Sam Harris: Thư cho một quốc gia Ki-tô giáo

Lê Quốc Tuấn chuyển ngữ

¿ Mục lục toàn bài bản in ngày 09 tháng 1, 2010

(tiếp theo bài trước)

Va chạm giữa Tôn giáo và Khoa học

Hiện nay, khi sự phát biểu trung thực về mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo là một nhu cầu đạo đức của các nhà khoa học thì Hiệp Hội Tri thức Khoa học lại khẳng định sự mâu thuẫn một cách viển vông:

Ngay tại căn nguyên của mối mâu thuẫn rõ rệt giữa vài tôn giáo và sự tiến hoá là sự hiểu lầm về cách hiểu những khác biệt căn bản giữa tôn giáo và khoa học. Các tôn giáo và khoa học giải quyết những vấn đề khác nhau của thế giới. Có hay không một mục đích cho vũ trụ hay một mục đích cho hiện hữu của nhân loại không phải là câu hỏi của khoa học. Phương cách hiểu biết mà khoa học và tôn giáo đang thực hiện và tiếp tục thực hiện giữ các vai trò riêng biệt trong lịch sử nhân loại… Khoa học là con đường dẫn đến hiểu biết thế giới tự nhiên. Khoa học giới hạn trong phạm vi giải thích thế giới tự nhiên thông qua những nguyên nhân tự nhiên. Khoa học không thể phát biểu gì về siêu nhiên. Thượng đế có hiện hữu hay không là một câu hỏi mà khoa học giữ thái độ trung tính.

Phát biều này thật choáng váng vì sự thiếu thẳng thắn. Dĩ nhiên, các nhà khoa học sống trong nỗi sợ hãi triền miên của việc mất đi ngân sách do công chúng tài trợ, vì thế Hiệp hội Tri thức Khoa học chắc chỉ đơn thuần diễn tả nỗi kinh hoàng thô thiển về đám đông đóng thuế. Tuy nhiên, sự thật là mối mâu thuẫn xung khắc giữa tôn giáo và khoa học là không thể tránh khỏi. Thành công của khoa học thường đến từ phí tổn của đức tin tôn giáo; sự duy trì đức tin tôn giáo luôn luôn đến từ phí tổn của khoa học. Các tôn giáo của chúng ta không chỉ đơn giản nói về “mục đích cho hiện hữu của nhân loại”. Tương tự như khoa học, mỗi tôn giáo khẳng định những điều khác nhau về phương cách của thế giới. Những khẳng định này ngụ ý về những sự kiện - đấng tạo hoá có thể nghe (và sẽ đôi khi đáp lại) lời cầu nguyện của con người; linh hồn nhập vào hợp tử con người ngay lúc thụ thai; nếu ngươi không tin những điều tốt lành về Thượng đế, ngươi sẽ phải chịu đựng khổ đau mãi mãi sau khi chết. Những khẳng định như thế mâu thuẫn về bản chất với các khẳng định của khoa học, bởi vì những khẳng định đó dựa vào những bằng chứng tệ hại.

Trong ý nghĩa thoáng nhất, “science” (đến từ chữ Latin scire, “để hiểu biết”) đại diện cho các nỗ lực cao nhất của chúng ta để hiểu biết cái gì đúng về thế giới của mình. Ở đây, chúng ta không cần phải phân biệt khoa học “nặng” hay khoa học “nhẹ”, hoặc giữa khoa học với một nhánh khác của nhân loại như là lịch sử. Chẳng hạn, việc Nhật bản ném bom Trân châu cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941 là một dữ kiện lịch sử. Hậu quả đưa đến là, sự kiện này tạo nên một phần của thế giới quan về sự hợp lý có tính khoa học. Nếu có đủ dữ kiện minh chứng cho sự việc này, kẻ nào tin rằng sự kiện đã xảy ra trong một ngày khác, hoặc chính người Ai cập mới là kẻ bỏ bom chắc phải tốn kém rất nhiều giải thích. Cốt lõi của khoa học không chi phối đến các thử nghiệm hoặc tính tính toán khuôn mẫu mà là một sự chân thực trí thức. Khi suy nghĩ về sự chân thực của một định đề, người ta hoặc tham dự vào sự dịnh giá chân thực của chứng cứ và các tranh luận họp lý hoặc ngược lại. Tôn giáo là một khu vực cuả đời sống mà con người tưởng tượng rằng có thể áp dụng một loại tiểu chuẩn khác của liêm chính trí thức.

THỬ suy nghĩ về các tranh luận gần đây của các nhà thờ Công giáo đối với học thuyết về cái chết lâm bô. Ba mươi nhà thần học hàng đầu trên thế giới vừa gặp nhau tại Vatican để thảo luận câu hỏi rằng cái gì sẽ xảy đến cho các trẻ em chết mà chưa đưọc trải qua phép rửa tội báp têm. Từ thời trung cổ, thiên chúa giáo đã tin rằng các trẻ em đó sẽ được ở trong tình trạng lâm bô, nghĩa là chúng sẽ đưọc hưởng cái mà thánh Thomas gọi là “ hưởng phước tự nhiên” vĩnh viễn. Điều này lại trái ngược với ý kiến của thánh Augustine, người đã tin rằng những đứa trẻ thiếu may mắn này sẽ phải đọa địa ngục đời đời.

