả tung hứng khen nhau mà quên đi rất nhiều điều đang gây bức súc trong khi họa “thù trong giặc ngoài” vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn thường xuyên với nền an ninh của một quốc gia ở vào vị trí địa chính trị vô cùng đặc biệt. (NVT)

Cuốn sách tựa đề “1984” của NXB Giấy vụn vừa được giải thưởng của “Văn Việt”.

Thực ra tôi vẫn bị sốc từ ngày coi cái “clip” mấy người Văn Việt nốc rượu tếu hài về người nữ tử tù ở tuổi vị thành niên bị lũ cướp nước đầu trâu mặt ngựa trói gô vào cọc và bắn gục lúc hừng đông bên bờ biển. Nhưng để lấp chỗ trống thời gian, coi xem cái giải Văn Việt gọi là kiệt tác có gì lạ?

Cặp tác giả George Orwell, dịch giả Phạm Nguyên Trường bạn đọc từng biết qua tác phầm Trại súc vật khoảng chục năm về trước. Cả hai cuốn sách đều ra đời trong thời kỳ đầu của “chiến tranh lạnh” nghĩa là hơn nửa thế kỷ qua. Vật đổi sao dời, cục diện thế giới nay đã khác nhiều. “Bức màn sắt” đã hạ xuống. Trong “thế giới phẳng”, thiên hạ nhìn rõ mặt nhau. Cái sự đặt điều vu oan giáng họa cho nhau của bộ máy thông tin tuyên truyền ở cả hai bên không dễ lừa người trừ những kẻ cực đoan mê muội. Cho nên những sách loại này quá lỗi thời. Kiểu tuyên truyền ngu dân ấy không còn tác dụng! 

Dù sao bỏ công đọc hết 200 trang khổ A4 một “tác phẩm” loại này quá là vất vả, thì cũng trình ra với bạn đọc nội dung cuốn sách. Tốt nhất là dẫn nguyên văn lời giới thiệu của NXB, như sau:

“Nếu Trại súc vật, chủ đề trung tâm là sự hình thành nhà nước toàn trị qua cuộc cách mạng vô sản, thì 1984 đi sâu miêu tả cơ chế hoạt động của nhà nước này sau khi cách mạng đã thành công và bộ máy hành chính quan liêu đã được xây dựng hoàn chỉnh.

Tên tác phẩm 1984 (đảo ngược 1948 – năm tác phẩm ra đời) là ẩn dụ cho một mốc thời gian rất xa trong tương lai. Nhân vật chính – Winston Smith, là một đảng viên cộng sản, làm việc trong trong Ban Lịch sử của Bộ Sự thật (Bộ Tuyên truyền). Công việc chính của anh là xóa bỏ hoặc cắt xén tất cả những sự kiện có thể gây bất lợi và biên tập chúng sao cho có lợi cho đường lối của Đảng. Bằng cách đó anh đã góp phần vào việc thủ tiêu lịch sử theo nghĩa là lịch sử của sự thật và thay vào đó là một lịch sử của sự dối trá. Nhưng không chỉ có thế: do đường lối của Đảng cứ thay đổi xoành xoạch, nên có những sự kiện và những con số cứ phải sửa đi sửa lại, đến nỗi không chỉ có một lịch sử mà là vô số lịch sử của sự dối trá. Rốt cuộc trong cả nước không còn ai biết được cái gì là thật, cái gì là giả nữa, và ngay cả những đảng viên làm trong Ban Lịch sử cũng không thể nhớ nổi sự kiện nào đã được ngụy tạo đến lần thứ bao nhiêu, bởi vì cứ sau mỗi lần ngụy tạo, dữ liệu gốc lại bị hủy ngay lập tức.

Trong thâm tâm, từ lâu Winston Smith đã chán ghét Đảng. Song anh không thể để lộ suy nghĩ của mình, bởi vì khắp nơi đều có công an tư tưởng (an ninh văn hóa theo dõi). Chỉ một chút sơ hở, anh sẽ bị khép vào “tội tư tưởng” và sẽ phải trả giá bằng mạng sống của mình. Tuy nhiên, khao khát tìm hiểu sự thật, nhất là khao khát tìm hiểu bằng cách nào Đảng có thể xây dựng nên một xã hội quái đản như vậy, đã từng bước đưa Wiston Smith trở về quá khứ, giúp anh dần nhận ra quá trình thâu tóm quyền lực và cơ chế vận hành của Đảng. Nhưng hành trình nhận thức sự thật của anh cũng là hành trình đưa anh tới cái chết, một kết cục không thể tránh khỏi của tất cả những con người còn chút lương tri và lòng tử tế trong chế độ toàn trị”.

