TIẾNG NÓI VÀ CHỮ VIẾT

(Chung quanh tranh luận đặt tên đường cho giáo sĩ Alexandre de Rhodes)

Thích Thanh Thắng

http://sachhiem.net/TONGIAO/tgTH/ThThanhThang02.php

04-Dec-2019

Vâng, chỉ cần ai đó trên mạng xã hội này, dùng đúng ngôn ngữ như vậy miệt thị tôn giáo khác, có xứng đáng nhận gạch đá ném về phía mình hay không? Cố ý muốn đặt tên đường, người làm văn hoá Việt Nam muốn cổ suý điều gì? Phải chăng họ muốn làm sống dậy tinh thần kì thị triệt tiêu Phật giáo?

 

Trước đây khi còn công tác tại tạp chí Văn hoá Phật giáo, tôi từng có dịp phỏng vấn Giáo sư Trần Văn Khê và được Giáo sư tâm sự rằng người Trung Quốc rất ngạc nhiên khi nghe ông ngâm thơ Đường luật bằng tiếng Hán Việt và họ cho rằng đó chính là âm cổ thời Đường mà bây giờ gần như không người Trung Quốc nào còn đọc được. Nếu nói đúng như vậy thì tổ tiên ta và tổ tiên họ (thời Đường) có thể nói chuyện được với nhau ư?

Thời xưa chữ viết không phải ai cũng được học, thậm chí phụ nữ còn không được đi học đi thi nữa kia...

Vậy thì giữ gìn tiếng nói là giữ gìn sự tồn tại của một dân tộc. Trớ trêu thay, sau hàng nghìn năm Bắc thuộc, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, trong ngôn ngữ của người Việt hiện nay vẫn sử dụng đến 80% từ gốc Hán, chỉ có khoảng 20% từ tạm gọi là thuần Việt. Trong khi chữ viết để ghi lại tiếng nói người Việt tạm thời chia chính thức làm 3 thứ chữ viết như chữ Hán, chữ Nôm (quốc ngữ) và chữ gọi là “quốc ngữ” hiện nay, chưa kể người ta còn nhắc đến chữ khoa đẩu...

Chữ Hán là kết qủa của 1.000 năm Bắc thuộc, và ngót một 1.000 năm sau, chính quyền phong kiến Việt Nam vẫn tự mình lệ thuộc, dù cũng đã có những triều đại cổ suý đẩy mạnh phát triển chữ Nôm như triều đại Quang Trung, nhưng đáng tiếc ông đã mất quá sớm. Rõ ràng việc thay cái vỏ chữ thì bằng kiểu chữ (đơn âm) nào cũng được, miễn biết rằng nó thể hiện được đúng tiếng nói của người Việt, vì vậy mới gọi là “ký âm”.

Tôi cầm Văn chiêu hồn của cụ Nguyễn Du bằng chữ quốc ngữ, sư đệ tôi cầm Văn chiêu hồn của cụ Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm, cả hai cùng đọc một lúc âm phát ra chẳng khác gì nhau.

Cụ Nguyễn Du (1766-1820) chưa từng tiếp xúc chữ quốc ngữ từ cuốn từ điển Việt - Bồ -La của giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1660), nhưng kiến văn lịch sử, tam giáo có kém hơn chúng ta ngày nay không? Chắc chắn không. Vì ngôn ngữ là phương tiện của tư duy còn chữ viết thì có nhiều cách. Trên thế giới này còn bao nhiêu dân tộc không có chữ viết cho riêng mình để buộc phải gia nhập vào một ngữ hệ nào đó. Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc một thời chẳng cũng từng nằm trong vùng văn hoá Hán ư. Bao nhiêu chùa chiền lăng tẩm của họ cho đến nay chữ Hán phồn thể vẫn được giữ gìn một cách trang trọng nhưng có người Nhật người Hàn nào nhận mình là nô lệ Trung Quốc và chửi rủa nhau vì điều đó không?

Xin lấy thêm ví dụ, tiếng Thái và tiếng Lào có quan hệ gần gũi tới mức người dân hai nước nói chuyện có thể hiểu nhau, nhưng chữ Lào chữ Thái khác nhau, và một điểm đặc biệt là tiếng Thái thuộc ngữ hệ Tai-Kadai có nguồn gốc từ miền Nam Trung Hoa.

