NHỮNG LỜI CHÂU NGỌC VỀ KI TÔ GIÁO

(Gems Concerning Christianity)

By Robert G. Ingersoll

Trần Chung Ngọc dịch

http://sachhiem.net/TCN/TCNtg/TCN72a.php

ngày 02 tháng 6, 2009

,

Mời xem lời nói đầu của người dịch

Một lý do chính để bác bỏ Cựu Ước là những việc độc ác được lệnh làm, hoặc làm bởi Chúa Cha (God) của Ki Tô Giáo. Tất cả những sự độc ác này chấm dứt với cái chết. Sự trả thù của Thần Gia-vê ngưng ở nấm mồ. Ông ta không đe dọa trừng phạt kẻ chết; và không có một lời nào trong Cựu Ước, từ cái điều sai lầm đầu tiên trong chương Sáng Thế đến lời nguyền rủa cuối cùng trong sách Malachi, nói lên điều ông ta sẽ tiếp tục trả thù con người trong một đời sau. Điều này để dành cho Tân Ước với giáo lý về sự đau đớn vĩnh viễn (eternal pain). So sánh với cái giáo lý này trong Tân Ước, giáo lý về nô lệ, những chiến tranh diệt chủng, những lời nguyền rủa, những sự trừng phạt trong Cựu Ước đều là nhân từ và công bằng (were all merciful and just).

Cựu Ước chất đầy thế giới này với bạo hành và bất công, Tân Ước cho chúng ta một tương lai đầy những đau đớn cho hầu hết mọi người.

Cựu Ước mô tả hỏa ngục trong quá khứ, và Tân Ước, hỏa ngục trong tương lai.

Cựu Ước cho chúng ta biết những chuyện khủng khiếp Chúa Cha (God) đã làm, và Tân Ước, những điều Chúa Con (Giê-su) sẽ làm.

Hai cuốn sách này cho chúng ta những sự đau khổ của quá khứ và trong tương lai – sự bất công, sự đau khổ cực độ về tinh thần cũng như thể xác (agony) và nước mắt của cả hai thế giới, quá khứ và vị lai.

Hãy đọc Cựu Ước, rồi, với tất cả những chuyện giết người và tàn sát; với tất cả những giáo lý ô nhục; với tất cả những câu chuyện hoang đường độc ác và điên rồ; với tinh thần giai cấp, hận thù, và cho tôi biết, phải chăng đó là tác phẩm của một Thiên Chúa lành thiện? Nếu chúng ta đọc những lời nguyền rủa trong cuốn Cựu Ước đó, chúng ta sẽ nghĩ rằng Chúa Cha, cũng như vua Lear, đã chia thiên đường cho những con gái của mình, và rồi, trong sự điên rồ của thất vọng, đã áp đặt những lời nguyền rủa trên loài người.

Tuy vậy, tôi phải nói rằng – tôi phải chấp nhận rằng – (I must say – I must admit) Cựu Ước còn khá hơn là Tân Ước. Trong Cựu Ước, khi Chúa Cha làm cho một người chết, ông ta để yên cho hắn. Khi ông ta thấy hắn nằm yên trong mồ, ông ta thấy thỏa mãn. Những thớ thịt trên mặt được thư giãn, và cái bộ mặt cau có của ông ta nhường chỗ cho một nụ cười thỏa mãn. Nhưng trong Tân Ước, bất hạnh bắt đầu từ lúc chết. Trong Tân Ước, Chúa Con [Giê-su] tiếp tục trả thù mãi mãi (wreak his revenge forever and ever). Chính cái con người từng nói “Hãy yêu kẻ thù của các ngươi” (Giê-su) đã tự cho mình quyền đầy ải con người trong ngọn lửa vĩnh hằng của hỏa ngục. Tân Ước thật là tệ ác hơn Cựu Ước, vì hỏa ngục thì ác hơn là giấc ngủ, một hình phạt độc ác vô tận thì ác hơn là một cuộc an nghỉ; vậy mà, Tân Ước tự cho là Phúc Âm của tình thương và hòa bình.

Chúng ta có một hệ thống Ki Tô Giáo (a Christian system), và hệ thống đó được xây dựng trên cái mà họ ưa gọi là “Tân Ước”. Ai viết Tân Ước? Tôi không biết. Ai biết? Chẳng có ai biết cả. Chúng ta thấy có nhiều bản chứa những phần của Tân Ước. Một vài bản bỏ đi 5 hay 6 cuốn (books) trong đó. Có bản bỏ nhiều, có bản bỏ ít. Không có hai bản nào giống nhau. Không ai biết ai đã viết những bản đó. Tất cả đều viết bằng tiếng Hi Lạp. Các đệ tử của Giê-su, chúng ta biết, đều là những người chỉ biết tiếng Do Thái. Chưa có một người nào thấy bất cứ một bản gốc nào bằng tiếng Do Thái.

Cuốn Tân Ước này, như chúng ta biết ngày nay, chỉ được viết sau khi các tông đồ của Giê-su đã trở thành cát bụi nhiều năm, cả trăm năm. Nhiều điều mà người ta cho là sự kiện trong đó chỉ sống trong sự cả tin. Chúng dựa trên sự không chính xác của truyền thuyết, và qua nhiều thế kỷ, chúng được thổi đi khắp nơi bởi những làn gió khác chiều.

Khi chúng ta nhớ rằng, 18 thế kỷ trước (Ingersoll thuyết trình bài này vào cuối thế kỷ 19), chỉ có một số rất ít người biết viết, và các bản Thánh Kinh không được phổ biến như trong thời hiện đại ngày nay, rất có thể là những Phúc Âm đã được viết ra với tất cả những điều khẳng định điên rồ về những phép lạ mà không gây ra một sự phê bình hay phủ nhận nào. Trong thời đó, trong kho tàng văn chương của thế giới ngoài Ki Tô Giáo, chúng ta không hề thấy một lời nào viết về Giê-su và các tông đồ. Một đoạn của sử gia đương thời Josephus (có nhắc đến tên Giê-su) ngày nay được coi là ngụy tạo, ngay cả các học giả Ki Tô Giáo cũng công nhận như vậy [John J. Jackson cũng viết: “There is a famous passage in The Antiquities of the Jews, by Flavius Josepthus, in which reference is made to Jesus Christ, but it is generally regarded as a forgery, even by Christian scholars. TCN], và những bức thư, câu chuyện xử án Giê-su, và nhiều tài liệu khác của những nhà lập giáo nồng nhiệt tôn giáo đưa ra, nay được biết là những tài liệu ngụy tạo.

Theo những tín đồ Ki Tô Giáo ngoan đạo thì tôi là một kẻ phạm tội ác, vì tôi đang lấy đi những niềm an ủi bắt nguồn từ một niềm tin vào sự đau khổ vĩnh viễn (đày đọa xuống hỏa ngục) của những người mẹ, người cha, vợ chồng, anh chị em v..v..

Tôi chỉ muốn giật xuống và thảy theo chiều gió cuốn cái ông Chúa Cha (God) mà các ông linh mục đã dựng lên trong những cánh đồng của sự lạc thú vô tội – Một Thiên Chúa của những cây gậy gọi là giáo lý, và của những bộ áo khoác ngoài cũ kỹ gọi là huyền thoại. Tôi sẽ cố gắng vứt đi sự khủng khiếp của cái quan tài (sau khi chết xuống hỏa ngục), sự nguyền rủa của cái nôi (sinh ra đời là có tội), và dập tắt những ngọn lửa thù hận nhúm lên bởi một tên cực kỳ ác ôn (an infinite fiend) [nghĩa là Giê-su trong Tân ước. TCN]

Thiên đường có cần phải mượn ánh sáng của nó từ những ngọn lửa dưới hỏa ngục không? Một sự trừng phạt bất tận là một sự độc ác bất tận, bất công bất tận, một ý đồ xấu xa bất diệt (an immortal meanness). Thờ phụng một tên cai tù vĩnh hằng (an eternal gaoler) [nghĩa là Giê-su] thì làm chai cứng, hạ thấp và ô nhiễm ngay cả một linh hồn đê tiện nhất (a vilest soul). Khi nào mà còn một trái tim buồn rầu, đau khổ trong vũ trụ, không một người nào có từ tâm có thể hoàn toàn sung sướng.

