TẮM HỘI SÔNG TRĂNG

Trần Trọng Sỹ

http://sachhiem.net/TTS/VH/TranTrongSy_vh11.php

11-Feb-2021

... Chính Sách Hiếm đã thắp lại niềm tin Việt đã mất trong tôi. Và niềm tin ấy, đã khiến tôi chấp nhận lá cờ đỏ sao vàng làm cờ tổ quốc. Có biết bao người cũng âm thầm gia nhập đoàn quân Sách Hiếm như tôi ? Tôi nghĩ là rất đông.

...Tôi sống hơn nửa đời ở nước ngoài, mang quốc tịch Âu Mỹ, nhưng chưa bao giờ có thể mở miệng nước Mỹ của chúng ta, nước Pháp của chúng ta, nước Đức của chúng ta. Trong tâm thức, tôi chưa từng thấy mình là người nước ngoài, vì thực sự, tôi là người Việt Nam. .. (TTS)

Đây là món quà đầu Xuân của tác giả Trần Trọng Sỹ, tác giả mà mọi bạn đọc của trang nhà đều ngưỡng mộ. Tòa soạn của trang nhà rất hân hạnh thay mặt tất cả những người mà văn nhạc sĩ muốn gửi đến, để cám ơn một món quà "để đời" này. Thật đây là món quà hết sức quí giá, chúng tôi xin tạc dạ ghi lòng, và chúc cho tác giả Trần Trọng Sỹ những ngày sắp tới được vạn sự như ý. (SH)

Có hôm cô giáo Trần Ly nói với tôi rằng, bác ơi, cô Lâm Phú Châu là vợ giáo sư Nguyễn Mạnh Quang.

Tôi bảo, không phải đâu, khi giới thiệu GS Quang trên diễn đàn Youtube, cô Châu vẫn một điều thưa GS, hai điều thưa GS, y như cô ấy nói về GS Trần Chung Ngọc.

Tôi đã bị cô giáo nhỏ này qua mặt mất rồi, vì đúng vậy, cô Châu chính là phu nhân của GS Nguyễn Mạnh Quang.

Tôi quen nữ sĩ Lâm Phú Châu (Lý Thái Xuân) từ năm 2012, khi gửi bài viết đầu tiên đến SH, nhưng tôi cũng chẳng hề biết mặt mũi bà hay tên thật của bà là gì. Chúng tôi chỉ trao đổi nhau qua email và một hai cú điện thoại. Giao tình của chúng tôi đúng thật như đạm thủy. Còn với giáo sư Nguyễn Mạnh Quang, tôi có cuốn Nói Chuyện Với Tổ Chức Việt Nam Cộng Hòa Foundation do anh ấy ký và gửi tặng vào năm 2014. Lúc ấy, tôi vẫn cứ nghĩ anh Quang chỉ cộng tác với Sách Hiếm như GS Trần Chung Ngọc lúc ông còn sinh tiền mà thôi.

Tôi gọi Lý Thái Xuân là nữ sĩ không quá đáng đâu. Bà vừa là tác giả nhiều bài viết giá trị, vừa là nữ tướng đứng đầu của trang Sách Hiếm. Nói nôm na, bà là bếp trưởng của nhà hàng Sách Hiếm có số lượng hằng triệu thực khách trên 5 châu lục, trong đó có tôi.

Còn GS Nguyễn Mạnh Quang là sử gia có tấm lòng yêu nước rất sáng ngời, anh còn có bút hiệu Việt Án Anh, nhưng cây quít Việt dời sang đất Mỹ vẫn ngọt trái và đậm chất quê hương. Đó là điều mà tôi trân quý nhất nơi họ.

Viết về sự nghiệp của đôi vợ chồng này thì ngoài khả năng của tôi, vì thú thật, sự hiểu biết của tôi về họ rất khiêm tốn. Thôi đành nguệch ngọac vài nét mạn hứng về họ, một cách chấm phá như vẽ sơn thủy.

Một hôm tôi xem cô giáo Trần Ly khoe clip quay “cụ già” Nguyễn Mạnh Quang đến nhà ăn cơm và nghỉ trưa.

Đó là lần đầu tiên tôi thấy GS Quang và phu nhân trên màn ảnh đời thường, một ông cụ tóc bạc, hồn nhiên và bình dị như trẻ thơ. Cụ nằm lăn ra sàn nhà của Ly như ở nhà mình. Ly còn khoe đã cùng vợ chồng GS Nguyễn đi tham quan nhà thờ núi Cúi, đi đến một ngôi chùa ở Gò Vấp...

Ngay lúc nhìn GS Quang như vị sư già nằm cong mình con tôm trong nhà Trần Ly. Tôi đã viết ngay câu thơ:

Về thăm tóc bạc cuối thôn.
Trèo lên đồi tuổi lòng son đã già...

Chàng trai trẻ ra đi ngày ấy, tang bồng hồ thỉ, thỏa chí nam nhi. Chàng từng ra sức ngựa, từng vung gươm theo tiếng gọi của non sông, góp vào cát bụi những giòng chảy của lịch sử. Gươm của chàng chưa hề mòn, chí của chàng chưa hề nhụt. Những đóa hoa đã mọc sau vó ngựa chàng lưu lại vẫn còn như mỉm cười với nắng quái mưa sương, vẫn toát ra mùi thơm để hiến tặng cho đời.