Từ đầu tới cuối cuốn sách, hình ảnh NGƯỜI ANH CẢ ám ảnh ngày đêm, khẩu hiệu CHIẾN TRANH LÀ HÒA BÌNH – TỰ DO LÀ NÔ LỆ – NGU DỐT LÀ SỨC MẠNH coi như bản chất của “nhà nước mới” cứ hiển hiện truớc mắt mọi người và cặp mắt cú vọ của CẢNH SÁT TƯ TƯỞNG chăm chăm theo dõi từng người mọi nơi mọi lúc.

Nội dung “tác phẩm” là như thế. Biết nó đã lỗi thời, những người chủ xướng châm vào những lời giải thích nhằm kích động một bộ phận người dễ hoang mang trước những biến động diễn ra bất thường khó tiên liệu của xã hội hiện thời: “Ở thời điểm George Orwell viết tác phẩm này (1948), thế giới vừa trải qua chế độ toàn trị kiểu phát xít, còn chế độ toàn trị kiểu xô viết vẫn đang cực thịnh. Ngay cả ở Anh và Mỹ, việc nhà nước kiểm soát hoặc can thiệp vào đời sống (trong đó có đời sống tư tưởng) của công dân cũng đang là một khuynh hướng phát triển không thể tránh khỏi của xã hội loài người. Tuy nhiên những gì đã diễn ra trên phạm vi thế giới hơn 60 năm qua cho thấy nhà nước toàn trị không phải là một khuynh hướng tất yếu, mà nó đơn giản là một sai lầm về tư tưởng. Người ta có thể tránh sai lầm này, và người ta cũng có thể sửa nó khi đã mắc phải. Nhiều quốc gia, trong đó có một số nước Tây Âu và Anh, Mỹ đã tránh được. Còn những nước như Nga và Đông Âu đã nhận ra và sửa sai lầm đó. Trung Quốc, Việt Nam đi con đường riêng, con đường tiệm tiến. Nhưng chúng ta có quyền tin rằng, đến một ngày nào đó hai quốc gia này cũng phải đi đến nhận thức rằng: Con người sinh ra có quyền tự do!... Hiểu theo nghĩa đó, cuốn tiểu thuyết 1984 của George Orwell chính là một thông điệp của hy vọng”!

Đó chính là lý do, là mục đích mà cuốn sách phủ đầy bụi mốc trên giá sách cũ nhưng vẫn được người ta moi ra tân trang, trao giải.

Kể từ khi hệ thống XHCN tan rã, chủ yếu là sự sụp đổ của Liên bang xô viết, thế giới thay đổi quá nhiều. Từ lưỡng cực thành đơn cực, rồi đa cực và chưa biết sẽ ra sao nữa. Nhưng thế giới hiển nhiên càng hỗn loạn, mâu thuẫn xã hội càng sâu sắc, hòa bình vẫn chỉ là ước mơ và chiến tranh vẫn như lưỡi gươm Damocles treo lơ lửng trên đầu nhân loại.

1/- Xã hội tư bản càng bộc lộ nhiều sự bất công:

Theo Cục điều tra dân số, ước tính ở Mỹ có 47,4 triệu người hiện sống trong cảnh bần cùng. M. Yonus (giải Nobel Hòa bình) tố cáo: “Trên thế giới hiện nay, chưa đến 500 người giàu đang sở hữu số tài sản nhiều hơn toàn bộ thu nhập của hơn một nửa dân số thế giới cộng lại. CNTB hiện nay đã xuống cấp thành một sòng bạc. Thị trường tài chính bị đẩy lên bởi lòng tham. Sự đầu cơ đã đạt tối mức độ thảm khốc. Tất cả những thứ đó cần phải kết thúc” (Báo Tuổi trẻ 13/10/2008).