Để chống lại sự độc ác của Ki Tô Giáo, tất cả mọi người có lòng đều nên gia nhập cuộc phản kháng thiêng liêng này. Cái ông Chúa của hỏa ngục phải bị ghê tởm, coi thường và khinh bỉ (scorn). Một ông Chúa đe dọa một hình phạt vĩnh viễn nơi hỏa ngục (Giê-su) cần phải ghét bỏ chứ không thể yêu, nguyền rủa chứ không thể thờ phụng. Một thiên đường ngự trị bởi một ông Thiên Chúa như vậy phải ở dưới cái hỏa ngục nào thấp nhất. Tôi không muốn dự phần vào bất cứ cái thiên đường nào mà ở trong đó, những người được “cứu rỗi”, được “chuộc tội”, reo lên những lời vui cười trước những tiếng khóc và nức nở ở dưới hỏa ngục – ở trong đó sự sung sướng làm quên đi sự đau khổ, ở trong đó nước mắt của những người bị đày đọa làm tăng nụ cười của những người được Chúa ban cho ân huệ (nghĩa là được cứu rỗi. TCN).

Ý tưởng về hỏa ngục của Ki Tô Giáo phát sinh từ sự ngu si, bạo tàn, sự sợ hãi và hèn nhát, và sự trả thù. Chỉ từ những hang ổ của thú vật (dens, lairs), chỉ từ những miệng độc ác đầy những răng nanh như của chó sói (cruel fangs), chỉ từ những lòng sợ hãi và thù hận, chỉ từ lương tri của những kẻ đói khát và tham dục, chỉ từ những kẻ thấp hèn nhất, mới có thể đưa ra cái tín điều độc ác, vô tâm như súc vật, trong các tín điều.

Cái lời tuyên dương đáng sợ này: “Người nào tin và đã rửa tội thì sẽ được cứu, còn kẻ nào không tin sẽ bị đọa đầy (vĩnh viễn nơi hỏa ngục)”, đã chất đầy thế giới với sự đau khổ cực độ về tinh thần cũng như thể xác và tội ác. Từng chữ một trong câu trên đã là những lưỡi gươm và bó củi (swords and fagots); từng chữ một đã là những ngục tù tăm tối và xiềng xích (dungeons and chains). Câu trên đã khiến cho lưỡi gươm bạo hành của Ki Tô Giáo đẫm máu của những kẻ vô tội qua nhiều thế kỷ. [Trong cuốn “Bước Qua Ngưỡng Cửa Hi Vọng”, Giáo Hoàng John Paul II đã nhắc lại câu này như là một tín lý cho các tín đồ. TCN] Câu trên đã làm cho chân trời của một ngàn năm rực sáng bởi những ngọn lửa trên những bó củi thiêu sống người.

Tôi tin rằng những giáo lý như trên thật là độc hại. Tôi tin rằng cái câu “Người nào tin thì sẽ được “cứu rỗi”, còn kẻ nào không tin thì sẽ bị đày đọa (nơi hỏa ngục)” đã trải phủ trái đất với máu. Nó chất đầy lòng người với sự kiêu căng, độc ác và giết hại. Nó đã tạo ra chiến tranh tôn giáo; trói hàng trăm ngàn người vào cọc rồi thiêu sống; thiết lập những tòa án xử dị giáo; chất chứa đầy những tù ngục tối tăm; phát minh ra những dụng cụ tra tấn; dạy mẹ phải ghét con; giam giữ đầu óc con người; làm cho thế giới đầy những sự ngu si; bạo hành những người thông thái; xây dựng những tu viện; coi hạnh phúc là tội ác; coi sự tìm hiểu là tội lỗi và lòng tự tin là phỉ báng. Nó đã đầu độc sự ham học hỏi, lạc dẫn năng lực của con người; chứa đầy các quốc gia với tham muốn, nhốt con người vào những căn nhà dơ dáy nhỏ bé hẹp hòi; và ngoại trừ nỗ lực của một số người không theo Ki Tô Giáo (Infidels), nó đã đưa thế giới trở lại đêm tối của sự man rợ, vào một bầu trời không sao.

Hoàng đế Constantine, người nâng Ki Tô Giáo lên vị thế có quyền lực, đã giết vợ là Fausta, giết con trai trưởng là Crispus, trong cùng năm mà ông ta triệu tập Công đồng Nicae để quyết định Giê-su là một người thường hay là Con của Chúa Cha. Công đồng quyết định là Giê-su có cùng bản chất (consubstantial) như Chúa Cha. Đó là năm 325. Vậy chúng ta phải nhờ đến một tên giết vợ giết con để quyết định thần tính (divine nature) của Giê-su. Theodosius cha, triệu tập một Công đồng ở Constantinople vào năm 381, và công đồng này quyết định là Thánh Linh (Holy Spirit) cũng từ Chúa Cha mà ra. Theodosius con, tập hợp một công đồng ở Ephesus để khẳng định ai đích thực là nữ trinh Mary (Virgin Mary) và long trọng quyết định bà ta là Mẹ của Chúa (Mother of God) vào năm 431. Năm 451, một công đồng khác ở Chalcedom, triệu tập bởi hoàng đế Marcian, quyết định Giê-su có hai bản chất – nhân bản và thần bản. Năm 680, trong một công đồng, theo lệnh của Pognatus, được triệu tập ở Constantinople, tuyên bố rằng Giê-su có hai ý chí, ý chí của con người và ý chí của Thần. Và năm 1274, công đồng ở Lyons quyết định là Thánh Linh không chỉ từ Chúa Cha mà ra mà cũng còn từ Chúa Con (Giê-su) mà ra. Nếu không có các công đồng đó (và quyết định của các vua chúa), chúng ta hẳn chẳng làm gì có Chúa Ba Ngôi cho đến ngày nay. Khi chúng ta xét đến tín lý về Chúa Ba Ngôi mà giáo hội bảo rằng phải tin tuyệt đối vì đức tin này cần thiết cho sự cứu rỗi, thật là bất hạnh cho cả thế giới vì cái tín lý này chỉ được thiết lập vào năm 1274. Hãy nghĩ đến hàng triệu người trước đó (trong đó ắt hẳn có tổ tiên của những người theo đạo) phải sa hỏa ngục trong khi những vấn đề này được bàn cãi.

Nhưng đây chỉ là vấn đề ngoài đề (a digression). Chúng ta hãy trở lại nhân vật Constantine. Cái ông vua này đã phạm đủ mọi tội ác nhưng người ta bảo rằng ông ta chết đi như một tín đồ Ki Tô thuần thành. Trong khi hấp hối ông ta không hề nhìn thấy hình ảnh đầy máu me của vợ và con mà ông ta đã giết. Từ những bờ môi nhợt nhạt, ông ta không thốt ra một lời sợ sệt nào. Ông ta không lấy tay che mắt để khỏi nhìn thấy hỏa ngục. Gian phòng ông ta nằm có đầy những thiên thần đang chờ đợi để đón ông ta lên hưởng lạc trên thiên đường.

Đối với Constantine, Giáo hội không rút phép thông công. Giáo hội tin vào ảo giác của ông ta nhìn thấy cây thập giá trên các tầng mây, và cái ký ức thánh thiện đó của ông ta được các linh mục và giáo hoàng gìn giữ. Tất cả những linh mục, giáo hoàng bạo hành những người ngoại đạo được ngủ yên, và những mớ tro tàn của những người đã từng nhân danh Chúa để thiêu sống người anh em của mình nay được nằm yên trong thánh địa.

Trong Tân Ước, chết chưa phải là hết chuyện, mà chỉ là sự bắt đầu của một hình phạt không bao giờ chấm dứt. Trong Tân Ước, sự hiểm độc của Chúa Con (The malice of God) thì vô tận, khao khát một sự trả thù vô tận của ông ta.

Cái ông Thiên Chúa, khi mang da thịt của loài người (Giê-su) dạy các đệ tử đừng có chống lại sự ác (do not resist evil), hãy yêu kẻ thù, và khi bị tát má này thì hãy đưa má kia ra. Nhưng mà chúng ta lại được dạy rằng, chính cái ông Chúa Con đó, qua cùng những bờ môi thương yêu được mô tả như trên, đã thốt ra những lời nguyền rủa độc ác những người không tin ông ta như sau: “Ngươi là loài rắn, là giòng dõi của những rắn độc, làm sao các ngươi thoát khỏi bị đầy đọa hỏa ngục?” (Matthew 23: 33). Đó là những lời phát xuất ra từ một người mà chúng ta được bảo rằng có một tấm lòng “thương yêu không bờ bến tất cả mọi người”.