Dù cái chết lâm bô không hề có một nguồn gốc nào từ kinh sử, và chưa bao giờ là một học thuyết chính thức của nhà thờ, nhưng thuyết này đã từng là một phần chính yếu trong truyền thống nhà thờ qua nhiều thế kỷ. Năm 1905, giáo hoàng Pius X đã hoàn toàn chấp nhận : “Con trẻ chết đi dù chưa chịu phép báp têm sẽ ở vào tình trạng chết lâm bô, nghĩa là dù chúng không biết đến Thượng đế, nhưng chúng cũng sẽ không phãi chịu hình phạt”. Ngày nay, các tư tưởng lớn của nhà thờ đang cân nhắc lại về sự việc ấy.

Ai có thể nghĩ đến được một dự án đáng thương hơn về trí thức như thế này? Hãy thử tưởng tượng xem các bàn cãi này sẽ ra thế nào. Có khả năng mỏng manh nào cho ai đó trình bày được một bằng chứng cho thấy sộ phận đời đời của các đứa trẻ chưa chịu phép báp têm này sau khi chết đi ra sao không? Làm sao mà một ai có ăn học không thể nghĩ rằng những việc này chỉ là những việc mất thì giờ một cách khôi hài, kinh khủng và vô ý thức? Khi ai đó nghĩ đến thực tại rằng đây sẽ là cái lập thành đầu tiên để dẫn đến và chở che cho đạo quân tinh túy của sự quấy nhiễu tình dục trẻ em, cả công trình sẽ bắt đầu rỉ ra những mùi hương ma quỷ của sự phí phạm năng lực con người.

XUNG ĐỘT giữa khoa học và tôn giáo có thể rút gọn vào một sự kiện đơn giản trong tiến trình hiểu biết của con người: người ta hoặc là có lý lẽ đúng cho điều mình tin hoặc là không có. Nếu có lý đúng cho sự việc Jesus đã sinh ra từ sự đồng trinh, hoặc Muhammad đã bay về trời bằng một con ngựa có cánh, thì những niềm tin này sẽ tạo nên một phần những giải thích có ý thức của chúng ta về vũ trụ. Mọi người đều nhận ra rằng chỉ dựa vào “đức tin” để để phán đoán những vấn đề đặc biệt của thực tế lịch sử là một sự kỳ cục – trừ khi các cuộc thảo luận lại quay về nguồn căn của các kinh sách như cuốn Thánh kinh hoặc kinh Koran, trở về các câu chuyện trao đổi giữa Muhammad và thiên sứ Gabriel, trở lại chuyện sống lại của Jesus, hoặc các thứ tín điều tôn giáo khác. Đã đến lúc để chúng ta nhận ra rằng đức tin không gì khác hơn cái mà những người có giấy phép hành nghề đạo giáo trao cho nhau để tin tưởng khi thất bại trong lý lẽ.

Trong khi sự cả tin, không bằng chứng là nhãn hiệu của sự điên loạn hoặc ngu xuẩn trong nhiều lãnh vực của đời sống, thì đức tin vào Thiên chúa vẫn còn một niềm tự hào lớn lao trong xã hội của chúng ta. Tôn giáo là một lãnh vực được xem là cao quý trong việc giả vờ như đã chắc chắn về những việc mà không ai có thể xác quyết được trong các cuộc đàm luận của chúng ta. Nó cho thấy rằng cái tinh hoa này chỉ phát triển đến những đức tin vẫn còn được nhiều người đăng ký mua. Còn ai bị bắt gặp đang thờ kính Thủy thần, ngay cả trên mặt đại dương, cũng sẽ bị xem như kẻ mất trí. (4)

Thực tại của Đời sống

Tất cả các cuộc sống phức tạp trên thế gian đã được phát triển từ những cấu thành sự sống đon giản từ hàng tỉ năm trước. Đây là một sự thực không còn phải bàn cãi trong giới trí thức nữa. Nếu bạn ngờ rằng nhân loại đã chuyển hoá từ các sinh thể có trước, bạn cũng có thể ngờ rằng mặt trời là một vì sao. Giả dụ là như thế, mặt trời trông có vẻ không giống như một vì sao thông thường, nhưng chúng ta biết rằng mặt trời là một vì sao tự nhiên đã ở một vị trí gần với địa cầu hơn. Hãy tưởng tượng ra sự xấu hổ của bạn khi đức tin tôn giáo của mình lại cho rằng mặt trời đã không phải là một ngôi sao. Tưởng tượng xem hàng triệu người Ki-tô giáo ở nưóc Mỹ đã chi hàng trăm triệu đô la hàng năm để chiến đấu chống lại những nhà thiên văn học và các nhà vật lý học thiên thể không tin thiên chúa về quan điểm này. Hãy tưởng tượng họ đã làm việc miệt mài đam mê như thế nào để mang những quan điểm vô căn cứ của mình về mặt trời giảng dậy trong các trường học của chúng ta. Đây chính là hoàn cảnh của quý bạn trong mối liên hệ với sự tiến hóa.