Derrida nhận xét: “Trong thực trạng của thời hiện đại, thời đại chưa bao giờ hết bạo lực, bất bình đẳng, bài ngoại, nạn đói, thất nghiệp, mất không gian sống, chiến tranh thị trường, tình trạng nghèo khổ phổ biến ở vùng Nam bán cầu, sự đe dọa khủng khiếp của công nghiệp vũ khí và bom hạt nhân, chiến tranh sắc tộc tràn lan, sự lộng hành của cá thế lực tội ác có tổ chức, tình trạng luật pháp quốc tế bị một số cường quốc thao túng và từ đó áp bức kinh tế, lại gây áp lực tới một phần nhân loại đông đảo” (Những bóng ma của chủ nghĩa Marx – NXB chính trị quốc gia 1994).

Nói nước Mỹ đã vứt bỏ được cái “vòng kim cô toàn trị” mà sao:

► Năm 2013, nhân viên CIA Edward Snowden trốn qua Nga, đưa ra ánh sáng về những hoạt động của chính phủ Mỹ qua chương trình theo dõi mật người dân Mỹ và Châu Âu thực hiện qua hệ thống thông tin điện tử quy mô nghe lén điện thoại và internet? Khác chi một loại CẢNH SÁT TƯ TƯỞNG văn minh không chỉ trong một quốc gia mà có xu hướng kiểm soát toàn cầu? Nước Mỹ mất mặt!

► Thống kê dân số thế giới tính đến ngày 16/01/2017, cho biết: Hoa Kỳ dân số có 325,398,239 người, chiếm khoảng 4.34% tổng dân số thế giới nhưng chiếm tới 25% tổng số tù nhân, với 2,5 triệu người bị giam cầm, cao nhất thế giới cả về tỷ lệ và số người. Ngoài ra, nước Mỹ còn có 6,5 triệu người bị tước quyền công dân, quản chế, giam lỏng tại nơi cư trú bằng nhiều hình thức, có tới 15% số tù nhân bị giam giữ mà không thông qua xét xử, một tỷ lệ lớn bị kết án oan. Hệ thống pháp lý hình sự của Hoa Kỳ có hơn 2.3 triệu người trong 1.719 nhà tù bang, 102 nhà tù liên bang, 901 cơ sở cải tạo thiếu niên, 3.163 nhà tù địa phương, 76 nhà tù ở ngoài lãnh thổ Mỹ cũng như các nhà tù quân sự, cơ sở giam giữ người nhập cư, các trung tâm cam kết dân sự ở các vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ (The Whole Pie 2017).

► Chiến tranh vẫn xảy ra và ngày càng khốc liệt với các loại binh khí tối tân hơn, sức hủy diệt khủng khiếp hơn. Công luận bị coi thường, các nước tư bản ngang nhiên cấu kết với nhau gây bất ổn ở khắp nơi trên thế giới:

* Trong bối cảnh rối loạn của thời kỳ hậu xô viết là sự tan vỡ của Liên bang Nam Tư và cuộc chiến Kosovo cực kỳ đẫm máu cùng cái chết tức tưởi của Tổng Thống Milosevic trong một nhà tù của Liên Hiệp Quốc. Sau đó là đất nước Serbia oằn mình gánh chịu những hậu quả thảm khốc của chiến tranh và vùng bán đảo Balcan bị chia cắt thành nhiều quốc gia nhỏ bé, không còn ảnh hưởng của Nga, lệ thuộc vào khối NATO và Mỹ. Khi chính quyền Nam Tư khẳng định rằng các nhà máy hóa chất Nam Tư thậm chí không bị Adolf Hitler ném bom thì những hành động của Mỹ-NATO đã cho thấytrùm phát xít Đức quốc xã chẳng là cái gì hết. Các nước phương Tây "nhân văn" làm được hơn thế! Những việc làm đó để lại những di chứng và nỗi đau không bao giờ chữa lành cho cả một dân tộc, lại được các nước "văn minh phương Tây" gọi là "can thiệp nhân đạo", thực ra "mercy killing" có nghĩa là "cái chết êm ái"! Chính họ từ lâu đã tự cho phép mình có quyền "giết người hàng loạt nhân danh lòng nhân đạo". Quyền này xuất phát từ định đề là "Lòng tốt cần phải đi kèm với nắm đấm. Bình đẳng dân tộc chỉ có được bằng bom đạn"!

