Giải Mã Sự Im Lặng Của Đại Sư Trí Quang Sau Năm 1975

Thích Nhật Từ

http://sachhiem.net/TONGIAO/tgTH/ThichNhatTu04.php

02-Dec-2019

1. Sự im lặng như bậc Thánh của Đại sư Trí Quang

Những người phục hung tinh thần Ngô Đình Diệm ở hải ngoại bao gồm thiếu tá Liên Thành cho rằng thái độ của Đại sư Trí Quang vào năm 1966, năng nỗ vận động đem bàn thờ Phật xuống đường, 100 ngày tuyệt thực là để góp phần lật đổ chính quyền Việt Nam cộng hòa. Sau năm 1975, Đại sư Trí Quang không hề lên một tiếng nào, ngài im lặng hoàn toàn có lẽ là ngài bị khuất phục trước cường quyền hay là đang lặng thinh để ăn năn? (1)

Đây là luận điệu xuyên tạc tinh vi và khéo léo để hòng làm mất đi hết toàn bộ ý nghĩa của việc Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu bảo vệ Phật giáo và cũng như sự lãnh đạo tài tình của Đại sư Trí Quang.

Theo Tôi, Đại sư Trí Quang là đại anh hùng dân tộc, cứu nguy cho Phật giáo Việt Nam, cứu nguy cho miền Nam. Đại sư Trí Quang không hề phạm tội theo luật pháp của chính quyền Việt Nam Cộng hoà lúc bấy giờ. Đại sư Trí Quang cũng không phạm lỗi theo luật Phật. Đại sư Trí Quang, do vậy, không có gì phải ăn năn với ai, phải thống hối với ai mà phải giữ yên lặng. Yên lặng hay nói năng là cái quyền tự do của mỗi người và của Đại sư Trí Quang. Chúng ta sống trong đất nước có luật pháp phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận hay không ngôn luận của con người.

Đức Phật dạy tất cả Tu sĩ chúng tôi và các Phật tử hãy “nói năng như Chánh pháp” tức là truyền bá sự thật mà sự thật theo Đức Phật, sự thật là bất hư. Đức Phật dạy chúng tôi “hãy im lặng như thiền định” hay còn gọi là “im lặng như bậc Thánh”. Có nghĩa là trong những tình huống không tiện phát biểu, hay không được phát biểu thì mọi người phải làm chủ tâm, không để cho cơn giận dữ, hận thù, oan trái chi phối dòng cảm xúc của mình. Phải giữ im lặng như đang lúc tu thiền, làm chủ được thân, làm chủ được cảm xúc, làm chủ tâm, làm chủ các ý niệm, vượt lên trên các giới hạn nhị nguyên gồm chủ thể và khách thể, ta và người, bạn và thù và các ý thức hệ chính trị đối lập. Đại sư Trí Quang đã chọn giải pháp im lặng như thiền định và im lặng như bậc thánh. Đó là cái quyền lựa chọn tự do của mỗi người, luật pháp khắp thế giới và Việt Nam tôn trọng.

Tôi kêu gọi những người theo tinh thần Ngô Đình Diệm phải tôn trọng cái quyền lựa chọn im lặng của Đại sư Trí Quang. Đó là cái quyền thiêng liêng của Đại sư Trí Quang. Chúng ta không thể lấy cái quyền tự do thích nói của mình, thích phê bình, thích chỉ trích, thậm chí thích vu cáo, thích đi xuyên tạc để tấn công và phê phán Đại sư Trí Quang tại sao không nói sau năm 1975!

Hơn nữa, Đại sư Trí Quang là người đại hùng, chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ cường quyền nào như cường quyền ác đạo của Ngô Đình Diệm và Tổng giám mục Ngô Đình Thục vốn muốn đẩy Phật giáo vào hoàn cảnh khổ đau cùng cực năm 1963. Đại sư Trí Quang cũng chưa bao giờ khuất phục trước cường quyền của thực dân Pháp gần 100 năm cai trị Việt Nam. Đại sư Trí Quang đã bất khuất trong 9 năm (1954-1963) cai trị hà khắc của chính quyền độc tài, gia đình trị Ngô Đình Diệm. Đại sư Trí Quang cũng chưa bao giờ khuất phục trước bất cứ thể chế chính trị nào bao gồm thể chế chính trị đương nhiệm từ năm 1975 cho đến bây giờ.