Những người Ki-tô giáo nghi ngờ sự thật của tiến hóa có khuynh hướng phát biểu những điều như “Tiến hoá chỉ là một lý thuyết, không phải là một thực tại”. Phát biểu như thế biểu lộ một loạt những hiểu lầm nghiêm trọng về cách xử dụng khái niệm “lý thuyết” trong các bàn luận khoa học. Trong khoa học, các sự kiện phải được giải thích trong mối tương quan với các sự kiện khác. Các khuôn thức giải thích rộng lớn hơn chính là “các lý thuyết”. Các lý thuyết, trên nguyên tắc, tạo ra các tiên đoán đã được chứng nghiệm. Cụm từ “ lý thuyết về sự tiến hóa” không hề có sự gợi ý tối thiểu rằng sự tiến hóa không phải là một thực tế. Người ta có thể nói về “ lý thuyết mầm mống của bệnh tật” hoặc “ lý thuyết về vạn vật hấp dẫn” mà không hề mảy may nghi hoặc rằng bệnh tật hay trọng lực không phải là những thực tế của thiên nhiên.

Cũng đáng để lưu ý rằng người ta có thể đạt đến văn bằng tiến sĩ trong bất kỳ ngành khoa học nào với mục đích không có gì khác hơn là xử dụng khoa học một cách bất chấp đạo lý của ngôn ngữ khoa học trong nỗ lực hợp lý hóa những điều rõ ràng không thỏa đáng trong Thánh kinh. Một nhóm người Ki-tô giáo đã làm như thế, một số người còn đạt được các bằng cấp của họ từ những trường đại học danh tiếng. Không nghi ngờ gì, những người khác sẽ đi theo các bước chân ấy. Dù những người này là các “nhà khoa học” đi nữa, họ thực không hành xử như những nhà khoa học. Họ hoàn toàn không tham dự vào cuộc tra vấn lương thiện về bản chất của vũ trụ. Và các tuyên ngôn của họ về Thượng đế cùng các thất bại của chủ nghĩa Darwin mà không có được một biểu hiện tối thiểu cho thấy có một cuộc tranh luận khoa học chính đáng về sự tiến hóa. Một cuộc thăm dò được thực hiện năm 2005 ở ba mươi bốn quốc gia nhằm đo lường tỉ lệ những người chấp nhận thuyết tiến hóa. Mỹ đứng hạng ba mươi ba, chỉ trên mỗi nước Thổ nhĩ Kỳ. Trong khi đó, kiểm tra kiến thức về toán và khoa học của học sinh trung học ở Mỹ thấp hơn học sinh ở Châu Âu và châu Á. Những dữ kiện này cho thấy rõ ràng chúng ta đang xây dựng một nền văn minh của sự ngu dốt.

Ðây là điều chúng ta biết. Chúng ta biết rằng vũ trụ có trước rất lâu hơn là như Thánh kinh chỉ ra. Chúng ta biết rằng tất cả các sinh vật phức tạp trên thế gian, kể cả chúng ta, đã tiến hóa từ những sinh vật lâu hơn trước đó qua tiến trình hàng nhiều tỉ năm. Bằng chứng cho sự việc này thì cực kỳ mạnh mẽ. Không còn thắc mắc gì rằng đời sống đa dạng mà chúng ta nhìn thấy chung quanh là sự diễn đạt của một mã số mầm sinh (genetic code) đã được ghi trong phân tử DNA, rằng DNA trải qua các cơ hội đột biến, một số đột biến làm gia tăng lợi thế tồn tại của các sinh vật và tái sản xuất trong một một trường đuợc cho trước. Tiến trình đột biến và chọn lọc tự nhiên cho phép các quần thể bị cô lập của những cá thể được lai giống và, trải qua thòi gian, để hình thành những sinh thể mới. Không còn thăc mắc gì nữa về sự việc con người chúng ta đã được tiến hóa từ những tổ tiên không phải con người. Từ các bằng chứng về gene di truyền, chúng ta biết rằng chúng ta có chung tổ tiên với loài khỉ, dã nhân, và các tổ tiên này đã có chung gốc nguồn với giống dơi và các loài vượn bay. Có một cội cây nhiều nhánh của sự sống mà ngày nay tính chất và hình thể của nó đã được thông hiểu khá tường tận. Hậu quả là, không có lý do gì để tin rằng các sinh vật cá thể đã được tạo nên trong hình dạng hiện tại của chúng. Tiến trình tiến hóa đã khởi đầu như thế nào vẫn còn là một bí mật, nhưng điều ấy tối thiểu không cho thấy rằng có thần thánh gì đang ẩn nấp trong đáy sâu của những sự kiện này. Ðọc các khẳng định từ kinh thánh tử tế sẽ thấy Thiên chúa đã tạo nên cây cỏ và muôn thú trong hình dạng mà chúng ta đang thấy ngày nay. Dứt khoát là cuốn Thánh kinh đã sai về sự việc này.