* Năm 2003 trong khi Ủy ban Giám sát, Thẩm định và Thanh sát của Liên hợp quốc (UNMOVIC) chưa có kết luận về việc Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt, người Iraq kiên quyết bảo vệ danh dự và chủ quyền quốc gia, thì Mỹ, Anh ngang nhiên mang quân đánh chiếm nước người. Kết cục là cái chết bi thảm của Tổng thống Saddam Hussein cùng hậu quả hết sức nặng nề: Một triệu rưỡi người Iraq bị chết, hơn hai triệu người khác phải rời bỏ quê hương sang sống tỵ nạn ở nước ngoài. Lời hứa của Tổng thống Mỹ George Bush về "Một nước Iraq mới sẽ là một hình mẫu về tự do, dân chủ, hoà bình và thịnh vượng ở khu vực Trung Đông. Ở đó mọi người sẽ được sống trong hạnh phúc và tình bác ái, không có nhà tù, tra tấn và đàn áp" mà 15 năm trôi qua Iraq vẫn chìm trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội triền miên, đất nước bị tàn phá, tan rã và chia cắt về sắc tộc và tôn giáo giữa người Sunni, Shiite và người Kurds, giữa người theo đạo Thiên chúa và đạo Hồi... Các tổ chức khủng bố, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, Al-Qaeda được cơ trỗi dậy gây thêm không biết bao nhiêu tội ác đối với người dân Iraq. Cuộc chiến ấy như quả bom khiến Trung Đông rung chuyển: Bạo lực tràn lan. Các tổ chức khủng bố trước đây bị cấm, nay mọc lên như nấm. Các cuộc xung đột đẫm máu tại Ai Cập, Libya, Yemen, Syria... làm hàng triệu người chết chưa biết bao giờ kết thúc. Tác động lại nước Mỹ là sự tổn thất về vật chất và con người hết sức to lớn. Con số thống kê thật là khủng khiếp: Washington đã chi khoảng 6 ngàn tỷ đô la, tương đương khoảng 1/3 tổng thu nhập quốc nội GDP của Mỹ cho cuộc chiến tại Iraq, 4.497 binh sỹ Mỹ bị chết và 32.223 bị thương. Theo một số chuyên gia thì số lính Mỹ bị chết và bị thương trên thực tế còn cao hơn nhiều. Đây là con số thương vong lớn nhất của Mỹ kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Theo một tài liệu nghiên cứu của trường đại học Brown Providence University của Mỹ, có 2,7 triệu lính Mỹ đã tham gia vào cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan từ 2001 đến 2014 khi trở về Mỹ hầu hết đều không có cuộc sống bình thường, 1/8 trong số những người lính này đã mắc triệu chứng rối loạn tâm lý PTSD (Post-traumatic Stress Disorder). Chính cựu ngoại trưởng Mỹ Collin Powell, người đã cầm một vật thể nhỏ giơ lên trước Đại hội đồng LHQ đầu 2003 và nói rằng đây là loại vũ khí giết người hàng loạt của Iraq, sau này đã phải thừa nhận: "Nỗi hổ thẹn nhất trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của tôi là đã buộc phải nói dối theo lệnh của Cơ quan tình báo Mỹ CIA và cuộc chiến đã được dựng lên theo những lý do không có thật”. Đặc biệt, Tổng Thống George Bush và Thủ tướng Tony Blair đã nhận sai việc này trước công luận! Thế nhưng còn điều gì sẽ xảy ra khi quân đội của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad đang bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học khi các lực lượng chống đối được Mỹ và NATO ủng hộ đang bị dồn đến bước đường cùng?

Không ai còn tin vào những lời nói dối về vũ khí hủy diệt và những lời hứa của Mỹ và phương Tây về một nền dân chủ, hoà bình, một cuộc sống tự do và hạnh phúc cho các khu vực. Châu Âu và Bắc Mỹ rúng động trước phong trào Chiếm phố Wallcủa những người tự nhận đại diện cho 99% dân lao động chống lại 1% giới tư bản tài chính và các chính trị gia, chống lại cái cơ chếxã hội của 1%, do 1% và vì 1% của Mỹ và thế giới tư bản nói chung – 1% người giàu nhất được hưởng 40% chiếc bánh” và không còn tạo cảm hứng cho ngay cả với dân chúng họ! Hàng triệu người Âu, Mỹ trong tâm trạng bế tắc đang bỏ đi hàng năm, tìm đến châu Á, Mỹ La tinh, thậm chí cả châu Phi mong thoát khỏi cuộc sống thực dụng, thiếu nhân tính và vô cảm! Tại sao một bộ phận thanh niên dễ dàng từ bỏ cuộc sống ổn định, ngược dòng với các cuộc di dân ào ạt từ các vùng bất ổn và nghèo khổ, tìm đến những tổ chức cực đoan, tiêm nhiễm những tư tưởng mới, quay về nổi loạn hòng làm thay đổi xã hội họ đang sống. Ngay tại những nước phát triển nhất, xưa nay yên ổn nhưng bây giờ cũng luôn bất ổn. Báo hiệu sự rạn vỡ từ nội tình các nước phương Tây?