Giáo lý trừng phạt vĩnh viễn (của Giê-su) là sự ô nhục của mọi sự ô nhục (infamy of all infamies). Và chúng ta được bảo rằng tác giả của hỏa ngục (Giê-su) là một đấng có lòng cực kỳ nhân từ.

Theo niềm tin của các tín đồ, Ki Tô Giáo đặt căn bản trên giáo lý về sự chuộc tội. Nếu giáo lý đó không có nền tảng, nếu nó đáng ghê tởm (repugnant) trước công lý và lòng nhân ái, những thớ vải dệt thành giáo lý đó sẽ tan rã.

Chúng ta được dạy rằng, vì một người đầu tiên phạm một tội mà tất cả các thế hệ sau hắn đều phải chịu trách nhiệm – nói cách khác, chúng ta phải gánh trách nhiệm và bị trừng phạt là đúng, vì một tội mà thật ra chúng ta chưa bao giờ phạm.

Cái điều vô nghĩa này là cha đẻ ra một điều vô nghĩa khác, nghĩa là, một người có thể được thưởng vì hành động tốt của một người khác. Theo các nhà thần học hiện đại thì Thiên Chúa đã làm ra một luật với hình phạt là sẽ chết vĩnh viễn nếu vi phạm. Những nhà thần học nói, mọi người đều đã vi phạm luật này. Để xếp đặt thiên đường, luật này phải được coi là đúng. Điều này có thể thực hiện bằng cách kết tội toàn thể nhân loại. Qua cái gọi là chuộc tội, một số nhỏ có thể được “cứu rỗi”. Họ nhấn mạnh là cái luật đó – bất kể nó là cái luật gì – đặt nặng trên một sự trừng phạt cực đoan, và như vậy công lý đã được thực thi. Trong những trường hợp như vậy, Chúa thấy hài lòng bằng cách để cho người vô tội phải đau khổ. Luật đó đã được đáp ứng thỏa đáng bởi sự sắp xếp như sau. Chúa Con (Giê-su) được sinh ra thế giới loài người như một đứa con nít, Thánh kinh viết: “Ông ta lớn lên và tăng gia kiến thức”. Đến năm 33 tuổi, sau khi sống một cuộc đời từ ái, cao thượng, thương người v..v.., ông ta bị hi sinh như là để chuộc tội cho loài người. Người ta cho rằng ông ta đã thật sự thay thế chúng ta trước Chúa Cha, mang trên người tất cả tội lỗi của chúng ta. Như vậy, công lý của Chúa Cha đã được thực thi, và máu của Giê-su là một hành động chuộc tội, một món đồ chuộc lớn (an expiation), trang trải nợ nần cho những người tin ông ta.

Trong hệ thống tôn giáo của Môi-se (Moses), không làm gì có chuyện Chúa khoan hồng hay tha thứ tội lỗi (remission of sin) ngoại trừ qua hành động đổ máu. Nếu một người phạm một tội nào đó, hắn phải mang đến cho ông thầy tu Do Thái (priest) một con chiên, một con bò đực đã bị thiến, một con dê, hoặc một cặp chim cu. Ông thầy tu này sẽ đặt tay lên trên con vật, và tội lỗi của người kia sẽ được chuyển sang con vật. [Nghi lễ này của người Do Thái khi xưa được biến đổi và áp dụng trong mọi “bí tích” của Ca Tô Giáo Rô Ma, thí dụ, trong “bí tích” rửa tội, “bí tích” thêm sức v..v.., ông giám mục hay linh mục đặt tay lên đầu “nạn nhân” là Chúa Thánh Thần, dù đang ở đâu hay đang làm gì với bà Mary, cũng phải bay về để vào ngự trị trong người nạn nhân, bất kể là trong cùng lúc đó, có thể ở rất nhiều nơi khác trên thế giới, cũng có những ông giám mục hay linh mục đang đặt tay lên đầu những “con chiên nạn nhân” của họ. Sự mê tín cùng cực này vẫn được giáo hội duy trì cho đến ngày nay để nắm giữ đầu óc con chiên và những con chiên vốn không có đầu óc, vẫn tiếp tục tin vào những :bí tích” quái gở này. TCN]. Rồi con vật sẽ bị giết, thay thế chỗ của người phạm tội, và máu của con vật với tác dụng chuộc tội được rảy trên bàn thờ. Như vậy Chúa Cha sẽ thỏa mãn. Tội càng nặng thì sự hi sinh càng lớn – càng rảy nhiều máu bao nhiêu thì càng chuộc được nhiều tội bấy nhiêu. Luôn luôn có một tỷ lệ giữa giá trị của con vật bị hi sinh và mức quan trọng của tội lỗi. Nhiều chỉ dẫn chi tiết được ban hành để cho ông thầy tu giết con vật và rảy máu của nó. [Chúng ta đã biết, trong các lễ “bí tích” của Ca Tô Giáo, các chi tiết hành lễ cũng được đặt ra. Nếu ông giám mục hay linh mục không đọc đúng những câu trong lễ tiết thì Chúa Thánh Thần sẽ không vào ngự trong người nạn nhân. TCN]. Mỗi ông thầy tu đều trở thành một tên đồ tể, và mỗi nơi thờ phượng là một lò sát sinh. Cái hệ thống hi sinh chuộc tội này lên đến tột đỉnh trong sự hi sinh đổ máu của Giê-su. Máu của ông ta thay thế cho máu của tất cả nhân loại. Không cần phải đổ máu thêm nữa. [Luận điệu thần học của Ki Tô Giáo dạy vậy, nhưng thực ra thì máu của Giê-su chỉ thay thế cho máu của những con vật sẽ bị hi sinh, vì con người đã dùng những con vật để thay thế cho mình, chứ chính con người không có hề đổ máu để chuộc tội. Vậy, theo truyền thống Do Thái, Giê-su chỉ là một con vật tế thần thay thế cho loài người. TCN]. Cuối cùng, luật của Chúa đã được thỏa mãn, no nê, thừa thãi (The law at last is satisfied, satiated, surfeited).

Ý niệm về một Chúa khát máu là nền tảng của giáo lý chuộc tội, và là sự man rợ đáng sợ nhất (most fearful savagery). Làm sao mà tội lỗi của con người có thể chuyển sang loài vật? Làm sao mà sự rảy máu của con vật lại chuộc được tội của con người?

Giáo hội nói rằng mọi người đều có tội, và đó là một món nợ đối với Chúa Cha. Và món nợ này được xóa bỏ bởi Chúa Con (Giê-su). Điều đúng nhất mà chúng ta có thể nói về chuyện xóa nợ này là món nợ được chuyển cho người khác, chứ không phải là đã được trả. Thật ra là, người có tội nợ người đã bị hắn ta đã gây hại. Nếu một người gây hại cho người hàng xóm, được sự tha thứ của Chúa không không đủ, mà hắn còn phải được sự tha thứ của người hàng xóm. [Cũng như gần đây, các linh mục loạn dâm, tuy được Chúa tha thứ vì chỉ cần xưng tội với Chúa, nhưng vẫn phải vào tù, vì các nạn nhân của các ông linh mục này không chịu tha thứ cho họ mà bắt họ phải đền tội. TCN] Nếu một người cho tay vào lửa, và Chúa tha thứ cho hắn, tay hắn vẫn bị bỏng như thường. Rút cuộc, ta phải hái những gì mà ta trồng. Không có Chúa nào cho ra lúa mạch khi ta trồng khoai, và không có con quỷ nào cho ra khoai khi ta trồng lúa mạch.

