Nhìn Lại Hai Cuộc Chiến Ở Việt Nam

Cuộc Chiến 20 Năm Chống Mỹ: 1955-1975

Một Khảo Luận Qua Các Tài Liệu

Trần Chung Ngọc

http://sachhiem.net/TCN/TCNls/TCNls16.php

16-Feb-2013

PHẦN I:

1   2   3

Lời Nói Đầu.

Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 38 năm rồi, chiều dài của hơn một thế hệ. Cuộc chiến căn bản là cuộc chiến chống xâm lăng, giải phóng đất nước khỏi bóng quân ngoại xâm, lấy lại chủ quyền, nền độc lập và thống nhất cho Việt Nam. Đó là ý nghĩa của cụm từ “giải phóng đất nước” cùng lúc giải phóng con người ra khỏi cảnh nô lệ ngoại nhân.

Con người chỉ là những cá nhân trong đất nước, căn trí bất đồng, ở trong những hoàn cảnh xã hội khác nhau, vì thế nói đến giải phóng con người trong một xã hội là nói một cách mơ hồ. Những vấn nạn chúng ta phải đối phó trong xã hội là những tệ đoan xã hội, những cảnh cường hào ác bá, những sự bất công trong xã hội v…v…, và đối phó tùy theo trường hợp, tùy theo địa phương. Cho nên chúng ta không thể nhập nhằng “Giải phóng đất nước” với những vẫn nạn của con người mà chúng ta lạm dụng danh từ, cho rằng cần phải giải phóng.

Cuộc chiến “giải phóng đất nước “ của Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20 kéo dài 30 năm, 1945-1975, gồm hai giai đoạn, trước và sau Hội nghị Geneva. Nhưng vẫn có người cho rằng đó là cuộc chiến giữa hai ý thức hệ Quốc-Cộng, không biết rằng sự đối nghịch Quốc-Cộng chỉ có từ khi Pháp đưa ra “giải pháp Quốc Gia”, dựng lên “Chính quyền Quốc Gia" Bảo Đại” năm 1949, và sự thành lập “Quân đội Quốc Gia” năm 1950. Người ta, vì hiểu lịch sử một cách phiến diện, nên còn gọi cuộc chiến là giữa tư bản và cộng sản, hoặc là nội chiến hay ủy nhiệm.

Thế nào là nội chiến và thế nào là chiến tranh ủy nhiệm?

Nếu chúng ta không định nghĩa rõ ràng những từ này thì bàn về chúng là vô ích. Theo định nghĩa, nội chiến là cuộc chiến giữa hai phe trong một quốc gia mà không có sự nhúng tay hay hiện diện của người ngoài. “Nội”. Còn ủy nhiệm có nghĩa là ủy thác cho một người khác một nhiệm vụ làm thay cho mình. Tôi cho rằng cả hai từ “nội chiến” và “chiến tranh ủy nhiệm” đều không thể áp dụng trong trường hợp Việt Nam. Thật ra thì từ “ủy nhiệm” chỉ có thể áp dụng cho phía “Việt Nam Quốc Gia” trong cuộc chiến thứ nhất và cho “Việt Nam Cộng Hòa” trong cuộc chiến thứ hai, chứ không thể áp dụng cho phía Bắc Việt. Lý do rất đơn giản. Pháp dựng lên “Việt Nam Quốc Gia” để dùng người Việt tiếp tay với Pháp, thực chất là để tái lập nền đô hộ ở Việt Nam, nhưng được che dấu sau chiêu bài chống Việt Minh Cộng sản. Và Mỹ dựng lên chế độ miền Nam, phá bỏ Hiệp Định Geneva và quyết định mọi việc, dùng miền Nam để chống Cộng cho Mỹ. Điều này thật là rõ ràng qua những tài liệu lịch sử hiện hữu. Nước nào dựng lên chính quyền Bắc Việt, và chiến đấu cho nền độc lập và thống nhất đất nước có phải là một nhiệm vụ đã được nước ngoài giao phó để làm thay cho nước đó không? Bảo rằng vì Trung Cộng và Nga Sô tiếp tế vũ khí cho Bắc Việt là ủy nhiệm cho Bắc Việt chống Mỹ hộ cho Nga Sô hay Trung Cộng để thực hiện âm mưu bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản, đó là một lý luận rất ấu trĩ và ngớ ngẩn.

Cuộc chiến ở Việt Nam có phải là nội chiến không? Có lẽ không có gì rõ ràng hơn là đoạn sau đây của Daniel Ellsberg trong cuốn Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers, Viking, 2002, p.255:

daniel Ellsberg
Daniel Ellsberg tháng 4, 2012

Không làm gì có chiến tranh Đông Dương thứ nhất và thứ nhì, chỉ có một cuộc xung đột nối tiếp trong một phần tư thế kỷ..

Dùng ngôn từ thực tế, đứng về một phía (Mỹ), ngay từ đầu nó đã là một cuộc chiến của Mỹ: mới đầu là Pháp-Mỹ, sau đến toàn là Mỹ. Trong cả hai trường hợp, nó là một cuộc đấu tranh của người Việt Nam – không phải là tất cả người Việt Nam nhưng cũng đủ để duy trì cuộc đấu tranh – chống chính sách của Mỹ và những kinh viện, ủy nhiệm, kỹ thuật gia, hỏa lực, và cuối cùng, quân đội và phi công, của Mỹ.

Cuộc chiến đó không có gì là “nội chiến”, sau 1956 hay 1960, như nó đã không từng là nội chiến trong cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ. Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc – một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình – thì không phải là một cuộc nội chiến.

Bảo rằng chúng ta “xía vào” cái gọi là “đích thực là một cuộc nội chiến”, như hầu hết các tác giả Mỹ, và ngay cả những người có khuynh hướng tự do chỉ trích cuộc chiến cho rằng như vậy cho đến ngày nay, đơn giản chỉ là che dấu một sự thực đau lòng hơn, và cũng chỉ là một huyền thoại như là luận điệu chính thức về một “cuộc xâm lăng từ miền Bắc”.

Theo tinh thần Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lăng của Mỹ. (xem tài liệu gốc Anh ngữ)

 

Nhưng bất kể gọi cuộc chiến đó như thế nào thì cuộc chiến đó cũng đã chấm dứt. Việt Nam ngày nay, với hơn 60% là giới trẻ, đang cố gắng phát triển, xây dựng đất nước, dù trong nước ngày nay có nhiều tệ đoan, hậu quả không thể tránh được khi Việt Nam lao đầu vào kinh tế toàn cầu, cùng với sự suy thoái đạo đức và lý tưởng cách mạng của một số người lãnh đạo đất nước. Đến bây giờ mà chúng ta còn nhìn lại cuộc chiến với tâm cảnh đặt căn bản trên sự thù nghịch Quốc–Cộng trước đây thì thật là ngu xuẩn, chỉ tự làm khổ mình mà thôi. Tôi nghĩ không có mấy người hiểu biết còn có tâm cảnh như vậy. Một trang lịch sử đã lật qua. Con đường tiến tới của quốc gia dân tộc là con đường trước mặt, không phải con đường quay về phía sau.

Cá nhân tôi là một sĩ quan, xuất thân từ Khóa I Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, đã phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong hơn 8 năm, đã cầm súng chống Cộng ở tiền tuyến, từ Quảng Bình (Tiểu đoàn 12) trước 1954, giải ngũ năm 1956, tái ngũ năm 1962 và phục vụ ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Sư đoàn 22 ở Qui Nhơn, và cuối cùng ở Biệt khu 24 ở Kontum. Sau khi giải ngũ lần thứ hai vào năm 1966, tôi đã phục vụ trong ngành giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày chót. Vậy vào những thời đó, tất nhiên không ít thì nhiều tôi cũng đã chống Cộng. Tôi cũng đã đọc về những hành động, chính sách thất nhân tâm của Cộng sản đối với người dân, thí dụ như cuộc cải cách ruộng đất, Tết Mậu Thân v..v…, lẽ dĩ nhiên là qua những thông tin của miền Nam và của Mỹ. Thời đó, người dân thuộc hai phe Quốc Gia và Cộng sản trong cuộc chiến tranh Đông Dương thứ nhất, và sau 1954, thuộc hai miền Bắc và Nam, chỉ biết đến những thông tin một chiều, sống dưới chế độ nào thì dù muốn dù không cũng phải ở trong guồng máy của chế độ đó..

Tôi đã chạy Cộng sản từ Bắc vào Nam năm 1954, và từ Nam sang Mỹ vào cuối tháng Tư, 1975. Đây là những quyết định tôi không bao giờ hối tiếc. Nhưng kết cục của cuộc chiến đã đưa đến cho tôi một số thắc mắc và ấm ức, vì tôi đã là người Quốc Gia kể từ 1951, khi bị gọi nhập học trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định. Những thắc mắc và ấm ức đó là:

Miền Nam, tương đối vượt trội hơn miền Bắc về kinh tế, tổ chức xã hội, tự do, giáo dục v…v…, có hơn một triệu quân, một thời cộng với hơn nửa triệu quân Mỹ, với đầy đủ vũ khí, đạn dược, và có ưu thế tuyệt đối về máy bay chiến đấu, về B52 để trải thảm bom từ trên thượng tầng không khí, xe tăng, tàu chiến, và cả thuốc khai quang Agent Orange để cho Việt Cộng không còn chỗ ẩn núp v..v.. nhưng tại sao vẫn không thắng nổi đối phương để rồi Mỹ phải tìm cách Việt Nam hóa cuộc chiến, rồi “tháo chạy” [từ của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng], và cuối cùng, Việt Cộng vẫn “cưỡng chiếm” được miền Nam? Vậy ngoài yếu tố quân sự, những yếu tố nào đã quyết định cuộc chiến? Phải chăng phe Quốc Gia của chúng ta có vấn đề về chính nghĩa, về chủ quyền? Phải chăng quân dân miền Nam không tích cực chống Cộng? Hay phải chăng yếu tố quyết định là truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam? Thực ra thì Quốc Gia và Cộng sản bên nào có Chính Nghĩa? Bên nào hợp lòng dân và được dân ủng hộ? Ý chí và khả năng chiến đấu của binh sĩ hai bên ra sao? Lãnh đạo của hai miền khác nhau như thế nào? Khả năng của các cấp chỉ huy quân sự hai miền? Và còn nhiều thắc mắc khác  nữa?”

Không phải chỉ có người Quốc Gia như tôi thắc mắc như vậy. James P. Harrison, giáo sư Sử, đại học Hunter, cũng thắc mắc như sau (James P. Harrison, The Endless War: Vietnam Struggle For Independence” p. 1):

Cuối cùng thì một dân tộc có lợi tức cá nhân năm 1975 ước tính vào khoảng 160 đô-la một năm đã đánh bại những đồng minh của một dân tộc (Mỹ) dân số đông hơn gấp 5 lần với lợi tức cá nhân hơn 6000 đô-la một năm đã nói lên điều gì? Và tại sao nửa triệu quân Mỹ và một triệu quân Nam Việt Nam, đã thả xuống một diện tích nhỏ hơn California hơn ba lần tấn bom mà mọi phía đã thả xuống trong cuộc Đệ Nhị Thế Chiến, vẫn không thể ngăn chận được quân Cộng sản, trong khi cho đến năm 1940 chỉ có 11000 quân Pháp và cảnh sát đã giữ được phần lớn trật tự. (nguyên văn Anh ngữ)

Cuộc chiến Việt Nam gồm hai giai đoạn, trước và sau Hiệp Định Geneva. Tìm giải đáp cho những thắc mắc trên không phải là dễ, vì chúng ta có thể rất dễ rơi vào thiên kiến, với tâm cảnh đối nghịch Quốc-Cộng đã ăn sâu vào tiềm thức chúng ta trong một thời gian dài. Hơn nữa, những mất mát, đau thương của cá nhân hay gia đình là những điều khó quên và đều xẩy ra trong cả hai phía. Nhưng xét cho cùng, những mất mát, đau thương đó thật là quá nhỏ nhoi so với những mất mát, đau thương của cả dân tộc. Với những mất mát đau thương đó, chúng ta có thể nói, trong hai cuộc chiến Việt Nam, cả hai bên đều thua. Nhìn lại cuộc chiến, có những sự thật rất khó chấp nhận đối với một số người Quốc Gia, nhưng sự thật vẫn là sự thật, dù họ có chấp nhận hay không. Với những ý nghĩ như vậy, để tìm giải đáp cho những thắc mắc trên, với tinh thần khoa học tôi đã để thì giờ tìm hiểu, và đọc rất nhiều sách viết về cuộc chiến ở Việt Nam, phần lớn là sách Mỹ, sách Pháp, và những tài liệu trên Internet, cộng với những gì tôi biết trong 30 năm, từ 1945 đến 1975, về CS, về Quốc Gia. Trong bài này tôi sẽ không viết gì về những trận chiến mà chỉ tìm hiểu những nguyên nhân, yếu tố có thể dùng để giải thích tại sao hai cuộc chiến đó lại xẩy ra trên một đất nước nhỏ nhoi, nghèo khổ như Việt Nam và có một kết cục như vậy..

Ngày nay, tài liệu về cuộc chiến Việt Nam tràn ngập trong những tác phẩm của các bậc khoa bảng, tướng lãnh Tây phương, những người đã nghiên cứu kỹ về hầu hết mọi khía cạnh của cuộc chiến, hoặc những người đã tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở Việt Nam, và trên Internet. Tôi e rằng không ai có thể đọc hết được những tài liệu này. Nhưng thực ra, chúng ta không cần phải đọc hết, chỉ cần đọc một số không nhiều lắm nhưng cũng không ít, từ đó chúng ta có thể rút ra được nhiều điểm chung, hi vọng không xa với sự thực là bao nhiêu.

Nếu chúng ta muốn viết lại lịch sử để tìm hiểu những sự thật về cuộc chiến thì chúng ta nên viết như thế nào, viết theo cảm tính cá nhân hay viết theo những tài liệu khả tín thuộc loại nghiên cứu nghiêm chỉnh? Nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam, không ai là người không cảm thấy đau xót, thương cho đất nước bị tàn phá như chưa bao giờ từng bị như vậy, cộng với sự tổn thất quá lớn lao về nhân mạng và vật chất. Nhìn lại cuộc chiến như là một giai đoạn đau thương trong giòng lịch sử của Việt Nam, nhưng nhìn như thế nào, trên lập trường cá nhân hay trên lập trường quốc gia, dân tộc. Cảm tính cá nhân thường không tránh khỏi thiên kiến và tinh thần phe phái, nhất là khi chúng ta không thể quên được những mất mát cá nhân, những xúc phạm đến tinh thần và thể xác cá nhân, hoặc mất đi những quyền lực, địa vị một thời. Đứng trên lập trường dân tộc, chúng ta có thể nhìn lại cuộc chiến một cách bao quát và tương đối trung thực hơn, với điều kiện là chúng ta phải tôn trọng sự thật, bất kể là sự thật đó có làm chúng ta đau lòng đi nữa. Đây là thái độ của những người có lương tâm trí thức, những người không vì tình cảm phe phái, vì thù hận cá nhân, mà xuyên tạc sự thật, bán rẻ lương tâm.

