Vu Lan & Rằm Tháng Bảy

Trong Tinh Thần Dân Tộc

Dương Kinh Thành

http://sachhiem.net/VANHOC/DKTH/DgKinhThanh_xh01.php

23 tháng 8, 2010

LTS: Bài viết này được đăng ngày Vu Lan xin được hiểu như tiếp nối nếp sinh hoạt tinh thần có tính cách truyền thống hơn là thuyết minh một triết lý tôn giáo. Mặc dù có vài quan niệm có vẻ như xa rời tính cách khoa học như những tin tưởng vào thế giới huyền bí, những sinh hoạt trong mùa Vu Lan có một giá trị tuyệt đối của luân lý Á Đông: nhớ ơn ông bà tổ tiên, nhắc nhớ lòng hiếu với cha mẹ. SH xin chúc bạn đọc một mùa Vu Lan đẹp và vui theo kiểu Mỹ (nhại theo Happy Valentine's Day):

Happy Vu Lan's time ! (SH)


Trước khi đặt bút viết bài này, ngoài một số vốn liếng ít ỏi tri thức Phật học, người viết đã tham cứu nhiều tài liệu, kinh sách có liên quan đến ý nghĩa lễ Vu Lan-Rằm Tháng bảy. Tựu trung và cộng lại, chúng tôi thấy nó vẫn toát lên một điểm sáng lung linh trong khái niệm sống thực tại trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà với những tài liệu phong phú kia đã nêu bật được chất keo gắn bó giữa ảnh hưởng Phật giáo với xã hội, con người qua nhiều thời đại.

Vâng ! Những điều đó các bậc thức giả, các bậc sư trưởng đều đã nói hết rồi, không còn khe trống để hàng hậu sinh chúng tôi góp phần tô điểm. Đã đẹp, đã trở thành điều hiển nhiên rồi ; hiển nhiên tới mức đôi khi chúng ta quên rằng chính nó đã trở thành ca dao dân tộc :

Tháng sáu buôn nhãn bán trâm

Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân…

Không phải là thứ ca dao biền ngẫu đệm vần cho qua câu để tạo mở, tôn tạo cho ý đồ chính. Không viết đủ hẳn trong chúng ta ai cũng biết đó là ca dao theo kiểu “liên khúc”nói về lịch sinh hoạt 12 tháng trong một năm, mà nền văn minh nông nghiệp của xã hội Việt Nam ta xưa nay không thể chối cãi được. Đã vậy, ”Tháng Bảy Ngày Rằm…”, câu nổi bật nhất không chỉ vì nó đã nói lên được ý nghĩa về một ngày lễ của Phật giáo, mà còn đưa ra tính nghiêm túc, thể hiện cách sống cộng đồng, ngoài sinh hoạt, vui chơi, ăn uống, mùa màng và thời vụ so với 11 tháng còn lại kia. Nó đã trở thành lịch sinh hoạt hằng năm của dân tộc, kể từ khi dấu chân tích trượng của các Thiền sư đã đến và lưu dấu trên xứ sở Giao Châu này hơn 20 thế kỷ trước.

Điều đó cho chúng ta thấy được rằng Phật giáo đã và luôn biết “nhập sông tùy khúc, nhập gia tùy tục” rất tuyệt vời khế lý khế cơ, không gây ra sự dị ứng, đối kháng. Do vậy không phải dễ dàng “được”có mặt trong ca dao, tục ngữ, trong tâm khảm đời sống dân tộc, mà bất kỳ s gượng ép, hoặc cố tình dùng thủ doạn để đạt được sẽ trở thành nạn nhân bị nghiền nát bởi bánh xe lịch sử khắc nghiệt.

Đặc biệt hơn, sự có mặt của Phật giáo trong ca dao 12 tháng kia, và ngay trong nếp sống cộng đồng dân tộc, còn mang một ý nghĩa to lớn khác, thể hiện được tính chân lý thực tiễn, vượt lên trên sự tôn kính thời nguyên sơ, khi con người tự cho mình còn nhỏ bé trước thiên nhiên. [Đó là thời kỳ dựng nước họ Hồng Bàng mà sách Lĩnh Nam Chích Quái đã kể lại; cái thời mà chính Lạc Long Quân phải dùng đến vạn phép thần thông biến hóa mới đuổi được kẻ xâm lăng phía Bắc đầu tiên là Đế-Lai ra khỏi bờ cõi. Và cái thời mà mọi thứ yêu tinh thường xuất hiện quấy nhiễu dân lành, để đến nỗi phải tôn lên hàng thần thánh, kể cả tiếng sấm sét. Những Thần sông, thần nước, núi, gio, lửa. .v…v.. đã có mặt chễm chệ trước sự quy phục con ngưới thờ lạy. Muốn sống còn, để dựng nước, cứu nước và làm ăn sinh sống, con người lúc ấy khi lên rừng xuống biển, tất phải xâm mình hình ảnh thủy quái, sơn tinh. .v…v…] Như vậy, lịch sử PGVN có mặt và phát triển chỉ bằng phân nửa lịch sử dựng nước của con cháu Lạc Long Quân mà ngẫu nhiên đánh bại được sơn tinh thủy quái trong truyền thuyết, đời sống lẫn trong tâm khảm con người, thay vào đó tôn tạo được ý sống, cách sống mới, phù hợp với lòng người, với sự khổ đau và với hiện trạng cuộc sống đương thời.