Bắt người vô tội phải chịu tội là một tội lớn nhất trong các tội; làm sao chúng ta có thể coi sự thống khổ của một người vô tội là một sự biện minh cho kẻ phạm tội? Tại sao chúng ta lại muốn một người vô tội chịu tội thay cho chúng ta? Một sự mong muốn như vậy chứng tỏ là chúng ta không đáng để được người khác hi sinh. [Đây là một ý tưởng rất hay của tác giả: các tín đồ Ki Tô tin và chấp nhận rằng Giê-su đã chịu đóng đinh trên thập giá để chuộc tội cho mình thực sự không đáng để cho Giê-su hi sinh. Cũng vì vậy mà Linh Mục James Kavanaugh trong bài “Huyền Thoại Cứu Rỗi” đã viết thẳng ra: “Tôi không muốn được “cứu rỗi” hay rửa sạch tội lỗi trong máu của bất cứ ai... Tôi không yêu cầu ông ta (Giê-su) phải chịu đau khổ vì tôi và ngay cả muốn ông ta làm như vậy.” TCN] Chúng ta nghĩ sao về một người để mặc cho người khác chết vì một tội mà chính hắn ta đã làm? Chúng ta nghĩ sao về một luật để cho người vô tội thay thế chỗ của người phạm tội? Có thể nào xác nhận một luật là đúng, công bằng, khi luật đó mang sự trừng phạt đến cho người vô tội? [Trong xã hội du mục Do Thái cổ xưa, dân Do Thái còn ở trong tình trạng man rợ, ngu dốt, sợ sệt thần linh, nên nghe lời dạy của các ông thầy tu, có thể vui mừng khi có người chịu tội thay cho mình, cũng như họ đã dùng máu loài vật để chuộc tội với thần. Nhưng trong thời đại ngày nay, không một người nào có đầu óc còn có thể chấp nhận cái chuyện “chuộc tội” hoang đường trên. Bởi vậy Giám mục John Shelby Spong đã qui giáo lý chuộc tội là một sự mê tín tiền-Darwin và là một sự vô nghĩa hậu-Darwin. TCN]

Không có sự chuộc tội cho đến khi Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, vậy vô vàn triệu người chết trước đó đã trở thành cái gì? Và chúng ta phải nhớ rằng, máu của người Do Thái không phải để cứu những dân tộc khác. Chúa Cha Jehovah ghét những người phi-Do Thái. [Trong Tân Ước, Giê-su đã nhiều lần khẳng định ông ta xuống trần chỉ để cứu người Do Thái mà thôi và còn ra lệnh cho các tông đồ không được đi đến những dân tộc phi Do Thái. (Xin đọc “Chúa Giê-su Là Ai? Giảng Dạy Những Gì?” của Trần Chung Ngọc, Giao Điểm xuất bản 2002.) TCN] Dân Gentille không hề được Chúa tha thứ. Chúng ta nghĩ sao về nhiều triệu người đã chết từ khi Giê-su bị đóng đinh mà chưa hề nghe đến chuyện chuộc tội, hay đã nghe mà không tin? Đối với tôi, cái giáo lý chuộc tội thật là vô nghĩa, bất công và phi luân (The doctrine of atonement is absurd, unjust, and immoral).

Tất cả những gì mà loài người phải chịu đựng như chiến tranh, bệnh dịch, nạn đói, hỏa hoạn, bão lụt – mọi bệnh tật, chết chóc – đều không nghĩa lý gì trước sự thống khổ vĩnh viễn về tinh thần và thể xác của những người không được Chúa cứu. Đây là sự an ủi của Ki Tô Giáo. Đây là công lý của Chúa Cha. Đây là lòng nhân từ của Chúa Con (Giê-su).

Cái tín điều khủng khiếp này, cái điều nói láo vĩ đại này, đã làm cho tôi trở thành một kẻ thù không khoan nhượng (implacable enemy) của Ki Tô Giáo. Sự thật là, cái niềm tin vào một sự đầy đọa vĩnh viễn nơi hỏa ngục này đúng là hiện thân của một kẻ bạo hành. Nó thiết lập tòa án xử dị giáo, rèn xiềng xích để cùm trói con người, cung cấp những bó củi để thiêu sống người. Nó đã tiêu diệt đời sống của nhiều triệu người. Nó làm cho cái nôi cũng đáng sợ như chiếc quan tài. Nó đã nô lệ hóa nhiều quốc gia và làm đổ máu vô vàn ngàn người. Nó giết bỏ những người thông thái nhất, dũng cảm nhất, tốt nhất. Nó phá hoại ý tưởng về công lý, làm cho con người trở thành tàn nhẫn, biến con người thành kẻ ác ôn, và đầy lý trí ra khỏi đầu óc con người. Như một con rắn độc, nó quằn quại, cuộn mình và phun phì phì trong mọi hệ phái Ki Tô chính thống (orthodox creeds). Nó làm cho con người trở nên nạn nhân vĩnh viễn của Chúa và Chúa trở thành một tên ác ôn hằng hữu (eternal fiend). Người nào rao giảng cái tín điều này cũng là kẻ thù của nhân loại. Đằng sau cái tín điều này của Ki Tô Giáo là sự man rợ (barbarism). Nó là sự hận thù không bao giờ chấm dứt. Không có gì có thể thêm vào sự khủng khiếp của hỏa ngục, ngoại trừ sự hiện hữu của Chúa đã tạo ra nó. Và chúng ta được dạy rằng phải tin vào cái giáo lý đó không thì sẽ bị đầy đọa vĩnh viễn. Điều này thật không thể được. Chừng nào mà tôi còn sống, còn hơi thở, tôi sẽ hết sức từ chối, và ghét bỏ tới giọt máu cuối cùng, cái điều nói láo vĩ đại này.

Trong nhiều thế kỷ, tập đoàn Ki Tô Giáo là một nhà điên (The Christendom is a madhouse). Giáo hoàng, hồng y, giám mục, linh mục đều là những kẻ điên (insane). Chỉ có vài người – 5 hay 6 gì đó trong một thế kỷ là có lòng tốt và có đầu óc. Chỉ có vài người là có lý trí. Chỉ có vài người trong cái đám đông ngu xuẩn, đầy sợ hãi và cuồng nhiệt tôn giáo đó, là có thể giữ được sự bình lặng của tâm hồn và trí tuệ của họ.

Chúng ta không có trách nhiệm gì về tội lỗi của Adam. Tại sao người vô tội lại phải đau khổ và cần phải chuộc cái tội của kẻ phạm tội? Ai là người có thể ước tính được sự đau khổ gây ra bởi cái giáo lý ô nhục nhất về một sự trừng phạt vĩnh viễn? Hãy nghĩ tới những mạng sống mà nó đã làm tàn lụi – những nước mắt mà nó đã làm đổ – và sự đau đớn cực độ về tinh thần cũng như thể xác mà nó gây nên. Hãy nghĩ tới hàng triệu người đã bị đưa vào cảnh điên rồ bởi cái giáo lý khinh khủng nhất đó. Cái giáo lý này làm cho Chúa là một thực thể thấp kém và độc ác nhất trong vũ trụ. Không có gì hạ thấp con người hơn là đi thờ phụng một Chúa như vậy.

Dần dà, đẹp như ánh sáng bình minh, những sự thật vĩ đại đã ló dạng. Đó là vũ trụ có những luật riêng của nó; bệnh tật đến với người sùng đạo cũng như không; một trận bão lốc không thể làm ngưng bằng cầu nguyện; nham thạch từ núi lửa phun ra không chừa những người quỳ gối cầu nguyện; sấm sét cũng như sóng thần ngoài biển không chừa những người giơ hai tay lên trời cầu khẩn Thiên Chúa; đóng tiền cho nhà thờ không ngăn ngừa được nạn đói, nếu không muốn nói là tạo ra nạn đói; lạc thú ở đời không phải là tội lỗi; hạnh phúc con người là điều tốt; quỷ và thần chỉ có trong sự tưởng tượng của con người; đức tin là bài ca ru ngủ; sùng đạo là hối lộ cho một quyền năng tưởng tượng; phần thưởng trong đời sau cho những người tuyệt đối vâng phục là mua chịu linh hồn; kiến thức là biết đúng những luật thiên nhiên; và trí tuệ là khoa học của hạnh phúc. Dần dần, những sự thật như vậy đã đến với con người.

Với Copernicus, chúng ta biết rằng trái đất chỉ là một hạt cát trong một vũ trụ vô cùng tận; rằng chúng ta bị bao quanh khắp nơi trong không gian bởi những thế giới lớn hơn thế giới của chúng ta nhiều; tất cả đều di chuyển theo những định luật thiên nhiên. Thật vậy, trái đất đã bị thu hẹp lại và kiến thức con người càng ngày càng phát triển, con người trở thành lớn hơn.

Ki Tô Giáo đã coi thường tất cả các tôn giáo khác, chia thế giới làm hai phe thù và bạn, và đã chứng thực tuyên ngôn của người đã sinh ra nó (Giê-su) – một lời tuyên ngôn đã làm đẫm máu lưỡi gươm mà hắn mang tới, và làm cho chân trời sáng rực trong cả ngàn năm bởi những ngọn lửa từ những bó củi thiêu sống con người.