Vận nước đã bao lần điêu linh trầm thống, đến nỗi Nguyễn Trãi từng than nhân tài như lá mùa thu, tuấn kiệt như sao buổi sớm. Biết bao nhiêu lần cha phải bỏ mẹ và con thơ ra đi vì nợ nước. Nguyễn Trãi từng tiễn cha đến Tận Nam Quan.

Ta về thăm lại ao xưa
Mẹ ru con ngủ đợi cha chưa về
Cha già ôm hận Nam Quan
Mang theo vận nước lòng son chưa dời

Khi tóc chưa bạc, chàng trai trẻ cũng từng mang theo vận nước ra đi.

Có người ở lại mang nặng gánh nước non, cũng có người ra đi lại gánh nước trở về ao xưa.

Những đứa con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Những đứa con mà lòng son chưa bao giờ dời đổi, dù lưu lạc tha phương, rốt lại cũng tìm thấy nhau trong ngày hội lớn.

Chạnh nhớ quê hương, chàng tìm về nguồn cội, mong thăm người cha già đã đem độc lập và vinh quang về cho muôn dân cùng với nền thống nhất mà không trang sử nào dám chối từ. Cha già tóc trắng đã bay vào huyền thoại, còn mình, chàng trai trẻ của một thời, khi về đến cuối thôn, tóc chàng bỗng bạc như tóc cha, xế chiều lần bước trên đồi quê, chàng bắt đầu cảm nhận rằng, mình không thể làm ngơ với vô thường. Thế là chàng ghé xuống bến đò xưa, con đò nhỏ nghèo nàn đưa khách sang sông đã không còn nữa, nhưng một cây cầu khang trang đã bắt ngang sông quê chảy nhẹ vờn theo gió. Vài cánh chuồn bay lượn thanh bình trên đám bèo xanh lơ lửng. Chàng như muốn tìm một cánh hoa xưa trong vùng nhớ của thuở học trò, khi nhìn sang bên kia sông, trên đám mây trắng, hoa bỗng rộ lên như chùm pháo bông sáng bừng trong đêm hội quê hương.

Ta về thăm lại vô thường
Hoa kia vẫn rộ trong đêm đợi người...

Thời trai trẻ ra đi, đám con mẹ Âu Cơ tản mác đứa lên non thằng xuống biển, nhưng trong tâm thức của mỗi đứa con mẹ, vẫn như luôn có thanh gươm Bách Việt gia truyền từ đời này sang đời khác chưa bao giờ sờn mẻ. Cho dẫu cánh chim có mỏi mệt ở chân mây cuối trời, hạt giống thiêng vẫn ươm mầm tự hào vươn cao giữa bạt ngàn mây nước, thề quyết gìn giữ từng tấc đất ngọn cỏ bờ lau.

Trăm xưa bạt cánh chim trời
Trăm sau vẫn nở theo lời trối trăn.

Có lúc, nhiều nữa là khác, nằm soãi người trên bãi cỏ, nhìn tượng thần Tự Do bên bờ sông Hudson, hay tháp Eiffel bên dòng sông Seine, chàng lại ao ước được ngồi co ro bên bếp ấm quê mẹ, đợi khoai lang tím lùi tro chín, bên ngoài trời mưa lớn, hạt mưa vỗ rào rào trên mái tranh, ngoài sân bong bóng mưa vỡ bập bùng lành lạnh, trong lòng cảm nhận bếp ấm của quê hương là nơi ấm nhất của cuộc đời.

Bếp lùi khoai tím chiều quê
Mưa sa từng hạt vỗ về hiên tranh

Có những đoạn văn ngắn, những câu hát ngắn, nhưng đã đi vào lòng dân tộc, có sức mạnh như đoàn hùng binh cho mỗi thời, mỗi lúc, khi sơn hà nguy biến :

Cầm chiếc gươm chinh phụ di truyền, chàng bế con trao lại gươm bền, rồi chỉ vào sơn hà biến cố, trao nó đi gây lại cơ đồ... (Hòn Vọng Phu – Lê Thương)

Cũng có những đoản văn, dù không dò dặn phải gánh vác giang sơn, nhưng ai từng đã đọc qua, thì không một người Việt nào có thể để cho văn hóa ngoại nhập làm tổn thương đất mẹ, làm mất đi bàn thờ mẹ với bát nhang tuy đơn sơ, nhưng không bao giờ nhạt mùi nhang khói :

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp...

(Thanh Tịnh – Quê Mẹ).

Con đường quê mẹ không bao giờ nhòa đi trong ký ức Việt Nam. Lớn lên, cho dù mặc áo công hầu khanh tướng, cũng không ai quên nổi con đường quê được mẹ nắm tay dắt đến trường lần đầu đi học.

Mẹ là suối nguồn cho nỗi nhớ.

Quê là miên man cả cuộc đời.

Có ai mà không nhớ quê, không ao ước có ngày về thăm quê, nằm trên chiếc võng đay, gió trưa hè vờn mát theo nhịp võng đưa, tiếng hát ru con đâu đó vọng về.

Cái nghèo của quê xưa, trong hồi ức của những đứa con xa xứ, lại trở thành bức tranh đẹp nhất mà không viện bảo tàng nào có thể ghi lại.

Ta về thăm lại quê xưa
Nằm nghe võng hát đong đưa gió chiều.