Tuy nhiên, phần lớn các nước tư bản phương Tây đi lên căn bản từ một nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, tổ chức hệ thống sản xuất hợp lý, năng xuất lao động cao hơn hẳn, mở rộng thị trường, cạnh tranh quyết liệt, tạo ra sản phẩm nhiều và rẻ cộng với một nền tài chính dư dả, lại có kinh nghiệm quản lý xã hội… nên người dân được hưởng phúc lợi cao, có cuộc sống ổn định và phóng khoáng. Ở một số nước Âu-Mỹ, khi công nhân cũng có thể là đồng sở hữu của phương tiện sản xuất thông qua cổ phầnkhiến người ta nghĩ tới một Chủ nghĩa tư bản toàn dân, đó là tiền đề của một xã hội tương lai mà người dân hẳn nhiên mong muốn. Nhưng thực tế hiện nay, điều xấu xa nhất của CNTB vẫn là sự bất công trong hưởng thụ thành quả lao động đang là mâu thuẫn đối kháng, từ đó nảy sinh ra các cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức, thậm chí là những cuộc bạo loạn nhưng đều bị giới tư bản thông qua nhà cầm quyền dàn xếp với nhiều mức độ.

Chủ nghĩa tư bản sẽ bị tiêu diệt hay nó tự chuyển hóa, hãy chờ xem.

2/- Học thuyết Marx vẫn còn nguyên giá trị:

Học giả Andre Vitchek (Outlook New Eastern – Văn nghệ TPHCM số 491) nhận xét: Khi nói đến Liên bang xô viết hoặc Nga, xưa nay mọi thông tin về các vấn đề lịch sử của nó đều bị các phương tiện truyền thông phương Tây thi nhau tung ra những điều độc địa, cắt xén bằng những câu chuyện hoang đường pha lẫn thực hư, làm lu mờ sự thật, nhằm tiêm nhiễm sự ác cảm một cách có chủ ý vào ý thức của hàng tỷ người trên toàn thế giới. Những tiến bộ của một nước Nga cách mạng đã bị xuyên tạc, thổi phồng và bóp méo một cách có hệ thống, ngoại trừ những cuộc xâm lăng tàn bạo đến từ phương Tây nhằm phá hủy nhà nước Bônsêvic non trẻ, đương nhiên có cả sự tiếp sức độc ác của các đồng minh Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật, Séc, Ba lan… Với ánh hào quang giả tạo của cái gọi là tự do dân chủchủ nghĩa tư bản phương Tây, cộng với nội tình đất nước trước những khuyết tật của chủ nghĩa xã hội duy ý chí, lại hoang mang bế tắc phương hướng khắc phục điều chỉnh, khiến một Liên bang vĩ đại sụp đổ nhanh chóng, như một chấn động chính trị xã hội lớn nhất ở thế kỷ XX! Trong vòng tay ôm của chủ nghĩa tư bản phương Tây, nước Nga đứng trước một viễn cảnh đen tối và tỉnh dậy thì đã muộn! Các quốc gia nháo nhác tìm đồng minh mới bằng mọi giá và trở nên cừu thù đối nghịch với nhau. Phút chốc, những con người lương thiện lao động cần cù cả tin bị tước đoạt, bơ vơ, đói khát, tuổi thọ đột ngột giảm xuống chỉ bằng người dân ở tiểu vùng Sahara của châu Phi. Một dân tộc từng tỏa ánh hào quang từ nền văn hóa truyền thống hài hòa trong chủ nghĩa quốc tế nhân văn cao cả bỗng chốc thành kẻ ăn xin trong nỗi đau đớn khủng khiếp của sự nhục nhã và đứng trước một tương lai vô định! Nhưng chỉ một thời gian ngắn, người Nga hiểu ra những gì họ từng mong chờ bên phía trời Tây chỉ là ảo vọng. Nước Nga đã tìm lại được mình trên thế đứng độc lập. Hàng vạn người Việt Nam du học thời Xô viết cùng một ký ức với ký giả Ivan Deravin, từng sống nhiều năm ở Liên Xô hồi tưởng: “Đó là một cuộc sống vô tư và tươi sáng. Không phải là thiên đường, mà gần gũi với mọi con người chúng ta. Bạn không phải lo thất nghiệp và bần cùng”. Tổng Thống Nga Putin nói ra tâm sự của những người Nga chân chính: “Nói tới chế độ Xô viết mà không luyến tiếc là người không có trái tim. Nhưng muốn quay lại thời đó là người không có cái đầu”. Ông đã đưa nước Nga thoát khỏi thảm họa thời hậu Xô viết và mau chóng gia nhập hàng ngũ các nước phát triển hàng đầu thế giới trong tư thế mới. Đó là điều mà Mỹ và phương Tây không mong muốn mà vô phương!