Đó là tinh thần “vô uý”, không sợ hãi của Đại sư Trí Quang, phù hợp với tinh thần “Bi - Trí - Dũng” được đức Phật đã chủ trương trong Kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc Kinh điển Đại thừa. Đây cũng là tinh thần chung của Phật, Bồ-tát, A-la-hán, các bậc Đại sư và chân Tăng. Hành hoạt và sự làm đạo của các đại sư Phật giáo trong đó có Đại sư Trí Quang vượt lên trên các ý thức hệ chính trị, cho nên không bị khuất phục bởi bất cứ ý thức hệ chính trị nào.

Việc những người theo tinh thần Ngô Đình Diệm cố tình nguỵ biện rằng “Đại sư Trí Quang chọn con đường không phát biểu sau năm 1975 là ăn năn hay bị khuất phục trước cường quyền” là một sai lầm lớn, là quả đoán sai và vi phạm cái quyền tự do ngôn luận hay không ngôn luận của con người.

Hơn nữa, chúng ta nên hiểu mỗi người đóng một vai trò lịch sử trong một giai đoạn lịch sử, tại một thời điểm lịch sử. Chúng ta không có quyền bắt buộc Đại sư Trí Quang đóng tất cả vai trò lịch sử, trong các giai đoạn, thời điểm lịch sử, ở những không gian lịch sử khác nhau.

Xin nêu ví dụ, các vị Tổng thống Hoa kỳ, sau khi hết nhiệm kỳ làm Tổng thống, nhiều vị đã không tham gia chính trị sau đó. Có thể thỉnh thoảng làm tư vấn, cố vấn chính trị hoặc thỉnh thoảng có những phát biểu chính trị nhưng họ không trực tiếp tham gia chính trị. Là các nhà chính trị chuyên nghiệp, từng lãnh đạo đất nước Hoa Kỳ, vốn là nền chính trị mạnh nhất thế giới, chi phối chính trị toàn cầu, thế mà nhiều cựu Tổng thống Hoa kỳ còn không quan tâm đến chính trị, sau khi họ về hưu. Tại sao chúng ta phải bắt buộc một bậc Đại sư như ngài Trí Quang phải can thiệp vào các hoạt động chính trị, phải làm chính trị, phải phát biểu về chính trị. Sự bắt buộc Đại sư Trí Quang phải phát ngôn chính trị sau năm 1975 là vô lý, không phù hợp và thể hiện sự thiếu hiểu biết về luật pháp, chà đạp lên cái quyền tự do ngôn luận và không ngôn luận của Đại sư Trí Quang.

Sự áp đặt Đại sư Trí Quang phải phát biểu chính trị và làm chính trị sau 1975 là dụng ý xấu của những người không thích Đại sư Trí Quang. Những kẻ xấu bắt buộc một bậc chân tu như Đại sư Trí Quang phải làm chính trị vốn Ngài vượt lên trên các giới hạn chính trị như đức Phật Thích Ca đã từng trở thành tấm gương thoát tục như thế. Nói cách khác, không một ai có quyền bắt Đại sư Trí Quang phải nói nội dung chính trị và làm chính trị sau năm 1975. Cái quyền phát biểu hay yên lặng của Đại sư chúng ta phải tôn trọng vì luật pháp bảo hộ cho cái quyền đó. Ngôn luận hay không là quyền tự do của mỗi người.

Theo tôi, Đại sư Trí Quang là người "dấn thân cho Đạo pháp", là người "cứu nguy Phật giáo Việt Nam" khỏi pháp nạn 1963 và là "một bậc chân tu”, là “một Đại sư vĩ đại”, một người hết lòng vì đạo, đất nước, vì con người Việt Nam và vì Phật giáo Việt Nam.