Tôi không biết vợ chồng GS Nguyễn Mạnh Quang đi những nơi đâu ở VN, nhưng nghe Trần Ly nói thì nhiều lắm. Cô giáo nhỏ Trần Ly hay quay clip đưa lên mạng khoe “bà chủ Sách Hiếm” ghé nhà thăm, và cũng nhờ đó tôi biết chút ít hoạt động của họ khi họ về VN.

Bẵng đi một cái mà đã gần năm, lúc ấy vào khoảng đầu xuân năm 2020, dịch Covid lan mạnh ở Vũ Hán gây thiệt mạng hằng nghìn người. Dịch cũng bắt đầu lan sang Việt Nam. Âu Mỹ nhìn về Đông Á bằng ánh mắt ái ngại và hoang mang. Tôi cũng định về VN vào năm 2020, nhưng thân nhân khuyên không nên về, sợ dính Covid. Lúc ấy ai cũng nghĩ dịch sẽ bùng phát ở Đông Nam Á. Ở bên trời Tây, khi thấy GS Nguyễn Mạnh Quang nằm trên nền nhà Trần Ly, tôi cứ sợ không biết hai người có thể trở về Mỹ được không, vì nhập cảnh vào Hoa Kỳ cũng như các chuyến bay đang bị hạn chế và kiểm soát gắt gao, đặc biệt từ các nước vây quanh TQ như Hàn, Nhật và Việt Nam.

Bao nhiêu năm xa xứ, ngày trở về, như Lưu Nguyễn tìm về cố quận, tuy có rất nhiều người mới quen, nhiều bó hoa nhiệt nồng chào đón, nhưng ngần ấy xa cách, ngần ấy thời gian, bước chân xưa vẫn cảm thấy như nỗi cô liêu lạc bước giữa ân tình, vẫn có cái gì tiếc nuối, vẫn có cái gì ngoái lại mà không bao giờ gặp.

Ta về thăm lại cô liêu
Chân buông dấu cũ lần theo vết đời

Ta trở về tìm lại chính ta, ta của ngày xưa gươm đàn nửa gánh, càng về khuya càng nặng nỗi ưu tư   non sông một chèo. Tình chung, nỗi riêng, trời mây biêng biếc, ngày hội quê hương với muôn ngàn cảm khái.

Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung
Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm đã quyết chẳng dung “giặc trời” - (Chinh Phụ Ngâm Khúc).

Lưỡi gươm của chàng đã vấy máu không biết bao nhiêu tên giặc trời, nhưng chàng lại không mong gặp được bệ rồng, chỉ mong tìm lại đời mình hiên ngang trên bước cô liêu dấu cũ, dấu của người xưa, của nợ núi ơn sông đâu cần đáp trả.

Tôi đọc Sách Hiếm từ năm 2010 qua những bài đầu của GS Trần Chung Ngọc, Charlie Nguyễn, Nguyễn Mạnh Quang, Nguyễn Văn Thọ, Trần Tiên Long...một hội tụ khá tình cờ gồm hầu hết người Bắc di cư bỏ đạo Công giáo. Những người này có khả năng biến tôi thành một trong nhóm của họ, mặc dù từ lâu, tôi vốn rất hờ hững với cuộc đời sau nhiều năm chống Cộng khá cực đoan nhưng dần dần nản chí. Chúng tôi gặp nhau không một lời ràng buộc, chẳng cắt máu vườn đào, chỉ như tình cờ cùng Tắm Hội Sông Trăng, như nghìn con nước đại ngàn cùng kéo nhau vào sông lớn để ra biển khơi. Bài hát này, tôi viết ra để thân tặng cho họ, cho toàn thể những con người thắp đuốc Việt trên bến tha hương, và cho tất cả những ai ở trong nước, mà biết tận hưởng hương vị ngọt ngào của quê cha đất tổ.

Chính Sách Hiếm đã tạo cho tôi cái nhìn thân thiện về VN.

Chính Sách Hiếm đã chứng minh cho tôi rằng, VN cần được thống nhất và và cho dù có trăm xưa bạt cánh chim trời, thì trăm sau vẫn nở theo lời trối trăn. Cuộc thống nhất Bắc Nam năm 1975 hoàn toàn là chính đáng, là nghĩa vụ của dân tộc, của đất nước. Chúng ta có lỡ vì yêu nước quá mà trở  mặt đánh nhau, thì lời trăn trối thước gươm đã quyết chẳng dung giặc Trời của nghìn xưa vẫn phải nở ra trong trái tim nghìn sau của giống nòi Bách Việt.

Chính Sách Hiếm đã thắp lại niềm tin Việt đã mất trong tôi.

Và niềm tin ấy, đã khiến tôi chấp nhận lá cờ đỏ sao vàng làm cờ tổ quốc.

Có biết bao người cũng âm thầm gia nhập đoàn quân Sách Hiếm như tôi ? Tôi nghĩ là rất đông.

Chính Sách Hiếm đã cho tôi thấy, qua lịch sử, ngọn cờ Đỏ đã đưa ra bản Tuyên Ngôn Độc Lập, đã đánh bại thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ trói chân Pháp vào bàn Hiệp Định Genève, đã thống nhất đất nước năm 1975 (nếu ai đó dị ứng với cụm từ chống Mỹ cứu nước), đã đánh lỗ đầu TQ trong cuộc chiến biên giới Việt Bắc trong gần một thập kỷ để gìn giữ ngọn cờ độc lập VN, đã biết cùng nhau thắt lưng buộc bụng chịu đói chịu khát mà không bị cuộc chiến tranh cấm vận thương mãi của Hoa Kỳ kéo dài 20 năm bắt VN phải quỳ gối.