Tôn giáo của Giê-su Ki Tô, như giáo hội giảng dạy, đã gây ra chiến tranh, đổ máu, hận thù và mọi điều vô nhân đạo khác. Tại sao? Vì hắn bảo, một niềm tin nào đó thì cần thiết cho sự cứu rỗi. Hắn không nói, nếu anh xử sự tốt thì anh sẽ đạt đến đó (nghĩa là được cứu rỗi), nếu anh trả hết nợ nần, yêu vợ con, tốt với bạn bè, yêu quê hương xứ sở, thì anh sẽ đạt tới đó; những điều này không giúp ích gì được cho anh, mà anh phải tin vào một cái gì đó. Bất kể là anh xấu xa như thế nào, anh được tha tội ngay lập tức; và bất kể anh là người tốt như thế nào, nếu anh không tin vào cái mà anh không thể hiểu, không thể thấy, đến ngày phán xét anh không được gì khác ngoài sự đầy đọa vĩnh viễn nơi hỏa ngục, và các thiên thần sẽ reo lên bài ca ngợi Chúa (hallelujah).

Hầu như mọi tên sát nhân (tin vào Chúa) đều đi thẳng từ những giây treo cổ (Vào cuối thế kỷ 19, những kẻ giết người thường bị kết tội treo cổ) đến thiên đường. Giữa kẻ bị treo cổ và thiên đường chỉ có một cái giật giây (để hành quyết người bị treo cổ). Đó là những gì giáo hội dạy.

Tại sao người Ki Tô Giáo phải thương một người không tin – một người đã bác bỏ Thánh Kinh – khi họ biết rằng Chúa của họ vĩnh viễn không bao giờ thương người này?

Sự thật là, Ki Tô Giáo không kết bạn mà chỉ tạo kẻ thù. Đó không phải là, như chúng ta được dạy, tôn giáo của hòa bình, mà là tôn giáo của chiến tranh. Tại sao người Ki Tô Giáo phải ngần ngại giết một người mà Chúa của họ đang chờ đợi để đầy đọa người đó? Tại sao người Ki Tô Giáo lại ngần ngại mà không tiêu diệt người ngoại đạo mà họ cho là đang muốn giết linh hồn họ?

Khi những con người xảo quyệt thu thuế từ những tín đồ sợ hãi, giáo hội trở nên giầu có. Hầu hết quyền lực của giáo hội được tạo ra từ sự sợ hãi cái chết của tín đồ. Một người có kiến thức là linh mục, là giáo hoàng, là giáo hội của chính mình.

Những linh mục Ca Tô Rô Ma đang trưng bầy một mảnh xương của Thánh Anna, được cho là mẹ của nữ trinh Mary. Một số linh minh mục này có thể là những kẻ đần độn, ngu ngốc, nhẹ dạ, cả tin (credulous imbeciles), và một số có thể là những tên sùng tín xảo quyệt. Nếu họ có một chút thông minh nào đó, họ phải biết rằng không có cách nào có thể chứng minh đó là mảnh xương của Thánh Anne. [Trong Ca Tô Giáo, bất cứ người nào có liên hệ tới Giê-su đều được coi là Thánh cả. Ông thợ mộc, cha hờ của Giê-su cũng là Thánh Joseph. Người tình của Giê-su cũng là Thánh Magdalene. Mấy người viết Tân Ước cả 5, 7 chục năm sau cái chết của Giê-su cũng được gọi là Thánh: Thánh Luke, Mark, Matthew, John. Và sau này, một số Việt gian, Tàu gian v..v.. cũng đều được phong Thánh cả. TCN] Và nếu thực sự họ có chút thông minh nào đó, họ phải biết rằng, xương của Thánh Anne bản chất không khác gì xương của mọi người khác, cùng có một thành phần cấu tạo. Tuy vậy mà những linh mục này đang hốt hàng ngàn đô la từ những tín đồ nhẹ dạ cả tin đến chiêm ngưỡng và hôn hít cái hộp đựng cái gọi là “thánh tích” (holy relics) đó.

Tổng giám mục Corrigan biết rõ là không có ai biết ai là mẹ của nữ trinh Mary, không một người nào biết gì về bất cứ mảnh xương nào của người mẹ mà chẳng ai biết này, biết rõ tất cả chỉ là sự gian dối thần học, biết rõ là các linh mục của ông ta, hoặc dưới quyền quản trị của ông ta, đang hốt bạc qua thủ đoạn coi giả là thật. Hồng y Gibbons cũng biết rõ như vậy. Nhưng không ai thốt lên một lời nào để chống cái tội ác ô nhục này. Họ đều để yên cho các linh mục, vì ích lợi của giáo hội, tiếp tục rao bán hi vọng và khai thác sự sợ hãi của những tín đồ ngu xuẩn, tiếp tục và tăng gia phát triển đồ giả mạo để mang lại lợi tức cho giáo hội.

Đó là sự lương thiện của những nhà thần học. Nếu những con người đáng kính này đau ốm, họ sẽ không đến sờ mảnh xương đó mà cho mời bác sĩ đến chữa bệnh cho họ.

Một người thân của chúng ta chết đi và chúng ta mong muốn có thể gặp lại người đó, và từ điều mong muốn này, nẩy nở trong lòng người một cây sồi hi vọng và bất diệt to lớn. Xung quanh cái cây này là những giàn leo độc địa của sự mê tín. Những nhà thần học, linh mục, giáo hoàng, giám mục đã khai thác tâm cảnh này. Họ đứng bên cạnh những nấm mồ và nói về thiên đường cùng hỏa ngục. Họ đã dựng lên những trạm thu thuế (nhà thờ) trên xa lộ của sự sống và thu tiền từ sự sợ hãi của tín đồ.

Ki Tô Giáo đã mang lại sự an ủi cho tín đồ như thế nào? Khi một tín đồ Ki Tô Giáo mất đi một người thân, nước mắt của họ chảy ra cũng như nước mắt của những người khác. Nước mắt của họ cũng đau sót như nước mắt của chúng ta. Tại sao? Vì những tiếng vang của những lời hứa hẹn từ 18 thế kỷ trước (nếu tin thì sẽ được cứu và có cuộc sống đời đời) chỉ còn là những tiếng yếu ớt, và tiếng đóng của quan tài vang lớn và đẩy những hứa hẹn ra xa, và cái chết thật gần gũi với con người.

Tôi thấy rằng những người tin vào một cuộc sống đời đời trong đời sau – hoặc ít nhất là họ nói là họ tin như vậy – cũng sợ chết như bất cứ ai. Tôi thấy những tín đồ Ki Tô Giáo sùng tín nhất vẫn khóc một cách cay đắng trước cái chết, như những người nói chết là hết chuyện.

Quý vị có thấy chăng, bảo Ki Tô Giáo là một niềm an ủi thì cực kỳ vô nghĩa. Trên thế giới này, con người bị bao bọc bởi mây che và sương mù – không ai dám nói là mình hoàn toàn – có phải là một sự “an ủi” không, khi tin rằng một lỗi nhỏ nhất (không tin) thì đáng bị đau khổ vĩnh viễn? Nếu cái giáo lý này đúng, có phải rằng Chúa của các anh đúng là một tên tội phạm vô cùng cực (infinite criminal). Tại sao ông ta lại tạo ra hàng tỷ người để rồi trừng phạt họ phải đau khổ vĩnh viễn? So sánh với loại tội ác này, bất cứ tội ác nào mà con người có thể phạm đều là một đức tính (virtue).

Trong thời các đệ tử của Giê-su, và trong nhiều thế kỷ sau đó, thế giới này đầy những chuyện mà người ta cho là tác phẩm của một đấng siêu nhiên. Hầu hết mọi điều xảy ra trên thế gian đều được coi như là những phép lạ. Thần là đấng cai trị trực tiếp thế gian. Nếu dân chúng (Do Thái) tốt (nghĩa là chỉ thờ có một mình Chúa và tuân theo mọi luật của Thần), Thần sẽ cho được mùa màng; nếu xấu (nghĩa là thờ Thần khác và không tuân theo luật của Chúa) thì Chúa sẽ mang đến lụt lội, bão tố, giá lạnh và đói khát.

Về qui luật của các biến cố thiên nhiên – về luật nhân quả mà không ai có thể phá vỡ – con người không biết gì và không có một khái niệm gì về chúng [Có lẽ tác giả không biết gì về đạo Phật nên mới viết như vậy, vì Đức Phật đã dạy về luật nhân quả hơn 500 năm trước khi Giê-su ra đời. TCN]

Nếu Giê-su thực sự đã làm những phép lạ mà người ta bảo là ông ta đã làm; nếu ông ta đã chữa được người điên; chữa khỏi người cùi chỉ bằng một lời phán; và làm cho chân, tay, lấy lại cảm giác bằng cách chỉ cần đặt tay lên đó; nếu ông ta chinh phục được sự chết và cứu ra khỏi mồ những con mồi (prey) của ông ta – thì không ai có thể nói gì về ông ta ngoài việc ca tụng, tán thán ông ta. Mọi người đều đã ngả mũ trước ông ta – và quỳ gối trước ông ta.

