Hội thảo “Hoàng Sa – Trường Sa – Sự thật lịch sử”:

Trung Quốc cần tôn trọng luật pháp quốc tế

H.Anh-C.Khanh /CADN

http://sachhiem.net/THOISU_CT/ChuC/CADN.php

22-Jun-2014

(Cadn.com.vn) - Ngày 20-6, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo “Hoàng Sa – Trường Sa – Sự thật lịch sử”, tại đây các học giả, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế bày tỏ lo ngại những hành động của Trung Quốc trên biển Đông.

http://cadn.com.vn/data_news/Image/2014/th6/ng21/88.jpg

Quang cảnh buổi hội thảo. 

▪ Sự thật chủ quyền

- “Rõ ràng Việt Nam có cơ sở đáng kể về yêu sách của mình đối với quần đảo Hoàng Sa” - - Giáo sư Carl Thayer – nguyên Giáo sư Học viện Quốc phòng Úc, chuyên gia về Việt Nam và Đông Á đã nói như vậy khi đề cập đến sự thật chủ quyền ở vùng đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Theo vị giáo sư uy tín này thì trong thế kỷ 17, các chúa Nguyễn đã ra lệnh cho các quan chức dưới quyền thu nạp thủy thủ cho từ 5 đến 18 thuyền, tạo ra đội Hoàng Sa. Và đội hùng binh Hoàng Sa đã hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa để vẽ bản đồ, khảo sát. 

Năm 1816, vua Gia Long đã chính thức chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa và các triều đại kế cận đều duy trì chủ quyền của mình tại quần đảo này. Sau này, người Pháp tiếp tục thay mặt Việt Nam quản lý quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.

Các cứ liệu lịch sử từ thế kỷ XVII-XVIII đã ghi nhận chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, trong khi đó Trung Quốc không có bằng chứng nào  đáng giá. Về công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trước đây, Sam Bateman (Nghiên cứu viên cấp cao Trường Nghiên cứu quốc tế RSIS) viết bài biện luận rằng “Công hàm Phạm Văn Đồng làm lung lay yêu sách chủ quyền của Việt Nam” tôi cho rằng điều đó không chính xác. Bức thư của ông Đồng gửi Trung Quốc không đề cập tới quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa, cũng như không hề thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo này. Lịch sử cho thấy Việt Nam liên tục thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này” – Giáo sư Carl Thayer nói.

http://cadn.com.vn/data_news/Image/2014/th6/ng21/86.jpg

Giáo sư Carl Thayer phát biểu trong hội thảo.

Dành nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử biển Đông, - ông Dmitry Valentinnovich Mosyakov - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về các nước Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương nhìn nhận rằng: Vấn đề ai là chủ của những hòn đảo trong biển Đông vẫn kéo dài cho đến tận ngày nay, bởi một thực tế là Trung Quốc không chỉ cố biến những vùng đất xâm chiếm bất hợp pháp thành lãnh thổ của mình mà còn cố chứng minh điều đó.

Tuy nhiên điều này trái với những sự thật lịch sử mà chúng ta biết được. Ông Dmitry Valentinnovich Mosyakov nói:

Các triều đại Trung Quốc chưa bao giờ phản đối và thậm chí đã thực sự công nhận thẩm quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa –Trường Sa.

Ví dụ, Khi Hiệp ước Pháp – Thanh được ký tại Thiên Tân  năm 1984, Trung Quốc công nhận việc Pháp cai quản những vùng đảo ở Biển Đông. Năm 1984, Trung Quốc xuất bản tấm bản đồ “Hoàng Triều nhất thống dư địa tông đồ” trên đó thể hiện lãnh thổ Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam, với lời chú thích: Điểm cực nam của đất nước là mũi Thanh, tức Châu, phủ Quảng Châu, Quảng Đông, vĩ độ 18 độ 13 phút Bắc. Ngoài ra, vào năm 1899, tàu Bellona của Đức và tàu Imedzhi Maru của Nhật chở kiện hàng bằng đồng của Anh bị đắm tại vùng biển Hoàng Sa.

