MÙA XUÂN ĐÃ TỚI

Nguyễn Công Tiến

http://sachhiem.net/VANHOC/N/NguyenCongTien.php

30-Apr-2018

Sống ở Đức đã nhiều năm, tôi biết không ít các gia đình người Việt, mặc dù đã định cư ở những nước giàu có, tiện nghi hiện đại, đời sống vật chất đầy đủ…nhưng mỗi độ xuân sang, tết lại, trong họ vẫn đọng một nỗi lòng đau đáu nhớ về quê hương. Nhà tôi cũng không ngoại lệ, thường cứ dăm bảy năm, gia đình tôi lại về Việt Nam một lần để được hưởng những giá trị đích thực của thời khắc ngay trên quê hương. Người nhà mình, đất của mình thật chẳng nơi sang giàu nào hơn được...

Một tối cuối thu năm ấy, tôi tới nhà anh bạn đồng hương chơi, nhân tiện rủ anh cùng làm kế hoạch về ăn tết Việt Nam. Sau tuần “Cà phê đạo”, anh mở tủ lấy ra một phong thư đưa tôi xem, rồi nói: Lẽ ra thì cũng chưa có kế hoạch về tết năm nay, nhưng vì tôi mới nhận được thư của người anh từ bên kia gửi qua. Bức thư anh ấy viết, làm tôi sung sướng đến sững sờ. Đã bao nhiêu năm nay, anh tôi không bước chân về làng. Âu cũng là do hoàn cảnh mang lại bạn ạ. Đây là bức thư tâm huyết của anh ấy, được gửi từ nước Mỹ xa xôi:

Nevada ngày 15.10.2011

Hai em cùng các cháu xa nhớ.

Đã ba tháng trôi qua, kể từ ngày các em tới thăm anh chị, anh đã phải suy nghĩ rất nhiều. Lúc nào trong anh cũng vang lên tiếng gọi của quê hương: “ trở về”. Ông cha ta đã có câu: “lá rụng về cội”. Hôm nay, anh chị đã ra lớp người “xưa nay hiếm”, nếu không về cội thì về đâu? Anh xa quê hương đã lâu lắm rồi, nhưng dù ở đâu, làm việc gì, trong lòng anh vẫn canh cánh một niềm thương nhớ.

“Nhớ bóng mẹ già tất tưởi,
Dáng cha già quắc thước thuở năm nao
Và mỗi chiều ra sông gánh nước,
Bụi tơ hồng em thả khỏi nước chao”
.

Anh đã viết như vậy không chỉ trong nhật ký, mà anh còn cất giữ cả trong con tim mình. Quê hương luôn hiện lên trong anh với những hình bóng đẹp nhất, mến thương nhất. Mùa đông năm trước sang thăm anh, khi đi chơi chợ Noel, em hỏi:“anh có còn nhớ được cảnh tết ở làng mình không?”. Mặc dù đã bỏ làng ra đi từ khi mới mười tám tuổi đầu, nhưng cho đến tận bây giờ, anh vẫn giữ nguyên được những cảm xúc ngọt ngào với cái tết quê hương. Nhớ nhất là ngày ba mươi tết. Trời tuy lạnh, nhưng sáng và trong veo. Nhà mình ngèo, nên mãi tới sáng ba mươi mới đụng được thịt heo trong làng. Anh quẩy đôi nồi đình ra bến gánh nước. Con sông Bôi vào mùa này nước xanh ngăn ngắt. Lội xuống nước, không thấy lạnh, mà chỉ thấy mát vào tận gan ruột. Khi anh đổ đầy được chum nước, thì cũng là lúc u đã chuẩn bị xong lá dong cùng gạo, đỗ trên một cái nong đặt trước hiên nhà. Bàn tay nâu bóng đồng đất làng quê của u, nâng niu những hạt gạo nếp trắng ngần và căng tròn đã được ngâm từ đêm hôm trước. Anh còn nhớ lời u dạy khi buộc lạt bánh:“con phải giữ chặt hai đầu lạt, từ từ xoắn lại rồi thả nhẹ xuống, làm sao cho đầu lạt cuộn lại, nhỏ như cứt con chim cu, nút lạt như thế mới là đẹp”. Sau khi thay chân nhang và lau chùi bàn thờ, thày ra sau vườn chọn một cành đào đẹp nhất, trang trí trong nhà, rồi cùng các cụ đi dựng cây nêu ngoài đình làng. Đêm hôm đó cả nhà ngồi bên nồi bánh chưng, vừa sưởi ấm, vừa nghe bà ngoại kể chuyện Kiều. Cả nhà quây quần như vậy cho đến thời khắc giao thừa…

Hai em cùng các cháu mến thương, anh mong lắm được sống lại trong khung cảnh đơn sơ mà đầm ấm của cái tết năm xưa.“Sông có khúc người có lúc”, cái gì nên quên thì anh đã quên, cái gì cần nhớ thì anh đã nhớ. Đời anh nhiều khúc quanh co, trắc ẩn. Nhưng đến khúc này, anh có linh cảm rằng, sẽ êm đềm tươi mát khi được về với dòng Kim Bôi quê mình. Anh đã quyết định, trung tuần tháng một, anh chị sẽ sang bên em và chúng ta sẽ bay về trước ngày cúng ông Táo. Ngày tháng cụ thể thế nào, anh chị sẽ gọi điện thoại báo các em sau.