Dĩ nhiên không có chính quyền nào không từng phạm sai lầm. Tôi không thuộc hạng cuồng tín vào bất kỳ chủ thuyết hay cá nhân nào, nhưng với ngần ấy công trạng, tôi không có lí do nào để có thể u mê lì lợm không hòa mình vào giòng chảy của đất nước.

Ngày nay, ngọn cờ đỏ sao vàng tung bay khắp thế giới, được mọi quốc gia yêu mến và nể nang, không phải van xin nước nào bố thí như xưa, trấn áp được đại dịch Covid-19, ngang nhiên bị Hoa Kỳ đòi phải cân bằng giao dịch thương mãi !

Tôi hãnh diện bị Mỹ liệt vào danh sách các quốc gia cạnh tranh kinh tế với Mỹ hơn là suốt vận mệnh đời mình, cứ phải ngửa tay xin ăn, nhận hàm ân từ người Mỹ.

Tôi còn nhớ, khi đọc bài viết của GS Trần Chung Ngọc về Chùa Hoằng Pháp với Khóa Tu Mùa Hè có số người tham dự lên đến 7 nghìn, tôi mới chú ý và khám phá ra rằng, chưa bao giờ Phật Giáo được hưng thịnh như vậy tại VN từ sau hai triều đại Lý, Trần. Cũng từ đó tôi để tâm về sự phát triển của đạo Phật VN. Nội dung đạo đức ra sao khoan bàn và cũng khó bàn, nhưng về mặt hình thức, thực khó có thể nói CS vô thần không tôn trọng tín ngưỡng. Tôi xin trưng dẫn một số rất ít những bằng chứng tiêu biểu như sau :

  • Sự xây dựng hệ thống Thiền Viện Trúc Lâm, nào là Trúc Lâm Phượng Hoàng, Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Hộ Quốc, Trúc Lâm Nam Phương, Trúc Lâm Bạch Mã, Trúc Lâm Bản Giốc...tổng cộng có thể có đến hơn 20 ngôi Trúc Lâm hoành tráng mà không một chùa nào trưóc 1975 có thể so bì.
  • Sự xây dựng chùa Bái Đính to lớn đồ sộ hơn các ngôi Thiền Viện Trúc Lâm.
  • Sự xây dựng gần đây chùa Tam Chúc, ngôi chùa được cho là lớn nhất Đông Nam Á và lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2019 được cử hành tại đây.
  • Các chùa VN sau 1975 đều được trùng tu, xây dựng lại, khang trang và hoạt động mạnh hơn dưới thời VNCH gấp bội. Đơn cử như chùa Pháp Hoa, sát bên cái hẻm nhỏ lầy lội gần đại học Vạn Hạnh ngày xưa, từ một mái am lụp xụp dơ dáy bần hàn, nay đã trở thành thắng cảnh nổi bật của TP Hồ Chí Minh vào mùa Phật Đản.
  • Tượng Phật Di Đà ở chùa Khai Nguyên lớn có thể liệt bực nhất thế giới.
  • Tượng Quán Thế Âm cao 71m ở chùa Linh Ẩn gần Đà Lạt cũng nói lên được niềm tin mà dân tộc Việt Nam đặt vào đạo Phật.
  • Sự xây dựng cả một khu núi non Yên Tử trên địa phận hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh những công trình văn hóa đồ sộ đậm dấu ấn Phật giáo Lý Trần.
  • Sự xây dựng 5 ngôi chùa ngoài các hải đảo xa xôi ở Trường Sa, làm tiền đồn trấn quốc, ngầm nói với thế giới rằng, muốn đánh ngã VN, trước hết phải đánh gục được tượng Phật.
  • VN là nước đăng cai Vesak Liên Hiệp Quốc đến 3 lần, các tu sĩ Phật giáo khắp 5 châu tề tựu và được nhà nước nghinh đón long trọng.

Nhiều luận cứ cho rằng vì PGVN là đạo Phật quốc doanh nên được chế độ ưu đãi. Vậy thì uy danh của hai hòa thượng thiền sư Nhất Hạnh và Thanh Từ không đủ để bảo đảm rằng, PG không cần bán linh hồn cho các chế độ chính trị nào cả hay sao? Hòa thượng Nhất Hạnh, cả cuộc đời bôn ba xứ người, chế độ VNCH không dung tha ngài, chế độ CS cũng chẳng ngọt ngào với ngài, còn bị nhà nước sửa lưng nhiều lần, nhưng cuối đời, thay vì sẽ tịch diệt ở Làng Mai bên Pháp, ngài đã chọn cho mình mảnh đất quê hương ở Huế. Chẳng phải đây là cuộc tắm hội sông quê của thiền sư trước khi viên tịch hay sao ? Mà đâu phải chỉ có mình thiền sư, có cả Bùi Kha, có thể có tôi trong tương lai, và đặc biệt, có cả Phạm Duy từng chỉ yêu trăng Việt Nam qua lời thơ Cung Trầm Tưởng như sau :

Nơi em có trăng soi
Anh một mình thương nhớ
Trời mùa đông Paris
Suốt đời thèm trăng soi

(thơ Cung Trầm Tưởng – nhạc Phạm Duy)

Cho nên tôi không ngần ngại viết hai câu lục bát quê quê mà gần như ai cũng viết được, để tặng GS Nguyễn Mạnh Quang và Sách Hiếm, nhưng cũng đồng thời hưởng ké cho mình khi người được tặng mở gói quà ra xem :

Trăng về tắm hội sông quê
Sông quê vẳng tiếng à ơi sáo diều

Rồi cuối cùng, cũng không nơi nào đẹp bằng quê hương. Ai rồi cũng sẽ phải quay về quê hương như trẻ con tìm về mẹ. Không trăng nào đẹp như trăng quê.