Sau đó ngư dân Trung Quốc đã lấy những kiện hàng bằng đồng này và phái viên Anh tại Bắc Kinh đã yêu cầu chính quyền nhà Thanh bồi thường tổn thất. Đáp lại, phía Trung Quốc nói rằng họ không có trách nhiệm với kiện hàng bị mất vì quần đảo Hoàng Sa không thuộc Trung Quốc. Còn rất nhiều tài liệu khác được lưu trữ cho thấy trong hàng thế kỷ quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thuộc về Việt Nam, cũng như việc Trung Quốc không có chứng cứ nào đủ thuyết phục để yêu sách chủ quyền ở biển Đông”.

Về sự chiếm đóng trái phép vùng đảo Hoàng Sa của Trung Quốc, - Ông Lưu Anh Rô – Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng khẳng định:

Trung Quốc đã sử dụng vỏ bọc “ngư dân” để cưỡng chiếm vùng đảo Hoàng Sa. “Trung Quốc đã sử dụng vỏ bọc “ngư dân”, để cho lực lượng quân sự biến thành “ngư phủ lạ” nhằm từng bước gây hấn, lấn chiếm và cưỡng đoạt Hoàng Sa của Việt Nam. Tài liệu của chính quyền VNCH còn lưu lại đã cho ta thấy rõ điều này. Năm 1956, họ giả dạng ngư dân, đổ bộ đánh chiếm đảo Phú Lâm.

Năm 1959, hàng trăm người giả dạng ngư dân xâm nhập bất hợp pháp tại Hoàng Sa bị lực lượng hải quân VNCH bắt đưa về cảng Đà Nẵng đến 82 người. Năm 1961 đến năm 1974, VHCN cũng bắt giữ hàng chục vụ “ngư phủ lạ” của Trung Quốc tìm cách đổ bộ, thu thập tin tức tình báo, xây dựng trái phép hoặc cắm “cờ lạ” tại Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cao điểm là năm 1974, trước khi hải chiến Hoàng Sa diễn ra, hàng chục “tàu lạ”, chở hàng trăm “ngư phủ lạ” của Trung Quốc, với vũ khí được ngụy trang, âm thầm áp sát và đổ bộ lên Hoàng Sa.

Và sau đó họ dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tay chính quyền VNCH. Thủ đoạn thường thấy của Trung Quốc là tìm cách đánh lừa dư luận, biến vùng đất hoặc lãnh hải không phải của mình với nước láng giềng, thành nơi “có tranh chấp” và duy trì tình trạng đó trong một thời gian dài. Sau đó, khi có thời cơ thì giăng bẫy để đối phương mắc mưu, rồi thực hiện một cuộc “tiểu chiến tranh” để cướp đoạt, đặt dư luận quốc tế trong tình thế “việc đã rồi”. Có vẻ như, giàn khoan Hải Dương 981 đang lặp lại điều này” – ông Rô nói.

▪ Giải pháp cho tình hình biển Đông

Theo các học giả và nhà nghiên cứu thì cần phải giải quyết vấn đề biển Đông theo luật pháp quốc tế và dù Trung Quốc có ngang ngược thì không thể phớt lờ tiếng nói của cộng đồng thế giới.

- Giáo sư Carl Thayer nhìn nhận:

Trung Quốc có mưu đồ biện minh tranh chấp của mình với Việt Nam bằng việc sử dụng lý lẽ là vị trí của giàn khoan Hải Dương 981 gần quần đảo Hoàng Sa hơn bờ biển Việt Nam nhưng họ không đề cập đến việc cưỡng đoạt quần đảo này năm 1974. Đồng thời Trung Quốc cũng đòi hỏi chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough gần Philippines. Theo luật pháp quốc tế chỉ sự gần gũi không thôi là chưa đủ để chứng minh chủ quyền.