Nhưng có kỳ lạ không, trong khi xử án ông ta, không một người nào nói bất cứ một lời nào bênh vực ông ta. Không một người nào đứng ra nói: “Tôi là một người cùi, và người này đã chữa khỏi tôi bằng cách đặt tay lên người tôi.” Không có người phụ nữ nào đứng ra nói: “Tôi là góa phụ của Nain, và đây là con tôi đã chết mà ông ta đã làm cho sống lại.” Không một người nào nói: “Tôi bị mù, và ông này đã làm cho tôi sáng mắt lại.” Tất cả đều im lặng.

Nhiều triệu người khẳng định rằng triết lý của Giê-su thật hoàn toàn – ông ta là người khôn ngoan nhất (wisest). Chúng ta hãy thử xét vài điều ông ta nói: [Tác giả chỉ nêu những câu trong Tân Ước mà tác giả nghĩ rằng mọi người đều đã biết, tôi xin ghi thêm ở đâu trong Tân Ước để cho quý độc giả dễ bề kiểm chứng. TCN]

“Đừng chống lại sự ác. Nếu bị tát má này, cứ đưa luôn má kia ra.” [Mat. 5: 39]

Có triết lý gì, sự khôn ngoan gì trong đó? Giê-su đã lấy đi quyền tự vệ từ đức tính, từ sự thật. Sự xấu ác trở thành chủ nhân của thế giới, và người tốt trở thành nạn nhân của kẻ xấu. Không ai có quyền tự vệ, bảo vệ của cải, vợ con. Chính quyền trở thành vô hiệu, và thế giới nằm trong tay của những kẻ ác. Có cái gì có thể vô nghĩa hơn?

“Hãy yêu kẻ thù, và cầu nguyện cho người khủng bố hành hạ các con” [Mat. 5: 43]

Có thể được không? Có một người nào đã từng yêu kẻ thù của họ? Chính Giê-su có yêu kẻ thù [những người không tin ông ta. TCN] của ông ta không khi ông ta gọi họ là những kẻ độc ác, đồ đạo đức giả, đồ rắn rết ? (whited sepulchers, hypocrites and vipers?). Không chống lại sự ác thật là vô nghĩa, yêu kẻ thù là điều không thể có. [Lịch sử Ki Tô Giáo chứng tỏ rằng những người Ki Tô Giáo được Giê-su dạy phải yêu kẻ thù, nhưng trên thực tế đã giết hại, tra tấn, thiêu sống những kẻ mà thật ra không phải là kẻ thù mà chỉ là những người không chịu tin vào những điều mê tín của Ki Tô Giáo. Nếu theo đúng những lời Giê-su dạy thì các tín đồ Ca Tô Việt Nam phải cầu nguyện cho các ông Vua triều Nguyễn thay vì lên án họ vì đã bạo hành những tín đồ Ca Tô theo giặc phản bội quốc gia. TCN]

“Đừng lo chuyện tương lai, lo chuyện từng ngày là đủ rồi” [Mat 6: 34]

Ý tưởng đàng sau câu này là Chúa Cha sẽ lo cho tất cả chúng ta cũng như lo cho các con chim sẻ và những bông hoa huệ (sparrows and lilies). Niềm tin trên có nghĩa gì? Thật ra thì Chúa Cha có lo cho ai không? Chúng ta có thể sống mà không nghĩ tới ngày mai? Chúng ta làm việc cho tương lai, cho con chúng ta, cho những thế hệ sau. Nếu không có những dự định cho tương lai thì không làm gì có sự tiến bộ, văn minh. Thế giới sẽ trở lại thời đại man rợ, con người sống trong hang hốc. [Đây là một điều trong rất nhiều điều khác mà Giê-su đã nói vì tin rằng ngày tận thế đã gần kề, mọi việc rồi sẽ được Chúa Cha lo cho hết, theo như sự phân tích Tân Ước ngày nay của tuyệt đại đa số chuyên gia về Thánh Kinh. TCN]

“Nếu mắt phải làm cho ngươi phạm tội [nghĩa là nhìn người đàn bà đẹp với lòng ham muốn. TCN], móc nó ra và quẳng đi. Nếu tay phải phạm tội thì hãy chặt nó đi. Vì thà bị chột mắt hay cụt tay còn hơn là cả thân xác bị ném vào hỏa ngục” [Mat. 5: 29-30]

Có sự khôn ngoan nào trong việc móc mắt và chặt tay? Có thể rút ra từ câu nói trên một điểm nhỏ nào về sự hiểu biết thông thường (common sense) [Nếu cứ theo đúng lời “Chúa” dạy thì chắc chắn là tuyệt đại đa số tín đồ Ki Tô Giáo đều trở thành chột mắt và cụt tay, nhất là hơn 250 linh mục ở giáo xứ Boston đã phạm tội hoặc bị tố cáo phạm tội cưỡng dâm trẻ con và nữ tín đồ, lên tới hơn 1000 vụ, theo phúc trình mới nhất của viên Chưởng Lý (Attorney General) bang Massachusetts phổ biến gần đây. TCN]

Không một tín đồ Ki Tô Giáo nào đưa má kia ra khi bị tát má này. Hầu hết đều nghĩ tới tương lai. Họ không hoàn toàn trông cậy vào Chúa Cha hay Chúa Con (Giê-su). Hầu hết các tín đồ Ki Tô (trong thế giới Tây phương) ngày nay tin vào các hãng bảo hiểm hơn là tin vào các Chúa của họ – cảm thấy an tâm vì nếu chết thì hãng bảo hiểm sẽ trả một số tiền cho vợ con sinh sống, hơn là nghĩ vào những lời hứa hẹn trong Thánh Kinh. Ngay cả những giáo sĩ cũng không trông cậy vào Chúa để bảo vệ tài sản của họ. Họ nhục mạ thiên đường (insult the heaven) bằng cách đặt một cột thu lôi trên nóc nhà thờ. Họ bảo hiểm nhà thờ để phòng ngừa những tai họa mà Chúa của họ có thể làm (acts of God). Kinh nghiệm của con người đã chứng tỏ, khôn ngoan là tin cậy vào những gì mình biết rõ thay vì tin vào sự viển vông của một quyền lực siêu nhiên.

“Đừng chỉ trời mà thề, vì đó là ngai của Chúa; cũng đừng chỉ đất mà thề, vì đó là bệ chân (footstool) của Chúa; cũng đừng chỉ thành Jerusalem mà thề, vì đó là một thị trấn Thánh địa (holy city)” [Mat 5 34-35]

Ở đây chúng ta thấy cái hiểu về thiên văn học và địa chất học của Giê-su. Thiên đường là cái ngai của Chúa, và trái đất là cái bệ để Chúa đặt chân? Một cái bệ xoay quanh nó vào khoảng 1600 cây số 1 giờ, và di chuyển trong không gian với vận tốc trên 1600 cây số trong 1 phút? Giê-su nghĩ rằng thiên đường ở đâu? Và tại sao Jerusalem lại là một thị trấn Thánh địa? Phải chăng vì dân chúng trong đó là những kẻ ngu si, độc ác và mê tín?

“Đừng tưởng rằng Ta xuống trần để mang lại hòa bình trên trái đất. Ta không xuống đây để mang lại hòa bình mà là gươm giáo. Vì Ta xuống đây để làm cho con chống lại cha, con gái chống lại mẹ, con dâu chống lại mẹ chồng, và kẻ thù của con người ở ngay trong nhà hắn.” [Mat. 10: 34-36]

Nếu điều này là thật thì tốt hơn là hắn đừng có xuống trần. Có thể nào một người miệng thì nói “Đừng chống lại sự ác” lại mang gươm giáo xuống trần, miệng thì nói “Phải yêu kẻ thù” mà lại phá hủy hòa bình của thế giới, làm cho cha con chống nhau, con gái chống mẹ? Đây chính là một điều tiên tri duy nhất trong Tân Ước đã trở thành sự thật.