Tờ báo Time của Mỹ đã gọi Đại sư Trí Quang là "người làm rung chuyển nước Mỹ" trong những năm thập niên 1963 - 1966. Về bản chất tinh thần đấu tranh của Phật giáo năm 1963 là bất bạo động, phù hợp với những gì Đức Phật Thích Ca đã chủ trương cũng như Thánh Gandhi của Ấn Độ đã làm.

Suốt mấy tháng đấu tranh bất bạo động năm 1963, chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm thiên vị Thiên chúa giáo, đàn áp Phật giáo hay phong trào đưa Phật xuống đường biểu tình năm 1965-1966 với đỉnh cao là tuyệt thực 100 ngày, Đại sư Trí Quang (chỉ còn lại da bọc xương) rất trung thành với quan điểm bất bạo động, không lật đổ chính quyền, không chống Thiên chúa giáo. Lịch sử xác quyết điều đó. Chúng ta phải nhớ điều đó.

Về nhân cách của Đại sư Trí Quang năm 1963 cho đến lúc Ngài qua đời, tôi khẳng định rằng: Đại sư Trí Quang là “Người nói năng như chánh pháp và im lặng như bậc Thánh”. Đại sư Trí Quang có cái quyền cao quý và đã thực hiện cái quyền cao quý đó một cách rất là sống động: Nói năng như chính pháp và im lặng như thiền định.

Ở giai đoạn lịch sử nào cần tiếng nói, cần đấu tranh chống lại sự bất công thì Đại sư Trí Quang trở thành ngôi sao sáng, là chỉ huy vĩ đại, là người dẫn đến sự thành công bảo vệ Phật giáo Việt Nam trước pháp nạn năm 1963. Sau năm 1975 Đại sư Trí Quang đã chọn con đường im lặng như Bậc thánh, im lặng trong thiền định để đầu tư thời gian, tâm huyết, công sức vào việc dịch thuật và chú giải hơn 40 tác phẩm Kinh điển, hướng dẫn sự tu học cho Tăng Ni qua trí tuệ học thuật uyên bác và cao cấp của Ngài.

Chuyên tu và trở thành nhà trước tác và dịch thuật của đại sư Trí Quang là điều mà tất cả chúng ta phải trân trọng, pháp luật tôn trọng. Đó là quyền tự do ngôn luận hay không ngôn luận của Ngài.

Tóm lại, mọi võ đoán, áp đặt, nguỵ biện, gán ghép rằng Đại sư Trí Quang tiếp tay cho chính quyền sau năm 1975 là những điều mà những người phục hưng chủ nghĩa độc tài Ngô Đình Diệm đã cố tình dựng chuyện, ngụy biện, nói sai lịch sử, nói không đúng sự thật chỉ có mục đích duy nhất là muốn làm giảm đi giá trị đóng góp của Đại sư Trí Quang cho phong trào Phật giáo năm 1963.

2. Di sản Đại sư Trí Quang để lại cho Việt Nam

Mục đích các nhà phục hưng chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm tạo các nguỵ biện với những điều không có thật trong lịch sử 1963-1966 là nhằm đi đến kết luận rằng di sản mà Đại sư Trí Quang để lại cho đời là cuộc nội chiến Việt Nam dài đăng đẳng. Thiếu tá Liên Thành và nhà biên khảo Thiên chúa giáo Trương Nhân Tuấn chỉ là vài nhân vật điển hình về thuyết ngụy biện và vu cáo Phật giáo 1963.

Những người phục hưng chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm còn nguỵ biện rằng di sản Đại sư để lại là ra sự ra đời của chính quyền Cộng sản của Việt Nam. Thống nhất 2 miền Nam Bắc là bước ngoặc tất yếu của lịch sử, diễn ra sau pháp nạn Phật giáo 1963 đến 12 năm, không có liên hệ gì đến Đại sư Trí Quang cũng không liên hệ gì đến phong trào Phật giáo năm 1963. Độc lập và thống nhất đất nước là mong mỏi của tất cả công dân tại bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử của nhân loại. Độc lập và thống nhất Việt Nam năm 1975 không phải là ngoại lệ.