Hiện giờ, nhiều người Ki-tô giáo vốn nghi ngờ về sự thật của thuyết tiến hoá đang tán thành cho điều gọi là sự thiết kế thông minh (Intelligent Design). Vấn đề của Thiết kế thông minh (TKTM) là ở chỗ nó chỉ là một chương trình bênh vực chính trị, tôn giáo, giả trang khoa học không hơn không kém. Bởi vì niềm tin vào Thượng đế như trong thánh kinh không có được hỗ trợ nào từ các kiến thức khoa học về thế giới, các lý thuyết gia của Thiết kế Thông minh đã luôn luôn đặt cọc các khẳng định của họ vào những khu vực của sự ngu dốt về khoa học.

Cuộc tranh luận về TKTM đã đồng loạt tiến hành trên nhiều mặt. Như vô số những người vô thần trước kia, những nguòi hâm mộ TKTM đã biện luận rằng chính thực tế hiện hữu của vũ trụ chứng minh hiện hữu của Thưọng đế. Các biện luận đại loại xoay quanh rằng: bất kỳ vật gì hiện hữu đều có một nguyên nhân; không gian thời gian hiện hữu, do đó, không gian, thời gian nhất định phải được tạo nên bởi cái gì bên ngoài không gian, thời gian, và cái duy nhất vượt khỏi thời gian, không gian nhưng vẫn có một sức mạnh để sáng tạo chính là Thưọng đế. Nhiều người Ki-tô giáo như quý bạn nhận thấy lý lẽ này rất là thuyết phục. Thế nhưng, ngay cả chúng ta giả định rằng các khẳng định chính của thuyết này (mỗi khẳng định đòi hỏi đến nhiều bàn cãi hơn cả những gì mà các lý thuyết gia của TKTM từng chấp nhận) là đúng, thì kết luận chung cuộc lại không đến được. Ai là người để tuyên bố rằng kẻ duy nhất có thể tạo căn nguyên cho thời gian, không gian là một loài siêu nhân? Nếu như chúng ta chấp nhận rằng vũ trụ của chúng ta đơn giản là được thiết kế bởi một nhà thiết kế, cũng không có ý rằng nhà thiết kế này phải là Thượng đế của Thánh kinh, hoặc rằng đấng thiết kế ấy tán thành Ki-tô giáo. Nếu được thiết kế một cách thông minh, vũ trụ của chúng ta có thể đang vận hành như một mô phỏng từ một siêu máy tính của người hành tinh. Hoặc vũ trụ chúng ta là công trình của một Thiên chúa bị quý ám, hoặc của hai đấng đang kéo co ganh đua với nhau trong một vũ trụ rộng hơn.

Như nhiều phê bình về tôn giáo đã vạch ra, khái niệm về đấng sáng tạo dẫn đến một vấn nạn trực tiếp cho sự thoái bộ vô định. Nếu Thiên chúa tạo nên vũ trụ, cái gì đã tạo nên Thiên chúa? Bảo rằng Thiên chúa, như đã định nghĩa, là đấng không do đâu tạo nên thì đúng là lý luận lòng vòng. Ðấng nào có năng lực sáng tạo nên một thế giới phức tạp có lẽ bản thân cũng rất phức tạp. Như nhà sinh vật học Richard Dawkins đã nhiều lần quan sát, tiến trình tự nhiên duy nhất có thể sản xuất được một cái gì thiết kế nên sự vật mà chúng ta hằng biết đó chính là sự tiến hóa.

Sự thật là không ai biết bằng cách nào và vì sao mà vũ trụ này đi vào hiện hữu. Cũng không rõ ràng là chúng ta có thể phát biểu mạch lạc về sự sáng tạo nên vũ trụ, ngay cả khi biến cố như thế có thể cưu mang chỉ với sự tham chiếu vào thời gian trong khi chúng ta đang phát biểu về sự sinh sản của tự chính bản thân không-thời-gian. (5) Bất kỳ người lương thiện trí thức nào cũng sẽ phải thú nhận rằng mình không biết tại sao vũ trụ hiện hữu. Dĩ nhiên, các nhà khoa học đã thú nhận sự ngu dốt của họ về điểm này. Những người theo tôn giáo thì không thú nhận như vậy. Một trong những mỉa mai ấn tượng nhất của luận thuyết tôn giáo có thể đánh giá được là tính thường xuyên chê trách của những người có đức tin về những nhà khoa học và người không tôn giáo là sự kiêu căng trí thức trong khi tự ca tụng mình đức khiêm tốn của mình. Thực sự không có thế giới quan nào đáng trách như cái nhìn thế này của một người có đạo: đấng tạo dựng vũ trụ quan tâm đến tôi, công nhận tôi, yêu thương tôi, và sẽ thưởng tôi sau khi chết; niềm tin hiện tại của tôi, được rút ra từ thánh kinh, và sẽ mãi mãi là những khẳng định của sự thật cho đến ngày tận cùng của thế giới; kẻ nào không đồng ý với tôi sẽ vĩnh viễn rơi vào địa ngục… Một người Ki-tô giáo thông thường, trong một nhà thờ thông thường, lắng nghe một bài thuyết giảng chủ nhật thông thường này thực đã đạt đến một mức độ cao ngạo rồi.