Ông ta đã thực sự mang đến gươm giáo, và thanh gươm của ông ta đã đẫm máu của những người vô tội trong cả ngàn năm. Trong trái tim của nhiều triệu người, ông ta đã gieo hạt giống của sự thù hận và trả thù. Ông ta đã chia rẽ các quốc gia và gia đình, dập tắt ánh sáng của lý trí, và làm trai cứng (petrified) lòng người.

“Người nào từ bỏ nhà cửa, cha mẹ, anh chị em, vợ con và tài sản của mình mà theo ta thì sẽ nhận lại gấp trăm lần và sẽ hưởng sự sống đời đời.” [Mat. 19: 29]

Theo Matthew, Giê-su, người giàu lòng nhân từ, đã thốt ra những lời kinh khủng đó. Có thể chăng Giê-su đã mang cuộc sống đời đời ra để hối lộ (bribe) những người từ bỏ cha mẹ, vợ con? Phải chăng chúng ta có được hạnh phúc trên thiên đường bằng cách từ bỏ những người thân yêu của chúng ta? Vậy mà người ta vẫn nói rằng Giê-su là một gương mẫu cho cả thế giới. Ông ta có từ bỏ cha mẹ ông ta không? Ông ta đã nói với mẹ: “Người đàn bà kia, Ta có liên hệ gì với nhà ngươi.”

“Người Pharisee hỏi Giê-su: “Có phải đóng thuế cho Caesar không? Giê-su nói: “Đưa ta xem tiền thuế”. Họ mang lại cho Giê-su một đồng tiền. Và Giê-su nói: “Hình của ai trên đồng tiền?” Mọi người nói: “Hình của Caesar”. Và Giê-su dạy: “Hãy trả cho Caesar cái gì của Caesar.” [Mat. 22: 17-21]

Phải chăng Giê-su nghĩ rằng đồng tiền đó là của Caesar vì hình của Caesar được in trên đó? Đồng tiền đó là của người đã kiếm ra nó hay là của Caesar? Caesar có quyền lấy đồng tiền đó không, vì hình của Caesar được in trên đó? Qua cuộc đối thoại này, Giê-su có thực sự hiểu được bản chất thực của việc tiêu tiền hay không? Ngày nay, chúng ta có thể cho rằng Giê-su là một triết nhân vĩ đại không? [Ngày nay, thỉnh thoảng tôi lại thấy có người nhắc lại câu trên, cho đó là một chân lý, mà không hiểu là câu đó bắt nguồn từ một sự hiểu biết kém cỏi của Giê-su về quyền sở hữu của con người như Ingersoll đã phân tích ở trên. TCN]

Có phải là tốt hơn nhiều nếu Giê-su dạy những người theo ông ta đừng có bạo hành; rằng họ không có quyền giết hại đồng loại; không được giam những kẻ lạc đạo vào nơi ngục tù tối tăm, hay thiêu sống con người; rằng họ không được phát minh ra những dụng cụ tra tấn? Có phải là đã tốt hơn nhiều nếu Giê-su nói: “Ta xuống đây không phải là mang gưom giáo mà là hoà bình”? Như vậy có phải là ông ta đã cứu được vô vàn mạng sống và đã tránh được những hành động độc ác không sao đếm xuể? Trong 16 thế kỷ, những bộ áo của giáo hội Ki Tô đã đỏ thẫm vì máu của người vô tội.

Nếu Ki Tô Giáo chỉ ngu đần và phản khoa học, nếu Chúa của Ki Tô Giáo chỉ dốt nát và có lòng tốt, nếu Ki Tô Giáo hứa hẹn cho các tín đồ một sự hỉ lạc vĩnh hằng, và nếu các tín đồ thực hành hạnh tha thứ mà Ki Tô giáo răn dạy, thì tôi là người chẳng đụng gì đến tín ngưỡng của họ.

Nhưng Ki Tô Giáo còn có một mặt khác. Tôn giáo này không chỉ ngu đần mà còn lắt léo, không chỉ phản khoa học mà còn vô nhân tính. Thần của tôn giáo này không chỉ dốt nát mà còn vô cùng ác độc. Tôn giáo này không chỉ hứa hẹn cho tín đồ một phần thưởng vĩnh hằng mà còn khẳng định rằng hầu hết mọi người (những người không tin. TCN) đều bị giam cầm trong những tòa hình ngục của Chúa và sẽ bị vĩnh viễn đau đớn. Đó là sự man rợ của Ki Tô Giáo. Và đây chính là tại sao tôi ghét cái ông Chúa vô tưởng của Ki Tô Giáo, ghét cái đấng Ki Tô (Giê-su) không thể nào có của nó, ghét những điều nói láo gọi là mạc khải, và ghét những sự ích kỷ, vô tâm trên thiên đường của nó.

Giáo lý dạy về hạnh phúc trong tương lai tùy thuộc vào một niềm tin thì thật là gớm ghiếc (monstrous). Đó là sự ô nhục của những ô nhục. (It is the infamy of infamies) Khái niệm về niềm tin vào Giê-su thì sẽ có cuộc sống đời đời, trong khi dựa vào lý trí, quan sát, và thực nghiệm thì sẽ bị đầy đọa vĩnh viễn, thì quá vô lý để cần phải bác bỏ, và nó chỉ có thể tin được bởi sự pha trộn của điên rồ và ngu xuẩn gọi là “đức tin” (a mixture of insanity and ignorance called “faith”).

Có người nào có đầu óc mà có thể tin được là máu của loài vật làm nguôi cơn giận của Chúa? Vậy mà, cả cái hệ thống tôn giáo của chúng ta đã được đặt trên niềm tin đó. Người Do Thái làm nguôi lòng Thần Jehovah của họ bằng máu của loài vật, và theo hệ thống Ki Tô Giáo thì, máu của Giê-su đã làm nguôi lòng sân hận của Thần một chút, và có thể làm cho một số nhỏ (những người tin Giê-su) có thể được “cứu rỗi”. Thật khó mà có thể quan niệm được rằng, đầu óc con người ngày nay lại có thể đồng ý với cái giáo lý kinh khủng đó, và làm sao mà một người có đầu óc lành lặn đọc Thánh Kinh mà có thể vẫn còn tin được cái giáo lý gọi là mạc khải đó.

Ki Tô Giáo không thể sống hòa bình với bất cứ tín ngưỡng nào khác. Nếu tôn giáo này đúng thì chỉ có một đấng cứu thế, một cuốn sách do Chúa Ki-Tô (Christian god) mạc khải, và một con đường cỏ nhỏ hẹp dẫn tới thiên đường.

Tại sao Giê-su không trở lại đền thờ để chấm dứt những cuộc tranh luận cũ kỹ? Tại sao Giê-su không đối diện với những người lính La Mã đã nhận tiền để thề rằng xác ông ta đã bị các đồng bạn đánh cắp? Tại sao ông ta không chiến thắng đi vào thành Jerusalem lần thứ hai? Tại sao ông ta không nói trước quần chúng: "Đây là những vết thương ở chân, tay, và cạnh sườn ta. Ta là người các ngươi muốn giết, nhưng thần chết chỉ là nô lệ của ta."? Thật là đơn giản, sự sống lại của Giê-su chỉ là một huyền thoại. Tôi không tin và không thể nào tin cái phép lạ về sự sống lại.

Chúng ta không biết gì chắc chắn về Giê-su. Chúng ta không biết gì về thời ông ta còn là đứa con nít, thời niên thiếu của ông ta, và chúng ta cũng không chắc là một người như vậy đã hiện hữu.

Rất có thể có một người như vậy tên là Giê-su. Ông ta đã có thể sống ở Jerusalem. Ông ta có thể đã bị đóng đinh trên giá gỗ hình chữ thập, nhưng những điều mà người ta bảo như ông ta là con của Chúa Cha, chết rồi sống lại và thân thể bay lên thiên đường thì, trong bản chất của mọi vật, chưa bao giờ và không bao giờ có thể chứng minh được.

Trong nhiều thế kỷ, cái tên nhà quê ở Palestine này (Giê-su) (this peasant in Palestine) đã được người ta thờ phụng như là Chúa. Hàng triệu người đã hiến thân để phục vụ hắn. Của cải thế gian được đổ vào những đền thờ hắn. Tên hắn đã mang sự an ủi đến cho những kẻ bệnh hoạn và sắp chết. Tên hắn đã mang sự can đảm đến cho những kẻ cuồng tín chết vì đạo.. Những kẻ sống ngoài lề xã hội, bị xã hội ruồng bỏ, thất bại, cảm thấy rằng hắn biết đến và thương hại những sự đau khổ của họ.