Trong bài này, tôi xin tự hạn trong vấn đề tìm giải đáp cho một số thắc mắc ở trên như:

- Nguyên nhân hai cuộc chiến ở Việt Nam, trước và sau Hiệp Định Geneva, là gì?

- Cuộc kháng chiến chống Pháp trở lại có cần thiết không?

- Thực chất cuộc can thiệp của Mỹ vào Việt Nam là gì?

- Tại sao Mỹ không thành công ở Việt Nam?

Trong bài này tôi sẽ cố gắng phân tích các vấn đề trên qua những tài liệu. Tôi sẽ hạn chế tối đa việc dùng tài liệu của Quốc cũng như của Cộng để tránh những phê bình thiên kiến dựa trên cảm tính cá nhân, tinh thần phe phái, chắc chắn sẽ không tránh khỏi, nhất là ở hải ngoại. Thay vì đó tôi sẽ dùng tài liệu của các tác giả ngoại quốc, những bậc khoa bảng, giáo sư đại học, ký giả, tướng lãnh đã từng tham gia trong cuộc chiến, chính trị gia, và ngay cả những tài liệu đã được Mỹ giải mật v…v… Đừng cho là tôi vọng ngoại, phần lớn những tài liệu tôi dùng đều xuất bản sau năm 1975, và tôi tin rằng các bậc khoa bảng và các chính khách ngoại quốc không có lý do để bênh vực bất cứ Quốc hay Cộng, họ chỉ nghiên cứu vấn đề dựa trên các tài liệu và sự thực họ biết. Tôi đã đọc trên 100 cuốn sách về chiến tranh Việt Nam ngoài những tài liệu trên Internet. Cho nên tôi tin rằng tôi làm sự phân tích này với tinh thần tôn trọng sự thật của người trí thức. Lẽ dĩ nhiên, trong sự phân tích không thể tránh được những thiếu sót, và tôi mong đọc giả bổ khuyết cho. Tôi xin hoan hỉ đón nhận mọi phê bình trí thức nghiêm chỉnh trong tinh thần học thuật.

PHẦN I :

VỀ CUỘC CHIẾN 8 NĂM CHỐNG PHÁP: 1946 – 1954.

A.- Một Chút Về Lịch Sử Chống Ngoại Xâm Của Việt Nam.

Trước hết, muốn hiểu rõ hai cuộc chiến ở Việt Nam, trước và sau Hiệp Định Geneva, và tại sao lại có một kết cục như vậy, chúng ta cần phải biết chút ít về lịch sử, về tinh thần quốc gia của người dân Việt nam. Tinh thần đó thể hiện trong những sự kiện lịch sử chống ngoại xâm quen thuộc sau đây:

- Năm 40, bà Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị nổi giậy đánh phá thành Luy Lâu, trụ sở của nhà Hán. Thái thú Tô Định phải bỏ chạy về nước, các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Hai Bà đã thu được 65 thành trì. Đất nước không còn bóng quân ngoại quốc, quân Tàu. Tàu phái tướng Mã Viện sang dẹp. Cuối cùng, ở thế yếu, Hai bà tuẫn tiết ở sông Hát Giang.

- Năm 248, Bà Triệu, tên tục là Triệu Thị Trinh, cùng anh là Triệu Quốc Đạt, phất cờ khởi nghĩa, tấn công quân Ngô (Đông Ngô). Trong vòng 6 tháng, nghĩa quân đã chiếm hầu hết đất Giao Châu. Vua Ngô đưa hàng vạn quân tinh nhuệ sang dưới sự chỉ huy của trướng Lục Dận để dẹp cuộc khởi nghĩa. Ở thế yếu, Bà Triệu hy sinh khi mới có 23 tuổi.

- Năm 542, Lý Bôn (Lý Nam Đế) lãnh đạo nhân dân ta khởi nghĩa, đánh đuổi Thứ sử Tiêu Tư và quân nhà Lương, chiếm thành Long Biên, lập nên Nhà Nước độc lập đầu tiên của nước ta.

- Năm 938, Ngô Vương Quyền đánh bại đoàn quân Nam Hán của Hoằng Tháo, nổi tiếng với trận Bạch Đằng.

- Năm 981, Vua Lê Ðại Hành chiến thắng quân xâm lăng nhà Tống.

- Thế kỷ 11-13, thời đại Lý – Trần, Thiên hạ Lý Trần Bán Vi Tăng, là thời đại hiền hòa và oanh liệt nhất trong lịch sử Việt Nam, Lý Thường Kiệt Phạt Tống, Nhà Trần hai lần thắng Nguyên Mông.

- Năm 1427, Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đánh bại đoàn quân Minh của Vương Thông.

- Tết Kỷ Dậu (1789), Vua Quang Trung chỉ trong vòng 6 ngày đã đánh tan 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị. Trưa mồng 5 Tết Quang Trung Hoàng Đế tiến vào thành Thăng Long.

Vài nét về lịch sử chống xâm lăng ở trên cho chúng ta thấy tinh thần quốc gia của người dân Việt Nam là như thế nào. Mỗi khi có giặc ngoại xâm, trước sau gì người dân cũng nổi lên giành lại nền độc lập và tự chủ cho nước nhà.. Bước sang thế kỷ 19, nước nhà lại bị đế quốc thực dân Pháp xâm lăng và chiếm hữu làm thuộc địa. Đây thuộc về lịch sử cận đại đưa đến hai cuộc chiến ở Việt Nam trong khoảng thời gian 30 năm: 1945 – 1975, nên tôi nghĩ chúng ta cần biết thêm một số chi tiết.

B. - Cuộc Xâm Chiếm Của Thực Dân Pháp: Từ Thành Công Đến Thất Bại. .

B.1.- Chủ Nghĩa Thực Dân (Đi Chiếm Thuộc Địa) Của Tây Phương.

Chủ nghĩa thực dân của Tây phương đã đưa Việt Nam vào vòng đô hộ của thực dân Pháp. Có lẽ chúng ta cũng nên biết qua đến những nguyên nhân khiến cho Việt Nam rơi vào thảm cảnh trên. Nói đến Chủ Nghĩa Thực Dân của các nước Tây Phương: Anh, Pháp, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, chúng ta không thể bỏ qua khía cạnh tôn giáo, Ki Tô Giáo, trong đó. Lịch sử cho thấy rằng, ở bất cứ đâu, Phi Châu, Á Châu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, bao giờ cũng có đoàn quân thừa sai Ca-tô hay Tin Lành đi trước rồi quân sĩ tới sau. Chúng ta hãy đọc:

http://en.wikipedia.org/wiki/Christianity_and_colonialism

Ki Tô Giáo và Chủ Nghĩa Thực Dân thường liên kết chặt chẽ với nhau vì Ca-tô Giáo và Tin Lành là những tôn giáo của các thế lực thực dân Tây phương và thường hành động với nhiều thủ đoạn như là những cánh tay quyền lực tôn giáo của những thế lực đó. (nguyên văn)

Chúng ta thường nghe một luận điệu quen thuộc của chính sách truyền đạo trên thế giới: mang cái đạo Ki Tô văn minh, cao quý của Tây phương đi khắp nơi để văn minh hóa những dân tộc mọi rợ chưa biết đến Chúa. Ngày nay chúng ta biết rằng, chính Ki Tô Giáo mới là mọi rợ, mê tín, vì tin vào một huyền thoại về Chúa, mà Ca-tô Giáo dùng để mê hoặc quần chúng để kiếm lời, như chính Giáo Hoàng Leo X (1513-1521) đã thú nhận: Chúng ta biết được bao nhiêu về những lợi nhuận mà sự mê tín vào cái chuyện hoang đường về đấng Ki-Tô đã mang lại cho chúng ta và các tiền nhân của chúng ta? [How well we know that a profitable superstition this fable of Christ has been for us?] nên mới gây ra bao thảm họa cho thế giới, và các giáo sĩ thừa sai là những kẻ cuồng tín ngu dốt bậc nhất thiên hạ. Điều này rất đúng đối với những giáo sĩ truyền đạo ở Việt Nam, điển hình là Alexandre de Rhodes, Puginier v..v…Cuốn Phép Giảng Tám Ngày cũng như cuốn Hành Trình Truyền Giáo của Rhodes cho thấy hắn là một giáo sĩ thực dân ngu xuẩn, cuồng tín, bịp bợm và vô đạo đức tôn giáo. Xin đọc bài “Di Hại Của Nền Đạo Lý Thiên (Chúa Giáo) – La (Mã) Đắc Lộ Nhân Đọc Cuốn “Hành Trình Và Truyền Giáo” Của Alexandre de Rhodes” trên:

http://giaodiemonline.com/2008/07/dihai.htm

http://www.sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=312

Theo web Wikipedia trên thì:

Vào hậu bán thế kỷ 20, khi mà thời đại thực dân đi đến cáo chung, thì các giáo sĩ thừa sai bị coi như là “những quân xung kích tiền phong lý tưởng cho những cuộc xâm lăng thực dân” là những kẻ mà sự hăng say tôn giáo đã làm họ mù quáng, những “điệp viên, nhà tôn giáo chuyên nghiệp và viện cớ đạo đức của chủ nghĩa thực dân”. Sử gia ngày nay mô tả những giáo sĩ thừa sai là những tên đế quốc kiêu căng, tham tàn.” (nguyên văn)

Giáo sư đại học Santa Barbara, California, Walter Capps, cũng viết trong cuốn “The Unfinished War: Vietnam and the American Conscience”, trang 20, về sự liên hệ giữa thực dân Pháp và Ca-tô Giáo trong cuộc xâm chiếm Việt Nam của Pháp:

Những hoạt động thực dân của Pháp được thực hiện với sự cộng tác của những nỗ lực truyền đạo của Giáo hội Ca-tô(nguyên văn).

Những nhận định hàn lâm trên không phải là những điều bịa đặt để chống Ca-tô giáo. Ở Việt Nam, sự kiện lịch sử đã rõ ràng, nếu không có sự hỗ trợ tiếp tay phục vụ của giáo dân Ca-tô Việt Nam, tuyệt đối trung thành và theo lệnh các bề trên, ngoại quốc cũng như bản địa, thì Pháp không thể thành công chiếm hữu được Việt Nam. Chúng ta hãy đọc vài tài liệu chứng minh.

B.2.- Vai Trò Của Giáo Dân Việt Nam Trong Cuộc Xâm Chiếm Việt Nam Của Pháp. .

Nói về sự xâm chiếm của thực dân Pháp, chúng ta không thể bỏ qua vai trò của giáo dân Ca-tô Việt Nam trong đó. Sở dĩ Pháp xâm chiếm Việt Nam thành công là nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của giáo dân Ca-tô Việt Nam. Đây chính là yếu tố quyết định để đưa nước nhà rơi vào vòng nô lệ của thực dân Pháp. Thật vậy, điều này, chúng ta có thể thấy rõ ràng trong một văn kiện có tính cách khẳng định sau đây của chính Giám mục Puginier, được trích dẫn (trang 156) trong cuốn Catholicisme et Sociétes Asiatiques của Alain Forrest và Yoshiharu Tsuboi (Praris: L’Harmattan. Tokyo: Sophia: Univerrsity. D.L, 1988:.

"Giám Mục Puginier viết rằng: "Không có các thừa sai và giáo dân Ca Tô Giáo thì người Pháp cũng giống như những con cua đã bị bẻ gẫy hết càng. Thí dụ như vậy, tuy tầm thường mộc mạc nhưng không kém phần chính xác và mạnh mẽ. Thật vậy, không có các thừa sai và giáo dân Ca Tô Giáo, người Pháp sẽ bị bao vây bởi toàn là kẻ thù; họ sẽ không thể tin cậy vào một ai; họ sẽ chỉ nhận được những tin tức tình báo sai lầm, cung cấp với ác ý để phá hoại tình thế của họ; họ sẽ bị đẩy vào tình trạng không thể hoạt động được gì và sẽ phải hứng chịu những thảm họa thực sự một cách nhanh chóng. Địa vị của họ ở đây sẽ không giữ nổi được nữa, và họ sẽ bị buộc phải rời khỏi xứ, nơi đây quyền lợi và ngay cả sự hiện diện của họ sẽ bị nguy hại." (nguyên văn Anh ngữ)

 Giáo dân Ca-tô Việt Nam đã có những hoạt động gì để tiếp tay, hỗ trợ thực dân Pháp, đưa nước nhà vào cảnh nô lệ trong gần một thế kỷ? Chúng ta hãy đọc vài tài liệu. Do cuộc chiến ở Việt Nam, nhiều học giả trí thức Tây phương đã tìm hiểu về lịch sử Việt Nam cho nên ngày nay chúng ta mới có những tài liệu mà khi xưa chúng ta không được biết hay không có quyền biết, trong thời Pháp thuộc cũng như dưới thời VNCH, I và II.

1.- Trong cuốn “L'Empire Vietnamien Face à la France et à la Chine", bản dịch ra tiếng Việt, Nước Đại Nam Đối Diện Với Pháp và Trung Hoa, của Nguyễn Đình Đầu, Yoshiharu Tsuboi viết như sau:

"Linh mục Louvet gợi lại việc phái bộ Montigny đã tới Đà Nẵng năm 1847 để diệu võ dương oai rồi thảm bại rút lui để lại bao khó khăn cho thừa sai và tín hữu. Theo Louvet, phái bộ Montigny đã gây chuyển hướng trong tính cách của sự bách hại như sau: "...từ phạm vi tôn giáo chuyển sang phạm vi chính trị, người Ca-tô giáo không chỉ nguyên thuần là một kẻ theo tà đạo, tự mình tách rời ra khỏi đời sống công dân và gia đình do chối từ việc thờ cúng tổ tiên, mà còn là bạn bè của người ngoại quốc, là kẻ phản bội và phản nghịch từng kêu gọi quân xâm lăng đến chiếm lĩnh nước mình." Sự thật Louvet chỉ nhắc lại một lập luận mà giám mục Pellerin đã quảng diễn từ trước...