Chúc hai em và các cháu mạnh khoẻ. Hẹn ngày gặp mặt.

Hoàng

Đọc xong, cầm lá thư trong tay mà lòng tôi không khỏi phân vân:

- Vậy ra… ông còn một người anh nữa bên Mĩ?

Bạn tôi gật đầu, rồi kể:

Anh Hoàng là người anh cùng cha khác mẹ với tôi. Năm 1954, chống lại ý cha, anh quyết định di cư vào Nam. Khi ấy anh mới đi lính cho quân đội Pháp. Từ đấy, anh không quay lại cái nôi - nơi cha mẹ đã sinh ra, và nuôi anh lớn lên bằng hạt lúa, củ khoai - được vắt ra từ đồng đất làng Vầu quê tôi nữa. Cũng từ đấy trở đi, gia đình không biết gì về cuộc sống của anh nơi mù xa.

Tháng 12.1971 tôi đi bộ đội. Sau ba tháng huấn luyện, đơn vị tôi hành quân vào chiến trường, vừa đi vừa chiến đấu. Vào trận, trước giờ nổ súng, tôi thường bị run, run đến ướt đũng quần lúc nào không biết. Nhưng một khi súng đã nổ, tôi đánh rất hăng, cũng có chiến công. Vậy nên đến năm 1973, đơn vị tổ chức đi thẩm tra lý lịch để kết nạp tôi vào Đảng. Khoảng hai tháng sau, trung đội trưởng Vũ - người chịu trách nhiệm giúp đỡ tôi bảo: “Hỏng rồi! Anh Hoàng của cậu, bây giờ là một trung tá pháo binh của quân lực Việt Nam cộng hòa”.

Tôi rất buồn, nhưng cũng được an ủi một phần, vì biết được rằng, người anh đã biền biệt bao năm vẫn còn sống. Đến năm 1977, sau khi được ra quân, tôi vào Nam tìm anh Hoàng, thì được gia đình cho biết, anh bị đưa đi cải tạo ở mãi ngoài Bắc. Tôi lại lần tìm địa chỉ, rồi đến được trại giam mãi trên Ấm Thượng thăm anh. Lúc đầu, anh tỏ ra dè dặt, lãnh đạm. Nhưng sau vài lần thăm nuôi, thấy tình cảm của tôi và gia đình ngoài Bắc là chân thật, anh em hiểu nhau, dần dần anh cởi mở kể hết chuyện xưa. Anh bảo: “Sau bao nhiêu năm bỏ tay cày để cầm súng, bây giờ làm quen lại công việc ngày xưa, cũng thấy khỏe và vui”...

Hoá ra vào năm 1972, đơn vị tôi và đơn vị anh, đã giao chiến với nhau nhiều trận ở Quảng Trị. Ác liệt nhất là trận đánh chiếm thành cổ. Cả hai bên đều bị tổn thất nặng. Nhưng may mắn, cả hai người không ai hề hấn gì. Đến 1973 ở chiến trường Lào, nhóm trinh sát chúng tôi lập một đài quan sát, để theo dõi một đơn vị lính Thái Lan ở Sam-Thoong. Lúc đó, anh đang làm công việc huấn luyện pháo binh cho tàn quân phỉ Vàng Pao đóng gần đó. Cũng chính anh đã chỉ huy cho pháo bắn chặn đường rút của chúng tôi, khi đài quan sát bị lộ .

Trận dập pháo ấy, tôi bị mảnh chém rách đùi, máu chảy bê bết. Rút về hậu cứ một thời gian, đơn vị tôi lại tiếp tục hành quân chiến đấu. Và đáng nhớ, nhưng cũng đáng buồn nhất là trận đánh năm 1974. Khi đơn vị tôi chiếm được đường 14, bên địch tháo chạy tán loạn. Để cứu nguy cho bộ binh bên mình, anh đã ra lệnh cho pháo ở Đắc Tô nã đạn vào đội hình tôi. Chỉ ít phút sau, pháo binh ta bắn trả ngay. Trận này, tôi bị một mảnh đạn pháo xuyên thấu qua ngực. Máu ra nhiều, tôi ngất đi trong tiếng đạn pháo vẫn vang gầm trời. Nhưng trong cái hoạ, lại có cái phúc.