Quê hương, nếu không trở về được, thì cũng là “nẻo về của ý”, nẻo về của tâm thức.

Tôi sống hơn nửa đời ở nước ngoài, mang quốc tịch Âu Mỹ, nhưng chưa bao giờ có thể mở miệng nước Mỹ của chúng ta, nước Pháp của chúng ta, nước Đức của chúng ta. Trong tâm thức, tôi chưa từng thấy mình là người nước ngoài, vì thực sự, tôi là người Việt Nam.

Suy cho cùng, GHPGVNTN và Công Giáo vẫn tiếp tục chống CS với lý do rằng tôn giáo bị đàn áp tại VN, thì đúng là cưỡng từ đoạt lý.

Nếu các linh mục như Đặng Hữu Nam, Nguyễn Ngọc Nam Phong, hay thầy Thích Không Tánh mà làm như vậy ở Pháp hay Mỹ, sử dụng tòa giảng để tuyên truyền chống chính quyền, thì cảnh sát vào ngay nhà thờ hay chùa lôi xuềnh xệch các tu sĩ ấy ra ngoài xe bít bùng, còng tay, và chở về tạm giam ngay, chứ không được tự do năm này tháng nọ thách thức chính quyền mà vẫn ung dung tự tại như vậy.

Có thể nói ở Âu Mỹ, không có nước nào sánh kịp VN về tự do ngôn luận. Tự do đến mức trên FB hay Youtube, người VN lên mạng bôi xấu lãnh tụ Hồ Chí Minh, người được kính trọng nhất VN, đều không bị nhà nước làm gì cả.

Nhà nước CS chỉ nghiêm cấm sự chống đối mang tính tổ chức có chứng cứ bạo động từ các thế lực bên ngoài, như Việt Tân hoặc tổ chức của Đào Minh Quân, còn nếu chỉ bất mãn mang tính tự phát, không gây ảnh hưởng mạnh đến an ninh trật tự, tôi lại thấy VN thoải mái hơn các nước được đề cao nhân quyền như Mỹ, Pháp.

Tôi hiểu vì sao GHPGVNTN không thể từ bỏ sự chống đối CS, mặc dù, có thể các bực tôn túc của GH biết rằng, họ không có lí do chính đáng nào để tiếp tục.

Từ 1975 đến 1995, với một chính sách thô cứng đối với tôn giáo của người CS, GHPGVNTN có chính nghĩa để đối lập, vì lúc mới thống nhất, quả thực CS đã xem tôn giáo như thuốc phiện.

Nhưng từ 1995 đến nay, nhất là từ ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ta chẳng còn thấy các khẩu hiệu về Mác hay về Staline nữa, mà VN đã bay trên đôi cánh Việt của mình, biến Hà Nội thành thủ đô của mọi nền văn hóa, nhưng chủ đạo vẫn gìn giữ những gì từng là truyền thống Thăng Long.

Bế tắc của GHPGVNTN là, nếu từ bỏ con đường chống Cộng, thì hệ thống chùa chiền VN hải ngoại sẽ ra sao?  Ở Mỹ hay ở Anh, Pháp, mà không chống CS, các sư lấy gì mà sống, và đạo Phật làm sao được duy trì? Phật giáo vốn luôn có tâm nguyện tùy thuận chúng sanh, Phật pháp bất ly thế gian pháp, nên chùa chiền ở hải ngoại không thể lìa xa ngọn cờ vàng, đó là điều mà tôi nghĩ lãnh đạo Việt Nam chắc chắn phải tinh ý biết rõ, và nên lơ cho GHPGVNTN tiếp tục đối lập để nắm giữ một bộ phận dân tộc bất mãn với chế độ, hơn là để cho bộ phận này đầu quân sang các thế lực nước ngoài.

Xưa kia, tôi chưa từng để ý đến tháp Báo Thiên. Chính Sách Hiếm đã không ngừng gieo vào tôi hình ảnh ngôi chùa An Nam Tứ Đại Khí ấy. Chùa Lá Vằng mà Công Giáo chiếm đổi tên thành La Vang cũng do Sách Hiếm mài đi mài lại như Đặng Dung mài kiếm dưới trăng. Và tôi biết rằng, đa số  người Việt của nhiều lứa tuổi khác nhau ở VN nhờ đọc Sách Hiếm mà có nhận thức rất đứng đắn về Công Giáo La Mã cũng như về sự chính danh của đảng CSVN đối với lịch sử dân tộc.