Việc Mỹ ngưng viện trợ đối với Việt Nam Cộng hoà đó là quyết định của chính phủ Mỹ và Việt Nam lúc đó chỉ là một con chốt trên bàn cờ chính trị thế giới. Các chính thể Việt Nam Cộng hoà nối tiếp theo sau phải chịu trách nhiệm về những khổ đau trong chiến tranh do giai đoạn mình cai trị xảy ra, không thể đổ lỗi cho Đại sư Trí Quang và Phật giáo đã tạo ra những việc đó. Việc những người theo Thiên chúa giáo, phục hưng chủ nghĩa tài phiệt Ngô Đình Diệm đổ lỗi cho đại sư Trí Quang không phải hành động liêm khiết tri thức.

Đại sư Trí Quang có công bảo vệ Phật giáo Việt Nam trường tồn với lịch sử, đất nước và con người Việt Nam, giúp Phật giáo Việt Nam khỏi nạn diệt vong của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đại sư Trí Quang có công làm cho chân lý Phật ở miền Nam tiếp tục tỏa sáng, nhờ đó, hàng chục triệu người biết đến Phật giáo, sống an vui, hạnh phúc và hữu ích cho đời.

Bảo vệ quyền tự do tôn giáo của Phật giáo năm 1963 được Hiến pháp và Luật pháp thừa nhận và bảo vệ. Nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm đã đi ngược lại với chủ trương của chính mình, đó là sai lầm lớn của chính quyền. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã tạo ra pháp nạn năm 1963, Phật giáo là nạn nhân có lòng từ bi, không trả thù từ những khổ đau do biến cố đàn áp Phật giáo năm 1963. Đại sư Trí Quang đã Bảo vệ Phật giáo khỏi những chính sách bất công, thiên vị Thiên chúa giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Ngoài những điều nêu trên, có 2 di sản quan trọng được Đại sư Trí Quang cống hiến cho Việt Nam gồm xá-lợi đầu, tượng trưng cho trí tuệ và hơn 40 tác phẩm Phật học sâu sắc.

Việc Đại sư Trí Quang đã để lại Xá-lợi đầu, tượng trưng cho trí tuệ, là xá-lợi đầu tiên và duy nhất trên thế giới, do đó, rất đặc biệt đối với cộng đồng Phật giáo thế giới. Cái đầu tượng trưng cho trí tuệ. Sau khi thiêu gần 24 tiếng, bao nhiêu xương cứng hơn đều bị cháy vụn nát và ngã màu xám, riêng xá-lợi toàn đầu của Đại sư Trí Quang vẫn còn nguyên một khối tinh anh, rất là đặc biệt, hiếm có trong đời. Trong Phật giáo, xá-lợi thượng đỉnh, hay xá-lợi đầu tượng trưng cho trí tuệ, vốn được xem là sự kết tinh từ mấy chục năm hành đạo và phụng sự nhân sinh của Đại sư Trí Quang cho đất nước và con người Việt Nam.

Di sản quan trọng khác được Đại sư Trí Quang đã để lại cho Việt Nam là hơn 40 công trình sáng tác, dịch thuật và sớ giải Kinh sách Phật giáo rất đáng được trân trọng, được xuất bản. Các tác phẩm này chia làm 2 nhóm gồm (i) Tâm ảnh lục là các trước tác riêng, cụ thể các bài nghiên cứu và báo viết và in từ năm 1948, và (ii) Pháp ảnh lục gồm các dịch thuật về kinh sách, sám văn Phật giáo từ năm 1944 đến 2016. Bộ sách Trí Quang toàn tập này có bìa cứng, giấy đẹp, in trang trọng, được NXB. Tổng hợp TP.HCM xuất bản chính thức và tái bản, ấn tống nhiều lần trong nước. (2) Có thể chia các tác phẩm và dịch phẩm này làm 4 nhóm:

Về kinh điển có 18 tác phẩm Kinh thuộc Phật giáo đại thừa

(i) Kinh Bốn Mươi Hai Bài, (ii) Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền, (iii) Kinh Duy-ma, (iv) Kinh Báo Ân Cha Mẹ, (v) Kinh Vu Lan, (vi) Kinh Kim Cương, (vii) Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, (viii) Kinh Viên Giác, (ix) Kinh Giải Thâm Mật, (x) Kinh Hoa Sen Chánh Pháp, (xi) Kinh Thắng Man, (xii) Thủy Sám, (xiii) Dược Sư Kinh Sám, (xiv) Kinh Địa Tạng, (xv) Lương Hoàng Sám, (xvi) Hai Thời Công Phu, (xvii) Mười Điều Tâm Niệm, (xviii) Kinh Giáo huấn vắn tắt của Phật lúc sắp niết bàn, (xix) Kinh Hoa Nghiêm (Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền).

Đó là các tác phẩm Kinh và Sám văn mà Đại sư Trí Quang đã dày công dịch thuật và chú giải rất chi tiết. Về phương diện học thuật, tôi ghi nhận rằng Đại sư Trí Quang đạt đẳng cấp học thuật như là các Giáo sư giỏi trên thế giới, mặc dù về bằng cấp thì Ngài chỉ có lớp 12 và về Phật học chỉ học Phật từ năm 1939-1944. Về phong cách học thuật, chúng ta khó có thể tìm thấy các Giáo sư đẳng cấp có những công trình nghiên cứu công phu tương đương như Ngài. Đó là điều chúng ta cần trân trọng.

Về Luật tạng có 6 dịch phẩm. Đại sư Trí Quang đã dịch và chú giải 6 dịch phẩm về Luật học Phật giáo gồm toàn bộ lộ trình thực tập đạo đức từ tại gia đến xuất gia gồm: (i) Bồ-tát giới Phạn võng, (ii) Tỳ-kheo giới, (iii) Tỷ-kheo-ni giới, (iv) Thức-xoa-ma-na-ni giới, (v) Sa-di và Sa-di-ni giới, (vi) Quy Sơn cảnh sách.

Tất cả các bản văn về luật Phật giáo cần thiết cho người tập sự tu, chú tiểu, thọ giới Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-ni, Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni cho Luật Bồ-tát để hành trì suốt kiếp người nhằm đạt được chánh niệm tỉnh thức trong các oai nghi thì Đại sư Trí Quang đã dành thời gian cống hiến các dịch phẩm với chú thích đẳng cấp về phương diện học thuật.

Về Luận tạng có 5 tác phẩm triết luận Đại thừa quan trọng gồm (i) Luận Khởi Tín, (ii) Luận Đại Trượng Phu, (iii) Dị bộ tông luân luận: Lược thuật học thuyết của các bộ phái Tiểu thừa, (iv) Luận Chỉ Quán, (v) Nhiếp đại thừa luận: Luận văn Tổng quát về Đại thừa.

Đây là 5 bộ luận rất quan trọng trong các chương trình Phật học tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Bắc Triều Tiên. Những người tu học Phật muốn hiểu sâu Phật giáo về triết lý và hành trì, những điểm tương đồng và dị biệt, các giai đoạn phát triển Phật giáo, các tông phái Phật giáo, những phương pháp hành trì trong Đạo Phật nên nghiên cứu 5 bộ luận quan trọng này.