Đúng là có tất cả những điều trên, và nếu đó là tất cả thì đẹp đẽ biết bao, cảm động biết bao, và vinh quang biết bao. Nhưng đó không phải là tất cả. Nó còn một mặt khác.

Nhân danh hắn hàng triệu nam nữ đã bị tù đầy, tra tấn và giết hại, hàng triệu người đã bị làm nô lệ. Nhân danh hắn những tư tưởng gia, khảo cứu gia, bị coi như là những kẻ tội phạm, và những tín đồ theo hắn đã làm đổ máu của những người thông thái nhất, giỏi nhất.

Nhân danh hắn sự tiến bộ của nhiều quốc gia bị chặn đứng cả ngàn năm. Trong Kinh hắn giảng chúng ta thấy cái tín lý về sự đau đớn vĩnh viễn (đọa hỏa ngục. TCN), và những lời của hắn đã gia thêm sự kinh khủng vô tận vào sự chết. Kinh hắn giảng chất đầy thế giới với thù hận và trả thù, coi sự lương thiện trí thức như một tội ác, hạnh phúc trên cõi đời là con đường dẫn xuống địa ngục, tố cáo tình thương yêu như là thấp hèn và như súc vật, thánh hóa sự nhẹ dạ cả tin, tôn vinh sự mù quáng và tiêu diệt tự do của con người.

Nhân loại sẽ tốt hơn nhiều nếu cuốn Tân Ước chưa từng được viết ra – Giê-su Ki Tô theo quan niệm thần học cũng chưa từng được sinh ra."

Nếu những người viết Tân Ước được coi như không phải là do Chúa gây cho cảm hứng, nếu Giê-su chỉ được coi như là một người thường, nếu những điều tốt đẹp được thu nhận và vứt bỏ đi những điều vô nghĩa, những điều không thể xảy ra, sự trả thù, thì nhân loại sẽ tránh được chiến tranh, những sự tra tấn, máy chém, ngục tối, sự đau đớn tin thần và thể xác, nước mắt, những tội ác và đau khổ trong một ngàn năm.

Trước hết Giê-su là một con người - không gì hơn một con người. Mary là mẹ ông ta. Joseph là cha ông ta. Gia phả của cha ông ta, Joseph, được viết để chứng tỏ rằng thuộc dòng dõi David.

Rồi người ta tuyên bố rằng Giê-su là con của Chúa Cha (God), rằng mẹ ông ta là một nữ trinh và tiếp tục đồng trinh cho đến khi chết.

Người ta tuyên bố rằng Giê-su sống lại và thân thể bay lên trời.

Phải mất rất nhiều năm những điều vô nghĩa này mới cấy được vào đầu óc con người.

Nếu thực sự ông ta thăng thiên, tại sao ông ta không làm việc này trước công chúng, trước những người đã bạo hành ông? Tại sao cái phép lạ vĩ đại nhất trong các phép lạ này lại phải thực hiện trong bí mật, trong một xó xỉnh?...

Nhưng sau cùng, khi đối diện thần chết, Giê-su mới nhận ra là mình sai lầm và than khóc: "Chúa ơi! Chúa ơi! Sao Ngài lại ruồng bỏ tôi?"

Tại sao chúng ta phải đặt Giê-su lên tột đỉnh của nhân loại? Ông ta có từ ái hơn, dễ tha thứ hơn, hay hi sinh bản thân hơn đức Phật hay không? Ông ta có thông thái hơn, đối diện với cái chết một cách bình tĩnh toàn hảo hơn là Socrates không? Ông ta có kiên nhẫn, nhân từ hơn là Epictetus không? Ông ta có là một triết gia lớn hơn, một tư tưởng gia sâu sắc hơn là Epicurus hay không? Về phương diện nào ông ta đứng trên Zoroaster? Ông ta có hòa ái hơn Lão Tử hay phổ quát hơn Khổng tử không? Những ý tưởng về nhân quyền và bổn phận con người của ông có cao hơn của Zeno không? Ông ta có đưa ra những chân lý cao hơn của Cicero không? Đầu óc ông ta có tinh tế hơn Spinoza không? Đầu óc ông ta có sánh bằng đầu óc của Kepler và Newton không? Trong sự thông minh, trong cách diễn đạt, trong sự sâu rộng của tư tưởng, trong sự phong phú của cách minh họa, trong khả năng so sánh, trong sự hiểu biết về tâm trí, sự đam mê và sợ hãi của con người, ông ta có hơn được Shakespeare không?

Nếu Giê-su thực sự là Chúa Con, ông ta phải biết mọi việc trong tương lai. Ông ta phải thấy rõ lịch sử sẽ xảy ra. Ông ta phải biết người ta sẽ diễn giải những lời ông nói như thế nào. Ông ta phải biết những tội ác nào, những sự khủng khiếp nào, những sự ô nhục nào mà người ta sẽ phạm phải nhân danh ông. Ông ta phải biết đến những ngọn lửa bạo hành bốc lên xung quanh chân tay những kẻ bị thiêu sống vì không có cùng niềm tin như những tín đồ Ki Tô Giáo. Ông ta phải biết đến hàng ngàn người, đàn ông cũng như đàn bà, đau đớn mòn mỏi trong ngục tù tối tăm. Ông ta phải biết cái giáo hội của ông ta sẽ phát minh ra những dụng cụ tra tấn; những tín đồ của ông sẽ dùng đến roi vọt và bó củi, xiềng xích và giá căng (banh) người. Ông ta phải thấy chân trời tương lai sáng rực với những ngọn lửa thiêu sống con người trong những cuộc lễ auto da fe. Ông ta phải biết những tín lý, giáo điều sẽ mọc lên như nấm độc trong mọi cuốn sách bổn của giáo hội. Ông ta phải thấy những phe phái Ki Tô ngu đần gây chiến với nhau. Ông ta phải thấy hàng ngàn con người, theo lệnh của các linh mục, xây những nhà tù cho đồng loại. Ông ta phải thấy hàng ngàn máy chém đẫm máu của những người tốt nhất và dũng cảm nhất. Ông ta phải thấy những tín đồ của ông ta sử dụng những dụng cụ tra tấn gây đau đớn cho con người. Ông ta phải biết những diễn giảng về lời ông nói sẽ được viết bằng gươm giáo, và đọc trong ánh sáng của những bó củi thiêu sống người. Ông ta phải biết những Tòa Hình Án Xử Dị Giáo sẽ được thiết lập theo những lời giảng dạy của ông.

Ông ta phải thấy những sự ngụy tạo và suy diễn lệch lạc mà những kẻ đạo đức giả viết ra và nói cho quần chúng. Ông ta phải thấy những cuộc chiến tranh sẽ được gây ra, và ông ta phải biết là trên những cánh đồng chết chóc đó, những ngục tù tăm tối đó, những giá căng người đó, những cuộc thiêu sống người đó, những cuộc hành quyết đó, trong cả ngàn năm, ngọn cờ của cây thập giá đẫm máu đã tung bay.

Ông ta phải biết người ta sẽ khoác áo thánh thiện và đội vương miện cho sự đạo đức giả - sự độc ác và nhẹ dạ cả tin sẽ ngự trị thế giới; phải biết sự tự do của con người sẽ mai một trên thế giới (dưới quyền lực của giáo hội); phải biết rằng nhân danh ông các giáo hoàng và vua chúa sẽ nô lệ hóa hồn xác con người; phải biết rằng họ sẽ bạo hành và tiêu diệt mọi nhà khảo cứu, nhà tư tưởng và nhà phát minh; phải biết là giáo hội của ông ta sẽ dập tắt ánh sáng thánh thiện của lý trí và giữ thế giới trong tăm tối.

Ông ta phải thấy những người theo ông sẽ chọc mù mắt con người, róc thịt, cắt lưỡi họ, tìm những chỗ nào đau đớn nhất trên thân thể con người để mà hành hạ.

Tuy nhiên ông ta đã chết đi với bờ môi khép kín.

Tại sao ông ta không nói lên, không dạy các tông đồ và xuyên qua họ, dạy thế giới: "Các ngươi không được thiêu sống, tù đầy và tra tấn con người nhân danh ta. Các ngươi không được bạo hành đồng loại.

Tại sao ông ta đi đến cõi chết một cách ngu đần, để lại thế giới cho sự đau khổ và nghi ngờ?

Tôi sẽ nói cho các người biết. Vì Giê-su chỉ là một người thường, ông ta chẳng biết gì đến những điều xảy ra sau khi ông ta chết.