Nhờ ơn tổ tiên, nên mảnh đạn chỉ xuyên qua phần mềm. Được cấp cứu kịp thời tại bệnh viên tiền phương, sau đó tôi được chuyển ra Bắc điều trị tiếp, nên sức khỏe hồi phục khá nhanh. Trong trận ấy, chính anh Hoàng cũng bị một mảnh pháo của ta phạt cụt hai ngón tay. Trong từng ấy năm giao tranh, chẳng hiểu đất trời sui khiến làm sao, hai anh em tôi cứ luẩn quẩn sát nhau, nhưng vẫn bị cách chia bởi một trận tuyến.

Sau khi hết hạn cải tạo, anh Hoàng đưa cả gia đình sang Mỹ định cư. Anh thề sẽ không bao giờ trở về nước Việt Nam Cộng sản nữa. Từ đấy, hai anh em tôi bị đứt liên lạc. Mãi sau này, nhận được thư tay anh gửi sang Đức, hai bên mới nối lại được tình cảm. Các cháu vẫn thường Mail cho nhau.

Mấy năm trước, cả nhà tôi đã sang thăm gia đình anh, vui lắm, toàn chuyện trên trời dưới biển. Nhưng chuyện gì thì chuyện, hễ tôi gợi ý anh chị cho các cháu về quê ăn tết là anh lắc đầu quầy quậy. Mùa hè vừa qua, vợ chồng tôi lại sang thăm anh chị. Chuyện trò thế nào lại dẫn đến cái tết ở quê, anh vẫn một mực: “không”.

Hôm ấy, gần tới ngày trở lại Đức, cả nhà rủ nhau đi bơi. Lúc này, vết đạn vào trước ngực rồi ra sau lưng của tôi đã biến thành sẹo lồi, nó thâm lại trông rất rõ. Khi tôi và anh ở trong phòng tắm, bị ngứa lưng, tôi nhờ anh kì giúp. Lúc chạm vào vết sẹo sau lưng tôi, anh dừng tay lại. Ngậm ngùi một lúc, anh mới nói:

- Gặp thời nào, mình phải ứng xử theo thế ấy thôi em ạ. Nếu như không bỏ vào Nam đận ấy, chắc rằng anh cũng sẽ đi bộ đội như em.

Tôi bảo:

- Thôi mà anh, chuyện qua lâu rồi.

Vừa choàng chiếc khăn tắm lên người tôi, anh vừa hỏi:

- Trở trời có đau lắm không em?

Tôi cười:

- May chỉ xuyên qua phần mềm, vào xương là ăn đủ đấy. Bây giờ mọi chuyện ổn cả rồi bác ạ.

Anh Hoàng từ từ đưa bàn tay cụt hai ngón lên trước mặt, rồi anh như nói với ai, ở đâu đó chứ không phải với tôi: “Vết thương thì đã lành, nhưng vết sẹo vẫn còn đây. Chẳng lẽ chỉ vì nhìn thấy sẹo, mà ta lại làm cho vết thương đớn đau trở lại?” Biết anh có tâm sự, tôi im lặng. Liền đó, anh ngồi trầm ngâm hàng giờ bên bình trà sen trên bãi cỏ, cho đến lúc trời chiều...

Và như bạn đã biết, tháng mười anh viết thư cho chúng tôi hẹn ngày trở về. Đây là lần đầu tiên, anh tôi sẽ đặt chân trở lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn, sau gần sáu mươi năm trời xa cách. Cũng có thể đó là lần cuối cùng…Nhưng như anh bảo: “Được một lần cúi mình trước ông bà, cha mẹ, tuy có muộn màng, nhưng anh tin rằng các cụ sẽ độ lượng mỉm cười. Nếu được như vậy, một khi xác thân này phải đi vào trong cỏ, ta vẫn thanh thản trong lòng”.

Những năm tháng sống ở châu Âu, chúng tôi thường phải hứng chịu những mùa đông khốc liệt. Từng lớp tuyết thay nhau phủ dày trên mặt đất, rồi nén lại thành băng đá. Nằm bên dưới lớp băng lạnh cóng ấy, vẫn có một mầm sống với nhựa sống mãnh liệt tuôn trào. Nó ở đâu đó ngay trong lòng đất, từng giờ, từng phút kiên nhẫn đợi ánh sáng xuân của mặt trời.

Đó chính là mầm hoa tuyết - tôi gọi nó là hoa tóc tiên - một loại hoa được coi là thấp bé nhất, yếu đuối nhất trong tất cả các loài hoa. Ấy vậy mà khi lớp băng cuối cùng chưa tan chảy hết, nó lại là thứ hoa đầu tiên nở sớm nhất, cứng cáp vươn mình trỗi dậy, khoe thắm sắc màu. Hoa tóc tiên cũng như người Việt Nam chúng ta vậy - dù ở bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào, vẫn luôn mang trong mình một dòng máu Lạc Hồng, với sức sống mãnh liệt diệu kỳ.

Nhìn thấy hoa tóc tiên nở, biết rằng mùa xuân đã tới.

Halle /S. 2011 - lập đông Tân Mão

Nguyễn Công Tiến

Nguồn FB Nguyễn Công Tiến

Trang Thời Sự