Về các sáng tác khác, Đại sư Trí Quang đã viết và đăng trên nhiều tạp chí Phật học khác nhau những bài nghiên cứu nổi tiếng cũng như xuấ bản các sách bao gồm: (i) Tiểu truyện tự ghi, (ii) Vài đặc điểm của Phật Giáo, (iii) Cao Tăng Pháp Hiển, (iv) Ngọn lửa Quảng Đức, (v) Từ Rạch Cát tới Tòa Đại Sứ, (vi) Người Xuất gia, (vii) Vua Lương Võ Đế, (vii) Lời tụng Tôn kính đức Phật đương lai, (viii) Đọc Pháp Cú Nam Tông, (ix) Người Phật tử tại gia v.v…

Đó là những tác phẩm và dịch phẩm tiêu biểu của Đại sư Trí Quang. Ngoài ra còn nhiều sáng tác khác đã được đăng trên nhiều tạp chí trong suốt hơn 56 năm qua.

Tóm lại, khi đề cập đến Đại sư Trí Quang, chúng ta nên nhớ có 3 di sản mà Ngài đã để lại cho đất nước và con người Việt Nam:

  • Di sản Thứ nhất: Đại sư Trí Quang lãnh đạo thành công phong trào Phật giáo năm 1963, mang lại công bằng bình đẳng cho đạo Phật, chấm dứt sự đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, nhờ đó Phật giáo tiếp tục trường tồn từ năm 1963 đến nay. Nếu không có phong trào bất bạo động 1963 do Đại sư Trí Quang lãnh đạo thành công thì Phật giáo đã có thể bị diệt vong và mất khỏi bản đồ văn hoá, tôn giáo, chính trị Việt Nam rồi.
  • Di sản Thứ hai: Sau khi thiêu 1 ngày, vào ngày 12-11-2019, Đại sư Thích Trí Quang đã để lại “Xá lợi xương đầu” đầu tiên trên thế giới và độc nhất cho đến thời điểm hiện nay. Mặc dù các xương khác cứng hơn như là xương đùi, xương chân đã trở thành các mãnh vụn, trong khi xương đầu của Đại sư Trí Quang vẫn còn nguyên sau gần 1 ngày thiêu. Xá-lợi đầu tượng trưng cho trí tuệ siêu việt của Đại sư Trí Quang trở thành niềm kính tin Tam bảo đối với sự tu học của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam.
  • Di sản Thứ ba:Hơn 40 dịch phẩm và tác phẩm về Kinh, Luật, Luận và những tác phẩm khác của Đại sư Trí Quang thể hiện tầm nhìn sâu sắc về Phật pháp và sự thực chứng của ngài trên con đường hành trì Phật pháp, chuyển hoá khổ đau. Các tác phẩm Phật học của Đại sư Trí Quang đã giúp nhiều thế hệ Tăng, Ni trong quá khứ, ở hiện tại và tiếp tục trong tương lai như nguồn trí tuệ dẫn dắt và khai sáng mắt tuệ cho người tu học Phật.

Đó là 3 di sản quan trọng Đại sư Trí Quang đã để lại cho đời. Tôi rất kính mong chư tôn đức Tăng, Ni và các quý Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước hãy trân trọng các di sản cao quý của Đại sư Trí Quang.

Trong những ngày qua và những ngày sắp tới, hay đến ngày 2 tháng 11 dương lịch mỗi năm, khi mà cộng đồng Thiên chúa giáo cực đoan và những người phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm tổ chức tưởng niệm Ông Diệm độc tài mà họ gọi là Thánh lễ, thì họ sẽ đưa ra nhiều thuyết nguỵ biện để thóa mạ, vu cáo Bồ-tát Thích Quảng Đức và Đại sư Trí Quang, nhằm chống đối và bôi nhọ phong trào Phật giáo bất bạo động năm 1963. Họ sẽ dựng lên các tà thuyết, những câu chuyện sai với lịch sử nhằm kết tội Phật giáo là tội đồ của dân tộc, trong khi Phật giáo là nạn nhân do chính quyền Ngô Đình Diệm tạo ra.