HƠN 99 PHẦN TRĂM các sinh thể từng đi đứng, bay lượn hoặc bò trườn trên địa cầu này hiện đã tuyệt chủng. Riêng sự thật này thôi đã đủ bác bỏ thiết kế thông minh. Khi nhìn vào thế giới tự nhiên, chúng ta thấy sự phức tạp phi thường nhưng không thấy sự thiết kế tối ưu. Chúng ta thấy sự dư thừa, thoái bộ và sự phức tạp không cần thiết; chúng ta thấy sự thiếu khả năng một cách đáng hoang mang khiến dẫn đến đau đớn và chết chóc. Chúng ta nhìn thấy những loài chim không bay và loài rắn có xương chậu. Chúng ta thấy các sinh vật ngành cá, kỳ nhông, loài giáp xác có những con mắt nhưng không hề nhìn được, bởi vì chúng tiếp tục tiến hóa trong bóng tối lặng thầm cả triệu năm. Ta thấy cá voi có răng trong giai đoạn phôi thai nhưng rút bỏ không còn nữa khi khi trưỏng thành. Những đặc tính đó của thế giới chúng ta thực cực kỳ bí hiểm. Nếu như Chúa sáng tạo nên muôn loài trên cuộc sồng địa cầu này “một cách thông minh”; thì không có loài nào phải bối rối khó xử trong ánh sáng của sự tiến hóa.

Nhà sinh vật học J.B.S.Haldane được biết đã từng nói rằng, nếu có Thiên chúa, Người hẳn đã “có một niềm yêu khác thường cho các loài bọ”. Có người đã hy vọng rằng kiểu quan sát phá bĩnh này sẽ mãi mãi gấp lại cuốn sách về sáng tạo luận. Sự thật là, trong khi hiện nay có vào khoảng ba trăm năm mươi ngàn loại bọ được biết đến, Thượng đế cho thấy lại dành nhiều tình thương hơn đối với loài vi khuẩn. Các nhà sinh vật học ước tính rằng tối thiểu mỗi loài động vật trên địa cầu có đến mười chủng loại vi khuẩn khác nhau. Dĩ nhiên nhiều vi khuẩn thì vô hại, và một số vi khuẩn cổ đại có thể đã đóng một vai trò quan trọng trong sự nảy sinh các sinh vật phức tạp. Nhưng các vi khuẩn có khuynh hướng xử dụng đến các cơ thể như của bạn và của tôi để làm bộ phận sinh dục vay mượn của chúng. Nhiều loại tấn công các tế bào của chúng ta chỉ để phá hủy. Phá hủy các tế bào của chúng ta một cách kinh khủng, không thương hại và không ngừng nghỉ. Các vi khuẩn như HIV, cũng như một số nhiều các loại vi khuẩn gây hại, có thể được nhìn thấy lúc nhúc ngay dưói lỗ mũi chúng ta, làm hại chúng ta vì những phát triển sức đề kháng chống lại các thuốc trụ sinh và chống vi khuẩn. Thuyết tiến hóa vừa tiên đoán vừa giải thích hiện tượng này; sách Genesis thì không hề. Làm sao bạn có thể tưởng tượng rằng đức tin tôn giáo mang lại những giải thích tốt nhất cho những thực tế này, hay là các niềm tin tôn giáo muốn nói đến mục đích thương xót sâu xa hơn của một sinh thể toàn trí ?

Cơ thể của chúng ta chứng thực tính đỏng đảnh và bất lực của tạo hóa. Khi còn nằm trong phôi thai, chúng ta có đuôi, có túi mang và một lớp lông như loài khỉ. Hạnh phúc thay, khi sinh ra chúng ta được mất đi những thứ phụ tùng quyến rũ ấy. Quy trình kỳ lạ của hình thái học này đã được giải thích sẵn sàng trong lý thuyết tiến hóa và các điều kiện về di truyền học ; nếu chúng ta là sản phẩm của một thiết kế thông minh thì những điều này là quá bí hiểm: nam giới có ống tiết niệu dẫn thẳng từ các tuyến tiền liệt. Tuyến này có khuynh hướng tăng trưởng, to ra trong suốt cuộc đời. Vì thế, hầu hết đàn ông quá tuổi sáu mươi có thể chứng thực rằng tối thiểu có một thiết kế trên địa cầu xanh tươi của Thiên chúa đã khiến người đàn ông ước ao phải chi đừng được như thế. Xương chậu của đàn bà đã không được thiết kế thông minh lắm khi nó phải được dùng để giúp vào phép lạ sinh sản. Từ đó, mỗi năm, hàng ngàn người phụ nữ phải đau đớn vì sanh lâu, sanh khó đến nỗi hậu quả dẫn đến chứng nghẹt thai. Phụ nữ trong các quốc gia đang phát triển bị tình trạng này thưòng bị chồng bỏ, hoặc phải đi ra khỏi làng mạc của mình. Quỹ hỗ trợ Dân số của Liên Hiệp quốc ước tính hiện nay có đến hơn hai triệu phụ nữ phải sống mang chứng nghẹt thai (fistula). (6)