Ơ ớ ơ, cung khúc xưa, theo nắng về, xao xuyến rung
Tay vói tay, mây nối mây, “vòng tay lớn”

Từ đỉnh tháp Báo Thiên ném tầm nhìn ra một chu vi khá lớn, có thể thấy được tình yêu mà Sách Hiếm dành cho văn hóa Thăng Long. Hai con chim đầu đàn khuất bóng Trần Chung Ngọc và Charlie Nguyễn đều nằm trong chòm sao văn học Bắc Hà. Ông cụ tóc bạc ghé nhà cô giáo Trần Ly nằm ngủ như trẻ thơ, dù ở Mỹ hơn nửa đời người, vẫn nói giọng của văn hóa vùng miền Thăng Long. Cùng với phu nhân, họ đã dẫn dắt đám hậu duệ lần theo vết cũ cô liêu mà trở về Hoa Lư, từ Hoa Lư đi ngược đến Luy Lâu. Tại Luy Lâu, dừng lại một chút, để nhắc nhở mọi người rằng, tuy VN đang trong giai đoạn Bắc Thuộc, nhưng Luy Lâu là trung tâm văn hóa VN đầu tiên, là giao lưu của hai nền văn minh Trung – Ấn.

Có nhiều đoạn clip Trần Ly quay cặp vợ chồng GS Quang gặp gỡ giao lưu cùng các bạn ở quê hương. Vòng tay lớn mà Sách Hiếm ra công tạo dựng có khi còn mạnh hơn nhiều sư đoàn quân đội tinh nhuệ, có thể được trang bị nhiều súng đạn, nhưng chưa chắc có được một tinh thần yêu nước, yêu văn hóa và truyền thống Thăng Long như hội lớn của Sách Hiếm: tay vói tay là vói giữa người trong nước, mây nối mây là tạo ra một cộng đồng hỗ trợ đất nước từ hải ngoại.

Về đây rồi, dào dạt muôn sóng cờ Luy Lâu
Hoa Lư ơi, Thăng Long ơi, vào hội lớn
Vươn tay vói xa, cho đất trời thơm bao cánh hoa
Tháp Báo Thiên, như vẫn hằn trong tâm ý ta

Ngoài ra, còn cần kể ra đây một chi tiết, mà nhờ dựa vào đó, tôi đánh giá tấm lòng trung kiên son sắt của vợ chồng GS Nguyễn Mạnh Quang: Sách Hiếm, hay các trang mạng xã hội ngoại vi của Sách Hiếm đều không quảng cáo, không thể kiếm tiền youtube, như đa số các trang mạng “yêu nước” khác, mà nếu không thể bật nút kiếm tiền, thì họ sẽ không có lý do để duy trì kênh, họ không thể uống nước lã mà làm việc “nghĩa”.

Âu châu là nơi giao hội của văn hóa La – Hy. VN là nơi giao hội duy nhất của hai nền văn minh Trung – Ấn.

Chính Luy Lâu là chiếc nôi đầu tiên của văn hóa VN, của nước Văn Lang chỉ còn thơm tỏa như một nén hương trong huyền thoại.

Tuy bị Hán hoá rất mạnh, nhưng Phật giáo Luy Lâu đã tạo cho Việt tộc một sức bật độc lập mãnh liệt và trường tồn cho đến ngày nay. Đạo Phật tuy hiền hòa, nhưng đánh không bao giờ chết, vì sức sống của Phật vốn là một pháp thân bất tranh nhi thiện thắng.

Âu Lạc tung cánh như chim Bằng, bay thật xa

Giấc mơ nối kết Bắc Nam của mọi người con yêu nước đều đồng nhất giống nhau, chẳng phải là cả miền nam trước 1975 đều cũng từng mơ chung hay sao :

Người từ là từ phương Bắc đã qua dòng sông, sông dài.
Tìm đến phương này, một nhà thân ái.
Ơi! Tình Bắc duyên Nam là duyên
tình chung muôn đời ta đắp xây.

(Khúc Hát Ân Tình – Xuân Tiên)

Nhưng chúng ta không thể ngủ mãi trong mơ, mà phải dấn thân hy sinh để biến mơ thành thực.

Khi quân giải phóng tiến về Cà Mau, thì lời thề Bắc Nam sum họp mà cha già dân tộc trăn trối đã được con cháu thực hiện trong tình huynh đệ nối kết :

Ai về ghép lại vầng trăng
Sông An Giang chảy đầu Nam cõi bờ

Sông An Giang chảy trong ánh trăng quê được ghép lại.

Sông An Giang chảy, như thúng lúa miền Nam nặng trĩu trên chiếc đòn gánh từ lâu đã gãy khúc ở sông Bến Hải, nay được nối lại nhịp cầu.

Ta lại nghe đâu đó có ai hát một bài tình ca tha thiết về ngày đoàn tụ trong nắng xuân :

Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ, cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng. Nụ cười trong gió sớm, anh đến chờ em giữa cầu Hiền Lương...(Gửi Người Em Gái – Từ Linh)

Cuộc tình gặp lại trên cầu Hiền Lương khiến cho chim liền cánh, cho cây liền cành, cánh chim Âu Lạc nay đã tung bay phất phới bên cạnh những ngọn cờ Liên Hiệp Quốc tại New York. Trong khi lá cờ vàng ba sọc của VNCH tham dự vào cuộc nổi loạn tại điện Capitol, bị FBI Mỹ đưa vào danh sách truy lùng, thì cờ đỏ được báo chí quốc tế Forbes và Carnegie Endowment đều khen là quốc gia có tiềm năng sáng chói trong vùng (is looking one of the brightest in the region).

Dân Việt, từ thời lập quốc đến nay, lần đầu tiên việc thoát nghèo xóa đói đã không còn là ưu tiên cho giới lãnh đạo nữa. Mà tiêu chí ngày nay, theo bà lãnh sự sứ quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh, người Việt Nam đang ngắm vào hàng ghế ngồi của hai nước Hàn, Nhật.