Một lập luận như vậy đánh dấu thật rõ ràng sự thay đổi trong não trạng các thành viên hội Thừa Sai của Paris, vì lập luận ấy đã cho biết sự thật lịch sử: tại Việt Nam, nơi mà tinh thần hòa đồng tôn giáo đã thấm sâu vào xã hội, không có lý do gì, nhất là khi vẫn có trật tự xã hội, lại đi bách hại Ca-tô giáo với tính cách là một đạo giáo. Đã từ lâu, điều làm cho người ta e ngại là sự hiện diện và hoạt động của các thừa sai bị coi như là những điệp viên của Tây phương có nhiệm vụ phá hại nền đạo đức và chính trị của nước Việt Nam. Chúng tôi đã xem xét kỹ hoạt động của các thừa sai, bởi vì chúng tôi tin là hội thừa sai Paris và các giáo sĩ của hội này đã là những kẻ "dẫn đường" chính cho chính quyền Pháp tại Việt Nam"

2-. Trong cuốn Những Hội Truyền Giáo Hải Ngoại và Sự Xâm Nhập của Pháp Vào Việt Nam(Les Missions Étrangères et la Pénétration Francaise au Viet-Nam), Nicole-Dominique Lê viết:

"Theo quan điểm của những nhà lãnh đạo Việt Nam thì các thừa sai đã phạm tội thúc đẩy giáo dân bất tuân luật lệ quốc gia. Từ bỏ những thờ phượng tôn giáo, những giá trị xã hội đã khiến cho họ sống ở ngoài lề của xã hội truyền thống. Nhưng nghiêm trọng hơn là, người ta trách cứ các giáo sĩ và giáo dân đã tạo nên sự phân chia quốc gia thành 2 khối tôn giáo đối nghịch nhau." (nguyên văn Anh ngữ)

"Được thành lập một cách cuồng tín, những người Ca Tô Giáo Việt Nam đã có một ý thức giai cấp; họ tự cảm thấy tách biệt khỏi đại khối dân tộc, khác biệt và cao quý hơn, vì họ đã nhận được "ánh sáng của Gót." Họ khinh miệt những người phi-Ca Tô, những người đã theo những nghi lễ "mọi rợ và mê tín". Nhưng những người phi-Ca Tô cũng khinh miệt không kém những kẻ theo đạo, thường là xuất thân từ giai cấp hạ tiện, những người chẳng mất mát gì khi theo một tôn giáo khác, một tôn giáo từ chối gia tài của xứ sở.  Nhất là giai cấp văn thân càng ghét họ hơn, vì, không những họ từ bỏ những truyền thống tổ tiên, mà tệ hơn nữa, kêu gọi ngoại nhân đến với họ, xin ngoại nhân che trở và cho họ việc làm, hầu hạ và phục tùng ngoại nhân như là các ông chủ duy nhất. Về phía Ca-Tô giáo, họ không làm gì để xóa bỏ hay ít ra là làm giảm bớt cái tiếng xấu của họ, trái lại, khi chắc rằng người Pháp sẽ ngự trị ở ngoài Bắc, và tin rằng thời cơ của họ đã tới, họ đã phạm nhiều sự lạm dụng không thể tha thứ được." (nguyên văn Anh ngữ)

3.- Trong cuốn Trung Kỳ - Bắc Kỳ 1885-1896 (Annam-Tonkin 1885-1896), Charles Fourniaux viết:

"Căn bản của lực lượng này (với mục đích đồng hóa toàn phần dân chúng để tạo một "Đông Dương của Pháp", bằng cách phá hoại văn minh cổ truyền và những văn thân gìn giữ nền văn minh này) nằm trong 600,000 giáo dân Ca-tô Giáo mà các thừa sai là những ông chủ tuyệt đối. Họ sống trong các làng mạc hoặc phần làng mạc riêng biệt, vì các thừa sai nhất định bảo vệ họ để khỏi bị ảnh hưởng xấu của người "Lương" và người Âu châu. Nhưng nhất là vì niềm tin và tác phong của họ đã làm cho đồng bào của họ coi họ như là những kẻ bội giáo và phản bội quốc gia. Họ không còn trung thành với sự thờ cúng tổ tiên, không tôn trọng những lễ lạc cổ truyền và phong tục tập quán. Thật vậy, có phải là từ những năm 70 họ đã chẳng là những "nội ứng của Pháp", làm tình báo cho kẻ thù và giúp đỡ kẻ thù, và cung cấp đa số trợ quân cùng những kẻ phản bội quốc gia khát máu như tên Trần Bá Lộc?" (nguyên văn Anh ngữ)

(Trần Bá Lộc là tên tay sai Ca-Tô đắc lực nhất của Pháp trong sự đàn áp các cuộc khởi nghĩa ở miền Nam, nổi tiếng là tàn bạo và tham lam. Leo từ lính cơ của Pháp lên tới tri phủ (1886) hắn đã "chặt nhiều đầu" kháng chiến quân, chính hắn viết như thế, và còn bắt bớ những người có liên hệ với kháng chiến để tống tiền dưới hình thức "bồi thường", được Pháp khen thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh hạng 3: theo tài liệu A30 (75), hộp 19, Thư Khố Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại.)

4.- Trong cuốn The Vietnam Response to French Intervention, 1862-1874 của Mark W. McLeod, chúng ta có thể đọc được những đoạn sau đây:

"Nguyên tắc của Vua Minh Mạng để đối phó với những người Ca Tô Việt Nam như sau: trước hãy giáo dục sau mới dùng đến hình phạt. Như vậy, các viên chức trước hết phải khuyên hóa những người Ca Tô để cho họ tỉnh ngộ và hối cải những tội ác của họ...

Sau đó, những đạo dụ khắc nghiệt hơn được ban hành mỗi khi Vua Tự Đức phải đối diện với bằng chứng là các giáo sĩ Ca Tô và các giáo dân dính líu vào những cuộc nội loạn hay đứng về phía một quyền lực ngoại quốc." (nguyên văn Anh ngữ)

 5.- Trong cuốn La Place du Catholicisme dans les Relations Entre la France et le Vietnam, de 1851 à 1870, nhà trí thức Ca Tô Étienne Võ Đức Hạnh viết:

"Dưới triều Vua Tự Đức, một số lớn tín đồ Ca Tô Việt Nam làm tình báo cho Pháp. ..Dưới triều Tự Đức, do sự xúi dục của các giáo sĩ, người Ca Tô Giáo và phi-Ca Tô, âm thầm hoặc công khai, chống đối lại vị Vua tại vị hơn là nhà Nguyễn vì nhiều lý do...Chỉ có một điều khác biệt: người Ca Tô Giáo có cùng chung mục tiêu với nước Pháp, còn người phi- Ca Tô thì không." (nguyên văn Anh ngữ)

6.- Trong cuốn French Catholic Missionaries and the Politics of Imperialism in Vietnam, 1857-1914, Patrick J. N. Tuck viết, trg. 28:

"Xét về toàn bộ, truyền thống tôn giáo Việt Nam là một truyền thống dễ hấp thụ, pha trộn, để cho con người có thể theo nhiều con đường khác nhau đi đến chân lý.

Đối ngược với điều trên, những điều tự nhận của Ca Tô Giáo về một tâm linh duy nhất thật là phi lý và kỳ cục đối với người Việt Nam. Ngoài ra, chiến thuật dụ người vào đạo của các thừa sai có tính cách xâm nhập độc chiếm. Ảnh hưởng xã hội và chính trị của sự truyền đạo này có tính cách phá hại cao độ. Chính điều này đã gây nên thái độ thù nghịch trong giới sĩ phu cũng như trong đại chúng" (nguyên văn)

"Theo quan điểm của người Việt Nam, những sự tàn sát tín đồ Ca Tô Giáo không chỉ là một biểu thị của sự hoang mang chính trị. Nó có một mục đích thực tế là đánh thẳng vào một chiều kích đáng kể trong nỗ lực quân sự của Pháp. Về phần Pháp, sau những do dự ban đầu (Tài liệu 106), đã tận dụng những tín đồ Ca Tô Việt Nam như là các trợ quân trong cuộc chiến. Những tín đồ Ca Tô Việt Nam được sử dụng làm cu-li, thông ngôn và lính chiến đấu; và giáo dân Việt Nam đã góp tiền tổ chức những lực lượng riêng thí dụ như "đoàn quân Joseph" khoảng 7000 người.. Thật vậy, như Giám mục Puginier đã vạch rõ, Giáo dân rất hữu dụng trong việc lấy tin tức tình báo quân sự về những sửa soạn của kháng chiến quân Việt Nam và về sự chuyển quân của quân Trung Hoa (Tài liệu 116). Một đạo luật chống Ca Tô mà Thuyết (Tôn Thất) ban ra năm 1885 xác nhận là chính cái nhiệm vụ lấy tin tức tình báo này của những cộng đồng Ca Tô mới thật là đáng sợ (Tài liệu 113)." (nguyên văn)

 

Những tín đồ Ca Tô Việt Nam hợp tác và làm tay sai cho quân xâm lăng Pháp, ngay từ ngày đầu cho tới ngày cuối, nay đã là những sự kiện lịch sử không ai có thể phủ nhận. Chúng ta hãy đọc vài đoạn trong cuốn viết về giai đoạn lịch sử Việt Nam trên của Mark L. McLeod, Ibid., trg. 45-47:

"Vai trò của những tín đồ Ca Tô trong cuộc xâm lược của liên quân Pháp - Tây Ban Nha là gì?..Sự thực là, theo những tài liệu lưu trữ trong văn khố Pháp thì, ngay từ tháng 9, 1858, nhiều toán tín đồ Gia Tô Việt Nam đã tới liên lạc với những đoàn quân chiến đấu của Tây phương. Rigauld de Genouilly (tướng chỉ huy liên quân Pháp - Tây Ban Nha ở Đà Nẵng; TCN) đã họp họ lại thành hai chi đội và huấn luyện họ trong một doanh trại ở Tiên Trà. Một trong hai chi đội trên chiến đấu sát cánh với quân Pháp - Tây Ban Nha ở Đà Nẵng, còn chi đội kia di chuyển xuống miền Nam, dự phần chiến đấu trong cuộc xâm lược "lục tỉnh" và họ đã dự trận Kỳ Hòa. Sau trận Kỳ Hòa, những lính chiến đấu Ca Tô Việt Nam đã phục vụ những người Tây phương ở Đà Nẵng tiếp tục phục vụ người Pháp, làm lính chiến, thông ngôn, cu-li và thám báo, trong những vùng chiếm được ở miền Nam. Vì những dịch vụ này, họ được Đô Dốc - Toàn Quyền de la Grandière ban thưởng cho một số đất quanh vùng Sài-gòn.

Trong cuộc xâm lược của liên quân Pháp - Tây Ban Nha từ 1858 đến 1862, những biện pháp cấm đạo của Vua Tự Đức càng ngày càng khắc nghiệt và dễ hiểu. Đó chính là vì Triều đình Huế tin rằng những tín đồ Ca Tô Việt Nam đã hỗ trợ những đoàn quân xâm lăng. Những đạo Dụ trong thời chiến này thường nhằm mục đích ngăn cản những tín đồ Ca Tô Việt Nam liên lạc với những lực lượng Pháp - Tây Ban Nha. Thí dụ, một đạo Dụ ban hành vào tháng 5, 1859, nêu rõ rằng, khi nghe tin thành Saigon thất thủ, những tín đồ Ca Tô Việt Nam ở miền Nam đã lợi dụng tình thế để khủng bố người "lương" hay "tốt"(nghĩa là, người phi- Ca Tô) và đi làm "tay sai và mật thám cho Tây Dương"

.. Theo quan niệm của Vua Tự Đức thì sự khắc nghiệt của những đạo Dụ cấm đạo trong thời chiến rất là chính đáng, vì những tín đồ Ca Tô Việt Nam "đã mang người Tây Dương vào trong xứ sở."

...Với những tài liệu hiện hữu, chúng ta chỉ có thể kết luận là triều đình nhà Vua tin rằng những tín đồ Ca Tô đã giúp đỡ quân đội Pháp và Tây Ban Nha, và triều đình không hẳn là hoàn toàn sai lầm trong nhận thức này. Do đó, những đạo Dụ chống Ca Tô quá khắc nghiệt của Vua Tự Đức trong thời chiến chỉ nhằm mục đích ngăn ngừa tín đồ Ca Tô bản xứ khỏi phối hợp với những lực lượng xâm lược." (nguyên văn Anh ngữ)

 

Đọc lại lịch sử Việt Nam trong giai đoạn Francis Garnier chiếm thành Hà Nội và các tỉnh lân cận như Phủ Lý, Nam Định, Hải Dương v..v.. chúng ta sẽ thấy sự thực về vai trò cộng tác, tiếp tay, hỗ trợ của giáo dân Ca Tô Việt Nam cho những đoàn quân xâm lăng ngoại quốc như thế nào. Mark L. McLeod, Ibid., trg. 114-122:

"Bản chất và mức độ hỗ trợ những đoàn quân viễn chinh Pháp của những tín đồ Ca Tô là như thế nào?