Các điển hình của sự thiết kế không thông minh trong tự nhiên nhiều đến nỗi chỉ liệt kê ra thôi cũng cần đến cả một cuốn sách. Tôi xin tự cho phép mình kể ra một điển hình nữa mà thôi. Hệ thống hô hấp và tiêu hóa của con người cùng dùng chung một cơ phận bơm ở cuống họng. Chỉ riêng tại Mỹ, hàng năm, đặc trưng của thiết kế thông minh này đã khiến cả chục ngàn đứa trẻ phải vào bệnh viện cấp cứu. Hàng trăm đứa trẻ chết vì nghẹt thở. Nhiều trẻ khác bị tổn thương não không thể chữa trị được. Chủ đích nhân ái nào trong những sự việc này? Dĩ nhiên, chúng ta có thể tưởng tượng ra một mục đích: có lẽ cha mẹ của những trẻ em này cần được dạy một bài học; có lẽ Thượng Đế đã chuẩn bị một phần thưởng đặc biệt trên thiên đàng cho mỗi em bị tắc thở vì bình sữa. Tuy nhiên, vấn nạn chính ở chỗ những tưỏng tưọng như thế tương hợp với bất kỳ hiện trạng nào của thế gian. Có nỗi bất hạnh kinh hoàng nào không thể hợp lý hóa được bằng cách này? Và tại sao bạn thiên về cách suy nghĩ như thế? Suy nghĩ như thế thì đạo đức đến đâu?

Tôn giáo, Bạo hành và Tương lai của Nền văn minh

Cả tỉ người chia xẻ cùng niềm tin với bạn rằng đấng tạo dựng vũ trụ đã viết (hay đọc cho người khác viết) các cuốn kinh sách của chúng mình. Kém may mắn thay, có quá nhiều cuốn sách đã giả tạo như có nguồn gốc từ các tác giả thánh thần và đã khẳng định những điều không không giống nhau về việc tất cả chúng ta phải sống như thế nào. Các học thuyết tôn giáo cạnh tranh đã làm tan nát thế giới của chúng tan ra từng mảnh cộng đồng đạo đức riêng rẽ, và những chia rẽ này đã trở nên một cội nguồn liên tục của đối kháng nhân loại.

Ðể đáp ứng với tình hình này, nhiều người nhạy cảm cổ võ cho cái gọi là lòng khoan dung tôn giáo. Dù khoan dung tôn giáo chắc chắn là tốt hơn chiến tranh tôn giáo nhưng sự khoan dung không phải không có vấn đề của chính nó. Nỗi lo sợ của chúng ta về sự khiêu khích các hận thù tôn giáo đã dẫn chúng ta đến việc không sẵn lòng phê bình các tư tưởng đang ngày càng tăng thêm các áp dụng không đúng chỗ và lố bịch rõ rệt. Nỗi lo sợ này cũng ép buộc chúng ta phải tự lừa dối mình – lập đi lập lại và ở những mức cao nhất của bàn luận - về sự tương thích giữa đức tin tôn giáo và hợp lý khoa học. Những cạnh tranh về xác quyết tôn giáo của chúng ta đang cản bước xuất hiện của một nền văn minh toàn cầu vốn có thể thành tựu được. Ðức tin tôn giáo- đức tin cho rằng có một đấng Thiên chúa, Người quan tâm đến chính cái danh xưng mà mình đưọc xưng danh, đức-tin tin rằng Jesus sẽ trở lại thế gian, đức tin rằng các người tử đạo Hồi giáo sẽ đi thẳng lên Thiên đàng – đang ở phía sai lầm của cuộc chiến tranh tư tưởng đang leo thang.