Những chủ trương thâm độc của những người theo tinh thần phục hưng Ngô Đình Diệm sẽ không thể thay đổi được vết nhơ lịch sử do ông Ngô Đình Diệm và chính quyền của ông tạo ra. Nên nhớ, lịch sử bao giờ vẫn là lịch sử, sự thật bao giờ vẫn là sự thật. Cộng đồng Phật giáo Việt Nam đã, đang đứng về phía sự thật cho nên không sợ những luận điệu xuyên tạc và sự nguỵ biện của những người không biết tôn trọng sự thật.

Nếu ông Ngô Đình Diệm do chính sách đàn áp Phật giáo, giết trẻ em vô tội dẫn đến tình trạng bị thuộc hạ của ông ám sát thì các thuyết nguỵ biện, vu cáo, xuyên tạc, thóa mạ Bồ-tát Thích Quảng Đức, Đại sư Trí Quang và phong trào Phật giáo đấu tranh bất bạo động năm 1963 sẽ tự diệt vong, giống như bóng tối bị tan biến khi vầng thái dương ló dạng và tỏa chiếu khắp nơi.

Kính chúc chư tôn đức Tăng, Ni an lành và hanh thông Phật sự. Kính chúc các quý Phật tử tinh tấn hơn nữa trên con đường học chân lý Phật, tu dưỡng đạo đức Phật, thực tập thiền định Phật và ứng dựng chân lý Phật, chia sẻ chân lý Phật trong cuộc sống, góp phần khép lại toàn bộ nỗi khổ, niềm đau, mở ra an vui hạnh phúc cho đời.

__________________

CHÚ THÍCH

(1). Mặc Lâm trong chương trình Bàn tròn thứ Năm trên BBC tiếng Việt, lúc 19:08 ngày 14-11-2019. Thiếu tá Liên Thành trong 2 tác phẩm của ông là “Biến động miền Trung” xuất bản năm 2009 và “Thích Trí Quang, thần tượng hay tội đồ dân tộc” xuất bản năm 2014.  Quan điểm của Emily Langer đăng trên tờ Washington Post, ra ngày 14-11-2019 với tựa đề “Thích Trí Quang, một nhà sư Phật giáo nắm quyền lực chính trị trong chiến tranh Việt Nam, qua đời ở tuổi 95”. Cuối bài, tác giả Thiên chúa giáo này viết sai lệch như sau: “Trong câu chuyện chính năm 1966, tờ Time đã đưa tin rằng đại sư Trí Quang đã sống ít nhất một thời gian trong một phòng giam nhỏ ở chùa, nơi ông không ăn thịt, thuốc lá hay rượu. Ông đã vươn lên với mặt trời, một phóng viên viết, dành một phần ba ngày thức dậy để cầu nguyện, một phần ba để hoạt động và một phần ba để suy ngẫm về những sai lầm của mình. Paul Mooney tại Hà Nội đã đóng góp cho bản tin này.” Toàn bản tin có thể xem tại link: https://www.washingtonpost.com/local/obituaries/thich-tri-quang-buddhist-monk-who-wielded-political-might-during-vietnam-war-dies-at-95/2019/11/13/ec573008-0588-11ea-8292-c46ee8cb3dce_story.html?fbclid=IwAR2p3n1BDmM0dsU2h2Qngtnp0nxCLPf6PTqBKCCgV-2RHP2Uem6JZQJhcTg

(2). Trước đây, bộ sách Trí Quang toàn tập do NXB Tổng hợp TP.HCM cấp giấy phép in và được HT. Thích Trung Hậu, pháp tử của Đại sư Trí Quang ấn tống. Mấy năm trở lại đây, bộ sách này được Tu viện Quảng Hương Già Lam, nơi Đại sư Trí Quang ở 15 năm, ấn tống. Danh mục các sách của Đại sư Trí Quang có thể xem tại link: https://thuvienhuequang.vn/blogs/bai-viet/chua-quang-huong-gia-lam-tang-thu-vien-hue-quang-bo-phap-anh-luc-cua-truong-lao-ht-thich-tri-quang

 

Thích Nhật Từ

Nguồn tác giả gửi

Trang Thời Sự