Những thư từ liên lạc và phúc trình của Balny và Harmand. được Garnier phái đi chinh phục nhiều tỉnh lỵ và những điểm trọng yếu trong miền đồng bằng, cho chúng ta thấy một kiểu hỗ trợ đáng kể của những tín đồ Ca Tô bao gồm - nhưng không chỉ giới hạn ở - những nhiệm vụ hành chánh và quân sự. Những nguồn tài liệu này cũng cho chúng ta thấy một kiểu xoay sở lẫn nhau giữa các sĩ quan Pháp và các thừa sai Ca Tô với kết quả là những kẻ "tình nguyện" thường cũng được lợi bằng hay hơn những sĩ quan Pháp. (nguyên văn Anh ngữ 1)

... Để giúp chúng ta hiểu rõ hơn, chúng ta hãy xét tới những hành động của Balny tại Phủ Lý và Hải Dương và của Harmand ở Nam Định, và nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa Bộ Truyền Giáo Ca Tô và các lực lượng quân sự Pháp. Sự phân tích những hành động này cho thấy, trong những cuộc tấn công vào những cứ điểm của chính quyền Việt Nam, quân đội Pháp đã nhận được một mức độ hỗ trợ rất đáng kể từ những thừa sai và những tín đồ Ca Tô Việt Nam. (nguyên bản Anh ngữ 2) Hơn nữa, những phương pháp mà các sĩ quan Pháp và những cộng tác viên Ca Tô dùng tuyệt đối không thể coi là có đạo đức cao theo những tiêu chuẩn đương thời của ngay chính họ, vì những phái bộ truyền giáo Ca Tô đã dùng sức lao động (của tín đồ Ca Tô bản xứ; TCN), tài nguyên, và tin tức tình báo, đổi lấy hậu thuẫn của Pháp để thực hiện sự tàn sát liên miên người "lương", mạo phạm những công trình xây dựng của Phật Giáo, thiêu hủy những làng mạc phi-Ca Tô, và cướp bóc những thành phố của nhà Vua. Sự cộng tác với chủ nghĩa đế quốc Pháp của những tín đồ Ca Tô thường không được các sử gia nhận biết đầy đủ, nhưng đó chính là một yếu tố đáng kể góp phần thắng lợi cho Pháp ở Bắc Kỳ." (nguyên văn Anh ngữ 3)

Trong cuốn sách của Mark L. McLeod và trong nhiều cuốn khác, có rất nhiều chi tiết về sự cộng tác của những tín đồ Ca Tô Việt Nam với đầy đủ tài liệu. Tôi không thể đưa hết vào trong bài viết này vì nó quá chi tiết và dài, cho nên chỉ có thể đưa ra những nét đại cương. Tuy nhiên, chúng ta có thể nêu ra đây một thí dụ điển hình: nguyên nhân thất thủ trung tâm kháng chiến Ba Đình của Đinh Công Tráng, do Linh Mục Trần Tam Tĩnh viết trong cuốn Thập Giá và Lưỡi Gươm:

"Cho tới khi chết ngày 25 tháng 4/1892, giám mục Puginier đã hoạt động không ngưng nghỉ ngày nào để củng cố địa vị của nước Pháp tại xứ ông đã nhận là quốc gia mới. Người ta còn giữ được mấy chục bản ghi chú và những tin tức tình báo có mang chữ ký của ông trong những Văn Khố của Bộ Thuộc Địa. Một phần nhờ vào các tin tức tình báo của giám mục mà quân Pháp có thể dẹp tan quân đội kháng chiến của Việt Nam. Trung tâm kháng chiến khốc liệt nhất là ở Ba Đình, Thanh Hóa, dưới sự chỉ huy của Đinh Công Tráng. Đó là một làng được tăng cường bởi một vòng đai lũy tre, những ụ kháng chiến, những hầm trú ẩn, và một hệ thống hầm giao thông được xếp đặt một cách tinh vi. Để "bình định" làng này, quân đội Pháp đã kéo tới 2,250 binh sĩ với 25 khẩu đại bác, 4 tàu chiến dưới sự chỉ huy của đại tá Metzinger. Cuộc tấn công của Pháp ngày 18 tháng 12/1886 bị đẩy lui. Quân Pháp bao vây để tìm kiếm một chiến thuật mới. Sung sướng thay cho họ, một sĩ quan trẻ, đại úy Joffre (sau này trở thành thống chế nổi tiếng của Pháp trong đệ nhất Thế Chiến), đã nghĩ đến việc cầu sự trợ giúp của Trần Lục, cha xứ Phát Diệm và là Phó Tướng đặc trách bình định các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tịnh. Trần Lục, được giám mục Puginier ban phước lành, và mang 5000 giáo dân Ca Tô đến giúp quân Pháp. Và Ba Đình bị thất thủ."

Từ những tài liệu dẫn chứng ở trên, chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa là, nếu không có những hành động phản quốc, làm nội ứng, tiếp tay và hết mình phục vụ với một mức độ đáng kể của tín đồ Ca Tô Việt Nam,  thì chưa chắc Pháp đã lập nổi nền đô hộ ở Việt Nam trong gần 80 năm. Những tài liệu trên đều là của các học giả Tây phương dựa trên các tài liệu đã thành văn được lưu trữ trong văn khố Pháp và nhiều nơi khác. Cuộc chiến ở Việt Nam đã thúc đẩy họ tìm hiểu về đất nước Việt Nam, và với những sự kiện về thời Đệ Nhất Cộng Hòa của Ngô Đình Diệm, họ cũng muốn tìm hiểu về vai trò của người Ca-tô Việt Nam trong xã hội Việt Nam. Tôi tin rằng họ không có lý do gì để xuyên tạc sự thật lịch sử hay để bênh vực các vua triều Nguyễn về chuyện cấm đạo. Viết lại những sự kiện lịch sử trên không có nghĩa là để gây sự thù nghịch đối với người Ca-tô Việt Nam hay ngay cả lên án hành động của họ trong quá khứ, mà đó chỉ là để trả lại những sự thật cho lịch sử, những sự thật người dân cần phải biết và hi vọng từ đó có thể tránh được việc tái phạm những lỗi lầm trong quá khứ.

B.3.- Những Cuộc Khởi Nghĩa Chống Pháp Trong Thời Pháp Thuộc. .

Hơn 90% người dân Việt Nam không phải là tín đồ Ca-tô Giáo, cho nên ngay từ khi thực dân Pháp bắt đầu xâm chiếm Việt Nam với sự hỗ trợ của các giáo sĩ thừa sai ngoại quốc và giáo dân Việt Nam, và trong suốt thời kỳ đô hộ, nhân dân Việt Nam đã có nhiều tổ chức, phong trào, khởi nghĩa chống Pháp. Các tổ chức kháng Pháp phát sanh trước hết tại Nam Việt, ngay từ lúc quân đội xâm lược Pháp đặt chân lên lãnh thổ Việt Nam năm 1860. Phong trào phát khởi tại miền Ðông, sau đó lan rộng khắp Nam Việt rồi khắp nước Việt Nam. Ðó là phản ứng chung của dân tộc chống ngoại xâm, hễ quân Pháp chiếm cứ nơi nào, là tổ chức kháng Pháp lập tức phát sanh tại nơi đó. Vì sử liệu về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp đã quá quen thuộc đối với người dân Việt Nam, nên trong bài này tôi chỉ liệt kê sơ lược những công cuộc kháng Pháp mà không đi vào chi tiết.

--> Từ 1860 đến 1885, nhiều tổ chức khởi nghĩa chống Pháp đã xuất hiện, sau đây là những tổ chức và phong trào chống Pháp quen thuộc nhất:

  • Cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định (1859-1864) ở Gò Công, Tân An.
  • Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực (1861-1868) ở vùng Tân An, Hà Tiên, Rạch Giá, Đảo Phú Quốc.
  • Các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Huân (1863-1868); Võ Duy Dương (1865-1866); Trần Văn Thành (1865-1873).

Căn cứ của Trương Công Định TCD nhận phong soái

Căn cứ khởi nghĩa - Trương Công Định nhận phong soái" (nguồn ảnh)

Nguyễn Trung Trực,

Anh hùng Nguyễn Trung Trực" (nguồn ảnh)

Thủ Khoa Huân

Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân (nguồn ảnh)

Đến năm 1885, Đại Thần Tôn Thất Thuyết cùng Vua Hàm Nghi phát hịch Cần Vương, tạo nên phong trào Văn Thân với chủ trương “Bình Tây, Sát Tả”.

Ngày nay, không ai trong chúng ta còn cho chuyện “sát tả” là đúng, vì chắc là đã có những giáo dân vô tội là nạn nhân của phong trào “sát tả”, nhưng xét theo bối cảnh lịch sử thời đó với sự kiện là tín đồ Ca-tô làm tay sai giúp giặc, và với tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của người dân, thì chúng ta có thể thông cảm với chủ trương “sát tả”, tuy rằng ngày nay chúng ta cho đó là một chủ trương thất nhân tâm, vì không phải tất cả tín đồ Ca-tô đều làm tay sai giúp giặc. Đó là một tai nạn lịch sử bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khó kiểm soát.

--> Phong trào Văn Thân Cần Vương được giới văn thân sĩ phu hưởng ứng, do đó người dân trong nước nơi nào cũng nổi lên chống Tây và chống Đạo. Chúng ta có thể kể các cuộc khởi nghĩa như của Đinh Công Tráng ( 1886-1887) ở Ba Đình; Nguyễn Thiện Thuật (1885-1889) ở Bãi Sậy; Tống Duy Tân và Cao Điền (1886-1892) ở Hùng Lĩnh; Phan Đình Phùng (1885-1896) ở Hương Sơn và Hương Khê.

Phong trào Văn Thân Cần Vương bị dập tắt năm 1896 dù các cuộc khởi nghĩa đã chiến đấu rất dũng cảm.

--> Sau phong trào Văn Thân Cần Vương chúng ta còn thấy những cuộc nổi lên của người dân chống Pháp như Hoàng Hoa Thám (1887-1913) ở Yên Thế; Trịnh Căn Cấn (Đội Cấn) [1917-1918] ở Thái Nguyên; Đội Ấn (1918) ở Lạng Sơn; Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu (1930) ở Yên Bái; và phong trào Đông kinh nghĩa thục, Duy Tân vào đầu thế kỷ 20 của các cụ Phan bội Châu, Phan chu Trinh, nói lên tấm lòng yêu nước của người VN.

Nhưng tất cả các tổ chức, phong trào chống Pháp đều không thành công, hoặc không đi đến đâu. Lý do là tất cả những cuộc khởi nghĩa đều chỉ có tính cách địa phương, do những người có uy tín ở địa phương khởi xướng, không có sự quy tụ phối hợp các lực lượng trong cả nước, và một phần vì yếu kém về vũ khí so với Pháp. Chủ trương bạo động lẻ tẻ và cầu viện Nhật của cụ Phan Bội Châu không thực tế vì không hiểu rõ nước Nhật là một đế quốc quân phiệt. Phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh chủ trương Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh, với phương thức hoạt động của phong trào là bất bạo động, công khai hoạt động nhằm khai hóa dân tộc, cải cách trên mọi lãnh vực, khuyến khích giáo dục bỏ lối học từ chương, phát động phong trào học Quốc ngữ, mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, kêu gọi cắt tóc ngắn, cắt ngắn móng tay... Nhưng nước nhà đang ở trong vòng đô hộ của Pháp nên phong trào không lan rộng trong quần chúng được.

Về hai cụ Phan, Giáo sư James P. Harrison viết trong cuốn “The Endless War: Vietnam’s Struggle For Independence”, trang 41:

Phan Bội Châu là khuôn mặt nổi bật tiếp nối phong trào “Văn Thân” chống Pháp thuộc thế hệ cha chú Hồ Chí Minh. Nhưng về phương điện tổ chức, nỗ lực của Châu để thiết lập một nền quân chủ lập hiến dựa theo mẫu của Nhật tương đối không mở rộng được, cũng như những người quốc gia tân tiến nổi tiếng nhất trước Hồ Chí Minh, như Phan Chu Trinh. Cả hai đều có những vai trò quan trọng trong sự phát triển những ý tưởng về tinh thần cách mạng quốc gia, và những cuộc biểu tình, đặc biệt là ở Sài Gòn sau khi Châu bị bắt và sau khi Trinh qua đời năm 1926, chứng tỏ rằng những người cách mạng Việt Nam sẵn sàng để chuyển sang một thế bạo động lớn hơn, và đặc biệt là hướng tới một sự tổ chức lớn hơn cho Cách Mạng. (Anh ngữ)

Có những sự lên án là Hồ Chí Minh đã mật báo cho Pháp hành tung của Phan Bội Châu để loại một đối thủ, và để lãnh thưởng, nhưng những luận cứ bác bỏ của George Boudarel, David Marr, và nhiều người khác thì đáng tin cậy hơn. Họ lý luận rằng chuyện mật báo như trên là do Lâm Đức Thụ, một điệp viên hai mang trong những người thân cận ông Hồ. Hồ, là một điệp viên của Cộng sản quốc tế, khi đó đang xúc tiến sự liên hiệp giữa những người quốc gia như Châu ở bên Tàu, chắc chắn là sẽ chống đối một hành động như vậy.

(Anh ngữ)

--> Giáo sư Harrison viết không sai, Việt Minh ra đời với tổ chức chặt chẽ hơn và sâu rộng trong quần chúng hơn đã đưa đến sự thành công trong công cuộc chấm dứt chế độ đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam.

B.4.- Cuộc Chiến 8 Năm Chống Pháp: 1946-1954. .

Pháp, cùng với Tây Ban Nha mở đầu cuộc xâm lăng Việt Nam bằng cuộc tấn công vào Đà Nẵng năm 1958. Nhưng Pháp chỉ thực sự đô hộ toàn quốc Việt Nam từ 1884 đến 1939, khi Nhật Bản kéo quân vào Việt Nam. Tuy Nhật vẫn để cho Pháp cai trị nhưng trên thực tế Nhật nắm hết mọi quyền. Sau thế chiến thứ II, những cường quốc thực dân Âu Châu như Anh, Pháp, Hòa Lan đều trở nên suy yếu, Mỹ đương nhiên là cường quốc mạnh nhất trên thế giới, về quân sự cũng như kinh tế. Mỹ cũng độc tôn về vũ khí nguyên tử. Với niềm hoang tưởng Mỹ là dân Chúa (God’s people), tự cho mình là cái đầu tầu kéo cả thế giới theo, hoặc là một thị trấn ở trên một ngọn đồi (A city on a hill) mà thế giới phải nhìn lên ngưỡng mộ và dập theo những giá trị đạo đức xã hội của Mỹ, cho nên Mỹ có đã những hành động trịch thượng, kiêu căng vô lối, tự cho mình có quyền định đoạt số phận của các nước nhược tiểu ở Đông Dương. Năm 1943, Tổng Thống Mỹ Roosevelt ủng hộ chính sách ủy trị (trusteeship) của Liên Hiệp Quốc đối với các nước thuộc địa của Pháp ở Đông Dương (Paul Joseph, Cracks in the Empire, p. 78: In 1943 President Roosevelt backed a policy of United Nations trusteeship for the French colonies in Indochina). Nhưng vì cần Pháp là đồng minh cho những mục đích chính trị của Mỹ nên Tổng Thống Roosevelt thay đổi lập trường, muốn cho các nước thuộc địa ở Đông Dương được độc lập, đặt dưới quyền ủy trị (trusteeship) của Liên Hiệp Quốc, nhưng với điều kiện là có sự đồng ý của “mẫu quốc” (Mother country), nghĩa là Pháp. Lẽ dĩ nhiên là Pháp không chịu. Đầu thập niên 1940, Tổng Thống Mỹ Roosevelt đã hỏi Tưởng Giới Thạch là “Có muốn Đông Dương không?” làm như Đông Dương là thuộc quyền Mỹ, Mỹ muốn cho ai thì cho. Và Tưởng Giới Thạch đã trả lời: “Điều này không giúp gì cho chúng tôi. Chúng tôi không muốn. Họ không phải là người Tàu. Họ sẽ không chịu hòa nhập vào dân Tàu” (Anh ngữ)

Việt Minh, được thành lập bởi Đảng Cộng Sản Việt Nam năm 1941 sau khi Nhật đã chiếm Đông Dương của Pháp, và phát triển mau lẹ thành một phong trào giải phóng quốc gia của quần chúng, của mọi giới.  Việt Minh đã được OSS của Mỹ, tiền thân của CIA, huấn luyện và giúp vũ khí để chống Nhật. Khai thác tình trạng về một khoảng trống chính trị sau khi Nhật đầu hàng, và dựa vào tình cảm chống Pháp của nhiều thế hệ, những ủy ban cách mạng Việt Minh đã lên nắm chính quyền vào tháng 8, 1945 trên khắp đất nuớc.  Tinh thần quốc gia lên cao, Vua Bảo Đại thoái vị, và ngày 2 tháng 9, 1945, ông Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập. 