Phải chăng Chủ nghĩa xã hội đã biết nhìn lại mình và đang đổi mới dù còn lúng túng? Tạp chí Der Spiegel thăm dò “56% người Đức cho rằng chủ nghĩa xã hội là một tư tưởng hay nhưng được thực hành tồi”, hoặc là “Các nhà lãnh đạo quốc gia ở khắp nơi đã cải tạo xã hội dựa trên lý thuyết của Marx, nhưng đồng thời đã thay đổi những ý tưởng của Marx đến độ khôi hài”! Năm 1999, Đại học Cambridge (Anh) bình chọn Marx là nhà tư tưởng số một của thiên niên kỷ vừa qua (nhà khoa học Einsteine đứng thứ hai) và Marx đứng thứ ba trong số 100 nhân vật lịch sử vĩ đại nhất của nước Đức sau cựu Thủ tướng Adenauer và nhà thần học Martin Luther sáng lập đạo Tin lành (Bóng tối của ánh sáng – Đông La).

Chủ nghĩa Marx vẫn còn nguyên giá trị.

Tất nhiên mọi thứ chủ nghĩa, kể cả tôn giáo, khởi thủy đều là những học thuyết chứa đựng những lý tưởng cao đẹp và nhân ái. Nhưng đi vào thực tế, nhiều khi và với nhiều người, chúng lại biến thành những công cụ của cá nhân bởi quyền lực và lòng tham, trở thành xiềng xích của tư duy. Khi đó con người bị tha hóa. Không ai nghĩ được rằng: Hơn hai ngàn năm trước, để xóa “tội tổ tông” cứu loài người và khởi xướng đạo Kito, trên đồi Gongoetha, Chúa Giêsu chịu đóng đinh chết trên cây thập giá. Nhưng đến năm đầu của Thiên niên kỷ thứ ba, người được giao sứ mạng chăn dắt đàn chiên của Chúa trên thế gian này là Đức thánh Cha John Paul II đã làm cuộc thánh lễ xưng thú “bảy núi tội” (trong đó có núi tội “vi phạm nhân quyền”!) của Hội thánh Gia tô “thiên khải”, từng gây ra những thảm họa to lớn cho nhân loại và xin được tha thứ đó sao?

Tồn tại hay không tồn tại?” vẫn là câu hỏi đặt ra cho cả Chủ nghĩa Xã hội và Tư bản. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Chủ nghĩa Quốc gia cực đoan và Chủ nghĩa Quốc tế nhân văn đang là thử thách lớn với các dân tộc. Thế giới chưa bao giờ hỗn loạn và các nước mất niềm tin nhau như hiện tại. Một xã hội Bình đẳng – Tự do – Bác ái vẫn chỉ là mơ ước của loài người!