Ai ơi vận nước đua lời
Trăm hoa đua nở trăm đời ấm no.

Từ Âu Lạc mất nước, đến Hai Bà Trưng lập quốc với các ni cô phận nữ lưu liều chết với nữ tướng, rồi đến Lý Bôn, Lý Công Uẩn, được nuôi dưỡng dưới mái chùa, hai nghìn năm thăng trầm cùng sống cùng chết, nối kết khối dân Bách Việt với mái chùa dân tộc, tạo cho người con Việt Nam cảm giác rằng hai thực thể này chưa bao giờ rời xa nhau, mà cơ hồ hình như chỉ là một khối. Những khi đất nước lâm nguy, đâu đâu cũng có âm thanh của tiếng chuông chùa vang vang trong rừng sâu núi thẳm, như kêu gọi mọi người hãy đứng lên kháng chiến, và mái chùa lại luôn là nơi che chở cho vận nước nổi trôi. Thậm chí, cho đến ngày nay, rất nhiều người vẫn ôm hận thù hằn đạo Phật, tất cả tu sĩ Phật giáo mà không dương cao ngọn cờ chống CS, đều bị liệt vào tổ chức Phật Giáo Quốc Doanh. Phật giáo luôn đồng hành gắn bó cùng dân tộc, là nơi trao gửi niềm tin hộ quốc an dân, dù có đội thêm cái mũ mới “quốc doanh” có gì khác biệt ?

Tuy không tham gia chính trị, mọi chính quyền của mọi thời đại đều biết rằng, dù im lặng đứng bên lề cuộc đời, nhưng chính quyền nào đi sai di huấn của cha ông, thì sức mạnh của Phật giáo thật khó mà suy lường nếu toàn dân dựa vào nó mà quật khởi.

Có ai mà không thuộc hai câu thơ của thiền sư Mãn Giác :

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Hạnh phúc muôn đời của tổ tông 

Tôi cũng đưa ý của thiền sư vào ca khúc của mình, ghép nối tình tự Việt Nam vào mái chùa im bóng :

Ta về thăm lại chùa xưa
Mái che đất Việt mát trời gió Nam.

Tuy vợ chồng GS Nguyễn Mạnh Quang không phải là người theo đạo Phật, nhưng tâm hồn của họ biểu hiện suối nguồn của văn hóa Thăng Long.

Nhạc phẩm này được viết ra từ hình ảnh của hai vợ chồng GS Nguyễn Mạnh Quang và con đường Sách Hiếm mà họ tạo dựng.

Tôi cũng xin dâng tặng ca khúc này cho hai anh linh đã khuất của Sách Hiếm: GS Trần Chung Ngọc, và Charlie Nguyễn.

Bài hát được trình bày bởi ba giọng nữ :

Nguyễn Lệ Hải: Ca sĩ có chất giọng rất giống “đại sư mẫu Thái Thanh” của dòng nhạc thính phòng Việt Nam. Tôi măy mắn khám phá giọng hát của cô qua trên kênh youtube Tài Ngô Hoàng Hữu.

Tắm Hội Sông Trăng được cô trình bày bằng cả trái tim Việt. Cô đã hát cho tôi nghe đi nghe lại 5 lần trước khi được thu âm lần chót. Dù đến lần thứ 3 thì tôi đã đồng ý, nhưng Hải vẫn tiếp tục hát và chỉnh cho đến khi chính cô nghĩ rằng không thể làm hay hơn.

Giọng hát Lệ Hải giống Thái Thanh một cách lạ thường, chỉ kém phần nội lực. Nhưng có khi nhờ kém nội lực, cô lại thu hút cho mình một nét riêng.

Trong dịp ra mắt này, tác giả chỉ biết cám ơn Lệ Hải đã cống hiến cho Tắm Hội Sông Trăng một hơi hướng Thăng Long đẹp tuyệt vời.

Cũng nhân đây, tôi xin trân trọng cám ơn người bạn đời của CS Nguyễn Lệ Hải đã dàn dựng rất công phu phần hình ảnh vidéo trên link bên dưới.

Khi viết lời giới thiệu này, tôi đọc được lời phê bình của một thính giả có tên là Dang Lieu Trang, đã để lại trên mạng những ý nghĩ rất ăn ý với của tôi. Xin chia sẻ ra đây để mọi người cho ý kiến:

Lý ra các Phật tử, nhất là các tu sĩ PG, phải rất thích nhạc phẩm này mới đúng, vì các thầy hay đọc hai câu thơ sau đây: "Mái Chùa che chở hồn dân tộc Nếp sống muôn đời của tổ tông" Thì trong bài hát này cũng có hai câu hát "Ta về thăm lại Chùa xưa Mái che Đất Việt mát trời gió Nam" ráp thành "Chùa Việt Nam", rất văn chương theo lối chơi chữ. Từng lời hát trong bài này đều rất ấn tượng, như "Trăm xưa bạt cánh chim trời", nghĩa là vợ chông ông NMQ (được tác giả ghi tặng bài hát) tung cánh chim bay nửa vòng trái đất lúc còn trẻ (trăm xưa) rồi sau nhiều năm nghiên cứu, trải nghiệm, thì lời trăn trối của dân tộc tổ tiên đã nở theo những tác phẩm của cặp vợ chồng này, qua câu: "trăm sau vẫn nở theo lời trối trăn" Không biết có ai cảm nhận được từng câu trong bài hát nhự vậy không ? Ngoài ra trong câu Cha già ôm hận Nam Quan...có một lòng nhắn gởi thiết tha ra toàn thể mọi ngưòi hãy coi chừng Bắc phương... bản nhạc là cả một trái tim yêu nước !

https://www.youtube.com/watch?v=nTGqVHo6_Vk

Sao Mai: Sao Mai là ca sĩ chuyên nghiệp của SàiGònThứ7.