Nhưng vị thế của Pháp như là một cường quốc đã không còn như trước vì bị Nhật truất quyền ở Đông Dương và Pháp bị Đức Quốc Xã chiếm, phải nhờ Nga, Mỹ giải phóng cho chính đất nước của mình trong Đệ Nhị Thế Chiến, nên sau khi Đức đã đầu hàng ở Âu Châu ngày 8 tháng 5, 1945, và bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki ngày 6 và 9 tháng 8, 1945, Tổng Thống de Gaulle muốn khôi phục vị thế cường quốc của Pháp bằng cách tái lập chế độ thực dân ở Đông Dương.  Theo tài liệu của Jean-Michel Gaillard (Conseiller référendaire à la cour des comptes) trong bài “L’année 1946 Ou Les Occasions Manquées” trong tập san “Les Collections de L'Histoire: Indochine Vietnam: Cololonisation, Guerres et Communisme, Paris, Avril-Juin 2004”, trang 38, thì De Gaulle quan niệm Đông Dương là một miền đất của Pháp (L'indochine est un territoire francais), và với danh nghĩa này, ngày 14 tháng 8, 1945, De Gaulle bổ nhiệm Tướng Leclerc làm Tổng Chỉ Huy lực lượng ở Đông Dương và chỉ định Thierry d’Argenlieu, một cựu linh mục,  làm Cao Ủy “để giải phóng Việt Nam và cắm lại lá cờ tam tài của chúng ta ở đó” (Pháp ngữ): Do đó, Leclerc chỉ có một nhiệm vụ: tái lập chủ quyền của Pháp ở Đông Dương (Pháp ngữ)

Điều đáng nói là, trên đường đi đến Việt Nam, Leclerc đã được phó vương Ấn độ, Lord Mountbattan (Anh đang nắm quyền ở Ấn Độ), khuyến cáo là đừng có lao vào cuộc phiêu lưu muốn chiếm lại Đông Dương:

“Nhưng mà, ông không mơ mộng đấy chứ.  Tái chinh phục Đông Dương.  Miền đất đó bao quanh bởi các nước mà chúng ta đã hứa hẹn trả lại nền độc lập cho họ: Những đất Tây Ban Nha, Anh chiếm ở châu Mỹ và Á Đông [les Indes], Miến Điện.  Người Hòa Lan sẽ không đặt chân trở lại Sumatra, Java, Bornéo.  Và ông muốn duy trì một thuộc địa cách nước nhà 12000 cây số.  Ông không nói đùa đấy chứ. Thế giới đã thay đổi.  Các ông không thể đạt được mục đích” (Pháp ngữ)

Tổng Thống de Gaulle sống trong hào quang quá khứ của một cường quốc.  Ông ta không chỉ muốn tái lập nước Pháp trong những quyền của một cường quốc.  Ông ta còn nghĩ đến đế quyền, một yếu tố cần thiết cho sự vĩ đại của quốc gia.  (Pháp ngữ)  Cho nên Leclerc không thể làm gì hơn.  Hơn nữa, bên cạnh còn có cựu linh mục hiếu chiến Thierry d’Argenlieu.  Do đó, sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Pháp trở lại Nam Bộ Việt Nam cùng với quân Anh để giải giáp quân Nhật, và tiến hành cuộc khôi phục quyền hành của Pháp ở Việt Nam. 

Với sự giúp đỡ của Tướng Anh Douglas Gracey, chỉ huy quân lực Anh ở Nam Bộ đến giải giới quân Nhật, đêm 22-23 tháng 9, 1945, 1400 quân lính Pháp, mới ra khỏi nhà tù của Nhật (just released from Japanese prisons) với hậu thuẫn của 2800 quân Anh, đã tấn công vào các vị trí của Việt Minh, và kiểm soát được Saigon.  Chúng ta hãy đọc một đoạn trong cuốn Vietnam: The Valor and the Sorrow.  From the Home Front to the Front Lines in Words and Pictures”, Little, Brown and Company,  Boston-Toronto-London, 1985, của Thomas D. Boettcher, trang 58, về thường dân Pháp làm gì sau khi Pháp kiểm soát Saigon:

Đàn ông, đàn bà Pháp, ra đường tìm đánh bất cứ người Việt nào mà chúng thấy, đôi khi còn phá cửa và lôi họ ra..  Chúng không tha bất cứ người nào mà chúng thấy – đàn ông, đàn bà, trẻ, già, ngay cả trẻ con đều bị tát, đánh đòn và làm run sợ.  Hầu hết các nạn nhân bị đánh đập nặng nề; một số bị tàn tật suốt đời.  Số nạn nhân lên tới nhiều trăm người, có thể lên tới nhiều ngàn.  Quân đội Pháp và Anh đứng nhìn những cảnh đó với vẻ thích thú.” (Anh ngữ)

Rồi 35000 quân Pháp của Leclerc bắt đầu tiến hành công cuộc bình định Nam Bộ trước sự chống trả của du kích quân Việt Minh.  Ngày 26 tháng 9, 1945 Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc ủng hộ Nam Bộ Kháng Chiến, và một số vệ quốc quân cùng nhiều người đã xung phong đi Nam để chống Pháp.  Ngày 5 tháng 11, 1945, Hồ Chí Minh tuyên bố:

Những thực dân Pháp nên biết: Dân Việt Nam không muốn đổ máu, Việt Nam ưa chuộng hòa bình.  Tuy nhiên nếu phải hi sinh cả triệu chiến sĩ, kháng chiến lâu dài để bảo vệ nền độc lập, và để cho con dân Việt Nam không trở thành nô lệ, thì Việt Nam sẽ làm vậy.  Chắc chắn là kháng chiến sẽ thắng(Anh ngữ) 

Về sau, chúng ta cũng thấy những lời tuyên bố tương tự trong giai đoạn chống Mỹ.

Trước những thực tế về tình hình, Leclerc nhìn thấy vấn đề: “lao vào một cuộc chiến khó khăn, tổn thất về nhân mạng, kết quả không chắc chắn, với những phương tiện quân sự không đầy đủ(Pháp ngữ)Leclerc quyết định thương thuyết với Hồ Chí Minh, trái với quan điểm của d’Argenlieu(Pháp ngữ) 

Do đó, qua cuộc thương thuyết với Jean Sainteny, ngày 6 tháng 3, 1946, Pháp công nhận Việt Nam là một “Nước tự do (État libre) ở trong Liên Bang Đông Dương (Indochina Federation) ”. “Nước tự do” là công thức Pháp đưa ra cho những nước ở Đông Dương: 3 nước Việt Nam, Lào và Cambodge, có nhiều quyền tự trị hơn, nhưng trên thực tế vẫn ở dưới quyền Pháp.

 “Pháp cũng hứa hẹn là sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định xem ba nước Việt Nam (Pháp coi Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ là ba nước) có thống nhất dưới một chính phủ quốc gia hay không.  Và Pháp thỏa thuận sẽ rút quân đội ra khỏi Việt Nam từng giai đoạn, đến 1952 thì sự chiếm đóng quân sự của Pháp sẽ chấm dứt.” (Anh ngữ)

Về việc này, ông Hồ đã nói: tại sao chúng ta phải hi sinh nhân mạng trong khi chúng ta có thể lấy lại độc lập trong 5 năm.

Nhưng hai ngày sau, tàu chiến Pháp cập bến Hải Phòng, và quân Pháp đổ bộ lên bờ (Anh ngữ)

Về phía Việt Nam, Hồ Chí Minh thỏa thuận, theo hội nghị Potsdam, để cho lực lượng viễn chinh của Pháp đến Bắc Việt thay thế quân Tàu.  Ngày 18 tháng 3, 1946, Leclerc và quân đội Pháp đến Hà Nội.  Ông ta gặp Hồ Chí Minh ở tư gia Sainteny. D’Argenlieu không hài lòng về chuyện này.  “Ông ta thuyết phục Thủ Tướng Pháp Felix Gouin là cần thiết phải chống Việt Minh, tái lập quyền hành tuyệt đối của Pháp ở Đông Dương, và do đó không áp dụng những thỏa thuận ngày 6 tháng 3”. (Pháp ngữ)  D’Argenlieu cũng vận động để cách chức Leclerc, người chống mọi chính trị dựa trên sức mạnh.  Leclerc bị đổi đi Bắc Phi làm Thanh Tra Lục Quân.  Tướng Valluy thay thế Leclerc, cũng như d’Argenlieu, hiếu chiến, muốn đánh nhau với Việt Minh.  Hội nghị Fontainebleau đã có thể dập tắt cuộc chiến, nhưng thất bại, vì Hồ Chí Minh cương quyết giữ vững lập trường “thống nhất ba kỳ”, và Việt Nam hoàn toàn độc lập (không chỉ là “tự do” theo định nghĩa trên).  Ngày 20 tháng 11, máy bay Pháp oanh tạc Hải Phòng, làm chết nhiều ngàn thường dân Việt Nam, ít nhất là 10000.  Có tài liệu nói đến con số 20000. Một trận đánh cũng xẩy ra giữa Pháp và Việt Minh ở Lạng Sơn.  Biết là không thể thương thuyết hòa bình trước sự hiếu chiến của Pháp để quyết tâm tái lập nền đô hộ Việt Nam, ngày 19 tháng 12, 1946, Chủ Tịch Hồ Chí Minh kêu gọi trên đài phát thanh: “Toàn Dân Kháng Chiến”, bắt đầu cuộc kháng chiến bất đắc dĩ trong 8 năm, 1946-1954, của Việt Nam.

Trước hành động xâm lăng trắng trợn và tàn bạo của Pháp như trên, người dân Việt Nam phải làm gì?  Đối với một số nhỏ quan chức Việt Nam làm việc cho Pháp, và đối với đa số người Ca-tô giáo, nhất là đối với các bậc chăn chiên Việt Nam, thì vì bị nô lệ tâm linh hoàn toàn vào Vatican, nên phải theo lệnh của Giáo hoàng Pius XII, không hợp tác với CS, không đọc sách báo của CS, chống Cộng đến người cuối cùng, dù rằng 90% người kháng chiến không phải là CS và cũng chẳng biết CS là gì,  nên mong cho Pháp trở lại, vì quyền lợi của Ca-tô giáo, chiếm 5-6% dân số Việt Nam, nằm trong sự bao che và thiên vị của Pháp, vì Ca-tô giáo đã có công giúp Pháp đưa Việt Nam vào cảnh nô lệ của thực dân Pháp.  Bởi vậy khi Pháp trở lại thì những khu Công giáo Bùi Chu, Phát Diệm, dưới quyền của các Linh mục Lê Hữu Từ, Hoàng Quỳnh, Phạm Ngọc Chi v…v… đã trở thành những khu được gọi là “tự trị”, với vũ khí của Pháp, và giáo dân lại có cơ hội hăng say giúp Pháp săn lùng tiêu diệt “kháng chiến”. Và khi Pháp thất trận năm 1954 thì giám mục Phạm Ngọc Chi đã khóc lóc than trách với quan Pháp là đã bỏ rơi họ. Đây là những sự kiện lịch sử, ai không đồng ý xin mời lên tiếng.  Nhưng đối với tuyệt đại đa số người dân Việt Nam thì sao, trước hành động xâm lăng của Pháp?  Hỏi tức là đã trả lời, xét đến truyền thống yêu nước, chống xâm lăng của Việt Nam. Vậy mà có một số người, không hiểu đầu óc thuộc loại gì, mà khăng khăng cho rằng vì Việt Minh là Cộng sản, Việt Minh gây chiến nên mới có cuộc chiến Đông Dương thứ nhất. Việt Nam là Cộng sản hay Quốc gia không phải là nguyên nhân của cuộc chiến, mà nguyên nhân chỉ là Pháp muốn trở lại để tái lập nền đô hộ trên đất nước Việt Nam và Việt Nam chống lại, thế thôi. Có những người còn  ngớ ngẩn đến độ cho rằng Việt Nam chẳng cần làm gì, cứ nằm đó “há miệng chờ sung” rồi trước sau gì Pháp cũng sẽ trả lại độc lập và chủ quyền cho Việt Nam. Họ viện dẫn là chế độ thực dân đã đến hồi cáo chung nên trước sau gì các thuộc địa cũng được độc lập, điển hình là Mỹ đã trả độc lập cho Phi Luật Tân. Nhưng họ không biết rằng trên đất Phi vẫn còn những căn cứ quân sự chính của Mỹ và quyền về thương vụ của người Mỹ (Marilyn B.Young, “The Vietnam Wars: 1945-1990”, p. 43: Formal independence was granted the Philippines on July, 1946 (Anh ngữ)). Họ cũng không biết là Mỹ đã làm gì ở Phi Luật Tân trước khi trao trả nền độc lập cho Phi. Trong cuốn “The Vietnam War and American Culture”, Giáo sư Noam Chomsky đã viết một bài dài về những cách nhìn của một số lãnh đạo Mỹ tự cho là công chính, thánh thiện (Visions of Righteousness).  Sau đây là vài đoạn điển hình của Giáo sư Chomsky, về chính sách diệt chủng của Mỹ ở Philippines, được các hệ phái Ki Tô Giáo ở Mỹ ủng hộ, trang 25-25:

   Cuộc chinh phục Phi Luật Tân của Mỹ, chỉ huy bởi những người đã học từ những cuộc chiến với những thổ dân (da đỏ) Mỹ, là một trong những trang man rợ nhất của lịch sử hiện đại.  Chỉ trên đảo Luzon, khoảng 600000 thổ dân Phi chết từ cuộc chiến hay bệnh tật gây ra từ cuộc chiến.  Tướng Jacob Smith, người ra lệnh “giết và thiêu sống” (các người càng giết và thiêu sống nhiều thì càng làm cho ta vui lòng) để biến đảo Samar thành một “cảnh hoang vu ảm đạm”, về hưu mà không bị một sự trừng phạt nào của Tổng Thống Roosevelt… Giám đốc các cơ quan truyền giáo của hệ phái Ki Tô Trưởng Lão ca tụng cuộc chinh phục là “một bước vĩ đại trong công cuộc văn minh hóa và phúc âm hóa thế giới”, trong khi một thừa sai khác giải thích là “cách tra tấn bằng nước” thực sự không phải là “tra tấn”, vì “nạn nhân có tự quyền để chấm dứt sự tra tấn” bằng cách tiết lộ những điều hắn biết “trước khi cuộc tra tấn đi đến độ làm tổn thương nặng nề đến hắn”, và một giám mục lãnh đạo Tân Anh giáo ca tụng chiến thuật của tướng Smith là cần thiết để “làm sạch những thổ dân”, bọn người “man rợ và xảo trá”,  “những ảnh hưởng ác ôn” của một dạng Ki Tô Giáo suy đồi [nghĩa là Công Giáo].  Báo chí cũng hùa theo cùng những tình cảm như trên.  Tờ New York Criterion giải thích, “Dù muốn hay không, chúng ta phải tiếp tục tàn sát những thổ dân Phi theo mốt của người Anh, và tiếp nhận mọi vinh quang đục ngầu bởi sự tàn sát tập thể cho đến khi chúng học được bài học là phải tôn trọng quân đội của chúng ta.  Nhiệm vụ khó khăn hơn tiếp theo là làm cho chúng phải tôn trọng những ý định của chúng ta.”  Những tư tưởng tương tự cũng được phát biểu khi chúng ta đang tàn sát những người dân Nam Việt Nam, và chúng ta lại nghe lại ngày nay (1991), hầu như cùng những lời lẽ đó,  đối với những thành tích của chúng ta ở Trung Mỹ.  Nói đến “mốt của người Anh” thì mọi sinh viên học về lịch sử Hoa Kỳ đều hiểu, và những người còn nhớ lại những người Mỹ đến đây định cư, kể cả những người Thanh Giáo thánh thiện và George Washington, đã dạy thổ dân là chiến tranh theo mốt của người Anh là một hệ thống  tiêu diệt, nhắm thẳng vào phụ nữ và trẻ con. (nguyên văn Anh ngữ)

Vấn đề chúng ta muốn hiểu là tại sao, trong khi Mỹ đã lên án chế độ thực dân của các nước Âu Châu, Mỹ lại còn giúp Pháp trong cuộc chiến Đông Dương thứ nhất.

Nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu qua những tài liệu của chính giới chức trong chính quyền Mỹ và của các học giả, giáo sư đại học Mỹ,  v…v… thì chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi trên. Thực ra thì Mỹ muốn thay thế chế độ thực dân cũ bằng một chế độ thực dân mới, cất bỏ đi độc quyền của các cường quốc thực dân trong các thuộc địa. Chính sách thực dân cũ là chính sách đơn phương (unilateral) của một cường quốc, đi chiếm thuộc địa đất đai, và độc quyền khai thác tài nguyên, độc quyền khai thác sức lao động của dân thuộc địa, và độc quyền nắm giao thương giữa thuộc địa và mẫu quốc. Chính sách thực dân mới là chính sách đa phương (multilateral), mọi nước phải mở cửa (open door) để cho Mỹ và các cường quốc tự do vào khai thác tài nguyên, tự do giao thương, tiêu thụ hàng hóa và sử dụng nhân công rẻ. Trong những điều kiện cạnh tranh bình đẳng này thì chắc chắn là nền kinh tế lớn lao và mạnh mẽ của Mỹ sẽ ở vị thế ưu thắng. (tài liệu). Thủ Tướng Mã Lai Á Mahathir đã giận giữ nhận định về sự ép buộc mở cửa của Mỹ: “Người ta bảo chúng tôi phải mở cửa để cho giao thương và thương mại hoàn toàn tự do. Tự do cho ai? Cho những kẻ đầu cơ xảo quyệt lưu manh?(Anh ngữ). Ngay từ trước khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, Mỹ đã nghĩ tới một trật tự thế giới nhằm phục vụ cho những lợi ích của nước Mỹ. Nghiên cứu về Âu Châu, Bộ Ngoại Giao Mỹ cho rằng sự ổn định, phồn vinh và phục hồi vị thế của Pháp thì rất quan trọng cho lợi ích của Mỹ. Pháp cần phải có vai trò thích hợp về kinh tế và quân sự trong một hệ thống thế giới thống trị bởi Mỹ, vì Mỹ tự cho mình cái quyền lãnh đạo thế giới tự do và những gì Mỹ làm đều là vì lợi ích của thế giới tự do để chống lại thế giới Cộng sản. Biết như vậy nên Tổng Thống Pháp De Gaulle nói thẳng với Harry Hopkins (Phụ tá đặc biệt của Tổng Thống Roosevelt) năm 1945:

Nếu quần chúng ở đây thấy rằng các ông chống chúng tôi ở Đông Dương, thì đó sẽ là một sự cực kỳ bất mãn, và không ai biết là sự việc sẽ đưa tới đâu. Chúng tôi không muốn trở thành Cộng sản; chúng tôi không muốn rơi vào quỹ đạo của Nga Sô; nhưng chúng tôi hi vọng là các ông không đẩy chúng tôi vào đó.” (nguyên văn Anh ngữ)

Lẽ dĩ nhiên Mỹ không muốn đẩy Pháp vào quỹ đạo của Nga sô, mặt khác, Mỹ rất cần Pháp để dựng lên tổ chức NATO (North Atlantic Treaty Organization) ở Âu Châu để chống lại khối Cộng sản, và tổ chức SEATO [SouthEast Asia Treaty Organiztion] để làm một lực lượng chung ngăn sự bành trướng của cộng sản ở Đông Nam Á (Tổ chức này chỉ có 8 hội viên, và Mỹ đã thất bại trong mục đích lợi dụng tổ chức này để cùng Mỹ tham gia cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam sau này. Pakistan rút ra khỏi tổ chức năm 1973, và Pháp, năm 1974. Tổ chức này đã chính thức bị dẹp bỏ ngày 30 tháng 6, năm 1977).

Pháp chỉ hợp tác trong những mục tiêu chính trị này của Mỹ nếu Mỹ ủng hộ Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương. [Joseph. Ibid., p. 82: French participation in the formation of NATO was greatly desired, but had been made contingent on Washington’s willingness to underwrite the French effort in Vietnam.] Cho nên Mỹ không có mấy chọn lựa và Mỹ đã quyết định đơn phương giúp Pháp đủ mọi thứ vũ khí, từ máy bay, xe thiết giáp, đại bác cho đến các loại súng nhỏ, tổng số lên tới 80% quân phí, trong mưu đồ tái lập nền đô hộ của Pháp ở Việt Nam bằng quân sự. Vậy căn bản là Mỹ không quan tâm đến việc giúp Việt Nam trước cũng như sau, tất cả những hành động của Mỹ ở Việt Nam chỉ là để phục vụ cho quyền lợi và đường hướng chính trị của Mỹ như chúng ta sẽ thấy rõ trong Phần II.  Đây là những sự kiện lịch sử bất khả phủ bác vì đã có nhiều văn kiện chứng minh.

Thí dụ, sau đây là một đoạn trong thư của Đại sứ Hoa Kỳ ở Paris gửi cho Thủ Tướng Ramadier vào đầu năm 1947, bày tỏ sự cam kết của Mỹ để phục hồi vị thế của Pháp ở Đông Dương (expressed Washington’s commitment to restore France’s position in Indochina), trong cuốn Cracks In The Empire: State Politics In The Vietnam War của Paul Joseph, trang 81:

Bất kể là có sự hiểu lầm nào trong đầu óc người Pháp về lập trường của chúng ta đối với Đông Dương họ phải cám ơn là chúng ta đã hoàn toàn công nhận vị thế chủ quyền của Pháp trong vùng đó và chúng ta không mong rằng có bất cứ điều nào cho rằng chúng ta cố gắng phá ngầm vị thế đó của Pháp và Pháp nên biết rằng chúng ta muốn giúp đỡ họ và chúng ta sẵn sàng trợ giúp họ bất cứ theo cách nào thích hợp mà chúng ta có thể để kiếm ra giải pháp cho vấn nạn Đông Dương. (nguyên văn Anh ngữ)

Thêm vài sự kiện lịch sử khiến cho Mỹ cương quyết chống Cộng. Quan niệm của Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh là thế giới chỉ có hai phe, Tư Bản và Cộng Sản. Tư Bản là Mỹ và Cộng Sản là Nga Sô. Các quốc gia trên thế giới hoặc thuộc phe này hoặc thuộc phe kia. Hồ Chí Minh là người Cộng sản, cho nên tất nhiên phải nằm trong sự chỉ đạo của Nga sô. Trong hai năm 1948-1949 (Nga bắt đầu phong tỏa Bá Linh vào ngày 24/8/1948), có 3 biến cố làm cho sự sợ hãi Cộng Sản của Mỹ lên đến độ hoang tưởng. (From Communist fears to paranoia):

- Nga sô chặn đường bộ tới Tây Bá Linh khiến cho Mỹ phải tổ chức không vận để hàng ngày cung cấp các phẩm vật cho một thị trấn có 2 triệu người. Sau cùng Nga Sô phải nhường bước.

- Cũng năm 1949 Nga Sô cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên tạo nên một làn sóng sợ hãi khắp nước Mỹ.

- Sau cùng, cuối năm 1949, Mao Trạch Đông đuổi Tưởng Giới Thạch ra khỏi lục địa. Một quốc gia đông dân nhất thế giới, vừa mới là đồng minh của Mỹ cách đó 4 năm, nay đã rơi vào tay Cộng Sản. Rồi chiến tranh Triều Tiên năm 1950.

Walter H. Capps, Giáo sư Đại Học Santa Barbara, California, nguyên Giám đốc trung tâm nghiên cứu các định chế dân chủ Robert Hutchins (Former director of the Robert Hutchins Center for the study of Democratic Institutions) viết trong cuốn “Chiến tranh chưa chấm dứt: Việt Nam và lương tâm nước Mỹ” ( The Unfinished War: Vietnam and the American Conscience, Beacon Press, Boston, 1982), trang 37:

Mỹ càng ngày càng hoảng sợ về Nga Sô có thể nắm quyền trên thế giới. Không phải là người Mỹ sợ tự thân lý tưởng Cộng sản mà là sức mạnh của một cường quốc khác có khả năng thách đố vị thế tối cao của Mỹ trên thế giới. [33]

Từ sự sợ hãi Cộng sản đến mức hoang tưởng, Mỹ đã đánh giá sai lầm Hồ Chí Minh vì Mỹ cho rằng Hồ Chí Minh là tay sai theo lệnh của Nga Sô, trong khi Mỹ không có một bằng chứng nào chứng tỏ như vậy nhưng cứ cho là như vậy. Giáo sư Capps viết, trang 36:

Những cơ quan ngoại giao và tình báo của Mỹ đã kiểm tra cẩn thận để xem xem có phải là ông Hồ liên kết với Nga Sô hay không. Vào thời đó họ không kiếm ra một bằng chứng nào như vậy; thật ra họ biết rất rõ ông Hồ trước hết là một người Việt quốc gia, đối với ông ta dạng thức Cộng sản của chính quyền là một cơ cấu thích hợp để vứt bỏ nền cai trị áp bức của thực dân. Phúc trình của một nhân viên Bộ Ngoại Giao vào thời đó đặt vấn đề là: Phải nên coi ông Hồ như là “biểu tượng của chủ nghĩa quốc gia và sự tranh đấu cho tự do của tuyệt đại đa số quần chúng.” (nguyên văn Anh ngữ)

Một tài liệu tương tự trong cuốn Cracks In The Empire, South End Press, Boston, 1981, của Paul Joseph, Giáo sư xã hội học, đại học Tufts, như sau, trang 83:

“Dù rằng thiếu bằng chứng, Washington tiếp tục cho rằng cuộc đấu tranh chống Pháp (ở Việt Nam) là do sự hứng khởi và chỉ đạo từ Liên Bang Sô Viết. Thí dụ, trong bức công điện gửi cho Thủ Tướng (Pháp) Ramadier, đại sứ Mỹ vẫn sai lầm cho rằng Việt Minh là một phong trào mà “triết lý và tổ chức chính trị đều phát khởi từ và bị kiểm soát bởi điện Kremlin. Tuy vậy tình báo Mỹ đã cố gắng, và thất bại, để kiếm ra bằng chứng là có mối liên hệ kiểm soát giữa Moscow và Hồ Chí Minh. Một công điện của Bộ ngoại giao gửi cho đại sứ Mỹ ở Trung Quốc viết “Bộ không có bằng chứng nào về sự nối kết trực tiếp giữa ông Hồ và Moscow nhưng cứ cho rằng có.” (nguyên văn Anh ngữ)

B.5.- Giải Pháp Bảo Đại Và Sự Hình Thành Khái Niệm Đối Nghịch Quốc-Cộng. .