Tôn giáo làm tăng những xung đột nhân loại hơn là sự đề cao bộ lạc, phân biệt chủng tộc, hoặc chính trị từng gây ra, vì đó là hình thái duy nhất của những suy tưởng của người cùng hội /kẻ ngoài hội, đúc khuôn được những khác biệt giữa con người trong các phạm vi về trừng phạt và phần thưởng đời đời. Một trong những bệnh lý học lâu dài của văn hoá nhân loại là khuynh hướng nuôi dạy trẻ em biết sợ hãi và quỷ ma hóa con người khác bằng những căn bản của đức tin tôn giáo. Do vậy, đức tin tối thiểu đã khơi dậy bạo hành trong hai cách. Một là, con người thường giết hại kẻ khác vì họ tin rằng đấng tạo hóa muốn họ phải hành động như thế. Những kẻ khủng bố Hồi giáo là thí dụ gần đây nhất cho hành xử loại này. Hai là, rất đông người rơi vào các đối nghịch với kẻ khác vì họ muốn vạch định tập thể đạo đức của mình trên căn bản của mối quan hệ tôn giáo: Hồi giáo đứng về phe những người Hồi giáo khác, Thệ phản giáo với thệ phản giáo, Công giáo với công giáo. Những xung đột này không chỉ dứt khoát vì tôn giáo. Nhưng sự mù quáng cố chấp và thù hận vốn chia rẽ cộng đồng này với cộng đồng khác thường còn là các sản phẩm của sự nhận dạng tôn giáo. Bỏi vậy, những xung đột dưòng như bị chi phối hoàn toàn từ những quan hệ trần thế này lại thưòng có căn nguyên sâu xa từ trong tôn giáo. Cuộc chiến đã quấy rối người Palestine (Do thái giáo chống Hồi giáo), vùng Balkans (Chính thống giáo Serbians chống Công giáo Croatians; Chính thống giáo Serbians chống Hồi giáo Albanian và Bosnian), Bắc Ái nhĩ Lan (Phản thệ giáo chống Công giáo), vùng Kashmir (Hồi giáo chống Ấn độ giáo), Sudan (Hồi giáo chống Ki-tô giáo và những người theo thuyết vật linh), Nigeria (Hồi giáo chống Ki-tô giáo), Ethiopia và Eritrea (Hồi giáo chống Ki-tô giáo), Ivory Coast (Hồi giáo chống Ki-tô giáo), Sri Lanka (Phật giáo Sinhalese chống Ấn độ giáo Tamil), Phi luật Tân (Hồi giáo chống Ki-tô giáo), Iran và Iraq (Hồi giáo Shiite chống Hồi giáo Sunni) và vùng Caucasus (Chính thống giáo Nga chống Hồi giáo vùng Chechen, Hồi giáo Azerbaijan chống Công giáo và Chính thống giáo Armenie), tất cả chỉ là những trường hợp rất gần đây trong sự kiện này.

Và cho đến lúc này, khi các phân rẽ tôn giáo trong thế giới của chúng ta là hiển nhiên, nhiều người vẫn tưởng tượng rằng xung đột tôn giáo luôn luôn có nguyên nhân từ sự thiếu giáo dục, nghèo đói hay chính trị. Hầu hết những người không theo tôn giáo nào hoặc những người tự do, ôn hòa hình như cho rằng chẳng có ai phải thực sự hy sinh mạng sống của cá nhân mình hay của người khác vì các xác chứng tôn giáo của mình. Những người như thể đơn giản là chưa hiểu được việc muốn chắc được vào chốn thiên đàng là phải như thế nào. Do đó, họ không tin là có ai chắc chắn được lên thiên đàng. Ở đây, cũng đáng để nhớ lại là những không tặc của ngày 11 tháng 9 là những người tốt ngiệp cao đẳng, những con người trung lưu rõ ràng là chưa từng trải qua sự áp bức chính trị. Thế mà, họ đã bỏ rất nhiều thì giờ ở các đền thờ địa phương của họ để trao đổi về sự trụy lạc của những tên phản đạo và về những lạc thú đang dành cho những người tử đạo trên thiên đường. Phải cần đến bao nhiêu kiến trúc sư, kỹ sư húc vào bức tường ở tốc độ bốn trăm dặm một giờ trước khi chúng ta tự nhận rằng bạo lực thánh chiến ấy không một mảy may là sự kiện của thiếu giáo dục, nghèo kém hay chính trị? Sự thật, khá lạ lung là như thế này: vào năm 2006, một người có thể đủ trí tuệ cần thiết và tài nguyên vật liệu để tạo một quả bom hạch nhân và kẻ ấy vẫn tin rằng mình sẽ có được bảy mươi hai trinh nữ trên thiên đường. Những nhà tư tưởng thế tục, tự do và ôn hòa ở phương Tây đã rất chậm hiểu vấn đề này. Sự nhầm lẫn, bối rối có nguyên nhân rất đơn giản: Họ không biết rằng thế nào là sự cả tin vào Thượng đế.