Tiếng hát của Sao Mai nhẹ và mỏng. Cô trình bày nhạc phẩm này bằng giọng Bắc, nhưng tôi vẫn nghe được phẩm chất miền Trung trong hơi đưa à ơi của mẹ già qua câu hát đẹp mê hồn trong link bên dưới. Nghe Sao Mai hát, tôi cứ tưởng như xa xa đâu đó có bà mẹ Gio Linh đưa võng ru con một buổi trưa hè thật thanh bình trên quê hương.

Trăng về tắm hội sông quê
Sông quê vẳng tiếng à ơi sáo diều

Nhưng xuất sắc nhất phải nói là Sao Mai vượt khỏi tầm kiểm soát của tôi, hát sai nhịp câu Về đây rồi, dào dạt muôn sóng cờ Luy Lâu. Tôi đã bảo Sao Mai sửa, nhưng khi nghe lại lần thứ ba, tôi lại đổi ý, nhắn với Sao Mai là hãy giữ nguyên nhịp thúc mà Sao Mai tự ý vượt rào khi hát đến đoạn dào dạt muôn sóng cờ Luy Lâu. Các bạn cứ nghe và so sánh với Nguyễn Lệ Hải, hoặc với Kim Linh ở đoạn này sẽ thấy sự khác biệt. Có khi vượt rào, hay một lỗi vô tình nào đó, lại khiến cho tác phẩm văn hóa trở nên đậm đà hơn. Điệu Valse tôi sử dụng để diễn tả trở nên réo rắt son sắt hơn khi Sao Mai hát 4 chữ dào dạt muôn sóng.

Một khác biệt nữa là, Sao Mai đã cắt ngắn nhạc phẩm hơn so với nguyên bản, mà theo Sao Mai là vì ca khúc quá dài. Thay vì lập lại ở điệp khúc ơ ớ ơ, cung khúc xưa, Sao Mai đã nhảy sang Ta về thăm lại ao xưa...

Tôi không thích sự cắt xén này, nhưng vẫn phải tôn trọng tự do của ca sĩ trình bày.

https://www.youtube.com/watch?v=MtSP5x0Vs2w&t=1s

Kim Linh : Tôi biết Kim Linh qua các bài hát về đạo Phật. Kim Linh có dáng dấp gái Nam bộ chân chất mộc mạc, và đẹp như hoa sen Đồng Tháp. Giọng hát của Kim Linh dày nội lực, trong sáng và tươi mát.

Khi giao cho Kim Linh hát Tắm Hội Sông Trăng, tôi nghĩ giọng hát của cô sẽ thành công với tính cách trẻ trung đầy nhựa sống hồn nhiên của những giòng sông Nam Bộ.

Đúng như tôi dự đoán, Kim Linh hát tuyệt vời hai câu :

Ta về ghép lại vầng trăng

Sông An Giang chảy đầu Nam cõi bờ

Nhất là khi cô nhả chùm chữ chảy đầu Nam cõi bờ, và tiếp theo là à ơi à ơ à ờ ơi, thì... thật đúng là gái Nam, nghe chỉ muốn bay ngay về Kiên Giang mà nhìn áo bà ba chèo ghe trên sông nước.

Câu thứ hai mà Kim Linh hát trội hay là

Ai ơi vận nước đua lời

Trăm hoa đua nở trăm đời ấm no

Chữ đời được Kim Linh luyến láy một cách kín đáo nhưng xuất sắc vô cùng.

Một điều đặc biệt nữa là, phòng thu mà Kim Linh cộng tác với thiết bị nghe rõ từng âm thanh nhỏ của bản phối, so với phòng thu của Nguyễn Lệ Hải, vì hai người chia sẻ chung beat của cùng một ban nhạc.
https://www.youtube.com/watch?v=gtDWu3HfCOg

Kim Linh hát quen nhạc Phật giáo, nên khi hát câu Ta về thăm lại vô thường, nghe trong giọng hát của Kim Linh không có sự lạ lẫm, nốt trầm của Kim linh bỏ xuống rất đẹp.

Mùa xuân chỉ còn vài ngày nữa sẽ đến.

Covid-19 làm tôi ở nhà suốt, rồi dần dần lười bước ra đưòng, nên thời gian, tựa như chẳng còn là một khái niệm gắn bó như trước kia.

Bỗng một hôm, mấy chậu lan tự nhiên vươn ra những cánh tay đầy màu sắc, mới khiến tôi nhớ rằng, cho dù thế nào, thì vẫn phải sống, và đã sống, thì hãy sống như một đóa hoa.

Nhân dịp xuân sắp đến, gửi nhạc phẩm này lên Sách Hiếm, dĩ nhiên là để thân tặng anh chị Nguyễn Mạnh Quang và Sách Hiếm, nhưng cũng để trao đến toàn thể người Việt Nam, một mùa xuân tay vói tay, mây nối mây vào hội lớn.

Paris ngày 02/02/2021

Trần Trọng Sỹ

 

Trang Văn Học