Trong cuốn Chiến Tranh Việt Nam Và Văn Hóa Mỹ (The Vietnam War and American Culture, Columbia University Press, New York, 1991, John Carlos Rowe and Rick Berg: Editors), trang 52-72, có bài “Sự Vắng Mặt Kẻ Thù Của Mỹ [Nghĩa là không cần biết đến quan điểm của người dân VN] Trong Lịch Sử Chiến Tranh Việt Nam Viết Bởi Trường Phái Xét Lại” [America’s “Enemy”: The Absent Presence in Revisionist Vietnam War History]  của Stephen Vlastos, Giáo sư Sử, đại học Iowa, viết về cuộc chiến ở Việt Nam qua 4 chủ đề: Nguyên nhân cuộc chiến, Hiệp định Genève, Phong trào kháng chiến ở miền Nam Việt Nam, và Cuộc chiến bại của Mỹ Theo tôi, đây là một bài phân tích khá chính xác tuy không đầy đủ vì thật ra rất khó mà viết được đầy đủ về cuộc chiến ở Việt Nam.  Chúng ta có thể đọc được đoạn sau đây, và chúng ta sẽ thấy rằng tất cả chính trị tạo nên cảnh đối nghịch Quốc-Cộng ở Việt Nam đã được dàn dựng ngay từ hồi Pháp trở lại Việt Nam, và sau bởi Mỹ để đạt được những mục đích thầm kín của Mỹ.  Giáo sư Stephen Vlastos viết:

Ngay từ 1947, Pháp với những khó khăn của cuộc chiến, đã tìm giải pháp “quốc gia” để chống những lời kêu gọi lòng ái quốc của Việt Minh (nghĩa là dùng người Việt chống người Việt dưới chiêu bài Quốc Gia chống Cộng sản), và đã kiếm được một người sẵn sàng hợp tác: Cựu Hoàng Bảo Đại (đã thoái vị và được Hồ Chí Minh mời làm Cố Vấn).  Vào tháng 3, 1949, Bảo Đại ký thỏa hiệp về một nước Việt Nam độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp, thỏa hiệp được quốc hội Pháp thông qua vào đầu năm 1950.  Về phương diện Hiến Pháp, chính quyền Bảo Đại không có chủ quyền, về phương diện cá nhân, ông ta thiếu tính hợp pháp chính đáng [Constitutionally, Bao Dai’s government lacked sovereign powers; personally, he lacked legitimacy].  Tuy nhiên, ngay lập tức, Mỹ đã công nhận ngoại giao với Bảo Đại, và điều này cũng đủ để thiết lập tính cách hợp pháp của chính quyền Bảo Đại – ngay cả khi chính quyền này bị bác bỏ bởi hầu hết ngưởi Việt Nam [U.S. recognition suffices to establish the legality of Bao Dai’s government – even though spurned by most Vietnamese] và theo cùng một lôgíc thì Sô Viết và Trung Quốc công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mấy năm sau có nghĩa là bất hợp pháp dù đã được quảng đại quần chúng ủng hộ.

Về Giải Pháp Quốc Gia, Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang viết:

Chính quyền Quốc Gia Việt Nam thoát thai từ Giải Pháp Bảo Đại. Đây là ý đồ hay chủ trương của Tòa Thánh Vatican.  Sách sử cho thấy rằng Giải Pháp Bảo Đại tiên khởi được viên khâm sứ đại diện Tòa Thánh Vatican  tại Huế là Tổng Giám Mục Antoni Drapier công khai tuyên bố vào ngày 28/12/1945. Lời tuyên bố này được sách sử ghi lại như sau:

“28/12/1945: Huế:  Tổng Giám Mục Antoni Drapier, đại  diện Roma tuyên bố: Gia đình Bảo Đại là “gia đình thân Pháp bậc nhất trong dân chúng Việt Nam (la plus francophile de tous les annamites), và theo ý ông ta, nên cho Bảo Đại lên ngôi như trước ngày 9/3/ (1945) (À mon avis, il serait avantageux pour le calm de rétablir le Roi come le chef régulier avant le 9 mars; DOM [Aix], CP 125).

Drapier cũng đưa ra giải pháp là có thể sau đó sẽ cho Bảo Long lên kế vị, và Nam Phương là Giám Quốc [Phụ Chính].”

Ý đồ này phải trải qua một thời kỳ bàn luận giữa Vatican và Pháp cùng với thời kỳ cho người đi móc nối với ông Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (Bảo Đại) lúc bấy giờ đang lưu trú ở Hồng Kông. Sau một thời gian cò cưa mà cả giữa sứ giả Cousseau của Liên Minh Thánh Pháp – Vatican và Bảo Đại, tới cuối tháng 5 năm 1948, thì mọi việc coi như đã xong xuôi. Tuy là đã xong xuôi, nhưng Liên Minh Thánh  Pháp – Vatican cũng vẫn không thể lôi cuốn được những người (có uy tín với nhân dân) bất mãn với Mặt Trận Việt Minh để thành lập một chính quyền cho Giải Pháp Bảo Đại này. Nhìn thấy rõ dã tâm của liên minh giặc trong cái Giải Pháp Bảo Đại, cụ Trần Trọng Kim cho rằng cái chính quyền Quốc Gia do ông Bảo Đại chỉ là con chó (giữ nhà cho chủ) bị nhốt trong “cái cũi chó mạ vàng”. Chuyện này được Bùi Nhung thuật lại trong cuốn Thối Nát với nguyên văn như sau:

Ông Bảo Đại ngụ ở Hồng Kông, cho nguyên Thủ Tướng Trần Trọng Kim về tiếp xúc với Cao Ủy Pháp tại Saigòn. Cụ Kim kể lại đoạn này với tôi, lúc tôi từ Hà Nội vào thăm cụ ở Nam Vang, đường Lasansa, số 4: “Tôi trở về nước có nhiệm vụ dò dẫm xem Pháp có thật tình không, nghĩa là có cho Việt Nam tự do, độc lập thật sự như trong khối thịnh vượng chung của Anh không? (Commonwealth). Tôi gặp ông Cao Ủy ở Sàigòn. Sau một giờ chuyện-trò, tôi biết rõ cái dã tâm của thực dân! Liên Hiệp Pháp chỉ là một thứ cũi chó mạ vàng!”

Trong khi đó, tình hình chiến sự ở Đông Dương càng ngày càng trở nên bất lợi cho Liên Minh Thánh Xâm Lăng Pháp - Vatican.  Vì  tình huống này, Vatican và Pháp mới hối hả đồng thuận biến chính phủ Việt gian “Cộng Hòa Nam Kỳ” (do tên Việt gian Nguyễn Văn Xuân, quốc tịch Pháp, làm thủ tướng)  thành “chính phủ quốc gia. Thành phần của chính phủ này gồm toàn những tên Việt gian khét tiếng  lưu xú vạn niên, hoặc là mang quốc tịch Pháp, hoặc là mang quốc tịch Vatican, hoặc là trong giới quan lại trong thời “Trăm năm nô lệ giặc Tây”. Đó là những nhân vật như  Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Phan Văn Giáo, Nghiêm Xuân Thiện, Nguyễn Hữu Trí, Đặng Văn Trí, v.v…  Chính quyền Việt gian này được Liên Minh Xâm Lược Pháp – Vatican khoác cho cái danh xưng là “chính quyền Quốc Gia” và được cho ra mắt vào ngày 5/6/1948. Có sách ghi là ngày 2/6/1948. Cũng từ ngày này, các danh xưng “chính quyền Quốc Gia” và “Quốc Gia Việt Nam”, “Người Việt Quốc Gia” cũng được cho ra đời.

Như vậy, rõ ràng Vatican là thế lực đưa ra Giải Pháp Bảo Đại và cũng chính Vatican sáng chế ra các danh xưng “chính quyền Quốc Gia” và “Quốc Gia Việt Nam”. Cả đến các danh xưng như “người Việt Quốc Gia”, “chính nghĩa Quốc Gia” và “lá cờ vàng ba sọc đỏ” cũng đều do Vatican chế ra  và cho ra đời cùng với chính quyền Quốc Gia vào ngày 5/6/1948. Kể từ đó, bộ máy truyên truyền của Vatican sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông để phổ biến rầm rộ để  tô son điểm phấn cho cái chính quyền bù nhìn này.

Liên Minh Xâm Lăng Pháp- Vatican lập ra chính quyền bù nhìn Bảo Đại vào ngày 5/6/1948 (được khoác cho cái danh xưng là “Chính Quyền Quốc Gia”), rồi cho ra đời cái gọi là “Quân Đội Quốc Gia” vào ngày 11/5/1950 để phục vụ cho mưu đồ tái chiếm Việt Nam của cái Liên Minh chính trị này.

Nhưng thực chất “Quân Đội Quốc Gia” là gì? Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Hiệp ước Elysée công nhận chính phủ Quốc gia Việt Nam nằm trong Liên hiệp Pháp, cùng với lực lượng quân đội riêng của quốc gia này. Theo Nghị định Quốc phòng ngày 13 tháng 4 năm 1949, một lực lượng quân đội của Quốc gia Việt Nam được thành lập, lấy tên là Vệ binh Quốc gia, sẽ cùng phối hợp với quân Pháp để đánh lại Việt Minh. Hiệp ước Elysee cũng ghi rõ: "Trong thời chiến, toàn thể quân đội Việt Nam và Liên hiệp Pháp được đặt chung dưới quyền chỉ huy của Uỷ ban quân sự mà Tư lệnh sẽ là một sĩ quan Pháp có một Tham mưu trưỏng phụ tá."

quân đội quốc gia và Pháp

Quân Đội Quốc Gia và sĩ quan Pháp trong thời gian 1948 -1954.
(nguồn)

Trong cuốn The Valor and the Sorrow, Boettcher nhận định, p. 80:

Nguyên thủy, Quân đội Quốc Gia chỉ là tập hợp những người nói chung là “đi lính cho Pháp”. Các tướng lãnh cao cấp thuộc ngành hiện dịch của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sau này đều xuất thân từ các trường Pháp tạo ra để huấn luyện sĩ quan người Việt dùng người Việt đánh Việt Minh giúp cho Pháp. Thí dụ, các ông cùng lớp với ông Nguyễn Văn Thiệu được Pháp huấn luyện đều xuất thân từ 2 khóa trường Đập Đá ở Huế mở năm 1948, hoặc từ École Militaire Inter-Armes de Dalat từ năm 1950. Để vào học các trường này sinh viên không cần phải có bằng cấp như Tú Tài, Cử Nhân v…v… Tất cả đều là những người tình nguyện và phần lớn chẳng phải là vì lý tưởng quốc gia, mà coi binh nghiệp như là một nghề nghiệp kiếm sống. Đến khi các trường Sĩ Quan Trừ Bị mở ra ở Nam Định và Thủ Đức vào năm 1951, thành phần theo học các trường sĩ quan trừ bị tương đối có học thức, thấp nhất là Đệ Nhị, cao hơn là Tú Tài, Cử Nhân, Tiến Sĩ. Lớp sĩ quan trừ bị này về sau nắm nhiều chức vụ cao cấp quan trọng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Những sĩ quan bị động viên này đa số mới đầu chẳng có ý thức gì về quốc gia cả, một phần lớp tuổi 19,20 là những học sinh kháng chiến trong vùng tề, trong những năm 1950-51 thường tổ chức bãi khóa, rải truyền đơn chống Phòng Nhì của Pháp bắt bớ các sinh viên hoạt động yêu nước. Ở trường sĩ quan trừ bị Nam Định họ chùm mền đánh huấn luyện viên người Pháp, bãi thực, và Tết, khi được về Hà Nội ăn Tết, một số không chịu trở lại trường khi hết hạn nghỉ phép, hiến binh phải đi lùng bắt từng người ở ngoài đường phố hoặc ở các rạp chiếu bóng rồi tống họ vào Thủ Đức cho xa nhà. Đó là tinh thần của phần lớn lớp người bị động viên khóa đầu. Về sau, những người ở lại trong quân đội lâu năm, thăng quan tiến chức, sống cuộc sống thoải mái nên trở nên chống Cộng vì không có chọn lựa nào khác.

Trong cuộc chiến 1946-1954, sau khi thành lập, quân đội Quốc Gia hoàn toàn lệ thuộc quân đội Pháp. Tuy có một số đơn vị có cấp chỉ huy người Việt nhưng mọi cuộc hành quân đều phải phối hợp với quân đội Pháp và dưới quyền chỉ huy của Pháp, mọi yểm trợ pháo binh hay không quân đều do Pháp đảm nhận. Quân đội Quốc gia hầu hết là bộ binh, không có xe thiết giáp hay không quân. Trên nguyên tắc, Quốc Trưởng Bảo Đại là Tổng Chỉ Huy của Quân đội Quốc Gia từ năm 1950 đến năm 1955. Và Quốc Trưởng thường cùng Thứ Phi Mộng Điệp chỉ huy Quân đội Quốc Gia từ Hồng Kông hoặc Cannes. Đó là đại khái vài điều về “Quân đội Quốc gia” được Pháp thành lập sau khi dựng lên một chính phủ Quốc gia Việt Nam, Quốc trưởng là Bảo Đại. Xin phân biệt “Quân đội Quốc gia” với “Quân lực Việt Nam Cộng Hòa” được thành lập năm 1955.

Giải pháp Quốc Gia của Pháp chỉ là mánh khóe vận động những người không Cộng sản để tạo nên ấn tượng là những nỗ lực tái lập thuộc địa của Pháp chỉ là cuộc thánh chiến chống Cộng (Anh ngữ)

Điều này rất hợp với khẩu vị của những người Ca-tô giáo Việt Nam, và không thiếu gì người trong chúng ta đã bị lùa vào trong sự đối nghịch Quốc-Cộng mà không ý thức được nguyên ủy của vấn đề.

Năm 1949, Mỹ là đồng minh với Pháp trong mục đích tái lập nền đô hộ của Pháp ở Việt Nam nên Mỹ công nhận ngoại giao với chính quyền Bảo Đại. Carlos Romulo, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (President of the UN General Assembly), một người Á Châu (Phi Luật Tân) chống Cộng tích cực, đã gửi cho Ngoại trưởng Mỹ Acheson một bức thư dài khoảng 5 trang giấy (America in Vietnam: A Documentary History, Edited with commentaries by William Appleman Williams, Thomas McCormick, Lloyd Gardner and Walter Lafeber, pp 99-104), trong đó chúng ta có thể đọc vài đoạn như sau:

Tôi đặc biệt quan tâm đến chính phủ của ông công nhận Bảo Đại ở Đông Dương và tình trạng xẩy ra vì việc này. Tôi xin nói thẳng, tôi có thể cho rằng thái độ của các quốc gia lân cận có thể sẽ khác hơn nếu những uẩn hàm chính trị của hành động công nhận này được cân nhắc cẩn thận hơn. Có lẽ, nếu hành động công nhận đó không có vẻ như là kịp thời trả đũa việc Moscow công nhận chế độ Hồ Chí Minh và cố ý tương phản với sự không công nhận Cộng sản Tàu của Mỹ, thì có phải là đối với phần còn lại của Á Châu là Mỹ, trong khi chiến đấu chống Cộng sản, lại không ý thức được là Mỹ đã tán thành ngay cả chủ nghĩa đế quốc thực dân đã được chứng tỏ là độc ác và bất công.

Thật khó mà có thể chứng minh được rằng Bảo Đại có ngay cả sự độc lập giả tạo khi cả thế giới đều biết rằng không có người Pháp thì ông ta chẳng có khả năng làm được gì. Những quốc gia lân cận đều biết rõ như ông và tôi đã biết: chính phủ của ông ta chỉ có giá trị trong những vùng giới hạn chiếm đóng bởi quân đội Pháp, ngoài những vùng đó ra, ông ta không có chân đứng.