Các nước ASEAN cần tiếp tục cùng Trung Quốc theo đuổi việc thực hiện tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông DOC năm 2002 và một bộ quy tắc ứng xử cho biển Đông COC. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc mục tiêu của ASEAN hướng tới COC với Trung Quốc có thể không đạt được trong tương lai gần. Bởi việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần cả biển Đông và sử dụng máy bay, tàu quân sự là trở ngại chính cho việc quản lý các giá trị biển chung trên biển Đông và giải quyết các tranh chấp” – Giáo sư Carl Thayer nói.

http://cadn.com.vn/data_news/Image/2014/th6/ng21/89.jpg

Ông Renato DeCatros và Jean Pierre Ferrier- những chuyên gia nghiên cứu về biển Đông trả lời báo chí trong hội thảo.

Còn - Giáo sư Jean Pierre Ferrier – Đại học Paris 2 thì cho rằng, Việt Nam và các nước cần phải báo động cho cộng đồng quốc tế để yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Hiện nay, Trung Quốc mong các nước công nhận đường 9 đoạn trên biển Đông nhưng lại không nói rõ đường 9 đoạn là cái gì, điều đó rất mâu thuẫn và chưa có nước nào công nhận. Điều cần làm là phải xóa bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc, có như vậy mới giải quyết được những vấn đề liên quan.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, sử dụng sức mạnh quân sự để yêu sách chủ quyền ở biển Đông thì liệu việc đấu tranh pháp lý có cần thiết, - ông Renato DeCatros – Đại học De Le Sale (Philippines) nói:

Mặc dù Trung Quốc sử dụng sức mạnh nhưng việc tuyên truyền và tất cả những hoạt động khác lại không có ý nghĩa. Lúc đó ý kiến của công luận rất quan trọng, nó sẽ tác động để buộc Trung Quốc thay đổi quan điểm, nếu không thay đổi thì Trung Quốc trở nên xấu xí trong mắt cộng đồng thế giới và thể hiện sự không tôn trọng luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế là chìa khóa để giải quyết những bất đồng hiện nay trên biển Đông, nhưng đòi hỏi Trung Quốc phải thật tâm giải quyết bằng luật pháp”.

http://cadn.com.vn/data_news/Image/2014/th6/ng21/87.jpg

 Cần giải quyết vấn đề biển Đông bằng phương pháp hòa bình – Giáo sư Jerome Cohen nói.

Cùng quan điểm này, - Giáo sư Jerome Cohen – Đại học Tự do Brussel – Bỉ, thành viên Tòa Trọng tài thường trực cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc có thể đối thoại với nhau để giải quyết vụ việc.

Theo tôi, Việt Nam và Trung Quốc nên coi trọng giải quyết vấn đề liên quan đến biển Đông bằng phương pháp hòa bình. Vì đây là cách hành xử văn minh” - Giáo sư Jerome Cohen nói.

H.Anh – C.Khanh

Nguồn http://cadn.com.vn/news/102_116139_trung-quoc-can-ton-trong-luat-phap-quoc-te.aspx Cập nhật: Thứ bảy, 21/6/2014 - 8h54'

 

▪ Phụ Đính - 3 Video clips:

1. Hội Thảo “Hoàng Sa – Trường Sa – Sự thật lịch sử”: các nhà nghiên cứu quốc tế.
http://www.vietweekly.com/section/video/show/QZvLalUfxgU/

2. Thảo Quốc Tế về Biển Đông: Luật sư Tạ văn Tài
http://www.vietweekly.com/section/video/show/O_HCjBXkG5Q/

3. Hội Thảo Quốc Tế về Biển Đông: Trần Đức Anh Sơn
http://www.vietweekly.com/section/video/show/yUgSVWKMxqo/

____________________

 

Xem các bài về Hoàng Sa- Trường Sa đăng trên sachhiem.net »

 

Trang Thời Sự