Lịch sử vẫn như dòng sông xuôi chảy, trải qua bao biến thiên thăng trầm của dân tộc, Phật giáo đã hòa mình gắn liền vận mệnh mình như một định lý không thể tách rời, xứng đáng với phạm trù ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC; đó là sự thật được lịch sử chứng minh CÁI PHẬT GIÁO CÓ trong lòng dân tộc mình.

Lễ Vu Lan-Rằm Tháng Bảy được xác lập từ trong ý nghĩa đó. Tình cảm và đạo lý dân tộc ta vẫn luôn rộng mở; với thù, với bạn cũng chung cùng “Dòng nước mắt cùng mặn-Dòng máu đỏ” như nhau. Những “Thương người như thể thương thân” - “Mình với ta tuy hai mà một”-“Bầu ơi thương lấy bí cùng…”.v..v…há chẳng phải đạo lý Phật giáo đó sao ! Tương tư, khi đứng trước một hoàn cảnh bi thương nào đó, từ trong cửa miệng của dân ta há đã chẳng thốt lên câu đầu tiên “Tội Nghiệp”, bao hàm ý nghĩa to lớn, biểu lộ lòng lân mẫn, tương thân tương ái đó sao ? Nói một cách khác, Phật giáo đã đáp ứng được một phần rất lớn Tình cảm và niềm tin trong cộng đồng dân tộc, trở nên nguồn hòa nhập mật thiết trong mọi lãnh vực.

Cho dù là không Phật giáo, đến rằm tháng bảy, ai ai cũng đều tỏ ra tha thiết với sụ hiếu để, cũng như tỏ lòng ai hoài mong xá tội vong nhân đối với thế giới xa xăm nào đó ; tùy theo trình độ nhận thức cảnh giới địa ngục. Nếu hiểu theo quan niệm vượt hóa, chúng ta sẽ dễ dàng đồng cảm những dòng sau đây của cố HT Thích trí Thủ (đăng trong Nội San Bát Nhã số 5 của TV Tài Chánh trước năm 1975):

“Những cơn mưa dầm tháng bảy, trời âm u, bão và lụt đã bắt đầu, ngày dài của mùa hè rút ngắn lại ; trời đất đang xoay tới khoảng thăng bằng, làm nhịp cầu giao cảm thiên thu giữa cõi sống và cõi chết. Người chết đã buông tay rũ sạch những tham vọng của một đời, cho lá vàng rụng xuống. Người sống vẫn tiếp tục lượm nhặt lá vàng, xây những tham vọng cuồng dại mới. Kiếp luân hồi kéo dài bất tận, người sống và kẻ chết nối nhau thành một”đoàn vô tư lạc loài nheo nhóc”, cùng lang thang vô định trên “con đường bạch dương bóng chiều man mác”.

“Rằm tháng bảy, một ngày hội âm thầm của những oan hồn mà sống đã không nói được khát vọng của mình, và chết cũng không có lời để ta thán. Nếu dương gian còn phảng phất một chút tình người, còn tưởng nhớ đến ân tình một thưở, thì một hạt muối và một bát nước trong cũng đủ rữa sạch cái oan khí tương truyền ngàn năm treo ngược.

“Vu Lan Thắng Hội, ngày hội cứu đão huyền, ngày giải tỏa oan khiên treo ngược tội nhân trên rừng đao, biển lửa. Trong ngày đó, mười phương chư Phật đều nở nụ cười hoan hỷ, vì là ngày tha thứ giữa những người còn sống, biết cởi bỏ hận thù ràng buộc để sống, còn có ngày hội nào vui hơn, trước cái hứa hẹn một thế giới thanh bình có thể có ? Oan khiên trở thành ân nghĩa. Ân của trời đất, ân của cỏ cây, ân của đồng loại; ân nghĩa ấy đã thắt chặt tình người qua bao nhiêu kiếp, sao nhất thời lại có thể hờ hững trôi qua ?