Hãy để chúng tôi cân nhắc ngắn gọn xem những xác quyết trái nghịch của tôn giáo sẽ dẫn chúng ta về đâu trên bối cảnh toàn cầu. Hiện nay quả đất là nhà ở của khoảng 1.4 tỉ người Hồi giáo, đa số họ tin rằng có một ngày bạn và tôi hoặc sẽ cảỉ đạo trở thành Hồi giáo để sống khuất phục dưói một vị giáo chủ Hồi giáo, hoặc sẽ bị giết chết vì sự không tin theo của mình. Hồi giáo hiện là tôn giáo phát triển nhanh nhất ở Âu châu. Mức sinh sản của người Hồi giáo ở Âu châu nhiều gấp 3 lần ở các láng giềng không Hồi giáo. Nếu khuynh hướng hiện này cứ tiếp tục, và dù ngay ngày mai những cuộc di dân có bị chặn đứng lại, thì hai mươi lăm năm nữa, Pháp sẽ là quốc gia có đa số là Hồi giáo. Khắp Âu châu, các cộng đồng Hồi giáo thường rất ít có khuynh hướng thu nhận các giá trị dân sự và thế tục từ các nước chủ nhà của họ, lại còn lợi dụng tối đa những giá trị này, yêu sách đến sự tha thứ cho tính thù ghét phụ nữ, oán hận người Do Thái của họ, và lòng oán hận tôn giáo thường xuyên được rao giảng trong các đền thờ của họ. Cưỡng bức hôn nhân, giết người vì danh dự, hãm hiếp tập thể để trừng phạt và sự ghê tởm hành vi giao hợp đồng tính đến độ giết người, tất cả là hiện là những đặc điểm của một Âu châu thế tục khác nhờ vào Hồi giáo.(7) Sự phải đạo chính trị và nỗi lo sợ về sự kỳ thị chủng tộc đã khiến nhiều người Âu châu do dự trong việc chống lại các cống hiến tôn giáo đáng sợ của những người cực đoan lẫn trong họ. Với một vài ngoại lệ, các khuôn mặt cộng đồng từng có can đảm nói thẳng về mối hiểm họa của Hồi giáo đối vói Châu Âu là những người Phát-xít. Ðây là một dự báo không lành mạnh cho tương lai của nền văn minh.

Ý tưởng cho rằng Hồi giáo là “một tôn giáo hòa bình bị những kẻ cực đoan cướp đoạt” là một ý tưởng hoang đường, và ý tưởng đó hiện là một hoang đường đặc biệt nguy hiểm vì Hồi giáo đang được thụ hưởng ý tưởng ấy. Không rõ chúng ta sẽ tiến hành cuộc đối thoại của mình với thế giới Hồi giáo bằng cách nào, nhưng tự đánh lừa mình bằng những uyển ngữ không thể là một giải pháp. Hiện nay, rõ ràng các phạm vi của chính sách đối ngoại nói lên sự thật là những cải cách thực sự trong thế giới Hồi giáo không thể áp đặt từ bên ngoài vào. Nhưng nhận thức được nguyên nhân tại sao như vậy là một điều quan trọng - sự thể như vậy là vì hầu hết những người Hồi giáo đều cực kỳ loạn trí bởi đức tin tôn giáo của họ. Người Hồi giáo có khuynh hướng thường nhìn các vấn đề của chính sách công cộng và xung khắc toàn cầu qua các phạm trù liên quan đến Hồi giáo của họ. Và người Hồi giáo nào không có cùng cái nhìn như thế sẽ có cơ nguy bị gắn cho nhãn hiệu bội giáo và bị những người Hồi giáo khác giết chết.

Nhưng làm sao chúng ta có thể mong thuyết phục những người Hồi giáo nếu như chúng ta không thể tự thuyết phục chính mình? Sẽ chẳng đạt được gì nếu chỉ khẳng định rằng “chúng mình thờ phượng cùng một Thiên chúa”. Chúng ta không hề thờ phượng một Thiên chúa chung, và không có gì thực chứng cho điều này hùng hồn hơn là một lịch sử nhuộm máu vì tôn giáo của chúng ta. Trong nội bộ Hồi giáo, người Shi’a và người Sunni cũng không thể đồng lòng với nhau trong việc cùng thờ phượng một Thiên chúa chung, và chính vì lý do này mà họ đã chém giết lẫn nhau trong nhiều thế kỷ.

Dường như rất khó để hàn gắn được những rạn nứt trong thế giới chúng ta thông qua đối thoại giữa những người không cùng tín ngưỡng. Người Hồi giáo cuồng nhiệt cũng tin rằng tôn giáo của họ là hoàn hảo như chính bạn tin vào tôn giáo mình như thế và bất kỳ sự trệnh hướng nào cũng sẽ dẫn đến địa ngục. Lẽ dĩ nhiên, thật dễ dàng cho các vị đại diện các tôn giáo lớn thỉnh thoảng hội họp với nhau để cùng đồng ý rằng nên có hòa bình trên địa cầu, hay rằng là tình thương yêu sẽ là sợi chỉ xuyên suốt để kết hợp được tất cả các đức tin tôn giáo trên toàn cầu. Nhưng không thể thoát khỏi sự thực là niềm tin tôn giáo của một cá nhân đã đơn độc chi phối suy nghĩ của y về mối ích lợi của một nền hòa bình cũng như y thực sự muốn nói gì về “tình bác ái”. Có hàng triệu – có lẽ hàng trăm triệu – người Hồi giáo sẵn sàng chết trước khi họ có thể cho phép phiên bản bác ái của bạn đạt được chỗ đứng trong các bán đảo Ả Rập. Làm sao mà các đối thoại không cùng tôn giáo, ngay cả ở cấp cao nhất, hoà hợp được những thế giới quan vốn đã không thể tương thích tự nền tảng, miễn nhiễm với những cải tiến tự trong nguyên tắc. Sự thật là, cái gì và nguyên nhân tại sao đã khiến nhiều tỉ người tin theo mới là điều hệ trọng.

 

(xem đoạn kết)

 

Trang Tôn Giáo