Trở lại với cái vỏ ký âm, xin thưa một vị Hoà thượng ở Đà Lạt hiện nay còn hệ thống hoá các ký tự tượng hình rất đơn giản để ký âm và đọc được tất cả tiếng Việt bằng cách đọc cách viết rất nhanh chóng, mà không khó học như chữ Hán chữ Nôm xưa.

Nói thế để thấy sự sáng tạo chữ viết của con người là không giới hạn.

Người Hàn, người Nhật cũng biến cải từ chữ Hán mà sáng tạo ra chữ viết riêng cho dân tộc mình. Nói chữ Hán Nôm, chữ Hàn, chữ Nhật khó học thì chỉ là một cách nói đưa đẩy thôi, bởi bất cứ đứa trẻ nào sinh ra ở các dân tộc ấy, khi đã thấm tiếng nói mẹ đẻ rồi, cứ đúng tuổi đi học chữ, theo thời gian nó vẫn tiếp thu chữ viết ấy một cách bình thường mà không gặp bất cứ một giới hạn nào trong tiếp nhận tri thức, kiến thức từ nhân sinh đến vũ trụ.

Vậy thì cách nói chữ quốc ngữ giúp ta tiến bộ không lạc hậu chỉ là cách nói mang tinh thần chống chế một cách tự phụ. Cứ nhìn sang Nhật, Hàn, Trung Quốc xem ta đã tiến bộ hơn họ điểm nào chưa sau hơn 100 năm dùng chữ quốc ngữ?

Cứ nhìn người ngoại quốc vào Hàn, Nhật, Trung học tiếng của những quốc gia này xem họ có khác gì chúng ta sang những nước này học đâu. Nếu cần phải học ngôn ngữ nào đó chính là học những thuật ngữ, khái niệm mà vốn liếng ngôn ngữ bản địa chúng ta không có nhằm làm giàu cho tri thức của mình.

Ngay cả người Trung Hoa tự cho mình là vĩ đại vậy mà vẫn phải tiếp thu bao nhiêu từ ngữ, khái niệm của Ấn, cụ thể là Phật giáo để làm giàu cho kho tàng ngôn ngữ tư tưởng của mình.

Vì sao một thuật ngữ tiếng Phạn khi dịch sang Trung Hoa phải diễn đạt bằng nhiều chữ Hán như thế. Người Trung Hoa họ có tủi nhục và xấu hổ khi bổ sung nhiều “tính chất Ấn” vào kho tàng ngôn ngữ của mình không, đặc biệt các ngôn ngữ diễn đạt vũ trụ quan? Vì sao một thuật ngữ Hán khi dịch sang tiếng Việt lại diễn đạt bằng nhiều chữ Việt như thế.

Xin ví dụ nhỏ từ hai từ “duyên nợ”, “tạo nghiệp” mà chúng ta thường dùng hàng ngày, có ai hỏi nó từ đâu ra không?

Biết bao đời vua chúa chúng ta xin thỉnh kinh Đại tạng của Trung Hoa về dùng, và biết bao kỳ thi Tam giáo là kết quả của quá trình vay mượn tiếp biến ấy. May cho dân tộc ta “tính cách Ấn” vẫn âm thầm bền bỉ hơn “tính cách Trung”, nhưng nó chỉ thúc ước cạnh tranh nhau chứ chưa bao giờ triệt tiêu nhau.

Nói đến nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, ai trong chúng ta phủ nhận được nội hàm Trung Hoa của nó. Còn miệt thị cái vỏ ngôn ngữ của nó, để tôn vinh cái vỏ ngôn ngữ khác thì rõ ràng không hiểu ngôn ngữ là gì chữ viết là gì, tiếng Việt là gì chữ Việt là gì...

Vì sao có thời người ta nói Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn? Vì cái “tiếng ta” có biết bao nội hàm ngôn ngữ, tư tưởng, tình cảm khi dung nạp tiếp biến Ấn, Hoa và cả Tây trong đó.