“Trong khoảng trời đất mịt mù, giữa những đêm dài lạnh lẽo, người chết còn biết trở lại dương gian xin một bát nước để rửa sạch oan khiên treo ngược, há người còn sống lại không biết âm thầm nở nụ cười hoan hỷ và tha thứ ? ”.

Đọc nhựng dòng trên bằng cả một tấm lòng vị tha rộng mở, chúng ta đã thấy ra được phần nào ý nghĩa to lớn của ngày lễ Vu Lan-Rằm Tháng Bảy. Như vậy, địa ngục thường mang ý nghĩa của một vai trò chủ đạo khi nhắc đến Vu Lan-Rằm Tháng Bảy, từ đó chúng ta khởi niệm và đồng cảm với tha nhân một cách dễ dàng, bởi địa ngục có là do sự cảm vời mà ra, như kinh Địa Tạng thường được Đức Phật lập lại nhiều lần. Hay nói như một danh nhân thế giới

“Địa ngục là do chân lý được nhìn ra quá trễ”.

Do đó, Tagore-một nhà thơ lừng lẩy của Ấn Độ từng biểu cảm bằng ngôn ngữ triết lý qua câu thơ

“Trong cái chết thì nhiều biến thành một, trong sự sống thì một biến thành nhiều“.

Thương yêu vượt qua biên giới của sự sống chết, mà địa ngục chỉ là phạm trù gạch nối, không phải là dấu chấm hết khẳng định. Cúng rằm tháng bảy có nghĩa là chia sớt sự sống cho cảnh giới khác mà nhân gian thường gọi là “Cô Hồn Uổng Tử” còn vất vưởng chờ định và thọ nghiệp. Từ đó con người khi quay lại cuộc sống thực tại đời thường, chắc rằng không ai là không lân cảm với đồng loại. Ý nghĩa đó là một chân lý tuyệt hão của nhân loại đã sống và đã thực hành, dù không cùng chánh kiến, gai cấp xã hội hay bất kỳ chủ thuyết tôn giáo nào. ”Một ngày mà chúng ta không thắp lên ngọn lửa thương yêu, vì thế có biết bao nhiêu người chết vì giá lạnh “. Francois Mauriac cũng đã phải thốt lên như vậy.

Dân tộc chúng ta vốn có truyền thống đạo đức cao thưỡng, hiếu nghĩa vẹn tròn, khi tiếp nhận tư tưởng Phật giáo nói chung và Lễ Vu Lan nói riêng, đó là sự dung nạp lý tưởng đạo đức thuần nhất để un đúc nên nếp sống chung cộng đồng. Tuy nhiên sự hòa nhập đó trong qua trình phát triển vẫn không tránh khỏi sự đố kỵ, đôi lúc dẫn đến nguy vong bởi các khuynh hướng Nho-Khổng.

Mặc dù hệ tưởng này không mấy khác biệt với Phật giáo, phần lớn chung một nền tảng đạo lý phương đông, nhưng ở tư tưởng Phật giáo thì cởi mở, phóng khoáng hơn, nên những đối kháng kia chỉ là trở ngại nhất thời trong một giai đoạn lịch sử. Dù vậy khi có ưu thế là quốc giáo-nói đúng hơn khi Phật giáo ở những thời kỳ cực thịnh bởi các hàng từ vua quan đến thứ dân đều tín hướng Phật đà, Phật giáo vẫn không ỷ thế cậy quyền đè bẹp các tư tưởng tôn giáo khác, ngược lại còn chủ trương “Tam Giáo Đồng nguyên”. Những tư tưởng bài xích Phật giáo còn lưu lại điển hình như Trương Hán Siêu ghi trong Linh Tế Tháp Ký, Quang Nghiêm Tự Bi Văn ; Hàn Dũ (Trung Hoa, 768-823)với bài biểu Can Vua Đón Xương(Xá lợi)Phật ; Lê Quát Mai Phong với bài Văn Bia chùa Thiệu Phúc, Thôn Bái, Tỉnh Bắc Giang. v..v…đã không đủ sức đánh bạt làn gió đạo đức Phật giáo đang thổi mạnh khắp nơi, từ kinh thành đến những làng quê hẽo lánh.

