Cuồng Tín Phát Sinh Lúc Nào? Đồng Trần Tử http://sachhiem.net/TONGIAO/FB/FBDongTranTu10.php LTS: Chúng tôi trân trọng đăng bài này với tựa đề như trên, với mục đích cảnh giác nạn cuồng tín nảy nở trong mỗi con người chúng ta. Cuồng tín sẽ làm cho việc đề cao và xây dựng đạo lý chung trong xã hội bị phản tác dụng. Điều này đúng trong bất cứ tổ chức tôn giáo nào. Cám ơn tác giả Đồng Trần Tử (SH) Không Có Gì Cao Hơn Sự Thật (mà sự thật thường phũ phàng) Đến một lúc nào đó người học Phật bắt buộc phải nhận ra rằng chướng ngại lớn nhất trên con đường tu học của mình không phải là bất kỳ yếu tố nào bên ngoài mà chính là hiểu biết của chúng ta về Phật pháp, tin rằng chúng ta luôn hiểu sai về Phật pháp sẽ tốt hơn là tin mình luôn hiểu đúng. Sẽ đến một lúc mà những tà giáo, tà thuyết thô thiển sẽ không bao giờ có cơ hội mê hoặc được chúng ta, mà ngược lại chính những gì mà chúng ta coi là "chân lý" đang ra sức tôn sùng, bảo vệ... rất có khả năng chính nó mới là chướng ngại lớn nhất mà mình cần phải vượt qua hay buông xả. Có hai hạng người chính yếu tìm đến với Đạo Phật, một là hạng người khổ đau tìm cách thoát khổ, hai là vì ngưỡng mộ sự minh triết mà tìm đến. Theo tôi hạng người thứ hai đáng chú ý hơn hạng một là bởi vì họ thường tích lũy sở tri hơn là buông xả chấp kiến. Đạo Phật bênh cạnh việc trị bệnh khổ còn trị bệnh cuồng tín, những ai ở trong Đạo Phật mà mắc chứng bệnh cuồng tín thì đó là một chuyện vô cùng xấu hổ, điều này giống như việc chết đói trong một căn phòng đầy thức ăn vậy, đáng tiếc vô cùng. Tà đạo đáng sợ đã đành nhưng có khi cái mà ta gọi là chính đạo còn đáng sợ hơn. Ý tôi không nói đến chuyện đạo đức giả mà đang nói đến "đạo đức thật", có khi đạo đức thật cũng rất đáng sợ, đó là khi người ta đẩy nó lên đỉnh điểm của sự tôn sùng. Thiên Chúa vì quá tôn vinh đạo đức mà tự trở thành một ác ma, hô hào bảo vệ đạo đức bằng mọi giá, và hậu quả là hàng trăm triệu người phải ngã xuống. Không có một đạo quân nào hăng hái làm hại con người cho bằng đạo quân tôn giáo, đạo quân chuyên ca tụng đạo đức, tôn thờ chân lý, thực thi lẽ phải... bất kể đó là tôn giáo nào. Tôi rất thích câu này trong Kinh Kim Cương: "CHÁNH PHÁP CÒN BỎ HUỐNG HỒ PHI PHÁP". Vâng chúng ta không nghe lầm đâu, để trị bệnh cuồng tín, điều chúng ta cần là loại bỏ sự tôn sùng chân lý, dù đó là chân lý Phật, cho nên mới có chuyện ngón tay chỉ trăng, qua sông bỏ bè hay ưng vô sở trụ. Mục đích lớn nhất của Đạo Phật là giúp chúng ta thắp lên ngọn lửa trí tuệ, soi rọi mọi góc khuất nhất trong tâm hồn mình chứ không phải suốt đời đi theo tôn sùng Đạo Phật hay Đức Phật. Đạo Phật chỉ có người chỉ đường không có người lãnh đạo. Vạn pháp luôn vô thường nên không có gì hoàn hảo trọn vẹn để ta chấp thủ tôn sùng, cho nên vòng tròn Viên Giác không bao giờ khép lại, nó luôn để hở một góc, nhằm nhắc nhở chúng ta thường xuyên xét lại và đổi mới chính mình, phải luôn cẩn trọng với những định kiến của mình, nhất là về chân lý. Phải luôn tâm niệm rằng mỗi bước đi tưởng chừng chắc chắn của mình đều có thể phạm sai lầm, và phải có tinh thần sẵn sàng chấp nhận buông xả, thà phải ngượng ngùng quay lại điểm xuất phát hơn là muối mặt đi tiếp con đường mù mịt phía trước. Đối diện với chính mình còn khó hơn là đối diện với thế giới, thành thật với chính mình khó hơn thành thật với đời. Đồng Trần Tử Nguồn FB Sư Tử ngày 10/3/2025 ---- Comments ------ Mathieu Le Anh Cái quan trọng của đạo Phật là cách sống tâm không xáo trộn, nhưng không tìm nơi thâm sơn cùng cốc, mà an nhiên giữa thị phi thăng trầm, chẳng cần mang hình thức của một tôn giáo nào cả.; NHÀ ĐẤT TẬN TÂM -> Mathieu Le Anh hý luận Mathieu Le Anh -> NHÀ ĐẤT TẬN TÂM Biết hý luận là gì không ? NHÀ ĐẤT TẬN TÂM -> Mathieu Le Anh câu hỏi này cũng của người đang HÝ LUẬN, nó chứa đựng bản ngã cao vời , chấp pháp , chấp ngã nặng nề Sư Tử Vẫn là phương pháp luận của Kim Cương: "Phật pháp không phải là Phật pháp cho nên mới gọi là Phật pháp". Noi Que Vậy nên để nói được câu “Chánh pháp còn bỏ…” thì phải ở trình độ ít nhất là chứng Phi tưởng phi phi tưởng, tầng thiền Vô sắc cao nhất. Còn khi thất niệm lung tung mà đòi bỏ Chánh pháp thì chẳng khác “ly kinh nhất tự.” Xin đừng vọng ngôn! 🙏
Trang Tôn Giáo |