Nhìn sang người dân Hồng Kông, tôi cứ giá như dân tộc mình từng là thuộc địa của Anh chứ không phải Pháp. Vì họ không những vẫn giữ được tiếng nói chữ viết của dân tộc mình (tiếng Quảng) mà còn có thêm một sinh ngữ nữa là tiếng Anh, không hề bị cắt đứt với quá khứ bởi sợi dây của cái vỏ chữ viết.

Tôi cảm ơn chữ quốc ngữ được hoàn thiện bởi bao nhiêu thế hệ người Việt, nhưng bảo tôi nhất định phải cảm ơn thực dân Pháp, chấp nhận đặt tên đường cho Alexandre de Rhodes thì rất buồn cười, bởi thực dân Pháp cưỡng bức thủ tiêu một cái vỏ ngôn ngữ và thay vào bằng một cái vỏ khác xa lạ cắt đứt gốc nguồn với tổ tiên tôi, còn với giáo sĩ Alexandre de Rhodes, hãy nghe chính ông ta viết ra: “Đối với tôi người dạy tài tình nhất là một thiếu niên bản xứ. Trong vòng ba tuần nó đã hướng dẫn cho tôi tất cả các thanh của ngôn ngữ ấy và cách đọc các từ”, “công việc này ngoài những điều tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô-sinh và Đông-kinh, thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ-đào-nha…, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ-đào, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La-tinh theo lệnh các Hồng y, vì ngoài những tiện lợi khác, nó còn giúp ích cho chính người bản xứ học tiếng La-tinh…” (Từ điển Việt -Bồ-La).

Và dù ông có thành thực nói rằng đã “mượn” vào công trình của các Cha người Bồ để biên soạn thêm phần La-tinh vào cuốn Từ điển này, nhưng tại sao cuốn từ điển chìm lỉm trong khoảng gần 300 năm (vì ông ta mất năm 1660) bỗng sống dậy trong sự cổ suý của người Pháp? Trong khi thế kỷ 17 nửa đầu thế kỷ 18 biết bao nhà nho trí thức tài tử phong lưu của chúng ta vẫn thăng hoa trong trước tác văn học Nôm mà đỉnh cao là Truyện Kiều của Nguyễn Du kia mà.

Và hơn thế, khoan nói chuyện ông ta không phải “cha đẻ”, “ông tổ” của chữ quốc ngữ, hay chuyện ông ta viết thư xin vua Louis XIV xâm chiếm Đông Dương, cách cổ vũ triệt tiêu Tam giáo, trong đó có Phật giáo bằng ngôn ngữ như sau: “Bởi Tam giáo này, như nguồn độc, nhiều sự dối khác. Song le bắt mỗi sự dối ấy chẳng có làm chi, vì chưng biết là bởi đâu mà ra, cho hay tỏ tường là dối thì vừa. Như thế có chém cây nào độc cho ngã, các ngành cây ấy tự nhiên cũng ngã với. Vậy thì ta làm cho Thích-Ca là thằng hay dối người ta ngã xuống, …” (Alexandre de Rhodes, Phép giảng tám ngày)

Xin thưa dù giáo sĩ Alexandre de Rhode tài ba đến đâu, xét cả công và tội thì thông qua những lời lẽ kia cũng không phải nhân cách văn hoá xứng đáng để đặt tên đường. Vâng, chỉ cần ai đó trên mạng xã hội này, dùng đúng ngôn ngữ như vậy miệt thị tôn giáo khác, có xứng đáng nhận gạch đá ném về phía mình hay không? Cố ý muốn đặt tên đường, người làm văn hoá Việt Nam muốn cổ suý điều gì? Phải chăng họ muốn làm sống dậy tinh thần kì thị triệt tiêu Phật giáo?

P/s: Tôi xin chụp thêm một số lời lẽ xuyên tạc, miệt thị khác về Phật giáo và Đức Phật để mọi người tham khảo, còn kỷ công và đặt tên đường hay không vẫn là chuyện của chính quyền. Nhưng ở một xứ văn minh thì hãy cho chúng tôi cái quyền có ý kiến, nó có thể khác với một số người, đương nhiên cuộc sống vốn phải nên như thế!

Thanh Thắng

Nguồn   https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=2435238306736798&id=100007519574342&sfnsn=mo

 

Trang Thời Sự