Vì vậy chúng ta không ngạc nhiên khi các bài trong Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi-bậc đại công thần nhà Lê ra đời với nội dung “Thương Người Như Thể Thương Thân” phủ trùm tinh thần vị tha của Phật giáo. Chưa hết, trong kho tàng truyện cổ tích VN, không hiếm chuyện khắc họa hình tượng Ông Bụt(một dạng phương ngữ hóa từ chữ Phật) làm chủ thể ban thưởng cái thiện, Nhất là chuyện “Cây Nêu Ngày Tết”, chiếc y vàng của Phật với cái bóng ngã dài là dãi đất yên bình cho người dân sinh sống. Đó là những tiềm ấn sâu xa minh chứng cho sức sống trường tồn của Phật giáo. Cụ Tố Như Nguyễn Du, trong tuyệt tác truyện Kiều đều lấy triết lý Phật giáo làm nền tảng. Ngay đoạn mở đầu cũng phải dùng đến tư tưởng tài mệnh tương đố và kết thúc bằng sự khẳng định nhân-quả hẳn hoi. Vì vậy nào phải ngẫu nhiên khi Cụ viết rằng :

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần hay xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài

(Truyện Kiều, câu 3249-3253)

Bên cạnh đó còn phải kể đến bàiVăn Tế Thập Loại Chúng Sinh. Đọc bài này, người ta càng ngạc nhiên hơn nếu cho rằng Nguyễn Du viết Ttruyện Kiều vì ảnh hưởng Phật giáo thì hoàn toàn lầm lẫn. Bởi vì ngôn ngữ, ngụ ý của bài Văn Tế Thập Loại chúng Sinh vô cùng chính xác, tứ cách diễn đạt các thế giới cho đến các từ Phật học, mà nếu không tường tận gốc tích tác giả, người ta dễ ngộ nhận cho đó là của một vị cao tăng nào đó viết. Thí Dụ :

Trời tháng bảy mưa dầm sùi sụt

Toát hơi mây lạnh ngắt xương khô

Nào người thay buổi chiều thu

Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng

Đường bạch dương bóng chiều man mác

Dọc đường đê lác đác sương sa

Lòng não lòng chẳng thiết tha

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm

Trong trường dạ tối tăm trời đất

Có khí thiêng phảng phất u minh

Thương thay thập loại chúng sinh

Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người…

…Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo

Của có chi bát cháo nén nhang

Gọi là manh áo thoi vàng

Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên

Ai đến đây dưới trên ngồi lại

Của làm duyên chớ nại bao nhiêu

Phép thiêng biến ít thành nhiều

Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sanh

Phật hữu tình từ bi tế độ

Chớ ngại rằng có của cùng không

Nam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô Tăng

Nam Mô nhất thiết siêu thăng thựơng đài.

Trên là một vài dẫn dụ cho sức sống PGVN trong lòng dân tộc, đã tạo nên nét đẹp truyền thống văn hóa từ bao nhiêu thế kỷ nay. Vì thế Lễ Vu Lan-Rằm Tháng Bảy không còn là của riêng Phật giáo, mà đã trở thành “Lịch Sinh Hoạt”hằng năm của người VN. Theo đánh giá của Giáo sư Hoàng Như Mai thí

“Ngày Lễ Vu Lan, Ngày rằm Tháng Bảy, Ngày Xá tội Vong Nhân có thể được coi là NGÀY TÌNH THƯƠNG VIỆT NAM vì con người, vì cuộc sống hiền hòa, an lạc, tiến bộ của con người “ (nguồn: Lễ Vu Lan và Tình Thương của nhân dân ta=Hoàng Như Mai-Tập Văn Vu Lan 2531-1987).

Hơn thế nữa, một sự khẳng định tất yếu của lịch sử, ngày 26/01/1995, ngưới phát ngôn Bộ Ngoại Giao nước CHXHCNVN dõng dạc tuyên bố

“…Phật tử VN là những người yêu nước, luôn luôn gắn bó với dân tộc qua mọi bước thăng trầm của lịch sử, luôn đứng về phía tổ quốc đấu tranh chống ngoại xâm. ĐẠO PHẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI VN KHÔNG CHỈ LÀ MỘT TÔN GIÁO MÀ CÒN LÀ MỘT BỘ PHẬN CỦA NỀN VĂN HÓA DÂN TỘC TRUYỀN THỐNG. ” (Nguồn : Báo SGGP-TTXVN ngày 26/01/1995)

Với niềm tin son sắt đó, với lòng tín hướng Phật Đà, một lần nữa chúng ta đón mừng ngày Lễ Vu Lan-Rằm Tháng Bảy trên đất nước VN thân yêu với đủ đầy niếm tự hào và hãnh tiến song hành cùng dân tộc. 

 

DƯƠNG KINH THÀNH