Trải hàng thế kỷ hy sinh chiến đấu và chiến thắng, hẳn nhiên “Dân chí – Dân khí – Dân sinh” của người Việt Nam hiện thời đã khác. Nước có độc lập thì dân mới có tự do, thế nước, lòng dân vững chắc. Cái “Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh” và cái “Văn đoàn độc lập” đều là con cùng một mẹ với chiêu trò “nhẹ nhàng và giản dị, thân mật mà thâm trầm” có chiều bế tắc. Một cuốn sách chống cộng cực đoan, lỗi thời, lạc lõng, chẳng có giá trị tư tưởng, văn chương lại được coi như “kiệt tác”, thì giá trị của “cái giải trời ơi” ấy chẳng là gì, nói chi tới mức lung lạc lòng người! Cái “đền Panthéon” đã thành “đền Online” và sẽ đến ngày “Trâu làm toán” cũng được rước vào! Thực ra ngồi trong đó đều là những người tài. Nhưng hiền tài được mấy ai? Mà người tài như con dao hai lưỡi. Như ông Nguyên Ngọc cũng có tài, nhưng tôn lên cỡ nhà văn hóa thì quả thật quá tầm và càng không thể làm thủ lĩnh giới văn hóa Việt Nam, dù lúc này cả hai bên đều có người o bế nhằm những động cơ riêng. Quá nửa đời, ông đã dấn thân, làm được nhiều việc đáng trân trọng và ông đã được đền bù. Nhưng cái nghề văn “bút sa gà chết” mà khắc nghiệt lắm, vì vạ miệng! Chớ tưởng cộng sản đố kỵ người tài. Giả như Nguyễn Du sống vào thời Tự Đức, hẳn cũng thịt nát xương tan dưới cây trượng quyền uy chỉ vì một câu thơ tỏ chí ngang tàng! Đời mấy ai tài bằng thi sỹ họ Cao có cái đầu chiếm cả bồ chữ của thiên hạ mà cũng không thoát cái “án chu di” thảm khốc khi muốn lật đổ một vương triều! Như ông Nguyên Ngọc từng phủ nhận chiến thắng của nhân dân ta bằng lập luận tưởng như là nhân đạo: “Giành lại được một thẻo đất mà đổi biết bao nhiêu mạng người liệu có cần không?”! GS Hoàng Xuân Hãn, được coi như lương tâm của giới trí thức Việt kiều ở hải ngoại và cũng là một chứng nhân của cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, trả lời phóng viên báo Diễn đàn (Paris): “Thực ra, với Gandhi, cũng may vì có chiến tranh thế giới nên các ông ấy mới giành được độc lập, không phải là tự các ông ấy mà gỡ ra được”. Cũng không ai kết tội ông nhà văn bỏ Đảng. 90 năm hoạt động của Đảng Cộng sản, có thất bại mới thành công. Người bỏ Đảng thời nào cũng có, thiếu gì lý do tình tiết éo le. Nhưng phản bội bao giờ cũng là tội ác. Ông Nguyên Ngọc đã phản bội cả những người dân hiền lành, lương thiện, bất kể trẻ con, phụ nữ, người già, chân chất, thật thà, thiết tha với quê hương đất nước, từng đấu cật chung lòng, chăn xui cùng đắp, sắn lùi cùng chia, cưu mang đùm bọc ông qua được những nguy nan gian khó. Đó là tội bất nhân, bất nghĩa, người không dung và trời cũng không tha!

Còn non còn nước còn người / Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Đó là niềm tin xác quyết của Bác Hồ vào tương lai dân tộc. Không ai có thể phủ nhận những bước chuyển mình toàn diện đáng mừng đang diễn ra trong đời sống xã hội. Tất nhiên cũng không vội “lạc quan tếu” hỉ hả tung hứng khen nhau mà quên đi rất nhiều điều đang gây bức súc trong khi họa “thù trong giặc ngoài” vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn thường xuyên với nền an ninh của một quốc gia ở vào vị trí địa chính trị vô cùng đặc biệt. Việc tăng cường sức mạnh quốc gia phải được tiến hành đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Tiên quyết là những chính sách phát triển xã hội hợp quy luật, cùng với việc nâng cao trình độ quản lý đất nước bởi một bộ máy lãnh đạo có năng lực và trong sạch thì mới có thể hướng lòng người cả nước cùng nhằm một mục tiêu Dân giàu – Nước mạnh. Tất nhiên chẳng thể chủ quan. Ông bà ta dạy: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Những gì đang diễn ra trước mắt xã hội vừa mừng vừa lo. Lời di chúc của Bác Hồ: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, phải luôn lấy làm lòng!

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12 tháng 4 năm 2018

Nguyễn Văn Thịnh