Bất kể là bộ ngoại giao Mỹ đã bị thuyết phục như thế nào về việc có thể Bảo Đại là một người “quốc gia độc lập”, sự kiện là người Á Châu không tin như vậy. Điều khá rõ ràng là trường hợp những cuộc hành quân chung với quân đội Pháp. Đối với các quốc gia Á Châu, lịch sử xưa cũng như nay không cho chúng ta một luận cứ nào để hỗ trợ cho khái niệm là quân đội này ở Đông Dương là để giải phóng người dân cho họ được tự do.

Với quam điểm trên, điều mà chúng ta phải chấp nhận là vị thế không đáng mong muốn của Mỹ, tôi phân vân là có phải là khôn ngoan hơn khi không vội viện trợ quân sự cho Bảo Đại cho đến khi tìm hiểu tình trạng rõ ràng hơn. [Mỹ viện trợ cho Pháp qua Bảo Đại để tránh tiếng viện trợ trực tiếp cho Pháp. TCN] Đề nghị chính trị của Hồ Chí Minh ở Belgrade là một sự phức tạp mới. Không những đề nghị đó có vẻ như là hoàn toàn đồng điệu với chính sách của Mỹ đối với Tito mà, quan trọng hơn nữa, nó chứng tỏ rằng Hồ Chí Minh, người mà tôi đích thân gặp trong cuộc quan sát tình hình của tôi ở Á Châu, người đã gây ấn tượng cho tôi là ông ta có thể gây nhiều rắc rối cho Stalin, ông ta không tự cho phép mình làm một công cụ của điện Kremlin.  Giả thử rằng nay Cộng sản Việt Nam theo dạng hình của chủ thuyết Tito, vậy thì Mỹ có vẫn ưa bù nhìn Bảo Đại hơn là một Hồ Chí Minh theo chủ thuyết Tito? (nguyên văn Anh ngữ)

 Về “Quốc Gia Việt Nam Marilyn B. Young viết, Ibid., p. 42:

Quốc Gia Việt Nam” là tên Pháp đặt cho chính phủ độc lập trên hình thức mà Pháp dựng lên vào năm 1949. Người đứng đầu “Quốc Gia Việt Nam” là Hoàng đế Bảo Đại, người đã phục vụ cho Pháp, rồi Nhật, và rồi lại cho Pháp. Luôn luôn sống thoải mái ở Pháp thay vì ở Việt Nam (lâu đài của ông ta ở Cannes là chỗ cư ngụ yêu thích của ông ta). Bảo Đại thiếu sự ủng hộ của quần chúng làm cho Mỹ lo lắng suốt cuộc chiến. Tuy Bảo đại đôi khi có vẻ tỏ ý muốn về thăm Việt Nam, ông ta cương quyết không muốn sống ở đó. Là một đối thủ của Hồ Chí Minh, ông vua chỉ là một khuôn mặt phù du.(nguyên văn Anh ngữ)

Cuộc kháng chiến chống Pháp trở lại với toan tính cắm lại lá cờ tam tài trên đất nước Việt Nam kéo dài 8 năm với bao hi sinh to lớn của người dân Việt yêu nước. Cuối cùng thì lịch sử chống xâm lăng của Việt Nam lại tái diễn, chuyện phải đến đã đến, trận Điện Biên Phủ trên thực tế đã đưa đến sự cáo chung của chế độ thực dân đô hộ của Pháp ở Việt Nam, và đóng góp không nhỏ cho sự cáo chung của chế độ thực dân trên khắp thế giới. Hiệp Định Geneva trên nguyên tắc đăng ký sự thất bại của Pháp trong mưu toan tái lập nền đô hộ ở Việt Nam với sự giúp đỡ tận tình của Mỹ. Vào hồi cuối của cuộc chiến, chúng ta biết rằng:

Giáo hoàng Pius XII đã tiếp tục ủng hộ sự vận động Mỹ sau hậu trường của Vatican để đánh phủ đầu Cộng sản bằng vũ khí nguyên tử. Và năm 1954, khi Quân đội Mỹ đã đặt kế hoạch tấn công bằng nguyên tử ở Điện Biên Phủ để giải vây cho Pháp, thì cũng cái nhóm vận động của Vatican đó đã đồng ý. Trong triều đại Eisenhower, khi hai anh em ngoại trưởng Ca-tô cuồng tín Dulles, cùng với Hồng Y Spellman và Giáo hoàng Pius XII hoạch định chính sách Mỹ, Quân lực Mỹ đã dự định thả từ 1 tới 6 quả bom nguyên tử nặng 31 ngàn tấn xuống lực lượng Việt Nam. Những quả bom nguyên tử này mạnh gấp ba lần quả bom thả xuống Hiroshima. Kế hoạch dùng bom nguyên tử chống Việt Nam đã được giải mật năm 1984 trong 17 tập về chiến tranh Việt Nam bởi văn phòng nghiên cứu lịch sử của Quân Đội. (nguyên văn Anh ngữ)

GH Pius XII   HY Spellman

Trong cuốn Cracks in the Empire, Paul Joseph viết, p. 85:

Ngoại trưởng Dulles đề nghị cho Ngoại Trưởng Pháp George Bidault hai quả bom nguyên tử để chống đỡ ở Điện Biên Phủ, nhưng Anh và Pháp đều từ chối không nhận, và cuối cùng thì Eisenhower cũng không chấp thuận. Sự bác bỏ kế hoạch này phản ánh sức mạnh của Việt Nam, khả năng nguyên tử của Nga sô, và sự khủng khiếp trên khắp thế giới về việc sử dụng bom nguyên tử. Ngày 20 tháng Bảy, 1954, Pháp thỏa hiệp với Việt Nam ở Geneva với những điều khoản mà Washington cho rằng là một “thảm họa” tuy những bằng chứng chứng tỏ rằng Việt Minh lấy được ít hơn là những ưu thế của họ trên chiến trường. (nguyên văn Anh ngữ)

John Foster Dulles, http://www.mohammadmossadegh.com/news/dulles-brothers/   Allen Dulles

Hai anh em: John Foster Dulles và Allen Dulles (nguồn)

Vậy thì Hiệp Định Ngưng Bắn ở Geneva đã được ký kết ở Geneva ngày 20 tháng 7, 1954. Chúng ta cần trở lại vài điều khoản chính yếu trong Hiệp Định Genève. Hiệp định Genève có hai phần: phần “Thỏa Hiệp” và phần “Tuyên Ngôn cuối cùng” [Final Declaration]

Phần “Thỏa Hiệp...”, gồm 47 điều khoản, được ký kết giữa Tướng Pháp Henri Delteil, Quyền Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương, và ông Tạ Quang Bửu, Thứ Trưởng Quốc Phòng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Có vài điều khoản chính như sau:

Điều khoản 1 (Article 1) nói về sự thiết lập “một đường ranh giới quân sự tạm thời” (A provisional military demarcation line) [Vĩ tuyến 17] để quân đội hai bên rút quân về: Lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam ở phía Bắc, và lực lượng Liên Hiệp Pháp (French Union) ở phía Nam làn ranh giới.(Quân đội Quốc Gia nằm trong lực lượng Liên Hiệp Pháp)

Điều khoản 8 ấn định quyền kiểm soát hành chánh ở phía Bắc Vĩ Tuyến 17 thuộc Việt Minh và ở phía Nam thuộc Pháp (Anh ngữ)

Điều khoản 14, đoạn (a) [Article 14, Paragraph (a)] viết rõ: “Trong khi chờ đợi cuộc Tổng Tuyển Cử để Thống Nhất Việt Nam, quyền hành chánh dân sự trong mỗi vùng rút quân nằm trong tay các phe có quân đội rút quân (nghĩa là Pháp và Việt Minh) theo tinh thần của bản Thỏa Hiệp.” (Anh ngữ)

Điều khoản 14 (c) viết: Mỗi phe có trách nhiệm không được có bất cứ hành động trả thù hay kỳ thị nào đối với những cá nhân hay tổ chức dựa trên những hoạt động của họ trong cuộc chiến và phải bảo đảm quyền tự do dân chủ của họ. (Anh ngữ)

Bản “Tuyên Ngôn...” gồm 13 đoạn, liên quan đến cả Cambodge và Lào, có một đoạn đáng để ý:

Đoạn (6) [Paragraph (6)] nguyên văn như sau:

“Hội Nghị nhận thức rằng mục đích chính yếu của Thỏa Hiệp về Việt Nam là dàn xếp những vấn đề quân sự trên quan điểm chấm dứt những đối nghịch quân sự và rằng ĐƯỜNG RANH GIỚI QUÂN SỰ LÀ TẠM THỜI VÀ KHÔNG THỂ DIỄN GIẢI BẤT CỨ BẰNG CÁCH NÀO ĐÓ LÀ MỘT BIÊN GIỚI PHÂN ĐỊNH VỀ CHÍNH TRỊ HAY ĐẤT ĐAI . Hội Nghị bày tỏ sự tin tưởng là thi hành những điều khoản trong bản Tuyên Ngôn này và trong Thỏa Hiệp ngưng chiến sẽ tạo nên căn bản cần thiết để trong tương lai gần đạt tới một sự dàn xếp chính trị ở Việt Nam” (nguyên văn Anh ngữ)

Qua những văn kiện lịch sử này, chúng ta thấy rõ là “Việt Nam Quốc Gia” vốn nằm dưới cái dù của Pháp, và phải thi hành Hiệp định Genève dưới cái dù của Pháp. Nhưng khi Mỹ, dùng cường quyền thắng công lý, nhảy vào thay thế Pháp, đưa con cờ “Ca-tô chống Cộng” Ngô Đình Diệm về [Xin đọc bài “Vài Nét Về “Cụ Diệm” trên giaodiemonline.com], dựng lên miền Nam, sống vì viện trợ Mỹ, chịu sự sai khiến của Mỹ, chạy làng không chịu thi hành cuộc Tổng Tuyển Cử vào năm 1956, và cưỡng ép người dân phải chấp nhận một sự phân chia hai miền độc lập, phản bội điều khoản: “ĐƯỜNG RANH GIỚI QUÂN SỰ LÀ TẠM THỜI VÀ KHÔNG THỂ DIỄN GIẢI BẤT CỨ BẰNG CÁCH NÀO ĐÓ LÀ MỘT BIÊN GIỚI PHÂN ĐỊNH VỀ CHÍNH TRỊ HAY ĐẤT ĐAI”  trong Hiệp định Genève. Đây là những sự kiện lịch sử. Ai có thể phủ bác được xin lên tiếng.

Nói tóm lại, không làm gì có chuyện chia nước Việt Nam thành hai miền độc lập về chính trị và quân sự. Huyền thoại về một miền Nam độc lập như một quốc gia riêng biệt chỉ là sản phẩm do Mỹ dùng cường quyền thắng công lý tạo ra về sau, tuy trong bản Tuyên Ngôn Đơn Phương (Unilateral Declaration) của Mỹ về Hội Nghị Genève, Mỹ không bao giờ nói đến “Nam” hay “Bắc” mà chỉ nói đến một nước Việt Nam (Anh ngữ). Ngoài ra Mỹ cũng đã hứa sẽ không đe dọa hoặc can thiệp bằng võ lực vào việc thống nhất đất nước qua cuộc Tổng Tuyển Cử năm 1956. Thật vậy, Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ, Walter Bedell Smith xác định, sau khi Hiệp Định Geneva được ký kết, trong bản Tuyên Ngôn tại Washington D.C. như sau (American in Vietnam: A Documentary History, p. 171:

Chính phủ Mỹ, khi quyết định cống hiến những nỗ lực của mình cho sự củng cố hòa bình phù hợp với những nguyên tắc và mục đích của Liên Hiệp Quốc, ghi nhận những điều thỏa hiệp tại Geneva ngày 20 và 21 tháng 7, 1954 giữa (a) Quân Lực liên hiệp Pháp-Lào và Quân Lực Quân đội Nhân dân Việt Nam; (b) Quân đội Hoàng Gia Khmer và Quân đội Nhân dân Việt Nam; (c) Quân lực liên hiệp Pháp-Việt và Quân lực Quân đội Nhân dân Việt Nam và những đoạn 1 đến 12 trong bản tuyên ngôn tại Hội Nghị Geneva ngày 21-7-54, tuyên bố về những thỏa hiệp và đoạn nói trên (i) Mỹ sẽ tự kiềm chế không đe dọa hoặc dùng võ lực để phá những thỏa hiệp đó, theo đúng như điều khoản 2 (4) trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc về nghĩa vụ của các hội viên phải kiềm chế không dùng sự đe dọa hay võ lực trong những mối liên hệ quốc tế; và (ii) sẽ đặc biệt quan tâm đến những sự vi phạm các điều thỏa hiệp trên như là có tính cách đe dọa hòa bình và an ninh trên thế giới.

Về điều tuyên bố trong bản tuyên ngôn về bầu cử tự do ở Việt Nam chính phủ Mỹ muốn nói rõ lập trường của mình đã từng biểu thị trong bản tuyên ngôn tại Washington D.C. ngày 29-6-1954, như sau:

“Trong trường hợp những quốc gia nay bị chia đôi ngoài ý muốn, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp thống nhất qua bầu cử tự do, giám sát bởi Liên Hiệp Quốc để bảo đảm là bầu cử được thi hành nghiêm chỉnh”. (nguyên văn Anh ngữ)

Mỹ tuyên bố như vậy, rồi Mỹ đã làm gì?

Trong cuốn The United States In Vietnam: An Analysis In Depth Of The History Of America’s Involvement In Vietnam, hai Giáo sư đại học Cornell, George McTurnan Kahin và John W. Lewis, viết, trang 59:

“Tuy Hoa Kỳ nói rằng “sẽ tự kiềm chế, không đe dọa hay dùng võ lực để phá những sự Thỏa Hiệp” nhưng điều hiển nhiên chúng ta thấy ngay sau đó là Hoa Kỳ đã sửa soạn dùng mọi phương cách khác để ủng hộ chế độ Saigon [do Mỹ dựng lên] trong việc không tôn trọng những điều khoản trong Thỏa Hiệp” (nguyên văn Anh ngữ)

Và đây chính là nguyên nhân của cuộc chiến 20 năm chống Mỹ 1955-1975. Chi tiết về cuộc chiến 20 năm chống Mỹ sẽ được viết tiếp trong Phần II.

 

Trần Chung Ngọc

Grayslake, IL.

Ngày 15 tháng 2, 2013.